Wednesday, May 31, 2017

Ngày 31-5-2017 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Còn bao nhiêu khốn khổ?

CÒN BAO NHIÊU KHỐN KHỔ?

Sự đời... nhiều lúc buồn cười nhưng cười không thành tiếng, chua chát.

Nhà chúng tôi có bốn người, cứ mỗi buổi cơm mẹ tôi thường gọi tôi và thằng em tôi bằng cây roi nhặt nhạnh đâu đó trên đường, buổi cơm nào cũng vậy, em tôi điều hít hà mêu mếu còn tôi cắm mặt vào chén mà ăn.

Cuộc sống ở quê yên bình lắm, cha tôi gọi dậy tập thể dục lúc 5h sáng, lúc mà gà gáy ngủ ò ó o o o o .. lúc mấy ông hàng xóm đem ấm trà ra ghế đẩu ngồi "đàm đạo" thì tôi đứng trên đường người run bần bật, em tôi còn thảm hơn nữa, nó ngồi chòm hỏm một cách rúm ró, mắt nhắm nghiền ngủ gật trong rất hoạt kê.

Cha tôi nói: "Tụi bây tập để có sức khỏe, lớn lên mà èo uột là không làm ăn gì được!"

6h sáng chúng tôi đi học, con đường nhựa sương giăng kín mít, những cành lá rủ mình làm sương đêm đọng lại rơi lộp độp. Anh em chúng tôi đèo nhau đi, tôi nói: "Triều này, tao muốn lớn lên mỗi thằng có một cái xe, mỗi thằng một cái nhà, tao không muốn chung chạ với mày. Trông mày tao ứa gan!" Thằng em tôi típ mắt cười hênh hếch, nó nói: "Em thương anh hai lắm". Nếu là ai khác sẽ ngũi lòng, còn tôi thì không.

Những ngày trời nắng chúng tôi ra đồng săn bắn chim cò. Sáng tờ mờ đã đi có khi đến tận chiều tà mới lếch đầu về, lần nào cũng vậy, mẹ mời cơm chúng tôi bằng cây "roi" nhặt nhạnh ở đâu đó trên đường, và thằng em tội nghiệp của tôi...lại lả chả nước mắt.

Cha đi làm ăn xa ở tận đâu đâu, có khi mười bữa, nửa tháng về một lần. Mẹ hay cằn nhằn: "Đi rồi lại có con nào" Cha tôi gắt: "Đừng có nhiễu sự! Đi kiếm cái ăn cho nhà này chứ phải đi chơi". Mẹ vẫn hay khóc thút thít vào những buổi tối cha đi vắng lúc mà anh em chúng tôi say ngủ. Tôi len lén trở dậy nhìn cái lưng rung rung của bà nhưng không dám lên tiếng rồi tự mình chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Gia đình chúng tôi làm ruộng, mỗi độ thu hoạch Cha thường gặt lúa anh em tôi kéo xe về chất ngoài sân. Nắng gắt đến độ mặt đường nứt nẻ, bong tróc như bánh đa, chúng tôi mồ hôi như tắm, Triều nói: "Anh Khuê ơi! Xong chuyến này nhảy sông tắm cái cho đã". Có lẽ không nghề gì gian nan, vất vả bằng nghề làm nông, người dân phải hứng chịu nhiều bất trắc từ ông trời. Đến gặt xong mà mưa quài, mưa mãi không phơi lúa được đến ẩm móc thì công sức đổ sông đổ biển. Như mùa nước lũ, không có chỗ ráo để chất, nước tràn nhận chìm sạch bách! Ôi ông trời.

Thấy làm nông không xong nên Cha tôi chuyển sang đi buôn. Gia đình khép cánh cửa kéo xuống chiếc ghe 4 tấn mà buôn đi chuối, buôn dừa. Mỗi lần qua sông Cái, mẹ tôi điều niệm phật, bởi sóng đánh ành ạch vào mạng ghe chan chát tưởng chừng như sắp chìm đến nơi. Bà nói: "Văn ơi là Văn! Ông hại mẹ con nhà này đến bao giờ nữa đây?" Làm ăn thô lỗ, cả nhà lại kéo về làm ruộng, sự đời... nhiều lúc buồn cười nhưng cười không thành tiếng, chua chát.

Cha tôi oai nghiêm lắm, ít nói nhưng thương anh em chúng tôi. Hể có gì ngon điều để phần. Một hôm ông đi mò tôm gặp phải con rắn lớn, biết là rắn độc rất quý. Bán cho nhà giàu ngâm thuốc cũng có tiền sách vở cho chúng tôi nên không ngần ngại đuổi bắt, lần đó ông bị cắn tưởng xuýt chết. Nhờ có ông Ba Quân biết bài thuốc Nam giải độc hộ, nếu không, chắc toi cái mạng, nói như cách nói của mẹ tôi. Mẹ lại cằn nhằn: "Ngu dữ không biết, có chết ngây đâu mà phải liều mạng. Xưa nay đói khát quen rồi, thêm một vài ngày cũng đã sao"

Sau lần đó Cha tôi đi biền biệt mấy năm trời không thấy về. Ba mẹ con quần quật ruộng đồng, tôi lớn lên trong sự thua thiệt với bạn bè chung quanh. Gia cảnh vất vả nên anh em tôi đều bỏ học từ rất sớm để đỡ đần cho mẹ. Năm tháng trôi mau, tôi lớn lên bắt đầu đi làm. Thằng Triều không chịu đi đâu nên ở nhà với mẹ, nó nói: "Anh hai đi đi em ở nhà, mẹ già rồi anh em đi hết thì ai trông" Tôi ứa nước mắt, thấy hổ thẹn và thương em mình vô cùng"

Những tháng ngày bươn trải nơi đất khách quê người, tôi không sao cầm được nước mắt, ở đó người ta mắng nhiếc một cách thậm tệ như kẻ ăn, người ở. Số phận nghiệt ngã kéo tôi chung chạ với những con người nghiệt ngã, nhiều phần tử lao động chân tay mảnh đời còn đáng thương hơn tôi rất nhiều. Như bác Ba đã già ngót nghét 70 tuổi mà vẫn bưng bê gạch đá, trộn hồ, có khi mua thuốc cho cánh thợ xây để được vài ngàn đem về nuôi con bại liệt não từ nhỏ. Cô Tư bán vé số vẫn hay than thở mỗi khi có dịp, rằng con cô đổ đại học văn văn nhân gì đó nhưng không đủ tiền học phí, nó chán nản bỏ đi xin việc ở quán cafe...nói mà mắt cô Tư như sắp khóc.

Đêm đêm tôi gát tay lên trán nhìn những vì sao nhấp nháy trên màn đêm có thể sà xuống bất cứ lúc nào mà lòng buồn rười rượi. Những hoàn cảnh, những khốn khổ của cuộc đời thật ra còn bao nhiêu nữa? Hả trời?

Tôi nhớ đến mẹ, nhớ thằng Triều ghê lắm, nhớ những ngày tuổi thơ êm đềm bên sông nước quê hương. Có lẽ không ở đâu bằng quê mình, tôi ước mình trở về những tháng ngày ấu thơ bị mẹ chặn đánh bằng cây roi nhặt nhạnh đâu đó trên đường. Nhưng bây giờ có lẽ không còn được nữa, bởi hôm qua đây Triều điện thoại báo tin mẹ tôi yếu lắm, tay rung rung...tóc bạc phết...thần trí đã mê man hay lảm nhảm. Triều như khóc: "Anh hai ơi! Có khi nào mẹ bỏ anh em mình?" Da gà nổi cộm, tôi lạnh đến tận sống lưng.

Cha ơi! Bây giờ người ở nơi đâu?

Anh em chúng tôi chỉ biết đứng bên giường bệnh nhìn mẹ. Hôm nay..ngày mai...nhưng liệu một buổi chiều bất chợt nào trong căn nhà lụp xụp mái lá này, anh em chúng tôi không còn được nghe tiếng thở của mẹ. Lúc ấy sẽ ra sao?

Chuyên Ngụ Ngôn Ý Nghĩa

Chiến mã và con lừa



Một con chiến mã - đã sẵn sàng ra chiến trường với bộ yên cương lục lạc tuyệt đẹp trên mình - đang phi nước kiệu trên đường, tiếng vó ngựa phi trên đường nghe như tiếng sấm dội.

Một con lừa già đáng thương - đồ đạc chất đầy trên lưng - cũng đang chầm chậm bước đi trên con đường đó.

Con chiến mã nói: 

- Tránh đường cho ta đi, nếu không ta sẽ giày ngươi xuống đám bụi đường bây giờ!

Con lừa tội nghiệp cuống cuồng tránh đường cho nó, thế là con chiến mã lại tiếp tục phóng đi đầy kiêu hãnh.

Không lâu sau, con ngựa bị bắn trúng mắt. Vì không còn phù hợp để phục vụ trong quân đội nữa, nên người ta tháo bộ yên cương và lục lạc của nó ra. Rồi nó bị bán cho một người nông dân, ông ta thường bắt nó phải chở rất nhiều đồ đạc trên lưng.

Không lâu sau, con lừa già ngày nào gặp lại nó và nhận ra nó ngay. Con lừa kêu lên: 

- A ha! Có phải là anh đấy không? 

Tính tự phụ, kiêu căng rồi thì cũng có ngày bị sụp đổ mà thôi!
Ta có câu "Cười người hôm trước hôm sau người cười" cũng đúng ngụ ý này nhỉ?! 

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Biết về Loài Cá

Một ngày nọ Chuan Tzu và bạn đi bộ dọc theo bờ sông.

"Nhìn những con cá đang bơi lội," Chuang Tzu nói, "Chúng nó thật là vui vẻ."

"Bạn không phải là loài cá," người bạn trả lời, "Sao bạn có thể thật sự biết rằng chúng nó vui vẻ."

"Bạn không phải là tôi," Chuang Tzu trả lời. "Sao bạn biết là tôi không biết những con cá đang vui vẻ?"

Cổ Học Tinh Hoa - Bệnh Quên

Bệnh quên

Lòng người đen trắng, việc đời đảo điên lắm nỗi trái ngang tai, trái mắt làm cho người ta không muốn trông, không muốn nghe, thậm chí đến không muốn biết đến, chỉ muốn quên sạch. Bởi thế Liệt Tử thành ra chán đời, mới đặt ra câu chuyện này để tỏ hết cái nỗi bực tức đau thương trong lòng.

Nước Tống[1] có anh đứng tuổi, tự nhiên mắc phải bệnh quên; buổi sáng lấy gì của ai, buổi chiều đã quên; ngày nay cho ai cái gì, ngày mai đã quên; ra đường quên cả đi, ở nhà quên cả ngồi; trước có làm những gì, bây giờ đã quên hết, bây giờ đang làm gì, sau này cũng quên hết.

Cả nhà anh ta lấy làm lo. Xem bói không tốt, đi cúng không đỡ, đón thầy chữa thuốc cũng không khỏi.

Sau có ông đồ nước Lỗ[2] đến xin đám[3] nói rằng chữa được. Vợ người có bệnh hứa với ông đồ hễ chữa khỏi, thì chia cho nửa cơ nghiệp. Ông đồ nói:

- Bệnh này bói không ra được, cúng không khỏi được, thuốc không chữa được. Nay tôi thử hóa[4] cái tâm tính biến cái trí lự[5] anh ta, may mà khỏi chăng.

Nói đoạn, ông đồ liền sai lột áo để cho rét, thì thấy anh ta xin áo, sai cấm ăn, để cho đói thì thấy anh ta xin ăn, sai đem vào chỗ tối, thì thấy anh ta xin ra chỗ sáng.

Ông đồ hớn hở bảo con anh ta rằng:

- Bệnh chữa được, song môn thuốc của tôi bí truyền không thể nói cho ai biết”.

Rồi ông đuổi cả người chung quanh đi, chỉ một mình ông ở với người có bệnh trong bảy ngày. Chẳng ai biết ông đồ chữa, chạy ra thế nào, mà cái bệnh lâu năm như thế khỏi phăng.

Khi anh có bệnh đã tỉnh như thường, anh liền nổi cơn giận, chửi vợ, đánh con, cầm giáo đuổi ông đồ.

Người ta bắt anh hỏi vì cớ gì mà anh giận như vậy, anh ta nói:

“Lúc trước ta có bệnh quên, thì trong lòng ta thản nhiên khoan khoái, giời đất có hay không, ta cũng chẳng biết. Nay ta hết bệnh, ta lại nhớ cả những việc vài mươi năm về trước, việc còn, việc mất, việc được, việc hỏng, việc thương, việc vui, việc yêu, việc ghét trong lòng lại muôn mối ngổn ngang bời bời nổi lên vậy. Ta e sau này, những việc còn, mất, được, hỏng, thương, vui, yêu, ghét ấy cứ vướng vít trong lòng ta mãi mãi, thì bấy giờ dù muốn quên cả đi một phút, một lát, liệu còn có được nữa chăng?”

Lời bàn:

Lòng người đen trắng, việc đời đảo điên lắm nỗi trái ngang tai, trái mắt làm cho người ta không muốn trông, không muốn nghe, thậm chí đến không muốn biết đến, chỉ muốn quên sạch. Bởi thế Liệt Tử thành ra chán đời, mới đặt ra câu chuyện này để tỏ hết cái nỗi bực tức đau thương trong lòng. Ôi! Chẳng gì cái đời cổ tự Liệt Tử cũng còn chất phác, mà đã khắt khe đáng chán như thế, huống chi cái đời bây giờ là cái đời mỗi ngày gian trá quái ác thêm sinh, thì phỏng còn có gì làm cho người biết nghĩ đáng yêu, đáng quí nữa:

Nghĩ thân phù thế mà đau,

Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê!

----------------------

[1] Tống: nước chư hầu đời Xuân Thu ở huyện Thương Khưu, tỉnh Hà Nam bây giờ. [2] Ông đồ người nước Lỗ: đây ám chỉ Khổng Phu Tử.

[3] Xin đám: nói với người ta để xin việc mà làm

[4] Hoá: đổi hẳn tính này ra tính khác, hình nọ ra hình kia

[5] Trí lự: cái lòng to toan mưu tính công việc gì.

Chuyện cười trong ngày

Học sút

- Chị: Sao năm nay em lại học sút vậy?
- Em: Vì thầy dạy đá bóng của em bảo thế ạ!
- Chị: Sao lạ vậy?
- Em: Thầy bảo muốn ghi được bàn vào lưới thì phải học sút ạ!

Tuesday, May 30, 2017

Ngày 30-5-2017 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Bức tranh đẹp nhất

Bức tranh đẹp nhất

Một họa sĩ suốt đời mơ ước một bức tranh ĐẸP NHẤT TRẦN GIAN. Ông đến hỏi vị giáo sư để biết điều gì đẹp nhất. Vị giáo sư trả lời: "Tôi nghĩ điều đẹp nhất trần gian là NIỀM TIN, vì niềm tin nâng cao giá trị con người.".
Người họa sĩ cũng đặt câu hỏi tương tự với một cô gái và được trả lời: "TÌNH YÊU" là điều đẹp nhất trần gian, bởi tình yêu làm cho cay đắng trở nên ngọt ngào, mang đến nụ cười cho kẻ đang than khóc, làm cho điều bé nhỏ trở nên cao quý, cuộc sống sẽ nhàm chán biết bao nếu không có tình yêu" 

Cuối cùng, người họa sĩ gặp một người lính mới trở về từ mặt trận, khi được hỏi, người lính trả lời: "HÒA BÌNH là cái đẹp nhất trần gian, ở đâu có hòa bình, ở đó có cái đẹp." 

Khi trở về nhà, người họa sĩ nhận ra NIỀM TIN trong ánh mắt các con, TÌNH YÊU trong cái hôn của người vợ. Chính những điều đó khiến tâm hồn ông ngập tràn HẠNH PHÚC và BÌNH AN. Bây giờ thì ông đã hiểu thế nào là điều đẹp nhất trần gian. Sau khi tác phẩm của mình hoàn thành, người họa sĩ đặt tên cho bức tranh của mình là: "GIA ĐÌNH" 

Thật vậy, gia đình là nơi đầy ấp tiếng cười của trẻ thơ, tiếng hát của người mẹ và sức mạnh của người cha. Nơi đó có hơi ấm của những con tim biết yêu, là ánh sáng của đôi mắt tràn đầy hạnh phúc, là sự ân cần, là lòng chung thủy. Gia đình là ngôi thánh đường đầu tiên cho tuổi thơ học những điều hay lẽ phải, niềm tin và lý tưởng sống. 

- Đó là nơi chúng ta tìm về để được an ủi, nâng đỡ 

- Đó là nơi những món ăn đơn sơ cũng trở thành mỹ vị 

- Đó là nơi tiền bạc không quí bằng tình yêu 

- Đó là nơi ngay cả nước sôi cũng reo lên niềm vui và hạnh phúc.

Nguồn http://truyenhay.vn/buc-tranh-dep-nhat.html#ixzz4hpCaCH7r 
Bài viết từ : TruyenHay.Vn - Website đọc truyện hay online 

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

BÀI HỌC NHỚ ĐỜI

Gấu lớn cứ bắt nạt Thỏ nhỏ. Chẳng chi cả mà nó cứ tóm lấy Thỏ rồi bạt tai đến nỗi một bên tai Thỏ vẹo hẳn xuống.

Chú Thỏ khốn khổ khóc mãi, khóc hoài. Tai chú cuối cùng rồi cũng hết ê ẩm, nước mắt cũng đã khô, thế mà chú vẫn thấy đau. Chú phải làm gì đây? Tại sao chú lại cứ đụng phải cái gã Gấu hết lần này đến lần khác như thế kia chứ! Xưa nay chú chưa bao giờ phải chịu cái nông nỗi này. Nhưng lấy ai là người có thể giúp đỡ chú được? Gấu là gã khỏe nhất trong khu rừng này. Còn Sói và Cáo là bạn chí thân của gã. Chúng vẫn thường về hùa với Gấu.

– Ai có thể giúp tôi được đây? – Thỏ than vãn.

– Được, tôi đây! – Có ai đó kêu lên.

Thỏ liếc con mắt trái và thấy Muỗi.

Làm sao bạn có thể giúp tôi được?

– Thỏ nói – Bạn làm gì nổi Gấu? Gã quá to, mà bạn thì nhỏ như thế. Bạn không đủ sức mạnh đâu!

– Được, đợi coi nhé! – Muỗi nói.

Gấu đã lang thang suốt ngày qua khu rừng nóng nực. Gã mệt mỏi và buồn ngủ, liền lăn ra đám cây mâm xôi nằm nghỉ. Nhưng khi ngã vừa nhắm mắt lại, thì gã nghe có tiếng gì vo ve bên tai: "Vi...e...é..."

Gấu biết đó là tiếng chú Muỗi. Gấu nín hơi đợi cho Muỗi đậu lên mũi. Muỗi lượn vòng quanh, vòng quanh và rồi cuối cùng đậu lên ngay chóp mũi của Gấu. Gấu vung bàn tay trái lên, đạp bóp một cái vào chóp mũi của gã! Như vậy là dạy cho gã một bài học rồi!

Gấu trở mình qua bên phải nhắm mắt lại. Nhưng đúng lúc đang ngáy dở, ngã lại nghe thấy tiếng gì vo ve bên tai: "Vi...e...é..."

– Thằng Muỗi phải cút đi ngay từ lúc đó rồi chứ!

Gấu nín thở nằm yên, giả bộ ngủ say, nhưng suốt thời gian đó gã lắng nghe, đợi cho Muỗi tìm nơi đậu khác.

Còn Muỗi thì cứ tiếp tục vo ve, vo ve rồi đột nhiên ngừng bặt.

– Thật là thoát nợ! – Gấu nhủ thầm và nằm duỗi ra. Nhưng, Muỗi đã lại nhẹ nhàng đậu lên tai Gấu và bò vô trong. Muỗi chích Gấu một cú đau dễ sợ! Gấu nhảy dựng lên. Gã vung bàn tay phải, đập vô tai gã mạnh đến nỗi nảy đom đóm mắt. Dứt khoát, cú đó thì đủ săn sóc cho cái thằng Muỗi đến tàn đời.

Gấu gãi tai và sửa soạn chỗ nằm. Gã có thể ngủ được rồi đây! Nhưng đúng lúc ngã vừa nhắm mắt, thì lại nghe có tiếng "Vi...e...é" quen thuộc.

– Thật là tai họa không thể chịu được nữa!

Gấu rền rỉ, vùng dậy, đâm đầu chạy khỏi cái nơi Muỗi đã đưa nó vào tròng. Gã trượt té, xô bừa qua các bụi cây, ngáp đến sái quai hàm, vừa đi vừa buồn ngủ đến suýt ngục xuống. Thế mà Muỗi vẫn ở ngay bên cạnh: "Vi...e...é"

Gấu lại tiếp tục chạy. Gã chạy đến hụt hơi rồi gục xuống dưới một lùm cây. Gã nằm đó thở hổn hển, dỏng đôi tai lên lắng nghe tìm Muỗi.

Khu rừng thật là yên vắng, và tối đen như mực. Tất cả các loài chim, thú đều đang ngủ ngon lành. Riêng Gấu trằn trọc và gần xỉu vì kiệt sức.

– Khốn khổ quá! – Gấu tự nhủ: – Cái thằng Muỗi nhép đó nó gây khốn đốn cho mình, đến chẳng còn nhớ nổi tên mình là gì nữa. Sung sướng là mình đã xoay sở thoát được. Bây giờ, cuối cùng thì mình cũng có thể ngủ được một chút.

Gấu tới dưới một bụi dẻ lớn. Gã nhắm mắt lại và ngủ vật vờ. Gã bắt đầu mơ. Gã thấy mình đang ở trong rừng, bất ngờ gặp một tổ ong đầy mật. Gã sắp thọc tay vô tổ ong thì đã nghe có tiếng vẳng tới: "Vi...e...é".

Muỗi đã tìm được Gấu và cuối cùng lại đánh thức Gấu dậy!

Gấu gồi dậy, rên rỉ. Trong khi đó Muỗi tiếp tục bay vòng quanh đầu gã, lúc tới gần, khi xa xa, vo ve lúc to lên, khi nhỏ lại, cho đến lúc đột nhiên Muỗi ngừng hẳn. Muỗi đã biến mất rồi ư?

Gấu đợi một lát, rồi gã bò lết ra xa, vô một bụi cây, nhắm mắt lại. Toại nguyện. Gã vừa chợp mắt thì đúng khi đó, Muỗi cất lên giọng ca "Vi...e...é".

Gấu bò lê ra khỏi bụi cây. Gã bắt đầu gào khóc.

– Thì mày muốn gì, hở loài sâu bọ? Tao cầu cho mày chết rũ! Mày đợi đấy! Tao không thèm ngủ một tí nào nữa. Tao sẽ tóm được mày cho mà coi!

Muỗi đã cho Gấu "khiêu vũ" đến tận lúc mặt trời lên. Nó đã làm cho Gấu hoàn toàn mệt lử. Suốt đêm Gấu chẳng được nghỉ lấy một chút nào. Gã đã tự đập gã đến thâm tím mình mẩy, để cố bắt cái thằng Muỗi nhép đó mà không được.

Mặt trời lên. Những con chim, con thú tỉnh dậy sau một đêm ngủ ngon lành. Chúng nhảy nhót và ca hót vui vẻ. Chỉ một mình Gấu không vui vẻ gì trước lúc bắt đầu một ngày mới.

Thỏ gặp Gấu ở ven rừng buổi sáng hôm đó. Gấu xù bước vấp, bước trượt, lảo đảo lê đi. Nó chẳng thế nào mở nổi con mắt ra nữa, vì quá buồn ngủ.

Thỏ cười đã đời! Nó cười đến suýt bể bụng ra mất.

– Cảm ơn Muỗi nhé!

– Thỏ vui vẻ nói khi vừa trông thấy Muỗi.

– Bạn thấy gã Gấu đấy chứ?

– Tất nhiên rồi! – Thỏ đáp rồi lại bật cười.

– Bạn thấy tôi cũng không đến nỗi bé nhỏ và yếu ớt quá như người ta tưởng, phải không?

Muỗi nói xong, vừa bay đi vừa cất giọng hát "Vi...e...é".

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

CÁI ĐẬP CUỐI CÙNG.


Tangen đã học với Sengai từ thời thơ ấu. Khi anh ta 20 tuổi anh muốn rời thầy của mình và đến tham quan những vị thầy khác để so sánh sự học hỏi, nhưng Sengai đã không cho phép anh làm chuyện này. Mỗi lần Tangen gợi ý, Sengai đã gõ vào đầu anh.

Cuối cùng Tangen nhờ vị sư huynh tới năn nỉ sự cho phép của Sengai. Vị sư huynh này đã năn nỉ và rồi báo cáo cho Tangen: "Đã được dàn xếp. Tôi đã bố trí cho sư đệ để bắt đầu cuộc du hành ngay bây giờ."

Tangen đến gặp Sengai để cám ơn ông đã cho phép anh. Vị thiền sư trả lời bằng cách gõ lên đầu anh nữa.

Khi Tangen cho sư huynh biết điều này vị sư huynh nói: "Nguyên nhân gì? Sengai không có lý do gì mà đã cho phép và rồi lại thay đổi ý của ông. Để ta nói với ông ấy." Và anh ta đi đến gặp sư phụ.

"Ta đã không hủy bỏ lời hứa," Sengai nói. "Ta chỉ muốn cho anh ta một cái đập cuối cùng vào đầu, để khi anh ta trở lại sẽ giác ngộ và ta không thể khiển trách anh ta một lần nữa."

Chùa Bút Tháp - Bắc Ninh


Bắc Ninh - Chùa Bút Tháp

Vị trí: Chùa Bút Tháp tọa lạc ở phía tây thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Đặc điểm: Chùa Bút Tháp có nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc cổ độc đáo tài tình, có nhiều tượng Phật và cổ vật quý.
Nói đến Bắc Ninh, ta không thể không nói đến chùa Bút Tháp. Ðây là một ngôi chùa cổ, mặc dù đã trải qua những lần trùng tu, sửa chữa nhưng chùa vẫn giữ được những nét nguyên sơ hấp dẫn của nó. 
Chùa được xây dựng từ thời hậu Lê (thế kỷ 17). Theo lịch sử, chùa được bà Trinh Thị Ngọc Trúc (vợ vua Lê Thánh Tông) cùng hai nhà sư người Việt gốc Hoa thiết kế. Chùa có tên chữ là "Ninh Phúc Thiền Tự" được xây dựng theo kiểu "Nội công ngoại quốc". Ngoài cùng là Tam Quan, tiếp đến là gác chuông rồi đến Tiền Ðường, tiếp theo là Thượng điện - gian đẹp nhất cả kiến trúc lẫn điêu khắc.
Phía ngoài Thượng điện có lan can bằng đá xanh bao quanh, chạm khắc các hình động vật, điểm xuyết thêm mây, trời, hoa, lá...
Ðáng chú ý là những chim, hươu, khỉ, rồng,... đều rất sinh động, thần tình. Bên trong có bày các bộ tượng Tam Thế, Tam Thân và tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay. Những cái tên, những kiểu kiến trúc gợi nên một vẻ hoang sơ độc đáo mà hấp dẫn, một nét đẹp rêu phong cổ kính. Pho tượng Quan Âm trong chùa có kích thước lớn và đồ sộ: cao 3,7m, có 11 đầu, 42 bàn tay lớn và 958 tay nhỏ. Ðiều kỳ lạ là mỗi bàn tay có một mắt, độc đáo hơn nữa là nhịp điệu mỗi cánh tay không giống nhau. Tượng được đặt trên toà sen Rồng đội, đằng sau là vầng hào quang toả sáng, bên dưới là các hình trang trí sóng nước sống động như một thuỷ cung.
Nối giữa Thượng điện và Tích thiện là chiếc cầu đá cong mà ngồi ở đó, ta có thế ngắm những nét đẹp riêng của cảnh chùa. Cầu được chạm khắc rất công phu, tinh xảo và bố trí rất hợp lý: đầu cầu là hai con sư tử và thành cầu là những kiểu chạm trổ cổ quen thuộc, rất hài hoà. Ðấy là chưa kể đến một công trình nghệ thuật độc đáo của chùa: toà "Cửu phẩm Liên Hoa". Toà bằng gỗ, gồm 9 tầng có khắc tượng phật xung quanh. Ðiều đặc biệt là nó có thể quay được và không hề phát ra tiếng kêu dù được làm từ mấy thế kỷ!.
Ðến với chùa là đến với một điểm du lịch mang tính nhân văn cao. Trong chùa, có nhiều cổ vật quý, nhiều tháp to, nhỏ rất đẹp là nơi đặt xá lị của các thiền sư xưa. Tháp Báo Nghiêm, trên đỉnh có hình nậm rượu, 5 tầng, 8 mặt, cao 13m, là nơi đặt xá lị của thiền sư Chuyết Chuyết; tháp Tôn Ðức 5 tầng, cao 10m là nơi đặt xá lị thiền sư Minh Hành, vị tổ thứ hai của chùa.

Chuyện cười trong ngày

Dìm bong bóng…

Có 4 đứa trẻ  đang chơi ở hồ nứơc,bỗng bị cảnh sát bắt về hỏi

-Mày tên gì?

Đứa thứ 1:

- Dạ con tên vịt

- Mày làm gì ở hồ nứơc?

- Dạ con chơi dìm bong bóng xuống nước ạ

Cảnh sát lại hỏi:

- Mày tền gì?

Đứa thứ 2:

- Dạ con tên vịt vịt

- Mày làm gì ở hồ nứơc?

- Dạ con chơi dìm bong bóng xuống nước

Cảnh sát lại hỏi:

- Mày tên gì?

Đứa thứ 3:

- Dạ con tên vịt vịt vịt

- Mày làm gì ở hồ nứơc?

- Dạ con chơi dìm bong bóng xuống nước

Cảnh sát hỏi đứa cưối cùng:

- Mày tên gì?

Đứa thứ 4:

- Dạ con tên bong bóng

Monday, May 29, 2017

Ngày 29-5-2017 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Hoa Trinh Nữ

Hoa Trinh Nữ

Thuở ấy, nhà nọ từng có hai kiếp đàn bà, cả hai kiếp đến lượt mình, đều chôn chân thờ chồng đi lính.
Hai người đàn ông lần lượt ra đi, nhưng người về thì chỉ một. Người chiến binh dũng cảm ấy về làng trong tiếng tiền hô hậu ủng, xênh xang trong mũ áo vua ban và làm vẻ vang cho dòng họ. Nhưng khi đón chồng, người đàn bà thứ hai khóc thầm: “Cân đai, mũ áo, bổng lộc vua ban… tất cả đều đẹp nhưng mái đầu ta và ông ấy tự lúc nào đã ngả sang màu sương!…”.
Vậy nên, kiếp đàn bà thứ ba vừa lọt lòng và nhoe nhoe khóc, thì cả bà, cả bố và mẹ cô bé chắp tay: “Lạy Phật! Lại thêm một cái tội nữa. Nhưng lần này, chúng ta sẽ không gả nó cho bất kỳ một người lính nào đâu nhé. Hai đời, chúng ta đã đợi chờ đến bạc tóc, thế còn chưa đủ sao?”.



Cô bé lớn lên mơn mởn như nụ hồng. Từ nhỏ đến lớn cả nhà không cho cô được nói chuyện với bất cứ một người lính nào để cô giữ lời nguyền thuở trước.

Một buổi sáng, xa xa vẳng tới tiếng trống ngũ liên. Cô gái bước ra vườn, đến bên bờ giậu đẫm sương. Chàng trai nhà bên đang gấp gáp khăn gói lên đường. Vốn là đôi trẻ vẫn cũng nhau chơi trò “đố lá”, họ cùng nhìn nhau rồi cùng cúi mặt, lớp lông măng ngăm ngăm trên mép chàng trai khẽ rung. Tiếng trống thúc dồn. Chàng trai đánh bạo:

- Thế… có chờ… không?

- Sao không hỏi xem bông tầm xuân có nở trước khi mặt trời lên không? - Cô gái cắn môi, nước mắt lăn tròn trên má.

Và thế là mặt chàng trai đỏ đến tận chân tóc. Lâng lâng như vừa được chắp cánh, chàng bấm bụng: “Ta có thể ra đi, dù “da ngựa bọc thây”.



Cô gái trở vào, mắt ngấn nước và thẫn thờ như người ốm, trong tiếng trống ngũ liên xa xa thúc dồn. Vậy là cả nhà biết. Họ trách lẫn nhau, rồi hai người đàn bà ôm nhau khóc. Bà cô gái thắp ba nén hương khấn người chồng quá cố: “Ông ơi! Có lẽ cháu ông đúng, bởi tôi nghiệm rằng, nếu bây giờ ông sống dậy, lại ra trận, thì tôi vẫn chờ ông. Ôi! Cái kiếp đàn bà!…”. Mẹ cô gái nức nở: “Chỉ tại mẹ thôi, chính mẹ đã truyền cho con dòng máu “đợi chờ”! Con làm sao khác được!”. Ông bố cố gạt đi: “Thì cũng phải có một đứa con gái nào đó chờ thằng bé ấy chứ, cũng như ngày xưa, trong căn nhà này bà chờ tôi vậy! Bây giờ, chỉ còn biết mong sao thằng bé ấy trở về!”.



Nhưng thằng bé không sớm trở về. Chàng tân binh hăng hái giết giặc trong vài trận rồi ngôi sao chiếu mệnh mỉm cười với chàng ta, đấng quân vương vốn giỏi chọn người, vừa nhìn thấy chàng trai đã nhận ra ngay rằng đây là một tên lính hầu trung thành vô hạn. Thế là, ngài cho rút chàng trai về, ngày đêm cận kề bên ngài, một bước cũng không được rời xa. Khi còn giặc giã, vua cần chàng đưa vồng ngực vạm vỡ ra che làn đạn giặc, còn khi hết giặc, vua càng cần chàng hơn, để giữ gìn quyền uy tối hậu. Chàng là lưỡi kiếm “trừng phạt” tuyệt hảo, sẵn sàng giáng xuống đầu bất kỳ ai, theo lệnh đấng quân vương.

Đã mười bảy năm rồi, cô gái chờ người lính ấy. Từ một thiếu nữ như nụ hoa chớm hé, nàng đã trở thành một cô gái quá lứa nhỡ thì. Bà nàng, rồi cha mẹ nàng theo nhau lần lượt trở về cõi Phật. Trước khi nhắm mắt, họ đều gọi con gái đến bên giường dặn dò: “Mai ngày nếu sinh con gái…”. Cô gái lặng lẽ khóc khi bà và bố mẹ mất, lặng lẽ khóc khi người yêu của chúng bạn trở về hay tử trận và cuối cùng, lặng lẽ để tang người yêu năm xưa, vì đã mười mấy năm rồi, chàng biệt vô âm tín.
Thế rồi một buổi chiều có tiếng vó ngựa ghé sát bên thềm.



Bước xuống từ yên ngựa là một người đàn ông phong trần và nhìn mọi vật từ trên xuống qua ánh mắt lạnh lẽo như thép. Ngang lưng anh ta thắt chiếc đai vàng vua ban. Đó là phần thưởng sau khi anh ta lập được công đâm vào lưng người bạn cũ. Người bạn này đã cả gan ngăn vua khi ngài hạ lệnh chém một danh tướng. Ông này chỉ vì mắt kém mà trót dâng vua một quả táo bị sâu ăn. Sau bữa tiệc ngập máu ấy, vua đã cất nhắc anh ta và cho phép anh ta về thăm nhà sau mười mấy năm xa cách. Mười mấy năm qua, người lính đó vẫn không quên người yêu xưa. Giữa cuộc đời bụi bậm, giữa triều đình đầy mưu kế sâu độc, cô trinh nữ nhà lành cắn môi cố nuốt giọt nước mắt chia ly vẫn không mờ nhạt mà thật lạ kỳ, lại càng như vầng trăng xa thẳm gọi anh về.



Người con gái lỡ thì bước tới vài bước rồi sững lại. Nàng hoang mang tự hỏi, không biết đó có phải là chàng trai hàng xóm năm xưa rụt rè mãi mới dám hỏi: “Thế… có chờ… không?”. Nhưng khi người đàn ông ấy gọi tên nàng bằng giọng nói thân thuộc, nàng khóc, tiếng khóc nghe như ngàn mảnh thủy tinh rơi, vì nàng phải chờ đợi quá lâu, và người nàng chờ nay đã biến thành người đàn ông có cái nhìn lạnh lẽo như thép.



Làng xóm đua nhau chúc mừng nàng. Các ông làm nghề “gõ đầu trẻ” đem mối tình chung thủy của hai người rao giảng trong các lớp học. Thế là từ đấy có thêm nhiều cậu bé chỉ mơ về chiến trận. Mơ về một mai mình được hầu cận đấng quân vương. Còn những cô bé thì chỉ ao ước sao mai này lớn, được chờ người yêu đến khi lỡ thì!

Không chậm trễ gì, người ta làm lễ cưới cho đôi tình nhân chung thủy. Vua ban áo tím cho nàng trinh nữ lỡ thì và đám cưới trọng thể hết chỗ nói. Hoàng hôn xuống, cạnh chén rượu bên mâm cỗ, quan khách tròn xoe mắt nghe chú rể kể chuyện. Mười mấy năm hầu cận vua, anh ta đã quen tính kín miệng. Và chỉ bốc lên khi rượu đã ngà ngà. Nhưng anh không biết nói chuyện gì khác, ngoài chuyện chém giết. Anh kể về những bữa tiệc đầy sơn hào hải vị ngập máu trong thời bình và say sưa mô tả các kiểu chết của nhiều người khác nhau dưới tay kiếm của anh. Cuối cùng, vì sao vua đã ban cho anh ta chiếc đai vàng.

Người trinh nữ nghe chuyện của chồng mới cưới và nàng đứng không vững nữa. Lảo đảo, nàng lùi dần về buồng. Nép mình trên giường trong bóng tối, nàng như ngửi thấy mùi tanh lợm của máu, và trên mặt nàng như có làn môi lạnh toát của những oan hồn lướt qua. Nàng vùng dậy, run lật bật, vội vàng châm lửa lên tất cả các ngọn đèn dầu lạc mà nàng tìm được trong buồng. Ánh đèn chập chờn đỏ quạch càng làm nàng thêm sợ hãi.

Vừa lúc đó, có tiếng kẹt cửa. Thân hình to lớn của người chồng mới cưới chếnh choáng tiến vào. Theo thói quen, anh ta vẫn mang theo thanh kiếm. Nàng nhìn lên, và thấy anh không vào một mình. Theo liền sau anh là một người đàn bà trong veo, tóc xoã - chỉ có bộ tóc là còn màu sắc - mặc quần áo đại tang, đang cầm một tấm áo đẫm máu giơ lên và cất giọng đều đều một cách kỳ lạ, lặp đi lặp lại như không bao giờ dứt:

-Hãy trả chồng cho ta! Kẻ giết bạn kia, trước khi mi bước vào giường cưới! Hãy trả cha cho năm đứa con thơ dại của ta! Hãy trả…

Vậy mà chồng nàng không nghe thấy gì cả, anh dựng thanh kiếm vào vách, rồi xáp tới đặt tay lên ngực nàng. Ngay lúc đó, nàng nhìn thấy máu từ tấm áo trong tay người đàn bà xoã tóc rỏ xuống hai bàn tay người chồng mới cưới. Nàng ôm mặt rú lên kinh hãi:

- Ôi kìa, máu! Máu nhiều quá! Máu đỏ cả hai bàn tay!

Chồng nàng giật mình nhìn lại. Anh vẫn không thấy gì cả, ngoài những vết sẹo ngang dọc nơi bàn tay mình. Anh dỗ dành:

- Ồ! Can đảm lên, cô em ủy mị! Chẳng qua là vì em quá hồi hộp đó thôi! Đã bao ngày ta chờ phút giây này. Nào, hãy vui lên.



Anh nói vậy, nhưng miệng không cười và mắt vẫn lạnh như thép, cũng như từ ngày về đến giờ, chưa một ai nhìn thấy anh cười. Người trinh nữ bỏ hai bàn tay che mặt. Nàng không nhìn thấy người đàn bà tóc xoã nữa, nhưng trên khuôn mặt đang gần xuống mặt nàng, nàng chỉ thấy khóe miệng mím chặt và cái nhìn lạnh lẽo như cái nhìn của Thần Chết. Lại sợ hãi cuống quít, nàng van vỉ:

-Hãy mỉm cười đi anh! Em van đấy! Hãy cười lên để em thấy anh của ngày xưa. Bao năm chờ đợi, em đâu muốn anh buồn…



Người chồng cố hết sức để mỉm cười. Đã lâu lắm rồi anh không làm cử chỉ đó nên bây giờ anh không biết bắt đầu một nụ cười như thế nào. Khó nhọc lắm, anh mới nhớ ra rằng, khi cười người ta phải để lộ ít nhất là một hàm răng. Anh nhếch môi, để lộ hẳn hai hàm răng chắc khỏe.



Nhưng anh quên rằng, khi người ta cười, chính đôi mắt cười trước, cái miệng cười sau, thậm chí chỉ cười bằng mắt cũng đủ. Mà đôi mắt muốn cười, trước hết tâm hồn phải cười đã, cho nên cố gắng để mỉm cười, trông anh lại thêm vẻ dữ dằn đe dọa của một con sói. Ngay lập tức, vợ anh co rúm lại và quay mặt vào trong, thổn thức cố kìm tiếng khóc.

Người chồng buồn bã soi trong tấm gương cười, ngắm kỹ mình, rồi tuyệt vọng:

- Thôi, thế là hết, cả một đời chờ đợi! Em chối từ ta, em ghê tởm ta ư?

Anh rũ xuống thành giường, rồi gầm lên như một con thú bị thương:

- Tại sao em chờ ta cả đời, để rồi chối từ ta? Tại sao em bắt ta phải cười! Còn đâu nữa chàng trai với lớp lông măng trên mép ngày xưa! Ta đã trở thành “người đàn ông không cười” của triều đình, từ khi bàn tay này nhúng vào máu bạn bè, bên những bàn tiệc đầy sơn hào hải vị. Đấng quân vương sai ta giết hết những kẻ bất tuân thượng mệnh bằng các chiếc đũa. Trong mọi chiếc đũa nạm vàng nơi bàn tiệc đều có một lưỡi dao tinh tế giấu ở trong…

Anh nức nở, đôi vai rung lên dữ dội:

- Ôi! Bạn ta! Người bạn đã cùng ta tựa vào lưng nhau tìm hơi ấm chống đỡ cơn gió lạnh chiến hào. Thôi, thế là hết và đây là đêm tân hôn vĩnh biệt, phần thưởng cuối cùng cho người lính quá nửa đời phụng sự đấng quân vương.

Tiếng nức nở dữ dội của người chồng mới cưới rung chuyển cả căn phòng. Rồi xách kiếm trên tay, anh bỏ đi biệt xứ. Có người nói rằng anh đã đến tìm vua, định bắt vua phải đền tội đã biến anh thành người đàn ông không biết cười. Nhưng vua đã kịp giết chết anh trước, bằng chính một trong những chiếc đũa nạm vàng nơi bàn tiệc. Cũng có người bảo rằng anh lại lao vào những cuộc chém giết mới không ghê tay cho quên ngày tháng.

Chỉ còn lại nơi quê nhà người trinh nữ lỡ thì. Nàng sống âm thầm như cái bóng, mà không một lần nghĩ đến chuyện tự giải thoát bằng cái chết. Nhưng cái tật hễ có tiếng chân hay tiếng động mạnh là đưa tay lên ôm mặt thì nàng không sao bỏ được.

Một hôm, người xã trưởng được mời đến để làm giấy chứng tử cho nàng. Nàng chết mà hai tay che mặt, người khâm liệm nắn thế nào cũng không bỏ ra.

Vài ngày sau, trên mộ nàng rùm roà mọc một loài cây thấp lòa xòa mang hình tròn tim tím buồn man mác. Mỗi khi có chân bước qua hay va chạm mạnh, những chiếc lá lăn tăn lại giật mình khép lại, xuôi xuống như bàn tay ai che mặt.

Những loài hoa cỏ mọc đầy chung quanh lấy làm lạ lùng lắm về chuyện đó. Một hôm, chúng chặn chàng Gió lại:

- Này, anh Gió! Ở đây, không có ai già như anh và trẻ như anh. Vậy anh hãy nói cho chúng tôi biết vì sao loài cây mới đến kia, tầm thường đến vậy, lòa xòa bên vệ cỏ, khách bộ hành dễ dàng giẫm lên, có gì đặc biệt đâu mà phải gìn giữ, hơi một tí lại lấy tay che mặt, điệu đà làm vậy?

Từng trải như chàng Gió mà cũng không trả lời được. Thế là một đêm thanh tĩnh, dịu dàng, muôn hoa cỏ đang mơ màng trong giấc ngủ êm đềm, chàng Gió lướt tới bên loài cây tầm thường ấy, khẽ hỏi:

- Này cô em bé bỏng! Sao em hay che mặt thế? Ở đây có ai chọc ghẹo em sao? Em hay e thẹn lắm à? Nếu không, tại sao người ta lại gọi em là cây trinh nữ?

Đắn đo một chút, rồi loài cây ấy nhẹ nhàng đáp:

- Không phải thế đâu, mặc dù chết đi, em vẫn là trinh nữ. Em che mặt vì sợ. Ngày nay người ta càng tranh giành nhau dữ hơn, những bàn tiệc ngập máu vẫn còn nhiều. Vậy nên, mỗi va chạm, mỗi bước chân tạt qua đều làm em giật thót mình. Em sợ người ta sẽ gửi đến cho em đôi bàn tay đầy máu và khuôn mặt người yêu xưa chẳng biết cười.

Cây trinh nữ chợt co mình lại vì vừa nghe tiếng chân qua. Đó là bước chân sóng đôi của một đôi trai gái đang đi trong sương mù. Trước khi cẩn thận khép những mắt lá lại, cây trinh nữ cầu khẩn: “Ôi! Lạy Phật! Cầu cho đây không phải là bước chân của những người phải tiễn nhau về nơi ấy…”.


Nguồn http://truyenhay.vn/hoa-trinh-nu.html#ixzz4hpBbkZ6P 
Bài viết từ : TruyenHay.Vn - Website đọc truyện hay online 

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

CON CHÓ XẤU TÍNH

Có một con chó nọ cứ hay lao vào tấn công bất cứ ai mà nó gặp, nhưng nó làm điều này rất bất ngờ đến mức không ai nghĩ là sẽ bị nó làm đau cho đến khi nó cắn vào gót chân họ.

Nhằm cảnh báo cho người lạ biết mà tránh, đồng thời cũng để trừng phạt con chó, có lúc người chủ đeo vào cổ của nó một cái chuông, và có lúc ông bắt nó phải kéo một khúc gỗ nặng, khúc gỗ này được cột vào vòng cổ của nó bằng một sợi xích.

Lúc đầu con chó nọ còn cúi gằm mặt xuống, nhưng khi thấy chính cái chuông và khúc gỗ làm cho người ta chú ý đến mình nhiều hơn, thì nó lại lấy làm tự hào và chạy vòng quanh khu chợ để trưng chúng ra cho người ta chú ý. Thậm chí nó còn tỏ ra kiêu ngạo, huênh hoang với những con chó khác không giống như nó.

Thấy thế, một con chó săn già đã nói:

– Tại sao chú mày lại tỏ ra huênh hoang cứ như thể cái chuông và khúc gỗ của chú mày là những phần thưởng thế hả? Đúng là những vật đó khiến cho chú mày được nhiều người chú ý đến thật đấy, nhưng khi người ta hiểu được ý nghĩa thực sự của chúng thì chúng chính là điều đáng hổ thẹn cho chú mày và là vật luôn nhắc nhở rằng chú mày là một "con chó xấu tính".

Lời bàn:

Nổi tiếng vì những phẩm chất tốt đẹp là một chuyện, nhưng tai tiếng vì những lỗi lầm của mình thì lại là chuyện khác.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

KASAN SỢ HÃI.


Kasan đã được mời đến làm lễ tại đáng táng của vị quan chức cao cấp của tỉnh.

Ông ta chưa bao giờ gặp những quan chức cao cấp và người quí tộc trước kia do vậy mà ông ta đã lo lắng. Khi buổi lễ bắt đầu, Kasan sợ hãi.

Sau đó, khi ông khi trở về, ông tập hợp những học trò của mình. Kasan thú nhận rằng ông chưa đủ tư cách làm người thầy bởi vì ông thiếu tác phong danh tiếng khi ông có ở nơi thiền viện vắng vẻ. Rồi Kasan từ chức và trở thành một học trò của một vị thiền sư khác. Tám năm sau ông trở lại với các người học trò của mình, thì ông đã giác ngộ.

Điển Hay Tích Lạ - Xuất nhân đầu địa

Xuất nhân đầu địa

Ý của câu thành ngữ này là chỉ tài năng vượt xa hơn người.

Câu thành ngữ này có xuất xứ từ " Tống sử- truyện Tô Thức". Tô Thức còn gọi là Tô Đông Pha, cùng Âu Dương Tu trong truyện này đều là văn hào triều nhà Tống.

Khi Tô-Thức lên 10 tuổi thì cha đi du học xa, mẹ là Trình-Thị đã dạy cho con biết đọc biết viết. Đến năm 20 tuổi, Tô-Thức thông cổ trí kim đã đến kinh thành tham gia khoa cử.

Bấy giờ, hàn lâm tú tài Âu Dương Tu làm quan chủ khảo, trên văn đàn thời bấy giờ người ta rất tôn sùng Bát Cổ Văn, một loại văn chương có phong cách quái gở và rất khó hiểu, Âu Dương Tu cũng bất mãn vì việc này, nên khi ông duyệt qua bài thi "Hình thưởng trung hậu luận " thì trong lòng vô cùng phấn khởi. Ông vốn định chấm bài thi này đỗ bậc tú tài, nhưng lại tưởng đây là bài của Tăng Củng học trò ông, nên chỉ phê đỗ bảng nhãn để khỏi mang tai tiếng.

Kỳ thực thì bài thi này là của Tô-Thức, tài năng xuất chúng của Tô-Thức đã bắt đầu hé nở trong cuộc thi lần này, về sau ông còn đỗ thi điện. Tô-Thức rất khâm phục quan chủ khảo Âu Dương Tu, nên đã mời ông phê duyệt hộ mấy bài viết của mình.

Sau khi biết tác giả "Hình thưởng trung hậu luận" không phải là Tăng-Củng mà là Tô-Thức, một người chưa hề có tên tuổi trên văn đàn, Âu Dương Tu cảm thấy rất hối hận .

Về sau, Âu Dương Tu xem qua mấy bài viết của Tô Thức, thấy bài nào cũng tràn ngập tài năng, mới viết thư cho Mai Nghiêu Thần một danh nhân trên văn đàn thời bấy giờ rằng: "Văn chương của Tô Thức quả là tuyệt diệu, tôi muốn nhường lối để anh ta cao hơn tôi một bậc". Mọi người nghe vậy đều cho Âu Dương Tu đã quá khen, nhưng sau khi xem qua các bài viết của Tô-Thức thì họ mới thực sự khâm phục.

Về sau, dưới sự hướng dẫn của các nhà văn nổi tiếng trên văn đàn thời đó giờ như Âu-Dương-Tu v v, văn chương của Tô Thức càng thêm tuyệt diệu và trở thành nhân vật nổi tiếng trên văn đàn.

Hiện nay, người ta dùng câu thành ngữ "Xuất nhân đầu địa" để ví về người tài năng vượt trội hơn người khác.

Chuyện cười trong ngày

Có chuyện gì thế??

Hai nhân viên phục vụ của một công ty gas, một người lớn tuổi và một người còn trẻ, đang đi kiểm tra ở một vùng ngoại ô.
Họ đậu xe ở cuối đường và đi bộ tới từng căn nhà. Sau khi kiểm tra đường ống dẫn gas ở ngôi nhà cuối cùng xong, người nhân viên lớn tuổi đề nghị một cuộc chạy đua về chỗ đậu xe để chứng minh ông có thể chạy nhanh hơn chàng trai trẻ kia.
Trong khi đang chạy hết tốc lực tới chiếc xe, họ nhận thấy người đàn bà trong ngôi nhà họ mới vừa ra khỏi đang hộc tốc chạy theo sau họ vừa thở vừa la. Họ dừng lại và hỏi:
- Có chuyện gì thế thưa bà?
- Tôi cũng đang tự hỏi chuyện gì sắp xảy ra. Khi tôi thấy hai anh chạy bán mạng như vậy thì tôi nghĩ rằng, tốt nhất tôi cũng nên chạy theo!

Sunday, May 28, 2017

Ngày 28-5-2017 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Chạy đi, Patti

Chạy đi, Patti, chạy đi

Ngay từ nhỏ, Patti Wilson đã được bác sĩ bảo rằng cô bị bệnh động kinh (epileptic). Cha của cô, Jim Wilson, là người thường xuyên tập luyện chạy bộ vào buổi sáng. Một ngày kia cô nói với cha cô "Cha ơi, con rất muốn chạy với cha hàng ngày, nhưng con sợ con sẽ bị lên cơn." Cha cô nói với cô "Nếu con bị thì cha đã biết cần phải làm gì rồi nên đừng sợ, chúng ta cùng bắt đầu chạy."
Rồi họ chạy mỗi ngày. Thật là điều kỳ diệu đối với họ làø cô bé đã không bị lên cơn lần nào. Sau vài tuần, cô nói với cha "Cha ơi, con thật sự muốn phá kỷ lục thế giới quãng đường chạy dài nhất của nữ." Cha cô tìm trong cuốn sách các kỷ lục thế giới Guiness và thấy rằng khoảng cách lớn nhất mà có người phụ nữ đã từng chạy là 80 dặm. Lúc đó Patti mới vào năm đầu tiên ở trung học, cô tuyên bố "Con sẽ chạy từ quận Cam (Orange County) tới San Francisco." (Khoảng cách 400 dặm.) "Ðến năm thứ hai, con sẽ chạy tới Portland, Oregon." (Khoảng hơn 1500 dặm.) "Tới năm thứ 3, con sẽ chạy tới St. Louis." (Khoảng 2000 dặm.) "Tới năm cuối, con sẽ chạy tới Nhà Trắng." (Khoảng hơn 3000 dặm đường.)

Patti đầy nghị lực cũng như say mê hăng hái, cô chỉ coi bệnh của mình như là một điều "bất tiện". Cô không tập trung vào cái cô mất đi mà tập trung vào điều mà cô đang còn có.

Vào năm đó cô hoàn thành cuộc chạy đến San Francisco với chiếc áo thun ghi dòng chữ "I Love Epileptics." Cha của cô chạy bên cạnh cô trên suốt quãng đường, và mẹ cô, một nữ y tá, thì lái xe theo để đề phòng mọi trường hợp có thể xảy ra.
Vào năm thứ hai, các bạn học của Patti đã ủng hộ cô. Họ dựng lên một áp phích quảng cáo khổng lồ ghi "Chạy đi, Patti, chạy đi!" (Run, Patti, Run! - và sau đó đã trở thành khẩu hiệu của cô cũng như tựa đề cuốn sách sau này cô viết.) Trên đường thực hiện cuộc chạy đường dài mà đích đến là Portland, cô đã bị nứt gãy xương ở chân. Bác sĩ nói với cô rằng cô phải dừng không thể được chạy nữa. Ông nói "Tôi phải cố định khớp mắt cá của cháu để cháu không bị tật vĩnh viễn." "Bác sĩ, bác không hiểu rồi," cô nói "đây không phải là ý nghĩ bất chợt của cháu, nó thật sự là tấm lòng của cháu! Cháu không làm điều này vì bản thân cháu, cháu làm vậy để phá bung những xiềng xích trong suy nghĩ của nhiều người khác. Có cách nào để cháu vẫn có thể chạy tiếp được không hả bác?" Bác sĩ cho cô một lựa chọn. Ông chỉ băng bó lại thay vì bó bột cố định nó. Ông cảnh cáo cô rằng nó sẽ rất đau, sẽ bị sưng tấy lên. Cô nói với bác sĩ hãy băng chặt lại cho cô.

Cô hoàn thành cuộc chạy đến Portland với Thống đốc bang cùng chạy chung trên dặm đường cuối cùng. Bạn cũng có thể đã thấy những tờ báo với tiêu đề "Người Vận Ðộng Viên Chạy Siêu Ðẳng, Patti Wilson, Ðã Hoàn Thành Cuộc Marathon Cho Người Bị Bệnh Ðộng Kinh Vào Sinh Nhật Thứ 17 Của Cô."

Sau bốn tháng chạy gần liên tục từ bờ Tây sang bờ Ðông, Patti đã tới Washington và bắt tay Tổng thống Hoa Kỳ. Cô nói với ông "Cháu muốn mọi người biết rằng người bị động kinh chỉ là những con người bình thường với cuộc sống bình thường."

Tôi kể về câu chuyện này một lần trong một buổi hội thảo của tôi cách đây không lâu, và sau đó một người đàn ông cao lớn đến gặp tôi. Ông đưa bàn tay khổng lồ cho tôi bắt và nói "Mark, tôi tên là Jim Wilson. Anh vừa kể về con gái tôi, Patti." Ông kể rằng nhờ vào sự cố gắng không ngừng của cô bé, kết quả là đã kêu gọi đóng góp để mở được 19 trung tâm chữa bệnh động kinh trị giá nhiều triệu đô la.

Patti Wilson cần thật ít để có thể làm được được thật nhiều như vậy. Còn bạn thì sao? Bạn có thể làm gì để vượt lên chính bản thân mình trong khi có đầy đủ sức khỏe?


Nguồn http://truyenhay.vn/chay-di-patti-chay-di.html#ixzz4hpAwxvv3 
Bài viết từ : TruyenHay.Vn - Website đọc truyện hay online 

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

GIÁ TRỊ THỰC SỰ

Một lần nọ, cáo và báo cãi nhau xem ai đẹp hơn. Báo khoe từng cái đốm trên khắp bộ da của mình. Còn cáo vốn tự hào về trí khôn của nó hơn là vẻ ngoài, sau cùng đã cắt ngang sự khoe khoang của báo bằng một câu nói như thế này:

– Có nói gì thì nói, tôi vẫn đẹp hơn anh nhiều, tôi không chỉ có vẻ đẹp bên ngoài, mà vẻ đẹp của tôi còn thể hiện qua trí tuệ của tôi nữa kia.

Lời bàn:

Giá trị thực sự của một người quan trọng hơn vẻ ngoài của anh ta.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

THIỀN CỦA JOSHU

Joshu bắt đầu học thiền khi ông sáu mươi tuổi và học tiếp tục khi ông tám mươi tuổi, khi ông nhận thức rõ về thiền.

Đến tuổi tám mươi ông dạy thiền cho đến lúc ông một trăm hai mươi tuổi.

Một thiền sinh một lần hỏi ông: "Nếu con không có gì trong tâm con, con sẽ làm gì?"

Joshu trả lời: "Ném nó ra ngoài."

"Nhưng nếu con không có gì hết, làm sao con có thể ném nó ra ngoài?" vị thiền sinh tiếp tục hỏi.

"Tốt," Joshu nói, "thì đưa nó ra ngoài."

Cổ Học Tinh Hoa - Lẽ Sống Chết

Lẽ Sống Chết

Người ta ở đời, kẻ thì mến đời không muốn chết, hoặc có kẻ lại chán đời không muốn sống. Như thế đều là nhầm cả. Sự sống chết không phải tự cho mình có chủ quyền được, thì mình đem tâm lo nghĩ, cầu khẩn về việc sống, chết, mà có ích gì!

Mạnh Tôn Dương hỏi Dương Tử: “Có kẻ mến đời, yêu thân, cầu cho không chết có nên không?”.

Dương Tử nói: “Có sống thì phải có chết, lẽ nào mà không chết được?”.

- Thế cầu sống có nên không?

- Lẽ nào sống lâu được? Người ta không phải thích sống mà sống mãi được, yêu thân mà thân còn mãi được. Vả chăng, sống lâu để làm gì? Thế tình hay dở, xưa cũng như nay; thân thể an nguy xưa cũng như nay; việc đời vui khổ, xưa cũng như nay; biến đổi trị loạn, xưa cũng như nay; cái gì cũng đã nghe thấy, đã trông thấy, đã từng trải cả rồi, thì sống trong khoảng trăm năm cũng đủ lấy làm chán, huống còn cầu lấy sống lâu để cho khổ làm gì?”.

Mạnh Tôn Dương nói: “Nếu như thế, thì chóng chết còn hơn là sống lâu. Ta nên xông vào gươm giáo, nhảy vào nước lửa để chết ngay đi có thỏa không?”.

Dương Tử nói: “Không phải thế. Đã sinh ra đời thì lúc sống cứ tự nhiên mặc, muốn làm gì thì làm, cho đến lúc chết. Lúc sắp chết, cũng tự nhiên mặc, muốn hóa ra gì thì hóa cho đến lúc cùng. Lúc sống, lúc chết, lúc nào cũng tự nhiên như không, hà tất phải quan tâm sống lâu hay chóng chết làm gì?”.

Dương Tử[1]

Lời bàn:

Người ta ở đời, kẻ thì mến đời không muốn chết, hoặc có kẻ lại chán đời không muốn sống. Như thế đều là nhầm cả. Sự sống chết không phải tự cho mình có chủ quyền được, thì mình đem tâm lo nghĩ, cầu khẩn về việc sống, chết, mà có ích gì!

Thà rằng: Từ lúc sống đến lúc chết, việc mình, mình làm, còn ngoại giả phó mặc ở sự tự nhiên cho gọi là số, là mệnh, là tạo hóa cũng không cần. Thói đời, thường tình vẫn tham sống, sợ chết. Nhưng chết, vị tất là khổ hẳn. Mà sống, cũng không ai bảo là toàn sướng được! Như xưa có kẻ sống hơn trăm tuổi, ai chẳng cho sống lâu là quý! Thế mà người ấy thường vẫn ta thán rằng: “Sống làm chi cho nhục!”. Sống lâu cho vô ích mà chỉ trông nhiều cảnh tang thương thì có hay gì.

------------------------------

[1] Dương Tử: Người thời Chiến Quốc tên là Tử Cư, tôn chỉ học thuyết là: “Mất một cái lông mà lợi thiên hạ cũng không cho, được cả thiên hạ phụng sự một mình cũng không làm, người nào cũng không chịu thiệt, người nào cũng không ham lợi thì thiên hạ tự nhiên thái bình”. Học thuyết ấy rất thịnh hành thời Chiến Quốc và người đời bây giờ cho là học thuyết “Vị ngã”.