Saturday, October 31, 2015

Ngày 31-10-2015 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Bài học về cách chấp nhận

Bài học về cách chấp nhận

Ở một ngôi trưởng tiểu học nọ có tổ chức một buổi văn nghệ do chính các học sinh trong trường biểu diễn. Họ tổ chức hẳn một cuộc thi giữa các lớp để tuyển diễn viên cho các vai diễn trong vở kịch của trường, những đứa trẻ rất hăng hái tham gia. Cậu bé hàng xóm của tôi cũng là một trong số những đứa trẻ đó. Mẹ cậu nói với tôi rằng cậu đã rất nghiêm túc chuẩn bị cho cuộc thi này. Cậu đã đứng hàng giờ trước gương để tập luyện chỉ với mong muốn có một vai diễn phụ trong vở kịch. Hơn ai hết mẹ cậu biết rằng cậu không có khiếu đóng kịch nhưng bà vẫn ủng hộ hết lòng cho nỗ lực của đứa con trai bé nhỏ.

Ngày diễn ra cuộc tuyển chọn tôi đã cùng mẹ cậu bé đến trường đón cậu tan học. Vừa thấy chúng tôi, cậu bé vội chạy đến ngay, đôi mắt sáng long lanh ngập tràn vui sướng và hãnh diện :

_Mẹ ơi, mẹ thử đoán xem nào? Và như không thể chờ được,cậu bé la toáng lên bằng giọng nói hổn hển và xúc động :

_Con được cô chọn là người vỗ tay và reo hò, mẹ ạ!

(sự ngây thơ, hồn nhiên, đáng yêu của cậu bé khiến tôi vô cùng bất ngờ, tôi cứ tưởng nó sẽ tức tối hay buồn rầu..., nhưng đổi lại như các bạn thấy đấy...hãy thử nghĩ xem liệu chúng ta có được như cậu bé trong tinh huống như thế, liệu chúng ta có thể chấp nhận chỉ là người vỗ tay và reo hò??? Với một sự nỗ lực nhất định, đôi lúc kết quả lại không được như ta mong muốn, đó là thực tế, vì sự mong đợi đôi khi vượt quá khả năng bản thân mình, vấn đề là ta có chấp nhận nó như một thực tế và bằng lòng với những gì mình có hay không mà thôi...)

Những câu chuyện ngụ ngôn hay

Con hươu

Hươu đi đến bờ suối uống nước, nhìn thấy bóng mình dưới nước, lấy làm thích thú vì cặp sừng của mình: Cặp sừng mới đồ sộ, mới nhiều nhánh làm sao, nhưng nhìn xuống chân thì nó lại buông lời:
- Chí có điều bốn chân ta xấu xí, yếu ớt quá.
Bỗng một con sư tử nhảy ra và chồm đến vồ hươu. Hươu vụt phóng đi trên cánh đồng quang đãng. Nó chạy thoát, nhưng khi chạy vào rừng, nó lại vướng mắc cặp ssừng vào cành cây, thế là sư tử chộp được nó. Đến lúc sắp hết đời, hươu mới nói:
- Thế đấy, mình thật ngu ngốc! Về những người có thể cứu mình thì mình nghĩ là họ tồi, yếu ớt còn những kẻ làm mình mất đời thì mình lại từng thích thú.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 CHÁNH ĐẠO

 Ngay trước khi Ninakawa qua đời thì Thiền sư Nhất Hưu đến viếng. “Tôi độ ông nhé?” Nhất Hưu hỏi.

Ninakawa đáp: “Tôi đến một mình và đi một mình. Ông độ tôi thế nào?”

Nhất Hưu trả lời: “Nếu ông nghĩ thực có đến và đi. Đó là mê hoặc. Để tôi chỉ ông con đường không đến cũng không đi.”

Với những lời này Nhất Hưu đã vén mở con đường rõ ràng đến nỗi Ninakawa mỉm cười ra đi.

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

Cổ Học Tinh Hoa - Lo, vui

Lo, vui

Thầy Tử Lộ hỏi Khổng Tử rằng:

- Người quân tử cũng lo sợ ư?

Khổng Tử nói:

- Người quân tử chỉ cốt suy nghĩ định liệu công việc của mình, lúc chưa làm được vui rằng mình đã có ý định làm, lúc đã làm được lại vui rằng mình có trí làm được việc. Thế cho nên người quân tử có cái vui thú suốt đời, không có cái lo sợ một ngày nào cả.

- Kẻ tiểu nhân thì không thế, lúc chưa làm được việc thì lo sợ rằng không được. Lúc đã làm được việc thì lo sợ nhỡ hỏng mất. Thế cho nên kẻ tiểu nhân có cái lo sợ suốt đời, không có cái vui thú nào cả.

Thuyết Uyển

Lời bàn:

Đã muốn làm nên việc, tất phải để tâm nghĩ vào đấy, nhưng nghĩ mà cứ theo thiên lý, chớ không có chút tư tâm nào, việc hỏng hay việc nên cũng không bợn đến lòng. Cho nên người quân tử không hề sợ bao giờ, bao giờ cũng bận việc mà cũng thản nhiên như không vậy. Kẻ  tiểu nhân thì trái lại, làm việc gì cũng chỉ cốt cầu tự tư, tự lợi, cho nên dù được, dù hỏng, trong bụng lúc nào cũng áy náy không sao quên được, nghĩa là chưa được, thì lo sợ rằng chưa được, đã được lại lo sợ rằng nhỡ hỏng mất chăng.

Chuyện cười trong ngày

Ra là thế

Ông Martin trở về nhà, khuôn mặt đầy lo lắng. Bà vợ vội hỏi:

- Anh sao vậy? Có chuyện gì không ổn ở cơ quan phải không?

- Hôm nay có cuộc họp với giám đốc của anh… Ông ta rất quan tâm đến bản báo cáo và các kế hoạch đề xuất của anh…

- Thế thì sao anh lại lo lắng?

- Tự nhiên anh thấy sa sầm mặt mũi. Dường như anh bị mất thị giác, anh không còn nhìn thấy rõ ràng nữa. Thật là khủng khiếp.

Đột nhiên có tiếng chuông điện thoại reo. Vợ của Martin chạy ra nhấc máy: “Dạ, xin chào ông giám đốc… Dạ, vâng… vâng…”. Rồi chị quay sang chồng, gọi:

- Anh ơi, ông giám đốc gọi nè. Ổng hỏi anh lúc hết cuộc họp có lấy lộn cặp kính của ổng không?

Friday, October 30, 2015

Ngày 30-10-2015 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Cội rễ của sự trưởng thành

Cội rễ của sự trưởng thành

Hồi còn nhỏ, tôi có một người hàng xóm mà mọi người gọi là bác sĩ Gibbs. Ông không giống như bất kỳ bác sĩ nào tôi từng biết. Ông rất giản dị và hiền từ, nhất là đối với bọn nhóc nghịch ngợm chúng tôi.
Ngoài giờ làm công việc cứu người, bác sĩ Gibbs thường trồng cây. Ông muốn biến mảnh đất rộng 10 mẫu tây của mình thành một khu rừng mà! Vị bác sĩ hiền lành ấy có những lý thuyết trồng cây rất thú vị, ngược hẳn với nguyên tác mà mọi người cho là hiển nhiên. Không bao giờ ông tưới nước cho những cây mới sinh trưởng – ông giải thích với tôi rằng tưới nước sẽ làm chúng sinh ra hư hỏng, và thế hệ cây kế tiếp sẽ ngày một yếu đi. Vì thế, cần phải tập cho chúng đối mặt với khắc nghiệt. Cây nào không chịu nổi sẽ bị nhổ bỏ ngay từ đầu.

Rồi ông hướng dẫn cho tôi cách tưới nước cho những cây rễ mọc trên cạn, để chúng khô hạn thì sẽ phải tự bén rễ sâu mà tìm nguồn nước. Thảo nào, chẳng bao giờ tôi thấy ông tưới cây cả. Ông trồng một cây sồi, mỗi sáng thay vì tưới nước, ông lấy tờ báo cuộn tròn lại và đập vào nó: Bốp! Bốp! Bốp! Tôi hỏi ông sao lại làm vậy thì ông trả lời: để làm nó chú ý.

Bác sĩ Gibbs từ giã cõi đời hai năm sau khi tôi xa gia đình. Giờ đây, về nhìn lại những hàng cây nhà ông, tôi lại như mường tượng ra dáng ông đang trồng cây 25 năm về trước. Những thân cây ngày ấy nay đã lớn mạnh và tràn trề sức sống. Như những thanh niên cường tráng, mỗi sáng chúng thức dậy, tự hào ưỡn ngực và sẵn sàng đón nhận những gian nan, thử thách.

Vài năm sau tôi cũng tự trồng lấy hai cây xanh. Mùa hè cháy nắng tôi tưới nước, mùa đông giá rét tôi bơm thuốc và cầu nguyện cho chúng. Chúng cao gần chín mét sau hai năm, nhưng lại là những thân cây luôn dựa dẫm vào bàn tay người chăm bẵm. Chỉ cần một ngọn gió lạnh lướt qua, chúng đã run rẩy và đánh cành lập cập – trông chẳng khác gì những kẻ yếu đuối!

Chẳng bù với rừng cây của bác sĩ Gibbs. Xem ra nghịch cảnh và sự thiếu thốn dường như lại hữu ích cho chúng hơn sự đầy đủ.

Hằng đêm trước khi đi ngủ, tôi thường ghé phòng hai đứa con trai và ngắm nhìn chúng ngủ ngon lành. Nhìn thân thể nhỏ bé đang phập phồng nhịp thở của cuộc sống, tôi luôn cầu nguyện cho chúng có một cuộc sống dễ chịu.

Nhưng gần đây, tôi chợt nghĩ đã đến lúc cần phải thay đổi lời nguyện cầu ấy. Tôi nguyện cầu cho chúng mạnh mẽ hơn, để chịu được giông gió không thể tránh trong cuộc đời. Có ngây thơ mới mong chúng thoát khỏi gian khổ – bởi lẽ nghịch cảnh, khó khăn luôn là điều hiện hữu tất yếu. Và dù muốn hay không, cuộc đời chẳng bao giờ bằng phẳng cả. Tôi cầu mong cho “gốc rễ” của con mình sẽ bén thật sâu, để chúng có thể hút được sức mạnh từ những suối nguồn tiềm ẩn trong cuộc sống vĩnh hằng.

Thật sự nhìn lại, tôi đã cầu xin sự an lành quá nhiều rồi, nhưng rất hiếm khi những ước muốn ấy được thỏa nguyện. Điều chúng ra cần là cầu sao cho mình rèn luyện được một cơ thể cường tráng và ý chí cứng cỏi, bền vững, để khi nắng cháy hay mưa dông, bão tố, chúng ta sẽ không bao giờ bị gục ngã.

Những câu chuyện ngụ ngôn hay

Hươu bố và hươu con

Một lần hươu con nói với hươu bố:

- Bố ơi, bố vừa to lớn hơn vừa nhanh nhẹn hơn, bố lại có cặp sừng đồ sộ để tự vệ, tại sao bố lại sợ chó?

Hươu bố bật cười và bảo:

- Con ạ, con nói đúng đấy. Chỉ có một điều bất hạnh là: hễ cứ nghe thấy tiếng chó sủa bố chẳng kịp suy nghĩ mà đã vội bỏ chạy ngay

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

NGƯỜI CHO PHẢI CẢM ƠN


Trong lúc Seisetsu là trụ trì của chùa Viên Giác thời Kiêm Thương, sư cần có những phòng ốc rộng rãi hơn, các phòng sư đang giảng dạy đều quá đông. Umezu Seibei, một thương gia ở Edo, quyết định cúng năm trăm lạng vàng để xây cất những phòng ốc rộng rãi hơn cho trường. Thương gia mang số tiền này đến sư.

Seisetsu nói: “Được rồi, tôi sẽ nhận.”

Umezu đưa túi vàng cho Seisetsu, nhưng ông ta không hài lòng vì thái độ của sư . Với ba trăm lạng, người ta có thể sống cả năm, và bây giờ đến năm trăm lạng mà người thương gia cũng không được một tiếng cảm ơn.

“Trong cái túi đó là năm trăm lạng,” Umezu ngầm gợi ý.

“Cái đó ông đã nói với tôi rồi,” Seisetsu đáp.

“Dù cho tôi là một thương gia giàu có, nhưng năm trăm lạng là một món tiền lớn,” Umezu nói.

“Ông muốn tôi cảm ơn ông,” Seisetsu hỏi.

“Nên như vậy,” Umezu đáp.

 “Tại sao lại là tôi?” Seisetsu hỏi. “Người cho phải cảm ơn chứ.”

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

Cổ Học Tinh Hoa - Gặp quỉ

Gặp quỉ

Hoàn Công thấy quỉ sinh lo ngờ mà thành bệnh, sau có người nói thấy quỉ làm được nghiệp bá thì khỏi bệnh ngay. Thế mới biết có quỉ hay không có quỉ, quỉ hại mình hay lợi cho mình, cũng là tự tâm mình tưởng tượng ra cả, rồi yên trí như thế mà thôi.

Hoàn Công(1) nước Tề đi săn ở ngoài đầm, có Quản Trọng theo hầu. Hoàn Công trông thấy quỉ, nắm tay Quản Trọng hỏi rằng: “Trọng phụ(2) có thấy gì không?”.

Quản Trọng thưa: “Thần không thấy gì cả”.

Hoàn Công về nghe trong người khó chịu, như là mất vía, rồi sinh ốm, mấy hôm không ra triều.

Có người học trò tên là Cáo Ngao vào ra mắt nói rằng:

- Nhà vua đau, là tự mình làm ra cả chớ ma quỉ nào làm được! Phàm chưng khí tán mà không thu lại được, thì tinh thần suy yếu; cái khí ấy bốc lên trên, không thông xuống được, thì làm cho người ta hay giận dữ, cái khí ấy tụ ở dưới, không vận lên được thì làm cho người ta hay mê lú chóng quên, cái khí ấy không lên không xuống, kết ở giữa bụng thì sinh ra hoảng hốt.

Hoàn Công hỏi: “Thế nhưng có quỉ thực không ?”.

Cáo Ngao thưa: “Đất có thổ công, sông có hà bá, núi có sơn thần, bể có long vương, đầm có thứ quỉ gọi là uy di”.

Hoàn Công hỏi: “Hình dạng uy di thế nào?”.

Cáo Ngao thưa: “Quỉ uy di to như cái cối xe, dài như cái càng xe, mặc áo tía, đội mũ đỏ, tính hay sợ tiếng sấm, hễ nghe thấy thì đứng sững, hai tay ôm lấy đầu. Ai trông thấy thì... rồi làm nên đến nghiệp bá(3)”.

Hoàn Công vẫn có chí muốn làm bá, nghe nói hớn hở cười rằng: “Ấy ta trông thấy cũng như thế đấy”.

Nói đoạn sửa mũ, mặc áo, ngồi dậy, chưa hết một ngày bệnh đã khỏi tự bao giờ không biết.

Trang Tử Tuyết

LỜI BÀN: 

 Hoàn Công thấy quỉ sinh lo ngờ mà thành bệnh, sau có người nói thấy quỉ làm được nghiệp bá thì khỏi bệnh ngay. Thế mới biết có quỉ hay không có quỉ, quỉ hại mình hay lợi cho mình, cũng là tự tâm mình tưởng tượng ra cả, rồi yên trí như thế mà thôi. “Đau là tại mình, chớ quỉ nào làm?”. Câu Cáo Ngao nói thật là xác lý. Cáo Ngao lại khéo biết trước lấy lẽ thuốc thang, làm như ông lang rõ bệnh của người ốm, khiến người ốm để tai nghe, sau lấy truyện vu vơ đâu đâu mà xử được việc mơ hoảng khiến người mơ phá được cái lòng lo ngờ mà hóa nên vua vẻ. Tiếc thay đời bấy giờ người mê như Hoàn Công thật lắm, mà người biết giải mê được như Cáo Ngao lại không được mấy người.

--------------------------------------------------------------------------------

(1) Vua nước Tề, đứng đầu Ngũ Bá thời Xuân Thu

(2) Trọng: tên Quản Trọng; phụ: cha, gọi như thế là có ý tôn Quản Trọng như cha

(3) Quyền mạnh, thế to làm đầu cả các nước chư hầu khác về thời Xuân Thu


Chuyện cười trong ngày

Te tua vì vạ miệng

Máy giặt của gia đình nọ bị trục trặc. Cô vợ bèn gọi người đến sửa.

Vì cô phải đi làm cả ngày nên cô nói dặn người thợ, vốn cũng có quan hệ họ hàng, chỗ để chìa khóa để anh ta tự làm.

- Tôi sẽ để chìa khoá dưới thảm chùi chân. Anh sửa cái máy rửa bát và để hoá đơn lên bệ bếp, và tôi sẽ gửi tiền thanh toán cho anh. À, anh đừng ngại con bẹc giê tên Spike của tôi. Nó sẽ không làm phiền anh đâu. Nhưng, dù anh có làm gì thì cũng đừng, với bất kỳ lý do nào, nói chuyện với con vẹt. Tôi nhắc lại, không được nói chuyện với con vẹt!

Ngày hôm sau khi người thợ tới, anh ta thấy một con chó to và dữ chưa từng thấy. Nhưng như bà chủ nhà đã nói, con chó chỉ nằm trên tấm thảm xem anh ta làm việc.

Tuy nhiên, con vẹt thì làm anh ta phát điên lên được suốt cả buổi bởi tiếng la hét của nó.

Cuối cùng, anh thợ không thể chịu được nữa và hét lên:

- Câm mồm đi, con chim ngu ngốc xấu xí khốn kiếp!

Thế là, con vẹt đáp:

- Xử lý nó đi, Spike!

Thursday, October 29, 2015

Ngày 29-10-2015 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Chọn viên ngọc xấu và bài học về cách nhìn người

Chọn viên ngọc xấu và bài học về cách nhìn người

Có một nhà chế tác trẻ tuổi lên núi tìm kiếm những viên đá quý để phục vụ cho công việc của mình. Bất chợt, anh ta trông thấy có ánh sáng lóe lên từ trong một hang động. Chàng trai trẻ bước vào hang và vô cùng kinh ngạc vì trước mắt mình là một vị tiên ông râu tóc bạc phơ. Tiên ông cười nói:

– Ta là vị thần cai quản ngọn núi này, hang động này cũng chính là nhà của ta. Hàng ngàn năm nay, ngươi là kẻ đầu tiên tìm được đến đây nên ta muốn tặng cho ngươi một món quà. Ở đây có ba viên ngọc quý nhưng ngươi chỉ được chọn một viên thôi.
Nói rồi tiên ông hóa phép, ba viên ngọc liền hiện ra trước mắt. Nhà chế tác mừng rỡ chạy đến rồi chọn một viên sau khi đã suy nghĩ kĩ càng. Viên ngọc anh ta chọn có hình dáng hơi thô, màu sắc không sáng, lại có nhiều vết xước hơn hai viên còn lại. Tiên ông ngạc nhiên nói:

– Ba viên ngọc này nhìn qua đã biết đẹp xấu thế nào. Cớ sao ngươi lại chọn viên xấu nhất vậy chàng trai trẻ?

Nhà chế tác chỉ vào một viên và trả lời:

– Viên ngọc này là viên đẹp nhất. Vẻ đẹp hoàn mỹ không tỳ vết của nó có được nhờ trải qua quá trình mài giũa, đánh bóng tỉ mỉ. Một viên ngọc như thế, nếu tôi lấy về thì cũng chỉ để ngắm. Nó chẳng có giá trị gì với một nhà chế tác trang sức như tôi cả. Còn viên ngọc trong tay tôi đây, tuy rằng hiện giờ nó xấu xí nhưng tôi tin rằng tài chế tác của mình có thể biến nó trở thành hàng cực phẩm, có một không hai.

– Nhưng ở đây có đến hai viên xấu, một viên to, một viên nhỏ. Sao ngươi lại chọn viên nhỏ hơn? – Tiên ông hỏi tiếp.

– Là bởi vì bản chất của chúng khác nhau. Hai viên ngọc có kích thước khác nhau nhưng khi cầm lên lại có trọng lượng tương đương. Điều đó chứng tỏ độ rỗng của viên ngọc lớn là cao hơn. Có khả năng nhiều đất, cát đã lọt vào trong các kẽ hở hay lỗ hổng trên bề mặt ngọc. Còn viên ngọc tôi chọn thì ngược lại. Nó tuy nhỏ nhưng kết cấu vững chắc hơn nhiều.
Nghe chàng trai giải thích, tiên ông mỉm cười hài lòng, không khỏi tán thưởng:

– Đúng là hậu sinh khả úy! Ngươi tuy trẻ nhưng rất có mắt nhìn. Bỏ viên đẹp, chọn viên xấu đã khó, ngươi lại có thể chọn viên nhỏ, bỏ viên to, điều này lại càng khó hơn. Thật không uổng công ta chờ đợi ngàn năm qua để đem ngọc quý trao cho người xứng đáng. Với trí tuệ và đam mê của ngươi, ta tin ngươi sẽ biến viên ngọc xấu xí kia thành thứ có giá trị gấp trăm ngàn lần!

Những câu chuyện ngụ ngôn hay

Con chó và cái bóng của nó

Một con chó, mõm ngoạm thịt đi trên tấm ván bắc qua suối. Nó thấy bóng nó dượi nước lại nghĩ là dưới ấy có một con chó khác cũng đang ngoạm thịt, nó nhả miếng thịt và lao xuống cướp miếng thịt của con chó kia: miếng thịt kia chẳng thấy đâu còn thịt của nó thì bị sóng nước cuốn mất.

Thế là chó ta trơ khấc chẳng được gì.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

VỊ TƯƠNG CHUA


Dairyo là vị tăng đầu bếp ở chùa của Thiền sư Bàn

Khuê. Dairyo quyết định rằng mình phải chăm sóc tốt sức khỏe cho vị lão sư của mình và chỉ cho lão sư ăn vị tương (tương đậu nành trộn với bột lúa mì và men) tươi thôi. Bàn Khuê để ý thấy mình được ăn thứ vị tương ngon hơn các đệ tử, liền hỏi: “Hôm nay ai là người nấu ăn?”

Dairyo được gọi đến. Bàn Khuê biết rằng theo tuổi tác và địa vị của mình chỉ nên ăn vị tương tươi. Vì vậy sư nói với ông tăng điển tọa: “Rồi anh xem tôi sẽ không ăn gì cả.” Nói xong câu ấy, sư vào phòng đóng cửa lại.

Dairyo ngồi ngoài cửa xin sư thứ lỗi. Bàn Khuê không trả lời. Dairyo ngồi ngoài cửa và Bàn Khuê ở trong phòng, cứ như thế bảy ngày.

Cuối cùng vô hy vọng, một đệ tử khác gọi lớn với Bàn Khuê: “Được rồi, ông có thể đúng đó, ông thầy già ơi, nhưng gã đệ tử trẻ này phải ăn. Y không thể nhịn đói mãi được!”

Vì thế Bàn Khuê mở cửa. Sư mỉm cười, bảo Dairyo: “Tôi nhất định ít ra cũng ăn các món y như các đệ tử của tôi. Tôi không muốn anh quên điều này khi anh làm thầy.”

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

Cổ Học Tinh Hoa - Trồng khó, nhỏ dễ

Trồng khó, nhổ dễ

Điền Nhu được vua nước Nguỵ tin dùng. Huệ Tử bảo Điền Nhu:

- Ngươi phải khéo ăn ở với cận thần nhà vua mới được. Này xem như cây dương, giồng ngang cũng mọc, giồng ngược cũng mọc, bẻ cành mà giồng cũng mọc. Giả sử mười người giồng cây dương, một người nhổ lên, thì không cây dương nào sống được. Thế  cho nên nhiều đến mười người giồng giống thứ cây dễ mọc, cũng không lại được với người nhổ là tại làm sao? - là tại giồng thì khó mà nhổ thì dễ! Nay ngươi muốn được vua tin dùng lâu dài, nhưng có nhiều người muốn bỏ ngươi, thì ngươi nguy mất.

Bách Tử toàn thư

Lời bàn:

Được vua tin dùng thế là vua đã có lòng yêu, mà vua đã có lòng yêu, thì lại còn lo chi không giữ được địa vị vững chắc. Thế mà vị tất. Vua yêu, tuy vua là chủ nữa, nhưng cũng chỉ là một người, còn bao nhiêu người bên cạnh vua, nếu ai ai cũng ghét mình cả, thì mình không thể đứng lại được. Nên cái lẽ trồng khó, nhổ dễ của Huệ tử nói với Điền Nhu rất là phải. Bài này có ý lo xa trừ bỏ cái hại gièm pha.

Chuyện cười trong ngày

Tin tốt

Bác sĩ đưa bệnh nhân vào phòng và nói: "Tôi có một tin tốt và tin xấu cho anh. Anh muốn nghe tin nào trước ?”.

- Cho tôi biết tin tốt.

- Người ta sẽ lấy tên của anh để đặt cho một căn bệnh.

Wednesday, October 28, 2015

Ngày 28-10-2015 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời

Giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời

Đó là ngày mười lăm tháng sáu, còn hai ngày nữa là tôi sẽ bước sang tuổi 30. Tôi có cảm giác lo lắng khi bước vào độ tuổi “tam thập nhi lập” và sợ rằng những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời đang xa dần. 

Tôi vẫn thường tập thể dục ở một công viên gần nhà vào mỗi buổi sáng. Ở đó tôi có dịp làm quen người bạn già Nicholas, ông ta đã 79 tuổi. Hôm đó, khi gặp tôi ông bảo rằng trông tôi không vui vẻ như mọi ngày và đoán rằng tôi đang có chuyện buồn. 

Tôi tâm sự với ông rằng tôi đang cảm thấy lo lắng khi sắp bước sang tuổi 30. Tôi tự hỏi làm thế nào để tôi có thể quay trở về những giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời. Vì thế tôi hỏi ông: “Khi nào là giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời ông?”. Không chút ngập ngừng, Nicholas trả lời: “Này Joe, đó là câu hỏi của triết học và đây là câu trả lời của tôi". Rồi ông nói: 

Khi tôi là một đứa trẻ sống ở nước Áo, được bố mẹ yêu thương, chăm sóc thì đó là giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Khi tôi đến trường và được học những điều ngày nay tôi biết thì đó là giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời tôi. 

Khi tôi tìm được việc làm đầu tiên, có trách nhiệm và quyền lợi với những việc mình làm thì đó là giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Khi tôi gặp được vợ tôi và khi chúng tôi yêu nhau thì đó là giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời tôi.

Chiến tranh thế giới lần thứ hai xảy ra, tôi và vợ tôi phải rời khỏi nước Áo để được an toàn. Khi chúng tôi được bên nhau an toàn trong một chuyến tàu đi Bắc Mỹ thì đó là giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời tôi. 

Khi chúng tôi bắt đầu một gia đình mới thì đó là giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Khi tôi trở thành một người cha trẻ và được nhìn thấy đứa con của mình lớn lên hàng ngày thì đó là giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời tôi..

 Joe à, và bây giờ khi tôi đã 79 tuổi, tôi có sức khỏe, tôi cảm thấy cuộc đời vẫn đẹp và điều đặc biệt là tôi vẫn còn yêu vợ tôi như lúc chúng tôi gặp nhau lần đầu thì đó là giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời tôi.

Những câu chuyện ngụ ngôn hay

Chuột, gà trống và mèo

Chuột con ra khỏi tổ dạo chơi. Nó tha thẩn khắp sân rồi lại về vói mẹ.

- Này mẹ ơi, con nhìn thấy hai con thú cơ. Một con thú dữ tợn, còn con kia hiền khô.

Mẹ nó bảo:

- Con nói cho mẹ xem hai con thú ấy ra làm sao nào.

Chuột con:

- Một con dữ tợn, đi đi lại lại trên sân thế này này: Chân nó đen thui, mào nó đỏ ối, cặp mắt nó lồi ra, còn cái mũi nó khoằm khoằm. Khi con đi ngang qua, nó há hốc cái mồm ra, nhấc một chân và lên tiếng quát to đến nỗi con sợ quá chẳng còn biết chạy đi đâu.

- Đấy là con gà trống - Chuột mẹ nói - Nó chẳng làm hại ai đâu, đừng sợ nó. Thế còn con thú kia?

- Con thú kia nằm ngoài nắng sưởi ấm. Cổ nó trắng, chân nó xám, mượt mà, nó đưa lưỡi liếm cái ngực trắng của nó và cái đuôi hơi ngỏ ngoẩy, nhìn theo con.

Chuột mẹ bảo:

- Con ngốc lắm. Nó chính là mèo đấy

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

ÔNG PHẬT MŨI ĐEN

 Một ni cô cầu ngộ, đúc một tượng Phật và bọc tượng bằng vàng lá. Bất cứ đi đâu cô cũng mang tượng Phật vàng này theo.

Nhiều năm trôi qua, vẫn cứ mang tượng Phật của mình theo, cô ni đến sống trong một ngôi chùa nhỏ ở vùng quê. Trong chùa này có nhiều tượng Phật, mỗi tượng có một bàn thờ riêng biệt.

Cô ni muốn đốt nhang cho ông Phật vàng của mình. Không có ý thích hương nhang thơm bay lạc sang các ông Phật khác, cô bèn tạo một đường ngầm để khói nhang chỉ bay đến tượng Phật của cô thôi. Vì vậy khói nhang đã làm đen cái lỗ mũi ông Phật vàng, khiến nó xấu đi một cách đặc biệt.

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

Cổ Học Tinh Hoa - Nuôi gà chọi

Nuôi gà chọi

Vua Tuyên Vương sai Kỷ Sảnh nuôi một con gà chọi. Được mười hôm, vua hỏi: “Gà đã đem chọi được chưa?”

Kỷ Sảnh thưa: “Chưa được, gà hăng lắm, chưa thấy gà khác đã muốn chọi rồi”.

Cách mười hôm, vua lại hỏi: “Gà đã đem chọi được chưa?”

Kỷ Sảnh thưa: “Chưa được. Gà còn hăng, mới thấy bóng gà khác đã muốn chọi rồi”.

Cách mười hôm, vua lại hỏi: “Gà đã đem chọi được chưa?”

Kỷ Sảnh thưa: “Chưa được, gà còn hơi hăng, trông thấy gà khác đã muốn chọi rồi”.

Mười hôm sau, vua lại hỏi: “Gà đã đem chọi được chưa?”.

Kỷ Sảnh thưa: “Được rồi. Gà bây giờ, cho nghe thấy tiếng gà khác cũng không cho vào đâu. Trông, thì tựa như gà gỗ; mà thực, thì đủ các ngón hay. Gà khác coi thấy cũng đủ sợ, phải lùi chạy”.

Trang Tử

Lời bàn:

1. Chưa trông thấy gà khác, đã muốn chọi, thế là tức khí hão, chớ vị tất chọi mà đã được.

2. Trông thấy bóng gà khác, đã muốn chọi, thế là cậy khỏe, chớ vị tất chọi mà đã được.

3. Trông thực thấy gà khác đã muốn chọi, thế là còn hiếu thắng chớ vị tất chọi mà đã được. Chỉ đến lúc mất hết tất cả tức khí, cậy khoẻ, hiếu thắng, luyện đã được hình toàn thần toàn đủ hết cả ngón hay, mà trông bề ngoài trơ ra như gỗ, là lúc ấy mới chọi được, có khi không phải đợi chọi, gà khác ngó thấy cũng đủ sợ mà trốn tránh rồi. Thế mới hay những bậc thánh hiền chỉ thu cái tài vào khuôn phép, nên cái khí vào tâm thần, chỉ cốt trong mình cho đầy đủ, không có ý gì tranh cạnh với ai, mà thiên hạ hồ dễ đã ai tranh cạnh nổi. Chờ những kẻ chỉ vụ bề ngoài, chăm chăm danh lợi, có tranh giành mới lấy làm vui lòng, có tham lam mới lấy làm mãn nguyện, còn những hạng tầm thường, có khi hại đến thân mà vẫn tự đắc cho là phải. 

Chuyện cười trong ngày

Nhà xác..

Cháy lớn tại bệnh viện. Sau khi dập tắt đám cháy một lính cứu hỏa báo cáo với chỉ huy:

- Lửa đã bị dập tắt hoàn toàn! Tại tầng hầm chúng tôi cứu được 9 nạn nhân. Đã làm hồi tỉnh được 4, còn 5 người kia rất tiếc đã chết. Viên chỉ huy nghe xong liền ngất đi. Một lúc sau, tỉnh lại ông ta mới thều thào nói:

-  Dưới tầng hầm là cái nhà xác của bệnh viện mà.

Tuesday, October 27, 2015

Ngày 27-10-2015 - Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Người cha được tạo ra như thế nào

Người cha được tạo ra như thế nào 

Khi ông Trời bắt đầu tạo ra nguời cha đầu tiên trên thế gian, ngài chuẩn bị sẵn một cái khung thật cao. Một nữ thần đi ngang qua ghé mắt coi và thắc mắc: “Thưa ngài, tại sao nguời cha lại cao đến như vậy? Nếu ông ta đi chơi bi với trẻ con thì phải quỳ gối, nếu ông ấy muốn hôn những đứa con mình lại phải cúi nguời. Thật bất tiện!”. Trời trầm ngâm một chút rồi gật gù: “Ngươi nói có lý. Thế nhưng nếu ta để cho nguời cha chỉ cao bằng những đứa con, thì lũ trẻ sẽ biết lấy ai làm tầm cao mà vươn tới?”. Thấy Trời nặn đôi bàn tay nguời cha to và thô ráp, vị nữ thần lại lắc đầu buồn rầu: “Ngài có biết đang làm gì không? Những bàn tay to lớn thường vụng về. Với đôi bàn tay ấy, nguời cha chật vật lắm mới có thể găm kim băng đóng tã, cài nút áo cho con trai, thắt chiếc nơ hồng cho con gái. Bàn tay ấy không đủ khéo léo để lấy những mảnh dằm nằm sâu trong da thịt mềm mại của trẻ”. Ông Trời mỉm cuời đáp: “Nhưng đôi bàn tay to lớn vững chãi đó sẽ dìu dắt bọn trẻ qua mọi sóng gió, cho tới lúc chúng trưởng thành”. 

Vị nữ thần đứng bên cạnh nhìn Trời nặn nguời cha với một đôi vai rộng, lực luỡng. “Tại sao ngài phí thế?”, nữ thần thắc mắc. “Thế người cha sẽ đặt con ngồi đâu khi phải đưa nó đi xa? Lấy chỗ đâu cho đứa con ngủ gật gối đầu, khi đi xem xiếc về khuya?”. “Quan trọng hơn, đôi vai đó sẽ gánh vác cả gia đình”, ông Trời đáp. 

Ông Trời thức trắng đêm để nặn cho xong nguời cha đầu tiên. Ngài cho tạo vật mới ít nói, nhưng mỗi lời phát ra là một lời quyết đoán. Tuy đôi mắt của nguời cha nhìn thấu mọi việc trên đời, nhưng lại bình tĩnh và bao dung. Cuối cùng khi đã gần như hoàn tất công việc, Trời thêm vào khóe mắt nguời cha vài giọt nuớc mắt. Nhưng sau một thoáng tư lự, Ngài lại chùi chúng đi. Thành ra người đời sau không mấy khi thấy được những giọt lệ hiếm hoi của nguời cha, mà chỉ có thể cảm và đoán được rằng ông ta đang khóc. 

Xong việc, ông Trời quay lại nói với nữ thần: “Ngươi thấy đó, người cha cũng đáng yêu như nguời mẹ mà ta đã dồn bao công sức để tạo ra”

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

ĐIỂM CÂN ĐỐI CHÍNH XÁC


Thiên Lợi Hưu (Sen no Rikyu), một bậc thầy của Trà thang (Cha no yu), muốn treo một giỏ hoa lên một cây cột. Ông yêu cầu một người thợ mộc giúp. Ông hướng dẫn người thợ mộc đặt giỏ hoa cao hơn một tí, thấp hơn một tí, sang phải một tí, sang trái một tí, cho đến khi ông tìm ra điểm chính xác. Cuối cùng Thiên Lợi Hưu nói: “Đúng là chỗ đó.”

Người thợ mộc muốn thử ông, đánh dấu điểm đó rồi giả vờ quên. “Chỗ này hả? Có lẽ chỗ này?” người thợ mộc tiếp tục hỏi, chỉ nhiều điểm khác nhau trên cây trụ.

Nhưng cảm quan của Thiên Lợi Hưu về sự cân đối chính xác đến nỗi không có điểm nào đúng cả cho đến khi người thợ mộc chỉ lại điểm cũ đã đánh dấu trên cột.

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

Cổ Học Tinh Hoa- Họ Doãn làm giàu

Họ Doãn làm giàu

Đời nhà Chu, có người họ Doãn chỉ chăm làm giàu. Tôi tớ trong nhà khó nhọc, vất vả, thức khuya dậy sớm. Có một tên đầy tớ tuổi già, sức yếu, nhưng phải làm nhiều, ban ngày tối mắt không kịp thở, ban đêm mệt lử ngủ say, tinh thần tán loạn. Nhưng đêm nào, cũng mơ màng được làm vua một nước, đứng đầu cả muôn dân, cầm quyền chủ mọi việc, ở gác tía, lầu son, ăn của ngon vật lạ, muốn gì được nấy, vui vẻ sung sướng thực không ai bằng. Sáng bừng mắt dậy, thì vẫn hoàn là tên đầy tớ già, làm không kịp thở...

Có người thấy lão ta vất vả khó nhọc, lấy lời an ủi.

Lão ta nói rằng: “Đời người trăm năm, có ngày, có đêm. Ban ngày, ta chỉ là một tên đầy tớ kể ra khổ thực, nhưng ban đêm, ta đã làm vua cả một nước, vui sướng không ai bằng, thì còn oán hận gì nữa?”.

Họ Doãn gây dựng cơ nghiệp, lo lắng làm giàu, nát gan tan ruột, cứ đêm mệt ngủ đi, thì nằm mơ lại thấy đi làm đầy tớ người ta, việc gì cũng phải làm, lại gặp nhà chủ cay nghiệt quở mắng đánh đập khổ cực muôn phần, nên lúc ngủ trằn trọc thổn thức, sáng dậy mới thôi.

Họ Doãn lấy làm lo, nói chuyện với bạn.

Bạn bảo: “Được cái địa vị như bác giàu có hơn người, ban ngày sung sướng vẻ vang biết là bao, đêm đến có nằm mơ đi làm đầy tớ người ta, thì cũng là sướng khổ đắp đổi. Nếu lúc thức, lúc ngủ cũng muốn vui sướng cả, thì làm thế nào được?”

Doãn thị nghe bạn nói, từ hôm đó nới tay cho người ăn kẻ ở và mình cũng bớt lo nghĩ, nên mỗi ngày bệnh một bớt dần.

Liệt Tử

Lời bàn:

Bài này bày ra hai cảnh ngày, đêm của hai người nghèo khác nhau. Tác giả có ý nói người ta được cái này, thường hỏng cái kia. Hễ ai được thế nào, hay thế, mà trí túc thì tự có cái sướng ở đó rồi. Ở đời, giàu nghèo chẳng qua chỉ có lúc thức là phân biệt nhau, chớ đến lúc ngủ, đợi cái giấc ngủ trăm năm – hai con mắt đã nhắm lại, hồn vía đã đi đâu, thì ai cũng như ai. Tuy vậy, cũng không nên viện lẽ ấy mà cam chịu nghèo khổ. Cần kiệm làm ăn để gây dựng cơ nghiệp, để làm giàu, thật là chính đáng. Nhưng, nếu bòn công bòn của người để làm giàu thế là bóc lột, làm giàu vô nhân đạo. Vô nhân đạo thì không những không được hưởng giàu, mà còn khổ hại về giàu nữa.

Chuyện cười trong ngày

Ông chủ cao tay

- Này Paul, anh lau lại đôi giày cho tôi rồi chứ?

- Thưa ông, tôi nghĩ rằng có lau lại rồi ông đi cũng bẩn thôi.

Ông chủ không nói gì sau đó mặc thêm áo khoác, xách vali và bảo Paul:

- Tôi sẽ đi vắng vài hôm.

- Vậy ông để lại tiền ăn cho tôi chứ ạ?

- Ồ, vẽ sự! Cho dù anh có ăn thì cũng lại đói thôi.

- !?!

Monday, October 26, 2015

Ngày 26-10-2015 - Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Cùng nhau vượt qua bão tố

Cùng nhau vượt qua bão tố

Một công ty nọ tổ chức thi tuyển nhân viên. Câu hỏi cuối cùng trong phần thi viết khiến hầu hết thí sinh ngạc nhiên. Câu hỏi như sau: Bạn đang lái xe hơi đi trong một đêm bão tố cấp 12. Xe bạn chạy qua một quãng đường vắng và bạn phát hiện thấy có 3 người đứng trên ven đường vẫy tay xin đi nhờ xe. Họ gồm một bà cụ đang bị bệnh nặng, một bác sĩ giỏi dư sức cứu tính mạng của bạn nếu bạn mắc bệnh hiểm nghèo, và người thứ ba là cô gái bạn yêu. Họ mong bạn cứu giúp họ, bạn rât muốn nhưng rất tiếc xe bạn chỉ có thể chở thêm được một người. Bạn sẽ chọn chở người nào? Hãy giải thích lí do của sự chọn lựa ấy.

Tới đây, chắc bạn sẽ hiểu rằng đây là một câu hỏi đánh giá nhân cách của bạn bởi mỗi sự lựa chọn đều phản ánh quan điểm của bạn về sinh mạng con người. Bạn có thể đưa bà cụ lên xe. Mặc dù bà cụ có thể (và có lẽ là sẽ như thế) không đủ sức qua được cho tới khi bạn gặp một bệnh viện, nhưng dù sao thì cứu người vẫn là trên hết. Còn một tia hi vọng le lói vẫn phải làm. Nhưng đứng từ góc độ hơn thiệt, bạn sẽ chọn ông bác sĩ. Bạn cứu ông ta để ông ta cứu bạn – một hành động thiết thực có tính chất đầu tư cho tương lai. Việc chở bà cụ nói cho cùng chỉ để lương tâm của bạn khỏi bị cắn rứt. Có thể bạn sẽ tự vấn: Tại sao lại không chở người yêu của bạn? Bà lão đã già, các bạn còn trẻ, tương lai ở phía trước. Bác sĩ giỏi trong thiên hạ cũng không phải là quá hiếm. Trong cuộc đời cơ hội gặp được người bạn đời như ý hầu như là duy nhất. Bỏ qua cơ hội cứu được người bạn yêu cũng có nghĩa là phần đời còn lại của bạn không chắc đã trôi qua trong hạnh phúc.

Trong số hơn 200 ứng viên tham gia cuộc thi tuyển, chỉ có một người duy nhất có câu trả lời được ban giám khảo nhất trí lựa chọn, cho dù thí sinh này không đưa ra lời giải thích nào cho phương án của mình. Vậy thí sinh này đã trả lời ra sao? Phương án của thí sinh này là…

“Đưa chìa khoá xe cho bác sĩ. Ông ta sẽ chở bà cụ tới bệnh viện. Tôi sẽ cùng người bạn gái của tôi lội bộ vượt qua bão tố”.

Những câu chuyện ngụ ngôn hay

Con quạ và cái bình

Con quạ muốn uống nước. Trên sân nhỏ có một cái bình đựng nước. Nhưng nước trong bình chỉ xâm xấp dưới đáy. Quạ không sao với tới được. Nó bèn đi lấy những viên sỏi thả vào bình cho đến lúc nước trong bình dâng lên cao đến mức có thể uống được.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

CỎ CÂY GIÁC NGỘ THẾ NÀO


 Vào thời Kiêm Thương (Kamakura), Shinkan học Thiên Thai tông sáu năm, học Thiền bảy năm, rồi sư sang Trung hoa tham thiền thêm mười ba năm nữa.

Khi sư trở về Nhật nhiều người muốn tham kiến và hỏi những vấn đề khó hiểu. Nhưng khi Shinkan ít khi tiếp khách và trả lời những câu hỏi của họ.

Một hôm một tăng nhân năm mươi sáu tuổi cầu ngộ, nói với sư: “Tôi đã học giáo lý Thiên Thai tông từ lúc còn bé, nhưng có một điều tôi không thể hiểu được. Thiên Thai nói rằng ngay cả cỏ cây cũng sẽ giác ngộ. Đối với tôi điều này quả thật kỳ lạ.”

“Bàn chuyện cỏ cây giác ngộ làm gì?” Shinkan hỏi. “Vấn đề là chính ông làm sao giác ngộ. Ông có bao giờ xét đến điểm này không?”

“Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điểm ấy,” ông tăng già lấy làm kinh ngạc.

“Vậy, hãy về nghĩ kỹ xem,” Shinkan kết thúc.

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

Cổ Học Tinh Hoa - Hang Ngu Công

Hang Ngu Công

Ông lão cam tâm mất ngựa, lại chịu cả cái tiếng “ngu” là ý lão nghĩ gặp phải thời buổi người trên tham nhũng, kẻ dưới hung nghịch, đành chịu để êm chuyện đi, còn hơn dở khôn đi kiện, chẳng những mất ngựa mà có khi lại mất cả bò và bao nhiêu tiền của, thời giờ vào đấy nữa. Hoàn Công thấy chuyện mà lưu tâm đến, thế là ông vua có bụng với dân. Quản Trọng nghe chuyện mà biết nhận ngay cái lỗi ấy tại mình, thế cũng là hai bậc minh quân, lương tướng hiểu rõ cái trách nhiệm chăn dân của mình.

Vua Hoàn Công nước Tề đi săn, đuổi con hươu chạy vào trong cái hang, thấy có một ông lão, bèn hỏi rằng: “Hang này tên gọi là hang gì?”.

Ông lão thưa: “Tên là hang Ngu Công”.

- Tại làm sao mà đặt tên như thế?

- Tại kẻ hạ thần đây mới thành có tên ấy.

- Coi hình dáng lão không phải là người ngu, cớ gì lại đặt cái tên như thế?

- Để hạ thần xin nói: Nguyên hạ thần có con bò cái đẻ được một con. Khi bò con đã lớn, hạ thần đưa đi bán, rồi lấy tiền mua một con ngựa con đem về cùng nuôi với bò cái. Một hôm, có một chàng thiếu niên đến lấy lý “Bò không đẻ ra được ngựa”, bèn bắt con ngựa con đem đi. Tôi chịu mất, không cãi được. Vì thế xa gần đâu cũng cho tôi là ngu mới gọi hang tôi ở đây là hang Ngu Công.

Hoàn Công nói: “Lão thế thì ngu thật!”.

Buổi chầu hôm sau, Hoàn Công đem câu chuyện kể lại cho Quản Trọng nghe.

Quản Trọng nói: “Đó chính là cái ngu của Di Ngô này. Nếu được vua giỏi như vua Nghiêu, bầy tôi minh như Cao Dao, thì khi nào lại có kẻ dám ngỗ ngược, lấy không ngựa của người ta như vậy. Ngu Công mà đành để mất ngựa, chắc là biết rõ hình pháp ngày nay không ra gì. Xin nhà vua kịp chỉnh đốn các chính sách lại. Khổng Tử nghe thấy nói:

- Đệ tử ta đâu, ghi lấy việc ấy! Hoàn Công là bá quân. Quản Trọng là hiền thần. Tuy đã vào bậc khôn ngoan, mà còn tự cho là ngu dại.

Khổng Tử Tập Ngữ

Lời bàn:

Ông lão cam tâm mất ngựa, lại chịu cả cái tiếng “ngu” là ý lão nghĩ gặp phải thời buổi người trên tham nhũng, kẻ dưới hung nghịch, đành chịu để êm chuyện đi, còn hơn dở khôn đi kiện, chẳng những mất ngựa mà có khi lại mất cả bò và bao nhiêu tiền của, thời giờ vào đấy nữa. Hoàn Công thấy chuyện mà lưu tâm đến, thế là ông vua có bụng với dân. Quản Trọng nghe chuyện mà biết nhận ngay cái lỗi ấy tại mình, thế cũng là hai bậc minh quân, lương tướng hiểu rõ cái trách nhiệm chăn dân của mình. Nên Khổng Tử có lời khen thực là đáng lắm. Vì rằng giữ vận mệnh một dân tộc mà không hiểu thấu ẩn tính của dân thì tuy có lòng thương dân, dân vẫn khổ và nước vẫn không yên được.

Chuyện cười trong ngày

Trốn việc

Chồng nhận được điện thoại từ số máy lạ:

- A lô, tôi nghe!

- Anh à, em đây mà. Chiều anh đừng có về muộn nhé!

- Ừ được rồi, còn gì nữa không em?

- Em đi làm về còn phải ghé qua chợ, anh rửa bát, vo gạo giúp em nhé!

- Em nói to lên, anh chẳng nghe thấy gì cả.

- Rửa bát, vo gạo.

- Chịu, không nghe thấy gì cả! Máy với chả móc... (tắt máy).

Sunday, October 25, 2015

Ngày 25-10-2015 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Sức mạnh tình yêu

Sức mạnh Tình yêu 

Hai người yêu nhau nhưng gặp sự phản đối mạnh mẽ từ phía gia đình nhà cô gái. Họ cho rằng chàng trai không xứng đáng với địa vị của gia đình cô và họ sẽ không tha thứ cho cô nếu tiếp tục có quan hệ với anh ta. Mặc dù cô gái rất yêu chàng trai nhưng khi hai người gặp nhau cô luôn hỏi: "Anh có yêu em nhiều không?". Cô hay bực bội do chàng trai không trả lời như ý cô mong muốn. Và áp lực của gia đình khiến hai bạn trẻ bất hoà. Cô thường trút giận lên chàng trai. 

Về phía mình, chàng trai luôn chịu đựng trong im lặng. Sau một năm anh tốt nghiệp và quyết định đi du học. Trước khi ra đi anh đã cầu hôn với cô gái: "Anh biểu lộ tình cảm của mình bằng lời nói không giỏi nhưng những gì anh biết là anh yêu em. Về phía gia đình, anh sẽ cố gắng hết sức thuyết phục gia đình em đồng ý. Em thuận ý làm vợ anh chứ?".

 Cô gái ưng thuận và với sự quyết tâm của chàng trai, cuối cùng gia đình cô gái cũng nhượng bộ và đồng ý cho họ kết hôn với nhau. Trước khi chàng trai đi học, hai người làm lễ đính hôn. Cô gái tham gia công tác xã hội trong khi anh tiếp tục học ở nước ngoài. Họ bày tỏ tình cảm của mình qua những lá thư và điện thoại. Tuy có khó khăn nhưng họ vẫn luôn nghĩ về nhau. Một ngày nọ, cô gái bị tai nạn giao thông trên đường đi làm. Khi tỉnh dậy cô thấy cha mẹ mình bên cạnh giường. Cô cảm nhận được tình trạng tồi tệ của mình. Nhìn thấy mẹ khóc, cô muốn làm cho mẹ yên lòng nhưng những gì cô có thể thốt ra là tiếng thở dài. Cô đã mất đi giọng nói. Bác sĩ bảo rằng tai nạn đã gây thương tổn não của cô khiến cô không thể nói được nữa. Cô suy sụp mặc dù cha mẹ cô động viên rất nhiều. Trong suốt thời gian ở bệnh viện cô chỉ biết khóc trong thầm lặng. 

Xuất viện về nhà, tình trạng cô cũng chẳng thay đổi gì. Mỗi khi có tiếng điện thoại reo, cô có cảm giác như từng nhát dao đâm vào tim. Cô không muốn cho anh biết và càng không muốn trở thành gánh nặng của anh. Cô viết cho anh một lá thư nói rằng cô không còn đủ kiên nhẫn đợi chờ anh nữa. Cô gửi lại anh chiếc nhẫn đính hôn. Chàng trai gửi hàng ngàn lá thư và gọi biết bao cuộc điện thoại nhưng cô không trả lời và chỉ khóc. Cha mẹ cô quyết định chuyển nhà, hi vọng rằng cô sẽ quên những gì đã xảy ra để có thể sống yên ổn. Cô gái học ngôn ngữ cử chỉ và bắt đầu một cuộc sống mới. Mỗi ngày cô tự nhủ mình hãy quên anh ấy đi. Nhưng một hôm bạn của cô đến cho hay anh đã trở về. Cô van xin người bạn đừng cho anh biết chuyện gì đã xảy ra với cô. Từ đó cô không còn nhận được tin tức gì của anh. Một năm trôi qua. Người bạn của cô đến thăm và trao cho cô thiệp mời dự lễ kết hôn của anh. Trái tim cô gái tan vỡ. Nhưng khi mở thiệp cưới cô gái thấy tên mình trong tấm thiệp. Ngước lên, cô thấy anh đang đứng trước mặt.

Chàng trai dùng cử chỉ nói với cô gái: "Một năm qua anh đã dành thời gian học ngôn ngữ này. Chỉ để em hiểu rằng anh không quên lời ước hẹn của chúng ta. Hãy cho anh có cơ hội nói với em rằng anh yêu em." Anh lồng chiếc nhẫn vào tay cô gái. Cuối cùng nụ cười đã trở lại trên môi cô.

Những câu chuyên ngụ ngôn hay

Sư tử, gấu và cáo

Sư tử và gấu kiếm được thịt. Gấu không muốn nhường, mà sư tử thì không chịu nhịn. Hai con đánh nhau mãi đến mức cả hai cùng đuối sức và nằm dài ra. Cáo nhìn thấythịt lăn lóc ở giữa gấu và sư tử, chộp ngay lấy và chạy biến.

Tri Kiến GiácNgộ - Minh Triết Trong Đời Sống

ĐÚNG VÀ SAI

  Khi Thiền sư Bàn Khuê tổ chức một kỳ nhập thất bảy ngày, đệ tử nhiều nơi trên đất Nhật đến dự. Tại một trong các cuộc hội họp này, một đệ tử bị bắt về tội ăn cắp. Sự vụ được báo cáo đến Bàn Khuê với yêu cầu rằng phải trục xuất kẻ có tội. Bàn Khuê làm ngơ vụ này.

 Sau đó người đệ tử lại bị bắt trong một hành vi tương tự, Bàn Khuê cũng lại bỏ qua sự vụ một lần nữa. Điều này khiến các đệ tử khác tức giận,làm đơn thỉnh nguyện đuổi tên ăn cắp, tuyên bố rằng nếu không họ sẽ bỏ đi tập thể.

 Sau khi đọc đơn thỉnh nguyện, sư cho gọi mọi người tập họp lại, nói:

 “Các anh biết cái gì phải và cái gì không phải. Các anh có thể đi chỗ khác để học nếu các anh muốn, nhưng người anh em khốn khổ này không biết phải quấy. Nếu tôi không dạy anh ta thì ai dạy? Tôi sẽ giữ anh ta lại đây dù cho tất cả các anh có bỏ đi hết.”

 Một suối nước mắt trào xuống rửa sạch khuôn mặt của người anh em đã từng là kẻ ăn cắp. Tất cả lòng ham muốn ăn cắp biến mất.

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

Cổ Học Tinh Hoa - Rắn rời chỗ ở

Rắn rời chỗ ở

Trời nắng, ao cạn, hai con rắn muốn dời đi ở chỗ khác.

Rắn con bảo rắn lớn:

- Anh đi trước, tôi theo sau, người ta biết là rắn kéo nhau đi tìm chỗ ở, thì thế nào cũng tìm cách giết chết. Sao bằng anh để tôi ngậm vào mình anh, còn anh thì cõng tôi mà đi, người ta tất nhiên cho là rắn thần, không dám đụng đến.

Nói xong, hai con rắn làm y như thế mà đi qua đường cái. Quả nhiên, người ta trông thấy, ai cũng tránh sợ, bảo nhau là “rắn thần”.

Kẻ nương tựa nhau, thông đồng với nhau để làm điều gian dảo, lừa dối đời, mê hoặc người, thì có khác gì hai con rắn cõng nhau đây mà giả làm rắn thần không?

Hàn Phi Tử

Lời bàn: 

Những quân gian dảo định đánh lừa thiên hạ, khi chỉ có một mình, thiên hạ cũng mắc lừa chán, huống chi là chúng kết bè, kết đảng, đồng tâm bày mưu mà gạt lừa thiên hạ, thì ai dù khôn ngoan đến đâu dễ đã tránh cho được. Đoàn kết với nhau để làm điều lành, hay cho thiên hạ bao nhiêu, thì bè đảng với nhau để làm điều ác, nguy cho thiên hạ bấy nhiêu. Vậy ta thấy những điều gì lạ tai, lạ mắt, trái hẳn nhân tình thì một là đánh lừa, hai là lợi dụng, ta trước nên suy xét kĩ đã, rồi sau hãy tin theo.

Chuyện cười trong ngày

Hết cách thay đổi

Nữ diễn viên sân khấu đang khổ về chứng căng thẳng thần kinh. Cô đến khám ở một bác sĩ chuyên khoa tâm thần và ông ta bảo cô cần phải từ bỏ công việc thường ngày của mình.

Ông ta bảo:

- Cô cần phải thay đổi!

Cô ta nói:

- Thay đổi cơ ạ? Trong sáu năm qua em đã có mặt trong năm vở kịch khác nhau, đã sống trong bảy căn hộ khác nhau, đã làm chủ chín chiếc ôtô và đã đi du lịch qua hai bốn tiểu bang cùng chín quốc gia. Ông đang suy nghĩ đến hình thức thay đổi nào của em nữa đây?

Saturday, October 24, 2015

Ngày 24-10-2015 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Cảm ơn

Cảm ơn 

Một người nọ mỗi khi cầm tờ báo là mở xem những trang cáo phó chia buồn trước nhất. Anh ta chăm chú đọc từng dòng trên trang cáo phó dù không hề quen biết với người đã mất. Có người bạn thấy thế bèn hỏi nguyên do. Anh ta trả lời: 

- À. Tôi chỉ gửi lời cám ơn đến những người này đó thôi. 

Người bạn của anh ta trợn mắt ngạc nhiên nói: 

- Anh nói điều gì mà tôi chẳng hiểu gì cả. Anh cảm ơn những người đã chết mà toàn là người anh chưa hề quen biết! Cái đầu của anh có vấn đề gì không vậy? 

Người nọ thong thả trả lời:

 - Đúng vậy. Tôi trân trọng cảm ơn họ. Vì sự ra đi của họ đã nhắc nhở cho tôi đừng quên rằng kiếp người vốn là vô thường. Cái chết đến bất chợt nào ai hề hay biết. Lúc còn sống những người này cũng có những ước mơ toan tính, những tranh giành hơn thua, những vui buồn ganh ghét. Để rồi bỗng dưng trở thành những cái xác vô tri chờ đem hỏa táng hoặc vùi sâu trong lòng đất lạnh. Họ đã đem chính sinh mạng của mình để nhắc nhở cho tôi bài học lớn trong cuộc đời như vậy chẳng lẽ không xứng đáng được nhận một lời cảm ơn hay sao anh bạn?

Những câu chuyện ngụ ngôn hay

Ếch và sư tử

Nghe thấy ếch kêu to, sư tử cho rằng đó là một con thú lớn mới gầm được như vậy. Sư tử đợi một lát thì thấy ếch từ đầm lầy nhảy ra. Sư tử bèn lấy chân đè bẹp ếch và bảo:

- Người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm, vậy mà làm mình hoảng hồn.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

ĂN CẮP TRỞ THÀNH ĐỆ TỬ


 Một buổi chiều khi Thiền sư Thất Lý (Shichiri) đang tụng kinh thì một tên cắp tay cầm thanh kiếm bén bước vào, đòi sư đưa tiền nếu không thì y lấy mạng sống của sư.

 Thất Lý bảo y: “Đừng quấy rầy tôi. Tiền ở trong ngăn kéo kia anh có thể lấy đi.” Rồi sư tiếp tục tụng kinh.

 Sau đó một chút sư dừng lại bảo: “Đừng có lấy hết. Tôi cần một ít để ngày mai đóng thuế đó.”

 Kẻ xâm nhập gom góp phần lớn số tiền và bắt đầu chuồn. “Hãy cảm ơn người cho quà chứ,” sư nói thêm. Người kia cảm ơn rồi bỏ đi.

 Vài ngày sau người ấy bị bắt và thú nhận đã ăn cắp của nhiều người, trong số đó có Thiền sư Thất Lý. Khi được gọi đến làm nhân chứng, sư nói: “Người này không phải là kẻ cắp, ít nhất cũng về phần tôi. Tôi đã cho anh ta tiền và anh ta có cảm ơn tôi.”

Sau khi mãn hạn tù, người đó đến thăm Thất Lý và trở thành đệ tử của sư.

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

Cổ Học Tinh Hoa - Không yêu nhau mới loạn

Không yêu nhau mới loạn

Đại ý của bài rút lại một câu là: loạn mà sinh ra là chỉ do cái lòng không yêu nhau hết cả. Cầu lợi cho mình tức là muốn hại người, mà hại người, tất ghét người, giết người, tất người ghét lại mà thành ra không ai được bình yên, ai cũng chỉ lo toan tranh cướp lấy lẫn của nhau mà thôi. Vậy muốn cho khỏi loạn, tất phải làm sao cho thiên hạ biết yêu nhau.

Thánh nhân trị thiên hạ tất phải biết loạn từ đâu mà ra thì trị thiên hạ mới được, không biết loạn từ đâu ra thì trị không nổi được thiên hạ. Ví như thầy thuốc chữa bệnh cho người ta, tất phải biết bệnh căn tự đâu khởi ra thì mới chữa được, chớ không biết thì chữa không nổi được bệnh. Người trị loạn có khác gì thế?

Loạn tự đâu mà sinh ra? Sinh ra bởi không yêu nhau.

Con không hiếu với cha, tôi không trung với vua, thế là loạn đấy. Con chỉ yêu thân con, không yêu đến cha, cho nên làm thiệt cha để lợi mình; em chỉ yêu thân em, không yêu đến anh, cho nên làm thiệt anh để lợi mình; bầy tôi chỉ biết yêu thân mình mà không biết yêu vua cho nên làm thiệt vua để lợi mình. Thế là loạn đấy.

Tuy đến cả cha mà cũng không thương con, anh mà cũng không thương em, vua mà cũng không thương bầy tôi, thế cũng là loạn. Cha chỉ yêu thân cha, không yêu đến con, cho nên làm thiệt con, để mình được lợi, anh chỉ yêu thân anh, không yêu đến em, cho nên làm thiệt em để mình anh được lợi, vua chỉ yêu thân vua, không yêu bầy tôi, cho nên làm thiệt bầy tôi để mình được lợi.

Tại sao mà sinh ra những điều ấy? Có phải chỉ tại không yêu nhau cả thôi không? Đến cả quân trộm, quân giặc cũng vậy. Thằng trộm chỉ biết yêu nhà mình không biết yêu nhà người khác, thằng giặc chỉ biết yêu thân mình chẳng yêu thân người khác, cho nên sát hại thân người khác để lợi thân mình. Tại sao mà sinh ra như thế? Có phải chỉ tại không yêu nhau cả mà thôi không?

Cho đến cả các quan khuynh loát nhau, các nước chư hầu đánh lẫn nhau, cũng chỉ tại các quan chỉ biết yêu nhà mình, không yêu nhà khác cho nên hại nhà khác để lợi cho nhà mình, các nước chỉ biết yêu nước mình không yêu nước khác cho nên đánh nước khác để lợi cho nước mình.

Ấy thiên hạ sinh ra loạn là bởi như thế cả.

Nếu biết yêu nhau, thì còn ai nỡ hại ai, mà thiên hạ làm gì chẳng bình trị.

Mặc Tử

Lời bàn:

Đại ý của bài rút lại một câu là: loạn mà sinh ra là chỉ do cái lòng không yêu nhau hết cả. Cầu lợi cho mình tức là muốn hại người, mà hại người, tất ghét người, giết người, tất người ghét lại mà thành ra không ai được bình yên, ai cũng chỉ lo toan tranh cướp lấy lẫn của nhau mà thôi. Vậy muốn cho khỏi loạn, tất phải làm sao cho thiên hạ biết yêu nhau. Mà có yêu nhau thì mới thương nhau, đã yêu thương nhau thì mầm loạn tắt. Đó chính là cái cốt yếu của Mặc Tử, là cái ý kiếm ái, yêu cả loài người không phân biệt thân sơ gì cả.

Ý Mặc Tử đây cũng giống như ý của Mạnh Tử nói: “Ở đời, ai nấy đều con cái biết thân yêu cha mẹ, kẻ dưới biết tôn trọng người trên, thì tự khắc thiên hạ bình trị”, nhưng có phần thống thiết hơn, vì nói đến cả vua trên, cả cha mẹ cũng không thương yêu tôi con cho nên sinh loạn. Cái thuyết ấy kể thật xác đáng, ở cái đời ai ai cũng chỉ tự tư, tự lợi,có nói thế, mới mong người tỉnh lại ít nhiều chăng.

Chuyện cười trong ngày

Ngựa và người cùng lái

- Tại sao thời xưa, khi người ta đi xe ngựa, lại có ít tai nạn giao thông hơn bây giờ?

- Vì khi đó, tài xế không chỉ dựa vào phản xạ của riêng mình.

Friday, October 23, 2015

Ngày 23-10-2015 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Tiểu Hòa Thượng làm vỡ chậu hoa lan

Tiểu Hòa Thượng làm vỡ chậu hoa lan

Một vị lão hòa thượng có trồng một chậu hoa lan, ông rất chăm sóc và bảo vệ chậu hoa lan thanh nhã này, thường xuyên tưới nước, nhặt cỏ và bắt sâu cho nó. Hoa lan cũng nhờ vào sự chăm sóc của lão hòa thượng mà lớn lên khỏe mạnh và vô cùng xinh đẹp. Một lần, lão hòa thượng phải đi ra ngoài có việc một thời gian, ông liền đem chậu hoa lan giao lại cho tiểu hòa thượng nhờ chăm sóc.

Tiểu hòa thượng rất có trách nhiệm, cũng một lòng để tâm chăm sóc hoa lan như lão hòa thượng vẫn làm khiến hoa lan phát triển khỏe mạnh.
Một hôm, tiểu hòa thượng sau khi đã tưới nước cho chậu hoa lan liền đặt nó ở trên bệ cửa sổ rồi đi ra ngoài làm việc.

Thế rồi mưa to xối xuống, gió to làm chậu hoa lan rơi xuống mặt đất vỡ tan. Tiểu hòa thượng sau khi trở về nhà nhìn thấy trên mặt đất cành lá gãy rập, héo úa dưới đất. Tiểu hòa thượng vừa đau lòng vừa lo sợ lão hòa thượng sẽ quở trách.

Mấy ngày sau, lão hòa thượng trở về nhà, tiểu hòa thượng kể lại sự tình đã xảy ra và cũng sẵn sàng tiếp nhận sự trách mắng của lão hòa thượng.

Nhưng lão hòa thượng không nói lời nào trách mắng cả khiến tiểu hòa thượng vô cùng bất ngờ, bởi vì trong lòng tiểu hòa thượng biết rõ rằng ông vô cùng yêu mến chậu hoa lan kia.

Lão hòa thượng chỉ cười cười rồi nói với tiểu hòa thượng: “Ta nuôi dưỡng hoa lan, đâu phải để tức giận?”

Chỉ một câu nói đơn giản nhưng lại thể hiện ra một người có tấm lòng bao dung rộng lượng và cởi mở với cuộc đời.
Chúng ta làm việc không phải để tức giận……

Chúng ta yêu thương nhau không phải để tức giận……….

Thứ gì đó một khi bị mất đi không thể vãn hồi được nữa có nhất thiết phải oán trách hay thù hận không? Người nếu như trong lòng có căm hận thì ở đâu cũng thấy hận, người nếu như có lòng biết ơn thì ở đâu cũng thấy biết ơn, người nếu như trưởng thành thì mọi sự cũng trưởng thành.

Những câu chuyện ngụ ngôn hay

Diều hâu và chim bồ câu

Diều hâu rượt đuổi, rượt đuổi mãi đàn bồ câu nhưng chẳng bắt nổi con nào. Nó bèn tính chuyện lừa bồ câu. Nó bay gần dến chuồng bồ câu, đậu lên cây và lên tiếng nói với bầy bồ câu rằng nó muốn hầu hạ bồ câu. Nó nói:

- Tôi chẳng có việc gì làm, mà tôi yêu mến các bạn. Các bạn hãy cho tôi đến ở với các bạn, tôn tôi làm vua, nhưng tôi sẽ là đầy tớ của các bạn. Tôi sẽ không xúc phạm các bạn và không để cho kẻ nào xúc phạm đến các bạn.

Bồ câu bằng lòng. Khi diều hâu đã vào được nởi ở của bồ câu, nó lại nói khác: Ta là vua của các người, và vì thế các người phải nghe ta. Việc thứ nhất là mỗi ngày ta cần ăn thịt một con bồ câu.

Và mỗi ngày nó lại giết hại một con chim bồ câu. Bồ câu tỉnh ngộ,  bắt đầu suy nghĩ xem phải làm thế nào, khốn nỗi muộn mất rồi.

Đáng ra tuyệt nhiên không nên cho nó vào - chúng nói - còn bây giờ thì không còn cách gì nữa

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

NGƯỜI CHẾT TRẢ LỜI


 Khi Mamiya, sau này trở thành một giảng sư nổi tiếng, đến tham học với một Thiền sư, vị Thiền sư ấy bảo sư chứng minh tiếng vỗ một bàn tay.

Mamiya tập trung tâm lực tham tiếng vỗ một bàn tay có thể là gì.

 “Ông tham chưa tận lực,” thầy sư nói. “Ông còn bị thức ăn, của cải, đồ vật và âm thanh đó ràng buộc nhiều quá. Thà ông chết đi còn hơn. Chết sẽ giải quyết được công án.”

Lần kế tiếp Mamiya gặp thầy, thầy lại bảo chứng minh tiếng vỗ một bàn tay. Lập tức Mamiya ngã xuống làm như chết.

Thầy sư quan sát: “Ông chết được rồi, còn tiếng vỗ thì thế nào?”

“Con chưa giải được,” Mamiya đáp và nhìn lên.

“Người chết không nói. Cút đi,” thầy sư nói.

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

Cổ Học Tinh Hoa - Thằng điên

Thằng điên

Các anh có trông thấy người phải bệnh điên bao giờ không?

Đương lúc hôn mê rồ dại, người điên lăn xuống nước, giẫm lên lửa, đâm vào chông gai, mặt hớn hở, miệng nghêu ngao, vẫn tự tin cho mình là phải.

Đến khi gặp thầy thuốc hay, hết cách chạy chữa, người điên khỏi dần và tỉnh lại.

Bà con kể chuyện lại người ấy làm lúc đang có bệnh điên, thì người ấy rùng mình lấy làm khổ. Bà con kể lại chuyện người ấy lúc uống thuốc tỉnh dần, thì người ấy vui vẻ lấy làm mừng và ân hận gặp thầy, gặp thuốc muộn quá.

Ấy người phải bệnh điên vừa còn chữa được thì như thế. Chớ nếu là người bệnh phải bệnh điên nặng không thể chữa được, thì người ấy không những không chịu phục thuốc lại còn mắng thầy thuốc làm cho mất tính thường của mình đi nữa.

Dương Minh Tử

Lời bàn:

Bệnh điên nói trong bài này đây tức là cái lòng tư dục nó làm cho con người mê lú như điên cuồng, không còn biết phải trái là gì nữa. Nếu người mắc bệnh tư dục còn nhẹ, may nhờ có người dạy bảo cho, thì còn có thể hối ngộ, sửa nết lại mà sửa dần tính xấu đi được. Nhưng nếu là người mắc bệnh tư dục nặng quá hoặc có ai muốn giáo hoá cho, thì người ấy chẳng những không hối ngộ sửa nết lại được mà lại còn trách oán cả người giáo hoá, bảo người ấy là làm mình mất cả tính thường đi. Ôi! Đáng sợ lắm thay! Lương tâm mất một vài phần thì còn có thể cứu được, chớ lương tâm mà tán tận, thì còn gì là người mà mong hoá đi được nữa. Cho nên ta phải cố giữ lấy lương tâm. Chớ bảo một cái lỗi nhỏ có phạm vào cũng không can chi. Cái nết đã quen đi rồi, thì khác nào như xuống dốc, chỉ có phần lăn xuống, thụt sa lầy, chỉ có phần thụt xuống, chớ không tài nào lăn trở lại hay ngoi lên được nữa.

Chuyện cười trong ngày

Suy luận vật lý


Trong giờ học vật lý, thầy giáo gọi một học sinh lên để kiểm tra bài cũ.

Thầy giáo hỏi.

- Em hãy cho thầy và cả lớp biết cấu tạo của cái phích?

- Dạ, thưa thầy tối hôm qua nhà em có khách, ồn ào quá nên em không học được bài ạ.

- Vậy nhà em có cái phích không?

- Dạ có ạ.

- Em thấy cái phích nhà em thế nào thì mô tả lại cho thầy.

- Dạ, cái phích nhà em có vỏ màu đỏ, có hai cái nắp, một cái quai ạ.

- Ở phía trong phích em thấy gì không?

- Ở trong phích em thấy trắng bạc, rất bóng ạ.

- Em có biết ở giữa lớp vỏ ngoài và lớp trắng bạc bóng loáng đó là gì không?

- Không ạ.

- Đó là chân không. Vì chân không không dẫn nhiệt nên giữ cho nước trong phích nóng được lâu.

- Thưa thầy, em thấy chân không cũng dẫn nhiệt ạ.

- Tại sao chân không dẫn nhiệt?

- Hôm qua em đi chân không vào bếp vô tình đạp vào hòn than nóng, chân bỏng rộp lên. Như vậy chẳng phải là chân không cũng dẫn nhiệt đó sao thầy?

Thursday, October 22, 2015

Ngày 22-10-2015 - Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Cha tôi

Cha tôi 

Khi ấy, tôi 16 tuổi. Vào một buổi sáng, cha nhờ tôi lái xe đưa ông tới ngôi làng Mijar hẻo lánh cách nhà 18 dặm bảo tôi đưa xe đi tu sửa ở một gara gần đó. Vì vừa mới tập lái xe và cảm thấy đây là cơ hội tốt để thực hành nên tôi đồng ý ngay. Tôi chở cha tới ngôi làng và hứa tới đón ông vào 4h chiều rồi đưa xe tới gara. Vì phải mất vài tiếng đồng hồ đợi nên tôi quyết định mua vé vào rạp chiếu phim bên kia đường. Bị cuốn hút vào bộ phim, tôi quên mất ý niệm về thời gian và khi giật mình liếc đồng hồ thì đã 6h rồi…

Tôi biết thế nào cha cũng giận khi biết tôi đã đi xem phim và có thể sẽ không bao giờ cho tôi tự lái xe nữa, nên tôi liền nghĩ ra một vài hỏng hóc khác của xe để giải thích lí do chậm giờ của mình.

Tôi lái xe đến chỗ hẹn và nhìn thấy cha đang đứng chờ một cách nhẫn nại ở góc đường. Tôi xin lỗi ông vì đến muộn và nói rằng tôi đã cố gắng đến sớm nhất như có thể nhưng xe cần một vài sửa chữa khác. Tôi sẽ không bao giờ quên ánh mắt ông nhìn tôi khi ấy… 

- Cha rất thất vọng vì con đã phải dối cha, Jason. 

- Sao cơ ạ! Đó là sự thực mà cha.

Ông nhìn lại tôi:

 - Khi con không tới đúng giờ, cha đã gọi điện cho gara để hỏi xem có vấn đề gì xảy ra không và họ nói là con chưa tới lấy xe. 

Cảm giác có lỗi choán lấy tâm hồn tôi và tôi liền thú nhận với cha về lí do thật sự tôi bị muộn. 

- Cha rất giận không phải với con mà với bản thân mình. Cha nhận ra rằng cha đã không phải là một người cha tốt. Sau bao nhiêu năm con vẫn cảm thấy phải nói dối cha. Thật đau lòng khi nuôi nấng đứa con trai mà thậm chí đã không thể nói thật với cha của mình. Giờ đây cha sẽ đi bộ về nhà và suy nghĩ xem mình đã làm sai điều gì trong suốt bấy nhiêu năm.

 - Nhưng cha ơi, từ đây về nhà tới 18 dặm. Trời lại tối rồi, cha không thể đi bộ được. 

Tất cả sự phản đối, lời xin lỗi của tôi đều vô dụng . Tôi đã làm cha phải thất vọng và tôi cũng đã học được bài học đau đớn nhất trong đời. Cha bắt đầu đi dọc con đường đen tối đầy bụi và gió. Tôi từ từ lái xe sau ông, cầu xin suốt chặng đường hi vọng ông sẽ tha thứ , nhưng cha tôi vẫn rảo bước yên lặng vẻ trầm tư khắc khổ. Hình ảnh cha bước đi đầy mệt mỏi và đau đớn là những ký ức mà tôi không bao giờ quên. Nhưng đó cũng là bài học ý nghĩa nhất vì tôi đã không bao giờ nói dối ông kể từ đó.

Những câu chuyện ngụ ngôn hay

Chồn hôi

Chồn hôi tìm đến người thợ đồng và đưa lưỡi liếm cái giũa. Máu ở lưỡi chảy ra nhưng chồn hôi lại mừng rỡ liếm tiếp, nó nghĩ là máu từ sắt chảy ra, vì thế mà nó tự làm nát toạc cả cái lưỡi của nó.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

THIỀN TRONG NẾP SỐNG ĂN MÀY


 Tosui là một Thiền sư rất nổi tiếng. Sư đã sống ở nhiều chùa và dạy ở nhiều tỉnh khác nhau .

 Ngôi chùa cuối cùng sư viếng, tập trung người theo nhiều đến nỗi Tosui bảo họ sư sẽ bỏ toàn bộ việc thuyết pháp. Sư khuyên họ giải tán và đi bất cứ nơi nào họ muốn. Sau đó không ai thấy tung tích sư ở đâu.

 Ba năm sau, một trong các đệ tử của sư khám phá thấy sư sống với một vài người ăn mày dưới một gầm cầu ở Kyoto. Anh ta liền van nài sư chỉ dạy.

 “Nếu anh có thể sống như tôi một đôi ngày, tôi có thể dạy cho,” sư đáp.

 Vì vậy người đệ tử cũng mặc quần áo ăn mày và sống một ngày với sư. Ngày hôm sau, một người ăn mày chết. Nửa đêm Tosui và đệ tử đem xác đi chôn trên một sườn núi. Sau đó họ trở lại chỗ ở dưới gầm cầu.

 Phần đêm còn lại Tosui ngủ ngon lành, còn người đệ tử không thể ngủ nổi. Đến sáng Tosui bảo: “Hôm nay chúng ta không phải đi xin ăn. Người bạn đã chết để lại một ít ở đàng kia.” Nhưng người đệ tử không nuốt nổi một miếng nhỏ.

Tosui kết luận: “Tôi đã nói anh không thể làm được như tôi. Hãy cút khỏi chỗ này, đừng làm phiền tôi nữa.”

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

Cổ Học Tinh Hoa - Lúc nào được nghỉ

Lúc nào được nghỉ

Thầy Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Tử này mệt về học, khốn về đạo, bây giờ muốn nghỉ để thờ vua có nên không?”

Đức Khổng Tử nói:

- Phận làm tôi thờ vua, sớm tối kính cẩn, mà cho trọn được chức trách cũng là việc khó, nghỉ thế nào được.

- Vậy xin nghỉ để thờ song thân?

- Lòng con hiếu thờ cha mẹ thật là vô cùng, lại có thể lấy sự hiếu thảo của mình cảm hoá được lòng người cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!

- Vậy xin nghỉ để vui chơi với vợ con?

- Đạo làm chồng phải làm gương cho vợ, lại để cho anh em và thiên hạ trông vào mà bắt chước cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!

- Vậy xin nghỉ để chơi với bầu bạn?

- Nghĩa bầu bạn phải giúp đỡ nhau, hết lòng hết sức với nhau, cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!

- Vậy xin nghỉ để làm ruộng?

- Công việc nhà nông phải cày, cấy, gặt hái hai sương một nắng, chân lấm tay bùn, cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!

- Như thế thì Tử này không lúc nào được nghỉ ư?

- Có chứ. Lúc nào ngắm thấy cái huyệt đào nhẵn nhụi, trông thấy cái mồ đắp chắc chắn, ngó thấy người đi đưa cách biệt hẳn mình, ấy lúc bấy giờ mới là lúc được nghỉ đó.

Thầy tử Cống nói:

- Như thế cái chết chẳng là cái hay à! Người quân tử đến bây giờ mới được nghỉ; kẻ tiểu nhân đến bây giờ mới chịu thôi, cái chết thật là hay vậy!

Gia Ngữ

Lời bàn:

Học tập một môn học, nghiên cứu một đạo lý, càng đi, càng thấy dài, càng lên, càng thấy cao. Lập chí không bền thấy khó mà thôi (nghỉ) thì bán đồ nhi phế ngay lập tức.

Thần hạ đối với quân trưởng, con cái đối với cha mẹ, vợ chồng, bầu bạn ăn ở với nhau đều có bổn phận phải sao cho đầy đủ không tận tâm tận lực (nghỉ) thì thiếu bổn phận và rối loạn ngay lập tức.

Chuyện cười trong ngày

Chia tiền với bác sĩ

Ông bác sĩ khám rất lâu cho một bệnh nhân rồi cuối cùng nói:

- Ông Torini, tôi thấy ông chẳng làm sao cả.

- Thưa bác sĩ, nếu tôi nói rõ với ông tôi làm sao thì ông phải chia tiền khám bệnh cho tôi đấy nhé!

- !!!

Wednesday, October 21, 2015

Ngày 21-10-2015 - Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Lòng bao dung của tiểu hoà thượng

Lòng bao dung của tiểu hòa thượng


Tôi còn nhớ một vị phương trượng ở trong một ngôi chùa trên một ngọn núi đã kể một câu chuyện rằng:
Trong chùa, có một tiểu hòa thượng vô cùng tự tin về trí tuệ và học vấn của mình. Những khi được trò chuyện cùng một người thông minh nào đó, tiểu hòa thượng này rất vui và thích thú. Nhưng mỗi khi gặp một người có học thức nông cạn, tư duy không mạch lạc, nói chuyện lẫn lộn không phân biệt trên dưới, tiểu hòa thượng sẽ cảm thấy ức chế mà tức giận. Tiểu hòa thượng sẽ nói những câu như: “Thế mà ngươi vẫn còn không hiểu? Ngươi bị đần à?” Vì vậy, sư phụ đã nhắc nhở cho tiểu hòa thượng rất nhiều lần, mặc dù tiểu hòa thượng trên miệng luôn thừa nhận sai lầm của mình, nhưng vừa gặp lại tình huống tương tự thì lại nhịn không được mà phát tiết lên.
Sau này trong một lần lên núi đốn củi, có một việc xảy ra lại khiến tiểu hòa thượng cải biến mình.
Ngày hôm đó, tiểu hòa thượng đốn được nhiều củi nên trong lòng cảm thấy rất vui sướng. Trên đường trở về, tiểu hòa thượng cảm thấy hơi mệt liền đặt gánh củi xuống bên suối và uống nước, rửa mặt. Lúc đó, một con khỉ nhỏ xuất hiện, lúc trước nó đã thường xuyên đến đây chơi và cũng thường xuyên gặp tiểu hòa thượng lên núi đốn củi. Thời gian lâu dần, con khỉ nhỏ và tiểu hòa thượng làm bạn cùng nhau.
Tiểu hòa thượng rửa mặt xong, muốn lấy chiếc khăn để lau mặt thì thấy chiếc khăn vẫn vắt ở trên gánh củi. Tiểu hòa thượng lúc này thực sự mệt rồi nên lấy tay chỉ vào gánh củi ý bảo con khỉ nhỏ ra lấy hộ. Chú khỉ nhỏ chạy tới gánh củi rồi rút một thanh củi khô và cầm chạy qua đưa cho tiểu hòa thượng. Tiểu hòa thượng cảm thấy rất thú vị, đồng thời đưa tay lên vẽ hình vuông và nói “khăn mặt, khăn mặt” để cho chú khỉ đi lấy một lần nữa. Chú khỉ nhỏ cũng vui vẻ đi lấy nhưng vẫn là mang lại một thanh củi khô. Tiểu hòa thượng lại càng vui hơn, vừa cười to vừa cầm một hòn đá nhỏ ném trúng vào chiếc khăn mặt, sau đó chỉ cho chú khỉ và nói “Nhìn thấy chưa? Lấy cái khăn mặt kia kìa!”. Chú khỉ con lại đi lấy lần nữa và vẫn là lấy một thanh củi khô, nhưng lại dương dương đắc ý như thể là muốn nói rằng: “Ngươi xem, ta tài giỏi chưa?”. Tiểu hòa thượng nhìn thấy bộ dạng hài lòng của chú khỉ lại càng cảm thấy vui thích hơn.
Sau khi trở về chùa, tiểu hòa thượng đem câu chuyện trên kể lại cho vị phương trượng nghe. Nghe xong, vị phương trượng hỏi: “Con cùng các sư huynh, sư đệ giảng đạo lý, bọn họ nghe không hiểu, con sẽ tức giận. Nhưng con khỉ nhỏ nghe không hiểu, con vì cái gì mà lại cảm thấy thú vị?
Tiểu hòa thượng sững sờ, trả lời:“Khỉ con nghe không hiểu là chuyện bình thường, bởi vì nó là con vật mà! Còn sư huynh sư đệ của con là con người, họ phải hiểu những lời mà con nói mới phải chứ?”. Vị phương trượng cười cười rồi nói: “Khỉ với người tất nhiên là không giống nhau, nhưng khả năng hiểu biết của mỗi người thì từ lúc sinh ra đã khác nhau, mà hoàn cảnh sống lại cũng khác nhau. Mọi người có sự khác biệt lớn như vậy, con dựa vào cái gì mà nói ai cũng phải hiểu con đây?”. Tiểu hòa thượng nghe đến đây cúi đầu không nói gì.
Cải biến quan niệm có thể bao dung tất cả!
Vì cái gì mà tiểu hòa thượng lại phát cáu với sư huynh sư đệ, còn đối với chú khỉ thì lại thấy thú vị?” Tình huống là giống nhau còn sự biến hóa như thế nào là do chính bản thân mình. Cho nên vấn đề không phải xuất phát ra từ người khác mà là xuất phát ra từ chính bản thân mình đấy!
Tiểu hòa thượng không tức giận với chú khỉ con là bởi vì tiểu hòa thượng cho rằng mình là người, nên có trí tuệ cao hơn khỉ rất nhiều vì vậy mà có thể bao dung sai lầm của nó. Còn sư huynh, sư đệ của tiểu hòa thượng là người, tiểu hòa thượng cũng là người, trí tuệ của người với người là ngang cấp với nhau, vì vậy không bao dung được thiếu sót của họ. Nếu như tiểu hòa thượng có thể cải biến quan niệm, cách nghĩ của mình thì sẽ có thể tiếp nhận và bao dung họ. Khi đó, nhìn thấy thiếu sót của sư huynh sư đệ, tiểu hòa thượng còn có thể tức giận được không? Đương nhiên là không, bởi vì khi ấy tiểu hòa thượng đã có thể bao dung được hết thảy mọi thứ rồi.

Những câu chuyện ngụ ngôn hay

Ếch, chuột và diều hâu

Ếch và chuột cãi cọ nhau. Đôi bên ra một mô đất đánh nhau. Diều hâu thấy cả ếch lẫn chuột đều quên khuấy mất nó, liền hạ cánh và chộp gọn cả đôi.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

THIỀN CỦA TRIỆU CHÂU


 Triệu Châu bắt đầu học Thiền lúc sáu mươi tuổi và tiếp tục cho đến năm tám mươi khi ngộ đạo.

Sư dạy Thiễn từ lúc tám mươi cho đến năm một trăm hai mươi tuổi.

 Một đệ tử hỏi sư: “Nếu trong tâm chẳng có gì hết, thì thế nào?”

Triệu Châu đáp: “Buông nó xuống.”

Người đệ tử hỏi tiếp: “Nếu chẳng có gì hết, làm sao buông?”

Triệu Châu nói: “Thì giở nó lên.”

 (Thiền Cốt Thiền Nhục)

Cổ Học Tinh Hoa - Treo kiếm trên mộ

Treo kiếm trên mộ

Duyên Lăng Quí Tử sang sứ nước Tấn có đeo thanh bảo kiếm qua chơi với vua nước Từ.

Vua nước Từ ngắm thanh kiếm ra dáng thích, muốn xin mà không nói ra.

Duyên Lăng Qúi Tử vì còn phải đi sứ thượng quốc, tuy chưa dâng vua Từ được thanh kiếm ấy, nhưng trong tâm đã định cho.

Khi sang sứ Tấn xong, về qua Từ, thì vua Từ không may đã mất, đành tháo thanh kiếm đưa cho tự quân. Các người theo hầu ngăn lại, nói:

- Thanh kiếm ấy là của báu của nước Ngô, không phải là thứ để tặng được.

Duyên Lăng Quí Tử nói:

- Không phải là ta tặng. Độ trước ta lại đây, vua Từ xem kiếm của ta, tuy chẳng nói ra, mà như dáng muốn lấy. Ta vì còn phải đi sứ thượng quốc, chưa dâng được. Tuy vậy đã định cho. Nay vua Từ chết mà ta chẳng hiến thanh kiếm, thì là ta tự dối tâm ta. Tiếc kiếm mà dối tâm, người liêm không chịu làm.

Nói xong, bèn tháo thanh kiếm đưa cho tự quân.

Tự quân nói: “Tiên quân tôi không có dặn lại việc ấy, tôi không dám nhận kiếm.”

Quí Tử bèn treo kiếm vào cái cây ở mộ vua Từ, rồi đi.

Người nước Từ ai cũng khen Duyên Lăng Quí Tử rằng không quên người thân cố, đem thanh gươm báu treo vào cây trên mộ.

Tân Tự

Lời bàn:

Lúc vua Từ có ý lấy thanh kiếm thì Quí Tử không tự ý đưa được, vì công việc phải làm còn chưa xong. Đến lúc Quí Tử có thể tặng thanh kiếm được thì vua Từ không sao nhận được nữa, vì đã thác mất rồi. Giá phải người tầm thường, xử vào cái địa vị Quí Tử, thì tuy trong bụng có điều hối hận, nhưng cũng tiếc thanh kiếm mà đem về nước. Nhưng Quí Tử vốn là người trong tâm đã nghĩ làm sao thì phải làm cho kì được như thế mới nghe, cứ đem thanh kiếm treo tại mộ vua Từ. Người ta tuy khuất, nhưng tâm mình vẫn còn, mà mình không muốn dối tâm mình, thực là liêm lắm vậy. Chẳng bù với những kẻ đã tự dối mình lại đi dối thiên hạ, nhất là đối với người đã khuất tuy có hẳn lời hứa đinh ninh mà rồi nuốt ngang lời đi được.

Chuyện cười trong ngày

Nhẫn thì không thể trả

Hai cô bạn gặp nhau sau bao ngày xa cách.

Một cô hỏi:

- Chuyện đám cưới của cậu với anh ấy đến đâu rồi?

- À, bọn tớ hủy hôn rồi. Tình yêu của tớ dành cho anh ấy đã phai nhạt.

- Chia buồn cùng cậu. Thế cái nhẫn nạm kim cương to đùng mà anh ấy tặng cậu cũng trả lại ư?

- Ồ không, tình yêu của tớ dành cho cái nhẫn thì lại đậm đà hơn bao giờ hết.

Tuesday, October 20, 2015

Ngày 20-10-2015 - Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Bác sĩ ơi, hãy mỉm cười

Bác sĩ ơi, hãy mỉm cười 

Bố tôi là một bác sĩ phẫu thuật giỏi, ông đã từng phẫu thuật cho rất nhiều người, có những người rất bình thường, có những người nổi tiếng, có những người giàu có và cả những người nghèo. Có người nhiều năm sau vẫn đến cảm ơn cha tôi vào những ngày lễ tết, có những người không bao giờ gặp lại. Trong số những người không bao giờ quay lại có một cậu bé mà cha tôi luôn nhắc đến mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm về nghề nghiệp của mình với tất cả tình âu yếm. 

Cậu bé ấy bị mù, một buổi sáng cậu được đưa đến phòng khám của bố, ở bàn chân có một vết thương lâu ngày và trở nên nguy hiểm đến không chỉ đôi chân mà cả tính mạng của cậu. Mọi người xung quanh cậu đã không quan tâm săn sóc cậu đúng mức, còn cậu bé thì rụt rè, có lẽ cậu đã không muốn làm những người xung quanh phải bận tâm về mình nên đã cố chịu đựng vết thương cho đến khi nó trở nên đau đớn không chịu được. 

Trong một năm liền cứ ba lần một tuần cậu đến chỗ bố tôi và bố cắt bỏ hết những chỗ thịt bị hư hại, rồi bôi thuốc, băng bó mà không lấy tiền. Bố nói rằng ước muốn của bố là có thể cứu được đôi chân của cậu bé mù đó bởi bố đoán rằng trong cuộc sống cậu đã gặp khá nhiều thiệt thòi và bất hạnh, bố không muốn phải cưa chân cậu. Nhưng rồi bố thất bại, vết hoại thư đã lan rộng đến mức không cắt bỏ nhanh chóng cậu bé sẽ chết. Bố rất buồn vì điều đó, thậm chí cảm thấy thất vọng về bản thân mình.

 Rồi ngày phẫu thuật cũng đến. Bố đứng bên cạnh cô y tá gây mê khi cô ta làm công việc của mình, lặng nhìn cơ thể bé nhỏ ấy đang chìm dần vào giấc ngủ. Sau đó ông chầm chậm giở miếng vải phủ chân cậu bé lên, và ở đó, trên ống chân gầy gò của cậu, bố nhìn thấy một hình vẽ mà cậu đã mò mẫm vẽ trong bóng tối của mình để tặng bố, đó là một gương mặt hay đúng hơn là một hình tròn có hai mắt, hai tai, một cái mũi, một cái miệng đang mỉm cười, ở bên cạnh là một dòng chữ nguệch ngoạc: "Bác sĩ ơi, hãy mỉm cười".