Sunday, June 29, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Thế nào là tâm bị điều kiện hóa?”

Hỏi:“Thế nào là tâm bị điều kiện hóa?”

(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, thời giảng kinh Pháp Cú, Minh Hạnh chuyển biên) 

TT. Giác Đẳng: Chúng tôi lấy ví dụ, qúi vị đang nhìn màn ảnh Paltalk của computer. Nhưng nếu chúng ta không nhìn Paltalk mà chỉ ngó computer là computer thì có lẽ cảm gíác của chúng ta đối với computer khác đi. Nhưng bởi vì chúng ta có chương trình Paltalk rồi lại có những người quen xa gần trong Paltalk, lại có một số đề tài chúng ta muốn được nghe, được biết nên chi khi ngồi trước computer, chúng ta cảm thấy computer nó khác đi. Khi chúng ta nhìn một thành phố cũng vậy. Một trăm, một ngàn người ở trong thành phố, không phải là một thành phố mà tất cả mọi người đều nhìn thấy giống nhau hết. Mỗi người nhìn thấy thành phố trong sự cảm nhận riêng của mình. Cũng thành phố đó có những người nhìn thấy rất khô khan và ảm đạm. Cũng thành phố đó nhưng có những người nhìn thấy rất xa lạ. 

Bởi vì sao? Bởi vì, chúng ta bị những điều kiện khác nhau chi phối. Về văn hóa, về giáo dục, về lợi tức, về nguồn gốc, về công việc làm của mình. Và nếu một nơi nào đó, một quán ăn nào đó mà qúi vị đã bắt đầu một cuộc tình thì quí vị sẽ nhìn quán ăn đó khác hơn quán ăn mà qúi vị đã đến đó để đi mua những bữa ăn trưa trong những ngày đi làm, rất vội vã, đến rồi đi. 

Cũng thời một đối tượng, cũng thời một hình ảnh nhưng sự lãnh hội của chúng ta hòan tòan khác, bởi vì sao? Bởi vì tâm của chúng ta bị điều kiện chi phối. 

Ngay cả khi chúng ta đọc một trang kinh hay nhìn một pho tượng Phật thì sự cảm nhận pho tượng Phật hay sự cảm nhận ý lý trong trang kinh hay những lời nghe pháp không phải giống nhau. Vì sao? Bởi vì nó tùy thuộc vào trình độ của chúng ta và nó tùy vào lúc đó chúng ta vui hay chúng ta buồn. 

Nhìn một món ăn rất là ngon nhưng lúc chúng ta khi no khác, chúng ta khi đói khác. Có những người có kinh nghiệm đi chợ họ nói rằng những lúc đói bụng mình đi chợ thì mình mua đồ rất bừa bãi, mua đồ rất nhiều và có thể mua đồ về không ăn. Nhưng khi mình no hay không đói lắm thì mình đi chợ mua đồ một cách rất chừng mực. Đó là điều tự nhiên. 

Chúng ta đừng quên rằng tâm tư của chúng ta, khả năng lượng định trực tiếp, cái gọi là trực giác, đánh giá sự vật một cách trung thực là một cơ hội rất hiếm hoi. Đa phần đời sống, chúng ta rất chủ quan. Chúng ta đem vào đó những thành kiến, những định kiến để đánh giá sự vật. Chúng ta đừng tin là chúng ta có thái độ hoàn toàn khách quan trong đời sống. Không có đâu! Chúng ta là người của dục giới thì chúng ta phải dùng tâm dục giới. Những tâm dục giới cho chúng ta một phản ứng khác, một cảm nhận khác về cuộc sống. 

Nếu chúng ta là một vị đã chứng thiền thì nhìn thế gian này khác. Chúng ta là người Phật tử, chúng ta nhìn cái đạo nó khác. Chúng ta là người khỏe mạnh, chúng ta nhìn cuộc sống là khác. Khi nào chúng ta bịnh họan, chúng ta nhìn cuộc đời bi quan hơn. Điều đó cho chúng ta thấy rằng tâm của chúng ta luôn bị chi phối bởi nhiều điều kiện. Có thể chúng ta cho rằng một giây phút nào đó tâm của chúng ta thật sự vượt thoát, nghĩa là đứng trên tất cả những tế toái, đứng trên tất cả những phiền lụy, đứng trên tất cả những chi phối. Nhưng thực sự chỉ có những bậc giác ngộ, giải thoát hoàn toàn như  Đức Phật thì tâm lúc đó không còn bị chi phối, bị điều kiện. Mà điều kiện ở đây là sự bao trùm của vô minh và sự chi phối mãnh liệt của khát ái./.

No comments:

Post a Comment