Tuesday, November 30, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Bình trà đá miễn phí

 BÌNH TRÀ ĐÁ MIỄN PHÍ


Thời mới vô Sài Gòn, tôi phát hiện ra một điều rất thú vị ở đây, trên các con đường ở khu trung tâm thành phố thường xuất hiện những bình nước cạnh những gốc cây cổ thụ với dòng chữ: Trà đá miễn phí. Dù mưa hay nắng thì nó vẫn ở đó, vẫn lặng lẽ chứng kiến mọi sự thay đổi của Sài Gòn đầy bon chen.
Sài Gòn mùa khô thường nắng rất gay gắt. 12h trưa mà nắng đến nỗi dù mặc chiếc áo khoác dày bự vẫn cảm thấy dát. Đang đứng chờ đèn đỏ thì tôi tình cờ lắng nghe được câu chuyện rất nhỏ nhặt của hai mẹ con nhà nọ.

- Mẹ ơi, con khát nước.

- Sắp về đến nhà rồi con.

- Ở kia có trà đá miễn phí kìa mẹ, lấy cho con uống đi.

- Nước đó dơ lắm

- Nhưng con khát lắm mẹ à

- Đã bảo nước đó dơ, không uống được, lát mẹ mua nước ngọt cho.

Sau câu nói đầy sự tức giận của người mẹ, là khuôn mặt phụng phịu của thằng nhóc ngồi phía sau, rồi chiếc xe lao thẳng vun vút khi đèn xanh lên.

Tôi vẫn đứng đó, nhìn bình trà đá mà người ta đã dành rất nhiều tình cảm và tâm tư cho những người qua đường cần đến nó. Thử hỏi: Nếu Sài Gòn này không có những bình trà đá đó thì sao nhỉ? Thử hỏi bình trà đá đó và chai nước ngọt cái nào tốt hơn?

Hanah
13-11-2018

Cổ Học Tinh Hoa - Họa phúc khôn lường

 HỌA PHÚC KHÔN LƯỜNG


Một ông lão ở gần cửa ải có con ngựa tự nhiên đi sang nước Hồ mất. Người quen kẻ thuộc đều đến hỏi thăm.
Ông lão nói:
Mất ngựa thế mà phúc cho tôi đấy biết đâu.

Cách mấy tháng con ngựa về lại quyến thêm được một con ngựa hay nữa. Người quen kẻ thuộc đều đến mừng rỡ.
Ông lão nói:
Được ngựa thế mà họa cho tôi biết đâu.

Từ khi được ngựa hay, con ông lão thích cưỡi, chẳng may ngã què chân. Người quen kẻ thuộc đều đến hỏi thăm.
Ông lão nói:
Con què thế mà phúc cho tôi đấy biết đâu.

Cách một năm, có giặc Hồ. Nhà vua bắt lính đi đánh giặc. Quân lính mười người chết đến chín. Chỉ con ông lão, vì què không phải đi lính, mà cha con vẫn có nhau.

Hoài Nam Tử
GIẢI NGHĨA
.Hồ : tức là Hung nô ở phía bắc nước Tàu hay vào nhiễu loạn nước Tàu
Hoài Nam Tử: tên là Lưu An, tôn thất nhà Tây Hán, tức Hoài Nam Vương, làm sách nói về đạo đức.
LỜI BÀN
họa phúc xoay vần, khó lòng biết được. Trong cái phúc thường có cái họa nấp sẵn ở đấy, trong cái họa thường khi lại có cái phúc nấp sẵn ở đây. Cho nên, đối với sự họa phúc, ta không nên vội lấy việc chỉ có một thời mà quyết định cho là hay mãi hay dở mãi được. Ta chỉ nên, khi gặp phúc, thì thao thủ cẩn thận, đừng có kiêu xa phóng túng,may mà giữ được phúc lâu dài, khi gặp họa, thì tu tỉnh lấy thân, đừng có ngã lòng, đừng có oán trách, may mà qua được họa lại gặp phúc chăng.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Không Xa Phật Tánh


Một sinh viên đến viếng Gassan và hỏi :

_ “ Thầy đã đọc Thánh kinh Kytô chưa ?”

Gassan bảo :

_ “ Chưa hãy đọc tôi nghe “ .

Sinh viên mở Thánh kinh ra và đọc sách Thánh Matthew :

_ “ Còn phần quần áo , các ngươi lo lắng làm chi ? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào ; chẳng làm khó nhọc , cũng không khéo chỉ ; nhưng ta phán cùng các ngươi , dẫu vua Salomon sang trọng đến đâu , cũng không mặc được áo tốt như một hoa nào trong giống đó … Vậy chớ lo lắng chi ngày mai , vì ngày mai sẽ lo việc vì ngày mai “.

Gassan nói : _ “ Ai nói những lời đó tôi cho là một người đã giác ngộ “.

Sinh viên đọc tiếp : _” Hãy xin sẽ được ; hãy tìn sẽ gặp ; hãy gõ sẽ mở cho. Bởi vì hễ ai xin thì được ; ai tìm thì gặp ; ai gõ thì được mở “.

Gassan phê bình : _ “ Thật là tuyệt . Ai nói điều đó không xa Phật tánh “.

Truyện cười trong ngày

 Đây ạ


Bé Kibi là đứa trẻ hết sức nghịch ngợm thường làm bẩn chân tay mình mẩy. Một hôm, bé quậy, bà mẹ cầm cây thước lên chuẩn bị đánh. Kibi thiểu não chùi tay vào quần rồi đưa ra. Bà mẹ nhìn kỹ bàn tay bé bảo: "Nếu con tìm được cho mẹ cái bàn tay nào bẩn hơn, mẹ sẽ không đánh".
- Đây ạ, bàn tay này bẩn hơn ạ.
Kibi giơ tay trái ra.

Monday, November 29, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Thử thách trong cuộc sống

 THỬ THÁCH TRONG CUỘC SỐNG


Sống một cuộc đời đầy khó khăn, vào giữa một thời điểm khó khăn, bạn vẫn đừng quên dành thời gian để dừng lại, suy nghĩ và cảm ơn cuộc sống vì những gì mình có được, thay vì chỉ nghĩ đến những gì mình thua thiệt. Bạn tìm thấy sự yên bình ngay giữa cơn giông bão, đó mới là sự bình yên thực sự. Đó là niềm bình yên của những người học cách đối diện với những thất bại, mất mát, suy sụp, để rồi đi tiếp.

***

Cậu bé ấy sinh ra trong một gia đình nông dân, bố mẹ nghèo khó đến mức không thể cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Năm cậu lên 7 tuổi, cả nhà bị buộc phải rời khỏi nơi mà mình đang ở. Chẳng còn cách nào khác, cậu bắt đầu làm đủ thứ việc để đỡ gánh nặng cho cả nhà.
Thế rồi năm lên 9 tuổi, cậu mồ côi mẹ. Gánh nặng lại càng dồn lên vai "người đàn ông bé nhỏ" của gia đình. Cậu làm việc quần quật từ sáng đến tối, hầu như không biết đến những thú vui hay trò chơi của bạn bè cùng tuổi. Rồi bố cậu tục huyền, cậu gọi người phụ nữ đó là "mẹ", nhưng sự xa cách giữa hai bố con cứ lớn dần lên.

Cậu bé ấy lớn lên nhọc nhằn như thế, trở thành một chàng trai mà nơi duy nhất anh ta có thể trông cậy là đôi bàn tay mình. Năm 20 tuổi, khi đang làm nhân viên tại một cửa hàng thì anh bị mất việc. Anh muốn theo học trường Luật, nhưng lại không đủ khả năng tài chính. Năm 23 tuổi, anh vay một khoản tiền để chung lưng với một người bạn để mở một cửa hàng nhỏ. Ba năm sau đó, người bạn ấy qua đời, kết quả là anh gánh trên vai một khoản nợ mà phải mất nhiều năm mới trả xong được.

Năm 28 tuổi, sau khi yêu chân thành và kiên trì theo đuổi một cô gái 4 năm trời, anh ngỏ lời cầu hôn với cô, nhưng bị từ chối. Còn trong sự nghiệp, đến lần cố gắng thứ ba thì anh mới được bầu vào Quốc hội ở tuổi 37, nhưng rồi lại thất bại trong kỳ tái bầu cử.

Vào năm 45 tuổi, chàng thanh niên nay đã là một người đàn ông trung niên ứng cử vào Thượng viện nhưng... thua. Vào năm 47 tuổi, ông tiếp tục tranh cử vào chức Phó Tổng thống, nhưng... thất bại tiếp. Đến tuổi 51, ông được bầu làm Tổng thống của Hoa Kỳ. Đó là Abraham Lincoln.

Với một cuộc sống dường như đầy những thua thiệt và thất bại như vậy, bạn có tin rằng Lincoln chính là người mà, vào giữa thời điểm của cuộc nội chiến của nước Mỹ, năm 1863, đã tuyên bố ngày Lễ Tạ ơn, trước đó vốn chỉ được coi là một ngày lễ nhỏ của địa phương, trở thành ngày lễ quan trọng trong cả nước Mỹ.

Và chỉ từ lúc này, ngày Lễ Tạ ơn mới được đón mừng hàng năm, không chỉ trên khắp nước Mỹ, mà nhanh chóng lan ra các nước khác vì ý nghĩa tốt đẹp của nó – nói lời cảm ơn với cuộc sống dành cho chúng ta nhiều hạnh phúc và cũng nhiều gian khó này.

Sống một cuộc đời đầy khó khăn, vào giữa một thời điểm khó khăn, bạn vẫn đừng quên dành thời gian để dừng lại, suy nghĩ và cảm ơn cuộc sống vì những gì mình có được, thay vì chỉ nghĩ đến những gì mình thua thiệt. Bạn tìm thấy sự yên bình ngay giữa cơn giông bão, đó mới là sự bình yên thực sự. Đó là niềm bình yên của những người học cách đối diện với những thất bại, mất mát, suy sụp, để rồi đi tiếp.

Những khó khăn hiện tại là để tạo nên một bạn rắn rỏi và vững vàng hơn, sẵn sàng cho những điều lớn lao hơn mà chính bạn cũng không thể hình dung hết. Cuộc sống luôn thử thách một cách khắc nghiệt những con người mà nó lựa chọn.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 LÒNG BIẾT ƠN 


Fred: "Tại sao chúng ta phải cúi lạy lúc chấm dứt một thời thiền định?"

Thiền Sư Ho Chi: "Để cảm ơn Trời thời thiền định đã chấm dứt."

Cổ Học Tinh Hoa - Giữ lấy nghề mình

 GIỮ LẤY NGHỀ MÌNH

Nước Trịnh có người học nghề làm dù che mưa ba năm mới thành nghề. Trời đại hạn, không ai dùng đến dù, anh ta bèn bỏ nghề làm dù, đi học nghề làm gầu tát nước. Lại học ba năm mới thành nghề làm gầu, thì trời mưa luôn mãi không ai dùng đến gầu. Bây giờ anh ta lại quay về nghề làm dù như trước. Không bao lâu, trong nước có giặc, dân gian nhiều người phải đi lính, mặc đồ nhung phục, không ai cần đến dù, anh ta xoay ra nghề đúc binh khí thì đã già quách rồi.

Úc Ly Tử thấy anh ta, thương tình, nói rằng:

-Than ôi, ngươi chẳng đã già đời mất rồi ư! Già hay trẻ không phải là tự người, là tự trời, điều ấy đã cố nhiên. Nhưng nghề nghiệp thành hay bại dù lỡ thời không gặp dịp, cũng không nên đổ cả cho trời, tất có mình ở trong. Ngày xưa nước Việt có một người làm ruộng, cấy lúa chiêm ba năm đều hại vì lụt cả . Có người bảo anh ta nên tháo nước mà cấy mùa, anh ta không nghe, cứ cấy chiêm như trước. Năm ấy nắng to, mà nắng luôn ba năm, vụ chiêm nào cũng được, thành ra anh ta kéo lại hoà cả mấy năm mất mùa trước. Cho nên có câu rằng: "Trời đại hạn nghĩ đến sắm thuyền, trời nóng nực nghĩ đến sắm áo bông", đó là một câu thiên hạ nói rất phải.

Lưu Cơ
GIẢI NGHĨA
Trịnh: Tên nước chư hầu thời Xuân Thu tức huyện Tân Trịnh, tỉnh Hà Nam bây giờ.

Đại hạn: Nắng to và nắng lâu ngày.

Nhung phục: Y phục nhà binh.

Úc Ly Tử: Tên một bộ sách của Lưu cơ thác danh làm Úc Ly Tử mà nói trong bài này.

Đại nạn sắm thuyền...: Ý nói người ta cứ phòng xa là hơn, ở đời thường có cái sức đang đi thế này, tất có lúc đi ngược hẳn lại, như nắng lâu quá tất có lúc mưa lụt, nóng nực quá tất có lúc giá rét, nên người khôn lúc nắng lâu nghĩ sắm thuyền trước để phòng khi ngập lụt, lúc nóng nực nghĩ sắm áo bông trước để phòng khi giá rét.

Lưu Cơ: Người đời Minh tên tự là Bá Ôn có công giúp vua Thái Tổ gây dựng lên nhà Minh, giỏi văn chương lại kiêm cả thiên văn binh pháp.
LỜI BÀN
Người ta làm nghề gì, ai chẳng muốn cho nghề ấy được phát đạt, thịnh vượng. Song gặp thời, thì hay, lỡ thời, hoá dở. Như thế thì cái thời cũng là quan hệ với nghề của mình lắm. Khốn cái thời là tự ở đâu đâu chớ không tự mình gây lấy được, cho nên có lắm người làm nghề, không thành nghề, thường nói rằng: "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên" nghĩa là người chỉ mưu tính công việc, còn công việc nên, hay không nên, là do tại trời. Song người có gan, dù cho lỡ thời cũng cứ vững dạ mà giữ lấy nghề, vì nghề chắc đã thành, thì tất cũng có chốn dụng, chẳng chóng thì chầy, chẳng nhiều thì ít, chớ cứ nay làm nghề này, mai xoay nghề khác, như hòn đá lăn mài không bao giờ mọc rêu, thì chỉ nhọc xác, già người mà vẫn không ăn thua gì cả.

Truyện cười trong ngày

 Nhà sư chuẩn mực!



Có gia đình gửi con đến học đạo ở chùa nọ, người con về than vãn, một hôm 2 bố mẹ đến chùa trách thầy tu:

- Thầy tu, sao ông lại chửi con tôi?
- Thầy tu: Mô Phật! Bần tăng chưa chửi ai bao giờ!
- Bố: Ông còn đánh con tôi nữa.
- TT: Mộ Phật, Bần tăng chưa đánh ai bao giờ.
- Bố: Bực à nghen, ông muốn đánh lộn hả?
- TT: Mô Phật, Mô Phật, Thiện tai, thiện tai! Bần tăng chưa ngán ai bao giờ, mời!

Sunday, November 28, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện Ngắn - Khoảng trống có một viên đá nhỏ

 KHOẢNG TRỐNG CÓ MỘT VIÊN ĐÁ NHỎ


Bà cũng nghe kể – những tin kể khi ấy cứ dồn về bà tới tấp – chuyện ông ra ga đón vợ nhưng ngơ ngẩn không nhớ mặt vợ mình. Chỉ đến khi có người phụ nữ khập khiễng đi đến, đập mạnh vào vai ông, khóc như mưa vì sung sướng và hạnh phúc thì ông mới bừng tỉnh. Bừng tỉnh để đi tiếp cuộc đời mình. Và bà chắc mình mất ông từ khi ấy.

***

Căn bệnh tim mạch của tuổi già kéo họ về với nhau, trong cùng một phòng sau bốn mươi năm xa cách.

- Bà!

- Ông!

Họ bật gọi nhau trong phút giây chung sửng sốt. Bốn mươi năm qua đi, mắt đã mờ, chân đã chậm, hình hài hầu như thay đổi hoàn toàn nhưng họ vẫn nhận ra nhau, còn khi nhìn vào trong mắt, ánh nhìn vẫn sáng lên, ấm áp và dịu dàng.
Họ sống ở hai thành phố nhỏ. Thành phố lớn này là nơi có bệnh viện họ cùng đến khám và điều trị những căn bệnh của người già. Ông đến trước, khi sức khỏe của ông kha khá, vợ con trao cho ông quyền tự lực cánh sinh. Một tuần vợ ông có tạt qua hai, ba lần, nghe ông đây đẩy "đuổi khéo" lại tất tả chạy về. Bà còn rất trẻ so với chồng. Người đàn bà biết mình là công cụ trả thù tình của chồng nhưng vui vẻ chấp nhận cuộc sống an bài.

Bà có một mình, con ở xa, cháu cũng xa, báo cho đứa nào cũng sợ phiền mà bệnh cũng không trầm trọng gì nên bà tự xách giỏ vào bệnh viện một mình. Và họ gặp nhau, như là dịp để dối già, là cơ hội để bày tỏ những uẩn ức thời tuổi trẻ.

Hai ngày sau khi bà nhập phòng, không hiểu sao bỗng nhiên bệnh viện vắng. Căn phòng rộng thênh với mười sáu giường bệnh kê hai dãy, mỗi giường thường công kênh đến hai bệnh nhân giờ chỉ còn hai người, một đàn ông và một đàn bà, cả hai đều đã già, một hiện tượng kỳ lạ như thể có một bàn tay nào đó sắp đặt.

Bà chọn giường trong cùng, dãy bên trái; ông đôn từ giữa ra giường ngoài cùng, dãy bên phải. Thì hai người vẫn chung một phòng. Lúc dọn đồ, ông còn đùa: "Anh ở đầu sông, em cuối sông!". Với ông, những ngày nằm viện là những ngày hạnh phúc. Và câu chuyện ngày xưa được dịp ùa về.

***

Ngày xưa, bà nghe bạn bè kể, cắt đứt liên lạc với bà, ông về quê và hoàn thành việc cưới vợ trong vòng năm ngày. Người con gái quê có khuôn mặt thiên thần nhưng bị dị tật ở chân, sức khỏe yếu không thích hợp với những trai làng cường tráng cần vợ như cần công lao động trong nhà.

Và người con gái ấy sung sướng nhận lời làm vợ ông, sung sướng được là một viên đá nhỏ để lấp vào chỗ trống mênh mông trong trái tim ông. Sung sướng chờ ngày bỏ quê vào phố phường của miền Nam làm vợ, làm mẹ và đổi đời. Thôi, cứ an ủi đã vớt vát được một con người có hạnh phúc.
Mà đời nhiều người đổi thật.

Bà cũng nghe kể – những tin kể khi ấy cứ dồn về bà tới tấp – chuyện ông ra ga đón vợ nhưng ngơ ngẩn không nhớ mặt vợ mình. Chỉ đến khi có người phụ nữ khập khiễng đi đến, đập mạnh vào vai ông, khóc như mưa vì sung sướng và hạnh phúc thì ông mới bừng tỉnh. Bừng tỉnh để đi tiếp cuộc đời mình. Và bà chắc mình mất ông từ khi ấy.

Ông có vợ không yêu. Ông có con không ngoan cũng chẳng giỏi; lại nghe nói con ông hư nhưng chưa hỏng. Ông có chức nhưng không lớn, tiền cũng không nhiều. Mà ông dễ thù hận với tất cả. Bà không thể tin nổi có một ngày ông thành người của sự thù hận. Và bà nhận nguyên nhân về mình.

Có vài lần, phòng thêm người nhưng người mới cũng nhanh chóng chuyển đi, phòng bệnh vẫn chỉ có hai người, bà mong thoát khỏi tình huống khó xử nhưng lại muốn kéo dài những ngày khó xử.

Gần bảy mươi tuổi rồi nhưng hình như con tim yêu của bà vẫn xốn lên khi nhìn thấy ông. Ánh mắt sáng, cặp chân mày gọn gàng như đường vẽ, nụ cười hiền, cánh mũi lân, và mái tóc bồng, mái tóc ngày xưa vẫn làm bà ngơ ngẩn nay đã chuyển sang thành cước trắng nhưng vẫn bồng lên, nó làm cho cảm xúc của bà cũng dồn lên trong lồng ngực mỏng.

Có những khi thức giấc bà thấy ông đăm đắm nhìn. Rồi như ngại, như ngượng ngùng, ông bối rối quay đi. Cả bà nữa, bà cũng hay trộm nhìn khi ông ngủ. Ngày xưa, hai năm yêu, chưa bao giờ bà được nhìn ông ngủ. Cái thuở yêu nhau phải nói chuyện chỗ sáng đèn, vài lần vội vàng nắm tay, lơ mơ trai gái là kỷ luật như chơi. Cái thời trong trắng, sôi nổi và dại khờ...

***

Thời trai trẻ bồng bột, ông đã đánh mất bà chỉ bởi một thông tin mơ hồ: Người ta thấy bà đi vào rạp hát, rất vui vẻ cùng với người bạn trai cũng là bạn của hai người. Và ông cho mình quyền tự suy diễn tiếp mặc kệ mọi lời giải thích của bà, sự khuyên răn, hàn gắn của tổ chức. Ông gửi trả toàn bộ những lá thư hàng ngày bà kiên trì chuyển đến mặc dù hai người công tác cùng cơ quan. Rồi ông chuyển công tác đi thật xa. Tình yêu từ những năm một ngàn chín trăm lâu lắm, ông bâng khuâng so sánh với bây giờ, cũng là tình yêu mà sao khác nhau đến lạ.
Ngày xưa, ông vẫn từng đau đớn bởi ý nghĩ mình là nguyên nhân gây nên những lận đận đời bà. Năm năm sau khi ông có vợ, bà mới mở lòng mình. Nhưng cuộc tình không như là mơ. Bà vác bụng bầu lặn lội đi tìm cha cho con mình, chấp nhận cay đắng, quỳ xuống van xin trước cha và mẹ của người tình để rồi chỉ nhận được lời ngã giá lạnh lùng: Hãy cầm tiền và đi hủy cái thai. Cũng may mắn cho bà, cơ quan của kẻ sở khanh đã dang tay cứu giúp, và bà có chồng, con bà có cha, dẫu không xênh xang tự hào nhưng vẫn là người có...

Có bận ông yên tâm bởi thông tin gia đình bà hạnh phúc và giàu có. Tự an ủi, may cho bà thoát khỏi ông, kẻ trái tính cực đoan rồi thông tin bẵng đi. Giờ, bốn mươi năm rồi.

***

Người ngoài nhìn vào, thấy hai người già đều là những người hiền lành, tốt tính và chu đáo thường hay chăm sóc lẫn nhau. Cũng có khi hai cụ giành nhau việc đi nhận thức ăn, mua mấy thứ đồ lặt vặt hay lấy kết quả xét nghiệm.

Buổi sáng, hai cụ cùng đi bộ trên lối đi quanh bệnh viện, buổi chiều, hai cụ cùng xuống ghế đá vườn hoa, cụ bà đi trước, cụ ông đi sau, hai người ngồi chung một ghế, nhàn hạ, ấm áp và yên bình như một cặp tình nhân lâu năm. Mà sức khỏe hai cụ có vẻ tiến triển tốt bởi lẽ thấy hai cụ vui cười, đi lại nhanh nhẹn hơn còn ánh nhìn hình như thêm nét long lanh.

Người ta tấm tắc về chuyện lạ kỳ, bỗng dưng mùa này bệnh viện vắng, vắng đến độ phòng bệnh chỉ còn có hai người. Mà cũng may có đến hai cụ, trong một phòng, hai cụ chung một bệnh, cùng một hoàn cảnh tự lực cánh sinh. Già, bệnh mà khỏe re như hai cụ, người ta khen là... nhất. Và người ta đã kịp quen với hình ảnh hai cụ già và phòng bệnh có hai người.

Bà nói mắc cười bởi không ngờ ngày gặp lại, bỗng dưng bà bật tiếng gọi "ông". Ông cười xuê xoa nhận lỗi bởi ông cất tiếng gọi "bà" trước. Mà cũng phải thôi, lên ông, lên bà hết rồi... Nửa tháng trôi nhanh, một buổi chiều, cô y tá đến thông báo hai cụ được xuất viện cùng một ngày. Trước ngày chia tay, phòng vẫn chỉ có hai người, một nam, một nữ.
Chập tối, cơm nước xong ông pha trà, sắp bánh, trang trọng như chuẩn bị đám nói. Chẳng đợi mời, bà kéo ghế đến ngồi bên ông. Bà muốn nói với ông lời xin lỗi, xin lỗi vì vô tình đã làm ông tổn thương nhưng cổ họng cứ nghẹn lại. Không chừng bệnh lại hành, rồi nằm viện đến bao giờ...

Ông không nói lời xin lỗi mà nói lời nhận lỗi, lỗi cực đoan nên cả đời ông đi làm khổ mình, khổ người. "Những cơ cực của cuộc đời em, anh đều biết nhưng đã quá muộn, anh đã quá sai", ông nói, giọng chùng hẳn xuống làm nước mắt nước mũi bà lem nhem.

Ừ, mà ông đã quá sai và cả cuộc đời đi sửa cái sai ấy, sửa mãi mà không xong. Cả đời ông vật lộn với người đàn bà ông không yêu và những đứa con do người đàn bà ông không yêu sinh ra. Xoay qua xoay lại sắp hết một kiếp người. Họ ngồi bên nhau, không lâu lắm. Già rồi, giờ chỉ có thể nằm lâu.

***

Khuya nhìn sang, bà thấy ông đang nhăn nhó. Bà biết, ông bị chứng chuột rút hành hạ. Chân ông co quắp, thấy ông nhăn vẻ đau đớn, hai tay với xuống nắm chân nhưng ông không lên tiếng. Những lúc ấy, cần một người khỏe mạnh kéo giãn chân ông ra, đè xuống. Không ngại ngần, bà sang giường ông ứng cứu như bổn phận đương nhiên phải thế. Tay bà cũng yếu lắm rồi, không thể nắn, kéo cẳng chân đang co quắp, bà chỉ có thể nhè nhẹ xoa. Lần đầu tiên của sự đụng chạm da thịt giữa hai người. Ngày xưa, ngày xưa trong trắng và thánh thiện cứ hiện về.

Ông lại gọi bà bằng em, như chuyện đương nhiên phải thế. Bà ngồi bên ông, thấy rõ lòng mình bình yên nhưng thi thoảng vẫn sụt sịt khóc, vì cái gì nhỉ. Thương thì lúc nào cũng thương, giận thì vẫn còn giận nhưng là giận mình. Thôi, anh đừng nói chuyện ấy. Bà lại thấy hai người đang như là một cặp tình nhân.

Bài sưu tầm

Cổ Học Tinh Hoa - Liêm Sỉ

 Liêm, sỉ


Liêm, sỉ(1) là tính rất hay của loài người, vì người mà không liêm thì cái gì cũng lấy, không sỉ thì việc gì cũng làm. Người mà đến thế là người bỏ đi, không khác gì giống vật. Nhất những bậc đứng chủ trương việc nhà, việc nước mà vô liêm, sỉ thì nhà phải suy bại, nước phải nguy vong.

Nghĩ cho kĩ, thì sỉ cần hơn liêm: người không liêm làm những việc bất nghĩa, căn nguyên cũng ở vô sỉ mà ra.

Khổng nói: “Hành kỉ hữu sỉ” nghĩa là nghĩ mình biết làm xằng là xấu hổ. Thầy Mạnh nói: “Nhân bất khả vô sỉ” nghĩa là người ta không biết xấu hổ thì không được.

Than ôi! Thế mà ngày nay, nhân tình phản trắc, phong tục suy đồi, người ta quên cả liêm, sỉ. Không kể chi người thường, thậm chí đến bọn sĩ phu cũng chan chan như thế cả. Ôi! Nếu cho là sự xấu hổ chung cho cả nước, cũng không phải là nói ngoa.

Tuy vậy, mùa đông rét mướt, tùng, bách vẫn xanh; mưa gió tối tăm, gà sống vẫn gáy. Đời tuy hôn mê, vẫn có người tỉnh.

Ông Nhan Chi Suy(2) làm sách “Gia huấn”(3) có thuật câu chuyện rằng:

Một viên quan nói với ông: “Tôi có đứa con 17 tuổi học đã thông. Tôi cho nó học tiếng nước Tiên Tri(4), tập gảy đàn tì bà, lớn lên theo hầu đám công khanh(5), thì thế nào rồi cũng được sung sướng”.

Nhan Chi Suy nghe nói, nín lặng không trả lời. Sau về nhà, bảo con cháu rằng:

“Người này dạy con lạ thay. Như ta, nếu học cách ấy, dù cho được phú quý đến đâu, ta cũng không mong cho các con vậy”.

Những kẻ mất hết liêm, sỉ, chỉ biết chăm chăm xu thời nịnh đời, xem câu chuyện này, nghĩ chẳng đáng thẹn lắm sao!

Lời bàn:

Bài này thực đã như một tiếng than cho đời mà ngán cho người. Than ôi! Người đời bấy giờ có phải đa số là người “vô liêm sỉ”, “bất trí sỉ” không? Nếu quả thật thì người ta ngậm ngùi than thở rất là phải. Vì “liêm”, “sỉ” là nền tảng của đạo làm người. Ở đời còn có sỉ thì hiếu, để, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm còn được chớ liêm, sỉ đã mất, nhất là sỉ, thì còn gì là luân thường đạo lý, và mong cậy vào đâu nữa. Con người mà đã đến vô sỉ thì tuy mặc áo, đội mũ mà như con chim, con muông, còn cái gì là kiêng nể là không dám làm!

(1) Liêm: tính phân minh ngay thẳng, không lấy của bất nghĩa. Sỉ: hổ thẹn, tự mình lấy làm khó chịu, nhục nhằn trong lòng.

(2) Nhan Chi Suy: nhà văn tự giỏi có tiếng thời Nam Bắc triều

(3) Gia huấn: lời dạy bảo con em trong nhà

(4) Tiên Tri: tên một nước cũ, tức là một bộ phận Nội Mông Cổ bây giờ. Về đời Tấn, Tiên Tri vào chiếm Trung Nguyên, đặt tên nước Nguỵ, tức là Bắc Triều

(5) công khanh: hai chức quan to.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Đối thoại thiền


Thiền sư thường dạy học trò biểu lộ chính mình. Có hai thiền viện, mỗi thiền viện có một thiền sinh nhỏ. Một em, mỗi sáng đi mua rau, gặp em kia trên đường đi.
“Bạn đi đâu đó?” một em hỏi.

“Tôi đi nơi nào chân tôi đi,” em kia trả lời.

Câu trả lời làm em này bối rối, nên em về hỏi thầy giúp đở. “Sáng mai,” thầy bảo em, “khi con gặp bạn, hỏi câu hỏi đó lại. Nó sẽ trả lời y như cũ, rồi con hỏi nó: ‘Nếu bạn không có chân, thì bạn đang đi đâu?’ Vậy sẽ chỉnh được nó.”

Hai bé lại gặp nhau sáng hôm sau.

“Bạn đang đí đâu dó?” em thứ nhất hỏi.

“Tôi đi nơi nào gió thổi đi,” em kia trả lời.

Câu trả lời này lại làm em choáng váng. Em mang thất bại về hỏi thầy.

“Hỏi nó đang đi đâu nếu không có gió,” thầy chỉ.

Hôm sau hai bé gặp nhau lần thứ ba.

“Bạn đang đi đâu dó?” em thứ nhất hỏi.

“Tôi đang đến chợ mua rau,” em kia trả lời.

Truyện cười trong ngày

 Khôn ra..


Một lão nhà giàu đi dạo chợ quê xem có món hàng nào hời sẽ mua tích trữ. Thấy một chú bé cứ nhai mãi mấy hột táo, bèn hỏi:

- Này nhóc, mày nhai mãi mấy hột táo ấy để làm gì?

- Thưa ông, để cho khôn người ra.

- Thế à? Bán cho tao vài hột được không?

- Thưa ông, mười đồng hai hột.

- Ðược, tiền đây.

Lão ta đưa luôn mười đồng và cầm hai hột táo bỏ ngay vào miệng nhai lấy nhai để. Nhai mãi, một lúc sau lão ta hỏi chú bé:

- Này nhóc! Tao nhai từ nãy đến giờ chả thấy khôn ra tí nào. Trong khi đó với mười đồng, tao có thể mua hàng rổ táo của những người khác.

- Ðấy! Ðấy! Ông khôn ra rồi đấy! – Chú bé đắc chí kêu lên.

Saturday, November 27, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Một việc nhỏ thôi

 MỘT VIỆC NHỎ THÔI


Trích trong những câu chuyện cảm động/thư viện ebơok

Một gia đình gồm hai vợ chồng và bốn đứa con nhỏ. Dịp hè, họ cùng đi nghỉ mát ở một bãi biển. Bọn trẻ rất thích tắm biển và xây những tòa lâu đài trên cát. Bố mẹ chúng thuê một cái lều ngồi uống nước trên bờ, dõi nhìn các con vui đùa không quá xa ngoài kia phía trước mặt.

Thế rồi họ trông thấy một bà cụ già nhỏ nhắn ăn mặc xuềnh xoàng, trên tay cầm một chiếc túi cũ đang tiến lại. Tóc bà đã bạc trắng, bị gió biển thổi tốc lên càng làm cho khuôn mặt nhăn nheo của bà thêm khó coi. Bà cụ đang lẩm bẩm một điều gì đó, dáo dác nhìn rồi thỉnh thoảng lại cúi xuống nhặt những thứ gì đó trên bãi biển, bỏ vào cái túi.

Hai vợ chồng không hẹn mà cùng vội chạy ra gọi các con lại, căn dặn chúng phải tránh xa người đàn bà khả nghi kia. Dường như họ cố ý nói to cho bà ta nghe thấy để bà ta nên đi chỗ khác kiếm ăn.

Cụ già không biết có nghe thấy gì không giữa tiếng sóng biển ì ầm, chỉ thấy bà cứ từ từ tiến về phía họ. Thế rồi bà cụ dừng lại nhìn mấy đứa trẻ dễ thương đang ngơ ngác nhìn mình. Bà mỉm cười với họ nhưng không ai đáp lại, chỉ giả vờ ngó lơ đi chỗ khác. Bà cụ lại lẳng lặng làm tiếp công việc khó hiểu của mình. Còn cả gia đình kia thì chẳng hứng thú tắm biển nữa, họ kéo nhau lên quán nước phía trên bãi biển.

Trong lúc chuyện trò với người phục vụ bàn ăn cùng những khách hàng trong quán, hai vợ chồng quyết định hỏi thăm xem bà cụ khả nghi kia là ai và họ... sững sờ: Bà cụ ấy là người dân ở đây, từng có một đứa cháu ngoại vì bán hàng rong trên bãi biển, vô tình đạp phải một mảnh chai rồi bị nhiễm trùng, sốt cao, đưa đi bệnh viện cấp cứu không kịp và đã chết không lâu vì bệnh uốn ván. Từ dạo ấy, thương cháu đến ngẩn ngơ, bà cứ lặng lẽ đi dọc bãi biển, tìm nhặt những mảnh chai, mảnh sắt hoặc hòn đá có cạnh sắc. Mọi người hỏi lý do thì bà đáp mà đôi mắt ướt nhòe: "ồ, tôi chỉ làm một việc nhỏ thôi ấy mà, để các cháu bé có thể vui chơi trên bãi biển mà không bao giờ bị chết như đứa cháu đáng thương của tôi!".

Nghe xong câu chuyện, người chồng vội chạy ngay xuống bãi biển mong có thể nói một lời xin lỗi và một lời biết ơn chân thành, nhưng bà cụ đã đi rất xa rồi. Bóng bà chỉ còn là một chấm nhỏ trên bãi biển vắng người khi chiều đang xuống...

Cổ Học Tinh Hoa - Cách phục lòng người

 CÁCH PHỤC LÒNG NGƯỜI


Mình làm người sang trọng giàu có, thì chớ nên kiêu sa.

Mình là bậc trông minh tài trí, thì chớ nên khinh ngạo.

Mình có sức lực khỏe mạnh, thì chớ nên đè nén người.

Mình ăn nói linh lợi, thì chớ nên dối trá người.

Mình còn kém thì phải học, chưa biết thì phải hỏi.

Ðối với làng nước, thì phải giữ cái trật tự trên dưới.

Ðối với người nhiều tuổi, thì phải giữ cái nghĩa con em.

Ðối với người bằng vai, thì phải giữ cái nghĩa bầu bạn.

Ðối với lũ trẻ thơ, thì phải dạy bảo khoan dung.

Như vậy thì ai cũng yêu, ai cũng kính, không ai tranh giành với mình. Tâm địa rộng rãi thênh thang như trời đất, thì bao bọc được cả muôn loài.

Hàn Thi Ngoại Truyện

GIẢI NGHĨA

Hàn Thi Ngoại Truyện: là bộ sách chép những câu nói đời xưa, dưới mỗi bài có những chứng dẫn mấy câu thơ của Hàn Anh làm.

Hàn Anh là người đời nhà Hán làm bác sĩ đời vua Văn Ðế lấy những ý trong thơ của người ta mà làm Nội, Ngoại truyện gọi là Hàn Thi, bây giờ chỉ còn ngoại truyện mà thôi.

LỜI BÀN

Muốn cho người tâm phục, không phải lấy tiền tài hay quyền thế mà khiến được, tất phải biết cách cư xử với người cho phải đạo thì mới được. Bài này chính tóm tắt mấy câu về cái đạo ấy. Ðoạn trên cốt ngăn ngừa mấy câu, cái ác tính thường kẻ hơn người hay mắc phải. Ðoạn dưới nói cách ăn ở với mọi bậc người trong xã hội. Nói tóm lại khiêm nhã kính ái là một phương pháp rất hay để ở đời.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Câu Chuyện Shunkai


Tuyệt đại mỹ nhân Shunkai , có một tên khác là Suzu , bị bắt buộc phải lập gia đình trái với ý muốn của nàng Khi Shunkai còn nhỏ tuổi quá . Sau này , khi cuộc hôn nhân đã kết thúc , Shunkai theo học triết học ở một trường đại học .

Nhìn thấy Shunkai là phải yêu nàng . Luôn luôn và bất cứ nơi nào nàng bước chân đến là có kẽ yêu nàng , và chíng nàng cũng yêu nhiều người . Tìh yêu đã đến với Shunkai ở đại học , và sau này , khi triết học không làm Shunkai thỏa mãn . Shunkai đến viếng một ngôi đền để học Thiền , nhiều Thiền sinh yêu nàng . Toànthể cuộc đời Shunkai đẫm ướt tình yêu . Cuối cùng đến Kyoto , Shunkai mới trở thành một Thiền sư thật sự . Những sư huynh đệ của Shunkai ở một ngôi đền phụ thuộc đền Kennin đã ca ngợi lòng chân thành của Shunkai . Một người trong bọn họ đã chứng tỏ tinh tần đồng chí hướng với Shunkai bằng cách đã giúp đỡ Shunkai trong việc nắm vững căn bản Thiền học .

Sư trưởng của đền Kennin , Mokurai có nghĩa là Im lặng Sấm Sét là một người nghiêm khắc . Mokurai tự giữ giới luật rất nghiêm trang và muốc các đệ tử cũng làm như mình .

Ở nước Nhật hiện thời , dù bất cứ nhiệt tâm nào dường như các tu sĩ đã đánh mất tinh thần Phật giáo , vì họ có vợ . Mokurai thường xách chổi đuổi những người đàn bà khi ông tìm thấy họ ở bất cứ nơi nào trong ngôi đền của ông . Nhưng Mokurai càng quét đuổi nhiều bà vợ đó chừng nào thì dường nghư họ càng trở lại nhiều chừng ấy .

Trong ngôi đền đặc biệt này , bà vợ của tu sĩ trưởng nổi ghen với sự chăm chỉ và sắc đẹp của Shunkai . Nghe các đệ tử ca ngợi sự hành Thiền trang nghiêm của Shunkai , bà vợ tu sĩ trưởng ngứa ngáy khó chịu . Cuối cùng bà phao đồn về việc Shunkai với một thanh niên bạn . Vì thế Shunka và anh bạn bị trục xuất ra .

Shunkai nghĩ :” Có thể ta đã gây nên một lỗi lầm về chuyện yêu đương , nhưng bà ấy sẽ không thể ở lại ngôi đền đó được , nếu bạn ta bị đối xử quá bất công như thế “’ 

Ðêm đó , Shunkai mang một thùng dầu hỏa châm kửa đốt rụi ngôi đền đã xây hai mươi lăm năm này .

Sáng hôm sau Shunkai thấy mình bị cảnh sát bắt giữ .

Một luật sư trẻ thích Shunkai và cố gắng giúp nàng được nhẹ tội . Nhưng Shunkai bảo vị luật sư rằng :” Ðừng , đừng giúp tôi làm gì , biết đâu tôi lại quyết định làm một việc gì khác rồi tôi lại ngồi tù nữa . Vô ích “.

Cuối cùng Shunkai bị tuyên án bảy năm tù . Shunkai lại được một cai tù sáu mươi tuổi thả ra vì ông ta cũng say mê nàng . 

Nhưng bây giờ người ta xem nàng như một “ con chim tù “. Không ai còn muốn giao kết với Shunkai . Cả đến các Thiền nhân , những người được cho là tin vào sự giác ngộ ngay trong đời này và với thân này , tất cả đều tránh nàng . Shunkai đã nhìn thấy Thiền là một việc và những kẽ theo Thiền là một việc khác hẳn hoàn toàn , Những người thân thuộc của Shunkai cũng không còn gì . Shunkai trở thành người bệnh tật , và yếu đuối . Shunkai gặp một tu sĩ Shinatru , nàng niệm danh hiệu của Ðức Phật A Di Ðà . Shunkai đã tìm được nơi đây một chút an ủi thanh bình của tâm hồn . Shunkai đã qua đời khi nàng còn đẹp tuyệt trần và chưa đầy ba mươi tuổi Shunkai đã viết lại câu chuyện đời nàng trong một sự cố gắng hữu ích để hổ trợ cho chính nàng . Một phần nhỏ câu chuyện này được nàng kể cho một người đàn bà khác ghi lại . Vì thế câu chuyện đã đến tai người dân Nhật . Những người đã từ chối Shunkai , những người đã phỉ báng và oán ghét Shunkai , bây giờ đọc lại chuyện đời Shunkai với những giọt lệ ăn năn

Truyện cười trong ngày

 Ảnh hưởng


Có một đứa bé rất mê xem ti vi. Mẹ nó bị viêm phổi, tắt tiếng. Có một người bạn của mẹ nó đến hỏi thăm:
- Mẹ cháu thế nào?
- Hình ảnh thì tốt, còn âm thanh không được rõ lắm.

Friday, November 26, 2021

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Tiết kiệm nước

                                                                 Tiết kiệm nước

Susan H.Hubbs

Một tối thứ Sáu, tôi đang nằm khoan khoái trên giường với cuốn tiểu thuyết trên tay, chợt nghe: vòi nước nhà bếp vừa mở. Rõ ràng có ai đó trong nhà muốn uống nước trước khi đi ngủ. Thường thì âm thanh đó vào tai này sẽ lập tức lọt qua tai kia đi luôn. Nhưng tối nay thì khác. Đã mấy tuần rồi, kể từ khi rao giảng cho hai đứa con về chính sách tiết kiệm - đặc biệt là tiết kiệm điện và nước - tôi rất nhạy cảm với từng chiếc quạt bật lên, mỗi giọt nước rỏ xuống, hay mỗi tiếng giật toa-lét trôi. 

Bất cứ ai phải thanh toán những hoá đơn sinh hoạt gia đình đều sẽ đồng ý rằng: mùa hè nóng bức sẽ là kẻ thù đáng ghét cho ngân khố gia đình. Quỹ dành vào việc dùng nước hàng tháng thường bị cuốn phăng vô hố cầu - theo nghĩa đen hoàn toàn. Những hoá đơn điện có thể thiêu cháy những hầu bao rủng rẻng nhất. 

Bởi thế nên, thật vô cùng đúng đắn khi tôi quyết định đề ra quy định: Phải tắt hết các bóng đèn và quạt trần trước khi rời khỏi phòng. Không được lãng phí nước. Giữ cho máy điều hoà ở mức 26 độ C. Tắt tivi khi không xem. Những nội quy đơn giản biết bao! Tôi nghĩ. Dĩ nhiên cả nhà sẽ thực hiện được. 

Vào đêm thứ Sáu ấy, nằm trên giường, tôi quên phéng cái vòi nước chảy tồ tồ mà tạm thời vùi đầu vào những trang sách. Đọc hết một chương, tôi bừng tỉnh khỏi thế giới mộng tưởng một thoáng, vừa đủ để nghe âm thanh rõ mồn một trong nhà bếp - vòi nước vẫn tuôn xối xả. 

Thật không thể được! Ít nhất đã năm phút trôi qua kể từ khi vòi nước mở, vậy mà giờ nó vẫn chưa chịu ngừng! Tôi bỗng nổi sùng, chỉ muốn "sực" ngay người nào đã thô bạo vi phạm quy định số 2: "Không được lãng phí nước". 

Tôi nhảy phóc khỏi giường, đang tính lao thẳng vào bếp hầu trách cứ kẻ sai quấy thì chợt nhận ra mình ăn mặc hở hang quá, không xứng với sự kính trọng cần thiết cho bài thuyết giáo sắp trình bày. Vì vậy tôi chỉ thò đầu ra khỏi góc phòng và thấy thằng con 10 tuổi, Christopher. Chẳng thể kiềm chế, tôi bùng nổ và la lên quàng quạc. "Con làm cái khỉ gì thế? Bộ con tính trút luôn đồng xu cuối cùng của chúng ta xuống cống sao?" 

Lậm chậm bước lại giường, hài lòng với điều mình vừa nói, tôi khoác thêm áo ngoài vào, định bụng sẽ "thừa thắng xông lên". Nhưng tức khắc, tôi nghe được âm thanh khác từ nhà bếp vọng ra - không phải là tiếng nước chảy. Vòi nước đã được khoá tắp lự ngay sau bài lên lớp hùng hồn của tôi. 

Trời đất, âm thanh này còn tệ hơn cả tiếng nước chảy nữa. Đó là tiếng nức nở ráng kìm nén. 

Xỏ vội quần vào, tôi chạy ào vào bếp. Cảnh tượng trước mắt khiến trái tim tôi thắt lại. 

Con trai tôi đang cẩn thận lau chùi mặt bếp lò, giọt nước mắt của nó hoà lẫn với nước lau cửa sổ rơi xuống bệ. Tôi nhìn quanh căn bếp tôi đã quá mệt mỏi không thể lau dọn nổi trước khi đi ngủ. Giờ đây nó không một vết bẩn. Dĩa muỗng đã được xếp cẩn thận, mặt lò sáng bóng, và bồn rửa chén trắng phau. Thậm chí cả lò viba cũng không còn dấu vân tay. 

Sững sờ vì Christopher đã làm tất cả những việc ấy một mình, đồng thời tự cảm thấy chán ghét mình quá, tôi thủng thẳng bước đến bên con trai, dịu dàng ôm vòng nó trong tay. 

"Mẹ xin lỗi con. Mẹ sai rồi. Sai kinh khủng", tôi thì thầm, những giọt nước mắt nóng bỏng của tôi rỏ xuống lưng con. 

"Không sao đâu, Mẹ", Christopher đáp lại yếu ớt. "Con hiểu". 

Vẻ lễ phép và bản chất dễ tha thứ của con đã chế ngự hành vi hồ đồ của tôi. 

Ai là người lớn ở đây? Tôi tự hỏi khi xoay mặt con vào mặt mình. 

"Tha lỗi cho mẹ nghe con", tôi nói mà như nài nỉ. "Đáng lẽ mẹ phải kiểm tra xem chuyện gì trước khi tức giận vô cớ. Lẽ ra mẹ phải tin tưởng con đã. Mẹ sai rồi". 

Cái ôm của thằng bé thật mạnh mẽ. Chúng tôi ôm nhau - nó đấu tranh để tha thứ còn tôi thì dằn vặt, hối lỗi. 

"Christopher", cuối cùng tôi bảo. "Con đã dạy mẹ hãy từ từ và cẩn trọng khi mắng mỏ, quy tội cho bất cứ ai. Con đã dạy mẹ không được quá chủ quan về mọi thứ. Con đã cho mẹ hiểu về tính cách của con và về lòng tin cậy". 

Nó lặng im, nhận lời xin lỗi của tôi. 

"Tối nay nóng kinh khủng con nhỉ", tôi nói, cố tạo mối liên lạc tích cực nào đó, rồi bất giác la lên. "Mặc đồ bơi vào đi con". 

Christopher nhìn tôi dò hỏi nhưng rồi cũng làm theo, cho dù lúc đó kim đồng hồ trong nhà bếp đã chỉ nửa đêm. Hai phút sau, chúng tôi cùng lôi thiết bị tưới tự động chạy nhào ra sân sau. Hay mẹ con chạy vòng vòng, cười rinh rích, vừa tắm mát vừa thực hiện những hành động ngớ ngẩn nhất. 

Cuối cùng, Christopher cũng hỏi điều tất yếu. 

"Thế còn hoá đơn nước thì sao, Mẹ? Chắc sẽ lớn lắm đấy". 

"Nước ư, vớ vẩn", tôi đáp, giơ vòi lên cho tia nước bắn thẳng vào gáy mình. "Tiền không là tất cả, cưng à. Con quan trọng hơn mớ giấy màu xanh đó nhiều". 

Ánh trăng rọi bóng vàng óng ả lên mặt thằng bé, và tôi thấy xuất hiện một giọt nước mắt trào ra khoé mắt con. Có thể đó chỉ là giọt nước từ mái đầu ướt rượi chảy xuống. Không thành vấn đề! Điều đáng nói là Christopher bưới tới bên tôi, thì thào, "Con yêu Mẹ". 

Đêm đó chúng tôi nhảy nhót ngoài trời cả giờ, mặc kệ nước trôi tuồn tuột xuống cống. Cuối tháng khi hoá đơn tới, tôi điềm nhiên trả tiền, trong lòng thư thái khôn tả. Giờ tôi đã biết sự thật đơn giản: Con người thường phạm lỗi; nhưng được con tha thứ mới thật thiêng liêng. 


(Hương Lan dịch)

Cổ Học Tinh Hoa - Cổ Học Tinh Hoa

 CHUYỆN A LƯU


A Lưu là một tên tiểu đồng nhà ông Chu Nguyên Tố. Nó thực là ngây ngô, không được việc gì cả, mà ông Nguyên Tố vẫn nuôi nó suốt đời.

Lúc ông bảo nó quét nhà, nó cầm chổi quanh quẩn suốt buổi mà không sạch được một cái buồng con. Ông giận mắng, thì nó quăng chổi xuống đất, lẩm bẩm nói: "Ông quét giỏi, thì ông phiền tôi làm gì!"

Khi ông đi đâu vắng, sai nó chực ngoài cửa, dù khách quen đến, nó cũng không nhớ được tên ai. Có hỏi, thì nó nói: "Người ấy lùn mà béo. Người ấy gầy mà lắm râu. Người ấy xinh đẹp. Người ấy tuổi tác và chống gậy..." Ðến lúc nó liệu chừng không nhớ xuể, thì nó đóng cửa lại, không cho ai vào nữa.

Trong nhà có chứa một ít đồ cổ như chén, lọ, đỉnh, đôn. Khách đến chơi, nó đem bầy ra cho xem. Lúc khách về, nó lén đến gõ các thứ ấy, mà nói: "Những cái này có khi bằng đồng mà sao nó đen xì lại như thế này!" Rồi nó chạy đi lấy cát, lấy đá, lấy nước để đánh. Nhà có cái ghế gãy chân, ông sai đi chặt cành cây có chạc, để chữa lại thì nó cầm búa, cầm cưa đi khắp vườn. Hết ngày, về, nó chìa hai ngón tay làm hiệu mà nói: "Cành cây có chạc đều chỉa trở lên cả, không có cành nào mọc chúc xuống đất." Cả nhà ai cũng phải phì cười.

Trước sân có vài cây liễu mới trồng. Ông sợ trẻ láng giềng đến nghịch hỏng, sai nó trông nom giữ gìn, đến lúc nó vào ăn cơm, thì nó nhổ cả cây lên mà cất đi một chỗ.

Công việc nó làm, nhiều chuyện đáng bật cười như thế cả.

Ông Nguyên Tố là một người viết chữ chân tốt mà vẽ lại giỏi lắm. Một hôm, ông hòa phấn với mực để vẽ, thấy A Lưu đấy, nói đùa với nó rằng: "Mày có vẽ được không?"

A Lưu đáp: "Khó gì mà không vẽ đươc." Ông bảo vẽ thì A Lư vẽ nét đậm, nét nhạt, nét xa, nét gần, như người xưa nay vốn đã biết vẽ. Ông thấy vậy thử luôn mấy lần, lần nào A Lưu vẽ cũng được như ý cả.

Tự bấy giờ, ông dùng dến A Lưu luôn không lúc nào là rời ra nữa. Sau A Lưu nổi tiếng là một nhà danh họa.

GIẢI NGHĨA

Tiểu đồng: thằng nhỏ giúp việc.
Chữ châu: lối chữ nho viết phân minh từng nét.

LỜI BÀN

Quét nhà suốt buổi không sạch được cái buồng con, trồng cây lúc ăn cơm nhổ cả cây đem vào, người mà ngốc như thế, thì bảo còn dụng làm được gì nữa! Tuy vậy không nhớ tên người, chỉ nhớ hình người, thấy cành mọc lên, không thấy cành chúc xuống, xem đồ vật biết phân biệt đồng hay đất, thế đủ hay A Lưu có cái trí khuynh hướng về nghề vẽ vậy. Ôi! gỗ mục vứt đi người kiếm củi vẫn nhặt, đá cuội là xấu, thợ ngọc vẫn dùng, trong trời đất thì không có vật gì là vật bỏ đi, huống chi là người ta tinh khôn hơn vạn vật, lại không được một điều gì khả thủ ư? A Lưu ngây dại, tưởng là người bỏ đi, thế mà được nổi tiếng về nghề họa, cũng nhờ ông Nguyên Tố có lượng bao dung, biết dụng nhân như dụng mộc. Xem bài này thì cha mẹ dạy con, thầy dạy học trò chẳng nên tìm rõ cái sở trường của mỗi đứa mà dẫn dụ, mà luyện tập nó mặt ấy, ngay tự lúc còn trẻ tuổi, để cho nó may có cơ thành tài được ru! Ðã đành: Thiên địa vô khí vật, thánh nhân vô khí nhân, nhưng cốt phải biết: nhân tài nhi đốc, (tùy theo cái tài mà bồi bổ khải phát cho nẩy nở ra) thì tài mới thành được.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Nụ Cười Trong Ðời MoKuGen


Mokugen không bao giờ biết cười cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời ông ở trên dương thế . Khi giờ ra đi ông đến , Mokugen nói với các đệ tử :
_ Các anh đã theo ta học tập hơn mười năm rồi . Bây giờ hãy bày tỏ cho ta biết sự tri giải chân thật của các anh về Thiền . Bất cứ anh nào diễn tả điều này rõ ràng nhất sẽ là người đắc đạo của ta và được phó chúc y bát này .
Các đệ tử nhìn khuôn mặt khắc khổ của Mokugen nhưng không ai dám lên tiếng .
Encho , một đệ tử theo học đã lâu , đến bên giường Mokugen , đẩy chén thuốc tới trước một chút . Ðây là câu trả lời của Encho..

Khuông mặt của Mokugen trở nên nghiêm trọng hơn , hỏi :
_ Ðó là tất cả sự hiểu biết của anh ?

Encho bước tới đem chén thuốc trở lại . Một nụ cười tươi đẹp làm tan vỡ những nét nghiêm nghị trên khuôn mặt của Mokugen .
Ông nói với Encho :

_ Mày , thằng lõi . Mày đã học với ta hơn mười năm mà chưa thấy toàn thân ta . Hãy lấy y bát của ta đi . Chúng thuộc về mày đó .

Truyện cười trong ngày

 Con cũng đúng luôn


Sau khi nghe Thầy giảng, hai người Tăng sĩ đã tranh luận sôi nổi về điều mà họ đã nghe trong suốt buổi thuyết pháp. Người nào cũng nói rằng mình hiểu đúng. Để giải quyết vấn đề tranh luận này, họ đã đến gặp vị Thầy.

Sau khi nghe lời hùng biện của vị Tăng sĩ thứ nhất, người Thầy nói, " Con đúng". Đưa mắt nhìn bạn một cách chiến thắng, ông ta đi ra khỏi phòng.

Vị Tăng sĩ thứ hai rất bực tức và bắt đầu trút ra những gì mình nghĩ với vị Thầy. Sau khi vị Tăng sĩ thứ hai dứt lời, vị Thầy nhìn ông ta và nói, "Con cũng đúng." Nghe như vậy người Tăng sĩ thứ hai mừng rỡ và bỏ đi ra.

Vị Tăng sĩ thứ ba là người cũng có mặt trong phòng rất ngạc nhiên bởi những gì ông chứng kiến. Ông nói với vị Thầy," thưa Ngài, con thấy bối rối! Những y' kiến họ đưa ra hòan toàn trái ngược nhau. Thì không thể nào cả hai đều đúng! Tại sao Ngài lại nói là cả hai đều đúng?"

Vị Thầy nhìn vào mắt của vị Tăng sĩ thứ ba và cười, "Con cũng đúng luôn!"