Saturday, September 30, 2017

Suy Niệm Trong Ngày 30-9-2017

Chuyện ngắn - bãi đậu xe ngày Tết

Bãi đậu xe ngày Tết

Lần đầu tiên trong bao nhiêu cái Tết, tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm vì năm nay đã chuẩn bị mọi thứ xong trước đến 3 tuần. Đỡ phải đâm bổ vào các cửa hàng đông đúc để tranh nhau những món đồ giảm giá. Vui hơn cả là ở cửa hàng chỗ tôi làm thêm ngoài giờ học, họ còn phát cho 50 đôla tiền thưởng. Tôi quyết định sẽ mua một thứ gì đó cho riêng mình. Thế là tôi đến siêu thị. 
rời rét. Tuyết rơi rất dày. Bãi đậu xe đông nghẹt từ đầu đến cuối nên tôi phải đi đến hai vòng mới tìm được một chỗ. 

Đỗ xe xong, tôi chợt nhận thấy một người đàn ông chống nạng đang cố ra khỏi xe ôtô. Ông ta đậu xe ở khu dành cho người tàn tật. Tôi cũng thấy một cảnh sát giao thông đang tiến gần đến ông ta. 

Viên cảnh sát nói với người đàn ông chống nạng rằng ông ta không thể đậu xe trong khu vực này vì xe ông ta không gắn thẻ đặc biệt dành cho những người tàn tật. Người đàn ông thì cố gắng giải thích rằng mình mới đậu xe trong khu này lần đầu tiên và ông ta không thể chống nạng đi trên tuyết trơn... 

Viên cảnh sát có vẻ bực: 

- Cũng được thôi, ông đậu xe ở đây được thì ông có thể đi nộp phạt được! 75 đôla!

Nói rồi, anh ta rút tập giấp phạt trong túi ra. Người đàn ông chống nạng vội khẩn khoản: 

- Tôi sẽ lái xe ra chỗ khác... 

- Không, tôi đã cho ông cơ hội, còn bây giờ thì không – Viên cảnh sát nghiêm khắc. 

Người đàn ông tiếp tục năn nỉ rằng ông ta không đủ tiền nộp phạt. Trong túi ông chỉ có đúng 50 đôla để mua một món quà năm mới cho con trai mình. Viên cảnh sát nhún vai, đưa chiếc thẻ phạt cho người đàn ông: 

- Thế à? Kiếm thêm 25 đôla nữa là đủ trả tiền phạt! Chúc mừng năm mới!

Nói xong, anh ta bỏ đi, để người đàn ông đứng cạnh chiếc xe, tay cầm tờ biên lai phạt 75 đôla, trông rất khổ sở. Tôi nghĩ đến tờ 50 đôla trong túi áo và biết ngay mình nên làm gì.

Tôi đập vào vai ông:

- Tôi xin lỗi đã nghe hết mọi chuyện. Anh cảnh sát kia thật là...

Và tôi đưa cho người đàn ông 50 đôla của mình. Người đàn ông lắc đầu quầy quậy:

- Không không, tôi làm sao nhận được! Thật là không phải chút nào!

- Anh cứ nhận đi – Tôi dúi tờ tiền vào tay anh ta – Có lần tôi đã đậu xe trong khu vực dành riêng cho người tàn tật chỉ vì ngại vào bãi đậu xe bình thường quá đông đúc. Lần đó không ai để ý mà phạt tôi mặc dù tôi đáng bị như thế. Anh cứ cầm lấn tiền và mua một món quà cho cậu bé ở nhà!

Một khoảnh khắc im lặng. Người đàn ông nhìn tờ 50 đôla rồi nhìn tôi. Mắt đỏ hoe, người đàn ông bắt tay tôi và thế là tôi đã nhận được lời chúc năm mới chân thành nhất.


Nguồn http://truyenhay.vn/bai-dau-xe-ngay-tet.html#ixzz4t4H9Ir9C 
Bài viết từ : TruyenHay.Vn - Website đọc truyện hay online 

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

LỪA VÀ HỔ

Thời xưa, ở vùng Quý Châu không có Lừa. Có một người hay làm việc tốt đã chở một con lừa đến đây bằng thuyền. Sau đó, ông ta mới phát hiện ra rằng ở đây hầu như không có việc gì cần đến lừa. Thế là ông ta đành thả lừa vào rừng.

Một hôm, có một con Hổ đi dạo ở trong rừng. Từ xa, Hổ đã trông thấy Lừa. Lần đầu tiên nhìn thấy một con vật cao lớn như vậy, Hổ nghĩ Lừa chắc hẳn phải là một kẻ có bản lĩnh cao cường. Mặc dù bản thân là "Vua rừng xanh", nhưng Hổ vẫn không dám coi thường Lừa. Thế là Hổ nấp một chỗ và bí mật quan sát. Khi nó nhận thấy Lừa không phải là mối đe doạ quá lớn đối với mình, nó liền chầm chậm tiến tới, muốn kết bạn với Lừa. Lừa thấy có một kẻ to gan lớn mật xuất hiện trên lãnh thổ của mình, liền kêu lên một tiếng. Từ tiếng kêu mà suy thì Lừa rõ phải là một kẻ hùng mạnh. Hổ bị một phen khiếp đảm, tưởng Lừa định tấn công mình, sợ hãi chạy trốn. Nhưng Hổ chạy đi rồi mới nhận ra rằng Lừa không hề đuổi theo, mà vẫn nhởn nhơ gặm cỏ ở chỗ cũ. Sau nhiều lần quan sát, Hổ phát hiện ra Lừa không hề có bản lĩnh gì đặc biệt, và nó cũng không còn sợ tiếng kêu của Lừa nữa.

Hổ càng ngày càng tiếp cận Lừa gần hơn. Khi Lừa đang ăn cỏ, nó chạy tới chạm nhẹ vào Lừa, hoặc khi Lừa đi dạo thì Hổ cố ý đi qua va vào Lừa.

Hổ liên tục thử thách sự kiên nhẫn của Lừa. Lừa vô cùng tức giận, lần nào cũng giơ móng guốc đá Hổ.

Dần dần, Hổ biết rằng bản lĩnh lớn nhất của Lừa chỉ là móng guốc để đá đối phương. Nó mừng rỡ phi vọt lên xông vào Lừa, gầm lên một tiếng và cắn chết Lừa.

Lời bàn:

Phải biết tin tưởng vào khả năng của mình, dám đấu tranh và giỏi đấu tranh thì không gì là không thể chiến thắng.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Một Tiết Tấu Của Thiền

Kakua biệt tăm sau khi đến bệ kiến hoàng đế và chẳng ai biết việc gì đã xảy ra. Ngài là vị sư Nhật đầu tiên sang Trung quốc học Thiền, nhưng ngài không hề bộc lộ tí gì về Thiền, ngay cả chẳng nhớ rằng mình đã du nhập Thiền vào đất mẹ.

Kakua thăm Trung Hoa và thụ huấn được chân truyền về Thiền. Ngài không hề đi du hành khi ở Tàu. Ngài trú ở một vùng thâm sơn để chuyên tâm thiền quán. Nếu có ai tìm gặp ngài và xin chỉ dạy thì ngài chỉ nói vài lời rồi di chuyển sang một vùng núi khác khó kiếm hơn.

Khi Kakua trở về Nhật, hoàng đế nghe đến danh và xin ngài thuyết về Thiền cho vua và đám quần thần.

Kakua đứng trước mặt hoàng đế trong tỉnh lặng. Xong rút ra từ vạt áo một ống tiêu và thổi một nốt ngắn. Sau đó, cúi đầu l phép, ngài đi mất.

Cổ học tinh hoa - 7 Cách để nhìn người


 Bảy cách để nhìn người của Gia Cát Lượng

Gia Cát Lượng: Phù tri nhân tính, mạc nan sát yên. Mỹ ác ký thù, tình mạo bất nhất, hữu ôn lương nhi vi trá giả, hữu ngoại cung nhi nội khi giả, hữu ngoại dũng nhi nội khiếp giả, hữu tận lực nhi bất trung giả. Nhiên tri nhân chi đạo hữu thất yên: Nhất viết, gián chi dĩ thị phi nhi quan kỳ chí; Nhị viết, cùng chi dĩ từ biện nhi quan kỳ biến; Tam viết, tư chi dĩ kế mưu nhi quan kỳ thức; Tứ viết, cáo chi dĩ họa nạn nhi quan kỳ dũng; Ngũ viết, túy chi dĩ tửu nhi quan kỳ tính; Lục viết, lâm chi dĩ lợi nhi quan kỳ liêm; Thất viết, kỳ chi dĩ sự nhi quan kỳ tín.
Tạm dịch: Biết tính cách người ta, chẳng có gì là khó. Tốt xấu khác nhau, thì nội tâm khác với biểu lộ. Có kẻ vẻ hiền lành nhưng thực giả dối. Có kẻ ngoài cung kính nhưng trong lừa bịp. Có kẻ ngoài dũng mãnh nhưng trong khiếp sợ. Có kẻ tận tụy nhưng bất trung. Cách nhận biết người có 7 cách.
1 – Gây chia rẽ thị phi để xem chí hướng;
2 – Truy vấn, tranh luận để xem khả năng ứng biến;
3 – Hỏi mưu kế để xem kiến thức;
4 – Báo tai họa, khó nạn để xem cái dũng;
5 – Chuốc rượu say để xem bản tính;
6 – Dùng tài lợi để xem liêm khiết;
7 – Giao việc để xem chữ tín.

Con người nội tâm và biểu lộ thường khác nhau, để hiểu chính xác bản tính một người là vô cùng khó. Vậy làm thế nào thông qua biểu hiện bên ngoài của người ta mà phán đoán nội tâm chân thực của họ?

Về vấn đề này, Gia Cát Lượng đã đưa ra 7 phương pháp nhận biết:
Thông qua việc để anh ta phán đoán đúng sai để nhận biết chí hướng, lập trường của anh ta. Thông qua tranh luận, truy vấn để nhận biết khí độ và khả năng ứng biến của anh ta. Tham vấn hỏi ý kiến anh ta về vấn đề nào đó để nhận biết kiến thức của anh ta. Báo anh ta về tai họa hoặc khó khăn hiện tại để nhận biết lòng can đảm và dũng khí của anh ta. Chuốc rượu anh ta say để nhận biết bản tính, tu dưỡng của anh ta. Dùng lợi dụ dỗ để xem anh ta có liêm khiết không. Giao việc cho anh ta làm để nhận biết anh ta có đáng tin cậy không.
6. Chính tà xem mũi, thật giả xem môi

Tăng Quốc Phiên: Tà chính khán nhãn tị, chân giả khán chủy thần. Công danh khán khí vũ, sự nghiệp khán tinh thần. Thọ yểu khán chỉ trảo, phong ba khán cước cân. Nhược yếu vấn điều lý, toàn tại ngữ ngôn trung.  – (Tăng Quốc Phiên quan nhân khẩu quyết).

Tạm dịch: Chính tà xem mũi, thật giả xem môi. Công danh xem khí chất phong độ, sự nghiệp xem tinh thần. Thọ yểu xem móng tay, phong ba xem gót chân. Nếu muốn hỏi trật tự nề nếp, đều trong lời nói mà xem.

Xem tướng mặt mà biết nội tâm, đây không phải là mê tín. Tinh thần, khí chất của con người đều thể hiện ra trong cử chỉ lời ăn tiếng nói.

Con mắt là cửa sổ tâm hồn. Người có đôi mắt thần thái an định, có ánh mắt rực sáng thì nội tâm anh ta tràn đầy tự tin, vượt qua được thử thách. Người ăn nói chân thành thì miệng vuông vắn tròn trịa, là người có chủ kiến khi gặp chuyện cấp bách, là người tạo được chỗ đứng vững chắc.
Nếu một người biết tu dưỡng, thì từ vẻ bề ngoài sẽ toát lên khí chất đặc biệt từ nội tâm, về sau nhất định sẽ công thành danh toại. Muốn biết một người có thành danh hay không thì hãy xem trạng thái tinh thần của người đó. Nếu một người mà mỗi lời nói ra đều là lời chân thành từ đáy lòng, nói năng gọn ghẽ, súc tích, thì khi tư duy vấn đề cũng rất chặt chẽ logic.

Theo Daikynguyenvn

Chuyện cười trong ngày

Mùi

- Tèo: này theo cậu khi người ta mặc áo long cừu thì có mùi cừu không?
- Tí: Đương nhiên là không rồi!
- Tèo: Quái lạ. Vậy mà sao ông mặc quần áo bò tôi lại ngửi thấy mùi...bò! Không biết từ đâu?

Friday, September 29, 2017

Suy Niệm Trong Ngày 29-9-2017

Chuyện ngắn - Viên ngọc ẩn

Viên Ngọc ẩn

Ông Tư thấm mệt gác cây cần lên chiếc thuyền nan, ngước mắt nhìn trời, miệng chửi đổng. Mẹ kiếp! Nắng dữ! Suốt 3 tháng liền chẳng một giọt mưa. Cứ cái kiểu này thì làm ăn mẹ gì đây! 

Câu cá tràu ở trên con bàu Lâm yên này đã gần hai chục năm, ông tư chắt bóp dè sẻn, tuy không dư dả, nhưng cũng đắp đổi qua ngày. Đặc biệt năm nay trời hạn mãi, cá tràu chẳng chịu vầy tổ đẻ trứng. Sự tình cứ như thế này, ông không biết đào đâu ra tiền gạo nuôi đàn con nheo nhóc và bà vợ ốm đau mãi ấy! Ông Tư cảm thấy mệt mỏi rã rời nghĩ đến cái cảnh con thơ ngồi trên mui thuyền ngóng mắt chờ cha, vợ đau nằm trong xó xỉnh cầu nguyện cho chồng làm ăn gặp vận. Càng nghĩ ông càng buồn! 

Ông chạnh lòng nhớ lại những tháng năm còn sống với bố mẹ. Bao nhiêu nỗi nhọc nhằn cay đắng vì lũ ông mà bố mẹ phải gánh chịu không một lời than thở. Tình thương ấy cứ gắn mãi trong lòng mỗi người cho đến khi mấy chị đi lấy chồng, ông lấy vợ, ở riêng. Tình mẫu tử thiêng liêng đã thấm mềm trong cơ thịt và với ông, nó như một sợi dây vô hình đã ràng buộc vào con thuyền lênh đênh, vào cái nghề cực khổ này. Bỗng tiếng tù và rúc một hồi dài kéo ông quay về thực tại. Con vịt mồi nằm trên sạp gỗ trố cặp mắt ráo hoảnh nhìn sang ông. Cây cần câu lưỡi vẫn buộc chặt trên thân. Ông thầm nghĩ: không lẽ hôm nay chẳng hơn gì hôm qua sao! 

Mặt trời đã tròn bóng. Tiếng mái chèo lại bắt đầu khua bì bõm, lau lách trên mép bờ bàu. Cứ thế con xuồng lấn dần những gần cây số đường nước mà vẫn chưa bói ra mẻ nào! Bất chợt từ phía bên kia đám lùng, một cái vẫy ầm toé nước. Ông khấp khởi mừng thầm, lao nhanh xuống tới. Quả đúng như dự đoán. Một tổ cá vầy trong bụi cỏ to hơn chiếc nón. Trứng trắng đã ngả màu đen xạm dàn trải lên lớp màn đục. Ông đoán chắc là chúng sắp nở con. Cái nghề sống gần hai mươi năm ấy đã dạy ông biết chắc một điều: trứng sắp nở, bố mẹ nó sẽ tợn hơn nhiều, bất chấp cái chết để bảo vệ cho bằng được đàn con ra đời. Lòng ông rộn niềm vui. Tay ông buộc vịt, tra mồi mà đầu ông mải nghĩ đến cuộc đọ sức tuy không cân xứng về lực, nhưng tài mưu lược đôi bên có lẽ ngang tầm. Ông buột miệng quả quyết kêu lên: "Tao sẽ thắng vì lũ con tao đang cần chúng mày!". 

Quả thực ông Tư đã thắng! Hai con cá tràu nằm sườn sượt trong lòng xuồng. Chốc chốc chúng ngoi đầu lên, vẫy đuôi đành đạch như cố tìm đường tẩu thoát để về với lũ con sắp ra đời của chúng, nhưng bất lực... 

Ngôi nhìn cặp cá, ông Tư sắp sẵn trong đầu: một con bán đi lấy tiền đong gạo. Con cá mẹ lớn hơn làm thịt nấu cháo cho lũ con đánh bữa đỡ lòng qua những ngày đói khát. Sự dự tính tưởng chắc như cơm vào miệng. Ai ngờ, con cá đã trút hết vảy để lộ cái thân hình nõn bà, bà Tư sơ ý, đánh rơi xuống bàu, lẩn mất tăm. 

Cơ sự đã thế ấy, hai vợ chồng và lũ con ông ngồi sững sờ nhìn nhau! Chết điếng! 

Sáng hôm sau khi ông mặt trời thức dậy, như thường lệ, ông Tư tu một bát nước chè hầm, cho cần và vịt mồi vào xuồng rồi lướt sóng ra đi. Ông gặp tổ cá sớm hơn hôm qua. Trước mắt ông cái tổ con đen sạm cũng chỗ ấy, hôm qua, một con cá tràu thân trắng tợ bông đang lững lờ bơi qua bơi lại. Mắt ông hoa lên, ông dụi tay xem lại. Bất chợt ông thảng thốt kêu lên: "Chính nó rồi!". Trời ơi! Vượt mấy cây số đường nước với cái hình hài trơ trụi thế kia mà nó vẫn cố tìm về. Và về kịp, lúc những chấm cá tràu bắt đầu hiện li ti trên mặt nước. Lòng ông bàng khoàng! Tay chân bủn rủn! Không còn ham muốn gì nữa, ông đành quay xuồng lặng lẽ trở về... 

Từ đó, trên cái bàu Lâm Yên này, không còn ai thấy bóng dáng con thuyền của gia đình ông Tư đỗ ở đấy nữa....

Nguồn http://truyenhay.vn/vien-ngoc-an.html#ixzz4t4CLmEkM 
Bài viết từ : TruyenHay.Vn - Website đọc truyện hay online 

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

CHA VÀ CON GÁI

Người cha nọ có 2 cô con gái. Ông vô cùng yêu quý 2 cô con gái của mình, luôn cầu xin ông trời cho các cô con gái sống hạnh phúc. Hai cô con gái ngày càng lớn khôn đến tuổi lấy chồng. Có một anh chàng nông dân trồng rau đến cầu hôn cô chị, hứa với người cha rằng:

- Cháu nhất định sẽ đem lại cho cô ấy một cuộc sống hạnh phúc, bởi vì rau cháu trồng không chỉ đủ ăn mà còn bán được rất nhiều tiền. Người cha đồng ý gả cô con con gái cho anh ta. Ít lâu sau, có một người thợ làm gốm đến cầu hôn cô em. Anh ta cũng đảm bảo với người cha:

- Cháu nhất định sẽ làm cho cho cô ấy một cuộc sống hạnh phúc, bởi vì gốm do cháu làm rất đẹp, người trong thành ai cũng muốn mua đồ gốm của cháu, năm nào cháu cũng kiếm được rất nhiều tiền. Người cha bằng lòng gả cô con gái thứ hai cho anh ta. Một thời gian sau, người cha đến nhà người nông dân trồng rau để thăm con gái lớn. Ông hỏi con:

- Con gái, cuộc sống của con có tốt đẹp không?

Cô con gái lớn thưa:

- Thưa cha, cuộc sống của chúng con đều tốt đẹp cả, chỉ mong sao ông trời cho thêm mưa để đủ nước tưới cho rau.

Người cha nghe vậy liền cầu xin ông trời cho thêm mưa.

Rồi ông đến nhà người thợ gốm để thăm cô con gái út. Ông hỏi:

- Con gái, cuộc sống của con có tốt đẹp không?
Cô con gái út thưa:

- Thưa cha, cuộc sống của chúng con rất đủ đầy, chỉ mong ông trời cho thêm nắng để đồ gốm chóng khô.

Người cha bối rối nói với con gái út:

- Con mong trời nắng, còn chị con mong trời mưa. Cha không biết phải cầu xin ông trời thế nào đây?

Lời bàn:

Người ta không thể mong tất cả mọi thứ đều hoàn hảo và cũng rất khó được cả đôi. Chỉ cần cố gắng nỗ lực hết sức mình, rồi những điều tốt đẹp sẽ đến.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Những Chiến Sĩ Nhân Ðạo

 Có lần một sư đoàn quân đội Nhật tập trận, vài sĩ quan thấy cần phải đặt bộ chỉ huy trong thiền viện của Gasan.

Gasan bảo nhà bếp: "Dọn cho các sĩ quan cùng một món mà chúng ta thường ăn."

Ðiều này làm cho đám sĩ quan tức giận vì họ thường được hưỡng ưu

đãi. Một người đến gặp Gasan và nói: "Ông nghĩ chúng tôi là ai? Chúng tôi là chiến sĩ, hy sinh mạng sống cho quốc gia. Tại sao ông không đối đãi với chúng tôi đúng cách?"

Gasan nghiêm trọng trả lời: "Ông nghĩ chúng tôi là ai? Chúng tôi là chiến sĩ nhân đạo, cốt cứu được tất cả chúng sinh."

Những ngôi chùa nổi tiếng trên thế giới - Lào

 Chùa Pha That Luang, Lào

pha-that-luang-357624-1372665549_500x0.j


Chùa Pha That Luang theo tiếng thổ ngữ có nghĩa là Tháp vĩ đại hay Tháp xá lợi linh thiêng là một trong những khu di tích quan trọng nhất tại Viêng Chăn, Lào. Được xây dựng năm 1566 dưới triều đại vua Setthathirat (1534 – 1572) theo hình một nậm rượu dát vàng, bên trên phế tích một ngôi đền Khmer trước đó, ngôi chùa có dáng hình một khối tháp uy nghi, khổng lồ đại diện cho sự giác ngộ Phật giáo, trong đó nơi cao nhất đại diện cho thế giới hư vô, nơi thấp nhất đại diện cho thế giới vật chất. Pha That Luang bị phá hủy trong cuộc xâm lược của người Thái năm 1828, được người Pháo xây dựng lại năm 1931.

Chuyện cười trong ngày

Trứng và gà

Một anh nọ khoe rằng :
- Nhà tớ có con gà trống to lắm, nó phải cao bằng cây đa cổ thụ trước nhà tớ, cũng phải đến 20 mét ấy chứ. Mỗi lần nó gáy thì đến tận kinh thành còn nghe thấy.
- Có gì đâu, hôm trước con gà mái nhà tớ vừa đẻ được một quả trứng to bằng cả cái làng…
- Cậu nói phét, làm gì có quả trứng nào to như thế.
- Ơ, không có quả trứng đó thì làm gì có con gà to như cậu kể.

Thursday, September 28, 2017

Suy Niệm Trong Ngày 28-9-2017

Chuyện ngắn - Ác giả ác báo

Ác giả ác báo

Đoàn tàu chuyển bánh. Những ánh điện từ nhà ga Sochi nhấp nháy ngoài cửa sổ. Nikolai Petrovitch Sokolovski đặt chiếc vali nhỏ màu đen của mình vào trong góc, rồi xếp nó lên ngăn hành lý phía trên. 
Ông ta kiểm tra các ổ khóa vali, và để cho yên tâm ông ta còn giật giật các ổ khóa vài lần; lấy cái áo mưa của mình phủ lên chiếc vali; sau đó đến ngồi bên cửa sổ. 

Một tiếng đồng hồ trôi qua, quang cảnh ven biển chạy dài qua ô cửa sổ làm Sokolovski chán ngấy, ông ta quyết định bước ra ngoài. Nhìn ra cửa sổ hóa ra là một nhà ga lớn. Đoàn tàu bắt đầu giảm tốc. “Nhà ga Lazarevski” - Sokolovski đọc. 

Bondar Aleksandr sinh năm 1972 tại Krasnodar, Nga; đã học khoa báo chí Trường đại học tổng hợp Kuban và khoa tiếng Nga và văn học tại Trường đại học Nhân văn Moskva, sau đó học hai năm văn học Nga tại Trường đại học tổng hợp Toronto, Canada. 

Bondar Aleksandr từng làm phóng viên cho báo Krasnodar và báo Sochi, nhưng từ năm 1995 anh chuyển đến sống ở Canada. Anh viết nhiều truyện ngắn, truyện vừa (Những đứa con trai của thành phố chết, Trên những tàn tích thành cổ, Những kẻ báo thù xấu xa...), tiểu thuyết (Thời gian của mặt trăng đen, Đĩ đực...) và nhiều tác phẩm khác. Tác phẩm của anh được đăng tải trên các báo và tạp chí của Nga và ở Bắc Mỹ như Thiên Nga (Boston), Ngôn từ tiếng Nga Mới (New York). Từ năm 2003 anh trở thành hội viên Hội Nhà văn Bắc Mỹ. 

Truyện Ác giả ác báo được lấy từ tạp chí Xamizdat (Nga), tạp chí trên mạng đăng tải khá đầy đủ những tác phẩm của Bondar Aleksandr. 

Đoàn tàu dừng lại, Sokolovski bắt đầu quan sát sân ga, ông ta đã đi qua ga đây nhiều lần nhưng chưa lần nào rẽ xuống nhà ga này. “Hẳn là một nhà ga đẹp - lần nào ông ta cũng thầm nghĩ vậy - Giá mà được sống ở đây thì hay biết mấy”. 

Bỗng nhiên ông ta nhìn thấy một người còn khá trẻ, xuống mua thứ gì đó trong một kiôt của nhà ga và bước rất nhanh trở lại tàu. 

- Sergei! - Sokolovski gọi và vẫy vẫy tay. 

Người ấy ngẩng đầu lên nhìn. 

- Anh Sokolovski phải không? 

Đúng lúc đó đoàn tàu lại bắt đầu chuyển bánh. Sergei nhảy thật nhanh lên bậu cửa toa tàu, hai tay bám vào hai mép cửa. Đoàn tàu chuyển bánh. Sergei bước vào bên trong toa. 

- Cậu cũng đi trên chuyến tàu này à? - Sokolovski ngạc nhiên hỏi, khi Sergei tiến gần lại chỗ mình. 

Sergei còn trẻ, trông vẻ ngoài khoảng 30 tuổi, mái tóc đen cắt ngắn, mặc một bộ quần áo với đường may cắt khéo. Một thời gian anh ta từng làm việc dưới quyền Sokolovski trong công ty của ông. Từ đó đến nay cũng vài năm trôi qua, hình như ba hay bốn năm gì đó Sokolovski không nhớ rõ. Bây giờ họ đang đứng đây và nhìn nhau ra chiều thú vị. 

Sergei mỉm cười, giang tay ra. 

- Đúng là quả đất tròn phải không. 

- Cậu cũng về Moskva à? 

- Thì còn đi đâu nữa! 

- Nghỉ ở Sochi à? 

Sergei gật đầu. 

- Còn anh? 

- Tôi đi công tác. Ký được một hợp đồng nên tôi có thời gian để nghỉ ngơi. Mà nói chung tôi thường đi nghỉ ở Hi Lạp hoặc ở đảo Cyprus... 

Sergei gật đầu, mỉm cười. 

- Mỗi người mỗi cảnh... 

- Cậu muốn vào buồng tôi không - Sokolovski mời - Chúng ta cùng ngồi... Mà ngồi không trên tàu thật chán. 

- Sẵn sàng. 

Họ quyết định uống để mừng cuộc hội ngộ. Trên bàn trong buồng của Sokolovski có một chai vodka Smirnov và hai chiếc cốc nhựa nhỏ. Cũng có một chút đồ nhắm. Họ bắt đầu chuyện trò. Họ nói về nhiều chủ đề: về các cuộc bầu cử tổng thống trong tương lai, về Chesnia, về Nam Tư. Khi chai rượu đã vơi phân nửa, Sokolovski quan tâm hỏi: 

- Thế giờ cậu làm gì? 

Sergei hơi bối rối, đưa mắt nhìn cái cốc không và lấy các ngón tay xoay xoay nó. 

- Tôi làm ở Bộ Tài chính, giữ một vị trí nhỏ thôi. 
Vị trí gì?

Sergei gãi gãi tai.

- Xin lỗi anh, công việc của tôi rất bí mật, tôi không thể tiết lộ cho anh biết được...

Rồi anh ta nhìn Sokolovski không chớp mắt. Ông này khoát tay ra chiều hiểu biết.

- Không sao.

Bản thân Sokolovski cũng từng làm ăn rất mờ ám, nên ông ta chân thành mến mộ những người kín tiếng. Sergei với tay lấy chai rượu và không vội rót rượu vào cốc.

- Cậu đợi tôi chút nhé - Sokolovski đứng dậy - Tôi phải ra ngoài một lát.

Ông ta do dự trong một giây, sau đó gỡ tấm áo mưa ra, với tay lấy chiếc vali trên ngăn để đồ rồi bước nhanh ra ngoài. Khoảng năm phút sau thì Sokolovski quay trở vào. Vẻ mặt ông ta trông rất bình thản và yên tâm. Sergei vẫn ngồi đợi và đang chăm chú nhìn ra ngoài cửa sổ.

- Anh Sokolovski - anh ta đăm chiêu nói - tôi muốn hỏi ý kiến anh một việc.

Anh ta đút chai rượu vào trong góc và ngả người về phía trước, khi nhìn qua cửa sổ thấy các bờ biển tối đen, chỗ thì như thể chạng vạng, chỗ thì sang sáng dưới ánh trăng tháng tám.

Sokolovski đặt chiếc vali vào đúng chỗ cũ, và lại lấy áo mưa của mình phủ lên nó. Sau đó ông ta ngồi xuống đối diện với Sergei, hơi ngả người ra và đặt hai tay trước bụng.

- Anh là người năng động, giàu kinh nghiệm - Sergei bắt đầu - tôi coi trọng ý kiến của anh. Tôi muốn anh cho tôi một lời khuyên. Đơn giản là một lời khuyên.

Sokolovski gật đầu và tỏ ý sẵn sàng lắng nghe.

- Trong công việc của tôi, tôi thường buộc phải làm những gì mà tôi không muốn làm. Nói thế nào cho anh hiểu bây giờ... - Sergei nhún vai - Lương tâm tôi cắn rứt... Thế mà tôi vẫn buộc phải làm... Anh có hiểu tôi không?

Sokolovski gật đầu.

Sergei lục tìm trong các túi và lấy ra một bao Marlboro. Anh ta rút ra một điếu và đưa lên miệng. Sau đó, sực nhớ ra là ở đây cấm hút thuốc, anh ta bỏ điếu thuốc xuống mặt bàn.

- Điều quan trọng - Sokolovski nói - là kiếm được tiền. Tiền phân biệt một người đàn ông với một con đực. Tiền khiến ta trở nên tự do và độc lập. Bởi vì, cái nghèo ấy mà, là điều đáng sợ nhất trong cuộc sống này. Cái nghèo biến cậu thành kẻ yếu đuối mà người ta tha hồ chèn ép và ấn đầu ấn cổ. Tiền lại nâng cậu lên đỉnh cao của thế giới, làm cậu trở nên tự do.

Bởi, tự do là gì? Là quyền hành đối với những người khác. Loài người là những con mãnh thú và những con sói núi độc ác. Chúng liếm giày và ăn thịt những kẻ yếu hơn mình. Không thể có bình đẳng giữa những người bình đẳng. Sự ngu ngốc tràn ngập. Tự do... tự do vì thế chính là khi những người khác phủ phục dưới chân cậu. Mà tiền lại cho cậu cái tự do này. Điều quan trọng là thế đấy.

Còn tội lỗi... tội lỗi cũng chạy vào nhà thờ làm vấy bẩn nhà thờ. Cậu cần gì nghĩ đến tội lỗi. Và còn nữa... Cậu phải hiểu một điều quan trọng nhất trong cuộc sống này cậu cần phải hiểu, nếu muốn sống và sống một cách bình thường. Đó là loài người trên thế giới này được chia thành hai phần bất bình đẳng: những người tháo vát và những kẻ ngù ngờ. Tự cậu hãy quyết định xem cậu muốn trở thành ai. Những người tháo vát sống, còn những kẻ ngù ngờ tồn tại. Nó đã là như thế và sẽ là như thế. Đạo đức, danh dự, lương tâm đều do những người tháo vát nghĩ ra hết.

Sergei chăm chú lắng nghe. Sokolovski tiếp tục:

- Họ còn nghĩ ra cả tôn giáo. Cần phải giải thích cho những kẻ ngù ngờ biết vì sao chúng sẽ không bao giờ được sống như những con người và chúng cần phải thỏa hiệp với điều này.

Sergei bối rối.

- Nhưng chúng ta có lẽ không nên làm rối tung tôn giáo lên ở đây thì tốt hơn?

Sokolovski xua tay.

- Nhưng xin lỗi cậu. Không ai có thể trở về từ thế giới bên kia, mà cũng chẳng ai nhìn thấy Chúa Trời cả. Hay có thể là tôi nói không đúng?

Sergei nhún vai.

- Có lẽ anh nói đúng.

- Thế đấy - Sokolovski căng thẳng cởi các khuy áo bên trên - ông ta cảm thấy ngột ngạt - Tất cả các ông vua, các nhà quí tộc, những người thống trị đều là những người tháo vát, còn những người phục vụ họ, những đầy tớ, những nông nô, những nô lệ, là những kẻ ngù ngờ. Những người tháo vát nghĩ ra luật pháp. Họ nghĩ ra cho những kẻ ngù ngờ vốn muốn nghe theo tôn giáo.

Luật pháp luôn luôn và ở khắp mọi nơi bảo vệ cho những người tháo vát và bảo vệ họ khỏi những kẻ ngù ngờ. Những kẻ ngù ngờ không thích tất cả điều này, và chúng tạo ra các cuộc lật đổ mà rốt cuộc cũng quay trở về với cái máng lợn của ông lão đánh cá. Nhưng một số kẻ thông minh hơn trong số đó đã vươn mình lên cao và trở thành những người tháo vát. Tất cả lại trở về như trước.

- Nhưng nghệ thuật, văn học - Sergei cố gắng phản bác - lại luôn luôn dạy rằng cái ác cuối cùng tất bị trừng trị, và người ta nên hành động theo lương tâm...

- Nghệ thuật cũng là một phát minh của những người tháo vát - Sokolovski đứng dậy khỏi chỗ ngồi - Nó còn là một cái bẫy giăng ra cho những kẻ ngù ngờ. Cậu hãy tự nhìn xem: nghệ thuật, luật pháp, tôn giáo tất cả đều chỉ nói về một điều: hãy làm điều tốt và đừng làm việc xấu. Kẻ nào làm việc xấu tất sẽ bị trừng trị. Tôn giáo cảnh báo, luật pháp đe dọa, đạo đức răn dạy, nghệ thuật rao giảng.

Tất cả chỉ về một điều: đừng giết chóc, đừng trộm cắp, đừng lừa đảo. Đúng thế hay không? Nhưng cậu nhìn chung quanh xem: ở bất kỳ đất nước nào, bất kỳ thời đại nào, những kẻ nắm quyền cũng đều ăn cắp, giết người và lừa đảo. Họ sống sung túc và sẽ sống sung túc cho đến chừng nào thế giới này còn tồn tại. Mà ai tuân thủ những giới luật của họ, người đó sẽ luôn ngốn cả phân. Người tháo vát sẽ chùi nó khỏi gót giày và thuyết giáo cũng như tuân thủ tất cả những gì mà chính anh ta không định tuân thủ.

Sokolovski ngả người về phía trước. Ông ta mệt nhoài nhưng hài lòng với cái mớ quan điểm bất khả xuyên thủng của mình. Sergei cau mày. Anh ta muốn phản bác nhưng không hiểu sao lại thôi, chỉ buồn bã gật đầu.

- Tự cậu phải quyết định - Sokolovski kết luận - rằng cậu sẽ thuộc hạng người nào. Nếu cậu không muốn làm một kẻ ngù ngờ, hãy quên “danh dự” và “lương tâm” đi. Đó là ảo tưởng. Cậu sẽ có danh dự khi cậu có tiền và cậu có thể mua được tất cả. Lương tâm... lương tâm... đó là hãy làm những gì cậu thấy có lợi cho mình và luôn biện hộ cho mình.

Sergei gật đầu tuyệt vọng.

- Sokolovski, anh đã thuyết phục được tôi - anh ta đứng dậy khỏi chỗ - Thành thật mà nói, tôi những muốn tìm lý do để phản đối... nhưng chẳng tìm thấy lý do nào cả... Nhưng dù sao đi nữa thì vẫn phải có những ngoại lệ nào chứ? Có thể có những điều mà tốt hơn là ta không nên làm? Phải có những giới hạn chứ?...

- Sergei - Sokolovski lắc đầu - tôi không biết cậu làm gì ở Bộ Tài chính và tôi cũng không cần biết. Cậu hãy thản nhiên làm công việc của mình. Hãy làm những gì miễn là cậu có tiền. Hãy làm và quên béng lương tâm đi. Nếu cậu là người thông minh, hãy quên đi.

- Được thôi - Sergei rút trong túi ra một khẩu súng lục có thiết bị giảm thanh - Được thôi - Anh ta ngắm mục tiêu - Tôi không làm trong Bộ Tài chính, Sokolovski ạ. Mà điều này thì quan trọng gì.

Sokolovski từ từ há hốc mồm.

- Chắc anh đi Sochi để ký một hợp đồng đặc biệt?

- Sergei, cậu làm gì thế?..

- Thế thì tôi biết rằng trong vali của anh, chiếc vali mà anh giữ cẩn thận đến mức đi vệ sinh cũng mang theo người có gì rồi...

- Sergei, việc này không tốt đâu. Vì chúng ta biết nhau đã lâu...

- Thế “không tốt” là gì? Không tốt - đó là khi không có tiền trong túi. Anh chả đã nói thế còn gì?... Mở vali ra ngay!

Sokolovski đứng dậy lấy vali xuống.

- Tôi không biết mã khóa - ông ta nói một cách kiên quyết.

Nhưng Sergei lắc đầu.

- Tôi đếm đến ba. Một...

- Được, tôi mở.

Sokolovski mở hai ổ khóa vali bằng những ngón tay run rẩy và khó bảo. Sergei đã không nhầm. Trong vali đầy những đồng đôla.

Sokolovski hơi run khi nhìn thấy nòng súng lơ lửng trong không trung, cách trán ông ta 3cm. Ông ta đã hiểu chuyện gì đang xảy ra.

- Sergei - ông ta lắp bắp - Cậu không sợ Chúa sao...

- Chúa nào, Sokolovski? Anh đã bảo không ai nhìn thấy Chúa. Và không ai còn trở về từ thế giới bên kia...

Đầu Sokolovski xoay mòng mòng với những suy nghĩ đầy mâu thuẫn. Cần phải nói điều gì đó, cần phải nói ngay nhưng... nói gì đây? Vì ông ta đã nói tất cả trước đó rồi!

Truyện ngắn của BONDAR ALEKSANDR

KIỀU DIỆP (dịch từ tiếng Nga)


Nguồn http://truyenhay.vn/ac-gia-ac-bao.html#ixzz4t4FS37wY 
Bài viết từ : TruyenHay.Vn - Website đọc truyện hay online 

Chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

CON HƯƠU TRONG CHUỒNG BÒ

Có một con Hươu đang dạo chơi trong rừng, không cẩn thận lạc vào một thôn làng đông người sinh sống. Một con chó săn phát hiện ra, liền sủa dữ dội "Gâu, gâu gâu!" và xông về phía Hươu. Hươu sợ hãi quay đầu bỏ chạy. Trong lúc cuống quýt, nó chạy vào sân nhà một người nông dân. Không còn chỗ nào có thể nương náu được, Hươu đành phải cầu xin đàn bò trong chuồng:

- Các bạn ơi, xin hãy cứu tôi! Xin cho tôi được trốn vào giữa các anh.

Một con bò tốt bụng bảo:

- Ôi, anh bạn thật không may! Sao anh lại chạy vào đây chốn? Trốn ở đây thì khác gì tự chui đầu vào rọ?

Hươu đáp:

- Chỉ cần các anh cho tôi trốn ở đây, tôi sẽ có cơ may chạy thoát.

Lát sau, tiếng sủa của chó săn xa dần, nhưng Hươu lại chưa chịu bỏ đi.

Buổi chiều muộn, người chăn gia súc đi cho gia súc ăn, nhưng không phát hiện ra Hươu. Khi quản gia và người hầu đi qua chuồng bò cũng không để ý thấy có con Hươu trong đó. Hươu mừng rỡ nghĩ mình cuối cùng cũng được an toàn, liền quay sang đàn bò tỏ lòng cảm ơn. Một con bò nhắc nhở nó:

- Anh còn không đi mau. Dù bọn tôi có muốn che chở cho anh thì cũng có lúc không làm gì được. Vẫn còn một người nữa sẽ đi qua chuồng bò. Ông ta là một người rất cẩn thận. Nếu ông ta không phát hiện ra anh thì anh mới thực sự được an toàn.

Đúng lúc người đó bước vào chuồng bò. Ông ta vừa phàn nàn rằng thức ăn cho bò không được tốt, vừa đi vào vựa cỏ, lớn tiếng nói:

- Làm ăn kiểu gì mà chỉ có mỗi một nhúm cỏ thế này. Cỏ rải trong chuồng cũng mỏng. Đến cả mấy cái mạng nhện cũng không quét sạch.

Người chủ đi qua đi lại trong chuồng bò kiểm tra từng thứ một. Bỗng ông ta phát hiện ra có hai chiếc sừng Hươu lộ ra trên cỏ, liền gọi người đến bắt và làm thịt Hươu.

Lời bàn:

Chớ nên tham một phút thoải mái mà quên đi nguy hiểm liền kề.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Ðường Hầm



Zenkai, con của một hiệp sĩ đạo, du hành đến Edo và được nhận làm hầu cận của một quan chức lớn. Y tư tình với bà vợ viên quan và chuyện bị vở lở. Vì tự vệ, y hạ sát viên quan rồi tẩu thoát với nhân tình.

Cả hai về sau trở thành đạo chích. Nhưng người đàn bà tham lam quá độ làm cho Zenkai ghê tởm. Cuối cùng, y đành phải bõ rơi bà ta và trôi nỗi đến một tỉnh xa Buzen, trở nên một tên hành khất lang thang.

Ðể chuộc tội trong quá khứ, Zenkai nguyện làm vài điều thiện trong đời. Biết có một con đường đi qua vực núi rất nguy him đã làm nhiều người chết và bị thương, y quyết tâm đục một đường hầm qua núi.

Khất thực ban ngày. Zenkai đào hầm vào ban đêm. Sau ba mươi năm, đường hầm đã được đào dài 2,280 bộ, cao 20 bộ, và rộng 30 bộ.

Hai năm trước khi công việc hoàn tất, người con của viên quan bị y giết, nay là tay kiếm cao thủ, tìm ra tông tích Zenkai và tìm đến giết y để trả thù.

"Ta sẽ nộp mạng cho ngươi," Zenkai bảo. "Hãy để ta hoàn thành công việc này. Ðến ngày đó ngươi có thể giết ta."

Người con chờ đợi ngày đó. Vài tháng trôi qua và Zenkai tiếp tục đào. Người con chán ngồi không và góp tay đào giúp. Sau hơn một năm giúp đào, người con thán phục tư cách và ý chí của Zenkai.

Cuối cùng, đường hầm đào xong và mọi người qua lại an toàn.

"Hãy lấy đầu ta," Zenkai nói. "Việc đã hoàn tất."

"Sao ta lại có thể cắt đầu của thầy ta được?" người thanh niên hỏi mà nước mắt đầm đìa.

Cổ Học Tinh Hoa

6 “phép thử” của cổ nhân giúp ta thấy rõ lòng người thật giả

Một người có tu dưỡng hay không, thì từ những cử chỉ, lời nói hàng ngày đều có thể nhận biết ra được. Cổ nhân rất chú trọng nhìn người, đã lưu lại cho hậu thế những “phép thử” đầy giá trị.
1. Là người như thế nào làm sao mà giấu được!

Khổng Tử: “Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an, nhân yên sưu tai? Nhân yên sưu tai?” – (Luận Ngữ)

Tạm Dịch: Khổng Tử nói: “Xem mục đích việc anh ta làm, xem những việc và cách thức anh ta đã làm, xem những việc làm anh ta yên vui thích thú, thì sẽ biết anh ta là người như thế nào. Là người như thế nào làm sao mà giấu được? Làm sao mà giấu được?”
Để hiểu chính xác một người, cách tốt nhất là xem lời nói, việc làm của anh ta, nó thể hiện tâm trí anh ta có trong sạch lương thiện hay không. Quan sát cách thức thực hiện của anh ta, từ đó có thể thấy phương thức làm việc của anh ta có thỏa đáng hay không. Xem xét anh ta an tâm vui thích về điều gì, từ đó có thể thấy giới hạn chuẩn mực nguyên tắc của anh ta. Nếu bạn thấy rõ cả 3 điểm này thì không ai có thể lừa dối che giấu bạn được.

2. Năm cách đánh giá của Lý Khôi

Lý Khôi: Cư thị kỳ sở thân, phú thị kỳ sở dữ, đạt thị kỳ sở cử, cùng thị kỳ sở bất vi, bần thị kỳ sở bất thủ.
Tạm dịch: Trong cuộc sống xem thân cận với ai, khi giàu có xem cho ai tiền của, khi thành đạt xem tiến cử ai, khi khốn cùng xem điều gì không làm, khi nghèo khó xem cái gì không lấy.

Lý Khôi là nhân vật tiêu biểu cho phái Pháp gia thời Chiến Quốc. Ông đưa ra 5 phương pháp quan sát đánh giá con người:

Một người thường xuyên giao du với những ai là rất quan trọng. Sống bởi khó nhọc, chết bởi an lạc. Khi một người sống trong cảnh giàu có, dùng tiền tiêu vào những gì là có thể biết được khả năng tự ước chế của anh ta.

Một người ở địa vị cao quý, đề bạt trọng dụng những ai, thì biết được tiết tháo của anh ta. Một người trong nghịch cảnh, liệu có vứt bỏ chuẩn mực đạo đức không là có thể biết được ý chí của anh ta. Một người lâm vào cảnh nghèo khó bần cùng, liệu có giữ mình trong sạch không là biết được phẩm chất của anh ta.

3. Thật giả cuối cùng sẽ phân biệt
Bạch Cư Dị: “Chu Công khủng cụ lưu ngôn nhật, Vương Mãng khiêm cung vị thoán thì. Hướng sử đương sơ thân tiện tử, nhất sinh chân ngụy phục thùy tri?” – (Phóng ngôn ngũ thủ).

Dịch thơ:

Chu Công còn sợ lời đồn thổi
Vương Mãng khiêm nhường chẳng cướp ngôi.
Thân kia nếu chết từ xưa nhỉ,
Một đời thật giả chẳng ai hay?

Sau khi Vũ Vương chết, Chu Công phò tá Thành Vương, lòng trung son sắt, nhưng có lời đồn vu khống ông có ý cướp ngôi vua. Vương Mãng đã từng tỏ vẻ khiêm nhường đối đãi kẻ sỹ, cứu trợ giúp đỡ tân khách, giả dạng là bậc quân tử hiền lương. Nhưng sau này Vương Mãng thành kẻ nghịch thần làm loạn cướp ngôi vua.
Nếu họ nửa đường nhắm mắt xuôi tay rời khỏi nhân thế, thì hai người đó ai thực sự là thiện ác tốt xấu, e rằng sẽ không được ghi nhận công bằng. Câu thơ này nói rõ thời gian là yếu tố quan trọng thử thách con người, thật giả nhất thời khó mà phân biệt, nhưng cuối cùng họ cũng sẽ hiện nguyên hình.

4. Làm thế nào để biết được nội tâm chân thật của con người?

Lã Bất Vi: Nội tắc dụng “lục thân tứ ẩn”, ngoại tắc dụng “bát quan lục nghiệm” – (Lã Thị Xuân Thu).

Tạm dịch: Đối nội thì dùng “6 người thân 4 quan hệ gần”, đối ngoại thì dùng “8 cách quan sát 6 cách kiểm nghiệm”.

Làm thế nào để biết được nội tâm chân thật của con người, trong “Lã Thị Xuân Thu” đã đưa ra “lục thân tứ ẩn” và “bát quan lục nghiệm”.

“Lục thân tứ ẩn” cho ta phương pháp nội suy để hiểu rõ người ta. “Lục thân” gồm cha, mẹ, anh, em, vợ, con. “Tứ ẩn” là 4 mối quan hệ thân quen: bạn bè – bạn bè kết giao hiện tại; cố nhân – bạn bè kết giao xưa kia; đồng hương – người cùng làng; láng giềng – người cùng xóm. Muốn hiểu rõ về một người thì hãy hỏi những người thân quen của họ.
“Bát quan lục nghiệm” là phương pháp đánh giá trực diện:

Thông qua phân tích thái độ người ta khi đối diện với các hoàn cảnh khác nhau để hiểu rõ nhân phẩm của họ. Khi một người vào hoàn cảnh thuận lợi, hãy xem những người mà anh ta tiếp đãi. Khi một người ở địa vị cao sang, hãy xem những người mà anh ta tiến cử. Khi một người giàu có, hãy xem khách khứa của anh ta.

Khi một người lắng nghe ý kiến của người khác, hãy xem những ý kiến của anh ta. Khi một người nhàn cư vô sự, hãy xem sở thích của anh ta. Khi một người ở trạng thái thư giãn, hãy xem lời ăn tiếng nói của anh ta. Khi một người nghèo khó, hãy xem những gì anh ta không nhận. Khi một người ở địa vị thấp hèn, hãy xem những gì anh ta nhất quyết giữ.

Làm cho anh ta vui, xem anh ta có đắc ý không, còn biết mình là ai nữa không. Lấy lòng anh ta, xem anh ta thích cái gì. Khích nộ anh ta, xem khả năng tự ước chế của anh ta. Làm anh ta sợ hãi, xem anh ta có kiên định lập trường không. Làm anh ta đau buồn, kiểm nghiệm anh ta là người thế nào. Làm anh ta đau khổ, kiểm nghiệm anh ta có ý chí không. Bằng việc khảo nghiệm tổng hợp nhiều mặt, chúng ta sẽ biết rõ anh ta là người như thế nào.

Chuyện cười trong ngày

Gọi từ đâu?

Buổi sáng ở văn phòng, một doanh nhân mở báo ra đọc và hết sức ngạc nhiên khi thấy đăng cáo phó của mình, vội gọi điện về nhà hỏi vợ:

- Này, em đã đọc báo sáng nay chưa?

- Bà vợ mếu máo: Vâng, em cũng vừa mới biết tin. Nhưng em tưởng ở cõi đấy thì không có điện thoại?!

Wednesday, September 27, 2017

Suy Niệm Trong Ngày 27-9-2017

Chuyện ngắn - Giá trị đích thực của việc “cho đi”

Giá trị đích thực của việc “cho đi”

Khi cơn bão ập đến khu thị trấn nhỏ ở gần nhà tôi, rất nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. Ngay sau đó, các báo địa phương đều đăng tải những câu chuyện thương tâm về một số gia đình chịu hậu quả nặng nề nhất từ cơn bão..

Ngày Chủ nhật nọ, một bức ảnh đập vào mắt tôi. Ảnh chụp người phụ nữ trẻ đang đứng trước căn nhà lưu động đã bị bão phá huỷ, vẻ đau khổ hằn trên gương mặt chị. Một cậu bé chừng bảy, tám tuổi gì đó đứng cạnh, ánh mắt cúi xuống. Nắm chặt váy người mẹ là một bé gái nhìn chằm chằm vào máy ảnh, đôi mắt em mở rộng đầy lo lắng và hoảng sợ.

Bài báo kèm theo bức ảnh đó rất gần gũi với từng thành viên trong gia đình tôi. Bằng sự cảm thông sâu sắc, tôi nhận thấy gia đình họ có nhiều điểm tương đồng với gia đình mình. Đây sẽ là dịp phù hợp để dạy các con tôi về việc cần phải giúp đỡ những người kém may mắn hơn chúng. Tôi dán bức ảnh của gia đình đó lên chiếc tủ lạnh trong nhà và bắt đầu giải thích về cảnh ngộ của họ với hai đứa con sinh đôi lên bảy là Brad và Brett và cô con gái ba tuổi Meghan.

“Chúng ta thì có quá nhiều trong khi những người nghèo khổ này thì chẳng có gì”, tôi nói. “Chúng ta sẽ chia sẻ với họ những gì ta có”.

Tôi lấy trên gác mái xuống ba chiếc hộp lớn và đặt trên sàn nhà phòng khách. Meghan đứng nhìn nghiêm nghị khi các anh và mẹ chất đầy một hộp các loại hàng hoá đóng hộp, các loại thực phẩm không bị hỏng, xà phòng và nhiều vật dụng tắm giặt đủ loại khác.

úc tôi phân loại quần áo của cả nhà, tôi khuyến khích các con xem qua đống đồ chơi của chúng để đem tặng những thứ chúng không thích nữa, Meghan im lặng quan sát khi các anh chất đống những đồ chơi đã bỏ xó từ lâu.

“Mẹ sẽ giúp con tìm thứ gì đó cho cô bạn gái đó khi mẹ làm xong việc này”, tôi nói.

Hai con trai tôi bỏ tất cả số đồ chơi chúng đã chọn để cho đi vào một chiếc hộp, trong khi tôi bỏ đống quần áo vào hộp thứ ba. Lúc đó bé Meghan bước tới, ôm sát ngực Lucy, con búp bê nhồi bằng giẻ rách nó rất yêu quý đã rách mòn, phai màu. Con bé đứng trước hộp đựng đồ chơi, áp sát khuôn mặt tròn bé bỏng vào mặt Lucy, hôn con búp bê lần cuối sau đó nhẹ nhàng đặt nó lên trên các món đồ chơi khác.

Ồ, con yêu. Con không phải đem tặng Lucy đâu. Con yêu nó thế cơ mà”.

Meghan nghiêm nghị gật đầu, đôi mắt ầng ậc nước. “Lucy làm cho con vui mẹ à, thế nên có thể nó cũng sẽ khiến cô bé kia được hạnh phúc”.


Sự hào phóng thực sự phải là có thể cho đi những gì bạn yêu thích nhất 

Nghẹn ứ trong cổ họng, tôi lặng nhìn Meghan một lúc lâu, tự hỏi làm sao tôi có thể dạy các con trai tôi bài học như con bé đã dạy cho tôi. Vì tôi chợt nhận ra ai cũng có thể cho đi những thứ họ không còn cần tới nữa. Sự hào phóng thực sự phải là có thể cho đi những gì bạn yêu thích nhất.

Lòng nhân từ chân thực là khi một đứa trẻ lên ba đem tài sản quý giá của nó dù chỉ là một con búp bê đã sờn cũ tặng cho một cô bé không quen với hy vọng con búp bê sẽ đem lại cho cô bé đó nhiều niềm vui như đã từng đem lại cho nó. Tôi đã muốn dạy bảo con nhưng rốt cuộc lại được chính con dạy lại.
Hai đứa anh trai đứng nhìn, miệng há to kinh ngạc khi thấy cô em gái đặt con búp bê yêu thích nhất vào trong hộp. Không nói lời nào, Brad đứng lên, bước vào phòng, sau đó trở ra, mang theo một nhân vật siêu nhân nó rất thích. Thoáng chút ngần ngại, Brad cầm lấy món đồ chơi, nhìn sang Meghan rồi đặt nó vào hộp, cạnh chỗ Lucy.

Một nụ cười chậm rãi rộng mở trên khuôn mặt Brett, sau đó nó đứng dậy, hai mắt lấp lánh khi tìm ra một vài chiếc ô tô làm bằng hộp diêm vốn là niềm tự hào của nó.

Tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy hai cậu con trai cũng đã nhận ra ý nghĩa trong cử chỉ của bé Meghan. Nén vào lòng những giọt nước mắt xúc động, tôi giang tay ôm chặt cả ba đứa.

Bắt chước đứa con bé bỏng, tôi bỏ chiếc áo khoác màu nâu đã cũ có cổ tay áo bị sờn khỏi thùng quần áo và thay vào đó là chiếc áo khoác màu xanh vừa mua tuần trước. Tôi hy vọng người phụ nữ trong bức ảnh cũng sẽ thích nó như tôi.

Cho đi những gì ta không cần nữa thật dễ dàng nhưng phải tự nguyện rời bỏ những gì ta yêu thích thì thật vô cùng khó khăn. Tuy nhiên tinh thần đích thực của hành động cho đi ấy chính là đem tặng với cả trái tim từ chính bạn.

Nguồn http://truyenhay.vn/gia-tri-dich-thuc-cua-viec-cho-di.html#ixzz4t4BypPTr 
Bài viết từ : TruyenHay.Vn - Website đọc truyện hay online 

chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

MUỖI VÀ SƯ TỬ

Một con Muỗi rất muốn trở thành Chúa sơn lâm, bèn nghĩ: "Trong khu rừng này Sư tử là Chúa sơn lâm, như vậy chắc hẳn là người mạnh nhất. Nếu mình có thể đánh bại nó, thế thì mình có thể đường đường chính chính làm Chúa sơn lâm rồi".

Muỗi nhất định sẽ tuyên chiến với Sư tử. Muỗi bay đến bên Sư tử, và nói:

- Chúa sơn lâm, trong khu rừng này chỉ có tôi là không sợ anh. Không tin anh thử thì biết ngay.

Muỗi cứ bay vo ve trước mặt Sư tử. Về cơ bản, Sư tử chẳng bao giờ thèm để mắt đến loài muỗi nhỏ bé này, chỉ là tiện chân khua mấy cái.

Muỗi lại hỏi:

- Lẽ nào anh không dám chấp nhận lời thách đấu của tôi? Nếu anh còn muốn làm Chúa sơn lâm thì hãy nhận lời thách đấu đi. Anh dùng móng vuốt vồ tôi hay là dùng răng để cắn tôi?

Muỗi lại vo ve, xông thẳng vào Sư tử, đốt vào xung quanh mũi của Sư tử, những chỗ mà không có lông. Sư tử vô cùng tức giận, nói:

- Con muỗi ranh này, dám coi thường ta hả? Thế thì ta sẽ đọ sức với mi.

Nói xong, Sư tử che mũi đi. Muỗi bay tới bay lui, Sư tử dùng móng vuốt cào nát hết cả mặt và mũi mà vẫn không tóm được Muỗi. Chán quá, Sư tử ta đành bỏ đi.

Sau khi Muỗi thắng Sư tử, luôn hát vang bài ca thắng lợi và khúc ca thắng lợi đi khắp mọi nơi. Muỗi vừa bay vừa hét:

- Ta đã thắng Sư tử, ta đã trở thành Chúa sơn lâm, ta là người mạnh nhất.

Muỗi vô cùng sung sướng bay qua bay lại. Đột nhiên, Muỗi bị dính chặt vào mạng nhện, trước khi bị Nhện ăn, Muỗi mới than thở rằng:

- Ta đã thắng kẻ mạnh nhất là Sư tử, nhưng lại bị một con nhện bé tí tẹo tiêu diệt.

Lời bàn:

Trên thế giới này, không có kẻ nào là mạnh tuyệt đối, và cũng không có kẻ yếu hoàn toàn. Những kẻ vô cùng mạnh cũng có nhược điểm của mình, và những kẻ yếu cũng có bản lĩnh riêng của mình. Kẻ mạnh và kẻ yếu, trong một hoàn cảnh nhất định nào đó, có thể hoán đổi vị trí cho nhau.