Wednesday, February 27, 2013

Người Phật Tử và Nhà Tư Bản


Người Phật Tử và Nhà Tư Bản
Bài viết bởi Jeffrey Collin/Huffington Post
TT Giác Đẳng diễn giảng ngày 26-2-2013
Minh Hạnh chuyển biên

Trên tờ Huffington Post, đăng bài viết về một người Phật tử và nhà tư bản

Ðề tài một người Phật tử và một người tư bản nói về sự suy nghĩ của một ký giả, ông Jeffrey Collin. Trong bài viết của ông đặc biệt nêu ra một điều là, nhiều người đến với đạo Phật và đặc biệt là người Tây Phương thường thấy rằng đạo Phật chủ chương từ bỏ cuộc sống thế tục, từ bỏ tài sản, sống cuộc sống thanh hạnh bần hàn. Và như vậy đạo Phật gần với tinh thần vô sản, gần với chủ nghĩa cộng sản hơn là chủ nghĩa tư bản. Nhưng, ông Jeffrey Collin thì cho rằng quan niệm này, mới nhìn thì có lý nhưng nhìn kỷ thì rất là sai. Bởi vì tự trong thâm tâm ông khi học Phật Pháp, ông tin rằng một người bình thường có thể vừa là Phật tử và cũng vừa là một thuong gia giàu có, hay nói một cách khác, là một nhà tu bản. Ông tin là có hai yếu tính mà khiến cho một con nguời có thể dám nhận ra rằng mình là người Phật tử, mình di theo lời dạy của Ðức Phật, đó là tu tập chánh niệm và tu tập đại bi tâm.

Nói về tu tập chánh niệm thì ông khẳng định là sự tu tập này tồn tại ở trong tất cả mọi hình thái, không phải chỉ khi người ta nghèo người ta mới có chánh niệm, mà ngay cả trong cuộc sống nhung lụa nếu họ có chánh niệm thì vẫn có chánh niệm. Và ông tìm nhiều lý do để thấy rằng ngày nay những người sống trong trong cuộc sống tuong đối dư giả thì họ ít bị chi phối ít có bị cuốn hút vào những chuyện muu cầu tiền bạc mà thay vào đó dành được nhiều thì giờ cho sự tăng trưởng ý thức về thân và tâm, miễn là được hướng dẫn. Và ông cũng nói thêm rằng Phật Pháp cũng nói đến sự hợp tình hợp ý của một con người làm giàu nhờ nỗ lực và làm giàu nhờ phước lành của quá khứ. Và trong các đệ tử Phật, những vị đại thí chủ đều là những nhà tư bản như ông Cấp-cô-độc và bà Visakha.

Tu tưởng của ông thật ra là một tư tưởng tương đối rất thú vị, bởi vì từ thập niên 60, người Tây-phuong đã bắt đầu nói đến ảo tưởng và một thiên đàng vật chất, và người ta thấy rằng trong những xã hội mà chỉ chú trọng về tiền, con người cật lực làm ra tiền, Nhưng, rốt cuộc rồi không hạnh phúc, và nhiều người đã chọn một đời sống giản dị để không phải tự mình làm nô lệ cho đồng tiền, họ đã bỏ đi theo những phong trào hippie, phong trào Hare Krishna. Và họ cũng tìm đến những phuong pháp tu tâp thân tâm của Ðông-phuong nhu là Yoga nhu là Thái-chi. Họtin rằng những phuong pháp thực hành này giúp cho họ giảm thiểu phần nào những lệ thuộc vào vật chất.

Ông Jeffrey Collin, trong bài viết này đã khẳng định một điều là, để thực hiện chánh niệm người ta không cần phải trở thành một kẻ nghèo, một người chỉ có vài đồng xu dính túi. Và ông buớc sang một hình ảnh khác, thì ông nói rằng, một người Phật tử đúng nghĩa phải là một người có tâm đại bi. Khi nói đến đại bi tâm thì không nhất thiết là người đó phải nghèo hay giàu, dĩ nhiên là, người nghèo có cách thuong những người nghèo khác ? trong tình thuong của mình, nhưng mà, điều đó cũng không có nghia là khi mình giàu nó trở thành một cái luật là người giàu thì không thể thuong người được. Ông nhìn nhận rằng cuộc sống khi người ta giàu có thì nhiều khi người ta trở nên ích kỷ, tuy vậy, vẫn có nhiều người giàu có mà họ có một khẳ năng lớn có thể làm tốt cho cuộc đời. Thì nhũng điều đó đối với ông vẫn có ý nghĩa.

Và do vậy, trong bài báo này, ông nhấn mạnh đến quan niệm của ông, một người Phật tử da trắng lớn lên tại xã hội Hoa-Kỳ, ông tin tưởng một người sống tại Mỹ, vừa có thể là người Phật tử tốt và vừa là nhà tư bản giàu có. Và ông cũng nói rằng, trong sự hiểu biết của ông thì không có bất cứ một trường hợp nào ở trong kinh điển của Đạo Phật mà lên án sựgiàu có của con người, chỉ có điều Đức Phật dạy là đồng tiền có được mà không lương thiện, do sở hành bất chánh là điều nên tránh. Nhung, những người giàu có không nhất thiết lúc nào cũng là bất lươngcung, có những sự giàu có nhờ vào đôi bàn tay và trí óc của mình và điều đó đã được khẳng định trong xã hội Hoa-kỳ

Bài viết là một bài rất thú vị, tuy rằng, nó chỉ là sự trình bày mang tánh cách cá nhân, nhung từ lâu, khi người ta viết về Đạo Phật, đề cập đến đời sống tu tập thì người ta chỉ vẽ một hình ảnh đơn giản đó là người muốn trở thành Phật tử thì phải là người tư bỏ tất cả, nhung mà, ông đặt lại vấn đề là theo ông thì người Phật tử là người có thể tu tập được hai pháp, dó là, chánh niệm và đại bi tâm ./.


Ký Sự về hành hương lễ Phật đầu năm vùng Dallas


Ký Sự về hành hương lễ Phật đầu nămvùng Dallas, TX để tri ân và hồi hướng công đức đến Ngài Đại Lão Hoà Thượng Hộ Giác,
Minh Hạnh viết ngày 19-2-2013
Là một Phật tử, từ nhỏ chúng tôi đã thấm nhuần niềm tin trong phong tục người Phật tử Việt Nam là hành hương lễ Phật đầu xuân để cầu phước. Do vậy, sống ở hải ngoại, từ lâu tôi rất mong một lần vào dịp đầu xuân được đi hành hương lễ Phật.

Khi được thông báo, Chư Tăng và Phật tử chùa Pháp Luân sẽ Hành Hương lễ Phật đầu xuân trong hai ngày 14-2 và 15-2, 2013 là ngày mùng 5 và mùng 6 Tết Âm Lịch tại hai thành phố Houston và Dallas. Trước là để tri ân các ngôi chùa đã tham dự, giúp đỡ trong những ngày cử hành tang lễ Ngài Cố Đại Lão Hoà Thượng Thích Hộ Giác, sau là để hồi hướng công đức đến Ngài, và cũng là để hồi hướng phuớc báu đến tứ ân phụ mẫu của mình, nên chúng tôi vô cùng hoan hỉ và xin được tham gia chuyến hành hương này.

Vì ở xa chùa Pháp Luân nên không tiện đi hành hương thập tự tại Houston, nhưng chúng tôi cũng cố gắng thu xếp để được đi ngày 15-2 viếng thăm các ngôi chùa tại Dallas. Đối với chúng tôi, hai vợ chồng, đó là một chuyến đi mang rất nhiều ý nghĩa, một sự tinh tấn, một niềm tin vững bền và niềm hoan hỉ vô cùng.

1:00 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu rời nhà, rời thành phố Baton Rouge trực chỉ đến thành phố Houston. Trên đường đi ngang qua những thành phố trong đêm tối, phố xá yên tịnh, mọi người dường như đang ngủ say trong giấc nồng. Trong xe, chúng tôi mở kinh Tam Bảo để nghe, lời tụng kinh của Chư Tăng chùa Pháp Luân đi sâu vào tâm cả hai chúng tôi với một niềm tin vững mạnh.

Gần 6:00 giờ sáng thì chúng tôi đến chùa Pháp Luân, nơi đây các anh chị Phật tử đã đến đầy đủ, mọi người đang chuẩn bị bữa ăn đem theo dọc đường, các chị làm bánh mì chay và nấu xôi, các anh thì chuẩn bị những chai nước lạnh, những thùng trái cây, cam, qúit và chuối sẵn sàng để chờ xe bus đến là cùng lên đường.

Và xe bus đến lúc 6:30, tất cả mọi người lên xe bus. Ba Chư Tăng, cùng với 80 Phật tử, của hai chùa Pháp Luân và chùa Liên Hoa đi trong hai xe bus.

Mở đầu chuyến hành hương, TT Giác Đẳng nói lên ý nghĩa của chuyến đi Hành Hương Thập Tự đầu năm là để tri ân các ngôi chùa đã có sự giúp đỡ và thăm viếng trong tang lễ của Ngài Cố Đại Lão Hòa Thượng. Kế đến TT để chúng tôi nghỉ 15 phút thì bắt đầu khóa lễ Tam Bảo, TT hướng dẫn chúng tôi tụng kinh Tam Bảo lời Việt, mọi người cùng cất tiếng đọc theo Ngài. Sau đó TT và Chư Tăng tụng kinh Tam Bảo bằng tiếng Pali. Sau phần tụng kinh Tam Bảo thì TT thuyết pháp, Ngài nói rằng:

"Chúng ta là người con Phật, đi chung một chùa, cùng đi hành hương chung một chuyến xe, thì tất cả là anh em một nhà, không nên ganh ghét đố ky nhau mà hãy thương mến, giúp đỡ nhau bằng sự yêu thương từ ái. Một nhà mà có hoà thuận, có thương mến giúp đỡ nhau thì ngôi nhà đó có sự thịnh vượng."

Lời giảng của TT, tuy rất đơn điệu, nhưng lại là một điều nhắc nhở làm hành trang cho chúng tôi lên đường trong niềm tin thanh tịnh nơi ngôi Tam Bảo.

Xe bus đi được nửa đoạn đường thì ngừng tại địa điểm dành xe bus nghỉ để đổ xăng. Tại nơi đây, TT Giác Đẳng chuyển sang xe bus thứ hai để hướng dẫn các Phật tử trong xe bus này khóa lễ Tam Bảo. Và trong xe chúng tôi còn lại là TT Thường Niệm và TT Chánh Thọ. Trong chuyến đường còn lại, mọi người bắt đầu được phát mỗi người một ổ bánh mì chay, một gói sôi, rồi chuối, cam, quít, nước uống cũng được phân phát cho mỗi người.

Sau khi mọi người ăn uống xong thì TT Chánh Thọ giảng bài pháp về những phước báu tạo được trong chuyến Hành Hương Thập tự đầu năm, chúng tôi vô cùng hoan hỉ thọ nhận những lời pháp nhủ của TT Chánh Thọ. Sau phần pháp thoại thì anh Viên Hạnh lên cống hiến sự hiểu biết của mình về Phật Pháp, và anh Châu thì giúp vui bằng một câu vọng cổ "Tình anh bán chiếu" của nghệ sĩ Út Trà Ôn. Mọi người rất vui vẻ và tận hưởng sự hoan hỉ của ngày đầu năm đi hành hương.

Khoảng 12:00 trưa thì chúng tôi đến ngôi chùa đầu tiên trong chuyến hành hương là chùa Hương Đạo tại Fort Worth, Texas. Mọi người vô cùng hoan hỉ với cảnh chùa, riêng tôi thì rất là kính ngưỡng vì ở nơi đất khách quê người mà được nhìn, được thăm viếng một ngôi chùa nguy nga tráng lệ như ngôi chùa Hương Đạo thì quả thật là một điều hoan hỉ vô cùng. Tại chánh điện, TT Bửu Đức cùng Chư Tăng đang chờ đón chúng tôi, sau phần lễ Tam Bảo và hồi hướng công đức đến Đức Cố Tăng Thống Đại Lão Hoà Thượng Thích Hộ Giác, TT Giác Đẳng và TT Bửu Đức hàn huyên, nét mặt của các Ngài rộ lên niềm vui khi gặp nhau chứng tỏ sự thâm tình của quí Ngài. Và kế đến hai vị huynh trưởng đại diện các Phật tử đã dâng cúng tịnh tài cùng phẩm vật lên TT Bửu Đức.

Qua lời giới thiệu của TT Giác Đẳng thì chúng tôi được biết, TT Bửu Đức trước kia là thị giả của Ngài HT Hộ Tông. Và chỗ thâm tình của TT Bửu Đức với Ngài Cố Đại Lão Hòa Thượng Hộ Giác rất thâm sâu, khi còn sanh tiền HT Hộ Giác thường xuyên thăm viếng ngôi chùa Hương Đạo và Ngài Hoà Thượng rất thích cảnh trí của ngôi chùa Hương Đạo. Ngược lại thì TT Bửu Đức và Chư Tăng chùa Hương Đạo cũng thường đến chùa Pháp Luân để vấn an Ngài Hoà Thượng, nhất là sau này, khi Hòa Thượng bệnh thì TT Bửu Đức và Chư Tăng lại thăm viếng thường xuyên hơn và trong tang lễ thì TT Bửu Đức và Chư Tăng đã đến chùa Pháp Luân giúp đỡ rất nhiều. Với lời giới thiệu này, chúng con đã vô cùng xúc động và cũng rất hoan hỉ là được đến thăm viếng chùa trong ngày đầu năm.

Sau phần dâng cúng phẩm vật và tịnh tài thì chúng tôi được đưa xuống nhà ăn của chùa để ăn cơm chay. Phải nói rằng TT Bửu Đức cùng với các anh chị Phật tử của chùa Hương Đạo rất chu đáo và ân cần, làm chúng tôi cảm động nên ăn rất ngon.

Vì là ngôi chùa đầu tiên đến thăm viếng trong chuyến hành hương nên chúng tôi kéo dài thời gian để chụp hình, ngắm cảnh. Cảnh trí ngôi chùa rất trang nghiêm. Đường vào Chánh điện có các bậc cấp và hai con rồng nằm phục hai bên. Xa xa là cảnh trí hòn giả sơn với những ngọn nước phun trong vắt trước tượng Đức Quán Âm Bồ Tát đang lắng nghe nỗi thống khổ của chúng sanh. Một cảnh chùa quá đẹp, quá thanh tịnh. Ngôi chùa nằm toạ lạc trên một mảnh đất rất rộng nên có một không gian thoáng không bị tù túng. Chúng tôi thi nhau chụp hình để làm kỷ niệm mà không để ý đến tấm bảng gắng trên lối đi: "Xin đừng đi trên cỏ" đến chừng chụp xong tấm hình thì tôi nhìn thấy tấm bảng nhắc nhở đó, tôi vội vàng bái xuống xin sám hối, nhưng mà rồi, đọc đến câu kế tiếp: "xin đừng đi gần bờ hồ" thì tôi nhìn quanh, và tự an ủi mình là vì, hầu như tất cả mọi người đều đang đi, đứng và đang tạo dáng để chụp hình ngay bên bờ hồ nước và thậm chí có người còn leo lên những hòn đá bước đến gần tôn tượng Quán Thế Âm để tạo dáng chụp hình. Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là vị Phật của từ bi, cứu thế, chắc Ngài cũng không nỡ rày chúng tôi!!!

Rời chùa Hương Đạo trong sự quyến luyến chúng tôi đến chùa thứ hai là Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại, tại Irving, Texas. Vì Hoà Thượng Tín Nghĩa bận Phật sự, chúng tôi tưởng đâu là sẽ không có cơ duyên gặp Ngài trong ngày đầu xuân, nhưng mà, Hòa Thượng đã thu xếp để về kịp, thế là, chúng tôi được cơ may gặp Ngài. Hòa Thượng rất vui vẻ và Ngài kể rằng Ngài và Hòa Thượng Hộ Giác xưa kia khi còn ở Việt Nam đã một thời rất thân, sau này ra nước ngoài thì vẫn còn giữ tấm thân tình đó.

Tổ Đình Từ Đàm, chúng tôi đã nghe tiếng ngôi chùa này từ rất lâu, mà nay mới có cơ duyên để được đến chùa bái Phật đầu năm. Muốn vào chánh điện phải trèo lên nhiều bậc cấp, vì thế ngôi chùa với vẻ uy nghi và mang đượm màu sắc cố hương. Tại nơi đây chúng tôi tranh thủ chụp được một ít hình.

Rời Tổ Đình Từ Đàm, chúng tôi đến Tự Viện Liên Hoa ở Irving, Texas, là ngôi chùa đầu tiên của Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam tại tiểu bang Texas và vùng trung Mỹ, do Ngài Hòa Thượng Pháp Nhẫn là viện chủ. Tại nơi đây, tôi đã được nhận thấy sự thân tình của Ngài viện chủ đối với Chư Tăng và Phật tử chùa Pháp Luân và ngược lại tôi cũng đã thấy sự kính trọng Ngài qua Chư Tăng và Phật tử chùa Pháp Luân, đã nói lên nỗi thâm tình. Sau phần lễ Tam Bảo, hồi hướng công đức đến Cố Đại Lão Hòa Thượng Hộ Giác thì vội vã chụp ít hình rồi lại lên xe.

Ngôi chùa kế tiếp là chùa Pháp Quang tại Grand Prairie, Texas, ngôi tự viện còn được biết với tên là Trung Tâm Phật-Giáo Khuôn-Việt được thành lập bởi Cố Hòa Thượng Thích Trí Hiền từ năm 1981, nay Ngài đã viên tịch và Thượng Tọa Nguyên Tâm hiện là người điều hành ngôi chùa. Ngôi chùa với vẻ cổ kính, trong khuôn viên chùa cảnh trí với nhiều tôn tượng Phật và cây xanh tươi, những cành hoa đào nở đúng vào mùa xuân rất đẹp, mọi người trầm trồ khi nhìn thấy những cây hoa anh đào nở rộ mà lòng hoan hỉ. Chúng tôi đã được cơ duyên đảnh lễ TT Nguyên Tâm trong áo nâu sòng tiếp đón chúng tôi rất ân cần. Tại nơi đây, nhờ có gia đình một người con ở gần chùa nên chúng tôi được dịp gặp hai cô cháu nội xinh xắn và đưa các cháu vào lễ Phật đầu năm.

Rời chùa Pháp Quang thì đã hơn 4:00, và theo lời dặn dò của TT Giác Đẳng thì phái đoàn phải lên xe bus lúc 5:00 để quay về chùa Pháp Luân ở thành phố Houston, chỉ có một giờ đồng hồ nên xe chạy gấp rút để đến chùa Đạo Quang. Theo lời của TT Giác Đẳng thì ngôi chùa Đạo Quang cảnh rất đẹp, nên TT đặc biệt cho viếng thăm cuối cùng để gây ấn tượng trong lòng mọi người với cảnh trí của ngôi chùa trước khi trở về chùa Pháp Luân. Tuy nhiên, vì di chuyển trên đường phố trong giờ tan sở nên bị kẹt xe, và xe bus đến nơi thì đã là 5:15 giờ chiều rồi, chúng tôi chỉ còn ít phút để vào lễ Phật, và đảnh lễ Hòa Thượng Tịnh Đức. Hòa Thượng Tịnh Đức đã đang đón chờ chúng tôi, vừa bước vào chánh điện là Ngài đã mừng tuổi các Phật tử mỗi người một bao lì xì đỏ một đồng dollar để lấy hên. Chúng tôi dâng phẩm vật và tịnh tài lên Ngài với lời tri ân đến Ngài, rồi vội vã chạy ra chụp vội mấy tấm ảnh là phải lên xe quay về chùa Pháp Luân.

Trên chuyến về thì TT Giác Đẳng đã ngồi chung chuyến xe của phái đoàn Phật tử chùa Pháp Luân. Suốt dọc đường, TT đã bùi ngùi kể lại những kỷ niệm cùng với Ngài Hòa Thượng Hộ Giác khi đến các ngôi chùa mà phái đoàn vừa viếng thăm, TT nói rằng khi đến những ngôi chùa này lòng của TT không khỏi bồi hồi nhớ thương Hòa Thượng vì chính những nơi đây đã nhắc nhở TT về hình ảnh của Ngài Hòa Thượng những lần TT tháp tùng với Hòa Thượng cùng đi đến thăm những ngôi chùa này

Về phần văn nghệ thì có anh Phát đã lên hát một bài và kể một câu chuyện về tình người trong xã hội của tư bản đỏ, có những người rất giàu, ăn ngon mặc đẹp ở nhà lầu đi xe hơi, bên cạnh đó thì có những người quá nghèo, không đủ ăn đủ mặc. Còn bài hát thì do một người tù tại trại cải tạo viết và những người tù đã truyền nhau hát, bây giờ anh xin hát lại để mọi người trong xe cùng nghe, lời hát thật là buồn kể về một người tù phải sống trong sự hận thù hành hạ của bọn cộng sản và người tù này vụt mất niềm hi vọng và ánh mây hồng đã vội vã bay đi để lại cho anh là vùng trời mây xám đen. Lời hát của anh Phát vừa dứt thì tâm trạng của chúng tôi cũng hụt hẫng buồn thương tình cảnh của các anh.

Và sau đó TT Giác Đẳng đã kể một câu chuyện nghe thì khôi hài, nhưng ngẫm lại thì thấy rất là thú vị.

Khi các nước Xã hội chủ nghĩa đi vào sự khủng hoảng về lý luận và tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản, tất cả các đảng cộng sản đều tự xưng mình là Cộng sản Mác-Lênin chân chính, còn tất cả những thằng còn lại đều là “Mác-Lênin giả hiệu” là “giả cộng sản để chống lại cộng sản”. Nhưng cộng sản như thế nào là chân chính, thế nào là giả hiệu thì không có anh nào định nghĩa rõ ràng, mỗi anh một cách.


Và câu chuyện được truyền khẩu như sau: Trong một khóa học tập chính trị tại một trung tâm, ban đêm một thành viên đi ra ngoài thấy một bóng trắng từ từ bay qua, anh đã gặp ma, anh ta đã la hoảng. Ngày hôm sau trong buổi học tập, một ủy viên chính trị hỏi:
- Đồng chí tin có ma không?
Thì thành viên thứ nhất, người gặp ma tối hôm trước, trả lời.
- Thưa đồng chí ủy viên tôi tin là có.
Vị ủy viên chính trị nói.
- Đồng chí phải đi ra khỏi buổi học ngay, và sẽ bị loại ra khỏi đảng, vì đồng chí tin là có ma, trong khi chủ nghĩa duy vật thì không tin là có ma quỷ gì hết.
Thế là thành viên thứ nhất đứng lên và ra khỏi phòng học.
Vị ủy viên chính trị chỉ người thứ hai và hỏi.
- Đồng chí tin là có ma không?
Thành viên thứ hai trả lời là không. Vị ủy viên hỏi tại sao, thì người này không trả lời được. Vị ủy viên chính trị chỉ tay ra cửa và nói.
- Đồng chí cũng đi ra, đồng trí trả lời là không mà không có lý lẽ để biện minh cho chủ nghĩa duy vật, đồng chí không xứng đáng được tiếp tục làm cán bộ tuyên huấn.
Kế đến vị ủy viên chỉ người thứ ba và hỏi.
- Còn đồng chí có tin có ma không?
Người này đã chứng kiến hai người trước, một trả lời có, một trả lời không thì đều bị đuổi ra ngoài, nên anh ta suy nghĩ một chút rồi trả lời.
- Nhân dân nói có, đảng nói không, hiện nay các nhà khoa học còn đang nghiên cứu!!!
Câu trả lời này được truyền đi khắp nơi, nhiều người đã dùng câu trả lời này để tránh khỏi bị cán bộ cấp trên chỉ trích, khiển trách.
Và rồi một lần chủ tịch Mao Trạch Đông đi tham quan một đập nước đang được nhân dân xây dựng bằng tay, không có máy móc gì hết.  Mao Trạch Đông nhìn thấy bức tường của đập nuớc dường như bị nghiêng. Mao Trạch Đông hỏi đồng chí ủy viên hướng dẫn.
- Này, đồng chí có thấy bức tường hơi bị nghiêng không, nó có bị đổ không?
Vị uỷ viên chính trị suy nghĩ một chút rồi trả lời
- Dạ, nhân dân bảo có, đảng nói không, các nhà khoa học hiện đang còn nghiên cứu.
Mao Trạch Đông la trời!!!


Kế tiếp, TT Giác Đẳng đã đọc một đoạn thơ của nhà thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh tức là TT Giới Đức như sau.

"Kinh sách đốt không tìm ra Xá Lợi,

Chân ngữ xưa vùi dưới lớp tro tàn,

Ngón tay hồng nguyên trinh còn vị dọc.

Đầy hai bờ tri kiến dựng trơ gan."

TT Giác Đẳng nói rằng : Đúng là kinh sách đốt không tìm ra Xá Lợi mà chân ngữ xưa vùi dưới lớp tro tàn. Chúng ta lên đường với một gánh nặng rất cồng kềnh mà mình nghĩ rằng ở đó chúng ta có thể tìm được một giá trị chân thật nhưng chân thật đó không phải nhiều như vậy. Nó giống như trong đời sống hôn nhân gia đình, có những người tìm được hạnh phúc gia đình bởi vì họ có thể tìm thấy được một sự cảm nhận rất chân thành, một số lớn khác thì họ xây dựng giá trị của gia đình ở trên một gia tài sự nghiệp với bao nhiêu điều kiện. Bản thân của chúng ta khi làm công việc gì thì chúng ta lại bỏ rất nhiều công sức để làm nhưng chúng ta lại không nắm được cái yếu lý để cuối cùng chúng ta rất mệt mỏi, làm rất nhiều nhưng cái mà chân thật cái mà chúng ta có thể cảm nhận được thì cũng không có bao nhiêu hết.

Chúng con đã cảm nhận và tìm ra được cái chân thật trong đời sống qua lời giảng của TT. Chúng con xin tri ân Thầy.

Vì thời gian quá ít mà đường lại xa nên không thể viếng đủ thập tự, mà chỉ có thể đi được Ngũ Tự hay còn gọi là Bán Thập Tự mà thôi. Nhưng chúng tôi rất hoan hỉ, các anh chị đã xin với TT Giác Đẳng là xuân sang năm cho đi hành hương thập tự nữa và Thầy đã hứa là sẽ tổ chức đi vào ngày mùng 5 và mùng 6 Tết Âm Lịch.

Với sự sinh hoạt trên xe đã làm chúng tôi quên đi đoạn đường dài. Xe về đến chùa thì vừa 12:00 đêm. Chúng tôi vội vã từ giả mọi người và lên xe để về nhà ở thành phố Baton Rouge. Lại một lần nữa, chúng tôi lái xe trong đêm tối, đường phố vắng lặng, tĩnh mịch, với tất cả cố gắng và niềm tin đã đưa chúng tôi đến nhà bình yên lúc 5:00 sáng.

Vào đến nhà, chỉ kịp làm vệ sinh là hai vợ chồng lăn ra ngủ không còn biết trời trăng mây nước gì nữa. Đến 11:00 trưa mới tỉnh dậy thì bàng hoàng như là mình mới trải qua một giấc mộng, tương tự như "Hoàng lương nhất mộng", trong giấc ngủ thấy mình được đi hành hương thập tự, được thấy những cảnh chùa uy nghiêm hùng vĩ, được nghe những câu kinh đầu năm với bao niềm thanh tịnh hoan hỉ. Khi tỉnh dậy, thì thấy mình đang ở nhà như mọi ngày, không thấy cảnh chùa đâu nữa. Thật đúng với câu "đời người như giấc mộng".

Minh Hạnh