Thursday, October 31, 2013

31-10-2013 Suy Niệm Trong Ngày


Phật Học Vấn Đạo - Đôi lúc mình có làm cho mọi người vừa lòng hết không?

Hỏi: Đôi lúc mình có làm cho mọi người vừa lòng hết không?

(Câu thảo luận trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

 TT Giác Đẳng: Thì thật sự không có chuyện gì ở trong cuộc đời này mình có thể làm cho tất cả mọi người vừa lòng hết, chúng ta hãy vui mà thấy rằng ở trong cuộc sống này chúng ta có làm được những việc có ý nghĩa, những việc mà chúng ta nghĩ là tốt, nhưng đừng bao giờ vui mà nghĩ rằng mình đang được tất cả mọi người thương mến, thật ra thì sự thương mến dành cho chúng ta thì chỉ có một số nào đó mà thôi, có những người họ có thiện cảm với chúng ta họ không nói thì chúng ta cũng không biết được. Nhưng chắc chắn một điều rằng trên đời này không có người bị chê, ở trên đời này có một người mà ai cũng thương hết là không có. Nói như cụ Nguyễn Hiến Lê là "trên đời không có thứ quái vật đó." Thứ quái vật đó nghĩa là ở trên đời không có ai mà được tất cả mọi người bằng lòng hết, nên cái chuyện làm bằng lòng hết cả mọi người thì nó không phải cái mục đích của chúng ta. Nên thưa qúi vị chúng ta nên lấy một tâm hồn rất dung hoà, nghĩa là chấp nhận một cách tương đối đời sống. Nếu ở trong cuộc sống của mình mà trong 10 người mình thân cận chỉ có 5 người thương mình thì kể ra cũng may mắn rồi, ở trong 5 người thương mình mà có được ba người cùng chia sẻ công việc với mình cũng là may mắn, trong 3 người chia sẻ công việc mà có được một người hiểu thì cũng đã là một việc may mắn rồi.

Nên chi đối với một người tu học, nên nhắc nhở chúng ta về một thực trạng của đời sống, cuộc sống là bất toàn và cuộc sống vốn là có phần này và phần kia, có cái được và cái không được. Và với cái được và cái không được thì người trí sẽ chọn thái độ sống với những gì mình tin rằng lợi ích tốt đẹp nhất, cái gì mà mình có thể cống hiến cho cuộc đời này mà trong giá trị chúng ta thật sự tin chắc vào đó.

Ngay cả chính Đức Phật là một bậc Thiên nhân chi đạo Sư, là một bậc gọi là đại phúc đại trí ở trong cuộc đời này nhưng  không phải ai cũng thương Ngài, có những người không những là bất đồng với Ngài mà còn chống báng Ngài một cách mạnh mẽ. Chúng ta đi vào trong cuộc đời này khi sống phụng sự làm việc thì chúng ta chỉ có thể nương vào cái chúng ta nghĩ rằng ở đó là cái gì tốt nhất mà mình có thể làm được, chứ không phải là cái gì mà cuộc đời hài lòng nhất về bản thân của mình, cái số đông người hài lòng đôi lúc nó chỉ là một số đông quần chúng đang su hướng theo một trào lưu một khuynh hướng gì đó, chứ không nói lên một giá trị thật sự nào, và chúng ta phải rất là can đảm để sống chung thành với những gì mà mình nghĩ rằng thật sự là lợi lạc.


Mỗi Ngày Trầm Tư Sinh Tử

Cái nhìn của một người Phật tử, một đệ tử của Đức Phật là một cái nhìn tích cực, chữ tích cực này chúng ta phải hiểu trong nghĩa tích cực theo cách nói của bậc thánh, tức là khi mình thật sự bị vô thường chi phối mình phải thấy rõ sự vô thường đó và chấp nhận nó, khi mình bị đau khổ bởi sự vô thường thì mình phải chấp nhận thật sự là sự đau khổ do vô thường, khi mà nhìn nhận thật sự như vậy thì lúc bấy giờ tâm mới nỗ lực nhiệt tình trong việc tu tập để đoạn trừ tham sân si, để cho cuộc sống này được an nhiên tự tại và để cho khỏi bị đánh lừa như một người bệnh không dám nhìn nhận sự thật căn bệnh của mình để rồi có một biện pháp trị bệnh hữu hiệu, thế là cuối cùng người đó phải chết, chết trong trạng thái đau đớn thấm thiết, chúng ta không thể nào chấp nhận một cái chết như vậy, trong khi chúng ta tự đánh lừa chính mình bằng những tư tưởng điên đảo, trong cái vô thường cho là thường, trong cái khổ đau cho là hạnh phúc, trong pháp vô ngã mà cho là hữu ngã, trong cái bất tịnh mà cho rằng thanh tịnh, chúng ta không thể tự lừa dối như thế.

TT Tuệ Siêu - Vô thường - Minh Hạnh chuyển biên

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Ðược Viên Kim Cương Trên Con Ðường Lầy


Gudo là sư phụ của Hoàng đế . Tuy nhiên , Gudo thường rong chơi một mình như một tên ăn mày lang thang . Một hôm Gudo đang trên con đường đến Edo , trung tâm văn hóa chính trị của một thủ phủ , Gudo đến một làng nhỏ tên là Takenaka . Trời chiều và mưa rơi nặng hạt . Gudo bị ướt như chuột lột . Ðôi dép rơm của Gudo tả tơi . Gudo để ý có bốn năm đôi dép trong cửa sổ của một nông gia ở gần làng và định mua một đôi .

Thiếu phụ dâng dép cho Gudo , thấy Gudo bị ướt quá , mời Gudo ở lại nhà đêm đó . Gudo nhận lời , cám ơn nàng . Gudo bước vào nhà , đọc kinh trước bàn thờ gia đình . Rồi thiếu phụ giới thiệu Mẹ và các con của nàng với Gudo . Thấy cả nhà đều buồn , Gudo hỏi có việc gì quấy . Thiếu phụ đáp :

_ “ Chồng tôi là một người đánh bạc và nghiện rượu . Khi ăn , anh ấy uống rượu và trở thành thô lỗ . Khi thua , anh ấy mượn tiền của nhiều người khác . Ðôi khi say quá , anh ấy không về nhà nổi . Tôi có thể làm gì được bây giờ ?” . Gudo nói :” Tôi sẽ giúp chồng chị . Ðây là một ít tiền . Chị hãy mua cho tôi một hũ rượu và một ít đồ ăn ngon . Rồi chị co thể đi nghĩ . Tôi sẽ thiền định trước bàn thờ .”

Vào khoảng nữa đêm người đàn ông về , say mềm , hắn kêu lè nhè :” Nè , bà ơi , tôi đã về nè . Bà có gì cho tôi ăn không ?”.

Gudo nói :” Tôi có món cho anh . Tôi bị mưa không đi được , vợ anh tử tế mời tôi ở lại đây đêm nay . Ðáp lại , tôi mua một ít rượu và cá này ,anh có thể dùng được . Người đàn ông vui mừng . Hắn lập tức uống rượu và rồi ngã dài xuống nền nhà thiếp đi . Gudo ngồi thiền định bên cạnh hắn .

Sáng hôm sau , khi người đàn ông thức dậy , hắn quên mọi chuyện đêm qua . Hắn hỏi Gudo :” Ông là ai ? Ông ở đâu tới đây ?” Gudo vẫn thiền định . Ðáp :” Tôi là Gudo ở Kyoto và tôi sắp đến Edo “.

Người đàn ông rất hổ thẹn và anh ta cung kính xin lỗi vị thầy của Hoàng đế . Gudo mỉm cười giảng giải :

_ “ Mọi sự ở đời đều vô thường . Ðời người chóng vánh . Nếu anh tiếp tục cờ bạc và uống rượu , anh sẽ không còn thời giờ để làm việc gì , và anh còn gây khổ cho gia đình nữa “ . Người chồng chợt tỉnh dậy như trong cơn mộng . Anh ta nói :” Ngài dậy chí phải . Làm sao tôi đền đáp được lời dạy kỳ diệu của ngài ! Hãy để tôi mang đồ đạc tiễn ngài một đoạn đường “.

Gudo chấp thuận : “ Nếu anh muốn “.

Hai người bắt đầu đi . Sau khi họ đi được ba dặm đường , Gudo bảo anh ta trở lại . Anh ta xin Gudo :
_ “ Xin cho đi năm dặm nữa “.

Hai người tiếp tục đi . Gudo nhắc :
_ “ Bây giờ anh có thể trở về “
Anh ta đáp :” Xin mười dặm nữa “.
Khi mười dặm đã qua , Gudo bảo :
_ “ Bây giờ anh hãy về đi “
_ “ Tôi sẽ theo ngài trọn quãng đời còn lại của tôi “ , anh ta tuyên bố .

Trong những thiền sư hiện đại ở Nhật , một bậc thầy nổi tiếng trong truyền thừa là người đắc đạo của Gudo. Danh hiệu của ông là Muna( Vô qui), người không bao giờ trở lại

Chuyện Xưa Tích Cũ - Mẹ gà con vịt


MẸ GÀ CON VỊT

Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Thuở xưa mặt trời ở gần loài người lắm, người ta có thể nhìn thấy mặt trời chỉ cao bằng ngọn cây me, cây khế. Thường ngày, loài người giặt quần áo, mên chiếu đem phơi trước ánh mặt trời. Vì nếp sống quá ngây ngô bừa bãi, nên bạ cái gì người ta cũng đem phơi trước ánh nắng, cho đến những xác thối, những đống phân người ta không nghĩ đến sự che giấu, cứ tung bừa ra trước mặt trời. Ngọc Hoàng thấy loài người ăn ở bê bối như vậy, lại sợ một ngày kia mặt trời bị nhiễm độc, nên đưa tay kéo mặt trời lên cao, xa hẳn thế gian đến một trăm năm mươi triệu cây số. Địa cầu bỗng trở nên tối tăm u ám, hai người đứng gần nhau cũng không trông thấy mặt nhau. Như vậy làm sao mần ăn sinh sống. Đói khát, và sợ ma quỷ hiện hình nên loài người kêu khóc inh tai. 

Cả đến loài vật cùng bị dồn vào trong đêm thẳm, không còn đường để kiếm mối. Đói khổ quá loài chim kêu nhau chíu chít, muôn loài thú gầm thét vang rừng. Trong bóng tối muôn ngàn tiếng hỗn độn vang ra vừa ghê rợn, vừa buồn thảm, cả địa cầu không còn phân biệt được ngày đêm nữa. 

Lúc bấy giờ, có con gà trống, gặp con vịt mái và con chim xanh, mới than rằng: -Nguy đến nơi rồi các bạn ơi, mặt trời buồn giận loài người và muôn thú nên bỏ đi mất rồi, nếu kéo dài cảnh này mãi thì chẳng bao lâu dòng họ chúng ta chết sạch. 

Con vịt mái cũng thở dài: -Biết mặt trời ở đâu mà tìm bây giờ? 

Gà trống phụ họa: -Giá biết mặt trời ở đâu chúng ta thử kêu xin may ra mặt trời biết thương xót chúng ta mà ban cho chút ánh sáng. 

Con chim xanh liền nói: -Tôi nghe ông bà tôi nói rằng trước kia thường thấy mặt trời ở ngoài biển Đông, nếu muốn tìm nên thử ra đó mà tìm. 

Gà trống xét lại tài sức mình, rồi thất vọng nói: -Đường ra biển Đông thật là khó khăn, cái thân tôi lội còn chưa được làm sao lội biển. 

Vịt mái nghe nói khoái ý cả cười: -Cái tài bơi lội của tôi thì ai hơn được, nhưng nếu tôi đưa anh ra tới biển Đông thì anh phải hứa rằng, từ đây về sau mọi công việc nặng nhọc trong gia đình tôi anh phải gánh chịu, anh có thuận không? 

Gà trống cần ánh sáng để kiếm ăn nên ưng thuận liền. Vịt mái chở gà trống lội ra biển Đông có chim xanh dẫn đường. Lúc tới nơi thì gặp mặt trời đang giấu mình ở đó. Chim xanh, gà trống, vịt mái bèn kêu xin mặt trời nên trở về chỗ cũ giúp cái sống cho mọi người. 

Mặt trời từ chối bảo rằng: -Không được đâu, cõi trần gian uế trược 1 lắm, ta hết dám ở gần nên phải trốn mà đi, nay sao lại trở về? 

Chim xanh, gà trống hết sức khẩn nài xin mặt trời ban cho chút ánh sáng để bảo toàn sự sống. Mặt trời bèn nói: -Các ngươi có công khó nhọc đến đây nên ta chẳng hẹp lượng gì. Nhưng phải có cách nào để ta phân biệt được khi các ngươi cần ánh sáng. 

Gà trống liền nói: -Chẳng khó khăn chi cả, nếu khi nào nghe tiếng tôi gáy thì mặt trời hãy chuẩn bị … 

Chim xanh tiếp lời: -Còn nếu lúc nào nghe chúng tôi ca hót thì mặt trời hãy nhô lên. 

Mặt trời thấy hay hay nên đồng ý. 

Cho nên từ đó mỗi khi có tiếng gà gáy là trời sắp sáng, đến khi có tiếng chim ca hót trên cành thì ánh thái dương ló dạng đem ánh sáng cho muôn loài. 

Và để giữ lời giao kết, nên mỗi khi vịt mái đẻ trứng thì gà phải chịu sự nặng nhọc ấp thành con. Vì vậy nên mới có câu: “Mẹ gà con vịt.”

Cổ Học Tinh Hoa

NGƯỜI KHÔN SỐNG LÂU

Vua Ai Công nước Lỗ hỏi Đức Khổng Tử:
Người khôn có sống lâu không?

Đức Khổng Tử đáp:
Có. Khôn thì sống lâu, chớ dại thì sống lâu sao được! Người ta có ba thứ chết, tự mình làm cho mình chết, chớ không phải số mệnh đáng chết mà chết.
-Ăn uống không có chừng mực, thức ngủ không có điều độ, làm lụng khó nhọc quá, lưới biếng chơi bời quá, người như thế phải chết về bệnh tật.
-Phận làm ngưới dưới mà can phạm người trên, lòng tham muốn không chứng, tính yêu không chán, người như thế thì chết về hình pháp.
-Mình ngu, mà kình địch khôn, mình yếu, mà khinh bỉ người mạnh, không biết tự lượng sức mình mà cứ giận dữ làm liều, người như thế chêt vì binh đao
Ba thứ chết ấy, thực không phải là số mệnh, chỉ tự mình giết mình mà thôi.

Hàn thi ngoại truyện
LỜi BÀN

Xưa nay ta vẫn cho khôn ngoan thì chóng già, ngu xuẩn thì sống lâu, là lấy lý rằng, người khôn dùng trí, dùng sức nhiều, thì chóng suy, người ngu chỉ ăn no ngủ kỹ, không lo lắng gì, thì sống lâu. Nhưng xét một mặt khác thì trái hẳn lại. Khôn thì sống, dại thì chết, khôn ăn người, dại người ăn. Như Đức Khổng Tử đáp vua Ai Công đây chính là ngụ cái ý đó. Ôi! Sống chết tùy tại mệnh trời, nhưng thường khi người cũng có phần vào đấy, lắm người chỉ ngu xuẩn, không biết giữ vệ sinh, không hiểu pháp luật, không biết tự lượng mà thành không đáng chết cũng phải chết. Chết như thế là chết uổng nên thương, thương vì ngu dại.

Những câu chuyện ngụ ngôn hay

Ngựa và người chủ

Bác làm vườn có một con ngựa. Ngựa phải làm lụng nhiều mà thức ăn thì ít. Thế là ngựa ta lên tiếng cầu khẩn thượng đế sao cho nó được chuyển sang tay một ông chủ khác. Mọi chuyện xảy ra như ý.

Người làm vườn bán ngựa cho một người thợ gấm. Ngựa ta mừng rỡ, nhưng công việc ở chỗ người thợ gốm còn nhiều hơn ở chổ cũ. Ngựa lại than thở về số kiếp của mình và cầu khẩn được chuyễn sang tay một ông chủ khá hơn. Và việc nầy cũng thành. Người thợ gốm bán ngựa cho người thợ da. Vừa nhìn thấy trong sân nhà người thợ da những bộ da ngựa, ngựa ta liền rống lên:

Ôi, cái đời tôi thật khốn khổ! Giá cứ ở lại với người chủ củ có phải hơn không: bây giờ thì rõ là người ta bán tôi không phải để đi làm lụng mà là để lột da. 

Chuyện cười trong ngày

Không cần phải giải thích

Một người tâm sự với bạn:

- Thời buổi này, làm nghề gì cũng khó, chỉ có làm nghề bán thuốc tây là dễ thôi!

- Sao vậy?

- Vì mỗi khi bán thuốc chỉ cần nói với khách hàng: “Xin đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng”, thế là xong!

Wednesday, October 30, 2013

30-10-2013 - Suy Niệm Trong Ngày


Phật Học Vấn Đạo - Một người muốn sống đời sống xuất gia nên chuẩn bị gì ?

Hỏi: Một người muốn sống đời sống xuất gia nên chuẩn bị gì ?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Đối với chúng ta những người tu tập, phải nói một điều là con đường tu tập là một con đường có rất nhiều trở ngại, trở ngại lớn nhất là bản thân của mình, càng lớn tuổi, hoặc giả, càng tiếp xúc ở bên ngoài nhiều thì vào trong đạo chúng ta mang vào nhiều tập khí, tập khí đó là  chủ kiến của mình; điều này là mình nghĩ rằng mình đúng, điều kia mình nghĩ rằng sai, hơn như vậy nữa, là mình nghĩ cái này mình thích cái kia mình không thích, cái này mình thoải mái cái kia mình không thoải mái và rốt cuộc rồi đời sống xuất gia của mình chỉ là đi tìm một thứ mà mình nghĩ rằng hài lòng, những thứ mà mình thích. 

Nhưng ở trên thực tế, một cuộc sống xuất gia rất cần thiết để trải qua một thời kỳ gọi là thụ huấn và thời kỳ thụ huấn này là một thời kỳ quyết định cho quãng đời còn lại của mình, ở trong thời kỳ thụ huấn đó mình có chứng tỏ được rằng mình có khả năng tiếp nhận sự hướng dẫn, mình có khả năng để thích nghi và có khả năng để thay đổi hay không.

Ở trong kinh, Đức Phật thường dạy hình ảnh một tấm vải muốn được nhuộm và nhuộm một cách tốt đẹp một cách đều màu thì tấm vải trước nhất phải được giặt sạch, giặt sạch ở trong điều kiện cần thiết để có thể tiếp nhận màu mới và thấm nhuần màu mới, đó là hình ảnh của một tấm vải, trong kinh Bố Dụ (Trung Bộ Kinh)  Đức Phật đã giảng. 

Thì cuộc sống của chúng ta khi đi xuất gia hay đi cầu học là một trong những thái độ tiên khởi chúng ta phải có, đó là làm sao cho mình có được khả năng lãnh hội, khả năng có thể thích nghi và đây là một điểm rất tế nhị ít  người làm được như vậy, và văn hoá trào lưu của thời đại hôm nay người ta nói càng lúc càng nặng về chủ nghĩa cá nhân, về sự tự do cá nhân, về chủ kiến cá nhân, và cá nhân càng lúc càng được đề cao, cá nhân càng lúc càng được cổ võ tuyên dương, thì chúng ta lại đánh mất đi rất nhiều thứ hết sức quan trọng, một trong những điểm quan trọng đó là cái khả năng mà Ngài Ajahn Chah Ngài thường gọi là "surrender" tức là vong thân. Khi nghe tới chữ vong thân ai cũng sợ, mình sợ đánh mất chính mình, mình sợ mình không còn là mình nữa, mình sợ rằng qua một thời kỳ nào đó thì mình sẽ thay đổi đi. Nhưng nếu cuộc sống tu tập mà mình vẫn giữ lấy cái gọi là mình, và mình không thể chuyển hoá mình được và vẫn khư khư thủ đắc cái mình đã có, không thể thay đổi được, thì có giá trị gì một đời sống giáo dục như vậy.

Tại sao chúng ta cần đến sự huấn luyện, thế giới này thường rơi vào hai cực đoan: 
- Một cực đoan là, con người rất dễ bị tha hoá, chúng ta buông mình theo dòng nước mặc giòng cuồng lưu đưa đến đâu thì chúng ta hay đến đó. 
- Một cực đoan khác là, chúng ta ôm khư khư lấy tư kiến của mình một thứ tư kiến rất hạn hẹp, và chính mình trở thành nạn nhân cho mình.

Và như vậy, một người thiện trí sống khôn ngoan là phải làm hai quyết định quan trọng. 
- Quyết định thứ nhất là, tự mình phải có ý thức rằng cái gì là cái mình muốn làm, cái gì là cái mình muốn học, cái gì là cái mình muốn tu. 
- Nhưng sau cái muốn đó, sau khi đã suy xét rất cẩn thận, sau khi đã xác nhận được những gì thật sự cần thiết cho đời sống của mình thì mình phải chấp nhận một sự thụ huấn mà qua đó chúng ta đặt hết cuộc sống của mình ở dưới uống nắn của vị Thầy. 

Thế giới hôm nay sợ dĩ không được đào tạo được những tâm hồn vĩ đại về tinh thần như ngày xưa là bởi vì ngày hôm nay chúng ta thiếu những con người như vậy. Trong lịch sử của đạo Phật thì có một vài tông phái ở trong đó có Mật Tông của Tây Tạng mà thường người Trung Hoa gọi là Lạt Ma Giáo, ở trong truyền thống của Mật Tông có một hình thức giáo dục  họ không quy y Tam Bảo mà họ quy y Tứ Bảo tức là quy y cả với vị Thầy của mình, và họ quan niệm rằng vị Thầy là vị rất quan trọng. Thì  đó là cách nói của Mật Tông Tây Tạng. 

Nhưng không riêng gì Mật Tông mà ở tất cả các truyền thống của đạo Phật đều nói đến một chuyện, đó là người học trò nếu chọn được một vị Thầy và vị Thầy đó là một vị bậc trí thức có thể khai tâm cho mình thì hãy làm như là lời Đức Phật dạy nơi đây:

 "Đây không phải là một thái độ sùng bái, đây không phải là một thái độ cuồng tín, đây không phải là tinh thần tẩy não, cái công việc tẩy não mà chúng ta thường nghe, mà công việc ở đây là một thái độ hiểu biết một thiện trí và cái thiện trí đó đòi hỏi chúng ta phải sống ngoài ngã chấp của mình."

Phải nói rằng, lòng người ngày hôm nay phần đông chúng ta chỉ thích sự vuốt ve, chúng ta chỉ thích những lời ngon ngọt, chúng ta chỉ thích người khác nói rằng mình tốt mình giỏi, nhưng ít khi chúng ta chịu ngồi nghe và nghe một cách chân thành. Có những lời dạy hết sức quan trọng cho mình. Nói một cách rõ ràng thì cuộc tu là một hành trình mà qua đó chúng ta phải trực diện rất nhiều với những thói hư tật xấu của bản thân mình, và những thói hư tật xấu đó được che đậy bởi rất nhiều thứ, nào là tuổi tác, nào là địa vị, nào là lợi khẩu, nào là những lý luận, và nào là những người thân của mình, có bao nhiêu sự che đậy để rồi chúng ta không làm gì được đối với nó hết, để rồi chúng ta hoàn toàn bất lực trước những cái gúc mắc phiền lụy, trước những lầm lỗi mà do chính tự thân mình tạo nên. 

Nếu có cơ may nào đó giúp cho chúng ta vượt thoát những điều này thì đó là cần đến hình ảnh khách quan ở bên ngoài, đó là bậc thiện trí. Bậc thiện trí là bậc có thể thấy điều gì lợi và bất lợi cho chúng ta và người đó đã chỉ cho chúng ta hoàn toàn bằng thiện trí bằng lòng từ và bằng ý nghĩ lợi ích cho chúng ta, chứ không phải là vì muốn chỉ lỗi trỉ trích chúng ta hay hoặc giả là muốn chứng tỏ sự cao qúy của vị đó hay là với hậu ý gì khác.

Cuộc sống của chúng ta trong thời đại này là cuộc sống càng lúc càng nặng về cá nhân chủ nghĩa, chủ nghĩa cá nhân đó, sự sùng bái cá nhân nó cho con người độc lập hơn, nó khiến cho chúng ta bớt rụt rè run sợ, nhưng ngược lại nó lại có một điểm rất tệ hại, ngay cả những đứa trẻ còn nhỏ nó cũng rất là khó dạy đừng nói chi là người lớn, và hầu hết những người lớn chúng ta trong thời đại này, chỉ đến với đạo khi đạo đó làm hài lòng mình, đạo đó làm cho mình bằng lòng vừa ý, đến chùa thì chùa đó phải cung cấp cái gì mình thích, ở trong chùa phải có tiện nghi, ở trong chùa phải được tiếp đón nồng hậu, mình cúng một số tiền nào đó người ta phải ca ngợi công đức của mình, và đến một vị Thầy nào đó thì vị Thầy đó phải có những lời nói làm cho mình vừa tai, làm cho mình đẹp ý, làm cho mình cảm thấy rằng mình quan trọng, và chúng ta đánh mất hoàn toàn cái lợi lạc của chánh pháp, chúng ta quên rằng mỗi chúng ta đều có một hành trình và trên cuộc hành trình tâm linh đó mình phải tự mình đối diện rất nhiều với những phiền não, với những nội kết, với những  phiền lụy ở trong lòng mình, và chỉ có những bậc trí có thể chỉ cho chúng ta những thứ đó để chúng ta vượt qua thì mới có hi vọng, nếu không thì chúng ta tưởng tượng rằng tất cả những phiền não sẽ được đem giữ vào trong một cái tủ và cái tủ đó sơn son thếp vàng ở bên ngoài, chúng ta hoàn toàn không có cơ may để mặt đối mặt với những phiền não nội tại, thì đó là một điều không may trong đời sống của mình.

Do vậy, một người đi xuất gia là vị này cố gắng tìm một định hướng, cái nào cần làm, nên làm cho đời sống. Cũng có nhiều trường hợp Đức Phật Ngài cho chúng ta thấy, chúng ta phải có định hướng rõ ràng, biết chỗ nào là chỗ để tập trung đúng, để hướng tâm và để hướng năng lực của mình.

Mỗi Ngày Trầm Tư Sinh Tử

Hầu như mọi người sống trên trái đất này luôn luôn chống chế với một quan niệm là tất cả pháp hữu vi đều vô thường.  Phải! tất cả chúng ta đều sẽ già, đều sẽ bịnh, đều sẽ chết, mọi thứ đều sẽ thay đổi, tất cả những gì chúng ta đang có, dù đẹp, dù xấu, dù hay, dù dở rồi sẽ đi vào dĩ vãng, chúng ta sẽ biến mất trên cuộc đời này, cuộc đời không bỏ chúng ta, chúng ta cũng bỏ cuộc đời.  Như vậy, tất cả chúng ta với một ít trí khôn để hiểu rằng "Tất cả sẽ đi qua".  Chính về điểm này các tôn giáo thường đưa ra một luận điểm là làm sao cái "Vô Thường" biến đổi nó, có một cái gì trường cửu, vĩnh hằng, nói về một cảnh cực lạc, một thiên đàng, một cứu cánh giải thoát nào đó mãi mãi ở trên đó con người trẻ hoài không già, khoẻ hoài không bịnh, sống hoài không chết.  Điều dễ sợ nhất là lý tưởng mà chúng ta tôn thờ, cái đẹp chúng ta mong mỏi.  Nếu có một người nhìn chúng ta như Đức Phật đã nhìn bảo rằng: "Tất cả thứ đó đều sẽ vô thường."  Thì thưa qúi vị chỉ chừng đó cũng làm cho chúng ta thấy khó lãnh hội, khó đón nhận.

TTGiác Đẳng - Vô thường trong cái nhìn của giáo dục - Minh Hạnh chuyển biên

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Thiền Của Phật


Phật nói : “ Ta xem những nơi các vua vá các nhà cầm quyền cai trị như là những hạt bụi. Ta xem những kho vàng và châu ngọc như những viên gạch và những viên sỏi. Ta nhìn những chiếc áo lụa tốt đẹp nhất như những mảnh vải rách tả tơi. Ta thấy vô số thế giới của vũ trụ này nhỏ như những hạt trái cây, và chiếc hồ lớn nhất ở Ấn Ðộ như một giọt dầu trên chân ta. Ta biết những giáo lý của thế gian là những ảo thuật của những tên phù thủy. Ta thấy rõ tư tưởng cao siêu của sự giải thoát như là một miếng nhung vàng trong giấc mộng, và thấy thánh đạo của những kẻ thông sáng như những đóa hoa xuất hiện trước mắt một người. Ta xem sự thiền định như là một cột trụ trên núi cao và Niết bàn là một cơn mộng du giữa ban ngày.

Ta xem những lời phán quyết về đúng và sai như là sự uốn mình nhảy múa của một con rồng, và sự lên xuống của đức tin là dấu vết của bốn mùa để lại.”

Chuyện Xưa Tích Cũ - Tại sao nước biển mặn


TẠI SAO NƯỚC BIỂN MẶN

Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Ngày xưa có hai anh em nhà kia, anh thì nhờ buôn bán nên giàu có, em làm nghề đốn củi chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Tết đến, người em túng thiếu không tiền làm cỗ cúng ông bà, mới sang nhà anh nài nỉ, người anh chỉ thí cho một giò lợn luộc rồi đuổi về.

Người em mang chiếc giò lợn đi ngang một cánh rừng, bỗng nghe tiếng rên rỉ thảm thương, liền tìm đến nơi thì thấy một ông lão tiều phu bị cây ngã đè qua chân nằm kêu la than khóc. Động mối từ tâm, người em khuân lấy cội cây bỏ đi nơi khác, và đỡ lão tiều phu dậy, định biếu chiếc giò lợn luộc cho lão đỡ lòng. Cảm lòng tốt của người em, lão tiều phu từ chối và bảo: -Ta muốn đáp lại tấm lòng tốt của ngươi, vậy ngươi hãy đem chiếc giò lợn này đến cái động đá đằng kia để gặp các sơn thần, nếu họ đòi đổi giò heo lấy vàng ngọc thì ngươi đừng chịu, phải xin đổi cho được cái hũ sành. Đó là cái hũ thần ước gì được nấy, nhưng đừng nên tham lam, chỉ ước đủ dùng thôi và điều cần nhất là phải giúp đỡ những người nghèo khó, khi nào vừa đủ thì phải hô to: “Đủ rồi.” thì tự nhiên miệng hũ đóng lại.

Nghe theo lời dặn dò của lão tiều phu, người em tìm tới động đá, quả nhiên thấy rõ các vị sơn thần nhảy múa vui đùa. Lúc bấy giờ các vị sơn thần đánh hơi được mùi thịt lợn quay lại nhìn thấy người em thập thò ngoài động đá, liền gọi vào bảo đổi giò heo lấy vàng ngọc, người em nhất định không chịu, chỉ nhận đổi cái hũ sành. Rốt cuộc các sơn thần phải đem hũ sành đổi lấy giò heo.

Bây giờ người em sung sướng đem cái hũ sành về nhà khoe với vợ. Rồi vợ chồng ước gì được nấy chẳng mấy chốc vợ chồng người em trở nên giàu sang sung sướng, họ ước thêm vàng bạc rồi đem chia chác cho những người nghèo khó trong làng. Tiếng đồn người em có cái hũ thần loan ra khắp nơi, người anh liền tìm đến tận nhà để xem hư thật, quả nhiên đúng như lời thiên hạ đồn. Người anh động lòng tham bảo em đổi cái hũ sành lấy cả sản nghiệp của mình. Biết rằng người anh tham lam keo cú, nếu được cái hũ thần sẽ ham sự giàu sang quên điều nhân nghĩa, nên người em từ chối không chịu đổi chác với anh.

Tuy nhiên, người anh vẫn không bỏ qua giấc mộng làm chủ cái hũ sành, mới mưu mẹo, nhờ đứa ở của người em đánh cắp cái hũ thần rồi vợ chồng người anh trốn lên thuyền đi ra miền biển.

Giữa lúc đó, người anh nghe các nơi thiếu muối, nếu có nhiều muối đem bán chắc được nhiều tiền, nên đem hũ thần ra ước, muối từ trong hũ tràn ra như nước chảy, chẳng mấy chốc đầy cả thuyền. Ngặt vì người anh chỉ biết có lời ước được muối, còn lời ước cho nắp hũ đóng lại thì không biết, nên muối cứ chảy hoài như nước tràn đê vỡ bờ làm ngập cả thuyền rồi chìm luôn. Cả hai vợ chồng người anh đều chết đắm giữa biển khơi.

Vì không có ai biết ước nắp hũ thần đóng lại, thành ra muối tuôn chảy khắp đại dương hòa tan trong nước, làm nước biển hóa mặn như ngày nay.

Cổ Học Tinh Hoa

TỰ LÀM KHOAN KHOÁI

Đức Khổng Tử đi chơi núi Thái Sơn, gặp ông Vinh Khải Kỳ giao du ở ngoài đồng, mặc áo cừu thắt lưng dây, tay gảy đàn cầm, vừa đi vừa hát.

Đức Khổng Tử hỏi:
“Tiên sinh” làm thế nào mà thường vui vẻ thế?

Ông Vinh Khải Kỳ nói:
Trời sinh muôn vật, loài người quý nhất, mà ta được làm người, đó là một điều đáng vui – Trong loài người, đàn ông quý hơn đàn bà, mà ta được làm đàn ông, đó là hai điều đáng vui – Người ta sinh ra có người đui què, có người non yếu mà ta hoàn toàn khỏe mạnh nay đã chín mươi tuổi thế là ba điều đáng vui...Còn cái nghèo là sự thường của thế gian, cái chết là sự chết của đời người. Ta nay xử cảnh thường, đợi lúc hết, thì có gì là lo buồn?

Đức Khổng Tử nói:
Phải lắm! Tiên sinh thế là biết cách tự làm cho khoan khoái mà hưởng sự vui thú ở đời.

Liệt Tử
GIẢI NGHĨA

Thái Sơn là tên một dải núi cao ở tỉnh Sơn Đông.

Những câu chuyện ngụ ngôn hay

Lừa rừng và lừa nhà

Lừa rừng thấy lừa nhà bèn khen ngợi nó:

- Lừa nhà mập làm sao, thức ăn lừa nhà mới ngon ngọt làm sao.

Sau đó, khi người ta chất đồ lên lưng lừa nhà, rồi dùng gậy thúc lừa nhà thì lừa rừng bèn nói:

- Không, người anh em ạ, bây giờ thì tôi không ghen nữa, cuộc sống mà anh được hưởng phải trả giá như thế nào rồi.

Chuyện cười trong ngày

Hi sinh vì khoa học

Cô giáo dặn mỗi học sinh mang theo một số đồ dùng hiện đại trong gia đình đến lớp để minh họa cho buổi học sắp tới mang chủ đề: "Cuộc sống hiện đại". Hôm sau, cô giáo đề nghị từng em giới thiệu vật dụng mà mình mang theo.

-Wendy mang đến máy Sony Walkman.

-Kendy mang theo cái mở đồ hộp chạy điện và biểu diễn với một hộp thịt.

- Còn Jonny, em mang gì đến vậy? - cô giáo hỏi.

- Em mang máy trợ tim của ông nội ạ!

- Thôi chết, thế ông có mắng em không?

- Không ạ! Ông chỉ "ặc... ặc" hai tiếng thôi mà.

Tuesday, October 29, 2013

29-10-2013 Suy Niệm Trong Ngày


Phật Học Vấn Đạo

Hỏi : Ý nghĩa kinh hành trong kinh Phật và ý nghĩa chữ Namo Buddhaya

. (Giảng trong đêm tu học thọ hạnh đầu đà lễ Thượng Nguyên tại chùa Pháp Luân ngày 7 tháng 2 năm 2009 - Minh Hạnh chuyển biên )

TT Giác Đẳng: Bây giờ chúng tôi  giải thích ba ý nghĩa của sự đi kinh hành trong kinh Phật.

Ý nghĩa đầu tiên. Tất cả chúng ta sống trong cuộc đời thường nghĩ rằng mình là trung tâm của vũ trụ và thế giới này phải xoay chung quanh mình, giống như mình là một định tinh là mặt trời tất cả những hành tinh phải đi chung quanh mình, điều đó khổ lắm, tại vì ai làm gì, ai nói việc gì, cũng phải nghĩ đến mình, phải đề cao mình, phải tâng bốc mình, phải làm cho mình được thoải mãn tự ái thì mới hạnh phúc, tại vì mình là trung tâm của vũ trụ. Thì người Ấn Độ có một văn hoá rất đặc biệt là khi mình kính trọng người nào thật sự kính trọng thì mình không còn là trung tâm vũ trụ nữa mà mình đặt để người đó là trung tâm vũ trụ, tức là thay vì mình nghĩ người đó phải đi chung quanh mình thì bây giờ mình đi chung quanh người đó, và không phải chỉ là người Ấn Độ mà Chư Thiên cũng vậy. Chư Thiên khi đến lạy Đức Phật thì cũng đi ba vòng chung quanh Đức Phật, ba vòng chung quanh Đức Phật là hình ảnh rất đẹp, sự quan trọng không phải là ở mình mà sự quan trọng ở Đức Phật. Qúi vị thấy rằng qúi vị là cha mẹ, qúi vị cũng muốn là trung tâm của vũ trụ, và khi qúi vị là con thì qúi vị cũng muốn là trung tâm của vũ trụ, là vợ cũng muốn là trung tâm của vũ trụ, chồng cũng muốn là trung tâm của vũ trụ. Bây giờ đối với Đức Phật thì có một lần nào đó trong cuộc đời của chúng ta, chúng ta tưởng nghĩ về Đức Phật là Ngài mới chính là quan trọng hơn chúng ta, do vậy chúng ta đi chung quanh Ngài.

Ý nghĩa thứ hai. Chúng ta đi nhiễu Phật là nhắc lại hình ảnh rất đẹp và rất khả kính của Tôn Giả Ananda, Tôn Giả Ananda là một thị giả trong 25 năm cuối đời của Đức Phật, không có một buổi tối nào mà Tôn Giả Ananda không làm một việc đó là một tay cầm đuốc và một tay cầm cây gậy đi chung quanh am thất của Đức Phật ba vòng, đi xem có cái gì cần phải làm mà chưa làm và đi xem cũng để nói lên sự quan tâm của mình đối với Đức Phật. Ở trong sớ giải có ghi một hình ảnh rất đẹp là năm Tôn Giả Ananda 80 tuổi và lúc đó Đức Từ Phụ của chúng ta vừa viên tịch ở tại Kusinagar sau khi hoả táng xong, sau khi xá lợi của Ngài đã được chia cho các quốc gia thì Tôn Giả Ananda một mình lên đường trở về thành xá vệ và khi Ngài về thành Xá Vệ thì Ngài đến đảnh lễ hương thất nơi Đức Phật đã từng cư ngụ rất nhiều năm trong cuộc đời của Ngài, mặc dầu bây giờ Đức Phật Ngài đã viên tịch nhưng Tôn Giả Ananda cũng làm một việc giống như ngày xưa khi Đức Phật còn tại tiền, Tôn Giả thay nước rửa sạch lu và đổ nước đầy lu, cái giếng Tôn Giả lấy nước ngày hôm nay vẫn còn, tôn giả quét dọn ở trong ở ngoài và buổi tối Tôn Giả đi ba vòng cốc của Đức Thế Tôn, sau đó Ngài đi nghỉ. Ngài ở đó hai ba ngày rồi Ngài mới lên đường đi về Vương Xá để dự pháp hội kết tập Tam Tạng. Ngày hôm nay chúng ta có dịp nào đó để đi chung quanh Đức Phật để chúng ta cảm nhận rằng Đức Phật đã cho chúng ta thật nhiều và cho dù chúng ta là người sanh sau đẻ muộn không cùng thời với Đức Phật nhưng cũng có nghĩa cử để cảm niệm Đức Phật.

Ý nghĩa thứ ba. Ý nghĩa này cũng thuộc về kinh hành nhưng lại liên quan đến sự thực tập thiền định, theo những vị thiền sư và tất cả những người tu tập thiền định không phải là chỉ tu tập ở trong thế tĩnh tức là ngồi mà còn tu tập ở trong thế động nữa tức là đi kinh hành. Do vậy chúng ta sẽ đi kinh hành theo chiều kim đồng hồ ở đây, bắt đầu từ điểm này chúng ta cùng đi và chúng ta đi hết vòng này, đi sau lưng Đức Phật và đi trở lại, đi ba vòng. 
Và ngày hôm nay khi chúng ta đi kinh hành để cảm niệm Đức Phật thì chúng ta chỉ niệm một câu niệm Phật, câu niệm Phật này là một câu ở trong chữ Hán cũng có và tương đương với câu Pali mà chúng tôi muốn qúi vị cùng đọc.

Thường thường trong chữ Hán có Namo Phật Đà Gia, Namo Đạt Nạ Gia, Namo Tăng Già Gia. Namo Phật Đà Gia là con xin đảnh lễ Phật, hôm nay chúng ta chỉ đọc một câu là Namo Buddhaya tức là Namo Phật Đà Gia. 
Chữ Namo. Na tức là nước, Mo là đất, khi đất và nước hoà nguyện với nhau là điều kiện cho những chủng tử lành tăng trưởng. Nói theo kinh điển của Bắc Truyền là "Năng lễ sở lễ tánh không tận" tức là cảm ứng giữa năng lễ và sở lễ gặp nhau thì tạo rất nhiều cái đẹp. Năng lễ sở lễ là ý nghĩa của chữ namo.

Buddha là Đức Phật, Buddhaya là hướng về Đức Phật trong chỉ định cách. Do đó chúng ta niệm Namo Phật Đà Gia bằng tiếng Phạn là Namo Buddhaya.

Giải thích chữ Namo. Ở trong cách dịch, tất cả những khuôn mặt lớn trong giới dịch thuật Trung Hoa kể cả Ngài Cưu Ma La Thập không phải là người Trung Hoa, Ngài An Thế Cao, Ngài Huyền Trang đều gặp phải một vấn đề giống nhau là có nhiều chữ không dịch được hết mà các Ngài chỉ âm thôi thí dụ như chữ Namo thì thường thường tạm dịch là đảnh lễ, là nhất tâm đảnh lễ, nhưng dịch như vậy không gói ghém được hết nghĩa do đó các Ngài thay vì chữ Namo các Ngài dịch là đảnh lễ thì các Ngài để là Namo.

Chữ Namo có hai phần, chữ "Na" chỉ cho nguyên ngữ "Nước," chữ "Mo" chỉ cho đất. Đất và nước mà hoà nguyện với nhau là nền tảng cho những chủng tử lành được sanh sôi nảy nở.

Hồi nãy chúng tôi có nói rằng ở trong kinh điển chữ Hán có câu mà nhiều vị Phật tử thường tụng là "Năng lễ sở lễ tánh không tận." Thì năng lễ là tấm lòng của mình sở lễ là Đức Phật, năng lễ sở lễ là tâm của mình và Đức Phật giống như đất với nước hoà với nhau, ở đó cây công đức được đâm chồi nảy lộc, thành ra chúng ta có chữ Namo và chữ đó các vị không dịch các vị để âm thôi, ở trong tiếng Phạn là Namo.

Thật ra trước khi Đạo Phật dùng chữ này thì người Ấn Độ họ có một chữ khác mà họ hay sài mà chúng ta thường không dùng đó là chữ Om giống như chữ Om Ma Ni Bát Ni Hum, và ở trong chữ Hán là Án Ma Ni Bát Di Hồng. Chữ Om có nghĩa là hợp nhất hay là nhất thể, hợp nhất có nghĩa là cũng nói "năng lễ và sở lễ " đó là tâm của mình và Thượng Đế là hợp nhất với nhau, chúng ta có chữ hiệp thông hay chữ hiệp nhất thì chữ đó là chữ Om, nhưng Đạo Phật không sài chữ Om mà Đạo Phật sài chữ Namo.

Namo chỉ cho một sự kết hợp giữa năng lễ và sở lễ.

Mỗi Ngày Trầm Tư Sinh Tử

Chúng ta hiểu rằng giáo lý của Đức Phật là một giáo lý dựa trên Tứ Đế. Tứ Đế là nói về sự khổ, nhân sanh khổ, diệt khổ và con đường đưa đến diệt khổ. Khổ đau là một đề tài lớn, không phải là một đề tài lớn là một điều mà tất cả những gì có trí tuệ có chánh kiến được thâm nhập, và khi nói đến cái khổ thì cái khổ đó có thể là của người hay cái khổ của mình, và những ai cảm nhận nỗi sâu sắc của đau khổ thì người đó mở được cánh cửa giải thoát thắp sáng được trí tuệ và có đủ khả năng để cảm thông, cảm nhận một cách sâu sắc nỗi khổ của cuộc đời. Nếu một người sống mà không cảm được hết nỗi khổ của cuộc đời thì người đó sẽ không hiểu được nỗi khổ của chính mình. Và một người mà hiểu được nỗi khổ của chính mình chắc chắn phải là một người cảm thông sâu sắc được nỗi khổ của cuộc đời.  

TTGiác Đẳng - Thấy người đau khổ khiến mình giải thoát - Minh Hạnh chuyển biên

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Dấm Của ToSui


Tosui là một Thiền sư đã bỏ hình thức những ngôi đền để sống dưới gầm cầu với những kẻ ăn mày. Khi Tosui quá già, một người bạn chỉ cho Tosui cách kiếm sống mà không phải đi xin.

Người bạn chỉ cho Tosui lượm gạo để làm dấm. Tosui làm dấm kiểu này cho đến khi ông qua đời. Trong khi Tosui làm dấm, một người ăn mày biếu ông một bức tranh Phật. Tosui treo nó lên vách lều và ghi vào cạnh bức tranh :

“ Thưa ông Phật A di đà : cái phòng này chật hẹp lắm. Tôi có thể để ông ở lại đây nhất thời. Nhưng xin ông đừng có nghĩ rằng tôi cầu cạnh ông để ông giúp tôi được tái sanh nơi thiên đàng của ông đấy nhé.”

Chuyện Xưa Tích Cũ - Rắn và rùa


RẮN VÀ RÙA

 Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Bên bờ sông xanh có Rùa và Rắn thù nghịch nhau ác liệt, vì cả hai đều dành bá chủ trên sông về phần mình. Rắn cậy mình lanh lẹ thường rình mò cắn mổ Rùa cho chết đi. Rùa tuy chậm chạp, nhưng nhờ có cái mai cứng như giáp đồng, nên mỗi lần thấy Rắn quăng mình tới. Rùa thụt đầu vào mai. Rắn đành thúc thủ.

Rắn lấy làm tức lắm, tìm hiểu sự rèn luyện da thịt của Rùa bằng cách nào mà cắn không đứt, mổ không lủng. Rùa đoán biết liền bảo Rắn: -Anh có cắn mổ cũng vô ích thôi, tôi đã luyện được mình đồng da sắt nhờ ở bí quyết gia truyền.

Rùa chỉ nói vậy rồi bỏ đi, Rắn tức lắm quyết tìm xem bí quyết gia truyền của Rùa là thế nào, Rùa giả lơ như không biết, nhưng đêm đêm đợi Rắn đến gần, thì cầm một miếng gỗ bén chặt qua đầu. Nói chặt qua đầu chớ kỳ thật Rùa thụt đầu vào trong mai đánh lừa Rắn.

Hôm sau, Rắn vừa gặp Rùa thì reo lên: -A, tôi đã biết rõ bí quyết của anh rồi, nhưng tôi chưa biết đó là trò gì, anh nên cắt nghĩa cho tôi nghe.

Rùa vui vẻ đáp: -Đó là thuật cắt đầu để luyện thành mình đồng da sắt.

Rắn vốn độc ác tham lam, cũng muốn cho mình trở nên có bộ giáp sắt như Rùa nên nói: -Tôi cũng muốn được như anh, ngặt vì anh có tay chân, anh cầm miếng gỗ cắt đầu mình được, còn tôi mình mẩy trụi lủi tay chân không có thì làm sao mà chặt đầu.

Rùa làm ra vẻ hào hiệp bảo: -Nếu anh không tỵ hiềm, tôi sẽ tình nguyện giúp anh.

Rắn mừng rỡ trở về kêu hết họ hàng ra bờ sông, Rùa cũng gọi thân thích tới cầm từng miếng gỗ chặt rơi đầu Rắn.

Vì tham lam ngu độn nên Rắn đành thiệt mạng. Từ đó quyền bá chủ trên sông về phần Rùa.

Cổ Học Tinh Hoa

CHỮ TÍN

I. CÁI ĐỈNH
Nước Lỗ có một cái đỉnh rất quý. Nước Tề bắt phải đem dâng. Vua Lỗ tiếc lắm, cho làm một cái đỉnh giả đưa sang.

Vua Tề bảo:
Phải có Nhạc Chính Tử đem đỉnh sang nói, thì ta mới tin.

Vua Lỗ cho gọi Nhạc Chính Tử đến, bảo đi.
Nhạc Tử Chính hỏi:
Sao không đưa đỉnh thật?
Vua Lỗ nói:
Ta quý cái đỉnh ấy lắm.

Nhạc Tử Chính thưa:
Nhà vua quý cái đỉnh ấy thế nào thì tôi quý cái đức “Tín” của tôi như thế.
Sau đó vua Lỗ phải đưa đỉnh thật Nhạc Chính Tử mới chịu đi.

II. THANH GƯƠM 

Quý Trát là con vua nước Ngô đi du lịch các nước.
Khi qua nước Từ vào thăm vua Từ.
Vua Từ thấy Quý Trát có thanh gươm báu, muốn xin mà chưa dám nói
Quý Trát trong bụng cũng định cho mà chưa dâng được, vì cuộc du lịch chưa xong.
Khi ở nước Tần về, thì vua Từ đã mất rồi.
Quý Trát không biết làm thế nào, đành phải đem gươm đến treo chỗ gốc cây bên mộ vua Từ, rồi trở về.
GIẢI NGHĨA

Nhạc Chính Tử: người nước Lỗ thời Xuân Thu học trò thầy Tăng Tử
Quý Trát: con út vua Ngô, một bậc danh nhân thời Xuân Thu
LỜI BÀN

Nhạc Chính Tử không chịu đem cái đỉnh giả. Quý Trát không chịu về không cho gươm, đều là những người biết trọng chữ “Tín” cả. Giá không nói là thật đã quý, mới hứa trong bụng mà cố làm cho được lại quý hơn nữa. Ôi! Xưa nay chữ tín có giá biết ngần nào! Chữ tín liệt rõ trong ngũ thường, người ở đời giao thiệp cốt lấy chữ tín làm chủ. Cho nên cổ nhân có những câu như: “Nhân vô tín bất lập”(Khổng Tử) nghĩa là không có tín thì không đứng được ở đời. “Tín vi quốc chi bảo”(Tấn Văn Công) nghĩa là tín là cái báu của cả nước.

Những câu chuyện ngụ ngôn hay

Chó nhà và chó sói

Chó nhà ngủ thiếp ở sau sân nhà. Sói đói chạy tới và định ăn thịt chó. Chó liền bảo:

-Sói! Ông hãy khoan ăn thịt tôi, bây giờ tôi gầy gò, chỉ có xương bọc da. Cứ để một thời gian, chủ nhà sắp có đám cưới tôi có thừa thức ăn, tôi sẽ béo ra, bấy giờ ông ăn thịt tôi hay hơn.

Sói tin lời bèn bỏ đi. Lần sau nó lại tới và thấy chó nằm trên mái nhà. Sói lên tiếng hỏi:

-Thế nào, xong đám cưới rồi chứ?

Chó liền trả lời:

-Thế này, anh sói ạ: nếu lần sau đến mà bắt gặp tôi ngủ trước sân, thì đừng có đợi đám cưới nữa.

Chuyện cười trong ngày

Xử nhầm

- Sau khi có phán quyết ly dị vợ, cậu thấy thế nào?

- Bi đát! Chiếc xe hơi mua bằng tiền tớ kiếm được, toà lại xử cho cô ấy. Còn lũ trẻ, mà tớ đinh ninh là của người khác, toà lại xử cho sống chung với tớ.

Monday, October 28, 2013

28-10-2013 - Suy Niệm Trong Ngày


Phật Học Vấn Đạo - Pháp quán thân bất tịnh đắc dụng trong trường hợp nào?

Hỏi. Pháp quán thân bất tịnh đắc dụng trong trường hợp nào? 

(Câu thảo luận trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Khi chúng ta đề cập đến pháp quán bất tịnh thì cũng giống như những pháp tu thiền khác: Thứ nhất là cái gì hợp với căn tánh của mình thì điều đó tốt cho chúng ta hơn là cái gì không phù hợp với căn tính của mình.  Có những người thí dụ nặng tánh về sân, tánh họ hay phiền muộn hay giận dữ thì đề mục quán bất tịnh không hợp với họ nhiều.  Tuy nhiên ở đây chúng ta nói rằng đề mục quán thân bất tịnh, hay quán tử thi hài cốt rất có lợi cho những hành giả đang tu tập phải vận dụng tâm tư của mình để đương đầu với những ham muốn về nhục dục, hơn thế nữa cách quán thân bất tịnh hay quán tử thi quán hài cốt v.v... rất lợi trong trường hợp chúng ta nặng về ngã tính hay nặng về sự dính mắc sắc thân của mình.  Có nhiều người rất trọng về sắc đẹp của họ, họ rất trọng hình tướng ngoại hình của họ.  Có những người rất dính mắc vào bản thân của họ.  Như Ngài Na Tiên dạy rằng cái gọi là một chiếc xe long xa (xe vua) thì nó là kết cấu của nhiều bộ phận.  Cũng như vậy, thân thể của chúng ta, cái gọi là anh A anh B, vua Milanda, tỳ kheo Nagasena vẫn là tất cả do kết cấu của nhiều bộ phận của nhiều cơ thể. 

 Phải nhìn theo truyền thống mà chúng ta gọi là phân tích tông.  Phân tích tông là truyền thống có thể chia chẻ, biện biện thay vì nhìn một cách đại lượt thì chúng ta nhìn vào từng chi tiết và trong chi tiết đó có thể có khả năng xoá những ảo giác cho chúng ta về tôi về ta về tự ngã.  Và trường hợp quán thân bất tịnh, trong trường hợp quán tử thi quán hài cốt giúp cho chúng ta rất nhiều.  Không những chỉ có sự ham muốn về sắc dục mà chúng ta còn tìm thấy ở đó những hiệu năng rất lớn để giảm thiểu những tính nặng về ngoại hình, nặng về tôi về ta, điều đó cũng giúp chúng ta rất nhiều.  Phải nói rằng những phương pháp này không phải dễ dàng để ứng dụng, một người thực tập phương pháp này nên tiếp xúc với một vị Thầy có nhiều kinh nghiệm.

Ngài Tangpulu Sayadaw.  Ngài là vị bổn sư truyền tỳ kheo giới cho chúng tôi.  Ngài là một vị thiền sư, Ngài chuyên môn về pháp quán 32 thể trược (pháp quán bất tịnh).  Những lần bên cạnh Ngài nghe thuyết về pháp quán bất tịnh thì chúng ta mới thấy rằng pháp quán đó để nhập tâm để đem vào trong đời sống của chúng ta, không phải là chuyện đơn giản như đọc trong sách, mà nó đòi hỏi một số những thủ thuật cần thiết mà chúng ta có thể gắng chặt tâm tư của chúng ta vào đề mục ./.

Mỗi Ngày Trầm Tư Sinh Tử

Ngài Ajahn Chah nói trong nhiều bài pháp của Ngài, “ Một con chó đến tìm kiếm quanh nhà chúng ta, chúng ta cho nó ăn nó sẽ trở lại hoài”. Phiền não được chúng ta thoả mãn, sẽ trở đi trở lại hoài. Nó đòi cái gì chúng ta cho nó thì đương nhiên thoả mãn thôi. Như trường hợp như vầy, chúng ta có tật là khi chúng ta bực mình chúng ta hay chỉ trích. Chỉ trích xong chúng ta cảm thấy trong lòng hả hê, cảm thấy đã nư của mình. Bây giờ chúng ta cứ xem chuyện bực mình đó như một con chó nhà hàng xóm, chó đói. Mọi khi chúng ta thường làm cái gì để thoả mãn nó, nhưng bây giờ chúng ta tập, mình nhịn đi một ít. Trong cuộc sống chúng ta nhịn một chút như vậy cũng không chết ai hết. Nhịn lâu ngày như vậy, nó sẽ thay đổi thói quen là chúng ta không còn chỉ trích. 
Chúng tôi gặp rất nhiều thiền sinh đi vào trong trường thiền, những người này có thói quen nói chuyện, không nói chuyện họ chịu không được, họ nói chuyện lấy vợ lấy chồng, chuyện anh em bạn bè. Khi vào trong trường thiền, những ngày đầu tiên họ rất là buồn, bởi vì trong trường thiền cấm không cho nói chuyện, và trong trường thiền nói rằng món quà tốt nhất có thể tặng cho nhau được đó là sự im lặng. Như vậy những người này phải nhịn. Nhưng mà nhịn lâu, sau hai ba tháng nhịn trong trường thiền, ra ngoài chúng tôi hỏi rằng, “ Hôm nay quý vị trở về tâm thất, quý vị được cái gì?” Họ trả lời rằng, “Không, bây giờ về tâm thất chỉ bớt nói chuyện”. Bởi vì quý vị nói quen rồi, tất cả chỉ là thói quen thôi. Chúng ta hiểu một cách tự nhiên muốn thay đổi nó, chúng ta cứ nhớ hình ảnh Ngài Ajahn Chah nói con chó hàng xóm qua, mình cho nó ăn, nó sẽ đến. Nếu con mắt mình cho cảnh đẹp, nó sẽ đòi. Tại sao người ta không có cái đó người ta chịu được, còn mình không có thì không chịu được. Vấn đề hoàn toàn là thói quen. Tại sao chúng ta không có món đó ăn chúng ta rất khổ sở, còn nhiều người khác không ăn món đó họ vẫn sống được. Chúng ta nhìn nhận rằng phiền não là một thói quen, thói quen đó được tạo thành, cũng phải được thay đổi, và như vậy chúng ta sẽ tu được.

TT Giác Đẳng - Thập Nhị Nhân Duyên  - Minh Hạnh chuyển biên

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Giáo Lý Tối Thượng

Thời xưa ở Nhật, người ta thường dùng những chiếc đèn lồng sườn tre phất giấy trong có gắn đèn sáp. Một đêm nọ, một người mù tới thăm bạn. Khi về, người bạn biếu một lòng đèn để soi đường đi. Anh ta nói:

_ “Tôi không cần đèn. Ðối với tôi, tối và sáng cũng như nhau.”

Người bạn đáp:

_ “ Tôi biết anh không cần đèn để soi đường nhưng nếu anh không cầm một cái, người khác có thể chạy tung vào anh đó. Vì thế anh nên cầm một cái.”

Người mù ra về với chiếc lồng đèn, và anh ta đã ra đi khá xa, một người ở đâu chạy tung vào anh ta.

_ “ Coi kìa, anh đi đâu vậy !”, anh ta than phiền với người lạ. “ Bộ anh không thấy đèn tôi sao ?”

Người lạ đáp : “Ðèn sáp của anh tắt queo rồi, anh ơi.”

Chuyện Xưa Tích Cũ - Cô gái nhà giàu hóa thành con muỗi

CÔ GÁI NHÀ GIÀU HÓA THÀNH CON MUỖI

Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Có một cô gái con nhà phú hộ, ỷ nhà có tiền nên biếng nhác, không học hành, cũng chẳng thích làm việc gì có ích cho gia đình. Tối ngày cô ta hết ăn rồi tìm chỗ kín đáo vắng vẻ để nằm ngủ. Ngủ dậy rồi lại ăn. Thấy vậy một vị thần hiện đến bảo cô gái rằng: -Từ nay cô không được biếng nhác như vậy nữa, nếu không lo chăm chỉ học hành, làm việc giúp đời, thì ta sẽ hóa kiếp nhà ngươi làm một con vật đê tiện. 

Mặc dầu có lời thần nhân khuyên dạy, cô gái vẫn lười biếng như thường, lại còn có ý khinh rẻ thần nhân không làm gì mình được. Giận quá, thần nhân hiện để quát mắng cô gái: -Nếu còn khinh rẻ thánh thần thì chịu cảnh đọa đày trong bóng tối. 

Cô gái vẫn khinh khỉnh như thường. Vị thần liền xách gậy đến đánh thức cô bé đang ngủ và bảo rằng: -Lần này thì ngươi sẽ hóa kiếp làm côn trùng để bỏ thói lười biếng khinh đời. 

Nói rồi vị thần hươi 1 gậy đánh vào mình cô gái, cô liền hóa ra con muỗi. Bây giờ cô gái hóa muỗi vì lười biếng, ốm yếu nên bước đi không nổi, mới sụp lạy cầu cứu với vị thần, xin ban cho cách kiếm ăn, nếu không thì sẽ chết. 

Vị thần liền ban cho cặp cánh dùng để bay đi kiếm ăn. Và vì lười biếng sợ ánh sáng, sợ tiếng động nên cô gái hóa muỗi luôn luôn chui vào ẩn núp trong xó kẹt đầy bóng tối, đợi cho loài người ngủ yên mới dám bay ra kiếm ăn. Trong khi bay thì than vãn nên hóa thành tiếng vo ve bên tai người.

Cổ Học Tinh Hoa

LÁ DÓ


Nước Tống có người lấy ngọc, tỉa làm một cái lá dó ba năm mới xong. Cái lá làm rất khéo, sống, cuống, cạnh sắc, lông tơ, màu mỡ giống như hệt, đem trộn với lá dó thật, không ai phân biệt được nữa.

Người ấy đem cái lá dâng vua Tống. Vua khen là khéo, cấp lương bổng cho.

Liệt Tử nghe thấy chuyện, nói rằng:

Giá bây giờ những cây cối trong khoảng trời đất ba năm mới mọc được cái lá, thời dễ không có mấy cây có lá nữa.

Liệt Tử

LỜI BÀN 

Bài này cũng gần một ý như bài trên, nói sự khéo chỉ làm trò chơi được một lúc, không đáng chuộng bằng sự thực dụng làm lợi cho mọi người được dái lâu. Song tay người làm ra mà giống được như tạo hóa thì thật là khôn khéo. Mỹ thuật xưa này thường lấy sự bắt chước hệt được như hóa công làm mục đích. Liệt Tử vốn là nhà Lão học, thì lại cho cái cảnh đẹp tự nhiên là đẹp hơn cả, chỉ một cái cảnh ấy cũng làm cho con người đủ được hưởng thụ vui sướng.

Những câu chuyện ngụ ngôn hay

Muỗi và sư tử

Muỗi bay đến bên sư tử và bảo:

- Ông tưởng là ông khoẽ hơn tôi hả? Đâu có phải như thế kia chứ! Sức lực của ông là cái quái gì? Ông đa móng vuốt ra cào, đưa răng ra cắn, cái đó cũng giống như đàn bà đi đánh nhau với mấy mụ nhà quê ấy. Tôi khoẽ hơn ông nhiều: nếu ông muốn, ta ra đánh nhau chơi!

Và muỗi nổi hiệu vo vo, bắt đầu đốt vào hai má, vào mũi sư tử. Sư tử lấy chân trước đập vào mặt mình, móng vuốt làm toạc hết mặt nó, khắp mặt nó máu me đầm đìa, nó kiệt dần sức lực.

Muỗi lại nổi hiệu vo ve vui mừng và bay đi. Sau đó muỗi sa vào lưới mạng nhện và nhện bắt đầu hút máu nó. Muỗi ta mới than thở:

- Ta thắng được con thú mạnh như sư tử, vầy mà nay chết vì cái con nhện nhãi nhép này. 

Chuyện cười trong ngày

Viên cuối cùng

Peter gia nhập quân đội lúc 18 tuổi, nhưng dù huấn luyện thế nào, cậu ta cũng không thể bắn súng trúng đích. Một hôm, trong một buổi tập, Peter nhắm mục tiêu bắn 9 lần, nhưng đều không trúng. Viên sĩ quan thất vọng nói:

- Peter, anh thật là vô vọng! Thôi đừng bắn phí viên đạn cuối cùng nữa. Đi ra sau tường kia và dùng viên đạn đó mà tự bắn vào mình.

- Peter xấu hổ quá. Anh đi ra sau tường. Một vài giây sau, viên sĩ quan và các tay lính trẻ nghe thấy một tiếng súng.

- Trời ơi, thằng đần độn ấy tự bắn vào mình thật à?, Viên sĩ quan thốt lên.

- Ông lo lắng chạy ra phía sau tường, nhưng không như ông nghĩ, Peter chẳng làm sao cả.

- Peter sợ sệt nói: Xin lỗi, tôi lại bắn trược..

Sunday, October 27, 2013

27-10-2013 - Suy Niệm Trong Ngày


Phật Học Vấn Đạo - Tại sao người làm thiện gặp quả đắng cay sau đó?

Hỏi: Tại sao người làm thiện gặp quả đắng cay sau đó?

(Câu thảo luận trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TTTuệ Siêu: Có một vấn đề, đó là một chân lý một sự thật là giữa hai trạng thái nghiệp thiện và nghiệp ác. Mặc dù có những người  ngộ nhận đôi lúc làm thiện xong tâm lại có sự đau khổ, ray rức. Còn đối với những người làm ác có khi họ được an vui, được hân hoan. Nhưng ở đây,  Đức Phật đã khẳng định một điều, việc làm thiện là việc làm mà sau khi làm xong không có sự ăn năn, ray rứt và đến khi hưởng quả dị thục, tâm thỏa thích hân hoan là một điều hiển nhiên vậy.
Trưởng hoa hườn đắc hoa
Trưởng đậu hườn đắc đậu
Chúng ta trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu. Điều này không thể phủ nhận được. Trong A-tỳ-đàm quả dị thục của tâm thiện (kusala citta) phải là những trạng thái tâm tốt đẹp, những trạng thái tâm quả đưa đến sự hạnh phúc,  an vui cho chúng sanh. Chứ không khi nào tâm thiện lại đưa đến tình trạng bất ổn, đau khổ. Danh từ Pali gọi là  kammam kataṃ sādhu, chữ sādhu là sự tốt đẹp, tốt lành, chữ  kammaṃ sādhu tức là nghiệp được làm gọi là tốt. Nghiệp này tức là hành động do thân, do khẩu hoặc do ý được thực hiện bằng tâm đại thiện hay tâm thiện dục giới.
Chỉ nói trên phương diện tâm đại thiện, chúng ta chưa đề cập đến tâm thiện thuộc về sắc giới vô sắc giới, đó là những tâm thiền và những tâm thiện siêu thế, tức là những tâm đạo sát trừ phiền não, tỏ ngộ niết-bàn. Ở đây, chúng ta chỉ đề cập đến tâm đại thiện hay tâm thiện dục giới là khi chúng ta làm một việc lành, việc đó sẽ mang lại sự hạnh phúc, an lạc ngay trong kiếp sống hiện tại là sau khi làm xong chúng ta không có sự ăn năn ray rứt. Trong Trung bộ kinh, bài kinh Hiền ngu  Bàlapandita Sutta,  Đức Thế Tôn dạy rằng tùy vào hành động người trí có một đặc tướng, có một dấu hiệu là làm những điều thiện, nói những điều thiện và suy nghĩ điều thiện. Người trí khi làm, nói và suy nghĩ điều thiện như vậy thì người trí ngay trong hiện tại được sự an lạc. Khi nằm ngồi  hoặc đi hoặc đứng bất cứ chỗ nào vị đó cũng được sự an lạc yên vui, không bị đè nặng, bị hối tiếc, ăn năn ray rứt. Khi vị đó đi đến chỗ hội chúng với tâm dạn dĩ và khi vị đó (người làm thiện) thấy những người khác bị quả báo khổ đau như tù tội v.v…người làm thiện sẽ yên tâm nghĩ  rằng, “ Vì ta không làm điều ác cho nên ta sẽ không bị như vậy.”
Ngược lại đối với người ngu si thiểu trí khi làm làm điều ác, khi nói nói điều ác,  suy nghĩ những điều ác và do sự làm ác như vậy nên luôn luôn họ bị cảm thọ khổ đau ngay trong hiện tại, dầu đi, đứng, nằm, ngồi ở bất cứ một nơi nào họ cũng bị treo nặng bởi sự cắn rứt lương tâm. Họ bị mặc cảm về tội lỗi, họ có cảm giác như là có một tảng đá treo trên đầu vậy. Đừng nói người làm thiện có đôi lúc phải rơi nước mắt, có đôi lúc họ phải sầu muộn . Nói như thế đó chúng ta chỉ nhìn thấy hiện tại nhưng chúng ta không hiểu rõ tâm lý tận cùng bên trong và chúng ta không thấy được tương lai. Thật ra người làm thiện, sỡ dĩ họ gặp quả đắng cay sau đó. Quả đắng cay này không phải do điều thiện mang lại, mà quả đắng cay này là do ảnh hưởng do nghiệp lực nghiệp bất thiện trong quá khứ chi phối mà nghiệp thiện ngay trong hiện tại họ làm chưa đủ sức mạnh đẩy lùi ác nghiệp quá khứ. Vì vậy cho nên người đời chỉ nhìn thấy rằng người này làm thiện nhưng người đó vẫn gặp đau khổ với nước mắt đầy mặt. Ở đây chúng ta cần phải hiểu lại là không bao giờ có tình trạng đó, vì người làm việc lành sau đó họ yên tâm khi nghĩ đến điều thiện họ làm nên không hề sợ hãi. Còn những sự kiện khác xảy ra trong đời sống họ phải có sự phiền toái, phiền lụy ưu tư, thì đây là một lẽ khác chứ không phải họ ray rứt ăn năn với điều thiện mà họ đã làm.
Và cũng ảnh hưởng do sự thuần thục hay không thuần thục trong sự tu tập của người đó nữa. Chẳng hạn như ngày xưa Đức Phật Ngài kể lại tiền thân của ông triệu phú tại thành Savatthi. Nói rằng hiện tại ngay  trong thời Đức Phật ông ta là một nhà đại triệu phú, dẫu rằng có nhiều tài sản nhưng ông ta sống như một người nghèo khổ, dẫu rằng ông ta có những kho lẫm chứa đầy  gạo thơm ngon nhưng ông ta luôn luôn phải ăn những thức ăn thừa , thức ăn cặn bã còn dư lại của ngày hôm qua. Khi ông chết, tài sản của ông bị sung vào quốc khố. Vua Pasenadi (Ba-Tư-Nặc) đem chuyện đó bạch cùng Đức Phật vì duyên nghiệp gì tạo nên như thế.
Đức Phật giải thích rằng, thời quá khứ tiền thân của ông triệu phú này là một Bà-la-môn rất bỏn xẻn, ông ta chưa hề bố thí cho ai, chưa từng cúng dường cho các vị sa-môn, Bà-la-môn. Vào thời đó có chư Phật độc giác xuất hiện, ông ta cũng chưa một lần cúng dường cho các vị này. Cho đến một hôm đẹp trời, tâm ông sảng khoái, khi ông ta bước ra khỏi nhà để đi một vài việc cần thiết gì đó, gặp Đức Phật độc giác đang ôm bình bát đi khất thực. Ông trở vào nhà bảo người vợ chuẩn bị một chút ít gì đó để bát cho vị sa-môn đang đi khất thực phía trước cửa nhà. Người vợ nghe vậy rất hoan hỷ, nghĩ rằng hôm nay ông chồng của mình khởi lên một thiện tâm như vậy thật quý giá. Bà chuẩn bị vật thực loại cứng loại mềm thượng vị thành kính để bát cho Đức Phật độc giác, xong bà đảnh lễ và đi vào nhà. Nói về ông bà-la-môn bỏn xẻn kia, khi xong việc trở về đi ngang qua Đức Phật độc giác ông nghĩ rằng. “ Lúc nãy ta bảo vợ ta để bát cúng dường cho vị này, không biết bà để món gì đây” Ông ta đi đến Đức Phật độc giác chận đường Ngài lại giở nắp bát ra, ông nhìn thấy trong bát chứa đầy những vật thực thượng vị loại cứng loại mềm. Ông chợt khởi lên tâm hối tiếc. Ông nghĩ rằng nếu những vật thực này để cho ta hay vợ con ta ăn sẽ ngon hơn hay để nuôi dưỡng cho những tôi trai tớ gái để họ giúp việc cho mình có lẽ sẽ tốt đẹp hơn cúng dường cho các vị sa môn, Bà- la- môn này. Khi ông khởi lên tâm hối tiếc như vậy thì đó là trạng thái bất thiện pháp (Macchariya), đây là trạng thái tâm sở thuộc về sân phần. Với trạng thái khó chịu như thế, ông đậy nắp bát lại bỏ đi về nhà với tâm buồn bực. Vì rằng lúc đầu ông khởi lên tâm thiện với sự bằng lòng hoan hỷ để bát cúng dường cho Đức Phật độc giác, do thiện nghiệp đó về đời sau này ông ta tái sanh lại cõi người, ông luôn luôn có đầy đủ tài sản. Nhưng sau đó ông hối tiếc, do tâm hối tiếc bỏn xẻn đó mà đời sau này ông ta phát sanh lên hậu quả là dầu có tài sản nhưng ông ta không bao giờ hưởng được một cách đầy đủ ngon lành no nê, thỏa mãn.
Câu chuyện gợi ý lên rằng, việc có những người làm thiện rồi sau đó tâm họ ăn năn ray rứt, ở đây không phải là tác dụng của tâm thiện, không phải là hậu quả của tâm thiện để lại, mà chính vì sự tu tập không thuần thục của chúng sanh đó. Với người này vì không quen làm thiện nên ác bất thiện pháp sanh trưởng mạnh hơn. Do đó cho nên mỗi khi người đó khởi lên tâm thiện thực hiện một điều gì chẳng hạn như bố thí cho người khác một chút gì, sau đó khởi lên tâm ân hận hối tiếc. Như vậy chúng ta thấy rõ ràng sự ân hận hối tiếc và sự bỏn xẻn này do nơi tâm của người đó không khéo tác ý, không khéo tu tập cho nên khởi lên ác bất thiện pháp như thế.
Đức Thế Tôn dạy rằng, một người làm việc lành, tạo một nghiệp tốt đẹp sẽ sống với tâm hoan hỷ, với tâm hân hoan, không có sự hối tiếc. Vì chính ngay trong một trạng thái tâm thiện sanh khởi bao giờ cũng có những tâm sở tịnh hảo gọi là sobhana cetasika hay chúng ta gọi là những khía cạnh tốt đẹp hay những chất liệu để tạo nên những tâm thức tốt. Những chất liệu đó hoàn toàn tốt cho nên tâm thiện không bao giờ để lại một hậu quả sau khi làm xong mà có sự ăn năn hối tiếc.
Chúng ta hiểu theo trong A-tỳ-đàm giải thích rõ điều này, kusalo dhammo kusalassa dhammassa ārammana paccayena paccayo. Thiện pháp vẫn có thể làm cảnh cho bất thiện sanh khởi bằng cảnh duyên. Tức là có một số chúng sanh vì do nghiệp bất thiện hay những phiền não của họ mạnh mẽ trong quá khứ, họ không thường xuyên quân tập về thiện pháp, cho nên bây giờ hễ khi họ làm thiện pháp, chính thiện pháp đó lại trợ cho tâm bất thiện sanh khởi. Có những trường hợp, một người bố thí nhưng sau khi bố thí được người khác tán dương khen ngợi, họ khởi lên tâm ngã mạn, đó cũng là trường hợp thiện trợ cho bất thiện sanh khởi nhưng bằng thường cận y duyên. Hay khi làm thiện xong họ khởi lên kiêu mạn, như vậy ngã mạn của họ là một loại phiền não và phiền não này bắt tâm thiện để làm cảnh. Trong trường hợp đó là về mặt tinh thần của người đó, chứ không phải do hậu quả của thiện để lại.
Như trường hợp ông Bà-la-môn bỏn xẻn kia, khi ông bố thí cúng dường cho Đức Phật độc giác, sau đó ông khởi lên tâm hối tiếc, thì sự hối tiếc này không phải là một sự dằn vặt của tâm thiện  mà sự hối tiếc này chính do tâm bỏn xẻn Macchariya của ông ta, vì ông đã từng quen sự bỏn xẻn, cái gì cũng chấp thủ về mình chứ không muốn buông bỏ ra, không muốn xả tài xả thí cho người khác, không muốn để cho người khác phải chia sớt phần lợi lộc của mình . Như vậy đó là lỗi lầm của tinh thần của ông ta  không khéo điêu luyện không khéo tu tập chứ không phải là hậu quả của tâm thiện để lại.
Đức Phật xác định một khi đã làm thiện thì tâm không thối hóa, tức là không có sự ray rứt, không ăn năn. Khi chúng ta làm việc thiện tùy theo cấp độ của mỗi mỗi người khác nhau, bởi vậy có những người sau khi làm thiện  họ hoan hỷ suốt ngày đêm, họ bất chấp hoàn cảnh cuộc đời như thế nào, hễ khi nghĩ đến điều thiện là họ hoan hỷ. Còn có những người sau khi làm thiện xong tại sao họ có sự ăn năn ray rứt. 
Chúng ta làm thiện có ba khía cạnh.
1-Có người làm thiện bằng tâm thọ hỷ somanassasahagatam tức là tâm hân hoan, tâm hỷ với phỉ lạc. Người làm thiện với cảm giác tâm như vậy sau đó khó sanh khởi tâm hối tiếc, bỏn xẻn vì trong khi làm họ có sự hoan hỷ.
2- Người làm thiện bằng tâm thọ xả Upekkhāsahagatam tức là trạng thái tâm không vui cũng không buồn, làm một cách thờ ơ lãnh đạm hay làm với cảm giác tự nhiên mà làm chứ không có sự thỏa thích, không có sự hân hoan.
Đối với hạng người này có hai trường hợp, tức là người làm thiện bằng tâm thọ xả, nhưng không phải vì cảm giác họ không quen làm thiện mà trái lại họ làm với tâm thuần thục quen rồi, cho nên khi làm thiện  vì một lý do nào đó, có thể trong thân thể họ bất an do bệnh hoạn chi phối chẳng hạn, nên trong trường hợp này họ không có tâm hoan hỷ nhưng dầu với tâm thọ xả như thế nhưng tâm thiện của họ cũng rất vững chắc.
Khía cạnh làm thiện thứ hai là hợp trí hay ly trí, chúng ta gọi là Nànasampayuttam ly trí gọi là Nànavippayuttam. Người làm thiện bằng tâm hợp trí tức là có tri tuệ suy tư cân nhắc đắn đo và có trí tuệ can thiệp vào việc đó. Như vậy việc thiện này có tính cách bảo đảm hơn. Vì người làm thiện với tâm hợp trí trước khi làm có sự suy nghĩ tác ý đến lý nghiệp báo nhân quả, họ biết chúng sanh ở đời này được an vui, hạnh phúc, được nhiều tài sản, được thạnh lợi trong cuộc sống này là do nơi thiện nghiệp, phước báu. Còn những chúng sanh bị đau khổ là do nơi thiếu phước báu và làm các ác nghiệp. Khi tác ý như vậy, họ mới tích cực làm điều thiện. Đó gọi là tương ưng trí, hợp trí trong việc làm thiện. Lại nữa có những người làm việc thiện, vì họ khởi nên niềm tin đối với Đức Phật, với Giáo Pháp, với Tăng chúng và họ nghĩ rằng với thiện pháp này là con đường đi của bậc Thánh nhân, là sở hành của bậc thanh tịnh của bậc cao quý như Đức Phật. Vì vậy cho nên họ tích cực hoan hỷ làm điều thiện. Họ nghĩ rằng, “ Ta sẽ đi theo con đường, noi gương  hạnh của Chư Phật hay của Tăng chúng”. Như vậy cũng là tương ưng trí.
Một tương ưng trí nữa, đó là người làm thiện có liên hệ đến mục đích giải thoát , làm việc thiện có nhìn về tương lai, trong kinh nói rằng có nhìn về tương lai. Thế nào là có nhìn về tương lai, tức là người làm việc thiện có mục đích giải thoát . Những người làm việc thiện để mong tương lai sanh về cõi trời, có đầy đủ tài sản hoặc làm người xinh đẹp v.v…thì họ cũng nhìn về tương lai nhưng cách nhìn này không được hoan nghênh lắm, bởi vì đó chỉ là quả hữu lậu. Những người làm việc thiện có mục đích giải thoát, sỡ dĩ chư vị Bồ tát tích cực hành thiện, không biết nó trong thiện pháp và luôn luôn bất thối chuyển trong thiện pháp, trong việc tinh cần là bởi vì Ngài nhìn mục đích trong tương lai. Ngài nghĩ rằng thế gian này thật đáng chán, có rồi không, được rồi mất, thân này đây phải chịu sự già, sự bệnh sự chết. Dầu cho con người có đại phước khi chết tài sản cũng phải bỏ lại, như vậy tất cả đều là giả tạm, cho đến khi nào thành tựu cứu cánh giải thoát tức là đắc Niết bàn, diệt trừ mọi phiền não tham sân si , nghiệp chướng. Lúc bấy giờ mới thật sự an vui tuyệt đối. Muốn được như vậy thì người đó phải có đầy đủ phước ba-la-mật. Khi tác ý đến chỗ đó người này tích cực làm việc thiện, không thối chuyển trong việc thiện.
Nếu người làm việc với sự suy nghĩ về mục đích tương lai  như vậy, người này làm việc thiện với tâm hợp trí hay tâm tương ưng trí. Khi người làm việc thiện với tâm tương ưng trí như theo ba cách chúng tôi vừa trình bày, rõ ràng người này có một tâm lực mạnh mẽ trong việc làm thiện, có sự chủ ý làm thiện chứ không phải làm một cách vô tình, ngẫu nhiên hay bồng bột, tùy hứng như trường hợp ông bà-la-môn bỏn xẻn trong câu chuyện chúng tôi vừa kể. Người làm việc thiện bằng tâm tương ưng trí như vậy, sau đó người này không ăn năn hối tiếc, nghĩa là không có tâm bỏn xẻn ăn năn ray rứt. Người đã thuần trong việc thiện rồi, sau khi làm thiện xong họ bằng mọi cách ngăn chận các phiền não không cho nó sanh khởi để hối tiếc.
Thí dụ người Phật tử làm thiện, có những người làm thiện tương ưng trí như cúng dường chư Tăng hoặc bố thí cho những hội từ thiện  hoặc nuôi trẻ mồ côi. Họ bỏ ra một món tiền lớn. nhưng sau khi làm xong trở về nhà cảm thấy hối tiếc, họ cảm thấy nếu số tiền đó còn thì trong gia đình không phải thiếu thốn như vậy. Nhưng khi suy nghĩ như thế, với tâm tương ưng trí khi bố thí, với tâm hợp trí đó trí tuệ sẽ sanh khởi lên, họ sẽ suy nghĩ lại, “ Không sao cả, cái gì mình cho ra rồi cái đó là của mình.” Họ suy nghĩ như vậy, cho nên họ cảm thấy yên tâm. Lại nữa người này mới suy nghĩ rằng, “ Nếu có giữ lại đi chăng nữa thì ăn xài một thời gian sẽ hết. Sau khi mệnh chung rồi sanh lại cảnh giới khác mình sẽ không được tài sản gì cả hay không có thiện nghiệp để góp phần đưa đến tuệ căn giải thoát trong tương lai.” Họ suy nghĩ như vậy nên dẹp bỏ trạng thái tâm hối tiếc. Cũng có thể trạng thái tâm hối tiếc có thể sanh khởi cho người làm thiện tương ưng trí nhưng chỉ thoáng qua thôi, rồi sau đó người đó khéo tác ý suy nghĩ lại và họ tiếp tục hoan hỷ trong thiện pháp.
Người làm thiện bất tương ưng trí hay ly trí , điều này hết sức nguy hiểm. Tức là người làm việc thiện nhưng làm một cách thờ ơ , tình cờ ngẫu nhiên và không có sự suy tư. Vì làm việc thiện không có sự suy tư như vậy, chỉ cảm hứng mà làm, cho nên cũng là tâm thiện nhưng đó là tâm thiện ly trí, tâm thiện không có trí tuệ phối hợp, không có sự đắn đo suy nghĩ. Đối với người này rất dễ sau đó khởi lên trạng thái bất thiện hoặc quên lãng những thiện pháp họ đã làm. Đây là điều chúng ta phải chú ý để khi làm thiện chúng ta phải làm bằng tâm hợp trí đừng làm thiện bằng tâm ly trí.
Khía cạnh thứ ba của thiện pháp, đó là khía cạnh tác động của tâm sanh, gọi là sankhàrika tức là nói đến khía cạnh tâm thiện sanh khởi có hai trường hợp gọi là sasankhàrika hữu trợ và asankhàrika là vô trợ. Tâm thiện hữu trợ  tức là tâm thiện phát sanh lên có thể do ba trường hợp.
- Một là người này vì trước khi làm việc gì họ có thói quen hay đắn đo suy nghĩ cân nhắc có nên làm bây giờ hay không, làm có hợp thời hay không hợp thời. Sau khi cân nhắc xong họ mới khởi lên tâm thiện để làm. Như vậy tâm thiện hữu  trợ đó không có lỗi lầm, khuyết điểm  gì cả  mà thiện hữu trợ đó bất quá chỉ đưa đến quả chậm trong tương tương lai. Tức là trong tương lai khi tài sản phát sanh đến họ thì tài sản đó phát sanh một cách trình tự thứ lớp và đến từ từ chứ không thể nào phát sanh một cách nhanh chóng, chỉ có khuyết điểm là hậu quả như thế đó.
- Nhưng hai cách hữu trợ về sau này mới là hai cách hữu trợ làm thiện có nhiều khuyết điểm. Hữu trợ theo cách thứ hai tức là người này vì lý do phiền não sanh khởi hoặc lý do thân của họ đang có sự bệnh đau chi phối. Khi thân tâm bất an, lúc bấy giờ họ cũng khó khởi lên tâm thiện, cố gắng lắm mới khởi lên tâm thiện được. Tâm thiện lúc bấy giờ gọi là tâm thiện hữu trợ, tâm thiện hữu trợ này cũng không đến nỗi như trường hợp hữu trợ trong trạng thái thứ ba tức là phải đợi người khác nhắc nhở, đôn đốc, xúi bảo. Khi người khác đôn đốc xúi bảo người đó mới làm thiện thì lúc bấy giờ tâm thiện đó cũng là tâm thiện hữu trợ nhưng tâm thiện hữu trợ này  lại do động cơ thúc đẩy từ bên ngoài. Trường hợp này cũng ví như một em bé không biết gì, nhờ cha mẹ dẫn đi chùa, dạy cho cách lạy Phật. “ Lạy Phật cho có phước. Lạy Phật như vậy con sẽ được trí tuệ thông minh, được học giỏi”. Đứa con nghe cha mẹ nói như vậy quỳ xuống đảnh lễ Phật. Tâm thiện của đứa bé lúc đó gọi tâm thiện hữu trợ. Hay khi cha mẹ dẫn đi đến chùa cho đứa con  vật thực hay tiền bạc để bát cúng dường đến chư Tăng, đây cũng gọi là tâm thiện hữu trợ, nhưng tâm thiện hữu trợ đó không đến nỗi nào bằng tâm thiện do người khác thúc đẩy làm. Tại vì do không quen làm thiện nên mình không thích nhưng do có người xúi bảo đôn đốc nên mình mới làm.. .
Quả thật khi chúng ta làm điều thiện, tâm thiện đó phải do chính quyết định của mình và khi chúng ta có sự dứt khoát, với tâm lực mạnh sanh khởi như chúng tôi đã nói, tức là chúng ta làm việc thiện bằng tâm thọ hỷ, làm việc thiện bằng tâm hợp trí có trí tuệ suy tư và chúng ta làm thiện bằng tâm vô trợ tức là không cần sự đôn đốc nhắc bảo hay là cũng có trường hợp chúng ta khởi lên tâm thiện do sự suy tư rồi sau đó chúng ta mới quyết định làm. Vấn đề hữu trợ hay vô trợ ở đây không phải là một khuyết điểm của tâm thiện nhưng điều này ảnh hưởng đến quả trong tương lai.
Thật ra có những người khi làm việc thiện, nếu họ làm việc thiện với sự thờ ơ, không có mục đích rõ ràng trong tương lai, không có trí tuệ phối hợp trong tâm thiện đang sanh. Như vậy tâm thiện  người này quá yếu,  có thể sau khi làm xong họ suy nghĩ lại cảm thấy có sự mất mát, có sự phung phí thời gian, phung phí công sức, sau đó có sự hối hận. Có nhiều tấm gương như tấm gương của người nông dân Sumana, trống hoa cho Đức vua Pasenadi vua Ba-Tư-Nặc. Ông ta đã nhìn thấy được đối tượng khả kính là Đức Phật, ông đã tự nguyện có sự quyết định dứt khoát cúng dường đến Đức Phật. Ông tìm thấy tâm thiện của ông đối với Đức Phật, với lòng thành kính đó ông cảm thấy an ổn, yên tâm và xem sự chết nhẹ như lông hồng, ông không sợ hãi không hốt hoảng. Đó là thái độ làm thiện chúng ta cần nên học hỏi.
Và thái độ làm thiện khác của ông Cấp-Cô-Độc. Khi chúng ta tự ý làm điều thiện , có sự quyết định dứt khoát, cho dù rằng ông ta phải hao tài sản, đem tất cả tài sản để cúng dường Tam Bảo. Lúc bấy giờ dầu lâm vào tình trạng nghèo khổ nhưng ông không  hề thối chuyển. Chúng ta làm sao có thể so sánh được với tâm của một Thánh cư sĩ, một vị Thánh nhập lưu Tu-Đà-Hườn như ông Cấp-Cô-Độc được. Nhưng chúng ta cũng phải biết lấy gương của người nông dân Sumana, chúng ta thấy rõ khi làm việc thiện với tâm ý như vậy thì sau đó tâm mới an lạc, không có sự ăn năn hối tiếc. Điều này không khó khăn gì đối với ai cả, chỉ do nơi tâm lực của chúng ta có mạnh hay không. Thật ra không phải người xưa khác người nay. Trong bất kỳ một thời kỳ nào, dầu thời kỳ hưng thịnh pháp hay thời kỳ giáo pháp bị mai một như thời hiện tại này. Nếu chúng ta đã phát tâm bồ đề, có đại nguyện Bồ tát và chúng ta làm việc để hướng đến mục đích giải thoát, quả thật điều đó không có nghĩa là chúng ta không làm được.
Ở đây có một điều quý vị cũng nên lưu ý, tâm thiện chúng ta đã làm, chính thiện pháp đó sẽ không phải là nỗi ám ảnh tinh thần chúng ta ngay trong giấc ngủ hay những lúc sau đó. Đức Phật đã xác định một cách rõ ràng 
Một việc làm chánh thiện
Làm rồi không ăn năn 
Chúng ta nên biết rằng sau khi chúng ta làm điều thiện xong tâm chúng ta không có sự ray rứt bởi vì thiện nghiệp đó chi phối. Lại nữa khi chúng ta hưởng quả dị thục, chắc chắn đó là quả dị thục đưa đến trạng thái tâm an lạc. Bất luận là ngày hay đêm, lúc nào chúng ta khởi lên tâm thiện thì lúc đó chúng ta sống trong  sự an ổn, sự an lạc. Ngày nào chúng ta còn khởi lên tâm thiện thì ngày đó là ngày tốt đẹp đối với bậc thiện trí ở đời này, nhất là đối với hạng chúng sanh có tâm đại nhân hạnh nguyện bồ tát thì việc thiện đối với họ như những món ăn tinh thần và thiếu việc thiện họ cảm thấy như ngày hôm đó có sự thiếu sót. Khi đã làm được điều thiện họ có cảm giác như có một hàng rào che chắn chung quanh và họ không cảm thấy sợ hãi trong việc hiểm nguy. 

Mỗi Ngày Trầm Tư Sinh Tử

Giải pháp trực tiếp là ta suy nghĩ ngay đến thảm họa do sự tranh chấp đem lại cho chúng ta. Câu chuyện của một người cha khi sắp lâm chung, muốn cho các con của mình có sự hòa hợp để tạo sức mạnh, bảo các con đem bó đũa lại và bảo mỗi người con từ con cả cho đến con út mỗi người lần lượt bẻ cả bó đũa thì không ai bẻ được. Nhưng người cha có thể bẻ được bằng các tách rời từng chiếc, từng chiếc. Các người con chứng kiến như vậy nói, nếu bẻ từng chiếc, tứng chiếc như vậy thì chúng con cũng có thể bẻ được. Nhưng bẻ cả bó đũa như lời cha dạy thì chúng con không thể bẻ được. Người cha mới bảo rằng đó là điều cha muốn nói với các con. Hợp quần gây sức mạnh. Đòan kết là sức mạnh. Khi các con chia rẻ nhau, tranh chấp nhau, đố kỵ lẫn nhau sẽ làm cho mình yếu và đi đến chỗ diệt vong. Chúng ta phải biết suy tư rằng cuộc sống này ai rồi cũng đi đến chỗ chết, hãy biết sống tu tập để tâm được an lạc, không nên tranh chấp vì sẽ đi tới chỗ diệt vong.

 TT Trí Siêu – Kinh Pháp Cú - kệ ngôn 06 - Lê -văn-Phúc chuyển biên

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Lá Thư Cho Ngày Hấp Hối

Bassi viết lá thư sau đây để gởi cho một đệ tử của ông sắp chết :

“ Bổn tánh của tâm con không sinh, vì thế nó không bao giờ chết. Nó không phải là một hiện hữu, nên nó không biến mất. Nó không phải là cái trống rỗng, mà là cái chân không. Nó không có màu sắc và thể hình. Nó không hưởng thụ khoái lạc và chịu đựng sự đau đớn.

“ Thầy biết con bệnh nặng lắm. Giống như một người học Thiền giỏi, con đang đối mặt hoàn toàn với sự đau đớn. Có thể con không rõ ai là kẻ đang đau khổ, nhưng hãy hỏi chính con : “ Bổn tánh của con là gì ?” Hãy nghĩ một điều này thôi. Con sẽ không cần gì nữa. Ðừng ham muốn gì cả. Sự chấm dứt của con không chấm dứt, nó giống như một bông tuyết trong trắng tan biến trong không khí tinh khiết.”

Chuyện Xưa Tích Cũ - Con kiến vàng

CON KIẾN VÀNG

Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Ở xã Hoàng Mai có chàng họ Dương, tánh tình keo kiệt lại mang tật lười biếng, tối ngày chỉ rong chơi đây đó và thường la cà nơi đình đám kiếm ăn. Thấy chàng còn trẻ mà không lo học hành, cũng chẳng lo kinh doanh sự nghiệp nên người làng đều khinh ghét, không ai buồn cho ăn, cho uống khiến cho anh chàng họ Dương phải đói khổ bỏ làng mà đi.

Lang thang trên đường vô định, một ngày kia anh chàng họ Dương ngã ra bên đường bất tỉnh vì đói khát nhiều ngày. Trong lúc mê mang anh ta thấy trước mặt hiện ra một hòn núi vàng. Mừng rỡ, anh ta chạy tới toan hốt lấy vàng bỗng nghe một tiếng quát: -Người kia, ở đâu tới đây dám làm ngang lấy vàng của ta? Người không biết ta là thần núi vàng hay sao?

Anh chàng họ Dương run sợ nhìn lên thì thấy một cụ già cốt cách phương phi, dáng điệu hiền từ thì than khóc mà nói rằng tại mình bị thiên hạ bỏ rơi đói khát lâu ngày.

Vị thần núi vàng nghe nói vậy thì động lòng nhân từ, liền hỏi anh chàng họ Dương: -Nếu ta giúp cho ngươi được giàu sang no ấm thì ngươi xử thế như thế nào?

Họ Dương đáp rằng sẽ lấy lòng nhân đạo mà ở đời và sẽ giúp đỡ mọi người khốn khổ, nếu trái lời sẽ xin làm con kiến suốt đời chui rúc trong hang.

Vị thần núi vàng liền trao cho họ Dương một cái túi, rồi xô về phía trước. Anh ta kêu lên một tiếng giật mình thức dậy mới hay là một giấc mộng. Trên tay vẫn nắm chặt túi vàng. Anh ta mừng rỡ vội vã trở về làng, dùng vàng mua sắm mọi vật xa hoa và cưới mấy nàng hầu.

Những người trước đây khinh miệt họ Dương, chừng thấy anh ta giàu có thì lân la tới làm thân, họ Dương căm tức thù xưa tìm mọi cách làm nhục họ. Đồng thời, Dương còn khinh rẻ những kẻ nghèo khổ đến cậy nhờ miếng cơm manh áo.

Một hôm có lão ăn mày, mình mẩy lở loét, áo quần rách rưới xách bị tới nhà Dương, rồi ở lỳ trước cửa không chịu đi. Dương lấy làm xấu hổ vì nhà đẹp mà lại bị lão ăn mày dơ dáy hôi hám án mất lối vào, liền xách gậy ra đánh đuổi bảo đi.

Nhưng khi Dương vừa đưa gậy lên thì lão ăn mày hiện hình thành vị thần núi vàng, trỏ Dương mà mắng rằng: -Nhà ngươi thật là bạc ác, tội khó thứ dung, ngươi còn nhớ ngày xưa thề thốt thế nào chăng?

Anh chàng họ Dương hối hận kêu xin, nhưng đã muộn, vị thần núi vàng hét lên một tiếng, Dương ngã lăn ra hóa thành con kiến vàng, tìm kẽ ngách, hang hóc mà ẩn náu và lén lút tìm miếng ăn, tránh sự gặp mặt loài người.

Cổ Học Tinh Hoa

DIỀU GỖ


Mặc Tử làm cái diều gỗ, ba năm mới xong. Lúc thả cho bay, được một hôm thì diều hỏng.

Học trò khen rằng:

Thầy làm diều gỗ mà bay được thật là khéo!

Mặc tử nói:

Ta làm cái diều ba năm mới xong, diều bay mới được một ngày đã hỏng, cho là khéo thế nào được. Sao bằng người làm cái xe gỗ chỉ tốn một ít công không hết một buổi, mà chở được nặng, đi được xa, dùng được lâu năm. Có thế mới gọi là khéo.

Huệ Tử nghe câu chuyện, bảo:

Mặc Tử nói thế thật là người khéo.

Mặc Tử

LỜI BÀN 

Diều gỗ mà bay được, ai không chịu là khéo? Nhưng công làm mất ba năm, dụng chỉ được một ngày, thì cái dụng tưởng như không bổ với cái công. Cho nên Mặc Tử, vốn là người tiết kiệm, chỉ vụ sự làm ăn thiết thực, không cần sự văn hoa vô dụng, ý cho một vật gì sở dĩ gọi là khéo, không phải chỉ là việc làm tinh xảo hơn người, nhưng cốt phải lợi dụng được việc cho người trước. Huệ Tử khen Mặc Tử là cũng theo một cái lý thuyết ấy. Tuy vậy, xét ra ở đời cái khéo và cái dùng không cần gì cứ phải đi đôi với nhau. Thường cái khéo, cái đẹp không cần là hữu dụng hay vô dụng: miếng gỗ, chạm cái tranh vẽ, giọng hát bài đàn chỉ có cho khéo, không thiết dụng mà thực là có ích cho người lắm.

Những câu chuyện ngụ ngôn hay

Con cáo

Cáo ta bị sập bẫy, vẫy vùng đứt đuôi rồi thoát ra được. Nó bèn ngẫm nghĩ xem làm thế nào che lấp được nỗi nhục của mình. Nó cho tất cả nhà cáo đến và lên tiếng dỗ dành chúng chặt đuôi cả đi. Nó nói:

- Cái đuôi hoàn toàn chẳng để làm gì, ta chỉ kéo thêm nặng phía sau mà thôi.

Một con cáo khác bèn lên tiếng:

- Chà, nếu chị không cộc đuôi thì hẳn chị chẳng nói điều ấy.

Cáo cộc đuôi nín lặng và bỏ đi.

Chuyện cười trong ngày

Cổ điển và hiện đại

Giáo sư đại học nọ hỏi một sinh viên trong giờ văn học.

- Em hãy cho biết làm thế nào để phân biệt được một tác phẩm văn học cổ điển với một tác phẩm văn học hiện đại?

- Thưa giáo sư, trong tác phẩm văn học cổ điển ta chỉ thấy được nụ hôn của nhân vật từ trang 99 trở đi, còn ở tác phẩm văn học hiện đại thì họ đã có con với nhau ngay ở trang đầu tiên.

Saturday, October 26, 2013

26-10-2013 Suy Niệm Trong Ngày


Phật Học Vấn Đạo - Thế nào là người trí?

Hỏi: Như thế nào là người trí?

(Thảo luận trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Người trí là người có thân trong sạch, khẩu trong sạch và ý trong sạch, thay vì nói người trí là người có bằng cấp học vị cao thì Đức Phật Ngài nói rằng người trí là người có hành vi của thân khẩu ý trong sạch, không hại người không hại mình, thì Đức Phật gọi đó là người trí. Như vậy chữ người trí Đức Phật định nghĩa hoàn toàn khác với cái hiểu của chúng ta do vậy điểm này chúng ta phải rất là cẩn trọng. 
Nhưng nếu qúi vị đã hỏi về chữ "Ngu nhân" ở đây thì chúng tôi xin được bày tỏ ý nghĩ cá nhân của mình, chúng tôi tin rằng chữ "Ngu nhân" ở đây chỉ cho một người không có lãnh hội được diệu pháp, tức là không tìm ra được một phương lương dược để trị những căn bệnh của mình, không tìm ra được giải pháp cho những bế tắc của mình. Có những lúc chúng ta đối diện với những khó khăn của kiếp người và những khó khăn đó hoàn toàn tuyệt vọng, chúng ta không biết phải làm gì và chỉ có thể im lặng chờ đợi và sự chờ đợi này dài đến đỗi chúng ta chán nản mệt mỏi. Theo một thống kê của những công ty chế tạo những máy video thì họ thấy rằng những nút bấm mà người ta sài nhiều nhất đó là nút "forwarding" tức là nút làm cho nó chạy nhanh hơn, khi coi một cuộn phim hay theo dõi một thứ gì đó trong băng video có đôi lúc chúng ta không muốn nhìn thấy những cảnh tượng đó và chúng ta muốn cho nó đi qua thật nhanh.
Đời sống thì cũng tương tựa như vậy, nhưng không may là chúng ta không làm cho nó nhanh như chúng ta muốn được. Hồi chúng tôi còn nhỏ có kinh nghiệm sau này ngồi nhớ lại thì có một chút vui chút buồn pha lẫn với nhau. Có một lần chúng tôi được Ngài Tịnh Sự giao cho trách nhiệm đi mua một cuốn tự điển ở trong Chợ Lớn, chúng tôi đi vào buổi trưa và cô Bảy Vĩnh Phúc một người đàn tín của Ngài HT Tịnh Sự thấy chúng tôi rời chùa vào buổi trưa như vậy mới mượn cây dù của Ngài để chúng tôi mang theo để che nắng, tuổi còn trẻ mà tánh lại lơ đễnh, chúng tôi đến chỉ lo tập trung vào chuyện mua sách, thấy sách thì vô cùng thích thú và khi ra về trả tiền xong thì quên bẳng cây dù ở tiệm sách, và thưa qúi vị, chúng tôi cũng không nhớ là mình đã quên cây dù lúc nào nhưng khi trở về giảng đường Phú Định gặp Ngài HT Tịnh Sự thì chúng tôi chỉ trình và đưa cho Ngài những cuốn sách mà Ngài muốn mua. Và dĩ nhiên là trong tay chúng tôi có vài quyển sách mua cho chính mình, chúng tôi hết sức hí hửng mang những cuốn sách đó về phòng riêng để đọc và hoàn toàn không nghĩ đến cây dù cho đến tối hôm đó khoảng chừng 11 giờ bỗng nhiên chúng tôi lại nhớ đến cây dù và tự hỏi rằng không biết mình đã để đâu, không nhớ rằng mình đã để đâu nhưng biết một điều chắc chắn rằng mình đã không mang về để trả cho Ngài. Lúc đó chúng tôi lo lắng lắm, lo lắng bởi nhiều lý do, lý do là vì còn nhỏ nếu chúng tôi muốn tìm mua cây dù thì không biết mua ở đâu, và cây dù này là một loại dù may bằng vải nylon vàng, cây dù đó thì thật sự rất khó tìm, và chúng tôi nghĩ rằng chỉ có trường hợp may đặc biệt cho Ngài hay là đi tìm chỗ nào đó khó tìm lắm mới tìm được cho Ngài HT, và thật sự thì chúng tôi không biết giá cây dù là bao nhiêu nhưng phải nói rằng rất là lo lắng, lo đến đỗi chúng tôi trằn trọc cả đêm không ngủ được. Sáng hôm sau chúng tôi trở lại tiệm sách và rất là may mắn khi vừa bước vào trong tiệm gặp ông chủ tiệm, ông chủ tiệm gặp chúng tôi mỉm cười và nói "Có phải Thầy quên cây dù không?" lúc nghe câu hỏi đó chúng tôi nghe như là gánh nặng ngàn cân được đặt xuống và chúng tôi cảm ơn ông rối rít, sau đó cầm cây dù đi một hơi trở về giao lại cho Ngài và tự nguyện trong tương lai không bao giờ mượn cây dù để đi đâu hết.
Thì thưa qúi vị có những tâm trạng ở trong cuộc đời tuy rằng rất là trẻ con, tuy rằng nó chỉ là một kỷ niệm nhưng nó lại nhắc cho chúng ta một ý điều rất quan trọng ở trong cuộc sống, đó là có những giây phút mà đối với chúng ta nó dài lắm. "Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại." Những người ở tù thì họ nói rằng một ngày ở trong tù thì dài như cả trăm năm cả ngàn năm khi sống tự do ở bên ngoài, quả thật đúng, chúng tôi đã có những tháng ngày phập phồng lo sợ, đã có những tháng ngày trải qua giai đoạn chỉ mong muốn thời gian trôi qua mau thôi, và không may cho chúng ta những lúc mà chúng ta nghĩ rằng thời gian là một liều thuốc nhiệm màu, thì những lúc đó thời gian lại trở thành một nỗi ám ảnh khôn nguôi, và nỗi ám ảnh đó là một nỗi ám ảnh đau thương nhất của đời sống mỗi chúng ta, vì vậy dựa trên tâm trạng này cho chúng ta hiểu rằng tại sao chánh trí, tại sao diệu pháp lại có một giá trị lớn ở trong đời sống của mình.
Chúng tôi muốn trở lại một việc rất là bình dị một việc rất là gần với đời sống của chúng ta mà chúng tôi muốn nhắc đi nhắc lại ở tại đây đó là theo giáo lý của Đức Phật đa số những nỗi khổ đau của chúng ta trong đời sống nó đến từ cái nhìn không có xác thực của mình, nó đến từ cái nhìn lầm lẫn của mình, và do cái nhìn lầm lẫn đó chúng ta đi từ sự thương đau này đến nỗi đau thương khác, bởi vì chúng ta không tìm ra lối thoát. Nói một cách rõ hơn là nếu cuộc sống thay đổi mà chúng ta muốn nó không thay đổi thì chúng ta phải làm một công việc là bất khả, và trong công việc bất khả đó chúng ta chỉ tạo sự căng thẳng cho mình, như là giòng sông đang chảy ngang trước mặt chúng ta mà chúng ta muốn dùng đôi tay nhỏ bé của mình để chận lại nước chảy của giòng sông thì chúng ta đang làm một công việc mà tự mình khiến cho mình mệt mỏi thêm thôi.
Chúng ta lại có một quan niệm khác là chúng ta phải vật lộn với đời sống, và trong sự vật lộn này bỏ rơi rất nhiều tâm sức để tìm ra một sinh lộ tìm ra một giải pháp, nhưng tất cả đều chỉ làm cho chúng ta càng lúc càng mệt mỏi, và càng lúc càng chán nản chỉ muốn ngồi im lặng mong cho thì giờ qua, mong cho tuổi tác qua, và khi tuổi già đến, khi cái chết đến thì chúng ta lại tiếc nuối thời son trẻ. Đời sống của con người là như vậy, kiếp nhân sinh là vậy.
Và thưa qúi vị chúng ta hãy làm lại, hãy làm lại bằng cách nào, bằng cách tạo cho cuộc sống có ý nghĩa hơn, làm cho diệu pháp được thấm nhuần trong chúng ta, làm sao cho chúng ta thấy được ánh sáng để cuộc sống của chúng ta không rơi vào tuyệt vọng, không rơi vào sự chán chường. Có thể nói rằng, cho cả một kiếp người còn lại, chúng ta có thể nào tìm được một ý nghĩa tìm một ánh sáng và tìm một lẽ sống mà lẽ sống đó làm cho chúng ta thấy rằng đời sống này quả thật là qúi giá, kiếp người quả thật là ngắn ngủi và mình phải làm cái gì đó để tận dụng được hết cái kiếp người ngắn ngủi này. Không phải ai cũng thấy kiếp người ngắn ngủi, cuộc sống nhiều lắm là một trăm năm với một số người thì không đủ để làm những công việc đáng làm đáng sống, nhưng có những kiếp người thì phải dùng chữ gọi là lê lết kiếp trăm năm, lê lết kiếp trăm năm là trong một kiếp vài ba mươi năm thật sự sống của cuộc đời họ cảm thấy đời sống quá dài, chỉ mong muốn rằng thời gian trôi qua mau và mình có thể rời khỏi kiếp này như là trút đi một gánh nặng, bởi vì người đó không tìm thấy một lẽ sống chân thực của kiếp người./.