Tuesday, September 30, 2014

Ngày 30-9-2014 Khởi Nguồn Chánh Pháp



Như Lai giảng giải lý chân
Hiệu năng giải thoát xóa tan mê lầm

VƯƠNG TỬ ABHAYA ĐƯỢC THẦY LÀ NIGANTHA SAI ĐẾN VẤN NẠN ĐỨC PHẬT BẰNG MỘT CÂU HỎI CHỨA ĐỰNG CẠM BẪY. ĐỨC PHẬT THUYẾT PHÁP HÓA ĐỘ VƯƠNG TỬ.

Tranh: Global Pagoda Chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng
© Copyright 2010 Phap Luan Buddhist Cultural Center

Chuyện ngắn - Chữ hiếu

Chữ Hiếu 
Sưu tầm trên Net

Chuyện xảy ra ở hành lang một bệnh viện. Cô con dâu nhăn mặt nói với chồng: "ở nhà đủ thứ phải lo, làm sao mà vô trong đây hầu ba được? Anh nói cô Năm hay cô Bảy ở không thì chia nhau vô chăm sóc ba ". Anh con trai chưa kịp trả lời thì có lẽ cô Năm hay cô Bảy gì đó đã cong môi phản đối: " Tui cũng có đủ thứ chuyện để lo chứ bộ, quên tui đi". Một cậu con trai khác cau cau lông mày: "Nói chung là ai cũng bận hết, với lại ba mắc bệnh lây nhiễm, vô hầu ba rồi lỡ bị lây thì làm sao ? ". Cô con dâu trưởng phán một câu: "Thôi khỏi bàn tán gì hết, mướn người nuôi là xong chuyện ". 

Tất nhiên sau đó, sự việc xảy ra đúng như hoạch định của họ. Một phụ nữ khỏe mạnh, có dáng vẻ nông dân đang nuôi một người bệnh nằm giường bên cạnh ông cụ đã chủ động đề nghị nuôi bệnh cho ông cụ luôn. Công việc tỉ mỉ, cần sự chu đáo, từ việc cho uống sữa, uống thuốc đến thay quần áo, lau người (ông cụ đã mất hết cảm giác vệ sinh), nhưng chị vẫn làm với sự chăm chút, không để lộ bất cứ thái độ ghê tởm nào, lại còn có vẻ hiền hậu, dịu dàng như con đối với cha mẹ. Trong lúc ấy, có lẽ yên tâm vì cha đã có người chăm sóc, đám con trai, con gái, dâu, rể hơn một chục người của ông cụ thỉnh thoảng mới lượn qua như một luồng gió nhẹ. Tiếc thay, sự chăm chút của chị phụ nữ không kéo dài bao lâu, chỉ hơn một tuần sau là ông cụ đã qua đời. Con cái, cháu chắt ông kéo vào mới đông chứ. Họ khóc lóc khá ồn ào nhưng vẫn bình tĩnh chỉ huy việc khâm liệm ông cụ, và ở hành lang lại xảy ra một cuộc cãi vã xem người nào phải chi nhiều nhất cho đám tang ?... Anh con trai trưởng cầm một xấp tiền đến trả cho chị phụ nữ đã nuôi bệnh cha mình. 

Hai mắt đỏ hoe, chị trả lời: " Tôi nuôi cụ ấy vì thấy xót xa cho cụ có lắm con nhiều cháu mà chẳng ai đoái hoài, chứ tôi có làm cái nghề này đâu mà lấy tiền ?". 

Đám người đang khóc mếu, cãi nhau... đột nhiên im bặt. Rồi từng người một lẻn ra ngoài...

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

PHÂN TRÂU CŨ ĐI ĐÂU CŨNG VẬY



 Một viên quan nhỏ đã tiêu phí phần lớn đời mình làm thị vệ phục vụ hoàng đế trong hoàng cung. Khi đã lớn tuổi, ông ta bắt đầu ghét những tranh biện nhỏ nhen và sự dùng mưu kế để tranh đoạt địa vị .

 Đến khi về hưu, ông ta ly dị bà vợ vô tích sự và dời đến một ngôi chùa Thiền nào càng xa kinh đô càng tốt.

Ông ta tự hứa với mình: “đây, không có những ti tiện nhỏ bé của bản tánh con người, nếu không giác ngộ thì ta cũng được yên tĩnh.”

 Đến khi ở trong chùa, ông ta thấy mình lên chức nhanh chóng trong hệ thống đẳng cấp; những kỹ năng cũ trong đời sống cung đình lại dự phần ở đây

 Mười một tháng sau, ông ta dọn ra khỏi chùa và đến ở trong một sơn động đạm bạc. Khi có người hỏi lý do, ông

ta giải thích: “Phân trâu cũ đi đâu cũng vậy.”

Chuyện xưa tích cũ - Cá thần và cá ma

CÁ THẦN VÀ CÁ MA
Tác giả: Sơn Nam & Tô Đình Nguyệt

Ở Hậu Giang, thỉnh thoảng chúng ta còn nghe truyền tụng nhiều giai thoại về loại cá to ở sông Cái (Hậu Giang). 

Tại rạch Cái Tắc (Cần Thơ) có cặp cá vồ cờ to lớn khác thường. Thỉnh thoảng cá nổi, cái cờ to nhô lên khá cao (kỳ = cờ), cá tới đâu là cái cờ rẽ nước như nổi sóng. Lát sau, cá lặn mất. Người ta cho rằng cá ở hang ngoài sông Cái, nếu xuất hiện là đem điềm dữ cho dân chúng. 

Sở dĩ có sự mê tín ấy vì từ xưa, thiên hạ đồn đãi rằng sông rạch là khu vực do Hà Bá cai quản (cũng như Long vương cai quản ngoài biển cả). Cá to lớn quá mức trung bình phải chăng là binh tướng của Hà Bá? Ai đụng chạm hoặc giết cá nọ thì xúc phạm đến người khuất mặt. 

Cặp cá vồ ở Cái Tắc nổi lên, tình cờ trong lúc cha con lão nọ vừa quăng chài xuống. Đôi cá dính trong miệng chài, cựa quậy rồi chạy trốn. 

Lúc mất bình tĩnh, lão nói với con: -Giữ cái chài, buộc vô ghe!

Thế là đôi cá kéo cái chài và chiếc ghe, dân chúng hai bên bờ đứng xem, ngạc nhiên. Cá quá mạnh kéo chiếc ghe chạy nổi sóng. 

Lão chài kêu cứu. Có người đưa sáng kiến: -Chặt bỏ sợi dây. Đừng tiếc cái chài mà mang họa. 

Lão làm y lời. Hai con cá nọ lặn xuống đáy sông mất dạng. Về sau, cặp cá này bị bắn, theo lời đồn đãi thì trong bao tử cả có vòng vàng, chuỗi hột chứng tỏ nó đã ăn thịt người. 

Ở Cần Thơ, còn giai thoại khác về cá vồ ma. Ông lão nọ nuôi hai hầm cá, một dành cho các vồ, một dành cho cá trê trắng. 

Là người giàu có, ông để bầy cá sống nhiều năm, cá lớn thì bán có giá hơn. Gần hai ao này, bấy lâu dân trong xóm đem thân nhân tới chôn cất vì vùng đất trống trải, thuộc về công điền. 

Năm mười năm sau, gia đình ông lão gặp nhiều tai biến xảy ra liên tiếp: vợ chết, con đau ốm. Đêm khuya thanh vắng, nơi ao cá nhiều bóng dáng ma quái chập chờn, kèm theo là tiếng kêu hú. 

Một thầy địa lý đi ngang qua, xem kỹ hai hầm cá vồ và cá trê rồi lắc đầu: -Cá đã thành ma, nên bán gấp. 

Lái cá đến nơi, chịu giá và chủ nhà bán với giá rẻ mạt. Hôm sau, chủ nhà cho bốn người bạn tát nước. Lạ thay, khi nước gần cạn ao thì bao nhiêu cá đều biến mất. 

Lái cá nói: -Như vậy là chủ nhà gạt tôi để lấy tiền cọc! 

Chủ nhà cãi lại: -Hôm qua, dưới ao cá lội nhung nhúc, tôi bắt lên để làm gì? Làm sao tôi bắt hàng mấy trăm con cá, khi nước còn lễnh lãng dưới ao? May rủi thì chú chịu. Tôi cũng chịu lỗ như chú. 

Mấy ông kỳ lão nghe chuyện lạ bèn tới nơi rồi bày ra sáng kiến: -Chủ nhà thắp nhang khấn vái người khuất mặt, họa chăng là bầy cá trở về. 

Đêm sau, cá trở về đầy ao. Chủ nhà và chú lái vô cùng mừng rỡ. Cá đã xuống ghe nhưng khi tách bến một đỗi thì ai nấy la hoảng: -Cá biến mất rồi! 

Lại xảy ra chuyện thắc mắc giữa chủ nhà và chú lái. Thắp nhang khấn vái không đem lại kết quả nào cả. Chủ nhà đành tát ao cá trê để bồi thường cho chú lái đến mua cá vồ. 

Chuyện “cá vồ ma.”được loan truyền từ đó. 

Cá tra, cá vồ, cá hô đều là loại ở sông Cái, từ Biển Hồ (Cao Miên) tràn xuống. Người Việt Nam ta vì ở xa nên chưa gặp những con cá ở Biển Hồ. Ba loại kể trên rất to, nếu sống lâu năm. Chúng tôi xin nêu vài con số: 
Cá tra, bề dài từ sáu tấc tây đến tám tấc tây, bề cao hai tấc, bề ngang bai tấc rưỡi hoặc ba tấc. Cá vồ lớn hơn cá tra, dài tối đa là hai thước tây, trung bình là một thước hai hoặc một thước ba. Cá hô, dài từ một thước tám đến hai thước, lúc nhỏ thì đuôi và kỳ màu hường, lớn nhiều năm thì đổi ra màu đen. 

Đối với người ở Biển Hồ, thì con các vồ dài non hai thước chẳng có gì là lạ. Ở xứ ta, vài con cá to từ Biển Hồ trôi xuống hoặc lớn nhờ nuôi lâu năm lại trở thành chuyện hoang đường, căn cứ vào giả thuyết “sống lâu năm thành tinh.” từ con cọp, con sấu đến con cá!

Chuyện cười trong ngày

Thiên thần

Bé hỏi mẹ:

- Mẹ ơi, có phải các thiên thần có cánh và biết bay không mẹ?

- Đúng rồi con yêu.

- Hồi sáng lúc mẹ đi chợ, con nghe bố gọi chị giúp việc là thiên thần. Thế bao giờ thì chị ấy bay?

- Ngay bây giờ đây, con ạ!

Monday, September 29, 2014

Ngày 29-9-2014 Khởi Nguồn Chánh Pháp

Đã đi vào nẽo mê lầm
Từ nơi tăm tối, tối tăm đường về

DEVADATTA VỚI KHÁT VỌNG LÀM NGƯỜI LÃNH ĐẠO TĂNG CHÚNG MUỐN TÌM CÁCH GIẾT ĐỨC PHẬT, LĂN ĐÁ TỪ NÚI CAO ĐỊNH ÁM HẠI NGÀI.

Tranh: Global Pagoda Chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng
© Copyright 2010 Phap Luan Buddhist Cultural Center

Chuyện ngắn - Điều kỳ diệu của Miguel

Điều kỳ diệu của Miguel 
Sưu tầm trên Net

Khi đang học năm cuối trường Y, khoa chấn thương chỉnh hình, tôi có vinh dự được tham gia chữa bệnh tại El Salvador. Tôi là thành viên của một nhóm gồm 50 bác sĩ tận tụy với nghề tình nguyện cùng tham gia trong chuyến đi kéo dài một tuần lễ này. Chúng tôi chia nhau thành từng nhóm nhỏ và đi đến các nơi để chữa bệnh cho người dân ở đây. Nhóm của tôi đóng quân tại một nhà thờ ở thủ đô San Salvador.

Buổi sáng đầu tiên chúng tôi đến đó trước 8 giờ một chút và thấy có đến cả trăm người xếp thành hàng dài bên ngoài nhà thờ. Có người đã đi xe buýt hơn 4 tiếng đồng hồ để đến đây. Qua tin tức báo đài và cả những lời truyền miệng, họ đã biết được việc này và đã đến chờ đợi để được các bác sĩ tình nguyện khám cho.

 Nhóm 7 người chúng tôi nhanh chóng bày các bàn khám bệnh ra trong một căn phòng nhỏ của nhà thờ. Khi đồng hồ điểm 8 giờ, cánh cửa trước mở ra và hàng người tiến vào bên trong. Ai đến trước thì được khám trước, và cứ một người vừa xong thì người kế tiếp đã xuất hiện ngay. Với tư cách là một bác sĩ thực tập của khoa, mỗi ngày tôi chỉ được khám cho vài bệnh nhân. Nhưng giờ đây tôi phải tăng tốc để có thể khám cho hơn 100 bệnh nhân mỗi ngày. Có đủ thứ loại bệnh tật, từ vẹo cột sống và chấn thương vùng lưng cho đến bệnh tim mạch và cả bệnh tiểu đường.

Trong thời gian ở El Salvador có rất nhiều bệnh nhân đã khiến tôi phải mủi lòng, nhưng đáng nhớ nhất là cậu bé Miguel. Khoảng giữa buổi sáng ngày đầu tiên, một bà mẹ mang cậu con trai mới 6 tuổi đến khám. Vốn tiếng Tây Ban Nha của tôi ít ỏi nhưng với sự giúp đỡ của người thông dịch tôi cũng hiểu được rằng hệ miễn dịch của thằng bé rất yếu. Nó thường hay bị cảm lạnh, bị viêm xoang và viêm phế quản. Mẹ thằng bé rất lo lắng vì nó cứ bị ốm liên tục.

Sau khi khám cho thằng bé tôi phát hiện một đốt sống cổ của nó nằm không đúng chỗ. Tôi nắn lại xương và giải thích cho mẹ bé rằng chúng tôi chỉ ở đây 1 tuần mà bé thì cần phải được nắn xương thường xuyên mỗi ngày, nên bà mẹ đồng ý sẽ mang con lại vào buổi chiều hôm đó và mỗi ngày sau đó bà đều đến. Ngày hôm sau, tôi luôn để mắt tìm thằng bé, nhưng phải sau bữa trưa nó mới đến, gương mặt rạng rỡ và rất vui khi được trở lại. Tôi kiểm tra lại và thấy đốt xương nằm sai vị trí có chuyển biến tốt hơn ngày hôm trước. Tôi lại tiếp tục điều chỉnh đốt xương cổ cho thằng bé và cảm thấy hạnh phúc vì công việc tiến triển rất tốt.

 Ngày thứ ba, tôi lại cảm thấy phấn khích khi Miguel và mẹ của bé trở lại. Không chỉ có Miguel tươi cười mà lần này mẹ nó cũng cười thật tươi. Trông bà ấy có vẻ rất vui sướng và nói liến thoắng khiến người phiên dịch cho tôi phải khó khăn lắm mới theo kịp. Tuy biết rõ những căn bệnh mà Miguel phải chịu đựng nhưng tôi không hề biết đến những khó khăn khác của thằng bé. Người mẹ giải thích rằng thằng bé không nói được vì nó gặp vấn đề trong việc phát âm và không thể ghép nối các từ lại với nhau. Vì không thể giao tiếp được nên thằng bé luôn nhút nhát và khép kín. Và bà ấy rất vui khi bỗng nhiên khả năng giao tiếp của Miguel phát triển lên rất nhiều. Thằng bé bắt đầu nói chuyện như tất cả mọi đứa trẻ lên sáu khác. Nó có thể phát âm đúng và rõ ràng các câu chữ. Giờ đây Miguel có thể kể chuyện, diễn đạt ý nghĩ của mình, và trở lại là một đứa trẻ bình thường.

Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được Miguel và tuần lễ quý giá mà mình đã được làm việc tại El Salvador. Đó thực sự là một niềm vinh dự và một đặc ân khi được làm một thành viên trong đoàn. Mọi người đều chào đón tôi bằng những vòng tay ấm áp và tình cảm nồng hậu. Họ là những người tốt bụng và đáng yêu nhất mà tôi đã từng gặp. Khi rời khỏi nơi này tôi chẳng những mang theo những kỷ niệm đẹp mà còn mang theo cả một túi đầy quà mà những bệnh nhân đã tặng như một lời cảm ơn về những gì mà tôi đã làm cho họ. Mỗi khi nhớ đến Miguel tôi lại nghĩ rằng trong mỗi người chúng ta đều ẩn chứa điều kỳ diệu nào đó và nó chỉ chờ một ngày được ai đó khám phá.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

LÀ NGƯỜI HAY LÀ PHẬT?



 Hòa thượng Từ Phong Hải Quýnh (1728-1811) là truyền nhân đời thứ ba phái Liên Tông thuộc dòng Thiền Lâm Tế Việt Nam.

 Năm 16 tuổi, sư đến chùa Liên Tông đảnh lễ Thiền sư Tính Dược xin thế độ. Tính Dược bảo:

- Ngươi thân như mọi rợ đâu kham lãnh đại pháp?

Sư đáp:

- Thân tuy mọi rợ mà tâm đồng Phật Tổ.

Tính Dược bảo:

- Ta hỏi một câu ngươi đáp được thì độ cho, bằng không đáp được, cho một tiền đi tìm thiện tri thức khác.

Sư đáp:

- Thỉnh hòa thượng hỏi.

Tính Dược hỏi:

-Ngươi là người hay là Phật? Là thật hay là giả?

Sư đáp:

- Người Phật vốn không, huống hồ là có thật giả.

Tính Dược khen:

- Hay lắm! Ngươi liễu đạo vậy.

Chuyện xưa tích cũ

LA SƠN PHU TỬ
Tác giả: Sơn Nam & Tô Đình Nguyệt


Cuối đời nhà Lê, ở huyện La Sơn xứ Nghệ An (nay là tỉnh Hà Tĩnh) có một nhân tài lỗi lạc đã từng được vua Quang Trung Nguyễn Huệ mời làm quân sư. 

Đó là ông Nguyễn Thiếp. 

Năm được hai mươi tuổi, cụ mắc bệnh điên. Về sau bệnh không còn, nhưng cụ đặt hiệu mình là Cuồng Ẩn (hoặc Điên Ẩn). Cụ thi đậu nhưng không thích làm quan, rút lui về tu tiên tại núi Thiên Nhận. 

Nghe danh cụ, Nguyễn Huệ ba lần gởi thơ mời giúp việc nước, nhưng cả ba lần đều bị từ chối. Sau rốt, cụ chịu hiệp tác với nhà vua, khuyên vua ba điều: 
QUÂN ĐỨC: nghĩa là vua phải làm thế nào cho có đức. DÂN TÂM: nghĩa là làm thế nào cho dân ủng hộ. HỌC PHÁP: nghĩa là cách học hành kinh sử cho đúng đắn. 

Năm cụ được sáu mươi tuổi, bọn Tôn Sĩ Nghị kéo quân Thanh tràn vào chiếm Thăng Long. Vua Quang Trung bèn xua binh ra Bắc. Lúc đi ngang Nghệ An, nhà vua bèn triệu cụ để hỏi: -Nghe thầy tinh tường về khoa lý số lại hay về mưu lược. Nay Tôn Sĩ Nghị nó sang, thầy nghĩ chước nào? 

Cụ Nguyễn Thiếp thưa rằng: -Quân quý thần tốc. Người Mãn Thanh ở xa tới không biết rành tình hình nước ta. Vả lại chúng nó có bụng khinh địch. Nếu đánh gấp thì trong vòng mười ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn thì khó lòng mà thắng chúng nó. 

Vua Quang Trung nói: -Phải, phải. Tôi nay ra Bắc Hà đánh nó cho chết. Tôi mà dẹp được giặc Tàu xong thì xin rước thầy ra dạy học. Tôi muốn khí dụng gì cũng chẳng mua của nước Tàu, người mình tự làm lấy mà xài. 

Cụ Nguyễn Thiếp thưa rằng: -Chỉ có thuốc Bắc là phải dùng của Tàu mà thôi! 

Quân Mãn Thanh phải tan vỡ ở Đống Đa. Về sau, vua gởi thơ cho cụ để cảm tạ: -Tiên sinh đã chịu làm việc cho thiên hạ. Người xưa bảo: “Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ.” Lời Tiên sinh hẳn có thế thật. 

Ý của vua Quang Trung là nhìn nhận cụ đã có công trong việc chiến thắng quân Tàu. 

Cụ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp thọ được tám mươi mốt tuổi. Nay ở xã Nam Kim, tỉnh Hà Tĩnh còn ngôi mộ cụ.

Chuyện cười trong ngày

OAN !!!

Ai cũng biết là Việt Nam, Lào là anh em.

Nhưng một sự thật phũ phàng là: Cái gì tệ ở Việt Nam cũng gán cho cái mác Lào. - Đôi dép mang gớm
nhất, rẻ nhất là đôi dép Lào (15k 2 đôi). - Bệnh thì có bệnh lang ben, hắc Lào. - Cái thứ thuốc hút gớm nhất cũng là thuốc Lào. - Cơn gió khắc nghiệt nhất cũng gọi là gió Lào.

Và ...... Có một ông doanh nhân nọ người Lào sang Việt Nam làm việc cũng đã lâu. Trong một chuyến đi công tác Hà Lội, trên xe buýt, ông ta ngồi chung với 1 người Hà Lội. Sau khi đến trạm dừng, người Hà Lội kia phát hiện là đôi dép mình không cánh mà bay. Ông ta la lên:

-" Thằng lào, thằng lào nấy ?" .

Saturday, September 27, 2014

Ngày 27-9-2014 Khởi nguồn chánh pháp

Giữa đời ác quấy mê si
Như lai phổ hóa thương vì chúng sanh

DEVADATTA THUÊ SÁT THỦ ĐẾN GIẾT HẠI ĐỨC PHẬT. TẤT CẢ ĐỀU ĐƯỢC ĐỨC THẾ TÔN CẢM HÓA.

Tranh: Global Pagoda Chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng
© Copyright 2010 Phap Luan Buddhist Cultural Center

Chuyện ngắn - Cơ hội

Cơ hội
Sưu tầm trên Net

Hai mắt đẫm lệ, tôi nằm trên giường bệnh nhìn chăm chăm ra bầu trời tháng Mười lạnh giá. Hôm đó là ngày cưới của tôi - ngày mà tôi mong chờ từ rất lâu rồi. Đáng lẽ giờ này tôi đang bước vào lễ đường trong bộ váy trắng tinh của cô dâu. 
Tôi quen với Yates được 6 năm, suốt thời trung học cho đến khi lên đại học. Chuyện tình của chúng tôi ai cũng biết, và đây là mối tình đầu của cả hai đứa. Nhưng rồi chúng tôi phát hiện ra cả hai đều có những giấc mơ của riêng mình và một phần cũng do còn quá trẻ con và khờ dại, thế là chúng tôi chia tay nhau.
Trong suốt mười năm, tôi và Yates sống hai cuộc đời khác biệt, ở hai nơi khác biệt. Trải qua nhiều cuộc tình đổ vỡ và nhiều lỗi lầm trong cuộc sống, chúng tôi bỗng thấy cuộc đời mình thật trống rỗng. Rồi sau gần mười năm không tin tức, Yates đã liên lạc với tôi thông qua mẹ tôi. Chúng tôi gặp lại nhau để rồi nhận ra là hai đứa không thể sống thiếu nhau. Ba tháng sau, chúng tôi đính hôn. 
Vào một ngày tháng Mười đẹp trời, chồng chưa cưới của tôi ngồi bên giường bệnh cầm lấy tay tôi vuốt ve, an ủi. Chúng tôi đã không thể cùng nhau bắt đầu một cuộc hành trình mới.
Hai ngày trước đó, số phận không may đã mang tôi vào bệnh viện với một chiếc xương chậu, một chiếc xương đòn và vài cái xương sườn bị gãy. Và sau đó là mất hàng giờ gọi điện thoại để hoãn lại tất cả những dịch vụ đặt trước, và để thông báo cho bạn bè và người thân. Mỗi lần nhớ lại cảnh chiếc xe tải, bất chấp cái biển báo dừng, chạy tông vào xe tôi, hất tung tôi ra vệ đường làm tôi bất tỉnh là tôi như muốn nổi điên.
 Chúng tôi đã nghĩ đến việc tổ chức hôn lễ ngay trong nhà thờ của bệnh viện theo đề nghị của một mục sư, người đã lái xe gần 500 cây số đến để làm lễ cho chúng tôi. Nhưng tôi ao ước được chia sẻ ngày vui trọng đại này với những người thân và bạn bè của mình. 
Tại sao lại là tôi chứ? Tôi đã làm gì để đáng bị như vậy? 
Nhưng rồi không hiểu sao tôi cảm thấy những tấm thiếp mời, những kiểu trang trí tiệc mà tôi đã cất công chuẩn bị trước đây bỗng trở nên tầm thường. Sao tôi phải tốn hàng giờ đồng hồ miệt mài bên đống dây nhợ đủ màu sắc để chuẩn bị cho một việc hão huyền như vậy? 
Hiện tại, điều quan trọng nhất là tôi còn được sống, có chồng chưa cưới ở bên cạnh và còn có cả một tương lai đang chờ đón.
Giờ đây, đối với tôi, hôn nhân có một tầm quan trọng hoàn toàn khác. Chúng tôi đã trải qua những điều tồi tệ nhất trước khi cùng nhau trao lời thề hôn ước, đó chính là những thử thách của tình yêu mà chúng tôi phải vượt qua. 
Bất chấp lời cảnh báo của bác sĩ, chỉ một tháng sau tôi đã có thể tự mình đi lại được. Tôi mang trong mình một nguồn sinh lực và mục đích sống hoàn toàn mới: tôi muốn tự mình đi vào lễ đường, làm lễ kết hôn với người đàn ông đã chăm sóc, an ủi tôi, giúp tôi vượt qua những cơn đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần trong suốt nhiều tuần qua. 
Cuối cùng thì tôi và Yates cũng là của nhau.
Ba tháng sau tai nạn, giờ tôi đang ngồi trong phòng cô dâu ở giáo đường thánh Mary, hồi hộp chờ đợi giây phút trọng đại của đời mình. Một trận mưa tầm tã, đầy sấm chớp trút xuống bên ngoài giáo đường. Tôi chợt mỉm cười, thầm nghĩ. Đến Thượng đế cũng cảm động đến rơi lệ và lên tiếng chúc mừng cho ngày cưới của chúng tôi.
 Những vết sẹo trên người tôi là những minh chứng gợi nhắc cho tôi về sự mong manh giữa sự sống và cái chết. Tôi quả là may mắn. Nếu không có việc này xảy ra, có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết được rằng: không phải có một ngày cưới tuyệt vời là sẽ có một cuộc hôn nhân hoàn hảo, mà chính sức mạnh tình yêu của hai người sẽ làm cho mỗi một ngày đều là ngày tuyệt vời nhất.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

NƠI KHÔNG SANH TỬ



 Thiền sư Minh Lương ở núi Phù Lãng nghe hòa thượng Chuyết Công từ Trung Hoa sang, bèn tìm đế tham vấn.

Sư hỏi:

- Khi sinh tử đến làm thế nào trốn tránh?

Chuyết Công đáp:

- Chọn nơi không sanh tử trốn tránh.

- Thế nào là nơi không sanh tử?

- Ở trong sanh tử nhận lấy mới được.

Nghe nói thế, sư vẫn chưa ngộ.

Chuyết Công bảo:
- Hãy lui đi, đợi chiều sẽ đến.

Sư giữ đúng hẹn, chiều lại phòng phương trượng.

Chuyết Công bảo:

- Đợi sáng mai chúng sẽ vì ngươi chứng minh chứng.

Sư bỗng nhiên tỉnh ngộ, liền sụp xuống lạy. Sư được Chuyết Công hứa khả và truyền tâm ấn cho.

Chuyện xưa tích cũ - Lộc Giác Chơn Nhơn

LỘC GIÁC CHƠN NHƠN
Tác giả: Sơn Nam & Tô Đình Nguyệt

Sách Hội Chân – Biên chép lại: Ở tỉnh Cao Bằng, có anh tiều phu rất hiền hậu mà cũng rất nghèo nàn. Anh còn bà mẹ tuổi đã cao. Một hôm, mẹ tỏ ý thèm sữa nai. 

Làm sao tìm được bây giờ? Vào rừng, hễ gặp anh là nai chạy trốn mất. Anh bèn đứng trên non cao mà khóc. 

Bỗng nhiên, hiện ra một ông lão quắc thước. Ông lão nói với anh: -Muốn tìm được sữa nai thì phải mang lốt da nai này vào mình. 

Nói xong, ông lão trao cho anh miếng da nai. Nhờ vậy, anh đến gần bầy nai dễ dàng, vắt sữa rất nhiều về cho mẹ uống. 

Vài hô sau, ông lão nọ đến tìm anh, có ý muốn thâu nhận anh làm đệ tử. 

Sau khi mẹ mất, anh đi lên núi biệt tích luôn. 

Năm đó, đứa con trai của anh lên non hái củi, tình cờ gặp con nai to lớn. Nai ấy lại gần mà nói với anh: -Cha bây giờ tu Tiên đắc đạo hóa ra Nai, không hoàn cốt người được nữa. Cha cho con nguyên bộ sừng này. Con lấy dây buộc nó lại rồi kéo theo sau. Đi tới nơi nào mà sừng bị vướng không kéo nữa được, con dừng chân tại đó, khai phá lập nghiệp thì ắt được sung túc hiển vinh. 
Dứt lời con nai lớn nọ húc đầu vào gốc cây, ghim sừng bỏ lại, rồi biến mất. 

Đứa con thi hành đúng lời cha. Nhờ vậy trở nên giàu có.

Chuyện cười trong ngày

BỆNH TÌNH

Chăm sóc chồng ốm nặng, cô vợ sụt sùi hỏi:
- Anh thấy trong người thế nào?
Chồng:
- Mấy hôm nay em bớt nói, thần kinh anh đã ổn định dần, đỡ co giật.

Friday, September 26, 2014

Ngày 26-9-2014 Khởi Nguồn Chánh Pháp

Cho dù mãnh tượng cuồng điên
Trước Từ Tôn vẫn hóa hiền thuần lương

VOI NĀLĀGIRI BỊ PHỤC RƯỢU UỐNG SAY LAO TỚI ĐỨC PHẬT TRÊN ĐƯỜNG KHẤT THỰC. ĐỨC THẾ TÔN DÙNG TỪ TÂM THUẦN HÓA VOI SAY

Tranh: Global Pagoda Chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng
© Copyright 2010 Phap Luan Buddhist Cultural Center

Chuyện ngắn - Ưu tiên hàng đầu

Ưu tiên hàng đầu 
Sưu tầm trên Net

Thời gian là một trong những thứ quý giá nhất hiện nay. Bất kể chúng ta mua bao nhiêu đồ dùng, đọc bao nhiêu sách hay tham gia bao nhiêu lớp học, thì cũng chẳng đủ để gọi là bận rộn.

Là một người mẹ như bao người mẹ, tôi phải làm việc, thường xuyên tất bật với nào là yêu cầu của công việc, các sở thích bản thân, những công việc lặt vặt trong nhà, và với các hoạt động trong trường của các con như: thi đấu, luyện tập, những bài học nhạc, các buổi diễn tập và công diễn. Các hoạt động này đều nhằm mục đích làm phong phú thêm cuộc sống của bọn trẻ cũng như phát triển các kỹ năng, tài năng và giá trị của chúng. 

Tuy nhiên, những bà mẹ quá bận rộn với đủ thứ công việc chẳng còn quan tâm mấy đến mục đích thực sự của những hoạt động này. Từ thuở ấu thơ, trẻ con luôn cần sự quan tâm và khích lệ của cha mẹ. Những lời khen và động viên khi đứa bé biết bò, biết đứng dậy, biết đi, biết nói, biết đá banh, vân vân và vân vân cứ chất thành đống theo thời gian. Rồi khi trẻ lớn lên, những bài học đơn giản được thay thế bằng những hoạt động khác như thể thao, múa hát hay âm nhạc. Còn cha mẹ thì ngồi ở trên khán đài làm khán giả để cổ vũ, tán dương, vỗ tay động viên con mình. 

Song, sớm hay muộn thì một bà mẹ đang làm việc cũng phải đối mặt với sự đan xen giữa công việc và những cuộc thi đấu, các buổi hoà nhạc hay các hoạt động khác của con mình. Người mẹ không thể ở hai nơi cùng một lúc. Và thật khó lòng quyết định xem phải làm như thế nào; điều gì là tốt nhất cho con; điều gì mà một người mẹ đảm đang nên làm; làm thế nào xoay chuyển tình thế bất lợi thành có lợi cho cả đôi bên.

 Tôi đã trải qua một tình huống quyết định như thế khi trường học của con gái tôi đăng cai tổ chức liên hoan âm nhạc hằng năm mang tên "String Fest". Có các ban nhạc của 5 trường biểu diễn trong nhà thi đấu cùng với cả một biển người các khán giả phụ huynh và bạn bè. Các ban nhạc sẽ phải đến trước 45 phút để có thời gian chuẩn bị. Và như thường lệ, liên hoan này luôn diễn ra vào lúc cả hai vợ chồng tôi đều bận túi bụi. Nên chúng tôi thu xếp để cho cậu con trai lớn đến chỗ cô em gái của nó vào đúng giờ biểu diễn. 

Con gái tôi cũng biết rất rõ thời gian biểu của mẹ nó, nên cũng cố làm an lòng tôi, nó nói: "Tối nay mẹ không cần đến xem cũng được. Chỉ cần đến đúng giờ để đón con về thôi." Còn có cách nào khác tốt hơn nữa chăng? Tôi sẽ chẳng cần phải vật lộn với đoạn đường dài hơn 50 km trong giờ cao điểm để về cho kịp. Tôi có thể làm thêm hai tiếng nữa, lúc đó xe cộ sẽ bớt đông đúc và tôi có thể sắp xếp để đến nhà thi đấu đúng giờ về. Ngoài ra, tôi đã từng xem biết bao nhiêu buổi hoà nhạc rồi, bỏ qua một buổi cũng đâu có sao! 

Sau khi suy nghĩ cân nhắc các lựa chọn, tôi quyết định mình không thể vắng mặt. Mặc dù con gái đã cho phép tôi bỏ qua buổi biểu diễn nhưng điều đó không thể biện minh cho sự vắng mặt của tôi. Tôi thấy mình thật đáng trách khi không đến dự buổi hoà nhạc này. Thế là tôi quyết định rời sở làm và đến nơi ngay trước khi buổi diễn bắt đầu. Tôi tìm thấy một chỗ ngồi đối diện ngay ban nhạc của con gái, chỉ cách có vài hàng ghế. Con bé ở ngay trước mắt tôi, nhưng giữa một biển người như thế này, có lẽ nó sẽ chẳng nhìn thấy tôi đâu.

 Khi thời gian dành cho việc chuẩn bị kết thúc, con bé đặt cây vĩ cầm của nó sang một bên. Tôi để ý thấy con bé bắt đầu lướt nhìn qua những hàng ghế khán giả để tìm kiếm người quen. Rồi khi nhìn thấy tôi đang vẫy vẫy tay như các bà mẹ vẫn thường hay làm, con bé mỉm cười. Chỉ cần một cử chỉ của con bé cũng nói lên tất cả: tôi đã làm nên một đêm diễn đáng nhớ cho con bé. Không có bất kỳ sự khuyến khích, lời khen ngợi hay phần thưởng nào xứng đáng với giây phút ấy. Hình ảnh đó mãi mãi được khắc ghi trong tâm trí của hai mẹ con mà không có một máy ảnh hay máy quay nào có thể ghi lại được. Đó là tình cảm yêu thương của hai con người dành cho nhau trong khán phòng của nhà thi đấu.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

HÀ TIỆN LỜI DẠY



Một y sĩ trẻ ở Tokyo tên là Kusuda gặp một bạn đồng nghiệp đang học Thiền. Y sĩ trẻ hỏi bạn Thiền là gì ?

Người bạn đáp, “Tôi không thể nói bạn biết Thiền là gì, nhưng có một điều chắc chắn là nếu hiểu Thiền, bạn sẽ không sợ chết.”

Kusuda nói, “Hay lắm, tôi sẽ thử. Tôi có thể tìm thầy ở đâu?”

Người bạn bảo, “Hãy đến sư Nam Ẩn.”

Vì vậy Kusuda đến viếng Thiền sư Nam Ẩn. Anh ta mang theo một con dao găm dài hai tấc rưỡi để xem chính Thiền sư có sợ chết hay không.

Khi Nam Ẩn vừa thấy Kusuda liền kêu lên: “Này, anh bạn, anh có khỏe không? Đã lâu chúng ta không gặp nhau!”

Điều này làm Kusuda bối rối. Anh ta đáp: “Chúng ta chưa bao giờ gặp nhau mà.”

“Đúng, đúng,” Nam Ẩn trả lời. “Tôi nhầm anh với một y sĩ khác đang theo học ở đây.”

Sự việc bắt đầu như vậy, Kusuda mất cơ hội thử thầy, nên anh ta miễn cưỡng hỏi xin học Thiền.

Nam Ẩn nói, “Thiền không có gì khó. Nếu là một y sĩ, hãy chữa trị tử tế cho bệnh nhân. Đó là Thiền.”

Kusuda viếng sư Nam Ẩn ba lần. Mỗi lần Nam Ẩn đều nói một câu y nhau. “Một y sĩ không nên lãng phí thì giờ quanh quẩn ở đây. Hãy về săn sóc bệnh nhân đi.”

Đối với Kusuda thật chẳng có gì rõ ràng, làm sao một lời dạy như thế có thể làm cho người ta hết sợ chết. Vì vậy vào lần viếng thứ tư, anh ta phàn nàn: “Bạn con bảo con rằng một khi hiểu Thiền sẽ không còn sợ chết. Mỗi khi con đến đây thầy đều bảo hãy về chăm sóc bệnh nhân. Con biết rõ điều ấy lắm. Nếu đó là cái mà thầy gọi là Thiền, con sẽ không viếng thầy nữa.”

Nam Ẩn mỉm cười, vỗ nhẹ y sĩ, “Tôi có hơi nghiêm khắc với anh. Để tôi cho anh một công án.” Sư giới thiệu Kusuda tham công án “Vô” của Triệu Châu. Đây là công án đầu tiên để giác ngộ tâm trong cuốn sách gọi là Vô Môn Quan.

Kusuda tham công án Vô hai năm. Cuối cùng anh ta nghĩ mình đã đạt yếu tánh của tâm. Nhưng thầy anh phê bình: “Anh chưa vào được.”

Kusuda tập trung tâm lực thêm một năm rưỡi nữa, tâm anh ta trở nên tĩnh lặng. Các vấn đề đã được hóa giải. Vô trở thành chân lý. Anh ta phục vụ bệnh nhân tốt và cũng không biết mình phục vụ tốt nữa. Anh ta không còn quan tâm đến sống và chết nữa .

Rồi khi anh ta trở lại viếng sư Nam Ẩn, ông thầy già của anh chỉ mỉm cười.

Chuyện xưa tích cũ - Chùa Thầy Thiếm ở núi Sập

CHÙA THẦY THIẾM Ở NÚI SẬP
Tác giả: Sơn Nam & Tô Đình Nguyệt

Ở tỉnh Long Xuyên có núi Sập. 

Núi này còn tên khác là Thoại Sơn. Thoại chính là ông Nguyễn Hữu Thoại, một danh tướng đời vua Gia Long được phong tới tước hầu (Thoại Ngọc Hầu). 

Sau đời ông Thoại Ngọc Hầu, dân chúng về núi Sập làm ăn ngày càng đông đúc, lập vườn làm ruộng theo chân núi. Bỗng một hôm nọ, hàng xóm tri hô lên: “Thằng ăn trộm dừa kìa! Bắt nó lại.” Tội nhân chừng sáu mươi tuổi, ăn mặc nâu sòng hết lời nài nỉ: “Tôi ở trên núi. Mùa này thiếu nước uống. Vì vậy, xuống đây hái dừa uống cho đỡ khát.” 

Xem tướng mạo hiền lành của ông, người chủ vườn bằng lòng tha tội. Ông đạo nói: -Bà con có lòng tốt thương tôi, tôi không biết làm sao đền đáp lại. Vậy từ rày về sau tôi sẵn sàng xem mạch hốt thuốc dùm. 
Ông đạo rất giỏi về khoa trị bệnh con nít. Một vị quan đại thần đem đứa con bệnh nặng cho thầy trị dùm. 

Thầy nói: -Bệnh ngặt lắm, thượng động Cố hỉ. Nếu đứa nhỏ lành bệnh tôi phải chết thế nó. Bằng như nó chết, tôi còn sống được ít lâu. Để tôi đi thiếp hỏi lệnh trên xem thế nào. 

Thầy nằm xuống nhắm mắt ngủ rồi chết luôn. Dân làng làm lễ thiêu xác thầy, thấy còn sót lại một lóng tay y nguyên, không cháy. Nghĩ rằng hồi nào tới giờ, thầy làm toàn việc thiện không ăn tiền ai nên dân làng xây một cái tháp trong đó để tro của ông thầy và lóng tay. 

Hằng năm, ngày mùng năm tháng năm có lễ rất lớn để nhớ ơn thầy. 

Thầy tên thiệt là Sanh. Vì có tiếng đồn rằng vợ thầy là một vị nữ thần đã từng giúp thầy trị bệnh, nên dân chúng gọi là Thầy Thiếm (Thiếm vợ của Thầy). Vị nữ thần này không ai gặp mặt được. 

Người ta thuật lại: Thầy Thiếm có một cái cốt ông tướng nhỏ bằng ngón tay cái. Ông tướng này linh lắm. Xóm giềng ai có đặt rượu phải cho thầy hay. Bằng không, ông tướng này uống lén, rượu sẽ lạt mùi như nước lạnh.

Chuyện cười trong ngày

ĐÀN BÀ GIỎI THẬT

Một bà sau khi cho tiền ông hành khất ở cuối nhà thờ liền hỏi:
"Sao ông ra nông nỗi này, vợ con ông đâu?"
"Thưa bà, vợ tôi chẳng may qua đời rồi ạ. Nếu vợ tôi còn thì tôi đâu đến nông nỗi này ạ"
Bà quay sang ông chồng:
"Thấy chưa, đàn bà là đảm đang lắm. Không có đàn bà là chỉ có nước đi ăn mày. Nhưng khi còn sống bà ấy làm gì hả ông?"
"Thưa nó đi ăn mày thay cho tôi ạ.”

Thursday, September 25, 2014

Ngày 25-9-2014 - Khởi nguồn chánh pháp

Ví thân có bị đọa đày
Nhờ vào đạo hạnh lòng nầy an nhiên

VUA BIMBISĀRA, MỘT ĐỆ TỬ CỦA ĐỨC PHẬT, SAU KHI NHƯỜNG NGÔI BỊ GIAM VÀO NGỤC THẤT. NHÀ VUA VẪN AN LẠC TRONG CHÁNH NIỆM MẶC DẦU BỊ SỰ HÀNH HẠ KHỔ ẢI.

Tranh: Global Pagoda Chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng
© Copyright 2010 Phap Luan Buddhist Cultural Center

Chuyện ngắn - Vòng tay yêu thương

Vòng tay yêu thương
Sưu tầm trên net

Khi biết được mình và Josh không thể nào có con được, Sally đã vô cùng đau khổ. Vì công việc của Josh có thu nhập cao nên Sally chẳng cần phải làm việc, cũng chính vì thế mà thời gian trôi qua đối với cô giống như một con rùa đang bò vậy. Những thú vui như chơi tennis, tập bơi và xem phim chẳng bao lâu cũng trở nên nhàm chán. Cô dần dần xa cách với bạn bè vì họ đã có con và bận túi bụi với những công việc của một bà mẹ.

 Cuối cùng Sally quyết định dùng thời gian của mình để giúp đỡ người khác, miễn là công việc đó chẳng liên quan gì đến trẻ con. Cô luôn cảm thấy đau mỗi khi nhìn thấy chúng.

 Sally quyết định làm công việc tình nguyện ở bệnh viện địa phương vì cô muốn mình phải luôn bận rộn. Cô luôn có mặt ở khắp nơi trong bệnh viện và cuối cùng thì được phân công làm việc ở phòng cấp cứu - nơi lúc nào cũng đầy ắp công việc. Thời gian trôi qua như tên bay và Sally cảm thấy nơi đây thực sự cần mình.

Khi Sally lấy hết can đảm để kể cho Josh nghe việc này, chồng cô đã nổi giận đùng đùng: "Em không thể tự đặt mình vào một nơi đầy rẫy những hiểm nguy như thế!"

 "Nhưng em muốn mình phải làm một cái gì đó hơn là cứ ở không chơi suốt ngày!"

 "Vậy thì làm việc cho một chương trình đọc truyện hay nấu ăn hay gì gì đó cũng được - một công việc an toàn hơn."

 "Điều em muốn không phải là được an toàn mà em muốn mình có ích và cảm thấy thích thú với công việc."

 Cuối cùng thì chồng cô cũng phải chịu thua. Nhưng mỗi đêm khi thấy Sally về nhà mệt mỏi và ủ rũ, anh lại cố nài nỉ: "Em hãy làm một việc gì khác đi!" Nhưng cô lại không muốn bỏ cuộc.

 Một hôm, khi Sally đang chạy xuống đại sảnh tìm một vị bác sĩ để báo cho ông ta rằng vợ ông ấy gọi điện thoại đến, thì một chiếc xe cứu thương trờ tới. Đây là chuyện thường ngày ở đây, nhưng lần này một nhân viên y tế đang quay qua quay lại rất lạ, mắt tìm kiếm chung quanh. Anh ta phát hiện ra Sally và ấn vào tay cô một cái bọc nhỏ. "Cô hãy giữ lấy đứa bé này và đừng có đi đâu nhé!", nói xong anh ta chạy vội theo chiếc băng ca cứu thương vào phòng cấp cứu. 

Sally nhìn chằm chằm vào đứa bé sơ sinh trong vòng tay mình. Vừa lúc đó vị bác sĩ mà cô cần tìm đi ngang qua, cô liền nói cho ông biết về cuộc điện thoại và cả lý do vì sao mà cô lại phải giữ đứa bé này. 

Vị bác sĩ nói: "Tôi nghĩ là các nhân viên cứu thương đã khám cho bé nếu không họ sẽ không đưa nó cho cô giữ, nhưng để cho chắc tôi sẽ khám lại xem sao." Rồi Sally chạy theo vị bác sĩ khi ông ẵm đứa bé vào trong một căn phòng trống để khám cho nó. "Cô bé không sao!", ông mỉm cười và đưa trả bé lại cho Sally.

 Cô lại theo sau vị bác sĩ đi ra, nhưng trước khi cô kịp có ý kiến gì thì nhân viên y tế lúc nãy đi đến. Cô nói: "Tôi đâu phải là y tá ở đây, tôi chỉ làm việc tình nguyện."

 "Tôi biết, trước đây tôi đã nhìn thấy cô. Cô hãy chăm sóc cho cô bé cho đến khi mọi việc ở đây rảnh rang một chút thì sẽ có người đến thay. Mọi người đều biết cô đang trông nó mà!" 

"Nhưng …", Sally chưa kịp nói gì thì anh ta đã vẫy tay chào và quay lưng bỏ đi

 Rồi đứa bé bắt đầu khóc. Sally liền đu đưa cô bé nhè nhẹ cho đến khi nó ngủ thiếp đi. Lúc đó cô mới nhận ra điều kỳ diệu khi ôm trong tay một đứa bé đang say ngủ. Điều mà cô đã bỏ lỡ khi tự mình xa lánh tất cả những đứa bé con của những người bạn hay người thân của mình. 

Vài phút sau, một cô y tá đến nhận đứa bé và cho biết: "Ba mẹ của bé bị tai nạn xe hơi, nhưng họ đã qua cơn nguy hiểm rồi. Cảm ơn vì đã chăm sóc cho cô bé này."

 Nhưng Sally mới chính là người phải nói lời cảm ơn. Cô bé đã mang lại cho Sally một cảm xúc mà trước đây cô chưa từng cảm nhận được. Rất nhiều năm rồi, đây là lần đầu tiên Sally về nhà với chồng trong một tâm trạng vui vẻ và trong đầu đầy ắp những kế hoạch. 

Khi Sally nói với chồng về việc cô đã tìm ra một nơi làm mới, điều đó là làm cho anh thật sự sung sướng. Anh nói: "Tốt lắm, vậy là em sẽ rời khỏi bệnh viện!"

 "Không," Sally mỉm cười nói, "Em chỉ chuyển sang làm ở bộ phận khác mà thôi. Họ đang cần một người để trông nom và yêu thương những đứa trẻ bị bỏ rơi. Ngày mai em sẽ bắt đầu." Josh nở một nụ cười thật tươi.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

ÁNH SÁNG CÓ THỂ BIẾN MẤT



Một môn sinh tông Thiên Thai, một trường phái triết học Phật giáo, đến viếng Thiền viện của Nga Sơn, với tư cách một một đệ tử. Vài năm sau khi người ấy ra đi, Nga Sơn cảnh cáo: “Học đạo bằng cách suy luận cũng có ích như góp nhặt những điều rao giảng. Nhưng hãy nhớ rằng trừ phi anh thiền định không ngừng, ánh sáng đạo của anh có thể biến mất.”

Chuyện xưa tích cũ - Cao nhân tất hữu cao nhân trị

CAO NHÂN TẤT HỮU CAO NHÂN TRỊ 
Tác giả: Sơn Nam & Tô Đình Nguyệt

Ngày xưa, tại làng Xuân Tiêu thuộc tỉnh Hải Dương có một tên ăn trộm nhà nghề rất tài tình. Người trong làng thảy đều ngán mặt anh ta. Thấy bóng anh ta ở đâu là thiên hạ lo canh chừng ráo riết. 

Ngày nọ, có một khách qua đường đến trọ tại một cái quán, ngủ đêm đặng sáng mai lên đường. Khách mở túi bạc ra đếm rồi đặt lên đầu giường làm gối kê. 

Tên trộm dò biết khách có số bạc to, nên quyết tâm ăn cắp cho được. Đêm đó, tên trộm đợi khuya, lẻn vào nhà trọ giả làm mèo đuổi chuột, mấy lần chạm vào khách. Bị đụng vào chân, khách chợt ngồi dậy để đuổi mèo. Tên trộm thừa dịp đó cuỗm mất túi bạc. Chừng khách biết thì đã muộn rồi. 

Khách lấy làm căm tức đã thua trí tên trộm. Tuy vậy, khách không phải là người tầm thường, chẳng bao giờ chịu mất của một cách nhanh chóng như vậy. Lúc đó, nhìn quanh quẩn bên trong quán trọ khách thấy có cái nơm bắt cá, khách liền cầm lấy, hỏi thăm nhà của tên trộm thẳng tới. 

Núp ở ngoài cửa, khách thấy tên trộm đổ túi bạc của mình ra ván, rồi cùng vợ ngồi đếm. Tức thì, khách tông cửa ra, rồi đứng ngoài to tiếng đòi chia của. Tên trộm nghe vậy thì giận lắm vác gậy xông ra đuổi đánh kẻ đòi chia của. Khách liền núp vào chỗ tối, đợi cho tên trộm bước ra khỏi cửa, khách liền bước vào nhà, thừa lúc bất ngờ lấy cái nơm cá chụp vào đầu vợ tên trộm, đoạn thồn hết đống bạc vào túi, theo đường cũ trở về nhà trọ, đóng cửa ngủ yên tới sáng. 

Khách vừa tỉnh dậy, thì đã thấy tên trộm lễ mễ mang một mâm xôi thịt đến ra mắt để tôn khách làm sư. Vì từ trước đến nay, trong nghề ăn trộm, tên trộm chưa bao giờ chịu thua ai hoặc thấy ai tài giỏi hơn mình như khách. Bấy giờ khách nói rõ quá khứ oanh liệt của mình. Thì ra chính khách là một tên ăn trộm nhà nghề rất nhiều mánh lới, đã giải nghệ từ lâu. 

Lúc đó, tên trộm mới biết mình tài giỏi còn có người tài giỏi hơn.

Chuyện cười trong ngày

TÚI KHÔN

Ở Việt nam có anh bạn phát biểu thế nầy :
- khôn cũng ....chết
- dại cũng .......chết
- biết .............cũng chết
- giả chết ......thì sống ..!!
Vậy ý các bạn như thế nào ...????

Wednesday, September 24, 2014

Ngày 24-9-2014 - Khởi nguồn chánh pháp

Nếu không thiện hữu đồng hành
Đường đời muôn nẻo một mình tốt hơn

CHƯ TỲ KHEO TẠI KOSAMBI BẤT HÒA. ĐỨC PHẬT GIÁO HÓA BẰNG CÁCH ĐI VÀO RỪNG SÂU SỐNG MỘT MÌNH. VOI PARILEYYA ĐẾN HẦU PHẬT TRONG THỜI GIAN BA THÁNG.

Tranh: Global Pagoda Chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng
© Copyright 2010 Phap Luan Buddhist Cultural Center

Chuyện ngắn - Ngẩng cao đầu

Ngẩng cao đầu  
Sưu tầm trên Net

Tôi chỉ là một đứa bé mới 15 tháng tuổi, vô tư, hạnh phúc… cho đến cái ngày tôi bị ngã - một cú ngã rất trầm trọng. Con thỏ bằng thủy tinh vỡ tan tành, đâm vào mắt tôi khiến tôi không còn nhìn thấy gì nữa. Các bác sĩ cố gắng cứu vãn con mắt bằng cách khâu nối chỗ bị cắt đứt và để lại một vết sẹo bự xấu xí ngay giữa cầu mắt của tôi. Nhưng mọi nổ lực cứu chữa đều thất bại, tệ hơn nữa, nếu lấy toàn bộ cầu mắt ra khỏi hốc mắt thì khi trưởng thành khuôn mặt của tôi sẽ bị biến dạng xấu xí. Thế là, bác sĩ quyết định để lại con mắt xám xịt, không thấy đường và có một vết sẹo chính giữa trên khuôn mặt tôi – con mắt mù loà đó đã điều khiển cả cuộc đời tôi.

 Đi đến bất cứ nơi đâu, tôi cũng nhìn chằm chằm xuống đất để mọi người không thấy khuôn mặt xấu xí của mình. Thỉnh thoảng, người ta lại hỏi những câu làm tôi lúng túng và đưa ra những lời nhận xét khiến tôi tổn thương. Còn khi đám trẻ con chơi đùa, tôi luôn phải đóng vai “ác quỷ”. Tôi lớn lên mà luôn nghĩ rằng tất cả mọi người đều nhìn tôi bằng ánh mắt khinh bỉ, như thể cái vẻ ngoài xấu xí là do lỗi của tôi vậy. Điều đó khiến tôi luôn nghĩ rằng mình là một con quái vật. 

Nhưng mẹ tôi luôn bảo với tôi rằng: “Con hãy ngẩng cao đầu và đối mặt với thế giới.” Câu nói đó đã trở thành chỗ dựa tinh thần của tôi. Khi tôi còn nhỏ, mẹ thường ôm tôi vào lòng, vuốt tóc tôi rồi nói: “Con cứ ngước mặt lên, mọi việc sẽ ổn thôi, rồi mọi người sẽ nhìn thấy cái đẹp trong tâm hồn con.” Câu nói này luôn được lặp đi lặp lại mỗi khi tôi muốn chạy trốn.

 Càng lớn tôi càng hiểu rõ câu nói của mẹ hơn. Khi còn nhỏ, tôi nghĩ mẹ muốn nói rằng: “Hãy cẩn thận nếu không con sẽ bị ngã hoặc đâm sầm vào vật gì đó nếu như con không chịu nhìn đường.” Khi lớn hơn một chút, dù tôi vẫn luôn cúi gằm mặt để che giấu sự xấu hổ, thỉnh thoảng tôi cũng ngẩng đầu lên và để cho mọi người hiểu tôi, thích tôi. Những lời nói của mẹ giúp tôi nhận ra rằng, nếu để mọi người nhìn thẳng vào mặt tôi thì họ sẽ nhận ra sự thông minh và vẻ đẹp đằng sau con mắt vô hồn đó, cho dù họ có không nhìn thấy nó ở bên ngoài.

 Khi lên trung học, tôi học rất giỏi và quan hệ bạn bè cũng tốt. Thậm chí, tôi còn được bầu làm lớp trưởng. Nhưng ở sâu thẳm trong lòng, tôi vẫn cảm thấy mình là một con quái vật. Tất cả những gì tôi thực sự muốn có là được bình thường như những người khác. Những lúc cảm thấy tồi tệ, tôi lại chạy đến bên mẹ và khóc, mẹ lại nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến và nói: "Con hãy ngẩng cao đầu và đối mặt với mọi người, hãy để họ tự khám phá cái đẹpở bên trong tâm hồn con."

 Khi tôi gặp người đàn ông một nửa của đời mình, chúng tôi đã nhìn thẳng vào mắt nhau, anh ấy bảo rằng tôi đẹp cả bên trong lẫn bên ngoài. Anh ấy đã nói thật. Tình yêu thương và những lời động viên của mẹ giống như một tia sáng cho tôi lòng tự tin để vượt qua sự hồ nghi của chính mình. Tôi đã đối mặt với nghịch cảnh, đương đầu với khó khăn của mình, và hiểu ra rằng tự đề cao bản thân mình chưa đủ mà còn phải có lòng trắc ẩn đối với những người khác. 

"Hãy ngẩng cao đầu lên!" là câu nói luôn hiện diện trong gia đình tôi. Các con tôi đều hiểu được sự khích lệ trong câu nói đó. Vậy là món quà mà mẹ dành cho tôi giờ đây đã được tiếp tục truyền lại cho thế hệ kế tiếp.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

MỖI NGÀY LÀ MỘT NGÀY TỐT

Thiền sư Vân Môn nói với môn đồ, “Trước ngày mười lăm tôi không hỏi, sau ngày mười lăm thì thế nào?” Không ai trả lời. Vì thế sư tự đáp, “Mỗi ngày là một ngày tốt.” Ngày mười lăm, theo âm lịch, có trăng tròn, ám chỉ sự giác ngộ rõ ràng. “Sau ngày mười lăm” có nghĩa là sau khi có sự giác ngộ như thế.
Vì “Mỗi ngày là một ngày tốt,” nhiều người bị chữ “tốt” lừa, nghĩ rằng tốt là đối lại với xấu. Như thế, họ nghĩ rằng “ngày tốt” có nghiã là ngày đẹp, hạnh phúc. Tuy nhiên, Vân Môn không có ý đó. “Ngày tốt” của Vân Môn còn sâu xa hơn thế . Sư đang chỉ cái ngày ngay đây, ngay bây giờ, không tiền, tuyệt hậu. Một công án tốt cho tất cả chúng ta: “Đây là loại ngày gì?”

Chuyện xưa tích cũ - THẦN CHẾT VÀ THẦN SỐNG ĐÁNH CỜ

THẦN CHẾT VÀ THẦN SỐNG ĐÁNH CỜ
Tác giả: Sơn Nam & Tô Đình Nguyệt

Tại miền núi nọ, có một gã trẻ tuổi chuyên nghề đốn củi nuôi mẹ già, gã ở với mẹ rất có hiếu, lại có lòng tương trợ đối với mọi người. Một chiều kia, từ trong rừng ôm bó củi trở về nhà, gã gặp một ông lão ăn mày nằm rên rỉ ở giữa đường. Động lòng thương hại, gã đem lão ăn mày về nhà săn sóc thuốc men cơm cháo, hôm sau lão ăn mày khỏi bệnh để lời cám ơn và bảo rằng: -Ta có tài xem tướng số lại biết đoán vận mạng kiết hung, ta thấy rằng cái số nhà ngươi vắn vỏi, chỉ còn sống không bao lâu nữa là phải từ giã cõi đời. Trót thọ ơn nhà người nên ta mách nhà ngươi một việc, may ra còn cãi được số phận.

Ngừng một lát, lão già nói tiếp: -Tại đỉnh núi phía Nam, là nơi cảnh trí u nhàn, các tiên thánh thường vân du qua đó. Vậy mai này vào giờ mùi ngươi phải có mặt nơi đó, hễ thấy hai ông tiên đang đánh cờ thì ngươi đến đứng gần, ai bảo gì làm nấy, đừng bao giờ lên tiếng. Chừng xong cuộc cờ, các tiên hỏi tới thì ngươi hãy nói nhà người còn có bà mẹ già cần sớm hôm nuôi dưỡng mà phần số lại vắn vỏi, nên xin hai vị thương tình cứu giúp, may ra sẽ được sống lâu.

Hôm sau, gã trẻ tuổi lên núi, quả nhiên thấy hai vị thần đang đánh cờ với nhau. Nhớ lời ông lão dặn, gã bước lại gần đứng hầu. Một lát sau ông thần râu trắng bảo rót rượu, gã rót rượu dâng lên, một lát ông thần râu đen bảo quạt, gã quạt.

Đến chừng xong cuộc cờ, hai thần râu trắng, râu đen ngẩng lên thấy gã thì vặn hỏi. Gã thật tình nói rõ tai họa sắp đến cho mình và xin cứu vớt.

Hai vị thần đồng cho gã biết mình là Thần Sống và Thần Chết coi việc sống, chết ở thế gian. Tử thần lật số coi qua tên họ gã thì thấy chỉ còn vài ngày nữa là gã mãn phần. Tử thần liền hỏi ý kiến Sanh thần, thì Sanh thần bảo cứ bôi sổ là êm chuyện.

Xong rồi cả hai biến mất, gã trẻ tuổi trở về nhà, sống đến trăm tuổi mới chết.

Chuyện cười trong ngày

Sự Kiện Lớn

Giáo sư hỏi cả lớp:
- Ai có thể nêu hai sự kiện lớn trong cuộc đời của nhà thơ Anh Milton?
Một nam sinh viên nhanh nhẩu phát biểu:
- Sau khi kết hôn, nhà thơ viết tác phẩm "Thiên đường đã mất".
Đến khi vợ ông mất, ông viết tác phẩm "Thiên đường trở lại".

Nói sách mách có chứng :-)

(Pardise Lost & Paradise Regained)

http://en.wikipedia.org/wiki/John_Milton

Tuesday, September 23, 2014

Ngày 23-9-2014 Khởi Nguồn Chánh Pháp

Bát cơm hành hóa sa môn
Đâu phân thành thị, thôn lân, sang hèn

MÙA HẠ THỨ 12 ĐỨC PHẬT VÀ CHƯ TĂNG AN CƯ TẠI VERANJA THEO LỜI THỈNH CẦU. LÚC ĐÓ HẠN HÁN, THỰC PHẨM KHAN HIẾM, ĐỨC PHẬT VÀ CHƯ TĂNG VẪN Ở LẠI CÙNG DÂN CHÚNG.

Tranh: Global Pagoda Chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng
© Copyright 2010 Phap Luan Buddhist Cultural Center

Chuyện ngắn - Con yêu mẹ hơn

Con yêu mẹ hơn 
Chuyện sưu tầm trên nét

Nếu gặp con gái tôi, Amanda, bạn sẽ thấy nó là một cô bé 4 tuổi với cả một kho kiến thức trong đầu. Mới đây, con bé đọc làu làu một danh sách những sự việc và mẹo vặt mà nó biết, như: một cộng một bằng hai, nếu pha màu vàng với màu xanh lam ta sẽ có màu xanh lục, chim cánh cụt thì không biết bay, vân vân và vân.
 Cuối cùng, con bé dừng lại và nói với vẻ tự mãn: "Mẹ ơi, con biết hết mọi thứ trên đời! Tôi giả vờ tin nhưng lại cười thầm trong bụng. Tôi nghĩ còn có vô vàn những chuyện mà một cô bé bốn tuổi như nó làm sao có thể biết được. Tôi đã sống gần 30 năm và chắc chắn tôi biết tất cả những gì mà con tôi biết, và tất nhiên là còn nhiều hơn thế nữa. Nhưng chẳng bao lâu sau, tôi đã thấy những suy nghĩ của mình là sai lầm.
 Mọi việc bắt đầu vào một buổi sáng khi tôi cột tóc cho Amanda trước gương trong nhà tắm. Tôi hoàn thành xong mái tóc buộc hai sừng của con bé và kết thúc bằng câu nói: "Mẹ yêu con, Amanda." 
"Con cũng yêu mẹ," con bé đáp. 
"Vậy hả," tôi trêu con bé, "Mẹ yêu con hơn." Mắt con bé sáng lên khi nó nhận thấy gợi ý trong câu nói của tôi, nó cười phá lên: "Con yêu mẹ nhất." 
"Mẹ yêu con nhiều hơn cả núi lửa!" - đây là câu nói thường xuyên trong những cuộc chiến tình yêu của gia đình tôi.
 "Nhưng con yêu mẹ từ đây cho tới Trung Quốc luôn!" Trung Quốc là đất nước mà con bé mới biết tới nhờ người hàng xóm mới dọn về của chúng tôi.
 Chúng tôi tiếp tục với những câu nói quen thuộc như: "Con yêu mẹ nhiều hơn cả bơ đậu phộng!"… "Mẹ yêu con còn hơn cả ti vi"... "Con yêu mẹ nhiều hơn cả kẹo sing-gôm thổi"...
 Bây giờ lại đến lượt tôi, và thường thì khi nói câu này tôi luôn giành chiến thắng. "Mẹ yêu con nhiều hơn cả vũ trụ này! Thua chưa bé con?" Lạ thay, lần này Amanda lại không có vẻ muốn đầu hàng mà dường như đang suy nghĩ.
 "Mẹ!", con bé nói giọng dịu dàng, "Con yêu mẹ hơn cả bản thân con!" Tôi lặng cả người. Tôi đã hoàn toàn bị khuất phục bởi sự chân thành của con bé. 
Cho đến lúc đó tôi luôn nghĩ rằng những điều mình biết là nhiều hơn con bé, và ít nhất thì tôi cũng biết tất cả những gì nó biết. Nhưng tôi lại không biết điều này. Cô con gái bốn tuổi của tôi biết nhiều về tình yêu thương hơn cả người mẹ hai mươi tám tuổi của nó, và nó yêu thương tôi còn hơn cả bản thân mình.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

GIỮ MÌNH TRONG SẠCH

Thiền sư Hiện Quang, mất năm 1220, là đời thứ 14 dòng Vô Ngôn Thông. Sư dung mạo xinh đẹp, tiếng nói êm ái, mồ côi từ thuở nhỏ, nếm đủ mùi gian nan. Năm 11 tuổi, sư được Thiền sư Thường Chiếu đem về nuôi và nhận làm học trò. Sư rất thông minh, mỗi ngày đọc hàng vạn chữ. Sư đã đọc khắp sách của Tam giáo, nhưng về tông chỉ của Thiền môn, sư chưa kịp suy cứu thì Thiền sư Thường Chiếu đã qua đời. Về sau, mỗi khi biện luận với ai, đến chỗ thâm yếu, bị bắt bẻ, sư trả lời không được. Sư hối hận tự than:
-Ta cũng như con nhà giàu to, lúc cha mẹ còn sống chỉ biết ăn chơi lơ đễnh, đến khi cha mẹ mất đi, thành ra mờ mờ mịt mịt. Chẳng biết của nhà mình để đâu, rốt cuộc chỉ là kẻ nghèo thiếu.
Từ đó, sư dạo khắp tùng lâm, tìm thiện tri thức. Đến chùa Thánh Quả gặp Thiền sư Trí Thông nói cho một câu, sư liền phát minh tâm địa.
Sau vì nhận món quà của công chúa Hoa Dương mà tiếng ong ve nổi lên vang dậy. Sư nghe rồi tự nghĩ:
- Phàm cùng người thế tục tới lui, ắt chẳng khỏi bị hủy nhục. Xét lại ta phải chịu như thế sao ?. . .
Rồi sư vào thẳng trong núi Uyên Trừng, phủ Nghệ An theo Thiền sư Pháp Giới thọ giới đầy đủ.
Một hôm sư thấy thị giả bưng cơm, sẩy tay làm rơi xuống đất, sợ quá thị giả lấy tay hốt cơm vẫn còn lộn đất. Sư tự hối nói:
- Ta sống không làm lợi ích gì cho ai, luống nhọc người cung cấp đến phải như thế.
Từ đây, sư mặc bằng lá cây, ăn các thứ trái lượm được, không dùng cơm nữa. Trải qua mười năm như thế.
Sau vì muốn an dưỡng tuổi già, sư vào sâu trong núi Từ Sơn kết cỏ làm am mà ở. Mỗi khi đi kinh hành dưới rừng, sư bẻ nhánh cây bó một bó gánh về, các loài dã thú trông thấy sư đều nép phục.

Chuyện xưa tích cũ - Thập Bát La Hán

THẬP BÁT LA HÁN
Tác giả: Sơn Nam & Tô Đình Nguyệt

Phú ông nọ có nuôi con ngựa rất hay, rất hiền từ. Ông săn sóc nó cẩn thận, cho ăn uống đầy đủ. Bỗng một hôm, nó đi lại gần ông mà nói: -Tối mai ăn cướp đến nhà ông mà giựt của. Tụi nó đi cả thảy mười tám đứa, mang mười tám thứ khí giới nha chùy, côn, giáo … Ông đừng sợ cứ làm theo lời tôi. Quay mười tám con heo, xôi một chảo thật lớn. Mua về vài hũ rượu. Đúng giờ Tý (nửa đêm) này tụi nó hội họp tại ngã tư đầu làng. Ông đến đó mời tụi nó về đây ăn tiệc là xong chuyện. 

Phú ông nghe con ngựa nói vậy bèn thi hành đúng như lời nói, nhưng trong dạ nửa tin nửa nghi. Đúng giờ Tý, ông đến ngã tư, gặp bọn cướp đủ mười tám người, ông mời chúng nó về nhà ăn tiệc. 

Bọn cướp ngạc nhiên. Tên chúa đảng hỏi: -Tại sao ông biết tụi tôi đủ mười tám người mà quay sẵn mười tám con heo? 

Phú ông nói đó là lời mách bảo của con ngựa. Chúa đảng cướp ra chuồng hỏi thăm. Con ngựa nọ trả lời: -Đó là luật luân hồi quả báo. Xưa kia tôi mắc nợ ổng, bây giờ phải đầu thai làm con ngựa để trả nợ cũ. Dè đâu ông săn sóc tôi quá chu đáo cho ăn no, ngủ kỹ, nợ cũ chưa trả xong mà tôi phải mang thêm ơn mới. Nghĩ vậy, tôi tìm cách giúp ổng để một ngày kia trả xong nợ tôi đầu thai làm người. 

Tên chúa đảng sực nhớ tới tội lỗi chồng chất bấy lâu nay, bèn nói với bọn em út về chuyên quả báo và khuyên mọi người nên sám hối kẻo kiếp sau nặng tội. Tất cả đồng ý, hẹn ngày vào chùa mà cầu xin quy y thí phát. 

Vào chùa tên chúa đảng nói: -Tất cả dao, mác, côn, hèo phải gom lại. Muốn biết Phật có chứng giám không thì chúng ta bỏ tất cả khí giới ấy vào trong một cái nồi đồng thật lớn. 

Tất cả bọn cướp mười tám đứa đều thí phát, quỳ trước Phật đàn. Đến nửa đêm, chừng xem nồi nước thì thấy bao nhiêu khí giới đều tan rã, biến mất. Biết đó là điềm lành bọn cướp ở luôn trong chùa. Nhờ lòng thành nên kiếp sau chuyển thành bực La Hán. 

Đến nay, trong chùa còn thờ mười tám vị La Hán nọ. Tượng của mấy vị đều có nét dữ dằn, tay cầm khí giới. Ấy là muốn nhắc lại cho loài người biết rằng: dầu tội lỗi đến thế nào mà có lòng ăn năn sám hối thì Phật cũng độ được.

Chuyện cười trong ngày

Phù hợp

Một bà vào cửa hàng quyết sắm một chiếc mũ thật ưng ý để đội trong dịp Tết. Sau khi đã thử tới hai chục chiếc, bà khách hỏi anh bán hàng:

- Có lẽ tôi sẽ lấy chiếc này. Giá bao nhiêu vậy?

- Ồ, cái đấy không hợp với bà đâu, mà nó lại quá rẻ, không xứng với một quý bà như bà.

- Vậy, chứ nó bao nhiêu tiền?

- Không mất tiền, vì đó chính là chiếc mũ bà đội khi vào đây.

Monday, September 22, 2014

Ngày 22-9-2014 Khởi Nguồn Chánh Pháp

Tràng hoa khéo kết mà thành
Vô sanh chứng bởi tử sanh thân nầy

MỘT LẦN ĐỨC PHẬT DẠY CHƯ TỲ KHEO: NHƯ HOA DẠI KHÉO KẾT THÌ THÀNH TRÀNG HOA ĐẸP, CŨNG VẬY, TỪ THÂN SANH TỬ NHIỀU THIỆN SỰ ĐƯỢC TÁC THÀNH.

Tranh: Global Pagoda Chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng
© Copyright 2010 Phap Luan Buddhist Cultural Center

Chuyện ngắn - Em sẽ làm được

Em sẽ làm được 
Nguồn: thư viện ebơok 

"Đến giờ tập rồi!", tôi la to, thế là đám học trò nhỏ vừa đùa giỡn vừa xếp thành hàng ngay ngắn trong phòng tập thể dục. Megan cũng bước theo sau và lặng lẽ đứng ở cuối hàng. Cô bé mới tám tuổi, cùng tuổi với tôi khi tôi bắt đầu tập luyện môn thể thao nhào lộn này. 

Tôi yêu cầu các em thực hiện các bài tập uốn người ra trước, ra sau, nhào lộn, chống tay lộn người ra trước. Các học trò của tôi đã luyện tập thành thục các bài tập này từ nhiều tháng nay rồi, thậm chí có vài ba em đã tự tập nhào lộn ngược. Vậy mà Megan vẫn còn chưa xong với bài tập trồng chuối, chỉ đơn giản là em luôn cần nhiều thời gian hơn những bạn bè khác. 

Tôi thường giúp Megan thực hiện các bài tập và động viên, khích lệ em cố gắng bằng những câu đại loại như: "Ngón chân duỗi thẳng như vậy rất tốt", "Cô thấy tay em khỏe hơn trước rất nhiều". Nhưng một hôm, vào đầu giờ học, ba của Megan xin được nói chuyện với tôi. Nhìn vẻ mặt buồn buồn của ông ấy, tôi thực sự không hiểu là có chuyện gì. Ông nói: "Tôi định cho Megan nghỉ học". "Sao vậy?", tôi hỏi. Chẳng lẽ tôi đã làm gì không phải hay sao, tôi thầm nghĩ. 

Ông ấy vòng tay qua vai Megan như muốn bảo vệ con gái và nói: "Con bé không theo kịp các bạn trong lớp. Tôi không muốn nó gây trở ngại cho những bạn khác". Tôi bắt gặp vẻ mặt khổ sở của ông khi nói ra điều đó, còn Megan thì cúi gằm mặt như thể em muốn mình biến đi vậy. 

Tôi nói: "Ông sai rồi! Megan rất cần đến lớp học này, có khi còn cần hơn cả những đứa trẻ khác. Tôi đâu có bắt đầu sự nghiệp là một nhà vô địch quốc gia bảy lần, tôi cũng bắt đầu từ khi còn là một cô bé tám tuổi như Megan vậy. Huấn luyện viên Igor của tôi thường nói rằng: 'Có những đứa trẻ sinh ra đã có tài, và cũng có những đứa như Christine, chỉ cần luyện tập chăm chỉ'. Mỗi khi nhìn Megan tôi thấy mình trong đó. Con bé cũng rất chăm chỉ tập luyện".

 "Có thể Megan sẽ không thắng tại các kỳ thi đấu, thậm chí cũng có thể em không được chọn đi thi, nhưng tôi cam đoan với ông rằng nếu em cố gắng và tin vào bản thân mình thì điều đó còn quý giá hơn bất kỳ tấm huy chương vàng nào. Tôi tin vào Megan. Tôi tin rằng em sẽ đạt được tất cả những mục tiêu của bản thân theo cách riêng của mình."

 Khi nghe những lời đó, Megan ngước nhìn tôi, đôi mắt em đẫm lệ, nhưng đôi môi em lại nở một nụ cười tươi như hoa. Ba của em ôm chầm lấy tôi nói: "Xin cảm ơn cô, cảm ơn rất nhiều", rồi quay sang Megan, nói: "Đi thay đồ đi con, đến giờ lên lớp rồi".

 Cuối cùng thì Megan cũng thực hiện được tất cả các động tác, tuy có chậm hơn bạn bè. Nhưng điều quan trọng hơn là cô bé không bao giờ đứng ở cuối lớp nữa. Từ hôm đó trở đi, mỗi khi tôi bảo xếp hàng thì Megan lại chạy lên đứng ngay hàng đầu tiên.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 VỊ TƯƠNG CHUA



Dairyo là vị tăng đầu bếp ở chùa của Thiền sư Bàn

Khuê. Dairyo quyết định rằng mình phải chăm sóc tốt sức khỏe cho vị lão sư của mình và chỉ cho lão sư ăn vị tương (tương đậu nành trộn với bột lúa mì và men) tươi thôi. Bàn Khuê để ý thấy mình được ăn thứ vị tương ngon hơn các đệ tử, liền hỏi: “Hôm nay ai là người nấu ăn?”

Dairyo được gọi đến. Bàn Khuê biết rằng theo tuổi tác và địa vị của mình chỉ nên ăn vị tương tươi. Vì vậy sư nói với ông tăng điển tọa: “Rồi anh xem tôi sẽ không ăn gì cả.” Nói xong câu ấy, sư vào phòng đóng cửa lại.

Dairyo ngồi ngoài cửa xin sư thứ lỗi. Bàn Khuê không trả lời. Dairyo ngồi ngoài cửa và Bàn Khuê ở trong phòng, cứ như thế bảy ngày.

Cuối cùng vô hy vọng, một đệ tử khác gọi lớn với Bàn Khuê: “Được rồi, ông có thể đúng đó, ông thầy già ơi, nhưng gã đệ tử trẻ này phải ăn. Y không thể nhịn đói mãi được!”

Vì thế Bàn Khuê mở cửa. Sư mỉm cười, bảo Dairyo: “Tôi nhất định ít ra cũng ăn các món y như các đệ tử của tôi. Tôi không muốn anh quên điều này khi anh làm thầy.”

Chuyện xưa tích cũ - Cây Đa Bến Cũ

CÂY ĐA BẾN CŨ
Tác giả: Sơn Nam & Tô Đình Nguyệt

Một thơ sinh quê quán ở Thanh Nghệ Tỉnh, học giỏi, thông minh, tính tình hào hoa phong nhã. Ngày kia, vác lều chiếu vào Huế để thi Hương, lúc qua bến Ô Lâu ở khoảng giữa Quảng Trị, Thừa Thiên thì chàng gặp một cô lái đò nhan sắc mặn mà, liền cảm cái sắc đẹp của nàng.

Lúc qua sông, chàng để lời ướm thử, thì cô lái đò cũng tỏ dạ yêu chàng. Liền đó hai đàng ước hẹn sẽ nên duyên chồng vợ, sau ngày chàng thơ sinh vào trường thi trở về. 

Khoa thi đó, chàng thơ sinh đậu giải nguyên. Trở về bến đò Ô Lâu, bấy giờ chàng đã là một vị tân khoa được mọi người kính vì trọng vọng. Tuy vậy, chàng vẫn đến gặp người yêu, ước hẹn một lần nữa rằng: sau khi về quê quán tỏ thật với cha mẹ, chàng sẽ nhờ mai mối đem sính lễ đến cưới nàng. Để cho nàng tin lòng, chàng cởi áo tặng nàng: 

Ra về để áo lại đây, 
Để cho em đắp kẻo gió Tây lạnh lùng. 

Chàng đi rồi, ngày ngày nàng vẫn đưa đò chở khách sang sông. Chiều chiều, nàng gác mái, neo đò dưới gốc cây đa, đem áo của chàng ra ngắm nghía nhớ thương. 

Ngày tháng trôi qua quá mau. Thấm thoát đã được một năm, nhưng bóng hình của chàng vẫn vắng bặt. Cô lái đò thường trông lên bến cất tiếng hát véo von: 

Thuyền về có nhớ bến chăng? 
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền. 

Thấy nàng có sắc, có duyên, lắm khách qua đò đưa lời chọc ghẹo. Với ai nàng cũng khăng khăng từ chối, một dạ đợi chàng. 

Một năm, hai năm rồi ba năm trôi qua, hình bóng của chàng nho sinh đã làm xiêu lòng cô gái càng vắng bặt ở phương trời. Nhớ thương chồng chất, lòng cô gái tưởng hóa điên, hóa dại cũng nên. Nàng không hiểu rằng vì cha mẹ không thuận tình hay vì chàng thư sinh có lòng bội bạc. 

Nàng cũng từ chối những cuộc hôn nhân của đám trai tráng trong làng. Nhiều người cho rằng nàng quá si tình nên mới đợi chờ người không yêu nàng chỉ vì vui miệng mà hứa hẹn viễn vông. 

Sự buồn khổ thất vọng đã làm cho cô lái đò ở bến cây đa trên sông Ô Lâu biếng ăn biếng ngủ, biếng nói cười. Trên sông xanh người ta không còn nghe tiếng hát vui tươi trong trẻo của nàng. Nàng vẫn chèo đò chở khách sang sông, nhưng vẻ vui tươi không còn nữa.

Thế rồi, một chiều kia, vì quá thất vọng sau bao năm đợi chờ, cô gái chèo thuyền ra giữa sông, hò lên mấy tiếng nhắn nhủ cùng mây nước rồi lao mình xuống sông tự vận. 

Về sau, có những câu hát ru em: 

… Hò ơi … Trăm năm nhiều nỗi hẹn hò, 
Cây đa bến cũ con đò vẫn đưa. 
Cây đa bến cũ còn đưa, 
Con đò đã thác năm xưa tê rồi.

Chuyện cười trong ngày

Có phải bác sĩ không?

- Tí: Mẹ ơi! Cô Thư là bác sĩ hả mẹ?
- Mẹ: Không! Nhưng con hỏi để làm gì?
- Tí: Dạ! Vì hôm trước con trèo lên cây ổi nhà cô ấy, cô ấy bảo “gan cháu to đấy”
- Mẹ: ???

Sunday, September 21, 2014

Ngày 21-9-2014 Khởi Nguồn Chánh Pháp

Sông dài sánh với núi cao
Đạo mầu đền đáp ân sâu mẫu từ

TÔN GIẢ SĀRĪPUṬṬA (XÁ LỢI PHẤT) TRƯỚC KHI VIÊN TỊCH CỐ GẮNG VỀ QUÊ ĐỂ ĐỘ THÂN MẪU.

Tranh: Global Pagoda Chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng
© Copyright 2010 Phap Luan Buddhist Cultural Center

Chuyện ngắn - Tất cả sức mạnh

 Tất cả sức mạnh
Nguồn: thư viện ebơok

 Có một cậu bé đang chơi ở đống cát trước sân. Khi đào một đường hầm trong đống cát, cậu bé đụng phải một tảng đá lớn. Cậu bé liền tìm cách đẩy nó ra khỏi đống cát.

 Cậu bé dùng đủ mọi cách, cố hết sức lực nhưng rốt cuộc vẫn không thể đẩy được tảng đá ra khỏi đống cát. Đã vậy bàn tay của cậu còn bị trầy xước, rướm máu. Cậu bật khóc rấm rứt trong thất vọng. 
Người bố ngồi trong nhà lặng lẽ theo dõi mọi chuyện. Và khi cậu bé bật khóc, người bố bước tới: “Con trai, tại sao con không dùng hết sức mạnh của mình?”. 

Cậu bé thổn thức đáp: “Có mà! Con đã dùng hết sức rồi mà bố!”.

“Không, con trai - người bố nhẹ nhàng nói - Con đã không dùng đến tất cả sức mạnh của con. Con đã không nhờ bố giúp”.

 Nói rồi người bố cúi xuống bới tảng đá ra, nhấc lên và vứt đi chỗ khác.

 * * * 
Bạn thân mến, bạn là người có cá tính mạnh mẽ? Bạn rất tự lập? Điều đó thật đáng quí! Nhưng bạn đang có những “tảng đá lớn” cần phải giải quyết. Và bạn nhận thấy mình không đủ khả năng để loại bỏ nó? 

Trong cuộc sống không phải lúc nào người ta cũng có thể tự mình làm được hết mọi việc. Sức mạnh của mỗi chúng ta còn nằm ở những người thân, bạn bè - những người luôn quan tâm, lo lắng và sẵn lòng giúp đỡ chúng ta.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

KHÔNG LÃNG PHÍ



Trước thời Minh Trị Duy Tân, Thiền sư Kiến Đường, một hình ảnh tinh thần vĩ đại, là trụ trì chùa Yoken ở Saheki, đảo Cửu châu. Đây là ngôi chùa của dòng họ Mori. Một trong những tùy viên chính của dòng họ đã đi vào xa hoa, lãng phí không kìm chế được, và đang sa vào cuộc sống phá sản. Vị trụ trì, nghĩ thương xót, đã khuyên can mấy lần. Nhưng thay vì lắng nghe, y sanh lòng oán hận vì sự can thiệp và tìm bằng chứng giả tạo làm cho sư hết được ái mộ. Tuy nhiên, sư là một người sống cuộc sống rất thánh thiện, trong sạch cả trong lẫn ngoài, không có kẽ hở nào để chỉ trích.

Nhưng có tin đồn nổi lên rằng đêm nào thầy trị trì, sau khi mọi người đi ngủ, cũng ăn uống thịnh soạn trong phòng riêng. Người tùy viên nắm được cơ hội này, đêm đến lẻn vào vườn chùa, lên phòng phương trượng. Anh ta xác định rằng lão thầy chùa đang ăn với vẻ thích thú. Thích chí vì bắt gặp được kẻ thù đang làm chuyện mờ ám, sáng hôm sau y đến trình diện ở công đường của vị lãnh chúa. Người cầm đầu dòng họ Mori là Lãnh chúa Takayasu, một người thông minh và hơn nữa là tín đồ nhiệt thành của vị trụ trì, nhưng khi nghe câu chuyện ông ta khựng lại và tin rằng đó phải là sự thật. Đêm đến ông ta ẩn mình trong vườn chùa, và khi nhìn qua khe hở phòng phương trượng, chắc chắn rằng ông thầy tu đang ăn. Không chần chờ nữa, Lãnh chúa Takayasu tông cửa sổ vào phòng. Vị trụ trì ngạc nhiên, nhanh nhẹn che cái bát đang ăn và để vào chỗ khuất, rồi hỏi: “Có việc gì khẩn cấp mà ngài đến viếng chúng tôi vào giờ này? Xin tha thứ cho sự thất lễ đón tiếp ngài không được chu đáo.” Vị Lãnh chúa nghiêm khắc đáp: “Ở đây chẳng có chỗ để xin lỗi, thầy vừa dấu cái gì vậy?” Vị trụ trì nhiệt thành yêu cầu bỏ qua chuyện đó, lặp lai nhiều lần lời xin lỗi và cúi đầu sát đất. Nhà qúi tộc từ chối, không nghe và dùng sức nắm lấy cái bát mà vị trụ trì miễn cưỡng đưa ra cho thấy trong đó chứa cái gì.

Sư nói: “Tôi xấu hổ e rằng việc này sẽ làm cho ngài chú ý. Ở đây, có nhiều tăng sinh từ nhiều nơi khác nhau trên đất nước này đến. Mặc dù tôi đã tác động họ không lãng phí ngay cả một giọt nước, vứt đi một cọng rau hay một hạt gạo. Tuy nhiên có nhiều người, đa số là những người trẻ tuổi, thay vì làm theo lời tôi nói, họ vẫn vứt đi những gốc rau, mày gạo xuống cống rãnh nhà bếp. Để chận đứng sự lãng phí này, tôi đã đặt một cái rổ nhỏ ở đầu ống cống, và khi tất cả đi ngủ, tôi nhặt lấy những gì hứng được trong đó, đem luộc đi để làm bữa ăn chiều của tôi. Tôi đã làm như vậy nhiều năm nay. Tôi rất tiếc câu chuyện hạ tiện làm phiền đôi tai tôn nghiêm của ngài.”

Nghe chuyện như vậy, vị lãnh chúa xúc động sâu xa, nước mắt trào ra, cầu xin thứ lỗi cho hành vi của mình. Khi vị trụ trì tạ lỗi, nhà quí tộc chắp hai tay cúi đầu trước sư .

Chuyện xưa tích cũ - ÔNG QUAN TUỔI TÝ VÀ CON CHUỘT BẰNG VÀNG

ÔNG QUAN TUỔI TÝ VÀ CON CHUỘT BẰNG VÀNG
Tác giả: Sơn Nam & Tô Đình Nguyệt

Một ông quan nọ nổi tiếng là thanh liêm rất mực. Cai trị một huyện, làng xã đều cậy nhờ mọi việc, ông quan nọ rất sẵn lòng làm, nhưng chuyện đền ơn, đáp nghĩa thì ông nhất định từ chối. Bà huyện phải phục tùng theo chồng, nên dầu có ai đi cửa sau òn ỹ bà nên nhận chút lễ vật thay ông, bà cũng khăng khăng từ chối. 

Thật là rắc rối, vợ chồng ông huyện càng từ chối bao nhiêu, người ta càng nài nỉ bấy nhiêu. Rốt cuộc bà huyện phải miễn cưỡng nói với mọi người: -Quý vị nài nỉ mãi, nếu không nhận coi cũng kỳ. Vậy thì quý vị nên làm như vầy: Quan huyện nhà tôi vốn tuổi Tý, làng xã có lòng đền ơn thì nên đúc một con chuột nhỏ bằng vàng để ký chú thì chắc quan huyện nhà tôi nhận. 

Làng xã cả mừng làm y theo lời bà huyện. Được con chuột bằng vàng bà huyện đem cất kín một nơi không cho ông huyện hay. 

Thời gian trôi qua, lúc ông huyện về hưu, trong nhà nghèo túng, thiếu trước hụt sau, càng khổ hơn nữa là lúc có người đau ốm không đủ tiền chạy thuốc. Bấy giờ bà huyện phải đem con chuột bằng vàng ra cắt xén từng miếng đem bán lấy tiền sắm sửa trong nhà và sắm ăn mặc. Ông huyện thấy vậy bèn hỏi vợ: -Từ ngày tôi làm quan trở về, gia đình ta càng ngày càng sa sút, lắm khi phải vay nợ, vạy tiền ở đâu bà mua sắm phủ phê thế này? 

Bà huyện không dám giấu nữa, mới thuật rằng: -Lúc đang làm tri huyện, làng xã hay đem của lót nhà mình không nhận, đến sau bất đắc dĩ tôi bảo mình tuổi Tý nên đúc con chuột bằng vàng đem đến may ra nhận được. Nhờ đó, ngày nay tôi cắt xén từng miếng đem đi bán mới có tiền mua sắm trong nhà. 

Nghe bà huyện nói, ông huyện ra dáng suy nghĩ một hồi rồi bảo: -Này bà, sao lúc đó bà không nói tuổi Sửu để bắt họ đúc trâu vàng. Phải chi bà nói vậy bây giờ mình chẳng giàu có à?

Chuyện cười trong ngày

Huấn luyện tốt

Nhà bác học nuôi 2 con chuột, huấn luyện chúng mỗi lúc thèm ăn thì bấm một cái nút nhỏ. Cuối cùng cũng thành công. Một ngày nọ, 2 con chuột nói chuyện với nhau:

- Mày thấy không, mình đã huấn luyện được gã đó, mỗi lúc bấm nút là lại đem đồ ăn đến cho mình!