Thursday, May 29, 2014

Ngày 29-5-2014 Suy Niệm Trong Ngày

Phật Học Vấn Đạo - Tại sao có người bình sinh không có nhiều thiện tâm nhưng giờ phút cuối đời lại có tâm trong sạch?

Hỏi.  Tại sao có người bình sinh không có nhiều thiện tâm nhưng giờ phút cuối đời lại có tâm trong sạch? 

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 21-5-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Chúng tôi xin chia sẻ 3 điểm:

- 1. Thứ nhất, trong cuộc sống chúng ta cố gắng bỏ những oan kết với chúng sanh khác. Oan kết ở đây là hiềm hận, oan trái, bực bội. Bởi vì hại tư duy hay oan trái làm cho đầu óc của chúng ta cứ nghĩ hoài sự hận thù. Ở trong thế giới chúng ta sống lúc nào buổi sáng thức dạy hay buổi tối đi ngủ mà mình cứ nghĩ đến oan kết của mình nghĩ đến người khác thì thật sự không biết mình được cái gì nhưng chắc chắn một điều rất phiền não. Trong lúc mình còn oan kết với người khác mà nếu lỡ lúc đó mình nhắm mắt ra đi hoặc như mình bị tai nạn xe cộ thì thật sự buồn lắm. Tại vì sao vậy? Tại vì không có cái oan kết nào không có hận thù. Do vậy khi nào tâm của mình có phiền não về người khác mình không phải là thánh nhân, mình không thể nào nói là tâm mình không phiền não. Nhưng bây giờ mình tập cởi bỏ oan trái. Và lâu lâu chúng ta cũng nên nguyện: "Nguyện cho con dứt trừ mọi phiền não oan trái",  buổi sáng buổi chiều nguyện như vậy. Mình oan kết không được cái gì hết nhất là mình có phiền não đụng chạm người này đụng chạm người kia, mình nên cởi bỏ những oan kết đó. Mình nhớ như vầy là oan kết với người tức là thiệt thòi cho mình, hại cho mình, tại sao mình phải làm chuyện hại cho mình, để làm cái gì.

-2. Việc thứ hai, điều mình nên nhớ đó là đừng tin vào phiền não. Có một điểm rất là lạ. Ngay cả những người tu Phật học Phật như chúng ta khi ở trong đời sống hàng ngày chúng ta vẫn tin vào những phiền não trong đời sống. Thí dụ như chúng tôi thấy có những người sống suốt ngày cứ tính toán những chuyện hơn thua với người khác, tính toán chuyện dùng thủ đoạn này mưu chước khác mà nghĩ đó là sự khôn ngoan. Thật ra không khôn ngoan gì hết, hễ tâm mình  chất chứa bao nhiên sự mưu mô thủ đoạn toan tính hại người tâm mình không an lạc. Thì giờ đó mình đọc Phật ngôn, thì giờ đó để mình chiêm nghiệm Phật ngôn, thì giờ đó để mình ngồi niệm hơi thở có ích hơn là mình ngồi đó tính toán, nhưng có nhiều người rất tin vào chuyện đó, giống như mình đi làm ăn mình tin vào chuyện tính toán thì đối với người sống lúc nào cũng nghĩ chuyện ăn thua đủ với người khác. Cái đó chẳng lợi ích gì hết. Chúng ta nhớ rằng đừng tin vào phiền não. Ngài Ajahn Chah nói là sức thuyết phục của phiền não rất dễ sợ nó làm cho mình thấy rằng mình nên có phiền não mình nên tin vào phiền não mình sống với phiền não và người tu phải là người đừng tin vào phiền não. Giống như trong nhà mình có người bạn tốt bạn xấu nhưng nếu mình tin vào bạn xấu thì mình chết, mình đừng tin vào phiền não. Phiền não thì ai cũng có nhưng mình ngồi xuống mình nghĩ rằng đây là tham, đây là sân, đây là phiền não, đừng có tin nó, chẳng có gì tốt đẹp ở phiền não để mà tin được.

3. Sau cùng, trong đời sống chúng ta có rất nhiều việc làm tốt việc làm thiện thì chúng ta nên nhớ dù đó là một chuyến đi hành hương, dù đó là bộ lễ dâng y mà mình làm, dù đó là công việc làm thiện tốt việc hoan hỉ. Có nhiều người trong cuộc sống họ thích có những món đồ mà họ hoan hỉ như một cái áo đẹp làm họ hoan hỉ, một cái xe làm họ hoan hỉ. Nhưng họ không nghĩ đến là mình nên nhớ chuyện phước mình làm hoan hỉ. Chuyện phước mình làm hoan hỉ rất là quan trọng, cái đó là tư lương, cái đó là hành trang của chúng ta để mình đi vào cuối đời và do vậy khi lâu lâu mình làm được việc gì đó thì mình nhớ, giả xử như mình sang Ấn Độ hành hương có những lần ngồi dưới cội Bồ Đề nơi Đức Thế Tôn thành đạo, đến chỗ Đức Thế Tôn chuyển Pháp Luân, đến chỗ Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn, đến chỗ Đức Thế Tôn ra đời tại vườn Lâm Tỳ Ni, nhớ in sâu khắc kín vào trong lòng làm sao để chúng ta đừng quên rằng mình có đi hành hương có về những nơi liên quan đến những sự kiện quan trọng về cuộc đời của Đức Phật. Hay lần nào đó chúng ta làm được chuyện gì cảm thấy vui trong việc tạo phước thì nên nhớ, cố nhớ và nhớ một cách rất rõ nhớ một cách hoan hỉ với điều thiện mình làm thì điều đó vẫn tốt hơn là nhớ những chuyện phiền não khác. 

Thành ra trong cuộc sống rất đơn giản, hễ mình sống tích cực thì đời sống mình vui. Mình sống tiêu cực thì đời sống mình buồn. Buổi sáng chúng ta thức dạy buổi tối chúng ta đi ngủ mà trong lòng chúng ta cứ luẩn quẩn chuyện phiền não thì có lẽ chúng ta không an lạc được. Và không ai có thể giúp chúng ta được điều đó. 

Đức Phật dạy rằng có một chuyện những người thân của mình ngay cả cha mẹ quyến thuộc không làm được cho mình đó là tâm hướng chánh, mình phải tự làm cho mình việc đó, không ai có thể nhồi nhét trong đầu mình để tâm mình được chánh. Tâm mình hướng thượng, hướng chánh đó là điều tất cả chúng ta thường nhắc nhở chính mình và bài học ngày hôm nay là bài học rất quan trọng, bài học đó quan trọng đối với chúng ta hơn nhiều bài học mà chúng ta thường thấy bởi vì cảnh giới tương lai của chúng ta thật sự là quyết định bởi chính mình, nó quyết định bởi chính mình là chúng ta nên đặc biệt quan tâm đến tâm thái của mình, chúng ta thường sống với phiền não hay chúng ta thường sống với thiện pháp. Chúng ta hãy mong cho bản thân của mình và mong cho tất cả chúng sanh dứt trừ mọi oan kết, xin cho tâm của chúng ta được an lạc và xin cho trí của chúng ta được sáng suốt ./.   

Mỗi Ngày Trầm Tư Sanh Tử

Bài học rất lợi ích liên quan đến sự thực hành là, ở trong kinh dạy rằng tâm tham thì luôn luôn đuổi bắt, ham muốn, truy cầu, thì mình dùng định tâm để làm giảm sự ham muốn sự truy cầu. Định tức là tập trung một chỗ, tập trú vào hiện tại. Nếu đời sống chúng ta lúc nào cũng tham, lúc nào cũng mơ mộng thì chúng ta thường không để tâm vào hiện tại được. Đây là một bi kịch của cuộc sống chúng ta. Có nhiều người suốt cuộc đời đi theo một mục đích gì đó nhưng mà cuối cùng nhìn lại thì thấy rằng ngay cả cái mình có mình cũng không hưởng được.

TT Giác Đẳng - Giảm thiểu tham dục như thế nào? - Minh Hạnh chuyển biên

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

NHỮNG NGƯỜI LÍNH CỦA LÒNG NHÂN TỪ

Một hôm một sư đoàn quân Nhật tập trận giả. Một số sĩ quan thấy cần phải đặt tổng hành dinh của họ trong ngôi chùa của Nga Sơn.
 Nga Sơn bảo người nấu ăn: “Hãy cho các sĩ quan đó ăn những món đơn giản như chúng ta.”
 Điều này làm cho các quân nhân đó tức giận, vì họ thường được biệt đãi. Một người đến nói với Nga Sơn: “Thầy nghĩ chúng tôi là ai? Chúng tôi là những người lính, hy sinh tánh mạng cho quốc gia. Tại sao thầy không đối xử chúng tôi cho hợp cách?”
Nga Sơn nghiêm nghị trả lời: “Anh nghĩ chúng tôi là ai ? Chúng tôi là những người lính của lòng nhân từ, mục đích là độ tất cả chúng sinh.”

Chuyện Xưa Tích Cũ - ĂN TRẦU NGẮT ĐUÔI


ĂN TRẦU NGẮT ĐUÔI

Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Thuở ấy, ở xóm kia có chàng thanh niên và cô thiếu nữ rất xứng đôi vừa lứa. Cha mẹ của đôi bên đều bằng lòng kết tình thông gia nhưng chưa nói cho con mình biết.

Vì quá yêu nhau, hằng đêm cô thiếu nữ lén mở cửa phòng rước cậu trai vào tự tình. Mãi đến gà gáy hừng đông, cậu trai mới ra về. Cứ như vậy ngày này qua tháng kia.

Buổi tối, trước khi về, cậu trai ao ước được ăn một miếng trầu. Nhìn trong khay thấy hết trầu, cô thiếu nữ liền chạy ra vườn hái một lá đem vô, têm vôi, mời chàng. Dè đâu miếng trầu nhai chưa dập là chàng nọ ngã lăn, trào đờm rồi chết. Hoảng hốt, nàng tri hô lên. Quan làng chạy lại khám xét tử thi, thấy nhiều đốm đỏ loang khắp mình.

Thế là cô nọ bị bắt giam để xét hỏi về tội bỏ thuốc độc giết người. Cô cứ một mực kêu oan. Cuộc tra tấn kéo dài, lần lần cô trở nên ốm o gầy mòn, gần chết trong ngục.

May sao, có ông quan Án đi qua. Quan Án hỏi cô: -Đầu đuôi tự sự như thế nào? Mi phải khai rõ rệt.

Cô nọ nói sự thật. Nghe xong, vị quan suy nghĩ, gật đầu. Ông đi ra ngoài vườn xem kỹ lưỡng từng lá trầu trên nọc. Ông chú ý: ở mấy lá sát gốc đều dính một chất gì nhớt ngay chót đuôi lá, giống như là con ốc, con sên bò qua nhả nước miếng.

Nhưng không thấy con ốc, con sên nào cả!

Ông quá tức trí, ra lệnh đào dưới đất, ngay nọc trầu. Đào xuống thật sâu, bỗng nghe tiếng khè khè. Rõ ràng là con thuồng luồng nằm khoanh trong hang. Dân chúng chạy tứ tán.

Ông quan nói: -Con thuồng luồng này hằng đêm lén bò lên mặt đất để kiếm nước uống. Vì quá khát nước, nó phải liếm mấy giọt sương mù ở chót đuôi mấy lá trần gần dưới đất. Nọc con thuồng luồng dính lại trên lá nên gây chết người. Cô gái này bị hàm oan.

Chòm xóm nhìn nhận lời vị quan nọ là chí lý, tài trí như Bao Công thuở trước. Từ đó về sau, trước khi têm trầu, ai nấy đều ngắt chót đuôi lá vì sợ nọc con thuồng luồng. Bây giờ giống thuồng luồng không còn, nhưng thói quen của con người hãy còn.

Chuyện cười trong ngày

Đỡ khổ vì sẽ quen đi

Thày bói xem chỉ tay một người đàn ông.

- Nửa đầu cuộc đời, ông khổ sở vì thiếu tiền, sau đó.....sẽ đỡ hơn nhiều.

- Vì tôi sẽ kiếm ra tiền ư?

- Không, vì ông sẽ quen đi.

Wednesday, May 28, 2014

Ngày 28-5-2014 Suy Niệm Trong Ngày

Phật Học Vấn Đạo - Sợ ma" thế nào thật sự tốt cho người tu tập?

Hỏi: "Sợ ma" thế nào thật sự tốt cho người tu tập?

TT Giác Đẳng: Ở trong đời sống của chúng ta thì chúng ta có hai cách nhìn về sự việc:

Một là chúng ta nhìn sự việc một cách tích cực những gì rất là tốt, nhưng mà đồng thời chúng ta cũng không nghĩ đến những gì mà nó chi phối chúng ta, người mà chỉ nhìn một thứ thì rất là nguy hiểm.

Ma không nên trở thành nỗi ám ảnh đến nỗi chúng ta không làm được chuyện gì nhưng mà nó cũng không nên là một điều để chúng ta xem thường, chúng ta đặc biệt rất cẩn trọng.

Giống như với một người lái xe trên đường lúc nào cũng lo sợ, lúc nào cũng ngại  thì không lái xe được nhưng mà nếu lái xe nghĩ rằng mọi thứ xem không có gì nguy hiểm thì đó cũng là một điều rất nguy.

Để có cái nhìn tương đối là quân bình đủ để chúng ta đi tới đủ để chúng ta cẩn trọng thì đó là cái nhìn rất là tốt ./.

Mỗi Ngày Trầm Tư Sanh Tử

Bậc thiện trí hay người có trí tuệ sẽ thấy rằng chính lạc thọ cũng là khổ, chính hạnh phúc là khổ. Chúng ta lấy một ví dụ như vầy, là người thì thích ăn uống nhưng ít có ai nhận thấy rằng ăn uống là cái hệ lụy, đến lúc nào đó mà mình cảm thấy chuyện ăn uống nó là một hệ lụy thì lúc đó chúng ta mới hiểu nó là khổ. Có nhiều người nghĩ rằng mình thủ đắc tài sản lớn là hạnh phúc nhưng cũng có những người thấy rằng tài sản lớn chỉ là đối tượng dòm ngó tranh chấp thị phi, nhiều gia đình rất khổ không phải vì nghèo mà khổ mà vì có tài sản nằm xuống chia chác cho con cái đã là vấn đề khổ rồi, mình sống mình tất bật để làm tạo dựng tài sản khi chết thì con cháu dành giựt chia chác tài sản.

TT Giác Đẳng - Quán niệm thực tướng của cảm thọ - Minh Hạnh chuyển biên

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

VỊ TƯƠNG CHUA

Dairyo là vị tăng đầu bếp ở chùa của Thiền sư Bàn
Khuê. Dairyo quyết định rằng mình phải chăm sóc tốt sức khỏe cho vị lão sư của mình và chỉ cho lão sư ăn vị tương (tương đậu nành trộn với bột lúa mì và men) tươi thôi. Bàn Khuê để ý thấy mình được ăn thứ vị tương ngon hơn các đệ tử, liền hỏi: “Hôm nay ai là người nấu ăn?”
Dairyo được gọi đến. Bàn Khuê biết rằng theo tuổi tác và địa vị của mình chỉ nên ăn vị tương tươi. Vì vậy sư nói với ông tăng điển tọa: “Rồi anh xem tôi sẽ không ăn gì cả.” Nói xong câu ấy, sư vào phòng đóng cửa lại.
Dairyo ngồi ngoài cửa xin sư thứ lỗi. Bàn Khuê không trả lời. Dairyo ngồi ngoài cửa và Bàn Khuê ở trong phòng, cứ như thế bảy ngày.
Cuối cùng vô hy vọng, một đệ tử khác gọi lớn với Bàn Khuê: “Được rồi, ông có thể đúng đó, ông thầy già ơi, nhưng gã đệ tử trẻ này phải ăn. Y không thể nhịn đói mãi được!”
Vì thế Bàn Khuê mở cửa. Sư mỉm cười, bảo Dairyo: “Tôi nhất định ít ra cũng ăn các món y như các đệ tử của tôi. Tôi không muốn anh quên điều này khi anh làm thầy.”

Chuyện Xưa Tích Cũ - NỮ ANH HÙNG BÙI THỊ XUÂN


NỮ ANH HÙNG BÙI THỊ XUÂN

Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Sau khi thâu phục được sơn hà, vua Gia Long ra lệnh xử tử vua Tây Sơn (Quang Toản) cùng các vị tướng lãnh của Tây Sơn như quan Thiếu phó Trần Quang Diệu và vợ là Bùi Thị Xuân.

Trần Quang Diệu bị tội lột da.

Kế đến lượt đứa con gái của Trần Quang Diệu. Đứa con gái ấy mới chừng mười lăm tuổi. Khi thấy voi tiến tới quất giết mình, đứa gái la hoảng: -Mẹ ơi! Cứu con.

-Chân tay của mẹ bị trói hết rồi không phương nào cứu được. Con hãy vui lòng mà chết luôn với mẹ cha, còn hơn là sống với bọn này.

Con voi quơ vòi, cuốn đứa con gái, quăng lên trời rồi đưa hai ngà ra hứng. Hai lần như vậy, đứa con gái chết hẳn.

Bà Bùi Thị Xuân không thay đổi sắc mặt. Bà bước tới trước con voi nọ. Bọn đao phủ ra lệnh cho bà phải quỳ xuống để con voi dễ quấn.

Bà không tuân lệnh, cứ bước tới như hăm dọa. Con voi thối lui. Bọn đao phủ phải cầm gươm đâm voi nọ, chọc tức. Voi bước tới quấn bà, thảy lên rồi đưa hai ngà ra hứng. Nhìn xác của bà, ai nấy đều khâm phục. Bà dùng lụa mà quấn sẵn chung quanh ngực, bụng, bắp vế. Lớp quần áo ngoài tuy rách nát nhưng bà không lõa lồ chi hết. Bà đã đoán trước cực hình này đôi ba ngày, nên đã chuẩn bị thân thể trước.

Bùi Thị Xuân là một nữ tướng can đảm đã từng chống giữ lũy Trấn Ninh.

Nay ở Sài Gòn có tên đường Bùi Thị Xuân để kỷ niệm gương can đảm, tiết liệt của bà.

Chuyện cười trong ngày

"Giàu" trước "làm" sau

Trước khi từ giả cõi đồi, người cha nghèo trăng trối:

- Cha đã lập di chúc để lại cho con 9.000 lạng vàng.

- Nhà mình chẳng có lấy một cắc, tại sao phải lập di chúng như thế hở cha?

- Để phòng xa! Nếu sau này con được làm quan thì có cớ mà kê khai tài sản, thoả sức đục khoét, con ạ.


Tuesday, May 27, 2014

Ngày 27-5-2014 Suy Niệm Trong Ngày

Phật Học Vấn Đạo - Phải chăng thay vì suy diễn niết bàn là gì thì người tu Phật nên trầm tư về sự khổ và sự giải thoát khổ? -

Hỏi. Phải chăng thay vì suy diễn niết bàn là gì thì người tu Phật nên trầm tư về sự khổ và sự giải thoát khổ? -

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 13-5-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Tuệ Siêu: Thật sự là như vậy. Với danh từ Niết-bàn giải thích bằng ngôn ngữ chúng ta khó nắm bắt được, khó hiểu được còn nói chi là chúng ta mong đạt đến trạng thái Niết-bàn.Thì thay vì như vậy, người Phật tử chúng ta nên suy tư về sự khổ và được sự giải thoát khổ như vậy gần gủi hơn và thấm thía hơn. 

Khi đi trên một con đường xa xôi chúng ta mệt mỏi, thay vì nghĩ đến nơi chốn chúng ta sẽ đến thì chúng ta hãy nhìn từng bước đi của mình và chúng ta cố gắng làm ngắn con đường bằng cách bước nhanh hơn một chút. Thì khi chúng ta bước nhanh hơn, tăng tốc độ bước chân thì khi ấy chúng ta sẽ nhanh chóng đạt đến đích điểm. 

Nên chi ở đây,  vấn đề chúng ta suy diễn Niết-bàn là gì điều đó một số người có suy diễn được nhưng nếu như chúng ta không nằm trong số người đó thì chúng ta không cần phải suy diễn gì hết. Cúng ta suy diễn cách khác, là nhận thức sự khổ đau dầy vò cuộc sống như thế nào và sự chấm dứt khổ đau đó ra sao, chúng ta cứ suy như thế thì chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và thiết thực hơn. 

Chúng tôi cũng quen cách nhận thức như vậy, mặc dầu trong lúc dạy thì có định nghĩa về Niết-bàn nói đến Niết-bàn phân tách cho các Tăng ni biết Phật tử biết. Nhưng khi chúng tôi gặp những hoàn cảnh nghiệt ngã hay là những buổi chiều đi kinh hành qua lại dưới ánh nắng hoàng hôn chúng tôi ngẫm nghĩ về cuộc đời và chúng tôi nhận thức rằng cuộc đời đau khổ như thế nào. Buổi chiều hoàng hôn khung trời ảm đạm trong cảnh mặt trời lặn mà suy nghĩ về sự khổ mình đã từng đeo mang, rồi lại suy nghĩ đến trạng thái giải thoát của sự khổ thì lúc đó tâm khắn khích hơn và cảm thấy an lành hơn. Hơn là chúng ta nghĩ đến Niết-bàn là gì. 

Bởi vì, các Phật tử chúng ta đều nghĩ rằng khi chúng ta nói như vậy là chúng ta phải nguyện Niết-bàn, không phải, chúng ta làm phước thì chúng ta vẫn nguyện câu là: Idam. vata me puññam. nibbànassa paccayo hotu nguyện phước này làm duyên đến Niết-bàn. 

Nhưng có điều vấn đề sự khổ và sự giải thoát khổ hay đoạn tận khổ đồng nghĩa với Niết-bàn, do đó nếu chúng ta không suy diễn tìm hiểu Niết-bàn là gì thì chúng ta có thể nhận thức trầm tư về sự khổ, về giải thoát khổ, điều đó cũng thiết thực cho mình,

 Mỗi một người chúng ta có cách suy nghĩ khác. Nếu chúng ta thật sự khắn khích với danh từ Niết-bàn thì chúng ta cứ suy nghĩ về Niết-bàn không sao cả. Chỉ có điều là ở trong bài kinh Căn Bản Pháp Môn Mulapariyaya Sutta trong Trung Bộ Kinh thì Đức Phật cũng nhắc đến:

 "Kẻ vô văn phàm phu nghĩ đến Niết-bàn, am hiểu Niết-bàn chấp bản ngã với Niết-bàn. Còn đối với bậc Thánh, đối với bậc có trí tuệ nhờ có sự nghe pháp từ Đức Phật và các vị đại đệ tử của Đức Phật cho nên người đó chỉ cần cảm nhận được tất cả là khổ và có sự xuất ly sự khổ hay giải thoát khổ". 

Chúng ta cứ suy nghĩ như vậy thôi thì cũng thành tựu ./. 

Mỗi Ngày Trầm Tư Sanh Tử

khi chúng ta tìm và thân cận với bạn lành ở trong khuynh hướng như vậy thì chúng ta cũng phải ý thức được một điểm là bạn lành thì khó kiếm mà bạn ác hay là bạn xấu thì nhiều. Có câu : "Thường những người đến không tốt những người tốt không đến". Những người thật sự tốt, họ bận rộn, những người tốt thì đa phần là họ ít có thời gian chạy ra ngoài lăn xăng.

TT Giác Đẳng - Thế nào là thân cận bạn lành - Minh Hạnh chuyển biên

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

ĐẸP HƠN HOA

 Mùa xuân năm nọ, nhà thơ bài cú lừng danh Ba Tiêu quyết định đi xem hoa ở một nơi nổi tiếng vì có cảnh đẹp. Dọc đường ông nghe nói về một cô gái nông dân nghèo nổi tiếng vì lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Vì hiếu kỳ, Ba Tiêu đi tìm cô gái. Khi gặp cô gái, Ba Tiêu đã cho cô  tất cả số tiền ông mang theo để chi tiêu trong chuyến du hành. Rồi Ba Tiêu trở về nhà, không xem hoa gì cả.

Ba Tiêu nói, “Năm nay tôi thấy được một cái đẹp hơn hoa.”

Chuyện Xưa Tích Cũ - CHUYỆN THẦY THÍM


CHUYỆN THẦY THÍM

Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Xưa kia, ở đất Quảng Nam có hai vợ chồng tên Lánh. Họ tu tiên tại làng Trà Luông, huyện Thăng Bình.

Lần lần thầy được nổi danh. Dân chúng cữ tên, gọi chồng là Thầy, vợ là Thím.

Hôm nọ thấy cái nhà việc đã hư hao. Thầy nói với hương chức làng: -Để tôi cất lại dùm cái khác.

Ai nấy không tin, ngỡ rằng thầy nói chơi. Dè đâu đến nửa đêm, giông bão nổi ầm ầm. Lại nghe tiếng bao nhiêu thợ hò hét, đôn đốc cất cho mau cùng là tiếng đục, tiếng búa. Sáng ra ai nấy ngạc nhiên. Nhà việc làng đã sửa sang lại, xinh đẹp hơn trước.

Nhưng ở làng kế bên thiên hạ vô cùng bất bình vì trong đêm giông tố vừa rồi, cái nhà việc của họ bay đi đâu mất. Nghe tin đồn, họ qua làng Trà Luông để nhìn. Sau khi nhìn dấu tích, họ nhận ra: Trên vách tường của nhà việc xưa của họ có dấu vết của một dây trầu leo lên. Bây giờ nhà việc của làng Trà Luông cũng có dấu tích ấy. Họ đem đơn kiện lên quan trên.

Bộ Hình ngoài Huế lên điều tra, sai người vào làng Trà Luông. Hương chức làng nói: -Chúng tôi không ăn cắp của ai. Nếu có tội thì kẻ thủ phạm là Thầy với Thím.

Tức thời, hai vợ chồng Thầy Thím bị bắt. Quan trên tuyên bố xử tử. Hai vợ chồng của Thầy xin đình lại bản án mà rằng: -Chúng tôi muốn truyền lại cho nước Nam mình một bảo vật.

Theo lời yêu cầu của Thầy và Thím quan trên sai người đem lại một vóc lụa dài, viết lông và mực tàu. Thầy bèn vẽ một con rồng, khúc đuôi vẽ trước. Chừng vẽ xong khúc đầu rồng, Thầy dùng một bó nhang mà khấn vái rồi vẽ hai con mắt. Sau khi điểm nhãn, rồng nọ bay bổng, hai vợ chồng thầy cỡi lên đó mà trốn.

Đến Nha Trang, vợ chồng Thầy Thím xin ở đậu tại nhà của một bà lão tên là bà Xuổi. Thầy có treo một bọc vải, ở trong toàn là đậu. Thầy căn dặn không cho ai dòm trong bọc ấy.

Dè đâu, đứa cháu của bà Xuổi có tánh tò mò. Hôm nọ, nghe tiếng thì thào trong bọc vải nọ, đứa cháu lén mở ra. Tức thì bao nhiêu binh tướng hiện ra cầm khí giới bao vây đứa cháu nọ. Nó la hoảng, Thầy Thím hay được, trở về hô phép. Các binh tướng rút trở lại vô hột đậu trong bao.

Ngày mùng năm tháng giêng năm đó, vợ chồng của thầy đều tịch diệt. Quan trên ra lệnh dùng dây sắt mà xiềng mả của vợ chồng. Dè đâu ban đêm, voi trong rừng chạy ra, phá vòng xiềng.

Biết đó là một vị Thần, vua phong sắc cho hai vợ chồng. Thầy được phong là Chí Đức tiên sanh chi thần. Thím được phong là Chí Đức nương nương.

Chuyện cười trong ngày

Vũ khí sinh học!?

Tom đi học về với một mắt thâm đen, bố hỏi tại sao, Tom nói:

- Con đã thách đấu với Michael và cho nó quyền chọn vũ khí.

- Cao thượng đấy! Thế nó đã dùng cái gì để đánh nhau với con vậy?

- Dạ, con không ngờ, vũ khí mà nó chọn là .... thằng anh nó.

Monday, May 26, 2014

Ngày 26-5-2014 Suy Niệm Trong Ngày

Phật Học Vấn Đạo - Lấy cái khổ làm điểm tựa làm sức bật để tu tập.

Hỏi: Lấy cái khổ làm điểm tựa làm sức bật để tu tập.

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 13-5-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Nói về khổ. Đây là một tâm sự ở trong lòng chúng tôi. Mỗi lần chúng tôi gặp những khó khăn những khổ sở thì chúng tôi luôn nghĩ là những điều này giúp cho mình tha thiết hơn mong mỏi hơn để hướng cầu Niết-bàn. Do đó chúng tôi nghĩ đó là một điểm tựa. 

Và những người quen với chúng tôi thường nói rằng Sư Giác Đẳng có vẻ là lạc quan. Thật ra chúng tôi không phải lạc quan theo kiểu bình thường nhưng chúng tôi thấy rằng cảnh thuận thì mình cũng hoan hỉ, nếu cảnh nghịch thì nó làm cho mình đến gần với tiêu chí giải thoát hơn, mỗi lần nghĩ về. 

Và chúng tôi nghĩ rằng nếu trong cuộc sống mà nghĩ như vậy thì mình sẽ không bao giờ tuyệt vọng, mình sẽ không bao giờ cảm thấy cuộc đời đi vào chỗ cùng cực bế tắt. 

Đọc trong kinh điển thấy các đệ tử của Đức Phật thường thường khi các vị đối diện với cái khổ và những cái khổ mà hầu như không chịu được nữa thì các vị vẫn luôn luôn tìm thấy một khai lộ. Khai lộ đó là nhìn cái khổ đó để làm điểm tựa làm sức bật, làm một trợ lực để đứng dạy.

Và do vậy chúng ta hãy tin tưởng và mạnh mẽ tin tưởng một điều là với một người học Phật và hiểu Phật Pháp thì ở trong mọi hoàn cảnh nếu chúng ta chịu khó tận dụng, nếu chúng ta chịu khó mở mắt và nếu chúng ta chịu khó suy nghĩ thì không có trường hợp nào bế tắt.

 Bài học về khổ  có một ý nghĩa rất sâu sắc là sự khổ có thể là cái gì dìm chúng ta xuống nhưng mà sự khổ cũng là điểm tựa để giúp chúng ta đứng dạy. Thì quan trọng là mình chọn thái độ nào.  

Và nếu mình chọn được thái độ dùng cái khổ làm điểm tựa đứng dạy thì chúng tôi tin rằng ở đó chúng ta thấy Phật Pháp nhiệm màu cho chúng ta rất nhiều sự an ủi cho chúng ta rất nhiều sự nâng đỡ ./.

Mỗi Ngày Trầm Tư Sanh Tử

Đức Phật thường dạy rằng: "Trong cuộc sống không ai không bị chê trách". Thật ra trong đời sống một người có thiện tâm thường làm những việc lành việc thiện thì cũng có kẻ thương và có người ghét, và việc đó rất đương nhiên. Trong cái thương cái ghét đó chúng ta có thể cảm nhận được là nếu chúng ta đã lựa chọn làm việc thiện thì chúng ta phải chấp nhận. Cái gì cũng phải có cái giá của nó. Và nếu chúng ta không làm gì hết thì cũng có người thương kẻ ghét chứ không phải khi chúng ta làm việc này hay việc kia thì mới có người ghét kẻ thương chúng ta. Do vậy bậc thiện trí ở trong đời sẽ không để mình bận tâm nhiều đến những việc đó, điều mình đáng bận tâm là những gì chúng ta làm thật sự có lợi ích, thật sự nó có ý nghĩa hay không. Những lời dạy của Đức Phật đó từ ngàn xưa nhưng cho đến hôm nay vẫn giống như vậy không có gì thay đổi.

TT Giác Đẳng - Một người làm việc thiện nên chấp nhận sự khen chê - Minh Hạnh chuyển biên

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

MỘT ÔNG PHẬT

Vào thời Minh Trị ở Tokyo có hai vị sư nổi bật với hai cá tính trái ngược nhau. Một người tên Unsho là một giảng sư Chơn ngôn tông (Shingon), giữ giới luật của Phật rất tinh cần. Sư không bao giờ uống rượu, cũng không bao giờ ăn sau mười một giờ trưa. Người kia tên Tanzan, là một giáo sư triết ở Đại Học Hoàng Gia Nhật, chẳng bao giờ giữ giới luật. Khi nào ông ta thích ăn thì ăn và khi nào thích ngủ ngày thì ngủ ngày.
Một hôm Unsho đến thăm Tanzan gặp khi Tanzan đang uống rượu, mà lưỡi của Phật tử, theo giới luật, thì không được dính rượu dù là một giọt nhỏ. Tanzan chào Unsho:
“Chào sư huynh, huynh uống rượu không?”
“Tôi không bao giờ uống rượu,” Unsho nghiêm trang đáp.
“Người mà không uống rượu thì chẳng phải là người,” Tanzan nói.
“Ý huynh muốn nói tôi chẳng phải là người chỉ vì tôi không dầm mình trong thứ nước độc đó!” Unsho tức giận phàn nàn. “Rồi, nếu tôi không phải là người thì tôi là cái gì?”
“Một ông Phật,” Tanzan đáp.

Chuyện Xưa Tích Cũ - TÊN TRỘM VỊT

TÊN TRỘM VỊT

Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Tên nọ lười biếng, không chịu làm lụng nhưng có tật muốn ăn ngon. Hôm đó đi qua làng bên cạnh, thấy một con vịt mập đang đứng ngủ bên bờ ao. Ban ngày, nếu ăn cắp thì khó lòng chạy trốn được. Nghĩ vậy nó đến quỳ mọp trước mặt con vịt, hai tay chấp lại, miệng khấn vái lâm râm.

Chủ nhà lấy làm lạ, chạy ra hỏi: -Chú kia! Tại sao quỳ lại con vịt như vậy? Tội chết! Hay là chú điên rồi?

Tên nọ ngước mặt lên và thưa: -Nói giấu chi ông, hồi tối này tôi nằm chiêm bao thấy cha tôi về. Cha tôi nói bữa nay sẽ nhập hồn vô xác con vịt tại xóm này, bờ ao này. Vì tình phụ tử tôi tìm đến đây, quỳ trước con vịt này mà nhớ vong hồn cha.

Chủ nhà nghe nói, động lòng, bèn cho con vịt. Anh nọ mừng quýnh đem vịt trở về nhà. Chủ nhà nom theo, thấy anh ta bắt nước sôi cắt cổ, nhổ lông con vịt nọ.

Chủ nhà hỏi: -Sao chú đành nhẫn tâm giết nó. Nó là hồn của cha chú, chú nói hồi nãy.

Tên nọ trả lời: -Tôi làm phép, cầu hồn cho cha tôi xuất ra khỏi xác con vịt rồi. Bây giờ tôi ăn cái xác này.

Anh chủ nhà tức giận vô cùng, biết rằng mình mắc mưu tên bất lương.

Chuyện cười trong ngày

Ăn nhầm của người khác

Trong lúc chờ tàu chuyển bánh, cô gái rẽ vào căng tin. Cô mua đồ ăn mang ra bàn, đặt túi xách dưới gầm bàn và quay ra lấy thìa, nĩa. Khi trở lại đã thấy một ông sang trọng đang bình thản ngồi ăn súp của mình. Tuy rất bực tức, nhưng thời gian không còn nhiều và chẳng cònthì giờ để cãi vả, cô im lặng kéo đĩa thịt băm viên cùng khoai tây về phía mình và ăn. Ăn xong đĩa súp của cô, gã đàn ông với lấy cốc nước chè nhưng cô đã nhanh tay tóm trước.  Đến giờ tàu chạy, cố gái cúi xuống lấy cái túi xách, thì chẳng thấy đâu. Mất trộm chăng? Ồ không, cái túi vẫn nằm nguyên dưới gầm bàn bên cạnh. Khoác túi lên vai, liếc phía trên mặt bàn thấy ai đó đã bỏ lại đĩa súp, đĩa thịt băm viên với khoai tây và cốc nước chè chưa hề đụng đến, cô lẩm bẩm: "Trời ạ, họ còn vội hơn mình!"

Sunday, May 25, 2014

Ngày 25-5-2014 Suy Niệm Trong Ngày

Phật Học Vấn Đạo - tâm có tu tập dễ sử dụng còn tâm không tu tập lại khó sử dụng ?

Hỏi : Tâm thì khi nào cũng có thể khởi sanh, chỉ cần có sự tiếp xúc giữa các căn và các cảnh là có tâm xuất hiện. Vậy tại sao trong một câu Phật Ngôn, Đức Phật dạy rằng: tâm có tu tập dễ sử dụng còn tâm không tu tập lại khó sử dụng ? 

(Câu hỏi được hỏi trong rơom lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên) 

TT Pháp Đăng: Tâm thường thường sanh diệt rất mau, những loại tâm bất thiện sanh diệt rất nhiều, nhưng ngược lại những tâm như tâm từ, tâm bi, tâm hỉ, tâm xả hay những tâm đạo quả nhiều khi cả cuộc đời của mình trong giòng luân hồi dài mà tâm đạo không sanh diệt. Đức Phật Ngài dạy rằng những tâm bất thiện sanh lên rất nhiều và những tâm đó sanh ra chỉ gây ra những tổn hại cho mình, cho người, cho đời này, và cho đời sau. Còn những tâm mang lại lợi ích cho mình, cho người, cho đời này, cho đời sau, và đưa đến sự giác ngộ giải thoát thì đó là những tâm tốt đẹp, như vậy những tâm này cần phải tu tập.

Thói thường thì làm ác ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt, ăn vặt thì quen miệng. Những người quen tánh ăn cắp ăn trộm hay ăn vặt, mình chỉ cần kêu họ bỏ tánh đó cũng là khó vì họ đã quen tánh rồi. Một lời nói chân ngôn, một lời nói không vì thương, không vì ghét, không vì si mê, không vì sợ, những lời nói này cần phải học hỏi và cần phải có chánh niệm mới có thể nói được. Lời nói đem lại lợi ích cho mình, cho người, cho đời này, cho đời sau. Mà kêu họ nói thì họ nói không được.

Do vậy Đức Phật Ngài khuyên là: Cho dù khó cách mấy thì mình cũng phải cố gắng tác ý, cố gắng tu tập, cố gắng nói những điều lành, điều tốt, hoặc tu tập những tâm lành, tâm tốt, làm sao mình cố gắng tu tập cho nó vững mạnh, nếu không cố gắng tu tập thì sẽ đưa đến khổ đau cho mình.

Một người đắc được đề mục thiền từ tâm, lúc đắc thì có một sát na thiền thôi, nhưng khi họ nhập thiền thì có nhiều sát na, nhưng thật sự thì Đức Phật Ngài nói rằng mình khởi lên từ tâm là điều rất khó, nhưng mình duy trì được từ tâm tu tập cho viên mãn là điều rất khó, cần phải có một sự nỗ lực rất nhiều,

Đức Phật Ngài so sánh một người làm phước bố thí cúng dường nhưng chỉ bằng 1/16 của người có thiền tâm thôi. Một người đắc được thiền bốn vô lượng tâm phước chỉ bằng 1/16 của người thành tựu được tâm siêu thế. Thành ra nhiều khi chúng ta thấy rằng có những tâm siêu thế chỉ sanh lên suốt cuộc đời của mình chỉ sanh một lần thôi. Ví dụ như tâm sơ đạo, thì trong cuộc đời của mình tâm sơ đạo chỉ sanh một lần trong suốt vòng luân hồi rất là dài, nhưng có những loại tâm sanh lên hoài là những tâm tham, tâm sân, tâm si thì tâm này dẫn mình luân hồi rất nhiều rồi mình vẫn bị luân hồi hoài cũng vì những tâm bất thiện này. Những tâm thiện dẫn mình sanh lên những cõi vui nhưng rồi những cõi vui đó cũng hết vì thuộc tính của lành thiện chỉ cho ra quả lành, nó không sanh được những tâm siêu thế

Chúng ta làm sao sanh lên những tâm thiện, những tâm thiền, những tâm đạo, tâm quả, thì điều này cần phải có trong sự tu tập, và tu tập thì mình mới có thể viên mãn được. Và sử dụng được tâm thì Đức Phật Ngài dạy rằng đạt tới thiền định hay đạo quả là những tâm thiện. Những tâm thiện như là mình thính pháp, thuyết pháp, cải chánh tri kiến, cung kính, phục vụ, hồi hướng, tùy hỉ phước, bố thí, trì giới, tu tiến. Trong tâm thiện làm 10 việc lành này ta thấy rằng nghe pháp cũng là điều rất khó, thính pháp, thuyết pháp, cũng rất là khó, rồi cải chánh tri kiến, cung kính, phục vụ, hồi hướng, phước tùy hỉ, bố thí, trì giới, tu tiến cũng rất khó. Những tâm thiện này cần phải làm cho viên mãn, viên mãn là từ tâm thiện này có thể làm đường cho tâm thiền sanh lên, từ những tâm thiện này làm cho tâm thiền vô sắc sanh lên, những tâm thiện này làm cho tâm siêu thế sanh lên.

Đó là những điều Đức Phật Ngài dạy rằng mình làm sao làm cho tốt đẹp trong tâm thiện này. Như cơn mưa lớn đổ lên suối, suối đổ xuống những con rạch, những con rạch đổ về sông, sông đổ về biển, viên mãn là như vậy. Người nào thấy khổ thì người đó khởi lòng tin, và người nào khởi lòng tin thì người đó sẽ tu tập thân cận bậc thiện nhân hoặc nghe diệu pháp, rồi tu tập giới định tuệ, rồi đắc thiền định đạo quả thần thông thắng trí, thì như vậy từ cái này đi đến cái kia, nên những tâm thiện khó làm lắm, nếu mình làm được nó đưa mình sanh về cõi trời người, cho mình được hạnh phúc lâu dài, nhưng tâm này rất khó làm chứ không phải dễ làm. Nên Đức Phật Ngài nói rằng mình ráng làm sao xử dụng tâm của mình mà có lợi ích cho mình, cho người, lợi ích đời này, đời sau. Mình ráng tu tập, cố gắng tu tập, chánh niệm tỉnh giác liên tục thì như vậy cũng có thể sanh lên những tâm đạo, tâm quả, tâm thiền, đó là ý của câu Phật Ngôn là như vậy./.


Mỗi Ngày Trầm Tư Sanh Tử

Chúng ta khổ có hai mặt, khổ về mặt vật chất và khổ về mặt tinh thần hay gọi là khổ thân và khổ tâm. Khổ thân là sự khổ về già, bệnh và chết, hay là thiếu ăn thiếu mặc, trời nắng nóng hay trời mưa uớt át, gió lạnh thì những cái gì thuộc về cảm xúc, cảm thọ khổ thuộc về thân thì cái đó chúng ta gọi là khổ thân. Còn về khổ tâm tức là những sự khổ ảnh huởng về mặt tinh thần, tâm buồn bực âu lo phiền muộn, bất an, hoang mang sợ hãi, tâm trạng đó gọi là khổ tâm. Mặc dù chúng ta có thể giúp đỡ cho nguời khác về vật chất, phần lớn nguời ta chỉ nghĩ rằng giúp đỡ về mặt vật chất sẽ thiết thực hơn. Tuy vậy, chúng ta không thề phủ nhận một điều rằng những lúc chúng ta âu lo, phiền muộn, có những nỗi ám ảnh sợ hãi, bấy giờ nếu chúng ta đuợc nghe một lời khuyên hữu ích, hữu hiệu, một lời khuyên có giá trị sẽ tác động tâm lý chúng ta, sẽ đem lại cho chúng ta một sự hy vọng hay một tư tuởng lạc quan, một sự an vui; chúng ta không thể phủ nhận điều đó. Do vậy, trong đời sống có khi chúng ta chỉ cần một lời nói khuyên nhủ, khuyến khích, động viên cũng đủ rồi.

TT Tuệ Siêu - Bậc hiền trí nói lời lợi ích - Minh Hạnh chuyển biên

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

THẾ À?

Thiền sư Bạch Ẩn (Hakuin) được những người láng giềng ca ngợi là người sống một cuộc đời trong sạch.

Một cô gái Nhật đẹp có cha mẹ làm chủ một cửa tiệm thực phẩm sống gần chùa sư. Bất ngờ một hôm cha mẹ cô ta khám phá ra cô ta có thai.

Cha mẹ cô nổi giận. Cô ta lại không chịu thú nhận người đàn ông đó là ai, nhưng sau nhiều phiền phức cuối cùng lại là tên Bạch Ẩn.

Cha mẹ cô ta phẫn nộ đi thẳng đến sư. Sư chỉ thốt vỏn vẹn hai tiếng, “Thế à?”

Sau khi đứa bé sinh ra, nó được mang đến cho Bạch Ẩn. Lúc ấy sư đã mất hết thanh danh. Điều này không làm sư phiền não. Sư chăm sóc đứa bé thật chu đáo. Sư xin sữa của những bà mẹ hàng xóm và mọi thứ khác cần cho đứa bé.

Một năm sau đó, cô gái làm mẹ không còn chịu nổi nữa. Cô ta nói sự thật cho cha mẹ cô ta biết--rằng người cha thực sự của đứa bé là một thanh niên làm việc ngoài chợ cá.

Cha mẹ cô ta lập tức đến Bạch Ẩn cầu xin tha thứ, xin lỗi không ngớt, và xin đứa bé trở lại.

Bạch Ẩn ưng thuận. Khi trao lại đứa bé, sư cũng chỉ nói hai tiếng, “Thế à?”

Chuyện Xưa Tích Cũ - CON CỌP VÀ CẬU HỌC TRÒ

CON CỌP VÀ CẬU HỌC TRÒ

Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình


Cậu học trò đi dạo chơi trên núi bỗng gặp một con cọp mắc bẫy.

Cọp ta vùng vẫy la hét, kêu cứu rằng: -Tôi rủi lâm nạn, cậu làm ơn gỡ bẫy dùm. Tôi đền ơn xứng dáng, hằng ngày vác heo rừng, vác nai lại để cậu làm tiệc. Trong rừng ngày còn nhiều hột ngọc quý giá mà bấy lâu nay tôi chôn giấu dưới đất. Hễ được tự do thì tôi đào lên dâng cho cậu.

Cậu học trò nọ vui mừng, phần thì muốn ra tay nghĩa hiệp, phần thì muốn được của cải quý báu nên tháo bẫy ra dùm.

Cọp được tự do, đi khoan thai trước mặt cậu học trò rồi nghiêm nét mặt: -Tao đói bụng quá, phải ăn thịt mày mới được.

Cậu học trò cãi lại. Cọp không nghe. Xảy đâu một ông Tiên hiện ra, tay cầm phất trần chỉ ngay con cọp mà nói: -Không được hỗn láo. Chuyện đâu còn đó.

Biết là Tiên giáng trần, cọp quỳ xuống mà nói: -Thưa ngài, cậu học trò này phá tôi.

Ông Tiên nói: -Bây giờ, cọp cứ yên lòng trở vào bẫy như cũ. Cậu học trò này phá bẫy như thế nào, để ta xét trị tội nó.

Dứt lời, cọp đi trở lại vào bẫy. Ông Tiên gài bẫy lại rồi nói với cọp: -Chuyện đâu còn có đó thì ta để đó. Mi ráng ở đây mà chịu chết.

Rồi ông nói với cậu học trò: -Cậu có lòng nhân đạo. Từ rày sắp tới phải cẩn thận. Có lòng nhân đạo mà cũng phải có trí mới được, đừng nhẹ dạ nghe lời kẻ ác tâm.

Chuyện cười trong ngày

Xài tốn pin lắm!

Một chú bé cùng bố đến bệnh viện thăm cậu em mới sinh. Sau vài phút ngắm nghĩa đứa nhỏ khóc, nó hỏi:
- Kêu to thế này chắc là tốn pin lắm bố.

Saturday, May 24, 2014

Ngày 24-5-2014 Suy Niệm Trong Ngày

Phật Học Vấn Đạo - Quán niệm thực tướng của cảm thọ

Hỏi: Quán niệm thực tướng của cảm thọ

(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 26-3-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Đề tài hôm nay nói về cảm thọ, và có lẽ ngôn ngữ bình thường của chúng ta gần nhất để chúng ta hiểu đó là cảm xúc; cảm xúc của vui, của buồn, và của không vui không buồn. Nói đơn giản hơn, chúng ta thường xem vui hoặc khổ cũng như không vui không khổ là một sự an bày, mình may mắn thì được vui mà số phận hẩm hiu hay vận hạn không tốt thì mình khổ, và có khi thì chúng ta hoan hỉ với sự bình thản nhưng có nhiều khi chúng ta cảm thấy chán nản nếu cuộc sống luôn luôn ở trong mức độ tương đối là chậm là buổn nản. 

Với một người đọc kinh sách và đặc biệt là chúng ta có sống với pháp hành thì chúng ta hiểu rằng cảm thọ là một đề tài lớn, quan trọng ở đây đó là thái độ đối với cảm thọ. Nói một cách khác, một người tu tập phản ứng đối với vui như thế nào, phản ứng đối với khổ như thế nào, phản ứng với không vui không khổ như thế nào, nó nói lên sự trưởng thành của người đó đối với sự việc. 

Khi chúng ta gặp niềm vui thì chúng ta hay tin tưởng 100%  đây là điều tốt cho mình, đây là điều may mắn cho mình, đây là điều hoàn toàn nên có. Và bởi vì chúng ta thấy hoàn toàn nên có nên chi chúng ta ôm chầm lấy nó chúng ta khăng khăng không buông không bỏ nó ra, nhất định là mình phải được vui. Và cái gì làm cho mình không vui thì mình buồn mình chống đối. Và mình xem cảm giác sung sướng vui vẻ là một cảm giác nhất định mình phải có và không ai có thể từ chối mình điều đó được. 

Thật ra, hạnh phúc không đơn thuần chỉ là cảm xúc cho dù cảm xúc rất vui. Chúng tôi lấy ví dụ, có một người nào đó họ không hiểu về chúng ta nhiều nhưng họ khen chúng ta một câu rằng chị đẹp quá, anh tài quá hay thầy nói pháp hay quá và chúng ta nghe như vậy chúng ta cảm thấy rất sung sướng. Ở trên thực tế, người khen và người chê chúng ta chưa chắc là họ đã biết rõ về chúng ta và chưa chắc lời khen đó đã thành thật và lời khen đó không hẳn làm cho chúng ta tốt hơn và rất có thể làm cho chúng ta xấu hơn nhưng chúng ta chỉ sung sướng khi chúng ta được khen.

 Nếu mình có dịp đọc tiểu thuyết hay xem phim thì thấy có những người sống ở trong những gia đình giàu có, hầu như họ muốn gì được đó suốt ngày chỉ ăn chơi nghĩ đến tiêu tiền mà không làm việc gì hết. Nhìn ở bên ngoài thì họ rất hạnh phúc, nhưng kỳ thực hạnh phúc đó là hạnh phúc tình cờ, hạnh phúc của họ là thứ hạnh phúc làm cho mình hư thân làm cho mình mất đi nghĩa khí, hạnh phúc đó là một thứ hạnh phúc hoàn toàn lệ thuộc, lệ thuộc vào cha vào mẹ vào tài sản được thừa kế. Tất cả những điều đó ảnh hưởng và chi phối cuộc sống của chúng ta rất lớn. 

Nên chi thái độ đối với cái vui đã như vậy rồi tới khi chúng ta gặp khổ thì có nhiều người gặp khổ rất là sợ. Chúng ta chỉ muốn được bình an, chúng ta không muốn những điều trái ý nghịch lòng. Mình đang có chuyện vui mà đi đường gặp cảnh sát cho vé phạt mình cũng buồn. Đồng thời mình sống cố gắng làm tốt cho đời nhưng tai bay họa gởi thị phi làm cho chúng ta nản lòng thì chúng ta cũng buồn. 

Nói cách khác, chúng ta rất sợ khổ sợ tai họa bất trắc. Chúng ta sợ cảm giác khổ vì vậy chúng ta luôn luôn bao che phủ lên mình những quần áo tốt nhất để mình ra ngoài mình hãnh diện và luôn luôn mình muốn có sự bảo vệ để mình có cảm giác an toàn không lo lắng và luôn luôn mình muốn khổ không có xảy ra. Do vậy mình ngồi một lúc cảm thấy ê ẩm tay chân thì mình đứng dạy, đứng mỏi chân thì mình ngồi xuống, chúng ta luôn luôn chạy trốn cảm giác không thoải mái. Cảm giác chạy trốn né tránh đó cũng là một phần rất căn bản ở trong thái độ của chúng ta. 

Cảm giác không khổ không lạc, có nhiều người không quan trọng điều này, chúng ta quan trọng về vui hay khổ thôi, nhưng kỳ thực cái không vui không khổ nó ảnh hưởng chúng ta nhiều lắm. Có nhiều người xem không vui không khổ là vô vị lạt lẽo, người ta hay dùng chữ "lạt như nước ốc", chúng tôi sống ở miền quê chúng tôi thấy nước ốc cũng không lạt như người ta nghĩ "lạt như nước ốc". Và rồi có nhiều người bám vào cảm giác thanh thản sau một quãng đời quá nhiều thăng trầm quá nhiều phiền lụy đến từ con cháu. Họ muốn tu theo chữ "nhàn" của Lão Trang là làm sao mình giữ được tâm bình lặng. Và rồi có nhiều người xem tâm thanh thản là lý tưởng, là hoài bão lớn trong cuộc sống hướng đến. 

Kỳ thật, những điều chúng tôi vừa kể, thái độ chúng tôi vừa đề cập đến những thái độ đó được Đức Phật Ngài dạy là thái độ của kẻ vô văn phàm phu tức là một người phàm nhân không thông hiểu đạo lý của bậc Thánh.

Bây giờ, chúng ta bước qua phần tiếp theo. Khi nói về cảm thọ hay cảm xúc thì còn có một thứ khác quan trọng đó là thái độ đối với chúng ta, thái độ của chúng ta đối với cảm xúc.

 Ở đây Đức Phật Ngài đơn cử ra ba trường hợp: 

- Thứ nhất lạc thọ là khổ:  Bậc thiện trí hay người có trí tuệ sẽ thấy rằng chính lạc thọ cũng là khổ, chính hạnh phúc là khổ. Chúng ta lấy một ví dụ như vầy, là người thì thích ăn uống nhưng ít có ai nhận thấy rằng ăn uống là cái hệ lụy, đến lúc nào đó mà mình cảm thấy chuyện ăn uống nó là một hệ lụy thì lúc đó chúng ta mới hiểu nó là khổ. Có nhiều người nghĩ rằng mình thủ đắc tài sản lớn là hạnh phúc nhưng cũng có những người thấy rằng tài sản lớn chỉ là đối tượng dòm ngó tranh chấp thị phi, nhiều gia đình rất khổ không phải vì nghèo mà khổ mà vì có tài sản nằm xuống chia chác cho con cái đã là vấn đề khổ rồi, mình sống mình tất bật để làm tạo dựng tài sản khi chết thì con cháu dành giựt chia chác tài sản.

Có những người quan niệm hạnh phúc là có cái gì sang trọng,  như lái xe rất sang, ở căn nhà tốt, sài cái gì rất qúi giá. Chúng tôi biết là ở trên thị trường có những món khó diễn tả như là một cái đồng hồ, một cái điện thoại Android Phone rất sang trọng có thể trị giá 20,000 cho tới 50,000 dollars và người ta có những chiếc đồng hồ chúng tôi đã tận mắt thấy tại Genève đồng hồ Patek Philippe trị giá 50,000 Mỹ kim. Nhưng những thứ cao sang đắc đỏ nó mang cho chúng ta bao nhiêu cảm giác hạnh phúc của sự tự tôn tự hào mà bên cạnh đó là sư lo lắng bị mất, bên cạnh đó mình có nhiều lý do khác để đắn đo để lo lắng. Cái rõ nhất,  xã hội Mỹ là một nền văn hóa, xã hội Mỹ là một nền kinh tế cho người ta rất nhiều như nhà, xe hơi và có được sự bảo đảm này bảo đảm khác, nhưng bù lại thì chúng ta phải trả giá cho những cái mà mình có. Người ta nói rằng đời người làm việc cực như con trâu, không biết có con trâu nào cày hai job không nhưng  chúng tôi đã thấy ở bên Mỹ có người làm hai việc người ta gọi là đi cày 2 job, thì thiệt sự cực. 

Lạc thọ có cái giá phải trả của nó. Và cụ Nguyễn Du thường nói:  "Chữ tài liền với chữ tai một vần" hay là : "Lạ gì bỉ sắc tư phong, trời xanh quen thói má hồng đánh ghen". Người ta nói là "tài mệnh tương đấu", cái này có thì sanh ra liền cái khác chứ không hẳn là mình chỉ có hạnh phúc không thôi. Chính thực ra, Ngài Buddhaghosa đã nói: "hầu hết những cảm thọ lạc của chúng ta giống như con chó cắn chủ, mình tưng tiu mình thích con chó nhưng lâu lâu nó táp mình" thì chính cảm thọ hạnh phúc cảm thọ lạc nó làm cho chúng ta khổ rất nhiều. Nhiều người sống trong cuộc đời không có tình yêu thì thôi nhưng có tình yêu thì chính tình yêu làm cho mình khổ, khổ quá đôi khi bất an, phải chi mình biết tình yêu khổ như vậy thì mình không yêu. Hay có nhiều người họ ham mê một địa vị nào đó họ bằng cách này cách khác để có được điều đó nhưng khi điều đó không còn nữa thì họ rất khổ. Mình nhìn những người đó mình nghĩ rằng phải chi những người đó họ không có những thứ đó thì bây giờ họ không khổ nhiều như vậy. 

Đời sống của chúng ta là như vậy, đời sống hạnh phúc đó và khổ đau đó. Mấy hôm nay chúng ta nghe nói đến những người thân nhân của những hành khác trên máy bay MH 307, chuyến bay đó cho đến giờ này người ta vẫn chưa biết nó rớt ở đâu một cách chính xác, rớt ở đâu đó ở miền nam của Ấn Độ Dương, thật sự thân nhân của họ rất khổ. Và khi chúng ta thấy thân nhân của họ khổ thì chúng ta có thể mường tượng được một điều rằng những người khổ nhất là những người có quan hệ rất tốt đẹp. Một người có bạn trai đi trên chuyến đi đó người này chỉ cầu mong chiếc máy bay đừng rớt ngoài biển mà rớt đâu đó trong rừng và những người này bị bắt làm con tin và chính phủ sẽ tìm cách cứu họ v.v... Và khi chúng ta nhìn thấy được ở trong cái gì mà xa hoa mỹ lệ, ở trong quan hệ mặn nồng, ở trong cuộc sống càng nhiều khoái lạc thì nó hứa hẹn sự khổ, nó hứa hẹn cái giá chúng ta phải trả rất cao. Và đồng thời những thứ đó  cũng làm cho  chúng ta bớt đi khả năng để định hướng ở trong cuộc sống. Đó là chúng ta nói mặt trái của lạc thọ mà Đức Phật dạy đó là quán tưởng lạc thọ là khổ. 

Nhưng bên cạnh đó nó có một thứ nữa đó là chữ khổ trong đạo Phật được định nghĩa Dukkha là rỗng không là bất toàn là không thoả mãn. Cái không thoả mãn này là cái gì nó tự nhiên, trong cuộc sống chúng ta không có cái đó thì mình muốn có cái đó, mà muốn có cái đó rồi thì mình không thoả mãn được. Thế giới là khát ái, thế giới là nô lệ cho tham ái là như vậy, là nô lệ cho khát ái là như vậy. 

Nói một cách khác, hành giả ở trong trường thiền tu tập khi gặp bữa ăn rất ngon thì thay vì hoan hỉ với bữa ăn đó thì nhớ rằng nếu mình quá thích thú về những bữa ăn đó, bữa ăn sau nếu không được như vậy mình sẽ thất vọng, mình sẽ nản sẽ buồn sẽ không ăn ngon miệng nữa. 

Rồi chúng ta cũng nói đến một cái sự kiện khác về lạc thọ là rỗng không, lạc thọ là không làm được cho chúng ta hài lòng hoàn toàn. Bất cứ điều gì trong đời sống mà chúng ta nghĩ rằng tốt nhất, đẹp nhất, hay nhất chúng ta muốn nhiều nhất mình may mắn có được thì hãy nhìn thử xem chúng ta vui với cái đó bao lâu. Có những lần chúng tôi nhìn thấy Chư Tăng qua Mỹ ở chùa mà gửi xin sở Di Trú giấy thường trú mà sở Di Trú chấp nhận visa 3 năm vị đó mừng lắm, rồi sau 3 năm xin thẻ xanh được thẻ xanh cũng mừng lắm và khi thi được quốc tịch cũng mừng lắm. Nhưng chúng ta nhớ như vầy, nhiều lúc mình xem cái đó là một lý tưởng tuyệt đối là mình được như vậy mình không còn cần cái gì nữa mình chỉ cần chừng đó thôi nhưng thật ra chúng ta tiếp tục mong cầu, và chính hạnh phúc nó cũng là trở ngại cho hành giả tu tập ở trên phương diện sự đòi hỏi bản thân mình phải có được cái này mình phải có được cái kia. Và cái mà hạnh phúc mình mong mỏi mình được cái này mình được cái kia nó cũng khiến cho ở trong sự tu tập không tập trung được. 

- Điểm thứ Hai. Bây giờ Đức Phật Ngài dạy khổ thọ là mũi tên. Mũi tên là cái gì đâm vào trong người tạo nên sự nhức nhối và nó tạo nhu cầu cấp thiết là phải nhổ mũi tên đó ra. Chúng ta thấy rõ ràng chuyện đó là chuyện đau buốt. Thí dụ có dịp nào đó chúng ta mất cái gì mà chúng ta rất là qúi mình cảm thấy nuối tiếc khôn cùng hay hoặc giả tự nhiên một người rất tử tế với mình bây giờ mình nghe tin họ phản bội mình, mình cảm thấy rất buồn, cái buồn đó như là không có gì diễn tả được. Hay gặp cảnh sanh diệt, một người rất thân của mình mà người đó ra đi thì thật sự nó như một mũi tên đâm vào trong người. Đức Phật dạy hình ảnh mũi tên Đức Phật Ngài cho chúng ta biết là nó bắn vào trong da trong thịt chúng ta không thể ngồi yên được chúng ta phải giải phẩu lấy nó ra và lúc chúng ta giải phẩu lấy nó ra thì chúng ta chỉ xử nó một cách rất trực tiếp mũi tên thì mình phải lấy nó ra đơn giản như vậy. 

Một hành giả tu tập không phải chỉ biết khuôn mặt với thái độ hợp tình hợp lý đối với lạc thọ mà còn đối với khổ thọ nữa. Chúng ta thử lấy thí dụ.

 Thí dụ về ngồi thiền, khi tay chân vừa mỏi vừa tê chút xíu là chúng ta cảm thấy nản trí liền, cảm thấy muốn rút lui liền, cảm thấy muốn mở mắt coi giờ xem gần tới giờ chưa để mình có thể đứng dậy. Các vị thiền sư thường khuyên rằng nếu mình cứ thay đổi tư thế hoài nó chỉ lợi là nó bớt đau một chút nhưng nó làm cho chúng ta sợ hãi và né tránh cảm thọ khổ. Thật ra mình tu tập mình phải tập hạnh làm lơ hay làm lì với cái khổ, kệ nó tê chân một chút nhưng mình ráng một chút. Và cái khổ nó đến thì mình có nhu cầu cấp thiết là mình nhổ mũi tên đó ra, mình chỉ đơn giản nhổ mũi tên đó ra đừng liệu toan lo lắng gì khác. 

Thật ra, bài học về khổ là bài học lớn trong Phật Pháp. Đức Phật Ngài  dạy về điều này với nhiều bối cảnh khác nhau và cho đến ngày hôm nay thì chúng tôi cũng nói với qúi vị là một người bình thường chưa chắc đã hiểu rõ cái khổ mà Đức Phật định nghĩa cái khổ như thế nào, nhưng một hành giả tu tập thì có điều như vầy là biết cái khổ thọ đang gây sự nhức nhối cho mình như một người bị mũi tên và do vậy chúng ta phải tin tấn làm việc gì đó.

- Điểm thứ ba: mà chúng ta đề cập ở tại đây  cảm giác không khổ không lạc thì Đức Phật Ngài dạy chúng ta nên quán là cảm thọ là vô thường.

Cái thú vị ở đây trong bài học này là 3 cảm thọ Đức Phật dạy ở trong 3 thái độ khác nhau:
 Cảm thọ lạc nên xem nó là khổ, nên thấy mặt trái của nó, và hiểu tại sao nó đem đến cho chúng ta khổ. 
Cảm thọ khổ như là mũi tên có nhu cầu cần thiết để chúng ta nhổ mũi tên đó ra. 
Nhưng cảm thọ không khổ không lạc, tức là cảm thấy bình thường nó là cái gì dễ làm cho chúng ta ngủ quên làm cho chúng ta say sưa, làm cho chúng ta cảm thấy hờ hững và cảm giác đó không lâu. 

Có những người nói; sau mấy mươi năm lăn lộn ở trong cuộc đời để dành được một số tiền rồi chỉ muốn sống cho yên ả không cần làm chuyện gì chỉ cần yên ả tuổi già, người đó đinh ninh rằng mình có thể ôm trọn cái tâm tư thanh thản đó, con lớn rồi ra ngoài rồi bây giờ mình không phải lo, mình đã về hưu rồi không có tất bật với công ăn việc làm và bây giờ bạn bè đều chết rồi mình không còn phải suy nghĩ. Nhưng Đức Phật dạy rằng chính cái cảm giác không khổ không lạc như chúng ta thấy bình thường nó cũng làm cho chúng ta thối thất  là tại vì chúng ta không thấy rằng nó vô thường, cuộc sống luôn luôn bị chi phối rất nhiều thứ và nó không có gì để yên cho chúng ta hoài. Cái cảm giác thanh thản nhẹ nhàng coi vậy mà khó lắm. Khó để cho chúng ta nhận ra, khó để cho chúng ta có phản ứng hợp tình hợp lý, khó để chúng ta không bị thối thất. Nên biết là cảm giác đó không lâu, cái cảm giác thản nhiên, cảm giác của cảm thọ quả thật là nó không tồn tại lâu bởi vì không có cái này cũng có cái kia chi phối.

Và trong bài học này thì đặc biệt trong đời sống hàng ngày thì nó cũng tốt, nhưng lợi lạc nhất cho người hành Tứ Niệm Xứ. Như chúng ta được biết rằng trong 4 lãnh vực để quán niệm, trong bốn cảnh giới đối tượng để quán niệm là thân, thọ và tâm và pháp. Thọ là lãnh vực lớn, cảm thọ là một yếu tố lớn chi phối đời sống của chúng ta và cảm thọ đó cần được đưa vào chánh niệm, cần được nhận thức, cần được liễu tri. Trong kinh Tứ Niệm Xứ Đức Phật Ngài đặc biệt Ngài nhấn mạnh tới. 

Do vậy, khi một hành giả tu tập về Tứ Niệm Xứ thì không thể không nằm lòng bài học về cảm thọ và chúng tôi biết chắc rằng nhiều vị thường hay bỏ quên cảm thọ ở trong đề mục tu thiền của mình nhưng trước sau gì sớm muộn chúng ta phải đối diện với nó. Tại vì sao vậy? Cuộc sống luôn luôn có vui có khổ và có những giờ phút không vui không khổ qua đó chúng ta thấy sự vô thường, qua đó chúng ta thấy sự khổ và cũng qua đó chúng ta thấy sự vô ngã của cuộc sống, qua đó chúng ta thấy sự vô chừng của tâm tư của chúng ta, và qua đó chúng ta sẽ bớt chuyện đổ lỗi cho người này cho người khác. 

Một cách tốt để một người hiểu được cảm thọ của mình đó là hành giả khi ngồi thiền hay trong đời sống hàng ngày thử cho mình một thách thức mà qua đó chúng ta có thể  hiểu được. Chúng tôi nhớ lần đầu tiên ở trường thiền Ngài Ajahn Chah. Từ bên Mỹ qua người ta sắp xếp cho chúng tôi ở trong một thiền thất, ở trong thiền thất mà cái thiền thất đó thật  sự  nhỏ lắm, cái giường ngủ để vừa vào đầu giường cuối giường không có dư, mà nó là một góc vuông, qúi vị không thể tưởng tượng. Nhưng cái khổ nhất là nó không có điện thì mình không thể sạt điện, cái gì cần thì sài pin, đem pin đi nhưng pin không cung cấp nhiều và do vậy sau một ngày ở trong cái thiền thất chúng tôi học ra điểm đầu tiên là mình cảm thấy rất là vô vị  rất là chán, tự nhiên mình ngồi đó mình nghĩ không biết phải làm gì. Và khi chúng tôi lên đảnh lễ Ngài thiền sư và trình bày với Ngài về ý nghĩ của chúng tôi thì Ngài trả lời "chuyện đó là bình thường", ban đầu thì mình quen với đời sống có TV có báo chí có internet có cái này cái kia bây giờ sống không có tự nhiên cảm thấy trống trải. Qúi vị muốn biết cái đó thì ngày nào qúi vị bỏ điện thoại cầm tay ở nhà đừng đụng tới internet đôi khi có nhiều vị chịu không nổi. 

Và đối với chúng ta thì cảm thọ nó là một  đề tài quan trọng nhưng đối với hành giả tu tập thì phải biết cách xử lý. Thí dụ như mình đang ngồi thiền chân mình bị tê hay đang ngồi thiền cảm thấy khó chịu những cái khó chịu nhỏ thôi nhưng ảnh hưởng chúng ta nhiều. 

Chúng tôi nhớ hồi xưa chúng tôi có quen với một vị sư người Úc, Sư đó rất phiền não một chuyện là Sư đó lên chánh điện ngồi thiền mà có ông ngồi kế bên, ông là cư sĩ vô chùa tu, ông đó ngồi thiền bữa nào cũng ngủ quên mà ngáy rất lớn, và khi ông ngáy lớn như vậy thì ông làm cho vị sư người Úc khó chịu, mình tu thiền mà lên ngồi ngủ trong giờ hành thiền thì không thể chấp nhận được rồi mà còn ngáy lớn nữa thì nó chi phối người chung quanh. Thì vị Sư người Úc  chỉ nói như vậy rồi có một ngày Sư đem chuyện đó nói với Thầy Cả trong chùa, Thầy Cả mỉm cười Thầy nói rằng ở trong những trường hợp như vậy mình lấy đó để mà quán tưởng.

Đức Phật dạy đề tài cảm thọ là đề tài lớn. Và ở đây Đức Phật gợi ý cho chúng ta rất nhiều:

- Nên quán lạc thọ là khổ, chúng ta thấy được thực tướng,  thấy được bề trái của nó, và đừng để quá khổ về nó. 
- Thứ nữa chúng ta thấy khổ thọ là mũi tên nhắc cho chúng ta biết về cái tướng trầm kha của đời sống một căn bịnh mang tánh cách cấp tính và chúng ta phải làm cái gì đó hơn là đoán mũi tên và không làm gì hết.
- Và sau cùng thì chúng ta nên biết cách để xử lý biết cách để có thái độ hợp tình hợp lý với cái cảm giác không khổ không lạc. Có nhiều người nhìn cảnh không khổ không lạc là cái buồn chán nhưng cũng có những người lại dính mắc vào trạng thái đó ngày lại qua ngày bình thường, bình thường là cái mà chúng ta thích.

Chúng tôi muốn cùng với tất cả qúi Phật tử đọc lại một lần ở trong bài học ngày hôm nay mà chúng tôi nghĩ rằng đây là những lời được dạy rất đẹp do bà Khujjuttara ghi nhớ lại lời dạy của Đức Phật và sau này Chư Tăng đã trùng tụng kết tập Tam Tạng và trở thành tác phẩm gối đầu giường như qúi vị biết rằng khi chúng ta phân bộ phận kinh điển khi Đức Phật còn trụ thế thì cũng đã được đề cập đến và đây là bài học ngày hôm nay:

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba cảm thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, lạc thọ cần phải được xem như là khổ. Khổ thọ cần phải được xem như là mũi tên. Bất khổ bất lạc thọ cần phải được xem như là vô thường. Vì rằng này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã xem lạc thọ như là khổ, đã xem khổ thọ như là mũi tên, đã xem bất khổ bất lạc thọ như là vô thường, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này gọi là bậc Thánh đã chơn chánh thấy, đã chặt đứt ái, đã giải toả kiết sử đã chơn chánh thắng tri mạn, đã đoạn tận khổ đau.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ai thấy lạc là khổ,
Thấy khổ là mũi tên,
Thấy bất khổ bất lạc
Thọ ấy là vô thường,
Tỷ-kheo ấy thật sự
Ðã thấy thật chơn chánh,
Chính tại ở nơi đây,
Từ đấy được giải thoát.
Thành tựu được thắng trí,
Bậc ẩn sĩ an tịnh
Chắc chắn đã vượt qua
Các ách nạn trói buộc.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

Đó là vài điều chúng tôi muốn chia sẻ với qúi vị về ý nghĩa bài học ngày hôm nay liên quan đến 3 cảm thọ./.

Mỗi Ngày Trầm Tư Sanh Tử

Đức Phật Ngài dậy rằng việc thiện phải có đặc tính là vô tham, vô sân, và vô si. Vô tham đặc tính là không dính mắc, vô sân là đặc tính mát mẻ, vô si là đặc tính sáng suốt, 3 đặc tính thiện pháp này được xem là đặc tính của trong sạch, một người làm thiện thì ngay trong giờ phút đó do sự trong sạch của tâm, tâm tư họ được an lạc và sau này họ cũng được an lạc, đặc biệt là nhớ nghĩ về thiện pháp của mình thì trong lòng còn hân hoan an lạc bội phần, niềm an lạc thì lớn hơn rất nhiều, nhưng muốn được như vậy thì người đó phải làm thiện và chẵng những làm thiện mà còn thấy được giá trị của điều thiện và chẳng những thấy được giá trị của điều thiện mà còn biết vui với điều thiện. Những điều này đặc biệt có khả năng cứu giúp chúng ta trong lúc đối diện với cái chết, trong lúc chúng ta sắp sửa rời bỏ thế giới này. Giờ phút đối diện với cái chết chúng ta không thể trông cậy vào một ai khác mà mình phải tự cứu lấy chính mình.

TT Giác Đẳng - Làm thiện với tâm như thế nào - Minh Hạnh chuyển biên.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống.

UỐNG TRÀ ĐI

Triệu Châu là một Thiền sư xuất sắc sống vào đời nhà Đường ở Trung quốc. Một hôm, một ông tăng hành cước đếnviếng sư. Sư hỏi, “Ông từng đến đây chưa?”  Ông tăng đáp, “Dạ, từng đến.” Triệu Châu nói, “Uống trà đi.”

Một ông tăng hành cước khác cũng đến viếng sư, sư lại hỏi, “Ông từng đến đây chưa?”  Ông tăng đáp, “Dạ chưa.”

Triệu Châu bảo, “Uống trà đi.”

Vị tăng viện chủ của Triệu Châu, có mặt trong cả hai trường hợp, khá bối rối, hỏi sư, “Tại sao đối với một ông tăng đã ngộ hòa thượng bảo ‘Uống trà đi’ rồi đối với một ông tăng chưa ngộ hoà thượng cũng bảo ‘Uống trà đi’?” Triệu Châu đáp, “Uống trà đi.”

            Đây là Thiền của Triệu Châu, siêu việt lý luận, chỉ là “Uống trà đi.” Chỉ thế thôi! Trà này là trà phổ hiện.  Nếm trà này là nếm Thiền.  Nói như vậy có lẽ cũng đã quá nhiều. .

Chuyện Xưa Tích Cũ - ÔNG VU CÔNG TRỪ TÀ

ÔNG VU CÔNG TRỪ TÀ

Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Ông Vu Công là người võ giỏi. Năm ấy, đến kinh đô ứng thí, bỗng nhiên đứa tiểu đồng của ông thọ bệnh. Nghe đồn có tên thầy bói ở gần, ông đến đặt quẻ. Thày bói nói: -Mạng của tên tiểu đồng thì không sao. Ngặt mạng của ông rất nguy hiểm, không biết lo thì chết trong ba ngày nữa.

Ông Vu Công hỏi: -Có phương nào cứu được không?

Thầy bói đáp: -Đặt cho tôi mười quan tiền, tôi làm phép dùm cho.

Ông Vu Công tức mình, đoán rằng tên thầy bói bày đặt chuyện để ăn tiền. Ông về nhà mà chờ.

Hai ngày đầu, không chuyện gì xảy ra. Vài người bạn can gián, ông trả lời: “Sống chết do mạng trời. Tôi sẵn sàng ăn thua với tên thầy bói này.” Đêm thứ ba, ông ngồi chong đèn. Chừng nửa đêm, nghe tiếng động ngoài cửa. Chập sau, thằng nhỏ vác giáo bước tới. Ông Vu Công cầm cây gươm chém mạnh. Dòm kỹ lại, rõ ràng một hình nhân bằng giấy.

Một hồi nữa, có con quỷ dạ xoa cầm xà mâu chạy sấn lại đòi đâm. Ông Vu Công múa gươm chém nghe một cái “rổn.” Rõ ràng là miểng chén, miểng cà ràng bể. Ông liền bắt ghế lại gần cửa mà rình cho tới đầu canh năm. Trong bóng tối, rõ ràng một dị nhân tay cầm cung tên, nhắm ngay ông mà xạ. Ông chém trước, tên nọ ngã lăn, hoàn lại một hình bằng cây.

Qua bữa sau, ông Vu Công thuật chuyện đã xảy ra cho bạn bè hay biết rồi rủ nhau tới nhà tên thầy bói hôm trước. Tên thầy bói ngượng nghịu như chó ăn vụng bột. Ông Vu Công nói: -Tên bất lương này sai âm binh khuấy rối ta để ăn tiền. Phải bắt nó.

Bạn bè khuyên ông dùng máu chó mà trị kẻo tên này tàng hình. Máu chó rảy xung quanh nhà, tên thầy bói chịu phép, bị bắt trói đem nộp quan trên.

Chuyện cười trong ngày

Giám đốc sở thú và con Kangarơo.

Sở thú vừa nhập về một con Kangarơo (con chuột túi), người ta nhốt nó vào chuồng, quây rào sắt cao 7 m. Sáng hôm sau, thấy nó thoát được ra ngoài, ông giám độc bèn hạ lệnh nâng rào lên 15 m, nhưng vẫn thấy con thú ranh mãnh sổng ra ngoài. Tức điên, ông cho nâng mức lên 20 m, rồi 30 m.... cũng không ăn thua, thế là sắt thép tiếp tục chở đến để làm hàng rào....
Ngữa vằn thấy thằng cha mới đến suốt ngày nhởn nhơ bên ngoài chuồng, bất kể rào sắt chót vót, thán phục hỏi:
- Người ta phải nâng rào lên bao nhiêu mét nữa thì mới nhốt được mày?
- Tao không biết, nếu họ còn quên chốt cửa, thì còn phải nâng rào.

Friday, May 23, 2014

Ngày 23-5-2014 - Suy Niệm Trong Ngày

Phật Học Vấn Đạo. Phải chăng bài kinh hôm nay dạy rằng: không làm ác nghiệp chưa đủ mà còn phải làm các việc lành nữa?

Hỏi: Phải chăng bài kinh hôm nay dạy rằng: không làm ác nghiệp chưa đủ mà còn phải làm các việc lành nữa?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 21-3-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Pháp Tân: Đối với việc làm ác nghiệp như thân sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, nói lời độc ác, nói lời chia rẽ, ý thì có tham ác, sân ác, tà kiến ác. Đây là những hành động tạo nghiệp bất thiện. Với tâm bất thiện thì có thể sanh vào trong quả khổ, ác nghiệp có thể đưa đến quả khổ. 

Thật ra, mình  không làm ác nghiệp cũng chưa gọi là đủ bởi vì mình nói ngược lại trong 10 điều thiện  (puññakiriya vatthu) thì 10 việc để tạo phúc ở đây nói đến khả năng một người tạo phước bằng 10 việc khác nhau như bố thí, trì giới, tham thiền, cung kính, phục vụ v.v... 

 Nếu như một người tạo nghiệp thì đưa đến quả khổ còn ngược lại một người không sát sanh không trộm cắp không tà hạnh thì đưa đến quả an vui, nhưng như vậy chưa gọi là đủ.

Việc mình không trộm cắp chỉ dừng lại ở chỗ là thân mình không hành động điều ác thôi hoặc là khẩu mình không nói lời độc ác hoặc là ý mình không có tham ác. Do tham phát triển bộc phát mạnh nó trở thành tham ác khiến cho chúng sanh phàm phu có một hành động sai quấy từ ở lòng tham của chúng sanh đó. Hoặc do tâm sân khiến cho người đó có hành động ác thì gọi là sân ác. Hoặc do tà kiến tức là do tâm tà kiến nghĩ quấy nghĩ sai nghĩ không đúng khiến cho người đó hành động sái quấy. Thì do ý ác này có thể dẫn đến quả khổ bằng nghiệp thân ác, rồi bằng nghiệp khẩu ác, bằng nghiệp ý ác thì có thể đưa đến quả khổ.

 Mình không làm được điều thiện thì cũng chưa gọi là đúng. Bởi vì, một người phàm phu nếu như mình không tích cực làm điều thiện thì dễ dàng bị hướng tâm của mình đến các điều ác. 

Trong kinh Pháp Cú Đức Phật dạy rằng 
- "Đã làm ác thì phải bỏ mau mau, chứa ác nhất định khổ sầu luôn luôn. Mà hễ là đã làm thiện thì phải hăng say, chứa lành nhất định vui vầy luôn luôn". 

Tức là nếu như tâm của mình đã là thiện thì mình phải có khuynh hướng tốt tức là mình phải làm điều thiện chứ không thôi tâm bất thiện có thể lớn mạnh, nó có thể chi phối đời sống của mình,  mình có hành động khiến cho do tham ác hay do sân ác hay do tà kiến khiến cho mình có hành động trở  thành ác.

Mình không làm điều ác không thì cũng chưa đủ mà phải thực hiện các hạnh lành, hạnh lành ở đây là hạnh lành đưa đến quả vui. Chúng ta biết các hạnh lành như bố thí, trì giới, cung kích, phục vụ, tham thiền, thính pháp, thuyết pháp, hồi hướng phước, tùy hỉ phước, hoặc là chánh tri kiến chẳng hạn thì đây được gọi là 10 hạnh lành để tạo thiện sự hành trang cho một người tu tập.

Một người biết phiền não là sự trói buộc cho nên tích cực bỏ việc ác nhưng bên cạnh đó phải tích cực làm điều thiện, tức là thực hiện điều thiện, thực hiện điều thiện đó để xua đuổi đi các ác nghiệp. 

Trong kinh Pháp Cú Đức Phật có dạy rằng "Ai dùng các hạnh lành xóa mờ các ác nghiệp như trăng sáng mây trôi chiếu sáng rực đời này". Thì hạnh lành ở đây để xua đuổi đi các ác nghiệp do thân, do khẩu, do ý của mình tạo nên. Bởi vì nếu bằng thân sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, hoặc là khẩu nói dối, nói lời độc ác, nói lời chia rẽ, hoặc là do tâm tham ác, sân ác, hoặc tà kiến ác khiến cho mình có hành động dễ dàng đưa đến quả khổ tức là tái sanh trong cảnh giới khổ. 

Nhưng ngược lại mình tích cực làm điều thiện tức là thực hiện các công đức thiện sự, 10 điều thập thiện là không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh. Bởi vì do có làm thiện mới có thể xóa mờ được các ác nghiệp ở trong tâm của mình hoặc là hành vi của mình, các hạnh lành để bổ túc các thiện sự hướng đến sự giải thoát trong tương lai hoặc là hướng đến sự an lạc trong tương lai./.  

Mỗi Ngày Trầm Tư Sanh Tử

Chúng ta đã trôi lăn trong vòng luân hồi từ vô lượng kiếp, đã không hiểu được đâu là khổ, đâu là nhân sanh khổ, đâu là sự diệt khổ, đâu là con đường đưa đến sự diệt khổ. Ở đây cũng là một cái ý niệm khác mà chúng ta có thể thấy là trong cuộc sống hàng ngày, cũng sống, cũng đi, cũng đứng nhưng nếu ý niệm về Tứ Đế cho chúng ta nhận diệt được bản chất của đời sống và nhận được nguyên nhân của khổ và mình cảm được thế nào là sự diệt khổ và thế nào là con đường dẫn đến sự diệt khổ thì có lẽ chính do cái nhìn đó do thái độ sống đó chúng ta dễ dàng để nhận đến chỗ đoạn tận giòng sông ái.

TT Giác Đẳng - Pháp đàm - Minh Hạnh chuyển biên

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

ĐƯỜNG VÀO CỔNG THIỀN



Một hôm có một ông tăng vào núi tìm Thiền sư Huyền Sa Sư Bị để tham học. Ông tăng nói với sư:

- Con mới đến, xin hoà thường từ bi chỉ cho con chỗ vào.

Huyền Sa hỏi:

-Trên đường đến đây, ông có đi qua một khe nước, phải không?

   Ông tăng đáp:

      - Dạ phải.

      Huyền Sa hỏi tiếp:

       - Ông có nghe tiếng nước chảy không?

        Ông tăng đáp:

          - Dạ có.

         Huyền Sa nói:

         - Chỗ ông nghe tiếng nước chảy là đường vào cổng Thiền đấy.

Chuyện Xưa Tích Cũ - TÍCH CHÙA LONG GIÁNG

TÍCH CHÙA LONG GIÁNG

Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Ở tỉnh Bắc Ninh, chùa Long Giáng là một nơi thắng cảnh. Tục truyền rằng đời vua Lý Nhân Tôn, Ngọc Hoàng muốn nhắc nhở nhà vua tu thân theo đạo Phật. Bấy lâu nay vua quá bê bối về việc nước. 

Ngọc Hoàng khiến một nàng tiên nga giáng xuống đầu thai, lấy tên là Văn Khôi công chúa. Lớn lên công chúa nhan sắc lộng lẫy. Vua Lý Nhân Tôn bèn truyền rao kén phó mã, công chúa bực mình, lén trốn ra khỏi cung điện, tìm đức Cao Huyền hòa thượng mà quy y. 

Hay tin ấy, vua cho quan quân rước công chúa về. Công chúa không chịu. Vua nổi giận, ra lệnh đốt chùa để giết công chúa luôn. Nhưng bỗng nhiên có con rồng vàng hiện ra phun nước chữa lửa. 

Nhà vua tỉnh ngộ, ăn chay nằm đất để tạ tội và xuất của kho tu bổ ngôi chùa ấy. Mãi đến ngày nay, chùa lấy tên là Long Giáng để ghi nhớ điều ấy.

Chuyện cười trong ngày

Chuyển sang nghiện móng chân

Michelle có tật hay cắn móng tay. Một người bạn gái khuyên cô nên học yoga, môn này sẽ giúp giải toả stress. Ít lâu sau, hai người gặp lại nhau, thấy Michelle đã để được móng tay dài, người bạn gái nói:

- Bạn không còn cắn móng tay nữa phải không? Vậy là bạn đã thành công với yoga.

- Nhưng từ khi học yoga, mình lại có tật hay cắn .... móng chân.

Thursday, May 22, 2014

Ngày 22-5-2014 Suy Niệm Trong Ngày

Phật Học Vấn Đạo - Phân biệt thiện ác có là điều khó chăng?

Hỏi:  Phân biệt thiện ác có là điều khó chăng?

ĐĐ Pháp Tín: Đối với thiện và ác là hai điều cách xa nhau rõ ràng. Trong kinh có nói về thiện và bất thiện giống như mặt trời mọc và mặt trời lặn, bờ biển bên này và bờ biển bên kia hoặc là ánh sáng và bóng tối. 

Thì khi được phân ra hai thái cực như vậy, khi chúng ta phân biệt được cái nào là thiện cái nào là ác nhưng chỉ có điều là lúc tâm con người làm  mình không phân biệt được. 

Một người làm việc bất thiện do si chi phối, do vô minh chi phối, chúng ta không nhận theo thực tướng pháp mà chúng ta chỉ nhận theo phần chế định. Thí dụ chúng ta nhận diện đàn ông đàn bà, hoặc cái này qúi cái kia tốt, cái này được lợi lộc v.v.... đó là do chúng ta nhận diện theo danh chế định. Rồi từ đó những vô tàm vô qúi, phóng dật, ngã mạn v.v... những bất thiện pháp đi theo chính lúc đó chúng ta không có phân biệt được. 

Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy "người ngu tưởng là ngọt khi ác chưa chín mùi, khi ác chín mùi rồi thì người ngu chịu khổ đau". Cũng như chúng ta thấy rằng có những người đi câu cá, họ thấy điều này vui họ cảm thấy thích thú, nhưng đâu biết rằng là lúc đó người ta đang tạo nghiệp rất lớn. Như chúng tôi ngồi nhìn những người câu cá họ dùng miếng mồi để câu một con cá, con cá bị nuốt lưỡi câu, người ta mới kéo con cá lên, mình nghĩ trường hợp đó nếu mình là con cá thì mình đau đớn cỡ nào. Có nhiều người nói những con cá không phải là chúng sanh nên nó không biết sự đau khổ như con người.

Khi chúng ta học  Phật Pháp rồi thì chúng ta biết con cá nếu mà ai có học thì họ đều hiểu hết  con người của mình có đầy đủ ngũ uẩn thì con cá cũng đầy đủ ngũ uẩn, nó cũng giống như mình có nghĩa là đói nó vẫn biết tìm thức ăn hoặc là nó cũng biết những cảm thọ nào đau đớn cảm thọ nào hạnh phúc. Thí dụ như qúi vị thấy rằng khi bơi trong giòng nước nó tươi tỉnh nhưng khi nó nằm trên mặt đất khô thì nó thoi thóp, mình nó giựt giựt thì như vậy nó có cảm thọ. Nó cũng có những hành động bơi tới bơi lui hoặc dành ăn với nhau thì đó là hành uẩn, nhiều khi chúng ta có sụ tranh dành quyền thế địa vị v.v... thì đó là hành uẩn, những hành động gọi là hành uẩn thì đối với con cá cũng có hành uẩn như mình nó cũng biết dành ăn. Rồi đối với  thức uẩn như khi chúng ta làm động nước nó cũng sợ hãi nó tìm cách trốn thì như vậy là thức uẩn. Tưởng uẩn, nó cũng biết chỗ đó đến ăn mồi hay chỗ đó nó đến để lánh nạn v.v... thì đó là tưởng uẩn. Còn thân hình là sắc uẩn. Thì con cá và con người đều là ngũ uẩn nhưng do hạnh nghiệp khác nhau do mình tạo thiện nghiệp nào đó nên mình cũng là ngũ uẩn nhưng ở kiếp người, mình có những sinh hoạt hạnh phúc hơn tốt hơn, còn con cá cũng là ngũ uẩn nhưng do ác nghiệp nào đó nên nó mang thân hình như vậy nó có kiếp sống như vậy.

Thì đối với một người có trí tuệ hiểu biết được như vậy, chính vì thấy nhàm chán trong cuộc đời này nên người ta tu lo tu tập. Mình quán xét do hạnh nghiệp như vậy mình được sanh làm người, do hạnh nghiệp như vậy  những chúng sanh này sanh thành loài cá, loài bàng sanh v.v... 

Thì mình hiểu được thì mình phân ra được nghiệp trắng nghiệp đen, hoặc chúng ta phân ra được quả của nghiệp còn những chúng sanh kia do vô minh dày đặc nên họ cảm thấy những trò chơi đó là sự thích thú sự tiêu dao thành ra có khi họ bị lẫn lộn. Như chúng ta biết, nghiệp bất thiện và nghiệp thiện cách xa nhau một trời một vực, nó cách xa nhau như hai thái cực nhưng tại vì lúc tâm của chúng ta bị một điều kiện nào đó chi phối. Thí dụ, những người câu cá người ta ham trong cuộc vui đó nên người ta không phân biệt ra được nghiệp nào trắng nghiệp nào đen, cái nào là đang vui trong hạnh phúc cái nào đang vui trong đau khổ, chính vì vậy mà người ta bị nhầm lẫn người ta không hiểu được những lời dạy của Đức Phật. 

Vì không nhận định được điều đó nên người ta nhầm lẫn giữa thiện và bất thiện, đó là do tâm của con người chúng ta nhầm lẫn  chứ không thề nào mà đối với thiện và bất thiện pháp mà nó được trộn lẫn, chỉ có do tâm của chúng ta nhầm lẫn về điều này và điều kia hoặc là tâm của chúng ta có khi buổi sáng chúng ta làm thiện trưa chúng ta làm điều bất thiện, chiều chúng ta làm điều thiện tối chúng ta làm điều bất thiện v.v... là do tâm của mình bị nhầm lẫn với bất thiện và thiện hoặc do mình bị chi phối bởi tham sân si sân hận, nhầm lẫn những điều thiện và bất thiện chứ đối với thiện pháp và bất thiện pháp là hai thái cực rõ ràng nhưng do tâm của chúng ta không nhận định được, chính vì vậy mà chúng ta tạo những bất thiện pháp mà chúng ta không biết ./.

Mỗi Ngày Trầm Tư Sanh Tử

thường là chúng ta thích xào nấu, chúng ta thích hâm đi hâm lại những thứ phiền não trong đầu, đôi khi cái chuyện đó đáng lẽ không lớn chuyện không đáng như vậy. Ví dụ như một người nào thương mình và mình rất thương người đó rồi mình được biết người đó nói xấu mình thì mình phiền não rồi mình vị nhai đi nhai lại. Mình phải có ý thức rõ ràng là mình nói nhiều cũng vậy, suy nghĩ nhiều cũng vậy, phiền não nhiều cũng vậy và cố gắng để sua tan cái ý tưởng thì như vậy rất có lợi cho đời sống tu tập. Mình thay đổi các tư thế oai nghi để sua tan phiền não. 

TT Giác Đẳng - Tứ oai nghi trong đời sống hàng ngày - Minh Hạnh chuyển biên