Monday, June 30, 2014

Ngày 30-6-2014 Khởi Nguồn Chánh Pháp

Dẫu người hay vật khác chi
Đại bi tâm ấy thương vì chúng sanh
MỘT LẦN THỜI THƠ ẤU THÁI TỬ SIDDATTHA ĐÃ TẬN LỰC CỨU CON CHIM THIÊN NGA BỊ BẮN BỞI HOÀNG TỬ DEVADATTA

Tranh: Global Pagoda Chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng
© Copyright 2010 Phap Luan Buddhist Cultural Center

Phật Học Vấn Đạo - Học có bằng cấp cao có được coi là có trí tuệ lớn, có trí năng sáng suốt không?

Hỏi: “Thưa quí sư, nếu người học y, học luật mà không học Phật pháp, ra hành nghề y, nghề luật sư cũng như những người học giáo lý Thiên chúa, đạo Hồi trở thành linh mục, giáo sĩ. Họ có được coi là có trí tuệ lớn mạnh, có trí năng sáng suốt không?”

(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, thời kinh Pháp Cú, Minh Hạnh chuyển biên)

 TT. Giác Đẳng:  Nói về trí năng thì những ai có trình độ học cao mang tính cách chuyên môn trong lãnh vực nào thì trí năng của họ rất cao trong lãnh vực của họ.

Trí trong Đạo Phật, chúng ta thường nghe có ba lọai trí: Trí văn, trí tư và trí tu.

 Đối với một người như chúng ta, người Phật tử, nếu chúng ta học Phật pháp mà chúng ta không có tu tập thì chúng ta chỉ đạt được trí văn và trí tư thôi. Trí văn là trí do học hỏi ở bên ngoài. Trí tư là do khả năng tư duy của chúng ta. Nhưng trí tu là những gì chúng ta thấy và biết được do tâm tư tu tập, vắng lặng phiền não. Khi chúng ta bớt đi phiền não chúng ta thấy sự việc nó khác hơn một người có phiền não mà cố gắng lý luận về vấn đề này. 

Chúng tôi thường gặp những bi kịch xảy ra trong các ngôi chùa là một số các Phật tử quen giải quyết khó khăn bằng lý lẽ của mình. Khi lý sự nhiều quá thì câu chuyện càng lúc càng tệ thêm. Ngay lúc đó nếu có một ai có đủ ảnh hưởng để kêu gọi mọi người bình tĩnh cố gắng tụng kinh, cố gắng niệm Phật, cố gắng lo tu tập sẽ hóa giải được nhiều vấn đề. 

Nhiều vấn đề của đời sống được hóa giải không phải do lý luận hay kiến văn của chúng ta mà có nhiều gút mắc của đời sống hóa giải được do chúng ta có thể nhìn thấy với một nội tâm bình thản hơn, khách quan hơn. Đức Phật gọi là một nội tâm có tu tập.

Nội tâm có tu tập tức là đem tri kiến của mình chuyển hóa được nội tại của mình là một câu chuyện hoàn toàn khác với tri thức ở bên ngòai. 

Trong câu hỏi của một Phật tử vừa hỏi, thì xin thưa là có lẽ chúng ta không cần có so sánh về những người theo đạo khác hay ngành nào. Nhưng đối với Đạo Phật thì những người trí thức, những người xem như có trình độ chuyên môn trong lãnh vực nào đó thì phải nói rằng những người này nếu họ khéo léo để chuyển hóa khả năng để đào sâu ngành nghề của họ qua những lý lẽ chân thật của đời sống thì có lẽ họ đạt nhiều lợi lạc. Nhưng không may là đa số chúng ta khi có học vị hay có địa vị nào trong xã hội thì chúng ta thấy là khó khăn để ngồi xuống lắng nghe những chuyện bình thường. 

Chúng tôi nhớ rằng năm 1992, chúng tôi có được dịp đến thăm một cơ sở là Siam Society, là một hội về văn hóa của Thái Lan. Tại  cơ sở Siam Society có một văn phòng lớn để triển lãm sách và những công trình của ngài Buddhaghosa tại Thái Lan. Ngài Buddhaghosa thường được biết trong sách vở của Việt Nam là ngài Phật Sứ. Ngài có ảnh hưởng rất lớn trong giới trí thức tại Thái Lan. Chúng tôi đến đó đứng quan sát những tác phẩm của ngài, những công trình của ngài và có một vài người Thái Lan họ đến, họ hỏi chúng tôi có nói tiếng Anh được không thì chúng tôi có đàm luận với họ trong giây lát thì mới hiểu được họ tâm tư rằng, với họ một người có trình độ học vấn cao thì khó có thể đem họ thân cận với chư tăng được. Tại vì họ sống tương đối có thế giới biệt lập hơn. Nó cũng có lợi và cũng có thiệt thòi. Còn những người bình dân thì có sự thân cận nên họ hấp thụ một cách dễ dàng nhanh chóng. Trong trường hợp này những người này họ có cái may là họ gặp được ngài Buddhaghosa, một vị tăng có ảnh hưởng lớn trong giới trí thức là vì ngài đề xướng rất nhiều cái nhìn mới của Đạo Phật, một cái nhìn dựa trên quan niệm là y cứ vào kinh điển mà không y cứ vào phong tục tập quán. Dĩ nhiên những lời dạy của ngài Buddhaghosa không đơn giản để người ta tiêu hóa. Chúng tôi tìm thấy ngay cả sau này cũng có một số vị tăng Việt Nam khi chuyển dịch lời dạy của ngài sang tiếng Việt thì cũng có thêm thắt đôi chút, xem ngài là một con người đi ngược lại với truyền thống cũ. Tuy nhiên quan niệm của ngài Buddhaghosa gợi cho chúng ta ý nghĩa rất là quan trọng trong câu trả lời này rằng một con người có trình độ chuyên môn nào đó thì tuy rằng khả năng lý luận của họ có nhưng không chừng điều đó họ có thể xa rời với thực tại mà thực tại đôi lúc không cần với trình độ như vậy. 

Ngài Ajahn Chah có những lúc nói về những người da trắng. Ngài có rất nhiều đệ tử người Tây phương và người ta hỏi ngài những người đó khác biệt với những người Thái như thế nào thì ngài nói rằng những người đó là over educative, tức là những người đó học nhiều quá. Khi mà học nhiều quá thì cái gì cũng có ý kiến, cái gì cũng phê bình hết. Ngó cái gì thì cũng là thế này, cũng là thế kia. Đến lúc nào đó mà họ chịu ngồi yên xuống để lắng nghe thì cũng là một cơ hội rất là hiếm. Không riêng gì người cư sĩ mà ngay cả chư tăng cũng vậy. Khi qúi thầy là trụ trì một ngôi chùa lớn hay có chức vụ hoặc giả học chuyên ngành một ngành nào đó thì đôi lúc rất khó có thể để quí thầy ngồi nghe quí vị thiền sư nói chuyện. Bởi vì lời lẽ rất là mộc mạc. Tuy rằng mộc mạc nhưng rất là cụ thể có thể thực hành được. Đây là trở ngại của chúng ta. 

Nên trí thì có ba lọai trí; mà trí văn và trí tư thì bất cứ ai đi học trong đời sống này đều có thể có điều này. Nhưng trí tu đòi hỏi có tâm tư, một tâm tư ít phiền não. Quí Phật tử nào có thì giờ đọc kinh Từ Bi, còn gọi  là kinh Thương Yêu. Con người muốn phát triển lòng từ bi thì phải có những đức tánh, những điều kiện căn bản mới giúp chúng ta được. Ví dụ như không có rộn ràng, lục căn luôn trong sáng, trí tuệ mới hiển minh. Tâm tư không rộn ràng, được trong sáng, những chuyện đó chúng ta không nghĩ tới, nhưng chính sự trong sáng của tâm tư chúng ta đến gần với sự vật tốt hơn là một người mà tâm tư họ chộn rộn quá nhiều? 

Ở đây trả lời tóm lại là trí tu là cái gì làm cho con đường hành trình tâm linh của Đạo Phật khác với những tôn giáo khác. Và chính trí tu làm cho người Phật tử đứng ở ngoài nấc thang về trình độ học lực. Và khi nói đến trí tu thì đề cập đến những con người có thể hội nhập với giáo pháp. Thể nhập với giáo pháp như là chúng ta hít thở, chúng ta đi đứng, chúng ta sống, tắm gội trong bầu khí quyển trong lành. Điều này là điều rất bình thường đối với một người tu tập nhưng là một chuyện rất khó khăn với những người có nhiều trình độ hay họ được huấn luyện trong một môi trường khác.

Mỗi Ngày Trầm Tư Sanh Tử

Có người thì nghĩ rằng ăn năn là một điều tốt, hối hận là một điều tốt, và nó cũng là sự trừng phạt đích đáng cho những người làm việc ác. Nhưng trong cái nhìn của đạo Phật thì con người thật sự tốt hơn nếu chúng ta tập trú vào việc làm thiện. Và để có thể làm được việc thiện đó thì chúng ta không nên để cho sự hối hận nó ám ảnh, để cho những sự hối hận nó tiếp tục dày xéo tâm hồn của mình, bởi vì nếu chúng ta cứ tiếp tục như vậy thì không bao giờ chúng ta có thể đi xa hơn và làm tốt hơn trong việc phát triển thiện pháp. Người ta nghĩ rằng nếu một người làm ác mà họ hối hận sau đó. Có nghĩa là họ đã đủ khả năng để quay mặt với những việc làm bất thiện của họ. Nghĩa là họ có thể quay đầu để hướng thiện. Thật ra một người đã làm ác mà ý thức được điều đó là điều ác, thì điều đó chắc chắn là tốt rồi. Nhưng nếu người này cứ để tâm cắn rứt dày xéo tâm họ từ ngày này sang ngày khác, cho đến cuối cuộc đời của họ. Thì điều này khiến cho họ không bao giờ có thể phát triển một cái gì khác hơn là cứ ôm lấy mối hối hận không nguôi đó.

TT Giác Đẳng - Sự ăn năn hối hận là điều tốt không? - Minh Hạnh chuyển biên

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

TÂM BÌNH THƯỜNG


Nhân có một Luật sư đến hỏi:

- Phải tu đạo như thế nào?

Thiền sư đáp bằng câu nói của Lâm Tế:

- Khi đói thì ăn, khi mệt thì ngủ.

Luật sư liền nói:

- Đa số người ta đều làm vậy mà!

Thiền sư giải thích:

- Không, không, không phải vậy. Đa số khi ăn, người ta không chịu ăn mà còn nghĩ đến món này món nọ; khi ngủ, họ không chịu ngủ mà nghĩ đến điều này điều nọ.

Chuyện Xưa Tích Cũ - MA CHÓ

MA CHÓ 

Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Vợ chồng lão tiều phu nọ có đứa con gái nhan sắc mặn mòi. Vì quá thương con, hai ông bà vào rừng đốn cây, định cất một chái nhà rộng rãi cho con gái ở. Đến rừng ông gặp ba con chó, con màu trắng, con màu vàng, con màu đen đang cắn lộn nhau. Rốt cuộc ba con đều chết, hóa ra một thứ cây lạ, trổ bông đủ màu xanh, trắng, đỏ. 

Ông bà lấy làm kỳ lạ, bèn bứng cây nọ đem về trồng ngay trước sân, vài hôm sau cây héo khô lần lần. Ông bà chặt cây, tiện làm chốt gài cửa phòng của đứa con gái. 

Dè đâu, hồn của lũ chó lẫn quẩn theo cây chốt nọ. Ban đêm chúng hóa ra hình người, dùng bạo lực để dở trò đồi bại luân lý. Cô gái kêu cứu, nhưng vô hiệu quả. Ông tiều phu chạy đến cũng bị bọn ma chó hớp hồn ngã ra bất tỉnh nhân sự … 

Tháng sau, có cậu học trò đến thăm ông tiều phu, xin ngủ nhờ một đêm. Vợ chồng lão tiều ngờ rằng đó là ma chó hiện hình. Cậu học trò cãi lại và nói: -Tôi đến đây đẻ trị bọn nó. Tối nay, ông sẽ thấy. Tối đến bọn ma chó hiện hình, hóa ra ba cậu thư sinh. Cậu học trò nọ cầm dao rượt bọn chúng, chém một cái chân. Nhìn kỹ rõ ràng là chân chó. 

Vợ chồng ông tiều phu tạ ơn cậu học trò nọ. Cậu nói: -Tôi muốn xin cây chốt cửa đó. 

Ông tiều phu đồng ý. Cậu học trò dắt cây chốt nọ vào lưng, nghe nói văng vẳng: -Cậu tha dùm chúng tôi, chúng tôi sẽ đền ơn cậu và hứa từ rày về sau không dám phá khuấy chốn dương gian nữa. 

Cậu học trò đồng ý. Bọn ma chó tặng cậu một con ngựa ô chạy rất nhanh. Nhờ con ngựa ấy, sau này cậu về đế đô, được vua chú ý trọng dụng.

Chuyện cười trong ngày

Làm phúc

Một buổi chiều, người triệu phú đang đi trên chiếc limousine thì nhìn thấy một người đàn ông đang ăn cỏ bên bệ đường. Ông dừng lại tìm hiểu:
- Tại sao ông ăn cỏ?
- Tôi không có tiền mua thức ăn.
- Ô, vậy thì đi với tôi.
- Nhưng thưa ngài, tôi có vợ và sáu con!.
- Hãy mang họ theo!
Khi tất cả leo lên xe, người đàn ông nói: "Thưa ngài, ngài quá tốt bụng."
Người triệu phú trả lời: "Không có chi, cỏ ở nhà tôi cao gần đến ba tấc".

Sunday, June 29, 2014

Ngày 29-6-2014 Khởi Nguồn Chánh Pháp

Phút trầm tư nhập sơ thiền

Ai hay bảy tuổi siêu nhiên cõi lòng

NĂM LÊN BẢY TUỔI THÁI TỬ THEO PHỤ VƯƠNG DỰ LỄ HẠ ĐIỀN, NGÀI NGỒI DƯỚI BÓNG CÂY TRẦM TƯ CHỨNG TRÚ SƠ THIỀN

Tranh: Global Pagoda Chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng

© Copyright 2010 Phap Luan Buddhist Cultural Center

Phật Học Vấn Đạo - Thế nào là tâm bị điều kiện hóa?”

Hỏi:“Thế nào là tâm bị điều kiện hóa?”

(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, thời giảng kinh Pháp Cú, Minh Hạnh chuyển biên) 

TT. Giác Đẳng: Chúng tôi lấy ví dụ, qúi vị đang nhìn màn ảnh Paltalk của computer. Nhưng nếu chúng ta không nhìn Paltalk mà chỉ ngó computer là computer thì có lẽ cảm gíác của chúng ta đối với computer khác đi. Nhưng bởi vì chúng ta có chương trình Paltalk rồi lại có những người quen xa gần trong Paltalk, lại có một số đề tài chúng ta muốn được nghe, được biết nên chi khi ngồi trước computer, chúng ta cảm thấy computer nó khác đi. Khi chúng ta nhìn một thành phố cũng vậy. Một trăm, một ngàn người ở trong thành phố, không phải là một thành phố mà tất cả mọi người đều nhìn thấy giống nhau hết. Mỗi người nhìn thấy thành phố trong sự cảm nhận riêng của mình. Cũng thành phố đó có những người nhìn thấy rất khô khan và ảm đạm. Cũng thành phố đó nhưng có những người nhìn thấy rất xa lạ. 

Bởi vì sao? Bởi vì, chúng ta bị những điều kiện khác nhau chi phối. Về văn hóa, về giáo dục, về lợi tức, về nguồn gốc, về công việc làm của mình. Và nếu một nơi nào đó, một quán ăn nào đó mà qúi vị đã bắt đầu một cuộc tình thì quí vị sẽ nhìn quán ăn đó khác hơn quán ăn mà qúi vị đã đến đó để đi mua những bữa ăn trưa trong những ngày đi làm, rất vội vã, đến rồi đi. 

Cũng thời một đối tượng, cũng thời một hình ảnh nhưng sự lãnh hội của chúng ta hòan tòan khác, bởi vì sao? Bởi vì tâm của chúng ta bị điều kiện chi phối. 

Ngay cả khi chúng ta đọc một trang kinh hay nhìn một pho tượng Phật thì sự cảm nhận pho tượng Phật hay sự cảm nhận ý lý trong trang kinh hay những lời nghe pháp không phải giống nhau. Vì sao? Bởi vì nó tùy thuộc vào trình độ của chúng ta và nó tùy vào lúc đó chúng ta vui hay chúng ta buồn. 

Nhìn một món ăn rất là ngon nhưng lúc chúng ta khi no khác, chúng ta khi đói khác. Có những người có kinh nghiệm đi chợ họ nói rằng những lúc đói bụng mình đi chợ thì mình mua đồ rất bừa bãi, mua đồ rất nhiều và có thể mua đồ về không ăn. Nhưng khi mình no hay không đói lắm thì mình đi chợ mua đồ một cách rất chừng mực. Đó là điều tự nhiên. 

Chúng ta đừng quên rằng tâm tư của chúng ta, khả năng lượng định trực tiếp, cái gọi là trực giác, đánh giá sự vật một cách trung thực là một cơ hội rất hiếm hoi. Đa phần đời sống, chúng ta rất chủ quan. Chúng ta đem vào đó những thành kiến, những định kiến để đánh giá sự vật. Chúng ta đừng tin là chúng ta có thái độ hoàn toàn khách quan trong đời sống. Không có đâu! Chúng ta là người của dục giới thì chúng ta phải dùng tâm dục giới. Những tâm dục giới cho chúng ta một phản ứng khác, một cảm nhận khác về cuộc sống. 

Nếu chúng ta là một vị đã chứng thiền thì nhìn thế gian này khác. Chúng ta là người Phật tử, chúng ta nhìn cái đạo nó khác. Chúng ta là người khỏe mạnh, chúng ta nhìn cuộc sống là khác. Khi nào chúng ta bịnh họan, chúng ta nhìn cuộc đời bi quan hơn. Điều đó cho chúng ta thấy rằng tâm của chúng ta luôn bị chi phối bởi nhiều điều kiện. Có thể chúng ta cho rằng một giây phút nào đó tâm của chúng ta thật sự vượt thoát, nghĩa là đứng trên tất cả những tế toái, đứng trên tất cả những phiền lụy, đứng trên tất cả những chi phối. Nhưng thực sự chỉ có những bậc giác ngộ, giải thoát hoàn toàn như  Đức Phật thì tâm lúc đó không còn bị chi phối, bị điều kiện. Mà điều kiện ở đây là sự bao trùm của vô minh và sự chi phối mãnh liệt của khát ái./.

Mỗi Ngày Trầm Tư Sanh Tử

Khi thấy một người làm một chuyện thiện thì chúng ta nên tùy hỉ, khi chúng ta thấy có một cái gì đẹp thì chúng ta nên thưởng thức một cách nhẹ nhàng và trong nhiều hoàn cảnh cố gắng nhìn từ khía cạnh tốt đẹp nhất đừng nhìn tư khía cạnh bi quan nhất. Không phải chúng ta làm như vậy là chúng ta giả tạo, nhưng mà như vầy, có nhiều người bi quan quá, lúc nào cũng nghĩ đến phương diện xấu nhất tệ nhất đáng ghét nhất và lúc nào chúng ta cũng hận đời, lúc nào cũng sân lúc nào cũng phiền não.

Cái giá mà chúng ta trả cho những sự sân những sự phiền não đó là sân tư duy, sân tưởng, sân tầm, nó không lợi ích cho ai hết, nó hoàn toàn không lợi ích cho ai hết, vì vậy chúng ta cố gắng xóa đi.

TT Giác Đẳng - Chánh Tư Duy - Minh Hạnh chuyển biên

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

VÌ CÓ TÔI Ở ĐÂY

Một hôm khi Vân Nham đang pha trà, thì sư huynh là Đạo Ngô bước vào thấy, liền hỏi:
- Trà cho ai đó ?
Vân Nham đáp:
- Có người cần uống.
Đạo Ngô hỏi tiếp:
- Người đó không biết tự làm lấy sao?
Vân Nham đáp:
- Chỉ vì có tôi ở đây.

Chuyện Xưa Tích Cũ - CON RẮN THẦN

CON RẮN THẦN

Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Có anh góa vợ, đi làm mướn để sanh nhai. Hôm nọ được ba mươi quan tiền, anh bèn nghĩ ra một kế: đi mua mồi và lưỡi câu để câu cá.

Anh ngồi trên bờ chờ đợi.

Chập sau, nghe con mồi rung rinh biết là cá đã cắn câu, anh giựt mạnh, gặp một con rắn to lớn, mừng quá, anh gỡ rắn ra rồi nói: -Tao tha tội cho mầy. Từ rày về sau đừng trở lại đây phá mồi của tao.

Lạ thay, hai ba lần sau, rắn vẫn phá mồi. Anh ta nói: -Tao phải giết mày.

Rắn năn nỉ, tự xưng là con của Long vương, vì mắc tội nên bị đày lên dương thế. Bán tín bán nghi, anh đem con rắn nọ về nuôi.

Một hôm rắn bảo: -Ba ngày nữa trời mưa dầm dề hằng tháng. Nước lụt cả làng này. Hãy lo kết bè để tị nạn.

Đúng như lời, mưa dầm dề ngày đêm. Anh nọ và con rắn nhờ ngồi trên bè tre nên được an toàn.

Gặp một ổ kiến trôi lình bình, rắn bảo vớt kiến lên. Anh nọ y lời. Gặp bầy chuột, gặp con trăn … rắn cũng khuyên anh nọ cứu đem lên bè.

Bỗng đâu, từ đằng xa có người lội loi ngoi chết đuối. Động lòng trắc ẩn, anh nọ toan vớt. Rắn cản lại. Anh nói: -Cứu một người ở dương gian bằng cứu một người ở âm ty.

Mãn trận lụt, anh thợ câu đem người chết đuối nọ về nuôi trong nhà. Hai bên kết bạn rất thân thiết. Rắn tỏ vẻ buồn bực, bày tỏ sự tình với anh thợ câu rằng: -Hôm nay đã mãn hạn, tôi trở về thăm cha mẹ. Để đền ơn, tôi xin dắt anh theo chơi. Ở thủy cung cha tôi có cây đờn tỳ bà rất quý.

Anh thợ câu theo rắn nọ viếng thủy cung. Long vương rất mừng rỡ hứa tặng anh thợ câu vật gì mà anh muốn. Anh thợ câu xin cây đàn tỳ bà. Long vương nói:

-Được, cây đàn hễ khảy lên thì có mãnh lực đánh tan binh sĩ của phe địch. Chú nên giữ kỹ.

Đem cây đàn về nhà, anh thợ câu để nó cẩn thận dưới đáy bồ lúa. Người bạn (mà anh đã cứu giúp hồi nạn lụt) đâm ra tò mò, thừa lúc anh đi vắng đến bồ lúa lục soát và gặp cây đàn. Thấy trên mặt đàn có khắc mấy chữ “Phá tan quân địch.”anh nọ động lòng tham bèn ăn cắp cây đàn rồi trốn mất.

Lúc ấy ở đế đô có loạn, bọ ngoại xâm bao vây kinh thành. Vua truyền lịnh:

“Ai giải vây được thì sẽ gả công chúa cho.”

Anh bạn bất lương đem đàn đến khảy, phá tan ngoại xâm và lãnh chức phò mã.

Anh thợ câu biết mình bị bạn làm phản nên ra đế đô, cương quyết đòi cây đàn nọ. Người bạn năm xưa ra lệnh giam anh ta.

Nằm trong khám, anh vô cùng buồn bực. Bầy kiến năm xưa bò lại hỏi han tự sự. Kiến bèn đem câu chuyện thuật lại với chuột, chuột đánh bạo đến tìm trăn … Con trăn nói với bầy chuột:

 -Lại đây, đừng sợ. Về nói lại với ân nhân rằng, hiện nay công chúa đang đau mắt. Sẵn đây, tôi trao tặng hòn ngọc này, đem về mài ra nhỏ vào mắt công chúa thì lành bệnh ngay.

Thời gian sau, anh thợ câu được thả ra, bèn dâng sớ lên nhà vua xin trị bệnh cho công chúa.
Nhờ viên ngọc nó, công chúa sáng mắt. Công chúa bèn nhìn anh thợ câu mà nói:

 -Người này là chồng tôi …

Ông phò mã, tức là người bạn phản bội – ngồi chưng hửng. Anh thợ câu bèn tâu với nhà vua sự tích cây đàn tỳ bà và tố cáo người ăn cắp nó.

Vua rất hài lòng, xử tử quan phò mã giả hiệu, và gả công chúa cho anh thợ câu.

Chuyện cười trong ngày

GIÀU VÀ NGHÈO

Một hôm một anh nông dân khám phá ra một pho tượng vô giá trên sườn núi trong một khu rừng. Đó là pho tượng của một trong mười tám vị la hán.
- Chao ôi, một la hán bằng vàng!
- Có lẽ cả trăm lạng vàng ròng.
- Ha-ha, đủ để ăn cả đời không hết.
Gia đình và bè bạn của người nông dân, tất cả đều kích động vì vật tìm được. Nhưng người nông dân cảm thấy phiền muộn và chỉ ngồi quanh với cái nhìn tư lự trên khuôn mặt. . .
- Bây giờ anh giàu rồi, còn lo gì nữa?
- Lo cái gì?
- Tôi nghĩ không ra mười bảy tượng la hán kia ở đâu!

Saturday, June 28, 2014

Ngày 28-6-2014 Khởi Nguồn Chánh Pháp

Nửa vui Đại Giác ra đời
Nữa buồn không sống đến thời đạo khai
Đạo sĩ Asita (A Tư Đà) đến hoàng cung diện kiến Thái Tử sơ sinh
Tranh: Global Pagoda Chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng
© Copyright 2010 Phap Luan Buddhist Cultural Center

Phật Học Vấn Đạo - Quán niệm sự khổ trong đời sống

Hỏi: Quán niệm sự khổ trong đời sống

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 26-6-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Chúng ta biết cái khổ đến trong đời sống một phần là do nhân quả của quá khứ. Thí dụ một người sát sanh trộm cắp trong đời trước đời này sanh ra thì nhận quả của sát sanh trộm cắp do nghiệp của quá khứ. Dĩ nhiên chúng ta cũng nghe câu kinh Pháp Cú : 
Ý dẫn đầu các pháp
Ý chủ trì, tạo tác
Nếu ngôn từ, hành động
Với tâm ý nhiễm ác
Khổ theo tựa bánh xe
Đi sau dấu chân bò
Thì chúng ta hiểu khổ đó từ nghiệp và nghiệp cũng đến từ tâm chủ trương tạo tác của chúng ta. Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ. 

Rồi chúng ta hiểu khổ cũng đến do sự tự nhiên của pháp hành, ví dụ như có sanh thì phải có tử, đời sống có sanh thì phải có diệt bản chất của pháp hành là như vậy. Mình sống ở trong cuộc đời này có người rất thân như cha mẹ hay những người thân của mình và những người thân đó có nghiệp riêng, rồi họ sanh ra đời, sống với chúng ta một thời gian rồi họ ra đi. Thì chúng ta nên hiểu cái khổ đó là cái khổ tự nhiên của các pháp. 

Chúng ta nói cái khổ thứ nhất là do nghiệp xấu của quá khứ. 
Rồi chúng ta nói cái khổ tự nhiên của các pháp. 

Nhưng mà rồi bài kinh ngày hôm nay cũng như nhiều đoạn kinh khác cho chúng ta thấy rằng có  thứ khổ nữa là do sự nhận thức. Đối với một hành giả tu tập nhất là tu tập thiền quán thì về điều này cần được quán tưởng cần được thấy rõ. 

Chúng tôi có được cơ duyên sống ở chùa Ngài Ajahn Chah 2 năm và trong 2 năm đó  chúng tôi được nghe nhiều pháp thoại qua các băng giảng đã được dịch lại. Ngài Ajahn Chah là một trong những vị Thiền Sư nói rất nhiều về cái nhìn của chúng ta, về sự nhận thức của chúng ta nó làm cho chúng ta khổ. 

Ví dụ, một hành giả hay một vị tỳ kheo sống cô đơn tủi thân, Ngài đề cập đến hình ảnh của một người đi xuất gia rồi trong lúc sự thiếu thốn nhìn lại mình buồn và tủi thân là sao mình đi tu  mà không ai giúp, không ai hộ độ, không có được Phật tử lưu tâm. Thì thật ra khi chúng ta mới nhìn thấy tâm trạng buồn như vậy thì dễ hiểu thôi, hợp tình hợp lý thôi, mình đi xuất gia nhưng không được sự giúp đỡ của đàn tín thì mình buồn, buồn  thấy rằng tại sao các vị khác tu không bằng mình hay thế này thế kia lại được nhiều hơn mình do sự quen biết, nên mình lại tủi thân.

  Ngài Ajahn Chah khuyên: 
- Thứ nhất mình nên hiểu rằng đó là những lúc rất tốt để chúng ta tu tập thiền quán. 
- Thứ hai, thật ra cái khổ cái vui ở trong lúc đó phần lớn tùy thuộc vào nhận thức của chúng ta. 

Nhận thức là như vầy, cái nhìn của chúng ta trong cuộc sống từ hoàn cảnh ở bên ngoài dẫn đến chỗ tủi thân thì nó trải qua một cuộc xào nấu trong tâm tư của mình, sự xào nấu đó là mình so sánh, mình so đo. Ví dụ, như tại sao người ta cũng vậy mình cũng vậy mà người ta được mình không được. Hay hoặc giả cách nhìn của chúng ta là mình đi tu mà người ta không có nghĩ đến mình thì tự nhiên mình buồn. 

Ngài khuyên; mình hãy nhìn lại xem phản ứng của mình ra sao, và lúc đó thì mình sẽ thấy rằng hầu hết những cái vui và những cái khổ đều đến từ nhận thức hết. Từ cái nhìn cái thái độ  sống của chúng ta và chính thái độ sống tích cực làm cho chúng ta vượt qua những điều đó. Một vị hành giả mà thường xuyên tu tập thì thấy rằng phần lớn những cảm xúc vui buồn bi lụy trong cuộc sống đều do cái nhìn của mình. Nếu mình chưa nhìn ra thì mình chưa tu được. Mình chưa có nhìn thấy do thái độ của mình, do sự nhận thức của mình thì lúc bấy giờ mình hay đổ lỗi tại vì Sư Cả ở chùa hay tại vì Thiền Sư hay tại hội chúng hay tại hoàn cảnh này hoàn cảnh khác. 
Nói một cách khác, khi nào mình khổ quá thì mình ngồi xuống tự nhắc chính mình là do tâm mình không khéo tu nên mình khổ, nếu tâm mình khéo tu thì ở trong những hoàn cảnh như vậy ít nhất mình cũng có thể quán tưởng được, ít nhất mình dùng cơ hội đó để khai triển tuệ quán được. 

Và có lẽ, đạo Phật là một tôn giáo rất đặc biệt nhìn sự đau khổ của nghịch cảnh để thắp sáng tuệ giác của mình. Giống như chúng ta dùng hai viên đá chạm vào nhau để xẹt ra lửa. Thì chính những cái khổ của đời sống những bất toại nguyện làm cho chúng ta có những ý thức rất chân xác về cuộc sống. 

Thật ra, nếu chúng ta nhìn cho kỹ thì những cái đẹp những cái vừa ý nó ru ngủ chúng ta nhiều hơn là cái đau khổ. Và nếu chúng ta thấy được sự đau khổ nó giúp cho chúng ta nhiều ở trong việc tỉnh táo hơn để nhìn lại nỗi đau khổ của mình để bớt dễ ngươi, bớt ỷ lại, bớt ru ngủ, bớt thụ hưởng hơn thì lúc bấy giờ chúng ta có thể thấy được tự tại hơn thong dong hơn là mình ngồi đó mình oán trách. Không có một người tu nào luôn luôn đổ thừa cho người khác mà tu được. Mình đổ thừa đây là tại vị này làm cho mình khổ, tại người kia làm cho mình khổ. Cái tại này tại kia làm cho cuộc sống phiền, làm cho cuộc sống không giải quyết được gì. 

Chúng tôi có gặp những người họ mở miệng ra là than khổ và trách móc, lớn tuổi thì trách móc con cháu rồi có nhiều khi trong cuộc sống tình cảm thì trách người bạn đời của mình, hay ở trong chùa trách người này người kia. Sự trách móc đó không giải quyết được gì hết. Chúng tôi ít bao giờ thấy trong cuộc sống mà trách móc để có thể giải quyết vấn đề. Chúng tôi đồng ý có những người rất bình thường nếu họ đừng có làm phiền người khác,  nếu họ đừng có gây khổ cho người khác thì thật sự là người mình có thể đến gần với họ. Tại vì sao? Chúng ta cứ tưởng tượng  ở trong cuộc sống mà có một người lúc nào cũng đòi hỏi, lúc nào cũng trách móc, lúc nào cũng phiền hà thì ai cũng tránh ai cũng sợ. Mình muốn nói chuyện với một người mà người đó họ cho mình thư giãn thoải mái thì mình mới thích nói chuyện còn mình nói chuyện mà lúc nào mình cũng đem tất cả phiền lụy trút lên đầu người ngồi nghe những đau khổ của mình. Thì thật sự nó chỉ dẫn mình từ sự cô đơn đến sự cô đơn thôi.

Và vì vậy, trong cái nhìn của một người tu tập trước nhất mình ý thức một cách rất rõ ràng những cái khổ nó đến từ thái độ sống của chúng ta. Thái độ tiêu cực hay thái độ tích cực và thái độ đó không nhất thiết vì hoàn cảnh mà thái độ đó là do sự trưởng thành của chúng ta. Đồng ý, không phải chúng ta lúc nào cũng may mắn. Đồng ý, không phải lúc nào chúng ta cũng mãn nguyện. Và đồng ý, là những người chung quanh họ có những khuyết điểm. Nhưng không phải vì sự bất toàn của đời sống. Bởi vì đời sống không hoàn hảo mà chúng ta nổi đóa lên, hay là chúng ta bực bội, hay là chúng ta thống trách. Ngày nào nếu mình cũng thống trách thì điều gì mình cũng thống trách được hết, trời mưa cũng than được, đi ra đường kẹt xe mình cũng bực bội được, mình làm việc với người đồng sự mà không như ý mình cũng bực bội được. Nếu tính mình hay bực bội hay cáu bẩn và hay gắt gỏng hay phiền hà thì ở trong thế giới này không phải có một trăm, một ngàn, một triệu lần mà là tất cả mọi thứ đều làm cho mình phiền. Cái thế giới nhận thức của chúng ta rất quan trọng. 

Thành ra, một người hiểu đạo khác với người không hiểu đạo đó là mình hiểu rõ, hiểu rất rõ thái độ sống của chúng ta. Sự nhận thức của chúng ta có ảnh hưởng lớn. Trong kinh Đức Phật Ngài dùng một chữ chúng ta phải học rất nhiều:
- Yoniso-manasikāra là Khéo Tác Ý hay là Chánh Tư Niệm hay là Như Lý Tác Y.
- Ayoniso-manasikāra là Không Khéo Tác Ý hoặc là Không Khéo Nhìn, hay nhìn một cách vụng về. 

Hai điều này đối với hành giả tu tập rất quan trọng. 

Thật ra Yoniso-manasikāra là một thứ trí tuệ, có 3 thứ trí tuệ rất diệu dụng trong đời sống chúng ta: 
-1. Một là sự tỉnh thức sáng suốt của Chánh Niệm. 
-2. Thứ hai chúng ta gọi là Chánh Niệm và Tỉnh Giác là sự bén nhạy với cái gì đó đang xảy ra trên thân và tâm của mình. 
-3. Và thứ ba là cái khéo nhìn, khéo nhận thức, khéo lãnh hội. Thì cái khéo nhìn, khéo nhận thức, khéo lãnh hội làm cho đời sống của chúng ta khác đi. 

Chúng tôi, cuộc đời sống trong chùa đi nhiều được dịp tiếp xúc với qúi Phật tử chúng tôi có thể nói một điều mà không sợ lầm lẫn rằng những người hạnh phúc chúng tôi được biết không nhất thiết là họ giàu, những người sống an lạc không nhất thiết là họ thành công ở trên phương diện này phương diện khác, mà những người sống an lạc hạnh phúc là do cái nhìn của họ có tích cực, do đời sống của họ có cái nhìn rất thông rất thoáng. Nói theo Phật Pháp chúng ta nói là người hiểu đạo. 

Tại sao chúng ta nên học Phật Pháp? Tại sao chúng ta nên lắng nghe lời Đức Phật dạy? Chính ra, ngày hôm qua chúng tôi có nói chuyện với một Phật tử thì  vị Phật tử này nói rằng Phật Giáo nên khuyến khích người Phật tử bắt chước đạo Kỳ Na Giáo là đi vào thương trường đi buôn bán làm giàu, mình làm giàu thì mang lại lợi lạc cho mình mang lại lợi lạc cho đạo. Thật ra, Đức Phật Ngài không có chống việc người Phật tử phát triển tài sản. Đức Phật Ngài cũng không có chống chuyện người Phật tử nên tìm sự thành công trong cuộc sống. Nhưng Ngài đặc biệt lưu ý chúng ta cho dù sự thành bại bên ngoài ra sao đi nữa thì  sự nhận thức chân xác là quan trọng.

 TT Tuệ Siêu vừa nói: " Chân thật biết chân thật, phi chân biết phi chân" tức là khổ đau hạnh phúc nó đến từ thế giới nhận thức của chúng ta nhiều. Cái nhìn của chúng ta có được đúng với sự thật hay không, có tích cực hay không, thì nó ảnh hưởng chúng ta, ảnh hưởng rất lớn trong đời sống. Vì vậy nếu một ngày nào đó khi chúng ta nhìn lại hỏi rằng mình có thật sự hiểu Phật Pháp hay không thì ngoài sự nhận thức về nhân quả về giáo lý duyên khởi người Phật tử cần có thái độ thứ nhất là hạnh phúc và khổ đau tùy thuộc rất nhiều vào thái độ vào cái nhìn của chúng ta đối với cuộc sống. Và thái độ nhìn đó là chúng ta hiểu rằng đó là nhận thức, đó là phản ứng của chúng ta với thế giới này. Và trong nhận thức đó nó có chất của trí tuệ và chất của không trí tuệ. Có trí tuệ thì chúng ta nhìn thấy xuyên thấu, ví dụ như mình gặp trời mưa xuống làm trở ngại công việc của mình làm cho mình bực mình thay vì bực mình thì mình nghĩ rằng nắng mưa là bịnh của trời chuyện đó tự nhiên thôi, không phải mưa chỉ một mình mình mà mưa tất cả mọi người đều bị mưa, nhiều người chung quanh bị mưa thì bữa này làm không được như ý thì thôi chờ bữa khác. Mình ngồi đó bực bội cũng vậy thôi. Thí dụ như vậy. 

Điểm quan trọng của Phật Pháp là cho chúng ta đặt lại vấn đề. Thay vì ngồi đó mà giận mà phiền mà đổ lỗi thế này thế kia thì chúng ta nhìn sự việc làm sao để cho phiền não không sanh khởi, phiền não bớt sanh khởi thì chúng ta bớt khổ. Còn nếu mình càng nhìn mà phiền não càng nhiều thì đó là tự mình chuốt lấy, như cụ Nguyễn Du viết tâm trạng là "khéo dư nước mắt khóc người thời xưa". 

Đời sống của chúng ta như Ngài Ajahn Liem cũng nói là, có những người đi trên đường thấy có cái gì cũng bốc lên bỏ vào bị riết nó nặng, đeo nặng đầy vai. Đời sống của chúng ta từ sáng tới chiều nhiều khi chúng ta nhặt lên những thứ rất phiền, nhặt lên những thứ rất nặng nề để khổ thôi. Mình thấy được chuyện đó nó đến thì cho nó đến, cái gì nó đi thì cho nó đi. 

Và mình quan niệm rằng cuộc sống ra sao thì ra nhưng tinh thần của chúng ta phải sáng. Tinh thần của chúng ta phải nhẹ nhàng. Cái nhìn của chúng ta phải thấu đạt. Chúng ta nhìn cuộc sống từ một góc cạnh đó là mình nhận rằng hễ mình khổ là do mình không khéo tu. Mình khổ là do mình không biết chuyện gì xảy ra mình đổ thừa chuyện đó tại hoàn cảnh, tại công ăn việc làm, tại kinh tế, tại chiến tranh, tại vợ, tại con, tại bạn bè. 

Mình nên quán rằng mình khổ tại mình không khéo tu. 

Nếu mình khéo tu thì dù một người khổ cùng cực như nàng Patàcàrà đi nữa cũng tìm thấy ánh sáng của trí tuệ. Hễ khi nào mình khổ thì cũng có thể tìm thấy được ánh sáng của trí tuệ. Hễ khi nào mình khổ mình nhắc là mình đang khổ thay vì ngồi đó trách móc người khác. Chúng ta có trách móc cũng vậy thôi, chúng ta trách móc cuộc đời cả trăm năm thì cũng không đi đến đâu hết. 

Nhưng mình thấy được việc do mình chưa chịu khó tu tập thì việc đó thay đổi rất nhiều, nó không đơn giản như là chúng ta nghĩ, chúng ta nên đặt lại vấn đề ./. 

Mỗi Ngày Trầm Tư Sanh Tử

Đức Phật  đề cập đến luân hồi, luân hồi ở trong đầu óc của chúng ta nghĩa là kiếp này sang kiếp khác, đời này sang đời khác, cuộc trầm luân sanh tử, nhưng không hẳn chỉ có vậy, không hẳn chỉ có trầm luân sanh tử đời này qua đời khác và ngay cả ở trong kiếp sống này nếu chúng ta không khéo chuyển hoá, nếu chúng ta không khéo thấy, không khéo nhận định về đời sống thì chúng ta cũng truyền từ cành cây khổ đau này sang cành cây đau khổ khác, bởi vì chúng ta không có một ý thức trong sáng về cuộc đời.

TT Giác Đẳng - Tại sao lại tìm cái khổ trong nỗi khổ - Minh Hạnh chuyển biên

Minh Triết Trong Đời Sống

TỔ SƯ HIỆP SĨ TỪ PHƯƠNG TÂY ĐẾN

Yamana Morofuyu là một chiến sĩ dũng cảm của dòng họ Ashikagas, được thuyên chuyển từ một thuyền trưởng hải quân sang kỵ binh. Sau đó một thời gian, ông ta đã tu học Thiền ở chùa Viên Giác. Một năm nọ, ông đến tham dự tuần nhiếp tâm Lạp Bát, nhưng ông không ngồi trong thiền phòng dành cho các chiến sĩ. Thay vào đó suốt ngày ông cỡi ngựa băng rừng vượt núi. Daikyo, vị sư thứ 43 của chùa Viên Giác, vì vậy cảnh cáo ông ta, nói:
- Trên lưng ngựa, tâm dễ bị phân tán. Trong tuần nhiếp tâm Lạp Bát, hãy ngồi trong thiền đường.
Ông ta nói:
- Tăng nhân là người của Thiền ngồi, chắc chắn nên ngồi ở chỗ đặc biệt có Phật. Nhưng tôi là một hiệp sĩ, nên tập thiền định trên lưng ngựa.
Sư nói:
- Ngài trước kia là một thuyền trưởng này trở thành một hiệp sĩ. Tổ sư đến trên sóng [chỉ Bồ-đề Đạt-Ma] và tổ sư đến trên lưng ngựa, ý ấy là đồng hay là khác?
Morofuyu ngập ngừng.
Sư giựt lấy cây roi, đánh Morofuyu và nói:
- Ôi, cưỡi đi, cưỡi đi!

 (Thiền và Đạo Thuật)

Chuyện Xưa Tích Cũ - ÁC BÁO

ÁC BÁO

Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Anh thợ câu nọ có tánh tàn ác, thường bỏ thuốc độc xuống các khe suối để cá chết nổi lên.

Hôm nọ, tình cờ anh ta gặp một con lươn bạch tại khe suối.

Dân trong làng bảo: -Không nên, con lươn bạch này tu lâu năm rồi …

Vì bản chất ác độc, anh ta đem thuốc ra, toan bỏ xuống nước.

Có ông thầy chùa chạy đến nài nỉ: -Nếu vậy cậu giết tôi còn hay hơn.

Anh nọ nói: -Nếu ông có đói thì tôi cho ông ăn chớ tôi cương quyết giết con lươn này.

Anh ta mời ông thầy chùa về nhà, đãi bữa cơm chay. Mãn buổi cơm, anh ta ra suối bỏ thuốc độc. Thuốc pha vào nước suối đỏ ngầu. Trong nháy mắt, con lươn nọ trồi lên, lờ đờ như điên dại. Mừng quýnh, anh nọ bắt con lươn về làm thịt. Lạ thay, trong bụng con lươn có mấy món đồ chay đã đãi ông thầy chùa khi nãy.
Dân làng xôn xao bàn tán, cho rằng ông thầy chùa chính là con lươn trá hình.
Từ đó anh thợ câu lấy làm e ngại. Vợ anh có thai. Lớn lên, đứa con đau ốm liên miên, báo hại anh thợ câu phải tán gia bại sản mà chạy thuốc cho nó.

Chuyện cười trong ngày

Lời cầu nguyện

Một cô gái vào đền Thánh cầu khấn:
- Lạy Thánh, xin ngài ban cho con lấy được người chồng: một là vô cùng giàu có, hai là có quyền cao chức trọng, bà là vừa trẻ vừa đẹp trai, bốn là vô cùng chung thủy với con.
Thánh mỉm cười trả lời:
- Ba điều trên con xin, ta đều có thể ban cho, nhưng đã có ba điều ấy mà con lại xin kèm theo điều thứ tư là sự chung thủy của anh ta thì đến ta là Thánh cũng chịu.

Friday, June 27, 2014

Ngày 27-6-2014 Khởi Nguồn Chánh Pháp

Bước chân đại sĩ vào đời

Sen thiêng bảy đóa rạng ngời ngàn sau

Đức Bồ Tát đản sinh tại vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni)

Tranh: Global Pagoda Chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng

© Copyright 2010 Phap Luan Buddhist Cultural Center

Một số người phân chia thiện pháp thành nhân đạo, thiên đạo và Phật đạo. Sự phân chi như vậy có trong kinh điển Nguyên Thuỷ chăng?

Hỏi. Một số người phân chia thiện pháp thành nhân đạo, thiên đạo và Phật đạo. Sự phân chi như vậy có trong kinh điển Nguyên Thuỷ chăng?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 15-6-2014 - Minh Hạnh chuyển biên)

TT Pháp Tân: Điều này thật sự ở bên Phật Giáo Bắc Truyền thường hay phân chia thí dụ Thập Thiện là Thiên Đạo, Ngũ Giới là Nhân Đạo chẳng hạn, rồi Thinh Văn, Duyên Giác, Phật Thừa v.v... thì những phân chia đó là Phật giáo sau này.

 Trong Phật Giáo Nguyên Thủy thì không có sự phân chia rõ ràng,  không có phân chia cái này dành cho Thiên đạo, cái này dành cho Nhân đạo, ai làm cái này thì sanh lại làm người, ai làm cái này sanh lại Chư Thiên, thực hiện pháp này thì làm bậc Thinh Văn hay là Bồ Tát. Như trong kinh tạng Pali Đức Phật dạy về ngũ giới; không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, và không uống rượu Ngài dạy đủ hết nhưng Ngài không có phân là pháp này mình thực hành thì sanh lại làm người, rồi pháp này thực hành thì sanh làm Chư Thiên, rồi pháp này tu thì trở thành bậc Thinh Văn, rồi pháp này tu thì thành bậc Duyên Giác chẳng hạn. Điều đó không có trong kinh tạng Pali.

Trong kinh Pali Đức Phật đã dạy hết các điều đó nhưng có một điều thí dụ như trong ngũ giới có 5 điều là không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không uống rượu thì trong nghĩa đó các bậc xuất gia không phải tu tập để sanh về thiên giới hay sanh lại làm người. Nhưng các bậc xuất gia cũng phải hành trì những điều đó tức là không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối là để đoạn trừ những phiền não bợn nhơ ở trong nội tâm bằng sự giữ giới của chính mình, bằng sự thực hành tu tập thiền định của chính mình, bằng sự tu tập tuệ quán của chính mình  là để ngăn trừ chặt đứt gọt bỏ bớt những phiền não ở trong nội tâm. Và có thể là do việc hành thiện của mình trong việc giữ giới để mình ngăn chặn nghiệp xấu không đưa đến quả khổ không làm cho ô nhiễm tâm mình. 

Cho nên, một vị hành giả tu tập là phải giữ giới. Còn mức độ mình hành tới đâu, mình đoạn tận phiền não ở mức độ nào, và mình tạo nghiệp thiện ở mức độ nào. Thí dụ như mình tạo nghiệp nhân nào để mình sanh lên cõi trời và mình tránh những nhân nào để mình không sanh vào cảnh khổ thì điều đó cũng mới chỉ là nhân để tránh quả khổ, và nhân để dẫn đến quả an vui quả lành.  

Còn tiến xa một bước nữa thì hành giả thực hành là để cho nội tâm của mình bỏ bớt những phiền não,  rồi hành vi của mình thì không tạo các nghiệp bất thiện,  để tâm của mình trong sạch để hướng đến sự giải thoát.

Đức Phật không phân chia tu tập Tâm Từ thì sanh về cõi Phạm Thiên, hay tu tập Tâm Từ gọi là Từ Vô Lượng trong cái nghĩa do tâm từ đó mà vị hành giả đạt được sự giải thoát. Thì nếu ở mức độ nào đó thì vị hành giả đó thực hành tâm từ trong cái nghĩa của tâm từ thì không phải chỉ có an vui cho chúng sanh mát mẻ mà Tâm Từ Tâm Bi cũng trong cái nghĩa là Từ Tâm Giải Thoát thì nó cũng đã đạt đến chỗ vị hành giả đó có thể đạt được sự giải thoát chứ không phải là chỉ đem đến sự an vui và không phải chỉ giới hạn là sanh trong cõi trời Phạm Thiên. 

Nhưng mình hành ở một mức nào thì chính mức độ đó dẫn mình đi đến sự an lạc ở mức độ đó hoặc mình có thể đạt được sự giải thoát là do việc mình gột sạch bớt những phiền não ở trong nội tâm của mình, mình gột sạch được nhiều chừng nào thì mình sẽ được an lạc nhiều chừng nấy và đến khi nào mình gột sạch hết tất cả  phiền não ở trong nội tâm của mình trong đó có kiến chấp, tà kiến, trong đó có  tham sân si, có ngã mạn chẳng hạn, Còn nếu vướng một chút gì đó thì mình chưa được giải thoát mình còn chấp theo định kiến của mình theo quan điểm của mình rồi mình chấp theo thường kiến hoặc theo đoạn kiến thì chấp đó vẫn còn kẹt và khi mình còn kẹt thì mình vẫn còn phiền não và do vậy thì còn luân hồi. 

Những pháp tuy rằng Phật dạy như vậy nhưng cũng không phân chia cái này là đưa đến Thiên Đạo hay Nhân Đạo nhưng trong trường hợp khi Đức Phật gặp đối tượng nào, đối tượng đó trình độ tới đâu thì Phật giảng pháp tương xứng ở mức độ đó, thí dụ như gặp hàng cư sĩ là vua chúa là thứ dân rồi là quan quân hoặc là Bà La Môn thì tùy theo mỗi đối tượng mà Đức Phật Ngài thuyết pháp giáo hóa độ cho chúng sanh đó bởi Đức Phật Ngài đã hiểu được căn tánh căn cơ của chúng sinh đó và Ngài đã dạy cho pháp đó như vậy.

Chính điều đó, con người thực hành pháp của Phật thì Phật dạy có nhiều và mỗi pháp này sẽ tương trợ cho pháp kia và chính pháp thấp này mình hiểu trong một mức độ nào đó mình hành ở một mức độ nào thì nó ở bậc thấp, nhưng mình hành ở mức độ nào thì nó sẽ là cao, và một mức độ nào là đưa mình đến cõi gọi là tái sanh ở cõi người, cõi trời, hoặc là mình có thể là nhân để tiến đến sự giải thoát. 

Thí dụ như bây giờ mình tu thiền. Thật sự ra thì không phải nói tu thiền rồi sanh về cõi trời Phạm Thiên mà nếu tu thiền mình chưa đắc định thì mình cũng đâu thể sanh về cõi trời Phạm Thiên được mà chỉ có một chút nào đó an tịnh nội tâm, thì nó cũng là nhân để cho mình sanh ở cảnh giới an vui chứ không hẳn là mình phải sanh ở cảnh giới Phạm Thiên sắc giới. Khi nào mình đắc định được tức là đắc được Sơ Thiền, Nhị  Thiền, Tam Thiền. Tứ Thiền mình mới sanh được về những cảnh giới đó. 

Tóm lại, trong kinh Nguyên Thủy đặc biệt trong kinh điển Pali Đức Phật Ngài thuyết pháp có nhiều đối tượng khác nhau và do mỗi đối tượng Đức Phật Ngài tùy theo mà Đức Phật Ngài giảng dạy pháp tương xứng để người đó nghe rồi tu tập và giác ngộ để được lợi lạc đối với người đó. Rồi cũng bằng pháp ấy nhưng nếu như một người hành xâu xa hơn nữa thì chính pháp đó có thể dẫn dắt người đó đi đến sự giải thoát là do việc thực hành của mỗi người. Và tâm của mình mà dứt sạch phiền não ở mức độ nào mình sẽ có được sự an tịnh ở mức độ đó. Mình dứt sạch được nhiều phiền não mình sẽ được sự an tịnh nhiều chừng nấy. Và mình dứt hết phiền não thì mình sẽ được giải thoát ./.

Mỗi Ngày Trầm Tư Sanh Tử

Hạnh phúc và khổ đau là hai đề tài lớn của Ðạo Phật và không những là hai đề tài lớn của Ðạo Phật mà còn là hai đề tài lớn của kiếp người. Từ lúc chúng ta mở mắt chào đời cho đến ngày chúng ta nhắm mắt hầu như là một cuộc hành trình bất tận để đi tìm một thế giới bình yên, một vòm trời hạnh phúc, một cảm giác cho phép chúng ta thấy rằng cuộc sống có ý nghĩa. Cho dù chúng ta đã đầu tư tâm trí từ thời tấm bé và chúng ta cũng vật lộn rất nhiều với cuộc đời, thậm chí có thể hy sinh không biết bao nhiêu thì giờ tuổi xuân và nỗ lực lớn lao của đời sống mình để mong thành đạt được một điều mà chúng ta gọi là hạnh phúc, hoặc giả là sự an lạc.

Nhưng, hạnh phúc luôn luôn là một trò đùa, trò đùa giỡn đó khiến cho chúng ta cảm thấy rằng hạnh phúc đó đau khổ cũng nằm ở tại đó và những điều gì cho chúng ta thật nhiều hy vọng thì những điều đó cho chúng ta thật nhiều thất vọng. Thiền Sư Ngài Buddathasa, Ngài có một ví dụ rằng đau khổ và hạnh phúc giống như con rắn trung, chúng tôi không hiểu quí Phật tử có biết loại rắn này không, đó là một con rắn có hai đầu, một đầu cắn chết và một đầu cắn không chết, thường thường người ta gọi là một đầu chay một đầu mặn, nhưng mà rồi chúng ta khó phân biệt là đầu nào sẽ cắn chúng ta không chết và chúng ta không biết đầu nào cắn chúng ta chết, chúng ta cầm con rắn lên và nghĩ rằng chúng ta chỉ chọn lấy một đầu mà thôi và đầu kia sẽ quay lại cắn chúng ta.
TT Giác Đẳng - Hạnh phúc và khổ đau - Minh Hạnh chuyển biên

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

DỰ TIỆC


Thiền sư Nhất Hưu Tôn Thuận được các nhà từ thiện giàu có mời dự một bữa tiệc. Sư mặc quần áo như một tên ăn mày đến dự. Người chủ bữa tiệc không nhận ra, vội vàng xua sư đi:

- “Chúng tôi không thể để anh lảng vảng trước cửa nhà này được. Chúng tôi đang đợi Thiền sư danh tiếng Nhất Hưu sẽ đến bất cứ lúc nào.”

 Sư trở về chùa thay áo lễ bằng gấm tím rồi trở lại trình diện trước cửa nhà chủ. Sư được đón tiếp long trọng và hướng dẫn đến phòng tiệc. Ở đó sư đặt cái áo lễ thẳng tắp trên chiếc bồ đoàn, nói:

- “Tôi mong là ông mời cái áo này bởi vì khi nãy ông đã xua đuổi tôi.” Nói xong, sư bỏ đi.

Chuyện Xưa Tích Cũ - GIAI NGẪU TỰ NHIÊN THÀNH

GIAI NGẪU TỰ NHIÊN THÀNH

Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Có anh nọ tướng mạo khôi ngô, nhưng vì sanh trong gia đình hẩm hiu ở miền sơn cước, nên chưa gặp dịp lập thân rạng rỡ như thiên hạ.

Anh ta đến vùng Hòa Bình làm mướn, mỗi ngày phải gánh cá ra chợ để kiếm tiền độ nhật. Độc Cước chân nhân động lòng, tìm cách giúp đỡ.

Trong làng đó có một tiểu thư nọ tư tình với một phú thương cùng xóm. Hai bên thề non hẹn biển nhưng gia đình của tiểu thư không đồng ý, họ hẹn nhau trốn gia đình tìm nơi khác lập nghiệp.

Tiểu thơ dặn chàng phú thương: -Đêm nay thiếp chờ đợi chàng vào khoảng canh tư. Khi đến, chàng nhớ gõ cửa làm ám hiệu.

Thời may anh nọ gánh cá ra chợ cũng đúng lúc ấy. Tiết đông thiên lạnh lẽo mưa bấc ào ạt từng cơn. Anh bước ngay vào thềm nhà của tiểu thư nọ, run cầm cập, đòn gánh chạm vào cửa nghe lập cập. Trong nhà, tiểu thư đã chuẩn bị chờ đón chàng phú thương, đem theo tất cả nữ trang. Nghe tiếng động, cô ngỡ chàng đã đến, mở cửa nắm tay chàng mà chạy …

Chừng đi khỏi chợ, tiểu thư bình tĩnh nhìn kỹ, hiểu ra nãy giờ mình đã lầm. Nàng thuật lại tự sự, toan trở về gia đình nhưng lại sợ cha mẹ rầy la. Anh gánh cá ngỏ lời yêu thương nài nỉ. Vì hoàn cảnh nàng phải nhận lời làm vợ. Số nữ trang của nàng mang theo lần lần bán ra, lấy tiền độ nhật. Một thời gian sau, họ trở nề nghèo nàn, đến ngủ tại căn nhà nọ bỏ trống, bấy lâu nay có tiếng đồn rằng ma quỷ thường xuất hiện.

Sáng thức dậy chủ nhà hỏi: -Hồi hôm có thấy gì không?

Anh đánh cá đáp: -Không thấy gì cả.

Rồi vẫn tiếp tục ngủ nhờ đến hôm sau, thần tai hiện ra mách rằng: -Nhà này có chôn vàng phía trước nhà, và sau nhà có hũ bạc. Anh cứ hỏi mua lại.

Vì không hiểu kho tàng trong nhà, chủ nhà sẵn sàng bán lại cho anh với giá rẻ. Nhờ vậy anh gánh cá trở nên giàu có tìm thầy học kinh sử, về sau thi đỗ, vinh quy trở về thăm cha mẹ vợ.

Chuyện cười trong ngày

Sức mạnh của quảng cáo

 - Quảng cáo là một sức mạnh ghê gớm cậu ạ!

- Tại sao cậu nói như vậy?

- Rất đơn giản! Khi con gà mái đẻ trứng, nó kêu cục tác ầm ĩ. Còn khi con ngỗng đẻ, nó lặng im.

- ???

- Cho nen trứng gà ai cũng mua còn trứng ngỗng thì không

Thursday, June 26, 2014

Ngày 26-6-2014 Khởi Nguồn Chánh Pháp

Mơ màng ứng hiện mộng lành
Uy nghiêm bạch tượng hóa thành thánh thai
HOÀNG HẬU MĀYĀ NẰM MỘNG THẤY BẠCH TƯỢNG. SAU ĐÓ BIẾT MÌNH THỌ THAI.
Tranh: Global Pagoda Chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng
© Copyright 2010 Phap Luan Buddhist Cultural Center

Phật Học Vấn Đạo - Hạng chúng sanh nào tái sanh vào cảnh giới tương ưng với sự mong muốn?

Hỏi: Hạng chúng sanh nào tái sanh vào cảnh giới tương ưng với sự mong muốn?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, ngày 15-6-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Pháp Đăng:  Chúng sanh nào tái sanh vào cảnh giới tương ưng với sự mong muốn thì chúng sanh đó phải có sự tương đồng. Trong kinh Đức Phật Ngài dạy người nam và người nữ muốn tái sanh về cõi trời an trú cùng với chư thiên cõi Trời  thì có 5 điều: Chư thiên có đức tin mình có đức tin, chư thiên có bố thí mình có bố thí, chư thiên có giới mình có giới, chư thiên có đa văn mình có đa văn, chư thiên có trí tuệ mình có tri tuệ. Thì như vậy mình sẽ tái sanh về cõi Chư Thiên nếu xét về 5 phương diện này trong kinh Tăng Chi.

Khi nói đến hạng chúng sanh tái sanh vào cảnh giới tương ưng với sự mong muốn, thì trong câu chuyện Bồ Tát giữ Bát Quan Trai giới nửa ngày được tái sanh làm con vua. Một thanh niên nghèo làm công tại một nhà trưởng giả, vào buổi chiều sau khi làm xong công việc về người thanh niên chưa ăn cơm thì nghe ông trưởng giả nói giữ giới sẽ được tái sanh vào cõi phước cõi người làm vua chúa. Nghe nói như vậy, người thanh niên xin được thọ giới nửa ngày còn lại. Người thanh niên này trong lúc thọ giới thấy cảnh đức vua cùng đoàn binh đi diễn hành trong thành nên đã ước mơ được làm vua trong một kiếp sau. Thì chàng thanh niên đó sau khi chết đã tái sanh vào làm con vua và được thọ hưởng ngai vàng. Chành thanh niên đó chính là tiền thân của đức Bồ Tát. Khi đức Bồ Tát thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác với túc mạng minh Ngài đã nhớ lại trong một kiếp Ngài thọ giới có nửa ngày và Ngài được hưởng phước làm vua.

 Nên khi nói đến một người có thiện nghiệp và có được ước mơ, thì chúng ta nhìn vào chuyện thọ giới nửa ngày của đức Bồ Tát, cũng có đức tin, cũng có trí tuệ, cũng có giới, cũng có bố thí, có hi sinh bản thân mình trong sự tu tập đó nên sau khi chết được tái sanh làm con vua là chuyện bình thường thôi. Tại vì Đức Phật Ngài nói rằng chúng sanh với nguyện vọng hằng dẫn dắt chúng sanh và  phước chúng sanh đã làm. Thí dụ bố thí hay tri giới hay tu tiến kiếp sau mình sẽ sanh làm chư thiên, nếu mình thực hành những thiện pháp đó.

Như vậy, hạng chúng sanh không có sanh vào cảnh giới tương ứng. Thí dụ chư thiên có lòng tin mà mình không có lòng tin, chư thiên có bố thí mình lại bỏn xẻn, chư thiên có giới hạnh mình không có giới hạnh, chư thiên có trí tuệ mình không có trí tuệ, chư thiên đa văn mình không đa văn thì như vậy mình không đồng với chư thiên được còn khi mình thấy chư thiên có 5 điều thiện như vậy thì mình cũng có 5 điều thiện thì mình sẽ tái sanh cộng trú với chư thiên. Như vậy hạng người nào không tái sanh vào cảnh giới mình mong muốn đó là người không có phước gọi chung là không có thiện tâm. 

Theo trong A Tỳ Đàm dạy tâm thiện sẽ tái sanh vào cõi thiện, thường tâm thiện hợp trí hay tâm thiện ly trí cho mình sanh vào 7 cõi vui dục giới. 

Cõi Sơ Thiền chia ra thành 3 cõi. 
Cõi Phạm Chúng Thiên là cảnh giới của những người Ðắc Sơ Thiền bực thấp nên sanh vào cõi nầy làm đồ chúng cho Ðại Phạm Thiên. 
Cõi Phạm Phụ Thiên là cảnh giới của những vị đắc Sơ Thiền bực Trung nên sanh vào cõi nầy; các vị Phạm Phụ Thiên được xem như những vị Tổng Trưởng của Ðại Phạm Thiên.
Cõi Ðại Phạm Thiên là cảnh giới của những vị đắc Sơ Thiền bậc thượng.

Từng thứ nhì là từng Nhị Thiền tức là cảnh giới của những vị đắc Nhị và Tam Thiền; cũng do căn cơ và Quả báu khác nhau nên cũng chia thành 3 cõi: 
Cõi Thiểu Quang Thiên là cõi của những vị chứng Nhị và Tam Thiền bậc thấp; những vị Trời cõi nầy có hào quang ít.
 Cõi Vô Lượng Quang Thiên là cõi của những người đắc Nhị và Tam Thiền bậc Trung thì sanh về cõi nầy và Chư Thiên cõi nầy có hào quang chiếu sáng không thể đo lường được.
 Cõi Quang Âm Thiên là cảnh giới của những vị đắc Nhị và Tam Thiền bậc Thượng và những vị Chư Thiên ở cõi nầy mỗi khi nói hào quang túa ra rực rỡ.

Từng thứ ba là từng Tam Thiền tức là cảnh giới của những vị đắc Tứ Thiền; cũng có 3 cõi:

Cõi Thiểu Tịnh Thiên là cõi của các vị đắc Tứ Thiền bực Hạ, cõi nầy Chư Thiên có hào quang sáng nhưng chưa phải trong sáng hoàn toàn
 Cõi Vô Lượng Tịnh Thiên là cảnh giới của những người đắc Tứ Thiền bực Trung sanh về đây và Chư Thiên cõi nầy có hào quang trong sáng không thể lường được.
 Cõi Biến Tịnh Thiên là cảnh giới của những vị đắc Tứ Thiền bậc Thượng. Chư Thiên cõi nầy có hào quang trong sáng biến mãn khắp nơi.

 Từng thứ tư là từng Tứ Thiền tức là cảnh giới của những vị đắc Ngũ Thiền; cũng có 3 cõi:

Cõi Quảng Quả là cảnh giới của những vị đắc Ngũ Thiền hưởng Quả báu to lớn.
 Cõi Vô Tưởng là cảnh giới của các vị đắc Ngũ Thiền nhưng vì chán nản Tâm Thức nên nguyện chuyển sang Thiền không Tâm. Người ở cõi nầy giống như hình tượng nghĩa là chỉ có thể xác nhưng không có Tâm thức.

 Đó là theo A Tỳ Đàm.

Trong Phật giáo nói về tâm tử tâm quả tục sinh, một người có nguyện vọng hay ao ước và người đó có thiện pháp như giữ giới hay bố thí hay mình có trí tuệ tức là mình mong mỏi sanh làm chư thiên thì mình nỗ lực tu tập nỗ lực hành trì, nỗ lực trao dồi Tam Tạng kinh điển, có thiện tâm duy trì thì lực của tâm tử cho ra tâm tục sinh vào cõi trời. 

Đức Phật Ngài dạy nhân quả, làm nghiệp thiện bằng tâm thiện dục giới thì quả cũng là quả thiện tâm cũng là tâm thiện, pháp thiện sanh vào cảnh giới hiền thiện. Nên người có nghiệp đen mà sanh quả trắng thì không có, chẳng hạn như sát sanh, trộm cắp, tà dâm uống rượu là nghiệp đen mà muốn sanh vào cõi trời là không được, giống như người lấy cát muốn nấu thành cơm thì không thể được, nhưng nếu người đó lấy gạo mà nấu thành cơm thì chắc nấu được dù có cầu nguyện hay không cầu nguyện thì cũng nấu thành cơm . 

Thì cũng như vậy, một người muốn tái sanh vào cảnh giới tương ưng với mong muốn như cõi Chư Thiên thì Đức Phật Ngài dạy chư thiên có 5 đức tính mà mình có như vậy thì mình sẽ đồng đẳng với chư thiên và mình sẽ tái sanh vào cõi trời./.

 thì đó là 5 điều, thường thườngqúi vị thấy vậy chứ một tâm thiện thì có nhiều tâm sở tịnh hảo sanh khởi, nên chi mình giữ một việc thiện như giữ giới, bố thí như tài thí pháp thí vô úy thí, mình có lòng tin vào nhân quả, có sự tinh tấn có trí tuệ như Chư Thiên thì mình khi tái sanh sẽ được cộng trú với Chư Thiên như mình mong muốn./.

Mỗi Ngày Trầm Tư Sanh Tử

bí quyết rất quan trọng của cuộc sống này là gì? là nếu mình muốn làm được nhiều việc, muốn làm thành công, mình muốn làm một cách tới nơi tới chốn thì mình phải có tha thiết, ở ngoài đời gọi là đam mê, ở trong đạo gọi là sự nhiệt tâm. Hễ mình không khơi dậy cái đó trong lòng mình thì thật sự khó có ai mà cõng mà lôi mà kéo mà trì. Chúng tôi thấy một người mà đã làm biếng rồi thì thật ra bây giờ ông thầy có nhắc bạn bè có lôi kéo đi nữa thì cũng không được. Có những người họ nói là làm biếng rồi thì mình đầu hàng.

Nên trong cuộc sống của mình quan trọng nhất là gì? là mình phải có một lẽ sống, phải có lý tưởng, mình phải có sự thành tâm, phải có sự hăng hái nhiệt tâm, và nếu chúng ta có được điều đó thì rất may mắn, may mắn vô cùng, may mắn trong việc tu, may mắn trong việc học, may mắn trong việc làm tại vì chính điều đó như Đức Phật Ngài nói rằng: "người trí như tuấn mã bỏ sau đám ngựa què, tinh cần không phóng dật, tỉnh thức giữa rừng mê." Người trí như tuấn mã bỏ sau đám ngựa hèn. Tất cả những người trong đời này làm việc mà thiếu tinh tấn thiếu nhiệt tâm thiếu tha thiết thì Đức Phật Ngài gọi người đó giống như những con ngựa  què, luôn luôn là những con tuấn mã nó bỏ lại sau lưng. 

TT Giác Đẳng - Không nhiệt tâm, không ghê sợ tội lỗi thời không có giải thoát - Minh Hạnh chuyển biên

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

ÁNH SÁNG CÓ THỂ BIẾN MẤT

 Một môn sinh tông Thiên Thai, một trường phái triết học Phật giáo, đến viếng Thiền viện của Nga Sơn, với tư cách một một đệ tử. Vài năm sau khi người ấy ra đi, Nga Sơn cảnh cáo:

 “Học đạo bằng cách suy luận cũng có ích như góp nhặt những điều rao giảng. Nhưng hãy nhớ rằng trừ phi anh thiền định không ngừng, ánh sáng đạo của anh có thể biến mất.”

Chuyện Xưa Tích Cũ - CHỢ MẢNH MA NAM ĐỊNH


CHỢ MẢNH MA NAM ĐỊNH

Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Tỉnh Nam Định ngày xưa có vợ chồng ông Phú nọ tên là Hải. Ông bà rất hiếm con, chỉ sanh được một gái diện mạo xinh đẹp.

Năm mười ba tuổi đứa con gái mang bệnh ngặt và chết. Ông bà xiết bao sầu thảm. 

Hay tin, thiên hạ đồn rằng ở Quảng Yên, hằng năm đến ngày mùng một tháng sáu có chợ Mảnh Ma. Ông bà hết sức mừng rỡ. Theo lời truyền lại, kỳ hội chợ Mảnh Ma, người ở âm phủ sẽ được tự do trở về dương thế buôn bán. 

Lam sao tìm được đứa con gái yêu quý? Ông bà chợt nhớ trong nhà còn cái quả bằng bạc, xưa kia sắm riêng cho con. Bà đến chợ đem trầu cau để trên quả, giả dạng làm bạn hàng. 

Hồi lâu có người con gái mặc áo trắng đến nhìn cái quả rồi hỏi: -Thưa bà, cái quả này mua ở đâu vậy? 

Bà đáp: -Của tôi sắm cho con gái … 

Cô mặc áo trắng quỳ xuống khóc lóc. Vợ chồng ông Phú đã nhận được đứa con gái bạc phước năm nọ. Đứa con gái nói: -Âm dương cách trở biết sao bây giờ … Thôi cha mẹ hãy đi dạo âm phủ vài ngày với con. 

Ông bà vui lòng. Đứa con gái bước vào một căn nhà sang trọng cách đó không xa. Trong nhà, một cậu thanh niên cau mày hỏi: -Hai người lạ mặt này là ai mà mình dẫn về đây? 

Cô gái trả lời: -Đó là cha mẹ ruột của tôi … 

Rồi cô nói với cha mẹ: -Người ấy là chồng của con. 

Ông “rể ma.”nọ chào cha mẹ vợ rồi lẩm bẩm: -Sẵn đây, xin cha mẹ qua phòng giam kế bên. 

Ông bà rất đổi ngạc nhiên. Trong phòng tối om có cái gông rất nặng, trên gông khắc rành rành tên họ của mình. 

Ông bà hỏi thì chàng rể đáp: -Bởi vì cha mẹ cho vay nặng lời nên Diêm chúa chờ ngày làm tội … 

-Bây giờ làm sao cứu được cha mẹ …? 

-Thì cứ trở về cho vay nhẹ lời. Ngày rằm, cha me nên làm chay bố thí. 

Trở về dương thế, ông bà phú hộ lo tu nhân tích đức. Kỳ hội chợ Mảnh Ma năm sau, ông bà xuống âm phủ thăm con, thấy cái gông nọ đã nhẹ bớt. Vài năm sau, ông bà thấy cái gông không còn nữa. 

Đứa con rể nói: -Tôi cha mẹ đã sạch rồi.

Chuyện cười trong ngày

Thói quen nghề nghiệp

Mẹ nói chuyện với con trai về nàng dâu:

- Này Bob, con vợ mày ngày xưa nói năng cộc lốc, nhanh như máy nổ ....

- Dạ....dạ.... hồi đó nhà con còn trực ở tổng đài trả lời miễn phí, nên có bị nhiễm đôi chút bất nhã, mẹ bỏ qua cho.

- Nhưng bây giờ thì nó còn tệ hơn, phải cạy miệng mới nói được một tiếng, mà lại còn ề à, chậm chạp.

- Vâng, mẹ ơi, dạo này cô ấy chuyển sang tổng đài tư vấn có tính tiền rồi!

Wednesday, June 25, 2014

Ngày 25-6-2014 Khởi Nguồn Chánh Pháp


Kiếp xưa đại nguyện cúng dường
Hình hài gieo xuống trải đường Phật đi
BỒ TÁT SUMEDHO, TIỀN THÂN PHẬT THÍCH CA, LẤY THÂN TRÃI ĐƯỜNG CÚNG DƯỜNG ĐỨC PHẬT DIPANKARA (NHIÊN ĐĂNG

Tranh: Global Pagoda Chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng
© Copyright 2010 Phap Luan Buddhist Cultural Center

Phật Học Vấn Đạo - Làm thế nào để có thể nhận thức một bậc đã nhập sơ quả Tu Đà Hườn, có đặc điểm nào để hiểu?

Hỏi: Làm thế nào để có thể nhận thức một bậc đã nhập sơ quả Tu Đà Hườn, có đặc điểm nào để hiểu?

(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp thời giảng kinh Pháp Cú, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Thật ra, nói về việc đắc đạo chứng quả thì chỉ có Đức Phật Ngài mới là người có thể xác nhận rõ ràng vị nào đắc đạo chứng quả. Chúng tôi xin thưa với qúi vị, trong giới luật của một vị tỳ kheo nếu chúng ta không đắc đạo chứng quả mà mình nói rằng mình đắc đạo chứng quả là phạm trọng giới, còn nếu chúng ta thật sự có đắc đạo chứng quả mà mình nói mình đắc đạo chứng quả thì vẫn phạm ưng đối trị. 

Và có thể nói, rất khó khăn để chúng ta biết được một người nào thật sự đã đắc đạo chứng quả hay chưa. Dĩ nhiên ở trong kinh có đề cập đến một số tiêu chuẩn của một vị Thánh Tu Đà Hườn. 

Ví dụ, một vị Thánh Tu Đà Hườn không bao giờ có những hành vi khuất lấp, rất thành thật về đời sống hạnh kiểm của mình, không bao giờ phạm đến tam qui, không bao giờ làm những trọng nghiệp như phạm ngũ giới chẳng hạn. Tuy vậy, chúng ta không thể dựa đơn cử trên một số các hình thức ở bên ngoài mà chúng ta xác định vị này đắc đạo chứng quả.

 Chúng tôi xin thưa về điểm này chúng ta phải hết sức cẩn trọng. Chúng tôi sống ở trong chùa thường thấy hai sự việc mà có lẽ chúng ta phải nên cẩn thận: 

- Một là sự việc liên quan đến xá lợi của Phật, càng lúc càng có nhiều người nói rằng đây là xá lợi và kia là xá lợi, nói nhiều như vậy thật sự không lợi ích cho Phật Pháp mà trái lại rất có hại.
- Một hiện tượng khác đó là có một số người nói rằng vị này đắc đạo vị kia chứng quả v.v.... sự việc như vậy là việc thiếu trách nhiệm là bởi vì không dễ dàng để chúng ta xác nhận một người đắc đạo chứng quả bằng hình thức bên ngoài.

Chúng tôi lấy ví dụ là bà Visakha bà đắc quả Tu Đà Hườn vào năm 7 tuổi khi lớn lên bà vẫn có một đời sống gia đình đời sống vật chất mà người ở ngoài chỉ nhìn thấy thì khó biết đó là một vị Tu Đà Hườn nhưng Đức Phật đã cho biết như vậy. Có thể nói rằng trong rất nhiều trường hợp ngay cả các vị tỳ kheo thời Đức Phật còn tại thế vẫn còn những hoài nghi có những ngờ vực đối với một số các vị giải thoát thì huống chi đối với chúng ta ngày hôm nay. 

Nên về điểm này của câu hỏi thì chúng tôi thưa rằng chúng ta nên cẩn thận. Ở trong kinh sách thì đề cập đến một vị chứng quả nhập lưu thì có những đặc điểm như đã đoạn được thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, niềm tin Tam Bảo là niềm tin bất thối, không bao giờ phạm các ác nghiệp như ngũ giới, vị này không có thái độ che dấu khuất lấp những hành vi không tốt đẹp của mình. Thì đây là một trong những cái đặc điểm của một vị Thánh Sơ Quả và chúng ta được nghe nói trong kinh như vậy nhưng hoàn toàn không nên dùng điều này để đánh giá bất cứ ai tại vì hình thức bề ngoài không đủ để chúng ta xác nhận và chúng ta cẩn thận giống như là đối với trường hợp xá lợi của Đức Phật như vậy ./.

Mỗi Ngày Trầm Tư Sanh Tử

Đức Phật Ngài dậy rằng việc thiện phải có đặc tính là vô tham, vô sân, và vô si. Vô tham đặc tính là không dính mắc, vô sân là đặc tính mát mẻ, vô si là đặc tính sáng suốt, 3 đặc tính thiện pháp này được xem là đặc tính của trong sạch, một người làm thiện thì ngay trong giờ phút đó do sự trong sạch của tâm, tâm tư họ được an lạc và sau này họ cũng được an lạc, đặc biệt là nhớ nghĩ về thiện pháp của mình thì trong lòng còn hân hoan an lạc bội phần, niềm an lạc thì lớn hơn rất nhiều, nhưng muốn được như vậy thì người đó phải làm thiện và chẵng những làm thiện mà còn thấy được giá trị của điều thiện và chẳng những thấy được giá trị của điều thiện mà còn biết vui với điều thiện. Những điều này đặc biệt có khả năng cứu giúp chúng ta trong lúc đối diện với cái chết, trong lúc chúng ta sắp sửa rời bỏ thế giới này. Giờ phút đối diện với cái chết chúng ta không thể trông cậy vào một ai khác mà mình phải tự cứu lấy chính mình.

TT Giác Đẳng - Nên làm thiện với tâm như thế nào - Minh Hạnh chuyển biên

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

ĐỆ NHẤT ĐẾ

Khi đến chùa Hoàng Bá (Obaku) ở Kyoto người ta sẽ thấy trên cổng chùa khắc mấy chữ, “ĐỆ NHẤT ĐẾ.” Nét chữ to lớn phi thường và những ai biết thưởng thức nghệ thuật viết chữ đẹp đều ngưỡng mộ cho là kiệt tác. Những chữ đó do Thiền sư Cao Tuyền (Kosen) viết đã hai trăm năm qua .

Cao Tuyền đã viết những chữ đó trên giấy và những người thợ theo đó mà chạm lên gỗ. Khi sư phát họa những chữ đó, một chú tiểu can đảm đã ở bên cạnh mài bao nhiêu nghiêng mực cho sư viết và không ngớt phê bình tác phẩm của thầy.

“Cái đó không đẹp,” chú nói với Cao Tuyền sau nỗ lực thứ nhất.

“Cái này thế nào?”

“Tệ. Xấu hơn cái trước,” chú đệ tử trả lời.

Cao Tuyền kiên nhẫn viết hết tờ này đến tờ khác cho đến tám mươi bốn tờ “ĐỆ NHẤT ĐẾ” chất lên nhau mãi cho đến khi chú đệ tử chấp nhận.

Rồi khi chú bé chạy ra ngoài một lát, Cao Tuyền nghĩ: “Đây là cơ hội ta tránh được con mắt sắc bén của nó,” sư viết nhanh với tâm không bị phân tán: “ĐỆ NHẤT ĐẾ.”

“Một kiệt tác,” chú đệ tử reo lên.

Chuyện Xưa Tích Cũ - ĐỨA CON ĂN MÀY


ĐỨA CON ĂN MÀY

Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Ông Nguyễn Đăng Tuân là người ở Lộc Thành, tỉnh Quảng Bình. Tuy làm quan đến chức Thái sư nhưng không được an vui vì không có mụn con nào nối dõi. 

Hai ông bà thường đến chùa khấn vái để cầu tự. 

Cảm động vì tấm lòng thành của ông, các vị Bồ tát bàn bạc với nhau: -Sẵn trong làng có thằng ăn mày đui mù, ta nên cho nó đầu thai làm con Thái sư. 

Nằm mộng thấy điềm như vậy, sáng hôm sau ông Nguyễn Đăng Tuân đến chùa tìm vị hòa thượng. Vừa đến cổng, ông gặp tên ăn mày mù lòa đang nằm thoi thóp. 

Vị hòa thượng nghe được câu chuyện ấy liền bàn với ông Tuân: -Ngài nên cầu khẩn lần nữa xem sao … 

Đêm đến, các vị Bồ tát hiện về báo mộng cùng ông Tuân: -Người dừng ái ngại. Ta sẽ hóa phép cho nó khỏi mù lòa … 

Thế là bà Nguyễn Đăng Tuân thụ thai và tên ăn mày nọ cũng tắt thở. Đứa con sau này là Nguyễn Đăng Giai, một vị đại thần rất có công hồi đời Tự Đức.

Chuyện cười trong ngày

"Người mẫu" chạy mất

Cô giáo gọi Thomas đứng lên khiển trách:

- Bài văn tả con chó của em chữ rất xấu, giấy bẩn và chưa làm xong, tại sao vậy?

- Thưa cô, em đã cố gắng ghì nó lại để tả, nhưng được một nửa thì nó cắn em và chạy mất a!

Tuesday, June 24, 2014

Ngày 24-6-2014 Suy Niệm Trong Ngày

Phật Học Vấn Đạo - Vì hoàn cảnh sống xa cha mẹ từ thuở nhỏ nên rất lẻ loi cô đơn. Làm sao để ra khỏi cảm xúc lẻ loi cô đơn?

Hỏi: Vì hoàn cảnh sống xa cha mẹ từ thuở nhỏ nên rất lẻ loi cô đơn. Làm sao để ra khỏi cảm xúc lẻ loi cô đơn?

(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, thời giảng kinh Pháp Cú, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng:  Đời sống cảm xúc đối với một số chúng ta là nỗi ám ảnh rất dể sợ. Nhưng thật ra chỉ cần có một số thái độ tích cực thì chúng ta sẽ giảm bớt đi cảm giác đó nhiều, nó có thể thay đổi. Có thể nói rằng đó là một trường hợp rất tự nhiên khi tuổi thơ của chúng ta thiếu vắng tình thương thiếu sự chăm sóc và sự quan tâm của người lớn. 

Dĩ nhiên,  tùy vào cá tính của mỗi người nhưng một trong những đề nghị thường có hiệu quả nhất đó là sự tích cực trong đời sống hàng ngày của chúng ta trong việc an ủi cứu giúp kẻ khác. Không có điều gì hữu hiệu cho chúng ta bằng khi chúng ta cô đơn thì chúng ta hãy giúp những người khác bớt đi nỗi cô đơn của họ, khi chúng ta cảm thấy lẻ loi thì chúng ta hãy mang sự ấm cúng đến cho người khác. 

Nó có một cái gì rất kỳ lạ ở trong đời sống của chúng ta là chúng ta thường có khuynh hướng để giải quyết mọi vấn đề của mình nhưng càng lúng túng với những vấn đề của mình chúng ta càng tập trung vào vấn đề của mình thì chúng ta lại không giải quyết được nhiều thay vào đó thì chúng ta giải quyết những vấn đề cho người khác thì như vậy vấn đề của chúng ta tự lành lặn lấy đặc biệt trên phương diện cảm xúc. 

Chúng tôi biết rằng có rất nhiều người không phải ít mà những người này họ vượt qua những trở lực tinh thần của họ. Lấy ví dụ, họ có làm một việc gì đó mà họ hết sức là hối hận bức rức chẳng hạn lúc cha mẹ còn sanh tiền họ không thể chăm sóc cha mẹ được tốt và thay vì ngồi đó để chỉ hối hận thì họ lại bắt tay vào để giúp đỡ cho những người khác làm thế nào để có thể sống đời sống xứng đáng hơn hiếu hạnh hơn. Về điểm này chúng tôi nhận thấy rằng họ vượt qua sự hối hận của họ rất hữu hiệu. Bởi vì họ đã có thể giải quyết một vấn đề mà nó không bị  ám ảnh mà chúng ta gọi là ám ảnh của chủ thể ám ảnh chủ quan của đời sống khi mà chúng ta giúp đỡ một người khác để giảm bớt nỗi cô đơn hay giảm bớt sự đau khổ thì chúng ta được cái khách quan cái nhìn sáng suốt cái nhìn tĩnh táo và trong cái nhìn này nó sẽ tự nó giúp cho chúng ta chuyển hoá được những xúc cảm nội tại. 

Hầu như đạo Phật nói nhiều về tinh thần đại bi nói nhiều về những sự phục vụ cho tha nhân nhưng chúng ta đừng quên rằng phục vụ cho tha nhân không phải là một lý tưởng đơn thuần mà phục vụ tha nhân còn có khả năng để chuyển hoá đời sống nội tại của mình nữa. Rất nhiều việc trong đời sống hàng ngày chúng ta càng cố gắng để nghĩ đến nó thì nó càng sa lầy nó càng trì trệ và thay vào đó chúng ta hãy tạm quên đi cái chuyện "Tôi" và "Của Tôi", "Vì Tôi". Chúng ta hãy bắt đầu làm một việc gì đó cho người khác và vì người khác thì những điểm này sẽ có kết quả rất tốt. 

Nhưng đây là một đề nghị chúng tôi mong rằng đề nghị này có thể giúp cho đạo hữu được ./.

Mỗi Ngày Trầm Tư Sanh Tử

Có thể nói là hầu hết đời sống của chúng ta như một đứa nhỏ khi còn nhỏ đi chơi bị đòn thì khóc, đôi khi nước mắt còn ở trên mặt mà đã quên rồi lại bậc cười lại chạy theo bạn bè khác. Có nhiều trẻ em nhập cuộc chơi, mặt mày hí hửng và những giọt nước mắt vẫn chưa khô ở trên má là bởi vì cái vui cái buồn bất chợt, nó chợt đến chợt đi và em đó hoàn toàn không có ý thức được cái gì ở trong cuộc sống này. Ở một chừng mực nào đó thì chúng ta cũng vậy, chúng ta vẫn vui khi giọt nước mắt vẫn còn ở trên má của mình, chúng ta vẫn hào hứng nhập cuộc mặc dầu cái đau thương vẫn còn đó và cái đau thương đó vẫn vương vấn ở đâu đó trong tâm tư của mình. Và còn tệ hại hơn nữa là khoảng đường trước mắt đầy chông gai nguy hiểm nó cho chúng ta biết rằng sẽ có nhiều tai hoạ đang chờ đợi, nhưng chúng ta vẫn ưa thích, vẫn vui vẻ, vẫn có kỳ vọng để bước vào cuộc trầm luân. 

Phải thấy được điều này thì chúng ta mới thấy rằng tại sao một bậc thiện trí ý thức giữa cuộc đời này không bám víu vào trầm luân sanh tử,  không có cảm thấy rằng mình đang có thể ngủ yên trên đống lửa được. Là bởi vì sao? Bởi vì các vị đó có trí tuệ, hiểu được tại sao Đức Phật dạy rằng đời sống của chúng ta là đời sống bị phủ lấy bởi vô minh, bị phủ lấy bởi một màn đêm tăm tối mà trong đó chúng ta hoàn toàn biết rất ít về bước chân kế tiếp của mình, không biết bước chân đó đưa chúng ta xơ xảy vào một cạm bẫy xơ xảy vào một hố sâu, đạp trên đầu một con rắn độc, chúng ta hoàn toàn không biết được những bước đi sắp tới của mình và cái gì chúng ta biết được bây giờ đó là vị ngọt của đời sống.

TT Giác Đẳng - Chúng ta nên làm quen với cách nhìn của nhân quả - Minh Hạnh chuyển biên

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

TÌM THẦY HỌC ĐẠO

Vào thời Minh Trị Duy Tân (năm 1868), trụ trì chùa Tướng Quốc ở Kyoto là Thiền sư Việt Khê. Có một nhà Khổng học nổi tiếng tên là Date. Date có người con trai sau này là bộ trưởng ngoại giao Nhật. Một hôm nhà học giả đến chùa gặp vị trụ trì, nói:

“Có thể hoà thượng đã biết tôi nghiên cứu Khổng học và hiểu rõ Đạo là gì. Nhưng vì Đạo Thiền hình như có chỗ khác biệt, tôi đến đây cầu hoà thượng từ bi nói cho một lời.”

Vị trụ trì bất ngờ tát vào mặt Date một cái. Ngạc nhiên và bối rối, Date thấy mình đã ở bên ngoài căn phòng, và vị trụ trì lặng lẽ đứng dậy kéo cửa lại, rồi trở về chỗ ngồi. Vị học-giả-chiến-sĩ phẫn nộ nghĩ mình sao lại chạy trốn theo bản năng, đứng trong hành lang, tay nắm đốc kiếm, mắt nhìn trừng trừng cánh cửa. Một ông tăng trẻ, thấy tư thế đầy đe dọa của nhà học giả, liền hỏi việc gì đã xảy ra.

 “Không có gì cả. Chỉ là trụ trì nhà ông đã sỉ nhục tôi thôi. Đã phục vụ qua ba đời lãnh chúa, chưa từng có ai dám động ngón tay... bây giờ lão trụ trì này! Nhưng lão ta không thể đối xử với danh dự của một chiến sĩ như thế! Tôi sẽ kết liễu ông ta!..”

Bộ mặt cau có cho biết ông ta có ý đó. Nghe nói như vậy, ông tăng trẻ nói rằng ông ta không hiểu gì cả nhưng chắc chắn sự việc sẽ được sáng tỏ, vậy tại sao khách không vào uống trà trước đã? Ông tăng dẫn khách vào phòng, rót trà cho khách. Khi Date đưa tách trà đến môi sắp uống, thình lình ông tăng đánh nhẹ vào cánh tay cầm tách của Date. Trà đổ ướt tùm lum các thứ. Vị tăng chạm trán nhà Khổng học, nói:

“Ngài tự khai rằng hiểu rõ Đạo. Bây giờ cái gì là Đạo?”

Date cố tìm một câu trong Tứ Thư hay Ngũ Kinh, nhưng thất bại và phân vân. Ông tăng cao giọng,

“Cái gì là Đạo? Nhanh lên, nói, nói!” Nhưng nhà học giả chẳng nghĩ ra được điều gì. Vị tăng nói:

 “Chúng tôi đã rất thô lỗ, nhưng ngài có muốn chúng tôi giới thiệu Đạo của chúng tôi không?”

Date đến đây chưa bao giờ có ý để được một ông tăng trẻ như thế này chỉ dạy, nhưng đạo của ông ta đã thất bại, đành phải đồng ý. Lúc bấy giờ vị Thiền tăng lấy miếng vải lau nước trà đổ, nói:

“Đây là Đạo của chúng tôi,”

và Date nói không suy nghĩ:

“Vâng.”

 Ông ta đã có tia chớp nhận thức lóe lên và thấy mặc dù mình đã biết lý thuyết rằng Đạo ở ngay trước mắt và chưa từng lìa xa một giây, mình đã tìm nó tận nơi xa xôi. Ông ta đã thay đổi toàn bộ cách suy tư và trở lại phòng vị trụ trì để học hỏi. Sau nhiều năm tu tập tinh tiến, ông ta đã trở thành hình ảnh nổi tiếng trong lịch sử tâm linh thời đó.

 (Bước Đầu Đọc Thiền)

Chuyện Xưa Tích Cũ - HỔ HUYỆT


HỔ HUYỆT

Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Ông Lý Khắc Cần là một vị quan rất thanh liêm hồi cuối đời nhà Lê.

Hôm nọ, ông đi công cán đến núi Đại Ngạn giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, nhìn xem phong cảnh hồi lâu. Ông truyền lệnh cho bọn quân hầu: -Ngưng cán lại. Ta muốn nằm hóng mát nơi đây.

Quân hầu thưa: -Chúng tôi không dám.

-Sao vậy?

-Thưa, vùng này nổi tiếng nhiều thú dữ.

-Ta đã ra lệnh thì chúng bây phải làm tuân theo.

Nằm nghỉ hồi lâu, bỗng nghe cọp rống tứ phía. Quân hầu đòi khiêng cáng chạy trốn nhưng ông Lý Khắc Cần không chịu. Chập sau, cọp chạy đến xé xác ông.

Quân hầu hoảng hốt, chạy về báo tin cho quan sở tại hay biết. Quân sĩ kéo đến núi tìm được xác ông, đem về Nghệ An mà chôn cất rất long trọng.

Đêm hôm sau, cọp loạn rừng kéo xuống đồng bằng, bao vây mộ ông Lý Khắc Cần, moi xác lên đem về núi. Quân sĩ rượt theo đến khuya thì gặp lũ cọp đang quào đất chôn ông bên sườn núi.

Đêm ấy, quân sĩ không dám tiến tới, đóng binh gần đó. Quan chỉ huy nằm mộng thấy ông Lý Khắc Cần hiện về nói rằng: -Đừng cải táng. Cọp chôn ta ở đâu thì để vậy. Đó là Hổ huyệt, điềm tốt lành cho con cháu về sau.

Quả nhiên, mấy đứa con của ông lớn lên, thi đổ đầu, làm quan to hiển hách một thời.