Monday, May 12, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Hãy sống một đời sống tích cực.

Hỏi: Hãy sống một đời sống tích cực.

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 8-5-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Khi đề cập đến thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp, chúng ta nên hiểu chúng ta rất dễ tạo ra nghiệp bất thiện do vậy nếu chúng ta sống tích cực thì chúng ta phải làm thế nào để đời sống gắng liền với một số những việc làm tốt, để tâm tư, tâm ý, hành động, và lời nói của chúng ta được hướng về thiện. 

Lấy ví dụ, nếu mình ngồi không thì ý nghĩ mình về người này, người khác, về chuyện hận thù, về chuyện phiền não có rất nhiều. Do vậy để mình bớt ý nghĩ bất thiện thì mình nên tìm cơ hội để tu để học. Thí dụ tham dự các khóa tu học, làm những việc thiện chẳng hạn. Khi mình làm những việc thiện thì tâm mình bớt nghĩ việc quấy.

 Ở trong đời sống, chúng ta nên có một vài sinh hoạt mà sinh hoạt đó khả dĩ giúp chúng ta kiểm soát được lời nói của mình. Giả sử như mình không biết làm chuyện gì nhưng buổi sáng chúng ta vào đây để cùng nhau đọc lại lời của Đức Phật dạy, cùng nhau nói cùng nhau nghe những điều liên quan đến lời Đức Phật dạy, ít nhất trong 2 tiếng đồng hồ đó thì chúng ta cũng không nghĩ đến chuyện bất thiện để chúng ta tập trú vào việc tốt. 
Trong cuộc sống mà tìm cho mình được công việc tốt, công việc thiện để gửi gấm đời sống của mình để tận dụng thì giờ của mình thì nó lợi ích và giúp cho chúng ta tránh được những cái gọi là nhàn cư vi bất thiện. 
Và rồi ở trong cuộc sống của chúng ta nên có liên tưởng hay nghĩ đến những cái đẹp như cái đẹp của chùa chiền, đẹp của tượng Phật, đẹp của thiên nhiên, những cái đẹp làm cho tâm hồn của chúng ta thư giản thoải mái. 

Có nhiều người thấy rất tội nghiệp ở một điểm là cũng muốn an lạc nhưng những gì họ suy nghĩ không an lạc chút nào. Như mình muốn sạch sẽ mà mình không giữ sạch sẽ, mình muốn sạch sẽ mà mình tìm đến chỗ dơ bẩn mà mình muốn sạch sẽ thì rất là khó. Mình muốn tìm chỗ thơm tho, muốn chỗ không có mùi hôi thối mà mình đến ở gần đống rác thì bảo là mình tránh mùi hôi thối thì cũng không thể có được. Rất là dễ xảy ra trường hợp như vậy.

Chúng ta nên có được một hoài bảo cái gì tốt đẹp ở trong cuộc sống nhất là mình sống phụng sự cho người khác, ngay cả những ý nghĩ thầm kín. Thí dụ như hồi hướng phước, thay vì mỗi ngày chúng ta cùng nghe pháp hay làm gì đó xong rồi chúng ta đi ra chúng ta không nghĩ gì hết thì chúng ta ngồi lại một chút phút cũng được hai phút cũng được để thành tâm hồi hướng phước lành đó cho Chư Thiên, cho những người xung quanh, cho những chúng sanh mình thấy được hay không thấy được, hay là cho những người đã quá vãng. Đừng xem thường những giây phút đó. 

Tại vì khi mình nghĩ tốt, mình có tâm nghĩ đến người khác, điều đó ảnh hưởng những thì giờ còn lại của mình. Điều đó cho chúng ta thấy rằng chúng ta có giây phút nghĩ đến chúng sanh khác bằng tâm từ. Tâm từ ở đây là mong cho người khác được tốt đẹp. Chúng tôi biết rằng có đôi khi người ta không chịu, họ nói rằng mình hồi hướng phước như vậy đó là để cho ai đó mà mình không biết. Nhưng thật ra điều đó làm tâm của chúng ta mát mẻ. Thay vì mình ngồi mình hiềm khích vị nào ở trong rơom này mà chúng ta cố tình nói đay nghiến để mà nói những điều tồi tệ thì cách nói đó làm tâm của chúng ta, bản thân của chúng ta không an lạc và người đó cũng không an lạc. Nếu giả xử như chúng ta ngồi ở trước máy, chúng ta nghĩ rằng mong cho tất cả quí Phật tử đang ngồi nghe pháp được an lạc thì dù tâm niệm đó rất thầm kín, rất riêng tư trong lòng mình nhưng ít nhất cũng cho mình được sự mát mẻ. 

Người Tây Phương có câu nói rằng: "Tay nào nên tặng hoa thơm chính bàn tay ấy được thơm trước rồi". Mình đem cái gì tốt đẹp nghĩ cho người khác dù là hồi hướng phước dù niệm tâm từ thì bản thân mình là mình được hưởng sự mát mẻ sự an lạc. Không có khi nào mà mình nghĩ về người khác bằng một ý thiện mà tâm mình lại bất an. Và cũng không khi nào mình nghĩ về chuyện ghét bỏ thù hận người này thù hận người khác mà tâm mình được hạnh phúc. 

Chúng tôi thấy có những người mà họ tạo thành một thói quen lúc nào cũng chỉ trích, lúc nào cũng than phiền, lúc nào cũng có kẻ thù để làm khổ chính họ. Mình có thể nhìn cuộc đời này bằng ánh mắt hận thù, nhưng mình quên rằng nọc độc nó tàn hại tâm mình nó luôn luôn đay nghiến nó luôn luôn làm khổ chính mình, nó làm cho mình nói không thoải mái, nó làm cho mình đi không thoải mái, làm cho mình nằm không thoải mái, làm cho mình cười không thoải mái, làm cho mình sống không thoải mái. Để làm gì, để tự đày đoạ chính mình nhưng mà mình không thấy sự đó. Và đôi khi mình lầm tưởng rằng đó là lẽ sống của mình, đôi khi mình lầm tưởng rằng đó là sức mạnh của mình, đôi khi mình lầm tưởng rằng đó là hạnh phúc của mình.

 Qúi vị biết rằng, Nhiều khi có người nghĩ rằng chỉ trích người khác, mình nói xấu, hận thù với người khác nó làm cho đời sống mình nó thêm phần sinh khí nó thêm phần thú vị. Nhưng thật ra không có sinh khí chỗ nào, những người đó họ sống suốt cuộc đời tạo thêm bao nhiêu thù oán, tạo nên bao nhiêu oan trái, và chính họ cũng khổ, chính họ cũng cô đơn. Nếu chúng ta không sống tích cực chúng ta dễ rơi vào trường hợp đó. 

Đức Phật Ngài giống như ông cha của chúng ta, Ngài dạy chúng ta sống an lạc, Ngài dạy chúng ta sống thế nào mà tâm của chúng ta được nhẹ nhàng thanh thản. Thật sự Ngài dạy chúng ta sống an lạc như vậy, có nhiều khi chúng ta đọc vào kinh chúng ta thấy rằng chuyện đó bình thường, nói ra là mình hiểu rồi, nhưng đem áp dụng vào đời sống thì nó là cả bao nhiêu vấn đề.

 Và chúng tôi cũng xin chia sẻ với qúi Phật tử một điều là dù hoàn cảnh có phiền đến đâu, hoàn cảnh có mệt đến đâu nhưng trong lòng mình tâm an lạc thanh thản thì mình vẫn cảm thấy vui cảm thấy hạnh phúc. Và cho dù mình sống ở trong cung vàng điện ngọc, mình sống trong bao nhiêu phương tiện chức vụ quyền hành mà tâm mình luôn luôn cay đắng thì thật ra không hạnh phúc. 

Điều đó đối với người Phật tử thì biết rõ, với người Phật tử thì điều quan trọng là nội tâm của chúng ta bớt đi sự dính mắc, bớt đi sự hận thù, bớt đi sự mê tối hay không, chỉ đơn giản như vậy. Nên chúng ta cần làm cái gì đó, hồi nãy chúng tôi có nói là qúi Phật tử thử làm một việc là sau khi mỗi lần chúng ta có thì giờ để nghe pháp, nghe pháp cũng là một chuyện tạo phước. Thay vì mình rời khỏi rơom một cách vội vã, thì tắt máy rồi ngồi nhắm mắt lại mình nguyện đem phước lành đó hồi hướng trước nhất là cho những bậc hữu ân của chúng ta như cha mẹ thầy tổ. Ở trong đời của chúng ta có nhiều ân nhân, họ cho chúng ta rất nhiều, họ giúp chúng ta rất nhiều, mình không bao giờ có dịp đền đáp nhưng ít nhất trong lòng mình có nhớ ơn họ ít nhất trong lòng mình có nhớ có nghĩ đến họ. Ngài Xá Lợi Phất ngày xưa có một người cho Ngài 3 bát cơm mà Ngài còn nhớ huống chi trong đời sống của mình có rất nhiều người cho mình những thứ mà suốt đời mình không thể đền đáp được cho họ.

 Thì mình ngồi mình suy nghĩ một chút mong cho những bậc hữu ân được đầy đủ phước lành, chúng ta cũng hồi hướng phước đến Chư Thiên, hồi hướng đến những người chung quanh và kể cả những người thân hay không thân với chúng ta. Kể cả những người thù nghịch ta, lâu lâu  chúng ta thử đem tất cả phước lành đã tạo cầu nguyện cho những người có oan trái thù nghịch với mình được an lạc hạnh phúc chúng ta sẽ cảm thấy rất an lạc.

 Chúng ta không cần chuyện quả báu đời sau, khi mình cầu nguyện phước lành hồi hướng phước lành cho những người thù nghịch hay mình đem tâm từ nghĩ đến họ thì tự nhiên tâm mình bớt thù nghịch, mình bớt sân tâm thì nó khỏe. Buổi sáng mở mắt thức dạy thù hận để làm gì, buổi tối mình đi ngủ tâm mình cay đắng để làm gì, chỉ để khổ thôi. Buôn thù chuốc oán để làm gì, để trong lòng chúng ta lúc nào cũng phiền khổ.

Và vì vậy, nếu chúng ta học và hiểu được lời dạy của Đức Phật thật sự thì chúng ta nhớ một điều rằng Đức Phật Ngài muốn chúng ta để ý, quan tâm, có chánh niệm với thân, với khẩu với ý của chúng ta. Đặc biệt là  trạng thái tâm của chúng ta buổi sáng chúng ta thức dạy có một tấm lòng rất nhẹ nhàng rất thanh thản. Nếu mình thức dạy một cách thanh thản và mình đi ngủ một cách thanh thản thì thật sự mình rất gần với lời Đức Phật dạy. Và nếu chúng ta thức dạy bằng tâm nặng nề thì thật sự chúng ta đang sống xa lời dạy của Đức Phật và chúng ta đang sống với thân phận rất tội nghiệp là tại vì mình không chăm sóc tốt cho bản thân của mình./.

No comments:

Post a Comment