Thursday, December 21, 2017

Điển Hay Tích Lạ Hống đường đại tiếu


Hống đường đại tiếu

"Hống đường đại tiếu" có nghĩa là cả nhà cùng cười rộ lên.

Câu thành ngữ này có xuất xứ từ Quy điền lục – Phùng Đạo, Hòa Ngưng .

Phùng Đạo là một người học thức uyên bác và giỏi biện luận, tính nết hiền đành. Ông đã từng trải qua 4 triều đại Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán và Hậu Chu, hầu hạ qua 10 vị vua và 3 lần nhậm chức thừa tướng.

Còn Hòa Ngưng là một người thông minh lanh lợi, nhưng tính tình nôn nóng. Ông cũng từng làm thừa tướng hai nước Hậu Hán và Hậu Chu.

Phùng Đạo và Hòa Ngưng tính nết trái ngược nhau, một người điềm tĩnh khoan thai, còn một nôn nóng hấp tấp, nên giữa hai người mới xảy ra chuyện nực cười.

Một hôm, khi hai người cùng ngồi làm việc, Hòa Ngưng thấy Phùng Đạo mặc quần áo mới, chân đi đôi giầy mới bèn hỏi Phùng Đạo rằng: "Phùng đại nhân, giầy mới của ông mua hết bao nhiêu tiền ?".

Phùng Đạo từ từ giơ chân trái lên, tủm tỉm cười trả lời rằng: "Rẻ lắm, chỉ mất có 9 trăm văn , ( Văn là một đơn vị tiền cổ TQ)".

Hòa Ngưng nghe vậy bèn gọi người hầu của mình đến trách rằng: "Phùng đại nhân mua một đôi giầy mới chỉ mất có 9 trăm văn, còn đôi giầy mới anh mua cho tôi mất những 1 nghìn 8 trăm văn, sao anh lại mua đắt thế ?, cứ đợi đấy, lát nữa về nhà tôi sẽ sửa cho anh một trận ". Người hầu nghe vậy mặt mày tái mét, vội quỳ xuống xin tha tội.

Giữa lúc đó, Phùng Đạo hắng lên một tiếng, rồi chậm rãi giơ chân phải lên nói với Hòa Ngưng rằng : " Hòa đại nhân hãy khoan đã, vừa rồi tôi mới chỉ nói giá một chiếc giầy thôi, còn chiếc giầy bên này tôi cũng mua mất 9 trăm văn, giá hai chiếc cộng lại là 1 nghìn 8 trăm văn ". Mọi người nghe vậy không ai nhịn được đều cười rộ lên. Hòa Ngưng ngượng đến chẳng còn biết ăn nói ra sao .

Hiện nay, người ta vẫn dùng câu thành ngữ "Hống đường đại tiếu" để miêu tả về việc cả nhà đều cười rộ lên.

No comments:

Post a Comment