Wednesday, October 30, 2013

Phật Học Vấn Đạo - Một người muốn sống đời sống xuất gia nên chuẩn bị gì ?

Hỏi: Một người muốn sống đời sống xuất gia nên chuẩn bị gì ?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Đối với chúng ta những người tu tập, phải nói một điều là con đường tu tập là một con đường có rất nhiều trở ngại, trở ngại lớn nhất là bản thân của mình, càng lớn tuổi, hoặc giả, càng tiếp xúc ở bên ngoài nhiều thì vào trong đạo chúng ta mang vào nhiều tập khí, tập khí đó là  chủ kiến của mình; điều này là mình nghĩ rằng mình đúng, điều kia mình nghĩ rằng sai, hơn như vậy nữa, là mình nghĩ cái này mình thích cái kia mình không thích, cái này mình thoải mái cái kia mình không thoải mái và rốt cuộc rồi đời sống xuất gia của mình chỉ là đi tìm một thứ mà mình nghĩ rằng hài lòng, những thứ mà mình thích. 

Nhưng ở trên thực tế, một cuộc sống xuất gia rất cần thiết để trải qua một thời kỳ gọi là thụ huấn và thời kỳ thụ huấn này là một thời kỳ quyết định cho quãng đời còn lại của mình, ở trong thời kỳ thụ huấn đó mình có chứng tỏ được rằng mình có khả năng tiếp nhận sự hướng dẫn, mình có khả năng để thích nghi và có khả năng để thay đổi hay không.

Ở trong kinh, Đức Phật thường dạy hình ảnh một tấm vải muốn được nhuộm và nhuộm một cách tốt đẹp một cách đều màu thì tấm vải trước nhất phải được giặt sạch, giặt sạch ở trong điều kiện cần thiết để có thể tiếp nhận màu mới và thấm nhuần màu mới, đó là hình ảnh của một tấm vải, trong kinh Bố Dụ (Trung Bộ Kinh)  Đức Phật đã giảng. 

Thì cuộc sống của chúng ta khi đi xuất gia hay đi cầu học là một trong những thái độ tiên khởi chúng ta phải có, đó là làm sao cho mình có được khả năng lãnh hội, khả năng có thể thích nghi và đây là một điểm rất tế nhị ít  người làm được như vậy, và văn hoá trào lưu của thời đại hôm nay người ta nói càng lúc càng nặng về chủ nghĩa cá nhân, về sự tự do cá nhân, về chủ kiến cá nhân, và cá nhân càng lúc càng được đề cao, cá nhân càng lúc càng được cổ võ tuyên dương, thì chúng ta lại đánh mất đi rất nhiều thứ hết sức quan trọng, một trong những điểm quan trọng đó là cái khả năng mà Ngài Ajahn Chah Ngài thường gọi là "surrender" tức là vong thân. Khi nghe tới chữ vong thân ai cũng sợ, mình sợ đánh mất chính mình, mình sợ mình không còn là mình nữa, mình sợ rằng qua một thời kỳ nào đó thì mình sẽ thay đổi đi. Nhưng nếu cuộc sống tu tập mà mình vẫn giữ lấy cái gọi là mình, và mình không thể chuyển hoá mình được và vẫn khư khư thủ đắc cái mình đã có, không thể thay đổi được, thì có giá trị gì một đời sống giáo dục như vậy.

Tại sao chúng ta cần đến sự huấn luyện, thế giới này thường rơi vào hai cực đoan: 
- Một cực đoan là, con người rất dễ bị tha hoá, chúng ta buông mình theo dòng nước mặc giòng cuồng lưu đưa đến đâu thì chúng ta hay đến đó. 
- Một cực đoan khác là, chúng ta ôm khư khư lấy tư kiến của mình một thứ tư kiến rất hạn hẹp, và chính mình trở thành nạn nhân cho mình.

Và như vậy, một người thiện trí sống khôn ngoan là phải làm hai quyết định quan trọng. 
- Quyết định thứ nhất là, tự mình phải có ý thức rằng cái gì là cái mình muốn làm, cái gì là cái mình muốn học, cái gì là cái mình muốn tu. 
- Nhưng sau cái muốn đó, sau khi đã suy xét rất cẩn thận, sau khi đã xác nhận được những gì thật sự cần thiết cho đời sống của mình thì mình phải chấp nhận một sự thụ huấn mà qua đó chúng ta đặt hết cuộc sống của mình ở dưới uống nắn của vị Thầy. 

Thế giới hôm nay sợ dĩ không được đào tạo được những tâm hồn vĩ đại về tinh thần như ngày xưa là bởi vì ngày hôm nay chúng ta thiếu những con người như vậy. Trong lịch sử của đạo Phật thì có một vài tông phái ở trong đó có Mật Tông của Tây Tạng mà thường người Trung Hoa gọi là Lạt Ma Giáo, ở trong truyền thống của Mật Tông có một hình thức giáo dục  họ không quy y Tam Bảo mà họ quy y Tứ Bảo tức là quy y cả với vị Thầy của mình, và họ quan niệm rằng vị Thầy là vị rất quan trọng. Thì  đó là cách nói của Mật Tông Tây Tạng. 

Nhưng không riêng gì Mật Tông mà ở tất cả các truyền thống của đạo Phật đều nói đến một chuyện, đó là người học trò nếu chọn được một vị Thầy và vị Thầy đó là một vị bậc trí thức có thể khai tâm cho mình thì hãy làm như là lời Đức Phật dạy nơi đây:

 "Đây không phải là một thái độ sùng bái, đây không phải là một thái độ cuồng tín, đây không phải là tinh thần tẩy não, cái công việc tẩy não mà chúng ta thường nghe, mà công việc ở đây là một thái độ hiểu biết một thiện trí và cái thiện trí đó đòi hỏi chúng ta phải sống ngoài ngã chấp của mình."

Phải nói rằng, lòng người ngày hôm nay phần đông chúng ta chỉ thích sự vuốt ve, chúng ta chỉ thích những lời ngon ngọt, chúng ta chỉ thích người khác nói rằng mình tốt mình giỏi, nhưng ít khi chúng ta chịu ngồi nghe và nghe một cách chân thành. Có những lời dạy hết sức quan trọng cho mình. Nói một cách rõ ràng thì cuộc tu là một hành trình mà qua đó chúng ta phải trực diện rất nhiều với những thói hư tật xấu của bản thân mình, và những thói hư tật xấu đó được che đậy bởi rất nhiều thứ, nào là tuổi tác, nào là địa vị, nào là lợi khẩu, nào là những lý luận, và nào là những người thân của mình, có bao nhiêu sự che đậy để rồi chúng ta không làm gì được đối với nó hết, để rồi chúng ta hoàn toàn bất lực trước những cái gúc mắc phiền lụy, trước những lầm lỗi mà do chính tự thân mình tạo nên. 

Nếu có cơ may nào đó giúp cho chúng ta vượt thoát những điều này thì đó là cần đến hình ảnh khách quan ở bên ngoài, đó là bậc thiện trí. Bậc thiện trí là bậc có thể thấy điều gì lợi và bất lợi cho chúng ta và người đó đã chỉ cho chúng ta hoàn toàn bằng thiện trí bằng lòng từ và bằng ý nghĩ lợi ích cho chúng ta, chứ không phải là vì muốn chỉ lỗi trỉ trích chúng ta hay hoặc giả là muốn chứng tỏ sự cao qúy của vị đó hay là với hậu ý gì khác.

Cuộc sống của chúng ta trong thời đại này là cuộc sống càng lúc càng nặng về cá nhân chủ nghĩa, chủ nghĩa cá nhân đó, sự sùng bái cá nhân nó cho con người độc lập hơn, nó khiến cho chúng ta bớt rụt rè run sợ, nhưng ngược lại nó lại có một điểm rất tệ hại, ngay cả những đứa trẻ còn nhỏ nó cũng rất là khó dạy đừng nói chi là người lớn, và hầu hết những người lớn chúng ta trong thời đại này, chỉ đến với đạo khi đạo đó làm hài lòng mình, đạo đó làm cho mình bằng lòng vừa ý, đến chùa thì chùa đó phải cung cấp cái gì mình thích, ở trong chùa phải có tiện nghi, ở trong chùa phải được tiếp đón nồng hậu, mình cúng một số tiền nào đó người ta phải ca ngợi công đức của mình, và đến một vị Thầy nào đó thì vị Thầy đó phải có những lời nói làm cho mình vừa tai, làm cho mình đẹp ý, làm cho mình cảm thấy rằng mình quan trọng, và chúng ta đánh mất hoàn toàn cái lợi lạc của chánh pháp, chúng ta quên rằng mỗi chúng ta đều có một hành trình và trên cuộc hành trình tâm linh đó mình phải tự mình đối diện rất nhiều với những phiền não, với những nội kết, với những  phiền lụy ở trong lòng mình, và chỉ có những bậc trí có thể chỉ cho chúng ta những thứ đó để chúng ta vượt qua thì mới có hi vọng, nếu không thì chúng ta tưởng tượng rằng tất cả những phiền não sẽ được đem giữ vào trong một cái tủ và cái tủ đó sơn son thếp vàng ở bên ngoài, chúng ta hoàn toàn không có cơ may để mặt đối mặt với những phiền não nội tại, thì đó là một điều không may trong đời sống của mình.

Do vậy, một người đi xuất gia là vị này cố gắng tìm một định hướng, cái nào cần làm, nên làm cho đời sống. Cũng có nhiều trường hợp Đức Phật Ngài cho chúng ta thấy, chúng ta phải có định hướng rõ ràng, biết chỗ nào là chỗ để tập trung đúng, để hướng tâm và để hướng năng lực của mình.

No comments:

Post a Comment