Saturday, October 26, 2013

Phật Học Vấn Đạo - Thế nào là người trí?

Hỏi: Như thế nào là người trí?

(Thảo luận trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Người trí là người có thân trong sạch, khẩu trong sạch và ý trong sạch, thay vì nói người trí là người có bằng cấp học vị cao thì Đức Phật Ngài nói rằng người trí là người có hành vi của thân khẩu ý trong sạch, không hại người không hại mình, thì Đức Phật gọi đó là người trí. Như vậy chữ người trí Đức Phật định nghĩa hoàn toàn khác với cái hiểu của chúng ta do vậy điểm này chúng ta phải rất là cẩn trọng. 
Nhưng nếu qúi vị đã hỏi về chữ "Ngu nhân" ở đây thì chúng tôi xin được bày tỏ ý nghĩ cá nhân của mình, chúng tôi tin rằng chữ "Ngu nhân" ở đây chỉ cho một người không có lãnh hội được diệu pháp, tức là không tìm ra được một phương lương dược để trị những căn bệnh của mình, không tìm ra được giải pháp cho những bế tắc của mình. Có những lúc chúng ta đối diện với những khó khăn của kiếp người và những khó khăn đó hoàn toàn tuyệt vọng, chúng ta không biết phải làm gì và chỉ có thể im lặng chờ đợi và sự chờ đợi này dài đến đỗi chúng ta chán nản mệt mỏi. Theo một thống kê của những công ty chế tạo những máy video thì họ thấy rằng những nút bấm mà người ta sài nhiều nhất đó là nút "forwarding" tức là nút làm cho nó chạy nhanh hơn, khi coi một cuộn phim hay theo dõi một thứ gì đó trong băng video có đôi lúc chúng ta không muốn nhìn thấy những cảnh tượng đó và chúng ta muốn cho nó đi qua thật nhanh.
Đời sống thì cũng tương tựa như vậy, nhưng không may là chúng ta không làm cho nó nhanh như chúng ta muốn được. Hồi chúng tôi còn nhỏ có kinh nghiệm sau này ngồi nhớ lại thì có một chút vui chút buồn pha lẫn với nhau. Có một lần chúng tôi được Ngài Tịnh Sự giao cho trách nhiệm đi mua một cuốn tự điển ở trong Chợ Lớn, chúng tôi đi vào buổi trưa và cô Bảy Vĩnh Phúc một người đàn tín của Ngài HT Tịnh Sự thấy chúng tôi rời chùa vào buổi trưa như vậy mới mượn cây dù của Ngài để chúng tôi mang theo để che nắng, tuổi còn trẻ mà tánh lại lơ đễnh, chúng tôi đến chỉ lo tập trung vào chuyện mua sách, thấy sách thì vô cùng thích thú và khi ra về trả tiền xong thì quên bẳng cây dù ở tiệm sách, và thưa qúi vị, chúng tôi cũng không nhớ là mình đã quên cây dù lúc nào nhưng khi trở về giảng đường Phú Định gặp Ngài HT Tịnh Sự thì chúng tôi chỉ trình và đưa cho Ngài những cuốn sách mà Ngài muốn mua. Và dĩ nhiên là trong tay chúng tôi có vài quyển sách mua cho chính mình, chúng tôi hết sức hí hửng mang những cuốn sách đó về phòng riêng để đọc và hoàn toàn không nghĩ đến cây dù cho đến tối hôm đó khoảng chừng 11 giờ bỗng nhiên chúng tôi lại nhớ đến cây dù và tự hỏi rằng không biết mình đã để đâu, không nhớ rằng mình đã để đâu nhưng biết một điều chắc chắn rằng mình đã không mang về để trả cho Ngài. Lúc đó chúng tôi lo lắng lắm, lo lắng bởi nhiều lý do, lý do là vì còn nhỏ nếu chúng tôi muốn tìm mua cây dù thì không biết mua ở đâu, và cây dù này là một loại dù may bằng vải nylon vàng, cây dù đó thì thật sự rất khó tìm, và chúng tôi nghĩ rằng chỉ có trường hợp may đặc biệt cho Ngài hay là đi tìm chỗ nào đó khó tìm lắm mới tìm được cho Ngài HT, và thật sự thì chúng tôi không biết giá cây dù là bao nhiêu nhưng phải nói rằng rất là lo lắng, lo đến đỗi chúng tôi trằn trọc cả đêm không ngủ được. Sáng hôm sau chúng tôi trở lại tiệm sách và rất là may mắn khi vừa bước vào trong tiệm gặp ông chủ tiệm, ông chủ tiệm gặp chúng tôi mỉm cười và nói "Có phải Thầy quên cây dù không?" lúc nghe câu hỏi đó chúng tôi nghe như là gánh nặng ngàn cân được đặt xuống và chúng tôi cảm ơn ông rối rít, sau đó cầm cây dù đi một hơi trở về giao lại cho Ngài và tự nguyện trong tương lai không bao giờ mượn cây dù để đi đâu hết.
Thì thưa qúi vị có những tâm trạng ở trong cuộc đời tuy rằng rất là trẻ con, tuy rằng nó chỉ là một kỷ niệm nhưng nó lại nhắc cho chúng ta một ý điều rất quan trọng ở trong cuộc sống, đó là có những giây phút mà đối với chúng ta nó dài lắm. "Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại." Những người ở tù thì họ nói rằng một ngày ở trong tù thì dài như cả trăm năm cả ngàn năm khi sống tự do ở bên ngoài, quả thật đúng, chúng tôi đã có những tháng ngày phập phồng lo sợ, đã có những tháng ngày trải qua giai đoạn chỉ mong muốn thời gian trôi qua mau thôi, và không may cho chúng ta những lúc mà chúng ta nghĩ rằng thời gian là một liều thuốc nhiệm màu, thì những lúc đó thời gian lại trở thành một nỗi ám ảnh khôn nguôi, và nỗi ám ảnh đó là một nỗi ám ảnh đau thương nhất của đời sống mỗi chúng ta, vì vậy dựa trên tâm trạng này cho chúng ta hiểu rằng tại sao chánh trí, tại sao diệu pháp lại có một giá trị lớn ở trong đời sống của mình.
Chúng tôi muốn trở lại một việc rất là bình dị một việc rất là gần với đời sống của chúng ta mà chúng tôi muốn nhắc đi nhắc lại ở tại đây đó là theo giáo lý của Đức Phật đa số những nỗi khổ đau của chúng ta trong đời sống nó đến từ cái nhìn không có xác thực của mình, nó đến từ cái nhìn lầm lẫn của mình, và do cái nhìn lầm lẫn đó chúng ta đi từ sự thương đau này đến nỗi đau thương khác, bởi vì chúng ta không tìm ra lối thoát. Nói một cách rõ hơn là nếu cuộc sống thay đổi mà chúng ta muốn nó không thay đổi thì chúng ta phải làm một công việc là bất khả, và trong công việc bất khả đó chúng ta chỉ tạo sự căng thẳng cho mình, như là giòng sông đang chảy ngang trước mặt chúng ta mà chúng ta muốn dùng đôi tay nhỏ bé của mình để chận lại nước chảy của giòng sông thì chúng ta đang làm một công việc mà tự mình khiến cho mình mệt mỏi thêm thôi.
Chúng ta lại có một quan niệm khác là chúng ta phải vật lộn với đời sống, và trong sự vật lộn này bỏ rơi rất nhiều tâm sức để tìm ra một sinh lộ tìm ra một giải pháp, nhưng tất cả đều chỉ làm cho chúng ta càng lúc càng mệt mỏi, và càng lúc càng chán nản chỉ muốn ngồi im lặng mong cho thì giờ qua, mong cho tuổi tác qua, và khi tuổi già đến, khi cái chết đến thì chúng ta lại tiếc nuối thời son trẻ. Đời sống của con người là như vậy, kiếp nhân sinh là vậy.
Và thưa qúi vị chúng ta hãy làm lại, hãy làm lại bằng cách nào, bằng cách tạo cho cuộc sống có ý nghĩa hơn, làm cho diệu pháp được thấm nhuần trong chúng ta, làm sao cho chúng ta thấy được ánh sáng để cuộc sống của chúng ta không rơi vào tuyệt vọng, không rơi vào sự chán chường. Có thể nói rằng, cho cả một kiếp người còn lại, chúng ta có thể nào tìm được một ý nghĩa tìm một ánh sáng và tìm một lẽ sống mà lẽ sống đó làm cho chúng ta thấy rằng đời sống này quả thật là qúi giá, kiếp người quả thật là ngắn ngủi và mình phải làm cái gì đó để tận dụng được hết cái kiếp người ngắn ngủi này. Không phải ai cũng thấy kiếp người ngắn ngủi, cuộc sống nhiều lắm là một trăm năm với một số người thì không đủ để làm những công việc đáng làm đáng sống, nhưng có những kiếp người thì phải dùng chữ gọi là lê lết kiếp trăm năm, lê lết kiếp trăm năm là trong một kiếp vài ba mươi năm thật sự sống của cuộc đời họ cảm thấy đời sống quá dài, chỉ mong muốn rằng thời gian trôi qua mau và mình có thể rời khỏi kiếp này như là trút đi một gánh nặng, bởi vì người đó không tìm thấy một lẽ sống chân thực của kiếp người./.

No comments:

Post a Comment