Sunday, April 16, 2017

Điển Hay Tích Lạ

Táng tâm bệnh cuồng

Câu thành ngữ này có ý chỉ người mất hết lý trí, ngôn luận sai loạn, như bị điên dại, thường dùng để ví về người tàn nhẫn, độc ác đến cùng cực.

Câu thành ngữ này có xuất xứ từ "Tống Sử-Truyện Phạm Như Khuê".

Tần Cối nguyên là đại thần triều Bắc Tống, đã theo hai nhà vua là Tống Huy Tông và Khâm Tông đến làm tù binh ở phương bắc, nương nhờ vào người Kim. Về sau, hắn bị người Kim thả về Nam Tống làm nội gián. Trong triều đình, hắn đã nêu ra chủ trương bán nước là nghị hòa với người Kim và nam bắc phân để trị. Tống Cao Tông là người luôn có ý định giảng hòa với người Kim, nên rất tán thưởng chủ trương này của Tần Cối, liền nâng hắn lên làm tể tướng, phàm có việc gì đều ngấm ngầm bàn riêng với hắn, không cho phép các đại thần tham gia. Tần Cối một mặt tỏ ra ân cần, khúm núm đối với Tống Cao Tông, mặt khác không ngừng chiêu nạp các quan chức chủ trương đầu hàng, bức hại những quan viên chủ chiến, nên hắn thường bị các đại thần trong triều khiển trách, dân chúng cũng rất căm giận.

Một hôm, triều nhà Kim cử sứ giả đến Nam Tống bàn về điều kiện giảng hòa. Vị sứ giả này dựa vào lực lượng quân sự lớn mạnh của triều nhà Kim, thái độ vô cùng ngạo mạn, hắn nêu ra những điều kiện rất khắt khe, nên bị các quan viên chủ chiến phản đối, riêng chỉ có Tần Cối bày tỏ tiếp nhận. Phạm Như Khuê lúc bấy giờ là Hiệu Thư Lang, kiêm chức Sử Quán Hiệu Thám chủ trương từ chối nghị hòa với người Kim. Ông chuẩn bị cùng một số đồng liêu liên danh viết thư cho Tống Cao Tông, phản đối sự cầu hòa nhục nhã này. Sau khi viết xong tấu chương, những người kia sợ bị Tần Cối báo thù, nên đều co rụt lại cả. Phạm Như Khuê thấy vậy liền viết một bức thư cho Tần Cối, để chỉ trích hành vi bán nước của hắn. Trong thư có đoạn viết: "Tần Cối ông nếu không phải là người mất hết lý trí, lời nói và hành vi sai loạn như người điên rồ, thì làm sao lại có thể làm nên những sự việc nhục nước hại dân như vậy? Ông làm như thế tất bị người đời chê trách và thối tha nghìn năm, mãi mãi bị các đời con cháu phỉ nhổ ".

No comments:

Post a Comment