Wednesday, August 31, 2016

Ngày 31-8-2016 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Điều kỳ diệu của Miguel

Điều kỳ diệu của Miguel 
Sưu tầm trên Net

Khi đang học năm cuối trường Y, khoa chấn thương chỉnh hình, tôi có vinh dự được tham gia chữa bệnh tại El Salvador. Tôi là thành viên của một nhóm gồm 50 bác sĩ tận tụy với nghề tình nguyện cùng tham gia trong chuyến đi kéo dài một tuần lễ này. Chúng tôi chia nhau thành từng nhóm nhỏ và đi đến các nơi để chữa bệnh cho người dân ở đây. Nhóm của tôi đóng quân tại một nhà thờ ở thủ đô San Salvador.

Buổi sáng đầu tiên chúng tôi đến đó trước 8 giờ một chút và thấy có đến cả trăm người xếp thành hàng dài bên ngoài nhà thờ. Có người đã đi xe buýt hơn 4 tiếng đồng hồ để đến đây. Qua tin tức báo đài và cả những lời truyền miệng, họ đã biết được việc này và đã đến chờ đợi để được các bác sĩ tình nguyện khám cho.

 Nhóm 7 người chúng tôi nhanh chóng bày các bàn khám bệnh ra trong một căn phòng nhỏ của nhà thờ. Khi đồng hồ điểm 8 giờ, cánh cửa trước mở ra và hàng người tiến vào bên trong. Ai đến trước thì được khám trước, và cứ một người vừa xong thì người kế tiếp đã xuất hiện ngay. Với tư cách là một bác sĩ thực tập của khoa, mỗi ngày tôi chỉ được khám cho vài bệnh nhân. Nhưng giờ đây tôi phải tăng tốc để có thể khám cho hơn 100 bệnh nhân mỗi ngày. Có đủ thứ loại bệnh tật, từ vẹo cột sống và chấn thương vùng lưng cho đến bệnh tim mạch và cả bệnh tiểu đường.

Trong thời gian ở El Salvador có rất nhiều bệnh nhân đã khiến tôi phải mủi lòng, nhưng đáng nhớ nhất là cậu bé Miguel. Khoảng giữa buổi sáng ngày đầu tiên, một bà mẹ mang cậu con trai mới 6 tuổi đến khám. Vốn tiếng Tây Ban Nha của tôi ít ỏi nhưng với sự giúp đỡ của người thông dịch tôi cũng hiểu được rằng hệ miễn dịch của thằng bé rất yếu. Nó thường hay bị cảm lạnh, bị viêm xoang và viêm phế quản. Mẹ thằng bé rất lo lắng vì nó cứ bị ốm liên tục.

Sau khi khám cho thằng bé tôi phát hiện một đốt sống cổ của nó nằm không đúng chỗ. Tôi nắn lại xương và giải thích cho mẹ bé rằng chúng tôi chỉ ở đây 1 tuần mà bé thì cần phải được nắn xương thường xuyên mỗi ngày, nên bà mẹ đồng ý sẽ mang con lại vào buổi chiều hôm đó và mỗi ngày sau đó bà đều đến. Ngày hôm sau, tôi luôn để mắt tìm thằng bé, nhưng phải sau bữa trưa nó mới đến, gương mặt rạng rỡ và rất vui khi được trở lại. Tôi kiểm tra lại và thấy đốt xương nằm sai vị trí có chuyển biến tốt hơn ngày hôm trước. Tôi lại tiếp tục điều chỉnh đốt xương cổ cho thằng bé và cảm thấy hạnh phúc vì công việc tiến triển rất tốt.

 Ngày thứ ba, tôi lại cảm thấy phấn khích khi Miguel và mẹ của bé trở lại. Không chỉ có Miguel tươi cười mà lần này mẹ nó cũng cười thật tươi. Trông bà ấy có vẻ rất vui sướng và nói liến thoắng khiến người phiên dịch cho tôi phải khó khăn lắm mới theo kịp. Tuy biết rõ những căn bệnh mà Miguel phải chịu đựng nhưng tôi không hề biết đến những khó khăn khác của thằng bé. Người mẹ giải thích rằng thằng bé không nói được vì nó gặp vấn đề trong việc phát âm và không thể ghép nối các từ lại với nhau. Vì không thể giao tiếp được nên thằng bé luôn nhút nhát và khép kín. Và bà ấy rất vui khi bỗng nhiên khả năng giao tiếp của Miguel phát triển lên rất nhiều. Thằng bé bắt đầu nói chuyện như tất cả mọi đứa trẻ lên sáu khác. Nó có thể phát âm đúng và rõ ràng các câu chữ. Giờ đây Miguel có thể kể chuyện, diễn đạt ý nghĩ của mình, và trở lại là một đứa trẻ bình thường.

Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được Miguel và tuần lễ quý giá mà mình đã được làm việc tại El Salvador. Đó thực sự là một niềm vinh dự và một đặc ân khi được làm một thành viên trong đoàn. Mọi người đều chào đón tôi bằng những vòng tay ấm áp và tình cảm nồng hậu. Họ là những người tốt bụng và đáng yêu nhất mà tôi đã từng gặp. Khi rời khỏi nơi này tôi chẳng những mang theo những kỷ niệm đẹp mà còn mang theo cả một túi đầy quà mà những bệnh nhân đã tặng như một lời cảm ơn về những gì mà tôi đã làm cho họ. Mỗi khi nhớ đến Miguel tôi lại nghĩ rằng trong mỗi người chúng ta đều ẩn chứa điều kỳ diệu nào đó và nó chỉ chờ một ngày được ai đó khám phá.

Những chuyện ngụ ngôn hay

Mèo và Cáo

Mèo chuyện trò với cáo và xem làm cách nào để tránh được lũ chó. Mèo bảo:
- Tôi không sợ chó, bởi vì tôi có một mẹo tránh chúng.
Còn cáo nói:
- Làm sao có mỗi một mẹo thôi mà tránh được chó? Tôi có tới bảy mươi bảy mánh lới và bảy mươi bảy cách đánh lừa kia.
Trong lúc đôi bên trò chuyện, những người thợ săn ở đâu đi tới và một đàn chó ào theo. Mèo chỉ có một mẹo: nó nhảy phắt lên cây, thế là đàn chó không bắt được mèo; còn cáo giở đủ các ngón mánh lới của mình ra nhưng cũng không thoát, đàn chó tóm cổ được cáo

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

LÀ NGƯỜI HAY LÀ PHẬT?



 Hòa thượng Từ Phong Hải Quýnh (1728-1811) là truyền nhân đời thứ ba phái Liên Tông thuộc dòng Thiền Lâm Tế Việt Nam.

 Năm 16 tuổi, sư đến chùa Liên Tông đảnh lễ Thiền sư Tính Dược xin thế độ. Tính Dược bảo:

- Ngươi thân như mọi rợ đâu kham lãnh đại pháp?

Sư đáp:

- Thân tuy mọi rợ mà tâm đồng Phật Tổ.

Tính Dược bảo:

- Ta hỏi một câu ngươi đáp được thì độ cho, bằng không đáp được, cho một tiền đi tìm thiện tri thức khác.

Sư đáp:

- Thỉnh hòa thượng hỏi.

Tính Dược hỏi:

-Ngươi là người hay là Phật? Là thật hay là giả?

Sư đáp:

- Người Phật vốn không, huống hồ là có thật giả.

Tính Dược khen:

- Hay lắm! Ngươi liễu đạo vậy.  

Chuyện xưa tích cũ - La Sơn Phu tử

LA SƠN PHU TỬ
Tác giả: Sơn Nam & Tô Đình Nguyệt


Cuối đời nhà Lê, ở huyện La Sơn xứ Nghệ An (nay là tỉnh Hà Tĩnh) có một nhân tài lỗi lạc đã từng được vua Quang Trung Nguyễn Huệ mời làm quân sư. 

Đó là ông Nguyễn Thiếp. 

Năm được hai mươi tuổi, cụ mắc bệnh điên. Về sau bệnh không còn, nhưng cụ đặt hiệu mình là Cuồng Ẩn (hoặc Điên Ẩn). Cụ thi đậu nhưng không thích làm quan, rút lui về tu tiên tại núi Thiên Nhận. 

Nghe danh cụ, Nguyễn Huệ ba lần gởi thơ mời giúp việc nước, nhưng cả ba lần đều bị từ chối. Sau rốt, cụ chịu hiệp tác với nhà vua, khuyên vua ba điều: 
QUÂN ĐỨC: nghĩa là vua phải làm thế nào cho có đức. DÂN TÂM: nghĩa là làm thế nào cho dân ủng hộ. HỌC PHÁP: nghĩa là cách học hành kinh sử cho đúng đắn. 

Năm cụ được sáu mươi tuổi, bọn Tôn Sĩ Nghị kéo quân Thanh tràn vào chiếm Thăng Long. Vua Quang Trung bèn xua binh ra Bắc. Lúc đi ngang Nghệ An, nhà vua bèn triệu cụ để hỏi: -Nghe thầy tinh tường về khoa lý số lại hay về mưu lược. Nay Tôn Sĩ Nghị nó sang, thầy nghĩ chước nào? 

Cụ Nguyễn Thiếp thưa rằng: -Quân quý thần tốc. Người Mãn Thanh ở xa tới không biết rành tình hình nước ta. Vả lại chúng nó có bụng khinh địch. Nếu đánh gấp thì trong vòng mười ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn thì khó lòng mà thắng chúng nó. 

Vua Quang Trung nói: -Phải, phải. Tôi nay ra Bắc Hà đánh nó cho chết. Tôi mà dẹp được giặc Tàu xong thì xin rước thầy ra dạy học. Tôi muốn khí dụng gì cũng chẳng mua của nước Tàu, người mình tự làm lấy mà xài. 

Cụ Nguyễn Thiếp thưa rằng: -Chỉ có thuốc Bắc là phải dùng của Tàu mà thôi! 

Quân Mãn Thanh phải tan vỡ ở Đống Đa. Về sau, vua gởi thơ cho cụ để cảm tạ: -Tiên sinh đã chịu làm việc cho thiên hạ. Người xưa bảo: “Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ.” Lời Tiên sinh hẳn có thế thật. 

Ý của vua Quang Trung là nhìn nhận cụ đã có công trong việc chiến thắng quân Tàu. 

Cụ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp thọ được tám mươi mốt tuổi. Nay ở xã Nam Kim, tỉnh Hà Tĩnh còn ngôi mộ cụ.

Chuyện cười trong ngày

OAN !!!

Ai cũng biết là Việt Nam, Lào là anh em.

Nhưng một sự thật phũ phàng là: Cái gì tệ ở Việt Nam cũng gán cho cái mác Lào. - Đôi dép mang gớm nhất, rẻ nhất là đôi dép Lào (15k 2 đôi). - Bệnh thì có bệnh lang ben, hắc Lào. - Cái thứ thuốc hút gớm nhất cũng là thuốc Lào. - Cơn gió khắc nghiệt nhất cũng gọi là gió Lào.

Và ...... Có một ông doanh nhân nọ người Lào sang Việt Nam làm việc cũng đã lâu. Trong một chuyến đi công tác Hà Lội, trên xe buýt, ông ta ngồi chung với 1 người Hà Lội. Sau khi đến trạm dừng, người Hà Lội kia phát hiện là đôi dép mình không cánh mà bay. Ông ta la lên:

-" Thằng lào, thằng lào nấy ?" .

Tuesday, August 30, 2016

Ngày 30-8-2016 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Một câu chuyện yêu đương

Một câu chuyện yêu đương

 Chàng và nàng rất trẻ,họ mới lấy nhau được 2 năm. Chàng vốn theo nghề chụp hình,nhưng say mê văn chương. Ngày lại ngày chàng cặm cụi viết sách, tuy rằng sách của chàng nằm dưới lớp bụi trên kệ ở các cửa hàng sách. Chàng rất yêu và chiều theo ý nàng. Thế rồi 1 ngày nọ... - 
Nàng bảo chàng : "Anh đi chụp hình đám cưới con bạn em. Nó hứa trả công hậu đấy". 
- Chàng đáp :"Bữa đó anh có hẹn với 1 nhà xuất bản. Em nói với bạn em chịu khó mời người khác".
 - Nàng bĩu môi :"Anh bớt viết đi.Có ai đọc văn anh đâu". 
- Chàng đáp : "Rồi 1 ngày nào đó, người ta sẽ nhìn nhận những gì anh viết".
 - Nàng xì 1 tiếng :"Em chẳng quan tâm tới chuyện đó. Nhưng dứt khóat anh phải chụp hình đám cưới của bạn em".
 - Chàng : "Em nghĩ lại đi".
Cuộc tranh luận của họ chấm dứt với lời tuyên chiến của nàng : "Cho anh 3 ngày để suy nghĩ, nếu không ..." 
Ngày thứ nhất. Nàng "đình công". Bếp núc nguội ngắt,tủ lạnh trống trơn. Quần áo dơ nằm chỏng trơ trong phòng tắm. Máy thu hình, máy tính, dàn hifi...bị nàng nhét xuống kho. Để tỏ lòng "nhân từ", nàng để lại chiếc giường đôi cho cả 2. Chàng vẫn chúi mũi vào những trang giấy viết dở. Trong túi chàng còn 1 ít tiền.
 Ngày thứ nhì. Nàng tiến hành lục soát và chỉ để lại cho chàng cái túi trống rỗng và mội mẩu giấy cảnh cáo : "Chớ có dại cầu viện từ bên ngoài, nếu ko hậu quả sẽ thê thảm hơn đó".Quả tình chàng đã lo lắng. Buổi tối,chàng năn nỉ nàng nhưng vô vọng. Nàng muốn chàng phải tuyệt đối tuân theo ý nàng. Đêm thứ ba. Chàng nằm quay mặt về một phía, nàng ngoảnh mặt nhìn sang phía khác.
 - Chàng : "Chúng ta cần nói chuyện...". 
- Nàng : "Trừ phi là chuyện chụp hình đám cưới...".
 - Chàng : "Chuyện rất quan trọng". - Nàng im lặng
 - Chàng : "Anh đã gặp một cô gái". Nàng kô tin vào tai mình. Nàng muốn vùng dậy tát cho chàng một cái, nhưng cố nén chờ chàng nói hết. Chàng rút từ trong ngực áo ,chỗ trái tim chàng, một tấm hình. Mắt nàng nhòe lệ nghĩ, sao hôm qua mình quên lục chỗ đó nhỉ.
 - Chàng : "Cô ấy rất đẹp và nhân hậu".
 Trái tim nàng tan nát khi biết rằng có tấm hình của 1 người con gái khác ở bên trái tim chàng.
 - Chàng:"Cô ấy hứa sẽ giúp anh thực hiện ước vọng văn chương". 
Nàng giật mình bởi trong quá khứ, chính nàng cũng đã từng hứa như vậy.
 - Chàng:"Cô ấy rất yêu anh". 
- Nàng ngồi bật dậy và quát to :"Bộ em ko yêu anh hay sao?". 
- Chàng:"Anh nghĩ là cô ấy sẽ ko ép anh phải làm những điều anh ko muốn". 
- Nàng giận lắm. Chàng chìa bức hình cho nàng:"Em có muốn biết mặt cô ấy ko?". 
 Nàng hất mạnh tay chàng. Chàng thở dài cất tấm ảnh sau ngực áo. Nàng bật khóc. Chàng tắt đèn nằm xuống. Nàng chong đèn ngồi một mình. Chàng dường như ngủ say thở đều đều. Nàng thao thức. Nàng hối hận vì cách đối xử với chàng. Nàng sẽ ko bắt ép chàng phải nhất nhất theo ý mình.Nàng muốn đánh thức chàng và nói với chàng những lời thật âu yếm. Nhìn vào ngực áo chàng, nàng muốn biết cô gái kia ra sao.Nàng nhẹ nhàng đưa tay rút tấm ảnh.Chợt nàng bật cười rồi liền đó òa khóc. Người trong ảnh không ai khác chính là nàng.Nàng khẽ hôn lên má chàng đang giả vờ ngủ.

Những chuyện ngụ ngôn hay

Các cậu bé và người hàng thịt

Hai cậu bé vào cửa hàng mua thịt. Trong khi người bán thịt còn đang lăng xăng, một cậu vớ lấy miếng thịt bỏ vào ngực cậu kia. Người hàng thịt quay lại thấy mất miếng thịt và qui cho họ đã đánh cắp. Nhưng cậu bé đã lấy miếng thịt liền thề có chư thần chứng giám là cậu không hề có miếng thịt trong người. Còn cậu giấu miếng thịt cũng thề có chư thần chứng giám là chính cậu không hề lấy miếng thịt. Người hàng thịt đoán ra mưu kế của họ và lên tiếng: "Nay các cậu thoát khỏi tay ta bằng những lời thề giả dối nhưng đừng hòng thoát khỏi tay chư thần.

Truyện ngụ ngôn này chứng tỏ rằng một lời thề giả dối bao giờ cũng bất chính dù có che đậy nó thế nào đi chăng nữa.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

ĐƯỜNG ĐẾN NIẾT BÀN

Một ông tăng hỏi hòa thượng Càn Phong:
- Chư bậc Đại Tự Tại mười phương đều do một đường thẳng đến Niết bàn. Dám hỏi con đường ấy bắt đầu từ đâu?
Càn Phong lấy gậy vạch một đường trên mặt đất, nói:
- Ngay đây.

Chuyện xưa tích cũ - Ăn trầu ngắc đuôi

ĂN TRẦU NGẮT ĐUÔI

Tác giả: Sơn Nam & Tô Đình Nguyệt

Thuở ấy, ở xóm kia có chàng thanh niên và cô thiếu nữ rất xứng đôi vừa lứa. Cha mẹ của đôi bên đều bằng lòng kết tình thông gia nhưng chưa nói cho con mình biết. 

Vì quá yêu nhau, hằng đêm cô thiếu nữ lén mở cửa phòng rước cậu trai vào tự tình. Mãi đến gà gáy hừng đông, cậu trai mới ra về. Cứ như vậy ngày này qua tháng kia. 

Buổi tối, trước khi về, cậu trai ao ước được ăn một miếng trầu. Nhìn trong khay thấy hết trầu, cô thiếu nữ liền chạy ra vườn hái một lá đem vô, têm vôi, mời chàng. Dè đâu miếng trầu nhai chưa dập là chàng nọ ngã lăn, trào đờm rồi chết. Hoảng hốt, nàng tri hô lên. Quan làng chạy lại khám xét tử thi, thấy nhiều đốm đỏ loang khắp mình. 

Thế là cô nọ bị bắt giam để xét hỏi về tội bỏ thuốc độc giết người. Cô cứ một mực kêu oan. Cuộc tra tấn kéo dài, lần lần cô trở nên ốm o gầy mòn, gần chết trong ngục. 

May sao, có ông quan Án đi qua. Quan Án hỏi cô: -Đầu đuôi tự sự như thế nào? Mi phải khai rõ rệt. 

Cô nọ nói sự thật. Nghe xong, vị quan suy nghĩ, gật đầu. Ông đi ra ngoài vườn xem kỹ lưỡng từng lá trầu trên nọc. Ông chú ý: ở mấy lá sát gốc đều dính một chất gì nhớt ngay chót đuôi lá, giống như là con ốc, con sên bò qua nhả nước miếng. 
Nhưng không thấy con ốc, con sên nào cả! 

Ông quá tức trí, ra lệnh đào dưới đất, ngay nọc trầu. Đào xuống thật sâu, bỗng nghe tiếng khè khè. Rõ ràng là con thuồng luồng nằm khoanh trong hang. Dân chúng chạy tứ tán. 

Ông quan nói: -Con thuồng luồng này hằng đêm lén bò lên mặt đất để kiếm nước uống. Vì quá khát nước, nó phải liếm mấy giọt sương mù ở chót đuôi mấy lá trần gần dưới đất. Nọc con thuồng luồng dính lại trên lá nên gây chết người. Cô gái này bị hàm oan. 

Chòm xóm nhìn nhận lời vị quan nọ là chí lý, tài trí như Bao Công thuở trước. Từ đó về sau, trước khi têm trầu, ai nấy đều ngắt chót đuôi lá vì sợ nọc con thuồng luồng. Bây giờ giống thuồng luồng không còn, nhưng thói quen của con người hãy còn.

Chuyện cười trong ngày

Bạn khi hoạn nạn

Hai người bạn cùng đang đi săn trong rừng. Bỗng nhiên, họ bị một con gấu to tấn công. Một người lập tức cúi xuống buộc nhanh lại dây giày. Người kia thấy thế liền nói :

- Vô ích thôi ! Có buộc dây giày cho chắc thì cũng không chạy nhanh hơn con gấu đâu.

Anh chàng kia đã buộc xong dây giày, vừa cắm đầu chạy vừa trả lời:

- Không !Tôi chẳng cần chạy nhanh hơn con gấu làm gì. Tôi chỉ cần chạy nhanh hơn anh là đủ !

Monday, August 29, 2016

Ngày 29-8-2016 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Cơ hội

Cơ hội
Sưu tầm trên Net

Hai mắt đẫm lệ, tôi nằm trên giường bệnh nhìn chăm chăm ra bầu trời tháng Mười lạnh giá. Hôm đó là ngày cưới của tôi - ngày mà tôi mong chờ từ rất lâu rồi. Đáng lẽ giờ này tôi đang bước vào lễ đường trong bộ váy trắng tinh của cô dâu. 

Tôi quen với Yates được 6 năm, suốt thời trung học cho đến khi lên đại học. Chuyện tình của chúng tôi ai cũng biết, và đây là mối tình đầu của cả hai đứa. Nhưng rồi chúng tôi phát hiện ra cả hai đều có những giấc mơ của riêng mình và một phần cũng do còn quá trẻ con và khờ dại, thế là chúng tôi chia tay nhau.

Trong suốt mười năm, tôi và Yates sống hai cuộc đời khác biệt, ở hai nơi khác biệt. Trải qua nhiều cuộc tình đổ vỡ và nhiều lỗi lầm trong cuộc sống, chúng tôi bỗng thấy cuộc đời mình thật trống rỗng. Rồi sau gần mười năm không tin tức, Yates đã liên lạc với tôi thông qua mẹ tôi. Chúng tôi gặp lại nhau để rồi nhận ra là hai đứa không thể sống thiếu nhau. Ba tháng sau, chúng tôi đính hôn. 
Vào một ngày tháng Mười đẹp trời, chồng chưa cưới của tôi ngồi bên giường bệnh cầm lấy tay tôi vuốt ve, an ủi. Chúng tôi đã không thể cùng nhau bắt đầu một cuộc hành trình mới.
Hai ngày trước đó, số phận không may đã mang tôi vào bệnh viện với một chiếc xương chậu, một chiếc xương đòn và vài cái xương sườn bị gãy. Và sau đó là mất hàng giờ gọi điện thoại để hoãn lại tất cả những dịch vụ đặt trước, và để thông báo cho bạn bè và người thân. Mỗi lần nhớ lại cảnh chiếc xe tải, bất chấp cái biển báo dừng, chạy tông vào xe tôi, hất tung tôi ra vệ đường làm tôi bất tỉnh là tôi như muốn nổi điên.

 Chúng tôi đã nghĩ đến việc tổ chức hôn lễ ngay trong nhà thờ của bệnh viện theo đề nghị của một mục sư, người đã lái xe gần 500 cây số đến để làm lễ cho chúng tôi. Nhưng tôi ao ước được chia sẻ ngày vui trọng đại này với những người thân và bạn bè của mình. 

Tại sao lại là tôi chứ? Tôi đã làm gì để đáng bị như vậy? 

Nhưng rồi không hiểu sao tôi cảm thấy những tấm thiếp mời, những kiểu trang trí tiệc mà tôi đã cất công chuẩn bị trước đây bỗng trở nên tầm thường. Sao tôi phải tốn hàng giờ đồng hồ miệt mài bên đống dây nhợ đủ màu sắc để chuẩn bị cho một việc hão huyền như vậy? 

Hiện tại, điều quan trọng nhất là tôi còn được sống, có chồng chưa cưới ở bên cạnh và còn có cả một tương lai đang chờ đón.

Giờ đây, đối với tôi, hôn nhân có một tầm quan trọng hoàn toàn khác. Chúng tôi đã trải qua những điều tồi tệ nhất trước khi cùng nhau trao lời thề hôn ước, đó chính là những thử thách của tình yêu mà chúng tôi phải vượt qua. 

Bất chấp lời cảnh báo của bác sĩ, chỉ một tháng sau tôi đã có thể tự mình đi lại được. Tôi mang trong mình một nguồn sinh lực và mục đích sống hoàn toàn mới: tôi muốn tự mình đi vào lễ đường, làm lễ kết hôn với người đàn ông đã chăm sóc, an ủi tôi, giúp tôi vượt qua những cơn đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần trong suốt nhiều tuần qua. 

Cuối cùng thì tôi và Yates cũng là của nhau.

Ba tháng sau tai nạn, giờ tôi đang ngồi trong phòng cô dâu ở giáo đường thánh Mary, hồi hộp chờ đợi giây phút trọng đại của đời mình. Một trận mưa tầm tã, đầy sấm chớp trút xuống bên ngoài giáo đường. Tôi chợt mỉm cười, thầm nghĩ. Đến Thượng đế cũng cảm động đến rơi lệ và lên tiếng chúc mừng cho ngày cưới của chúng tôi.

 Những vết sẹo trên người tôi là những minh chứng gợi nhắc cho tôi về sự mong manh giữa sự sống và cái chết. Tôi quả là may mắn. Nếu không có việc này xảy ra, có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết được rằng: không phải có một ngày cưới tuyệt vời là sẽ có một cuộc hôn nhân hoàn hảo, mà chính sức mạnh tình yêu của hai người sẽ làm cho mỗi một ngày đều là ngày tuyệt vời nhất.

Những chuyện ngụ ngôn hay

Hai con gà trống

Có hai con gà cùng một gà mẹ sinh ra và nuôi dưỡng. Khi lớn lên, đủ lông đủ cánh trở thành hai con gà trống, chúng lại hay cãi vã nhau. Con nào cũng tự cho mình đẹp đẽ, oai phong hơn, có quyền làm Vua của Nông Trại. 

Một hôm sau khi cãi nhau, chúng đánh nhau kịch liệt, định rằng hễ con nào thắng sẽ được làm Vua của Nông Trại. Sau cùng, dĩ nhiên một con thắng và một con bại. 

Con gà thắng trận vội nhảy lên hàng rào, vỗ cánh và cất tiếng gáy vang, ca tụng sự chiến thắng của mình. Chẳng ngờ tiếng gáy của con gà làm một con chim ưng khi bay ngang qua đấy chú ý đến. Thế là, con chim ưng xà xuống bắt con gà thắng trận mang đi mất. Trong khi đó con gà bại trận vẫn còn nằm thoi thóp thở

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

PHÂN TRÂU CŨ ĐI ĐÂU CŨNG VẬY



 Một viên quan nhỏ đã tiêu phí phần lớn đời mình làm thị vệ phục vụ hoàng đế trong hoàng cung. Khi đã lớn tuổi, ông ta bắt đầu ghét những tranh biện nhỏ nhen và sự dùng mưu kế để tranh đoạt địa vị .

 Đến khi về hưu, ông ta ly dị bà vợ vô tích sự và dời đến một ngôi chùa Thiền nào càng xa kinh đô càng tốt.

Ông ta tự hứa với mình: “đây, không có những ti tiện nhỏ bé của bản tánh con người, nếu không giác ngộ thì ta cũng được yên tĩnh.”

 Đến khi ở trong chùa, ông ta thấy mình lên chức nhanh chóng trong hệ thống đẳng cấp; những kỹ năng cũ trong đời sống cung đình lại dự phần ở đây

 Mười một tháng sau, ông ta dọn ra khỏi chùa và đến ở trong một sơn động đạm bạc. Khi có người hỏi lý do, ông

ta giải thích: “Phân trâu cũ đi đâu cũng vậy.”

Chuyện xưa tích cũ - Cá Thần và Cá Ma

CÁ THẦN VÀ CÁ MA
Tác giả: Sơn Nam & Tô Đình Nguyệt

Ở Hậu Giang, thỉnh thoảng chúng ta còn nghe truyền tụng nhiều giai thoại về loại cá to ở sông Cái (Hậu Giang). 

Tại rạch Cái Tắc (Cần Thơ) có cặp cá vồ cờ to lớn khác thường. Thỉnh thoảng cá nổi, cái cờ to nhô lên khá cao (kỳ = cờ), cá tới đâu là cái cờ rẽ nước như nổi sóng. Lát sau, cá lặn mất. Người ta cho rằng cá ở hang ngoài sông Cái, nếu xuất hiện là đem điềm dữ cho dân chúng. 

Sở dĩ có sự mê tín ấy vì từ xưa, thiên hạ đồn đãi rằng sông rạch là khu vực do Hà Bá cai quản (cũng như Long vương cai quản ngoài biển cả). Cá to lớn quá mức trung bình phải chăng là binh tướng của Hà Bá? Ai đụng chạm hoặc giết cá nọ thì xúc phạm đến người khuất mặt. 

Cặp cá vồ ở Cái Tắc nổi lên, tình cờ trong lúc cha con lão nọ vừa quăng chài xuống. Đôi cá dính trong miệng chài, cựa quậy rồi chạy trốn. 

Lúc mất bình tĩnh, lão nói với con: -Giữ cái chài, buộc vô ghe!

Thế là đôi cá kéo cái chài và chiếc ghe, dân chúng hai bên bờ đứng xem, ngạc nhiên. Cá quá mạnh kéo chiếc ghe chạy nổi sóng. 

Lão chài kêu cứu. Có người đưa sáng kiến: -Chặt bỏ sợi dây. Đừng tiếc cái chài mà mang họa. 

Lão làm y lời. Hai con cá nọ lặn xuống đáy sông mất dạng. Về sau, cặp cá này bị bắn, theo lời đồn đãi thì trong bao tử cả có vòng vàng, chuỗi hột chứng tỏ nó đã ăn thịt người. 

Ở Cần Thơ, còn giai thoại khác về cá vồ ma. Ông lão nọ nuôi hai hầm cá, một dành cho các vồ, một dành cho cá trê trắng. 

Là người giàu có, ông để bầy cá sống nhiều năm, cá lớn thì bán có giá hơn. Gần hai ao này, bấy lâu dân trong xóm đem thân nhân tới chôn cất vì vùng đất trống trải, thuộc về công điền. 

Năm mười năm sau, gia đình ông lão gặp nhiều tai biến xảy ra liên tiếp: vợ chết, con đau ốm. Đêm khuya thanh vắng, nơi ao cá nhiều bóng dáng ma quái chập chờn, kèm theo là tiếng kêu hú. 

Một thầy địa lý đi ngang qua, xem kỹ hai hầm cá vồ và cá trê rồi lắc đầu: -Cá đã thành ma, nên bán gấp. 

Lái cá đến nơi, chịu giá và chủ nhà bán với giá rẻ mạt. Hôm sau, chủ nhà cho bốn người bạn tát nước. Lạ thay, khi nước gần cạn ao thì bao nhiêu cá đều biến mất. 

Lái cá nói: -Như vậy là chủ nhà gạt tôi để lấy tiền cọc! 

Chủ nhà cãi lại: -Hôm qua, dưới ao cá lội nhung nhúc, tôi bắt lên để làm gì? Làm sao tôi bắt hàng mấy trăm con cá, khi nước còn lễnh lãng dưới ao? May rủi thì chú chịu. Tôi cũng chịu lỗ như chú. 

Mấy ông kỳ lão nghe chuyện lạ bèn tới nơi rồi bày ra sáng kiến: -Chủ nhà thắp nhang khấn vái người khuất mặt, họa chăng là bầy cá trở về. 

Đêm sau, cá trở về đầy ao. Chủ nhà và chú lái vô cùng mừng rỡ. Cá đã xuống ghe nhưng khi tách bến một đỗi thì ai nấy la hoảng: -Cá biến mất rồi! 

Lại xảy ra chuyện thắc mắc giữa chủ nhà và chú lái. Thắp nhang khấn vái không đem lại kết quả nào cả. Chủ nhà đành tát ao cá trê để bồi thường cho chú lái đến mua cá vồ. 

Chuyện “cá vồ ma.”được loan truyền từ đó. 

Cá tra, cá vồ, cá hô đều là loại ở sông Cái, từ Biển Hồ (Cao Miên) tràn xuống. Người Việt Nam ta vì ở xa nên chưa gặp những con cá ở Biển Hồ. Ba loại kể trên rất to, nếu sống lâu năm. Chúng tôi xin nêu vài con số: 
Cá tra, bề dài từ sáu tấc tây đến tám tấc tây, bề cao hai tấc, bề ngang bai tấc rưỡi hoặc ba tấc. Cá vồ lớn hơn cá tra, dài tối đa là hai thước tây, trung bình là một thước hai hoặc một thước ba. Cá hô, dài từ một thước tám đến hai thước, lúc nhỏ thì đuôi và kỳ màu hường, lớn nhiều năm thì đổi ra màu đen. 

Đối với người ở Biển Hồ, thì con các vồ dài non hai thước chẳng có gì là lạ. Ở xứ ta, vài con cá to từ Biển Hồ trôi xuống hoặc lớn nhờ nuôi lâu năm lại trở thành chuyện hoang đường, căn cứ vào giả thuyết “sống lâu năm thành tinh.” từ con cọp, con sấu đến con cá!

Chuyện cười trong ngày

Thiên thần

Bé hỏi mẹ:

- Mẹ ơi, có phải các thiên thần có cánh và biết bay không mẹ?

- Đúng rồi con yêu.

- Hồi sáng lúc mẹ đi chợ, con nghe bố gọi chị giúp việc là thiên thần. Thế bao giờ thì chị ấy bay?

- Ngay bây giờ đây, con ạ!

Sunday, August 28, 2016

Ngày 28-8-2016 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - ÔNG TIẾN SĨ MỌC LÔNG DÊ

ÔNG TIẾN SĨ MỌC LÔNG DÊ

Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Tại đất Hiệp Hữu có người họ Lê đã đỗ tiến sĩ, sống một đời vinh hiển ơn vua lộc nước. Tuy sống trong cảnh giàu sang nhưng ông tiến sĩ này thường vương vấn nỗi buồn riêng. Nơi lưng ông tự nhiên mọc ra những chòm lông trắng bệch như lông dê, đem hớt đi, nó lại mọc ra nhiều như thường. Người trong trấn đều biết chuyện nên ngầm gọi ông là Tiến sĩ mọc lông dê.

Buồn bã, ông tiến sĩ tắm rửa sạch sẽ rồi lập trai đàn và đi thiếp xuống âm ty, tìm xem kiếp trước mình đã làm những gì mà kiếp này lại mọc lông dê để cho người đời biếm nhẻ. Khi tới âm cung, ông tiến sĩ được Diêm chúa tiếp rước niềm nở và cho biết kiếp trước ông tiến sĩ là một thư sinh tánh ưa hoa nguyệt, lúc chết Diêm đình định bắt đầu thai làm con dê, nên quỷ sứ bắt tới pháp đình lấy bộ da dê để tròng vào, sắp sửa cho đi đầu thai bỗng thấy pháp quan ngăn lại nói rằng: sau khi tra sổ bộ thấy ông cũng có làm nhiều việc nhân đức cứu người. Vậy nên bỏ lót dê mà cho tái sinh làm người được đỗ đạt hiển vinh.

Vừa nghe pháp quan nói vậy, ông mừng rỡ vội vã tuột lớp dê chạy đi, chẳng ngờ tên quỷ sứ lẹ tay hơn ông, nắm bộ da dê mà giựt, vì ông chạy quá mau bên bộ da dê rách toác vướng lại trên lưng mấy mảnh, thành ra kiếp này phải chịu mọc lông dê.

Lê tiến sĩ nghe xong nửa mừng nửa tủi, mới hỏi Diêm chúa phải làm cách nào để gột sạch những lốt lông dê. Diêm chúa tiễn ông ra về bảo rằng: hãy rán tu nhân tích đức, làm lành cứu nhân độ thế thì tự nhiên lông dê sẽ rụng hết.

Trở lại dương trần, từ đó ông tiến sĩ hết lòng lo việc thiện; cứu giúp những người nghèo khó, khuyên răn những kẻ ác gian, lập trai đàn, cất chùa miễu thờ phụng thánh thần. Đến năm sáu mươi tuổi, tự nhiên những mớ lông dê biến đi đâu mất.

Những chuyện ngụ ngôn hay

Mụ đàn bà và con gà mái

Gà mái nọ mỗi ngày đẻ một trứng. Mụ chủ của nó nghĩ là cho gà ăn nhiều hơn, nó sẽ đẻ hai trứng một ngày. Mụ làm như vậy. Nhưng gà béo ú ra và hoàn toàn tịt đẻ.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Ðúng Và Sai

Trong những tuần an cư để thiền định của Bankei , nhiều đệ tử khắp nơi trên đất Nhật đến theo học . Trong những cuộc tụ tập này , có một anh đệ tử bị bắt quả tang về tội ăn cắp . Việc này được trình lên Bankei với lời yêu cầu là phải trục xuất tội phạm . Bankei làm ngơ vụ này .

Sau đó , người đệ tử này lại bị bắt trong một hành vi tương tự , và Bankei cũng bỏ qua luôn . Việc nà làm cho những người đệ tử nổi giận , họ làm tờ khiếu nại hành động xấu của kẽ ăn cắp , và tuyên bố rằng nếu không họ sẽ bỏ đi nơi khác .

Bankei đọc xong lời khiếu nại , ông gọi tất cả mọi người đến và nói với họ :

_ “ Các anh là những người khôn ngoan . Các anh biết việc gì đúng , việc gì không đúng . Các anh có thể đến nơi nào khác để học nếu các anh muốn . Nhưng người anh em đáng thương này không biết phân biệt đúng sai . Nếu tôi không dạy thì ai dạy cho anh ta . tôi sẽ giữ người anh em này lại dù cho tất cả các anh em bỏ đi hết “ .

Một suối nước mắt chảy xuống rửa sạch khuôn mặt người đệ tử ăn cắp . Tất cả lòng ham muốn ăn cắp biến mất .

Điển Hay Tích Lạ - Nợ như chúa Chổm

Nợ như chúa Chổm

Vào thời nhà Lê, có một ông quan lớn trong triều tên là Mạc Đăng Dung có chí muốn cướp ngôi vua. Nhà vua biết được tin đó nhưng thế lực của Mạc rất lớn: ông ta cầm binh quyền, bè đảng lại đông nên không thể làm gì được. Cuối cùng nhà vua cất lẻn trốn đi nhưng chẳng được bao lâu đã bị Mạc Đăng Dung bắt đem về giam lại. Hồi ấy ở trại giam có một cô hàng rượu vẫn thường gánh rượu đến bán cho lính canh ngục. Một hôm, cô hàng đưa rượu vào bán, thấy có một phạm nhân mới mặt mũi khôi ngô bị giam riêng ra một nơi. Khi biết người đó làm vua, cô hàng có ý muốn làm quen. Mỗi lần bán rượu cho ngục tốt nàng đều rót rượu cho vua uống. Dần già giữa hai người một mối tình nhóm lên. Một hôm cô hàng cất một mẻ rượu rất ngon lại có pha thuốc mê đem đến chuốc cho quân canh. Chờ cho họ nằm gục xuống, nàng bèn vào tình tự với vua. Từ đó cô hàng rượu có thai. Nhà vua biết mình không thoát khỏi bàn tay tàn bạo của Mạc, bèn giao ấn ngọc lại cho nàng và nói:

-Nàng hãy giữ vật này làm tin, nếu sau này đẻ con trai, sẽ có ngày nó phục thù cho cha. Không bao lâu, nhà vua quả bị họ Mạc sai người vào ngục giết chết. Tất cả hoàng hậu, thái tử, công chúa, phi tần của vua đều chịu chung số phận. Xong việc đó, Mạc chiếm lấy ngôi Lê làm vua nước Đại Việt. Cô hàng rượu được tin không còn hồn vía nào nữa. Nàng trốn đi nơi khác làm thuê làm mướn, sống một cuộc đời lẩn lút. Đủ ngày đủ tháng, nàng sinh được một người con trai đặt tên là Chổm. Lớn lên, Chổm được vào chùa ở với sư cụ Thạch Toàn học kinh kệ. Hắn rất sáng dạ nhưng phải cái nghịch ngợm thì không ai bằng. Một hôm đi chơi về đói, Chổm thấy trước tượng Mụ Thiện có bày một mâm bồng đầy chuối và quýt. Anh chàng rón rén đến bệ, bịt mắt Mụ Thiện lại và bẻ chuối ăn. Bất đồ sư cụ ở đâu đi vào trông thấy liền nọc cổ Chổm ra đánh.

Chổm tức lắm, chờ lúc sư đi vắng lấy giấy viết mấy chữ "Mười tay, mười mắt không giúp được gì cho ta. Thật là vô ích. Phải đày đi phương xa". Viết xong dán vào ngực Mụ Thiện. Đêm hôm ấy sư cụ tự nhiên mộng thấy Mụ Thiện bảo mình rằng: "Nhà vua đói nên mới ăn, sao lại đánh ngài để ngài đuổi ta đi? Phải mau mau tìm cách xin lỗi ngài, để ngài tha cho ta". Tỉnh dậy, sư cụ rất phân vân, mới gọi chú tiểu Chổm vào kể chuyện cho biết và bảo bóc giấy đi. Sư cụ hỏi anh chàng: "Cha mày đâu?". Chổm đáp: "Tôi lớn lên chưa từng nghe nói có cha". Sau đó Chổm trở về hỏi mẹ: "Cha con đâu?". Mẹ sợ không dám nói sự thật cho con biết, đáp: "Cha con là họ Lê, bị hổ ăn thịt chết rồi". Nghe nói Chổm rất buồn. Từ hôm đó anh chàng lập tâm giết hổ để báo thù cho cha.

Một hôm, Chổm vào rừng chơi, thấy một con hổ đang ngủ dưới gốc cây, liền rón rén cầm một hòn đá lớn ném mạnh vào đầu hổ, hổ vỡ óc chết tươi. Đang nắm đuôi hổ lôi về thì Chổm bỗng gặp một con hổ khác xông ra. Chổm sợ quá, quẳng xác hổ cắm đầu chạy. Nào ngờ khi hổ sắp đuổi kịp thì tự nhiên có một ông già tay cầm côn sắt ở trong rừng hiện ra đánh chết con hổ dữ. Chổm thoát chết, sụp lạy ông già. ông già trao cho chàng cái côn, bảo: "Con hãy học một ít miếng võ để mà hộ thân". Chổm sung sướng vâng lời. Dạy xong, ông già cho Chổm cái côn rồi đi mất. Từ đó, Chổm dùng côn làm vũ khí tùy thân. Một hôm đi qua một cái miếu, nghe đồn có nhiều yêu quái hại người, Chổm bèn cầm côn trèo tường nhảy vào tìm yêu quái. Một lát, ở trong hang sâu bò ra một con rắn lớn mắt sáng như sao, miệng phun khí độc toan vồ lấy Chổm. Chổm giơ thần côn vụt lấy vụt để vào đầu rắn. Rắn chết, từ đó trong xóm được yên ổn. Hai mẹ con Chổm về sau thấy yên lại trở về chốn cũ. Hàng ngày anh chàng đi kiếm củi hoặc làm thuê làm mướn nuôi mẹ. Những lúc bụng đói, Chổm thường vào ăn cơm hay mua thức ăn ở các quán cơm tại cửa ô. Hàng nào được Chổm vào ăn là hôm đó bán đắt như tôm tươi, còn các hàng khác chỉ ngồi xua ruồi. Người ta cho là Chổm nhẹ vía nên hàng nào cũng muốn mời anh ta vào ăn, dù bán chịu cũng được. Chổm được thể ngày nào cũng đánh chén hoang toàng và tiêu pha bạt mạng. Toàn là ăn chịu mua chịu. Ai hỏi nợ, hắn đều bảo:

-Đến ngày tôi làm nên, sẽ xin trả chu tất! Hồi bấy giờ có một vị quan tên là Nguyễn Kim trốn sang Lào mưu đồ việc diệt Mạc. Vua nước Lào nhường cho ông miếng đất Sầm Châu làm căn cứ để lo việc khởi nghĩa. Qua mấy năm chiêu binh mãi mã, Nguyễn Kim đã gây dựng được lực lượng. Nhưng ông ta còn muốn tìm một người thuộc dòng chính thống để bá cáo với thiên hạ. Khốn nỗi, con cháu vua Lê đã bị Mạc giết hại hầu hết. Một đêm nọ Nguyễn Kim thấy một vị thần nhân hiện ra trong giấc mộng bảo ông: "Thiên tử ra đời đã lâu sao không đón về còn chờ gì nữa?" ông hỏi: "ở đâu?"
-"Cứ đi về phía Tây kinh thành, ở dãy hàng cơm đúng ngày thìn giờ ngọ, hễ thấy rồng đen quấn cột là chính thị thiên tử". Sau khi tỉnh dậy, Nguyễn Kim rất mừng, bèn mang theo một ít bộ hạ cải trang đi tìm con cháu nhà Lê theo như lời thần nhân đã mách. Hôm đó, Chổm đang ngồi ở hàng cơm, thấy có mấy người khách lạ đi qua bèn đứng ôm lấy cột nhìn ra. Nguyễn Kim rảo qua một lượt chỉ thấy quấn cột là một chàng trai trẻ tuổi da đen sì, nhưng thấy dáng điệu hèn hạ nên cũng không để ý. Đêm hôm đó Nguyễn Kim lại mộng thấy thần trách: "Ta đã mách cho biết thiên tử mà không nghe.

Ngày mai ra bờ sông hễ thấy ai đội mũ sắt, cưỡi thuyền rồng là đúng". Ngày mai Nguyễn Kim chực ở bờ sông nhìn những thuyền bè qua lại, nhưng chờ mãi chả thấy ai đội mũ sắt cả. Mãi đến gần tối có một chuyến đò ngang, trong đó có Chổm và một người bán chảo gang. Gặp khi trời đổ cơn mưa, Chổm không có nón, phải mượn chiếc chảo úp lên đầu cho đỡ ướt. Nhưng Nguyễn Kim không chú ý vì thấy y không có vẻ gì là người quyền quý. Thần lại xuất hiện trong giấc mộng của Nguyễn Kim trách ông ta không nghe lời mình rồi bảo: "Ngày mai cứ đến chỗ quán cơm cũ tìm người nào "đi chữ đại, trở lại chữ vương" thì đón về". Qua ngày sau, Nguyễn Kim và bộ hạ lại kéo nhau đi tìm. Họ quả thấy anh con trai hôm nọ bây giờ đang rượu say nằm trong quán cơm, đầu gối lên ngọn côn, hai tay bỏ xuôi xuống, hai chân dạng ra hai bên như chữ "đại" ( ). Bỏ đi một chốc, đến lúc trở lại họ thấy Chổm cựa mình, lúc này ngọn côn trật lên khỏi đầu, hai tay bỏ ra trước ngực còn hai chân thì xếp bằng tròn như chữ "vương" ( ). Bấy giờ Nguyễn Kim mới tin chắc anh chàng này là người thần có ý mách cho mình, bèn giả cách vào quán ăn uống, chờ Chổm dậy sẽ đến làm quen. Chổm chợt tỉnh, thấy một người khăn áo có vẻ quyền quý đến sát giường mình, thì cầm côn chực bỏ chạy. Nhưng Nguyễn Kim đã giữ Chổm lại thưa rằng:

-Xin điện hạ đừng sợ. Chổm ngạc nhiên đáp:

-ạ hay! Điện hạ nào. Tôi là thằng Chổm đây! Nhưng thấy người quyền quý ấy có vẻ ân cần khi hỏi thăm cha mẹ và chỗ ở, Chổm an tâm hơn trả lời:

-Tôi họ Lê, cha bị hổ ăn thịt, còn mẹ ở nhà. 

Nghe nói là họ Lê, bọn Nguyễn Kim mười phần đã chắc đến bảy tám, liền theo Chổm về đến tận nơi. Trước những người khách lạ, mẹ Chổm nửa mừng nửa sợ. Mãi đến khi biết được thiện ý của bọn họ bà mới đưa ấn ngọc ra và kể rõ tình đầu. Thế là từ đó Chổm cùng mẹ từ giã ngôi nhà nát ở ngoài thành lên đường đến Sầm Châu lo việc phục thù cho cha. Thanh thế quân Lê mỗi ngày một to. Vua Mạc nghe tin sai tướng đem sáu mươi vạn quân vào đánh.

Qua bao nhiêu trận kịch chiến, quân Lê đại thắng. Rồi không bao lâu, quân của Chổm tiến đánh ra Bắc. Quân Mạc hễ thấy quân Lê đến đâu là chạy trốn như vịt. Bấy giờ Chổm đường đường là một vị chúa uy thế lẫy lừng. Đến ngày khải hoàn, trở về kinh thành, khi quân gia đang trên đường tiến vào cửa ô thì bỗng có một số người chủ hàng cơm ngày xưa bán chịu cho Chổm, từ đâu kéo ra để chào người quen và để đòi nợ cũ. Thấy thế, bọn lính tiền đạo toan bắt tội vô lễ. Nhưng chúa Chổm ngăn lại rồi kể chuyện ăn chịu ngày còn hàn vi cho các tướng tá nghe. Đoạn bảo quan hầu lấy tiền ra trả cho họ. Lúc đó có nhiều người thấy kẻ kia đòi được nợ cũng xúm lại kể ơn nghĩa cũ: kẻ tính thành năm quan, người kể thành mười, v.v... biến thành một cuộc truy nợ đông như đám hội. Bọn quan hầu đếm tiền mãi không xiết vì con số chủ nợ mỗi ngày một tăng. Bọn họ bèn nghĩ ra được một kế là đứng trên kiệu vung tiền xuống cho ai nhặt được bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Mọi người thấy thế đổ xô ra cướp. Dần dần quan quân tiến đến phố cứ như bây giờ là vườn hoa cửa Nam. Một viên đại tướng nghĩ chúa mình sắp lên ngôi tôn mà khách nợ cứ chạy theo réo mãi như thế này thì còn thể thống gì nữa, mới viết vào một tờ giấy hai chữ "cấm chỉ" dán ở giữa phố và sai một toán quân đóng tại đó, ra lệnh hễ thấy ai còn đòi nợ chúa nữa thì chém ngay. Nhờ thế, người ta mới thôi réo và thôi đuổi theo xe Chổm.

Chúa Chổm vào đến hoàng cung thì trời sắp tối. Thấy văn võ bách quan ai cũng mong muốn mình lên ngôi ngay để yên lòng thiên hạ, Chổm bèn ngửa mặt khấn trời rằng: "Hỡi thượng đế, nếu tôi xứng đáng nối nghiệp nhà Lê thì xin quay mặt trời trở lại chính ngọ, bằng không thì tôi sẽ trở về chốn cũ làm ăn, giao quyền vị lại cho người khác". Khấn được một lúc, quả nhiên trời sắp tối bỗng sáng hẳn, mặt trời lại treo giữa đỉnh đầu. Chổm đường hoàng bước lên đàn làm lễ đăng quang tự xưng hoàng đế. Lễ tất, mặt trời tự nhiên kéo một mạch về phương Tây lặn mất. Trời bỗng lại tối sầm như mực; lúc mọi nhà vừa thắp đèn lên thì gà vừa gáy canh. Ngày nay còn có câu tục ngữ Nợ như chúa Chổm và có câu phong dao:

Vua Ngô ba mươi sáu tán vàng,
Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì.
Chúa Chổm mắc nợ tì tì,
Thác xuống âm phủ kém gì vua Ngô.
ở chỗ vườn hoa cửa Nam bây giờ, cũng do sự tích trên mà người ta còn gọi là "Ngã tư Cấm Chỉ".

Chuyện cười trong ngày

Vì sao phải đứng?

- Tại sao những người chỉ huy thường đứng khi đi thuyền?

- Vì nếu ngồi xuống, ông ta sẽ phải chèo như những người khác.

Saturday, August 27, 2016

Ngày 27-8-2016 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Con gái út

Con gái út

  Họ là một gia đình hạnh phúc có bốn cô con gái cùng học chung một trường. các cô bé đều học giỏi và thân thiện. Nhưng cô con gái út Janice, học sinh của lớp tôi, thì dường như lúc nào cũng bám váy mẹ. Ba cô chị thường đến trường bằng xe buýt mỗi ngày, còn Janice thì lúc nào cũng được mẹ chở đi học và chỉ vào lớp vừa kịp lúc chuông reo. Mẹ nó phải quanh quẩn ở đó cho đến khi con bé có vẻ chấp nhận và tham gia vào một trò chơi nào đó, rồi bà ấy mới rón rén ra về. 

Một hôm, mẹ Janice gọi điện thoại xin một cuộc hẹn với tôi để trao đổi một việc. Bà ấy bước vào trông có vẻ mệt mỏi, hình như đang có chuyện phải lo nghĩ. Bà ấy nói bằng một giọng nói nhỏ xíu: “Chồng tôi sẽ đi công tác ở Châu Âu khoảng hai tuần, và anh ấy muốn tôi đi cùng. Tôi đã cố giải thích rằng Janice rất cần có tôi bên cạnh, nhưng anh ấy cương quyết nói rằng con bé sẽ tự lo được nên tôi không còn cách nào khác; tôi phải đi cùng anh ấy. Tôi đã bảo với cô trông trẻ là mỗi sáng cô ấy phải chở con bé đến trường rồi trông chừng cho đến khi nó hòa nhập với các bạn. Để con bé không lo lắng, tôi muốn cô ấy đến đón nó sớm hơn thường lệ. Xin cô giúp đỡ cháu và quan tâm đến cháu hơn trong khoảng thời gian này, được không ạ? Kể từ lúc con bé ra đời cho đến nay, tôi chưa từng rời xa nó ngày nào. Nó còn bé quá, lại yếu đuối nữa, tôi muốn đảm bảo rằng mọi việc đều tốt đẹp cho nó khi tôi đi vắng”.

 Rồi bà ấy dừng lại lo lắng, nhưng tôi đã lên tiếng cam đoan với bà ấy rằng chúng tôi sẽ cố hết sức để giúp đỡ cho Janice và quan tâm đến sức khỏe cũng như trạng thái của nó khi không có mẹ bên cạnh. Tôi còn hứa là sẽ đón con bé ngay ở ngoài xe để nó an tâm hơn. Mẹ Janice cảm ơn tôi vì đã thông cảm cho bà ấy.

 Sáng thứ Hai, đoán trước thế nào con bé cũng khóc lóc đòi mẹ nên tôi đã lên kế hoạch tổ chức những trò chơi vui nhộn. Đầu giờ, tôi đứng bên ngoài chờ đón Janice, chiếc xe buýt trờ tới, nhưng lần này không phải là ba mà là cả bốn chị em cùng bước xuống xe. Chào tạm biệt các chị, Janice nhảy chân sáo cùng hai đứa bạn chạy vào lớp. Tôi chầm chậm bước vào sau, gọi Janice và hỏi xem nó đi xe buýt cảm thấy thế nào. Con bé vội vàng bảo với tôi ngay: “Lúc nào con cũng muốn đi xe buýt cùng các bạn, nhưng tại vì mẹ luôn cần có con bên cạnh. Chẳng còn ai nhỏ hơn, nên con phải giả bộ làm em bé thêm một thời gian nữa. Còn bây giờ khi mẹ đi vắng rồi, mỗi ngày con sẽ đi học bằng xe buýt, con đã Năm tuổi rồi chứ bộ”.

Những chuyện ngụ ngôn hay

Hươu và ruộng nho

Hươu nấp trong ruộng nho trốn những người đi săn. Khi những người đi săn đã đi qua, hươu bắt đầu quây ra ăn lá nho. Những người đi săn nhận thấy lá nho rung động bèn đoán:

- Không hiểu có phải có thú ở dưới lá cây đây không?

Họ nổ súng và bắn hươu bị thương. Trước khi nhắm mắt chết, hươu nói:

- Đáng kiếp cho tôi vì tôi muốn ăn lá, chính những cành lá đã cứu tôi.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Muốn Thượng Đế 


Một vị Sư tu khổ hạnh đang hành thiền bên bờ sông thì một người thanh niên trẻ tuổi làm gián đoạn ông.

"Thưa Ngài, con muốn trở thành đệ tử của Ngài," anh ta nói. ,

"Tại sao?" vị Thiền Sư hỏi.

Người thanh niên suy nghĩ một chút.

"Bởi vì con muốn tìm Thượng Đế."

Vị Thiền Sư nhẩy tới, chụp cần cổ người thanh niên, kéo anh ta xuống sông, và nhận đầu anh ta xuống nước. Sau khi giữ anh ta ở đó một phút, mặc cho anh ta kháng cự và vật lộn để cố thoát, cuối cùng vị Thiền Sư nhấc anh ta ra khỏi giòng sông. Người thanh niên phun nước trong miệng ra và thở hổn hển.

Tới khi anh ta hoàn toàn lắng xuống, vị Thiền Sư nói. "Nói cho ta biết, cái gì mà con muốn nhất khi con ở dưới nước."

"Không khí!" người thanh niên trả lời.

"Tốt lắm," vị Thiền Sư trả lời. "Về nhà và trở lại gặp ta khi con muốn Thượng Đế nhiều như con chỉ muốn không khí."

Điển Hay Tích Lạ - Ngựa quen đường cũ

Ngựa quen đường cũ

Chuyện bắt nguồn từ câu chuyện của Tề Hoàn Công đi đánh nước Cô Trúc thời nhà Chu bên Trung Quốc.
Lúc cất quân đi là mùa Xuân, lúc trở về đã là mùa đông, băng tuyết phủ đầy nên quân lính của Tề Công bị lạc đường. Quản trọng bèn tâu:

- Thưa bệ hạ, trí nhớ của ngựa già rất tốt. Xin để con ngựa già đi trước dẫn đường.
Quả nhiên, ngựa đã tìm được đường về. Do đặc tính ghi nhớ mùi vị rất tốt, nên ngựa thường rất nhớ những con đường chúng đi qua. Câu thành ngữ này vốn ca ngợi những người có kinh nghiệm thường rất thành thuộc sự việc.

Tuy nhiên trải qua nhiều tam sao thất bản, câu thành ngữ đã bị đổi nghĩa hoàn toàn. Ngày nay, người ta dùng câu thành ngữ này để ám chỉ những người có thói hư tật xấu cố hữu không thể bỏ được. Hoặc chỉ về một người vừa làm một chuyện xấu đã bị lên án xong vẫn tái phạm.

Chuyện cười trong ngày

CHÚA TỂ RỪNG XANH

Một con sư tử thức giấc vào một buổi sáng cảm thấy mất trật tự và kém cỏi. Nó đi ra ngoài và dồn một con khỉ nhỏ vào góc và gầm lên:

- ”Ai là người hùng mạnh nhất của muông thú rừng xanh?”

Con khỉ run rẩy nói:

- ”Ngài, thưa ngài sư tử vĩ đại !” 

  Sau đó, sư tử đụng đầu một con bò và rống lên mãnh liệt:

- ”Ai là người hùng mạnh nhất của muông thú rừng xanh?” Con bò hoảng sợ lắp bắp:

”Ồ thưa ngài sư tử vĩ đại, ngài là thú rừng vĩ đại nhất trong rừng !” 

    Tiếp theo, sư tử vênh váo đi tới một con voi và gầm lên:

- ”Ai là người hùng mạnh nhất của muông thú rừng xanh?”

Nhanh như chớp, con voi dùng vòi chộp con sư tữ, đập nó vào một thân cây nhiều lần.Sau đó con voi dậm lên con sư tử cho tới khi nó trông như một cái bánh bắp rồi bước đi.

     Con sư tử bật ra một tiếng kêu đau đớn, nâng đầu lên một cách yếu ớt và kêu phía sau con voi:

- ”Chỉ bởi vì ông không biết câu trả lời, ông đừng có quá khó chịu về điều đó !”

Thursday, August 25, 2016

Ngày 25-8-2016 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Câu chuyện về chiếc lá hoàn hảo

CÂU CHUYỆN VỀ CHIẾC LÁ HOÀN HẢO

Trong cuộc đời mỗi con người là vô số sự lựa chọn. Cũng như lựa chọn một lá cỏ, nếu con biết bằng lòng và không mãi tìm kiếm hẳn đã có được một lá cỏ hoàn hảo hơn rồi.

***

Cuộc đời là những sự chọn lựa và tìm kiếm nhưng đừng mãi đi tìm sự hoàn hảo. Một lần tham gia một lớp học ngoại khóa, tôi đã được nghe câu chuyện về "lá cỏ hoàn hảo". Câu chuyện ấy đã làm tôi thay đổi rất nhiều trong cách suy nghĩ. Câu chuyện ấy thế này:

Có một cậu sinh viên và một người Thầy lớn tuổi đang trao đổi với nhau về sự hoàn hảo. Chàng thanh niên với sức khỏe và lòng nhiệt huyết luôn muốn đi tìm cho mình mọi sự hoàn hảo.
Người Thầy đã chú ý lắng nghe và thấu hiểu cậu sinh viên. Với bao nhiêu năm sống và hiểu biết bao chuyện xảy ra, ông nhẹ nhàng nói với cậu sinh viên:

- Tôi có thể đề nghị cậu làm một việc không, con trai?

- Dạ. Cháu rất sẵn lòng.

- Phía trước mặt chúng ta là sân cỏ. Cậu có thể ngắt cho tôi một lá cỏ mà cậu cho là đẹp nhất và hoàn hảo nhất không? Với điều kiện cậu chỉ được đi thẳng về phía trước và chọn, không được bước lùi lại.

Cậu thanh niên đứng dậy và bắt đầu tìm kiếm. Bước bước chân đầu tiên vào sân cỏ, cậu nhìn xuống chân và thấy một lá cỏ thật xanh mướt, cậu toan đưa tay định ngắt lá cỏ. Nhưng... cậu phóng tầm mắt lên phía trước, toàn một màu xanh ngắt và những lá cỏ đẹp hơn.

Cậu thanh niên bắt đầu bước tiếp bước chân thứ 2... rồi bước chân thứ 3... nhưng cũng như những lần trước, khi định ngắt những lá cỏ dưới chân, cậu lại thấy những lá khác phía trước...

... Cứ thế...

... Cứ thế...

Cậu rảo bước, tìm kiếm... tìm một lá cỏ thật hoàn hảo. Nhưng... cậu có biết đâu, mãi mê tìm kiếm, cậu đã đi đến phía bên kia khoảng sân. Ở bước chân cuối cùng ấy, với một khoảng cỏ nhỏ nhoi trước mặt, cậu đành ngắt một lá cỏ đẹp nhất trong đó và trở lại nơi người thầy. Mặt cậu không còn hào hứng như lúc đầu, có lẽ cậu đã hiểu ý nghĩa công việc cậu vừa làm. Lặng lẽ đến bên người Thầy, cậu đưa ra lá cỏ. Cầm lá cỏ trên tay, người Thầy mỉm cười hiền hòa bảo cậu ngồi xuống và nhẹ nhàng:

- Thế đấy con trai. Trong cuộc đời mỗi con người là vô số sự lựa chọn. Cũng như lựa chọn một lá cỏ, nếu con biết bằng lòng và không mãi tìm kiếm hẳn con đã có được một lá cỏ hoàn hảo hơn rồi. Con người cũng vậy, họ luôn để cơ hội qua đi rồi mới bắt đầu nuối tiếc. Hãy suy nghĩ về câu chuyện ngày hôm nay, con trai nhé!

Thật ra, luôn có sự hoàn hảo. Chỉ là bản thân mỗi người không tự bằng lòng với sự hoàn hảo ấy. Chợt nhớ đã nghe đâu đó: "đừng để đến khi vụt mất rồi mới vội quay lưng tìm kiếm".

Những chuyện ngụ ngôn hay

Đại bàng và Gà

Ngày xưa, có một ngọn núi lớn, bên sườn núi có một tổ chim đại bàng. Trong tổ có bốn quả trứng lớn. Một trận động đất xảy ra làm rung chuyển ngọn núi, một quả trứng đại bàng lăn xuống và rơi vào một trại gà dưới chân núi. Một con gà mái tình nguyện ấp quả trứng lớn ấy.

Một ngày kia, trứng nở ra một chú đại bàng con xinh đẹp, nhưng buồn thay chú chim nhỏ được nuôi lớn như một con gà. Chẳng bao lâu sau, đại bàng cũng tin nó chỉ là một con gà không hơn không kém. Đại bàng yêu gia đình và ngôi nhà đang sống, nhưng tâm hồn nó vẫn khao khát một điều gì đó cao xa hơn. Cho đến một ngày, trong khi đang chơi đùa trong sân, đại bàng nhìn lên trời và thấy những chú chim đại bàng đang sải cánh bay cao giữa bầu trời.

"Ồ - đại bàng kêu lên - Ước gì tôi có thể bay như những con chim đó".

Bầy gà cười ầm lên: "Anh không thể bay với những con chim đó được. Anh là một con gà và gà không biết bay cao".

Đại bàng tiếp tục ngước nhìn gia đình thật sự của nó, mơ ước có thể bay cao cùng họ. Mỗi lần đại bàng nói ra mơ ước của mình, bầy gà lại bảo nó điều không thể xảy ra. Đó là điều đại bàng cuối cùng đã tin là thật. Rồi đại bàng không mơ ước nữa và tiếp tục sống như một con gà. Cuối cùng, sau một thời gian dài sống làm gà, đại bàng chết.

Trong cuộc sống cũng vậy: Nếu bạn tin rằng bạn là một người tầm thường, bạn sẽ sống một cuộc sống tầm thường vô vị, đúng như những gì mình đã tin. Vậy thì, nếu bạn đã từng mơ ước trở thành đại bàng, bạn hãy đeo đuổi ước mơ đó... và đừng sống như một con gà!

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Ðường Hầm



Zenkai, con của một hiệp sĩ đạo, du hành đến Edo và được nhận làm hầu cận của một quan chức lớn. Y tư tình với bà vợ viên quan và chuyện bị vở lở. Vì tự vệ, y hạ sát viên quan rồi tẩu thoát với nhân tình.

Cả hai về sau trở thành đạo chích. Nhưng người đàn bà tham lam quá độ làm cho Zenkai ghê tởm. Cuối cùng, y đành phải bõ rơi bà ta và trôi nỗi đến một tỉnh xa Buzen, trở nên một tên hành khất lang thang.

Ðể chuộc tội trong quá khứ, Zenkai nguyện làm vài điều thiện trong đời. Biết có một con đường đi qua vực núi rất nguy hiểm đã làm nhiều người chết và bị thương, y quyết tâm đục một đường hầm qua núi.

Khất thực ban ngày. Zenkai đào hầm vào ban đêm. Sau ba mươi năm, đường hầm đã được đào dài 2,280 bộ, cao 20 bộ, và rộng 30 bộ.

Hai năm trước khi công việc hoàn tất, người con của viên quan bị y giết, nay là tay kiếm cao thủ, tìm ra tông tích Zenkai và tìm đến giết y để trả thù.

"Ta sẽ nộp mạng cho ngươi," Zenkai bảo. "Hãy để ta hoàn thành công việc này. Ðến ngày đó ngươi có thể giết ta."

Người con chờ đợi ngày đó. Vài tháng trôi qua và Zenkai tiếp tục đào. Người con chán ngồi không và góp tay đào giúp. Sau hơn một năm giúp đào, người con thán phục tư cách và ý chí của Zenkai.

Cuối cùng, đường hầm đào xong và mọi người qua lại an toàn.

"Hãy lấy đầu ta," Zenkai nói. "Việc đã hoàn tất."

"Sao ta lại có thể cắt đầu của thầy ta được?" người thanh niên hỏi mà nước mắt đầm đìa.

Điển Hay Tích Lạ - Tuyệt Diệu Hảo Từ

Tuyệt Diệu Hảo Từ

Thái Diễm cũng gọi là Thái Văn Cơ, một nữ sĩ tài hoa đời Tam Quốc (220-264). Cha nàng là Thái Ung, có tài thẩm âm vào bực nhứt cổ kim. Tương truyền, thấy một người chụm củi, ông bảo: "Tôi nghe tiếng củi đó nổ, biết là củi tốt, sao đem chụm cho uổng". Ông xin khúc củi về, làm một cây đàn, tiếng rất trong.
Nàng Thái Diễm lên 8 đã giỏi đàn. Có chồng là Vệ Đạo Giới nhưng lại góa chồng sớm, không con. Đương lúc Đổng Trác nổi loạn, nàng bị rợ phương bắc bắt về đất Phiên, phải sống tủi nhục ở với Hung Nô. Nàng nhớ quê hương, mới làm ra 18 khúc kèn rợ Hồ. Những bản nhạc này truyền vào Trung Nguyên. Tào Tháo là chúa nước Ngụy, trước vốn là bạn thân của cha nàng, nay lại thưởng thức bản nhạc, động lòng thương xót, mới sai người đem ngàn lượng vàng lên phương bắc chuộc nàng về.
Vua đất Hồ là Tả Hiền vương vốn sợ uy thế của Tào Tháo phải cho người đưa nàng về Hán. Tháo lại đứng làm chủ gả nàng cho Đổng Kỷ.
Khi về nước, nàng Thái Diễm có làm bài "Bi phẫn thi" dài 540 chữ, tả nỗi long đong của nàng, lời cực kỳ thống thiết, mỗi chữ như một giọt lệ.

Dục tử bất năng đắc,
Dục sinh vô nhứt khả.
Bỉ sương giả ha cô?
Nãi lao thử ách họa!
Nghĩa:
Muốn chết mà không được,
Muốn sống thêm vất vả.
Hỡi trời xanh tội gì?
Bắt ta gặp tai họa!
Hồ phong xuân hạ khởi,
Phiên phiên suy ngã y,
Túc túc nhập ngã nhĩ.
Cảm thời niệm phụ mẫu,
Ai thán vô cùng dĩ!
Nghĩa:
Xuân hạ, gió Hồ nổi,
Phất phất tà áo ta.
Ào ào bên tai thổi,
Cảm xúc sinh nhớ nhà,
Cùng khổ thay nông nỗi.
(Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê)
Một hôm, Tào Tháo đem quân đánh Lưu Bị, tiện đường ghé thăm. Đổng Kỷ làm quan xa chỉ có nàng ở nhà. Nghe tin Tháo đến, nàng vội ra rước vào. Tháo ngồi trên sập, nàng thi lễ xong chắp tay đứng hầu bên. Tháo nhìn lên vách, chợt thấy một tấm bìa treo, có ghi bài văn bia, bèn đứng dậy bước đến xem và hỏi nguồn gốc. Thái Diễm thưa:
- Đây là bài văn bia đề một nàng Tào Nga. Xưa đời Hòa Đế, ở vùng Thượng Ngu có một người đồng bóng tên Tào Vu, hay lên đồng nhảy múa. Một hôm vào ngày mồng 5 tháng 5, Vu say rượu, đứng múa may trên thuyền, sẩy chân té xuống sông chết. Cô con gái của Vu vừa lên 14 tuổi, quá thương cha, cứ đi dọc bờ sông kêu khóc suốt 7 ngày đêm, rồi nhảy xuống nước mất tích. Qua 5 ngày sau, bỗng thấy nàng đội xác cha nổi lên mặt sông. Người trong làng vớt xác cả hai chôn cất. Quan huyện Thượng Ngu là Đỗ Thượng tâu việc ấy về triều. Triều đình khen nàng Tào Nga là gái hiếu, truyền cho lập bia. Đỗ Thượng lại sai Hàn Đan Thuần làm bài văn khắc vào bia để ghi lại việc ấy. Hàn Đan Thuần bấy giờ mới 13 tuổi, cầm bút viết ngay một hơi thành bài văn, chẳng phải sửa chữa một chữ. Đỗ Thượng chịu là hay, cho khắc vào bia dựng bên mộ nàng Tào Nga. Thời bấy giờ, ai đọc cũng lấy làm lạ. Tiếng văn hay đồn dậy xa gần... Phụ thân thiếp nghe tiếng cũng tìm đến xem, gặp lúc trời tối, không nhìn thấy chữ, phải sờ vào bia, lần từ nét mà đọc. Đọc xong, người lấy bút viết 8 chữ lớn vào sau lưng bia. Về sau, có người khắc cả 8 chữ vào đấy.
Tào Tháo thấy 8 chữ ấy cũng ghi trên bức bia, bên cạnh bài văn như sau: "Hoàng quyến, ấu phụ, ngoại tôn, tê cửu".
Tháo hỏi Diễm:
- Nhà ngươi có hiểu ý nghĩa 8 chữ này không?
Nàng thưa:
- Tuy là di bút của cha, nhưng thú thật thiếp cũng hiểu ý nghĩa ra sao.
Tháo quay lại hỏi các mưu sĩ, mọi người đều chịu không biết. Bấy giờ có quan Chủ bạ là Dương Tu lên tiếng:
- Tôi hiểu ra rồi.
Tu giải:
- Tám chữ đó là ẩn ngữ của Thái Ung. "Hoàng quyến" là lụa màu vàng, tức là màu sắc của tơ (ti sắc), chữ "ti" với chữ "sắc" hợp lại thành chữ "tuyệt". "Ấu phụ" nghĩa là con gái còn nhỏ, tức là "thiếu nữ". Chữ "thiếu" đứng bên chữ "nữ" hợp thành chữ "diệu". "Ngoại tôn" là cháu ngoại. Cháu ngoại tức là đứa con của con gái mình (nữ nhi tử). Chữ "nữ" chắp với chữ "tử" thành chữ "hảo". "Tê cửu" là cái cối giã hành tỏi. Cái cối là vật chịu cay (thụ tân). Chữ "thụ" đặt bên chữ "tân" thành chữ "từ". Tóm lại, đó là ẩn chữ "Tuyệt diệu hảo từ", tức Thái Ung đã hết lời khen tặng văn chương của Hàn Đan Thuần vậy.
Mọi người đều khen Dương Tu tài thức mẫn tiệp. 

Chuyện cười trong ngày

Bốc Thuốc Theo Sách

Có một thầy lang nọ dốt hết đường chê, cứ ai đến xem bệnh là y như thầy phải giở sách ra để tra. Đã thế, thầy lại nổi tiếng hồ đồ thái quá.
Một lần có một người bị bệnh nặng, nửa đêm bí quá mới chạy đến nhờ thầy cứu giúp. Thầy mắt nhắm mắt mở, thắp đèn tra sách rồi bảo người nhà bệnh nhân đi mua mấy lạng nhân sâm về sắc lấy nước cho uống.
Con bệnh uống nhân sâm vào đau bụng hơn quằn quại cho đến sáng thì chết. Người nhà đâm đơn kiện. Thầy phải lên hầu quan. Quan hỏi:
- Thầy cho đơn thế nào để người ta chết như vậy?
Thầy lang chắc chắn thưa:
- Bẩm tôi bốc thuốc theo sách chứ có bốc bậy bạ đâu ạ. Thánh dạy thế nào thì tôi cứ làm theo thế ấy.
Quan hỏi sách, thầy nhanh nhẩu đưa sách ra, giở ngay trang có bài thuốc nhân sâm trình quan, quan đọc:"phúc thống phục nhân sâm..." (Đau bụng uống nhân sâm...). Thầy lang ngắt lời:
- Đó thấy chưa! Tôi đã bảo là theo sách mà.
Quan khựng lại một tí và giở tiếp trang bên đọc to hai chữ còn lại: "Tắc tử" (Thì chết).
- ??!!

Wednesday, August 24, 2016

Ngày 24-8-2016 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Một chuyến xe

MỘT CHUYẾN XE

Tôi là một tài xế taxi. Không nhiều tài xế nhận làm việc ca đêm. Riêng tôi, vì cuộc hôn nhân mới tan vỡ với Rachael nên tôi đồng ý.

***



Và vị khách của đêm cuối năm ấy để lại trong tôi một ấn tượng đặc biệt.

Tôi nhận được lời nhắn vào lúc 2:30 sáng. Tôi dừng xe, xung quanh vẫn tối đen, chỉ trừ ánh đèn hắt ra từ một cửa sổ nhỏ ở tầng trệt.

Bình thường, cũng như mọi tài xế taxi khác, tôi chỉ bấm còi một hai lần, đợi một chút, nếu vẫn chưa thấy khách ra thì lái xe đi. Nhưng không hiểu tại sao lần này, tôi lại ra khỏi xe, bước lên bậc tam cấp. Không khéo người ta cần mình giúp, tôi nghĩ vậy và gõ cửa.
"Xin chờ một phút" – một giọng nói run rẩy cất lên. Sau một lát yên lặng, cửa mở. Một bà cụ nhỏ bé đứng trước mặt tôi, mặc một chiếc váy hoa, đội mũ nhỏ có mạng che mặt. Chiếc vali nhỏ đặt dưới chân.

Căn phòng phía sau lưng cụ trông như không có ai ở đã nhiều năm. Tất cả đồ đạc đều được phủ ga trắng.

"Cậu mang đồ ra xe giúp tôi được không?" - bà cụ hỏi. Một tay tôi nhấc chiếc vali lên, nó còn nhẹ bẫng, còn tay kia thì khuỳnh ra cho bà cụ vịn. Chúng tôi đi rất chậm ra xe.

"Cậu tốt quá!", bà cụ nói nhẹ nhàng mắt không nhìn vào tôi, tựa như đang nói với một ai khác.

Khi chúng tôi vào xe, bà đưa cho tôi địa chỉ cần tới và nói:

- Cậu có thể đi xuyên qua khu chợ cũ được không?

- Nhưng đó không phải là đường ngắn nhất, cụ ạ!

- Tôi không vội mà!.  - Ngừng lại một lát, bà nói tiếp: Tôi đang đến viện dưỡng lão!
Mắt bà long lanh: "Thế cũng tốt! Đằng nào thì bác sĩ cũng nói rằng tôi không còn sống được bao lâu nữa."

Tôi tắt đồng hồ đo cây số và hỏi: "Đầu tiên cụ muốn cháu đưa đi đâu?"

Hai tiếng đồng hồ, chúng tôi đi lòng vòng quanh thành phố. Bà cụ chỉ cho tôi tòa nhà bà từng làm việc, khu chung cư vợ chồng bà đã thuê khi họ mới cưới.

Bà bảo tôi dừng lại trước một cửa hàng nội thất nơi trước đây là sàn nhảy, bà vẫn đến khiêu vũ khi còn thiếu nữ. Thỉnh thoảng bà bảo tôi đi chậm qua một tòa nhà hay một góc phố đặc-biệt-nào-đó dừng lại trong bóng tối và im lặng.

Khi những ánh mặt trời đầu tiên xuất hiện phía chân trời, bà cụ đột nhiên nói "Tôi mệt rồi, chúng ta đi thôi."

Chúng tôi tới địa chỉ mà bà cụ đưa cho tôi mà không nói thêm câu nào. Đó là một viện điều dưỡng dành cho những người già không nơi nương tựa. Hai người hộ lý và một chiếc xe lăn đã chờ sẵn ngoài cổng. Bà cụ dừng bước, vừa rút ví ra, vừa hỏi tôi, dịu dàng:

- Tôi phải trả cậu bao nhiêu?

- Không gì cả, cụ ạ! - Tôi nói.

- Cậu cũng phải kiếm sống mà. - Bà cụ hỏi, giọng vẫn dịu dàng, tuyệt nhiên không có chút ngạc nhiên nào.

- Sẽ còn những hành khách khác mà cụ. - Tôi trả lời.

Bất giác, tôi cúi xuống ôm lấy bà cụ. Bà cũng ôm chặt tôi.

- Cậu đã cho tôi rất nhiều. - Bà cụ nói - Cám ơn cậu.

Tôi siết nhẹ tay bà cụ rồi quay ra. Trời vẫn còn mờ tối. Sau lưng tôi, cánh cửa viện điều dưỡng đã đóng lại. Đó cũng là âm thanh khép lại một cuộc đời.
Cả ngày hôm đó tôi không đón thêm một hành khách nào nữa, tôi lái xe đi lang thang, đắm chìm trong suy nghĩ, rồi băn khoăn tự hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu bà cụ gặp một tài xế dữ dằn, hoặc đang nóng vội trên chuyến xe cuối cùng? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi bóp còi rồi bỏ đi hoặc từ chối tuyến đường đặc biệt của bà cụ?

Và bất giác tôi cảm thấy mình hạnh phúc xiết bao... ít ra tôi hiểu rằng sự cô đơn trong trái tim của một người từng bất hạnh như tôi vẫn còn rất nhiều yêu thương, và vì thế mọi cánh cửa vẫn chưa hề khép lại.