Sunday, March 31, 2019

Suy Niệm Trong Ngày 31 tháng 3, 2019

Truyện ngắn - Bản nhạc không bao giờ được nghe

Bản nhạc không bao giờ được nghe
Doris Hays Northstrom

Mùa xuân lặng lẽ trườn đến vùng lân cận, phủ lên dãy núi một lớp hoa dại cùng hơi đất mới, nhắc nhở tôi về những ngày hôm qua vui sướng. Tôi đang kỷ niệm Ngày Của Mẹ cùng với ba đứa con và gia đình chúng. Chúng tôi giỡn đùa vui vẻ, cắm trại và chơi bóng chuyền ở sân sau. Ấy vậy mà lòng tôi đau nhói bởi đứa con không về. 

Thằng út Brian của tôi đi rồi. Nó đổi tâm tính từ một đứa gắn bó với gia đình, dịu dàng, giàu lòng nhân ái trở thành một kẻ xa lạ bẳn tính trước khi bỏ học và đội tuyển tennis trường rồi mất hút vào đường phố cách đây sáu tháng. 

Tôi ao ước được sống lại những ngày mà nó ào vào nhà, hét om sòm: "Mẹ! Mẹ tới trường coi con tập giao bóng không?" Những chiều chủ nnhật, nó thường mở "đấu trường Olympic" cho đám cháu, cùng reo hò mừng chiến thắng với chúng. Thỉnh thoảng vào mùa hè, nó còn trải nệm mang gối ra sân cho tất cả chúng tôi cùng ngồi ngắm sao và lăn ra đánh giấc ngon lành. 

Chúng tôi nhớ nó quá! 

Dẫu sự nhạy cảm và lòng nhân ái của Brian khiến nó được người lớn và trẻ nhỏ yêu mến, nhưng nó lại khó kết bạn với bọn trẻ cùng trang lứa và luôn bị dằn vặt suốt thời gian ở trường. 

Ở tuổi 17, nó phải chống chọi với chứng trầm uất. Bất thành, nó bèn chạy trốn, bỏ ra sống ngoài đường - cho rằng đó là nơi nó được chấp nhận. Nhưng chẳng bao lâu sau, nó thất thểu trở về nhà, hứa sẽ chung sống hoà đồng với gia đình. Một chiều đông nọ, trong tiếng thổn thức não nề, nó gọi "Mẹ ơi lại đây. Con sợ quá! Thế giới này thật xấu xa". 

Tôi lao bổ đến thằng con cao gần 2 mét của mình và ôm chầm lấy nó. Mồ hôi pha nước mắt nhoè nhoẹt trên má nó. Tôi định vuốt tóc con, nhưng vì không với tới nên chỉ lau trán nó mà thôi. "Brian", tôi dỗ dành. "Rồi con sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Thế giới cần những cậu bé như con. Để mẹ đưa con tới gặp chuyên gia tư vấn, và chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết". 

Nhưng vài ngày sau, nó lại biến mất. 

Ngay từ lúc sinh Brian ra, tôi đã biết một ngày nào đó mình sẽ mất nó - nhưng không phải như kiểu này. Hồi 3 tuổi, nó dầm mưa, bêu nắng, cười đùa với mây trời, xây đường phố và đường hầm cho đoàn xe tải của nó. Một buổi sáng nó nín thở chạy ào tới tôi. "Mẹ", nó giơ tay lên hét, rồi thì thào tiết lộ bí mật của mình, "Mẹ, trái tim con hạnh phúc đến nỗi nó khiến con sung sướng". 

Trong suốt những năm đầu trung học, nó kết bạn với những người già mà nó tới giao báo. Nó tha về nhà đủ loại hoa lá và gầy một khu vườn. Một bà goá tặng nó nguyên cuốn sưu tầm tem. Với một khách hàng đang tranh cử vào chính phủ, nó gởi kèm một mẩu giấy vào tờ báo giao cho bà ta. "Thưa bà North, tối qua cháu đã xem cuộc bầu cử trên tivi. Cháu rất vui vì bà thắng cử". Sau đó, bà khách này tiến cử nó vào làm bồi trong toà nhà quốc hội bang. 

Nó giúp bà Hall, một giáo viên về hưu, chăm sóc con chó ốm. Nhiều tối nó kiên nhẫn ngồi lắng nghe bà kể chuyện Chiquita - chú chó bé tẹo, có thể nhét vừa túi áo bà. Ngày Chiquita chết, nó mang cả cây tử đinh hương đến cho người phụ nữ đau khổ và cũng bỏ bữa tối như bà. 

Tôi đã từng kéo nó ra khỏi những cơn ác mộng và cơn sốt, "đãi vàng" với nó bên bờ sông, dẫn nó leo núi, và cùng chạy với nó trên xa lộ. Giờ lẽ nào tôi lại bỏ mặc nó!? 

Tôi mở cửa phòng Brian, giật thót mình trước bộ đồ cạo râu quen thuộc còn để đó, chợt cảm nhận sự im lặng hãi hùng bao trùm lấy mình. Vuốt tấm mền trên giường, khuỵ xuống, vùi đầu vào gối, cố hình dung sự hiện diện của nó, tôi cầu nguyện như bao bà mẹ khác cầu nguyện khi một đứa con đang cần. 

Tôi khóc than cho bản nhạc lòng không bao giờ được nghe thấy của con. Nhớ lại những mẩu giấy thời thơ ấu nó cắt ra từ báo rồi đút xuống cửa phòng tắm cho tôi. Nhớ tiếng đập tường ầm ĩ của tuổi vị thành niên lúc nó chúc tôi ngủ ngon sau khi tắt đèn. 

Tất cả những ký ức ấy giúp tôi trải qua những đêm không ngủ và những ngày âu sầu. Mấy tuần sau, Brian lại gọi. "Mẹ ơi, con trở về nhà được không? Ở đây thật khủng khiếp. Chắc con khùng mất thôi. Mẹ đến gặp con nói chuyện được không?" 

Tôi phóng như bay đi kiếm chìa khoá và lao ra xe hơi, thầm khấn suốt dọc đường. Ở đó, trong nhà hàng nhờ nhờ tối, đứa con trai tôi, mắt sâu thò lõ trên gương mặt mệt mỏi đang ngồi. Trông nó vừa giống như một ông già đồng thời như một đứa trẻ lạc đường. Khi tôi tới gần, mặt nó sáng bừng lên. "Chào mẹ, cám ơn mẹ đã đến". 

Tôi ngồi xuống đối diện con. Nó nói liền. "Con bối rối quá. Đầu con muốn nổ tung". 

Tôi đặt tay lên tay con. "Nếu con sống dựa vào những nguyên tắc thì con hãy về nhà. Rồi con sẽ bước đi đúng hướng". 

Brian chống tay lên cằm, nhìn mông lung ra cửa số. "Tuần trước con đi ngang công viên nơi con từng chơi đấu tennis. Nếu không bị xáo trộn thì hẳn bây giờ con đã đoạt được học bổng tennis để vào đại học rồi. Con đi lên đồi nơi mẹ hay ngồi cổ vũ cho con. Quang cảnh thật cô quạnh và yên ắng. Con ngồi đó trong mưa cho đến khi trời tối mới trở lại ngủ đỡ trong xe hơi của ai đó". 

Nỗi đau trong mắt con trai khiến trái tim tôi quặn lại. 

Nó trở về nhà chỉ để lại biến mất vài ngày sau đó. Một lần nữa, nó né tránh chúng tôi. Tệ hơn, chúng tôi phải sống mòn mỏi tháng này qua tháng nọ trong nỗi sợ hãi không tên. 

Thời gian trôi qua, Ngày Của Mẹ lại đến - ngày đầu tiên không có Brian. Ban ngày tôi can đảm vui đùa, cắm trại. Nhưng tối đến, nỗi trống vắng tràn về. Tôi đã hả hể chiều chuộng các cháu, cám ơn gia đình đã dành cho tôi ngày này, nhưng giờ đây, căn nhà im lìm trong ánh hoàng hôn. Thình lình, một tiếng gõ nhẹ lay tôi bừng tỉnh. Tôi hân hoan chào đón "sự phá bĩnh" này. 

Kìa, Brian đứng đó! Gương mặt gầy gò, quần áo nhàu nát và hôi hám, nhưng mắt nó ráng kìm giấu nỗi đau sau tia nhìn thất thần. "Con cần phải đến đây", nó nói. "Con không thể để Ngày Của Mẹ trôi qua mà không nói cho mẹ biết rằng con luôn nghĩ về mẹ". Nó đứng thẳng vai, mỉm cười và chìa ra hai cành hoa cẩm chướng. Tôi đọc tấm thiệp: Mẹ, con yêu mẹ, và con luôn nhớ về mẹ nhiều hơn mẹ nghĩ. 

Hai cánh tay nó ôm chặt lấy tôi tựa tia nắng xuyên thủng màn bão tố, giọng nó thì thào, "Mẹ, con muốn lo liệu cuộc đời mình, đối mặt với nỗi đau, nhưng con sẽ không bao giờ làm mẹ khổ". Tôi tựa vào vai con, vùi mặt vào cái mùi mồ hôi quen thuộc trên áo nó. 

Lần này, Brian ở lại luôn. Mới đầu rất khó khăn, nhưng rồi mười năm sau nó sống rất tốt. Mỗi năm, cứ tới Ngày Của Mẹ là tôi lại ăn mừng ngày con trở về nhà. Sâu thẳm trong lòng, tôi tôn sùng vẻ kỳ diệu của kỷ niệm bí mật này. 


(Hương Lan dịch)

Truyện ngụ ngôn ý nghĩa

Mưu trí Hồ Ly

Cọp rừng là loài quái ác, đi đến đâu muôn thú đều sợ. Một con Cọp rừng bắt được con Hồ Ly. Hồ Ly tinh khôn liền doạ:

- Nè, anh không được đụng đến tôi, Thượng đế cử tôi xuống khu rừng này để thống soái muôn loài. Anh chạm đến chân lông tôi là phạm thượng đấy! Nếu không tin lời tôi thì hai ta có thể làm thử nghiệm xem muôn thú sợ cái uy của tôi hay cái uy của anh thì biết. Chúng ra sẽ đi một vòng trong khu rừng, tôi đi trước, anh theo sau bảo vệ tôi thì anh sẽ rõ. 

Cọp nghe Hồ Ly nói có lý, thử một phen coi nó nói thiệt hay láo. Thế là Hồ Ly đi trước, Cọp theo sau vào rừng, đi đến đâu muôn thú hoảng sợ bỏ chạy ráo!

Muôn thú bỏ trốn, Cọp vẫn không biết rằng vì chúng sợ mình, lại cứ nghĩ chúng sợ Hồ Ly mà chạy. Vậy là Hồ Ly thoát chết.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Ngụ Ngôn

Trong Kinh, Ðức Phật có dạy một câu chuyện ngụ ngôn như sau: Một người đi qua một cánh đồng và gặp một con hổ . Anh ta bõ chạy, con hổ đuởi theo. Ðến một bờ vực sâu, anh chụp được một sợi dây leo và đu lững lơ gần bờ vực. Bên trên con hổ đang cúi xuống đánh hơi. Run sợ cuống cuồng, anh nhìn xuống đáy vực sâu lại thấy một con hổ khác đang nhe răng nhìn lên.

Bỗng lại xuất hiện hai con chuột, một trắng một đen đang gậm nhấm sợi dây leo. Chợt anh thấy một quả dâu chín mọng bên cạnh. Một tay nắm chặt dây, tay kia nhặt quả dâu bỏ vào miệng. Chao ôi sao nó ngọt thế!

Tōdai-ji - Đông Đại Tự


Tōdai-ji - Đông Đại Tự

Tōdai-ji (東大寺, Tōdai-ji, phiên âm Hán Việt: Đông Đại Tự) là một ngôi chùa danh tiếng thuộc Hoa Nghiêm tông, ở thành phố Nara, Nhật Bản. Ngôi chính điện (大仏殿 Daibutsuden; Đại phật điện) là công trình kiến trúc gỗ lớn nhất thế giới. Nơi đây đặt pho tượng Phật Tỳ Lô Giá Na đúc bằng đồng đen, cũng là một kỷ lục nặng 500 tấn.

Tōdai-ji được liệt trong danh mục di sản thế giới. Nara còn thắng tích với đàn hươu sao thả rong. Hươu nai đối với hai tôn giáo chính của Nhật Bản là loài thú được bảo vệ. Đối với Thần đạo chúng là phương tiện nhắn tin và di chuyển của chư thần. Còn đối với lịch sử nhà Phật, buổi thuyết pháp đầu tiên của Phật Thích Ca là ở Lộc Uyển Sarnath.
Ở địa điểm nay là Đông Đại Tự, trước kia có chùa Kinshōsen-ji (金鐘山寺 Kim Chung Sơn Tự) do Nhật hoàng Shōmu (聖武天皇 Thánh Vũ Thiên hoàng) sắc dựng năm 743 sau khi một vị hoàng tử chết yểu. Sau đó Nhật hoàng lại truyền chọn chùa Kim Chung làm nơi thờ Phật ở cấp tỉnh. Tình hình triều chính lúc bấy giờ gặp nhiều xáo trộn sau nạn dịch lớn bệnh đậu mùa, nông vụ bị mắt mùa rồi lại có loạn khiến triều đình phải thiên đô bốn lần.[1]

Thời đại Nara triều đình cho đặt chức Sōgō (僧綱 Tăng cương). Vị này trụ trì ở Đông Đại Tự, giám sát các tỉnh tự (chùa cấp tỉnh) và sáu Phật phái gồm Hossō (法相 Pháp tướng), Kegon (華厳 Hoa nghiêm), Jōjitsu (成實 Thành thực), Sanron (三論 Tam luận), Ritsu (律 Luật) and Kusha (倶舎 Cụ xá). Sáu phái cũng cử đại diện lưu trú ở Đông Đại Tự chăm nom chùa am và văn khố của mỗi phái.[2]
Mặc dù có một lịch sử phát triển khá huy hoàng, nhưng chùa Đông Đại cũng nhiều lần bị phá hủy do động đất và hỏa hoạn gây ra. Vào năm 855, ngôi chùa này bị thiệt hại nặng nề trong một trận động đất lớn. Trong những năm tiếp theo, hỏa hoạn đã thiêu hủy Tàng kinh các, Tăng xá và ngôi chùa phía Đông (Đông tự). Vào năm 1180, hơn một nửa khu quần thể này, bao gồm cả Đại Phật điện, đã bị hỏa hoạn thiêu hủy trong những cuộc tấn công của Taira no Shigehira. Vào năm 1567, ngôi chùa bị thiêu cháy lại trong một cuộc giao tranh giữa dòng tộc Miyoshi và Matsunaga, và chỉ Đại nam môn, Tháp chuông, Nhị nguyệt đường (Nigatsu-dō), Pháp hoa đường (Hokke-dō), Chánh thương viện (正倉院) là không bị thiêu cháy. Vào thời kỳ này, do Nhật Bản đang chiến tranh nên việc tái thiết vô cùng khó khăn. Cuối cùng, vào giữa thời kỳ Edo, thầy Kōkei (1648-1705) kiến nghị nhà nước cho phép ông đứng ra vận động dân chúng đóng góp kinh phí cho việc xây dựng, và nhờ đó việc tái thiết được bắt đầu. Qua những nỗ lực của lần tái thiết này, bức Đại tượng Phật đã được sửa chữa vào năm 1659 và ngôi Đại Phật đường được khánh thành vào năm 1709. Ngôi đại điện hiện nay là kiến trúc được hoàn thành vào năm 1709; và mặc dù hiện có chiều dài 57 mét và rộng 50 mét, nó được nói chỉ bằng 30% ngôi chùa trước đó.
Ngày nay chùa Đông Đại là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa quý giá của Nhật Bản; nó cũng là nơi bảo tồn những nghi lễ truyền thống của Phật giáo Nhật Bản, chẳng hạn như lễ hội Shuni-e. Ngôi chùa này cũng là trụ sở của tông phái Kegon (華厳宗: Hoa Nghiêm tông). Công trình tôn giáo cổ đặc sắc này thật sự đã thu hút rất nhiều người đến thăm viếng, cả người Nhật cũng như những du khách nước ngoài khi đến Nara. Chùa Đông Đại, cùng với một số di tích khác ở Nara, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1994.
Bài sưu tầm

Truyện cười trong ngày

PHÓNG SINH…


Một con chim sẻ bị chim ưng truy bắt, sợ hãi bay loạn, chui vào tay áo của một thầy tu. Thầy tu nắn nắn nó qua tay áo, nói:

- A Di Đà Phật, hôm nay đệ tử được xơi thịt đây!

Chim sẻ nhắm nghiền hai mắt nằm im. Thầy tu tưởng nó đã chết, vén tay áo xem, chim sẻ thừa cơ bay mất. Thầy tu liền nói:

- A Di Đà Phật, ta phóng sinh cho mày đó.

Sư cụ: “Làm người không được sát sinh, nếu kiếp này con giết trâu, kiếp sau con phải hóa thành trâu đền tội, kiếp này giết heo thì kiếp sau là heo, giết ruồi giết gián cũng thế!”

Đồ đệ: “Chà, hiểu rồi. Nếu con muốn kiếp sau làm người nữa, kiếp này con phải… giết người!”

Saturday, March 30, 2019

Suy Niệm Trong Ngày 30 tháng 3, 2019

Truyện ngắn - Mẹ kế

Mẹ kế

Tôi thường nghĩ rằng “cha mẹ kế” là từ dùng để chỉ những người đàn ông và đàn bà lấy nhau khi đã có con cái riêng, lý do đơn giản là chúng ta cần phải gọi họ bằng một cái tên gì đó. Chắc chắn từ “kế” rất quan trọng nhưng người ta thường không nghĩ thế, với họ “cha mẹ” mới có ý nghĩa thực sự. Đó là những gì tôi cảm thấy khi trở thành mẹ kế của bốn đứa con chồng tôi.

Chúng tôi kết hôn đã sáu năm, khi các con anh vẫn còn nhỏ và bây giờ đang ở tuổi vị thành niên. Dù sống chủ yếu với mẹ ruột, chúng vẫn có nhiều thời gian sống cùng chúng tôi. Nhiều năm qua, chúng tôi đã học cách thích nghi với nếp sống mới của gia đình và đối xử tử tế với nhau. Chúng tôi đi nghỉ cùng nhau, dùng những bữa cơm gia đình, cùng làm bài tập, chơi bóng chày và xem phim bên nhau. Tuy nhiên tôi cứ cảm thấy mình giống như kẻ ngoài cuộc, tệ hơn là một kẻ xâm phạm gia đình riêng của người khác. Có một lằn ranh ngăn cách rõ ràng mà tôi không thể nào vượt qua được. Tôi không có riêng cho mình một đứa con nào, những kinh nghiệm làm mẹ của tôi chỉ giới hạn trong bốn đứa con của chồng và tôi thường tội nghiệp mình không bao giờ có được sợi dây liên kết thiêng liêng giữa mẹ và con.

Khi đám trẻ phải dời đến một thành phố khác cách năm giờ xe chạy, chồng tôi rất buồn và nhớ chúng. Nhờ có internet chúng tôi có thể gởi thư cho nhau, kể cả trò chuyện với nhau mỗi khi chúng tôi cùng vào mạng. Mỉa mai thay, những dụng cụ liên lạc hiện đại này cũng là những dụng cụ làm người ta dễ xa nhau hơn.Chúng tôi cần biết bao sự tiếp xúc trực tiếp giữa người và người không qua máy móc. Những khi bức thư trên màn hình chỉ đề “Ba” tôi thấy như bị bỏ quên, không ai nhớ đến mình. Còn khi tên tôi cùng xuất hiện với anh ấy, niềm vui không thể diễn tả được, tôi cảm thấy mình cũng là một thành viên trong gia đình họ. Tuy vậy cũng còn khoảng cách nào đó cần phải vượt qua, ngay cả trên đường dây điện thoại.

Một buổi tối cũng khá khuya, chồng tôi ngủ gà gật trước tivi, còn tôi đang kiểm tra mình có thư hay không, máy tính báo tôi có một tin nhắn. Đó là của Margo, con gái kế lớn nhất của tôi. Con bé cũng thức khuya, cũng đang ngồi trước máy tính ở một nơi cách năm giờ xe chạy. Giống như đã làm nhiều lần trước đây, chúng tôi trò chuyện qua lại, chia sẻ cho nhau những tin tức mới nhất. Khi chúng tôi tán gẫu như thế này, con bé không cần biết tôi hay là ba của nó ngồi phía bên kia bàn phím - nếu như nó không hỏi. Tối nay con bé cũng không hỏi và tôi cũng không cần nêu đích danh mình. Sau khi nghe xong kết quả thi đấu bóng chuyền, chi tiết về buổi khiêu vũ sắp tới ở trường, bài tập lịch sử phải nộp, tôi nói đã khuya rồi và nên đi ngủ. Margo trả lời: “Vâng ạ, lần sau chúng ta sẽ nói tiếp! Thương nhiều”.

Khi đọc dòng chữ này, cảm giác buồn bã xâm chiếm khắp người tôi. Hẳn là con bé nghĩ nãy giờ mình viết cho ba. Con bé và tôi chưa bao giờ dùng những từ thương yêu, đầy tình cảm như thế. Cảm thấy tội lỗi vì đã không làm sáng tỏ, nhưng cũng không muốn làm con bé xấu hổ, tôi gửi lại đơn giản: “Thương con! Chúc con ngủ ngon!”.

Tôi lại nghĩ về gia đình họ, về không gian riêng tư mà tôi là một kẻ xâm phạm. Một nỗi đau trống rỗng nhói lên trong tim tôi. Sau đó, ngay khi những ngón tay tôi chạm vào nút bấm, ngay khi màn hình chuẩn bị chuyển sang màu đen, tin nhắn cuối cùng của Margo xuất hiện: “Chúc ba ngủ ngon dùm con”. Nước mắt ràn rụa, tôi với tay tắt máy tính.

Truyện ngụ ngôn ý nghĩa

Tha thứ

Câu chuyện về một người cha và cậu con trai đang ở lứa tuổi thiếu niên. Mối quan hệ cha con của họ không được tốt đẹp và luôn căng thẳng. 

Cuối cùng, sau một trận cãi vã kịch liệt, cậu bé đùng đùng bỏ nhà ra đi. Tuy giận dữ và đau lòng, nhưng người cha biết rằng con mình rất cần sự uốn nắn và dạy dỗ để trưởng thành. Vậy nên ông đã bôn ba khắp nơi để tìm kiếm đứa bé nổi loạn ấy. Cuối cùng, khi tới Madrid, trong nỗ lực cuối cùng của mình, ông cho đăng một thông cáo trên báo: "Paco thương yêu, hãy đến gặp cha chiều mai trước cửa tòa soạn. Mọi tội lỗi đều được tha thứ. Cha yêu con. Cha của con".

Chiều hôm đó, người cha đến tòa soạn thật sớm vì ông không muốn trễ giây phút nào để gặp đứa con thân yêu của mình. Và điều bất ngờ là, tới đó, ông đã gặp… 800 cậu bé tên Paco. Cả 800 cậu bé này đều đã bỏ nhà ra đi và đều đang mong đợi sẽ gặp được người cha rộng lượng của mình ở đó với vòng tay dang rộng yêu thương.

Vâng, đôi lúc có những người bạn yêu thương lại làm tổn thương bạn, làm bạn rất đau lòng, và bạn lại càng đau lòng hơn khi nghĩ rằng tại sao họ không nói lời xin lỗi bạn, tại sao họ lại không có gì là ân hận, chẳng lẽ họ không biết rằng bạn đau đến thế nào sao…? 

Họ biết chứ, họ ân hận chứ. Nhưng vì lòng tự ái, vì nỗi sợ tỏ ra rằng họ yếu thế, và vì e ngại rằng họ không được tha thứ đã ngăn họ lại.

Nếu bạn còn yêu thương, nếu bạn thật lòng tha thứ, hãy bày tỏ. Và bạn sẽ thấy những người ấy biết ơn bạn đến chừng nào.

Câu chuyện trên đã được kể bởi đại văn hào Ernest Hemingway

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Không Xa Cõi Phật

Một sinh viên đại học đến thăm Gasan và hỏi: "Có bao giờ ngài đọc Thánh kinh không?

"Không, hãy đọc cho ta nghe," Gasan bảo.

Người sinh viên mở cuốn Thánh kinh và đọc một đoạn ở phần Thánh Ma-thi-ơ (Matthew): "Còn về đồ mặc, sao các ngươi lo lắng làm chi? Hãy gẫm xem hoa huệ ngoài đồng lớn lên thế nào: chẳng lao khổ, chẳng kéo chỉ, nhưng ta nói cùng các ngươi, dẫu Sa-lô-môn vinh hiển cả thể, cũng không mặc được bằng một trong những hoa ấy... Vậy nên, chớ lo lắng chi về ngày mai, vì ngày mai sẽ tự lo lắng cho ngày mai."

Gasan bảo: "Ai đã nói được những lời đó, ta cho là kẽ giác ngộ."

Người sinh viên đọc tiếp: "Hãy xin, sẽ cho, hãy tìm, sẽ gặp; hãy gỏ, sẽ mở cho. Vì hai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gỏ thì được mở cho."

Gasan nhận xét: "Thật tuyệt. Ai nói điều ấy không xa cõi Phật là bao."


Sức khỏe - Bảo vệ sức khỏe theo chế độ ăn uống của người Hy Lạp cổ

Bảo vệ sức khỏe theo chế độ ăn uống của người Hy Lạp cổ

Trong Y Học cổ đại của người Hy Lạp, phương thuốc chữa bệnh tốt nhất chính là có một chế độ ăn uống lành mạnh. Và người nấu ăn cũng cần đặt tâm vào món ăn của mình, người Hy Lạp tin rằng, người đầu bếp sẽ mang năng lượng tích cực vào trong từng món ăn, có thể khởi tác dụng tốt cho sức khỏe.
Từ “diet” (chế độ ăn uống), trong tiếng Hy Lạp cổ đại là “diaita” có nghĩa là “lối sống”. Thời Hy Lạp cổ đại, chế độ ăn uống giúp đảm bảo một sức khỏe tốt bằng cách nuôi dưỡng trí tuệ, thân thể và tâm hồn. Một thành phần quan trọng trong đó là thức ăn. Người Hy Lạp cổ đại cũng chú ý đến mối liên hệ giữa ruột và sức khỏe của cảm xúc.
Ăn thực phẩm lành mạnh
Cách chữa bệnh của người Hy Lạp cổ đại là “chữa bệnh bằng trí tuệ”: Sử dụng thức ăn và các phương pháp khác để nuôi dưỡng tinh thần, cơ thể và tâm hồn. Quan trọng là cần ăn những thực phẩm tốt cho sức khỏe đường ruột và hệ miễn dịch của chúng ta, duy trì ở mức tối thiểu hoặc tránh tất cả các loại thực phẩm không tốt.

Nấu và ăn các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như trái cây tươi, rau, trà thảo mộc, gia vị, nước lọc; các loại hạt và hạt giống, các loại dầu như dầu dừa, dầu bơ và dầu ô liu; các loại cây họ đậu và ngũ cốc nguyên hạt; các loại chất ngọt tự nhiên như mật ong và siro hoa quả.

Ăn thức ăn nguyên chất, làm chín bất cứ khi nào có thể và kết hợp với các loại thực phẩm lên men trong chế độ ăn uống. Hippocrates tin rằng nguồn cơn của các loại bệnh đều bắt nguồn từ ruột, từ “probiotic” (tên một loại vi khuẩn đường ruột) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “cho cuộc sống”. Thời cổ đại, các bác sỹ đã kê đơn sữa chua, giấm táo và dưa chua cho cách bệnh nhân mắc bệnh tiêu hóa. Người Hy Lạp cổ đại cũng sử dụng dưa cải bắp để điều trị và ngăn ngừa nhiễm trùng đường ruột.
Giữ ở mức tối thiểu hoặc tránh các thực phẩm ít chất dinh dưỡng. Chúng bao gồm các loại thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm đã qua xử lý hóa chất và thuốc trừ sâu, đường và chất ngọt nhân tạo (vi khuẩn không lành mạnh phát triển trên đường), soda, rượu, thịt,cá và gia cầm chế biến đóng gói, đóng hộp và thức ăn nhanh, thực phẩm đông lạnh, sữa bò tiệt trùng, thực phẩm chiên giòn.
Ăn một cầu vồng thực phẩm theo mùa
Ăn trái cây và rau quả theo mùa để có được nguồn năng lượng tối ưu, nhiều màu sắc khác nhau.
Thực phẩm màu cam và màu vàng giúp giảm thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi và giảm cholesterol. Ví dụ: ớt vàng, cà rốt, chanh.

Thực phẩm màu đỏ, như dâu tây, cà chua, nho đỏ, quả mâm xôi giúp giảm huyết áp, cải thiện chức năng tim và hỗ trợ khớp.

Thực phẩm xanh, chẳng hạn như các loại thảo mộc xanh, rau xanh giúp giải độc cơ thể và hỗ trợ tiêu hóa.

Thực phẩm xanh và tím như quả việt quất, nho tím và lựu giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và giảm viêm.
Thực phẩm màu trắng như tỏi, chuối, hành trắng, nấm giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và cân bằng hormone.
Nghe âm thanh từ bên trong bạn
Bạn hiểu rõ cơ thể mình hơn bất kỳ ai khác, vì vậy điều quan trọng là bạn cần tĩnh lặng và lắng nghe bản thân mình thật sự cần điều gì. Hãy tự hỏi bản muốn ăn gì và nấu ăn như thế nào.
Nấu ăn bằng tình yêu
Người Hy Lạp cổ đại tin rằng thức ăn và năng lượng của chúng ta (trong tiếng Hy Lạp là “energeia”) khi nấu ăn ảnh hưởng đến sự cân bằng của sự hài hước và sức khỏe của tổng thể.
Chúng ta không ăn chỉ để nạp các thùng nhiên liệu vào cơ thể nhằm đảm bảo sức khỏe, chúng ta ăn còn để cải thiện tinh thần và nuôi dưỡng tâm hồn.

Khi nấu ăn, điều quan trọng là chúng ta cần ý thức về nguồn năng lượng của cơ thể chúng ta trước khi vào bếp. Những nhân tố không hài hòa và vui vẻ có thể ảnh hưởng đến trạng thái cân bằng cảm xúc, thể chất và tinh thần của chúng ta. Do đó, điều quan trọng trong khi nấu ăn đó là chúng ta cần lan tỏa đi nguồn năng lượng “tình yêu vô điều kiện”. Đây mới là thành phần quan trọng nhất dẫn bạn tiến vào nhà bếp và nấu ăn.
Nếu năng lượng bạn cung cấp là tình yêu và vui vẻ, thì món ăn của bạn sẽ có tác dụng chữa lành và hài hòa. Năng lượng của chính chúng ta sẽ được sử dụng như một nguyên liệu, hay một loại gia vị để thêm vào thức ăn.

Áp dụng suy nghĩ lành mạnh và hạnh phúc
Để sức khỏe của cảm xúc và thể chất tốt, người Hy Lạp cổ đại kết hợp nhiều phương pháp trị liệu bao gồm thiền, cầu nguyện, âm nhạc, vòng xoay ánh sáng, xoa bóp và mặt trời. Aristotle hiểu rằng âm nhạc có thể chữa lành mọi căn bệnh và nhiều bác sỹ ở Hy Lạp cổ đại đã sử dụng sự rung động này để hỗ trợ tiêu hóa, điều trị rối loạn tâm thần và mang đến cảm giác dễ ngủ. Trong cuốn  De De Anima,  Aristotle cũng lưu ý rằng nhạc sáo có thể khơi dậy nguồm cảm súc mạnh mẽ và thanh lọc tâm hồn.

Thưởng thức với tâm thái tường hòa
Một khía cạnh khác quan trọng trong việc thực hành ăn uống để có một sức khỏe và khả năng miễn dịch tốt đó là ăn với tâm trạng bình hòa, tĩnh tại và niềm vui. Đừng quá vội vàng trọng bữa ăn. Tại Hy Lạp, mọi người đi làm và về nhà ăn trưa cùng gia đình, bạn bè. Trong khi ngày nay nhiều người ăn uống quá vội vàng, điều này gây gián đoạn quá trình thức ăn chữa lành các bệnh tật và cân bằng sự hài hòa trong tâm hồn. 

Để đảm bảo một cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh. Tất cả chúng ta cần luôn ý thức rõ rằng về cách ăn uống của mình có ảnh hưởng đến chúng ta rất rõ rệt.

Ăn và nấu ăn luôn được coi là một phương thức trị liệu trong nền văn hóa Hy Lạp. Đó không chỉ là nhiệm vụ hay công việc cần hoàn thành, mà chính là khoảnh khắc chữa lành, tĩnh lặng và suy ngẫm.

Theo ĐKN
nguon: tinhhoa.net

Truyện cười trong ngày

CHIẾM HẾT CHỖ…

 Một người ăn mày hom hem, rách rưới, đến cửa con nhà giàu xin ăn. Người nhà giàu không cho, lại còn mắng:

- Bước ngay! Rõ trông như người dưới địa ngục mới lên ấy!

Người ăn mày nghe nói, vội trả lời:

- Phải, tôi ở dưới địa ngục lên đây!

Người giàu nói:

- Đã xuống địa ngục, sao không ở hẳn dưới ấy còn lên đây làm gì cho bẩn mắt?

- Không ở được nên mới phải lên. Ở dưới ấy các nhà giàu chiếm hết chỗ rồi

Friday, March 29, 2019

Suy Niệm Trong Ngày 29 tháng 3, 2019

Truyện ngắn - Giờ kể chuyện

Giờ kể chuyện

Ra trường, tôi về dạy một lớp Hai của một trường tiểu học. Tuy chưa lập gia đình, nhưng tôi đã có một câu chuyện về "sinh nở" tuyệt vời. Đó là câu chuyện từ chính lớp Hai của tôi.

Khi còn nhỏ, tôi rất thích giờ kể chuyện, khi mỗi học sinh phải mang theo một món đồ và kể câu chuyện liên quan đến món đồ đó. Thế nên, tôi cũng thường sắp xếp thời gian để tổ chức những giờ kể chuyện như vậy cho lớp học của mình. Giờ kể chuyện giúp các em mạnh dạn hơn, cời mở hơn. Các em học sinh ở lớp tôi mang theo những con rùa nuôi ở nhà, mô hình máy bay nhựa, ảnh những chú cá mà chúng từng câu được..., với những câu chuyện thú vị. Tôi không bao giờ đặt ra ranh giới nào cho chúng - chỉ cần em nào mang theo một món đồ vật và có một câu chuyện để kể - tôi đều sẵn sàng hoan nghênh.

Rồi một ngày, cô bé Erica - một cô bé rất thông minh và hiếu động - xung phong trong giờ kể chuyện. Cô bé có một cái gối bông nhồi trước bụng, còn tay cầm một bức ảnh em bé sơ sinh.

- Đây là Luke, em trai mình, và mình sẽ kể cho các bạn nghe về ngày em ấy được sinh ra! - Erica bắt đầu.

"Đầu tiên, Bố và Mẹ mình tạo ra em bé như một biểu tượng của sự yêu thương. Có lẽ bố trồng một hạt giống vào Mẹ, và Luke lớn lên từ đó. Luke ăn ở trong bụng Mẹ suốt 9 tháng trời".

Erica đứng trước lớp, tay đặt lên cái gối nhồi trước bụng, còn tôi thì cố nhịn cười và lấy làm tiếc là mình không đem theo máy quay phim. Bọn trẻ ở phía dưới quan sát Erica với vẻ tò mò và ngạc nhiên hết mức.

"Thế rồi, khoảng thứ bảy của hai tuần trước, Mẹ mình bắt đầu kêu: "Ôi, ôi, ôi!", Erica vòng tay ra sau đỡ lấy lưng và rên lên - "Mẹ cứ đi vòng quanh nhà phải đến một tiếng đồng hồ và kêu "Ôi, ôi, ôi!".

Erica đi đi lại lại, lạch bạch như một chú vịt con, tay vẫn đỡ lưng.

"Bố mình vội vàng gọi điện cho bác sĩ. Bố nói bác sĩ sẽ giúp em bé. Khi cô bác sĩ tới, cô ấy đỡ Mẹ nằm lên giường".

Erica đứng tựa thẳng vào tường, như động tác nằm xuống.

"Thế rồi, pop! Túi nước bị vỡ tung ra giường, choe choét hết cả! Mình nghĩ Mẹ đã giữ túi nước đó để đề phòng khi em bé khát! Nhưng bây giờ thì nó vỡ tung ra!".

Erica vung tay để miêu tả nước bắn tung tóe.

"Rồi bác sĩ bắt đầu nói: "Thở, thở đều, thở mạnh...". Mọi người bắt đầu đếm, nhưng chưa kịp đếm đến 10. Thế rồi, hoàn toàn bất ngờ, em trai mình xuất hiện. Người nó bám đầy những cái gì kỳ lạ lắm, mình nghĩ đó là những thứ đồ chơi để nó chơi tạm khi ở trong bụng Mẹ. Trong bụng Mẹ cứ như là một sân chơi ấm áp của nó ấy".

Rồi Erica cúi chào như một ngôi sao kịch nghệ và bước về chỗ. Hôm đó, tất cả học sinh trong lớp đều cười vang, vỗ tay rầm rĩ,và chắc chắn tôi là người vỗ tay to nhất. Chưa bao giờ tôi được nghe kể về một ca sinh nở sống động đến vậy - kể cả từ mẹ tôi.

Kể từ đó, cứ hôm nào có giờ kể chuyện, tôi lại mang theo máy quay phim. Ai biết tôi sẽ có thêm những bài học và kinh nghiệm thú vị nào từ chính những em học sinh của mình?!


Thục Hân dịch. 
Theo H2T.

Tryện ngụ ngôn ý nghĩa

Những vòng tròn

Nhớ hồi tôi chừng 7 tuổi, ông nội dẫn tôi đến bên hồ cá trong trang trại rồi bảo tôi thử ném một viên đá xuống nước. Sau đó ông bảo tôi quan sát những vòng tròn trên mặt nước bởi chính viên đá vừa ném. Rồi ông bảo tôi: "Cháu hãy thử hình dung mình như viên đá kia. Trong đời, cháu cũng có thể tạo ra rất nhiều vòng tròn xao động và chúng sẽ ảnh hưởng đến sự an bình của tất cả những người xung quanh." 

Và rồi ông tiếp tục: "Hãy luôn nhớ rằng cháu là người chịu trách nhiệm về những gì cháu đã đặt vào trong vòng tròn của chính mình và vòng tròn đó cũng sẽ lan toả và chạm vào rất nhiều vòng tròn khác. Vì vậy hãy sống sao cho những điều tốt đẹp mà vòng tròn của cháu tạo nên được gửi đi như những thông điệp của hòa bình và nhân ái đến khắp mọi người. Ngược lại, những xao động sinh ra từ sự giận dữ hoặc ganh tị chắc chắn sẽ lan tỏa và ảnh hưởng đến những vòng tròn khác. Do đó, cháu cần phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với tất cả những điều trên". 

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra rằng sự an bình nội tại hay sự bất an trong mỗi con người đều chảy ra thế giới này. Vì thế sẽ không thể tạo lập một thế giới hòa bình khi chúng ta đang còn bị vướng bận bởi những xung đột nội tại, hận thù, hồ nghi hay giận dữ bên trong dẫu cho những xúc cảm hay ý nghĩ đó có được nói ra hay không. 

Mọi khuấy động xung quanh những vòng tròn diễn ra trong mỗi chúng ta đều tràn ra thế giới rộng lớn này, hoặc để tô vẽ thêm vẻ đẹp cho cuộc sống, hoặc cản trở, phá vỡ những vòng tròn khác.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Con Ðường Bùn Lầy

 Một hôm Tanzan và Ekido cùng đi trên một con đường lầy lội. Cơn mưa nặng hạt vẫn còn rơi. Qua một khúc quanh, họ gặp một người thiếu nữ xinh đẹp trong bộ kimono với đai lưng bằng lụa, ngập ngừng không băng qua đường được.

"Này cô bé," vừa nói xong, tức thì Tanzan bế cô gái sang bên kia đường.

Ekido không trò chuyện nữa cho mãi đến đêm khi hai người đến trú ở một ngôi chùa. Không còn chịu được nữa Ekido phàn nàn với Tanzan: "Chúng ta là tăng sĩ, không được đến gần phụ nữ, nhất là con gái trẻ đẹp. Nguy him lắm. Tại sao sư huynh lại phạm giới?"

"Ủa, tôi đã để cô gái ở đấy rồi mà," Tanzan nói. "Sư huynh còn mang cô ấy theo ư?"

Điển Hay Tích Lạ

Kim ngọc kỳ ngoại, bại tự kỳ trung

Ý của câu thành ngữ này là chỉ: Bề ngoài trông đẹp mã, nhưng bên trong thì thối nát.

Câu thành ngữ này có xuất xứ từ: "Người bán cam nói" của Lưu Cơ triều nhà Minh.

Lưu Cơ tự Bá Ôn, là người giúp Chu Nguyên Chương lập nên triều nhà Minh, sau đó ông được phong chức Ngự sử trung thừa. Ông từng viết một bài văn nhan đề: "Người bán cam nói", kể về một sự việc từng trải của mình.

Vào một ngày mùa hè, Lưu Cơ thấy một người bán cam bên lề đường bèn mua mấy quả đem về. Nhưng sau khi về đến nhà mới phát hiện bên trong quả cam đều bị ủng nát, ông tức giận tìm người bán cam trách anh ta lừa bịp người khác.

Nhưng người bán cam điềm nhiên trả lời rằng: "Tôi làm nghề bán cam đã nhiều năm, nhưng chẳng thấy người nào như ông cả". Anh ta ngừng lại một lát rồi nói tiếp: "Trên đời này có khối người chuyên đi lừa dối người khác, nào có riêng gì tôi? Tôi xin hỏi ông, Những võ tướng bề ngoài trông oai phong lẫm liệt kia, chúng ăn mặc còn sang trọng hơn Tôn Tử và Ngô Khởi, nhưng họ có hiểu gì binh pháp đâu? Còn những văn quan mũ cao đạo mạo, nghênh ngang trong bộ triều phục kia, họ có thật sự có tài năng trị nước yên dân không? Nay trộm cướp như rươi, mà họ không trị nổi; Dân chúng cực khổ, họ không thể giúp đỡ cưu mang; Tham quan vô lại mà họ không thể nghiêm trị; Kỷ cương phép nước đồi bại mà họ không thể chỉnh trị được. Họ ngồi bề vệ trên cao, nhà cửa khang trang, ăn toàn những món sơn hào hải vị, uống toàn rượu ngon thượng hạng, đi đâu cũng cưỡi ngựa cao to, người nào người nấy mặt mũi trang nghiêm, trông thật nghiêm chỉnh đứng đắn, nhưng có đứa nào mà chẳng giống những quả cam tôi đang bán đây, bề ngoài thì trông thật vàng mọng, nhưng bên trong thì ủng nát không thể nào ăn được". Lưu Cơ nghe mà đực người ra, chẳng biết ăn nói ra sao.

Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ này để chỉ đồ hàng mã, ngoài đẹp trong xấu.

Truyện cười trong ngày

YẾT TH

Ngoài đường không có đèn. Tối đến, quan phủ doãn đi vấp phải người ta, lấy làm giận lắm. Sáng ra, quan truyền yết thị: “Ai đi đêm phải cầm đèn”
- Đêm hôm ấy, quan đi, lại vấp phải một người.
- Quan hỏi: Ngươi không đọc yến thị à?
- Người kia đáp: Bẩm có đọc.
- Thế sao ngươi không cầm đèn?
- Bẩm có, tôi có đèn.
- Thế sao trong đèn không cắm nến?
- Bẩm yến thị chỉ thấy nói cầm đèn, chớ không thấy nói cắm nến.
- Quan phủ doãn về, sáng hôm sau lại ra yết thị: “Ai đi đêm phải cầm đèn, trong đèn phải cắm nến”.
- Đêm hôm ấy, quan đi, lại vấp phải một người.
- Quan lại quở: Đi đêm sao không có đèn có nến?
- Người kia đáp: Bẩm, tôi có đủ đèn đủ nến ạ!
- Thế sao ngươi không thắp nến?
- Bẩm, vì trong yết thị không thấy nói thắp nến.
- Quan phủ doãn về, mai lại ra yết thị: “Ai đi đêm phải cầm đèn, trong đèn phải cắm nến, nến phải thắp”
- Nhưng hôm sau, nửa đêm quan đi lại vấp phải một người có đèn, có nến nhưng đã thắp hết nến rồi. Quan lại quở.
- Người kia nói: Bẩm, trong yết thị không thấy nói hết cây nến phải tiếp cây nến khác ạ !

Thursday, March 28, 2019

Suy Niệm Trong Ngày 28 tháng 3, 2019

Truyện ngắn - Yêu con, xin cha hãy nói!

Yêu con, xin cha hãy nói!
Mitch Anthony

Jerry không thể quên ngày mùa đông, ngày mà đứa con trai đầu lòng đã làm anh bất ngờ. 

Jeff - con trai anh - chỉ mới lấy bằng lái xe được một năm, từ lúc nó có bằng lái cũng là lúc anh bắt đầu lo lắng. Tình hình ngày càng trầm trọng hơn với những nỗi lo ngày càng tăng.

Một ngày trướic khi xảy ra sự việc đáng nhớ, Jeff nói với cha là nó sẽ định đi chơi.

- Nè, lái xe cẩn thận đó! - Jerry cảnh báo con.

Jeff quay lại nhìn cha tỏ vẻ bực dọc và hỏi:

- Sao lúc nào cha cũng nói với con câu đó vậy?

- Cha đã nói gì?

- Thì "lái xe cẩn thận!", cha không tin tưởng con chút nào.

- Đâu có, con trai, cha đâu có ý nói vậy, - Jerry giải thích - Đó là thói quen cha hay nói với con, thay vì cha nói cha yêu con vậy thôi.

Jeff nói:

- Vậy hả cha, sao cha không nói đại ra là cha yêu con! Cha nói vậy thì con sẽ không hiểu lầm ý cha.

- Nhưng… - Jerry ngập ngừng - Nếu có bạn con ở đây thì sao? Cha mà nói "cha yêu con", con sẽ thấy mắc cở đó.

Jeff đề nghị:

- Cha ơi, vậy lúc đó thì cha hãy nói lời yêu thương bằng cách để tay lên ngực cha và con cũng sẽ làm như vậy để đáp lại lời yêu thương của cha.

Jerry biết con trai anh muốn anh thể hiện tình yêu một cách "kỳ quái" với thằng bé đây mà. Anh đáp "Ừ, thỏa thuận vậy nha con trai".

Vài ngày sau, Jeff lại chuẩn bị ra phố, lần này nó đi với bạn, nó hỏi anh:

- Cha ơi, cha cho con mượn chìa khóa xe hen?

Jerry đáp: 

- Được chứ, con định đi đâu?

- Xuống phố ạ.

Jerry thảy chìa khóa cho con và do dự một lát anh nói "Chơi vui nha!". Anh nhanh chóng đặt tay mình lên ngực ra dấu. Jeff cũng làm y như vậy và nói "Dạ, cha yên tâm".

Jerry nháy mắt với con.

Jeff đi vòng ra sau lưng anh nói nhỏ "Nháy mắt hỏng có trong phần thỏa thuận", nó làm Jerry thoáng chút bối rối.

Jeff bước chân ra cửa và nói "Thưa cha, con đi!" và ngay khi nó đóng cửa, nó quay đầu lại vá nháy mắt với anh. 

Truyện ngụ ngôn ý nghĩa

Hạnh phúc ở đâu?

Vào một buổi sáng đẹp trời, chú cún con chạy đến bên mẹ và hỏi: 

- Mẹ ơi, hạnh phúc ở đâu?

Mẹ cún con mỉm cười đáp: 

- Hạnh phúc nàm ở chiếc đuôi xinh xắn của con đó!

Cún con thích lắm, ngày nào chú cũng ngắm nghía chiếc đuôi của mình, vừa nhảy vừa vẫy vãy chiếc đuôi! Nhưng rồi bỗng một hôm, chú cún con buồn bã chạy đến bên mẹ: 

- Mẹ ơi, tại sao con chẳng bao giờ nắm giữ được hạnh phúc vậy?

Mẹ khẽ vuốt ve cún con và đáp: 

- Chỉ cần con tự tin bước về phía trước, hạnh phúc sẽ tự đi theo con thôi!!!

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Một Ông Phật


Tại Ðông Kinh vaụo thời Minh Trị, có hai vị thiền sư nỗi danh với tánh tình khác hẳn nhau. Một vị là Unsho, ở Shingon chuyên giử giới luật rất mực. Ngài không bao giờ uống rượu và ăn sau 11 giờ sáng. Vị kia là Tanzan, dạy triết tại trường Ðại học Hoàng gia, chẳng hề giử giới. Khi ngài đói thì ăn, buồn ngủ thì đánh một giấc dù ban ngày.

Một hôm Unsho đến viếng Tanzan, và thấy vị này đang uống rượu.

"Chào sư huynh,ẽ Tanzan lên tiếng. "Uống cùng tôi một chén chăng?ẽ

"Tôi chẳng bao giờ uống rượu!" Unsho dõng dạc bảo.

"Kẻ không biết uống rượu chẳng phải là người," Tanzan nói.

"Này, Sư huynh gọi tôi không phải là người chỉ vì tôi không say sưa ư!" Unsho bất bình lớn tiếng. "Nếu không phải là người, tôi là gi vậy?ẽ

"Một ông Phật," Tanzan trả lời.

Cổ Học Tinh Hoa

CƯỜI NGƯỜI TA KHÓC

 Cảnh Công nước Tề đi chơi núi Ngưu Sơn, trèo lên mặt thành, đứng ngắm trông rồi tràn nước mắt vừa khóc vừa nói:
 - Đẹp quá chừng là nước ta! Thật là sầm uất, thịnh vượng! Thế mà nỡ nào một tuổi một già bỏ nước này mà chết đi. Giả sử xưa nay, người ta cứ sống mãi, quả nhân quyết không bỏ nước Tề mà đi nơi khác. 
Lã Sử Không, Lương Khưu Cứ thấy vua khóc cũng khóc và nói rằng:
 - Chúng tôi đội ơn vua có cơm rau mà ăn, có ngựa hèn, xe xấu mà cưỡi, cũng còn chẳng muốn chết, huống chi là nhà vua. 
 Một mình Án Tử đứng bên cạnh cười. Cảnh Công gạt nước mắt, ngoảnh lại hỏi Án Tử rằng:
 - Quả nhân hôm nay đi chơi thấy cảnh mà buồn. Không và Cứ đều theo quả nhân mà khóc, một mình nhà ngươi cười là cớ làm sao?
 Án Tử thưa: 
- Nếu người giỏi mà giữ mãi được nước này thì Thái Công, Hoàn Công đã giữ mãi. Nếu người mạnh mà giữ được nước này, thì Linh Công, Trang Công đã giữ mãi. Mấy vua ấy mà giữ mãi thì vua nay chắc cũng mặc áo tơi, đội nón lá đứng giữa cánh đống lo việc làm ruộng, có được đâu chỗ này đứng, còn rỗi đâu mà lo đến cái chết. Chỉ vì hết đời này đến đời kia, thay đổi mãi mới đến lượt nhà vua mà nhà vua lại than khóc thì thật là bất nhân. Nay tôi thấy vua bất nhân, lại thấy bầy tôi siểm nịnh nên tôi cười.
 Cảnh Công nghe nói lấy làm thẹn, rót chén rượu tự phạt rồi phạt Không, Cứ mỗi người một chén.

 Liệt Tử 

GIẢI NGHĨA 

Liệt Tử: sách của Liệt Ngữ Khấu hay người truyền học thuyết của Liệt Ngữ Khấu soạn ra, có tám quyển, sau nhà Đường, nhà Tống đặt tên là Sung Hư Chân Kinh, hay Sung Hu chí đức chân kinh. 
Tề: một nước chư hầu lớn, thời Xuân Thu Chiến Quốc, ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ. 
Ngưu Sơn: tên núi ở huyện Lâm Chí, tỉnh Sơn Đông ngày nay. 
Lã Sử Không, Lương Khưu Cứ: cận thần của Cảnh Công.
 Án Tử: người nước Tề thời Xuân Thu, làm tướng vua Cảnh Công, ông là người kiệm phác, trung thành, giỏi việc chính sự có tiếng thời bấy giờ. 
Thái Công, Hoàn Công, Linh Công, Trang Công: các bậc tiền quân của Cảnh Công. 

LỜI BÀN 

Tham sinh là cái thói thường người đời. Nhưng cứ mong sống ở đời mãi, tiếc đời đến nỗi than thở khóc lóc như Cảnh Công đây cũng là tham quá. Trong vũ trụ, cái gì là cái có sinh mà không có diệt. Vậy đời người cũng phải chịu luật chung ấy, bé rồi lớn, lớn rồi già, già rồi chết, thấm thoắt có là bao. Lẽ đó mà không hiểu, lại phải chả ngu lắm ư! Nên Án Tử cười Cảnh Công rất là phải lắm. Án Tử bác cả Sử Không và Lương Khưu Cứ lại là phải lắm nữa. Thảm thương thay! Xưa nay những nước gặp phải vua ngu và bầy tôi a dua siểm nịnh!

Truyện cười trong ngày

KHÔNG CẦN HỌC NỮA..

Không cần học nữa  Một lão nhà giàu đã dốt lại hà tiện. Con đã lớn mà không cho đi học, sợ tốn tiền. Một ông khách thấy vậy, hỏi:

- Sao không cho thằng nhỏ đi học trường?

- Cho cháu đến trường, sợ học trò lớn bắt nạt.

- Thì rước thầy về nhà cho cháu học vậy!

- Nó chưa có trí, biết nó có học được hay không?

- Có khó gì, thầy sẽ tùy theo sức nó mà dạy. Nay dạy chữ nhất là một, một gạch, qua ngày mai, dạy nó chữ nhị là hai, hai gạch, qua bữa mốt, dạy nó chữ tam là ba, ba gạch, lần lần như vậy thì cháu phải biết chữ.  Khách ra về, thằng con mới bảo cha:

- Thôi, cha đừng rước thầy về tốn kém. Mấy chữ ấy con không học cũng biết rồi… Con nghe qua là đã thuộc!

Người cha bảo nó viết chữ nhất, chữ nhị, chữ tam, nó viết được cả, ông ta khen con sáng dạ, không mời thầy về nữa. Một hôm, người cha bảo nó viết chữ vạn. Nó thủng thẳng ngồi viết, viết mãi đến chiều tối cũng chưa xong. Người cha mắng:

- Viết gì mà lâu thế?  Nó thưa.  – Chữa vạn dài lắm bố ạ! Con viết hơn nửa ngày mà được nửa chữ thôi!

Wednesday, March 27, 2019

Suy Niệm Trong Ngày 27 tháng 3, 2019

Truyện ngắn - Những kỷ niệm ngọt ngào

Những kỷ niệm ngọt ngào

Sau bữa điểm tâm, cô con gái bé bỏng của tôi nũng nịu: "Mẹ ơi, mẹ xem chương trình này với con nha mẹ?". Tôi nhìn đống chén dĩa sau bữa sáng vẫn còn y nguyên trong bồn rửa chén rồi lại quay sang nhìn vào đôi mắt nâu đang mở to của con gái mình. 

Tôi nói: "Được rồi, con gái!", rồi hai mẹ con tôi ngồi sát bên nhau trên chiếc ghế sofa dài cùng xem chương trình mà con gái tôi ưa thích. 

Sau khi xem xong, hai mẹ con lại còn cùng nhau ngồi chơi ráp hình. Ráp hình xong, tôi định đứng dậy đi dọn dẹp đống chén lúc sang thì đúng lúc điện thoại reo lên: "Xin chào" bạn tôi nói: "Cậu đang làm gì đó?". 

Tôi trả lời: “À, mình đang cùng con gái xem chương trình mà nó ưa thích rồi hai mẹ con cùng nhau chơi ráp hình”. 

"Ồ, xem ra cậu chẳng bận rộn gì mấy nhỉ." Bạn tôi nói. 

Đúng vậy, tôi tự nghĩ về bản thân mình, mình chỉ bận tạo ra những kỉ niệm mà thôi. 

Sau khi ăn trưa, Erica nói: "Mẹ ơi, mẹ chơi trò chơi với con nha mẹ." Bây giờ, tôi đang nhìn không những vào mấy cái chén đĩa chưa rửa hồi sáng mà còn nhìn vào những cái chén lúc trưa mới chất lên thêm trong bồn rửa chén. Nhưng một lần nữa, tôi lại nhìn vào đôi mắt nâu to tròn của con gái, và tôi cảm thấy nhớ làm sao cái cái cảm giác sung sướng của mình khi mẹ cùng chơi với tôi hồi tôi còn nhỏ. 

Tôi trả lời: "Ừ, được đó, nhưng chỉ một trò thôi nha!". Rồi chúng tôi cùng chơi trò mà con gái tôi yêu thích, tôi có thể cảm nhận sự vui sướng của con bé trong từng giây từng phút. 

Khi trò chơi kết thúc, cô con gái nhỏ bé của tôi lại nài nỉ: "Mẹ đọc truyện cho con nghe đi mẹ!". 

Tôi nói: "Thôi được! Nhưng chỉ một truyện thôi đó!".

Sau khi đọc truyện cho con gái nghe, tôi đi vào nhà bếp để giải quyết đống chén dơ. Lúc thanh toán xong toàn bộ chén đĩa cũng là lúc tôi phải chuẩn bị bữa ăn tối. Cô phụ bếp nhỏ bé nhiệt tình của tôi cũng háo hức vào nhà bếp để giúp tôi chuẩn bị bữa ăn. Tôi đang trễ giờ và nghĩ mình sẽ có thế làm mọi thứ nhanh hơn bao nhiêu nếu như cô con gái bé bỏng của tôi chạy đi chơi điện tử hay xem phim gì đó, nhưng mà lòng nhiệt tình giúp đỡ cùng với lòng say mê muốn học cách làm những gì mà mẹ nó đang làm của con bé đã khiến tôi siêu lòng: "Được rồi, con có thể giúp mẹ," dù biết rằng chắc chắn là tôi phải mất gấp đôi thời gian. 

Khi bữa tối đã sẵn sàng, chồng tôi từ sở làm trở về, hỏi: "Hôm nay hai mẹ con em đã làm những gì?".

Tôi trả lời: "Để xem, em và con đã xem chương trình mà con gái mình ưa thích, chơi trò chơi và đọc sách. Em đã rửa bát đĩa, hút bụi, và chuẩn bị bữa tối cùng cô phụ bếp nhỏ bé này." 

"Tuyệt thật!", chồng tôi nói: "Anh rất vui vì ngày hôm nay em đã không phải bận quá nhiều việc." 

Nhưng mình có bận rộn mà, tôi thầm nghĩ, bận tạo ra những kỉ niệm. 

Sau khi ăn tối, Erica nói: "Mình nướng bánh nha mẹ!". 

Tôi nói: "Ừ, thì cùng làm!".

Sau khi nướng bánh, một lần nữa tôi lại ngao ngán nhìn chồng bát đĩa chất cao như núi. Nhưng đổi lại mùi bánh nướng thơm ngon đang lan tỏa khắp nhà, tôi chuẩn bị cho cả nhà mỗi người một ly sữa cùng với một đĩa bánh ngọt và mang ra để trên bàn. Cả gia đình chúng tôi cùng nhau ngồi quanh bàn, ăn bánh, uống sữa, trò chuyện và cùng tạo ra những kỉ niệm. 

Khi tôi vừa xử lý xong đống bát đĩa dơ lúc nãy thì cô con gái yêu dấu của tôi lại giật giật áo tôi và nói: "Mẹ con mình đi dạo được không mẹ?". 

Tôi trả lời: "Ừ, thì đi". Đi đến vòng thứ hai chung quanh khu nhà thì đầu óc tôi bắt đầu nghĩ đến đống quần áo phải giặt và ngôi nhà còn chưa quét dọn. Nhưng hơi ấm từ bàn tay con gái trong bàn tay tôi và những câu chuyện ngọt ngào mà hai mẹ con đang nói khiến tôi không do dự khi quyết định dạo thêm một vòng nữa. 

Khi chúng tôi trở về nhà, chồng tôi hỏi: "Hai mẹ con vừa đi đâu về đấy?" 

Tôi nói: "Em và con đang cùng nhau tạo nên những kỉ niệm."

Sau khi giặt giũ xong xuôi và cô con gái nhỏ của tôi cũng đã tắm rửa sạch sẽ cũng là lúc sự mệt mỏi đã bắt đầu len lỏi đến, tôi ngán ngẩm khi nhe con bé nói: "Mẹ ơi, chúng ta cùng chải tóc cho nhau nha mẹ". 

Tôi quá mệt mỏi! Tâm trí tôi lên tiếng, nhưng miệng tôi lại bảo: "Được thôi". Sau khi chải tóc xong, nó nhảy cẫng lên sung sướng: "Mẹ ơi, mình sơn móng tay cho nhau nữa nha mẹ!". Thế là con bé sơn móng chân cho tôi còn tôi thì sơn móng tay cho nó. Xong xuôi, chúng tôi lại cùng nhau đọc sách trong khi đợi móng tay nó khô. Tất nhiên là tôi phải là người lật những trang sách, bởi vì móng tay của con gái tôi vẫn chưa khô hẳn. 

Hai mẹ con tôi để quyển sách sang một bên và cầu nguyện. Chồng tôi len lén thò đầu vào trong cửa, hỏi: "Các cô gái của tôi đang làm gì đó?". 

Tôi trả lời: "Em và con đang tạo ra những kỉ niệm". 

Con gái tôi lại nói: "Mẹ ơi, mẹ sẽ nằm cạnh con cho tới khi con ngủ nha mẹ?". 

"Được rồi!", tôi nói nhưng trong bụng lại nghĩ: Mong sao con bé đi vào giấc ngủ thật nhanh vì tôi còn có rất nhiều việc phải làm. 

Vừa đúng lúc, hai cách tay nhỏ bé đáng yêu của con bé vòng qua cổ tôi, miệng nó thì thầm: "Con yêu mẹ nhất trên đời". Tôi cảm thấy từng giọt nước mắt của mình đang lăn xuống gò má, tôi thầm cảm ơn Chúa vì đã cho tôi một ngày mà chúng tôi đã làm nên thật nhiều kỉ niệm.

Truyện ngụ ngôn ý nghĩa

Hai chiếc hộp

Ngày xửa ngày xưa, có hai ông cháu nhà kia sống nghèo khổ trong một túp lều, khó khăn lắm mới đủ cái ăn cái mặc. Đứa cháu thường hay tủi thân vì không có quần áo đẹp như bọn trẻ cùng xóm lại hay bị bọn chúng giễu cợt. Nhất là mỗi dịp Giáng sinh, chẳng bao giờ có một cây thông hay một món quà nào trong túp lều cả!

Giáng sinh năm cậu bé lên 10 tuổi, vẫn như mọi năm, nó vẫn nghĩ không hy vọng có chuyện tốt đẹp gì nhưng người ông nhân từ đã tặng quà cho nó là hai chiếc hộp: một chiếc hộp đen và một chiếc dán giấy bóng vàng. Hai chiếc hộp được đặt bên cạnh nhau và cố định ở nóc tủ. Ông bảo nó phải để riêng chúng ở đó thì mới thiêng và tiếp:

- Khi cháu buồn hãy ngồi nói cạnh chiếc hộp đen, còn khi cháu vui hãy ngồi tâm sự bên chiếc hộp màu vàng.

Mặc dù hai chiếc hộp rỗng chưa hẳn là món quà nhưng nó cũng là niềm an ủi vào lễ Giáng Sinh nên đứa cháu làm theo lời ông dặn, chứa đựng tất cả nỗi buồn và niềm vui vào hai chiếc hộp. Nó cảm thấy vui và nói chuyện cạnh chiếc hộp vàng, niềm vui cứ như được nhân lên và đọng mãi. Còn khi buồn và tâm sự với chiếc hộp đen, nỗi buồn vơi đi hẳn. Hai chiếc hộp rốt cuộc cũng làm khuây đi được những nỗi tủi thân bực bội của cậu bé nghèo.

Nhưng vì quá tò mò, có lần cậu đánh bạo mở hai chiếc hộp ra xem. Ở đáy chiếc hộp đen cậu bé thấy có một lỗ thủng.

- Ông ơi, thế này thì những nỗi buồn của cháu đâu hết rồi? – Đứa cháu hỏi ông.

Người ông đáp:

- Chúng đã rơi ra và bay đi cả rồi cháu ạ!

Rồi ông tiếp:

- Còn chiếc vàng không thủng để niềm vui và những điều may mắn sẽ ở lại mãi với cháu!

Bạn đã có những chiếc hộp nào cho riêng bạn chưa?