Monday, July 31, 2017

Ngày 31-7-2017 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Khoảng trống có một viên đá nhỏ

KHOẢNG TRỐNG CÓ MỘT VIÊN ĐÁ NHỎ

Bà cũng nghe kể – những tin kể khi ấy cứ dồn về bà tới tấp – chuyện ông ra ga đón vợ nhưng ngơ ngẩn không nhớ mặt vợ mình. Chỉ đến khi có người phụ nữ khập khiễng đi đến, đập mạnh vào vai ông, khóc như mưa vì sung sướng và hạnh phúc thì ông mới bừng tỉnh. Bừng tỉnh để đi tiếp cuộc đời mình. Và bà chắc mình mất ông từ khi ấy.

***

Căn bệnh tim mạch của tuổi già kéo họ về với nhau, trong cùng một phòng sau bốn mươi năm xa cách.

- Bà!

- Ông!

Họ bật gọi nhau trong phút giây chung sửng sốt. Bốn mươi năm qua đi, mắt đã mờ, chân đã chậm, hình hài hầu như thay đổi hoàn toàn nhưng họ vẫn nhận ra nhau, còn khi nhìn vào trong mắt, ánh nhìn vẫn sáng lên, ấm áp và dịu dàng.
Họ sống ở hai thành phố nhỏ. Thành phố lớn này là nơi có bệnh viện họ cùng đến khám và điều trị những căn bệnh của người già. Ông đến trước, khi sức khỏe của ông kha khá, vợ con trao cho ông quyền tự lực cánh sinh. Một tuần vợ ông có tạt qua hai, ba lần, nghe ông đây đẩy "đuổi khéo" lại tất tả chạy về. Bà còn rất trẻ so với chồng. Người đàn bà biết mình là công cụ trả thù tình của chồng nhưng vui vẻ chấp nhận cuộc sống an bài.

Bà có một mình, con ở xa, cháu cũng xa, báo cho đứa nào cũng sợ phiền mà bệnh cũng không trầm trọng gì nên bà tự xách giỏ vào bệnh viện một mình. Và họ gặp nhau, như là dịp để dối già, là cơ hội để bày tỏ những uẩn ức thời tuổi trẻ.

Hai ngày sau khi bà nhập phòng, không hiểu sao bỗng nhiên bệnh viện vắng. Căn phòng rộng thênh với mười sáu giường bệnh kê hai dãy, mỗi giường thường công kênh đến hai bệnh nhân giờ chỉ còn hai người, một đàn ông và một đàn bà, cả hai đều đã già, một hiện tượng kỳ lạ như thể có một bàn tay nào đó sắp đặt.

Bà chọn giường trong cùng, dãy bên trái; ông đôn từ giữa ra giường ngoài cùng, dãy bên phải. Thì hai người vẫn chung một phòng. Lúc dọn đồ, ông còn đùa: "Anh ở đầu sông, em cuối sông!". Với ông, những ngày nằm viện là những ngày hạnh phúc. Và câu chuyện ngày xưa được dịp ùa về.

***

Ngày xưa, bà nghe bạn bè kể, cắt đứt liên lạc với bà, ông về quê và hoàn thành việc cưới vợ trong vòng năm ngày. Người con gái quê có khuôn mặt thiên thần nhưng bị dị tật ở chân, sức khỏe yếu không thích hợp với những trai làng cường tráng cần vợ như cần công lao động trong nhà.

Và người con gái ấy sung sướng nhận lời làm vợ ông, sung sướng được là một viên đá nhỏ để lấp vào chỗ trống mênh mông trong trái tim ông. Sung sướng chờ ngày bỏ quê vào phố phường của miền Nam làm vợ, làm mẹ và đổi đời. Thôi, cứ an ủi đã vớt vát được một con người có hạnh phúc.
Mà đời nhiều người đổi thật.

Bà cũng nghe kể – những tin kể khi ấy cứ dồn về bà tới tấp – chuyện ông ra ga đón vợ nhưng ngơ ngẩn không nhớ mặt vợ mình. Chỉ đến khi có người phụ nữ khập khiễng đi đến, đập mạnh vào vai ông, khóc như mưa vì sung sướng và hạnh phúc thì ông mới bừng tỉnh. Bừng tỉnh để đi tiếp cuộc đời mình. Và bà chắc mình mất ông từ khi ấy.

Ông có vợ không yêu. Ông có con không ngoan cũng chẳng giỏi; lại nghe nói con ông hư nhưng chưa hỏng. Ông có chức nhưng không lớn, tiền cũng không nhiều. Mà ông dễ thù hận với tất cả. Bà không thể tin nổi có một ngày ông thành người của sự thù hận. Và bà nhận nguyên nhân về mình.

Có vài lần, phòng thêm người nhưng người mới cũng nhanh chóng chuyển đi, phòng bệnh vẫn chỉ có hai người, bà mong thoát khỏi tình huống khó xử nhưng lại muốn kéo dài những ngày khó xử.

Gần bảy mươi tuổi rồi nhưng hình như con tim yêu của bà vẫn xốn lên khi nhìn thấy ông. Ánh mắt sáng, cặp chân mày gọn gàng như đường vẽ, nụ cười hiền, cánh mũi lân, và mái tóc bồng, mái tóc ngày xưa vẫn làm bà ngơ ngẩn nay đã chuyển sang thành cước trắng nhưng vẫn bồng lên, nó làm cho cảm xúc của bà cũng dồn lên trong lồng ngực mỏng.

Có những khi thức giấc bà thấy ông đăm đắm nhìn. Rồi như ngại, như ngượng ngùng, ông bối rối quay đi. Cả bà nữa, bà cũng hay trộm nhìn khi ông ngủ. Ngày xưa, hai năm yêu, chưa bao giờ bà được nhìn ông ngủ. Cái thuở yêu nhau phải nói chuyện chỗ sáng đèn, vài lần vội vàng nắm tay, lơ mơ trai gái là kỷ luật như chơi. Cái thời trong trắng, sôi nổi và dại khờ...

***

Thời trai trẻ bồng bột, ông đã đánh mất bà chỉ bởi một thông tin mơ hồ: Người ta thấy bà đi vào rạp hát, rất vui vẻ cùng với người bạn trai cũng là bạn của hai người. Và ông cho mình quyền tự suy diễn tiếp mặc kệ mọi lời giải thích của bà, sự khuyên răn, hàn gắn của tổ chức. Ông gửi trả toàn bộ những lá thư hàng ngày bà kiên trì chuyển đến mặc dù hai người công tác cùng cơ quan. Rồi ông chuyển công tác đi thật xa. Tình yêu từ những năm một ngàn chín trăm lâu lắm, ông bâng khuâng so sánh với bây giờ, cũng là tình yêu mà sao khác nhau đến lạ.
Ngày xưa, ông vẫn từng đau đớn bởi ý nghĩ mình là nguyên nhân gây nên những lận đận đời bà. Năm năm sau khi ông có vợ, bà mới mở lòng mình. Nhưng cuộc tình không như là mơ. Bà vác bụng bầu lặn lội đi tìm cha cho con mình, chấp nhận cay đắng, quỳ xuống van xin trước cha và mẹ của người tình để rồi chỉ nhận được lời ngã giá lạnh lùng: Hãy cầm tiền và đi hủy cái thai. Cũng may mắn cho bà, cơ quan của kẻ sở khanh đã dang tay cứu giúp, và bà có chồng, con bà có cha, dẫu không xênh xang tự hào nhưng vẫn là người có...

Có bận ông yên tâm bởi thông tin gia đình bà hạnh phúc và giàu có. Tự an ủi, may cho bà thoát khỏi ông, kẻ trái tính cực đoan rồi thông tin bẵng đi. Giờ, bốn mươi năm rồi.

***

Người ngoài nhìn vào, thấy hai người già đều là những người hiền lành, tốt tính và chu đáo thường hay chăm sóc lẫn nhau. Cũng có khi hai cụ giành nhau việc đi nhận thức ăn, mua mấy thứ đồ lặt vặt hay lấy kết quả xét nghiệm.

Buổi sáng, hai cụ cùng đi bộ trên lối đi quanh bệnh viện, buổi chiều, hai cụ cùng xuống ghế đá vườn hoa, cụ bà đi trước, cụ ông đi sau, hai người ngồi chung một ghế, nhàn hạ, ấm áp và yên bình như một cặp tình nhân lâu năm. Mà sức khỏe hai cụ có vẻ tiến triển tốt bởi lẽ thấy hai cụ vui cười, đi lại nhanh nhẹn hơn còn ánh nhìn hình như thêm nét long lanh.

Người ta tấm tắc về chuyện lạ kỳ, bỗng dưng mùa này bệnh viện vắng, vắng đến độ phòng bệnh chỉ còn có hai người. Mà cũng may có đến hai cụ, trong một phòng, hai cụ chung một bệnh, cùng một hoàn cảnh tự lực cánh sinh. Già, bệnh mà khỏe re như hai cụ, người ta khen là... nhất. Và người ta đã kịp quen với hình ảnh hai cụ già và phòng bệnh có hai người.

Bà nói mắc cười bởi không ngờ ngày gặp lại, bỗng dưng bà bật tiếng gọi "ông". Ông cười xuê xoa nhận lỗi bởi ông cất tiếng gọi "bà" trước. Mà cũng phải thôi, lên ông, lên bà hết rồi... Nửa tháng trôi nhanh, một buổi chiều, cô y tá đến thông báo hai cụ được xuất viện cùng một ngày. Trước ngày chia tay, phòng vẫn chỉ có hai người, một nam, một nữ.
Chập tối, cơm nước xong ông pha trà, sắp bánh, trang trọng như chuẩn bị đám nói. Chẳng đợi mời, bà kéo ghế đến ngồi bên ông. Bà muốn nói với ông lời xin lỗi, xin lỗi vì vô tình đã làm ông tổn thương nhưng cổ họng cứ nghẹn lại. Không chừng bệnh lại hành, rồi nằm viện đến bao giờ...

Ông không nói lời xin lỗi mà nói lời nhận lỗi, lỗi cực đoan nên cả đời ông đi làm khổ mình, khổ người. "Những cơ cực của cuộc đời em, anh đều biết nhưng đã quá muộn, anh đã quá sai", ông nói, giọng chùng hẳn xuống làm nước mắt nước mũi bà lem nhem.

Ừ, mà ông đã quá sai và cả cuộc đời đi sửa cái sai ấy, sửa mãi mà không xong. Cả đời ông vật lộn với người đàn bà ông không yêu và những đứa con do người đàn bà ông không yêu sinh ra. Xoay qua xoay lại sắp hết một kiếp người. Họ ngồi bên nhau, không lâu lắm. Già rồi, giờ chỉ có thể nằm lâu.

***

Khuya nhìn sang, bà thấy ông đang nhăn nhó. Bà biết, ông bị chứng chuột rút hành hạ. Chân ông co quắp, thấy ông nhăn vẻ đau đớn, hai tay với xuống nắm chân nhưng ông không lên tiếng. Những lúc ấy, cần một người khỏe mạnh kéo giãn chân ông ra, đè xuống. Không ngại ngần, bà sang giường ông ứng cứu như bổn phận đương nhiên phải thế. Tay bà cũng yếu lắm rồi, không thể nắn, kéo cẳng chân đang co quắp, bà chỉ có thể nhè nhẹ xoa. Lần đầu tiên của sự đụng chạm da thịt giữa hai người. Ngày xưa, ngày xưa trong trắng và thánh thiện cứ hiện về.

Ông lại gọi bà bằng em, như chuyện đương nhiên phải thế. Bà ngồi bên ông, thấy rõ lòng mình bình yên nhưng thi thoảng vẫn sụt sịt khóc, vì cái gì nhỉ. Thương thì lúc nào cũng thương, giận thì vẫn còn giận nhưng là giận mình. Thôi, anh đừng nói chuyện ấy. Bà lại thấy hai người đang như là một cặp tình nhân.

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

CON NGỰA, BÁC THỢ SĂN VÀ CON HƯƠU

Một con Ngựa và con Hươu nọ cãi nhau một trận kịch liệt, vì vậy Ngựa liền đến nhờ một người Thợ Săn giúp đỡ để trả thù Hươu.

Người Thợ Săn đồng ý nhưng ông ta nói: "Nếu ngươi muốn chiến thắng được Hươu, ngươi phải cho ta đặt miếng sắt này giữa hai hàm răng của ngươi, để ta có thể dẫn ngươi đi những sợi dây cương này, và chiếc yên ngựa này phải được đặt trên lưng ngươi để ta có thể ngồi vững trên đó khi chúng ta đuổi theo kẻ thù".

Con Ngựa đồng ý chấp nhận các điều kiện này, và người Thợ Săn nhanh chóng thắng yên cương cho con Ngựa. Sau đó với sự giúp đỡ của người Thợ Săn, Ngựa đã nhanh chóng thắng được con Hươu, nó nói với người Thợ Săn:

"Bây giờ, ông hãy xuống đi rồi tháo những thứ kia ra khỏi miệng và lưng tôi.

" Đâu nhanh vậy chứ, anh bạn" người Thợ Săn nói, "Bây giờ ta đã đóng hàm thiếc với đinh thúc ngựa cho ngươi, và ta thích giữ ngươi như thế này đây"

Lời bàn:

Nếu bạn cho phép người khác sử dụng mình vì mục đích riêng của bạn, họ sẽ sử dụng bạn cho những mục đích riêng của họ.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

CÓ HAY KHÔNG 

Dựa theo kinh Pháp Bảo Đàn (Platform Sutra), Shen Hui hỏi Lục Tổ: "Thưa Ngài, Khi Ngài tọa thiền, Ngài có thấy hay không thấy?"

Lục Tổ đánh Shen Hui ba lần bằng cây gậy của Ngài và hỏi: "Khi ta đánh con, có đau hay không đau?"

"Cả hai, đau và không đau."

"Ta, cả hai thấy và không thấy."

"Như thế nào mà Ngài cả hai thấy và không thấy?"

Lục Tổ nói: "Cái ta thấy là sự giao động và sự nghĩ lan man của tâm ta. Cái ta không thấy là điều đúng hay sai và tốt hay xấu của người khác. Đây là cái ta thấy và cái không thấy."

Cổ Học Tinh Hoa - Lấy của ban ngày

Lấy của ban ngày

Nước Tấn có kẻ hiếu lợi một hôm ra chợ gặp cái gì cũng lấy. Anh ta nói rằng: "Cái nầy tôi ăn được, cái nầy tôi mặc được, cái nầy tôi tiêu được, cái nầy tôi dùng được." Lấy rồi đem đi. Người ta theo đòi tiền. Anh ta nói:

"Lửa tham nó bốc lên mờ cả hai con mắt. Bao nhiêu hàng hóa trong chợ tôi cứ tưởng của tôi cả, không còn trông thấy ai nữa. Thôi, các người cứ cho tôi, sau nầy tôi giàu có, tôi sẽ đem tiền trả lại".

Người coi chợ thấy càn dỡ, đánh cho mấy roi, bắt của ai phải trả lại cho người ấy. Cả chợ   cười ồ. Anh ta mắng:

"Thế gian còn nhiều kẻ hiếu lợi hơn ta, thường dụng thiên phương, bách kế ngấm ngầm lấy của của người. Ta đây tuy thế, song lấy giữa ban ngày so với những kẻ ấy thì lại chẳng hơn ư? Các ngươi cười ta là các người chưa nghĩ kỹ!"

Lời Bàn:

Đã là kẻ thấy của tối mắt, tham vàng bỏ nghĩa, thì dù ít, dù nhiều cũng là đáng khinh cả,   song đem những kẻ mặt to, tai lớn, vì ham mê phú quý mà lường thầy, phản bạn, hại ngầm đồng bào so với những quân cắp đường, cắp chợ giữa ban ngày để nuôi miệng thì tội đến nặng hơn biết bao nhiêu. Thế mà trách đời chỉ biết chê cười những quân trộm cướp vặt chớ không biết trừng trị những kẻ đại gian đại ác.

-----------

Long Môn Tử: tức là Tư Mã Thiên làm quan Thái Sư nhà Hán là một nhà sử ký có danh.

Hiếu lợi: ham tiền của quên cả phải trái.

Lửa tham: lòng tham muốn bốc lên làm ngốt người.

Mờ cả hai con mắt: chỉ để cả vào của muốn lấy, ngoài ra không trông thấy gì nữa.

Thế gian: cõi đời người ta ở.

Thiên phương bách kế: mưu nầy, chước khác xoay đủ trăm nghìn cấp

Ban ngày: lúc sáng sủa dễ trông thấy.

Chuyện cười trong ngày

Cảnh giác

- Tại sao một con ngựa đau cả đàn ngựa lại không ăn cỏ?
- Thưa cô vì đàn ngựa cảnh giác ạ.
- Nghĩa là sao?
- Thưa cô, đàn ngựa sợ ngộ độc thực phẩm!
- ?!

Sunday, July 30, 2017

Ngày 30-7-2017 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Vì thời gian nhiệm màu

VÌ THỜI GIAN NHIỆM MÀU LẮM

Bố bảo bố hết đau rồi, còn bảo mọi chuyện rồi cũng qua hết, vì thời gian nhiệm màu lắm.

***

Mẹ bắt đầu làm dâu năm 18 tuổi. Gia đình nhà nội thuộc diện khá giả trong làng nhưng mọi tài sản đều nằm trong tay bác Tiến – một người đàn ông nổi tiếng tham lam và bủn xin. Công việc hằng ngày của mẹ bắt đầu từ sáng sớm tinh mơ đến tối mịt ngoài đồng – khi thì cấy lúa thì nhổ mạ, tát nước... tất tần tật những công việc đồng áng. Bác Huệ là vợ của bác Tiến, thấy mẹ làm giỏi thường  việc chừa việc lại, lấy cớ bận chỗ này, đau chỗ kia để về nhà trước. Mẹ chỉ về nhà khi mọi việc đã xong xuôi và hai bác đã lên giường.
Bố là một người đàn ông vô tư, theo bạn bè lên tận Cao Bằng đãi vàng, năm ba tháng mới về nhà một lần. Bà nội thương mẹ, nhưng cũng bất lực trước sự chỉ đạo của bác Tiến, chỉ dám lén lút để phần cơm và thức ăn vào bồ thóc cho mẹ trước khi hai bác và lũ con chén sạch. Mẹ sinh tôi năm 19 tuổi, là lúc bố ở nhà luôn, không đi đãi vàng nữa. Vốn tính ngang tàng nên bố không chịu ở chung với bác, bố dọn ra riêng. Mặc  dù vẫn ở sát nhau và chung cái bếp, nhưng cuộc sống của mẹ cũng dễ thở hơn.

Thế nhưng chưa được bao lâu, mẹ phát hiện ra bố bị nghiện hút thuốc phiện. Cuộc sống đãi vàng xa nhà nơi rừng thiêng nước độc đã dạy cho bố đến với thứ thuốc chết người ấy. Tối nào sau khi ăn cơm xong, bố cũng cùng một vài người bạn khác đến nhà ông Tung để "lên đèn". Sau khi phê thuốc, họ còn rủ nhau đi chơi gái. Trong làng có hẳn một gia đình nhà bà Mai gồm bà và ba cô con gái làm nghề bán thân. 20 tuổi, mẹ nếm vị nước mắt không biết bao nhiêu lần. Những lần khuyên răn bố không được, còn bị bố chửi té tát, mẹ chỉ biết ôm con mà khóc. Tất  nhiên, khóc chẳng thể giải quyết được gì, chỉ khiến cho trái tim khô cằn hơn, héo hon hơn mà thôi. Mẹ thôi khóc và quyết tâm kéo bố trở lại.

Bằng cách này hay cách khác, mẹ cố giữ chân bố ở nhà mỗi tối. Nếu có cố đi được, mẹ gửi tôi cho bà nội và nối gót bố. Mẹ đứng trước cửa nhà ông Tung, dằn lên từng tiếng "Nếu hôm nay ông cho chồng tôi hút, tôi sẽ báo công an!"  Mọi người, vì sợ bị ảnh hưởng nên đã đuối khéo bố về, không cho tham gia nữa.Tất nhiên, mẹ tôi sẽ bị đánh một trận nên thân vì khi cơn nghiện lên, người ta trở thành dã thú chứ không còn là người nữa. Mẹ cắn răng chịu đựng tất cả những sự dày vò cả về thể xác lẫn tinh thần một cách cứng rắn. Kết quả, bố tôi đã thôi thèm thuốc, còn lấy liềm rạch hẳn một vết vào ngực để thề thốt. Nhưng phải đến lần rạch ngực thứ 3, bố mới bỏ hẳn.

Hai mươi lăm tuổi, một lần nữa sóng gió lại nổi lên khi mẹ bị vu khống ngoại tình.  Chẳng là hôm đó, bố chở bà nội xuống tận Bắc Lý đám cưới nên không về. Lúc đó tôi đã có em gái 3 tuổi. Khi chuẩn bị đi ngủ thì chú Đông ở xóm trên đến tìm bố. Trong lúc nói chuyện, vô tình cái ổ điện bị hư, cháy khét lẹt. Điện nhà tắt tối om. Mẹ bảo tôi ngồi canh em để đi kiếm cái ổ khác cho chú Đông thay giùm. Mẹ vô kho gần bếp, vì tối qua nên đã vấp té. Chú Đông nghe tiếng mẹ la, đã chạy xuống và cũng té nhào vào mẹ. Đúng lúc bác Huệ chạy sang, nhìn thấy cảnh tượng ấy, bác dạng chân ra, chửi xơi xơi vào mặt mẹ:

-         Chồng mới đi vắng có một ngày, đã dẫn trai vào nhà mà đú đởn! Đẹp mặt chưa?

Bác Tiến rồi nhiều người hàng xóm khác chạy sang, mỗi người một cái đèn pin, rọi thẳng vào hai kẻ "phạm tội". Tôi cố đứng ra bảo vệ mẹ, nhưng lời nói của một đứa bé 6 tuổi như bị nuốt chửng trong những lời cay độc của mọi người. Có thể họ nghe thấy tôi nói, nhưng cố tình tảng lờ đi, để câu chuyện ngoại tình trở nên có thật. Họ còn cố tình thêu dệt thêm nhiều chi tiết khác để câu chuyện ngoại tình thêm phần hấp hẫn khiến bố tôi nổi điên khi trở về. Mặc dù chú Đông là bạn bố nhưng cái tính trăng hoa của chú đã góp phần không nhỏ vào việc bố tin vào những lời cáo buộc kia. Một cuộc họp gia đình khẩn cấp được mở ra dưới sự chủ trì của bác Tiến. Bác tuyên bố dõng dạc:

-         Nhà này không chứa chấp loại đàn bà lăng loàn! Chú liệu mà bỏ ngay cho tôi!

Bác Huệ - vẫn cái giọng chanh chua khó ưa – chêm ngay vào:

-         Đúng! Đúng! Vợ chồng như manh áo, không vừa thì cởi chứ có việc gì đâu!

Bố không phản ứng gì, chỉ lặng lặng về nhà, xách ba – lô đi tiếp. Sĩ diện một người đàn ông đã đẩy bố rời xa mẹ con tôi, biến những tháng ngày ở lại của mẹ thành địa ngục khi phải đối mặt với gia đình chồng và hàng xóm. Mỗi bước chân của mẹ đi đều có những lời xì xầm bàn tán, từ góc chợ đến cánh đồng. Tôi không thấy mẹ khóc, ngược lại vô cảm đến đáng sợ. Có thể vì mẹ đã quen với việc chịu đựng, hoặc cũng có thể, mẹ đã chẳng còn nước mắt mà khóc nữa rồi. Một đêm nọ, tôi bị đánh thức khi đang say giấc. Mẹ ôm em bé và dắt tôi đi giữa đêm tối mịt mùng. Đầu đường có một chiếc xe ôm chờ sẵn, đưa mẹ con tôi ra thẳng bến xe. Tôi lờ mờ nhận ra mục đích của mẹ, nên không hỏi mẹ một tiếng nào, suốt chặng đường dài. Ngược lại, tôi vui vì được giải thoát khỏi cái làng kinh khủng đó, tôi, mẹ và em sẽ đến một nơi xa lạ, nơi mà không ai biết chúng tôi là ai, sẽ cùng nhau sống hạnh phúc, không bao giờ phải lo người khác nhòm ngó, dèm pha, không phải thấy những ánh mắt đầy thương hại nhưng trong lòng thì lại vô cùng hỉ hả của những kẻ mà chúng tôi đã từng coi là người – trong – gia – đình. Chuyến xe lao vút đi trong đêm, đón một ngày mai tươi sáng.

Bảo Lộc chào đón chúng tôi bằng một buổi sáng mờ sương. Sau hai ngày hai đêm ngồi xe, chúng tôi mệt nhoài. Một người bạn của mẹ ra đón với nụ cười thân thiện. Sau một vài con dốc ngoằn nghoèo, chúng tôi đến căn nhà gỗ nhỏ xinh của cô Lâm, chú Bắc. Cô nói huyên thuyên về cuộc sống ở đây khác ngoài Bắc thế nào, hướng mẹ tôi phải làm những gì một cách nhiệt tình. Tôi lơ mơ nghe và chìm vào giấc ngủ sâu. Cuối cùng thì, cuộc chạy trốn của mẹ con tôi đã thành công trót lọt, tôi có thể yên tâm nhắm mắt ngủ mà không phải trông chừng ai đó có thể làm hại mẹ hay em bé của mình. Trong tâm hồn trẻ thơ của mình, tôi là người đàn ông duy nhất trong gia đình, thay người bố hèn nhát của mình, chăm sóc và bảo vệ họ.

Cô Lâm xin cho mẹ một chân làm công nhân trong nhà máy chè. Tôi được đi học chung với thằng con trai của cô ở một ngôi trường cách đó không xa. Còn em bé được mang đi gửi. Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua. Mẹ tôi còn một ít tiền để dành cộng với tiền tích lũy được, mua một miếng đất và làm một căn nhà gỗ nhỏ, đủ sinh hoạt cho ba người. Mẹ còn trồng hai luống rau xinh xinh trước hiên, anh em tôi cứ ra tưới nước và bắt sâu phụ mẹ. Nhìn thấy mẹ vui, tôi cũng thấy lòng thanh thản lạ. Anh em tôi lớn lên dưới sự đùm bọc của mẹ, và câu chuyện quá khứ dần chìm vào quên lãng. Tôi không bao giờ hỏi mẹ về bố, về gia đình nhà nội. Tôi sợ những ký ức không mấy đẹp đẽ đó sẽ làm mẹ đau. Nhưng em tôi thì không. Vì nó chưa từng một lần gặp bố, nên thỉnh thoảng, nó lại gặng hỏi mẹ về ông ấy. 8 tuổi, nó đủ lớn để tìm hiểu về thân thế của mình. Những lúc như thế, mẹ cười thật buồn, bảo bố đi làm ăn xa, rồi sẽ về với nó. Tôi thì hay quát nó "Hỏi gì hỏi hoài vậy? Bố chết rồi, không về với mày nữa đâu!" Mẹ dọa sẽ đánh nếu tôi còn ăn nói lung tung như thế, còn em tôi thì khóc um sùm. Tôi ghét bố và những gì liên quan đến ông ấy. Vì bố chẳng cho mẹ tôi được một ngày hạnh phúc. Bố khiến mẹ phải đau, biến tuổi xuân của mẹ qua đi nhanh hơn mọi người. 30 tuổi, mẹ tôi trông già nua hơn cô Lâm thật nhiều, bàn tay mẹ cũng sần sùi hơn, chai sạn hơn. Tôi tự nhủ sẽ không tha thứ cho ông ấy, dù thế nào đi nữa.

Một ngày mùa đông cao nguyên. Sương vẫn phủ mù mịt trên các tán cây, nóc nhà. Anh em tôi ngồi sưởi ấm bên bếp lửa, thi nhau phà hơi vào mặt nhau. Mẹ chiên bánh rán và làm chè trôi nước nhân ngày Tết Đoan ngọ. Những cái bánh rán mẹ nặn đều như chia và giòn tan với lớp đường phủ ngập khiến em tôi mê tít. Còn tôi thì thích bánh trôi hơn, vì nó dẻo và đỡ ngán hơn bánh rán. Trong lúc tranh cãi về cái nào ngon hơn, thì tiếng gõ cửa vang lên. Mới 6 giờ sáng mà ai đến vậy không biết? – Mẹ tôi chạy lên mở cửa. Im lặng một lúc, không thấy mẹ và khách xuống bếp, chúng tôi ù chạy lên nhà xem ai. Không khó để nhận ra bố đang đứng trước mặt mẹ mặc dù ông có già hơn, da đen hơn và tóc để dài, cột đuôi ngựa sau gáy.

-         Ông tới đây làm gì? – Tôi đứng chen vào giữa họ, dang tay ngăn ông ta tiến đến gần mẹ trước sự ngạc nhiên của cả mẹ và em tôi.

-         Không được hỗn, con!  - Mẹ đặt hai cánh tay lên vai tôi, bóp mạnh. Em tôi chạy đến bên mẹ, lắc lắc cánh tay bà:

-         Ai vậy mẹ?

Người đàn ông ngồi xuống, nhìn kỹ vào mặt nó, tôi có thể thấy ánh mắt ông long lanh:

-         Bé Tuyết đã lớn thế này rồi sao? Ra đây với bố nào!

Con Tuyết ôm chặt đùi mẹ, né cánh tay đang dang rộng của bố. Mẹ tôi sụt sùi:

-         Ra đi con! Ông ấy là bố con đấy!

Tôi tính cản nó lại, nhưng mẹ đã kịp giữ tôi lại. Con Tuyết đứng trước mặt bố, ngây ngô:

-         Bố đi làm xa về rồi hả? Thế có quà cho con không?

Bố ôm chầm lấy nó, khóc nức nở. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi thấy một người đàn ông khóc. Tôi không thấy ghét ông ta nữa, ngược lại muốn chạy tới để được ông ôm như con Tuyết, bởi trong lòng tôi, vẫn còn một nỗi nhớ mang tên ông. Tôi nhớ ba vết sẹo dài trên ngực bố, mỗi khi cởi trần, tôi lại chạy tới vuốt ve chúng và luôn mồm hỏi bố có đau không? Bố bảo bố hết đau rồi, còn bảo mọi chuyện rồi cũng qua hết, vì thời gian nhiệm màu lắm. Lúc ấy, tôi không hiểu những điều ấy cho lắm, chỉ loáng thoáng biết rằng chẳng có nỗi đau nào là mãi mãi, vết thương nào rồi cũng liền sẹo theo thời gian. Đến giờ, khi gia đình tôi đã đoàn tụ, và tôi đã đủ trưởng thành, tôi mới hiểu được lý do mẹ tha thứ tất cả. Mọi chuyện, rồi cũng qua! Con hiểu rồi, mẹ ạ! Mỗi khi có gian khổ, con lại nhớ đến mẹ, để mạnh mẽ vượt qua tất cả vì ngày mai, trời lại sáng, phải không mẹ?

Chuyên ngụ ngôn ý nghĩa

Cái cần câu

Có một ông lão ngồi câu cá bên bờ sông, một cậu bé đi qua nhìn thấy kĩ thuật câu cá điêu luyện của ông chẳng mấy chốc cá câu được đã đầy sọt. Ông lão thấy cậu bé đáng yêu liền tặng cậu cả sọt cá. Cậu bé lắc đầu. 

Ông lão ngạc nhiên hỏi:

 ”Sao cháu không lấy?”.

 Cậu bé trả lời : “Cháu muốn cái cần câu của ông”.

 Ông lão hỏi: ”Cháu lấy cần câu làm gì”.

 Cậu bé đáp: ”Một sọt cá ăn chẳng bao lâu sẽ ăn hết, nếu có cần câu cháu có thể tự đi câu, không bao giờ ăn hết cá”. 

Tôi nghĩ bạn nhất định sẽ nói cậu bé này thật thông minh. Sai rồi! Nếu có cần câu, một con cá cậu bé cũng không được ăn. Bởi vì cậu ta không biết cách câu cá, có cần câu cũng vô ích. Bởi vì câu cá quan trọng nhất không phải ở cần câu mà là ở kĩ thuật. Có rất nhiều người cho rằng chỉ cần có người vạch sẵn đường đi cho mình thì không hề lo sợ những khó khăn phía trước, như vậy khó tránh khỏi ngã xuống đống buồn lầy. Như khi đứa bé thấy ông lão chỉ nghĩ là có cần câu sẽ không sợ đói, cũng như nhân viên nhìn thấy ông chủ thì nghĩ chỉ việc ngồi vào phòng làm việc thì có thể bòn rút được tiền bạc. 

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

LÒNG BIẾT ƠN 

Fred: "Tại sao chúng ta phải cúi lạy lúc chấm dứt một thời thiền định?"

Thiền Sư Ho Chi: "Để cảm ơn Trời thời thiền định đã chấm dứt."

Một Ngôi Chùa tại Nicosia - Cyprus-Địa Trung Hải


Một ngôi chùa được thành lập ở Nicosia, đảo quốc Cyprus, Ðịa Trung Hải
By Jean Christou


Chủ Nhật vừa qua văn phòng giáo hội đã chính thức khánh thành ngôi chùa đầu tiên ở Nicosia. Cuối cùng thì cũng có một nơi thờ phượng cho số lớn công nhân người nước ngoài, những người theo tôn giáo Phương Đông làm việc tại đảo quốc Cyprus thuộc vùng biển Ðịa Trung Hải. 

Có khoảng 376 triệu người theo đạo Phật, đạo Phật là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới. Triết lý đạo Phật dựa trên giáo huấn của Đức Phật, Siddhartha Gautama, người đã sống giữa năm 563 và 483 trước Tây lịch. Khởi nguồn ở Ấn Độ, đạo Phật đã lan rộng xuyên qua Châu Á, đến Trung Á, Sri Lanka, Tây Tạng, Ðông Nam Á cũng như Ðông Á với Trung Quốc, Mông Cổ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.

Bhante Anavaddha Tuero là một nhà sư Sri Lanka, từ Switzerland, nơi mà ngài sống từ năm 2000, đã đến Nicosia tuần qua làm lễ lạc thành ngôi chùa. Ngài nói rằng, tuy rằng ngài phải trở lại Switzerland nhưng sẽ có 2 sư khác từ Sri Lanka sẽ thường trú tại quốc đảo này để hướng dẫn những tâm linh cho các Phật tử. Phật giáo dạy cho con người thực hành các thiện pháp, tránh xa các ác pháp nhiễu hại chúng sanh, khéo thanh tịnh và huấn luyện tâm. Mục đích cứu cánh là để chấm dứt sanh tử luân hồi, các hành giả nhận thức được sự thật, chứng đạt Niết bàn. Đạo Phật củng cố nguồn gốc của tính vô hại và sự thiểu dục. Huấn luyện tập trung trí óc trên phương pháp rèn luyện phẩm hạnh (giới), thiền (định), và sự sáng suốt( tuệ)

“Phật tử Tích Lan, những người làm việc ở đây không có nơi để tu tập, điều đó làm cho họ cảm thấy thiếu thốn và họ sẽ theo đạo khác vì gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.” Ngài nói như trên.
Ngài ước tính khoảng hơn 15,000 người Tích Lan sống và làm việc ở Cyprus, 86 phần trăm là đạo Phật. “Hầu hết là họ đọc kinh thánh bởi vì khi họ mất cái gì đó thì họ sẽ tìm nó ở nơi khác, đó là chuyện bình thường,” Ngài nói thêm khi đề cập đến những người đọc kinh thánh ở nhà thờ Thiên chúa giáo như là một sự thay thế.

“Bây giờ các Phật tử đã tụ họp tại đây. Trước kia họ thường gặp nhau ở công viên mỗi tháng một lần. Họ đã tụ họp lại và thành lập trung tâm bây giờ là ngôi chùa. Lý do chính mà họ đi nhà thờ bởi vì họ không có chùa và họ đã sẵn sàng bắt đầu theo đạo chúa,” Ngài Bhante Anavaddha nói.

Phật tử thường đến hàng đêm vào lúc 8pm tối, sau giờ làm việc, để hành thiền.” Thêm vào đó để bố trí một nơi cho các Phật tử, nhà chùa đã dạy cách thiền cho bất cứ ai quan tâm tìm hiểu hoàn toàn miễn phí. “Dharma không có tốn kém chi cả”, Bhante Anavaddha nói.

Dharma là tiếng phạn và là một khái niệm của tôn giáo phương đông. Giải thích một cách đơn giản đó là chân lý cao cả, một lối sống dẫn đến giảm thiểu sự chất chồng của bất thiện nghiệp và đó là con đường duy nhất để giải thoát.

“Bất cứ ai quan tâm có thể liên lạc với chúng tôi để được tu tập”, Ngài nói. “Chúng tôi hướng dẫn những kỹ thuật cá nhân bởi vì kinh nghiệm cá nhân thì khác nhau, nó phụ thuộc vào trình độ hiểu biết của họ. Chúng tôi nói chuyện với họ và quyết định nên sử dụng pháp thiền nào. Đó là thiền cá nhân. Họ có thể học hỏi, thực tập và sử dụng nó” Cũng như hầu hết các hành giả, Bhante Anavaddha tin rằng có một tâm thứức an lạc rất là quan trọng.

“Vì vậy bạn sẽ học hỏi cách giữ gìn đầu óc bình thản, cách phát triển tâm thức. Bạn phải thanh lọc tâm thức. Thiền có nghiã là phát triển và trau dồi trí tuệ. Có một số tư tưởng lành mạnh và một số tư tưởng không lành mạnh như là giận dữ, thù hận v.v…ở trong tâm thức bạn .
Đó là những tư tưởng tiêu cực. Nếu bạn không biết cách đối phó với chúng như thế nào thì bạn sẽ giữ lấy chúng thay vì để chúng đi. Bạn hãy học cách yêu thương trìu mến thay vì giận dữ, bạn hãy yêu chính bản thân bạn và những người khác. Bạn phát triển tâm thức, làm cho chúng được thanh tịnh bằng cách thực tập thiền. Đó là cách có thể giúp được cho xã hội giữ được tâm thức an lạc. Nó giúp cho con người có cuộc sống tốt hơn. Bạn hãy rải tâm từ cho chính bản thân mình trước, rồi hãy ban rải đến muôn loài .” Bhante Anavaddha đã biết điều đó . Ngài xuất gia lúc lên 8 tuổi, nơi mà ngài sống 4 năm cho đến khi được thọ giới sa di vào năm 12 tuổi. Ðó là chuyện 22 năm về trước.

Chuyện cười trong ngày

Ngành hàng không

Bạn gái cậu bao nhiêu tuổi?
25 tuổi.
Thế bạn gái cậu làm nghành gì?
 Ngành hàng không
 Cậu sướng thật, quen với bạn gái là hàng không.
 Uhm, sướng lắm. Bạn gái tớ suốt ngày ở không ăn hàng.

Saturday, July 29, 2017

Ngày 29-7-2017 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Đời mẹ

ĐỜI MẸ

Nhiều lúc nó thấy mẹ đang ăn cơm và dừng đũa. Đôi mắt mẹ nhìn về khoảng trời xa xăm. Hẳn trong tâm khảm của mẹ vẫn còn cái gì đó đau đớn lắm.

***

Mẹ nó sinh ra và lớn lên ở một làng ở phía Nam xứ Thanh. Đó là một ngôi làng của vùng đồng bằng chuyên trồng lúa, khoai và lạc. Dòng họ ngoại bên mẹ nó thường có gen di truyền là đẹp. Bà dì của mẹ nó là một người đẹp nổi tiếng của vùng. Bà đẹp đến nỗi mà người yêu của bà từ tận Hải Dương sẵn sàng đến xin ở rể. Mẹ nó không đẹp như bà dì nhưng mẹ vẫn có nhan sắc của thì con gái năm Nhâm Thìn. Nhiều chàng trai trong vùng đến xin dạm hỏi nhưng mẹ nó chưa ưng. Bố nó là một người không có gì làm đặc sắc. Bố nó lại ở cách xa. Người đen nhẻm và đói ăn nhưng bố nó được mẹ nó ưng ở điểm là có học thức. Bố nó đến tán mẹ nó bằng thơ. Có lẽ vì những áng thơ tình lãng mạn của bố nó mà mẹ nó xiêu lòng. Trong đó có những câu thơ đầy chất lãng mạn và ga-lăng

Vầng trăng chia nửa

Em chọn phần nhiều

Anh nhường em cả
Thế là mẹ nó làm dâu nhà bố nó. Đó là một ngôi nhà cổ của địa chủ thời phong kiến xa xưa. Ông nội nó mất sớm khi còn chiến tranh để lại đàn con nheo nhóc. Mẹ nó về làm dâu khi các chú còn nhỏ, trong đó có chú Út mới học lớp 3. Bác nó hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ. Bố nó là con thứ hai nên phải thay bác gánh vác trọng trách làm chủ gia đình và làm tộc trưởng của dòng họ. Những năm đó đang là những năm cấm vận của Mỹ và chiến tranh biên giới Việt-Trung. Cuộc sống chỉ có cơm độn và bo-bo. Vì cuộc sống quá khó khăn và phải cáng đáng đàn em còn đang rất nhỏ nên bố nó có lần nói với mẹ nó "Có lẽ anh em mình đừng sinh con nữa, nuôi các em ăn học rồi sau này các em chăm sóc lại mình". Mẹ nó nhất quyết không nghe vì thế sau đó mẹ nó hạ sinh anh trai nó và nó. Những năm đó, mẹ nó phải bôn ba xuôi ngược, chung lưng đấu cật với bố nó để nuôi gia đình bên nội. Mẹ nó một buổi đi dạy và một buổi phải đi buôn. Hàng buôn có đôi khi là dăm cái chổi, là đôi ba quả chanh. Mẹ nó dè xẻn từng đồng một để nuôi các chú và anh em nó. Mẹ nó còn thường xuyên về bên nhà ngoại để xin ông bà ngoại khoai và lúa để đem sang bên nội. Họ hàng bên nội đều khen bố nó có con mắt tinh đời mới lấy được con dâu như mẹ nó. Bởi hiếm có người mẹ nào như mẹ nó thường xuyên dành sữa và đồ ăn ngon của các con mình cho các em chồng ăn.

Bố nó học giỏi nên những năm sau khi tốt nghiệp Đại học được trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Nó và gia đình phải theo bố vào Vinh sống ở khu tập thể. Mẹ nó nhận quyết định làm giáo viên trường tiểu học. Những năm đó là những năm đầu của thập niên 80. Bố nó và mẹ nó chuyên đi gánh phân về trồng rau muống để ăn. Việc gánh phân của mẹ nó trở thành giai thoại. Các thầy cô cùng khu tập thể hồi đó cứ nhắc lại, chưa bao giờ thấy rau muống nhà nào tốt như nhà nó cả. Hễ ai về Đại học Vinh mà nhắc đến mẹ nó thì các thầy cô cùng thời đều biết sự vất vả của mẹ nó cả. Mẹ nó chịu được tất cả gian khó nhưng bố nó vẫn không thông cảm mà thường dạy bảo mẹ bằng những trận đòn. Bố có tính gia trưởng và độc đoán của con cháu nhà địa chủ bởi từ lâu dòng họ nó lưu truyền câu

Dạy con từ thuở còn thơ

Dạy vợ từ lúc ban sơ mới về

Nhà nó sau đó chuyển về chỗ ở mới không còn ở khu tập thể nữa. Thế nhưng những trận đòn là hình ảnh hết sức quen thuộc. Nó lúc đó đang còn nhỏ nhưng vẫn còn rất nhớ hình ảnh bố nó đánh đập mẹ nó. Mẹ nó có lần chịu không nổi phải bồng nó đi trốn. Ở xóm nó có hai người một là bố nó, hai là nhà hàng xóm tên là Mão là hay đánh vợ, đánh con. Vợ người hàng xóm tên Hảo. Hai người này đánh nhiều đến nỗi mà dân làng xung quanh mới có câu đồng dao

Nhất bố nó nhì ông Mão

Nhất bà Hảo nhì mẹ nó

Cuộc sống của nó lớn lên là chuỗi ngày đòn roi và dạy bảo. Khi nó còn nhỏ, nó hay lén đi chơi điện tử. Trò chơi điện tử thời đó còn thô sơ lắm. Chỉ là mấy trò Kaghe, xếp chữ, Rambo nhưng đã rất cuốn hút những đứa trẻ như nó. Nó chuyên nhịn ăn sáng để chơi điện tử. Bố nó biết được lôi nó về nhà và đánh. Mẹ nó xót con nên can ngăn và cũng bị đánh bầm tím cả tay, cả chân. Nó nhớ có lần bố nó đánh nó bằng cái vòng sắt của mũ bảo hiểm. Bố nó nện nó đến mức cả cái roi sắt cũng dường như sắp gãy ra làm đôi. Nó đi học bị điểm kém thì nó cũng bị lôi ra đánh. Mẹ nó như thường lệ vào can ngăn cũng bị đánh lây. Hồi đó, các chú nó có sống chung với bố nó nhưng chưa bao giờ lần nào nó cầu cứu các chú mà các chú thương tình can ngăn. Chỉ có mẹ và những con lươn hằn lên người mẹ suốt tuổi ấu thơ của nó.

Những năm sau đó là thời kì đổi mới và mở cửa, các chú đã trưởng thành và xin được vào ngành Dầu khí ở Vũng Tàu. Một điều rất đặc biệt là, các chú nó không bao giờ tỏ ra biết ơn công dưỡng của mẹ nó mà luôn xúi giục nó và anh trai nó căm ghét mẹ nó. Mẹ nó vẫn luôn vị tha và nhất mực chăm sóc lo cho chồng, cho con và cho họ hàng. Có lẽ do tằn tiện, lo cho chồng cho con, cho em chồng mà có lẽ mẹ nó bị các chú ghét bỏ? Nó lớn lên cũng không hiểu rõ vì lí do gì mà các chú ghét bỏ mẹ nó đến vậy. Chỉ biết rằng, bản chất địa chủ phong kiến đã trở thành một phần không thể thiếu trong cách cư xử của các chú và bố nó.

Những năm bỏ cấm vận, nhà nó mở lò luyện thi mà nói theo cách nói bây giờ là trung tâm luyện thi đại học. Đó là một trong những lò luyện thi nổi tiếng ở Vinh thời ấy. Công việc thuận buồm xuôi gió. Mẹ nó tiết kiệm và biết tổ chức kinh doanh nên cuộc sống của gia đình sung túc hơn trước rất nhiều. Nó bây giờ đã lớn và không còn chịu những trận đòn roi như thuở nhỏ. Nhưng có một điều vẫn y chang như thuở bé đó là tinh thần hiếu học. Đôi lần nó cứ trộm nghĩ, hình như mảnh đất Nghệ An đầy nắng gió nơi nó lớn lên và trưởng thành chỉ sản sinh ra những người thích học. Xung quanh nhà nó đều là những nhà công nhân và viên chức bình thường nhưng tuyệt nhiên đứa nào cũng rất ham học. Hồi đó nó học cấp 3. Chính xác là hè năm lớp 11. Nó học bài đã khuya lắm rồi. Nó nhìn sang nhà hàng xóm. Nó thấy đèn nhà thằng hàng xóm học cùng trang lứa với nó vẫn đang sáng đèn. Nó cố gắng học đặng chừng nào đèn thằng đó tắt thì nó cũng tắt đèn đi ngủ. Nó học mà đợi mãi. Nhìn lên đồng hồ, nó thấy đã 3h sáng. Tuyệt nhiên không thấy đèn thằng hàng xóm tắt. Đến 4h sáng thì nó đã quá buồn ngủ. Nó chịu không được. Nó bèn nghĩ ra một kế để không thể thua kém bè bạn. Nó cứ để đèn như thế và ngủ gục luôn lên bàn bên những trang sách còn thơm mùi mực. Mẹ nó cứ mỗi lần như thế đều dậy tắt đèn và khoác cho nó cái áo để đỡ lạnh về sáng.

Có lẽ trong cuộc đời nó, những ngày tháng ở Vinh là những ngày tháng đẹp nhất. Đó là những người bạn chí cốt và thật tốt. Nó bây giờ đã bôn ba khắp nơi, gặp được rất nhiều người nhưng rất không phải lúc nào cũng gặp được những người bạn thân thiết như thời học sinh. Những buồn vui lẫn lộn, những trò chơi đánh trận giả thời bé và lớn hơn thì những rung động đầu đời đều được nó xếp vào ngăn kí ức đẹp. Hồi đó, thời tụi nó làm gì có Facebook và email. Những năm đó Internet còn đang là một khái niệm xa lạ. Thằng hàng xóm không biết kiếm đâu được mấy câu văn hay bày nó cách viết thư. Đại loại như "Hôm nay là tối thứ bảy, một cái tối se se lạnh kéo theo những cơn gió dài vô tận. Em thân mến! ..." Cứ thế là viết thư thì nó luôn có từ "se se lạnh kéo theo những cơn gió dài vô tận". Mẹ nó có lần bắt gặp bức thư nó bỏ trong cặp sách mà chưa kịp gửi. Mẹ nó chỉ cười bảo "Con của mẹ lớn thật rồi!"

Những năm cuối của thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI, nhà nó đứng trước ngã ba lựa chọn. Bố nó chuyển vào trong Nam công tác còn mẹ nó phải ở ngoài Vinh vì anh nó đang còn học Đại học Vinh. Nó vào Nam với bố nó. Nó học đại học nhưng địa điểm nó học cách xa nhà nên nó thuê trọ học. Vài ba tháng nó về thăm bố nó một lần. Sau đó vài ít lâu thì bố nó có nhiều thay đổi. Bố nó có bồ nhí. Mẹ nó biết được rất đau khổ. Mẹ nó liền lập tức vào Nam nhưng không thay đổi được con người bố nó. Dòng đời là vậy. Ham phú phụ bần, bố nó có mới nới cũ! Bố nó đâm đơn li dị mẹ khi bố về hưu. Tình nghĩa vợ chồng hơn 30 năm trời bỗng chốc tan thành mây khói. Đối với bố nó, cuộc sống không còn nghĩa cũng không còn tình. Thế nhưng, nhiều lúc nó nhận ra rằng, mẹ nó còn thương bố nó lắm lắm!

Trong thời gian đợi tòa li dị, bố nó cứ đôi ba lần lại về nhà lấy đồ sang nhà vợ bé. Nó không chịu được cảnh đó nên nó phản ứng. Bố nó tức giận. Trước khi bố nó bỏ đi bố nó có nói với mẹ nó một câu "Con bà sẽ không thành đạt bằng con tôi!" (Ý nói nó và anh nó sẽ không thành đạt bằng con bố nó với vợ bé của bố nó). Mẹ nó rất giận. Mẹ nó nói với nó "Ngày xưa mẹ đã nuôi bố mày ăn học thành tài thì ngày nay mẹ cũng quyết chí nuôi mày thành tài".

Bữa cơm đã trở nên đạm bạc với những tính toán lo toan cho con, cho cháu. Nhiều lúc nó thấy mẹ đang ăn cơm và dừng đũa. Đôi mắt mẹ nhìn về khoảng trời xa xăm. Hẳn trong tâm khảm của mẹ vẫn còn cái gì đó đau đớn lắm. Cuộc đời mẹ là những chuỗi tháng ngày lo cho chồng con và gia đình chồng. Những hình ảnh quá khứ ùa về. Đó là những năm một mình mẹ nó chăm sóc bố nó trên bệnh viện Lao do bố nó dạy học mắc phải. Các em chồng không một ai dám lên. Chỉ có mẹ nó không sợ lây lan, không sợ cả chính mình để chăm sóc cho chồng. Đó là những tháng ngày anh nó bỏ trường một mình vào Nam. Mẹ nó lang thang khắp nơi tìm anh nó. Đó là những tháng ngày bố nó đi học nghiên cứu sinh, mẹ nó xoay xở vừa có tiền cho bố ăn học vừa có tiền để lo cho gia đình, ... Nước mắt mẹ chảy dài trên hai gò má. Mẹ nó bỏ bát cơm xuống và nói với nó "Các con ăn cơm đi! Mẹ đi nằm đây".

Chiều nay, những cơn gió ùa về. Những cơn gió không còn se se lạnh như những áng văn của thằng hàng xóm ngày xưa chỉ bảo cho nó mà đó là cơn gió lạnh buốt tâm hồn. Những giọt nước mắt đã từ lâu không lăn trên gò má. Tóc mẹ giờ đã bạc nhiều. Da mẹ đã nhăn nheo như da của con rồng già. Áo mẹ sờn vai. Mẹ nó chợt cầm lấy cái điện thoại mà ngày xưa bố nó cho mẹ nó khi bố nó mua máy mới! Đó là một cái "cục gạch đã cũ" chỉ có hai tính năng là gọi và nhắn tin. Mẹ nó mân mê kỉ niệm của bố nó và nhìn về hướng trời xa. Đôi mắt mẹ đượm buồn! Nó nhìn mẹ hai dòng nước mắt rưng rưng "Đời mẹ sao khổ thế mẹ ơi?"

Nguyễn Ngọc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

Kì tích

Trong một thị trấn nhỏ hoang vu ở nước Pháp có lưu truyền về một giếng nước vô cùng linh nghiệm, luôn xuất hiện điều kì lạ có thể chữa được bách bệnh. Một hôm, có một người lính giải ngũ mất một chân, chống gậy bước khập khiễng trên đường vào thị trấn ấy. Người dân đi bên cạnh trông thấy đồng tình nói chuyện với nhau: ”Thật đáng thương, có lẽ anh ta đến cầu xin ông trời ban cho cái chân khác cũng nên”. Người lính nghe được liền quay lại trả lời: ”Tôi không xin ông trời cho một cái chân mà muốn cầu xin ông trời nói cho tôi biết, sau khi mất một chân tôi phải làm thế nào để sống”.

Thiết nghĩ: học được cách biết ơn những thứ đã mất cũng là cách chấp nhận hiện thực. Cho dù người khác được hay mất cũng nên để bản thân luôn lạc quan vui vẻ, không đau khổ vì quá khứ đã qua mà cố gắng sống tốt cuộc sống của mình

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

THỜI GIAN ĐỂ HỌC 

Một người trẻ tuổi nhưng là thiền sinh nghiêm chỉnh đã thăm dò ý kiến sư phụ của hắn, và đã hỏi vị Thiền Sư.

"Nếu con cố gắng làm việc chăm chỉ và siêng năng cần cù thì con phải bao lâu để đạt được thiền."

Vị Thiền Sư suy nghĩ về điều này, và rồi trả lời, "Mười năm."

Vị thiền sinh khi đó nói, "Nhưng điều gì nếu con hết sức cố gắng, rất cố gắng và thực sự ghép mình vào để học nhanh -- Vậy thì bao lâu?"

Vị Thiền Sư trả lời, "Vậy thì, hai mươi năm."

"Nhưng, nếu con thật sự, thật sự con làm việc đó. Vậy thì bao lâu?" vị thiền sinh hỏi.

"Ba mươi năm," Vị Thiền sư trả lời.
"Nhưng, con khong hiểu," vị thiền sinh thất vọng nói. "Với mỗi lần con nói con sẽ cố gắng hơn nữa, Sư Phụ nói nó sẽ khiến con kéodài hơn. Tại sao Sư Phụ nói như thế?"

Vị Thiền Sư trả lời, "Khi con có một con mắt trên mục đích, con chỉ có một mắt trên con đường đạo."

Điển Hay Tích Lạ

Xe dê

"Xe dê" do chữ "Dương xa".
Ngày xưa, nhà vua nào cũng vậy, ngoài có hoàng hậu, thứ phi còn có hàng ngàn cung nữ, chọn lấy người đẹp trong toàn quốc để vào cung hầu hạ, làm vui cho nhà vua. Đời nhà Tần (221-209 trước D.L.), vua Tần Thủy Hoàng (246-209 trước D.L.) có trên 3000 cung nữ. Ở Việt Nam, đời nhà Lý (1010-1225), vua Lý Thái Tông (1028-1054) quy định số hậu phi và cung nữ: hậu và phi 13 người, ngự nữ 18 người, nhạc kỹ 1000 người.
Đó là con số ít nhứt so với các triều vua, nhứt là các vua Tàu. Kể ra là một sự ... tiến bộ.
Cung của nhà vua chia làm từng phòng đặc biệt. Mỗi nàng cung phi ở riêng một phòng. Đêm đến, nhà vua muốn vui say với một cung phi nào thì vào cung đó. Vì nhiều cung phi quá, và nàng nào cũng sắc nước hương trời, nhà vua, rốt cuộc, trông ai cũng như ai rồi ... đêm nay, mình không biết là phải ngự ở cung nào?
Sách "Tấn thư" có chép: vua Võ Đế có nhiều cung nhân, mỗi đêm muốn đến với cung nhân nào thì vua ngồi trên một chiếc xe nhỏ khảm châu ngọc có con dê kéo, để tùy ý dê đi đến cung điện nào thì nhà vua vào đấy.
Xe dê gọi là "Xe dê", tên chữ là "Dương xa".
Con dê trở thành một tên hướng đạo quan trọng.
Rồi cứ chiều đến, hoàng hôn vừa buông mình rủ xuống nhà vua ngồi trên chiếc xe dê để dê lững thững kéo đi. Các cung phi vì muốn được hưởng ơn mưa móc của quân vương, muốn sưởi ấm thân để cõi lòng khỏi đơn côi trống trải, nhưng không biết tìm thế nào cho dê kéo xe ngừng lại trước cung mình. Sau, có vài nàng có sáng kiến, biết dê thích ăn lá dâu nên tìm lá dâu rắc trước cung để nhử dê dừng xe lại. Dần dần trước cung nào cũng thấy dẫy đầy lá dâu.
Trong "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều, đoạn nói về nàng cung nữ oán trách nhà vua ghẻ lạnh đối với mình, có câu:
    Phải duyên hương lửa cùng nhau,
    Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào.
Ý nói duyên nợ với vua từ bao kiếp trước, chứ đâu như các cung phi khác, muốn được hầu vua thì tất phải rắc lá dâu cho xe dê vào rồi mới được gần vua.
"Xe dê" lấy ở điển tích trên

Chuyện cười trong ngày

Vợ đảm đang…

Bill đi làm về thấy Ann, vợ anh, đang ngồi khóc sụt sùi. “Em thấy thật tồi tệ”, Ann nói.

- Em đang là bộ vest duy nhất của anh thì làm cháy một lỗ to tướng ở đầu gối quần.

- Thôi, không sao

- Bill an ủi : Em có nhớ không, anh có chiếc quần dự phòng cho bộ vest mà.

- Em nhớ, và thật may là anh có chiếc quần dự phòng đó , Ann nói và lau nước mắt:

– Em đã cắt nó ra để vá lỗ thủng, trông cũng không kinh khủng lắm.

Friday, July 28, 2017

Ngày 28-7-2017 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Chuyện Phạm Lãi không cứu được con

CHUYỆN PHẠM LÃI KHÔNG CỨU ĐƯỢC CON

Phạm Lãi, tên tự là Thiếu Bá, là một tướng tài của nước Việt ở Trung Hoa thời Xuân Thu Chiến Quốc.

***

Theo Sử ký, con thứ Phạm Lãi phạm tội giết người, bị giam ở nước Sở. Phạm Lãi quen tướng quốc Sở là Trang Sinh, sai con mang 1.000 dật vàng đi đút lót cho Trang Sinh xin tha con mình. Ông muốn sai đứa con út đi, nhưng người con cả nhất định đòi đi, nếu không sẽ tự sát; vợ ông cũng muốn để người con cả đã chín chắn vì sợ cậu con út còn ít tuổi. Cuối cùng ông đành nghe theo.
Người con cả đến nước Sở gặp Trang Sinh, đưa vàng và ngỏ lời nhờ tha cho em mình. Trang Sinh nhận lời, bảo con Phạm Lãi cứ về, rồi em sẽ được thả mà không được hỏi lý do tại sao. Trang Sinh vốn là người ngay thẳng, định bụng sau khi xong việc sẽ hoàn lại vàng cho Đào Chu công.

Sau đó Trang Sinh vào tâu vua Sở Huệ Vương, mượn điềm thiên văn tai ương để xui vua Sở phóng thích tù nhân, làm điều phúc đức tránh tai hoạ. Vua Sở nghe theo, bèn ra lệnh sẽ thả hết phạm nhân.

Con cả Phạm Lãi chưa về ngay, lại lấy tiền riêng của mình mang theo là 100 dật, nhờ cậy một vị quan khác nước Sở nghe ngóng tình hình. Nghe tin vị đó báo lại là vua Sở sẽ đại xá, anh ta nghĩ rằng đáng lý mình không phải phí vàng đem đút lót mà em mình vẫn được thả, nên quay lại nhà Trang Sinh. Trang Sinh biết ý anh ta muốn đòi vàng, bèn trả lại; nhưng trong bụng thấy xấu hổ vì bị trẻ con nghĩ rằng mình là kẻ tham lam, bèn vào tâu vua Sở rằng:

- Tôi nghe thiên hạ dị nghị rằng đại vương nhận tiền đút lót của Phạm Lãi nên mới đại xá thiên hạ, làm giảm ân đức của người. Vậy xin chém riêng con Phạm Lãi để thiên hạ thấy sự nghiêm minh, nhân đức của đại vương!

Vua Sở nghe theo, bèn sai mang con thứ Phạm Lãi trong ngục ra chém, còn những phạm nhân khác đều tha. Người con cả mang xác em về. Bà vợ khóc than, Phạm Lãi nói:

- Sở dĩ tôi muốn sai thằng út đi, vì khi nó sinh ra, nhà ta đã khá giả; vì thế nó sẽ không tiếc của mang hối lộ người ta. Còn thằng cả sinh ra khi nhà ta còn nghèo khó, nó sẽ tiếc của. Bởi thế lúc nó đi, tôi biết là nó sẽ phải mang xác em nó về.

Phạm Lãi hiểu nhân tình thế thái, không những hiểu từng đứa con, còn hiểu cả Trang Sinh nữa; tuy ông có thể cứu nước Việt nhưng lại không cứu nổi con mình.

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

CHIỀN CHIỆN MẸ VÀ CON

Chim Chiền Chiện làm tổ trên một cánh đồng lúa mì non. Ngày ngày trôi qua, khi những thân lúa đã vươn cao thì bầy chim con mới nở ngày nào, đã lớn nhanh như thổi. Rồi một ngày, khi lúa những ngọn lúa chín vàng đung đưa trong gió, Bác Nông Phu và những người con đi ra đồng.

"Lúa này bây giờ gặt được rồi đây," Bác Nông Phu nói. "Chúng ta phải kêu cả những người hàng xóm và bạn bè đến giúp cho chúng ta thu hoạch."

Bầy chim Chiền Chiện con trong tổ ngay sát đó nghe vậy hết sức sợ hãi, vì chúng biết rằng chúng sẽ gặp nguy lớn nếu không kịp dời tổ trước khi thợ gặt đến. Khi chim Chiền Chiện Mẹ kiếm ăn trở về, lũ chim con kể lại cho mẹ những gì chúng nghe được.

"Đừng sợ, các con ạ," Chiền Chiện mẹ nói. "Nếu Bác Nông Phu bảo rằng ông ấy sẽ kêu hàng xóm và bạn bè của ông ấy đến giúp, thì đám lúa này cũng còn một thời gian nữa họ mới gặt được.

Vài ngày sau, khi lúa đã quá chín, và khi có gió lay động thân lúa, một loạt các hạt lúa rào rào rơi xuống đầu lũ Chiền Chiện con.

"Nếu không gặt gấp đám lúa này," Bác Nông Phu bảo, "chúng ta sẽ thất thoát đến cả nửa vụ mùa. Chúng ta không thể chờ đợi bạn bè được nữa. Ngày mai chúng ta sẽ bắt đầu tự gặt lấy."

Khi lũ Chiền Chiện con kể lại với mẹ những gì chúng nghe ngày hôm nay, nó bảo:

Thế thì mình phải dọn tổ đi ngay. Khi người ta đã quyết định tự mình làm mà không trông nhờ vào ai khác nữa, thì chắc chắn là họ chẳng trì hoãn gì nữa đâu."

Cả nhà chim tíu tít lo bay tới bay lui dọn tổ đi ngay buổi trưa đó, và đến khi mặt trời mọc sáng hôm sau, lúc Bác Nông Phu và những người con ra đồng gặt lúa, họ chỉ gặp một cái tổ rỗng không.

Lời bàn: Trong cuộc sống, khi đã quyết định tự mình làm việc gì, đừng quá trông mong vào sự giúp đỡ người khác. Tự cứu mình là tốt nhất.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

XUẤT BẢN KINH 

Tetsugen, một người nhiệt tình với thiền tại Nhật Bản, đã quyết định xuất bản kinh, ở thời đó chỉ có thể có được ở nước Trung Hoa mà thôi. Những cuốn sách được khắc trên những khúc gỗ số bản in ra bảy ngàn cuốn, một công cuộc kinh doanh to lớn.

Tetsugen bắt đầu bằng một cuộc du hành và thu thập những sự quyên cúng cho mục đích này. Một vài người có cảm tình đã đóng góp cho ông trăm miếng vàng, nhưng phần lớn thời gian ông nhận được chỉ là những tiền cắc nhỏ. Ông cảm ơn từng người đóng góp với sự biết ơn bằng nhau. Sau mười năm Tetsugen có đủ số tiền để bắt đầu công việc của ông ta.

Một chuyện xảy ra rằng tại thời điểm đó sông Uji dâng tràn. Nạn đói kém theo sau. Tetsugen lấy tiền qũy mà ông đã thu được, để giúp dân chúng mình.

Cho đến lần thứ ba ông bắt đầu công việc của ông ta, và sau hai mươi năm sự mong mỏi của ông đã mãn nguyện. Bản in khắc mà xuất bản kinh đầu tiên có thể tìm thấy ngày hôm nay ở tu viện Obaku tại Kyoto.

Những người dân Nhật kể cho con cháu họ rằng Tetsugen đã làm ba bộ kinh, và hai bộ đầu không ai thấy được thì vượt hơn hẳn bộ chót

Điều nên biết về phong tục Việt Nam

Một trăm điều nên biết về phong tục Việt Nam
Ai vái lạy ai

Vái lạy là phép xã giao thời xưa, không chỉ dùng khi cúng tế mà người sống cũng lạy nhau..."Đời xưa vua đối với bày tôi, bố vợ đối với chàng rể, người tôn trưởng với kẻ ti ấu đều phải lạy đáp lễ... Đến đời nhà Tần mới đặt ra lễ "tôn quân ti thần", nên thiên tử không đáp lạy bày tôi nữa... Ngaỳ xưa từ quan khanh sĩ trở xuống đều theo cổ lễ mà đáp lễ kẻ ti ấu, nếu kẻ ti ấu (bề dưới) chối từ, mới dùng lễ túc bái đáp lại. Còn vái là nghi thức lúc đã lễ xong....Nước ta xưa kia có chốn công đường có lễ tông kiến, kẻ hạ quan cũng vái bậc trưởng quan... Gần đây những kẻ hiếu sự không biết  xét đến cổ điênr lại cho là lễ của tôn trưởng đối với kẻ ti ấu, còn kẻ ti ấu đối với tôn trưởng không được vái, chỉ lạy xong là cứ đứng thẳng và lùi ra..."(Trích Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ trang 174).

    Xem đoạn văn trích dẫn trên ta thấy vái lạy là một phép xã giao, không chỉ vái lạy người trên mà người trên cũng vái lạy đáp lễ. Từ lạy nhau chuyền sang vái nhau trong buổi tương kiến, đến nay ta tiếp thu văn hoá Âu Tây vẫn giữ được phép tôn ti (tôn trưởng ti ấu).

    Theo phong tục lễ giáo của ta, bề dưới phải chủ động chào bề trên trước, trẻ chào già trước, trò chào thầy trước. Nếu bề trên không chào lại người dưới, thầy không chào lại trò, tức là không đáp lễ, thì cũng bất lịch sự chẳng khác gì từ chối người khác, làm cho người đưa tay trước ngượng ngùng và bất bình. Không biết vái, chào lại người khác là đã tự làm mất đi phong cách lịch duyệt của chính mình.

    Chúng tôi xin trích kể lại câu chuyện "Tam nguyên Tổng đốc lạy ông Nhiêu".

Ông Nhiêu Chuồi người cùng làm ăn mừng lên thọ 80 Cụ Tam Nguyên cũng tới mừng. Khi làm lễ chúc thọ, cụ Tam cũng như mọi người lễ ông Nhiêu hai lễ rất kính cẩn. "Ai đời cụ Tam Nguyên Tổng Đốc lại lạy một người dân thường. Ông Nhiêu vội vàng sụp xuống lạy tạ. Cụ Tam đỡ ông Nhiêu dậy, ôn tồn nói: Ta lễ là lễ cái thiên tước của ông Nhiêu đấy..."

(Trích Nguyễn khuyến và giai thoại _ Bùi. V. Cường biên soạn_Hội VHNT Hà Nam Ninh xuất bản- tr 123)

Chuyện cười trong ngày

Màu đặc biệt, ngày cũng đặc biệt

Một trọc phú bước vào salon ôtô, vênh váo nói:

- Hãy chọn cho tôi một chiếc BMW thật đặc biệt, không phải màu xanh, đỏ, tím, vàng, nâu, đen hoặc trắng...

- Đồng ý, chúng tôi sẽ đặt cho ông chiếc xe đó, ông quay lại sau nhé!

- Nói chính xác là hôm nào đi!

- Hôm nào cũng được, trừ các ngày thường, ngày lễ và chủ nhật.

Thursday, July 27, 2017

Ngày 27-7-2017 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Chuyện tình cờ hay điều kì diệu

CHUYỆN TÌNH CỜ HAY ĐIỀU KÌ DIỆU?

Nhưng dù sao, thì anh ấy cũng hứa là sẽ về kịp để dẫn chị tôi bước vào nhà thờ thay bố tôi, bố đã mất từ mấy năm trước. Anh ấy còn đùa là anh ấy rất mong đến ngày đám cưới, vì thực ra, anh ấy muốn "đem cho" chị Patsy đi từ hồi chị ấy mới... 3 tuổi cơ!

***

Chị Patsy, chị gái thứ hai của tôi, sắp làm đám cưới. Thế là cả tuần trước tôi chạy như con thoi giữa tiệm áo cưới đến tiệm hoa, rồi từ tiệm hoa đến ban tổ chức lễ cưới ở nhà thờ...

Mẹ vẫn phải đi làm, anh cả tôi lại đang đi công tác. Nhưng dù sao, thì anh ấy cũng hứa là sẽ về kịp để dẫn chị tôi bước vào nhà thờ thay bố tôi, bố đã mất từ mấy năm trước. Anh ấy còn đùa là anh ấy rất mong đến ngày đám cưới, vì thực ra, anh ấy muốn "đem cho" chị Patsy đi từ hồi chị ấy mới... 3 tuổi cơ!
Để tiết kiệm ít tiền, tôi đi kiếm hoa từ mấy người bạn mà nhà có những cây hoa mộc lan lớn. Những bông hoa màu trắng kem với hương thơm ngọt ngào và lá xanh bóng sẽ tạo ra một bó hoa cô dâu tuyệt đẹp và nổi bật. Đêm trước hôm đám cưới, tuy mệt nhưng tôi vẫn thở phào vì mọi việc đã được chuẩn bị chu đáo. Chị tôi sẽ có một đám cưới vô cùng đáng nhớ!

Thế rồi ngày trọng đại cũng đến. Trong khi mấy người bạn giúp chị Patsy chỉnh váy cưới, thì tôi đến nhà thờ trước để xem mọi chuyện đã thật sự ổn chưa.

Khi mở cánh cửa nhà thờ, phả vào chúng tôi là một luồng không khí nóng hầm hập, tôi suýt nữa thì ngã lăn đùng ra ngất, không phải vì tôi chịu nóng kém, mà là vì cảnh tượng tôi đang nhìn thấy - tất cả những bông hoa mộc lan màu trắng kem xinh đẹp đã trở nên... đen xỉn! Đêm qua nhà thờ bị cắt điện, hệ thống điều hoà không khí không hoạt động, và trong suốt một đêm nóng bức, những bông hoa đã héo rũ và chết cả!

Tôi nhìn những bông hoa mà muốn khóc. Nhưng tôi không có thời gian để khóc. Tôi chỉ cón biết mong bốn điều: những bông mộc lan trắng kem sẽ xuất hiện, tôi sẽ đủ can đảm để kiếm được chúng trong một khu vườn nào đó ở quanh đây, tôi sẽ được an toàn dù bất kỳ con chó dữ dằn nào có xông ra đớp vào chân, và một người tử tế nào đó sẽ không nện cho tôi một trận khi tự nhiên tôi đòi ngắt trụi cây hoa mộc lan hoàn hảo của họ.
Khi vừa ra khỏi nhà thờ được một chút, tôi chợt nhìn thấy xa xa có những cây hoa mộc lan. Tôi vội vã chạy ngay lại gần ngôi nhà đó... trước hết là không có chó! Tôi gõ cửa và một người đàn ông khoảng hơn 60 tuổi ra mở. Vẫn ổn... ông ấy chưa nổi điên, cũng không cầm theo cái gậy nào. Sau khi nghe tôi "trình bày hoàn cảnh", ông ấy mỉm cười: "Ta rất vui được giúp cháu!".

Nói rồi ông ấy lấy ra ngay một chiếc thang, bắc lên và cắt những bông mộc lan lớn và đưa xuống dưới cho tôi. Chỉ vài phút sau, tôi đã có một ôm hoa tươi đẹp tuyệt.

- Cảm ơn ông, ông đã cứu em gái của một cô dâu đấy ạ! - Tôi nói.

- Không - Ông ấy đáp - Cháu không hiểu đâu... Chính ta mới phải cảm ơn cháu.

- Về cái gì cơ ạ? - Tôi ngạc nhiên hỏi lại.

Vừa trèo xuống khỏi thang, người đàn ông vừa kể:

- Vợ ta vừa mất vài tháng trước... Bà ấy là người ta yêu thương nhất và cũng yêu thương ta nhất - Tôi thấy ông ấy lau nước mắt khi kể - Bây giờ ta còn lại có một mình. Suốt nhiều năm qua, lúc nào ta cũng cần bà ấy và bà ấy cũng cần đến ta. Nhưng bây giờ thì không ai cần đến ta nữa. Sau khi bà ấy mất, cũng chẳng ai đến thăm ta cả. Sáng nay, ta ngồi một mình và nghĩ: "Ai cần đến ông già 67 tuổi này? Ai thèm nhớ đến sự tồn tại của ta?". Và ta tự trả lời là "không ai cả". Nhưng đúng lúc đó thì cháu gõ cửa, và câu đầu tiên cháu nói với ta là: "Ông ơi, cháu cần ông giúp".
Tôi đứng há cả miệng ra nghe, không nói được lời nào.

Ông ấy mỉm cười:

- Cháu có biết ta nghĩ gì khi đưa cho cháu những bông hoa mộc lan này không?

- Không ạ.

- Ta biết rằng ta vẫn được nhớ đến. Có những người vẫn cần những bông hoa của ta. Có thể ta sẽ... mở một cửa hàng hoa nhỏ ở đây. Vườn sau của ta còn rất nhiều hoa đấy... Cháu nghĩ như thế có tốt hơn không?

Tôi quay lại nhà thờ, thấy trong lòng lấp lánh vui, không chỉ vì tôi đã kiếm được một ôm hoa tươi, mà còn vì biết rằng một cách vô tình, mình đã giúp được một người đang cô độc.

Tôi cứ nghĩ, vào ngày đám cưới của chị Patsy, nếu ai đó đề nghị tôi đi an ủi một người đau khổ, hẳn tôi sẽ nói: "Thôi nào, hôm nay là đám cưới của chị tôi, ngày trọng đại đấy! Chẳng có cách nào mà tôi lại đi giúp đỡ ai khác được đâu". Nhưng cuộc sống vẫn có cách của riêng mình, dù là qua những bông hoa héo, để làm nên những điều tình cờ nhưng kỳ diệu.