Friday, June 20, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Học nhiều có lợi cho việc tu tập hay không?

Hỏi: Học nhiều có lợi cho việc tu tập hay không?

(Câu thảo luận trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT. Tuệ Siêu: Trong việc tu tập có người cho rằng học nhiều sẽ làm trở ngại cho việc thực hành. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng không học hoặc ít học thì không biết đường đâu mà thực hành. 

Ở đây, theo thiển ý của chúng tôi việc học nhiều vẫn luôn có lợi cho việc tu tập chỉ có điều  chúng ta biết ứng dụng, biết gạn lọc trong việc thực hành hay không, đó mới là điều quan trọng. 

Trong mười điều kiết sử - saññojana, tức là mười điều chướng ngại hay mười quán niệm cho vị hành giả tu tập quán niệm về pháp học. Điều này cũng không phải là sai vì khi chúng ta học nhiều quá, biết nhiều quá nhưng cái biết của chúng ta là cái biết doanh thu. Khi chúng ta doanh thu quá nhiều tri kiến, nhiều sự kiện, mặc dù đó cũng là kinh điển nhưng làm cho chúng ta phân tâm. Không dễ dàng an trú trong đề mục tu tập. Việc học như vậy chúng ta không biết cách thì trở nên chướng ngại, trở thành sự kiện chướng ngại cho việc tu học của chúng ta, cho việc hành của chúng ta. 

Nhưng ở đây, chúng tôi có quan niệm học nhiều trong tu tập vẫn là một điều tốt bởi vì khi chúng ta học hiểu nhiều điều trong giáo pháp thì chính điều đó có thể khởi sanh lên một trí tuệ hiểu pháp và chúng ta biết được những phương thức thực hành các pháp. Như vậy, đến khi vị thầy hướng dẫn cho chúng ta thực hành thì vị thầy đó đỡ phải tốn công nhiều giải thích cho chúng ta những điều này hay điều nọ có liên quan đến đề tài tu tập. 

Thứ hai, đối với một vị hiểu pháp nhiều thì niềm tin của vị đó đối với Đức Phật, đối với giáo pháp, đối với tăng chúng vẫn thù thắng. Nhưng ở đây, chúng tôi nói việc học nhiều phải biết gạn lọc khi thực hành, khi chúng ta tu tập thì điều đó còn tùy vào sự khéo tác ý của chúng ta nữa, tức là sự nhạy bén, trí tuệ của chúng ta nữa. Nghĩa là khi chúng ta học hiểu nhiều đến khi  thực hành nếu chúng ta lựa chọn các đề mục, các đề tài tu tập cho thích hợp với trình độ và căn tánh của mình rồi lúc đó hãy để qua một bên những tri kiến thu góp để đừng bị chi phối và chúng ta cứ thẳng hướng đi tới, trong trường hợp đó vẫn tốt đẹp. 

Cũng giống như người thợ khi làm nghề. Thí dụ như người thợ mộc. Dụng cụ làm thợ của người này phải có đủ. Cưa phải có đủ các loại cưa. Đục phải có đủ các loại đục. Bào phải có đủ các loại bào v.v. Để chi vậy? Để gặp trường hợp phải dùng cưa nhỏ thì lấy cưa nhỏ, phải dùng cưa lớn thì lấy cưa lớn. Có trường hợp phải dùng cưa tay thì cưa tay. Có trường hợp phải dùng cưa máy thì ta cưa máy. Có những trường hợp đục bản lớn thì chúng ta dùng đục bản lớn, đục nhỏ thì chúng ta dùng đục nhỏ, khỏi bị chi phối. Chúng ta khỏi phải sử dụng tạm cái này trong trường hợp này vì rằng không có. Như vậy thì sản xuất sản phẩm ra nó không được sắc sảo như khi chúng ta có sẵn, có đủ dụng cụ. Như chúng ta có đủ đồ nghề thì chúng ta làm việc gì cũng khéo léo cả. 

Trong việc chúng ta học nhiều vẫn có lợi cho chúng ta. Chỉ trừ người học nhiều mà mục đích chỉ là để doanh thu kiến thức với dụng ý để tranh luận với người khác, để biện bác với người khác. Khi họ học nhiều quá như vậy, đa ngôn thì loạn ngữ, đa chữ thì loạn thần kinh. Người ta thường nói đùa như thế . Khi chúng ta không khéo tác ý, có khuynh hướng không được tốt đẹp thì lúc bấy giờ nó mới không có ích cho việc chúng ta thực hành. Người đi đến Đức Phật chưa học gì cả nhưng vì Đức Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác, Nhứt Thiết Chủng Trí, là bậc thấu hiểu rõ về trình độ, cơ tánh của chúng sanh cho nên ngài chỉ khai thị cho pháp môn nào tương ứng với trình độ của người đó và thích hợp với căn duyên, tuệ căn của người đó trong quá khứ thì người đó liền áp dụng pháp đó thực hành thì họ sẽ thành tựu được mục đích cứu cánh. Cũng có những trường hợp vị tỳ kheo xuất gia trong giáo pháp vì không học nhiều Phật ngôn, không biết về pháp cho nên gặp sự chướng ngại. 

Bởi vậy, Đức Phật ngài luôn luôn nhắc nhở trong những pháp dạy cho các vị tỳ kheo, trong đó có một chi phần đa văn. Một vị tỳ kheo đa văn lúc nào cũng được tán thán. Đa văn tức là nghe nhiều học rộng. Bởi vì một vị tỳ kheo đa văn như vậy có thể làm nương tựa cho các vị đồng phạm hạnh mà những bạn đồng phạm hạnh cần tìm hiểu cái gì đó thì vị đó sẵn sàng để giải thích. Một vị đa văn có thể làm rường cột của chánh pháp, chẳng hạn như tôn giả Ananda. Nếu ngài không có nghe nhiều học rộng, không có nhớ nhiều thì có lẽ trở ngại cho Phật pháp. Trong kết tập tam tạng lần thứ nhứt không có ngài thì không có vị nào có thể trùng ghi lại toàn bộ giáo lý. Chính ngài Ananda và tôn giả Ưu Ba Ly là hai vị đã tường thuật tất cả kinh và luật Đức Phật đã thuyết v.v. Ở đây chúng ta thấy trường hợp học nhiều quả vẫn có lợi ích. 

Chúng tôi xin góp ý rằng nếu chúng ta học nhiều, biết nhiều nhưng luôn luôn lúc nào chúng ta cũng nhắm đến một mục đích và tùy theo trường hợp chúng ta sử dụng, chớ không phải lúc nào chúng ta cũng đem cái học, cái hiểu của mình mà chúng ta gom góp rồi chúng ta chỉ lo việc tranh luận với người khác thì như vậy chẳng có ích lợi cho chúng ta mà quái niệm cho việc tu tập. Điều này chúng tôi xin được góp ý ở đây là như vậy. Xin dứt lời. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

No comments:

Post a Comment