Sunday, October 31, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Bí quyết để thành công

 Bí quyết để thành công 


Cậu con trai ngồi ngủ gật suốt trên đường đi mặc cho người cha lầm lũi đánh xe trên con đường gồ ghề sỏi đá. Đang đi người cha bỗng nhìn thấy trên đường có một chiếc móng sắt bịt chân ngựa ai đó đánh rơi. Người cha lay Kumar dậy và bảo hãy nhảy xuống nhặt chiếc móng kia lên, mang ra chợ bán nhưng Kumar mặc dù nghe thấy nhưng lười biếng cứ ngồi im giả vờ ngủ gật
Người cha lại lay cậu con trai lần nữa, nhớ ra Kumar rất thích ăn quả anh đào, ông nói: “Nhảy xuống nhặt đi con, tới chợ cha bán nó đi rồi mua quả anh đào cho con ăn” nhưng cậu bé Kumar vẫn không nhúc nhích, mắt vẫn nhắm nghiền giả vờ ngủ. Tiếc của, người cha đành hãm xe ngựa lại và nhảy xuống nhặt chiếc móng sắt lên.

Đến chợ, sau khi bán hết rau, người cha đến chỗ nhà rèn sắt và bán chiếc móng ngựa được 100 đồng, ông mua một túi quả anh đào và cất đi. Trên đường về nhìn thấy túi quả anh đào ngon lành treo trước xe, mặc dù thèm lắm nhưng cậu bé Kumar không dám xin cha vì đã lười biếng. Người cha muốn dạy cho con trai mình bài học về sự lười biếng nên ngồi im lặng, phớt lờ sự thèm thuồng của cậu con trai, ông giả vờ đánh rơi một quả anh đào xuống đường.

Chẳng cần phải để cha thúc giục hay nói gì, Kumar ngay lập tức nhảy ngay xuống xe, nhặt quả anh đào nhai ngấu nghiến rồi lại đuổi theo xe và nhảy lên. Cứ thế, cậu bé vừa nhảy lên xe ngồi chưa ấm chỗ, người cha lại giả vờ đánh rơi một quả anh đào, Kumar lại nhảy xuống, người cha cũng vẫn đánh xe đi bình thường, không chờ.

Và Kumar lần nào cũng phải đuổi theo xe để nhảy lên. Vừa đúng đến nhà thì hết túi quả anh đào mấy chục quả, Kumar thì mặt mũi phờ phạc vì ăn được một quả anh đào lại phải chạy theo xe thở dốc rồi lại nhảy lên, nhảy xuống.
Người cha hỏi: “Con có mệt không?”, Kumar gật đầu vì không còn sức để trả lời, người cha nói: “Vậy con thích nhảy xuống một lần rồi nhảy lên ngay hay vài chục lần và chạy đuổi theo xe?”, Kumar cúi đầu hiểu ra: “Dạ con đã hiểu thưa cha, từ giờ con sẽ không để sự lười biếng theo mình nữa ạ”.

Cổ Học Tinh Hoa - Chữ tín

 CHỮ TÍN


I. CÁI ĐỈNH
Nước Lỗ có một cái đỉnh rất quý. Nước Tề bắt phải đem dâng. Vua Lỗ tiếc lắm, cho làm một cái đỉnh giả đưa sang.

Vua Tề bảo:
Phải có Nhạc Chính Tử đem đỉnh sang nói, thì ta mới tin.

Vua Lỗ cho gọi Nhạc Chính Tử đến, bảo đi.
Nhạc Tử Chính hỏi:
Sao không đưa đỉnh thật?
Vua Lỗ nói:
Ta quý cái đỉnh ấy lắm.

Nhạc Tử Chính thưa:
Nhà vua quý cái đỉnh ấy thế nào thì tôi quý cái đức “Tín” của tôi như thế.
Sau đó vua Lỗ phải đưa đỉnh thật Nhạc Chính Tử mới chịu đi.

II. THANH GƯƠM 

Quý Trát là con vua nước Ngô đi du lịch các nước.
Khi qua nước Từ vào thăm vua Từ.
Vua Từ thấy Quý Trát có thanh gươm báu, muốn xin mà chưa dám nói
Quý Trát trong bụng cũng định cho mà chưa dâng được, vì cuộc du lịch chưa xong.
Khi ở nước Tần về, thì vua Từ đã mất rồi.
Quý Trát không biết làm thế nào, đành phải đem gươm đến treo chỗ gốc cây bên mộ vua Từ, rồi trở về.
GIẢI NGHĨA

Nhạc Chính Tử: người nước Lỗ thời Xuân Thu học trò thầy Tăng Tử
Quý Trát: con út vua Ngô, một bậc danh nhân thời Xuân Thu
LỜI BÀN

Nhạc Chính Tử không chịu đem cái đỉnh giả. Quý Trát không chịu về không cho gươm, đều là những người biết trọng chữ “Tín” cả. Giá không nói là thật đã quý, mới hứa trong bụng mà cố làm cho được lại quý hơn nữa. Ôi! Xưa nay chữ tín có giá biết ngần nào! Chữ tín liệt rõ trong ngũ thường, người ở đời giao thiệp cốt lấy chữ tín làm chủ. Cho nên cổ nhân có những câu như: “Nhân vô tín bất lập”(Khổng Tử) nghĩa là không có tín thì không đứng được ở đời. “Tín vi quốc chi bảo”(Tấn Văn Công) nghĩa là tín là cái báu của cả nước.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Thiền Của Phật



Phật nói : “ Ta xem những nơi các vua vá các nhà cầm quyền cai trị như là những hạt bụi. Ta xem những kho vàng và châu ngọc như những viên gạch và những viên sỏi. Ta nhìn những chiếc áo lụa tốt đẹp nhất như những mảnh vải rách tả tơi. Ta thấy vô số thế giới của vũ trụ này nhỏ như những hạt trái cây, và chiếc hồ lớn nhất ở Ấn Ðộ như một giọt dầu trên chân ta. Ta biết những giáo lý của thế gian là những ảo thuật của những tên phù thủy. Ta thấy rõ tư tưởng cao siêu của sự giải thoát như là một miếng nhung vàng trong giấc mộng, và thấy thánh đạo của những kẻ thông sáng như những đóa hoa xuất hiện trước mắt một người. Ta xem sự thiền định như là một cột trụ trên núi cao và Niết bàn là một cơn mộng du giữa ban ngày.

Ta xem những lời phán quyết về đúng và sai như là sự uốn mình nhảy múa của một con rồng, và sự lên xuống của đức tin là dấu vết của bốn mùa để lại.”

Truyện cười trong ngày

 Viên cuối cùng


Peter gia nhập quân đội lúc 18 tuổi, nhưng dù huấn luyện thế nào, cậu ta cũng không thể bắn súng trúng đích. Một hôm, trong một buổi tập, Peter nhắm mục tiêu bắn 9 lần, nhưng đều không trúng. Viên sĩ quan thất vọng nói:

- Peter, anh thật là vô vọng! Thôi đừng bắn phí viên đạn cuối cùng nữa. Đi ra sau tường kia và dùng viên đạn đó mà tự bắn vào mình.

- Peter xấu hổ quá. Anh đi ra sau tường. Một vài giây sau, viên sĩ quan và các tay lính trẻ nghe thấy một tiếng súng.

- Trời ơi, thằng đần độn ấy tự bắn vào mình thật à?, Viên sĩ quan thốt lên.

- Ông lo lắng chạy ra phía sau tường, nhưng không như ông nghĩ, Peter chẳng làm sao cả.

- Peter sợ sệt nói: Xin lỗi, tôi lại bắn trược..

Saturday, October 30, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Đi tìm hạnh phúc

 Đi Tìm Hạnh Phúc


Có một người đàn ông vô cùng giàu có. Hễ thứ gì có thể dùng tiền mua được là ông mua về để hưởng thụ. Tuy nhiên, bản thân ông lại cảm thấy không vui, không hề hạnh phúc.

Một hôm, ông nghĩ ra một ý tưởng, ông đem tất cả những đồ vật quý giá, vàng bạc, châu báu cho vào một cái bao lớn rồi đi chu du. Ông quyết định chỉ cần có người nói cho ông làm thế nào để hạnh phúc thì ông sẽ tặng cả bao của cải cho người đó.

Ông đi đến đâu cũng tìm và hỏi, rồi đến một ngôi làng nọ có một người nông dân nói với ông rằng ông nên đến gặp một vị Đại sư, nếu như Đại sư cũng không có cách nào giúp ông thì dù có đi khắp chân trời góc bể cũng không ai có thể giúp ông được.

Cuối cùng ông cũng tìm gặp được vị Đại sư đang ngồi thiền, ông vui mừng khôn xiết nói với Đại sư: "Tôi chỉ có một mục đích, tài sản cả đời tôi đều ở trong cái bao này. Chỉ cần ngài nói cho tôi cách nào để được hạnh phúc thì cái bao này sẽ là của ngài."

Lúc ấy trời đã tối, màn đêm sắp buông xuống, vị Đại sư nhân lúc ấy liền giật lấy cái túi và chạy đi. Người đàn ông sợ quá, vừa khóc vừa gọi đuổi theo: "Tôi bị lừa rồi, tâm huyết cả đời của tôi".

Sau đó vị Đại sư đã quay lại, trả cái bao lại cho người đàn ông. Người đàn ông vừa nhìn thấy cái bao của cải tưởng đã mất đi nay lại quay trở về thì lập tức ôm nó vào lòng mà nói: "Tốt quá rồi!"

Vị Đại sư điềm tĩnh đứng trước mặt ông ta hỏi: "Ông cảm thấy thế nào? Có hạnh phúc không?"

Ông ta vui sướng đáp: "Hạnh phúc! Tôi cảm thấy mình quá hạnh phúc rồi!".

Lúc này, vị Đại sư cười và nói: "Đây cũng không phải là phương pháp gì đặc biệt, chỉ là con người đối với tất cả những thứ mình có đều cho rằng sự tồn tại của nó là đương nhiên cho nên không cảm thấy hạnh phúc, cái mà ông thiếu chính là một cơ hội mất đi. Ông đã biết thứ mình đang có quan trọng thế nào chưa? Kỳ thực cái bao ông đang ôm trong lòng với cái bao trước đó là một, bây giờ ông có còn muốn đem tặng nó cho tôi nữa không?"

Cổ Học Tinh Hoa

 TƯỜNG ÐỔ


Nước Tống có người nhà giàu. Một hôm trời mưa, tường nhà anh ta đổ.

Ðứa con nói: "Thưa cha, không đắp ngay tường lại, e có trộm vào."

Người láng giềng thấy tường đổ, cũng nói: "Này bác, không đắp ngay tường lại, e có trộm vào."

Tường chưa kịp đắp, tối hôm ấy, nhà anh ta quả nhiên mất trộm thật.

Anh ta khen đứa con là khôn ngoan biết trước, mà người láng giềng là gian giảo làm xằng.

Cùng một câu nói: con nói thì khen là tinh khôn, láng giềng nói thì ngờ là trộm cắp, bởi tại cớ làm sao? Tại con thì tình thân, cho nên không có bụng ngờ, láng giềng là tình sơ, cho nên sinh ra ngờ vực. Thế cho nên phận sơ mà câu nói thân, thì thế nào cũng làm cho người nghe mình đem lòng nghi ngờ.

Hàn Phi Tử

LỜI BÀN

Bài này cốt dạy ta phải thận trọng câu nói. Người láng giềng đây sở dĩ mà để người nhà giàu ngờ vực, là vì không được thân với người ta, mà nói một câu ra chừng thân lắm, muốn lo việc của người như việc của mình, coi việc thiết đến người cũng như thiết đến mình vậy. Cho nên gặp người đáng nói mà không nói là bỏ hoài mất một người, thì gặp người không đáng nói mà lại nói, chẳng những làm phí mất lời nói, mà lại để cho người ta sinh nghi tình ra nữa!

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Cỏ Và Cây Sẽ Giác Ngộ Thể Nào


Vào thời Kamakura , Shinkan học ở trường Tendai sáu năm , và học Thiền bảy năm ; rồi Shinkan sang Trung Hoa chiêm ngưỡng Thiền mười ba năm.

Khi trở về Nhật , nhiều người muốn viếng Shinkan và hỏi nhiều câu hỏi khó . Nhưng khi tiếp khách , thường hiếm khi Shinkan trả lời những câu hỏi của khách .

Một hôm , một Thiền sinh năm mươi tuổi đạo đến nói với Shinkan :

_ “ Tôi đã học ở Tendai về tư tưởng khi tôi còn bé , nhưng có mộ điều tôi không thể hiểu được . Tendai dạy rằng cả đến cỏ cây cũng sẽ giác ngộ. Ðối với tôi điều này có vẻ kỳ lạ quá.”

Shinkan hỏi : “ Bàn luận về cỏ cây sẽ giác ngộ thể nào có ích chi đâu ? Vấn đề làm sao chính ông có thể giác ngộ được; ông có xét thấy điều này không ?”

Người già lạnh lùng : “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều này.”

Shinkan kết thúc : “Rồi, hãy về nghĩ thử xem.”

Truyện cười trong ngày

 Quá lịch sự


Một phụ nữ bước lên xe buýt với dáng vẻ mệt mỏi. Ngay lúc đó, người đàn ông có tuổi đang ngồi ở ghế gần đấy đứng dậy. Cô này ấn vai ông ta xuống và nói:

- Ông cứ ngồi đi, tôi đứng được mà!

- Ở bến tiếp theo, ông kia lại bị ấn vai xuống cùng câu nói ấy. Đến bến thứ ba, mọi chuyện vẫn lặp lại. Lúc này, người đàn ông không chịu nổi đành khẩn khoản: Xin cô để cho tôi xuống. Cô đã làm tôi bị lỡ hai bến rồi!

Friday, October 29, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Bài học phong thủy

                                                        Bài học phong thủy


Triệu Tử Hào làm ăn kinh doanh rất phát đạt. Anh quyết định mua một mảnh đất rộng ở ngoại ô, xây một biệt thự ba tầng, bên trong có vườn hoa cây cảnh ao cá, kết hợp rất đẹp mắt.

Đằng sau vườn còn có một cây vải cổ thụ trăm tuổi. Sở dĩ vì nhắm đến cây vải mà Triệu mới mua mảnh đất này, nguyên nhân là bởi vợ anh thích ăn vải.

Trong thời gian sửa sang nhà cửa, bạn bè khuyên anh tìm một thầy phong thủy về xem giúp để tránh phạm phải những điều kiêng kỵ.

Triệu Tử Hào tự lái xe đến Hồng Kông mời một đại sư. Vị đại sư này họ Tào, đã có hơn 30 năm kinh nghiệm, rất có tiếng trong giới phong thủy.

Sau khi trình bày mọi chuyện, Triệu Tử Hào lái xe đưa thầy phong thủy về biệt thự nhà mình.
Trên đường đi, gặp bất cứ xe nào muốn vượt, anh đều nhường.

Vị đại sư cười nói: "Ông chủ Triệu lái xe thật chậm rãi."

Triệu Tử Hào cười lớn, đáp: "Những người vượt phần lớn đều là đang có chuyện gấp, không nên cản trở, làm mất thời gian của họ."

Xe về đến thị trấn, một đứa trẻ đang vừa cười vừa từ trong ngõ nhỏ chạy thẳng ra đường.
Triệu Tử Hào vội phanh xe tránh, đứa trẻ cười tít mắt chạy qua rồi, anh vẫn chưa nhấn ga đi tiếp mà ngó vào trong ngõ, dường như đang đợi điều gì. Một lát sau, lại có một đứa trẻ khác chạy ra, đuổi theo đứa trẻ lúc trước đã đi khá xa.

Tào đại sư ngạc nhiên hỏi: "Sao anh biết phía sau vẫn còn một đứa trẻ nữa ?"

Triệu nhún vai: "Trẻ nhỏ đều thích chơi trò đuổi bắt, nếu chỉ chơi một mình, đứa trẻ chẳng thể cười vui như thế được."

Vị đại sư giơ ngón tay cái ra trước mặt khách hàng của mình, tỏ ý tán dương: "Có tâm".

Đến biệt thự, vừa xuống xe, vài con chim bất giác bay từ sân sau ra phía trước. Nhìn thấy vậy, Triệu Tử Hào liền dừng xe trước cổng và nói với thầy phong thủy: "Phiền đại sự đợi ở đây một lát."

"Có chuyện gì vậy ?" – vị đại sư lại một lần nữa ngạc nhiên.

"Sau vườn chắc chắn là có trẻ con đang hái trộm vải, bây giờ mà chúng ta vào, chúng sẽ hoảng sợ, không may rơi từ trên cây xuống đất sẽ rất nguy hiểm", 

Triệu Tử Hào cười đáp.

Thầy phong thủy họ Tào trầm ngâm trong giây lát và nói: "Phong thủy nhà anh không cần phải xem nữa."

Lần này, đến lượt Triệu ngạc nhiên: "Đại sư, sao ông lại nói như vậy ?"

"Những nơi có anh ở đều là những nơi có phong thủy tốt cả rồi", Tào đại sư đáp.

Nhân kiệt địa linh, phong thủy tốt nhất đời người chính là tâm của mỗi người! Con người nếu có tâm, có phúc, sống tại nơi có phong thủy xấu rồi cũng sẽ có ngày chuyển thành đẹp. Ngược lại, nếu sống tại nơi có thế phong thủy đẹp, thế đó rồi cũng sẽ tự bị phá vỡ.

Cổ Học Tinh Hoa - Người con có hiếu

 NGƯỜI CON CÓ HIẾU


Thầy Tử Lộ vào hầu đức Khổng Tử, nói rằng: -“Đội nặng đi đường xa thì tiện đâu nghỉ đấy, không đợi chọn chỗ, rồi mới nghỉ. Nhà nghèo, cha mẹ già, thì con làm nên thế nào, hay thế ấy, không đợi có quyền cao, chức trọng, mới chịu làm. Ngày trước Do này, lúc song thân còn, cơm thường đưa dưa muối, dường xa trăm dặm, phải đội gạo về nuôi song thân. Lúc song thân mất, làm quan ở nước Sở, xe ngựa hàng trăm, lương bổng hàng vạn, ăn những miếng ngon, mặc những của tốt, mỗi khi nhớ đến song thân, lại muốn dưa muối, đội gạo để nuôi người như trước thì không sao được nữa! Cha mẹ già như bóng qua cửa sổ. Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, con muốn nuôi, mà cha mẹ không còn sống.

Đức Khổng Tử nói: “Do, nhà ngươi phụng sự song thân rất là phải. Lúc người còn thì hết lòng phụng dưỡng, lúc người mất, thì hết lòng thương tiếc.”

Gia Ngữ

GIẢI NGHĨA

Tử Lộ: Người thời Xuân Thu, học trò đức Khổng Tử, tính hiếu thảo, hùng dũng có tài chính sự.

Bóng qua cửa sổ: Bóng đây là bóng mặt trời, ý nói thời giờ chóng qua cũng như câu ngựa phi qua khe cửa.

LỜI BÀN

Khi cha mẹ còn, hết lòng nuôi nấng, khi cha mẹ mất, hết lòng thương nhớ, đó thực là cái đạo hiếu của con đối với cha mẹ. Làm trái lại hẳn như thế là bất hiếu, mang một cái tội rất to! Làm trái lại một nửa như thế, “nghĩa là lúc cha mẹ còn, thì thờ ơ chểnh mảng, lúc cha mẹ mất thì nấu một mâm cao cỗ đầy, làm văn tế ruồi”, như thế cũng là bất hiếu, cho nên người con có hiếu, còn cha mẹ ngày nào, nên mừng ngày ấy, kíp ăn ở cho trọn đạo, chớ để đến lúc cha mẹ mất rồi, có hối lại cũng không sao được. Vì rằng làm con mà được còn có cha mẹ để báo đáp là một việc sung sướng ở đời, mà cũng là có duyên có phúc nữa.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Ðúng Và Sai


Trong những tuần an cư để thiền định của Bankei , nhiều đệ tử khắp nơi trên đất Nhật đến theo học . Trong những cuộc tụ tập này , có một anh đệ tử bị bắt quả tang về tội ăn cắp . Việc này được trình lên Bankei với lời yêu cầu là phải trục xuất tội phạm . Bankei làm ngơ vụ này .

Sau đó , người đệ tử này lại bị bắt trong một hành vi tương tự , và Bankei cũng bỏ qua luôn . Việc nà làm cho những người đệ tử nổi giận , họ làm tờ khiếu nại hành động xấu của kẽ ăn cắp , và tuyên bố rằng nếu không họ sẽ bỏ đi nơi khác .

Bankei đọc xong lời khiếu nại , ông gọi tất cả mọi người đến và nói với họ :

_ “ Các anh là những người khôn ngoan . Các anh biết việc gì đúng , việc gì không đúng . Các anh có thể đến nơi nào khác để học nếu các anh muốn . Nhưng người anh em đáng thương này không biết phân biệt đúng sai . Nếu tôi không dạy thì ai dạy cho anh ta . tôi sẽ giữ người anh em này lại dù cho tất cả các anh em bỏ đi hết “ .

Một suối nước mắt chảy xuống rửa sạch khuôn mặt người đệ tử ăn cắp . Tất cả lòng ham muốn ăn cắp biến mất .

Truyện cười trong ngày

 Thưởng


Mày râu và áo dài đi xe máy song song nhau, áo dài nói:

- "Ông" có dám bỏ cả hai tay ra khi đang điều khiển xe không?

- Hả... tui chỉ dám khi đi xe đạp, nhưng nếu tui bỏ cả hai tay ra bây giờ thì "bà" mất gì nào?

- Tui sẳn sàng thưởng cho "ông" một món quà cực kỳ có ý nghĩa.

- Cái gì vậy chứ?

- Một bộ áo quan!

Thursday, October 28, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Cơ hội

                                                                            Cơ hội

Sưu tầm trên Net

Hai mắt đẫm lệ, tôi nằm trên giường bệnh nhìn chăm chăm ra bầu trời tháng Mười lạnh giá. Hôm đó là ngày cưới của tôi - ngày mà tôi mong chờ từ rất lâu rồi. Đáng lẽ giờ này tôi đang bước vào lễ đường trong bộ váy trắng tinh của cô dâu. 

Tôi quen với Yates được 6 năm, suốt thời trung học cho đến khi lên đại học. Chuyện tình của chúng tôi ai cũng biết, và đây là mối tình đầu của cả hai đứa. Nhưng rồi chúng tôi phát hiện ra cả hai đều có những giấc mơ của riêng mình và một phần cũng do còn quá trẻ con và khờ dại, thế là chúng tôi chia tay nhau.

Trong suốt mười năm, tôi và Yates sống hai cuộc đời khác biệt, ở hai nơi khác biệt. Trải qua nhiều cuộc tình đổ vỡ và nhiều lỗi lầm trong cuộc sống, chúng tôi bỗng thấy cuộc đời mình thật trống rỗng. Rồi sau gần mười năm không tin tức, Yates đã liên lạc với tôi thông qua mẹ tôi. Chúng tôi gặp lại nhau để rồi nhận ra là hai đứa không thể sống thiếu nhau. Ba tháng sau, chúng tôi đính hôn. 
Vào một ngày tháng Mười đẹp trời, chồng chưa cưới của tôi ngồi bên giường bệnh cầm lấy tay tôi vuốt ve, an ủi. Chúng tôi đã không thể cùng nhau bắt đầu một cuộc hành trình mới.
Hai ngày trước đó, số phận không may đã mang tôi vào bệnh viện với một chiếc xương chậu, một chiếc xương đòn và vài cái xương sườn bị gãy. Và sau đó là mất hàng giờ gọi điện thoại để hoãn lại tất cả những dịch vụ đặt trước, và để thông báo cho bạn bè và người thân. Mỗi lần nhớ lại cảnh chiếc xe tải, bất chấp cái biển báo dừng, chạy tông vào xe tôi, hất tung tôi ra vệ đường làm tôi bất tỉnh là tôi như muốn nổi điên.

 Chúng tôi đã nghĩ đến việc tổ chức hôn lễ ngay trong nhà thờ của bệnh viện theo đề nghị của một mục sư, người đã lái xe gần 500 cây số đến để làm lễ cho chúng tôi. Nhưng tôi ao ước được chia sẻ ngày vui trọng đại này với những người thân và bạn bè của mình. 

Tại sao lại là tôi chứ? Tôi đã làm gì để đáng bị như vậy? 

Nhưng rồi không hiểu sao tôi cảm thấy những tấm thiếp mời, những kiểu trang trí tiệc mà tôi đã cất công chuẩn bị trước đây bỗng trở nên tầm thường. Sao tôi phải tốn hàng giờ đồng hồ miệt mài bên đống dây nhợ đủ màu sắc để chuẩn bị cho một việc hão huyền như vậy? 

Hiện tại, điều quan trọng nhất là tôi còn được sống, có chồng chưa cưới ở bên cạnh và còn có cả một tương lai đang chờ đón.

Giờ đây, đối với tôi, hôn nhân có một tầm quan trọng hoàn toàn khác. Chúng tôi đã trải qua những điều tồi tệ nhất trước khi cùng nhau trao lời thề hôn ước, đó chính là những thử thách của tình yêu mà chúng tôi phải vượt qua. 

Bất chấp lời cảnh báo của bác sĩ, chỉ một tháng sau tôi đã có thể tự mình đi lại được. Tôi mang trong mình một nguồn sinh lực và mục đích sống hoàn toàn mới: tôi muốn tự mình đi vào lễ đường, làm lễ kết hôn với người đàn ông đã chăm sóc, an ủi tôi, giúp tôi vượt qua những cơn đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần trong suốt nhiều tuần qua. 

Cuối cùng thì tôi và Yates cũng là của nhau.

Ba tháng sau tai nạn, giờ tôi đang ngồi trong phòng cô dâu ở giáo đường thánh Mary, hồi hộp chờ đợi giây phút trọng đại của đời mình. Một trận mưa tầm tã, đầy sấm chớp trút xuống bên ngoài giáo đường. Tôi chợt mỉm cười, thầm nghĩ. Đến Thượng đế cũng cảm động đến rơi lệ và lên tiếng chúc mừng cho ngày cưới của chúng tôi.

 Những vết sẹo trên người tôi là những minh chứng gợi nhắc cho tôi về sự mong manh giữa sự sống và cái chết. Tôi quả là may mắn. Nếu không có việc này xảy ra, có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết được rằng: không phải có một ngày cưới tuyệt vời là sẽ có một cuộc hôn nhân hoàn hảo, mà chính sức mạnh tình yêu của hai người sẽ làm cho mỗi một ngày đều là ngày tuyệt vời nhất.

Cổ Học Tinh Hoa - Họa phúc khôn lường

 HỌA PHÚC KHÔN LƯỜNG


Một ông lão ở gần cửa ải có con ngựa tự nhiên đi sang nước Hồ mất. Người quen kẻ thuộc đều đến hỏi thăm.
Ông lão nói:
Mất ngựa thế mà phúc cho tôi đấy biết đâu.

Cách mấy tháng con ngựa về lại quyến thêm được một con ngựa hay nữa. Người quen kẻ thuộc đều đến mừng rỡ.
Ông lão nói:
Được ngựa thế mà họa cho tôi biết đâu.

Từ khi được ngựa hay, con ông lão thích cưỡi, chẳng may ngã què chân. Người quen kẻ thuộc đều đến hỏi thăm.
Ông lão nói:
Con què thế mà phúc cho tôi đấy biết đâu.

Cách một năm, có giặc Hồ. Nhà vua bắt lính đi đánh giặc. Quân lính mười người chết đến chín. Chỉ con ông lão, vì què không phải đi lính, mà cha con vẫn có nhau.

Hoài Nam Tử
GIẢI NGHĨA
.Hồ : tức là Hung nô ở phía bắc nước Tàu hay vào nhiễu loạn nước Tàu
Hoài Nam Tử: tên là Lưu An, tôn thất nhà Tây Hán, tức Hoài Nam Vương, làm sách nói về đạo đức.
LỜI BÀN
họa phúc xoay vần, khó lòng biết được. Trong cái phúc thường có cái họa nấp sẵn ở đấy, trong cái họa thường khi lại có cái phúc nấp sẵn ở đây. Cho nên, đối với sự họa phúc, ta không nên vội lấy việc chỉ có một thời mà quyết định cho là hay mãi hay dở mãi được. Ta chỉ nên, khi gặp phúc, thì thao thủ cẩn thận, đừng có kiêu xa phóng túng,may mà giữ được phúc lâu dài, khi gặp họa, thì tu tỉnh lấy thân, đừng có ngã lòng, đừng có oán trách, may mà qua được họa lại gặp phúc chăng.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 MỖI NGÀY LÀ MỘT NGÀY TỐT


Thiền sư Vân Môn nói với môn đồ, “Trước ngày mười lăm tôi không hỏi, sau ngày mười lăm thì thế nào?” Không ai trả lời. Vì thế sư tự đáp, “Mỗi ngày là một ngày tốt.” Ngày mười lăm, theo âm lịch, có trăng tròn, ám chỉ sự giác ngộ rõ ràng. “Sau ngày mười lăm” có nghĩa là sau khi có sự giác ngộ như thế.
Vì “Mỗi ngày là một ngày tốt,” nhiều người bị chữ “tốt” lừa, nghĩ rằng tốt là đối lại với xấu. Như thế, họ nghĩ rằng “ngày tốt” có nghiã là ngày đẹp, hạnh phúc. Tuy nhiên, Vân Môn không có ý đó. “Ngày tốt” của Vân Môn còn sâu xa hơn thế . Sư đang chỉ cái ngày ngay đây, ngay bây giờ, không tiền, tuyệt hậu. Một công án tốt cho tất cả chúng ta: “Đây là loại ngày gì?”

Truyện cười trong ngày

 Thương người


AD đi thi nữ sinh thanh lịch. Giám khảo hỏi: Em tự thấy mình có ưu điểm gì?

AD: Dạ, em thấy em có lòng thương người...

Giám khảo: Cụ thể ra sao, em nói nghe coi?

AD: Dạ, cứ bạn nam nào nói thương em, là em thương lại liền hà!

Wednesday, October 27, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Đầu bếp có bằng cấp

                                                              Đầu bếp có bằng cấp

Tấn Xuyên

Dạo bước trên phố, tự nhiên cảm thấy bụng đói thì vừa lúc tôi bước gần đến một nhà hàng đặc sản. Một năm trước, tôi đã có dịp thưởng thức tại đây món gà tần hạt sen thơm tho béo ngậy, cho đến nay vẫn không thể nào quên.

Trong nhà hàng vắng lặng, cô bán vé mặt lạnh như tiền ngồi trong quầy ngáp vặt. Mua vé xong, tôi ngồi đợi nửa giờ, rồi nửa giờ nữa, đến nửa giờ thứ ba thì được bưng ra món gà tần hạt sen mà tôi mong đợi. Bụng đói cồn cào, tôi hăng hái cầm đũa, định bụng ăn một bữa ra trò, nào ngờ vừa gắp miếng thịt gà đầu tiên vào miệng đã muốn nhè ra vì có mùi hắc khó nuốt. Vận dụng đức tính kiên trì, tôi cố nghiến răng nhai đúng ba phút mà không tài nào nghiền đứt miếng thịt.

Tôi bê nguyên cả bát gà tần tức giận đi xuống nhà bếp thì thấy một chàng trai mặc áo choàng trắng đang ngồi chăm chú đọc tiểu thuyết. Tôi đặt bát gà tần trước mặt cậu ta, hỏi:

- Đầu bếp đâu?

Cậu ta ngước mắt trả lời lạnh lùng:

- Tôi đây.

- Món gà này không thể ăn được. Cậu thử nếm xem, nước thì nhạt, thịt thì dai không tài nào nhai được.

Cậu ta ngạc nhiên nói:

- Quái lạ nhỉ, tôi theo đúng lý luận pha chế trong sách dạy, này nhé: 3 lạng thịt gà, nửa lạng hạt sen, 5 gam muối bọt, 2 muỗng cà phê nước tương, ngoài ra còn thêm gia vị như ớt bột, mì chính, rượu Thiệu Hưng, đường, hạt tiêu....

Tôi cắt lời:

- Mặc kệ cậu, dù sao thì thịt gà vẫn chưa nhừ.

- Không thể thế được, dù sao tôi cũng đã tốt nghiệp đại học ăn uống, có bằng cấp hẳn hoi.

Tôi chỉ còn biết thở dài, nhưng cố gặng hỏi:

- Những đầu bếp khác đâu?

- Đều đi đốt lò, rửa bát cả rồi. Giờ đây là thời đại khoa học kỹ thuật, không có bằng cấp thì không thể làm đầu bếp. Khi bình xét chức danh, Công ty ăn uống chúng tôi có 126 đầu bếp không có bằng cấp, đều cho nghỉ việc hết.

Bụng đói cồn cào, tôi bước nhanh ra khỏi nhà hàng, vừa đi vừa lo cậu đầu bếp trẻ có bằng cấp nhận ra tôi vì người khách đang khiển trách cậu chính là ông Phó chủ tịch Hội đồng xác định chức danh!

Cổ Học Tinh Hoa - Người khôn sống lâu

 NGƯỜI KHÔN SỐNG LÂU


Vua Ai Công nước Lỗ hỏi Đức Khổng Tử:
Người khôn có sống lâu không?

Đức Khổng Tử đáp:
Có. Khôn thì sống lâu, chớ dại thì sống lâu sao được! Người ta có ba thứ chết, tự mình làm cho mình chết, chớ không phải số mệnh đáng chết mà chết.
-Ăn uống không có chừng mực, thức ngủ không có điều độ, làm lụng khó nhọc quá, lưới biếng chơi bời quá, người như thế phải chết về bệnh tật.
-Phận làm ngưới dưới mà can phạm người trên, lòng tham muốn không chứng, tính yêu không chán, người như thế thì chết về hình pháp.
-Mình ngu, mà kình địch khôn, mình yếu, mà khinh bỉ người mạnh, không biết tự lượng sức mình mà cứ giận dữ làm liều, người như thế chêt vì binh đao
Ba thứ chết ấy, thực không phải là số mệnh, chỉ tự mình giết mình mà thôi.

Hàn thi ngoại truyện
LỜi BÀN

Xưa nay ta vẫn cho khôn ngoan thì chóng già, ngu xuẩn thì sống lâu, là lấy lý rằng, người khôn dùng trí, dùng sức nhiều, thì chóng suy, người ngu chỉ ăn no ngủ kỹ, không lo lắng gì, thì sống lâu. Nhưng xét một mặt khác thì trái hẳn lại. Khôn thì sống, dại thì chết, khôn ăn người, dại người ăn. Như Đức Khổng Tử đáp vua Ai Công đây chính là ngụ cái ý đó. Ôi! Sống chết tùy tại mệnh trời, nhưng thường khi người cũng có phần vào đấy, lắm người chỉ ngu xuẩn, không biết giữ vệ sinh, không hiểu pháp luật, không biết tự lượng mà thành không đáng chết cũng phải chết. Chết như thế là chết uổng nên thương, thương vì ngu dại.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 VẼ TÁNH




Ekichu, vị sư thứ 17 của chùa Thọ Phúc, nổi tiếng là một họa sĩ. Một hôm Nobumitsu đến gặp sư và hỏi sư có thể vẽ được hương thơm tả trong câu thơ nổi tiếng, “Qua hoa rồi, vó ngựa còn thơm”. Sư liền vẽ chiếc vó ngựa có bầy bướm vờn quanh.

Rồi Nobumitsu dẫn một câu khác, “Gió xuân mơn man thổi qua bờ sông”, và yêu cầu vẽ bức tranh gió nhẹ mơn man. Sư liền vẽ một cành liễu đong đưa .

Nobumitsu đọc lên câu nói lừng danh của Thiền, “Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”. Anh ta yêu cầu vẽ bức tranh về tâm. Sư lấy cây cọ quẹt nhẹ lên mặt Nobumitsu một vệt. Chiến sĩ ngạc nhiên và bực tức. Sư liền phác họa bộ mặt tức giận ấy.

Rồi Nobumitsu yêu cầu vẽ một tranh về tánh như trong chữ “thấy tánh”. Sư bẻ gãy cây cọ, nói:

- Đó là bức tranh.

Nobumitsu không hiểu và sư bảo:

- Nếu anh không có con mắt thấy đó thì anh chẳng thấy được.

Nobumitsu nói:
- Hãy lấy cây cọ khác vẽ tánh đi.

Sư bảo:

- Hãy chỉ tôi thấy cái tánh của anh rồi tôi vẽ cho.

Nobumitsu không lời để nói.

 (Thiền và Đạo Thuật)

Truyện cười trong ngày

 Cầu cứu


Một người hớt hải chạy đến đồn cảnh sát:

- Các anh hãy cứu tôi với, tôi vừa dùng cái chảo đập vào đầu vợ tôi.

- Vậy là anh đánh vợ, nhưng chị nhà có bị thương không?

- Không làm sao mới chết chứ. Và cô ấy đang trên đường đến đây.

Tuesday, October 26, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Cơ hội nhỏ nhất

 CƠ HỘI NHỎ NHẤT


Lời khuyên của cha rất thực tế, nhưng cũng thật đau lòng cho tôi, bởi lẽ, trường Westminster là trường dành cho người nghèo và chẳng có tương lai. Lòng tự ái của tôi bị tổn thương ghê gớm. Tuy vậy, tôi vẫn đến gặp ông hiệu trưởng của trường Westminster.

***

Khi thấy bộ dạng thiểu não của tôi ở thềm nhà, cha tôi hiểu ngay. Ông hiệu trưởng trường Đại học luật Colorado, đã cho tôi thôi học vì điểm quá thấp. Cha tôi đã đến gặp ông hiệu trường nhưng vẫn chẳng thay đổi được gì. Ông hiệu trưởng nói rằng tôi là một người cũng khá được, nhưng có lẽ tôi không hợp với nghề luật sư. Ông khuyên tôi nên chọn một nghề khác.
Tôi cũng đã viết cho ông một lá thư, nhưng cũng chẳng thấy ông hồi âm. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể diễn tả hết nỗi thất vọng của tôi lúc đó. Vì kết quả học tập xuất sắc mà tôi đã được đặc cách vào trường này. Thế mà bây giờ lại bị đuổi học!

Cha tôi hiểu là tôi muốn trở thành một luật sư đến mức nào, ông khuyên tôi xin học ở trường Cao đẳng Luật Westminster, vì ở đây có các lớp học buổi tối rất thuận tiện cho tôi.

Lời khuyên của cha rất thực tế, nhưng cũng thật đau lòng cho tôi, bởi lẽ, trường Westminster là trường dành cho người nghèo và chẳng có tương lai. Lòng tự ái của tôi bị tổn thương ghê gớm. Tuy vậy, tôi vẫn đến gặp ông hiệu trưởng của trường Westminster.

Nhìn vào bảng kết quả học tập của tôi, ông nói: "Anh chỉ giỏi chơi thể thao, học tiếng Tây Ban Nha và hoạt động xã hội thôi. Còn các môn học hàn lâm thì anh không khá." Mặc dù vậy, ông vẫn cho tôi ghi danh học, với một điều kiện, tôi phải học lại hết các môn của năm thứ nhất và phải đạt được kết quả cao thì mới mong được học tiếp.

Vậy là mặc dù cánh cửa trường Luật Colorado đã đóng sầm trước mặt tôi, nhưng đã có một cánh cửa khác mở ra cho tôi. Tôi học tập chăm chỉ và cực kì hứng thú với chuyên ngành luật. Năm thứ hai, giáo sư dạy chính của chúng tôi qua đời. Tôi được thay thế ông. Đó là điều có lẽ không thể xảy ra nếu như tôi học ở trường Luật Colorado.
Càng ngày tôi càng cảm thấy bị quyến rũ bởi môn học của những bằng chứng, suy đoán, chi tiết... Tôi đã dạy luật cho các thẩm phán, sinh viên và các luật sư tập sự trong cả nước. Trong thời gian học, tôi làm thêm ở văn phòng luật sư của thành phố Denver.

Năm 28 tuổi, tôi trở thành thẩm phán trẻ nhất ở Denver. Sau đó, tôi được bầu làm thẩm phán của hạt, rồi được tổng thống chỉ định làm thẩm phán của toà án liên bang Mỹ. Và cuối cùng, tôi trở lại trường Đại học Luật Colorado để nhận giải thưởng George Norlin và bằng tiến sĩ danh dự về luật. Rồi trở thành hiệu trưởng của chính ngôi trường xưa kia đã từng từ chối tôi, trường Đại học Luật Colorado.

Trong đời mình, ai cũng ít nhất một lần thất bại. Nhưng sự thất bại sẽ dậy bạn rằng cuộc đời là một con đường với những lối ngoặt không thể biết trước. Và để đi được đến đích, bạn không thể để bản thân bị huỷ hoại bởi bất kỳ một thất bại nào, và nắm lấy những cơ hội, dù nhỏ nhất.

Cổ Học Tinh Hoa - Tường Đổ

 TƯỜNG ÐỔ


Nước Tống có người nhà giàu. Một hôm trời mưa, tường nhà anh ta đổ.

Ðứa con nói: "Thưa cha, không đắp ngay tường lại, e có trộm vào."

Người láng giềng thấy tường đổ, cũng nói: "Này bác, không đắp ngay tường lại, e có trộm vào."

Tường chưa kịp đắp, tối hôm ấy, nhà anh ta quả nhiên mất trộm thật.

Anh ta khen đứa con là khôn ngoan biết trước, mà người láng giềng là gian giảo làm xằng.

Cùng một câu nói: con nói thì khen là tinh khôn, láng giềng nói thì ngờ là trộm cắp, bởi tại cớ làm sao? Tại con thì tình thân, cho nên không có bụng ngờ, láng giềng là tình sơ, cho nên sinh ra ngờ vực. Thế cho nên phận sơ mà câu nói thân, thì thế nào cũng làm cho người nghe mình đem lòng nghi ngờ.

Hàn Phi Tử

LỜI BÀN

Bài này cốt dạy ta phải thận trọng câu nói. Người láng giềng đây sở dĩ mà để người nhà giàu ngờ vực, là vì không được thân với người ta, mà nói một câu ra chừng thân lắm, muốn lo việc của người như việc của mình, coi việc thiết đến người cũng như thiết đến mình vậy. Cho nên gặp người đáng nói mà không nói là bỏ hoài mất một người, thì gặp người không đáng nói mà lại nói, chẳng những làm phí mất lời nói, mà lại để cho người ta sinh nghi tình ra nữa!

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Tác Phẩm Của GiSho


Gisho được chấp nhận làm ni cô lúc mười tuổi . Gisho nhận sự giáo huấn như những chú tiểu khác . Khi được mười sáu tuổi , Gisho viếng từ Thiền sư này đến Thiền sư khác để học với họ .

Gisho lưu lại với Inzan ba năm , với Gukei sáu năm nhưng vẫn không đạt được giác ngộ.
Inzan chẳng phân biệt Gisho là người khác phái chi cả . Ông mắng nhiếc Gisho như mưa bão . Inzan đã tát Gisho để đánh thức bổn tánh của Gisho . Gisho ở lại với Inzan mười ba năm , và Gisho đã tìm được cái mình muốn tìm !

Ðể tôn vinh Gisho , Inzan viết một bài thơ :

Ni cô này đã theo học sự hướng dẫn của ta mười ba năm.
Buổi sáng cô ta xam xét một công án sâu xa nhất.
Buổi chiều cô ta dấn thân vào một công án khác.
Tetsuma , ni cô Trung Hoa , đã vượt qua tất cả trước Gisho.
Và kể từ Mujaka , không ai có chân tài như Gisho này .
Hẳn còn nhiều cửa nữa để Gisho vượt qua.
Gisho sẽ còn nhận nhiều cú đấm của bàn tay sắt ta .

Sau khi giác ngộ , Gisho đến tỉnh Banshi , bắt đầu sống trong một ngôi đền riêng và dạy hai trăm ni cô khác cho đến khi Gisho qua đời vào tháng tám một năm nọ .

Truyện Cười Trong Ngày

 Vì sao phải đứng?


- Tại sao những người chỉ huy thường đứng khi đi thuyền?

- Vì nếu ngồi xuống, ông ta sẽ phải chèo như những người khác.

Monday, October 25, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Hoài niệm về răng đen

 HOÀI NIỆM VỀ RĂNG ĐEN


Thế mới thấy vẻ đẹp của người phụ nữ tùy từng thời điểm đã có sự khác nhau. Nhưng trong ký ức của tôi, hàm răng đen của bà mãi là một hoài niệm đẹp.

***
Nghe mọi người kể lại thì bà ngoại tôi hồi trẻ vốn là cô gái xinh đẹp nhất nhì làng. Đến khi có tuổi, bà vẫn đẹp lắm. Da hồng hào, nhất là hàm răng đều, chắc và đen bóng. Mỗi lần nghĩ về người bà thân yêu, răng đen nhưng nhức hạt na, miệng bỏm bẻm nhai trầu tôi lại nhớ câu ca dao:

Một thương tóc bỏ đuôi gà

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.

Ba thương má lúm đồng tiền,

Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua...

Ngày trước, ai "răng nhánh hạt huyền" được coi là người phụ nữ duyên dáng, thu hút, hấp dẫn - dễ gây thương mến trong lòng mọi người, nhất là người khác giới. Các cụ đã có câu "cái răng, cái tóc là góc con người" và hàm răng đen nhánh là một trong những biểu tượng cho vẻ đẹp, cái duyên của phụ nữ Việt xưa.

Lúc bé, tôi thích nhìn bà ăn trầu. Miệng bà bỏm bẻm, nụ cười rạng rỡ với hàm răng đen đều đặn, đôi môi đỏ tươi đẫm quết trầu, dù đã có nhiều nếp nhăn nhưng bà vẫn như một bà tiên. Mỗi buổi trưa nằm ngủ, tôi nũng nịu bắt bà kể chuyện cổ tích, mơ màng ngắm bà tóc trắng phau, tay cầm cây quạt cọ đung đưa, miệng vừa nhai trầu, vừa đưa lời êm ái về quả thị thơm và cô Tấm dịu hiền, về chàng Thạch Sanh với niêu cơm chẳng bao giờ vơi... Năm cuối đời, bà khi ấy gần 80 tuổi, răng không còn được chắc như trước, nhưng thói quen ăn trầu bà vẫn giữ nguyên. Mỗi lần mẹ đi chợ về, ngoài tấm bánh đa hay gói bỏng làm quà cho tôi, không lúc nào thiếu cây vỏ, quả cau cho bà. Tôi khi ấy lăng xăng chạy ra vườn, lựa kỹ những lá trầu, rửa sạch mang vào giường bà. Bà âu yếm nhìn cô cháu gái, rồi chậm chạp mở túi khâu bằng vải đựng chiếc cối giã trầu đeo bên người ra, cho vỏ, cau, trầu vào, từ từ giã nhỏ rồi đưa lên miệng ăn.

Ấy là chuyện hồi xưa. Đến thời mẹ tôi, dì tôi, chẳng ai theo "mốt" nhuộm răng đen ấy nữa. Hàm răng đen nhánh từng làm bao người mê đắm một thời với nụ "cười như mùa thu tỏa nắng" giờ đã là quá vãng. Tôi còn nhớ hồi đại học, cô bạn thân học cùng lớp, ở cùng phòng ký túc xá răng bị ố vì lúc nhỏ phải uống quá nhiều thuốc kháng sinh. Mặc dù da trắng, khuôn mặt xinh, dáng đẹp lại chơi bóng chuyền rất giỏi nhưng lúc nào bạn ấy cũng tự ti. Bạn giữ gìn ngay cả những nụ cười của mình vì sợ "lộ" khuyết điểm. Bạn từng tâm sự với tôi, sau này, nhất định có điều kiện tớ sẽ đầu tư làm bộ răng mới thật trắng, thật đều.

Thế mới thấy vẻ đẹp của người phụ nữ tùy từng thời điểm đã có sự khác nhau. Nhưng trong ký ức của tôi, hàm răng đen của bà mãi là một hoài niệm đẹp. Soi vào đó, tôi nhìn thấy bóng dáng của văn hóa truyền thống dân tộc mình, giản dị. Hình ảnh bà nhai trầu với nụ cười răng đen bóng, giờ chỉ còn là một bức tranh phản ánh tháng năm và con người xưa cũ không bao giờ còn xuất hiện trở lại trong thời hiện đại, xô bồ ngày nay. Mỗi lần nhớ về bà, nét cười phúc hậu ngày của bà và màu răng đen luôn đánh thức ký ức tôi, đánh thức miền nhớ sâu thẳm trong lòng tôi về những con người đã xa, rất xa...

Linh Lan

Cổ Học Tinh Hoa - Chuyện A Lưu

 CHUYỆN A LƯU


A Lưu là một tên tiểu đồng nhà ông Chu Nguyên Tố. Nó thực là ngây ngô, không được việc gì cả, mà ông Nguyên Tố vẫn nuôi nó suốt đời.

Lúc ông bảo nó quét nhà, nó cầm chổi quanh quẩn suốt buổi mà không sạch được một cái buồng con. Ông giận mắng, thì nó quăng chổi xuống đất, lẩm bẩm nói: "Ông quét giỏi, thì ông phiền tôi làm gì!"

Khi ông đi đâu vắng, sai nó chực ngoài cửa, dù khách quen đến, nó cũng không nhớ được tên ai. Có hỏi, thì nó nói: "Người ấy lùn mà béo. Người ấy gầy mà lắm râu. Người ấy xinh đẹp. Người ấy tuổi tác và chống gậy..." Ðến lúc nó liệu chừng không nhớ xuể, thì nó đóng cửa lại, không cho ai vào nữa.

Trong nhà có chứa một ít đồ cổ như chén, lọ, đỉnh, đôn. Khách đến chơi, nó đem bầy ra cho xem. Lúc khách về, nó lén đến gõ các thứ ấy, mà nói: "Những cái này có khi bằng đồng mà sao nó đen xì lại như thế này!" Rồi nó chạy đi lấy cát, lấy đá, lấy nước để đánh. Nhà có cái ghế gãy chân, ông sai đi chặt cành cây có chạc, để chữa lại thì nó cầm búa, cầm cưa đi khắp vườn. Hết ngày, về, nó chìa hai ngón tay làm hiệu mà nói: "Cành cây có chạc đều chỉa trở lên cả, không có cành nào mọc chúc xuống đất." Cả nhà ai cũng phải phì cười.

Trước sân có vài cây liễu mới trồng. Ông sợ trẻ láng giềng đến nghịch hỏng, sai nó trông nom giữ gìn, đến lúc nó vào ăn cơm, thì nó nhổ cả cây lên mà cất đi một chỗ.

Công việc nó làm, nhiều chuyện đáng bật cười như thế cả.

Ông Nguyên Tố là một người viết chữ chân tốt mà vẽ lại giỏi lắm. Một hôm, ông hòa phấn với mực để vẽ, thấy A Lưu đấy, nói đùa với nó rằng: "Mày có vẽ được không?"

A Lưu đáp: "Khó gì mà không vẽ đươc." Ông bảo vẽ thì A Lư vẽ nét đậm, nét nhạt, nét xa, nét gần, như người xưa nay vốn đã biết vẽ. Ông thấy vậy thử luôn mấy lần, lần nào A Lưu vẽ cũng được như ý cả.

Tự bấy giờ, ông dùng dến A Lưu luôn không lúc nào là rời ra nữa. Sau A Lưu nổi tiếng là một nhà danh họa.

GIẢI NGHĨA

Tiểu đồng: thằng nhỏ giúp việc.

Chữ châu: lối chữ nho viết phân minh từng nét.

LỜI BÀN

Quét nhà suốt buổi không sạch được cái buồng con, trồng cây lúc ăn cơm nhổ cả cây đem vào, người mà ngốc như thế, thì bảo còn dụng làm được gì nữa! Tuy vậy không nhớ tên người, chỉ nhớ hình người, thấy cành mọc lên, không thấy cành chúc xuống, xem đồ vật biết phân biệt đồng hay đất, thế đủ hay A Lưu có cái trí khuynh hướng về nghề vẽ vậy. Ôi! gỗ mục vứt đi người kiếm củi vẫn nhặt, đá cuội là xấu, thợ ngọc vẫn dùng, trong trời đất thì không có vật gì là vật bỏ đi, huống chi là người ta tinh khôn hơn vạn vật, lại không được một điều gì khả thủ ư? A Lưu ngây dại, tưởng là người bỏ đi, thế mà được nổi tiếng về nghề họa, cũng nhờ ông Nguyên Tố có lượng bao dung, biết dụng nhân như dụng mộc. Xem bài này thì cha mẹ dạy con, thầy dạy học trò chẳng nên tìm rõ cái sở trường của mỗi đứa mà dẫn dụ, mà luyện tập nó mặt ấy, ngay tự lúc còn trẻ tuổi, để cho nó may có cơ thành tài được ru! Ðã đành: Thiên địa vô khí vật, thánh nhân vô khí nhân, nhưng cốt phải biết: nhân tài nhi đốc, (tùy theo cái tài mà bồi bổ khải phát cho nẩy nở ra) thì tài mới thành được.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 TRONG CÕI MỘNG 


Một đệ tử của Thích Tông Diễn kể: “Thầy chúng tôi thường ngủ trưa một giấc ngắn. Chúng tôi trẻ con hỏi tại sao thầy ngủ trưa, thầy chúng tôi đáp, “Tôi vào cõi mộng gặp các hiền triết thời xưa giống như Khổng Tử vậy.” Khi Khổng Tử ngủ, mộng thấy các hiền triết thời thượng cổrồi kể lại cho đệ tử nghe.

Một hôm trời nóng ghê gớm, vài đứa chúng tôi ngủ một giấc ngắn. Bị thầy mắng, chúng tôi giải thích, “Chúng con đi vào cõi mộng gặp các hiền triết thời thượng cổ như Khổng Tử vậy.” Thầy liền hỏi, “Thế có tin tức gì của các hiền triết đó không?” Một đứa trả lời, “Chúng con vào cõi mộng, gặp các vị hiền triết và hỏi có thấy thầy chúng con đến đây mỗi buổi trưa không, nhưng họ bảo là không thấy một kẻ nào như vậy.”

Truyện cười trong ngày

 Quảng cáo độc !


Một cửa hàng kính thuốc:

"Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Để bảo vệ cho tâm hồn của bạn, hãy lắp kính vào cửa sổ".

Sunday, October 24, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Ly nước và muối

 Ly Nước và Muối


Một chàng trai trẻ cảm thấy cuộc sống của mình không hạnh phúc, anh luôn phàn nàn về mọi khó khăn. Đối với anh, cuộc sống chỉ có những nỗi buồn. Anh liền tìm đến một vị thiền sư đáng kính để chia sẻ về cuộc đời của anh ta và xin lời khuyên của vị thiền sư để thoát khỏi tình trạng ấy.
Vị thiền sư đưa cho anh một thìa muối thật đầy và một ly nước nhỏ, rồi bảo anh bỏ muối vào trong ly nước và yêu cầu anh uống ly nước đó.

Vị thiền sư hỏi anh: "Con thấy vị của ly nước này thế nào?".

Anh trả lời: "Rất mặn và rất khó uống ạ."

Sau đó vị thiền sư dẫn anh ra một hồ nước gần đó và bảo anh đổ một thìa muối đầy xuống hồ nước rồi nói: "Bây giờ con hãy nếm thử nước trong hồ đi".

Đợi anh uống xong, vị thiền sư hỏi: "Con thấy vị của nước thế nào?".

Anh trả lời: "Nước trong hồ vẫn vậy thôi, thưa thầy. Nó chẳng hề mặn lên chút nào."

Lúc này vị thiền sư mới nắm tay anh và nói: "Ai cũng có lúc gặp khó khăn trong cuộc sống, và những khó khăn đó giống như thìa muối đầy này đây. Khối lượng muối luôn giữ nguyên chẳng hề thay đổi. Những người có tâm hồn rộng mở giống như một hồ nước thì khó khăn không làm họ mất đi niềm vui và sự yêu đời. Nhưng với những người tâm hồn chỉ nhỏ như một ly nước, họ sẽ tự biến cuộc sống của mình trở thành đắng chát và chẳng bao giờ học được điều gì có ích."

Cổ Học Tinh Hoa - Đám ma to

 Đám ma to


Trang Tử sắp chết. Học trò bàn nhau muốn làm ma rõ to. Trang Tử thấy vậy bảo: “Ta lấy trời đất làm quan quách, mặt trời, mặt trăng làm hai viên ngọc bích, các ngôi sao làm các hạt châu báu, muôn vật làm đồ tống táng, đám ma ta như vậy, há chẳng đủ rồi, cần gì mà phải làm cho ta nữa”.

Học trò nói: “Nhà thầy làm như vậy, chúng con sợ diều hâu, quạ nó rỉa thịt nhà thầy mất!”.

Trang Tử bảo: “Xác người chết mà để trên đất thì diều, quạ ăn, để dưới đất thì sâu bọ ăn. Bây giờ cướp của loài kia cho loài này, tâm sao mà thiên như thế? Tâm người ta thiên, thì bất bình, đem cái bất bình mà cho là bình thì cái bình không phải là bình nữa. Tâm người ta không sáng thì chẳng thật, đem cái chẳng thật mà cho là thật thì cái thật không còn là thật nữa.

Ôi! Người ta cứ khăng khăng giữ một ý kiến, chẳng cũng đáng thương lắm ru!”.

Trang Tử

Lời bàn:

Thầy sắp chết mà học trò định làm ma to cho thầy, thế là trung hậu mà là thường tình. Thầy gạt đi chỉ muốn như bỏ xác ra ngoài núi, thế là có ý tự nhiên cao thượng hơn đời. Học trò bảo không nỡ để cho quạ mổ, diều tha thịt thầy thế là chỉ biết những điều trước mắt có thể trông thấy mà thôi. Có biết đâu cái xác kia, khi vùi xuống đất, dù cho đào sâu, chôn chặt thế nào, trong quan ngoài quách dù cho chắc chắn đến đâu cũng không khỏi được các giống sâu bọ, vi trùng đục rũa làm cho tan nát quá ư là mỏ quạ, mỏ diều vậy. Ôi! Trang Tử lúc gần chết còn dạy học trò như thế, thật là bình tâm sáng suốt, hiểu thấu cái lẽ sinh, tử, tồn, vong, tức như bây giờ ta nói hiểu rõ chân lý, hiểu như khoa học rất hợp với cái học thuyết cao viễn của Trang Tử vậy.