Sunday, December 31, 2017

Happy New Year 2018


Image result for happy new year 2018

Chuyện ngắn - Người làm công kỳ lạ


NGƯỜI LÀM CÔNG KÌ LẠ

 Sau một lúc làm việc, ánh mắt tôi chú ý đến một người. Anh ta có vẻ lớn tuổi nhất trong số họ, mặc bộ đồng phục. Đó là điều đặc biệt vì công ty chúng tôi không hề có đồng phục.

***

Tôi rúc đầu vào gối, đầu nặng trĩu tuyệt vọng. Chẳng lẽ với tôi đây là cả cuộc đời còn lại???

Tôi, hai năm sau khi ra trường, đang bỏ cả ngày tháng cho một công việc hoàn toàn không thích hợp, lương thấp mà cũng chẳng có tương lai. Đã nhiều lần tôi cố không nghĩ đến câu hỏi này, nhưng cảm giác chán nản đó đã không tài nào thoát ra được.

Sáng nay, tôi cố lết ra khỏi giường để đến chỗ làm. Hôm nay có một vài người mới – họ là những người làm công tạm thời, lương còn thấp hơn nhiều so với nhân viên chính thức như chúng tôi. Sau một lúc làm việc, ánh mắt tôi chú ý đến một người.
Anh ta có vẻ lớn tuổi nhất trong số họ, mặc bộ đồng phục. Đó là điều đặc biệt vì công ty chúng tôi không hề có đồng phục. Thật ra, họ cũng không biết chúng tôi ăn mặc như thế nào. Anh ta mặc một chiếc quần thẫm màu thẳng nếp với chiếc áo xanh lao động, trên ngực túi còn may ngay ngắn cả bảng tên. Có lẽ anh ta tự mua cho mình bộ đồng phục đó.

Tôi quan sát anh trong suốt ngày hôm đó, và cả những ngày kế tiếp khi anh còn làm việc với chúng tôi. Anh không bao giờ đi trễ hay sớm, chính xác như một chiếc đồng hồ vậy. Với một công việc hết sức bình thường, anh làm việc rất cần mẫn, chuẩn xác với một sự cẩn trọng đặc biệt. Anh hòa nhã thân thiện với tất cả mọi người nhưng không bao giờ nói chuyện trong lúc làm việc.

Đến giờ cơm trưa, trong khi chúng tôi đến nhận phần ăn của mình tại quầy phân phát, anh lại lặng lẽ lôi trong túi đồ một hộp cơm cũ kỹ bằng inox, và sau mỗi bữa ăn chỗ của anh lúc nào cũng sạch sẽ. Và dĩ nhiên, lúc nào anh ta cũng trở lại công việc đúng giờ. Có thể nói anh là một người làm công mà bất cứ ông chủ nào cũng đều hài lòng. Chúng tôi đều có những suy nghĩ như vậy, anh không chỉ tốt mà thật sự đáng khâm phục.

Rồi công việc tạm thời đó cũng chấm dứt, anh rời công ty rồi đi đâu không rõ. Nhưng đối với cuộc đời tôi anh đã hoàn toàn thay đổi cách suy nghĩ của tôi .

Tôi không mua cho mình bộ đồng phục, cũng không có hộp cơm trưa nhưng tôi bắt đầu đặt ra cho mình những nguyên tắc. Tôi bắt đầu tập làm việc như một doanh nhân chuẩn bị kỹ càng cho hợp đồng của mình, và rồi tôi được người quản lý đề bạt lên chức vụ cao hơn. Vài năm sau, tôi chuyển đến một công việc tốt hơn ở một công ty khác.

Cuối cùng, tôi cũng tự đứng ra lập công ty riêng. Cho đến mãi sau này, những thành công của tôi đều đến từ sự cần mẫn và may mắn của mình, nhưng tôi vẫn luôn nghĩ điều may mắn lớn nhất của tôi là bài học tôi đã học được từ người công nhân kỳ lạ năm xưa: SỰ TÔN TRỌNG KHÔNG ĐẾN TỪ CÔNG VIỆC MÀ BẠN ĐANG LÀM, NÓ ĐẾN TỪ CÁI CÁCH MÀ BẠN ĐANG LÀM CÔNG VIỆC ĐÓ.

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa


Ba giỏ khoai lang

Ngày xưa, có một lần Gấu, Thỏ và Khỉ rủ nhau cùng tới thăm nhà bác Dê. Trước khi về, bác Dê bảo chúng: “Ðây là ba giỏ khoai lang, mỗi cháu mang về một giỏ. Bằng giờ sang năm, đưa lại cho bác số khoai lang cũng như thế. Ðược không?”

Gấu thích quá, liền nói: “Cám ơn bác”. Rồi xách giỏ chạy theo Thỏ và Khỉ.
Về tới nhà, chúng mới sực nghĩ tới lời bác Dê dặn: làm thế nào đây?
Gấu nghĩ: “Sang năm nghĩa là còn sớm chán. ăn đã rồi sẽ tính”. Thế là nó ăn luôn một lúc, hết nửa giỏ khoai.
Thỏ nghĩ: “Dê yếu rồi, sợ gì ông ta, sang năm hãy tính”
Còn Khỉ thì sao?. Nó chọn ra mấy củ khoai to cất đi…
Ngày hôm sau, Gấu gặp Khỉ, hỏi:
– Anh đã ăn hết khoai chưa?
– Ăn một ít, còn giữ lại cũng không ít.
– Giữ lại để làm gì?. Ðể cho Chuột ăn à?
– Không! Ðể trồng mà. Sang năm vào mùa Xuân thì đem trồng, đến mùa Thu thì sẽ thu hoạch. Sẽ có bao nhiêu là khoai để đem trả bác Dê, còn lại thì để ăn.
Nghe Khỉ nói. Gấu hiểu ra: Khỉ làm như thế là đúng. May quá là mình hãy còn lại ba củ, phải giữ lại để làm giống mới được.
Mấy ngày sau, Gấu lại lôi khoai ra xem. Gấu thèm rỏ dãi, nghĩ: “Làm giống thì cần gì tới ba củ?. Hai cũng được”. Nghĩ tới đó, nó há to mồm ăn luôn một củ.

Mùa Đông tới, gió vù vù thổi, bụng Gấu cũng sôi réo lên. “Kiếm cái gì nhét đầy vào cái dạ dày đây?”. Nó lại nghĩ tới khoai: “Ðể giống cần gì tới hai củ? Một không đủ hay sao?”. Thế là nó lại ăn một củ.

Mùa Xuân tới rồi. Gấu tỉnh giấc, nhìn thấy Ong đang hút nhuỵ hoa, chim Yến đang xây tổ, Khỉ con đang cày ruộng. Nó nghĩ tới củ khoai để giống, bèn đào một cái hố trước cửa nhà, đem củ khoai vùi vào đó.

Mấy ngày sau, chẳng thấy động tĩnh gì, Gấu bới đất lên xem, củ khoai vẫn đang ngủ ở đó. Nhìn củ khoai, Gấu nghĩ: “Củ khoai đẹp như thế mà phải vùi vào đất, phí quá! Chuột mà biết sẽ lấy trộm. Chuột không lấy trộm đi thì cho dù khoai có mọc mầm, côn trùng cũng gặm chết nó. Côn trùng nếu không gặm thì mưa to cũng dìm ngập. Nếu không ngập mà chết, khoai lớn lên thì Chuột này, Chó con này, Hươu này… cũng lại đào… Hay là bây giờ đặt nó vào dạ dày là chắc nhất”. Nghĩ tới đó, Gấu liền xơi ngay củ khoai.

Mùa Thu tới, Gấu mang cái gì để trả cho bác Dê? Trong cái giỏ của nó, trừ mạng nhện ra, chẳng có cái gì. Gấu đi tìm Thỏ con, Thỏ con mang giỏ lại. Ôi, chả có lấy một củ. Cả hai đi tới nhà Khỉ. Vừa vào nhà đã thấy khoai mới dỡ chất đầy nhà. Khỉ thấy các bạn tới, vui quá. Nó mời Thỏ và Gấu ăn khoai thoả thích lại còn cho đầy khoai vào hai thúng lớn tặng chúng.
Khỉ, Gấu, Thỏ mang ba giỏ khoai đầy đi gặp bác Dê

Bác Dê cười vang:

– Các cháu ngoan! Các cháu đã ngoan lắm! Bác đâu cần các cháu trả lại bác. Bác muốn xem ai biết suy nghĩ, ai biết lao động. Thôi, bác cám ơn, nhưng các cháu mang khoai về đi nhé!. Cả ba cháu đều là những đứa trẻ ngoan.

Gấu, Thỏ nghe thế, mặt đỏ tía lên.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống


Đối thoại thiền

Thiền sư thường dạy học trò biểu lộ chính mình. Có hai thiền viện, mỗi thiền viện có một thiền sinh nhỏ. Một em, mỗi sáng đi mua rau, gặp em kia trên đường đi.
“Bạn đi đâu đó?” một em hỏi.

“Tôi đi nơi nào chân tôi đi,” em kia trả lời.

Câu trả lời làm em này bối rối, nên em về hỏi thầy giúp đở. “Sáng mai,” thầy bảo em, “khi con gặp bạn, hỏi câu hỏi đó lại. Nó sẽ trả lời y như cũ, rồi con hỏi nó: ‘Nếu bạn không có chân, thì bạn đang đi đâu?’ Vậy sẽ chỉnh được nó.”

Hai bé lại gặp nhau sáng hôm sau.

“Bạn đang đí đâu dó?” em thứ nhất hỏi.

“Tôi đi nơi nào gió thổi đi,” em kia trả lời.

Câu trả lời này lại làm em choáng váng. Em mang thất bại về hỏi thầy.

“Hỏi nó đang đi đâu nếu không có gió,” thầy chỉ.

Hôm sau hai bé gặp nhau lần thứ ba.

“Bạn đang đi đâu dó?” em thứ nhất hỏi.

“Tôi đang đến chợ mua rau,” em kia trả lời.

Kim Thân Phật Vĩ Đại Trên Thế Giới


Kim Thân Phật tại Myanmar




tên: Reclining Buddha

Địa điểm: Chaukhtatgyi Paya, Myanmar

Chiều dài : 72 meters 


Xây dựng: 1907-1966

Kim Thân Phật tại Myanmar

Tại chùa Shwedagon nổi tiếng, một Tôn tượng Phật nằm dài 72 mét là tượng Phật khổng lồ nằm ở Myanmar. Được xây dựng vào năm 1907, nó đã bị hư hỏng do khí hậu trong nhiều năm. Năm 1957, nó bị phá hủy và xây dựng lại cho cấu trúc này và hoàn thành vào năm 1966. Tính độc đáo của hình ảnh là khảm thủy tinh trên bàn chân tượng trưng cho 108 đặc điểm đặc biệt của Đức Phật.

Chuyện cười trong ngày


Đừng đi bác sĩ

- Bác sĩ, xin ông cho tôi một lời khuyên, tôi bị mất ngủ.

- Trước khi đi ngủ, anh hãy ăn một trái táo hoặc uống một cốc sữa.

- Ồ, xin lỗi, nhưng năm ngoái, cũng tại bệnh viện này, ông đã khuyên tôi không nên ăn bất cứ cái gì trước khi đi ngủ.

- Đúng vậy, nhưng anh quên mất rằng chỉ một năm thôi, y học đã có những bước tiến vượt bậc rồi sao?

Saturday, December 30, 2017

Suy Niệm Trong Ngày 30-12-2017

Chuyện ngắn - Những thứ đừng bao giờ nuối tiếc


NHỮNG THỨ ĐỪNG BAO GIỜ NUỐI TIẾC

Có ba thứ trong đời không bao giờ nên tiếc nuối: Một tình yêu đã ra đi; một người bạn không xứng đáng và ngày hôm qua.

Bởi vì đó là những điều đã không còn có thực, không còn có ý nghĩa và không còn tồn tại trong ngày hôm nay và ngày mai của ta. Vì thế, là những điều không nên làm vướng bận lòng ta, không nên làm u sầu trái tim ta và làm rơi nước mắt ta thêm nữa.

***
Một sớm mai kia thức dậy, bạn có thể sẽ thấy người bạn yêu không còn là người đàn ông/đàn bà bạn đã yêu nữa. Bạn sẽ buồn vì họ? Sẽ đau vì không thể yêu người đó nữa? Sẽ tiếc nuối tình yêu đã có? Nhưng, hãy nghĩ: Khi bạn yêu họ, họ là người bạn yêu, với những gì bạn yêu. Khi họ không còn như thế nữa, hoặc khi bạn nhận ra họ chưa bao giờ như bạn nghĩ, cũng đừng cảm thấy đau buồn hay nuối tiếc. Bởi vì tình yêu đó, trước giây phút đổi thay đó đã là một tình yêu trọn vẹn, người yêu đó trước giây phút nhận ra đó đã là một người yêu trọn vẹn. Chỉ có điều, đó là một tình yêu đã qua, một người yêu đã ra đi. Và nên để gió cuốn bay đi...

Một người bạn không xứng đáng với những gì ta dành cho họ càng không bao giờ nên hối tiếc, cho dù có thể là một nỗi buồn trong thoáng chốc. Buồn không phải vì ta đã dành cho họ nhiều yêu thương mà họ không xứng đáng được nhận, cho đi là không bao giờ nên hối tiếc. Mà buồn vì cuộc sống không nên như thế, con người không nên như thế, vậy thôi. Dù sao, cũng nên sống hết mình, yêu thương hết mình. Đâu đó trong cuộc đời vẫn là những vòng tay rộng mở, còn những cái quay mặt đã ở sau lưng...

Và ngày hôm qua. Ngày hôm qua luôn là một cái bóng rất lớn, đôi khi là quá lớn lên hiện tại. Cho dù là cái bóng của hạnh phúc hay bất hạnh. Có những người không bao giờ thoát nổi ra khỏi cái bóng đó để bước đi về phía ngày mai. Nhưng bạn biết không, chỉ những người không nhìn thấy bóng mình vì bận rộn ngẩng cao đầu bước mới không luẩn quẩn ở cái bóng của mình mãi. Ngày hôm qua chỉ là một cái bóng. Mà chúng ta thì cần điều gì đó rõ rệt, mang dáng dấp, hơi thở, sự sống. Đừng đuổi theo cái bóng đó, bạn nhé. Nó cũng giống như ngồi thở than vọng tưởng những cánh bướm mùa trăng tròn thuở xưa. Hãy cứ thương nhớ nhưng đừng bao giờ tiếc ngày hôm qua. Ngày hôm qua đã qua rồi...

Đôi khi, đúng hơn là rất nhiều khi tôi cũng thấy buồn. Nhưng tuyệt nhiên không bao giờ cho phép mình nuối tiếc. Tôi tin, rất tin cuộc sống cần dựa trên những nỗ lực không mệt mỏi để vươn lên, để cho đi và để biết trân trọng hiện tại, hướng tới ngày mai. Những gì đã cho đi là những điều quý giá. Những hạnh phúc đã mang đến cho người là những món quà tự tặng mình. Những yêu thương đã trao là những yêu thương được nhận. Ngay cả những nỗi buồn cũng là một trải nghiệm ý nghĩa. Những cho nhận ấy ngày hôm nay và ngày mai nhìn lại ta mới có thể thấy hết giá trị của đời mình.

Những người luôn bận lòng với những đố kị, day dứt với những đau khổ, trẫm mình trong nước mắt, giam mình trong những ám ảnh về quá khứ và dằn vặt mình với những đòi hỏi yêu thương là những người không bao giờ có thể hạnh phúc, không bao giờ biết giá trị đích thực của cuộc sống.

Một sớm mai kia khi tất cả sẽ thành hư vô trong đời, tôi mong bạn sẽ mỉm cười. Vì mình đã sống những ngày trọn vẹn

Anh Thư

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa


Cáo bị rơi xuống giếng

Có một con Cáo không may bị rơi xuống giếng. Nó cố gắng mãi để trèo lên mà không làm sao lên được. Cuối cùng đành phải ở lại dưới giếng.

Một lúc sau, có một con Dê khát nước ra giếng uống nước. Nhìn thấy Cáo ở dưới giếng, Dê cất tiếng hỏi:
– Anh Cáo thân mến, xin hỏi nước ở dưới giếng có vị ra sao vậy?
Cáo gặp được Dê thì mừng thầm trong bụng. Nó nghĩ: “Cuối cùng cơ hội thoát chết của ta cũng đã đến rồi”.
Thế là Cáo vừa liếm môi vừa làm ra vẻ, nói:
– À, bác hỏi đúng người rồi đấy. Tôi vừa mới uống nước ở dưới giếng này xong, vị ngon miễn chê. Đây là đúng là nguồn nước ngon nhất thế gian đấy. Bác đừng do dự, mau xuống đây uống đi. Bác sẽ thấy ngay là tôi nói không sai tí nào.

Nghe Cáo nói, Dê lại càng cảm thấy khát hơn, còn đâu nghĩ được là Cáo có thể lừa mình? Dê háo hức nhảy xuống giếng. Sau khi uống nước xong, Dê mới nhận ra rằng để trèo lên miệng giếng không phải là chuyện dễ. Nó liền bàn với Cáo để tìm cách thoát khỏi giếng.
Cáo nghĩ ngợi một hồi rồi bảo Dê:
– Tôi nghĩ ra cách này. Bác gác hai chân trước lên thành giếng, rồi dựng sừng lên, tôi sẽ trèo lên lưng bác để nhảy lên trước rồi sẽ kéo bác lên sau, thế là cả hai chúng ta đều thoát.

Dê bằng lòng làm theo lời Cáo. Cáo trèo lên lưng Dê rồi lấy sức bật nhảy lên miệng giếng. Nó thoát được rồi liền bỏ mặc Dê lại. Dê vô cùng tức giận, mắng Cáo là kẻ không biết giữ lời hứa. Cáo bảo Dê:
– Này, ông bạn, nếu đầu óc ông đủ thông minh thì ông đã chẳng nhảy xuống đó.

Lời bàn:
Khi làm việc, không nên hành động bột phát mà phải nghĩ tới hậu quả sau này, suy tính trước xem tiếp theo phải làm gì, chứ không nên làm tới đâu nghĩ tới đó.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống


LÒNG BIẾT ƠN 

Fred: "Tại sao chúng ta phải cúi lạy lúc chấm dứt một thời thiền định?"

Thiền Sư Ho Chi: "Để cảm ơn Trời thời thiền định đã chấm dứt."

Điển Hay Tích Lạ


Mắt xanh, mắt trắng

Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, lúc Từ Hải gặp Kiều ở thanh lâu, Từ Hải nói với Kiều, có câu:
Bấy lâu nghe tiếng má đào,
Mắt xanh chẳng để ai vào có không? "Mắt xanh" do chữ "Thanh nhãn", tức là mắt ở giữa là tròng đen (hoặc xanh) hai bên tròng trắng.
Nguyên Nguyễn Tịch, người đời nhà Tấn, là người rất ưu rượu và đàn. Làm quan rồi cáo bịnh về nhà, kết bạn cùng Kê Khang, Lưu Linh,
Nguyễn Hàn, Sơn Đào, Hướng Tú và Vương Nhung, người thường gọi là "Trúc lâm thất hiền" (bảy người hiền ở rừng trúc).
Có giai thoại về ồng.
Được biết trong bộ Binh có người bếp cất rượu rất ngon, trữ 300 hũ mỹ tửu, ông liền xin vào làm một chức nhỏ ở đây để được thưởng thức!
Có lần ông say luôn 60 ngày, vua Tấn muốn nói chuyện với ông mà không được.Người ta cho ông là "cuồng túy".
Ông là người chán đời, thích tiêu diêu trong vũ trụ. Thơ của ông phần nhiều tả tình, hoặc than cho thói đời đen bạc, hoặc chán cho thế sự
thăng trầm, hoặc ngao ngán cảnh phú quý công danh như phù vân...Tư tưởng của ông có lúc lại kỳ dị. Như trong bài văn xuôi "Đại nhân tiên
sinh truyện", ông ví con người trong vũ trụ như con rận trong quần.
Ông phản đối Nho giáo. Ông bảo: "Không có vua thì vạn vật ổn định; không có bề tôi thì mọi việc được trị; không có kẻ sang thì kẻ hèn
không oán; không có kẻ giàu thì kẻ nghèo không tranh của. Ai nấy đều đủ ăn mà không cầu gì nữa". Thật là một tư tưởng "vô chính phủ"
nhưng cũng lạ là vua Tấn vẫn để ông ở yên.
Nguyễn Tịch lại có một thái độ lạ lùng. Khi tiếp khách hễ là hạng quân tử, là hạng người vừa lòng mình thì Nguyễn Tịch nhìn thẳng bằng
tròng mắt xanh; trái lại khách là kẻ tầm thường, người không vừa lòng mình thì ông nhìn bằng đôi tròng trắng.
Do điển đó, sau này người ta dùng chữ "Mắt xanh" để chỉ sự bằng lòng, vừa ý. Cũng như câu của Từ Hải: "Mắt xanh chẳng để ai vào có
không?" là ý muốn hỏi: nàng chưa thấy ai là người vừa ý phải không? Tức là nàng chưa tiếp ai bằng mắt xanh.

Chuyện cười trong ngày


Nơi hoang sơ

Một nhà thám hiểm vừa phát hiện ra một vùng đất mới, trên đường thăm dò, ông gặp một cậu bé bản địa
- Nhà thám hiểm đưa cho cậu ta xem chiếc máy chữ và một hộp diêm. Nhìn thấy mấy thứ đó, cậu bé tỏ ra rất ngạc nhiên.
- “Đây đúng là một vùng đất hoang sơ nhất trên thế giới, không còn nghi ngờ gì nữa!” Nhà thiếm hiểm nghĩ thầm.
- Đến lúc này thì cậu bé lên tiếng:”Thưa ngài, mặc dù cháu chẳng hiểu ngài định làm gì với mấy thứ đó, nhưng cháu muốn biết cháu đi được chưa ạ. Cháu cần phải vào cửa hàng Internet để “chat” ngay bây giờ!

Friday, December 29, 2017

Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Hoài niệm về răng đen


HOÀI NIỆM VỀ RĂNG ĐEN

Thế mới thấy vẻ đẹp của người phụ nữ tùy từng thời điểm đã có sự khác nhau. Nhưng trong ký ức của tôi, hàm răng đen của bà mãi là một hoài niệm đẹp.

***
Nghe mọi người kể lại thì bà ngoại tôi hồi trẻ vốn là cô gái xinh đẹp nhất nhì làng. Đến khi có tuổi, bà vẫn đẹp lắm. Da hồng hào, nhất là hàm răng đều, chắc và đen bóng. Mỗi lần nghĩ về người bà thân yêu, răng đen nhưng nhức hạt na, miệng bỏm bẻm nhai trầu tôi lại nhớ câu ca dao:

Một thương tóc bỏ đuôi gà

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.

Ba thương má lúm đồng tiền,

Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua...

Ngày trước, ai "răng nhánh hạt huyền" được coi là người phụ nữ duyên dáng, thu hút, hấp dẫn - dễ gây thương mến trong lòng mọi người, nhất là người khác giới. Các cụ đã có câu "cái răng, cái tóc là góc con người" và hàm răng đen nhánh là một trong những biểu tượng cho vẻ đẹp, cái duyên của phụ nữ Việt xưa.

Lúc bé, tôi thích nhìn bà ăn trầu. Miệng bà bỏm bẻm, nụ cười rạng rỡ với hàm răng đen đều đặn, đôi môi đỏ tươi đẫm quết trầu, dù đã có nhiều nếp nhăn nhưng bà vẫn như một bà tiên. Mỗi buổi trưa nằm ngủ, tôi nũng nịu bắt bà kể chuyện cổ tích, mơ màng ngắm bà tóc trắng phau, tay cầm cây quạt cọ đung đưa, miệng vừa nhai trầu, vừa đưa lời êm ái về quả thị thơm và cô Tấm dịu hiền, về chàng Thạch Sanh với niêu cơm chẳng bao giờ vơi... Năm cuối đời, bà khi ấy gần 80 tuổi, răng không còn được chắc như trước, nhưng thói quen ăn trầu bà vẫn giữ nguyên. Mỗi lần mẹ đi chợ về, ngoài tấm bánh đa hay gói bỏng làm quà cho tôi, không lúc nào thiếu cây vỏ, quả cau cho bà. Tôi khi ấy lăng xăng chạy ra vườn, lựa kỹ những lá trầu, rửa sạch mang vào giường bà. Bà âu yếm nhìn cô cháu gái, rồi chậm chạp mở túi khâu bằng vải đựng chiếc cối giã trầu đeo bên người ra, cho vỏ, cau, trầu vào, từ từ giã nhỏ rồi đưa lên miệng ăn.

Ấy là chuyện hồi xưa. Đến thời mẹ tôi, dì tôi, chẳng ai theo "mốt" nhuộm răng đen ấy nữa. Hàm răng đen nhánh từng làm bao người mê đắm một thời với nụ "cười như mùa thu tỏa nắng" giờ đã là quá vãng. Tôi còn nhớ hồi đại học, cô bạn thân học cùng lớp, ở cùng phòng ký túc xá răng bị ố vì lúc nhỏ phải uống quá nhiều thuốc kháng sinh. Mặc dù da trắng, khuôn mặt xinh, dáng đẹp lại chơi bóng chuyền rất giỏi nhưng lúc nào bạn ấy cũng tự ti. Bạn giữ gìn ngay cả những nụ cười của mình vì sợ "lộ" khuyết điểm. Bạn từng tâm sự với tôi, sau này, nhất định có điều kiện tớ sẽ đầu tư làm bộ răng mới thật trắng, thật đều.

Thế mới thấy vẻ đẹp của người phụ nữ tùy từng thời điểm đã có sự khác nhau. Nhưng trong ký ức của tôi, hàm răng đen của bà mãi là một hoài niệm đẹp. Soi vào đó, tôi nhìn thấy bóng dáng của văn hóa truyền thống dân tộc mình, giản dị. Hình ảnh bà nhai trầu với nụ cười răng đen bóng, giờ chỉ còn là một bức tranh phản ánh tháng năm và con người xưa cũ không bao giờ còn xuất hiện trở lại trong thời hiện đại, xô bồ ngày nay. Mỗi lần nhớ về bà, nét cười phúc hậu ngày của bà và màu răng đen luôn đánh thức ký ức tôi, đánh thức miền nhớ sâu thẳm trong lòng tôi về những con người đã xa, rất xa...

Linh Lan

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa


Cái bẫy chuột

Cái bẫy chuột, tưởng chừng như chỉ có hại đến con chuột, nhưng không phải thế. Chắc chắn đấy! Hãy đọc câu truyện ngụ ngôn cực kì hay và thâm thúy sau, bạn sẽ biết, vì sao lại không phải thế?

Một con chuột nhìn qua vết nứt ở vách tường và trông thấy bác nông dân cùng với vợ đang mở một cái hộp. Nó nghĩ thầm “có lẽ là có đồ ăn gì trong hộp”. Nhưng liền sau đó, con chuột hốt hoảng khi phát hiện ra trong hộp có một cái bẫy chuột. Chú ta bèn chạy ra ngoài vườn và la toáng lên:
– Có một cái bẫy chuột trong nhà! Có một cái bẫy chuột trong nhà!
Chị gà mái đang bới đất gần đó nghe thấy thế ngẩng đầu lên và nói:
– Này chuột, đây quả là mối lo ngại ghê gớm đối với anh, nhưng nó chẳng có phiền hà gì với tôi, tôi không thể nào bị vướng vào cái bẫy chuột.
Chuột bèn quay sang nói với lợn:
– Anh lợn ơi, có một cái bẫy chuột trong nhà.
Anh lợn ủn ỉn có vẻ thông cảm trả lời:
– Tôi rất lấy làm tiếc cho cậu, tôi chả làm được gì, nhưng tôi sẽ cầu nguyện cho anh không bị vướng vào bẫy.
Nghe thấy thế, chuột hớt hải chạy đến bên bác bò đang nhai cỏ gần đó. Nó kêu lên:
– Bác bò, bác bò! Có một cái bẫy chuột trong nhà!
Bác bò vừa nhai cỏ, vừa từ tốn trấn an:
– Bác rất hiểu sự lo âu của cháu, nhưng bác cũng chẳng giúp được gì.
Chuột chán nản lẳng lặng đi vào nhà, lòng buồn thiu, một mình phải đối phó với cái bẫy chuột tàn nhẫn của bác nông dân.

Thế rồi, một đêm kia, có một tiếng động vang lên trong nhà, dường như đó là tiếng bẫy xập. Vợ của bác nông dân vội chạy tới để xem có bắt được con chuột nào không? Trong đêm tối loạng choạng, bà vợ bác nông dân đã bị con rắn độc cắn vào chân khi bà mon men tới gần cái bẫy. Thì ra, cái bẫy chuột đã xập vào đuôi của một con rắn.
Bác nông dân vội vàng chở vợ vào nhà thương ở trên quận. Khi trở về nhà, bà vợ bác bị lên cơn sốt. Bác nông dân nhớ là ăn cháo có thể làm giảm cơn sốt, vì thế bác đã chạy ra vườn bắt chị gà mái cắt tiết, làm thịt để nấu cháo cho vợ ăn. Thế nhưng, bệnh tình của vợ bác vẫn không giảm chút nào. Bạn bè và hàng xóm nghe tin đã tới hỏi thăm. Để thiết đãi họ, bác nông dân đã chọc tiết anh heo. Sau nhiều ngày chống chọi với cơn bệnh, vợ bác qua đời. Vì họ hàng thân thuộc đến đưa đám rất đông, bác nông dân phải mổ thịt bác bò để có đủ thức ăn đãi khách.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống


THỜI GIAN ĐỂ HỌC 

Một người trẻ tuổi nhưng là thiền sinh nghiêm chỉnh đã thăm dò ý kiến sư phụ của hắn, và đã hỏi vị Thiền Sư.

"Nếu con cố gắng làm việc chăm chỉ và siêng năng cần cù thì con phải bao lâu để đạt được thiền."

Vị Thiền Sư suy nghĩ về điều này, và rồi trả lời, "Mười năm."

Vị thiền sinh khi đó nói, "Nhưng điều gì nếu con hết sức cố gắng, rất cố gắng và thực sự ghép mình vào để học nhanh -- Vậy thì bao lâu?"

Vị Thiền Sư trả lời, "Vậy thì, hai mươi năm."

"Nhưng, nếu con thật sự, thật sự con làm việc đó. Vậy thì bao lâu?" vị thiền sinh hỏi.

"Ba mươi năm," Vị Thiền sư trả lời.
"Nhưng, con khong hiểu," vị thiền sinh thất vọng nói. "Với mỗi lần con nói con sẽ cố gắng hơn nữa, Sư Phụ nói nó sẽ khiến con kéodài hơn. Tại sao Sư Phụ nói như thế?"

Vị Thiền Sư trả lời, "Khi con có một con mắt trên mục đích, con chỉ có một mắt trên con đường đạo."

Cổ Học Tinh Hoa


Liêm, sỉ

Liêm, sỉ(1) là tính rất hay của loài người, vì người mà không liêm thì cái gì cũng lấy, không sỉ thì việc gì cũng làm. Người mà đến thế là người bỏ đi, không khác gì giống vật. Nhất những bậc đứng chủ trương việc nhà, việc nước mà vô liêm, sỉ thì nhà phải suy bại, nước phải nguy vong.

Nghĩ cho kĩ, thì sỉ cần hơn liêm: người không liêm làm những việc bất nghĩa, căn nguyên cũng ở vô sỉ mà ra.

Khổng nói: “Hành kỉ hữu sỉ” nghĩa là nghĩ mình biết làm xằng là xấu hổ. Thầy Mạnh nói: “Nhân bất khả vô sỉ” nghĩa là người ta không biết xấu hổ thì không được.

Than ôi! Thế mà ngày nay, nhân tình phản trắc, phong tục suy đồi, người ta quên cả liêm, sỉ. Không kể chi người thường, thậm chí đến bọn sĩ phu cũng chan chan như thế cả. Ôi! Nếu cho là sự xấu hổ chung cho cả nước, cũng không phải là nói ngoa.

Tuy vậy, mùa đông rét mướt, tùng, bách vẫn xanh; mưa gió tối tăm, gà sống vẫn gáy. Đời tuy hôn mê, vẫn có người tỉnh.

Ông Nhan Chi Suy(2) làm sách “Gia huấn”(3) có thuật câu chuyện rằng:

Một viên quan nói với ông: “Tôi có đứa con 17 tuổi học đã thông. Tôi cho nó học tiếng nước Tiên Tri(4), tập gảy đàn tì bà, lớn lên theo hầu đám công khanh(5), thì thế nào rồi cũng được sung sướng”.

Nhan Chi Suy nghe nói, nín lặng không trả lời. Sau về nhà, bảo con cháu rằng:

“Người này dạy con lạ thay. Như ta, nếu học cách ấy, dù cho được phú quý đến đâu, ta cũng không mong cho các con vậy”.

Những kẻ mất hết liêm, sỉ, chỉ biết chăm chăm xu thời nịnh đời, xem câu chuyện này, nghĩ chẳng đáng thẹn lắm sao!

Lời bàn:

Bài này thực đã như một tiếng than cho đời mà ngán cho người. Than ôi! Người đời bấy giờ có phải đa số là người “vô liêm sỉ”, “bất trí sỉ” không? Nếu quả thật thì người ta ngậm ngùi than thở rất là phải. Vì “liêm”, “sỉ” là nền tảng của đạo làm người. Ở đời còn có sỉ thì hiếu, để, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm còn được chớ liêm, sỉ đã mất, nhất là sỉ, thì còn gì là luân thường đạo lý, và mong cậy vào đâu nữa. Con người mà đã đến vô sỉ thì tuy mặc áo, đội mũ mà như con chim, con muông, còn cái gì là kiêng nể là không dám làm!

(1) Liêm: tính phân minh ngay thẳng, không lấy của bất nghĩa. Sỉ: hổ thẹn, tự mình lấy làm khó chịu, nhục nhằn trong lòng.

(2) Nhan Chi Suy: nhà văn tự giỏi có tiếng thời Nam Bắc triều

(3) Gia huấn: lời dạy bảo con em trong nhà

(4) Tiên Tri: tên một nước cũ, tức là một bộ phận Nội Mông Cổ bây giờ. Về đời Tấn, Tiên Tri vào chiếm Trung Nguyên, đặt tên nước Nguỵ, tức là Bắc Triều

(5) công khanh: hai chức quan to.

Chuyện cười trong ngày


Khôn ra..

Một lão nhà giàu đi dạo chợ quê xem có món hàng nào hời sẽ mua tích trữ. Thấy một chú bé cứ nhai mãi mấy hột táo, bèn hỏi:

- Này nhóc, mày nhai mãi mấy hột táo ấy để làm gì?

- Thưa ông, để cho khôn người ra.

- Thế à? Bán cho tao vài hột được không?

- Thưa ông, mười đồng hai hột.

- Ðược, tiền đây.

Lão ta đưa luôn mười đồng và cầm hai hột táo bỏ ngay vào miệng nhai lấy nhai để. Nhai mãi, một lúc sau lão ta hỏi chú bé:

- Này nhóc! Tao nhai từ nãy đến giờ chả thấy khôn ra tí nào. Trong khi đó với mười đồng, tao có thể mua hàng rổ táo của những người khác.

- Ðấy! Ðấy! Ông khôn ra rồi đấy! – Chú bé đắc chí kêu lên.

Thursday, December 28, 2017

Suy Niệm Trong Ngày 28-12-2017

Chuyện ngắn - Hành động quyết định tương lai


HÀNH ĐỘNG QUYẾT ĐỊNH TƯƠNG LAI

Bài sưu tầm trên Net

Suy nghĩ sẽ thay đổi tính cách, tính cách sẽ thay đổi cách sống và cách sống sẽ thay đổi con người. Từ những việc nhỏ và đơn giản nhất cũng ảnh hưởng tới cuộc sống của mỗi chúng ta.

***
Tôi đi làm việc ở một khu công nghiệp cách xa nhà 20km nên sáng tôi thường phải dậy sớm để có thể đi kịp giờ. 8h vào làm nên 6h tôi đã phải dậy để chuẩn bị đồ dùng cá nhân, xe cộ để đi làm. Tối tôi thường đi ngủ lúc 22h để đảm bảo được giấc ngủ. sáng chuông báo thức 6h kêu nhưng lúc nào tôi cũng phải nấn ná thêm 1,2 phút. Cái cảm giác 1.2 phút ngủ thêm thôi, lòng luôn lo lắng bồn chồn, gọi là ngủ thêm chứ thực chất là chỉ nhắm mắt chứ sao có thể ngủ được. trong 1,2 phút ấy tôi cũng phải mở mắt đến 3 lần để kiểm tra điện thoại xem mây giờ rồi. Thật là hài hước, thế nhưng ngày nào cũng thế, ngày nào cũng vậy, tôi không thể bỏ 1,2 phút ngủ thêm. Đôi khi, tôi còn ngồi bần thần và đấu tranh tâm lý xem ngủ thêm nửa tiếng hay sẽ dậy để ăn sáng. Tôi thường lấy lý do ăn sẽ béo hoặc mình có thể ăn bù vào buổi trưa nên thôi lại nằm ngủ tiếp. Lâu dần nó như thành một thói quen, làm mình luôn luôn không đúng giờ và vội vàng trong mọi tình huống. Lúc nào trong suy nghĩ cũng cho mình một độ trễ. Điều này sẽ có hai mặt.

Về mặt tích cực: trong suy nghĩ của mình luôn hình thành hai phương án cho mình lựa chọn. Điều này mình có thể lường được một vài việc có thể xảy ra nếu làm cái này mà không làm cái kia. Hơn nữa, trong đầu mình luôn có một độ trễ, nên tôi thường đưa ra thời hạn hoàn thành với cấp trên hoặc bộ phận khác một thời gian an toàn cho mình.

Về mặt tiêu cực: trong suy nghĩ luôn có độ trễ nên nhiều việc tôi thường chần chừ, từ từ nhiều lúc sẽ dẫn tới việc quyết định không kịp thời và nhanh chóng. Khi cần gấp thì thường vắt chân lên cổ để chạy. Vì vậy tôi đang cố khắc phục điểm yếu của mình. Tôi thường cố gắng hoàn thành nhanh nhất mọi công việc rồi thời gian còn lại sẽ làm những việc mà mình thích.

Khi mới ra trường, tôi thường làm việc theo bản năng, khi có vấn đề gì xảy ra mình thường đổ lỗi do hoàn cảnh khách quan mang tới mà thường không nghĩ hậu quả là do những gì chúng ta đã làm từ trước. Tôi là nhân viên kế hoạch nên công việc cần phải có độ chính xác tuyệt đối, đúng giờ. Chỉ cần một sai sót và bất cẩn, hàng ngàn người trong công ty sẽ bị ảnh hưởng, máy móc sẽ bị dừng, khách hàng bị ảnh hưởng...Khi tôi lên một kế hoạch để sản xuất và xuất hàng đúng hạn theo khách hàng yêu cầu. Khi không thể xuất hàng tôi thường lấy lý do máy hỏng, người nghỉ, thái độ làm việc của người thao tác không có trách nhiệm... Tôi chưa bao giờ nhìn nhận được mình có lỗi trong đấy. Sau đấy tôi đã bị cấp trên hỏi một chuỗi các câu hỏi mà tôi không thể trả lời "khi máy hỏng em đã làm gì? Người nghỉ em đã có hành động gì? Khi biết kế hoạch âm hành động của em có mạnh mẽ không? Có yêu cầu người ta phải làm không hay chỉ ậm ừ với lý do của họ? Khi nào thì em biết là không thể xuất hàng? Hàng ngày em có kiểm soát công việc của mình không hay cứ thả trôi?...". Mọi vấn đề xảy ra đều có lý do của nó nhưng bạn đã có cách cử xử như thế nào với vấn đề đó. Thành công hay thất bại là do cách nhìn nhận vấn đề và hành động của bạn. Đừng đổ lỗi cho bất kì ai. Như vậy bạn không thể tiến bộ được.

Hoặc chỉ đơn giản như cách bạn mặc như thế nào khi đến một buổi họp là thể hiện thái độ của bạn với công việc sắp diễn ra. Cách đi đứng, cách trả lời các câu hỏi, cách nói chuyện với mọi người cũng thể hiện bạn là người chuyên nghiệp hay không. Cách bạn viết mail và trả lời mail cũng cho thấy bạn có tôn trọng người nhận mail hay không. Bàn làm việc cũng thể hiện bạn là con người đáng tin hay không...

Vì vậy, để trở thành một người đáng tin đối với mọi người, chúng ta cần luôn luôn cố gắng hoàn thiện bản thân từ những việc nhỏ nhặt nhất. Đừng bỏ qua và coi thường những thứ xung quanh. Hành động nhỏ dẫn tới kết quả lớn.

--Lời chia sẻ từ một người có nhiều khuyết điểm---

Bài sưu tầm trên Net

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa


 Con kiến đền ơn bồ câu

Con kiến đang đi đường mệt thì gặp một hồ nước, nó liền đi đến bên bờ hồ muốn uống nước rồi nghỉ ngơi chốc lát, nhưng không ngờ lại bị trượt chân xuống hồ nước. Con kiến không biết bơi, nó vùng vẫy, uống phải mấy ngụm nước và kêu cứu: “Cứu mạng, cứu… cứu tôi với!“.

Trên một cái cây lớn bên hồ nước có một con chim bồ câu đang đậu, nó nghe thấy tiếng kêu cứu của con kiến bèn ló đầu ra xem xét: “Chao ôi, không hay rồi! Con kiến rớt xuống hồ mất rồi!“.

Bồ câu muốn cứu con kiến, nhưng chính nó cũng không biết bơi. Vậy phải làm sao đây? Nó cái khó ló cái khôn, kẹp một chiếc lá ném xuống chỗ con kiến nói: “Mau bò lên trên chiếc lá đi!”

Con kiến vội vàng bắt lấy lá cây, dùng hết sức bình sinh bò lên. Thế là con kiến đã được cứu! Nó nói với bồ câu: “Này anh bồ câu , cảm ơn anh đã cứu mạng tôi, về sau nếu có cơ hội, tôi nhất định sẽ báo đáp anh!“.

Bồ câu mỉm cười đáp: “Không cần cảm ơn đâu! Sau này cậu phải cẩn thận nha!“.
Sau vài ngày, vào một buổi trưa nọ, con kiến lại đi qua hồ nước, nó nhìn thấy bồ câu ngủ trên tàn cây. Nó rất muốn chào hỏi bồ câu nhưng lại không muốn quấy rầy giấc ngủ trưa của cậu, vì vậy con kiến chuẩn bị tiếp tục hành trình.

Đúng lúc này, con kiến chợt nghe thấy tiếng bước chân “sàn sạt”, chỉ chốc lát sau, một người thợ săn xuất hiện. Ông ta phát hiện con bồ câu nằm im trên cây, nên giương cung lắp tên, nhắm thẳng vào bồ câu.

Con kiến nghĩ: “Không hay rồi, bồ câu gặp nguy hiểm!”. Lúc này có kêu to cũng không kịp nữa, vừa khéo là chân thợ săn ở ngay bên cạnh nó, thế là con kiến liền mở miệng cắn một phát!

Thợ săn đang muốn bắn tên chợt cảm thấy chân vô cùng đau nhức, thân thể lung lay một chút, mũi tên được bắn đi, bay sượt qua mình bồ câu cắm vào thân cây, khiền con chim giật mình tỉnh dậy. Con kiến thừa dịp la lớn: “Bồ câu mau chạy đi, có nguy hiểm!“.
Bồ câu lại càng hoảng sợ, cuống quít giương cánh bay đi mất. Thợ săn đuổi theo, nhưng làm sao đuổi theo được bồ câu, ông ta đành phải ủ rũ rời đi.

Một lát sau, bồ câu bay trở về, nó bày tỏ cảm kích với con kiến. Con kiến liền nói: “Tôi cũng rất vui, bởi vì tôi rốt cục có cơ hội báo đáp ân cứu mạng của anh rồi!”

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống


Giờ chết

Thiền sư Ikkyu rất thông minh lúc còn nhỏ. Thầy của Ikkyu có một tách trà quý, đồ cổ hiếm có. Ikkyu lỡ làm vỡ tách này và rất bối rối. Nghe tiếng chân thầy, Ikkyu dấu chiếc tách sau lưng. Khi thầy đến, Ikkyu hỏi: “Tại sao người ta phải chết?”

“Đó là tự nhiên,” vị thầy già giải thích. “Tất cả mọi thứ đều chết và chỉ có một thời gian để sống.”

Ikkyu, đưa cái tách vỡ ra, và thêm: “Giờ chết của cái tách của thầy đã đến.”

Những Ngôi Chùa Trên Thế Giới

Những ngôi chùa tại Tawang
Tawang - vùng đất lập nghiệp
Ký giả T.T. Tara, Kangla Online


Chánh Hạnh dịch

Tawang, India- Một ngôi làng nhỏ của Ấn Độ, Tawang nằm giữa rặng Hy Mã Lạp Sơn về phía đông. Ở đó có một tu viện nổi tiếng đã có khoảng 400 năm. Đây là một tu viện Phật Giáo lớn nhất trong các tu viện của Ấn Độ, và đây cũng là nơi mà rất nhiều Phật Tử đến hành hương thường xuyên. Ngoài ra Tawang lại là một nơi có nhiều phong cảnh hữu tình dễ làm say mê lòng du khách.

Tawang, nằm ở phía tây bắc của tiểu bang Arunachal Pradesh thuộc về vùng đông bắc Ấn Độ. Tawang nằm sát ngay biên giới của Bhutan, giữa rặng Hy Mã Lạp Sơn. Tawang la` mot vu`ng cao nguyên với độ cao 3400m cao hơn mặt biển. Khí hậu ở Tawang là vùng khi hậu ôn đới. Mùa hè từ tháng 4 đến tháng 6 thời gian ngắn, khí hậu ôn hoà. Mùa đông từ tháng 11 đến tháng 2 rất lạnh. Rất hiếm gió mùa, mưa vào tháng 7 đến tháng 9. Theo kinh nghiệm cho biết là tuyết rơi vào những tháng 12 và tháng Giêng.

Tên Tawang bắt nguồn từ một con ngựa của vị sư Mera Lama Lodre Gyatso. Tu viện Tawang được tìm thấy vào thế kỷ 17.

Theo lời những người trưởng lão trong làng Tawang là một vùng đất thiêng liêng (Wang) dành cho giống ngựa thần (Ta).

Mặt khác Tawang cũng được gọi là Monyul. "Mon" có nghĩa là khu vực thấp và "Yul" có nghĩa là người dừng chân. Bởi vậy đó là vùng đất bằng để dừng chân lập nghiệp.

Điều quan trọng hơn, đây là một nơi sùng bái thiêng liêng và cũng là quê hương của Ngài Dalai Lama thứ VI, đó là nơi có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến tánh hiếu hoà của người Monpa trong vùng. Nơi đây trong những buổi lễ lớn của Phật Giáo, như lễ “Sebang” có đến 21 vị Tu Sĩ trong áo cà sa đại lễ tuần tự đi đảnh lễ từ Tu Viện Tawang đến tu viện Yid-Gha-Choszin.

Không bút mực nào có thể mô tả sự vĩ đại của Tawang một cách đầy đủ, đó là một Tu Viện có thể chứa khoảng 700 vị tu sĩ. Tu viện được xây bởi những dân trong làng. Họ là những người duy trì và bảo quản tu viện cho đến ngày hôm nay.

Namgye Lhatse hay là thiên đường vàng, là một danh xưng để mô tả tu viện, nó được xây giống như những pháo đài và có những cái lều dành cho những vị tu sĩ, có sảnh đường để cầu nguyện, có thư viện, có cả trường học dạy hết các lớp học căn bản, có nhà bếp dành cho cộng đồng và còn có một toà nhà chính gọi là Dhkhang. Đó là một tòa nhà có bức tượng Phật mạ vàng cao 30 feet.

Chuyện cười trong ngày


Dạy bơi

Trong phòng thay quần áo ở bể bơi, Jack hỏi Bill.

- Này cậu, dạy bọn con gái tập bơi thì làm thế nào nhỉ?

- Thú vị đấy, phải tế nhị và dịu dàng, một tay đỡ phần ngực còn tay kia đỡ phần bụng của nàng. Hãy để miệng nàng ở dưới mặt nước một chút để nàng không hét ầm lên, người ta sẽ chú ý. Mà cậu có bạn gái mới hay sao đấy?

- Đâu có, tớ dạy đứa em gái ấy mà.

- Ôi dào, em gái thì quẳng đại nó xuống nước. Bơi được tuốt!

Wednesday, December 27, 2017

Suy Niệm Trong Ngày 27-12-2017

Chuyện ngắn - Ngoại trừ bạn ra, không ai có thể thực sự giúp đỡ bạn


NGOẠI TRỪ BẠN RA, KHÔNG AI CÓ THỂ THỰC SỰ GIÚP ĐỠ BẠN

Mèo thích ăn cá, nhưng mèo lại không biết bơi. Cá thích ăn giun, nhưng cá lại không thể lên bờ. Thượng đế mang đến cho bạn rất nhiều thứ hấp dẫn, nhưng lại không cho bạn dễ dàng đạt được nó.

***

Nhưng, cũng không thể cứ đổ máu thì kêu đau, sợ tối thì bật điện, nhớ nhung thì liên lạc, ngày hôm nay với bạn là chuyện lớn, nhưng có thể ngày hôm sau lại là chuyện nhỏ.
Cuộc đời giống như cây bồ công anh, nhìn có vẻ tự do, nhưng kỳ thực lại là thân bất do kỷ. Có những chuyện không phải là không thèm lưu tâm, mà là có lưu tâm cũng chẳng làm được gì. Chỉ biết dốc toàn lực của mình để ứng phó là được, cuộc đời không có nếu, chỉ có hậu quả và kết quả ...

Vạn sự tương sinh tương khắc, không có lên thì không có xuống, không có thấp thì không có cao, không có đắng thì không có ngọt. Chỉ khi biết thế nào là mệt mỏi, thì mới cảm nhận được thế nào là an nhàn; nếm qua cay đắng thì mới biết thế nào là ngọt bùi. Nhân lúc đang còn trẻ, dũng cảm bước đi, nghênh đón phong sương gió mưa, tôi luyện bản thân, có thể độ lượng, có thể nhìn xa trông rộng, thì hạnh phúc mới đến.

Trên thế giới này ngoại trừ bạn ra, thì không có ai có thể thực sự giúp đỡ bạn, nếu có giúp thì cũng chỉ là tạm thời. Rất nhiều người đã từng nếm thử "trứng luộc trong nước trà", vỏ trứng nứt càng nhiều, thì trứng ăn càng ngon miệng. Tương tự như vậy, trong cuộc sống trải nhiệm càng nhiều, trắc trở càng nhiều thì sẽ càng có hương vị.

Trứng gà bị vỡ do tác động từ bên ngoài là đồ ăn, bị vỡ do tác động từ bên trong thì chính là sinh mệnh. Cuộc sống cũng vậy, làm vỡ từ bên ngoài là áp lực, làm vỡ từ bên trong chính là trưởng thành. Nếu bạn chờ người khác làm vỡ bạn từ bên ngoài, thì nhất định bạn sẽ là món ăn của người khác; nếu bạn có thể đánh vỡ chính mình từ bên trong, như vậy bạn sẽ thấy rằng mình đã thực sự trưởng thành, cũng giống như là được tái sinh.

Nhìn thấy một con bướm đang giãy giụa muốn thoát ra khỏi cái kén, có người hảo tâm giúp nó thoát ra. Nhưng không ngờ rằng, sau khi con bướm thoát ra ngoài, nó lại không thể duỗi đôi cánh ra được, và cuối cùng thiệt mạng. Giãy giụa chính là điều con bướm cần làm để trưởng thành, lúc đó bạn giúp nó thoải mái, nhưng sau này nó sẽ không có đủ sức mạnh để đối mặt với những thử thách sẽ phải gặp trong cuộc đời. Nếu bạn muốn hóa thân thành con bướm, thì bạn phải chịu đựng được nỗi khổ của quá trình giãy giụa ở trong kén, vậy thì mới có thể dang cánh bay cao được.

Trong cả cuộc đời, bạn phải tôn trọng bao nhiêu người, thì sẽ có bấy nhiêu người tôn trọng bạn. Bạn tin tưởng bao nhiêu người thì sẽ có bấy nhiêu người tin tưởng bạn. Bạn có thể giúp bao nhiêu người thành công, thì sẽ có bấy nhiêu người giúp bạn thành công!

Trên thế giới này, người giàu có nhất, thường là người vấp ngã nhiều nhất. Người có thể thành công là người mỗi lần vấp ngã, không chỉ có thể đứng dậy, mà vẫn có thể kiên trì tiếp tục bước đi.

Sưu tầm

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa


Gã Keo Kiệt

Một gã keo kiệt chôn vàng ở một nơi bí mật trong vườn nhà. Hàng ngày, gã ra chỗ đó, đào vàng lên và đếm từng thỏi một để kiểm tra xem có còn đủ hay không. Ngày nào gã cũng làm như vậy nên một tên Trộm để ý thấy, nó theo dõi gã, đoán biết gã chôn cái gì, và vậy là một đêm nó, nó đến đào lên lấy hết vàng và trốn mất.
Khi gã keo kiệt phát hiện vàng đã bị mất, gã đau khổ và thất vọng vô hạn. Gã rên rỉ và khóc lóc, bứt đầu bứt tai.
Một người đi ngang nghe thấy tiếng gã khóc bèn hỏi có chuyện gì vậy.
“Vàng của tôi! Ô vàng của tôi đâu rồi!” gã càng khóc lớn, điên dại hơn, “đứa nào đã ăn cướp của tao!”
“Vàng của ông ư! Trong cái lỗ ấy à? Sao lại để vàng ở đấy? Sao ông không cất trong nhà để mỗi khi cần lấy bán đi mua đồ có dễ dàng hơn không?”
“Mua đồ ư!” Gã keo kiệt thét lên giận dữ. “Tại sao à, Tôi đâu có bao giờ đụng đến vàng. Tôi không bao giờ dám nghĩ đến chuyện bán đi tí vàng nào cả.”
Người khách lạ nhặt lấy một hòn đá và ném xuống lỗ.
“Nếu thế thì,” anh ta nói, “ ông lấp lỗ lại đi. Nó cũng đáng giá bằng đống vàng ông mất đấy!”

Lời bàn: Một vật mà không dùng được thì chẳng có giá trị gì.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống


XUẤT BẢN KINH 



Tetsugen, một người nhiệt tình với thiền tại Nhật Bản, đã quyết định xuất bản kinh, ở thời đó chỉ có thể có được ở nước Trung Hoa mà thôi. Những cuốn sách được khắc trên những khúc gỗ số bản in ra bảy ngàn cuốn, một công cuộc kinh doanh to lớn.

Tetsugen bắt đầu bằng một cuộc du hành và thu thập những sự quyên cúng cho mục đích này. Một vài người có cảm tình đã đóng góp cho ông trăm miếng vàng, nhưng phần lớn thời gian ông nhận được chỉ là những tiền cắc nhỏ. Ông cảm ơn từng người đóng góp với sự biết ơn bằng nhau. Sau mười năm Tetsugen có đủ số tiền để bắt đầu công việc của ông ta.

Một chuyện xảy ra rằng tại thời điểm đó sông Uji dâng tràn. Nạn đói kém theo sau. Tetsugen lấy tiền qũy mà ông đã thu được, để giúp dân chúng mình.

Cho đến lần thứ ba ông bắt đầu công việc của ông ta, và sau hai mươi năm sự mong mỏi của ông đã mãn nguyện. Bản in khắc mà xuất bản kinh đầu tiên có thể tìm thấy ngày hôm nay ở tu viện Obaku tại Kyoto.

Những người dân Nhật kể cho con cháu họ rằng Tetsugen đã làm ba bộ kinh, và hai bộ đầu không ai thấy được thì vượt hơn hẳn bộ chót

Điển Hay Tích Lạ

Tuyệt Diệu Hảo Từ

Thái Diễm cũng gọi là Thái Văn Cơ, một nữ sĩ tài hoa đời Tam Quốc (220-264). Cha nàng là Thái Ung, có tài thẩm âm vào bực nhứt cổ kim. Tương truyền, thấy một người chụm củi, ông bảo: "Tôi nghe tiếng củi đó nổ, biết là củi tốt, sao đem chụm cho uổng". Ông xin khúc củi về, làm một cây đàn, tiếng rất trong.
Nàng Thái Diễm lên 8 đã giỏi đàn. Có chồng là Vệ Đạo Giới nhưng lại góa chồng sớm, không con. Đương lúc Đổng Trác nổi loạn, nàng bị rợ phương bắc bắt về đất Phiên, phải sống tủi nhục ở với Hung Nô. Nàng nhớ quê hương, mới làm ra 18 khúc kèn rợ Hồ. Những bản nhạc này truyền vào Trung Nguyên. Tào Tháo là chúa nước Ngụy, trước vốn là bạn thân của cha nàng, nay lại thưởng thức bản nhạc, động lòng thương xót, mới sai người đem ngàn lượng vàng lên phương bắc chuộc nàng về.
Vua đất Hồ là Tả Hiền vương vốn sợ uy thế của Tào Tháo phải cho người đưa nàng về Hán. Tháo lại đứng làm chủ gả nàng cho Đổng Kỷ.
Khi về nước, nàng Thái Diễm có làm bài "Bi phẫn thi" dài 540 chữ, tả nỗi long đong của nàng, lời cực kỳ thống thiết, mỗi chữ như một giọt lệ.

Dục tử bất năng đắc,
Dục sinh vô nhứt khả.
Bỉ sương giả ha cô?
Nãi lao thử ách họa!
Nghĩa:
Muốn chết mà không được,
Muốn sống thêm vất vả.
Hỡi trời xanh tội gì?
Bắt ta gặp tai họa!
Hồ phong xuân hạ khởi,
Phiên phiên suy ngã y,
Túc túc nhập ngã nhĩ.
Cảm thời niệm phụ mẫu,
Ai thán vô cùng dĩ!
Nghĩa:
Xuân hạ, gió Hồ nổi,
Phất phất tà áo ta.
Ào ào bên tai thổi,
Cảm xúc sinh nhớ nhà,
Cùng khổ thay nông nỗi.
(Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê)
Một hôm, Tào Tháo đem quân đánh Lưu Bị, tiện đường ghé thăm. Đổng Kỷ làm quan xa chỉ có nàng ở nhà. Nghe tin Tháo đến, nàng vội ra rước vào. Tháo ngồi trên sập, nàng thi lễ xong chắp tay đứng hầu bên. Tháo nhìn lên vách, chợt thấy một tấm bìa treo, có ghi bài văn bia, bèn đứng dậy bước đến xem và hỏi nguồn gốc. Thái Diễm thưa:
- Đây là bài văn bia đề một nàng Tào Nga. Xưa đời Hòa Đế, ở vùng Thượng Ngu có một người đồng bóng tên Tào Vu, hay lên đồng nhảy múa. Một hôm vào ngày mồng 5 tháng 5, Vu say rượu, đứng múa may trên thuyền, sẩy chân té xuống sông chết. Cô con gái của Vu vừa lên 14 tuổi, quá thương cha, cứ đi dọc bờ sông kêu khóc suốt 7 ngày đêm, rồi nhảy xuống nước mất tích. Qua 5 ngày sau, bỗng thấy nàng đội xác cha nổi lên mặt sông. Người trong làng vớt xác cả hai chôn cất. Quan huyện Thượng Ngu là Đỗ Thượng tâu việc ấy về triều. Triều đình khen nàng Tào Nga là gái hiếu, truyền cho lập bia. Đỗ Thượng lại sai Hàn Đan Thuần làm bài văn khắc vào bia để ghi lại việc ấy. Hàn Đan Thuần bấy giờ mới 13 tuổi, cầm bút viếc ngay một hơi thành bài văn, chẳng phải sửa chữa một chữ. Đỗ Thượng chịu là hay, cho khắc vào bia dựng bên mộ nàng Tào Nga. Thời bấy giờ, ai đọc cũng lấy làm lạ. Tiếng văn hay đồn dậy xa gần... Phụ thân thiếp nghe tiếng cũng tìm đến xem, gặp lúc trời tối, không nhìn thấy chữ, phải sờ vào bia, lần từ nét mà đọc. Đọc xong, người lấy bút viết 8 chữ lớn vào sau lưng bia. Về sau, có người khắc cả 8 chữ vào đấy.
Tào Tháo thấy 8 chữ ấy cũng ghi trên bức bia, bên cạnh bài văn như sau: "Hoàng quyến, ấu phụ, ngoại tôn, tê cửu".
Tháo hỏi Diễm:
- Nhà ngươi có hiểu ý nghĩa 8 chữ này không?
Nàng thưa:
- Tuy là di bút của cha, nhưng thú thật thiếp cũng hiểu ý nghĩa ra sao.
Tháo quay lại hỏi các mưu sĩ, mọi người đều chịu không biết. Bấy giờ có quan Chủ bạ là Dương Tu lên tiếng:
- Tôi hiểu ra rồi.
Tu giải:
- Tám chữ đó là ẩn ngữ của Thái Ung. "Hoàng quyến" là lụa màu vàng, tức là màu sắc của tơ (ti sắc), chữ "ti" với chữ "sắc" hợp lại thành chữ "tuyệt". "Ấu phụ" nghĩa là con gái còn nhỏ, tức là "thiếu nữ". Chữ "thiếu" đứng bên chữ "nữ" hợp thành chữ "diệu". "Ngoại tôn" là cháu ngoại. Cháu ngoại tức là đứa con của con gái mình (nữ nhi tử). Chữ "nữ" chắp với chữ "tử" thành chữ "hảo". "Tê cửu" là cái cối giã hành tỏi. Cái cối là vật chịu cay (thụ tân). Chữ "thụ" đặt bên chữ "tân" thành chữ "từ". Tóm lại, đó là ẩn chữ "Tuyệt diệu hảo từ", tức Thái Ung đã hết lời khen tặng văn chương của Hàn Đan Thuần vậy.
Mọi người đều khen Dương Tu tài thức mẫn tiệp. 

Chuyện cười trong ngày


Chưa gì đã vội chết

Một ông thầy lang xưa nay vẫn khoe chữa bệnh giỏi, ngày nọ có một ông lão đột ngột lại hỏi:

- Lão nghe thầy chữa bệnh thần lắm, thầy đã chữa khỏi được mấy đám rồi?  Ông lang quả quyết đáp:

- Bao nhiêu đám mà nghe lời tôi là chữa khỏi hết.  Ông lão cau mặt nói:

- Thầy quên rồi à? Thầy bảo thằng cháu nhà tôi uống thuốc của thầy một năm thì khỏi, sao nó mới uống được ba tháng đã chết?  Ông lang xua tay nói:

- Rõ ràng tại cậu nhà không chịu nghe lời tôi. Tôi bảo uống thuốc một năm, sao mới uống ba tháng đã vội chết? Cứ uống thuốc đủ năm, xem có khỏi không nào?

Sunday, December 24, 2017

Merry Christmas 24-12-2017


Image result for merry christmas

Chuyện ngắn - Gió tháo tung các biển hàng


 GIÓ THÁO TUNG CÁC BIỂN HÀNG
Hans Christian Andersen

 Ngày xửa ngày xưa, từ cái thời ông nội còn là một đứa trẻ chạy rông các phố với cái quần chẽn và cái áo choàng đỏ, thắt lưng bằng vải, trên mũ không vành có cắm một cái lông. Trong các ngày hội, trẻ em vẫn ăn mặc như thế. Ở thời ấy, cái gì cũng khác bây giờ. Ngoài phố, người ta ăn mặc khác ngày nay lắm. Tất cả đã thay đổi và nếu có người nào ăn vận như xưa thì thật không mê được.

Ví dụ như được xem bác thợ giày đổi trụ sở nghiệp đoàn của họ thì thật là trọng đại. Tấm biển hàng to tướng được khiêng đi giữa một đám rước uy nghi đến tận ngôi nhà mới. Chiếc cờ phướn có thêu một chiếc giày ủng to và một con diều hâu hai đầu vui vẻ tung bay trước gió. Những thợ bạn trẻ nhất bưng cốc rượu cầu may và khênh chiếc bàn thờ. Những dải lụa đỏ và trắng dính ở tay áo các cậu bay phất phơ, nom vui như ngày hội. Những bác thợ có tuổi, gươm tuốt trần, mũi gươm cắm vào một quả chanh. Một ban đồng ca rất đông mở đầu đám rước. Nhạc cụ đẹp nhất là một cái gậy dài, có cắm một cái lưỡi liềm và treo đủ thứ chuông, khánh rung lên thành những điệu nhạc mà người ta gọi bừa là nhạc Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nội gọi thứ nhạc cụ ấy là “con chim”. Khi người ta giơ cái gậy lên và lúc lắc, tất cả những chuông con và khánh ngân vang lên ánh vàng, ánh bạc, ánh đồng loé lên dưới nắng làm chói cả mắt.

Dẫn đầu đám rước là một anh hề, mặc quần áo loang lổ, khẩu bằng đủ mọi thứ vải chắp vá lại với nhau. Mặt anh ta bôi nhọ, đầu đội một cái mũ vải có dính nhạc như ở đầu một chiếc xe trượt tuyết. Tay múa gươm gỗ, cốt làm cho ầm ĩ, nhưng chỉ kêu lên chan chát, anh hề lẻn vào đám đông nhanh nhẹn như thân thể vô hình. Chỉ có thế mà phố nào cũng đông như nêm. Người ta chen chúc nhau mà đi. Trẻ con ngã khuỵu xuống rãnh, văng tục và chửi bới nhau…Người xem chen nhau trên các cầu thang và các cửa sổ, có người trèo lên cả mái nhà. Trời nắng, nhưng lác đác ngày hôm ấy cũng có ít giọt mưa. Cử toạ không vì thế mà lấy làm khó chịu vì họ nghĩ rằng: đồng ruộng đang cần nước.

Ông nội kể chuyện tài tình lắm. Lối kể của ông thích hợp với cả những đứa trẻ bé nhất. Ông kể rằng:
- Người thợ cả trèo lên cái bục, nơi treo tấm biển hàng và đọc một bài diễn văn bằng văn vần, làm như những điều ông nói đều có vẻ nên thơ. Mà cũng gần như thơ rồi đấy: ba bác thợ đã chung sức đúc nên những câu vè, và trước khi làm, muốn cho thơ hay, các bác đã uống cạn một cốc rượu pha đường rõ đầy. Khi bài diễn văn kết thúc, thính giả tứ phía hô to: “Hoan hô!” Rồi tiếng hát lại vang điếc tai hơn, tiếng vỗ tay lại càng ran lên hơn nữa, khi anh hề mặc quần áo loang lổ hiện ra trên bục và bắt đầu nhại lại diễn giả. Anh ta pha trò tuyệt hay. Anh uống rượu mật ong đựng trong những cái cốc con rồi vứt cốc vào giữa đám đông. Hàng nghìn cánh tay giơ lên để bắt lấy chiếc cốc. Ông nội giữ được một cái do một người bạn vớ được và cho ông. Tấm biển hàng quấn đầy hoa được treo trước cửa trụ sở mới của nghiệp đoàn.

Ông nói kết luận:

- Tuy đã già rồi, chẳng bao giờ ông quên được ngày hội vui ấy.

Dẫu trong quãng đời dài của mình ông nội đã từng được xem khối đám rước linh đình nhưng chẳng bao giờ ông quên cái đám rước ấy.

Một truyện khác ông vẫn thường kể đi kể lại cho chúng tôi nghe là có lần tất cả các biển hàng ở kinh đô đã bị tháo khỏi móc. Hồi còn trẻ, có lần ông nội cùng đi với các cụ thân sinh lên kinh đô chơi. Đó là lần đầu tiên ông nội được đi đến đấy. Trong các phố, thương nhân buôn bán tấp nập và hầu như nhà nào cũng treo biển hàng. Những tấm biển ấy, nếu đừng treo ở nhà ngoài mà bày vào trong nhà thì chẳng khác gì những bức hoạ! Giá đem tháo tất cả xuống thì trang hoàng được vô khối là cửa hiệu.

Trên biển hàng nhà bác thợ may vẽ đủ thứ quần áo. Trên biển hàng hiệu bán thuốc lá, người ta vẽ mấy chàng trai phì phèo những điếu xì gà to tướng. Lại có tấm vẽ những miếng bơ, có tấm vẽ những chiếc cổ áo thêu ren. Tóm lại, đủ mặt hàng. Tất nhiên, người nào làm nghề gì thì treo biển hàng về nghề ấy. Ông nội bảo: - Cứ nhìn phía ngoài cũng đủ biết những người ở trong nhà là ai, như thế cũng tiện và thú vị.

Nhưng đúng vào thời gian ông nội ở kinh đô thì xảy ra một chuyện kỳ lạ về các biển hàng ấy. Chính ông nội đã kể cho chúng tôi nghe, và tuyệt nhiên không có ý thêu dệt tí nào, mặc dù mẹ tôi không tin. Ông tôi kể với một vẻ nghiêm trang và hào hứng.

Đêm đầu tiên ông tôi ngủ ở kinh đô nổi lên một cơn giông tố dữ dội, chưa tờ báo nào nói đến bao giờ. Chưa bao giờ người ta thấy một cơn giông như thế. Sét xét trời, sấm nổ ran không ngớt. Sông ngòi tràn ngập cả. Giông tố lướt qua làm đổ không biết bao nhiêu là ống khói và vặn xoáy nhiều chóp nhọn chuông nhà thờ và từ ngày ấy đến nay vẫn chưa được ai dựng lại.

Trên đồn cứu hoả có một tấm biển cũ kỹ, giông tố cũng chẳng tha, vèo một cái tấm biển bị gió thổi tung văng ra tận đầu phố. Do một sự ngẫu nhiên kỳ diệu, gió thổi áp tấm biển vào nhà một bác phó mộc. Trong một nạn cháy mới đây bác này đã cứu được ba người. Thế là tấm biển của đồn cứu hoả không ngờ lại ngự ngay ở nhà bác phó mộc.

Tấm biển bằng đồng của bác thợ cạo, hình chiếc đĩa, cũng bị bắn tung và bắn đến bao lơn nhà quan hội thẩm. Thật là ác, vì các bạn thân nhất của bà hội thẩm thường gọi bà ta là “dao cạo”. Bà ta rất ác khẩu, biết rất nhiều chuyện về từng người một mà chính bản thân người ấy cũng không rõ.

Một chiếc biển có vẽ một con cá thu đến ngoắc ngay vào nhà một ông chủ báo. Cái anh chàng gió thật là dại dột, vì chả nên gây sự với nhà báo làm gì.

Tấm biển viền đen treo bên cửa của một quán ăn nhỏ bay đến phô trương trên cửa một rạp hát mà từ xưa đến nay chẳng ai thèm vào xem cả. Thế là người ta được đọc cái quảng cáo nực cười: “Xúp cá, bắp cải nhồi thịt”, người ta nói như thế sẽ lôi kéo được khán giả.

Tấm da cáo của những người bán da thú, một tấm biển đắt tiền, bay đến ngoắc ngay vào dây chuông nhà một chàng trai trẻ rất đứng đắn, thường có thói quen đi co ro ngoài phố như một chiếc ô cụp, theo lời người cô, anh ta là một thanh niên kiểu mẫu.

Tấm biển: “Trường cao đẳng” ngoắc ngay vào cửa một nhà bán cà phê có bàn chơi bi a, còn nhà trường lại thừa hưởng cái biển: “Ở đây nhận nuôi trẻ em đang còn bú”

Đêm ấy quả là một đêm khủng khiếp! Khi trời sáng, thật là kinh ngạc! Có thể nói là không một tấm biển nào còn ở nguyên chỗ và trong nhiều trong hợp gió đã gây ra nhiều cảnh tức cười. Ông tôi không kể hết, nhưng tôi nhận thấy rất rõ, khi kể đến chỗ ấy, ông cụ cười ngầm, và rất có thể là lúc đó ông tôi có một ý nghĩ gì thầm kín.

Vả chăng đó cũng là thói quen của ông tôi. Đã nhiều lần mẹ tôi thấy ông tôi cười mỉa mai, đánh bạo hỏi ông tôi cười gì, nhưng lúc nào ông tôi cũng trả lời: 

- Con hãy còn non dại lắm con ạ!

Các bạn nên nhờ rằng lúc đó mẹ tôi đã chẵn ba nhăm tuổi. Ông tôi kể tiếp:

- Cuối cùng, ngay sau hôm xảy ra trận giông tố lớn ấy, khách bộ hành và nhất là người ở xa đến, vì tin vào biển hàng nên cứ nhầm nhà nọ với nhà kia. Chẳng hạn: có những người muốn đến dự một buổi họp trang nghiêm bàn nhiều vấn đề quan trọng thì lại đi nhầm vào một trường học con giai nơi các nhãi đang nhảy từ hết bàn này sang bàn khác. Thậm chí còn có người lẫn lộn cả nhà thờ với rạp hát nữa!

Ngày nay, ơn trời, chưa có một trận giông tố nào mạnh như vậy nữa. Chỉ có ông tôi được mục kích một trận giông tố như vậy, mà cũng là thời còn thơ ấu. Chắc hẳn đời chúng ta cũng chẳng được thấy trận giông tố nào như thế. Nhưng chúng ta cũng mong rằng nếu sau này cháu chắt chúng ta có gặp phải cơn phong ba nhu vậy thì chúng cũng biết ở yên trong nhà suốt thời gian bão táp.

-- Hết --