Friday, August 30, 2013

31-8-2013 - Suy Niệm Trong Ngày


Phật Học Vấn Đạo - Những ảnh hưởng nào về mặt nội tâm đáng chú ý khi nói về pháp bố thí ?

Hỏi: Những ảnh hưởng nào về mặt nội tâm đáng chú ý khi nói về pháp bố thí ?
(Câu hỏi được hỏi trong lớp Diệu Pháp ,Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng giảng : Khi chúng ta nói đến những ảnh hưởng nào về mặt nội tâm đáng chú ý khi nói về pháp bố thí, thì đây quả thực là điều này điều đáng chú ý và đáng chú ý hơn là quả phước của sự bố thí mang lại.

Theo trong kinh Phật thì đời sống của chúng ta sở dĩ rất khó để thăng hoa, rất khó để chuyển hóa, rất khó để thay đổi là tại vì chúng ta cứ bám lấy khư khư cái gì mình đã có và những thứ đó chúng ta gọi là của mình, thí dụ như là kiến thức của mình, thí dụ như là quan niệm của mình và thí dụ như tài sản, cái gì cũng của mình hết. Nên chi dấu hiệu con người có thể thay đổi được là dấu hiệu con người bắt đầu có thể bỏ ra cái gì mà mình nên bỏ.

Và như là một đứa trẻ hồi nhỏ, nhất là những đứa trẻ nhà nghèo có đựơc một vài món đồ chơi và cứ giữ chặt lấy đồ chơi đó cho đến tuổi trưởng thành thì dần dà mới thấy rằng có những giá trị khác lớn hơn những món đồ chơi, và tâm tư của mình bắt đầu rời xa những món đồ chơi này. Ngài Kasapa Ngài ví dụ chuyện đó như là một sự trưởng thành trong sự tu tập và sự trưởng thành của mình trong sự tu đó nó bắt đầu từ thái độ là mình biết mở rộng bàn tay .

Chữ bố thí trong nhân gian thường sài mà chúng ta thường thấy là chữ bố thí mang tính cách là cho người ăn mày, cho người ăn xin, cho những ngừơi cùng khổ. Nếu trong một vài trừơng hợp quí Phật tử thấy rắng nếu bạn bè chúng ta mà họ xin chúng ta một cái gì đó, thí dụ như họ nói rằng họ muốn có một bữa cơm để ăn trưa nay, đến nhà chúng ta ăn cơm trưa được không, nếu chúng ta nói đến đi chúng tôi sẽ bố thí cho một bữa cơm, thì chữ bố thí đó nghe rất là nặng trong tiếng Việt của chúng ta.

Nhưng chữ bố thí ở trong kinh Phật và nguyên nguyên ngày xưa thì chữ bố thí đó bao hàm rất nhiều nghĩa, có nghĩa là cho, có nghĩa là tặng, có nghĩa là cống hiến, có nghĩa là cúng duờng. Ví dụ như đúng theo từ ngữ thì việc chúng ta dâng cúng hương đăng hoa quả lên bàn Phật cũng là một sự bố thí , cúng dường một bữa trai Tăng cũng là bố thí. Tại vì đã lâu đời rồi nên người ta nghĩ đến bố thí là làm chuyện phước thiện, và làm chuyện phước thiện thì chuẩn bần chuẩn thí cho người nghèo và vì vậy những người thọ thí là những người thấp kém.

Không phải như vậy, mà chữ bố thí đúng ra trong đạo Phật thì kể cả khi chúng ta cúng dường phụng dưỡng cho cha mẹ thì cũng là hành động nó nằm trong ý nghĩa của chữ bố thí trong kinh Phật, thì dầu cho cúng dường cho cha mẹ, cho tam bảo hay là cho bạn bè bất cứ điều gì hoặc giả chúng ta nói pháp cho nhau nghe cũng gọi là pháp thí. Chúng tôi nhớ ở chùa lâu lâu Hoà Thượng có nói rằng: "Có một nhóm Phật tử đến, Thầy Trụ Trì thí cho một thời pháp", thì có một Phật tử nói với chúng tôi rằng sao Hoà Thựơng nói nặng lời như vậy, sao Hoà Thượng không nói thuyết cho một bài pháp mà Hoà Thượng nói thí cho một bài pháp, thì chúng tôi nói là quả thật Hoà Thượng sống trong thế hệ trước do vậy đối với Hoà Thựơng chữ thí đó nó rất là gần, thí dụ như pháp thí, tài thí không có nghĩa gì nặng hết, nhưng trong mạch văn tiếng Việt hôm nay chúng ta nói là thí cho một bài pháp hay thí cho cái gì đó thì nghe hơi nặng một chút.

Bên cạnh đó lại có ý nghĩa khác là chữ dứt bỏ Càga thường dịch là Xả Tài. Xả Tài tức là chúng ta đem những gì của mình, tài sản của mình cho ngừơi khác gọi là xả tài, chữ tài ở đây là tài sản, chữ tài ở đây không phải là tiền thôi, và thường dịch là dứt bỏ, chữ dứt bỏ thì lại không có hay. Tại vì chữ bỏ có nghĩa là chúng ta quăng bỏ đi, dứt bỏ thí dụ như đôi giày rách chúng ta không sài chúng ta quăng thì gọi là dứt bỏ. Nhưng chữ Càga ở đây là Xả Tài là cái gì của mình mặc dầu rất là khó khăn để đem chia sẻ cho người khác mà mình vẫn có thể chia xẻ đựơc thì đaọ Phật gọi đó là Càga là Xả Tài. Thì pháp bố thí là một pháp giúp cho ta chuyển hoá tâm tư của mình, như khi chúng ta trưởng thành thì chúng ta bắt đầu biết rằng, nghĩ rằng cuộc sống có người hợp với mình , "Cuộc sống Ðông có mày, Tây có tao", chứ không phải chỉ có mình chúng ta sống trong cuộc đời, là chúng ta bắt đầu biết chia sẻ và hơn thế nữa chính vì khả năng có thể chia sẻ được, có thể ban bố được nên chúng ta mới có khả năng từ bỏ những ác pháp khác, nếu chúng ta không có khả năng bỏ các thứ nhỏ như là 5, 10 đồng thì đối với những tham sân si, đối với một cảm giác nào đó chúng ta rất là khó để từ bỏ.

Phải nói rằng cuộc hành trình của Ðức Phật cho dù ở trong một kiếp thôi như là kiếp chót khi Ngài thành Phật từ cương vị một Thái Tử đi xuất gia trở thành Samôn thì chúng ta thấy rằng trong suốt tiến trình đó là một tiến trình của xả ly của xả kỷ, từ việc rời bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp, con thơ cho đến từ chối để làm giáo chủ ở trong hội chúng của hội chúng Kalama hay là Uddaka , rồi cho đến về sau này khi Ngài tu khổ hạnh hoặc giả từ bỏ con đường khổ hạnh anh em kiều Trần Như bỏ Ngài ra đi v. v… thì đối với một người tu tập khả năng khả dĩ có thể xả ly quan trọng hơn là khả năng để thâu luợm.

Chúng ta thường nghĩ rằng trong đời người được nể mặt, gọi là đáng đựơc tán thán, đáng ca ngợi là những người có khả năng kinh ban tế thế, nước lã mà khuấy nên hồ có thể một tay gầy sự nghiệp, một tay có thể thủ đắc được sự nghiệp làm giàu với tiền muôn bạc vạn như ông Bill Gates có trở thành người giàu nhất đáng tán thán. Nhưng văn hoá trong Ðạo Phật, chính cả lời dạy của Ðức Phật thì Ngài dạy rằng; tâm thâu lượm thì hầu như là bản năng của mình, kể cả một đứa bé 10 tuổi cũng biết thủ đắc,có thể nó khéo hay không khéo, nó làm được nhiều hay ít, nhưng tâm gọi là cố chấp hay là chấp thủ vào tài sản của mình thì một đứa nhỏ cũng có thể có được, nhưng tâm xả ly thì đòi hỏi một trình độ tinh thần rất cao, và chính ở đây chúng ta nói là ảnh hưởng của bố thí. Vì vậy đối với Ðạo Phật thì những thiện pháp dẫn đầu bao giờ cũng là pháp bố thí, thí dụ như 10 pháp BaLaMật thì bố thí Balamật đứng đầu, hoặc giả thập hạnh phúc thì bố thí là đứng đầu hoặc giả 3 pháp của người cư sĩ thì pháp bố thí đứng đầu, thất thánh tài thì bố thí đứng đầu v.v…

Thì tại sao điều đó lại quan trọng như vậy? Bởi vì nó cho phép chúng ta hướng về một chân trời mới mà chân trời đó chúng ta phải sống ngược lại với bản năng vốn là một phần hết sức cột rễ của mình là sự thủ chấp làm thế nào để chúng ta có thêm mà chúng ta không chịu buông ra , không chịu xan sẻ. Nên ảnh hưởng của bố thí rất quan trọng.

Trong túc sanh chuyện kể về tiền thân Ðức Phật cho chúng ta thấy rằng đối với tự thân Ngài mà Ngài đổi lấy sự phục vụ tha nhân, thì phép bố thí mang tác dụng giống nhau, nghĩa là mình cho cuộc đời được bao nhiêu thì chính sự tu tập của mình lớn bấy nhiêu, tại vì đó là sự xả kỷ của mình, "Đừơng tu bố thí đứng đầu, vị tha là tánh vô cầu là tâm", vị tha là tánh nghĩa là tánh bố thí đó là vì người khác , nhưng sự vô cầu tức là sự xả kỷ chính là tâm của mình. Về cảm nghĩ nội tâm thì phải nói rằng rất lớn và chúng ta có thể nói không sợ sai lầm rằng một ngừơi Phật tử làm công đức bố thí dù bất cứ trong trường hợp nào thì ảnh hưởng nội tâm quan trọng và thậm chí quan trọng hơn là kết quả của hạnh bố thí mà mang lại phước vật đời sau này.

Mỗi Ngày Trầm Tư Sinh Tử

Một kinh nghiệm bản thân trong đời sống của chúng tôi và chuyện này chúng tôi thường tâm niệm. Đó là mình thường bận tâm tới những người ghét mình hơn là quan tâm đến người tử tế với mình. Người nào tử tế với mình mà mình hay quên họ là tại vì họ không làm phiền mình nhưng người nào chửi bới mình hay là họ làm phiền mình thì mình thường nghĩ đến họ là tại vì mình bực bội. Nhưng nếu mình nghĩ trở lại thì chuyện đó không phải là khôn ngoan. Nếu mình có thì giờ thì hãy săn sóc hãy quan tâm cho những người tử tế với mình hơn là dành thì giờ nghĩ tới những người họ không tốt với mình, tại vì họ không tốt với mình tại sao mình phải suy nghĩ làm gì cho mệt. Nhưng thay vì thì giờ mình bận tâm với những người họ đối xử xấu với mình thì hãy quan tâm tới những người tốt với mình tại như vậy nó công bằng hơn. Nếu mình tử tế với một người nào đó mà họ quay mặt đi hay là họ vô tình không nghĩ tới mình không phải là tại vì họ xấu mà có khi là họ quá bận rộn với những người xấu với họ. Thành ra trong đời sống chúng ta phải tâm niệm rằng "giận người thì khổ cho mình" đừng oan kết để làm gì. Cố gắng làm sao đi vào giấc ngủ mình nguyện cho tất cả chúng sanh được an lạc, mình đi vào giấc ngủ cố gắng rủ bỏ hết mọi oan trái, tại vì lỡ trong giấc ngủ mà mình có chết đi thì mình cũng được nhẹ nhàng, trong giấc ngủ mà mình nhai đi nhai lại cái phiền não ở trong đêm trường thì thật sự không có lợi lạc gì cho mình hết.

TT. Giác Đẳng - Tâm, trọng điểm của sự tu tập - Minh Hạnh chuyển biên

Chuyện Xưa Tích Cũ - Con ngỗng có mồng trắng

CON NGỖNG CÓ MỒNG TRẮNG
Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Anh nọ dạo chơi ngoài vườn gặp một cái hang rắn. Mấy ngày đầu, anh thấy lúc rắn cái đang lột da trong hang thì rắn đực canh chừng và kiếm đồ ăn về cho vợ. Đến phiên con rắn đực lột da, rắn cái bỏ đi tình tự với con rắn khác.

Tức mình, anh giương cung bắn rắn cái nọ chết. Chừng mạnh mẽ, rắn đực nhìn được mũi tên nọ bèn đến tận nhà mà báo thù cho vợ.

Rắn ta nằm trên máng xối nghe anh nọ nói chuyện với vợ về sự bạc tình của con rắn cái nọ. Rắn bèn nhả ra một cục ngọc để đền ơn anh rồi bò đi mất. Đó là cục “ngọc nghe.”

Nhờ cục ngọc đó, anh nọ có thể nghe được tiếng nói của loài vật.

Nghe tụi kiến lửa thì thào: -Mai này có nước lụt, phải làm ổ trên đất cao.

Anh nọ bèn bảo vợ mau dọn nhà vì ngày mai có mưa to. Hôm sau đúng như vậy. Vợ anh rất khâm phục.

Bữa khác, anh đi lại nhà anh em bạn chơi. Bạn hết sức mừng rỡ mời lại ăn cơm.

Nhờ cục ngọc nọ anh nghe được mấy con ngỗng trong chuồng nói với nhau: -Mai này mình chết hay tôi chết? Nếu tôi bị cắt cổ làm thịt, mình ráng ở lại nuôi con.

Quá cảm động, anh can gián chủ nhà, biểu dọn cơm dưa muối cũng được.

Vài năm sau, anh nọ chết. Mấy con ngỗng nhớ ơn cứu tử phen nọ nên để tang cho anh. Vì vậy mồng 1 của con ngỗng trổ màu trắng.

Cổ Học Tinh Hoa

YÊU NÊN TỐT GHÉT NÊN XẤU

Trước, vua nước Vệ rất yêu Di Tử Hà. Cái phép nước Vệ, ai đi trộm xe của vua, thì phải tội chặt chân. Mẹ Di Tử Hà đau nặng. Đêm khuya có người đến gọi, Di Tử Hà vội vàng lấy xe vua ra đi. Vua nghe thấy, khen rằng: "Có hiếu thật! Vì hết lòng với mẹ, mà quên cả tội chặt chân."

Lại một hôm, Di Tử Hà, theo vua đi chơi ở ngoài vườn, đang ăn quả đào thấy ngọt còn một nửa, đưa cho Vua ăn. Vua nói: "Yêu ta thật! Của đang ngon miệng mà biết để nhường ta."

Về sau, vua không có lòng yêu Di Tử Hà như trước nữa. Một hôm phạm lỗi, vua giận nói rằng: "Di Tử Hà trước dám thiện tiện lấy xe của ta đi. Lại một bận dám cho ta ăn quả đào thừa. Thực mang tội với ta đã lâu ngày."

Nói xong bắt đem trị tội.

Ôi! Di Tử Hà ăn ở với vua trước sau cũng như vậy, thế mà trước vua khen, sau vua bắt tội, là chỗ tại khi yêu khi ghét khác nhau mà thôi. Lúc được vua yêu, chính đáng tội thì lại hóa công thần; lúc phải vua ghét, chính không đáng tội thì lại hóa ra sơ cho nên người muốn can ngăn, đàm luận với vua điều gì, thì trước phải xem xét cái lòng vua yêu hay vua ghét tính thế nào rồi hãy nói.

Hàn Phi Tử

GIẢI NGHĨA

Di Tử Hà: Người thời Xuân Thu, làm quan đại phu nước Vệ.

Chặt chân: Một thứ hình trong năm hạng trọng hình đời cổ.

Thiện tiện: Chính mình không được làm như vậy mà cứ làm liều.

Trị tội: Đem luật hình ra mà trừng trị kẻ phạm phép.

Thân: Gần, đằm thắm, quý hóa.

Sơ: Xa, hững hờ, ghét bỏ.

Đàm luận: Nói năng, bàn bạc

LỜI BÀN

Sự yêu, ghét thường làm cho người ta mờ đi không rõ hẳn được cái giá trị của người được yêu hay bị ghét ra thế nào. Không nói gì yêu người này, ghét người nọ, cũng chỉ là một người ấy, lúc yêu cho ra thế này, lúc ghét cho ra thế kia. Cái thói thường: yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu, khen chanh thì chanh ngọt, chê hồng thì hồng chua. Trong bụng đã thế, thì cư xử chắc cũng theo như thế, lúc yêu hậu bao nhiêu, thì đến lúc ghét lại bạc bấy nhiêu, yêu nhau cau sáu bổ ba, ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười. Lại chẳng những yêu ghét riêng một người ấy, thường yêu ghét đến cả những sự hay những người có can thiệp đến người ấy, yêu nhau yêu cả tông chi, ghét nhau ghét cả đường đi lối về. Sự yêu, ghét làm cho ta thiên và nhẩm như thế, cho nên ta muốn cho công bình, khi yêu khi ghét phải nên rõ cái giá trị của người được yêu hay bị ghét, biết chỗ phải cũng phải biết chỗ trái, biết chỗ trái cũng phải biết chỗ phải cho người ta mới được.

Những câu chuyện ngụ ngôn hay

Khỉ và cáo

Một bữa muông thú bầu khỉ lên làm đầu đàn. Cáo tìm đến khỉ và thưa:

- Bây giờ ông là lãnh tụ của chúng tôi, tôi muốn giúp đỡ ông: tôi tìm ra một kho của trong rừng; đi theo tôi, tôi sẽ chỉ cho ông thấy.

Khỉ ta mừng rỡ đi theo cáo. Cáo đưa khỉ tới một cái bẫy và bảo:

- Đây, ở đây, ông tự lấy, còn tôi không muốn động đến trước ông

Khỉ cho tay vào, thế là bị sập bẫy. Bấy giờ cáo chạy đi gọi tất cả muông thú đến và chỉ con khỉ cho tất cả mọi loài thấy:

- Các bạn nhìn xem, - cáo nói, - các bạn đã bầu một kẻ như thế nào lên làm đầu đàn? Các bạn thấy không, đầu óc hắn ta có gì đâu, hắn bị sập bẫy rồi.

Chuyện cười trong ngày

Một ý kiến

Đêm công diễn đầu tiên, tác giả vở kịch gửi giấy mời đặc biệt đến một nhà phê bình sân khấu danh tiếng. Lúc màn hạ, thấy nhà phê bình ngủ tít mít, kịch gia giận dỗi:

- Tôi thì tha thiết mong chờ nhận xét của ông, vậy mà ông lại đến đây chỉ để ngủ!

- Vị khách mời bình thản đáp: Ngủ cũng là một ý kiến đấy!

Thursday, August 29, 2013

29-8-2013 Suy Niệm Trong Ngày


Phật Học Vấn Đạo - Tâm pháp và sắc pháp đều được xem “giả hợp”. Hiểu như thế nào gọi là chính xác theo Phật học?

Hỏi: Tâm pháp và sắc pháp đều được xem “giả hợp”. Hiểu như thế nào gọi là chính xác theo Phật học? 

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, ngày 23-7-2013, Thiên Ân chuyển biên, Minh Hạnh hiệu đính.)

TT Pháp Tân: Trong Phật Pháp, đặc biệt là trong A Tỳ Đàm, danh pháp và sắc pháp đều là giả hợp bởi vì như trong kinh chúng ta được biết Đức Phật Ngài nói rằng các pháp đều là do duyên và do duyên giả hợp tạo thành. 

Ví dụ mình nói rằng sắc pháp do nghiệp sanh, do thời tiết sanh, do tâm sanh, do vật thực sanh. Khi mình nói tâm pháp của mình đều do nhiều nguyên nhân sanh ra chứ không đơn thuần thì danh pháp đều là giả hợp vì có đủ duyên. 

Ví dụ tâm nương vào mắt biết được cảnh sắc, do có cảnh sắc, do có tâm nương vào mắt thì ba pháp đó hợp lại, ngoài ra còn cần ánh sáng, rồi mới tạo được sự thấy của một người nhìn thấy được cảnh vật. Như vậy nó có ba nhân chính rồi có sự tác ý trong đó. Tâm của mình tác ý mình mới thấy được. 

Tương tự như vậy, nghe cũng vậy, nghe không phải tự nhiên mà mình nghe, cũng phải có âm thanh phát ra, cũng phải có lỗ tai, nhĩ vật của chúng ta, rồi cũng phải có tâm nương vào lỗ tai, rồi có khoảng không gian từ âm thanh phát ra cho đến lỗ tai, hoặc có sự chú ý mình mới có thể nghe được. Như vậy các pháp đều do duyên. Trong Phật Pháp, đặc biệt là trong kinh, chúng ta được tìm hiểu những điều này từ trong Luận Tạng, từ trong A Tỳ Đàm thì chúng ta biết được rằng các pháp đều do giả hợp, bao gồm danh pháp và sắc pháp.

 Đối với người tu Phật, thường chúng ta bị ngã chấp vào sắc uẩn là tôi, tôi là sắc uẩn, sắc uẩn có trong tôi, tôi có trong sắc uẩn, thọ uẩn có trong tôi, tưởng uẩn có trong tôi, tôi có trong thọ uẩn v…v. Do ngã chấp đó sanh lên trong tâm mình, cho nên từ đó mình mới có ngã chấp liên quan đến ngã chấp thủ, mà chúng ta biết rằng, ái cực mạnh tạo ra thủ, đó có thể là dục thủ, kiến thủ, ngã chấp thủ, hoặc giới cấm thủ. Như vậy ở đây, ngã chấp thủ sanh bắt nguồn từ ái mà ra. 

Trong Thập Nhị Nhân Duyên, Đức Phật dạy rằng ái duyên cho thủ, ái phát triển mạnh, tăng trưởng mạnh thì thủ sẽ sanh và do vậy trong Phật Pháp để hiểu vấn đề nhìn về danh pháp và sắc pháp này cho chúng ta thấy rằng “giả hợp” vì chúng ta nhìn mọi vật cả danh pháp và sắc pháp đều do duyên, do duyên thì hình thành, do duyên thì tan rã, do duyên thì hợp lại, do duyên thì mất đi, tất cả đều do nhân duyên và các điều kiện để phụ trợ, để hợp thành chứ không bao giờ có gì trường tồn, bền vững hoặc độc lập duy nhất được mà đều do các duyên trợ thành, hợp thành mới thành được. 

Ví dụ, thân của chúng ta là thân tứ đại thì trong đó có đất, nước, lửa, gió.
- Cái gì cứng hoặc mềm thì chúng ta hiểu là đất. Xương, thịt là đất. 
- Cái gì di chuyển căng phồng, đó là gió, là hơi thở lên xuống ra vào của chúng ta hoặc các mao mạch của chúng ta lên xuống tạo hơi thở lên xuống, thì đó là gió. 
- Hơi nóng, hơi ấm trong cơ thể chúng ta gọi là lửa. 
- Cái gì mang tính chất đượm ướt? Trong cơ thể của chúng ta như máu, chất nước trong cơ thể chúng ta được xem là nước. 

Nhưng không phải chỉ có đất, nước, lửa, gió không mà còn những sắc phụ thuộc khác, mà chúng ta biết người nam thì có sắc nam tính, người nữ thì có sắc nữ tính. Trong mỗi tế bào của chúng ta có sắc giao giới giữa tế bào này và tế bào khác, nó có khoảng trống, và khoảng trống đó được gọi là sắc giao giới. Tương tự như vậy còn có sắc thần kinh, thần kinh nhãn, thần kinh nhĩ, thần kinh tỷ, thần kinh thiệt, thần kinh thân v…v, như vậy nó  không bao có gì độc lập duy nhất của nó mà chúng ta gọi là tôi, hay ta, hay tự ngã trong đó. 

Do vậy, nhìn theo Phật Pháp thì sắc pháp của chúng ta đều là “giả hợp” để chúng ta bỏ bớt ngã chấp, bỏ bớt ái tham đối với thân của mình, đối với tự ngã của chính mình, rồi chúng ta nhìn vào danh pháp tức danh pháp của chúng ta sinh diệt một cách liên tục và tâm chỉ biết cảnh, còn các tâm sở phụ thuộc vào đó để sanh chung và đồng sanh vào trong đó để biết được cảnh đó thì nó không bao giờ độc lập một mình mà nó đều do nhân duyên, do điều kiện để tạo thành, cho nên hình thành nên sự thấy, hình thành nên sự nghe, hình thành nên sự ngửi, sự nếm, sự đụng hoặc sự suy tư đều do các pháp lập thành, đủ duyên thì các pháp hợp thành, tạo thành sự thấy, sự nghe, sự ngửi, sự nếm, sự đụng, và khi không có duyên thì các pháp tan rã và nó không có sự hợp thành đầy đủ thì nó cũng không hình thành nên sự thấy, sự nghe, sự ngửi, sự nếm, sự đụng.

Chúng ta học Phật Pháp là để hiểu các pháp, danh pháp và sắc pháp đều là “giả hợp”. Pháp đó gọi là pháp hữu vi, mà pháp hữu vi có điều kiện để tạo thành, có nhân duyên để tạo thành và cũng do nhân duyên mà đi đến sự tan rã, nên chúng ta hiểu như vậy để chúng ta bỏ bớt ngã chấp, bớt ái tham tự thân hay liên quan đến ngã chấp thủ, liên quan đến dục thủ, ái tham trong các cảnh trần, trần cảnh như sắc, thinh, khí, vị, xúc v…v. 

Mỗi Ngày Trầm Tư Sinh Tử


Một điểm rất thường thấy trong kinh điển mà chúng ta ít có để ý, chúng ta thường rất thích nghĩ về sự luân hồi, sự luân hồi làm cho chúng ta nghĩ kiếp sau mình sẽ tốt hơn hay là nghe các vị Lama Tây Tạng có khả năng nguyện tái sanh vào chỗ nào rồi đời sau làm một vị hậu thân thì nghe cũng huyền hoặc cũng thú vị, và chúng ta nghĩ đời sau mình sanh vào chỗ này chỗ kia. Nhưng căn bản mà nói thì bước đi luân hồi là một sự trôi dạt, bước đi đó không phải là một chuyện đơn giản. Chúng tôi lấy ví dụ như là chúng tôi làm một cuộc hành trình từ đây sang Á Châu thì thật ra chúng tôi còn biết được chuyến bay đó đến có khi trễ có khi sớm, sớm và trễ thì làm cái gì, nếu mình đến đó lỡ có động đất hay có chiến tranh thì đại khái dự trù mình làm gì, điều đó cũng tương đối, nhưng mà một chuyến đi dài nó có hàng trăm ngàn lý do để sơ xảy, tuy vậy nó vẫn còn quá ít so với sự trôi dạt của luân hồi, sự trôi dạt của luân hồi là ở trong giờ phút lâm chung không phải dễ dàng để chúng ta tự chủ mà mình biết được là mình sẽ rời bỏ cuộc đời này bằng cái tâm nhẹ nhàng hay nặng nề, bằng cái tâm hoan hỉ hay sầu muộn, cảnh giới tái sanh của chúng ta cũng chưa biết đó là cảnh an lạc hay không an lạc, và những giá trị mà chúng ta có trong đời sống hiện tại này cũng chưa chắc là những giá trị mà chúng ta có trong tương lai, chúng ta sanh ra đời là một hài nhi, sanh ra đời là một chúng sanh ở trong bốn loại noãn thai thấp hóa thì thật ra khi chúng ta chào đời chúng ta không còn biết không còn nhớ gì về quá khứ của mình và chúng ta sẽ bị đưa đẩy theo giòng nghiệp lực. Ít có khi chúng ta hiểu được luân hồi là một sự trôi chảy, nó không phải là một điều như một chuyến đi nghỉ hè hay là đi cắm trại mà chúng ta nghĩ là sắp xếp mang thức ăn như vậy rồi mình lái xe đến chỗ đó rồi mình phải có sinh hoạt như vậy v.v... và chỉ có những người nghĩ và biết được điều đó thì mới sợ sự luân hồi.

TT Giác Đẳng - Không phải chỉ có hai đường - Minh Hạnh chuyển biên

Chuyện Xưa Tích Cũ - Thần linh phò hộ


THẦN LINH PHÒ HỘ

Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Cô gái nọ rất xinh đẹp, năm hai mươi tuổi mà vẫn chưa chồng. Mỗi ngày. cô mua nhang đèn đến miễu để cầu khẩn sao cho gặp một người chồng xứng đáng.

Tên bán nhang để ý, hằng ngày rình nghe sau bàn thờ thần nên biết đúng tâm sự cô nọ. Bữa đó, sau khi cô khấn vái, hắn ta núp dưới bàn thờ mà nói: -Ta là thần đây, số phận của con là ưng tên bán nhang nọ. Mai sau, nó được làm vua, con sẽ được vinh hiển.

Cô gái nọ nài nỉ: -Con không thể nào ưng anh bán nhang được. Anh thô tục quá.

Có tiếng trả lời: -Nếu con không ưng, con bị móc mắt tức thời.

Vì quá sợ thần linh, cô nọ đến tìm anh bán nhang. Anh bán nhang làm bộ tỉnh táo, ban đầu từ chối, sau mới bảo cô nọ vào ngồi trong cái giỏ đựng nhang để anh quảy về nhà.

Dọc đường, gặp ông vua đi săn cọp. Tên bán nhang hoảng sợ, bỏ cái giỏ nọ mà chạy trốn. Vua nghe tiếng la hoảng hốt trong giỏ bèn ngừng kiệu lại. Biết đầu đuôi tự sự, vua thương tình đem nàng nọ về phong làm hoàng hậu. Thay vào đó, vua đem một con cọp vừa săn được bỏ trong giỏ y như cũ.

Chập sau tên bán nhang trở lại quảy giỏ về nhà. Hắn bảo mẹ đi chợ mua gà vịt về để làm lễ cưới cho hắn. Rồi hắn mở giỏ ra tìm cô gái.

Cọp trong giỏ nhảy ra giết chết hắn tức thì.

Cổ Học Tinh Hoa

VỢ RĂN CHỒNG

Án Tử làm tướng nước Tề, một hôm đi việc quan, có tên đánh xe theo hầu.

Vợ tên đánh xe dòm qua khe cửa, thấy chồng tay cầm cái dù, tay cầm cương, mặt vác lên trời, dương dương tự đắc.

Lúc chồng về nhà, nàng xin bỏ nhà ra đi. Chồng hỏi: Tại làm sao? Nàng nói:

“Án Tử, người thấp bé nhỏ làm đến Tướng nước Tề, danh tiếng lừng lẫy khắp thiên hạ, thế mà thiếp thấy ông ấy vẫn có ý trầm trọng, khiêm nhường, như chửa bằng ai. Chớ như chàng, cao lớn đẫy đà chỉ mới làm được một tên đánh xe tầm thường hèn hạ thế mà thiếp xem chàng đã ra dáng lấy làm vinh hạnh, tưởng không ai bằng nữa, nên thiếp xin bỏ chàng, thiếp đi”.

Từ hôm ấy, tến đánh xe bỏ được cái bộ vênh váo, chữa được cái tính nông nổi. Án Tử thấy thế làm lạ, hỏi. Tên đánh xe đem việc nhà kể lại. Án Tử bèn cất cho làm đại phu.

Án Tử Xuân Thu
LỜI BÀN

Tên đánh xe của Án Tử thực là sang vì vợ, nhờ được người vợ giỏi, biết lấy cái địa vị hèn hạ, cái dáng bộ ngông nghênh của chồng làm xấu hổ, mà sửa được cái tâm tính tâm tính chồng và thành được thân danh cho chồng. Tiếc thay ở đời bây giờ, có biết bao nhiêu kẻ chỉ làm môn hạ người ta, đã bênh váo lên mặt, ngênh ngang tự đắc như tên đánh xe, mà lại không có được những người vợ,như vợ tên đánh xe để khuyên răn lấy chồng, làm cho chồng biết tự sỉ mà phấn chí tu tỉnh cho ra người.

Những câu chuyện ngụ ngôn hay

Chó sói và dê
Chó sói nhìn thấy dê ăn cỏ trên núi đá và nó không thể lần đến chỗ ấy được, nó bèn bảo dê:

- Giá cô xuống này có phải hơn không? ở đây đất bằng phẳng hơn, cỏ cho cô ăn cũng ngon ngọt hơn nhiều!

Nhưng dê trả lời ngay:

- Sói ơi! Anh gọi tôi xuống đâu có phải vì thế, anh nào có nghĩ về cái ăn của tôi, mà anh lo cho cái ăn cho chính mình đấy chứ

Chuyện cười trong ngày

Khôn ngoan

Một nhà doanh nghiệp sắp từ giã cõi trần dặn dò con:

- Con của ta, cha thành đạt được là nhờ hai phương châm: trung tín và khôn ngoan. Trung tín là nếu con đã hứa giao thứ gì cho ai thì bất kể trường hợp nào, dù phải phá sản đi nữa, con cũng cứ giao.

- Con xin ghi nhớ điều đó, thưa cha. Còn khôn ngoan là thế nào ạ?

- Khôn ngoan thì đơn giản thôi. Đừng hứa bất cứ điều gì hết.

Wednesday, August 28, 2013

28-8-2013 Suy Niệm Trong Ngày


Phật Học Vấn Đạo - Tại sao trầm luân sinh tử là bức tranh bi thống của hiện hữu?

Hỏi: Tại sao trầm luân sinh tử là bức tranh bi thống của hiện hữu?

(Câu thảo luận trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TTTuệ Siêu: Nếu đã là sự khổ luân hồi thì sự tái diễn tái đi tái lại, sự tái diễn đó dù có màu sắc khác nhưng sự phác họa của thống khổ không khác. Ví dụ như trong đời quá khứ sự hiện hữu của kiếp sống vẫn là ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Và vì ngũ uẩn đó được tạo nên bởi phiền não và nghiệp. Phiền não và nghiệp tạo nên thân ngũ uẩn chịu sự vô thường, khổ sanh già, bệnh, chết. Thế rồi phiền não và nghiệp trong quá khứ tạo nên thân ngũ uẩn hiện tại. Và thân ngũ uẩn hiện tại này cũng nằm trong tình trạng khổ đau già, bệnh, và chết luôn luôn có sự thống khổ, luôn luôn có sự bức xúc, luôn luôn có sự lo sợ. Vì vậy nếu xét ngay trong đời sống hiện tai, sự hiện hữu này, cái sự khổ là như vậy. Một người có trí sẽ nhìn thấy sự sinh tử luân hồi, sự trầm luân ở tương lai nó cũng chỉ là bức tranh bi thống mà thôi chớ không phải hơn kém gì. Cho dù ở kiếp tương lai, ta có thể do phước báo mà sanh về cõi trời hay do thiền định trong hiện tại mà có thể sanh về cõi phạm thiên. Nhưng cho dù cõi nhân lọai, cõi chư thiên hay cõi phạm thiên, một sự hiện hữu ở tương lai cũng không phải là bền vững, cũng không phải là an vui tuyệt đối, không phải là hạnh phúc tuyệt đối. Ngôi nhà ngũ uẩn được tái tạo ở tương lai cũng chính do ái trong hiện tại này, nghiệp trong hiện tại này tạo ra. Tức là anh thợ cất nhà ngay trong kiếp sống này, anh thợ cất nhà ở trong quá khứ ảnh đã tạo ra thân ngũ uẩn hiện hữu hiện tại này với sự thống khổ như thế nào, với sự bi thảm như thế nào thì chính anh chàng thợ cất nhà ngay trong kiếp sống hiện tại này ảnh cũng tạo ra ngôi nhà ngũ uẩn tương lai có sự bi thống như thế đó. 

Bởi vậy khi một người Phật tử, một vị tu tập nhìn trong hiện tại thấy sự thống khổ thì họ nghĩ đến trong tương lai họ thấy rõ sự thống khổ đó và họ nhàm chán, hướng tâm viễn ly và họ quyết định làm sao dẹp bỏ ngũ uẩn. Hay nói cách khác, có bao giờ chúng ta bị chứng bịnh sốt hay không? Hay những chứng bịnh nào khác hay không? Bởi vì có thân này thì chúng ta cố gắng điều trị vượt qua cơn sốt, tuy nhiên một người có trí nghĩ rằng trong suốt cuộc đời này ta sẽ không còn chứng bịnh sốt như vậy nữa. Không bao giờ. Người có trí sẽ nghĩ rằng bây giờ là tạm thời, nhưng những lúc khác cảm nắng, cảm gió chúng ta cũng sẽ lên cơn sốt. Và với viễn cảnh bệnh sẽ phát sanh trong tương lai, người này biết rõ nỗi thống khổ của bệnh như thế nào bởi vì kinh nghiệm bản thân những chứng bệnh này đang hiện hữu. Nhưng kẻ phàm phu của chúng ta thì ít khi nào thấy được như vậy. Chúng ta có đôi lúc khổ đau trong hiện tại thì chúng ta biết rõ và chúng ta tìm cách xoa dịu nỗi khổ đau đó một cách tạm thời. Nhưng rồi chúng ta lại quên lãng sự khổ đau này sẽ tái diễn ở tương lai. Chúng ta không nhìn thấy chỗ đó. Cho nên chính vì vậy mà chúng sanh bị mãi mãi khổ đau trầm luân, sanh tử. Chỉ có người trí mới nhận ra được sự khổ ải triền miên khi còn phải luân hồi sanh tử. 

Như là Thái tử Sĩ Đạt Ta ngài đã suy nghĩ rất nhiều. Và sự suy tư này nó được lập lại thuần thục trong quá khứ nhiều đời, nhiều kiếp, từ khi ngài bị chìm thuyền giữa biển và lội được vào bờ. Ngài cảm thấy hãi hùng sống biển. với sự khổ đau đó ngài mới nhận thức được cái khổ trầm luân trong bể khổ sanh tử và phát nguyện thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Từ ngày đó ngài đã luôn luôn suy tư, luôn luôn kiểm nghiệm về luân hồi sinh tử là một bức tranh bi thống. Và do vậy cho nên ngay trong kiếp hiện tại này, mặc dầu xuất thân dòng hòang tộc, là một vị thái tử và đã được định kế thừa ngai vàng của vua cha nhưng ngài không bao giờ quên được sự thống khổ sẽ đến với ngài và tất cả chúng sanh trong bể khổ trầm luân. Chính vì chỗ đó mà ngài đã bỏ ra đi, một sự ra đi vĩ đại để cuối cùng ngài thành tựu quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác, phá vỡ được ngôi nhà ngũ uẩn trong tương lai, đã tiêu diệt anh chàng thợ cất nhà. Đó là ý nghĩa chúng tôi xin trình bày cho câu  “Tại sao trầm luân sinh tử là bức tranh bi thống của hiện hữu.”

Mỗi Ngày Trầm Tư Sinh Tử

Đời sống viễn ly thật ra là một kinh nghiệm rất quí báu cho sự tu tập của chúng ta. Đời sống viễn ly là chúng ta giảm bớt sự rộn ràng, giảm bớt sự hưởng thụ, giảm bớt những sự lệ thuộc vào hoàn cảnh, lệ thuộc vào môi trường. Con người của chúng ta để biết những phiền não chính mình, biết nhược điểm của chính mình, để biết về mình thật sự là chỉ khi nào mình sống một mình thì mình biết nhiều, còn khi mình sống ở chung quanh có bạn bè có hội chúng rồi xum vầy đông đảo thì chúng ta thường đặt nặng về đời sống gọi là do tiếp xúc thì lúc đó chúng ta ít có biết về bản thân của mình. Nói một cách khác là khi đi vào cuộc đời chúng ta sống với mặt nạ chúng ta không sống với chính mình nhiều, chỉ sống với chính mình nhiều khi nào mình sống một mình ở trong một mình đó thì cái tư duy của chúng ta như thế nào, sống một mình thì chúng ta hiểu được bản lãnh của chúng ta như thế nào, chúng ta sống một mình như vậy thì chúng ta đặt nhu cầu của chúng ta đến mức tối thiểu và chúng ta có thể nhận ra được bản thân của mình thật sự là có những phiền não nào, có những khuyết điểm nào. Nói tóm lại là một ở trong những tinh hoa của giáo pháp đó là khả năng sống viễn ly sống xa rời.

TT Giác Đẳng -  Kinh Thừa Tự Pháp - Minh Hạnh chuyển biên

Chuyện Xưa Tích Cũ -Thằng làm biếng gặp thời


THẰNG LÀM BIẾNG GẶP THỜI

Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Có thằng làm biếng nọ không cửa, không nhà, nằm trên bè tre mà ngủ. Bỗng đâu, có con cá nhảy lên trên bè. Nó bắt con cá nọ, lấy tay gỡ vảy cá. Vì làm biếng, nó đái lên cá nọ cho sạch nhớt thay vì thò tay xuống sông rửa cá. Xong xuôi, nó thảy con cá nọ lên bè mà phơi khô. 

Lúc đó co con quạ bay ngang qua, xớt con cá khô nọ đem về vườn Ngự Uyển. Công chúa thấy cá, bèn sai thị tỳ nướng để nàng ăn thử. Dè đâu, công chúa thọ thai, sanh được đứa con trai ngộ nghĩnh. 

Vua cha tức giận, nhốt công chúa vào ngục, nhưng sau rốt vì quá thương con nên thả công chúa ra và truyền rao lựa chồng cho công chúa. Bao nhiêu thanh niên văn hay võ giỏi tới xin ra mắt nhưng công chúa không ưng ai. Lúc đó, chiếc bè của anh làm biếng nọ trôi rề rề ngang đền vua. Đứa con của công chúa thấy vậy bèn kêu lên: -Bè! … Bè! … Ba! … Ba ơi! 

Vua cha bèn kêu bè ghé lại, hỏi sự tình. Tên làm biếng nọ trở thành phò mã.

Cổ Học Tinh Hoa

KHÉO CAN ĐƯỢC VUA
Vua Cảnh Công nước Tề có con ngựa quý, giao cho một người chăn nuôi. Con ngựa tự nhiên một hôm lăn ra chết. Vua giận lắm, cho là giết ngựa, sai ngay quân cầm dao để phanh thây người nuôi ngựa. Án Tử đang ngồi chầu, thấy thế, ngăn lại, hỏi vua rằng: "Vua Nghiêu vua Thuấn xưa phanh người thì bắt đầu từ đâu trước?" Cảnh Công ngơ ngác nhìn rồi nói: "Thôi hãy buông ra, đem giam xuống ngục để rồi trị tội.
" Án Tử nói: "Tên phạm này chưa biết rõ tội gì mà phải chịu chết, thì vẫn tưởng là oan. Tôi xin vì vua kể rõ tội nó, rồi hãy hạ ngục."
Vua nói: "Phải."
Án Tử bèn kể tội rằng: "Nhà ngươi có ba tội đáng chết. Vua sai nuôi ngựa mà để ngựa chết, là một tội đáng chết. Lại để chết con ngựa rất quý của vua, là hai tội đáng chết. Để vua mang tiếng, vì một con ngựa mà giết một mạng người, làm cho trăm họ nghe thấy ai cũng oán vua, các nước nghe thấy ai cũng khinh vua, ngươi làm chết một con ngựa mà để đến nỗi dân gian đem lòng oán giận, nước ngoài có bụng dòm dỏ, là ba tội đáng chết. Ngươi đã biết chưa? Bây giờ hãy tạm giam ngươi vào ngục..."
Cảnh Công nghe nói ngậm ngùi than rằng: "Thôi, tha cho nó! Thôi, tha cho nó! Kẻo để ta mang tiếng bất nhân."
Án Tử Xuân Thu
GIẢI NGHĨA
Tề: Một nước chư hầu lớn, thời Xuân thu Chiến quốc ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.
Phanh thây: Mổ người, róc xương, lấy thịt.
Vua Nghiêu vua Thuấn xưa ...: Câu nầy hỏi thế là có ý làm cho Cảnh Công không có lối mà trả lời. Đời Nghiêu, Thuấn chưa có tội phanh thây.
Thôi hãy buông ra: Cứ theo như sách án Tử Xuân thu thì là "Tòng quả nhân thủy" (khởi tự ta ra) theo Hàn Thi Ngoại truyện thì lại là Túng chi (buông ra). Đây dịch là buông ra để ăn nghĩa với câu trên.
Trăm họ: Chỉ nhân dân trong nước.
Dòm dỏ: Ngấp nghé xem người ta hở cơ thì làm hại.
LỜI BÀN
Vua Cảnh Công thấy con ngựa yêu của mình chết, mà bắt phanh thây kẻ nuôi ngựa là đang cơn tức giận, không còn biết nghĩa lý, pháp luật là gì nữa. Thế mà Án Tử can ngăn được là vì tuy gọi chiều lòng, kể tội người nuôi ngựa, mà kỳ thực lại gợi đến cái lòng nhân ái của Cảnh Công làm cho Cảnh Công phải tỉnh ngộ và biết hối. Giỏi thay! Mấy lời nói dịu dàng, thảnh thơi mà cảm hóa được quân vương.


Những câu chuyện ngụ ngôn hay

Hai chú gà trống và đại bàng

Hai chú gà trống chọi nhau bên đống phân. Một chú sức lực khoẽ hơn, đánh bại chú kia và đuổi nó đi khỏi đống phân. Cả lũ gà mái ào đến vây quanh gà trống, khen ngợi nó. Gà trống muốn được gà ở sân nhà khác biết về sức lực và vinh quanh của nó. Anh chàng bay lên nóc căn nhà chưá đồ, vỏ cánh và lớn tiếng:
-Tất cả bọn các ngươi hãy trông ta đây, ta đã đánh bại một gà trống khác ! Trên thế gian nầy không một con gà trống nào có sức lực như ta.
Anh chàng chưa kịp hát hết bài, một gã đại bàng đã bay đến đánh gục, quặp vào móng và mang về tổ.

Chuyện cười trong ngày

Bỏ Tu

Cứ 10 năm thì những vị tu sĩ trong tu viện được phép phá bỏ lời nguyện về sự giữ im lặng trong khi tu tập, được phép nói hai chữ. Rồi 10 năm đi qua, một người tu sĩ được có cơ hội đó lần thứ nhất.
Ông ta suy nghĩ trong một giây, nhìn vào mắt của vị tu sĩ trưởng và nói: "Cơm dở"
Rồi 10 năm kế tiếp, đến lượt ông ta được nói lần nữa. Vị tu sĩ đến gặp vị tu sĩ trưởng và nó: "Giường cứng."
Mười năm kế tiếp, đó là một ngày vĩ đại, vị tu sĩ nhìn vị tu sĩ trưởng trừng trừng thật lâu và nói: "Bỏ tu."
"Tốt, tôi không ngạc nhiên", vị tu sĩ trưởng nói. "Bạn đã phàn nàn mãi kể từ khi bạn đến đây"

Tuesday, August 27, 2013

27-8-2013 Suy Niệm Trong Ngày


Phật Học Vấn Đạo - Tâm trong Phật Pháp có những đặc điểm gì khác biệt với quan niệm linh hồn theo thường thức?

Hỏi: Tâm trong Phật Pháp có những đặc điểm gì khác biệt với quan niệm linh hồn theo thường thức?

(câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, ngày 23-7-2013, Thiên Ân chuyển biên, Minh Hạnh hiệu đính)

 TT Tuệ Quyền: Tâm trong Phật Pháp khác với linh hồn theo thường thức. Linh hồn theo thường thức thì trường tồn bất biến, không hề thay đổi, tức linh hồn đó không bao giờ biến đổi, mình sẽ về với Phật, sẽ về với Chúa, sẽ về với thần như thế này thế nọ.

Hiểu như vậy rất sai lầm. Linh hồn không về theo ai, đi theo ai, cũng không hề có linh hồn trường tồn bất biến vĩnh hằng.

Tâm vốn là vô thường, vốn là biến đổi, thay đổi liên tục, tính chất của tâm là như vậy.

Tâm trong Phật Pháp, do có căn, cảnh, thức sanh khởi tâm, đồng sanh, đồng trụ, đồng diệt và thời gian của tâm nhanh gấp 16 lần sát na đối với sắc pháp, thì chúng ta thấy tâm sanh diệt liên tục. Có ba sát na; sanh, trụ, diệt, một khảy móng tay có triệu triệu sát na sanh, thì chúng ta thấy không có một linh hồn nào trong đó trú giữ hay chạy theo.

 Không có linh hồn trường tồn, bất biến, vĩnh hằng trong cuộc đời này  mà chỉ có tâm sanh, tâm quây quần chạy như con cá trên bờ nhảy lung tung, tâm ác có, tâm thiện có, tâm không thiện không ác có, đó là một quy trình trôi chảy liên tục, khác với linh hồn theo quan niệm bình thường của người ta. Linh hồn này sẽ đi về đâu, đi như thế nào.

 Sự tái sanh của chúng ta không phải là linh hồn, thức của chúng ta khác với linh hồn, tâm của chúng ta cũng khác với linh hồn. Bởi khi có sự hiện khởi của căn, cảnh, thức thì thức đó có mặt do có căn, cảnh, thức hay tâm đó có mặt do có căn, cảnh, thức hay khi tâm có mặt, thức có mặt đồng nghĩa rằng có sở tâm, cả một quy trình, là một bệ phóng gồm nhiều quy trình, chứ không chỉ có một linh hồn di chuyển, đi đến chỗ này chỗ kia như xác thân của chúng ta, khi chết rồi thì nó theo xác thân này đi về bên kia thế giới nên ở đó sẽ như thế này thế kia. Phật Pháp không hứa hẹn về thiên đàng hay cảnh giới nào đó mà Ngài bảo rằng nếu chúng ta về nơi đó chúng ta sẽ được như thế này như thế kia.

Quý vị đọc kỹ trong kinh văn những lời dạy Phật ngôn của chính lời Phật thuyết, không bao giờ có dẫn dắt hoặc giới thiệu chúng ta một cảnh giới nào đó.

Đức Phật Ngài nói rằng: "Nếu các ngươi tu tập sợ lạc sợ khổ, vượt qua thiện ác, không còn tạo chủng sanh tử đau khổ thì các ngươi sẽ được trạng thái tịch tịnh vắng lặng, trạng thái không vui, không buồn, không khổ, không sầu, không lạc".

Chúng sanh phàm phu nghe như vậy cảm thấy buồn vì khi tu hành rồi không còn gì cả. Nhưng cuộc đời này có vui là có buồn, có sanh là có tử, có ngày có đêm, có sáng có tối, như thế là vòng xoay. Làm sao mà chúng ta có thể tìm cái không sanh, không cầu, không vui, không khổ. Trạng thái đó là một trạng thái tịch tịnh vắng lặng mà chúng ta không dễ dàng gì đi về trạng thái vắng lặng tịch tịnh đó, trong khi tâm tư phàm phu của chúng ta dẫy đầy, cho nên người ta mới nắm bắt, mới chọn linh hồn, linh hồn đi chỗ này đi chỗ kia, vì vậy các đạo giáo khác luôn hứa hẹn cảnh giới cao sang và quyền quý.

Đức Phật dạy người làm ác hưởng quả ác, người làm lành hưởng quả lành, ai đeo đuổi, ai bám chấp, còn cầm nắm, còn hiện hữu sẽ đau khổ.

 Quan niệm về tâm trong tinh thần Phật Pháp khác xa linh hồn được tạo ra đến cảnh giới này, cảnh giới nọ của cuộc đời, của Thượng Đế, của Đấng tạo chủ tạo tác ra cho chúng ta sanh ra trong cuộc đời này, hình thức trở lại với Thượng Đế hoàn toàn không có. Hay chúng ta sanh ra là con của Phạm Thiên hay chúng ta sanh ra từ Phạm Thiên và chúng ta sẽ trở về Phạm Thiên. Phạm Thiên tức sự cao cả, mang tính Thượng Đế hơn muôn người thì hoàn toàn không liên quan gì hết.

 Mỗi chúng sinh là Thượng Đế của mình, mỗi chúng sinh là Phạm Thiên của mình, mỗi chúng sinh là con người chịu trách nhiệm chính cá thể của mình và chúng ta chịu trách nhiệm trước tâm và sở tâm của mình, sở tâm, sở tánh, sở hành và sở tướng, sở xúc, sở thọ, sở niệm. Không ai ban phước giáng họa cho ta cả. Chính do tâm này dẫn dắt, chính do tâm này đem đi. Đó chính là tâm thiện tâm ác.

 Manasaa ce padu.t.thena bhaasati vaa karoti vaa - Tato na.m dukkhamanveti cakka.m'va vahato pada.m.

Nếu làm ác thì như bánh xe lăn theo con bò kéo xe, nếu làm thiện như bóng không rời hình.

Tức việc thiện ác do chúng ta chịu trách nhiệm khác với thường thức về linh hồn bên ngoài mà chúng ta thấy. Phật Pháp không chấp nhận một linh hồn trường tồn bất biến, không chấp nhận một Thượng Đế ban phước giáng họa, không chấp nhận cảnh giới hứa hẹn về nơi đó sẽ được như thế này được như thế kia.

 Phật Pháp nói lên sự tỉnh thức của con người phải hiểu rằng cuộc đời này có vui, có buồn, cuộc đời này là vô thường, khổ não, vô ngã, khi nào còn hiện hữu, khi đó sẽ đau khổ, lục xúc duyên lục thọ, lục thọ duyên lục ái, lục ái duyên lục thủ, lục thủ duyên sanh hữu và nghiệp hữu, sanh hữu và nghiệp hữu duyên cho già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não và thế là vô minh tiếp tục, sanh tử đau khổ từ ngày này qua ngày nọ, từ kiếp này qua kiếp kia, trầm luân sinh tử vô thủy vô chung cũng chính do tâm thức này, do thiện ác này, do nghiệp quả này mà chúng ta đi từ đời này qua đời kia, chứ không có một linh hồn hay Thượng Đế nào mà dẫn dắt chúng ta vào đời. Chính ta tự tạo nghiệp lành nghiệp thiện và chúng ta chịu trách nhiệm, chúng ta hưởng quả đó và chịu trách nhiệm chính nó.

Mỗi Ngày Trầm Tư Sinh Tử


Nhiều khi thân phận của chúng ta giống như hình ảnh chúng tôi nghe là có một loài chim sống bám vào tử thi và khi tử thi trôi ra ngoài khơi thì tử thi đó bị rã ra loài chim đó không còn chỗ để nương náu nữa, thì trong đời sống chúng ta thường bám vào những chiếc phao mà chiếc phao đó là chiếc phao hiện tại của mình. Buổi sáng thức dạy buổi chiều đi ngủ trong một ngày đó chúng ta sống vui với cái gì, buồn với cái gì, chúng ta bám níu vào cái gì, và cái đó có được chúng ta thấy rõ cái thực tướng của nó hay không, nó có đứng lại nó có tồn tại nó sẽ ăn đời ở kiếp với chúng ta hay không, hay là nó chỉ là chiếc phao tạm bợ rồi nó sẽ rã đi. Thân phận chúng ta thật sự tội nghiệp, tội nghiệp đến đỗi mà một lúc nào đó chúng ta bừng tỉnh lại thấy rằng cái hiện tại không có gì đáng bám níu thì chúng ta lại vẽ vời sang một tương lai, chúng ta đi truy tìm đi theo cái hướng vọng. Cái mà chúng ta truy tìm chúng ta thật sự không biết nó là gì..

TT Giác Đẳng - Không phải chỉ có hai đường - Minh Hạnh chuyển biên


Chuyện Xưa Tích Cũ - Ông Vua Heo


ÔNG VUA HEO

 Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình


Có một đứa trẻ mồ côi tên Heo, đến nhà một ông quan mà xin ở mướn. Hằng ngày, ông quan sai nó rửa chân cho ông. Ông dặn: -Rửa cho thật kỹ. Coi chừng tróc ba cái bớt son ở chân tao. Nếu tróc tao giết mày. 

Nghe vậy tên Heo nói: -Ông có ba cái bớt son. Tôi đây có tới chín bớt. Như vậy là tôi có phước nhiều hơn ông. 

Vị quan nọ biết tên Heo có tướng mạng làm vua nên bảo chị đầu bếp lén thuốc nó. Chị đầu bếp không nỡ làm chuyện ác. Chiều hôm đó, khi cho heo ăn, chị gõ máng mà làm hiệu: “Heo ơi! Đừng ăn mà chết! Mày không ăn thì mày cũng chết! Heo ơi là heo.” 

Tên Heo nghe được, lập tức chạy lại chị đầu bếp mà hỏi sự tình. Nó hứa nay mai nếu được làm vua thì rước chị nọ về phong Hoàng hậu. Chừng đó, chị nọ cứ bỏ tóc xõa trên vai để làm dấu thì nó nhìn được. 

Rồi tên Heo lật đật trốn vào chùa. Ông Hòa thượng dạy nó hằng ngày lau chùi mấy cốt Phật. Vì làm biếng, khi lau chùi nó ra lệnh: “Giở tay lên, để tay xuống …”Tượng Phật làm theo y lời. Hôm nọ, nó bảo tượng giở tay lên nhưng sau khi lau chùi, nó quên nói: “Để tay xuống.” Tượng Phật vẫn giở tay lên trời hoài. Hòa thượng thấy vậy bèn gọi làng xóm bắt nó để tra hỏi. 

Tên Heo lập tức trốn qua làng bên cạnh để làm mướn giữ vườn. Bữa đó, ra vườn nó chỉ ba cây cau rồi vui miệng nói: -Cây nầy là ông nội, cây kia là con, cây nọ là cháu nội. 

Tức thời mấy cây cau một lứa bỗng thay hình đổi dạng: Cây thì hóa lão, cây đang có quày 1, cây thì thấp chủn. Chủ nhà tức mình, rầy la tên Heo về tội phá hư vườn của mình, bảo phải sửa lại lời nói. 

-Quân tử nhất ngôn, ăn một đọi nói một lời. Tôi đã nói như vậy rồi, không nói ngược lại được. 

Thế là bữa sau tên Heo bị đuổi. Nó đi lang thang, đêm đến vào nhà nọ để ngủ. Nhà quá chật, tên Heo đành mời bà Cửu Thiên Huyền Nữ xuống đất để nhường cái trang cho nó. Bữa sau, chủ nhà ngạc nhiên thấy bao nhiêu đồ thờ đều dời xuống đất. Bà Cửu bèn đạp đồng lên nói: -Bởi vì hồi tối, người nọ có khí tượng Đế vương đến ngủ, tôi phải nhường chỗ. 

Từ đó, tên Heo mất dạng, được làm vua ở nơi nào hoặc đầu thai đi đâu, không ai rõ

Cổ Học Tinh Hoa

ÔM CÂY ĐỢI THỎ

Một người nước Tống đang cày ruộng. Giữa ruộng có một cây to. Có con thỏ đồng ở đâu chạy lại, đâm vào gốc cây, đập đầu chết. Người cày ruộng thấy thế, bỏ cày, vội chạy đi bắt thỏ. Đoạn, cứ ngồi khư khư ôm gốc cây, mong lại được thỏ nữa. Nhưng đợi mãi chẳng thấy thỏ đâu, lại mất một buổi cày. Thiên hạ thấy vậy, ai cũng chê cười.
Hàn Phi Tử

GIẢI NGHĨA

Hàn Phi Tử: Công tử nước Hàn, học trò Tuân Tử chuyên về bình danh pháp luật, nước Hàn không dùng, sang ở nước Tần, được đại dụng, nhưng sau bị kẻ gièm pha, rồi tự tử. Sách của Hàn Phi Tử có 50 thiên, đặt tên Hàn Tử. Nhà Tống sau thêm chữ Phi để khỏi lầm lẫn với Hàn Dũ.
Đoạn: nghĩa đen là đứt, việc nầy đứt đến việc khác.

LỜI BÀN


Thấy mùi, quen mui làm mãi. Ở đời những kẻ ngẫu nhiên gặp may, mà ước ao được gặp may luôn như thế nữa, không biết sự may là tình cờ mới có, thì có khác gì người nước Tống ôm cây đợi thỏ nầy. Anh ôm cây đợi thỏ này lại còn là người cố chấp bất thông, không hiểu thời thế, không thấu tình cảnh, khư khư đười ươi giữ ống, cũng một phường với những hạng chơi đàn gắn chặt phím, khắc mạn thuyền để nhớ chỗ gươm rơi.

Những câu chuyện ngụ ngôn hay

Chuột, gà trống và mèo

Chuột con ra khỏi tổ dạo chơi, nó tha thẩn khắp sân rồi lại về với mẹ"
- Này mẹ ơi, con nhìn thấy hai con thú. Một con thú dữ tợn, còn con kia hiền khô.
Mẹ nó bảo:
- Con nói cho mẹ xem hai con thú ấy ra làm sao nào.
Chuột con trả lời:
- Một con dữ tợn đi đi lại lại trên sân thế này này: Chân nó đen thui, mào nó đỏ ối, cặp mắt nó lồi ra, còn cái mũi nó khoằm khoằm. Khi con đi ngang qua, nó há hốc cái mõm ra, nhắc một chân lên tiếng quá to đến nỗi con sợ quá chẳng còn biết chạy đi đâu.
Đấy là con gà trống - Chuột mẹ nói - Nó chẳng làm hại ai đâu, đừng sợ nó. Thế còn con thú kia?
Con thú kia nằm ngoài nắng sưởi ấm. Cổ nó trắng, chân nó xám, mượt mà: nó đưa lưỡi liếm cái ngực trắng của nó và cái đuôi hơi ngoe nguẩy, nhìn theo con.
Chuột mẹ bảo: - Con ngốc lắm. Nó chính là mèo đấy.

Chuyện cười trong ngày

Làm phúc

Buổi chiều, một triệu phú đang đi trên chiếc limousine thì nhìn thấy một người đàn ông đang ăn cỏ bên vệ đường. Ông dừng lại tìm hiểu:

- Tại sao ông ăn cỏ?

- Tôi không có tiền mua thức ăn.

- Ồ, vậy thì đi với tôi.

- Nhưng thưa ngài, tôi có vợ và sáu con!.

- Hãy mang họ theo!

Khi tất cả leo lên xe, người đàn ông nói: "Thưa ngài, ngài quá tốt bụng". Triệu phú lời: "Không có chi, cỏ ở nhà tôi cao gần đến ba tấc".

Monday, August 26, 2013

26-8-2013 - Suy Niệm Trong Ngày


Phật Học Vấn Đạo - Làm sao một người cư sĩ giữ chánh niệm liên tục?

Hỏi : Một người cư sĩ làm sao giũ chánh niệm liên tục được, như vậy không thể phòng hộ tâm được.? 

(Câu thảo luận trong lớp Diệu Pháp ,Chánh Hạnh chuyển biên)

TT Tuệ Siêu :Chúng ta hiểu như thế nào gọi là giữ chánh niệm liên tục. Danh từ gọi là chánh niệm Sati, không phải là ngồi một chỗ mà niệm như niệm Phật mà chúng ta bỏ đi những công ăn chuyện làm của mình. Chánh niệm ở đây tức là sự ghi nhận, một sự kiểm soát. Một người được gọi là bậc trí tuệ dầu đó là bậc xuất gia hay tại gia thì người này có thể giữ được tâm. Nếu như bậc xuất gia mà không có trí thì chúng ta không cần đặt vấn đề vị ấy phòng hộ nội tâm được hay không được. Người tại gia cư sĩ, nếu không phải là người trí cũng không đặt vấn đề là phòng hộ được hay không phòng hộ được nội tâm.

Chúng ta nên nhớ chỉ có người trí mới có thể giữ được tâm của mình. Tại sao như vậy? Bởi vì chỉ có người trí mới có đủ nghị lực, có đủ sự sáng suốt để nhận biết được sự phòng hộ tâm là quan trọng như thế nào, cho nên người trí dầu buổi ban đầu cũng khó thực hiện nhưng dần dần cũng có thể làm được. Thí dụ trong mười hành động, thoạt đầu chúng ta có thể ghi nhận kiểm soát được hai hành động. Sang ngày hôm sau chúng ta tập kiển soát được ba hành động, sau nữa chúng ta kiểm soát năm hành động. Cứ như thế đó thành thường cân y duyên, thành thói quen, thành phản xạ tự nhiên. Lúc bấy giờ hễ bước chân đi là chúng ta nhận thức được mình đang bước chân đi. Lúc vừa đặt thân ngồi xuống, chúng ta biết rõ hành động cử chỉ mình đang ngồi. Lúc dừng lại chúng ta biết rõ mình đang dừng lại, hay khi ngã nằm xuống chúng ta biết rõ mình đang nằm xuống. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thấy có những người có cử chỉ chẳng hạn như quơ tay múa chân, đi đứng chạy nhảy hoặc trong lời nói họ nói một cách bừa bãi, ồn ào, suồng sã, nói một cách không lịch sự không tế nhị. Tại sao họ không thể kềm giữ được? Tại vì họ không luyện chứ nếu luyện tập chánh niệm vẫn có thể chánh niệm được. Do đó Sư nói rằng người cư sĩ vẫn có thể phòng hộ nội tâm được nếu như người cư sĩ đó là bậc trí thức medhavi .

Mỗi Ngày Trầm Tư Sinh Tử

Qúi vị nào sài máy computer và máy đó có vấn đề vì nó qúa chậm làm việc không như ý muốn.  Rồi có ai nói rằng có một máy bán rẻ qúi vị đi tìm mua.  Nhưng máy mình mới mua tuy là rẻ nhưng lại chậm hơn cái mà mình đang có, và nó không giúp cho mình được gì hết tuy rằng mình có thêm một máy khác.  Thường thường việc đó không có giúp ích cho chúng ta nhiều, khi cái mà mình hướng đến mình tầm cầu nó lại không tốt hơn cái mình đang có.  
Nhưng không may điều này trở thành một sự việc rất bình thường mà Đức Phật dùng chữ samsara  hay là luân hồi.  Luân hồi là sự lập đi lập lại.  Ở đây Đức Phật Ngài nhắc lại sự suy nghĩ của Thái Tử Siddhattha là: "Tự mình bị sanh chi phối, bị già chi phối, bị bịnh chi phối, bị chết chi phối, bị sầu bi khổ não chi phối, lại đi tìm một cái cũng tương tựa như vậy.  Cũng bị sanh già đau chết sầu bi khổ ưu não chi phối, nhưng mà đó là một sự thật, sự thật hiển nhiên của kiếp nhân sinh này.  Chúng ta vốn không tìm ra cái mới, không tìm ra lối thoát và bắt buột chúng ta phải đi một vòng tròn cuối cùng trở lại vị trí ban đầu.  

Và đó là một hình ảnh các nhà thinh văn thường mô tả về các tinh cầu đi theo một qũy đạo tròn và nó trở về chỗ cũ.  Bởi vì nó có thể đi theo vòng tròn như vậy dưới sức hút của các thiên thể thì nó mới tồn tại được, còn nếu nó đi mà không trở lại vòng tròn như các vì sao chổi hay một số những bậc lang thang ở trong Thái Không vô định này bởi vì nó là con đường thẳng, nó cũng sẽ bị tiêu pha bằng cách này hay cách khác. 

Do vậy, hầu hết các quy luật về sự tồn tại là nó đi quanh trong một vòng tròn.  Sự tồn tại của kiếp luân hồi cũng vậy, từ cái thấy cái nghe, cái ngửi, nếm đụng. Chúng ta thật sự không biết gì khác.  Nếu ở trong đời sống hiện tại, ăn là một cái gì rất là ngon và nghĩ đến thiên đàng, nghĩ đến cảnh giới cực lạc thì chúng ta nghĩ rằng sắc tướng âm thanh mỗi thứ phải tốt hơn cái đang có ở tại đây. Nhưng Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta một chuyện rất rõ là điều đó nó chẳng những không mang một giá trị đích thực mà chính chúng ta cũng sẽ bị một giòng sanh tử, rồi ở trong giòng sanh tử đó chúng ta cũng hụp lặn, cũng sống với cái khổ bị chi phối bởi sanh bởi già bởi bịnh bởi chết bởi sầu bi khổ não.  Như vậy thì chúng ta phải làm một cái gì khác hơn, nhưng cái khác hơn đó nó phải được thực hiện bằng một ý thức minh mẫn về cái gì mà mình đang có. 

Sống ở trong chùa và làm việc với nhiều người thì chúng tôi nhận thấy hướng đi của loài người thường đi một trong hai cách hoặc giả họ thích đi và trở về cái nguyên trạng của mình, ở trong nguyên trạng đó không thay đổi, không có gì khác hơn và có những người họ có ý thức thấy rằng hiện tại có vấn đề, hiện tại cần phải thay đổi giống như một căn bịnh trầm kha thì con bịnh đó trước nhất phải hiểu rằng mình đang có bịnh và cái bịnh phải giải quyết, giải quyết có nghĩa là phải trị được bịnh để mang lại tình trạng khả quan tốt hơn về sức khỏe chứ không phải chỉ là lấy bịnh này thế cho bịnh kia, lấy bịnh kia thế cho bịnh nó hay là trở về nguyên trạng cũ và nó có ý nghĩa gì đối với chúng ta.  Chữ luân hồi ở trong một nghĩa nào đó nó có nghĩa là chạy quanh và trở lại nguyên trạng, trở lại tình trạng mà vốn nó đã là như vậy và đang là như vậy không là cái gì khác hơn.

TT Giác Đẳng - Đi tìm một cái gì khác hơn - Minh Hạnh chuyển biên

Chuyện xưa tích cũ - Bộ râu còi


BỘ RÂU CÒI

Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Đàn ông mỗi người có một bộ râu khác nhau. 
Người thì râu rậm, người thì râu còi. 
Sự tích như vầy: Thuở xưa có hai kiểng chùa, một để thờ Phật ông, một để thờ Phật bà. Đàn ông có việc cầu khẩn thì vào kiểng chùa thứ nhất; đàn bà thì vào kiểng chùa thứ nhì. 
Hễ ai muốn có bộ râu ba chòm cho lịch sự thì vào chùa thứ nhất. Họ sẽ được toại nguyện. 
Nhưng năm đó, có người vì ở xa đến nên không rành, nhè nhẹ vào chùa Phật bà mà cầu nguyện. Phật bà hỏi: -Nhà ngươi muốn gì? 
Người nọ đáp: -Xin được bộ râu tốt. 
Phật bà bèn hạ lệnh cho Ngọc Nữ đem râu giả lại gắn vào cằm anh nọ. Ngọc Nữ có tánh e thẹn, không muốn lại gần đàn ông nên đứng ở xa mà phóng tới từng sợi râu. Vì vậy, râu cắm không được khéo, chỗ quá rậm, chỗ thì lưa thưa mấy sợi còi.

Cổ Học Tinh Hoa

BA CON RẬN KIỆN NHAU

Ba con rận hút máu một con lợn, tranh nhau ăn, đem nhau đi kiện. Một con rận khác gặp, hỏi:
- Ba anh kiện nhau về việc gì thế?
Ba con rận đáp:
- Chúng tôi kiện nhau, vì tranh nhau một chỗ đất màu mỡ.
Con rận kia nói:
- Tôi tưởng các anh chẳng nên tranh lẫn nhau thế làm gì. Các anh chỉ nên lo đến con dao của người đồ tể giết lợn, ngọn lửa của bó rơm thui lợn mà thôi.
Ba con rận nghe ra, biết là dại, thôi không đi kiện nữa, cùng nhau quần tụ, làm ăn với nhau, dù no, dù đói, cũng không bỏ nhau. Con lợn thành ra mỗi ngày một gầy, người ta không làm thịt, cứ để nuôi, ba con rận nhờ thế mà no đủ mãi.
(Hàn Phi Tử) 

GIẢI NGHĨA

Đồ tể: Người làm thịt các giống vật để bán.
Quần tụ: Quây quần ăn ở bao bọc lấy nhau

LỜI BÀN

Nhân dân một xứ mà cứ tranh giành lẫn nhau cái lợi trước mắt, không nghĩ gì đến cái việc lâu dài cho cả toàn thể, thì trí khôn thật không bằng mấy con rận nói trong truyện này.

Tranh nhau, cãi nhau, đánh nhau, kiện nhau, thì oan oan tương kết, lợi chẳng thấy đâu, chỉ thấy hại, hại cho mình lại hại cho cả đàn, cả lũ nữa. Sao không biết: Sâu đục cây, cây đổ thì sâu cũng chẳng còn; trùng hại vật, vật chết thì trùng cũng hết kiếp.

Những câu chuyện ngụ ngôn hay

Chó sói và chó nhà

Con sói gầy đói rình mò gần bên làng và gặp ngay một chó nhà béo mập. Sói hỏi nó:
- Chó nhà này, anh hãy cho tôi biết, các anh lấy cái ăn ở đâu ra thế ?
- Con người cho chúng tôi.
- Chắc là các anh giúp con người một cong việc vất vả.
Chó nhà nói: "Không, công việc của chúng tôi đâu có vất vả gì. Nhiệm vụ của chúng tôi là đêm đêm canh giữ sân nhà thôi".
- Thế đấy, chỉ có vậy thôi mà con người cũng nuôi các anh - Chó sói nói - Vậy thì tôi cũng sẵn sàng đi làm công việc của các anh ngay, chứ không họ nhà sói chúng tôi khó kiếm cái ăn quá.
- Thế thì đi làm đi - Chó nhà bảo - Chủ nhà cũng sẽ cho cả anh ăn uống.
Sói mừng rỡ và cùng chó nhà đến phục vụ con người. Sói đã bước vào tới cổng nhà thì nom thấy lông ở cổ của chó nhà bị vết chà xát. Sói liền hỏi:
- Chó nhà ơi, vì sao chỗ này lại thế ?
- Vậy thôi - Chó nhà trả lời.
- Nhưng vậy thôi là thế nào ?
- Vậy thôi, vì cái xích mà. Ban ngày tôi bị xích phải ngồi một chỗ.
- Thế thì chào anh nhé - Chó sói bảo - Tôi chẳng đến với con người đâu. Thà tôi không được béo tốt nhưng được sống tự do

Chuyện cười trong ngày

Không để lại tang chứng


Bốn cô gái dự cuộc thi tuyển thư ký, đề bài như sau: "Một vị khách, sau khi làm việc với giám đốc, lúc ra về đã để quên trên bàn một phong bì tiền. Người thư ký cần phải xử lý như thế nào?".

- Các bài thi làm xong, giám đốc lần lượt đọc các phương án. Bài thứ nhất viết: "Tôi sẽ tìm người khách đó và trả lại họ".

- Người ta có quên đâu mà trả lại, bài này hỏng.

- Tiếp đến bài thứ hai: "Nộp vào quỹ công đoàn".

- Ô hay, thế là được của miền xuôi, đem nuôi miền ngược à! Hỏng.

- Bài thứ ba, khá hơn một chút: "Tôi sẽ đưa cho giám đốc, làm tiền tiêu riêng".

- Hừ, Nói toạc ra thế ư? Lộ liễu quá!

- Bài thứ tư, tờ giấy trắng tinh. Giám đốc ngạc nhiên hỏi chủ của tờ giấy này: Sao, cô không trả lời được à?

- Cô gái nhanh nhảu đứng dậy, đến ghé sát vào tai ông giám đốc: Thưa sếp, em hành động như bài thứ ba ạ, nhưng sẽ không lưu lại bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến số tiền đó.

- Cô này khá! Duyệt!

Sunday, August 25, 2013

25-8-2013 Suy Niệm Trong Ngày


Phật Học Vấn Đạo - Nghiệp từ đâu sanh khởi?

Hỏi: Nghiệp từ đâu sanh khởi?

. (Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên )

TT Tu Siêu: Nếu nói theo A Tỳ Đàm thì nghiệp từ nơi tâm đổng lực mà sanh khởi, trong lộ trình diễn tiến của tâm thức trong đó có một lộ trình tâm khách quan, lộ trình tâm khách quan này nó sẽ đến một giai đoạn mà chúng ta gọi là bảy sát na Javanacitta, trong bảy sát na Javanacitta đó nó tác thành nghiệp. Nghiệp (kamma) tức là hành vi hay là sự tạo tác nếu mà chúng ta nói theo duyên hệ thì có nghiệp đồng sanh gọi là sahagatakamma tức là tư tâm sở ở trong thiện hay bất thiện hoặc là những tâm khác dầu cho tâm tố hay là tâm quả cũng gọi là nghiệp nhưng là đồng sanh hay nghiệp câu sanh. Và thứ hai nữa tức là đề cập đến nghiệp, nghiệp dị thời na`nakkhanikakamma tức là nghiệp cho quả khác thời gian hay là cho quả dị thục, nghiệp dị thời cho quả dị thục.

và ở đây khi mà chúng ta đề cập đến nghiệp chắc chắn là chúng ta sẽ hỏi về nghiệp dị thời tức là nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện đưa đến quả vui hay là quả khổ thì ở đây chúng tôi xin trả lời thẳng câu hỏi nghiệp sanh từ đâu? nói trên phương diện xuất xứ thì nghiệp sanh từ nơi tâm mà ra, trong tâm có tư tâm sở cetana. Đức Phật Ngài dạy rằng: cetana`ham. bhikkhava kamman - này chư tỳ kheo, ta nói nghiệp tức là sự cố ý, khi có sự cố ý hành động về thân, về khẩu hay là về tư duy thì nó tác thành thân nghiệp khẩu nghiệp và ý nghiệp.

Và ở đây thưa qúi vị nếu chúng ta nói một cách nôm na dễ hiểu hơn tức là cảm thọ khổ hay lạc trong đời này phát sanh lên là do nghiệp, mà nghiệp đó chính do tự chúng sanh đó tạo ra, tự mỗi người tạo ra chứ nghiệp đó không phát xuất ở một người khác mà ở đây mình thọ lãnh, hay cũng không phải do xuất xứ từ một tha lực nào mà khiến cho chúng ta hành động thiện hay là hành động bất thiện, mà hành động thiện hay bất thiện chính do tự tâm tạo ra, và nghiệp đó cũng xuất phát tự nội tâm này. Do vậy ở đây chúng tôi trả lời một cách tóm tắt nghiệp tức là tư tâm sở từ giai đoạn Javana hay gọi là tâm đổng lực, nghiệp đó tự do mỗi mỗi chúng sanh phát sanh lên và hành động thì nó tác thành nghiệp, chứ không do nguyên nhân ở bên ngoài. Chúng tôi xin trả lời câu hỏi là như vậy.

Mỗi Ngày Trầm Tư Sinh Tử

Hễ muốn phục vụ cho người khác, muốn phục vụ cho cuộc đời, chúng ta đừng quên đi những cái gọi là lợi lạc. Một vài chỗ trong kinh nói rằng đừng vì lợi ích cho người khác mà quên đi tự lợi. Câu dịch rất là chính xác nhưng chúng tôi sợ có người hiểu lầm. 

Trong văn hoá Việt Nam và ảnh hưởng của Trung Hoa, đôi khi chúng ta hay nói đến trạng thái “Vì đời quên mình”. Khi chúng ta nghe câu nói này chúng ta thấy rất lý tưởng. 

Câu: "Mình vì cuộc đời nhưng cũng vì lợi ích cho chính mình". Nhiều khi chúng ta nghe chưa hết ý. Chưa hết ý có nghĩa là nếu mình phục vụ mà còn nghĩ đến mình thì mình còn vị kỷ, như là cho bàn tay mặt bàn tay trái liền lấy lại v.v….Chuyện đó không phải như vậy. 

Còn câu: "vì đời quên mình", chữ quên mình không đắc thế, không đắc dụng trong kinh Phật. 

Trong kinh Phật nói rằng: "một người có trí không bao giờ làm một việc gì có lợi cho người mà có hại cho mình". Có lợi cho mình hoặc hại cho người hoặc hại cho cả hai. Họ làm điều gì khả dĩ lợi ích cho đời và cũng không nguy hại đến mình. Tên đời có cả trăm cả ngàn chuyện nên làm như vậy. Nếu chúng ta nghĩ đến chuyện có lợi cho người có hại cho mình. Thì đó là một sự lựa chọn không có sáng suốt.

TT Giác Đẳng - Phục vụ tha nhân - Chánh Hạnh chuyển biên


Chuyện Xưa Tích Cũ


CON DƠI
Phụng hoàng là chúa tất cả các loài chim.

Hôm nọ có lễ lớn, các loài chim đến chầu chực. Dịp đó, con Dơi vắng mặt. Phụng hoàng hỏi tội. Dơi bèn trả lời: -Tôi không phải thuộc loài chim. Tôi là thú bốn chân. Hai cánh của tôi là hai chân trước có móng hẳn hòi.

Vài hôm sau, Kỳ Lân ra lệnh cho các loài thú đến chầu.

Con Dơi cũng vắng mặt.

Hỏi tôi Dơi bèn trả lời: -Tôi không phải loài thú. Tôi có hai cánh bay được, rõ ràng tôi là loài chim đây nè …

Cổ Học Tinh Hoa

CÁCH CƯ XỬ Ở ĐỜI

Thầy Nhan Uyên, hỏi Đức Khổng Tử: "Hồi này muốn nghèo mà cũng được như giàu, hèn mà cũng được như sang, không phải khỏe mà có oai, chơi bời với người ta suốt đời không lo sợ gì, muốn như vậy, có nên không?"
Đức Khổng Tử nói: "Người hỏi thể phải lắm. Nghèo, mà muốn cũng như giàu, thế là biết bằng lòng số phận không ham mê gì. Hèn, mà cũng muốn như sang, thế là biết nhún nhường và có lễ độ. Không khỏe, mà muốn có oai, thế là biết thận trọng, cung kính không lầm lỗi gì. Chơi bời với mọi người mà muốn suốt đời không lo sợ, thế là biết chọn lời rồi mới nói.
Khổng Tử Tập Ngữ

GIẢI NGHĨA

Khổng Tử Tập Ngữ: sách chép những lời nói, những truyện về đức Khổng Tử. - Khổng Tử tên là Khưa, tên tự là Trọng Ni, người nước Lỗ, thời Xuân Thu nhà Chu, học về Lễ, Nhạc, Văn chương đời cỗ, đi nhiều nước chư hầu không được dụng bỏ về làm kinh Xuân Thu, san định các kinh Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc và dạy học trò được ba nghìn người, có bảy mươi hai người giỏi. Nước Tàu xưng làm Tổ đạo Nho.
Nhan Uyên: tên là Hồi, người nước Lỗ, thời Xuân Thu, học trò giỏi nhất của Đức Khổng Tử.
Hồi: theo lễ xưa, hầu chuyện những bậc trên, như vua, cha, thầy học, thường hay xưng tên.
Lễ độ: phép tắc mực thước.
Thận trọng: cẩn thận, trọng hậu.

LỜI BÀN

Không cần công danh phú quí thế là biết giữ thiên tước hơn là nhân tước, không để ai khinh lờn được, thế là biết trọng phẩm giá mình, không muốn đeo cái lo vào mình, thế là biết giữ thân không phiền lụy đến ai. Ở đời mà giữ trọn vẹn được mấy điều như thế, tưởng thật là một cách vui thú rất cao thượng vậy.


Những câu chuyện ngụ ngôn hay

Hai chú gà trống và đại bàng.

Hai chú gà trống chọi nhau bên đống phân. Một chú sức lực khỏe hơn, đánh bại chú kia và đuổi nó đi khỏi đống phân. Cả lũ gà mái ào đến vây quanh gà trống, khen ngợi nó. Gà trống muốn được gà ở sân nhà khác biết về sức lực và vinh quang của nó. Anh chàng bay lên nóc căn nhà chứa đồ, vỗ cánh và lớn tiếng:
- Tất cả bọn các người hãy trông ta đây, ta đã đánh bại một gà trống khác ! Trên thế gian này không một con gà trống nào có sức lực như tâ.

Anh chàng chưa kịp hát hết bài, một gã đại bàng đã bay đến đánh gục, guặp vào móng và mang về tổ.

Chuyện cười trong ngày

Chưa thử nên không rõ

Sĩ quan hải quân hỏi nhóm tân binh:

- Trong số các anh ai biết bơi?

- Cả tiểu đội trả lời biết, trừ một người lúng túng không biết nói thế nào, câu hỏi được nhắc lại: Binh nhì Ryan, anh có bơi được không?

- Tôi không rõ... nghĩa là tôi chưa thử bơi bao giờ.

Saturday, August 24, 2013

24-8-2013 Suy Niệm Trong Ngày


PhậtHọc Vấn Đạo - Một lúc tâm có thể biết nhiều cảnh không?

Hỏi:. Tâm được nói trong Phật Pháp là “mỗi lần sanh một tâm, biết một cảnh”. Tại sao sự đồng sanh của nhiều tâm sở hay thuộc tánh cho chúng ta thấy như một lúc biết nhiều cảnh?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, ngày 23-7-2013 Thiên Ân chuyển biên, Minh Hạnh hiệu đính

TT Pháp Tân: Trong A Tỳ Đàm mỗi tâm chỉ biết được một cảnh mà thôi, điều này quả thật như vậy. Tâm của chúng ta sanh diệt một cách liên tục và trong một chuỗi tâm, một lộ trình tâm thì chúng ta thấy được lộ trình tâm bình thường có tâm chủ quan, tâm khách quan. Rồi trong mỗi tâm sanh khởi lên chúng ta thấy có ba sát na tiểu để nói lên sự hình thành, trụ lại, rồi diệt mất đi, tức sinh, trụ, diệt. Tâm của chúng ta sanh diệt một cách rất nhanh chóng. Ở trong Luận có ví dụ rằng một khảy móng tay có hàng triệu triệu sát na, chúng ta có thể hình dung rằng chỉ búng móng tay một cái thôi thì đã trôi qua cả triệu triệu sát na rồi. Như vậy cho thấy rằng dòng tâm thức của chúng ta rất mau và trong từ Phật Pháp gọi là sát na, số đếm sát na rất nhanh, nhanh hơn giây phút, mức đồng hồ tính thời gian của chính mình, của nhân loại. 

Điều này cho chúng ta thấy tâm của chúng ta sinh diệt rất nhanh. Do vậy, khi một tâm sanh khởi có những tâm sở cùng sanh theo. A Tỳ Đàm gọi là có 7 tâm sở biến hành, tức Xúc, Thọ, Tưởng, Tư, Nhất Hành, Mạng Quyền, Tác Ý, có những tâm sở làm nền tảng, nếu tâm thuộc về tâm Thiện thì có những tâm sở thuộc nhóm Thiện sanh khởi, nếu tâm thuộc Bất Thiện thì có những tâm sở nhóm Bất Thiện sanh khởi để phối hợp cùng chung những tâm mà chúng ta biết như tâm Bất Thiện, tâm Thiện, tâm Thiện Dục Giới, tâm Thiện Sắc Giới, tâm Thiện Vô Sắc Giới, tâm Thiện Siêu Thế (tức Tâm Đạo). Tâm chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là biết cảnh và một tâm chi biết được một cảnh, còn những tâm sở tạo nên thuộc tính, tâm được ví như nước trắng, còn tâm sở được ví như màu sắc, như màu đỏ thì thành nước màu đỏ, pha màu xanh thì thành nước xanh, pha màu đen thì thành nước màu đen, do cách pha các màu khác nhau. Do vậy gọi tên nước khác nhau, nước đen, nước xanh, nước đỏ. 

Như vậy những tâm sở này đồng sanh để biết một cảnh duy nhất. Và do tâm sanh diệt liên tục nên mình thấy rằng một lúc một người có thể vừa xem phim, vừa nghe nhạc, thật ra thì tâm sanh diệt rất mau nên mình làm được hai việc nhưng thật chất thì một tâm chỉ biết được một việc thôi, một cảnh duy nhất mà thôi, không biết được cảnh thứ hai nhưng do tâm của mình sanh diệt mau quá.

 Ví dụ, xem phim mình bắt được đoạn phim thì mình hiểu, nhưng rồi tai mình nghe âm thanh chen vào, mình nghe mình chú ý âm thanh đó thì tự động tâm của mình hướng đến âm thanh đó, mình nghe được âm thanh tâm chỉ biết một cảnh duy nhất, mặc dù là trong một chuỗi tâm sanh khởi có những tâm chủ quan, tâm khách quan, sanh diệt rất mau nên chúng ta không thấy được sự sanh diệt đó, nên mình nghĩ rằng tâm của mình biết được nhiều cảnh. Ví dụ như có người làm cùng lúc vừa nghe nhạc vừa làm công việc. Thật ra thì tâm của mình bay nhảy rất mau. Khi nào mình chú ý vào việc làm thì tâm mình gắn vào đó, nhưng khi nghe nhạc thì tâm lại chú ý đến âm thanh của bài nhạc đó. 

Tâm mình sanh khởi liên tục, ví như ngày xưa chúng ta coi phim nhựa, khi họ chiếu thì ở dưới họ có máy rọi ánh sáng lên màn hình rộng, miếng vải trắng, rồi hình ảnh chiếu lên trên đó. Do nhiều phim ghép lại với nhau, một người vừa đá chân lên thì có một khúc phim vừa nhấc chân lên, rồi một khúc phim đưa chân lên phân nửa, rồi một khúc nữa là đá dứt điểm thì ba khúc đó trở thành hình ảnh của một người dùng chân đá vào vật hay đối tượng nào đó, tức tâm sanh diệt mình chỉ thấy một việc duy nhất là mình làm công việc đó thôi, nhưng do tâm sanh diệt nên mình không thấy được tâm chỉ biết một cảnh duy nhất, và cho rằng mình làm được nhiều việc khác nhau, thật ra tâm trước và tâm sau khác nhau, chứ không phải một tâm, nhưng do quá nhanh nên mình không nhận ra tâm của mình, nên thuộc tính của tâm sở giống màu pha vào trong nước, nước trắng là tâm, màu như chất liệu để tạo nên nước đó là nước màu gì. Có nhiều chất màu khác nhau để pha vào, như trong gam màu của mình thì chỉ có vài màu chủ đạo, như đen, đỏ, vàng. Nhưng một người tinh tế biết cách pha màu thì chỉ cần pha lẫn với nhau một cách vừa chừng thì tạo ra một gam màu khác. 

Ngài Tịnh Sự gọi là Tâm vương, tâm mình làm chủ, chỉ biết cảnh duy nhất, nhưng Sở hữu tâm, tâm sở phụ thuộc vào tâm, tạo nên tâm đó tốt xấu ra sao, tâm Bất Thiện do Tâm sở Bất Thiện phối hợp, còn tâm Thiện phối hợp với tâm sở Thiện thì là Tâm Thiện, cho nên ví dụ trong kinh Tăng Chi, Đức Phật nói rằng, tâm này rất mau lẹ. Ngài ví dụ tâm của mình cực kỳ nhanh lẹ, do nhanh lẹ như vậy nên mình khó kiểm soát được. Một người bình thường cứ nghĩ rằng mình làm một lúc hai ba việc, vừa nghe nhạc, vừa xem phim, vừa viết bài, nhưng thực sự tâm sanh khởi rất mau. 

Với một người tu tập thiền Định, thì họ có chánh niệm trong từng khoảnh khắc, ghi nhận biết được, thấy sự sanh diệt của nó mau lẹ. Với người bình thường thì khó nhận ra, chỉ thấy rằng tâm này biết được nhiều cảnh, nhưng sự thật trong A Tỳ Đàm thì mỗi tâm chỉ biết một cảnh duy nhất, và cảnh đó tùy thuộc vào tâm nhìn nhận, thấy và biết nó.