Friday, June 30, 2017

Ngày 30-6-2017 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Di chúc của nhà triệu phú

Di chúc của nhà triệu phú

Ba mươi năm trước đây tại thủ đô Washington, D.C., vợ của một nhà doanh nhân đã bỏ rơi chiếc ví của cô ấy tại bệnh viện trong một đêm mùa đông. Nhà doanh nhân này rất lo lắng và quay lại bệnh viện để tìm ngay trong đêm đó, bởi vì trong chiếc ví không chỉ chứa $100,000 mà còn có cả các tài liệu marketing rất quan trọng..
Khi người doanh nhân vội vã tới bệnh viện, ông ta nhìn thấy một cô gái nhỏ nhắn nằm ngay dưới chân bức tường hành lang, đang run lên vì lạnh, và trong tay cô gái đó có chính xác chiếc ví mà vợ ông đã bị mất.

Cô gái tên là Hiada, cô tới bệnh viện để đưa người mẹ đang bị ốm tới khám bác sĩ. Người mẹ và cô con gái, hai người đang dựa vào nhau để sống, họ rất nghèo, họ bán mọi thứ đáng giá và gom góp chỉ vừa đủ số tiền để nhập viện và ở bệnh viện trong một đêm. Không có tiền, họ sẽ bị đuổi ra khỏi bệnh viện vào ngày tiếp theo.

Đêm đó, Hiada đã bị bỏ lại bơ vơ trong hành lang của bệnh viện. Cô ấy cầu nguyện xin Chúa nhân từ cứu giúp và hy vọng sẽ gặp được một quý nhân nào đó sẽ cứu giúp được mẹ cô.
Đột nhiên, một người phụ nữ đi từ trên hàng lang xuống và đã đánh rơi chiếc ví mà không hề để ý và vội vã đi qua, có lẽ bởi vì cô ấy đang phải mang một thứ gì đó trên tay. Hiada là người duy nhất ở hành lang lúc đó, cô đã tới và nhặt chiếc ví lên. Khi cô chạy tới sau cánh cửa phía sau người đàn bà kia, thì bà ấy đã ở trên ô tô.

Hiada quay trở lại phòng bệnh viện. Khi mở chiếc ví ra, cả hai mẹ con đều sock vì số tiền quá lớn. Họ đều ngay lập tức nghĩ rằng số tiền kia sẽ có thể giúp mẹ cô ấy chữa bệnh. Tuy nhiên, người mẹ đã nói với Hiada quay lại hành lang và đợi người đánh rơi kia quay lại để tìm.

Bất chấp mọi nỗ lực giúp đỡ cứu chữa của nhà doanh nhân, mẹ của Hiada đã ra đi và để người con gái nhỏ ở lại một mình. Sau đó,nhà doanh nhân đã giúp đỡ cô con gái nhỏ bé kia, người đã mất đi cả gia đình. Người mẹ và cô con gái không chỉ giúp người doanh nhân lấy lại $100,000, mà quan trọng hơn là những tài liệu marketing đã giúp nhà doanh nhân về sau thành công hơn bao giờ hết và trở thành một nhà triệu phú chỉ sau đó không lâu

Sau khi tốt nghiệp đại học, Hiada,( với sự giúp đỡ của nhà doanh nhân), cô đã trợ giúp cai quản việc kinh doanh của nhà triệu phú. Mặc dù nhà triệu phú không bao giờ bổ nhiệm cô vào một vị trí nào thực sự, nhưng trải qua rất nhiều thời gian thử thách và học tập, những kinh nghiệm thông thái của nhà triệu phú đã ảnh hưởng tới cô, giúp cô trở thành một nữ doanh nhân thực sự.

Vào những năm sau này, ông đã tham vấn Hiada rất nhiều ý kiến giải quyết cho rất nhiều vấn đề gặp phải. Khi mà ông sắp xa rời thế giới, ông đã để lại những dòng đầy từ bi:
“Trước khi tôi biết Hiada và mẹ cô ấy tôi đã thực sự mất hết tiền, nhưng khi tôi đứng trước bà mẹ và cô con gái, người đã tìm thấy một số tiền rất lớn của tôi khi mà họ đang trong cảnh bệnh tật và nghèo đói nhưng vẫn không màng tới số tiền của tôi, tôi nhận ra rằng họ mới là những người giàu nhất.

Họ đã giữ được những tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của con người mà một người doanh nhân như tôi còn thiếu. Tiền của tôi có được phần lớn là do những trò tiểu xảo và tranh nhau với người khác. Đó là những người mà họ làm cho tôi hiểu được tài sản quan trọng nhất trong cuộc đời là giá trị đạo đức của họ. Tôi cứu giúp Hiada không chỉ vì trả ơn hay vì sự cảm thông. Mà là vì tôi thấy cô ấy như một hình mẫu chuẩn mực của một con người.

Khi cô ấy ở bên cạnh tôi, tôi sẽ luôn nhớ rõ rằng tại bất kỳ thời điểm nào cái gì tôi nên làm, cái gì không, tôi nên kiếm tiền thế nào, tôi không nên kiếm thế nào. Đó là lý do cơ bản cho sự thịnh vượng trong kinh doanh của tôi sau này và khi tôi đã trở thành nhà triệu phú.

Sau khi tôi chết, hàng triệu đô la của tôi sẽ kế thừa lại hết cho Hiada. Đó không chỉ là để cho mà nó sẽ mang lại thành công hơn và thịnh vượng hơn cho việc kinh doanh sau này. Tôi tin chắc rằng người con trai thông minh của tôi sẽ hiểu được những suy nghĩ của cha mình.”

Khi người con trai của nhà triệu phú đi du học trở về, anh đã đọc rất kỹ bức thư của cha và ngay lập tức ký các giấy tờ chuyển nhượng mà không một chút đắn đo gì : “Tôi đồng ý để Hiada thừa kế toàn bộ tài sản của cha tôi. Tôi chỉ có một đề nghị rằng Hiada sẽ trở thành vợ của tôi.”

Sau khi đọc xong và nhìn thấy chữ ký của người con trai nhà triệu phú, Hiada đã nghĩ rất nhanh và đã ký vào: “Tôi xin nhận mọi tài sản thừa kế từ thế hệ trước, bao gồm cả người con trai của ông”.

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

CHIM ƯNG VÀ CÁO

Chim ưng và Cáo quyết định sống với nhau như bạn bè và thoả thuận ở gần nhau cho tình bạn thêm bền chặt nhờ tình láng giềng. Chim ưng xây tổ trên ngọn cây cao còn Cáo đào hang đẻ con ngay trong những bụi cây dưới đất. Nhưng có một lần, cáo đi kiếm mồi, chim ưng đang đói bay sà xuống bụi cây vồ lấy các con cáo con và cùng với các con chim ưng con của mình ăn thịt chúng.

Cáo về nhà, biết được điều gì đã xảy ra và rất đau đớn: đau vì các con của mình đã chết không bằng đau vì không trả được thù, vì các con thú rừng không tài nào bắt được chim ưng. Nó chỉ còn biết đứng từ xa mà cất tiếng nguyền rủa kẻ vong tình bội nghĩa kia. Kẻ sức yếu, thế cô thì có thể làm được gì hơn?

Nhưng rồi cũng đến lúc chim ưng phải trả giá cho tình bạn bị nó chà đạp. Một người nào đó đem dê ra đồng để hiến tế. Chim ưng bay đến con vật bị hiến và tha đi bộ lòng bốc khói của nó. Và khi nó chỉ vừa mới tha về đến tổ, một cơn gió mạnh ập đến, những dây bện tổ cũ kỹ mỏng mảnh bốc lửa cháy sáng rực. Những con chim ưng con bị cháy xém rơi xuống đất. Chúng chưa thể bay lên được. Thế là Cáo chạy ra ăn thịt chúng ngay trước mắt chim ưng.

Lời bàn:

Truyện ngụ ngôn này cho thấy kẻ phản bạn dù có thoát được sự trả thù của người bị xúc phạm nhưng cũng không tránh khỏi được sự trừng phạt của Thượng đế.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Một Nụ Cười Trong Đời Của Ông Ta.


Mokugen được biết là một người không bao giờ cười cho đến ngày cuối đời của ông. Đến giờ phút lâm chung ông nói với những tín đồ trung thành của mình.

"Các con đã học dưới sự dạy dỗ của ta trên mười năm. Hãy trình bày cho ta cách hiểu thật sự của các con về thiền. Ai mà diễn đạt điều này rõ ràng nhất sẽ là người thừa tự của ta và nhận y ao và bình bát của ta.

Tất cả mọi người theo dõi khuôn mặt xúc động của Mokugen, nhưng không ai trả lời.

Encho, một đệ tử theo vị thầy của hắn trong nhiều năm, tiến gần bên giường. Anh ta đẩy cái tách thuốc về phía trước một chút. Đây là câu trả lời của anh ta cho câu hỏi.

Gương mặt của vị thành trở lên xúc động hơn. "Có phải đó là tất cả những gì con hiểu?" Ông hỏi.

Encho với tới và di chuyển cái tách trở lại.

Một nụ cười thật đẹp nở trên nét mặt của Mokugen. "Con thật là may mắn" ông nói với Encho. "Con làm việc với ta mười năm và chưa bao giờ nhìn thấy toàn vẹn thân của ta. Hãy lấy y và bát. Chúng là của con. 

Chùa Đại Giác - Đồng Nai

Đồng Nai - Chùa Đại Giác

Chùa tọa lạc ở xã Hiệp Hòa, thành phố Biên hòa, tỉnh Đồng Nai, trong vùng đất cổ cù lao Phố. Chùa được dựng từ cuối thế kỷ XVII. Công chúa Ngọc Anh, con thứ ba của Nguyễn Vương đã xin xuất gia thọ giới với Thiền sư Mật Hoằng.
 
 Chùa Đại Giác
Đầu thế kỷ XIX, Nguyễn Vương cho trùng kiến ngôi chùa, xây lầu chuông, lầu trống, tạc pho tượng Di-đà cao 2,25m. Chùa còn bảo tồn nhiều tượng cổ và tấm hoành phi sơn son thếp vàng ghi "Đại Giác Tự" do Công chúa Ngọc Anh cúng vào năm 1820. Chùa được đại trùng tu vào năm 1959.
Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Chuyện cười trong ngày


Đau ở đâu?

Bác sĩ:
- Anh đau ở đâu, lấy tay chỉ cho tôi xem!
Bệnh nhân:
- Tôi đau ở đây, đây, chỗ này, chỗ này, này, chỉ ở đâu cũng đau hết…
Bác sĩ:
- Như vậy thì đúng anh đau ở ngón tay rồi!

Thursday, June 29, 2017

Ngày 29-6-2017 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Ba chúc con đủ

Ba chúc con đủ

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại mất nhiều thời gian của cuộc đời mình ở các sân bay đến thế .Tôi vừa thích lại vừa ghét việc đó!?!! Tôi thích được ngắm nhiều người. Nhưng đó cũng là lý do tôi ghét :phải nhìn mọi người "chào" và "tạm biệt". Nó làm tôi xúc đông đến phát mệt.
Cho nên, mỗi khi gặp 1 thử thách trong cuộc sống, tôi vẫn thường ra sân bay thành phố nhìn mọi người "tạm biệt". Để tôi thấy rằng mình vẫn hạnh phúc khi không phải nói lời chia tay với những người thân yêu của mình. Nhìn mọi người cố níu kéo nhau, khóc... tôi cảm thấy mình còn rất nhiều điều quý giá khác. Những gia đình, những người yêu nhau cuối cùng cũng phải xa cách, nhìn họ sải rộng cánh tay để nắm tay nhau, cho đến khi chỉ còn 2 đầu ngón tay của 2 người chạm vào nhau... đó là những hình ảnh mãi mãi nằm trong tâm trí tôi. 

Và tôi cũng học được nhiều điều từ những giây phút "tạm biệt " đấy.

Có 1 lần, tôi nghe loáng thoáng tiếng 2 cha con đang bên nhau trong những phút giây cuối cùng. Họ ôm nhau và người cha nói: "Ba yêu con, ba chúc con đủ". Rồi cô gái đáp lại: "Con cũng yêu ba rất nhiều và chúc ba đủ".

Và cô gái quay đi, tôi thấy người cha cứ đứng nhìn theo, thấy ông ấy muốn và cần khóc. Tôi lại gần, nhưng lại không muốn xen vào giây phút riêng tư của ông ấy nên không nói gì. Bỗng ông quay lại chào tôi và:

- Đã bao giờ anh nói lời tạm biệt với 1 người, và biết rằng mãi mãi không gặp nữa?

- Xin ông cho tôi hỏi, có phải ông vừa vĩnh biệt với con gái ông? Tại sao vậy?

-Tôi già rồi, mà con tôi sống cách tôi đến nửa vòng trái đất - Người cha nói - Thực tế, tôi biết lần sau con tôi quay về đây nhưng lúc đó có thể tôi đã mất.

- Khi tạm biệt con gái ông, tôi nghe ông nói: "Ba chúc con đủ". Tôi có thể biết điều đó có ý nghĩa gì không?

Người cha già mỉm cười:

- Đó là lời chúc gia truyền của gia đình tôi, đã qua nhiều thế hệ rồi - Nói đoạn ông dừng lại, ngước nhìn lên cao như thể cố nhớ lại từng chi tiết, và ông cười tươi hơn - Khi tôi nói: "Ba chúc con đủ", tôi muốn chúc con gái tôi có cuộc sống đủ những điều tốt đẹp và duy trì được nó.

Rồi ông lẩm nhẩm đọc:

"Ba chúc con đủ ánh sáng mặt trời để giữ cho tâm hồn con trong sáng. Ba chúc con đủ hạnh phúc để giữ cho tinh thần con luôn sống. Ba chúc con đủ những nỗi đau để biết yêu quý cả những niềm vui nhỏ nhất. Ba chúc con đủ những gì con muốn để con hài lòng. Ba chúc con đủ mất mát để con yêu quý những gì con có. Và ba chúc con đủ lời chào để có thể vượt qua được lời "tạm biệt" cuối cùng.

Ông khóc và quay lưng bưóc đi.

Tôi nói với theo "Thưa ông, tôi chúc ông đủ"

Và các bạn, khi các bạn đã đọc xong mẩu chuyện này, tôi cũng chúc các bạn như vậy. Chúc chúng ta đủ.

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

VẸT VÀ CHÂU CHẤU

Khoa La là tên một con vẹt, mỏ nó vừa đẹp vừa linh hoạt. Nó có thể mổ châu chấu trong các bụi cỏ rất chi là tự nhiên. Nó thấy loại côn trung xanh này ngọt và ngon nên sau mỗi lần chén no nê xong nó bỏ những phần thừa vào một chỗ dự trữ.

Chẳng bao lâu sau châu chấu không chịu cam phận. Chúng cững muốn được sống tự do. Thế là chúng vùng dậy phản kháng. Ðể chống lại kẻ thù chúng chúng bí mật tổ chức một "liên minh chấu chấu" và lên kế hoạch hành động cụ thể.

Hôm đó vẹt Khoa La lượn một hồi lâu mà chẳng bắt được con châu chấu nào đành nhịn đói quay về. Hôm sau vẫn thế, vẹt KHoa La buộc phải dùng đến thức ăn trong kho dự trữ.

Mấy ngày liền sau đó, vẹt Khoa La toàn không gặp may. Thức ăn dự trữ ngày một ít. Xem ra chỉ còn lại một 1 càng châu chấu. Vẹt Khoa La muốn để dành nhưng không được, nó đói không ngủ được "không ăn thì không ngủ được" nó tự nhủ. Cuối cùng nó ăn nốt càng châu chấu đó. Nhưng 1 chiếc càng châu chấu có thấm tháp gì! Bụng nó sôi eo éo cả đêm. Tờ mờ sáng hôm sau vẹt Khoa La buộc phải đi kiếm mồi. Vì đói nên nó rất yếu, dù đi bộ hay bay trên không trung nó đều cảm thấy mệt rã rời. Nó đành phải nghỉ dưới một gốc cây.

Bỗng vẹt Khoa La nghe thấy một âm thanh lạ:

Bu chi chi... cưa chi chi...
Bu chi chi... cưa chi chi...

Nó nghĩ có lẽ là bụng nó sôi thành tiếng, cứ ngủ cái đã, ngủ đi sẽ quên đói.

Bu chi chi... cưa chi chi...
Bu chi chi... cưa chi chi...

Âm thanh lạ đó cứ kéo dài mãi. Vẹt Khoa La càng nghe càng khó chịu: Nó muốn đi chỗ khác nhưng nó thấy trời đất tối sầm lại. "ồ! Sao ta lại không nhìn thấy gì cả. Ðây hẳn là bụng ta đang gào thét, nó muốn trả thù ta vì đã lâu ta không có gì cho vào bụng".

Lúc đó, Vẹt Khoa La thấy phía trước hình như có một đám mây lớn đang bay lại. Ðợi đám mây đó đến gần Vẹt Khoa La nhìn kỹ hoá ra đám mây là do rất nhiều con vật tạo thành. Ðang buồn bực thì đám con vật kia bay tới, con thì đánh, con thì đạp, con thì đẩy, con thì cắn khiến vẹt ta vừa đau vừa ngứa không thể chịu nổi.

"A! Trời ơi, đó là một đàn châu chấu", Vẹt Khoa La kinh ngạc kêu lên. Ðúng vậy, đàn châu chấu đông đúc bao vây Vẹt Khoa La làm nó lóng ngóng và sợ hãi.

Ðể thoát khỏi vòng vây Vẹt Khoa La buộc phải nhảy từ chỗ nọ sang chỗ khác, từ cành cây này sang cành cây khác. Nhảy mãi nhảy mãi sức nó cạn kiệt rồi "phộp" một tiếng nó rời từ trên cây xuống.

"Liên minh châu chấu" đã nghĩ ra cách đó. Vậy âm thanh lạ Vẹt nghe lúc nãy là gì? Té ra châu chấu có thể vừa đạp vừa bay. Vì tất cả cùng đạp nên những đôi càng răng cưa phát ra tiếng "bu chi chi, cưa chi chi". Chúng muốn dùng cách đó để uy hiếp kẻ thù trước. Lũ châu chấu quả là ghê gớm!

Ðội quân châu chấu thấy vẹt Khoa La nằm bất động tưởng rằng đã chết nên tản đi.
Kỳ thực vẹt Khoa La chỉ ngất đi thôi. Vài giờ sau gió chiều mát mẻ thổi tới làm nó tỉnh lại. Lúc đầu nó vẫn ngỡ là một cơn ác mộng. Bốn bề im ắng, vẹt càng nghĩ càng tủi, hôm nay sao mà xúi quẩy hế không biết. Nó thấy cổ họng khô rát, thèm nước. Nó lê tới một dòng suối cạnh đó uống nước, ánh trăng phản chiếu trên dòng suối láp lánh anh bạc, thật giống một tấm gương.

Vẹt Khoa La soi mình vào dòng nước, nó giật mình và dường như không nhận ra mình nữa, mũi xanh mắt quầng, xấu xí quá!

"Lũ châu chấu thật đáng sợ", vẹt Khoa La tự nhủ, "Nhưng ta chẳng phải có một cái mỏ vừa đẹp vừa linh hoạt sao? Chẳng phải trước đây đã từng mổ châu chấu rất tự nhiên đó sao? Tại sao vừa nãy lại không phát huy tác dụng nhỉ?"

Từ đó trở đi mỗi khi vẹt gặp châu chấu đều không dám mổ. Lúc đói nó kiếm vài cọng cỏ để ăn hoặc mổ những hạt quả mềm ăn nhân.

Lời bàn:

Câu chuyện mách bảo ta điều gì? Kẻ yếu thì phải đoàn kết lại thì mới thắng được kẻ mạnh

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

BA NGÀY NỮA 

Suiwo, đệ tử của Hakuin, là một thiền sư giỏi. Trong một mùa an cư kiết hạ, một đệ tử từ một hòn đảo miền nam Nhật Bản đến thăm.

Suiwo trao cho anh ta một công án: "Hãy nghe âm thanh của một bàn tay."
Người đệ tử ở ba năm nhưng vẫn chưa vượt qua được cuộc trắc nghiệm.

Một đêm đôi mắt đẫm lệ anh tìm đến Suiwo. "Con phải trở về miền nam trong sự xấu hổ và lúng túng," anh ta thưa, "vì con không thể giải đáp được vấn đề của con."

"Hãy đợi thêm một tuần nữa và siêng năng thiền định." Suiwo khuyên. Người đệ tử vẫn không giác ngộ được.

"Hãy cố gắng thêm một tuần nữa," Suiwo nói. Anh đệ tử vâng lời, nhưng vô ích.

"Vậy thêm một tuần nữa." Tuy nhiên vẫn không có hiệu quả. Người đệ tử thất vọng xin được bãi miễn, nhưng Suiwo yêu cầu thêm năm ngày thiền định nữa. Không có kết quả gì.

Rồi ông nói: "Thiền định thêm ba ngày nữa, nếu anh không đạt được giác ngộ thì tốt hơn hết là anh nên tự tử đi."

Đến ngày thứ hai thì người đệ tử giác ngộ.

Điển Hay Tích Lạ - Thấy nhàn luống tưởng thư phong

Thấy nhàn luống tưởng thư phong

Trong "Chinh phụ ngâm", bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm, đoạn diễn tả tình cảm của người chinh phụ trông tin chồng, có câu:
Trải mấy thu, tin đi, tin lại,
Tới xuân này, tin hãy vắng không.
Thấy nhàn, luống tưởng thư phong,
Nghe hơi sương, sắm áo bông sẵn sàng.
"Thấy nhàn" là thấy chim nhạn. Theo nguyên tác bằng Hán văn của Đặng Trần Côn là: "Kiến nhạn uổng nhiên tư tái bạch". "Thấy nhàn" có nghĩa là thư tín, do điển Tô Võ.
Tô Võ tự Tử Khanh, quê ở Mậu Lăng, huyện Hưng Bình, tỉnh Thiểm Tây, người đời Tây Hán (206 trước-196 sau D.L.) làm quan triều vua Nguyên Đế (48-33 trước D.L.). Lúc bấy giờ, giặc Hung Nô xâm lấn Trung Nguyên. Nhà Hán thất bại, vua Hán phải sai Tô Võ làm sứ sang Hung Nô xin giảng hòa. Chúa Hung Nô thấy Tô Võ ứng đối cứng cỏi, lưu loát tỏ ra người có ý chí tài ba lỗi lạc nên ý muốn thu dùng, tìm lời dụ hàng. Không kết quả, nhưng chúa Hung Nô không chán nản, truyền cho Vệ Luật, nguyên là người Hán đầu hàng, lấy tình đồng bang mà dùng lời ngon ngọt khuyên nhủ Tô Võ. Vệ đến nói với Tô Võ:
- Tô quân nếu không nghe lời tất bị giết. Chịu chết như thế phỏng có ích gì. Chi bằng đầu hàng đi, tài hèn như tôi còn được trọng dụng, nếu là bực đại tài như Tô quân tất được phong vương bái tướng, sự đại phú quý hẳn cầm chắc trong tay.
Tô Võ đứng phắt dậy, chỉ mặt Vệ Luật mắng nhiếc:
- Ta không ngờ mày lại vô lương tâm đến thế. Đã muối mặt thờ kẻ thù để cầu vinh, tưởng không còn dám trông ta, ai ngờ mày lại mặt dày mày dạn quá, đến đây khuyên ta đầu hàng. Mày bước ngay đi, chớ nhận ta là người cùng nòi cùng nước nữa. Vì nòi giống Trung Quốc không bao giờ lại có hạng vô sỉ như mày.
Bị sỉ nhục thậm tệ, Vệ Luật đỏ mặt trở về, phục mạng chúa Hung Nô rằng Tô quyết một chết, không chịu đầu hàng và xin đem giết đi. Chúa Hung Nô thâm độc, mỉm cười nói:
- Nó muốn chết thì có khó gì, nhưng khi nào ta cho nó chết ngay đâu. Ta còn phải làm cho nó chịu đủ điều khổ nhục để xem cái gan nó to bằng nào.
Rồi chúa Hung Nô sai giam Tô vào một cái hầm đất tối tăm, hằng ngày chẳng cho ăn uống gì cả.
Thương hại cho Tô Võ, bị giam trong hầm chăn chiếu không có, ngày đêm lại có mưa tuyết, đã đói lại rét, chẳng biết kiếm gì ăn cho no lòng, đành phải lượm những cục tuyết và nhặt những lông áo chiên tạm nhai cho đỡ đói. Đến năm hôm, chúa Hung Nô lại sai người đến dò xem thì thấy Tô vẫn ngồi chẩm hẩm, vẻ mặt như thường.
Lấy làm lạ, chúa Hung Nô hạ lịnh đem Tô Võ lên Bắc Hải là một miền hoang vu, quanh năm giá rét, giao cho một đàn dê đựa, bắt phải chăn nuôi; và ra lịnh nếu bao giờ đàn dê ấy đẻ con thì mới cho về nước.
Biết rõ sự tàn bạo đê hèn của chúa Hung Nô, Tô Võ chỉ mỉm cười.
Nhờ sự luyện tập chịu đựng khổ cực, có lúc đun mình bên lửa nóng, có lúc lại mình trần tắm tuyết, gội mưa ngày còn nhỏ nên Tô Võ xem thường cảnh đọa đày, vất vả. Ở Bắc Hải, ban ngày Tô đuổi đàn dê ra một bãi cỏ cho tự do đi lại kiếm ăn; còn mình thì tìm bắt những chuột đồng và bứt cỏ ăn tạm qua ngày. Tối đến lại dồn đàn dê về trong hầm nằm nghỉ. Ở đây, ngoài đàn dề làm bầu bạn, Tô Võ còn một lá cờ tiết mao của vua giao cho khi đi sứ là biểu hiện của một sứ mạng trọng đại, Tô cầm luôn trong tay, không lúc nào rời. Tháng lụn ngày qua, trải năm này sang năm khác, những lông trên thân lá cờ dần dần trút rụng hết, chỉ còn trơ lại cán không.
Ở sa mạc Bắc Hải lâu năm, một hôm Tô Võ nghĩ được một kế viết thư về Hán báo tin. Tô viết nhiều bức thư vào mảnh lụa áo, rồi buộc vào chân chim nhạn mà Tô bắt được, thả cho chim nhạn bay đi.
Về mùa đông, chim nhạn ở Bắc Hải đổ về Trung Nguyên, bay vào vườn Thượng Lâm của nhà vua làm ổ. Vua Hán bắt được, mở thư ra xem mới biết Tô Võ còn sống ở một chỗ cực kỳ khổ cực, lấy làm mủi lòng, thương xót vô cùng. Mãi đến 19 năm, bấy giờ Hung Nô yếu thế, thất bại, xin hòa. Chúa Hung Nô nói dối là Tô Võ đã bị bịnh chết từ lâu, nhưng vua Hán đưa thủ thư của Tô Võ, bấy giờ chúa Hung Nô không dám giam cầm nữa, đành sai một đạo quân hộ tống đến biên cảnh, cho về nước.
Trong truyện "Song phụng kỳ duyên" lúc Chiêu Quân cống Hồ đến Nhạn Môn Quan, nàng cũng xé vạt áo lụa, cắn móng tay viết thư buộc vào chân chim nhạn để gởi về vua Hán.
Bởi điển này, sau dùng "tin nhạn", "tin hồng", đều chỉ tin tức. Dùng chữ "tái bạch" là lụa ngoài ải, tức áo lụa của Tô Võ xé để viết thư.
Để nhắc lại gương oanh liệt, khẳng khái và khí tiết của Tô Võ, đồ sứ của Tàu thường vẽ hình một người tay cầm cờ tiết mao, chăn bầy dê giữa một chốn hoang vu cực kỳ buồn thảm, có đề 4 chữ "Tô Võ mục dương" (Tô Võ chăn dê).
Truyện Tàu chép: khi Tô Võ sống ở Bắc Hải có kết duyên chồng vợ với một con vượn người. Con vượn này rất yêu quý Tô Võ, hằng ngày đi tìm thực phẩm về nuôi Tô Võ. Khi được chúa Hung Nô cho về nước, Tô Võ ra đi nhưng lòng còn chua xót thương cảm mối tình xưa.
Bà Ngô Chi Lan, người đời Lê Thánh Tông (1460-1497), có tài văn chương, làm bài thơ nhan đề "Tô Võ từ Hồ phụ":
Ngập ngừng bưng chén ly bôi,
Nghĩ mình muôn dặm, thương người năm canh.
Nhớ duyên kỳ ngộ ba sinh,
Trăm năm xin gởi chút tình tại đây.
Ngọn sứ tiết lung lay chín bệ,
Nặng chữ trung nên nhẹ chữ tình riêng.
Ngỡ ngàng khi quảy gánh buộc yên,
Rượu một chén, lụy đôi hàng lã chã.
Trách ông Tơ, bà Nguyệt sao khuấy khỏa,
Đem duyên em mà vấn chạ Xích Thằng,
Phỏng xưa kia vương lấy chàng Lăng,
Tìm xum hiệp chiếu chăn càng mãi mãi.
Hay là cá nước chẳng ưa màu phấn đại?
Đem duyên em mà buộc lại chàng Tô.
Xui nên kẻ Hán người Hồ,
Lạnh lẽo đem thu màn phỉ thúy.
Có câu rằng:
Đỗ Quyên đề đoạn vân thiên lý,
Ô Thước sào hàng nguyệt nhứt chi.
Dứt nhân duyên mà để lại biên thùy,
Cho nặng gánh chung tình ra thế thế.
Dầu Hồ lễ có cam lời hải thệ,
Tội thông thiên biết để cho ai.
Còn non, còn nước, còn dài.
Ôn Đình Quân, một thi hào đời nhà Đường khi qua miếu của Tô Võ có cảm đề:
Tô Võ hồn tiêu Hán sứ tiền,
Cổ từ cao thụ lưỡng man nhiên.
Vân biên nhạn đoạn Hồ thiên nguyệt,
Lũng thượng dương quý tái thảo yên.
Hồi nhật lâu đài phi giáp trướng,
Khứ thời thư kiếm thị đinh niên.
Mậu Lăng bất kiến phong hầu ấn?
Không hướng thu ba khốc thệ xuyên.
Nghĩa: (Bản dịch của Tô Nam)
Hán sứ nghe tin bỗng hết hồn,
Cây cao miếu cũ bóng hoàng hôn.
Chân mây nhạn vắng trăng hồ nhạt,
Sườn núi dê về khói ải tuôn.
Trở lại lâu đài nguyên nếp cổ,
Ra đi thư kiếm buổi xuân còn.
Mậu Lăng sao chẳng phong hầu nhỉ?
Trông loáng thua ba khóc nước nguồn.
Trong tác phẩm "Cung oán ngâm khúc" của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều cũng có câu:
Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng.
Đêm năm canh lắng tiếng chiêng rền.
"Nhạn vắng" cũng do điển cố trên.

Chuyện cười trong ngày

LỢI ÍCH CỦA VODKA

Một cảnh sát giao thông chặn chiếc xe chở 3 người và kiểm tra nồng độ cồn trong máu tài xế. Kết quả: Vượt mức cho phép.

- Máy thử này hỏng rồi – Gã tài xế gào lên – Vợ tôi chả uống tí rượu nào. Thử kiểm tra cô ấy xem.

Viên cảnh sát đồng ý, nhưng kết quả tương tự.

- Thấy chưa? Rõ ràng nó đã hỏng!

- Không, vợ anh chắc chắn cũng uống rượu. – Viên cảnh sát đáp lại.

- Vậy thì kiểm tra thằng con trai tôi đi. Chắc chắn là trẻ con không uống rượu.

Cặp vợ chồng đánh thức thằng bé dậy để anh chàng cảnh sát kiểm tra. Một lần nữa cái máy lại chỉ ra nồng độ cồn trong máu đứa bé vượt mức cho phép.

- Thấy chưa? Máy hỏng ! – Gã chồng đắc thắng.

Viên cảnh sát rối rít xin lỗi cặp vợ chồng và để cho họ đi. Gã chồng sướng quá quay sang bà vợ:

- Thế mà cứ toáng lên là đừng cho trẻ con uống Vodka. Đấy, cứ kêu là không có lợi gì đi!

Wednesday, June 28, 2017

Ngày 28-6-2017 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Bức tranh đẹp nhất

Bức tranh đẹp nhất

Một họa sĩ suốt đời mơ ước một bức tranh ĐẸP NHẤT TRẦN GIAN. Ông đến hỏi vị giáo sư để biết điều gì đẹp nhất. Vị giáo sư trả lời: "Tôi nghĩ điều đẹp nhất trần gian là NIỀM TIN, vì niềm tin nâng cao giá trị con người.".
Người họa sĩ cũng đặt câu hỏi tương tự với một cô gái và được trả lời: "TÌNH YÊU" là điều đẹp nhất trần gian, bởi tình yêu làm cho cay đắng trở nên ngọt ngào, mang đến nụ cười cho kẻ đang than khóc, làm cho điều bé nhỏ trở nên cao quý, cuộc sống sẽ nhàm chán biết bao nếu không có tình yêu" 

Cuối cùng, người họa sĩ gặp một người lính mới trở về từ mặt trận, khi được hỏi, người lính trả lời: "HÒA BÌNH là cái đẹp nhất trần gian, ở đâu có hòa bình, ở đó có cái đẹp." 

Khi trở về nhà, người họa sĩ nhận ra NIỀM TIN trong ánh mắt các con, TÌNH YÊU trong cái hôn của người vợ. Chính những điều đó khiến tâm hồn ông ngập tràn HẠNH PHÚC và BÌNH AN. Bây giờ thì ông đã hiểu thế nào là điều đẹp nhất trần gian. Sau khi tác phẩm của mình hoàn thành, người họa sĩ đặt tên cho bức tranh của mình là: "GIA ĐÌNH" 

Thật vậy, gia đình là nơi đầy ấp tiếng cười của trẻ thơ, tiếng hát của người mẹ và sức mạnh của người cha. Nơi đó có hơi ấm của những con tim biết yêu, là ánh sáng của đôi mắt tràn đầy hạnh phúc, là sự ân cần, là lòng chung thủy. Gia đình là ngôi thánh đường đầu tiên cho tuổi thơ học những điều hay lẽ phải, niềm tin và lý tưởng sống. 

- Đó là nơi chúng ta tìm về để được an ủi, nâng đỡ 

- Đó là nơi những món ăn đơn sơ cũng trở thành mỹ vị 

- Đó là nơi tiền bạc không quí bằng tình yêu 

- Đó là nơi ngay cả nước sôi cũng reo lên niềm vui và hạnh phúc.


Nguồn http://truyenhay.vn/buc-tranh-dep-nhat.html#ixzz4kTtfs87P 
Bài viết từ : TruyenHay.Vn - Website đọc truyện hay online 

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

ĐÀN KIẾN ĐỀN ƠN

Trong khu rừng nọ, một đàn kiến sa vào vũng nước. Ở trên cành cây gần bên, có một chú chim nhỏ vừa ra khỏi tổ, thấy động lòng thương, chú bay vụt ra nhặt mấy cọng rác thả xuống làm cầu cho đàn kiến đi qua.

Ngày tháng trôi qua, chú chim ấy cũng không còn nhớ đến đàn kiến nọ. Loài chim nhỏ này rất thích làm tổ trên cành sơn trà bởi vì cành cây tua tủa những gai nhọn hoắt. Sơn trà dùng gai làm vũ khí chống kẻ thù và khi ấy sơn trà che chở luôn cho cả tổ chim.

Mèo, quạ to xác nhưng khó mà len lỏi vào giữa những mũi gai sắc nhọn để đến được gần tổ chim. Nhưng một hôm con mèo rừng xám bất chấp gai góc cứ tìm cách lần mò tới gần tổ chim nọ. Bỗng từ đâu có một đàn kiến dày đặc đã nhanh chóng tản đội hình ra khắp cành sơn trà nơi có tổ chim đang ở...

Mèo rừng hốt hoảng bỏ chạy ngay bởi nó nhớ có lần kiến lọt vào tai đốt đau nhói.

Đàn kiến bị sa vào vũng nước ngày ấy đã không quên ơn chú chim đã làm cầu cứu thoát mình khỏi vũng nước.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

PHÉP LẠ NHỎ BÉ 

Trong lúc Bankei thuyết pháp yên ổn cho những đệ tử của mình, buổi thuyết pháp của ông gián đoạn bởi một tu sĩ Shinshu người tin vào phép lạ và sự cứu vớt linh hồn qua việc chú niệm lời thánh. Bankei không thể tiếp tục bài pháp của mình, ông hỏi vị tu sĩ là ông ta muốn nói điều gì.

Vị tu sĩ khoe "vị sáng chủ của đạo giáo chúng tôi, đứng bên một bờ của một giòng sông với cây bút lông trên tay ngài. Người đệ tử của ngài đứng bên bờ ở phía bên kia dơ một tờ giấy. Và vị sáng chủ đã viết chữ A Di Đà lên tờ giấy bên kia bờ sông xuyên qua không gian! Ông có thể làm được một việc thần diệu như vậy không?"

"Không," Bankei trả lời, "Ta chỉ có thể làm một việc thần diệu nhỏ nhoi. Giống như; Khi ta đói, ta ăn. Khi ta khát, tôi uống. Khi ta bị xúc phạm, ta tha thứ." 

Điển Hay Tích Lạ

Tiễn tại huyền thượng

Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Thái bình ngự lãm".

Thời Tam quốc, Viên Thiệu trong đám quân phiệt phương bắc với dã tâm to lớn, khi thấy Tào Tháo đang nổi lên sẽ trở thành mối uy hiếp lớn đối với mình, bèn chĩa mũi nhọn vào Tào Tháo.

Bấy giờ, dưới trướng của Viên Thiệu có một viên thư ký tên là Trần Lâm, đã soạn thảo một bài hịch cho Viên Thiệu, hô hào các nơi cùng tiến đánh Tào Tháo, hịch văn lời lẽ đanh thép, đã phanh phui hết mọi tội danh của Tào Tháo, thậm trí còn lôi tổ tiên ba đời của Tào Tháo ra chửi mắng thậm tệ, phần cuối bài hịch còn hô hào các Châu Huyện cùng khởi binh chinh phạt Tào Tháo.

Lúc này, Táo Tháo đang bị bệnh nhức đầu khá nặng. Một hôm, khi Tào Tháo đang trong cơn đau thì tùy tùng đem hịch văn vào trình báo. Mặc dù lời hịch khiến Tào Tháo vô cùng tức giận, nhưng cách hành văn tuyệt diệu cũng khiến Tào Tháo không thể không công nhận tài viết lách của Trần Lâm.

Tào Tháo càng đọc càng hứng thú nên cơn nhức đầu đã tan biến. Nhưng sực nghĩ lại tỏ ra tiếc thay cho Trần Lâm, một người có tài như vậy lại đi theo Viên Thiệu.

Nhưng cuối cùng thì Tào Tháo cũng đánh bại Viên Thiệu, Trần Lâm buộc phải quy hàng và làm việc cho Tào Tháo.

Một hôm, Tào Tháo trách Trần Lâm rằng: "Ông viết hịch chửi tôi đã đành, nhưng đằng này ông lại lôi ông tổ ba đời tôi ra chửi bới là cớ làm sao?". Trần Lâm thưa rằng: "Tình hình lúc bấy giờ có khác nào tên đã nạp trên dây cung, tôi không thể không bắn nó ra".

Tào Tháo nghe có lý, không những không bắt tội Trần Lâm, mà còn phong ông làm Tư Không tham mưu tế tửu.

Hiện nay, người ta vẫn dùng câu thành ngữ "Tiễn tại huyền thượng" để ví với sự việc đã đến lúc không thể không làm, hoặc lời nói đã tới lúc không thể không nói ra.

Chuyện cười trong ngày

Ngậm đắng nuốt cay

Bị vợ con suốt ngày chửi là đồ say xỉn. Một hôm chồng đi làm về mang theo một chai rượu, đặt ở bàn và nói:

Bố mua về cho hai mẹ con uống thử đó.

Vừa nói người chồng rót ra 3 ly và bảo:

- Nào, hai mẹ con cạn ly nhé!

Hai mẹ con vừa nhắm mắt uống vừa kêu:

- Sao cay và đắng thế?

Chồng uống xong ly rượu vừa nói:

- Đấy, mẹ con mày thấy bố khổ sở chưa ,“đắng cay” bố phải chịu đựng một mình suốt bao nhiêu năm nay mà đâu dám kêu gì đâu.

Ông lại rót rượu ra ly và uống hết cả chai.

Tuesday, June 27, 2017

Ngày 27-6-2017 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Bí mật được giữ kín

BÍ MẬT ĐƯỢC GIỮ KÍN

- Đáng lẽ ra anh phải nói với con là không mang đủ tiền cho con uống nước ngọt chứ. Brian sẽ hiểu thôi. Nhà mình chẳng dư dả gì và anh cần phải ăn trưa nữa!

Tôi nhìn qua cửa sổ, thấy bố - vẫn như mọi khi - chỉ nhún vai im lặng.

***

Mỗi lần bước vào trạm cứu hỏa, nhìn những động cơ màu đỏ nhuộm dạ quang vàng, những chiếc vòi phun nước, những đôi ủng cao su cỡ lớn và mũ bảo hiểm... là tôi lại nhớ về thời thơ ấu cùng người bố kính yêu của mình. Bố tôi đã làm việc suốt ba mươi lăm năm trong vai trò tổ trưởng tổ bảo dưỡng các dụng cụ cứu hỏa.
Ngày ấy, bố thường dẫn tôi và anh Jay đến trạm cứu hỏa chơi. Ở góc trạm cứu hỏa có một chiếc máy tự động chứa những chai Coca-Cola loại 300 ml giá một hào. Mỗi khi được theo bố đến trạm cứu hỏa, anh em tôi thích nhất là việc được mua nước ở cái máy bán hàng tự động đó.

Năm lên mười tuổi, một lần, tôi dẫn hai đứa bạn đến trạm cứu hỏa chơi. Hôm đó, trước bữa trưa, tôi đã hỏi xin bố mua ba chai Coca-Cola để đãi các bạn. Dù thoáng chút lưỡng lự nhưng cuối cùng bố cũng đồng ý và đưa cho tôi ba hào. Chúng tôi lao đến cái máy bán nước để lấy chai Coca-Cola và xem nắp chai của đứa nào sẽ có một ngôi sao lấp lánh ở trong.

Đúng là một ngày may mắn! Nắp chai của tôi có một ngôi sao. Tôi cực kỳ muốn đổi mười nắp chai có hình ngôi sao để lấy cái mũ Davy Crockett, mà lúc bấy giờ tôi đã sưu tập được bảy chiếc.

Sau đó chúng tôi cảm ơn bố rồi về nhà ăn trưa để buổi chiều còn đi bơi.

Đi bơi về, tôi nghe thấy bố mẹ đang nói chuyện ở trong nhà. Mẹ có vẻ không hài lòng về bố. Tôi còn nghe mẹ nhắc đến tên mình.

- Đáng lẽ ra anh phải nói với con là không mang đủ tiền cho con uống nước ngọt chứ. Brian sẽ hiểu thôi. Nhà mình chẳng dư dả gì và anh cần phải ăn trưa nữa!

Tôi nhìn qua cửa sổ, thấy bố - vẫn như mọi khi - chỉ nhún vai im lặng.

Sợ bố mẹ bát gặp mình đang nghe lén, tôi nhẹ nhàng đi về phía cầu thang rồi lên căn phòng mà năm anh em chúng tôi vẫn ngủ chung.

Khi lấy từ trong túi cái nắp chai trúng thưởng để bỏ chung nó vào với bảy cái còn lại, tôi nhận ra bố đã hy sinh cho mình nhiều đến thế nào. Tối hôm đó, tôi tự hứa với lòng: "Một ngày nào đó, nhất định con sẽ nói với bố ràng con biết sự hy sinh thầm lặng của bố trong ngày hôm nay, cũng như rất nhiều ngày khác. Và con sẽ không bao giờ quên ơn bố".
Suốt hai mươi năm, bố làm việc cật lực để nuôi sống cả gia đình. Ở tuổi năm mươi, bố lên cơn đau tim đột ngột và sau đó, ông phải nhờ đến máy trợ tim.

Một hôm, chiếc xe cũ kỹ của bố bị chết máy. Bố gọi điện nhờ tôi đưa đi tái khám theo lịch hẹn. Khi đến trạm cứu hỏa để đón bố, tôi thấy bố cùng mấy chú đồng nghiệp đang đứng ngoài sân ngắm một chiếc xe tải nhỏ. Khi hai bố con đang trầm trồ khen ngợi nó, tôi nghe thấy bố nói:

- Rồi một ngày bố sẽ mua một chiếc thế này!

Cả hai bố con cùng cười lớn. Xưa nay, bố vẫn luôn nói về những ước mơ không bao giờ đạt được của ông theo cách đó. Bồng dưng tôi thấy sống mũi của mình cay cay. Công việc làm ăn của anh em tôi tiến triển khá tốt nên tôi đã đề nghị mua tặng bố chiếc xe tải đó. Thế nhưng, bố từ chối và nói:

- Nếu bố không tự mình mua được nó thì bố có cảm giác nó không phải của bố.

Hôm đó, lúc rời khỏi phòng khám, tôi thấy gương mặt bố nhợt nhạt. Nhưng bố chỉ nhẹ nhàng nói với tôi:

- Về thôi con.

Hai bố con tôi ra về trong im lặng. Tôi chọn con đường đi ngang qua trạm cứu hỏa ữở về nhà. Bố nhìn hai bên đường rồi kể cho tôi nghe những kỷ niệm nơi mình vừa chạy ngang qua.

Tôi biết có thể bố sắp sửa đi xa.

Bố nhìn tôi, gật đầu.

Lần đầu tiên sau mười lăm năm, hai bố con tôi dừng lại ở quán kem Cabot và cùng ăn kem ốc quế. Bố nói về ngày bố ra đi, về niềm tin mà ông đặt nơi anh em chúng tôi. Bố bảo ràng bố không sợ chết mà chỉ sợ phải xa mẹ. Bố lo mẹ sẽ cô đơn trong những tháng ngày còn lại. Tôi nghẹn ngào trước tình yêu bố dành cho mẹ.

Bố bắt tôi không được nói với bất kỳ ai về cái chết đang lơ lửng trên đầu bố. Tôi đồng ý, dù biết rằng đó là bí mật khó khăn nhất mà tôi phải giữ kín trong đời.
Một ngày nọ, tôi bảo với bố rằng vợ chồng tôi đang tìm mua một chiếc xe tải. Tôi nhờ bố đi chọn giúp để tôi có thể mua được chiếc tốt nhất.

Hai bố con đến các phòng trưng bày xe tải trong thành phố. Trong lúc đang hỏi chuyện người bán hàng, tôi để ý thấy bố chăm chú nhìn vào một chiếc xe tải hạng nhẹ màu nâu. Bố nhẹ nhàng vuốt ve chiếc xe như cách các nhà điêu khắc đang kiểm tra tác phẩm của mình vậy.

Tôi đề nghị người bán cho bố lái thử chiếc xe tải màu nâu ra ngoài. Bố lái xe xuống đường số 27 và mười phút sau, ông trở lại, miệng không ngớt khen ngợi chiếc xe.
Sau đó, chúng tôi đề nghị chạy thử một chiếc xe tải màu xanh lớn hơn để so sánh hai chiếc với nhau.

Vài hôm sau, tôi rủ bố đi đến hãng lấy chiếc xe tải màu xanh về cùng tôi. Ngay lập tức, bố đồng ý đến đó gặp "chiếc xe tải màu nâu của bố" lần cuối - theo như bố vẫn gọi nó từ hôm trở về nhà.

Khi đi ngang qua khu vực trưng bày, chúng tôi nhìn thấy chiếc xe tải màu xanh dán miếng giấy nhỏ, trên đó ghi: "Đã bán". Kế bên nó, chiếc xe màu nâu cũng dán một mảnh giấy tương tự.

Tôi liếc nhìn bố và thấy sự thất vọng hiện rõ trên gương mặt bố. Bố nói:

- Ai đó đã mua mất chiếc xe đẹp này rồi.

Tôi chỉ gật đầu và nói với bố:

- Bố vào trước bố nhé. Con ra ngoài một lát, nhưng con sẽ tới ngay thôi!

Khi bước ngang qua chiếc xe màu nâu, bố đưa tay vuốt ve nó và tôi có thể thấy rõ nỗi thất vọng cùng sự luyến tiếc của bố.

Tôi bước ra bên ngoài, và chờ đợi. Qua cửa sổ, tôi thấy người bán hàng mời bố ngồi, giao bộ chìa khóa chiếc xe màu nâu cho bố. Đó chính là món quà tôi tặng bố.

Bố nhìn ra ngoài, nhìn thấy tôi đang bước vào. Đôi mát chúng tôi gặp nhau và cả hai cha con cùng gật đầu, cười lớn.

Tôi ngồi đợi bên ngoài văn phòng khi bố tôi chạy thử xe thêm lần nữa. Lúc bố bước ra khỏi chiếc xe, tôi bước đến ôm bố thật chặt.

Tối hôm đó, hai bố con tôi cùng nhau đi dạo trên con đường nhỏ dẫn về nhà. Bố bảo rằng bố không hiểu vì sao tôi cứ nhất định mua tặng bố chiếc xe tải màu nâu đó.

Tôi mỉm cười, thấy món quà của mình quá nhỏ bé so với chiếc nắp chai Coca có ngôi sao chính giữa ngày xưa!

Brian Keefe

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

TÌNH BẠN CỦA RÁI CÁ

Tuyết rơi liên miên nhiều ngày đêm trong tháng Giấc ngủ lớn. Một cơn bão khủng khiếp có gió cực mạnh như ngựa lồng khắp cả nước, xoá đi tất cả dấu chân của các con vật chạy bão ẩn núp vào các hang hốc.

Cái đói – người khách không được nghênh tiếp – hoan hỉ bám riết những căn nhà buộc người da đỏ phải xông vào bão tố để kiếm cái ăn. Nhưng họ thường về tay không, mệt nhọc bao nhiêu mà không tìm nổi vết chân thú trong tuyết.
Tiếng tru của những con sói đói vượt lên trên tiếng gió gào nghe rợn người, nhưng cái làm người ta sợ nhất là tiếng khóc của những đứa trẻ đang chết dần vì đói.

Lúc đó, Pháp sư Dadahwat của bộ lạc cầu khẩn túi thần. Pháp sư nói với những thợ săn đến tụ hội : "Túi này có phép thần thông. Chỉ cần sờ vào túi là túi sẽ đưa đến cho anh con vật mà anh muốn săn được. Nhưng khi mổ thịt con mồi, không được ăn quả tim nó vì ăn thế thì, nếu không thì túi thần sẽ mất thiêng".

Tù trưởng của bộ lạc là người đầu tiên sờ vào túi cầu giết được gấu. Những thợ săn khác cũng làm theo ông. Người cuối cùng trẻ nhất là Skagedi cầu hạ được con mèo rừng.

Ðêm xuống buốt lạnh. Bão như muốn giật tung các bức tường nhà. Những đám mây nặng đem theo tuyết vần vụ trên nền trời thấp. Gió đệm theo điệu vũ của nó những giai điệu dữ dằn hoà tấu trên các ngọn cây.

Mọi người ngủ cả, trừ Skagedi. Không chịu nổi những vò xé của cơn đói, anh nhỏm dậy dù lúc ấy đang đêm. Anh lần bước theo con đường vào rừng, dựa vào trí nhớ mà đi. Hy vọng rằng trời hửng sáng sẽ soi cho anh thấy vết chân con mèo rừng chưa bị gió và tuyết xoá sạch.

Skagedi rất đỗi kinh ngạc khi nhận ra được con mèo rừng giữa đêm tối dày đặc. Con dã thú quặp trong chân nó hai con rái cá non còn sống. Nghe thấy tiếng chân của Skagedi, rái cá ngẩng đầu lên nhìn, dưới ánh sao, Skagedi đọc được trong mắt nó lời van xin khiến anh nao lòng.

Chỉ một phát tên, Skagedi giết gọn con mèo rừng và cứu được hai con rái cá bé nhỏ, chúng lẳng lặng chạy đi ngay làm Skagedi rất vui và trong phút giây anh hầu như quên đói. Nhưng chúng vừa mất hút, cái đói lại nổi lên cồn cào ruột anh như xoắn lại. Chẳng chút nghĩ ngợi, bằng một nhát dao găm, anh phanh bụng con mèo rừng móc lấy quả tim còn nóng ăn sốt sột như thói quen. Anh đã quên bẵng điều mà pháp sư đã dặn : cấm ăn tim con mồi. Chỉ lát sau nhớ lại lời dặn ấy, anh tự nhủ chẳng ai nhìn thấy anh đã phạm tội ấy. Anh về nhà nằm dài và ngủ giấc ngủ của người ngay thẳng.Trong lúc đó, những người khác trong làng cũng đi săn. Chao ôi ! Phép thiêng của túi thần đã mất rồi. Con gấu đang đứng trước tầm bắn của tù trưởng đã tránh được mũi tên, những người thợ săn khác cũng không bắn được con mồi nào. "Có cái gì trục trặc đây", họ nghĩ thế và trở về làng để hỏi pháp sư. Pháp sư đoán rằng có kẻ đã phạm điều cấm. Không cần tìm thủ phạm ở đâu xa : xác con mèo rừng chưa bị lột da nằm trước nhà Skagedi. Lật lại con vật, pháp sư thấy rằng tim nó đã bị móc mất.

Dadahwat giận dữ tuyên bố trước các thợ săn : Skagedi sẽ bị trừng phạt vì đã làm mất phép thiêng của túi thần, cái túi mà tất cả phù thủy ở xứ người da đỏ đều thèm muốn vì có uy lực từ chính Thượng đế ban cho. Lập tức, pháp sư truyền đọc lời phán xét, mọi người cùng nghe trong im lặng :

"Tất cả chung ta rời bỏ vùng này đến ngụ tại nơi có thừa thãi con mồi để săn bắt. Còn Skagedi, chúng ta để hắn ở đây một mình vì hắn đã phạm luật bằng hữu".

Hình phạt thật nghiêm khắc, nhưng Skagedi tuân theo không một lời kêu ca như một con người chân chính. Không một thợ săn nào lên tiếng bênh vực cho anh, không một phụ nữ nào nhìn anh bằng cặp mắt thông cảm. Chỉ có cô gái Wia nhỏ nhắn không nói gì, nhìn anh ta, đôi mắt cô đẫm lệ, nước mắt chảy dài trên má.

Mọi người đã ra đi, chỉ một mình Skagedi ở lại. Nằm trong lều, anh miên man suy nghĩ, người run lên vì rét và buồn. Ngọn lửa mà anh nhóm lên không đủ sưởi ấm. Bất chợt, anh cảm thấy có tiếng chân đang bước. Ðúng rồi, có ai đến. Anh đứng dậy nhìn ra ngoài, không thấy một bóng người. Nhưng xen giữa tiếng rú rít của bão tuyết, rõ ràng anh nghe thấy một tiếng nói dịu dàng :

"Skagedi ! Skagedi ! Cách lều anh không xa có một hang động trong đó đang ẩn náu một con gấu. Anh đến giết nó thì sẽ được cứu sống".

Sáng sớm, gió đã dịu, Skagedi ra khỏi lều và tìm thấy dễ dàng cái hang động có con gấu đang ngủ say. Một phát tên của Skagedi đưa con gấu đến Xử Ngủ vĩnh viễn.
Con mồi được xẻ ra thế là anh đã có thịt xông khói và bộ lông chống rét. Anh làm việc suốt ngày khá mệt, nhưng đến tối vẫn không ngủ được. Anh luôn nghĩ đến người lạ nào đã cứu anh. Ai? Ai?

Nửa đêm, trong giấc ngủ chập chờn nửa tỉnh nửa mê, Skagedi lại nghe thấy tiếng nói quen thuộc.

"Skagedi ! Skagedi ! Wia sắp đến. Hãy bảo cô kêu gọi mọi người trở về làng và bảo cô xin pháp sư đừng giận nữa vì anh biết trả lại phép thiêng cho túi thần".

Skagedi nhảy vọt ra ngoài. Không một ai. Vẫn chỉ là đêm tối. Trên cao, mặc giá buốt, lấp lánh những ngôi sao yên ả.

Quả thật hôm sau, Wia tìm đến. Cô rất vui khi nhìn thấy anh còn sống và càng mừng hơn khi người yêu của cô cho biết anh có thể đem trở lại phép thiêng cho túi thần. Nhưng Skagedi không nhắc gì đến tiếng người lạ vẫn nói với anh.

Wia đi khỏi. Anh làm việc như hôm trước và buổi tối, nằm bên lửa chỉ mong đến đêm lại nghe thấy tiếng nói kia. Anh lại nghe thấy nó.

"Skagedi ! Skagedi ! Khi pháp sư trở về với cái túi, anh hãy cầm lấy trong bàn tay sạch. Hãy hỏi mỗi người thích con mồi nào rồi mở túi ra. Anh sẽ thấy nhảy ra con gấu lớn, con hươu nhẹ chân, con thỏ rừng trắng, tóm lại bất cứ con vật nào mà các anh em muốn. Về phần anh, đừng cầu xin gì. Mọi người được thỏa mãn rồi, anh hãy cầm lấy cái còn lại trong túi và sẽ đem cái đó đến cho tôi ở nhà tôi. Tôi không nói nhà ở đâu, nhưng nếu anh làm đúng lời tôi chỉ dẫn thì anh sẽ thấy nhà".

Hai hôm sau, những người da đỏ trở về làng. Pháp sư được cô gái báo cho lời thỉnh cầu của Skagedi đã đưa cái túi cho anh :

– Này đây, anh hãy chứng minh rằng anh làm được như lời anh đã hứa – Pháp sư vừa nói vừa nhìn anh bằng con mắt dò xét.

Hai tay Skagedi đón lấy cái túi, vẻ rất tự tin. Trước tiên, anh hỏi tù trưởng bộ lạc muốn bắt con mồi nào. Tù trưởng vừa trả lời "con gầu" thì một con gấu lừ đừ bước ra khỏi túi.

Quay lại người con cả của tù trưởng, Skagedi hỏi : "Còn anh". Người con cả đáp "con hươu" thì một con hươu nhảy rất nhẹ từ trong túi ra và nằm dưới chân anh ta.
Lần lượt từng người thợ săn ngỏ ý muốn của mình. Skagedi luôn tay mở túi và đóng túi. Mọi người đều vui lòng vì được đúng con mồi như ý. Cuối cùng, bàn tay của Skagedi chạm phải một vật mềm, có lông ở đáy túi. Rút tay ra, anh nhìn thấy một cặp chân rái cá liền bỏ luôn vào trong túi áo. Và xỏ chân vào đôi dưpa da mới tinh, anh hối hả đi tìm ngay ân nhân đã cứu giúp mình.

Anh chưa biết đi về hướng nào thì đôi dưpa đưa anh đi đúng hướng.

Ðến bìa rừng, anh đứng trước một cái lều mà trước đây anh chưa hề thấy ở nơi ấy. Ðoán rắng đó là nhà ở của ân nhân, anh bước vào: Không người.

Trên nền đất, một đống cá. Phảng phất mùi rái cá. Skagedi đặt đôi chân rái cá ở giữa lều và vội vàng đi ra ngay. Anh mới ra được mấy bước thì một tiếng nói quen thuộc giữ anh lại:
– Skagedi! Skagedi!
Anh quay lại . Một cái hồ chợt hiện ra ở chỗ trước đây là cái lều. Tiếng nói quen thuộc cất lên:

– Skagedi! Cảm ơn anh đã cứu hai con tôi khỏi nanh vuốt con mèo rừng. Bởi vậy, từ nay túi thần không bao giờ mất thiêng. Cặp chân mà anh đem lại chính là của tôi... của tôi...của tôi...của tôi. – Tiếng vang nhắc lại – Nhưng anh nên nhớ rằng: Không một thợ săn nào được giăng bẫy bắt rái cá. Nếu không làm đúng thế thì anh sẽ mất tình bạn của tôi.

Skagedi còn nghe thấy một tiếng " búp" rồi im lặng. Trên mặt hồ có những vòng tròn loang rộng dần. Mặt hồ lại phẳng lặng như mảnh gương đúng lúc Wia hớn hở đi đến gặp anh.
– Wia! Wia! – Skagedi reo lên, chạy tới đón cô. Anh kể với Wia tất cả câu chuyện mà sau này anh còn nhắc lại với ai muốn biết. Từ đó, không bao giờ bộ lạc ấy phải đói. Những con người màu da đồng sống mãi trong tình thân hữu với rái cá và cái túi giàu có chẳng lúc nào rỗng không.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

TRONG TAY CỦA ANH 

Một thanh niên trẻ bắt được con chim nhỏ, và dấu nó đằng sau lưng của anh ta. Và rồi anh hỏi,

"Thưa Ngài, con chim mà con giữ trong tay con thì sống hay chết."

Người thanh niên trẻ nghĩ rằng đây là một cơ hội quan trọng để chơi trò tinh nghịch với vị trưởng lão. Nếu vị thiền sư trả lời là "chết", con chim sẽ được thả bay đi. Nếu vị thiền sư trả lời "sống", thì anh ta sẽ bẻ gãy cổ con chim.

Vị thiền sư nói, "Câu trả lời ở trong tay của anh".

Cổ Học Tinh Hoa - Hay dở đều do mình

Hay dở đều do mình cả

Kẻ có quốc gia mà đã bất nhân thì tâm thần mê muội, công việc đảo điên, không còn biết phải trái là gì nữa, nguy cũng mặc, tai cũng mặc, đến mất đứt cũng mặc. Kịp khi đã bại hoại, diệt vong rồi thì lại đổ cho mệnh giời, quy tội cho người, có biết đâu là tự chính mình gây nên mối hoạ cho mình cả.

Người làm quận trưởng một quốc gia nếu mà bất nhân thì không thể nào nói phải với họ được nữa! Quốc gia suy yếu, ngoại biến đến nơi, họ vẫn cho là yên; thiên tai nhân họa xảy ra luôn luôn, họ không biết là hại; xa xỉ ăn chơi, bạo ngược tàn ác đi đến con đường diệt vong, họ vẫn lấy làm vui sướng. Hạng bất nhân ấy, nếu còn phải được với họ thì đã chả đến nỗi có những chuyện mất nước tan nhà!

Ngày trước có đứa trẻ hát câu:

“Thương Lang chi thuỷ thanh hề, khả dĩ trạc ngã anh.

Thương Lang chi thuỷ trọ hề, khả dĩ trạc ngã túc”.

Nghĩa là: Nước sông Thương Lang nếu mà trong thì ta dùng để giặt giải mũ ta. Nước sông Thương Lang nếu mà đục, thì ta dùng để rửa chân ta.

Khổng Tử nghe thấy, bảo học trò rằng:

- Chúng con nghe đấy: Nước trong thì tự khắc người ta mới giặt giải mũ, đục thì tự khắc người ta chỉ để rửa chân. Đó đều là do nước tự thủ(1) cả.

Ôi! Việc thiên hạ cái gì mà chẳng do tự thủ! Người ta tất tự khinh(2) mình trước, rồi người ngoài mới khinh sau; nhà mình tất tự huỷ(3) nhà mình trước, rồi người ngoài mới huỷ sau; nước mình tất tự phạt(4) nước mình trước, rồi người ngoài mới phạt sau.

Cũng tức như câu ở thiên Thái Giáp(5): “Thiên tác nghiệt, bất khả vị. Tự tác nghiệt bất khả hoạt”. Nghĩa là giời làm tai vạ còn tu tỉnh để mà tránh được, nếu mình gây ra tai vạ thì mình làm mình chịu, chẳng có thể trốn tránh mà thoát chết được.

Mạnh Tử

Lời bàn:

Kẻ có quốc gia mà đã bất nhân thì tâm thần mê muội, công việc đảo điên, không còn biết phải trái là gì nữa, nguy cũng mặc, tai cũng mặc, đến mất đứt cũng mặc. Kịp khi đã bại hoại, diệt vong rồi thì lại đổ cho mệnh giời, quy tội cho người, có biết đâu là tự chính mình gây nên mối hoạ cho mình cả. Có thân không biết tu, có nhà không biết trị, có nước không biết giữ, thế là khiến cho người ta khinh mình, bảo cho người ta phá mình, mời cho người ta đánh mình. ÔI! Sự biến cố mấy khi tự dưng mọc ra đâu, muôn sự do tự mình hết cả. Nên người có trách nhiệm giữ quốc gia nên nhớ lấy cái nghĩa “tự thủ” để tránh lấy cái tai vạ “tự túc”.

(1) Tự thủ: mình tự chuốc lấy cho mình không dự gì đến người khác.

(2) Tự khinh: tự mình làm đê tiện nhân cách của mình.

(3) Tự huỷ: tự mình làm cho mình hỏng nát.

(4) Tự phạt: tự mình phá hại làm cho mình tồi tàn

(5) Thái Giáp: tên một thiên trong Kinh Thư