Sunday, April 30, 2017

Ngày 30-4-2017 Suy Niệm Trong Ngày

chuyện ngắn - chiếc đồng hồ hoàn hảo

CHIẾC ĐỒNG HỒ HOÀN HẢO

Đôi khi trong cuộc đời, họ cố tìm kiếm một cuộc sống có vẻ tuyệt vời và hoàn hảo, nhưng thực ra lại rất nặng nề và phiền toái. Nếu sự hoàn hảo trở thành một gánh nặng, bạn hãy đặt nó xuống để chọn lấy những bước chân nhẹ nhõm.

***

Dave đang đứng chờ ở bến xe bus với hai vali to tướng và rất nặng thì chợt một người lạ mặt đến gần anh và hỏi:

- Anh xem hộ mấy giờ rồi được không?

Dave thở dài, đặt hai cái vali cồng kềnh xuống và hỏi... chiếc đồng hồ đeo ở cổ tay mình:

- Mấy giờ rồi?

- Bây giờ là 5h30' – Một giọng nói phát ra từ chiếc đồng hồ.

- Wow! Một chiếc đồng hồ hay thật! – Người lạ thốt lên.

Dave hơi mỉm cười, dù khuôn mặt vẫn còn vẻ mệt mỏi:

- Đúng, cũng không tệ lắm... Anh xem đây này... Mấy giờ rồi, bằng tiếng Nhật nhé!

Giọng nói trong đồng hồ cất lên bằng tiếng Nhật. Rồi Dave lại hỏi giờ bằng tiếng Đức và Ý, ngay lập tức, chiếc đồng hồ cũng trả lời rành mạch và biểu cảm bằng ngôn ngữ của các nước đó, đúng đến từng trọng âm.
Người lạ mặt càng tỏ vẻ sửng sốt.

- Anh xem nữa nhé – Nói rồi Dave lại bảo cái đồng hồ - Tình hình ở nhà?

Ngay lập tức, một... hình ảnh ba chiều xuất hiện ngay giữa Dave và người lạ mặt, trong hình chính là phòng khách nhà Dave, rõ đến mức còn nhìn thấy cả ly cà phê còn một chút mà Dave để trên bàn.

- Thật không thể tin được! – Người lạ nói.

Rồi Dave lại nói với chiếc đồng hồ:

- Nhắn tin cho Sharon rằng xe bus đến muộn, và nhớ gửi hoa tặng sinh nhật cho Lina. À, cho tôi biết luôn bản tin lúc 5h nhé.

- Đã xong, đã xong và đã xong – Giọng nói trong đồng hồ cất lên. Và một hình ảnh với độ phân giải cao lại xuất hiện ngay trước mặt Dave và người lạ mặt, trên đó là... bản tin thời sự - trông không khác gì một chiếc TV thật vậy.

Người lạ mặt không nói được câu nào vì quá kinh ngạc.

Dave còn ra lệnh cho chiếc đồng hồ là cho xem ảnh cưới của anh hoặc... chơi nhạc giao hưởng. Mọi mệnh lệnh được thực hiện ngay lập tức, chất lượng hình ảnh và âm thanh cao đến kinh ngạc.

- Chiếc đồng hồ này là một máy tính siêu mạnh, thực hiện mệnh lệnh dựa trên giọng nói. Nó có thể liên lạc với hầu hết các vệ tinh lớn nhất của thế giới – Dave giới thiệu.

- Anh có bán không, tôi muốn mua cái đồng hồ này – Người lạ mặt chợt đề nghị.

- Ôi không! – Dave nói.

- Nhưng tôi muốn mua nó ngay – Người lạ mặt khăng khăng.

- Không...

Người lạ mặt ngắt lời – Tôi trả anh 10.000 đôla nhé?

- Ôi không, số tiền tôi bỏ ra đã hơn thế...

- Thế thì 20.000 đi – Người lạ mặt nói ngay, và khi thấy Dave chần chừ, anh ta tiếp – Thôi, 50.000 đôla. Và tôi sẽ trả anh tiền mặt ngay bây giờ.

Dave xao động. Anh hoàn toàn có thể chế tạo thêm một chiếc đồng hồ như thế này, và cái giá 50.000 đôla là anh có lãi rồi. Người lạ mặt rút tiền trong ví ra dúi vào tay Dave.

- Đây, anh cầm lấy!

Dave tháo đồng hồ ở tay ra đưa cho người lạ mặt. Người lạ mỉm cười, vội vã cầm đồng hồ đi.

- Đợi đã – Dave gọi giật giọng.

Người lạ mặt quay lại, vẻ thận trọng. Dave chỉ vào hai vali to tướng mà anh vẫn phải gồng người xách và nói:

- Đây là pin của cái đồng hồ, anh phải luôn mang theo thì nó mới hoạt động được.
Tôi nghĩ cuộc sống là như thế với một số người. Họ cố tìm kiếm một cuộc sống có vẻ tuyệt vời và hoàn hảo, nhưng thực ra lại rất nặng nề và phiền toái. Nếu sự hoàn hảo trở thành một gánh nặng, bạn hãy đặt nó xuống để chọn lấy những bước chân nhẹ nhõm.

Chuyện ngụ ngôn hay

CHÚ LỪA TRONG CÁI GIẾNG

Một ngày nọ, con lừa của một ông chủ trang trại sảy chân rơi xuống một cái giếng.

Lừa kêu la tội nghiệp hàng giờ liền. Người chủ trang trại cố nghĩ xem nên làm gì.

Cuối cùng ông quyết định: con lừa đã già, dù sao thì cái giếng cũng cần được lấp lại và không ích lợi gì trong việc cứu con lừa lên cả.

Ông nhờ vài người hàng xóm sang giúp mình.Họ xúc đất và đổ vào giếng. Ngay từ đầu, lừa đã hiểu chuyện gì đang xảy ra và nó kêu la thảm thiết. Nhưng sau đó lừa trở nên im lặng. Sau một vài xẻng đất, ông chủ trang trại nhìn xuống giếng và vô cùng sửng sốt.

Mỗi khi bị một xẻng đất đổ lên lưng, lừa lắc mình cho đất rơi xuống và bước chân lên trên. Cứ như vậy, đất đổ xuống, lừa lại bước lên cao hơn. Chỉ một lúc sau mọi người nhìn thấy chú lừa xuất hiện trên miệng giếng và lóc cóc chạy ra ngoài.

Lời tựa:

Cuộc sống sẽ đổ rất nhiều thứ khó chịu lên người bạn.

Hãy xem mỗi vấn đề bạn gặp phải là một hòn đá để bạn bước
lên cao hơn.

Chúng ta có thể thoát khỏi cái giếng sâu nhất chỉ đơn giản bằng cách đừng bao giờ đầu hàng.

-

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Một nốt của Zen

Kakua sau một lần thăm viếng vị hoàng đế, ông đã biến mất và không ai biết chuyện gì xảy ra cho ông ta. Ông là người Nhật đầu tiên học về thiền Zen tại Trung Hoa, nhưng ông không tỏ lộ là biết về thiền, trừ một nốt thiền, không ai nhớ đến ông là người đã đem thiền Zen vào xứ sở của ông.

Kakua đã đến thăm Trung Hoa và được học về sự chân thực. Ông không đi du lịch khi ông tại Trung Hoa. Ông luôn luôn hành thiền, và ông sinh sống tại một vùng núi xa xôi. Mỗi khi ai thấy ông và yêu cầu ông dậy thì ông chỉ nói vài lời và rồi ông lại đi sang nơi khác của ngọn núi, nơi mà khó có thể kiếm ra ông dễ dàng.

Vị hoàng đế nghe về Kakua khi ông trở lại Nhật Bản và yêu cầu ông giảng về thiền Zen cho hoàng đế và các quan trong triều.

Kakua đứng yên lặng trước mặt hoàng đế. Ông lấy một ống sáo từ trong áo của mình và thổi một nốt ngắn. Cúi đầu chào lễ phép, và ông biến đi.

Điển hay tích lạ

Bát trân, thập trân

Tám món ăn hay mười món ăn quý nhất Trung Hoa.
Nước Trung Hoa xưa, kể cả ngày nay nữa, có rất nhiều món ăn ngon, lạ, bổ. Những vua chúa cũng như những anh hùng hảo hán v.v.. trải qua bao thời đại, đã lựa chọn trong các thức ăn ấy để lấy mấy thứ mà người ta cho là lạ nhứt, cầu kỳ nhứt, vì hiếm có. Những món ăn hiếm ấy thường là tám thứ, gọi là Bát trân.
Dưới đời Tần Thủy Hoàng (221-209 trước D.L.), không phải là tám, món mà vua này thường dùng mười món nên gọi là Thập trân.
Tính chất bổ dưỡng của Bát hay Thập trân không biết có thực không, nhưng nhứt định các thức ấy đều thuộc về loại thực phẩm cực kỳ hiếm có. Và, vì hiếm nên người ta cho là quý, rồi cho là lạ và ắt phải ngon, phải bổ.
Đời nhà Đường (618-907) thì có Bát trân, nhưng đến đời nhà Tống (950-1275), nhà Minh (1368-1628) thì lại có Bát trân khác.
Bát trân của đời Đường là: Gan rồng. Chả phụng. Báo, bao tử cọp. Đuôi cá gáy. Chả thịt cú. Môi đười ươi. Bàn tay gấu. Vành (mí) mắt heo con.
Bát trân của đời nhà Tống và nhà Minh là: Gan rồng. Chả phụng. Thịt chim Dủ Di lộn. Đuôi cá lý ngư (cá chép). Môi đười ươi. Thỏ hàng nàm Vành (mí) mắt heo con. Bàn tay gấu.
Thập trân đời Tần và Hán: Nem công Tứ Xuyên. Chả phượng Tây Khương. Da Tây ngu (tê giác) Tây Tạng. Tay gấu Mông Cổ. Gân hươu Liêu Ninh. Mí mắt đười ươi Hiệp Tây. Chân voi Thanh Hải. Yến sào Tây Sa. Trùng thảo Quảng Tây. Trúc sáng Vân Nam.
Đây là "Mười món ăn quý của Trung Hoa" (Trung Quốc thập trân).
Ông H. Duy Việt đã trình bày qua 10 món ăn ấy trong một thiên du ký .
Nem công Tứ Xuyên là nem làm bằng da và thịt con công đánh bẫy ở rừng trúc tỉnh Tứ Xuyên, thuộc phía tây nam Trung Hoa. Công tên chữ là Khổng Tước ửa ở nơi gò, đồi cao để bay dễ dàng; và ở gần rừng tre, trúc và cây cao rậm rạp, những nơi thường có những thú dữ như cọp, beo. Săn bắt nó rất khó.
Công trống Tứ Xuyên sinh ra được 36 tháng thì đuôi dài trên hai thước. Khi nó múa, lôn xòe tròn như cái lọng hay cái bánh xe, có đủ màu sắc của cầu vòng.
Mật công rất độc, ăn phải sẽ chết. Nhưng thịt và da công thì có thể giải được hết thảy các thứ độc do thời khí gây nên.
Chả phượng Tây Khương là đem một con trống và một con mái, lựa giống vàng hay trắng, đuôi dài, đánh bẫy ở Tây Khương, đem cắt tiết rồi nhổ lông sống. Chớ không nhúng nước sôi như làm lông gà. Vì nếu nhúng như vậy thì chả sẽ vữa, nát và mất giòn. Bỏ hết ruột, gan, mề, mật, phổi. Lấy dao sắc lột bỏ da, chỉ lấy thịt nạc. Xương, đầu, cánh, chân đều bỏ cả. Thịt nạc cắt thành miếng nhỏ, cho vào cối đá mà quết. Lấy nước mắm, tiêu, xì dầu, một chút hàn the tán nhỏ, một chút mật ong (hay đường trắng), và cứ năm phần thịt phượng thì cho vào một phần mỡ gà trống thiến béo, rồi tiếp tục quết đến bao giờ thành chả nhuyễn mới thôi.
Bấy giờ nặn chả ấy thành viên bằng ngón tay cái, để vào nồi hấp cách thủy cho thịt vừa chín tới; đoạn lấy chân gà róc da ống chân, xiên vào viên chả. Móng chân gà làm chỗ cầm để ăn chả. Lại lấy mỡ gà trống thiến đun chảy ra, rồi mỡ đương sôi thì cho chả vào. Rán vàng xong, đoạn vớt để nguội và ráo mỡ. Khi ăn, nhúng chả vào mỡ sôi để dùng cho nóng. Muốn ăn chả cho giòn thì lấy da phượng nhúng vào nước gà sôi, lấy kéo cắt thành sợi nhỏ mà cột viên chả vào đầu xương ống chân gà. Chấm chả phượng với xì dầu hay chanh muối tiêu.
Da tây ngu Tây Tạng là da nách con tây ngu. Tại miền rừng núi ở về phía tây Trung Hoa như chân dãy núi xứ Tây Tạng, khí hậu ẩm thấp, trong những rừng cây thưa thớt có một loài heo rừng đặc biệt gọi là con tây ngu, tê ngu, tây ngưu hay tê giác. Đây là một giống thú rất hung dữ, vì nó có một sức mạnh phi thường.
Da tây ngu dầy đến một tấc và gấp lại thành miếng như áo giáp. Các khí giới thường khó đâm thủng được. Tuy nhiên chỉ có da ở nách hai chân trước và háng hai chân sau là mềm. Người đi săn phải nhắm trúng chỗ ấy mà đâm mới hạ nổi nó. Nhưn làm gì đến gần được.
Muốn săn nó chỉ có lối đánh bẫy mà thôi. Người ta đốt rừng dồn nó đến chỗ đầm lầy, rồi nhử nó tới ăn các cây gai (loài này chuyên ăn cây có gai). Khi tới ăn bị sa lầy xuống bùn sình, lúc bấy giờ dùng giáo mác mà đâm vào nách, vào háng nó.
Thịt tê ngưu dai, ăn không ngon. Chỉ có da nách của nó là ăn được. Đem da tươi cạo hết lông, lọc hết mỡ; rồi ban ngày đem phơi nắng, tối lại sấy lửa đến 100 ngày. Đoạn tẩm rượu Mai quế lộ một tháng rồi đem phơi khô, cất vào hộp bằng bạc hay vàng. Vì người ta tin rằng nếu để ngoài trời, da sẽ bay đi mất.
Khi muốn ăn da ấy, người ta phải ngâm nó vào nước tro thảo mộc bảy ngày đêm, rồi rửa sạch, đem hấp cách thủy cho chín. Sau đem thái mỏng để ăn như nem, giòn và thơm.
Người ta nghiệm rằng đã ăn được da tây ngu thì sau sẽ hết bịnh hôi nách và không bao giờ bị phong sương mang bịnh.
Tay gấu Mông Cổ là bàn tay của con gấu ở xứ Mông Cổ.
Tại miền bắc Trung Hoa, nhứt là ở rừng xứ Mông Cổ có loại gấu nâu và gấu trắng rất to lớn. Cứ đến mùa đông, gấu này vào hang hay khe đá, bụi cây mà ngủ trong 3 đến 6 tháng, không ăn uống gì cả. Nó nằm thu mình lại, thò hai tay ra ngoài như để phơi nắng. Thế rồi khi đông tàn, tuyết tan, xuân đến, gấu thức dậy. Việc đầu tiên của nó là liếm hai bàn tay. Liếm cả ngày, cả đêm, không đi kiếm mồi mà cũng no! Người ta cho rằng hai bàn tay của nó đã thu được âm dương của trời đất khi nó ngủ, nên lúc thức dậy nó liếm tay thay vì ăn thức ăn. Chính vì thế mà người ta chuộng bàn tay gấu mà gọi là "hùng chưởng".
Ăn tay gấu sẽ được khỏe mạnh, sống lâu.
Người ta lại cho rằng: khi bắt được gấu thì các chất tinh khiết của mạch nó đều chạy lên cả hai bàn tay. Đây cũng là thêm một lý do để làm cho món tay gấu thành ra quý, bổ.
Muốn tay gấu trở thành thức ăn, người ta phải nhúng bàn tay gấu vào mỡ gấu đun sôi đủ một trăm lần để làm lông. Đoạn lấy gân trong bàn tay ngâm vào nước nhựa trái đu đủ trong một ngày một đêm, rồi lại ngâm vào nước tro một ngày. Bấy giờ mới đem rửa gân và da gang bàn tay bằng rượu, rồi nấu các vị thuốc bổ, trong đó có huỳnh kỳ, khởi tử, hoài sơn, v.v...
Gân hươu Liêu Ninh là gân con hươu ở Liêu Ninh làm món ăn. Hươi ở miền núi Liêu Ninh có tiếng là quý. Vì hươu ở đây được ăn ngon một giống nhân sâm mọc trong rừng.
Gân hươu có thể làm ra nhiều món ăn.
Gân hươu khô đem ngâm với nước tro bếp một đêm. Hôm sau cho vào nồi nước, đun sôi trong hai giờ. Khi nào gân mềm sẽ đem ra, rửa sạch rồi cắt thành từng khúc nhỏ, lại chẻ hai đầu ra làm bốn năm miếng. Lấy thịt gà nạc, thịt bắp đùi heo, hành, nấm hương, của mã thày, đậu xanh, mướp hương, sáng sấu (chanh hay muốn tiêu), mì chính, muối rang và bốn vị thuốc bắc là khởi tử, hoài sơn, đại táo, hùng kỳ, cho gân hươu vào nấu chín mềm là thành món ăn ngon và bổ.
Mí mắt đười ươi Hiệp Tây là lấy mí mắt con đười ươi ở Hiệp Tây.
Tại rừng rậm tỉnh Hiệp Tây có một loài đười ươi lớn, tay dài, mặt trắng, lông nâu và có đôi mắt và đôi môi rất to. Đây là một giống khỉ lớn, đi bằng hai chân rất mau và có một sức khỏe kinh khủng. Săn được nó là một điều rất khó khăn. Vì nếu vô phúc bị nó bắt được thì nó sẽ nắm lấy đầu mà bóp bẹp như bóp một hột vịt.
Đặc tính của nó hay cười, thích uống thứ gì cay như rượu. Người săn bắt đười ươi dùng mấy chụp dép da hay guốc gỗ và mấy hũ rượu mạnh đặt ở trước cửa hang của chúng. Đười ươi biết ngay người ta muốn bắt chúng, nên kéo nhau bỏ hang đi hết. Nhưng một lúc sau tiếc của, chúng kêu nhau trở lại lấy rượu uống, lấy dép guốc đi rồi cười giỡn cả khu rừng lại múa may, nhảy nhót. Một lúc say mềm thì ngã lăn ra đất mà ngủ, mồm há ra mà cười với trời. Bấy giờ, người ta xông ra trói, bắt dễ như trở bàn tay. Mí mắt, môi đười ươi phơi khô để làm vị ăn. Lông thì làm bút lông thật tốt.
Chân voi Thanh Hải là chân của con voi ở Thanh Hải. Voi ăn cây cỏ, hoa quả. Thường, voi được 25 đe6 n 30 năm mới đẻ con. Ở trên rừng voi sống lâu tới 100 năm. Có con sống trên 200 năm.
Chân voi tuy lớn, cục mịch thế mà rất tài tình. Khi dẵm lên đâu thì nó biết ngay chỗ nào mềm, chỗ nào cứng nên ít khi bị sa hố. Vì trong gang bàn chân của nó có một lớp thịt rất mềm; sau lớp thịt ấy có nhiều dây thần kinh thật tinh vi. Chính lớp thịt ấy, người ta lấy để làm món ăn, vì nó ngon giòn, nuốt qua cổ họng đã thấy trong người khoan khoái, và chữa khỏi bịnh gân cốt.
Người ta lấy thịt trong bàn chân voi rồi ninh một ngày một đêm, đoạn nấu với các vị thuốc và đem ăn cùng với thạch (rau câu) vì hai thứ giòn, mềm như nhau. Thạch sẽ dẫn chất bổ của thịt chân voi đi khắp cơ thể ta một cách nhanh chóng.
Yến sào Tây Sa là món yến tìm thấy trên hòn đảo Tây Sa. Yến biển thuộc về loài chim sẻ. Trên thế giới có chừng 10 giống. Chúng ở rải rác trên các hải đảo chạy dài từ đảo Vinh Sơn thuộc tỉnh Quảng Bình, qua cù lao Chàm ngang Đà Nẵng, vách đá bờ biển phía đông mũi đất Phương Mai, tới 7 đảo ngoài khơi Nha Trang, từ ngang đèo Cả tới vịnh Cam Ranh.
Hải yến được nổi tiếng trên thế giới chẳng phải vì giọng hót hay, bộ mã đẹp hay vì thịt ngon mà chỉ vì cái ổ của chim (yến sào). Ổ yến làm bằng một thứ rong biển đặc biệt được biến chế bởi nước miếng của chim yến. Người Á Đông đã công nhận là món ăn thật bổ, ngon; và cũng vì các tính chất quý ấy m` ổ yến được liệt vào một món ăn đắt nhất, có thể nó rằng ổ yến đắt như vàng.
Ổ yến làm ở những chỗ cheo leo trên vách đá. Nó có nhiều màu tùy theo sự thay đổi của vách đá. Ở trên cao, ổ màu trắng, ở phía dưới ẩm thấp hơn thì ổ màu xám hay màu xanh lợt, màu da cam hoặc đỏ như máu. Ổ yến đỏ gọi là huyết yến là loại ổ quý nhất, vì người ta cho rằng: ổ sở dĩ đỏ là vì làm bằng nước dãi và máu của chim yến mẹ đã hy sinh làm ổ bằng máu của nó.
Ổ yến đỏ rất hiếm.
Thật ra ổ yến đỏ này không phải là do huyết mẹ mà có lẽ vì chim đã làm ổ này bằng một thứ rong biển đặc biệt lấy ở ngoài khơi, loại rong biển này màu đỏ. Cũng như những ổ khác màu trắng hay màu xanh lợt do chim đã làm bằng một thứ rong biển trắng như thạch, tìm ở ngoài biển rồi lấy nước dãi biến chế thành những sợi tơ trong. Đoạn chúng đem gắn chặt sợi nọ vào sợi kia thành một cái ổ xinh đẹp, rất nhẹ và bền.
Các nhà bác học phân chất trong ổ yến có nước vị toan của miệng và dạ dày chim là chất làm cho thức ăn dễ tiêu, lại có thêm chất đường, chất nhựa tròng trắng trứng gà là cu-bi-lêđo và sinh chất cùng hóa chất của muốn biển của loài hải rong là loại có nhiều i-ốt và lân tinh.
Muốn ăn yến, người ta ngâm yến vào nước nóng, nào là cho dầu phộng vào nước để lọc hết lông và chất dơ, nào là nhặt hết lông yến bằng tăm, nào là chế nước dùng bằng thịt gà, thịt chim hay đường phèn...
Có biết làm thì món yến sào quý giá kia mới trở nên ngon và bổ, xứng đáng là một món ăn đắt tiền nhứt mà xưa nay vua chúa cũng như những người mắc phải bịnh nặng hay những người muốn tẩm bổ cho thân thể khỏe mạnh và cường tráng... hay hơn nữa để đông con. Cũng như Tần Thủy Hoàng có trên 3000 cung nữ, và đã lấy món yến thay cơm hàng ngày; hay như vua Minh Mạng nước Việt Nam cũng lấy món yến làm món ăn thường nhựt, nên đã có tới 75 hoàng tử và 83 công chúa.
Trùng thảo Quảng Tây là gì?
Theo người dân vùng núi tỉnh Vân Nam thì đó là một thứ rễ cây tự nhiên biến đổi thành con sâu và sâu ấy có chất bổ đặc biệt. Ăn nó sẽ trừ được bá bịnh, nhứt là về lao lực. Nhưng có người lại cho rằng đó là hình con sâu sống ở trên loại cây bổ như cây nhân sâm trên rừng hay cây tam thất. Vì ăn nhiều chất bổ của hai loại thảo mộc ấy nên tự nhiên biến thể vào thành ra rễ cây giống như rễ cây sâm hay rễ cây tam thất.
Nhưng lại có thuyết cho rằng trùng thảo là một con tằm dại sống trên một vài cây thuộc loại nhân sâm, nhứt là cây đinh lăng rừng. Khi thời tiết đổi thay bất thường, có nhiều con sâu bị một thứ nấm (tống cú) xuất hiện, mọc trên đầu, trên cổ, dưới phía đuôi. Trước còn nhỏ, ngắn; sau dần mọc dài ra, con tằm dại ấy bị cây hút hết thịt rồi ít lâu chết lăn xuống đất. Trong giới lương y, người ta vào rừng nhặt các sâu ấy đem về sao tẩm thành một môn thuốc bổ và chữa những chứng nan y có công hiệu.
Món ăn trùng thảo khó tìm được, vì họa có năm tằm dại bị nấm ăn mới có, nên rất đắt tiền. Già trẻ trai gái đều ăn món trùng thảo được. Người ta thường bắt sâu tươi về phơi khô để dành hoặc làm món ăn. Họ nấu với vi yến hoặc đem chiên giòn với mỡ gà trống thiến.
Còn món trúc sáng Vân Nam thì làm bằng màng mỏng ở trong giống cây trúc rừng. Người ta cho rằng những khóm trúc nào đã mọc được 100 năm bên bờ suối thì mới có trúc sáng. Nhưng theo những nhà bác học thì trúc sáng không phải là màng mỏng ruột cây trúc mà là một thứ nấm mọc ở gốc cây tre, cây trúc.
Nấm này hình dài, mỏng như lụa, có trổ nhiều lỗ như màng nhện. Nếu ta thả vào chậu nước nóng ma xem thì thấy rõ hình cây nấm. Chân nấm dày, mình mỏng, lỗ hoa to lớn, đầu như chụp nón mỏng. Theo sách Đông y, người Trung Hoa biết lấy nấm trúc sáng để làm thuốc giải độc, lọc máu và nhuận trường từ thời xa xưa. Cũng như các vị thuốc quý, ngày nay trúc sáng đã thành món ăn ngon và bổ.
Tục truyền rằng: ngày xưa, hoàng hậu và cung phi cưng của Tần Thủy Hoàng hàng ngày ăn canh trúc sáng để cho da mặt được tươi đẹp.

Chuyện cười trong ngày

Nhắm một mắt

Hai anh em đang chơi trò bắn súng, bỗng người em hỏi.
- Em: Tại sao khi bắn súng người ta lại nhắm một mắt vào anh nhỉ ?
- Anh: Sao mà em ngốc vậy, nếu mà nhắm cả hai mắt thì còn thấy gì mà bắn nữa!

Saturday, April 29, 2017

Ngày 29-4-2017 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - cà rốt, trứng và hạt cà phê

CÀ RỐT, TRỨNG VÀ HẠT CÀ PHÊ!

Cô con gái hay than thở với cha sao bất hạnh này cứ vừa đi qua thì bất hạnh khác đã vội ập đến với mình, và cô không biết phải sống thế nào. Có những lúc quá mệt mỏi vì vật lộn với cuộc sống, cô đã muốn chối bỏ cuộc đời đầy trắc trở này.

***

Cha cô vốn là một đầu bếp. Một lần, nghe con gái than thở, ông dẫn cô xuống bếp. Ông bắc ba nồi nước lên lò và để lửa thật to. Khi ba nồi nước sôi, ông lần lượt cho cà rốt, trứng và hạt cà phê vào từng nồi riêng ra và đun lại để chúng tiếp tục sôi, không nói một lời.

Người con gái sốt ruột không biết cha cô đang định làm gì. Lòng cô đầy phiền muộn mà ông lại thản nhiên nấu. Nửa giờ sau người cha tắt bếp, lần lượt múc cà rốt, trứng và cà phê vào từng tô khác nhau.
Ông bảo con gái dùng thử cà rốt. "Mềm lắm cha ạ", cô gái đáp. Sau đó, ông lại bảo cô bóc trứng và nhấp thử cà phê. Cô gái cau mày vì cà phê đậm và đắng.

- Điều này nghĩa là gì vậy cha - cô gái hỏi.

- Ba loại thức uống này đều gặp phải một nghịch cảnh như nhau, đó là nước sôi 100 độ. Tuy nhiên mỗi thứ lại phản ứng thật khác.

Cà rốt khi chưa chế biến thì cứng và trông rắn chắc, nhưng sau khi luộc sôi, chúng trở nên rất mềm.

Còn trứng lúc chưa luộc rất dễ vỡ, chỉ có một lớp vỏ mỏng bên ngoài bảo vệ chất lỏng bên trong. Sau khi qua nước sôi, chất lỏng bên trong trở nên đặc và chắc hơn.

Hạt cà phê thì thật kỳ lạ. Sau khi sôi, nước của chúng trở nên rất đậm đà.

Người cha quay sang hỏi cô gái: "Còn con? Con sẽ phản ứng như loại nào khi gặp phải nghịch cảnh.
Con sẽ như cà rốt, bề ngoài tưởng rất cứng cáp nhưng chỉ với một chút đau đớn, bất hạnh đã trở nên yếu đuối chẳng còn chút nghị lực?

Con sẽ là quả trứng, khởi đầu với trái tim mỏng manh và tinh thần dễ đổi thay. Nhưng sau một lần tan vỡ, ly hôn hay mất việc sẽ chín chắn và cứng cáp hơn.

Hay con sẽ giống hạt cà phê? Loại hạt này không thể có hương vị thơm ngon nhất nếu không sôi ở 100 độ. Khi nước nóng nhất thì cà phê mới ngon.

Cuộc đời này cũng vậy con ạ. Khi sự việc tưởng như tồi tệ nhất thì chính lúc ấy lại giúp con mạnh mẽ hơn cả. Con sẽ đối mặt với những thử thách của cuộc đời như thế nào? Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?"

Chuyện ngụ ngôn hay

LŨ ẾCH MUỐN CÓ VUA

Lũ ếch đã chán chường mệt mỏi với việc tự trị. Chúng đã được tự do quá nên lại đâm ra hư hỏng, chúng chẳng làm gì, cứ ngồi chán chường kêu ộp ộp và muốn có một chính phủ giúp cho chúng có được cuộc sống đế vương hoàng tộc, và cai quản chúng theo một cách thức để chúng biết là chúng có người đứng đầu cầm quyền. Chúng ta không thể vô chính phủ như thế này nữa, chúng tuyên bố. Thế là chúng trình thư kiến nghị lên thần Jupiter để xin một ông vua cho chúng.

Thần Jupiter thấy chúng thô thiển và ngu ngốc quá, nhưng muốn chúng không kêu gào nữa và để cho chúng biết là chúng có vua, thần liền ném xuống một khúc gỗ lớn, rõi xuống ao văng nước lên tung tóe. Lũ ếch nấp mình vào đám lau sậy, nghĩ rằng chúng đã có một ông vua mới quyền uy đáng sợ.

Nhưng chẳng bao lâu, chúng đã phát hiện ra Vua Khúc Gỗ của chúng hiền lành ít nói chẳng khác gì cục đất. Chẳng mấy chốc mấy con ếch con đã dùng vua để làm cái bệ nhảy để lao xuống nước, còn mấy ông ếch già lại dùng vua để làm nơi hội họp, ở đó chúng lớn tiếng phàn nàn với thần Jupiter về chính phủ của chúng.

Để dạy cho lũ ếch một bài học, vị thần của các thần này liền phái xuống một con Ngỗng để làm vua nước ếch. Con Ngỗng tỏ ra khác hẳn so với vị vua Khúc Gỗ cũ. Nó gộp gộp quát lũ ếch đứng nghiêm, quay trái, quay phải suốt ngày, chẳng mấy chốc lũ ếch đã nhận ra sự ngu ngốc của mình. Ộp ộp rên rỉ, chúng van nài thần Jupiter rút lại vị vua tàn bạo này không thì cả lũ ếch của chúng chắc sẽ chết hết.

"Thế nào!" Thần la lớn.

"Bây giờ lũ các ngươi vẫn chưa hài lòng sao? Các ngươi đã muốn gì có nấy thì bây giờ có sao các ngươi cũng cứ phải chịu."

Bài học: Trong cuộc sống, không nên đứng núi này trông núi nọ.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

ĐÚNG VÀ SAI 

Khi Bankei tổ chức những tuần an cư để thiền định, các thiền sinh từ nhiều nơi trên nước Nhật Bản tới tham dự. Trong một lần của những buổi hội họp này một thiền sinh bị bắt về tội ăn trộm. Công chuyện được trình lên Bankei với lời thỉnh cầu rằng kẻ phạm tội phải bị trục xuất. Bankei đã bỏ qua nội vụ.

Sau đó thiền sinh này bị bắt trong một hành động như vậy, và Bankei lại vẫn không quan tâm đến sự việc. Điều này làm những thiền sinh khác tức giận, họ liền thảo một tờ thỉnh nguyện đòi đuổi tên trộm cắp ra, tuyên bố rằng nếu không làm vậy thì họ sẽ cùng nhau bỏ đi.

Khi Bankei đọc xong tờ thỉnh nguyện ông gọi tất cả thiền sinh lại trước mặt ông. "Các anh là những anh em khôn ngoan," ông nói với họ. "Các anh biết cái gì là đúng và cái gì không đúng. Các anh có thể đi nơi khác để tu học nếu các anh muốn, nhưng người anh em đáng thương này lại không biết đến cả phân biệt đúng với sai. Ai sẽ dạy dỗ anh ấy nếu ta không dạy. Ta sẽ lưu giữ anh ấy ở đây cho dù tất cả các anh còn lại có bỏ đi hết."

Một suối nước mắt đã rửa sạch khuôn mặt người anh em trộm cắp. Mọi tham muốn trộm cắp đều biến mất đi.

Điển Hay Tích Lạ

Tri kỷ
NTQ.

Đời Xuân Thu, Quản Di Ngô tự là Trọng, vốn người có tài kinh bang tế thế. ngày còn hàn vi, chưa gặp thời thường cùng bạn là Bảo Thúc Nha đi buôn chung. Lúc chia lời, Quản Trọng thường lấy phần hơn. Người ngoài thấy thế bất bình, nhưng Bảo Thúc Nha vui vẻ nói:

- Quản Trọng không phải tham mà lấy tiền ấy, chỉ vì gặp cảnh quẫn bách bất đắc dĩ nên ta cũng bằng lòng nhường cho hắn.

Quản Trọng ở chỗ thị tứ thường bị lắm kẻ nạt dọa, hà hiếp mà không một lời phản kháng. Mọi người cười cho là hèn mạt, nhu nhược, nhưng Bảo Thúc Nha cho bạn là người khoan dung.

Quản Trọng thường đàm luận cùng Bảo Thúc Nha nói nhiều điều sai lầm. Bảo nói:

- Đó là con người chưa gặp vận. Chớ lúc gặp thời thì trăm việc không hỏng việc nào.

Lúc theo việc quân, mỗi khi ra trận thì Quản Trọng đi sau; khi thu qua6n về thì Quản Trọng đi trước. Mọi người đều chế giễu cho là nhát. Bảo Thúc Nha nói:

- Quản Di Ngô nào phải nhát gan, chỉ vì người còn mẹ già nên phải giữ thân thể để phụng dưỡng mẹ.

Quản Trọng ba lần ra làm quan, ba lần bị bãi, người người đều khinh. Nhưng Thúc Nha nói:

- Di Ngô không phải là kẻ bất tiếu, vì chưa gặp thời, chưa gặp được vua hiền mà thôi.

Về sau, Quản Trọng phò công tử Củ; Bảo Thúc Nha phò công tử Tiểu Bạch. Công tử Củ và công tử Tiểu Bạch vốn anh em khác mẹ tranh ngôi nhau. Công tử Củ thất bại ở nhà nước Lỗ, bị vua nước Lỗ giết chết. Vua Lỗ lại bắt Quản Trọng và Thiệu Hốt là người phò công tử Củ nộp cho Tiểu Bạch tức Tề Hoàn công đương làm chúa nước Tề.

Thiệu Hốt tự tử. Còn Quản Trọng thì chịu làm tên tù, và chịu tội với Tiểu Bạch vì trước kia đã bắn nhằm đai bụng của Tiểu Bạch. Mến tài của Quản Trọng và do Thúc Nha tiến cử, Tiểu Bạch dùng Quản Trọng làm tướng quốc.

Người ta chê Quản Trọng không giữ được khí tiết như Thiệu Hốt. Nhưng Thúc Nha lại bảo:

- Di Ngô nhẫn nhục thờ Hoàn công không phải vô sỉ mà là người không câu chấp những tiểu tiết thường tình. Đó chính là kẻ có chí làm lợi cho cả thiên hạ.

Quản Trọng nghe được lời phê phán của Bảo Thúc Nha, thường thở dài nói:

- Sinh ra ta là cha mẹ nhưng hiểu biết ta ở đời chỉ có một Bảo Thúc Nha mà thôi.

"Tri kỷ" nghĩa là biết mình. Người thật biết được mình là tri kỷ.

Cổ văn có câu: "Đắc nhất tri kỷ, khả dĩ bất hận", nghĩa là: "Ở đời có được một người tri kỷ thì không còn ân hận gì nữa".

Ông Tchya (Đái Đức Tuấn), một nhà thơ hiện đại cũng có câu:

Tri kỷ tìm nhau mắt đã mờ.

Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn diễn tả lúc Từ Hải gặp Thúy Kiều ở thanh lâu, Kiều đề cao Từ Hải, Từ lấy làm thống khoái, có câu:

Nghe lời vừa ý gật đầu,

Cười rằng: "Tri kỷ trước sau mấy người".

Chuyện cười trong ngày

Sẽ không bất hạnh

- Tớ vừa đánh vỡ cái gương, điềm này báo trước rằng 7 năm tới tớ sẽ bất hạnh.

- Nhảm nhí! Bà hàng xóm của tớ cũng vừa đánh vỡ một cái gương lớn, vậy mà bà ta chẳng phải khổ sở một ngày nào.

- Đời còn dài, làm sao cậu biết được là bà ấy sẽ không bất hạnh?

- Biết chứ! Bà ấy vừa bị xe hơi cán chết chiều hôm qua.

Friday, April 28, 2017

Ngày 28-4-2017 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - câu chuyện của 2 vĩ nhân

CÂU CHUYỆN CỦA 2 VĨ NHÂN

Một câu chuyện có thật xảy ra vào năm 1892 tại Đại học Stanford.

***

Có một cậu học sinh 18 tuổi đang gặp khó khăn trong việc trả tiền học. Cậu ta là một đứa trẻ mồ côi và không biết đi nơi đâu để kiếm ra tiền. Thế là anh chàng này bèn nảy ra một sáng kiến. Cậu ta cùng một người bạn khác quyết định tổ chức một buổi nhạc hội ngay trong khuôn viên trường để gây quỹ cho việc học.

Họ tìm đến người nghệ sĩ dương cầm đại tài Ignacy J Paderewski. Người quản lý của Paderewski yêu cầu một khoản phí bảo đảm $2000 để cho ông ấy được biểu diễn. Sau khi họ thoà thuận xong, hai người sinh viên ấy bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị để cho buổi trình diễn được thành công.
Ngày trọng đại ấy cuối cùng đã đến. Paderewski cuối cùng cũng đã buổi diễn tại Stanford. Thế nhưng không may là vé vẫn chưa được bán hết. Sau khi tổng kết số tiền bán vé lại, họ chỉ có được $1600. Quá thất vọng, họ đến chỗ của của Paderewski để trình bày hoàn cảnh của mình. Hai người sinh viên ấy đưa Paderewski toàn bộ số tiền bán vé, cùng với 1 check nợ $400, và hứa rằng họ sẽ trả số nợ ấy sớm nhất có thể.

"KHÔNG", Paderewski nói - "Cái này không thể nào chấp nhận được." Ông ta xé tờ check, trả lại $1,600 cho hai chàng thanh niên và nói: "Đây là 1600 đô, sau khi trừ hết tất cả các chi phí cho buổi biểu diễn thì còn bao nhiêu các cậu cứ giữ lấy cho việc học. Còn dư bao nhiêu thì hãy đưa cho tôi". Hai cậu sinh viên ấy vô cùng bất ngờ, xúc động cảm ơn Paderewski..

Đây chỉ là một việc làm nhỏ, nhưng đã chứng minh được nhân cách tuyệt vời của Paderewski.

Tại sao ông ấy có thể giúp hai người mà ông ấy thậm chí không hề quen biết. Chúng ta tất cả đều đã bắt gặp những tình huống như vậy trong cuộc sống của mình. Và hầu hết chúng ta đều nghĩ: "Nếu chúng ta giúp họ, chúng ta sẽ được gì?". Thế nhưng, những người vĩ đại họ lại nghĩ khác: "Giả sử chúng ta không giúp họ, điều gì sẽ xảy ra với những con người đang gặp khó khăn ấy?" Họ không mong đợi sự đền đáp, Họ làm chỉ vì họ nghĩ đó là việc nên làm, vậy thôi.

Người nghệ sĩ dương cầm tốt bụng Paderewski hôm nào sau này trở thành Thủ Tướng của Ba Lan. Ông ấy là một vị lãnh đạo tài năng. Thế nhưng không may chiến tranh thế giới nổ ra, và đất nước của ông bị tàn phá nặng nề. Có hơn một triệu rưỡi người Ba Lan đang bị chết đói, và bây giờ chính phủ của ông không còn tiền để có thể nuôi sống họ được nữa. Paderewski không biết đi đâu để tìm sự giúp đỡ. Ông ta bèn đến Cơ Quan Cứu Trợ Lương Thực Hoa Kỳ để nhờ sự trợ giúp.

Người đứng đầu cơ quan đó chính là Herbert Hoover, người sau này trở thành Tổng Thống Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Ông Hoover đồng ý giúp đỡ và nhanh chóng gửi hàng tấn lương thực để cứu giúp những người Ba Lan đang bị đói khát ấy.
Thảm họa cuối cùng cũng đã được ngăn chặn. Thủ Tướng Paderewski lúc bấy giờ mới cảm thấy nhẹ nhõm. Ông bèn quyết định đi sang Mỹ để tự mình cảm ơn ông Hoover vì cử chí cao quý của ông ấy đã giúp đỡ người dân Ba Lan trong những lúc khó khăn. Thế nhưng khi Paderewski chuẩn bị nói câu cảm ơn thì ông Hoover vội cắt ngang và nói: "Ngài không cần phải cảm ơn tôi đâu, thưa ngài Thủ Tướng. Có lẽ ngài không còn nhớ, nhưng vài năm trước, ngài có giúp đỡ hai cậu sinh viên trẻ tuổi ở bên Mỹ được tiếp tục đi học, và tôi là một trong hai chàng sinh viên đó đấy "

Thế giới này thật tuyệt vời, khi bạn cho đi thứ gì, bạn sẽ nhận lại được những điều tương tự.

Chuyện ngụ ngôn hay

CHUYỆN Ở ĐỜI, ĐỪNG VỘI PHÁN XÉT AI!

Một con tàu du lịch gặp nạn trên biển, trên thuyền có một đôi vợ chồng rất khó khăn mới lên đến trước mũi thuyền cứu hộ, trên thuyền cứu hộ chỉ còn thừa duy nhất 1 chỗ ngồi. Lúc này, người đàn ông để vợ mình ở lại, còn bản thân nhảy lên thuyền cứu hộ.

Người phụ nữ đứng trên con thuyền sắp chìm, hét lên với người đàn ông một câu...

Kể đến đây, thầy giáo hỏi học sinh: "Các em đoán xem, người phụ nữ sẽ hét lên câu gì?"

Tất cả học sinh phẫn nộ, nói rằng: "Em hận anh, em đã nhìn nhầm người rồi."

Lúc này thầy giáo chú ý đến một cậu học sinh mãi vẫn không trả lời, liền hỏi cậu bé. Cậu học sinh nói: "Thầy ơi, em nghĩ người phụ nữ sẽ nói: Chăm sóc tốt con của chúng ta anh nhé!"

Thầy giáo ngạc nhiên hỏi: "Em nghe qua câu chuyện này rồi ư?"

Học sinh lắc đầu: "Chưa ạ, nhưng mà mẹ em trước khi mất cũng nói với bố em như vậy."

Thầy giáo xúc động: "Trả lời rất đúng."
Người đàn ông được cứu sống trở về quê hương, một mình nuôi con gái trưởng thành. Nhiều năm sau, anh ta mắc bệnh qua đời, người con gái lúc sắp xếp kỷ vật, phát hiện quyển nhật ký của bố. Hóa ra, lúc mẹ và bố ngồi trên chiếc tàu ấy, người mẹ đã mắc bệnh nan y, trong giây phút quyết định, người chồng đã giành lấy cơ hội sống duy nhất về mình. Trong nhật ký viết rằng: "Anh ước gì anh và em có thể cùng nhau chìm xuống đáy biển, nhưng anh không thể. Vì con gái chúng ta, anh chỉ có thể để em một mình ngủ giấc ngủ dài dưới đáy đại dương sâu thẳm. Anh xin lỗi."

Kể xong câu chuyện, phòng học trở nên im ắng, các em học sinh đã hiểu được ý nghĩa câu chuyện này: Thiện và ác trên thế gian, có lúc lắm mối rối bời, khó lòng phân biệt, bởi vậy đừng nên dễ dàng nhận định người khác.

Người thích chủ động thanh toán tiền, không phải bởi vì người ta dư dả, mà là người ta xem trọng tình bạn hơn tiền bạc.

Trong công việc, người tình nguyện nhận nhiều việc về mình, không phải bởi vì người ta ngốc, mà là người ta hiểu được ý nghĩa của trách nhiệm.

Sau khi cãi nhau người xin lỗi trước, không phải bởi vì người ta sai, mà là người ta hiểu được sự trân quý của người bên cạnh mình.

Người tình nguyện giúp đỡ người khác, không phải vì nợ người đó cái gì, mà là vì người ta xem người đó là bạn.
----------------------

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

GIỌT NƯỚC



Vị thiền sư tên là Gisan yêu cầu người thiền sinh trẻ mang đến cho ông ta một xô nước để làm nguội cái bồn tắm của ông.

Người thiền sinh mang nước và sau khi bồn tắm nguội, anh đổ xuống đất một chút nước còn lại.

"Con thật tối dạ!" vị thiền sư trách mắng anh. "Tại sao con không cho chỗ nước còn lại cho những cây cảnh? Quyền gì đã cho phép con phí phạm dù chỉ một giọt nước ở trong chùa này?"

Vị thiền sinh trẻ đạt được thiền ngay lúc đó. Anh đã đổi tên mình thành Tekisui, có nghĩa là một giọt nước

Điển Hay Tích Lạ

Tam bành, lục tặc

NTQ.

Đạo gia (tức Đạo giáo, theo học thuyết của Lão Tử) cho rằng cái Thần (tinh thần) của con người ở vào ba nơi. Một ở óc, hai ở minh đường (quả tim), ba ở dạ dày. Theo sách "Chư chân huyền ảo" thì cái Thần ấy có thể làm hại người. Ba nơi chư Thần ấy, Đạo giáo gọi là Tam thi.

Theo sách "Thái thượng tam thi trung kính" thì: thượng thi tên Bành Cứ vốn ở đầu con người; trung thi tên Bành Chất vốn ở bụng người; hạ thi tên Bành Kiêu ở chân người. Ba thần này gọi là thần Tam Bành hay xúi giục người làm bậy. Đến ngày Canh Thân, ba vị thần này lén tâu với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho người mau chết để khỏi phải theo dõi nữa. Người ta tin rằng những sự giận dữ, nóng nảy là do thần Tam Bành xúi giục gây ra để cho người dễ làm bậy. Vì giận dữ, nóng nảy dễ làm cho người làm những điều sai lầm. Nhiều việc không thành, đổ vỡ vì giận giỗi, nóng nảy.

Cũng như tục ngữ ta có câu: "No mất ngon, giận mất khôn".

Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn Tú Bà nghe Kiều đã lấy Mã Giám Sinh (chồng bình phong của mụ), mụ ghen tức, có câu:

Mụ nghe nàng nói hay tình

Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên.

Nghĩa là mụ nghe Kiều nói rõ sự tình (tình hình, tình trạng về việc nàng đã thất thân với Mã Giám Sinh, coi Giám Sinh là chồng rồi) tức thì mụ mới nổi giận lên đùng đùng.

"Lục tặc" là sáu thứ hại.

Theo Phật giáo thì sáu thứ hại cho sự tu hành là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Sắc đẹp, tiếng thanh tao, mùi thơm, vị ngọt, ấm áp, êm ái dễ làm lòng người giao động xao xuyến. Chúng như có một ma lực huyền bí để quyế rũ, hấp dẫn lôi cuốn người vào bến mê, đọa lạc. Bởi vậy, người tu hành mắt không xem sắc đẹp, tai không nghe tiếng thanh, mũi không ngửi mùi thơm, miệng không nếm vị ngọt, thân thể xa kẻ khác, lòng không tưởng điều tà vậy.

Con người, một khi để Tam Bành, Lục Tặc dậy lên thì tất nguy khốn cho thân mạng, cho cuộc đời. Người nào diết được Tam Bành, Lục Tặc tức là một vị chân tu vậy.

Chuyện cười trong ngày

Không thể tin được…

Vận động viên đua xe đạp đang đạp xe trên đường cao tốc thì mệt quá không đi được nữa bèn đứng lại để bắt xe đi nhờ về.

Đúng lúc đó có một chiếc xe thể thao đi qua bảo buộc xe vào hắn kéo về, nếu thấy đi nhanh quá thì bóp chuông.

Vừa đi được một đoạn thì có xe thể thao khác qua mặt, anh này tức chí bèn nhấn ga vượt lên thế là hai gã đua với nhau quên mất anh chàng vận động viên tội nghiệp.

Khi đi qua trạm cảnh sát giao thông bị tuýt còi nhưng hai gã không đứng lại, anh cảnh sát bèn gọi báo cho trạm sau:

- Có hai chiếc xe thể thao đang phóng về trạm anh với vận tốc 250 km/h và còn điều này anh không thể tin được đâu ở sau hai xe đó có chiếc xe đạp bóp chuông inh ỏi xin vượt!

Thursday, April 27, 2017

Ngày 27-4-2017 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Thật lòng

THẬT LÒNG

Có những sự thật lòng phải đi kèm điều kiện, như vậy người ta gọi là nịnh bợ.

***
Trong buổi uống cà phê thường lệ vào buổi sáng, vụ trưởng Crôm vô tình nói rằng ông ta và vợ có vé đi xem hát tối nay, nhưng không biết gửi con lại cho ai bây giờ.

- Anh đừng lo - Vụ phó Lai-ôx nói - Tôi và vợ tôi đằng nào cũng không có chương trình vào tối nay. Thậm chí còn nghĩ mãi xem có việc để làm cho đỡ buồn không. Như vậy, chúng tôi sẽ trông con cho anh chị.

- Nhưng như vậy sợ làm phiền anh chị quá.

- Trời ơi, anh cứ nói thế. Như thế càng thêm vui. Chúng tôi phải biết ơn anh chị mới phải. Hơn nữa, thú thật với anh, đó là vì tình yêu của tôi đối với anh, yêu như một người anh, một người đồng nghiệp...

Ngày thứ sáu, vụ trưởng Crôm lại than phiền rằng ông ta định đi thành phố Đi-e-rơ thăm mẹ vợ, nhưng xe ô tô lại bị hỏng máy, chẳng hiểu hóc cái gì ở cầu sau...

- Anh đừng lo - Lai-ôx nói một cách sốt sắng - Tôi và vợ tôi cũng định đi Đi-e-rơ vào ngày thứ bảy tới, để xem triển lãm về hàng dệt. Tiện thể chúng tôi sẽ chở anh chị đi.

- Tôi biết cảm ơn anh thế nào bây giờ - Vụ trưởng nói với một vẻ thân mật - Nhưng xin anh nói thật cho tôi biết, tại sao anh tốt bụng đối với tôi như vậy?

- Có gì đâu. Như tôi đã nói với anh lần trước - Lai-ôx để bàn tay lên chỗ trái tim - Tôi rất yêu mến anh. Không phải như cấp dưới đối với cấp trên mà như con người đối với con người.

Sau chuyến đi Đi-e-rơ được ít lâu, một lần trong nhà ăn, vụ trưởng Crôm lại than phiền rằng ông ta một mình thật không biết làm cách nào để có thể chăm sóc được mảnh vườn ở ngoài biệt thự.

- Anh thật lạ lùng, thật là con người kín đáo - Lai-ôx phê phán một cách thẳng thừng. Tại sao cho tới nay tôi không hề thấy anh nói gì về cái biệt thự với mảnh vườn của anh cả. Tôi và các con tôi chỉ biết cảm ơn anh nếu như anh cho phép chúng tôi được lao động ngoài trời để hít thở không khí trong sạch. Chứ không suốt ngày ngồi trong văn phòng mãi, cái lưng nó đã sắp sửa thành dấu hỏi rồi. Thế mà không thấy anh nói gì cả.

- Xin cảm ơn anh lắm lắm, anh Lai-ôx thân mến. Điều này đối với tôi sẽ là một sự giúp đỡ vĩ đại đấy. Tôi biết trả ơn anh bằng gì bây giờ?

- Ồ, thủ trưởng cứ nói ơn với huệ gì thế? Chính tôi và gia đình tôi phải cảm ơn thủ trưởng mới phải.

Nhưng đến một tháng sau, vụ trưởng Crôm được thuyên chuyển đi cơ quan khác. Một hôm, ông ta trở lại cơ quan cũ để lấy giấy tờ gì đó. Tình cờ, Crôm gặp lại Lai-ôx, người vụ phó của mình ngoài hành lang.

- Hay quá! Trời run rủi cho mình gặp lại cậu - Crôm mừng rỡ nói - Tôi định đến hỏi mượn chiếc khoan tay chạy bằng điện một ngày chủ nhật được không?

- Khoan điện à? - Lai-ôx ngập ngừng hỏi lại - Anh hiểu cho. Cái thứ dụng cụ đắt tiền đó, thật khó mà bạ ai cũng cho mượn.

Những chuyện ngụ ngôn hay

MÈO VÀ CHUỘT GIÀ

Có lần vì một con Mèo luôn để mắt rình, nên Chuột hầu như chẳng dám thò ra khỏi hang một cọng ria vì sợ bị Mèo bắt được ăn tươi nuốt sống nó. Con Mèo đấy dường như có mặt ở khắp mọi nơi, luôn sẵn sàng móng vuốt để vồ mồi ngay lập tức. Vì lũ Chuột cứ nép mình sát trong hang, Mèo thấy rằng nó phải dùng mẹo mới bắt được chuột. Một hôm, nó leo lên một cái kệ và treo mình vào đấy, đầu chúi xuống đất, như thể đã chết, một sợi dây thừng cột vào chân treo lủng lẳng lên kệ.

Khi lũ Chuột lén nhìn ra và thấy Mèo bị treo như thế, chúng nghĩ rằng Mèo đã bị chủ phạt treo vì đã làm điều sai trái gì đấy. Ban đầu hết sức rụt rè, chúng thò đầu ra và cẩn thận đánh hơi tất cả khu vực xung quanh. Nhưng chẳng có gì động tịnh, thế là cả một đoàn quân chuột hớn hở chui ra để ăn mừng Mèo đã chết.

Ngay khi đó, Mèo buông chân khỏi thừng, và trước khi lũ Chuột hết bàng hoàng vì quá ngạc nhiên, nó đã kết liễu cuộc đời của bốn năm chú chuột.

Bây giờ Chuột nằm nhà giới nghiêm nghiêm ngặt hơn bao giờ hết. Nhưng Mèo, vẫn thèm ăn thịt Chuột, còn lắm mưu nhiều kế khác. Nó lăn mình nó vào bột cho đến khi nhìn nó y như một cục bột, nó nằm trong thùng bột chỉ mở một mắt ra canh Chuột.

Hoàn toàn an tâm vì chẳng còn thấy Mèo đâu, lũ Chuột chẳng mấy chốc lại thò đầu ra. Chỉ một tí nữa thôi tưởng chừng như mèo đã vớ được một con Chuột con bụ bẫm thì bỗng Chuột Già, đã từng bị Mèo vồ hụt và thoát bẫy nhiều lần, thậm chí đã mất đứt cái đuôi vào một trong những lần ấy, đứng ở một nơi khá xa tại một cái lỗ chân tường của hang nó sống.

Cẩn thận đấy!" nó la lên. "Đó có thể là một đống bột ngon, nhưng trông nó lại rất giống con Mèo. Dù nó là gì chăng nữa, thì cứ tránh xa cho an toàn là khôn ngoan nhất."

Lời bàn: Người khôn không để mắc lừa đến lần thứ hai.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Trận Đấu Trà 

Một thiền trà sư trong xã hội cổ xưa Nhật Bản một lần tình cờ khinh thường một người chiến sĩ. Ông vội vã xin lỗi, nhưng thay vì gây gỗ thì người chiến sĩ yêu cầu vị thiền sư sắp đặt một buổi đọ kiếm tay đôi. Vị thiền sư trà không có kinh nghiệm về đấu kiếm, ông đã xin ý kiến người bạn là một thiền Sư người có sự tinh xảo về kiếm thuật. Trong lúc được người bạn tiếp đãi, vị Thiền Sư kiếm sĩ không thể giúp đỡ nhưng đã nhận xét là như thế nào mà vị thiền trà sư thực hiện kỷ xảo với sự tập trung hoàn hảo và yên tĩnh.

"Ngày mai," vị Thiền Sư kiếm sĩ nói, "khi bạn đấu với người chiến sĩ, hãy giữ vũ khí trên đầu bạn, như là sẵn sàng để tấn công, và nhìn ông ta với sự tập trung và yên tĩnh giống như khi bạn thực hiện thiền trà."

Ngày hôm sau, tại thời điểm và địa điểm cho cuộc đấu, vị thiền trà sư đã làm theo lời khuyên. Người chiến sĩ, đã sẵn sàng để tấn công, nhìn chăm chăm rất lâu vào gương mặt tập trung hoàn toàn nhưng điềm tỉnh của vị thiền sư trà. Cuối cùng, người chiến sĩ hạ cây kiếm của mình xuống, tạ lỗi cho tính cao mạn của mình, và rời khỏi không gây chiến nữa.

Điển Hay Tích Lạ

Ngọc tỉnh liên phú

"Ngọc tỉnh liên" là "Hoa sen trong giếng ngọc". Đây là bài phú của Mạc Đĩnh Chi.

Ông đỗ Trạng nguyên, khi vào bái yết nhà vua, Trần Anh Tông thấy hình dung ông xấu xí quá, không muốn cho đỗ. Ông liền làm bài phú "Ngọc tỉnh liên" để tự ví mình. Vì hoa sen vốn có tiết tháo thanh cao, không hoa nào sánh được, tuy gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn; vả lại sen này lại trồng trong giếng ngọc nữa thì sen càng cao quý biết bao. Ông như sen, dù có phải ở vào hoàn cảnh ô trọc thế nào thì cũng vẫn giữ khí tiết thanh cao, huống chi ở vào một thời tốt đẹp, vua minh chánh thì người ông càng cao quý biết mấy. Sen quý nhưng phải có người sành mới biết thưởng thức.

Vua đọc bài phú của ông cho là kiệt tác nên mới yêu dùng.
Dưới đây là bài phú "Ngọc tỉnh liên" dịch ra văn nôm:
"Đương khi lửa hạ, khách cao trai thư thả, lời dòng nước biếc, vịnh khúc phù dung; đến bến ao trong, ngâm câu nhạc phủ. Bỗng bóng ai, áo trắng mũ vàng, phất phơ điệu cốt xương tiên, hớn hở tinh thần khác tục. Khách hỏi: từ đâu mà lại? Thưa rằng: từ núi Hoa san. Khách kéo ghế mời ngồi vồn vã, này dưa ngon quả quý bày ra. Chuyện gần thôi lại chuyện xa, nói cười lơi lả, tiệc hoa tơi bời. Chuyện xong, mới hỏi khách rằng: khách đây quân tử ái liên chăng là? Tiện đây sẵn có giống nhà, vẫn từng gìn giữ nâng niu hoa vàng. Nọ đào lý bỉ thô còn kém, kể trúc mai đơn lạnh còn xa; nào phải giống tăng phòng câu kỷ, nào phải phường lạc thổ mẫu đơn, cũng chẳng phải đông ly đào cúc, mà cũng không cửu uyển linh lan; chính là một giống sen thần, đầu non núi Họa giếng vàng sinh ra. Khách nghe nói: khen thay quý lạ! Phải chăng giống hoa cao mười trượng, ngó cong như thuyền, lạnh giá như băng, ngọt ngon tựa mật, xưa từng nghe tiếng, nay được thực trông. Nghe qua đạo sĩ vui lòng, hoa trong tay áo giữ liền tặng đưa. Khách trông thấy trong lòng hồi hộp, bút ngũ lăng tay thảo nên ca. 

Ca rằng:

Thủy tinh làm mái cung đình
Lưu ly lạc để nên hình cung môn,
Pha lê nát nhỏ làm bùn,
Minh châu làm nóc trên cành tưới cây.
Hương thơm bay thấu từng mây,
Bích thiên âu cũng mê say tấc lòng.
Quế xanh khóc vụng tủi thầm,
Tố Nga luống những mười phần giận thân.
Cỏ dao hái chốn Phương tân,
Sông Tương trông ngóng mỹ nhân dãi dầu.
Giữa dòng lơ lửng vì đâu?
Non sông đất cũ cớ sao chẳng về?
Đành nơi lưu lạc quản gì,
Thuyền quyên lỡ bước lắm bề gian truân.
Một lòng trung chính nghĩa nhân.
Lo chi mưa gió, phong trần, tuyết sương!
Chỉn e lạt phấn phai hương,
Tháng ngày thắm thoát, mỹ nhân ai hoài.

Nghe xong, đạo sĩ than rằng: Nói chi ai oán thiết tha! Kìa chẳng xem đóa tử vi nở trên ao phượng, hoa thược dược mọc trước bệ vàng, cũng là địa vị thanh cao, thanh danh hiển hách, ơn trên thánh chúa, mưa móc dồi dào. Vội chi tủi phận hờn duyên, nước non lẩn thẩn toan bề đi đâu? Khách nghe nói như tình, như cảm, đem lòng kính mộ xiết bao. Khúc trai đình tay tiên đề vịnh, thơ phong đầu giọng ngọc ngâm nga. Nỗi lòng xin giải gần xa, kính dâng một phú hải hà xét xoi. (Bản dịch của C... Đ...)

Mạc Đĩnh Chi người làng Lũng Động, huyện Chí Linh (nay thuộc phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương), thông minh tuyệt vời, diện mạo rất xấu xí. Vì cái xấu xí đó mà suýt chút con đường hoạn lộ của ông bị bế tắc; tuy vậy mà cũng nhờ đó, ông để lại cho đời một bài phú "Ngọc tỉnh liên" có giá trị.

Ông tài giỏi quá nên đời ông có nhiều giai thoại ngộ nghĩnh nửa thực nửa hư. Ông được người tôn sùng là "Lưỡng quốc Trạng nguyên". Vì ông đỗ Trạng nguyên ở nước nhà, rồi đi sứ sang Tàu, ông lại được vua Tàu sau khi xem văn ông lại cầm viết phê là Trạng nguyên nữa. Thật là chuyện nửa tin nửa ngờ.

Nguyên ông đi sứ sang Tàu đời nhà Nguyên. Khi vào triều, vừa gặp người ngoại quốc dâng nhà vua một cây quạt. Vua bảo ông làm một bài minh (một thể văn ngày xưa) để đề vào quạt. Ông cầm bút viết ngay:

Lưu kim thước thạch, thiên địa vi lô
Nhĩ ư tư thời hề, Y, Chu cự nho.
Bắc phong kỳ lương, vũ tuyết tái đồ,
Nhĩ ư tư thời hề, Di, Tề ngã phu,
Y! Dụng chi tắc hành, xã chi tắc tàng
Duy ngã dữ nhĩ hữu thị phù!
Nghĩa là:

"Vàng chảy đá tan, trời đất như lò lửa, lúc ấy ngươi được như Y Doãn, Chu công là bực cự nho.
Gió bấc lạnh lùng mưa tuyết đầy đường, lúc ấy ngươi phải như Bá Di, Thúc Tề là kẻ bị đói.
Ôi! Dùng thì làm, bỏ thì cất,
Ta cùng ngươi cũng giống nhau chăng?"

Quần thần nhà Nguyên thấy bài minh cho là hay, cực kỳ khen ngợi. Có truyện chép: từ chữ "Y" trở xuống, vua Nguyên phê 4 chữ "Lưỡng quốc Trạng nguyên". Ông đi sứ tàu, vì trời mưa gió nên đến cửa ải trễ. Lính đã đóng cửa. Nhưng muốn thử tài sứ Việt, quan Tàu đưa một vế câu đối xuống để ông đối. Vế rằng:

"Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan"

Nghĩa: "Qua ải chậm, cửa ải đóng, xin khách qua qua ải".

Ông liền đối:

"Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh trên đối"

Nghĩa: "Ra đối dễ, đối lại khó, xin mời tiên sinh đối trước".

Người Tàu phục tài mở cửa quan cho qua.

Một quan Tể tướng nhà Nguyên mời ông vào phủ, cùng ngồi đàm luận. Trong phủ có treo một bức trướng thêu con chim sẻ vàng (hoàng tước) đậu trên cành trúc. Thêu khéo đẹp quá, ông tưởng là chim thật, bước đến đưa tay bắt. Người Nguyên cười ầm lên. Ông liền kéo ngay bức trướng xé toang ra. Chúng lấy làm lạ hỏi. Ông nói:

- Tôi nghe người ta họa bức mai tước (cây mai và chim sẻ) thì có, chớ chưa thấy họa bức trúc tước (cây trúc và chim sẻ) bao giờ. Vả chăng trúc là quân tử, tước là tiểu nhân, nay bức trướng thêu trúc tước, ấy là cho tiểu nhân đứng trên quân tử. Tôi sợ e quân tử đạo tiêu, tiểu nhân đạo trưởng, nghĩa là quân tử suy mà tiểu nhân thịnh, cho nên tôi vì Thánh triều mà trừ đi đó. Chúng nghe rất lấy làm phục.

Chuyện cười trong ngày

Ra là thế.


Ông Martin trở về nhà, khuôn mặt đầy lo lắng. Bà vợ vội hỏi:

- Anh sao vậy? Có chuyện gì không ổn ở cơ quan phải không?

- Hôm nay có cuộc họp với giám đốc của anh… Ông ta rất quan tâm đến bản báo cáo và các kế hoạch đề xuất của anh…

- Thế thì sao anh lại lo lắng?

- Tự nhiên anh thấy sa sầm mặt mũi. Dường như anh bị mất thị giác, anh không còn nhìn thấy rõ ràng nữa. Thật là khủng khiếp.

Đột nhiên có tiếng chuông điện thoại reo. Vợ của Martin chạy ra nhấc máy: “Dạ, xin chào ông giám đốc… Dạ, vâng… vâng…”. Rồi chị quay sang chồng, gọi:

- Anh ơi, ông giám đốc gọi nè. Ổng hỏi anh lúc hết cuộc họp có lấy lộn cặp kính của ổng không?