Saturday, June 30, 2018

Suy Niệm Trong Ngày 30-6-2018

Chuyện ngắn - Nhân Vô Thập Toàn

Nhân Vô Thập Toàn

(Lẽ Sống)



Theo một cổ truyện của người Hồi Giáo, thì Nasruddin là hiện thân của những người độc thân khó tính. Trong một buổi trà dư tửu hậu, khi được hỏi về lý do tại sao ông không bao giờ lập gia đình, Nasruddin đã giải thích như sau: "Suốt cả tuổi thanh niên, tôi đã dành trọn thời giờ để tìm kiếm người đàn bà hoàn hảo. Tại Cairo, thủ đô của Ai Cập, tôi đã gặp một người đàn bà vừa đẹp vừa thông minh, với đôi mắt đen ngời như hạt ôliu. Ðẹp và thông minh, nhưng người đàn bà này không có vẻ dịu hiền chút nào. Tôi đành bỏ Cairo để đi Baghdad, thủ đô Iraq, để may tìm ra người đàn bà lý tưởng tôi hằng mơ ước. Tại đây, tôi đã tìm thấy một người đàn bà hoàn hảo như tôi mong muốn, nghĩa là nàng vừa đẹp, vừa thông minh và cũng có tấm lòng quảng đại nữa. Nhưng chỉ có điều là hai chúng tôi không bao giờ có đồng quan điểm với nhau về bât cứ điều gì. 

Hết người đàn bà này đến người đàn bà khác: người được điều này, người thiếu điều kia. Tôi tưởng mình sẽ không bao giờ tìm được người đàn bà lý tưởng cho cuộc đời. Thế rồi, một hôm tôi gặp được nàng, người đàn bà cuối cùng trong cuộc tìm kiếm của tôi. Nàng kết hợp tất cả những đức tính mà tôi hằng mong muốn, nghĩa là nàng vừa đẹp, vừa thông minh, vừa quảng đại tử tế. Nàng đúng là người đàn bà hoàn hảo. 

Nhưng cuối cùng, tôi đành phải quyết ở độc thân suốt đời. Các bạn có biết tại sao không? Nàng cũng đang đi tìm một người đàn ông hoàn hảo. Và tôi đã được nàng chấm như một người đàn ông còn quá nhiều thiếu sót. 

Người đàn ông suốt đời độc thân trong câu chuyện trên đây đã quên một trong những quy luật cơ bản nhất của cuộc sống: đó là luật thích nghi. Thay vì bắt người khác và cuộc sống phải thích nghi với chúng ta, chính chúng ta phải là người thích nghi với người khác và cuộc sống. người đàn ông trong câu chuyện đã tìm được người đàn bà lý tưởng, nhưng chỉ tiếc rằng ông chưa biết trở thành một người đàn ông lý tưởng để có thể ăn đời ở kiếp với người đàn bà ấy. 

Tâm lý thông thường của con người là thích đòi hỏi người khác hơn là đòi hỏi chính mình. Chúng ta đòi hỏi người khác phải thế này thế nọ với chúng ta, nhưng chúng ta quên rằng chúng ta chưa làm những gì người khác cũng trông chờ nơi chúng ta. 

(Sưu tầm)

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

Cáo trồng dưa, trồng đậu

Mùa xuân tới, cáo tới mảnh vườn nhỏ ném mấy hạt đậu, lấy chân khỏa đất lên trong mưa xuân lun phun, ấm áp.

Mấy ngày sau, hạt đậu nảy mầm rồi đội đất lên, lộ ra cái đầu tròn tròn, non xanh, nói vui vẻ: “Chào ông Cáo”.

“Tốt, tốt lắm!”, mặt Cáo tươi như hoa, Cáo xin đâu được mấy hạt dưa lại hì hục đem vùi xuống đất, xới cho đất phía trên tươi xốp.

Mấy ngày sau, hạt dưa cũng nhú mầm non mảnh mai, nói: “Chào ông Cáo !”.
“Tốt, tốt lắm!”, Cáo thực sự khoái trí, nhảy cớn lên tự nói với mình: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Mùa thu tới ta sẽ có dưa, có đậu để chén rùi!”.
Từ đấy, Cáo phởn chí chạy đi chơi, lúc băng qua cánh đồng, lúc vượt qua con mương nhỏ, lúc luồn cây trong rừng, miệng luôn ca hát: “là lá la la, là lá la…”.

Chú chim nhỏ khuyên Cáo: “Anh không về mà chăm cây thì mùa đông tới chẳng có gì mà ăn đâu”.
Cáo dỏng tai lên nhưng bỏ qua như chẳng hề nghe thấy gì rồi bỏ đi.
Chuột đồng cũng nhắc nhở Cáo: “Anh không về chăm cây thì mùa đông tới lấy gì mà ăn ?”.
Cáo chừng mắt dọa Chuột rùi nín thinh bỏ đi. Cáo vẫn rong chơi qua mùa hè, qua mùa thu.

Một hôm, Cáo nói với chim nhỏ và sau đó nói với Chuột đồng: “Nào, đến mảnh vườn của ta sẽ thấy có bao nhiêu là dưa, bao nhiêu là đậu cho mà xem”.

Cáo dẫn Chim nhỏ và Chuột đồng vượt qua con suối nhỏ tới mảnh vườn bên hốc suối của nó với vẻ tự tin, hào phóng lắm.

Nhưng tới nơi thì đâu còn ra mảnh vườn nữa, cỏ dại mọc um tùm. Cáo rúc đầu vào trong các búi cỏ cao, rậm rạp mà tìm đậu, tìm dưa.
“Thấy không, có nhiều không ?” Chuột đồng và chim đều sốt ruột hỏi.
“Đừng nóng vội”. Cáo vội đáp nhưng trong bụng đã thấy bồn chồn, lo lắng.

Cáo tìm hoài, tìm hoài, đầm đìa mồ hôi mà đâu thấy một quả dưa, một nhánh đậu.
Chuột đồng và Chim nhỏ đều chán ngắt, nói trước khi bỏ đi: “Không chăm xới, không chịu lao động thì mùa đông tới, Cáo chỉ có mà ngáp, có mà đói dã họng ra”.

Cáo ủ rũ, hối hận: “Mùa đông này sống làm sao đây!”.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

THIỀN CỦA JOSHU

Joshu bắt đầu học thiền khi ông sáu mươi tuổi và học tiếp tục khi ông tám mươi tuổi, khi ông nhận thức rõ về thiền.

Đến tuổi tám mươi ông dạy thiền cho đến lúc ông một trăm hai mươi tuổi.

Một thiền sinh một lần hỏi ông: "Nếu con không có gì trong tâm con, con sẽ làm gì?"

Joshu trả lời: "Ném nó ra ngoài."

"Nhưng nếu con không có gì hết, làm sao con có thể ném nó ra ngoài?" vị thiền sinh tiếp tục hỏi.

"Tốt," Joshu nói, "thì đưa nó ra ngoài."

Cổ Học Tinh Hoa

Muôn vật một loài

Người ta ở trong khoảng trời đất thường hay tự phụ mình làm chủ cả muôn vật: vì mình mà muôn vật phải sinh, vì mình mà cây thóc mọc mà con lợn béo, mà con tằm nhả tơ, con ong gây mật, cho đến cả mặt trời sáng ban ngày, ngôi sao lóng lánh ban đêm. Nhưng xét lại, thì loài người chẳng qua cũng chỉ là một loài cùng sinh, cùng sống như muôn loài trong trời đất

Người họ Điền nước Tề sắp phải đi xa, làm tiệc để cáo biệt anh em. Khách mời kể có nghìn người. Cỗ bàn đủ các thứ sơn hào hải vị. Lúc ăn đến món chim, món cá, người họ Điền trông thấy, nói rằng: “Trời đãi người hậu thật! Sinh ra thóc lúa, sinh ra chim cá, không thiếu thứ gì, để cho người dùng”. Bao nhiêu khách ăn đồng thanh khen câu nói ấy là phải. Duy có đứa con họ Bảo, tuổi mới mười hai, đứng dậy nói rằng:

- Cứ như ý tôi thì câu nói ấy là không phải. Muôn vật trong trời đất là cùng sinh với ta, cùng một loài như ta, không có gì sang hay hèn cả. Sang hèn mà phân biệt, chẳng qua là các loài chế lẫn nhau, lớn nuốt nhỏ, khôn đè dại, khoẻ lấn yếu mà thôi. Chớ nào có phải trời vì loài này mà sinh ra loài khác đâu! Người ta cái gì ăn được thì lấy mà ăn, chớ trời nào lại vì người mà sinh ra ăn thứ nọ thứ kia?

Cứ theo lý ấy, ruồi muỗi hút máu người, hổ lang ăn thịt người, thì có nói được rằng trời vì những giống ấy mà sinh ra người không? 

Liệt Tử

Lời bàn:

Người ta ở trong khoảng trời đất thường hay tự phụ mình làm chủ cả muôn vật: vì mình mà muôn vật phải sinh, vì mình mà cây thóc mọc mà con lợn béo, mà con tằm nhả tơ, con ong gây mật, cho đến cả mặt trời sáng ban ngày, ngôi sao lóng lánh ban đêm. Nhưng xét lại, thì loài người chẳng qua cũng chỉ là một loài cùng sinh, cùng sống như muôn loài trong trời đất. Loài người sở dĩ hơn muôn vật là chỉ hơn có một chút trí khôn mà thôi. Nên câu nói như đứa bé họ Bảo mới thực là cao, rộng, hiểu được cái lẽ vạn vật, tịnh sinh ở đời vậy.

Chuyện cười trong ngày

Xin lỗi vì chuyện đó

Người đàn ông bé nhỏ, nhút nhát đánh bạo bước vào trong một quán rượu dành cho những tay đi xe máy phân khối lớn ở Bronx, hắng giọng hỏi: "Um, err, làm ơn cho hỏi quý ông nào ở đây có con chó Doberman (giống chó to và dữ) buộc ở cái cây bên ngoài nhỉ?"
Một gã khổng lồ mặc bộ đồ da, trên mình đầy vết sẹo ngồi trên chiếc ghế đẩu từ từ quay ra. Gã nhìn xuống người đàn ông bé nhỏ đang run rẩy rồi nói: "Đấy là chó của tao. Thế thì làm sao?"
"À," người đàn ông bé nhỏ hoảng hốt vô cùng, "Thưa ông, tôi tin rằng con chó của tôi đã giết nó rồi."
"Cái gì?" gã đô con kinh ngạc gầm lên, "Thế chó của mày là cái loại quái gì hả?"
"Thưa ông," người đàn ông bé nhỏ đáp, "Nó là một con cún bốn tuần tuổi ạ."
"Đồ bịp bợm," gã kia hét toáng lên, "Thế con chó của mày giết con Doberman của tao bằng cách nào hả?"
"Thưa ông, có lẽ là do con chó của ông bị nghẹn cổ mà chết đấy ạ."

Friday, June 29, 2018

Suy Niệm Trong Ngày 29-6-2018

Chuyện ngắn Con gái tôi - Người thầy của tôi

Con gái tôi - Người thầy của tôi

Mỗi ngày con trẻ dạy chúng ta điều gì đó. Là cha mẹ tôi đã học được điều mong đợi ấy. Vậy mà tầm rộng của những điều con gái tôi chỉ cho tôi vẫn không ngớt làm tôi ngạc nhiên.

Khi được 6 tháng tuổi, cháu dường như luôn ngẩng nhìn lên. Và tôi cũng ngẩng nhìn lên với cháu, nhờ vậy tôi đã học được sự kỳ diệu của những cành lá nhảy múa trên cây và kích thước đáng nể của đuôi một chiếc phản lực. 

Vào lúc được 8 tháng tuổi, cháu luôn mải nhìn xuống. Tôi cũng làm theo và nhờ vậy, tôi đã học được mỗi hòn đá khác nhau, những vết nứt của gạch lát đường tạo một hình kỷ hà riêng biệt và mỗi mảng cỏ có màu xanh khác nhau.

Khi cháu bước sang 11, cháu bắt đầu nói được chữ "Wow!". Cháu thốt lời kỳ diệu ấy khi thấy cái gì mới, tuyệt vời và ấn tượng đối với cháu như bộ đồ chơi cháu thấy nơi phòng khám của ông bác sĩ nhi, một làn gió se lạnh lướt qua mặt cháu hay một đàn ngỗng nơi nhà của một người bạn tôi.

Tiếp theo, khi tiếng "Wow!" đã lên đến tột đỉnh, không còn thốt thành lời nữa mà chỉ còn có thể diễn tả bằng cái miệng chu tròn, được dành cho những sự kiện thật sự thần kỳ. Chúng bao gồm mặt trời lặn chiếu trên mặt hồ sau một ngày tuyệt đẹp và pháo hoa xoè nở trên bầu trời xuân.

Cháu đã dạy tôi biết bao cách để diễn đạt từ "yêu thương". Cháu nói điều ấy rất hay vào một buổi sáng lúc cháu 24 tháng tuổi. Hai vợ chồng chúng tôi đang đùa thì cháu chen vào giữa hai chúng tôi, dụi đầu vào vai tôi, thở dài khoan khoái và bảo "Yêu ba mẹ". Ngày khác, cháu chỉ vào hình một cô người mẫu thật đẹp trên bìa báo và hỏi :" Phải mẹ không mẹ?".

Gần đây nhất cháu đã thành đứa con lên ba của chúng tôi. Một hôm, cháu vào bếp trong khi tôi đang soạn bữa ăn chiều và bảo:" Con giúp mẹ được không?" và giây lát sau đó cháu đặt bàn tay lên cánh tay tôi và bảo: "Mẹ ơi, phải chi mẹ là em bé thì mẹ con mình là bạn rồi".

Những khoảnh khắc như vậy, tất cả những điều tôi có thể nói đó là "Wow!".

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

Sự tự giác

Xưa thật là xưa, có một ông Vua nọ, một hôm ông ta sai quân lính đặt một tảng đá lớn nằm chắn ngang đường đi. Xong, ông nấp vào một bụi cây gần đấy và theo dõi.  

Lần lượt ông ta thấy, những thương nhân giàu có đi qua, rồi đến những cận thần của ông đi qua, nhưng không ai có ý định xê dịch tảng đá sang bên nhường chỗ cho lối đi cả, họ chỉ lẩm nhẩm đổ lỗi cho nhà Vua vì đã không cho người giữ sạch sẽ con đường.

Một lúc sau, nhà Vua nhìn thấy một người nông dân đi tới với một xe rau cồng kềnh nặng trĩu. Nhìn thấy tảng đá, người nông dân liền ngừng xe và nhảy xuống đất, cố hết sức mình ông ta đã đẩy được tảng đá sang bên kia vệ đường. Vừa làm ông ta vừa lẩm bẩm: “Thật không may nếu có ai đó không thấy mày và vấp phải, chắc là sẽ đau lắm đây”. Xong đâu đấy, người nông dân quay trở lại xe để tiếp tục đi tiếp, thì bỗng nhìn thấy một bao tiền to đặt đúng ngay chỗ mà ông đã di chuyển tảng đá. Đó là một một món quà của Đức Vua cho người nào dịch chuyển được tảng đá.

Câu chuyện của người nông dân này đã giúp chúng ta nhận ra một điều quý giá mà rất nhiều người trong chúng ta không bao giờ nhận thấy: Vật cản đôi khi cũng có thể là một cơ hội tốt.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

TÂM ĐÁ

Hogen, vị thiền sư Trung Hoa, sống một mình trong một ngôi chùa nhỏ ở vùng ngoại ô. Một ngày kia có bốn vị du tăng xuất hiện và xin phép họ có thể nhóm lửa trong sân của ông để sưởi ấm ho.

Trong khi họ đang nhóm lửa, Hogen nghe họ tranh luận về chủ quan và khách quan. Ông tham gia cùng với họ và nói: "Ở đó có một tảng đá lớn. Các bạn quan sát xem nó ở trong hay ở ngoài tâm của các bạn?"

Một vị du tăng trả lời: "Theo quan điểm Phật giáo thì mọi sự đều là sự thể hiện cụ thể của tâm, do vậy tôi có thể nói rằng tảng đá ở trong tâm tôi."

"Chắc ông phải cảm thấy đầu ông rất nặng," Hogen nhận xét, "Nếu ông đang mang theo mãi một tảng đá như vậy trong tâm của ông."

Tri thức - Hạt chia

Hạt chia

Hạt chia là một thực phẩm hảo hạng giàu protein và chất xơ cũng như có nhiều axit béo Omega-3. Từ “chia” có bắt nguồn từ tiếng Maya có nghĩa là “sức mạnh”. Được trồng ở Mexico và vùng Tây Nam giữa năm 1500 và 910 trước CN, hạt chia là một thành phần quan trọng trong khẩu phần của người Maya. Chúng được xem là phép màu vì khả năng tăng cường sức chịu đựng, bổ sung và duy trì năng lượng sống trong khoảng thời gian dài. Các chiến binh sử dụng hạt chia như nguồn thực phẩm chính trong suốt các cuộc chinh phạt. Ở góc độ y học, họ sử dụng chúng để xoa dịu cơn đau khớp và kích thích tiêu hóa. Người Maya quý trọng loại thực phẩm này còn hơn cả vàng bởi đặc tính chăm sóc sức khỏe vô cùng lợi hại.
Điều trị toàn diện

Đối với người Maya, sức khỏe tựu chung lại ở sự cân bằng, trong đó con người là một phần không thể thiếu trong sự vận động của vũ trụ và xã hội. Bất kì sự thiếu cân bằng nào cũng dẫn đến bệnh tật. Và để điều hòa sự mất cân bằng này, người Maya sẽ vận dụng phương thức điều trị toàn diện, trong đó tập trung vào cả khía cạnh vật chất lẫn tinh thần. Họ quan sát mối liên hệ giữa chúng.

Thầy thuốc người Maya chú trọng tìm kiếm phương pháp để cân bằng dòng h’ulel (lực sống) trong cơ thể, một khái niệm rất giống với “khí” trong y học truyền thống Trung Hoa.

Bonnie Bley đã viết trong cuốn sách “Người Maya cổ đại và thành phố Tulum” rằng: “Ch’ulel được miêu tả là bất cứ thứ gì được liên kết và hợp nhất. Hai thế giới vật chất và tinh thần ở hai cực đối diện nhau trong một thể tuần hoàn liên tục luôn được bao bọc bởi phương thuốc hỗ trợ tinh thần trong quá trình chữa trị”.

Chuyện cười trong ngày

Hố rồi

Một lái xe tìm khách sạn ở một thành phố lạ để ngủ qua đêm. Anh ta hỏi một cụ già đang đứng bên đường:
- Ông có thể chỉ đường cho tôi đến khách sạn Rex được không?
Cụ già leo lên xe. Họ đi 12 km liền. Khi đến trước một căn nhà nhỏ, cụ già nói:
- Dừng lại ở đây!
Tài xế dừng xe, nhìn ngôi nhà, ngạc nhiên:
- Nhưng đây đâu phải khách sạn Rex?
- Đây là nhà của tôi. - Cụ già trả lời - Nếu anh muốn đến khách sạn Rex thì quay lại 11 km, sau đó rẽ trái là nhìn thấy nó ngay thôi.

Thursday, June 28, 2018

Suy Niệm Trong Ngày 28-6-2018

Chuyện ngắn - Hãy học cách tha thứ

Hãy học cách tha thứ

Thầy giáo yêu cầu mỗi chúng tôi mang một túi nilông sạch và một bao tải khoai tây đến lớp. Sau đó, thầy bảo cứ hễ chúng tôi không tha thứ lỗi lầm cho người nào đó thì hãy chọn ra một củ khoai tây viết tên người đó và ngày tháng lên rồi bỏ nó vào túi nilông. Sau vài ngày, có nhiều túi trở nên vô cùng nặng.

Sau đó, thầy lại yêu cầu chúng tôi phải luôn mang cái túi theo bên mình dù đi bất cứ đâu, tối ngủ phải để túi bên cạnh, làm việc thì đặt trên bàn. Sự phiền phức khi phải mang vác cái túi khiến chúng tôi cảm nhận rõ ràng gánh nặng tinh thần mà mình đang chịu đựng. Không những thế, chúng tôi còn phải luôn để tâm đến nó, nhớ đến nó và nhiều khi đặt nó ở những chỗ chẳng tế nhị chút nào.

Qua thời gian, khoai tây bắt đầu phân huỷ thành một thứ chất lỏng nhầy nhụa. Đây thật là một ẩn dụ sinh động về cái giá mà chúng ta phải trả cho việc khư khư ôm lấy giận hờn trong lòng. Trong thâm tâm chúng ta thường cho rằng tha thứ là một món quà đối với người được tha thứ, nhưng bạn thấy đấy, đây rõ ràng là món quà cho chính chúng ta.

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

Truyện ngụ ngôn Kiến và Voi

Ngày xưa, trong một khu rừng rậm có một con Voi rất hung dữ. Gặp bất kỳ loài vật nào, Voi cũng dùng đôi ngà ghê gớm của mình húc. Voi chưa chịu thua một loài vật nào. Vì vậy, càng ngày Voi càng kiêu ngạo.

Một hôm, Voi đang nghênh ngang đi dạo thì gặp một đàn Kiến vàng bò qua đường. Cho rằng đàn Kiến bé nhỏ láo xược, Voi quát:

– Đàn Kiến ranh con kia! chúng bay không biết tao là ai hay sao mà chúng bay dám bò ngang qua đường tao đi? Tao chỉ khẽ dẫm lên lên một cái là chúng mày chết cả nút. Chúng mày không biết thân biết phận tí nào cả.

Trái với Voi nghĩ, đàn Kiến bé nhỏ đã cứng cỏi đáp lại:

– Này bác Voi, chúng tôi là những người biết mình biết người. Chúng tôi không bao giờ kiêu ngạo với ai cả. Nhưng nếu bác cậy sức muốn đánh nhau với chúng tôi thì chúng tôi cũng không sợ. Chúng tôi cũng không chịu lùi bước trước một sức mạnh nào đâu.
Nghe đàn Kiến trả lời như vậy, Voi nổi giận điên người. Voi lồng lên, định dẫm đàn Kiến chết tan xác dưới bàn chân to lớn của mình. Đàn Kiến nhỏ bé đã nhanh nhẹn tản ra, bám ngay lấy chân Voi mà leo lên lưng Voi. Đàn Kiến bảo nhau xúm cả vào hai mắt Voi mà cắn, khiến Voi không sao mở được mắt nữa. Trong khi hai mắt Voi còn cay xè thì đàn Kiến lại bảo nhau chui vào hai tai Voi mà đục thủng màng nhĩ. Voi đau buốt đến tận óc. Voi cố lấy vòi để thổi và quét đàn Kiến xuống đất nhưng không xuể vì đàn Kiến đông quá. Đàn Kiến lại chui vào vòi Voi mà đốt, mà cắn. Voi không tài nào chịu nổi, ngã lăn ra, kêu khóc, giãy giụa ầm trời. Đàn Kiến đã đi báo thêm cho nhau biết và kéo tới mỗi lúc một nhiều, xúm vào đốt Voi cho tới khi voi xin tha lỗi mới chịu buông tha.

Từ đấy, họ hàng nhà Voi bảo nhau phải tránh xa giống Kiến nhỏ bé nhưng ghê gớm. Trước khi ăn gì, họ hàng nhà Voi đều cuốn thức ăn vào vòi, giũ thật sạch, hết sức để không còn Kiến nữa rồi mới dám ăn. Và Voi cũng hết sức để ý, không bao giờ để cho Kiến leo được lên trên người mình.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

CỔNG CỦA THIÊN ĐƯỜNG.

Một người lính tên Nobushige tới gặp Hakuin, và hỏi: "Ở đó có thật sự là thiên đàng và địa ngục?"

"Anh là ai?" Hakuin dò hỏi.

"Tôi là sĩ quan," người quân nhân trả lời.

"Anh, là một người chiến sĩ!" Hakuin kêu lên. "Hạng người nào mà muốn anh trở thành người hộ vệ cho họ. Mặt của anh giống như mặt của người ăn mày."

Nobushige nổi giận vô cùng anh bắt đầu rút kiếm của mình, nhưng Hakuin nói tiếp: "Vậy là anh có một thanh kiếm! Khí giới của anh có lẽ quá cùn làm sao chém được đầu của ta."

Khi Nobushige rút kiếm của anh ra Hakuin lưu ý: "Cửa địa ngục mở ra ở đây!"

Với những lời này người quân nhân, nhận thức ra được phương pháp giáo huấn của thiền sư, tra kiếm vào trong bao và cúi chào.

"Cửa thiên đường mở ra ở đây," Hakuin nói.

Điển Hay Tích Lạ

Hồ trung thiên địa

"Hồ trung thiên địa"có nghĩa là tiên cảnh mà đạo giáo thường nói tới, hoặc chỉ nơi siêu phàm thoát tục.

Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Vân cập- nhị thập bát trị"
Tương truyền, tại một nơi cách thành đô hơn nghìn dặm có trái núi gọi là Vân Đài, đây là mảnh đất thiêng liêng của đạo giáo. Theo ghi chép của sách đạo thì Trương Đạo Lăng- người được gọi là Chính thiên nhất sư đã dẫn hơn 300 đệ tử tu hành tại đây.

Ít lâu sau, Trương Đạo Lăng cử đệ tử Trương Thân chủ trì đạo quán Vân Đài. Bấy giờ có một người tên là Thi Tồn một lòng một dạ muốn đắc đạo thành tiên. Anh ta nghe nói có Thần Tiên Hồ Công được Trương Thiên Sư cử chủ trì trên núi Vân Đài, đã không ngại vượt đường xa ngàn dặm đến học đạo với Hồ Công. Người được gọi là Thần Tiên Hồ Công này chính là Trương Thân.
Trương Thân sỡ dĩ được gọi là Thần Tiên Hồ Công, còn có một truyện kể như sau:

Một hôm, người ta tình cờ nhìn thấy Trương Thân tay cầm một hồ rượu, chỉ cần Trương Thân mở miệng niệm thần chú là trong hồ bèn hiện lên nhiều loại màu sắc khác nhau, có hình mặt trăng, mặt trời , vì sao, trời đất, núi non, hoa lá, cỏ cây, đình đài lầu các v v. Điều càng bất ngờ hơn là cứ đến ban đêm, Trương Thân lại đặt hồ trên mặt đất, sau đó niệm thần chú rồi chui vào trong hồ, hả hê tận hưởng cuộc sống thần tiên. Trương Thân gọi trời đất trong hồ là "Hồ Thiên", nên Trương Thân mới được người ta gọi là Hồ Công.
Đương nhiên, đây chỉ là truyền thuyết, nhưng câu thành ngữ "Hồ trung thiên địa" đã được lưu truyền mãi đến ngày nay.

Hiện nay, người ta thường dùng "Hồ trung thiên địa" để miêu tả về tiên cảnh mà đạo giáo vẫn nói tới, hoặc ví với nơi siêu phàm thoát tục.

Chuyện cười trong ngày

Quà Giáng Sinh

Một người vào tiệm bán đồ lưu niệm hỏi cô bán hàng trẻ trung, xinh đẹp:
- Tôi muốn mua quà Giáng sinh cho anh trai tôi. Cô có thể giúp tôi chọn thứ gì đó cho một người thành đạt, khỏe mạnh và trẻ trung không?
- Ông nghĩ gì nếu tôi giới thiệu số điện thoại của tôi?

Wednesday, June 27, 2018

Suy Niệm Trong Ngày 27-6-2018

Chuyện ngắn Suy nghĩ, tự tin, mơ ước và dám làm

Suy nghĩ, tự tin, mơ ước và dám làm

Đứa bé trai 8 tuổi bước đến gần một ông già có vẻ ngoài rất thông thái rồi ngước nhìn ông nói:

- Cháu biết ông là một người rất sáng suốt, uyên thâm. Ông hãy cho cháu biết về bí ẩn của cuộc sống.

Ông già nhìn đứa bé đáp:

- Suốt đời mình ông đã suy ngẫm rất nhiều về điều này và có thể nói gọn chỉ trong bốn chữ.

Đầu tiên là suy nghĩ. Hãy nghĩ về những giá trị mà con sống vì chúng.

Thứ hai là tự tin. Hãy tin tưởng bản thân bằng cách dựa vào những giá trị con nghĩ rằng vì chúng mà con sẽ sống.

Thứ ba là mơ ước. Mơ ước những gì có thể thành hiện thực dựa vào sự tự tin và những giá trị mà ta sẽ theo đuổi trong cuộc sống.

Và cuối cùng là dám làm. Hãy dám thực hiện để biến ước mơ thành sự thật bằng chính niềm tin và giá trị của chúng ta.

Và ông già đó chính là họa sĩ Walter E.Disney.

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

Đẽo cày giữa đường

Chuyện kể rằng có một bác nông dân rất nghèo, cả đời sống bằng nghề đồng áng, bác muốn làm một cái cày thật tốt để làm công việc đồng áng năng suất và đỡ vất vả hơn. Một hôm, bác rất vui vì đã xin được một cây gỗ tốt nhưng bác chưa làm cái cày bao giờ, bác bèn mang khúc gỗ ra ven đường ngồi đẽo và hỏi ý kiến mọi người.

Bác đẽo được một lúc thì một người đi qua chê:

– Bác đẽo thế không phải rồi, bác đẽo to quá.

Bác nông dân nghe thấy có lý bèn làm theo. Bác làm được một lúc lại có một người đi qua bảo:

– Bác đẽo thế này không cày được đâu, cái đầu cày bác làm to quá….
Bác nông dân nghe có lý hơn, bác lại chỉnh sửa theo lời khuyên, bác đẽo được một lúc lại một người đi qua nói:

– Bác đẽo thế không ổn rồi, cái cày bác làm dài quá không thuận tay.

Bác nông dân nghe lại có lý hơn, lại chỉnh sửa theo.

Và cuối cùng, hết ngày hôm đấy bác nông dân chỉ còn một khúc gỗ nhỏ, bác không còn cơ hội để đẽo cái cày theo ý mình nữa, cây gỗ quý đã thành một đống củi vụn. Bác buồn lắm nhưng cuối cùng bác đã hiểu: “Làm việc gì cũng vậy, mình phải có chính kiến của mình và kiên trì với một con đường đã chọn.”

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

TẤT CẢ MỌI THỨ ĐỀU NHẤT.

Khi Banzan đi bộ xuyên qua khu chợ ông nghe một cuộc nói chuyện giữa người hàng thịt và khách hàng của anh ta

"Đưa tôi một miếng thịt ngon nhất mà ông có," người khách hàng nói.

"Tất cả mọi thứ trong gian hàng của tôi thì là ngon nhất," người hàng thịt trả lời. "Ông không thể nào kiếm thấy bất cứ miếng thịt mà nó không là ngon nhất."

Với những lời nói đó Banzan trở lên giác ngộ.

Điển Hay Tích Lạ

Lão tiều phu hay con hạc đen

Núi Na ở thôn Quần Ngọc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Trên đỉnh núi có chùa xưa, tục danh là Tiên am. Phía tả có động thâm u. Đời nhà Trần, Hồ (1225-1407) có một tiều phu ẩn cư ở đấy. Người ta gọi là Hoàng My tiên sinh.
Một hôm Hồ Hán Thương đi săn đến đấy, bỗng gặp một lão tiều phu vừa đi vừa hát:
    Na chi sơn hữu thạch toàn ngoan
    Thụ thương thương
    Yên tịch mịch
    Thủy sàn sàn
    Triêu hề ngô xuất
    Mộ hề ngô hoàn
    Hữu y hề chế kỹ,
    Hữu bội hề nhận lan
    Thát bài thanh hề bình hiểu chướng,
    Điền hộ lục hề chẩm tình than.
    Nhậm tha triều thị
    Nhậm tha sa mã
    Tri trần bất đáo thử giang san,
    U thảo Tống triều cung kiếm
    Cổ khâu Tấn đại y quan.
    Vương Tạ phong lưu
    Triệu Tào sự nghiệp,
    Toán vãng cổ lai kim khanh tướng
    Trạch triện đài man
    Tranh như ngã trạo đầu nhất giác
    Hồng nhật tam can.
Tạm dịch: (Bản dịch của Trúc Khê)
    Núi Na đá mọc chênh vênh,
    Cây tùm um, nước long lanh khói mờ.
    Đi về hôm sớm thẩn thơ,
    Mình dư áo lá, cổ thừa chuỗi hoa.
    Non xanh bao bọc quanh nhà,
    Ruộng đem sắc biếc xa xa diễu ngoài.
    Ngựa xe võng lọng thây ai,
    Nước non riêng chiếm, bụi đời khôn vương.
    Áo đai đời Tấn gò hoang,
    Kiếm cung triều Tống dưới làn cỏ xanh
    Sự đời bao xiết mong manh,
    Phong lưu Vương, Tạ, công danh Triệu, Tào
    Từ xưa khanh tướng ngôi cao,
    Đá mờ rêu phủ đã bao nhiêu rồi.
    Sao bằng ta được thảnh thơi,
    Giấc mai bừng tỉnh, mặt trời lưng không.
Hán Thương nghe hát cho đó là một vị ẩn giả, bèn truyền thị thần đi theo vào động. Thấy trên vách đá có đề hai khúc ca "Ái miên" (Thích ngủ) và khúc "Ái kỳ" (Thích đánh cờ), thị thần xin mời tiều phu về triều.
Tiều phu không bằng lòng nói:
- Nghiêm Tử Lăng không lấy chức Gián nghị ở Đông Đô mà đổi cái thú yên ba sông Đồng Lại. Khương Bá Duy không vì họa đồ của Thiên tử mà làm nhơ cái cảnh sơn thủy Bành Thành.
Sứ thần về tâu lại, nhưng Hán Thương bảo đi mời một lần nữa, mang theo một cỗ an xa, quyết mời cho kỳ được. Nhưng đến nơi chỉ thấy cửa động rêu mọc phủ cả, gai góc lấp mất đường đi, trên vách đá có hai câu thơ đề bằng nhựa cây:
    Kỳ La hải khẩu ngâm hồn đoạn,
    Cao Vọng đầu khách tứ sầu
Nghĩa:
    Cửa biển Kỳ La hồn sẽ dứt,
    Đầu non Cao Vọng khách đeo sầu.
Sứ thần về kể lại; Hán Thương nổi giận, khiến người đến đốt núi ấy. Chỉ thấy một con hạc đen từ trong núi bay bổng lên, liệng múa giữa không trung, mà không thấy giấu tích tiều phu đâu cả.
Về sau, hai cha con họ Hồ là Quý Ly và Hán Thương đều bị xảy ra tai họa đúng như hai câu thơ báo trước của lão tiều phu.

Chuyện cười trong ngày

Chuyện du lịch..

Một vị khách ập vào văn phòng viên quản lý khách sạn:
- Tại sao anh không đánh thức tôi dậy? Tối qua tôi đã dặn đi dặn lại rằng nhớ kêu tôi đúng 4 giờ 30. Vì anh mà tôi đã lỡ tàu!
- Thật đáng tiếc, thưa ngài, tôi luôn sẵn lòng đánh thức ngài dậy, nhưng đêm qua ngài đi chơi mãi tận 5 giờ sáng mới trở về phòng...

Tuesday, June 26, 2018

Suy Niệm Trong Ngày 26-6-2018

Chuyện ngắn Bài thuyết giảng

Bài thuyết giảng

Tại một ngôi làng nhỏ, có một vị giáo sư thường đến nói chuyện về cuộc sống, về cộng đồng vào mỗi ngày chủ nhật. Ngoài ra, ông còn tổ chức nhiều hoạt động cho những cậu bé trong làng cùng chơi.

Nhưng đến một ngày chủ nhật nọ, một cậu bé, vốn rất chăm đến nghe nói chuyện bỗng nhiên không đến nữa. Nghe nói cậu ta không muốn nghe những bài nói chuyện tầm xàm và cũng chẳng muốn chơi với những cô cậu bé khác nữa.

Sau hai tuần, vị giáo sư quyết định đến thăm nhà cậu bé. Cậu bé đang ở nhà một mình, ngồi trước bếp lửa.

Đoán được lý do chuyến viếng thăm, cậu bé mời vị giáo sư vào nhà và lấy cho ông một chiếc ghế ngồi bên bếp lửa cho ấm.

Vị giáo sư ngồi xuống nhưng vẫn không nói gì. Trong im lặng, hai người cùng ngồi nhìn những ngọn lửa nhảy múa.

Sau vài phút, vị giáo sư lấy cái kẹp, cẩn thận nhặt một mẩu than hồng đang cháy sáng ra và đặt riêng nó sang bên cạnh lò sưởi.

Rồi ông ngồi lại xuống ghế, vẫn im lặng. Cậu bé cũng im lặng quan sát mọi việc.

Cục than đơn lẻ cháy nhỏ dần, cuối cùng cháy thêm được một vài giây nữa rồi tắt hẳn, không còn đốm lửa nào nữa. Nó trở nên lạnh lẽo và không còn sức sống.

Vị giáo sư nhìn đồng hồ và nhận ra đã đến giờ ông phải đến thăm một người khác. Ông chậm rãi đứng dậy, nhặt cục than lạnh lẽo và đặt lại vào giữa bếp lửa. Ngay lập tức, nó lại bắt đầu cháy, tỏa sáng, lại một lần nữa với ánh sáng và hơi ấm của những cục than xung quanh nó.

Khi vị giáo sư đi ra cửa, cậu bé chủ nhà nắm tay ông và nói:

- Cảm ơn bác đã đến thăm, và đặc biệt cảm ơn bài nói chuyện của bác. Tuần sau cháu sẽ lại đến chỗ bác cùng mọi người.

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

Lợn đi chợ

Ông chủ lùa một con Lợn béo, một con Dê và một con Cừu lên xe ngựa mang ra chợ. Người trong thôn thấy vậy liền hỏi:

– Ông định mang chúng ra chợ bán à?
Ông ta đáp:
– Không, tôi không định bán chúng. Tôi chỉ đem chúng đi cho chúng biết đây biết đó thôi.

Ông chủ còn nói với người trong thôn rằng, ở chợ có gánh xiếc rong biểu diễn ảo thuật. Thế nhưng Lợn ỉn không tin những gì ông chủ nói. Nó nghĩ, ngày tận số của nó đã đến.

Trên đường đi, Lợn ỉn kêu gào như thể có một trăm người đồ tể đang đuổi theo đòi giết nó. Tiếng gào thét của nó làm cho người ta không chịu nổi. Còn Dê và Cừu thì lại rất bình thản, đối với chúng, việc này chẳng có gì phải lấy làm lạ, cũng không thể nào là tai hoạ sắp giáng xuống đầu. Chúng không thể hiểu nổi tại sao Lợn lại phải ra sức kêu cứu như thế.
Ông chủ cau mày, bảo Lợn ỉn:
– Mày không ngồi im một lúc được à? Làm ồn khiến bọn ta ong hết cả đầu. Mày thử nhìn con Dê hiền lành mà xem, ít nhất thì nó cũng biết yên lặng nghỉ ngơi. Rồi trông Cừu mà xem, nó thật biết nghe lời, mày đã nghe thấy nó kêu tiếng nào chưa?
– Chúng đều là lũ ngốc, còn tôi không thế. – Lợn ỉn lập tức đáp lại. – Nếu chúng biết rằng chúng sắp gặp tai hoạ thì chúng chắc chắn còn kêu to hơn tôi. Cho dù là một kẻ hiền lành thế nào cũng sẽ ra sức kêu cứu, thậm chí còn kêu rách cả họng ấy chứ. Không đúng thế thì tôi cứ là thành món ăn trên bàn ngay. Ôi, gia đình thân yêu của tôi.
Nói xong, Lợn lại tiếp tục gào lên kêu cứu.

Lời bàn:
Khi tai hoạ tới, sợ hãi và than thân trách phận cũng không thể thay đổi được thực tế. Cách tốt nhất là cố gắng thay đổi vận mệnh của mình ngay từ đầu.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

SỰ ĐẾN.

Trên đường tới thăm viếng bờ biển miền đông, Suzuki Roshi đã tới địa điểm hội nghị của Cambridge Buddhist Society thấy được mọi người dọn dẹp kỹ càng ở phía trong để chuẩn bị cho ngày thăm viếng của ông ta. Họ đã ngạc nhiên nhận ra ông, bởi vì ông đã viết thư rằng ông sẽ tới vào ngày sau đó. Ông sắn tay áo của ông lên và cứ nhất định đòi gia nhập sự chuẩn bị "cho một ngày đến rất quan trọng của tôi."

Chuyện cười trong ngày

Khách sạn lớn nhất

Một khách du lịch hỏi một người dân ở Tel Aviv:
- Khách sạn nào lớn nhất ở đây?
- Nghị viện. Mỗi ngày có 2.000 dân biểu tới ngủ ở đó!

Monday, June 25, 2018

Suy Niệm Trong Ngày 25-6-2018

Chuyện ngắn Lòng mẹ

Lòng mẹ

Vào một đêm Giáng sinh, một thiếu phụ mang thai lần bước đến nhà một người bạn nhờ giúp đỡ. Con đường ngắn dẫn đến nhà người bạn có một con mương sâu với cây cầu bắc ngang. Người thiếu phụ trẻ bỗng trượt chân chúi về phía trước, cơn đau đẻ quặn lên trong chị. Chị hiểu rằng mình không thể đi xa hơn được nữa. Chị bò phía bên dưới cầu.

Ðơn độc giữa những chân cầu, chị đã sinh ra một bé trai. Không có gì ngoài những chiếc áo bông dày đang mặc, chị lần lượt gỡ bỏ áo quần và quấn quanh mình đứa con bé xíu vòng từng vòng giống như một cái kén. Thế rồi tìm thấy được một miếng bao tải, chị trùm vào người và kiệt sức bên cạnh con.

Sáng hôm sau, một người phụ nữ lái xe đến gần chiếc cầu, chiếc xe bỗng chết máy. Bước ra khỏi xe và băng qua cầu, bà nghe một tiếng khóc yếu ớt bên dưới. Bà chui xuống cầu để tìm. Nơi đó bà nhìn thấy một đứa bé nhỏ xíu đói lả nhưng vẫn còn ấm, còn người mẹ đã chết cóng.

Bà đem đứa bé về và nuôi dưỡng. Khi lớn lên, cậu bé thường hay đòi mẹ nuôi kể lại câu chuyện đã tìm thấy mình. Vào một ngày lễ Giáng sinh, đó là sinh nhật lần thứ 12, cậu bé nhờ mẹ nuôi đưa đến mộ người mẹ tội nghiệp. Khi đến nơi, cậu bảo mẹ nuôi đợi ở xa trong lúc cậu cầu nguyện. Cậu bé đứng cạnh ngôi mộ, cúi đầu và khóc. Thế rồi cậu bắt đầu cởi quần áo. Bà mẹ nuôi đứng nhìn sững sờ khi cậu bé lần lượt cởi bỏ tất cả và đặt lên mộ mẹ mình.

"Chắc là cậu sẽ không cởi bỏ tất cả - bà mẹ nuôi nghĩ - Cậu sẽ lạnh cóng!". Song cậu bé đã tháo bỏ tất cả và đứng run rẩy. Bà mẹ nuôi đến bên cạnh và bảo cậu bé mặc đồ trở lại. Bà nghe cậu bé gọi người mẹ mà cậu chưa bao giờ biết: "Mẹ đã lạnh hơn con lúc này, phải không mẹ?". Và cậu bé òa khóc.

Truyện này do bạn Dang Hoang (Email: danghoang@operamail.com) gởi đến Xitrum.net

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

Con lừa và người chủ

Một con lừa đang được chủ dong đi trên đường ở triền núi, bỗng dưng nó nảy ra ý nghĩ ngu ngốc là phải chọn lấy con đường đi cho riêng mình. Nó nhìn thấy chuồng của nó ở dưới chân núi, và nó nghĩ lối gần nhất chỉ ở dưới bờ vách đá dựng đứng ngay cạnh đó. Ngay lúc nó sắp sửa nhảy xuống vách đá, người chủ thấy được tóm lấy đuôi nó và cố kéo nó lại, nhưng con lừa bướng bỉnh nhất quyết không chịu và dùng tất cả sức mạnh của nó để bứt ra lao xuống.
“Tốt lắm,” chủ lừa nói, “cho mày đi luôn, đồ súc sinh ngoan cố, để xem mày sẽ đi được đến đâu.”
Thế là anh ta buông nó ra, con lừa ngu ngốc rõi lộn cổ xuống vách đá bên sườn núi
Những người không chịu lắng nghe điều hay lẽ phải mà cứ ngoan cố làm theo ý mình sẽ phải chuốc lấy tai họa

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

KẺ CẮP

Vào thế kỷ 12 vị thiền sư Geshe Ben đã nổi tiếng về tánh hào hiệp và tánh liêm chính.

Một lần, trong lúc đi khất thực, một gia đình Phật tử mộ đạo đã thỉnh Ngài tới nhà của họ để cúng dường trai tăng. Ngài rất đói bụng thấy rằng Ngài đã khó khăn chờ đợi trong khi vị gia chủ đang ở một nơi nào đó chuẩn bị bữa ăn. Với sự kinh ngạc hoàn toàn của ông thấy chính ông đã ăn cắp thực phẩm trong hũ khi không ai nhìn thấy. Geshe Ben một cách bất ngờ la lớn lên "Kẻ cắp!Kẻ cắp! Ta đã bắt được quả tang."

Vị gia chủ của ông chạy nhanh vào phòng thấy ông đang mắng nhiết chính ông và đe dọa bàn tay của ông sẽ bị chặt bỏ nếu mà hành động như thế lần nữa.

Triết lý nhân sinh sâu sắc đằng sau văn hóa trà đạo của người Nhật

Tri thức

Triết lý nhân sinh sâu sắc đằng sau văn hóa trà đạo của người Nhật

Hiện nay nhiều người hiểu đơn giản “Trà đạo Nhật Bản” là cách uống trà truyền thống của người Nhật. Tuy nhiên trên thực tế, trong trà đạo lại ẩn chứa rất nhiều triết lý uyên thâm về đời sống nhân sinh của con người.
Trà đạo có nguồn gốc từ đất nước Trung Hoa. Có thể nói, đây là quốc gia châu Á có nền văn minh lớn ảnh hưởng đến cả khu vực cũng như trên thế giới. Vào thế kỉ thứ VI, tri thức về các loại trà và sản xuất trà truyền từ Trung Quốc sang Nhật Bản cùng với mỹ thuật và Phật giáo.

Do được phổ biến theo chân các nhà sư nên trà đạo Nhật Bản mang đậm phong cách của Thiền. Có thể kể đến nhà sư Murata Juko, người đã tìm thấy vẻ đẹp giản dị trong văn hóa uống trà, ông coi trọng cuộc sống tinh thần và yêu cái đẹp “wabi” và “sabi” – vẻ đẹp giản dị, thanh sạch không vướng bụi trần, được xem là tinh thần chủ yếu trong việc thưởng trà.
Đối với uống trà thông thường, người thưởng thức trà có thể là người pha trà hoặc không. Người pha trà là chủ thể chính, người thưởng thức trà có thể là một hoặc nhiều người. Còn đối với nghi thức Trà đạo Nhật Bản, việc pha trà và uống trà là hai phần không thể tách rời. Người quan trọng nhất trong một nghi thức trà đạo là người thực hiện việc pha trà. Các thao tác của người pha trà thể hiện được cái tâm của họ. Người uống trà chỉ là chủ thể phụ của một nghi thức Trà đạo, hoà cùng chủ thể chính.
Việc uống trà thông thường là nhằm thưởng thức trà ngon, ngắm cảnh và đàm đạo. Trong khi đó, đối với Trà đạo Nhật Bản, hương vị của trà không đóng vai trò chính. Chỉ có một loại trà duy nhất dùng cho nghi thức này là bột trà xanh matcha. Đây là loại trà có vị đắng, và ở dạng bột.

Vị đắng của trà rất phù hợp với tôn chỉ tránh xa sự xa hoa của Thiền, sẽ hỗ trợ cho việc tập trung suy ngẫm của người thưởng trà. Cả người pha trà và người uống trà đều không quan tâm đến hương vị của trà, cái mà họ tập trung vào chính là các thao tác. Sự tĩnh lặng giúp cho họ tập trung vào chỉ vấn đề họ đang quan tâm, và các thao tác này sẽ giúp họ lý giải được nó.

Có câu: “Trà dư tửu hậu”. Văn hóa uống trà thông thường tập trung vào việc bàn luận và ngắm cảnh mà bỏ qua sự cầu kỳ trong cách thức và quá trình pha, việc uống trà cũng kéo dài theo câu chuyện giữa những người thưởng trà, quá trình pha trà của nghi thức Trà đạo Nhật Bản được thực hiện từ từ, kéo dài thời gian. 

Việc pha trà được thực hiện với nhiều quy chuẩn, bao gồm: nước pha trà, làm ấm dụng cụ, pha trà, rót trà rồi uống trà. Trong khi đó việc uống trà thì thực hiện rất nhanh chóng, nhất là lần uống cuối cùng trong ba lần uống trà phải thật nhanh và kêu thật to. Việc này phản ánh sự tập trung cao độ của các chủ thể, không còn chú ý xung quanh nữa.
Trà đạo không chỉ đơn thuần là phép tắc uống trà, mà còn là một phương tiện hữu hiệu nhằm làm trong sạch tâm hồn bằng cách hòa mình với thiên nhiên, từ đó tu tâm dưỡng tính.

Bốn nguyên tắc cơ bản của Trà đạo bao gồm Hòa – Kính – Thanh – Tịch

Hòa có cội nguồn từ Khổng giáo, là đức của con người và cuộc đời. Hòa nghĩa là hòa thuận, hài hòa, hòa bình, hòa hợp, hòa đồng…, tuy nhiên quan niệm về hòa của trà đạo nhấn mạnh một số nét riêng.

Hòa đòi hỏi mọi người trong trà thất tự chuẩn bị cho mình một tâm thế hài hòa với khung cảnh, kiềm chế lòng vị kỷ và sự nóng giận, làm sao cho tư duy và hành xử của mình hòa hợp với mọi người.
Chữ hòa của trà đạo đề cao tính trang trọng và nét thanh bần vốn là tinh chất của cuộc đời bình dị, nhờ vậy tạo nên được khoảnh khắc tách biệt hẳn cuộc sống xô bồ hiện hữu bên ngoài.

Kính là lòng kính trọng, sự tôn kính của trà nhân với mọi sự vật và con người, là sự tri ân cuộc sống. Lòng kính trọng được nảy sinh khi tinh thần của trà nhân vươn tới sự hài hòa hoàn toàn.
Trong quan hệ xã hội, kính đòi hỏi con người trân trọng người khác, không nuôi ác ý, tà tâm đối với đồng loại, cố gắng vượt qua mọi toan tính ganh đua. Mỗi lần tiếp khách là mỗi lần chủ nhân phải tự coi như đây là cơ hội duy nhất trong đời có được vinh dự này.

Còn khách, khi đón nhận chén trà từ tay cung kính của chủ nhân, hãy xoay chiếc chén đúng một vòng trong đôi bàn tay khum lại của mình. Cử chỉ này không chỉ tỏ lòng kính trọng chủ nhân mà là tôn kính cả chiếc chén đang cầm.

Thanh là một nét đẹp rất đặc trưng trong lối sống của người Nhật, bắt nguồn từ ảnh hưởng của Thần đạo.
Trà thất trông thô sơ, thanh bần vậy mà cực kỳ sạch sẽ. Khi tiến hành lễ thức trà, tuyệt nhiên không thể tìm thấy ở đâu trong trà thất hay mọi vật dụng một hạt bụi. Hơn thế, còn phải đốt trầm thơm xông gian phòng cho thanh khiết trước khi rước khách vào.

Chữ thanh này còn mang hàm nghĩa người đời ai cũng phải trải qua thời khắc cuối cùng để đi vào một thế giới khác, muốn vào được chốn tinh khiết vĩnh hằng, thì con người phải đạt đến nội tâm thanh tịnh, gột sạch được bụi trần.

Tịch không chỉ là cảnh tịch mịch nơi trà thất. Khách cũng phải cùng tạo nên môi trường ấy. Không ai nói to trong trà thất. Không ai ngỏ lời khi một bạn đang thưởng thức chén trà. Mọi cử chỉ đều có sự cân nhắc.
Tịch của trà đạo không chỉ là sự thể hiện trong khoảnh khắc ngắn ngủi tại một nơi gặp gỡ tạm thời mà là ước muốn tạo nên một cuộc sống luôn yên tĩnh, thanh bình. Nó thể hiện quan niệm Phật giáo về Niết bàn.

Đại trà sư Rikyiu nói rõ điểm này: “Lễ thức trà trước hết phải tiến hành cho đúng lời Phật dạy. Vui thích vì được sống trong dinh thự cao sang hay thường xuyên thưởng thức của ngon vật lạ, những chuyện ấy đều thuộc về cuộc sống trần tục.

Mọi nơi ở đều tốt, chỉ cần có được một tấm mái che nắng mưa, không bị gió thổi bay; mọi thức ăn đều là đủ nếu nó giúp con người không phải chết đói. Môn đồ trà đạo gom mấy khúc củi và đun sôi nước. Rồi dâng cúng Phật, sau đó mời bạn bè và mình là người thưởng thức sau cùng. Trước đó, hãy bày mấy cành hoa và đốt lên mấy mảnh trầm hương…”.
Như vậy, với mục đích tĩnh tâm, tu dưỡng tâm tính, người Nhật Bản đã hoà hợp con người mình với thiên nhiên thông qua việc thực hiện nghi thức Trà đạo. Nghi thức này có bản chất nghiêng về tinh thần, mang tính linh thiêng, thể hiện rõ hình ảnh và triết lý Thiền. Vì được hình thành dựa trên triết lý Thiền, nên thật ra nghi thức Trà đạo Nhật Bản nhằm thể hiện các triết lý Phật giáo Thiền tông.

Theo đó, để lý giải được những thắc mắc, con người phải hoà tâm trí mình vào tự nhiên – nói cách khác là để tiểu vũ trụ hoà vào đại vũ trụ – bằng cách tĩnh lặng tâm trí, không bị chi phối bởi bên ngoài.

Người dân Nhật Bản đã thực hiện triết lý trên thông qua nhiều phương cách khác nhau, trong đó có việc thực hiện nghi thức Trà đạo Nhật Bản. Vậy nên ý nghĩa đích thực của “Trà đạo” trong văn hoá Nhật Bản nên được hiểu là “hoà hợp con người với thiên nhiên qua thao tác pha và uống trà”.
nguồn: Internet

Chuyện cười trong ngày

Sống hết cuộc đời

Một khách du lịch đến gặp cụ già râu tóc bạc phơ đang ngồi dưới bóng cây trắc bá và hỏi:
- Xin lỗi! Cụ đã sống hết cuộc đời trong làng này phải không ạ?
- Cho đến bây giờ cuộc đời tôi đâu đã hết!



Sunday, June 24, 2018

Suy Niệm Trong Ngày 24-6-2018

Chuyện ngắn Một thế giới không phải của người lớn

Một thế giới không phải của người lớn

Chồng tôi sắp đưa một đoàn tạp kĩ đi lưu diễn ở tỉnh. Đang là kì nghỉ hè nên chúng tôi quyết định dắt hai đứa con bé bỏng đi theo: bé Su lên 8 và bé Mi lên 3. Đêm trước ngày trở về sau một tuần lưu diễn, chồng tôi hỏi bé Mi: " Con thích được về nhà hay thích đi du lịch?". Không lưỡng lự, bé trả lời ngay: "Đương nhiên là được trở về nhà rồi bố ạ!"

- Vậy lần sau đi bố mẹ không dắt con theo nữa.

- Nhưng bố ơi nếu không có bố dắt con đi làm sao con về được nhà?"

Cuộc sống cũng thế, không có rạn vỡ sẽ không có hàn gắn, những ai chưa từng xa nhà sẽ không cảm nhận được trọn vẹn niềm hạnh phúc trọn vẹn khi được quay về tổ ấm.

Hai ngày trước đây, bé Mi bị ngã nhưng không hề khóc lóc. Bây giờ nó rất đau vì cánh tay trái không nhấc lên được. Không nghĩ mọi chuyện lại trầm trọng đến như vậy nên tôi rất khổ tâm và cảm thấy mình có một phần trách nhiệm. Song bé Mi đã làm tôi ngạc nhiên bởi khám phá của nó: "Mẹ ơi, bây giờ con đã biết bên trái là bên nào rồi!"

Trước khi ngã, bé không phân biệt được bên trái, bên phải. Còn bây giờ, mọi chuyện hết sức đơn giản - bên bị đau là bên trái.

Có một lần bé Mi lặng lẽ chơi dưới chân tôi khi tôi làm việc. Thình lình bé áp đầu vào chân tôi rồi thỏ thẻ: "Mẹ ơi, con yêu bàn chân mẹ!" 

- Con nói sao? - tôi ngạc nhiên hỏi.

- Con yêu bàn chân mẹ!" - bé lặp lại.

Tôi ngừng làm việc và cảm thấy thật xúc động. Ngày trẻ tôi đã từng được yêu bởi đôi má hồng, được khen bởi giọng nói đầm ấm, truyền cảm và được ngưỡng mộ bởi những truyện ngắn tôi viết. Nhưng có ai yêu tôi hơn đứa con bé bỏng đang âu yếm ôm lấy bàn chân tôi? Bé yêu bàn chân tôi đơn giản chỉ vì đó là một phần của bản thân tôi, phần mà chẳng ai, ngay cả tôi để ý đến.

Bé Mi chưa đi học lớp 1 nhưng rất thích viết, dù nó thực ra luôn vấy mực tèm lem trên giấy. Một ngày nọ, cô em tôi đến chơi và thấy bé Mi đang tập viết: 

- Ái chà! Viết cũng đẹp đấy chứ! Nhưng cố thêm một chút nữa thì cháu sẽ giỏi hơn các bạn trong lớp đó. 

Tôi ậm ừ, biết là bé Mi sẽ không thích như vậy. Quả thật, bé gào lên hết sức bực bội: 

- Con chẳng thèm hơn mấy bạn đâu.

- Vậy cháu luyện viết để làm gì?

- Chỉ vì cháu thích viết thôi. Cháu không cần biết cháu có hơn ai hay không?

Người ta cần có tham vọng để thúc đẩy mình thành công, nhưng người ta cần có một trái tim vị tha không đạp lên người khác để đi tới.

Khi chúng tôi chuẩn bị đi nghỉ mát , bé Mi ra sức nhồi nhét tất cả búp bê nhỏ, cũ mới của nó vào túi du lịch.

- Không thể mang hết đâu con ạ - tôi nói với nó - con chỉ nên chọn con nào thích nhất để mang theo thôi. 

Nó xem xét kĩ càng từng con từng con một. Những con chúng tôi mua cho nó thì rất đẹp và đắt tiền, còn những con của bé tặng sau khi chúng nó đã chơi chán thì hết sức cũ nát và bẩn thỉu. Một lúc sau, bé tuyên bố: 

- Con nào con cũng thích hết!

- Con không thể thích hết được - tôi cương quyết - Hãy chọn con nào con thích nhất đi!

- Con thích hết mà - giọng nói khăng khăng của bé cho tôi biết là không thể làm thêm gì nữa hết. Bé thích tất cả những con búp bê đang có và...Chấm hết!

Việc phân biệt xấu đẹp, đắt rẻ chỉ tồn tại trong thế giới của người lớn. Còn với trẻ em, giá trị và vẻ bên ngoài của một vật chẳng là gì cả so với vị trí của chính món đồ đó trong lòng chúng. 

Tuần trước là một chuỗi ngày mưa lạnh, tôi về ăn trưa trễ. Mọi người trong nhà đã ăn xong, bé Mi quấn lấy tôi và đòi một miếng thịt hầm. Khi tôi đút cho bé một miếng , bé hồ hởi la lên:" Mẹ ơi, đôi đũa của mẹ ấm quá". Ngơ ngẩn một lúc, tôi mới hiểu bé nói gì. Trời lạnh nên tôi phải hâm lại thức ăn và khi dùng đũa gắp chúng ra đĩa, tôi đã làm đôi đũa của mình ấm dần lên.

Người ta thường xuýt xoa khen những bàn tiệc ngồn ngộn thức ăn và rượu ngon. Chỉ có đưa con gái ba tuổi của tôi là cảm thấy thích thú vì chút hơi ấm toát ra từ đôi đũa của mẹ trong một ngày giá lạnh. Trong đời mình, chúng ta đã bao lần bỏ lỡ cơ hội tận hưởng những cảm giác bình dị nhưng hết sức tuyệt vời đó?

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

Bụng và các bộ phận khác của cơ thể

Vào một ngày đẹp trời, các bộ phận của cơ thể bỗng nghĩ ra rằng chúng phải làm tất cả mọi việc trong khi cái bụng chẳng làm gi mà lại được ăn hết mọi thứ.

Vì vậy, chúng tổ chức một buổi họp, và sau một hồi bàn luận, liền quyết định đình công cho đến khi nào bụng cũng phải chịu gánh một phần công việc.

Thế là khoảng một hai ngày sau, tay từ chối không lấy thức ăn nữa, miệng không chịu mở ra cho thức ăn vào, và răng chẳng có gì để nhai.
Thế nhưng vài ngày sau nữa, các bộ phận cơ thể bỗng thấy mình không còn mạnh mẽ: Tay không cử động nổi, miệng khô ran, chân không đứng nổi.

Vì thế chúng mới nghĩ ra rằng cái bụng tuy âm thầm nhưng lại làm các việc rất cần thiết cho cả cơ thể và mọi bộ phận đều phải làm việc cùng với nhau không thì cơ thể mới tồn tại khỏe mạnh được.

Lời bàn: Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết