Monday, August 31, 2015

Ngày 31-8-2015 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Sự tích chim quốc

Sự tích chim quốc

Chuyện cổ tích Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Đổng Chi

Ngày ấy có đôi bạn chí thân là Quắc và Nhân. Họ đều là con nhà học trò nghèo, lại đều mồ côi cha mẹ, Quắc được học nhiều hơn bạn: anh chàng làm thầy đồ dạy trẻ. Tuy bổng lộc chẳng có là bao nhưng Quắc vẫn thường giúp đỡ Nhân. Đối lại, có lần Quắc bị ốm nặng, giá không có bạn thuốc thang ngày đêm thì anh khó lòng sống nổi. Sau đó cũng vì sinh kế, đôi bạn phải chia tay mỗi người mỗi ngả.
Trong khi Quắc sống cuộc đời dạy trẻ thì Nhân cũng đi lang thang đến các vùng xa lạ làm thuê làm mướn. Trải qua một thời kỳ lang bạt, cuối cùng anh chàng vào làm công cho một phú thương. Thấy chàng thật thà chăm chỉ, phú thương rất tin cậy. Chẳng bao lâu Nhân được phú thương gả con gái cho.

Vợ Nhân có nhiều của riêng. Vì thế Nhân nghiễm nhiên trở nên một phú ông có cơ nghiệp kha khá ở trong vùng.

Nhân giàu nhưng không quên tình bầu bạn. Nhân vẫn nhớ tới lời thề "sống chết sướng khổ có nhau" với Quắc. Nhân cất công đi tìm và sung sướng thấy Quắc vẫn còn sống. Tuy Quắc đang dở năm dạy, nhưng Nhân cũng thương lượng được với cha mẹ học trò cho con em chuyển sang một cụ đồ khác rồi đưa Quắc về nhà mình. Nhân dặn người nhà phải coi Quắc không khác gì mình, cơm nước hầu hạ không được bê trễ.

Nhưng tính vợ Nhân không được như chồng. Xưa nay đối với những kẻ rách rưới, chị ta thường tỏ vẻ coi thường. Và, chị ta không cùng sống những ngày hàn vi với Nhân nên có thấy đâu tình nghĩa giữa Nhân và Quắc như thế nào. Nhưng thấy chồng trọng đãi khách nên lúc đầu chị không dám nói gì. Nhân luôn luôn bảo vợ: - "Đây là người thân nhất trong đời tôi. Nếu không có bạn thì tôi chưa chắc đã sống để gặp nàng". Vợ Nhân chỉ lẩm bẩm: - "Khéo! Bạn với bè! Chỉ có ngồi ăn hại".

Dần dần vợ Nhân bực mình ra mặt. Chị ta khó chịu vì cái ông khách lạ tự dưng ở đâu đến chả giúp ích gì cho nhà mình, chỉ chễm chệ trên giường cao, cơm rượu mỗi ngày hai bữa. Vợ Nhân trước còn nói mát sau thì ngoa ngoắt ra mặt. Có hôm người đàn bà ấy đay nghiến cả chồng lẫn khách:

- Chẳng phải bố già, không phải khách nợ, ở đâu lại rước về thờ phụng: ăn no lại nằm. Thôi liệu mà tống quái đi!

Thấy thái độ vợ ngày càng quá quắt, chồng chỉ sợ mất lòng bạn. Một mặt Nhân thân hành chăm chút bạn chu đáo hơn cả lúc trước, mặt khác Nhân tỷ tê khuyên dỗ vợ. Nhưng vợ Nhân chứng nào vẫn giữ tật ấy. Về phần Quắc thì chàng hiểu tất cả. Đã hai lần Quắc cáo bạn xin về nhưng Nhân cố giữ lại. Thấy bạn chí tình, Quắc lại nấn ná ít lâu.

Nhưng hôm đó Quắc quả quyết ra đi vì chàng vừa nghe được những câu nói xúc phạm nặng nề. Quắc nghĩ, nếu mình không đi sớm thì có ngày bị nhục với người đàn bà này. Mà nếu ra đi như mấy lần trước thì sẽ bị bạn chèo kéo lôi thôi.

Một hôm, trời còn mờ sương, Quắc cất lẻn ra khỏi nhà. Để cho bạn khỏi mất công tìm kiếm, khi đi qua một khu rừng, chàng cởi khăn áo treo lên một cành cây bên đường. Đoạn Quắc lần mò đến xứ khác trở lại cuộc đời dạy trẻ.

Thấy mất hút bạn, Nhân bổ đi tìm. Khi nghe tin có người bắt được khăn áo ở mé rừng phía Nam, chàng lật đật đến xem. Nhận rõ ấy là khăn áo của bạn, Nhân rất thương cảm: - "Ta nuôi bạn thành ra hại bạn! Chắc bạn ra bị cướp giết chết". Nhưng sau đó Nhân lại nghĩ khác: - "Bạn ta ra đi trong túi không có một đồng một chữ thì dầu có gặp cướp cũng không việc gì. Đây một là hùm beo ăn thịt, hai là bị lạc trong rừng sâu".

Nhân bắt đầu vào rừng tìm Quắc. Không thấy có vết máu, chàng lại càng hy vọng. Băng hết chông gai, chui hết bụi rậm, Nhân luôn luôn cất tiếng gọi: "Anh Quắc ơi! Quắc! Quắc!". Nhân đi mãi, gọi mãi, quanh quẩn trong khu rừng mênh mông. Cho đến hơi thở cuối cùng con người chí tình ấy vẫn không quên gọi: - "Quắc!Quắc!". Rồi đó Nhân chết hóa thành chim quốc, cũng gọi là đỗ quên.

Vợ Nhân đợi mãi không thấy chồng về, lấy làm hối hận. Một hôm chị ta bỏ nhà bỏ cửa đi tìm chồng. Cuối cùng cũng đến khu rừng phía Nam. Nghe tiếng "Quắc! Quắc!", chị ta mừng quá kêu to: - "Có phải anh đấy không anh Nhân!". Không có tiếng trả lời ngoài những tiếng "Quắc! Quắc!". Vợ Nhân cứ thế theo tiếng gọi tiến dần vào rừng sâu. Sau cùng không tìm được lối ra, chết bên cạnh một gốc cây[1].

KHẢO DỊ

Truyện Sự tích chim quốc của Trung-quốc khác hẳn truyện của ta. Theo sách Hoàn vũ ký thì ngày xưa có Thục vương tên là Đỗ Vũ làm vua mang hiệu là Vọng Đế. Vọng Đế lập Miết Linh làm tướng. Về sau Vọng Đế nhường ngôi cho Miết Linh rồi bỏ đi mất, hóa làm chim tử quy, cũng gọi là chim đỗ vũ hay đỗ quyên[2].

Còn theo Cầm kinh thì Miết Linh là bề tôi được Đỗ Vũ (tức Vọng Đế) tin dùng cất làm tướng; về sau bị Miết Linh cướp ngôi, Đỗ Vũ tức và tiếc quá, ngày đêm kêu "Quốc! Quốc![3]" ra rả. Sau có một ông tiên hiện ra trách: - "Quá tin người để mất nước, kêu mà làm gì?". Đỗ Vũ thẹn quá chui lủi trong bụi cây. Sau hóa thành chim, hễ thấy người là chạy, thỉnh thoảng vẫn kêu "Quốc! Quốc!". Đồng bào Mường ở Hòa-bình cũng có truyện Sự tích chim quốc tương tự với truyện của Trung-quốc. Dòng dõi họ Bạch ở Kim-bôi thuộc châu Lương-sơn (Hòa-bình) kiêng ăn thịt chim quốc vì họ cho chim quốc là dòng dõi của Thục đế. Mà Thục đế ở đây lại là Thục An Dương Vương, mất nước, chết hóa thành chim, luôn miệng kêu "Quốc! Quốc!".

Ở Nghệ-an có người kể Sự tích chim quốc như sau:

Có đôi vợ chồng hiếm hoi, chỉ được một con trai, hỏi vợ cho đám nào anh cũng chê cả. Sau anh đi buôn nước ngoài, sang đất Thục, các cô gái thấy anh thì phải lòng, trong đó có một cô gái nhà quan. Cô gái về thưa với cha. Quan cho đòi anh ta đến gả cho làm vợ. Hai người yêu nhau rất mực.

Lấy nhau được một năm thì có thư nhà sang báo anh về. Về đến nhà, anh bị bố mẹ giữ lại không cho đi buôn xa nữa. Anh ta nhớ vợ ngày một héo mòn. Sau hóa ra chim quốc, miệng lúc nào cũng kêu: "Thục quốc! Thục quốc!"[4].

Đồng bào Nam-bộ lại kể truyện này với chủ đề tình bạn, nhưng hình tượng trong truyện khác với truyện của người Bắc-bộ ở trên:

Ngày xưa có một ông vua Chàm tên là La Hoa. La Hoa chuẩn bị đem quân ra đánh nước Việt. Một người tên là Quốc vừa là bạn vừa là cố vấn, hết sức can ngăn, nhưng không được. Tuy biết chắc thất bại nhưng Quốc cũng xin đi theo để chịu chung số phận. Cuộc chiến đấu diễn ra kịch liệt ở Đèo Ngang. La Hoa bị trúng một mũi tên chết. Quốc thúc quân báo thù, cuối cùng cũng chết.

Hồn của Quốc đi tìm La Hoa nhưng không biết rằng xác La Hoa đã bị kẻ địch đưa đi mất tích. Tìm không được, hóa làm chim, luôn mồm kêu "Quốc Quốc, La Hoa" (ý nói đây là Quốc, La Hoa ở đâu?)[5].

Đồng bào miền Bắc còn một truyện khác nữa với chủ đề mẹ ghẻ con chồng:

Có hai anh em: anh là con vợ cả đã chết, em là con vợ kế. Mẹ ghẻ ghét con chồng tìm cách làm cho chết. Một hôm bảo cả hai: "Mỗi đứa cầm một túi vừng lên Nam-sơn mà vãi, hạt của đứa nào nẩy mầm mới được về ăn cơm, nếu không thì đừng về". Dọc đường nghỉ ở gốc cây, em thử nhấc túi vừng của anh thấy nhẹ (kỳ thực là do mẹ ghẻ đã đồ chín nên mới nhẹ như thế) bèn đề nghị đổi. Khi vãi xong thì vừng của anh mọc trước rất đẹp. Em bảo anh về trước nhưng anh cứ ngồi chờ em. Em không thấy vừng của mình mọc cũng không chịu về. Cuối cùng cả hai đều chết. Mẹ ghẻ lên núi thấy thế hối hạn. Một hôm nghe có tiếng chim kêu: "Khổ quá! Khổ quá! Mẹ đồ chín vừng làm hại con!". Đó là con đẻ của mình đã hóa làm chim đỗ quyên[6].

[1]. Theo Trung Bắc chủ nhật (1943).
[2]. Theo Bội văn vận phủ.

[3]. “Quốc” là nước.

[4]. Bản khai những truyện dân gian: cây cỏ, chim muông, yêu ma.

[5]. Theo Lê Văn Phát. Cổ tích và truyền thuyết ở xứ An-nam.

[6]. Theo Trung Bắc chủ nhật (1943).

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

Nó sẽ đi qua

Một thiền sinh đến gặp vị Thiền Sư và nói,

"Sự tu tập thiền của tôi hết sức khó chịu! Tôi cảm thấy quẫn trí, đôi chân của tôi bị đau nhức, đôi khi tôi rơi vào cơn buồn ngủ. Nó thì hết sức khó chịu!"

"Nó sẽ đi qua," vị Thiền Sư thản nhiên nói

Một tuần lễ sau, thiền sinh trở lại gặp vị thầy của mình. "Sự tu tập thiền của tôi thì rất tốt! Tôi cảm thấy vô cùng tỉnh thức, thật là yên tĩnh, vô cùng sinh động! Nó thật là kỳ diệu!"

"Nó sẽ đi qua."

Vị Thiền Sư thản nhiên trả lời

Cổ Học Tinh Hoa - Muôn vật một loài

Muôn vật một loài

Người ta ở trong khoảng trời đất thường hay tự phụ mình làm chủ cả muôn vật: vì mình mà muôn vật phải sinh, vì mình mà cây thóc mọc mà con lợn béo, mà con tằm nhả tơ, con ong gây mật, cho đến cả mặt trời sáng ban ngày, ngôi sao lóng lánh ban đêm. Nhưng xét lại, thì loài người chẳng qua cũng chỉ là một loài cùng sinh, cùng sống như muôn loài trong trời đất

Người họ Điền nước Tề sắp phải đi xa, làm tiệc để cáo biệt anh em. Khách mời kể có nghìn người. Cỗ bàn đủ các thứ sơn hào hải vị. Lúc ăn đến món chim, món cá, người họ Điền trông thấy, nói rằng: “Trời đãi người hậu thật! Sinh ra thóc lúa, sinh ra chim cá, không thiếu thứ gì, để cho người dùng”. Bao nhiêu khách ăn đồng thanh khen câu nói ấy là phải. Duy có đứa con họ Bảo, tuổi mới mười hai, đứng dậy nói rằng:

- Cứ như ý tôi thì câu nói ấy là không phải. Muôn vật trong trời đất là cùng sinh với ta, cùng một loài như ta, không có gì sang hay hèn cả. Sang hèn mà phân biệt, chẳng qua là các loài chế lẫn nhau, lớn nuốt nhỏ, khôn đè dại, khoẻ lấn yếu mà thôi. Chớ nào có phải trời vì loài này mà sinh ra loài khác đâu! Người ta cái gì ăn được thì lấy mà ăn, chớ trời nào lại vì người mà sinh ra ăn thứ nọ thứ kia?

Cứ theo lý ấy, ruồi muỗi hút máu người, hổ lang ăn thịt người, thì có nói được rằng trời vì những giống ấy mà sinh ra người không? 

Liệt Tử

Lời bàn:

Người ta ở trong khoảng trời đất thường hay tự phụ mình làm chủ cả muôn vật: vì mình mà muôn vật phải sinh, vì mình mà cây thóc mọc mà con lợn béo, mà con tằm nhả tơ, con ong gây mật, cho đến cả mặt trời sáng ban ngày, ngôi sao lóng lánh ban đêm. Nhưng xét lại, thì loài người chẳng qua cũng chỉ là một loài cùng sinh, cùng sống như muôn loài trong trời đất. Loài người sở dĩ hơn muôn vật là chỉ hơn có một chút trí khôn mà thôi. Nên câu nói như đứa bé họ Bảo mới thực là cao, rộng, hiểu được cái lẽ vạn vật, tịnh sinh ở đời vậy.

Chuyện cười trong ngày

Gia phả viết về án tử

Gia đình họ từ đời này sang đời khác gồm nhiều thượng nghị sĩ nổi tiếng và các nhà kinh doanh tài ba. Vì thế họ quyết định làm một cuốn gia phả để lại cho con cháu đời sau. Họ thuê một tác giả nổi tiếng. Vấn đề nảy sinh là trong dòng họ duy nhất có ông chú George đã bị kết án tử hình trên ghế điện. Tác giả cuốn gia phả nói rằng ông ta có thể giải quyết êm thấm vấn đề này. Rồi cuốn gia phả được làm xong. Đoạn viết về chú George ghi: "Chú George đã giữ một ghế quan trọng hoạt động bằng điện trong một cơ quan chính phủ, nó gắn với ông bằng một sợi dây chắc chắn, và cái chết của ông đến như một cú sốc mạnh".

Sunday, August 30, 2015

Ngày 30-8-2015 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Ăn trộm dạy con

Ăn trộm dạy con
Bài sưu tầm

Xưa có một tên đạo chích rất lành nghề, một hôm, con trai lão ngỏ ý muốn học nghề của cha. Vốn biết đây là một việc xấu nên người cha không muốn con nối nghiệp nhưng khuyên thế nào cậu con trai cũng không từ bỏ ý định. Một hôm, tên ăn trộm nghĩ ra kế liền dẫn con đi với lý do để… thực tập.
Hai cha con đến một nhà giàu có, đánh bả cho lũ chó chết mê mệt xong, đạo chích đào ngạch, khoét vách dắt con chui vào nhà.

Cả nhà ngủ say như chết. Tên trộm thấy một cái rương to còn trống bèn giở nắp rương bảo con:

– Con chui vào đây, hốt hết đồ đạc bỏ vào bao cho cha.

Thằng con y lời, đạo chích liền đóng nắp gài khóa lại… rồi lẻn ra khỏi nhà, hô hoán lên ầm ĩ:

– Ăn trộm! Ăn trộm!

Chủ nhà bừng tỉnh, thấy nhà bị khoét vách, dáo dác tìm kiếm hồi lâu, không thấy động tĩnh liền đi ngủ lại. Con trai đạo chích nằm chết điếng trong rương, tái tê vì sợ và giận cha khôn tả.

Hồi lâu hắn nghĩ ra một kế thoát thân, bèn lấy tay cào sột soạt vào thành rương và giả tiếng chuột kêu ‘chít… chít…’ để đánh lừa chủ nhà. Nghe chuột kêu, chủ nhà vội thức giấc, đốt đèn mở rương đuổi chuột.
Thằng bé liền nhỏm dậy, tắt đèn, xô ngã chủ nhà, tông cửa chạy một mạch. Chủ nhà lục tục kéo nhau, vừa hô hoán vừa đuổi theo. Thằng bé chạy đến đường cùng thì gặp cái giếng, nó vội vàng ôm một cục đá to liệng xuống giếng và tri hô:

– Thằng ăn trộm rớt xuống giếng rồi… Làng xóm ơi!

Mọi người đổ xô nhau kéo đến giếng để bắt trộm. Thằng bé chạy thẳng về nhà. Gặp cha, thằng bé oà lên khóc và không tiếc lời oán trách cha. Lão đạo chích mỉm cười nói:

– Khoan đã… Con hãy nói cho cha nghe lúc bị nhốt trong rương và lúc đang chạy trốn con thấy thế nào?

Cậu con kể lại từ đầu đến cuối cho cha nghe. Lão tươi cười nói: “Con có muốn cả cuộc đời mình phải sống trong cảm giác đề phòng, sợ hãi, trốn chui trốn lủi… thế nữa không?”. Cậu bé im lặng nhìn cha.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

CỚ SAO LẠI CÓ BỤI


Một hôm, khi Triệu Châu đang quét sân chùa thì có người hỏi:

- Chốn già lam thanh tịnh cớ sao lại có bụi?

Triệu Châu đáp:

- Từ ngoài đến.

Một hôm khác, cũng trong lúc Triệu Châu đang đang quét sân chùa thì một ông tăng hỏi:

- Hoà thượng là thiện tri thức cũng có bụi nữa sao?

Triệu Châu đáp:

- Kìa, lại một hạt bụi nữa.

 (Triệu Châu Ngữ Lục).

Cổ Học Tinh Hoa - Không chịu theo kẻ phản nghịch

Không chịu theo kẻ phản nghịch

Trần Hằng lúc giết vua xong, sai sáu người dũng sĩ đến bắt Tử Uyên Thê phải theo mình.

Tử Uyên Thê nói:

- Nhà ngươi muốn cho ta vào đảng, ý hẳn cho ta là “trí” chăng, nhưng bầy tôi giết vua mà không cản được, ta chẳng phải là trí; cho ta là “nhân” chăng, nếu thấy lợi mà phản nước, ta chẳng phải là nhân; cho ta là “dũng” chăng, nhưng đem binh đến ăn hiếp ta, ta sợ mà theo ngươi, ta cũng chẳng phải là dũng. Ví bằng ta không có ba điều ấy, ta về bè với ngươi thì có bổ ích gì cho ngươi. Ví bằng ta có ba điều ấy, thì đời nào ta theo ngươi mà ngươi dỗ.

Trần Hằng bèn tha Tử Uyên Thê.

Tân Tự

Lời bàn:

Trần Hằng mà dụ Tử Uyên Thê vào đảng là có ý mong cậy Tử Uyên Thê về sau này nhiều lắm. Không ngờ Tử Uyên Thê đáp hắn mà thực là người đủ trí, nhân, dũng, thì không bao dỗ được, mà nếu hắn lại là người trí, nhân, dũng, đều không có thì giờ dỗ hắn về mà có ích chi! Câu đáp thật khéo, thật có ý nghĩa đủ làm cho Trần Hằng suy nghĩ cả đôi đường mà phải thôi dỗ ngay không còn do dự gì nữa

Chuyện cười trong ngày

Biện pháp hữu hiệu

Trong sở thú thành phố Paris có một con sư tử rất hung tợn. Trên song sắt cửa chuồng đã có biển báo "Thú dữ, đề phòng nguy hiểm" nhưng du khách vẫn rất thích ném đồ vật vào trong trêu nó.

Ông giám đốc sở thú muốn ngăn chặn tình trạng này bèn bảo anh chàng phụ trách chuồng:

- Tom, anh hãy đi thay tấm biển khác. Viết thế này vẫn chưa có tác dụng.

Chỉ ít lâu sau khi Tom thay tấm biển, không du khách nào tiếp tục trêu chọc sư tử nữa. Giám đốc vui vẻ hỏi:

- Anh viết gì trên đó vậy?

- Dạ, tôi viết: "Ai ném bất cứ đồ vật gì vào trong yêu cầu tự nhặt ra trở lại".

Saturday, August 29, 2015

Ngày 29-8-2015 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Xin hãy cầm cẩn thận

Xin hãy cầm cẩn thận!
Bài sưu tầm

Jim ngó xuống đồng hồ đo tốc độ trong xe trước khi dừng lại: 73 km/h trên con đường giới hạn 55 km/h. Lần thứ tư trong tháng này. Làm sao một người có thể bị cảnh sát phạt nhiều đến thế cơ chứ?! 
Một viên cảnh sát đỗ xe môtô và lại gần xe Jim, tay cầm quyển sổ phạt.

”Bob? Bob mà mình hay gặp ở phòng tập thể hình đây mà!”- Jim nhận ra người quen. Nhưng điều này còn tệ hơn là một cái vé phạt. Vì trước mặt Bob, Jim luôn tỏ ra là một người gương mẫu. Bây giờ bị người quen phạt thì còn ra gì… 

- Chào Bob, gặp cậu ở đây thật là…- Jim nhún vai. 

- Chào Jim- Bob không mỉm cười như mọi khi. 

- Anh lại phạt tôi vì tôi đang vội về với vợ con ư? 

- Chắc phải thế thôi…- Bob ngập ngừng. 

”Anh ta có vẻ không quả quyết! Tốt!”- Jim nghĩ rồi tiếp: 

- Tôi vừa qua một ngày vất vả ở cơ quan. Tôi chỉ vội về với gia đình một chút thôi mà, lần này thôi!- Jim nhịp chân trên vỉa hè, nói giọng khẩn thiết nhất có thể- Anh đo được tôi chạy tốc độ bao nhiêu? 
-70km/h. Anh cứ ngồi vào xe đi!

- Không phải, ngay lúc tôi nhìn thấy anh thì tôi đã nhìn đồng hồ rồi, chỉ 65km/h thôi!- Jim cãi. Lời nói dối đến dễ hơn khi vé phạt sắp được xé.

 - Jim,anh cứ vào xe đi! 

Jim thất vọng vào xe và đóng sập cửa. Bob bắt đầu viết vào quyển sổ. ”Sao hắn không hỏi bằng lái của mình nhỉ? Đồ đáng ghét, dù lý do gì mình cũng không bao giờ thèm ngồi cạnh hắn trong phòng tập thể hình nữa”- Jim nghĩ thầm. Có tiếng gõ nhẹ vào kính cửa sổ. Bob cầm một tờ giấy gấp đôi trong tay. Jim vặn cửa sổ xuống chỉ khoảng vài cm, đủ để giật lấy tờ giấy.

 - Cảm ơn!- Jim không giấu được vẻ khó chịu trong câu nói. Bob chào Jim rồi lên chiếc xe môtô của cảnh sát phóng đi mất. Jim bực bội mở mảnh giấy ra. Không biết lần này bị phạt bao nhiêu tiền đây. Nhưng… Cái gì thế này? Đây không phải là phiếu phạt. Trong mảnh giấy trắng chỉ có viết:

“Jim thân mến! Trước đây tôi có một đứa con gái. Nó được 6 tuổi thì mất trong một tai nạn ôtô. Anh biết đấy- một tài xế lái xe quá tốc độ… Một phiếu phạt và 3 tháng vào tù, rồi anh ta được tự do. Tự do ôm ba đứa con gái của anh ta. Tôi chỉ có một đứa con gái, và tôi sẽ phải đợi đến khi nào tôi được lên Thiên Đàng thì mới có thể gặp lại nó và ôm nó lần nữa. Đã một nghìn lần tôi cố tha thứ cho người đàn ông đó. Một nghìn lần tôi nghĩ rằng tôi đã có thể. Cũng có thể như vậy, nhưng rồi tôi lại phải cố bắt mình tha thứ thêm lần nữa. Cả bây giờ cũng vậy. Hãy nghĩ đến tôi! Và Jim, hãy lái xe cẩn thận. Con trai tôi bây giờ là tất cả những gì tôi còn lại. Thương yêu, Bob”.

 Jim quay đầu lại nhìn, nhưng xe của Bob đã đi khuất từ lâu lắm. 15 phút sau, Jim mới có thể khởi động xe và lái về nhà. Lái từ từ, mong được tha thứ, và mong hơn cả là được ôm những đứa con vào lòng khi khi anh về tới nhà. 

Cuộc sống là một món quà quý giá mà không phải ai cũng nhìn thấy cái nhãn “Xin hãy cầm cẩn thận!”

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

PHẬT MẶT TRỜI, PHẬT MẶT TRĂNG

Kinh nói rằng Phật Mặt Trời sống một ngàn tám trăm năm, và Phật Mặt Trăng chỉ sống có một ngày một đêm.

Có một lần Đại sư Mã Tổ bị bịnh nặng và lâu, viện chủ đến thăm, hỏi:

- Hòa thượng cảm thấy thế nào?

Mã Tổ đáp:

- Phật Mặt Trời, Phật Mặt Trăng.

Sống khi mình có thể sống là phúc đức, và chết khi mình có thể chết cũng là phúc đức. Đối với một người hiểu lẽ sống, thì dù sống một trăm năm hay chỉ một đêm đều có giá trị như nhau .

 (Trí Tuệ Thiền Sư)

Cổ Học Tinh Hoa - Dung người được báo

Dung người được báo

Vua Trang Vương nước Sở cho các quan uống rượu. Trời đã tối, đang lúc rượu say, đèn nến bỗng bị gió tắt cả. Trong lúc ấy, có một viên quan thừa cơ kéo áo cung nữ. người cung nữ nắm lấy, giật đứt giải mũ, rồi tâu với vua rằng:

- Có kẻ kéo áo ghẹo thiếp. Thiếp giật được giải mũ. Xin cho thắp đèn ngay để khám xem ai đứt giải mũ thì chính là kẻ ghẹo thiếp...

Vua gạt đi nói:

- Thôi! Không làm gì! Cho người ta uống rượu, để người ta say, quên cả lễ phép, lại nỡ nào vì câu chuyện đàn bà mà làm sỉ nhục người ta!. Rồi lập tức ra lệnh rằng:

- Ai uống rượu với quả nhân(1) hôm nay mà không say đến dứt đứt giải mũ là chưa được vui.

Các quan theo lệnh, đều dứt giải rmũ cả. Nên suốt tiệc hôm ấy được vui vầy ổn thoả.

Hai năm sau, nước Sở đánh nhau với nước Tấn. Đánh luôn năm trận mà trận nào cũng thấy một viên quan võ liều sống, liều chết xông ra trước mà đánh rất hăng, làm cho quân Tấn phải lùi. Vì thế mà quân Sở được. Trang Vương lấy làm lạ cho đòi viên quan ấy hỏi:

- Quả nhân đãi nhà ngươi cũng như mọi người khác, cớ sao nhà ngươi lại hết lòng giúp quả nhân khác người như vậy?

Viên quan thưa rằng:

- Thần rắp tâm muốn đem tính mệnh để hiến nhà vua đã lâu. Mãi đến bây giờ mới gặp dịp báo đền nghĩa xưa, thực là may cho thần lắm... Thần là Tưởng Hùng, chính là người trước bị dứt giải mũ mà nhà vua không nỡ làm tội đấy...

Đào Ngột (Sở Sử)

Lời bàn:

Ông vua không làm tội người công thần ghẹo cung nữ thực là có độ lượng, bao dung được lỗi của người. Người ghẹo cung nữ không quên cái ơn đã chịu, tìm cách để báo đáp, thực là có nghĩa, tỏ được cái bụng trung thành với người gia ơn. Có vua ấy tất có tôi ấy, vua tôi như thế thì nước đời nào mất được.

------------------------------

(1) Quả nhân: tiếng vua tự xưng với thần hạ và lấy ý khiêm tốn là người ít đức. 

Chuyện cười trong ngày

Không dám la

- Ông cảnh sát ơi, cách đây mấy phút có một tên cướp giật mất cái đồng hồ của tôi tại ngã tư này. -  Người đàn ông hổn hển thưa.

- Thế sao ông không la lớn lên, lúc đó tôi đang đi tuần gần đấy.

- Làm sao la được, ông không thấy là tôi còn sáu chiếc răng vàng trong miệng đây sao!

Friday, August 28, 2015

Ngày 28-8-2015 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện cổ tích Việt Nam - Hai nàng công chúa nhà Trần

Chuyện cổ tích Việt Nam
Hai nàng công chúa nhà Trần
Tác giả: Nguyễn Đổng Chi, nguốn sách hay online

Vào thời nhà Trần có một ông vua sinh được năm nàng công chúa, trong đó có hai nàng xinh đẹp: một người tên là Bảo Nương, một người tên là Ngọc Nương. Năm hai nàng đến tuổi lấy chồng, vua cha toan hạ chiếu kén rể nhưng cả hai đều từ chối. Họ chỉ thích đi xem núi sông cảnh vật trong nước. Họ tâu với vua cha trong một buổi vấn an: - "Thưa phụ hoàng! Phong cảnh nước nhà thật muôn phần cẩm tú. Chúng con chưa muốn lấy chồng. Chúng con chỉ xin phép phụ hoàng đi chơi một chuyến để xem cho thỏa thích".
Vua Trần không biết làm sao can ngăn được, đành phải chiều ý hai con. Họ cải trang thành hai gã con trai, mang theo một số người hầu hạ, và từ đấy, đoàn du hành không quản gió sương, đi khắp mọi nơi trong nước, đặt dấu chân ở nhiều danh lam thắng cảnh.

Vào hồi đó, có giặc Nguyên sang cướp nước ta. Quân của chúng rất hung ác, đi đến đâu thì cướp bóc tàn phá đến đấy. Dưới tay chúng, những đình đài miếu mạo cũng như nhà cửa dân cư đều lâm kiếp tro bụi. Nhà vua phái bao nhiêu quân đội đến biên thùy nhưng không sao ngăn được bước tiến của chúng. Chẳng bao lâu, chúng đã chia nhau chiếm khắp đầu gò cuối bãi một vùng hữu ngạn sông Thương, đóng đồn la liệt, để rồi hãm hiếp, chém giết, đốt phá không còn kiêng nể gì.

Bấy giờ, hai nàng công chúa đang ở bên tả ngạn sông Thương. Vì vùng Đa-mỗi có nhiều phong cảnh đẹp, nên hai chị em sai làm nhà trên bờ sông để tiện trú chân ngắm cảnh. Thấy đất nước và dân cư bị tàn phá vì lũ giặc hung hãn, hai nàng xiết bao căm tức. Họ bèn bàn với nhau cho người về xin phép vua cha một phen liều mình diệt giặc.

Cầm đầu lũ giặc lúc đó ở vùng Bắc Giang có hai tên tướng tiên phong. Chúng lăm le vượt sông tiến nhanh về phía Kẻ Chợ. Hai nàng bí mật bàn với các phụ lão làng Đa-mỗi giúp cho mình thực hiện được mưu kế.

Thấy họ quả quyết, các phụ lão đành vâng lời. Hai nàng bèn trang điểm rất đẹp, giả làm hai cô gái bán hàng ở chợ ben sông, cố làm cho giặc ở bên kia trông thấy. Quả nhiên, hai tên tướng giặc vừa nhác thấy bóng hồng thì tâm thần mê mẩn, chúng liền rút lệnh tiễn cho quân hầu sang sông, truyền lệnh cho lang Đa-mỗi phải đưa sang dâng nạp hai người con gái đó, nếu kháng cự thì dân làng sẽ không thoát được cái vạ "làm cỏ" một khi quân "thiên triều" sang sông. Hai nàng bảo chúng:

- Chị em chúng tôi vẫn có lòng chờ hai tướng quân. Nhưng chúng tôi vốn là con vua cháu chúa cũng biết chút lễ nghĩa. Nếu hai tướng quân có lòng thương thì cho sang đây hai chiếc thuyền hoa, chọn ngày lành tháng tốt, đón về tử tế. Nếu tính chuyện "cẩu hợp" thì chị em chúng tôi thà nhảy xuống sông phó cho dòng nước, chứ không chịu để nhơ nhuốc tấm thân.

Quân hầu trở về tin lại. Hai tên tướng giặc bèn sai lấy hai chiếc thuyền, trang sức đẹp đẽ, cho mười quân hầu và thị nữ mang vàng bạc chèo sang đón về. Thấy chúng đến, hai nàng đón tiếp rất tử tế, sai dọn cỗ bàn mời chúng ăn. Trong khi đó, có mấy người thợ mộc đã cắt đặt sẵn, kín đáo lôi thuyền lên bãi dùng khoan đục mỗi thuyền chừng vài chục lỗ nhưng chú ý đút nút kín lại, rồi đưa xuống nước như cũ. Sau khi phái mấy người thân tín phi ngựa về Kẻ Chợ báo tin cho quân triều, hẹn ngày tiến quân, đồng thời gửi lời vĩnh biệt của mình tới hoàng hậu, vua cha và anh chị em hoàng thân quốc thích, hai nàng quay ra bảo mấy tên quân hầu của giặc:

- Các người về bẩm với hai tướng rằng chị em chúng tôi đã chọn được ngày lành tháng tốt, đúng giờ thân sẽ xin xuống thuyền sang sông. Nhưng hai chị em chúng tôi phải lên chỗ muôn tên nghìn giáo thì rất sợ hãi, chỉ mong hai tướng quân cùng đi thuyền đến làm lễ hợp cẩn ngay trên thuyền hoa này.

Đúng ngày hẹn, hai nàng công chúa xuống thuyền. Sắp sang bên kia sông, hai nàng nhất định bắt quân hầu cắm lại để đợi. Quả nhiên, hai tướng giặc chờ không được phải thân hành đi thuyền đến. Trông thấy hai nàng xinh đẹp, bọn chúng hết sức thèm muốn. Cho nên sau chén rượu hợp cẩn, chúng đã ra lệnh cho bao nhiêu thuyền khác lui ra xa.

Giữa lúc hai tên tướng giặc đang say sưa vì rượu nồng gái đẹp thì những chàng trai làng Đa-mỗi đã ước hẹn sẵn, lặn ra giữa sông, lần đến dưới đáy hai chiếc thuyền hoa, tháo tất cả những cái nút to nhỏ ra. Nước chảy mạnh vào thuyền và không mấy chốc đưa tất cả xuống thủy phủ.

Bấy giờ quân triều đình đã bí mật kéo tới rất đông. Khi được người Đa-mỗi kể lại tin đó, họ vượt sông ba mặt tiến đến đánh úp. Bọn giặc không tướng như rắn mất đầu nên tan vỡ rất chóng. Cuối cùng, quân ta đã tiêu diệt được cả một cánh tiên phong địch, chặn được bước tiến của chúng, nhờ đó đủ thì giờ cho vua quan và tướng sĩ rút lui khỏi kinh thành.

Về sau, đến ngày đại quân của nhà vua đuổi giặc ra ngoài bờ cõi, người ra nhớ đến công lao hai nàng công chúa Bảo Nương và Ngọc Nương nên dựng đền tại nhà của họ ở Đa-mỗi để thờ.[1]


[1] Theo Thần tích làng Đa-mỗi, và Trịnh Như Tấu. Bắc giang địa chí.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

TÌM NGỘ

 Một hôm Thiền sư Bàn Khuê Vĩnh Trác dạy:

 Tận lực tự tu tập theo tôn giáo, cố gắng tạo ra ngộ bằng các phép tu tôn giáo và tọa thiền, cũng là hoàn toàn sai lầm. Tâm của chư Phật và Tâm Phật của mỗi người trong quí vị chẳng có gì khác nhau hết. Nhưng vì muốn chứng ngộ, quí vị tạo ra sự chia đôi giũa người chứng ngộ và cái được chứng ngộ. Khi quí vị ấp ủ ngay cả một khát vọng dù nhỏ bé nhất về chứng ngộ là quí vị đã bỏ cõi Bất Sinh lại phía sau và đi ngược lại với Tâm Bất Sinh. Tâm Phật Bất Sinh này quí vị có từ lúc cha sinh mẹ đẻ thì chỉ là một - không hai, không ba.

(Tâm Phật Bất Sinh)

Cổ Học Tinh Hoa - Ba con rận kiện nhau

Ba con rận kiện nhau

Ba con rận hút máu một con lợn, tranh nhau ăn, đem nhau đi kiện. Một con rận khác gặp, hỏi:

"Ba anh kiện nhau về việc gì thế?

- Ba con rận đáp: Chúng tôi kiện nhau, vì tranh nhau một chỗ đất mầu mỡ.

- Con rận kia nói: Tôi tưởng các anh chẳng nên tranh lẫn nhau thế làm gì. Các anh chỉ nên lo đến con dao của người đồ tể giết lợn, ngọn lửa của bó rơm thui lợn mà thôi."

Ba con rận nghe ra, biết là dại, thôi không đi kiện nữa, cùng nhau quần tụ, làm ăn với nhau, dù no, dù đói, cũng không bỏ nhau. Con lợn thành mỗi ngày một gầy, người ta không làm thịt cứ để nuôi, ba con rận nhờ thế mà no đủ mãi.

Lời Bàn:

Nhân dân một xứ mà cứ tranh giành lẫn nhau cái lợi trước mắt, không nghĩ gì đến cái việc lâu dài cho cả toàn thể, thì trí khôn thật không bằng mấy con rận nói trong truyện nầy.

Tranh nhau, cãi nhau, đánh nhau, kiện nhau, thì oan oan tương kết, lợi chẳng thấy đâu, chỉ thấy hại, hại cho một mình lại hại cho cả đàn, cả lũ nữa. Sao không biết: Sâu đục cây, cây đổ thì sâu cũng chẳng còn: trùng hại vật, vật chết thì trùng cũng hết kiếp.

Quần tụ: quây quần ăn ở bao bọc lấy nhau.

Đồ tể: người làm thịt các giống vật để bán.

Chuyện cười trong ngày

Cổ động viên cuồng nhiệt

Trên khán đài, một cổ động viên gào to:

- Đánh gãy hết răng bọn nó đi.

Người ngồi kế bên thắc mắc hỏi:

- Anh nói bên nào thế?

- Bên nào cũng được. Tôi là nha sĩ mà!

Thursday, August 27, 2015

Ngày 27-8-2015 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Chờ

Chờ
Bài Sưu Tầm

Tổng Giám đốc Tề đang ngồi họp trong phòng, đột nhiên thư ký riêng hớt hơ hớt hải, không kịp gõ cửa, xông thẳng vào nói:

– Thưa Tổng Giám đốc, Tiểu Dự vừa gọi điện, bảo là bị tai nạn trên quốc lộ 106. Mấy điện thoại di động của Tổng Giám đốc đều không mở, cậu ấy đang cuống lên, lo lắm ạ.

Sắc mặt tái đi, Tổng Giám đốc Tề hỏi:

– Người thế nào? Có bị thương không?

Tiểu Dự là con trai ông.
– Người không sao. Xe của cậu ấy húc vào đuôi xe khác, bị gãy thanh bảo hiểm. Cậu ấy gọi Tổng Giám đốc đến xử lý ngay.

Tổng Giám đốc Tề để tài liệu xuống, mở máy di động. Đang bấm số thì Tiểu Dự gọi:

– Bố ơi, bố đến nhanh lên. Xe của con bị đâm nát rồi, sốt ruột lắm bố ạ!

– Báo cảnh sát chưa?

– Chưa ạ.

– Thương lượng với chủ xe đằng trước chưa?

– Chưa.

– Thế con đang làm gì?

– Con đang chờ bố. Con không biết nên làm gì. Cảnh sát giao thông chắc chắn sẽ phạt tiền, sẽ đục lỗ, không biết có treo bằng lái xe không? Con ở ngã ba quốc lộ hướng đi Bắc Kinh. Bố đi xe hai mươi phút là tới.

Im lặng hai, ba phút, đột nhiên, Tổng Giám đốc Tề ngắt điện thoại, tắt máy di động. Ông quay lại bảo thư ký riêng:

– Tiểu Dự còn gọi đến, cứ bảo tôi đi vắng.

Thư ký riêng ngạc nhiên nhìn Tổng Giám đốc Tề. Tiểu Dự là con một, được ông rất mực thương yêu. Với cương vị Tổng Giám đốc, việc này, ông chỉ cần cử trợ lý đi là được.

Tổng Giám đốc Tề ngồi cả ngày trong phòng làm viện; như mọi ngày, ông xử lý tài liệu, triệu tập cấp trưởng các bộ phận đến họp, cười đùa với cán bộ nhân viên, thần sắc không hề thay đổi.

Bảy giờ tối, Tổng Giám đốc Tề về đến nhà. Tiểu Dự đang ngồi thẫn thờ trong phòng khách, mặt sa sầm, trông như kẻ mất hồn.

– Không sao chứ? – Ông Tề hỏi con trai.

– Con chờ bố cả ngày. Suốt một ngày! Bố vẫn còn là bố của con chứ?

Tiểu Dự đứng dậy. Mắt đỏ hoe. Hậm hực nói to.

Ông Tề tươi cười, không trả lời.

– Hôm nay bố có việc gì quan trọng đặc biệt thế? Mà việc quan trọng đến mấy đi nữa, liệu có hơn con không? Trong mắt bố, con có hay không cũng thế hay sao? Con là con trai của bố, con hy vọng được giải thích một cách hợp lý.

Thấy bố im lặng, Tiểu Dự xúc động, càng được thể nói to.

Ông Tề bình tĩnh vỗ vỗ vai con, ngồi xuống, nói:

– Con ạ, đúng là bố có việc quan trọng phải làm. Công ty không quan trọng bằng con. Tiền cũng không quan trọng bằng con. Nhưng vấn đề là ở chỗ hôm nay bố gặp một bài toán khó, không biết nên giải quyết như thế nào?

Con trai nhìn bố. Cứ nhìn bố chằm chằm.

– Bởi vì bố không biết giải quyết vấn đề như thế nào, nên đành phải ngồi chờ trong phòng làm việc. Bố chờ ông nội con. Chờ ông nội đến bảo bố làm thế nào. Bố chờ suốt cả ngày.

Tiểu Dự cứ ngồi đực mặt ra. Lâu lắm. Chợt hiểu hàm ý trong lời nói của bố, cậu cúi gằm mặt xuống. Ông nội qua đời cách đây đã mười năm.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

THOÁT LẠC THÂN TÂM

 Thiền sư Đạo Nguyên dạy:

 Các hành giả, trước hết nếu quí vị điều hoà được tâm, thì việc xả bỏ cả thân và thế gian sẽ dễ dàng. Nếu quí vị lo người khác sẽ phản ứng như thế nào đối với lời nói và cách hành xử của mình, nếu quí vị chùn bước không làm điều gì đó bởi vì người khác sẽ cho là xấu, hoặc quí vị nghĩ rằng người khác sẽ ngưỡng mộ vì đó là một Phật sự, là quí vị còn chấp vào thế gian qui định. Mặt khác, những người tùy ý hành động có dụng tâm thực sự là những kẻ xấu. Chỉ quên đi những ý định xấu, quên đi thân mình, và chỉ vì Phật Pháp mà làm. Hãy ý thức mỗi sự việc khi nó phát khởi.

 Những người mới bắt đầu với Phật Pháp có thể phân biệt và suy nghĩ theo cách thế tục. Sự cố gắng tránh điều xấu làm điều tốt với thân, khiến họ thân tâm thoát lạc.

 (Dị Văn Ký)

Cổ Học Tinh Hoa - Yêu nên tốt, ghét nên xấu

Yêu nên tốt, ghét nên xấu

Cái thói thường: yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu, khen chanh thì chanh ngọt, chê hồng thì hồng chua. Trong bụng đã thế, thì cư xử chắc cũng theo như thế, lúc yêu hậu bao nhiêu, thì đến lúc ghét lại bạc bấy nhiêu.Yêu nhau cau bảy bổ ba, ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười.

Trước, vua nước Vệ rất yêu Di Tử Hà(1). Phép nước Vệ ai đi trộm xe của vua, thì phải tội chặt chân(2). Mẹ Di Tử Hà ốm nặng. Đêm khuya có người đến gọi, Di Tử Hà vội vàng lấy xe vua ra đi. Vua nghe thấy khen rằng:

“Có hiếu thật! Vì hết lòng với mẹ, mà quên cả tội chặt chân”.

Lại một hôm, Di Tử Hà theo vua đi chơi ở ngoài vườn, đang ăn quả đào thấy ngọt còn một nửa đưa cho vua ăn. Vua nói:

“Yêu ta thật! Của đang ngon miệng mà biết để nhường ta”.

Về sau, vua không có lòng yêu Di Tử Hà như trước nữa. Một hôm phạm lỗi, vua giận nói rằng:

“Di Tử Hà trước đám thiện tiện(3) lấy xe của ta đi. Lại một bận dám cho ta ăn quả đào thừa. Thực mang tội với ta đã lâu ngày. Nói xong bắt đem ra trị tội. Ôi! Di Tử Hà ăn ở với vua trước sau cũng vậy, thế mà trước vua khen, sau vua bắt tội, là chỗ tại khi yêu khi ghét khác nhau mà thôi. Lúc được vua yêu, chính đáng tội thì lại hóa công thần; lúc phải vua ghét, chính không đáng tội thì lại hóa ra sơ; cho nên người muốn can ngăn, đàm luận với vua điều gì, thì trước phải xem xét cái lòng vua yêu hay ghét mình thế nào rồi hãy nói.

Lời bàn:

Sự yêu, ghét thường làm cho người ta mờ đi, không rõ hẳn được cái giá trị của nguời được yêu hay bị ghét ra thế nào. Không nói gì yêu người này, ghét người nọ, cũng chỉ một người ấy, lúc yêu cho ra thế này, lúc ghét cho ra thế kia. Cái thói thường: yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu, khen chanh thì chanh ngọt, chê hồng thì hồng chua.

Trong bụng đã thế, thì cư xử chắc cũng theo như thế, lúc yêu hậu bao nhiêu, thì đến lúc ghét lại bạc bấy nhiêu. Yêu nhau cau bảy bổ ba, ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười. Lại chẳng những yêu ghét riêng một người ấy thường yêu ghét đến cả những sự hay những người có can thiệp đến người ấy, yêu nhau yêu cả tông chi, ghét nhau ghét cả đường đi lối về.

Sự yêu, ghét làm cho ta thiên và nhầm như thế, cho nên ta muốn công bình, khi yêu khi ghét phải nên rõ cái giá trị của người được yêu hay bị ghét, biết chỗ phải cũng phải biết chỗ trái, biết chỗ trái cũng phải biết chỗ phải cho người ta mới được.

---------------------

(1) Người thời Xuân Thu, làm quan Đại phu nước Vệ.

(2) Một thứ hình trong năm hạng trọng hình đời cổ

(3) Chính mình không được làm như vậy mà cứ làm càn

Chuyện cười trong ngày

Tuyệt đỉnh công phu lấy lòng bố vợ

Anh chàng kia vốn đại ngốc mà phải đi làm rể nên trong bụng rất lo. Biết tính con mình, trước khi đi, bố mẹ anh không quên dặn dò:

- Ở rể thì khó gì mà ngại. Chỉ cần bố vợ làm gì thì con làm nấy, cho khỏi mất lòng ông là được.

Anh ta nghe nói vững dạ vội khăn gói sang nhà vợ.

Hôm ấy ngồi ăn cơm với bố vợ, thấy bố vợ gắp thịt, anh cũng gắp thịt. Bố vợ chấm rau anh cũng chấm rau, bố vợ cầm đũa tay trái anh cũng đổi đũa sang tay trái. Bố vợ vô ý đánh vãi mấy hạt cơm ra chiếu, anh cũng bỏ mấy hạt cơm ra chỗ mình ngồi.

Bố vợ đang ăn canh miến thấy thế không nhịn cười được, bật phì cười, nào ngờ bị sặc. Một sợi miếng lòng thòng thò ra ngoài lỗ mũi. Anh ta nhìn bố vợ, ngẩn người ra, rồi đứng dậy chắp tay vái dài:

- Thưa bố, mấy trò khác thì con còn cố được, chứ trò này thì con xin chịu.

Wednesday, August 26, 2015

Ngày 26-8-2015 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Sự tích trái sầu riêng

Sự tích trái sầu riêng

Ngày ấy, vào thời Tây Sơn, có một chàng trẻ tuổi người vùng Đồng-nai. Chàng là người tài kiêm văn võ, đã từng vung gươm hưởng ứng cái bất bình của mọi người. Chàng từng cầm quân mấy lần làm cho tớ thầy chúa Nguyễn chạy dài.

Nhà Tây Sơn mất, chàng lui về quê nhà mượn nghề dạy trẻ để náu hình ẩn tích. Đột nhiên có tin dữ truyền đến làm cho mọi người xao xuyến. Gia Long vừa thắng thế trên đất nước Việt thì cũng bắt đầu giết hại những người đã từng làm quan cho nhà Tây Sơn. Nhà vua cứ dựa vào chức tước lớn hay nhỏ của họ mà gia hình: tư mã, quận công thì lăng trì, tùng xẻo; vệ úy, phân suất thì đánh gậy, phạt roi, v.v...

Dân trong xóm sẵn lòng quý mến, khuyên chàng trốn đi thật xa. Họ giúp tiền gạo và mọi thứ cần dùng, trong đó có cả một chiếc thuyền nhỏ mui lồng để tiện đi lại.

Vì không muốn để rơi vào tay quân địch, chàng ra đi. Ngược dòng sông Cửu-long, chàng tiến sâu vào nước Chân-lạp.

Một hôm chàng cắm sào lên bộ mua thức ăn. Chàng bước vào một cái quán bên đường. Trong quán có một bà mẹ ngồi ủ rũ bên cạnh một cô gái nằm mê man bất tỉnh. Đó là hai mẹ con đi dâng hương trên núi, về đến đây thì con bị ốm nặng. Vốn có biệt tài về nghề thuốc, chàng hết sức chạy chữa, cuối cùng cũng giúp cô gái lấy lại sức khỏe. Và sẵn có thuyền riêng, chàng chở họ về tận nhà.

Nàng là con gái chưa chồng, đã đến tuổi quay xa đạp cửi. Nàng có vẻ đẹp thùy mị. Tự nhiên có anh chàng trai người Việt ở đâu tận xa xôi đến trú ngụ tại nhà làm cho nàng quyến luyến.

Sau một tuần chay tạ ơn Trời Phật, mẹ nàng cho biết là Phật đã báo mộng cho hai người lấy nhau. Chàng vui vẻ nhận lấy cuộc sống mới cho  qua ngày. Từ đây chàng có chỗ ở nhất định. Nhà nàng là nhà làm ruộng nuôi tằm. Những việc đó chàng đều làm được cả. 


*


Mười năm thoảng qua như một giấc mộng. Hai vợ chồng quấn quýt với nhau như đôi chim câu. Trong vườn nhà vợ có một cây ăn quả gọi là cây "tu rên" mà ở xứ sở chồng không có. Lần ấy gặp kỳ quả chín đầu mùa, vợ trèo lên cây trẩy xuống một quả, xẻ đưa cho chồng ăn. Quả "tu rên" vốn có một mùi hôi đặc biệt. Thấy chồng nhăn mặt vợ bảo:
- Anh cứ ăn sẽ biết nó đậm đà như lòng em đây.

Không ngờ một năm kia, vợ đi dâng hương về thì ngộ cảm. Chồng cố công chạy chữa nhưng không sao cứu kịp. Cái chết chia rẽ cặp vợ chồng một cách đột ngột. Không thể nói hết cảnh tượng đau khổ của người chồng. Nhưng hai người vẫn gặp nhau trong mộng. Chồng hứa trọn đời sẽ không lấy một ai nữa. Còn hồn vợ thì hứa không lúc nào xa chồng.

Nghe tin Gia Long đã thôi truy nã những người thù cũ, bà con chàng ở quê hương nhắn tin lên bảo về. Những người trong xóm cũng khuyên chàng nên đi đâu cho khuây khỏa. Chàng đành từ giã quê hương thứ hai của mình. Trước ngày lên đường, vợ báo mộng cho chồng biết là mình sẽ theo chàng cho đến sơn cùng thủy tận. Năm ấy cây "tu rên" tự nhiên chỉ hiện ra có mỗi một quả. Và quả "tu rên" đó tự nhiên rơi vào vạt áo giữa lúc chàng ra thăm cây kỷ niệm của vợ. Chàng mừng rỡ quyết đưa nó cùng mình về xứ sở.

Chàng lại trở về nghề cũ. Nhưng nỗi riêng canh cánh không bao giờ nguôi. Chàng đã ương hạt "tu rên" thành cây đem trồng trong vườn ngoài ngõ. Từ đây, ngoài công việc dạy học còn có công việc chăm nom cây quý. 

Những cây "tu rên" của chàng ngày một lớn khỏe. Lại mười năm nữa sắp trôi qua. Chàng trai ngày xưa bây giờ tóc đã đốm bạc. Nhưng ông già ấy lòng bỗng trẻ lại khi thấy những hàng cây mà mình bấy lâu chăm chút nay đã bắt đầu khai hoa kết quả. Ông sung sướng mời họ hàng  làng xóm tới dự đám giỗ của vợ và nhân thể thưởng thức một thứ quả lạ đầu tiên có ở trong vùng.

Khi những quả "tu rên" bưng ra đặt lên bàn, mọi người thoáng ngửi thấy một mùi khó chịu. Nhưng chủ nhân biết ý đã nói đón: - "... Nó xấu xí nó hôi, nhưng múi của nó ở trong lại đẹp đẽ thơm tho như mối tình đậm đà của đôi vợ chồng son trẻ...". Ông vừa nói vừa xẻ những quả "tu rên" chia từng múi cho mọi người cùng nếm. Múi "tu rên" nuốt vào đến cổ quả có một vị ngon ngọt lạ thường. Đoạn, ông kể hết đoạn tình duyên xưa mà từ lúc về đến nay ông đã cố ý giấu kín trong lòng. Ông kể mãi, kể mãi. Và khi kể xong, ở khóe mắt con người chung tình ấy long lanh hai giọt lệ nhỏ đúng vào múi "tu rên" đang cầm ở tay. Tự nhiên hai giọt nước mắt ấy sôi lên sùng sục trên múi "tu rên" như vôi gặp nước và cuối cùng thấm vào múi như giọt nước thấm vào lòng gạch.

Sau đám giỗ ba ngày, người đàn ông ấy bỗng không bệnh mà chết. Từ đấy dân làng mỗi lần ăn thứ quả đó đều nhớ đến người gây giống, nhớ đến chuyện người đàn ông chung tình. Họ gọi "tu rên" bằng hai tiếng "sầu riêng" để nhớ mối tình chung thủy của chàng và nàng. Người ta còn nói những cây sầu riêng nào thuộc dòng dõi loại hạt có hai giọt nước mắt của anh chàng nhỏ vào thì mới là giống sầu riêng ngon[1].



[1] Theo Phạm Tường Hạnh trong Xuân 1957. Một truyện khác cũng do một vài người Nam-bộ kể, bảo quả sầu riêng có từ đời Cao Biền. Nội dung của truyện đại khái đề cao Cao Biền mà hạ thấp giá trị của người Việt, nên ở đây chúng tôi không thuật.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

VƯỚNG MẮC THÂN TÂM

 Thiền sư Đạo Nguyên dạy:

 Những người học đạo, có một điểm quan trọngcần phải xét kỹ khi quí vị gạt sang một bên các quan hệ thế gian. Quí vị phải từ bỏ cái thế gian mà chư vị quen biết, gia đình của quí vị, thân và tâm của quí vị. Hãy xem xét điều này thật kỹ.

 Mặc dù họ đã chạy trốn thế gian và dấu mình trong núi sâu rừng thẳm, có một số người không thể dứt được mối quan hệ gia đình đã liên tục qua nhiều thế hệ; họ cũng không thể giữ mình không nghĩ đến những người trong gia đình và thân nhân của họ. Có những người khác đã thoát ly được thế gian, gia đình và ảnh hưởng của thân nhân, song vẫn còn quan tâm đến thân họ và tránh bất cứ cái gì đem lại sự đau đớn. Họ do dự nhận lấy bất cứ sự tu luyện nào có thể đem lại nguy hiểm cho sức khỏe của họ. Những người như thế là chưa xả bỏ thân. Rồi có những người chấp nhận sự tu luyện khó khăn chẳng màng đến thân họ, nhưng đối với Phật giáo họ lại giữ tâm họ lại. Họ từ chối bất cứ hình thái Phật giáo nào không hợp với những khái niệm có sẵn của họ. Những người như thế là chưa xả bỏ tâm.

 (Dị Văn Ký)

Cổ Học Tinh Hoa - Lợn mẹ giết lợn con

Lợn mẹ giết lợn con

Người quân tử không bao giờ lấy cái hình sắc khác nhau mà thành bụng yêu hay sinh bụng ghét, lại nhất là, không lấy cái tư tưởng thế lợi trái nhau mà lúc hợp, lúc ly, lúc thân, lúc sơ, lúc thề ước, lúc tàn hại nhau bao giờ.

Họ Tử Xa(1) có con lợn nái sắc đen tuyền đẻ một lứa ba con, hai con đen tuyền, một con loang lổ. Lợn nái nuôi hai con lợn con giống mình rất chăm chỉ cẩn thận, hơi một tí cũng lo sợ. Còn con lợn loang lổ khác mình thì ghét bỏ, sau cắn chết xé cả gan ruột nát nhừ mới thôi.

Tử Hoa Tử nói: “Gớm thay tâm thuật(2) hay chuyển di(3). Mắt đã mờ về kẻ giống mình hay khác mình, thì bụng sanh ngay ra có kẻ yêu, kẻ ghét. Đã ghét, đến con ruột đẻ ra mà cũng hại cả con mà không hối huống chi là người khác máu với mình. Người đời lúc bình cư thì âu yếm thân thiết, thề ước cùng nhau tưởng keo sơn cũng không bằng. Khi lâm đến thế lợi(4), chỉ chênh nhau bằng sợi tơ sợi tóc, thì mặt đã đổi sắc, cơn giận nổi lên và tìm cách tàn hại nhau ngay lập tức. Gớm thay! Tâm thuật chuyển di, tưởng chẳng khác gì con lợn nái.

Tử Hoa Tử

Lời bàn:

Thói thường, đồng chủng đồng tông, hay đồng tình, đồng chí thì ưa nhau, mến nhau, còn ngoại giả, thì đem bụng ngờ vực, ghen ghét, coi người ta như cừu địch cả, thực là hẹp hòi đáng tiếc! Người quân tử không bao giờ lấy cái hình sắc khác nhau mà thành bụng yêu hay sinh bụng ghét, lại nhất là, không lấy cái tư tưởng thế lợi trái nhau mà lúc hợp, lúc ly, lúc thân, lúc sơ, lúc thề ước, lúc tàn hại nhau bao giờ. Người ta tuy không cùng nòi giống, cùng tư tưởng, cùng chí hướng với mình, nhưng người ta là hạng quang minh chính đại, mình cũng nên có lòng thân yêu, có lượng cao cả để đối với người ta thì mới đáng gọi là yêu đồng bào và trọng nhân đạo. Nếu không thì tâm thuật lợn nái mất rồi!

-----------------

(1) Quan đại phu nước Tần

(2) Cách nghĩ trong tâm não làm thế này thế kia

(3) Thay đổi

(4) Quyền thế, tài lợi.

Chuyện cười trong ngày

Đúng là ngốc thật

- Anh cười gì thế?

- Tôi cười con bé trong tờ báo này. Anh xem, nó lại đi lấy cái kim chọc vào trứng gà để cho gà thở, ngốc thế không không biết.

- Ừ, ngốc thật.

- Lẽ ra, nó phải lấy đũa chọc chứ. Cái kim nó nhỏ thế làm sao đủ oxy cho gà thở được, đúng không?

Tuesday, August 25, 2015

Ngày 25-8-2015 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Bức thôn điệp không lời

Bức thông điệp không lời
Bài sưu tầm

Họa sĩ tài ba Vincent Van Gogh không phải lúc nào cũng cầm cọ. Ông đã từng đến làm việc tại một mỏ than ở Borinage, Bỉ. Ở đó mọi người rất quý trọng ông vì sự hiểu biết và vốn sống của ông. Những khi rảnh rỗi, ông thường được mọi người mời nói chuyện về cuộc sống. Ông nhận ra có một số người thường phản ứng khi nghe ông nói chuyện.
Ông hiểu vì cuộc sống họ quá khổ sở đến nỗi khó tin được vào lời nói của người khác. Hằng ngày nhìn những người thợ mỏ phải làm việc trong các điều kiện cơ cực triền miên mà chỉ nhận được đồng lương chết đói, gia đình họ luôn phải chạy ăn từng bữa, ông chợt thấy xót xa khi so sánh với cuộc sống tương đối sung túc của mình.

Vào một buổi tối cuối năm lạnh lẽo, trong đoàn người thợ mỏ mệt mỏi lê từng bước chân về nhà, ông thấy một ông lão chân bước xiêu vẹo băng ngang qua cánh đồng, giấu chặt người sau miếng vải bố để tìm chút hơi ấm. Van Gogh đã lấy quần áo của mình đem cho ông lão và chỉ giữ lại một bộ duy nhất. Ông quyết định sống với khẩu phần lương thực ít ỏi và phân phát tiền lương của mình cho những thợ mỏ khốn khổ ấy.

Có lần, mấy đứa trẻ của một gia đình nọ bị sốt thương hàn, tuy bản thân cũng đang sốt, Van Gogh vẫn nhường giường của mình để bọn trẻ có chỗ nằm.

Một gia đình giàu có trong vùng gợi ý dành riêng cho ông một căn phòng trống để trọ, nhưng Van Gogh từ chối lời đề nghị này. Ông nói nếu có thiện chí, gia đình đó nên giúp những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Những người trước đây thường phản ứng với ông giờ đã hiểu và rất kính trọng ông.

Ông ý thức rất rõ rằng giữa lời nói và hành động có một sự cách biệt khá lớn. Chính cuộc sống và hành động mới là tiếng nói chân tình và ấn tượng nhất, hơn tất cả mọi lời hoa mỹ. Ông nhận ra dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ nên dùng lời nói khi thật cần thiết.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

BỞI VÌ TÔI COI ĐÓ LÀ KẺ THÙ


 Trong Dị Văn Ký, Thiền sư Đạo Nguyên Hy Huyền, người khai sáng tông Tào Động Nhật bản, nói về Bàng cư sĩ như sau:

 Bàng, dù là một cư sĩ, không thua kém tăng nhân. Trong Thiền người ta nhớ đến tên ông bởi vì đầu tiên khi ông bắt đầu tham học với một Đại sư, ông gôm hết của cải có trong nhà với mục đích ném xuống biển. Có người khuyên ông: “Ông nên đem chúng cho người ta hay dùng vào Phật sự cần thiết.”

 Bàng đáp: “Tôi ném những thứ ấy đi bởi vì tôi xem chúng là kẻ thù. Làm sao tôi có thể cho người khác những vật như thế? Giàu sang là kẻ địch chỉ mang lại buồn phiền cho thân và tâm.” Cuối cùng, ông đã ném cả kho tàng của mình xuống biển và từ đấy về sau ông sống bằng cách đan giỏ tre đem bán. Dù là cư sĩ, ông nổi tiếng là người tốt bởi vì ông đã đổ bỏ sự giàu sang theo cách này. Vậy thì đối với tăng nhân, sự đổ bỏ đi kho tàng của mình còn cần thiết hơn biết bao nhiêu?

 (Dị Văn Ký)

Cổ Học Tinh Hoa - Trồng khó, nhổ dễ

Trồng khó, nhổ dễ

Điền Nhu được vua nước Nguỵ tin dùng. Huệ Tử bảo Điền Nhu:

- Ngươi phải khéo ăn ở với cận thần nhà vua mới được. Này xem như cây dương, giồng ngang cũng mọc, giồng ngược cũng mọc, bẻ cành mà giồng cũng mọc. Giả sử mười người giồng cây dương, một người nhổ lên, thì không cây dương nào sống được. Thế  cho nên nhiều đến mười người giồng giống thứ cây dễ mọc, cũng không lại được với người nhổ là tại làm sao? - là tại giồng thì khó mà nhổ thì dễ! Nay ngươi muốn được vua tin dùng lâu dài, nhưng có nhiều người muốn bỏ ngươi, thì ngươi nguy mất.

Bách Tử toàn thư

Lời bàn:

Được vua tin dùng thế là vua đã có lòng yêu, mà vua đã có lòng yêu, thì lại còn lo chi không giữ được địa vị vững chắc. Thế mà vị tất. Vua yêu, tuy vua là chủ nữa, nhưng cũng chỉ là một người, còn bao nhiêu người bên cạnh vua, nếu ai ai cũng ghét mình cả, thì mình không thể đứng lại được. Nên cái lẽ trồng khó, nhổ dễ của Huệ tử nói với Điền Nhu rất là phải. Bài này có ý lo xa trừ bỏ cái hại gièm pha.

Chuyện cười trong ngày

Suất ưu đãi ở bệnh viện

Nữ nhân viên của bệnh viện cầm giấy giới thiệu đến rạp phim để xin vé xem tư liệu.

Trưởng rạp thấy cô khá xinh đẹp nên vui vẻ nói:

- Tôi ưu tiên giải quyết cho cô mấy vé đặc biệt, nhưng với điều kiện tôi vô bệnh viện cô cũng phải ưu tiên săn sóc tôi đặc biệt một chút, cô chịu không?

- Ồ, vụ đó thì quá dễ, em hứa sẽ ưu tiên đặc biệt cho anh.

- Đặc biệt là sao? Thử bật mí coi nào?

- Chính em sẽ lau chùi, tắm rửa và sửa sang giường nệm cho anh yên giấc.

- Trời ơi. Nếu tôi được cô ưu tiên săn sóc như vậy thì thật là sướng mê hồn. Không biết chừng ngày mai tôi xin nhập viện liền. Nhưng tìm cô ở khoa nào?

- Anh cứ việc hỏi cô Xuân, nữ hộ lý phục vụ ở nhà xác.

Monday, August 24, 2015

Ngày 24-8-2015 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Những lâu đài trên cát

Những lâu đài trên cát 
Sưu tầm

Mặt trời rực rỡ. Trên bờ biển, một cậu bé cắm cúi xúc cát đổ vào chiếc xô nhỏ đặt bên cạnh. Khi chiếc xô đầy cát, cậu bé úp ngược nó xuống mặt cát. Nhấc chiếc xô ra và cậu bé đã có một toà nhà tròn xoay bằng cát. Tuy nhiên, trí tưởng tượng của một cậu bé không chỉ dừng lại ở một ngôi nhà hình tròn. Cậu bé đào những rãnh nhỏ xung quanh ngôi nhà làm hào bảo vệ. Những chiếc nắp chai và vỏ ốc trở thành những người lính gác còn những que kem trở thành cây cầu nối những tòa nhà với nhau. Một tòa lâu đài thực sự của một chàng hoàng tử khôi ngô trong truyện cổ tích. 

Cách đó rất xa, thành phố đông đúc, không khí ồn ào, xe cộ như mắc cửi. Một người đàn ông đang làm việc trong văn phòng. Ông xếp lại các chồng giấy tờ trên bàn làm việc, trao đổi vài câu qua điện thoại, rồi lại gõ máy tính. Khuôn mặt ông sáng lên vì đạt được kết quả tốt đẹp: hợp đồng được ký kết và thu nhiều lợi nhuận. Hàng ngày ông đều đến nơi làm việc, lập những kế hoạch, dự đoán tình hình thị trường. Có những người lính gác, có tiền lương, có lợi nhuận, và công ty cũng là một toà lâu đài mơ ước trong đó ông ấy là một vị vua điều hành tất cả.

Hai người cùng đang xây dựng những lâu đài của mình. Họ có rất nhiều điểm giống nhau: đạt được những kết quả mà đối với họ là tốt đẹp từ những cố gắng rât nhỏ. Họ đều say mê và kiên trì. Đối với mỗi người, tòa lâu đài mình đang xây dựng đều có ý nghĩa thật đặc biệt và rất quan trọng.

Tuy nhiên, khi thủy triều lên, cậu bé không hề ngạc nhiên hay lo sợ gì cả. Cậu nhảy lên trên những ngọn sóng, vỗ tay reo mừng và cười toe toét khi thấy những con sóng cuốn toà lâu đài vào biển cả. Cậu bé hoàn toàn bình thản. Cậu cầm xẻng và xô ra về vì biết rằng thủy triều đã cuốn cát ra biển, và rằng sáng mai cậu sẽ lại xây được một ngôi nhà mới đẹp hơn.

Nhưng những người lớn thường không như vậy. Khi những khó khăn đến, họ coi đó là một điều thật tệ hại chứ không bình thường như thủy triều những lúc hoàng hôn. Họ thường chán nản đến mức không nghĩ rằng vào sáng hôm sau thủy triều sẽ rút và chúng ta lại có thể bắt đầu xây một cái gì đó khác đẹp hơn, tốt hơn.

Có lẽ đó là một trong những điều mà chính người lớn lại phải học từ trẻ em.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

LƯỚI TÌNH THẾ GIAN
KHÔNG CÓ NGÀY DỨT


Sau khi thọ giới đầy đủ, sư [Triệu Châu] nghe bổn sư đã dời đến viện Hổ Thông ở phiá tây Tào châu, vì vậy sư về đó lễ bái. Nhân dịp sư về, bổn sư của sư gửi tin về nhà nói, “Người con của gia đình thí chủ đi hành cước đã trở về.” Những người trong gia đình hết sức sung sướng, định hôm sau đến thăm. Triệu Châu nghe vậy bèn nói, “Lưới tình trần tục không có ngày dứt. Tôi đã khước từ và xuất gia. Tôi không muốn gặp họ lần thứ hai.” Đêm đó sư thu gói hành trang ra đi.

 (Triệu Châu Ngữ Lục)

Cổ Học Tinh Hoa - Liêm sỉ

Liêm sỉ

Liêm, sỉ(1) là tính rất hay của loài người, vì người mà không liêm thì cái gì cũng lấy, không sỉ thì việc gì cũng làm. Người mà đến thế là người bỏ đi, không khác gì giống vật. Nhất những bậc đứng chủ trương việc nhà, việc nước mà vô liêm, sỉ thì nhà phải suy bại, nước phải nguy vong.

Nghĩ cho kĩ, thì sỉ cần hơn liêm: người không liêm làm những việc bất nghĩa, căn nguyên cũng ở vô sỉ mà ra.

Khổng nói: “Hành kỉ hữu sỉ” nghĩa là nghĩ mình biết làm xằng là xấu hổ. Thầy Mạnh nói: “Nhân bất khả vô sỉ” nghĩa là người ta không biết xấu hổ thì không được.

Than ôi! Thế mà ngày nay, nhân tình phản trắc, phong tục suy đồi, người ta quên cả liêm, sỉ. Không kể chi người thường, thậm chí đến bọn sĩ phu cũng chan chan như thế cả. Ôi! Nếu cho là sự xấu hổ chung cho cả nước, cũng không phải là nói ngoa.

Tuy vậy, mùa đông rét mướt, tùng, bách vẫn xanh; mưa gió tối tăm, gà sống vẫn gáy. Đời tuy hôn mê, vẫn có người tỉnh.

Ông Nhan Chi Suy(2) làm sách “Gia huấn”(3) có thuật câu chuyện rằng:

Một viên quan nói với ông: “Tôi có đứa con 17 tuổi học đã thông. Tôi cho nó học tiếng nước Tiên Tri(4), tập gảy đàn tì bà, lớn lên theo hầu đám công khanh(5), thì thế nào rồi cũng được sung sướng”.

Nhan Chi Suy nghe nói, nín lặng không trả lời. Sau về nhà, bảo con cháu rằng:

“Người này dạy con lạ thay. Như ta, nếu học cách ấy, dù cho được phú quý đến đâu, ta cũng không mong cho các con vậy”.

Những kẻ mất hết liêm, sỉ, chỉ biết chăm chăm xu thời nịnh đời, xem câu chuyện này, nghĩ chẳng đáng thẹn lắm sao!

Lời bàn:

Bài này thực đã như một tiếng than cho đời mà ngán cho người. Than ôi! Người đời bấy giờ có phải đa số là người “vô liêm sỉ”, “bất trí sỉ” không? Nếu quả thật thì người ta ngậm ngùi than thở rất là phải. Vì “liêm”, “sỉ” là nền tảng của đạo làm người. Ở đời còn có sỉ thì hiếu, để, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm còn được chớ liêm, sỉ đã mất, nhất là sỉ, thì còn gì là luân thường đạo lý, và mong cậy vào đâu nữa. Con người mà đã đến vô sỉ thì tuy mặc áo, đội mũ mà như con chim, con muông, còn cái gì là kiêng nể là không dám làm!

(1) Liêm: tính phân minh ngay thẳng, không lấy của bất nghĩa. Sỉ: hổ thẹn, tự mình lấy làm khó chịu, nhục nhằn trong lòng.

(2) Nhan Chi Suy: nhà văn tự giỏi có tiếng thời Nam Bắc triều

(3) Gia huấn: lời dạy bảo con em trong nhà

(4) Tiên Tri: tên một nước cũ, tức là một bộ phận Nội Mông Cổ bây giờ. Về đời Tấn, Tiên Tri vào chiếm Trung Nguyên, đặt tên nước Nguỵ, tức là Bắc Triều

(5) công khanh: hai chức quan to.

Chuyện cười trong ngày

Chìa khóa đâu mà mở

Có lần một người Anh đi nghỉ hè ở biển. Ông ta đề nghị bà giúp việc gửi qua bưu điện cho ông tất cả thư từ mà bà ta nhận được trong thời gian ông đi vắng.

Bà giúp việc hứa sẽ làm theo lời của ông.

Ông người Anh này đã đi nghỉ hè rất thoải mái. Một tháng trôi qua nhưng ông chẳng nhận được lá thư nào cả. Ông cho là có sự không bình thường, liền gọi điện thoại cho bà giúp việc.

- Tại sao bà chẳng gửi cho tôi một lá thư nào, hả bà?

Bà ta trả lời:

- Thưa ông, vì ông không để lại cho tôi chiếc chìa khóa hòm thư!

Ông người Anh xin lỗi và hứa sẽ gửi cho bà ta chiếc chìa khóa. Chủ nhật, ông ta cho chìa khóa vào một phong bì, viết địa chỉ lên phong bì và gửi thư này qua bưu điện. Lại một tháng nữa qua đi, nhưng ông ta vẫn không nhận được lá thư nào cả, và đến cuối tháng thì ông ta trở về nhà, ông bực bội nói với bà giúp việc. Người đàn bà khốn khổ hỏi lại:

- Nhưng tôi làm thế nào hả ông? Chiếc chìa khóa ông gửi qua bưu điện cũng nằm trong cái hòm thư bị khóa!

Sunday, August 23, 2015

Ngày 23-8-2015 Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Chuyện xưa tích cũ

CHUYỆN XƯA TÍCH CŨ
ÔNG ĐỊA LÀNG BÌNH SÙNG
Tác Giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình


Làng Bình Sùng có gốc cây đa to. Kế bên là miễu thờ ông Địa. Dân làng đồn rằng, ông Địa này linh lắm, nên họ hằng tới lui cúng kiến, khấn vái. Họ phải lãng phí rất nhiều tiền bạc để mua gà vịt, nhang đèn. 

Có một anh nọ không tin như vậy, thề không bao giờ cúng vái ông Địa. Lắm khi đi ngang qua miễu, anh nói giả ngộ: “Ông Địa ơi! Có rảnh chiều nay lại nhà uống rượu với tôi chơi.” Ai rầy la cũng mặc, anh không bỏ thói đó. 

Hôm nọ bỗng dưng anh ngã lăn ra ôm bụng mà rên la dữ dội. Vợ chạy thuốc đủ điều mà bệnh không thuyên giảm. Sau rốt có người bàn nói: -Chắc là chồng bị ông Địa quở, chị lén ra miễu van vái, xin tha tội thử coi! 

Y như lời, vợ anh đem nhang đèn ra miễu lạy. Về tới nhà, anh nọ hết đau. 

Bữa sau, chị vợ khuyên chồng làm thịt heo trả lễ ông Địa. Anh đổ quạu: -Ai biểu mình vái. Ông Địa cứu tôi, đó là bổn phận của ổng. Ơn nghĩa gì. 

Hôm sau, anh nọ phát đau dữ dội lần nữa. 

Xóm giềng bàn tán: -Chắc ông Địa quở rồi! Hôm trước có hứa, sao không chịu cúng heo cho ổng. 

Chị vợ ra miễu khấn vái. Chập sau, anh cũng hết đau. Vì vậy, hôm sau chị cương quyết làm thịt heo cúng. Nghe vậy, anh cãi lại: -Để tôi lo cho. Mình phải giao con heo sống nhăn này cho ổng. Nấu nướng trước, sợ ổng ăn không vừa miệng. 

Rồi anh cột dây, dắt con heo ra miễu, cột chặt con heo vào cốt ông Địa. 

Tới trưa, heo đói bụng bèn lôi cốt ông Địa về nhà. Xóm giềng hoảng sợ. Song anh nọ tỉnh táo đem cốt nọ tắm sạch sẽ rồi ôm ra miếu trả lại chỗ cũ. 

Thấy anh nọ quá ngạo mạn dễ ngươi, ông Địa quyết răn dạy anh một phen đích đáng hơn mấy lần trước, nên đến bà Cửu Thiên Huyền Nữ mượn cái kim cô đem về. Báu vật này giống như cái niềng, hễ trồng cái kim cô vào đầu ai thì kẻ đó phải đau đớn không tả; cái niềng siết vào đầu ngày một chặt, đến bể sọ. 

Hôm sau anh nọ bỗng nhiên la lên nhức đầu nhào lộn xuống đất. Không ai biết cách nào cứu trị. Có người khuyên nên vái ông địa. Chị vợ khóc lóc: -Vái rồi chừng lành không chịu tạ ơn. Ai dám vái nữa. 

Kẻ khác bèn nói: -Chắc chồng chị tiếc con heo, vậy thì vái gà vịt thế vào đó cũng được. 

Đầu anh nọ càng nhức thêm. Túng thế anh vái: -Ông Địa cho tôi hết nhức đầu, tôi cúng cho ông … 

Tới đó, anh suy nghĩ không biết nên hứa cúng vật gì cho gọn. Thấy anh quá bỏn xẻn, ông Địa bèn niệm thần chú cho cái kim cô nọ siết gắt hơn. Vì quá đau, anh nổi giận hét lớn: -Mình đưa cái búa lớn cho tôi. Để tôi bửa óc tôi ra coi cái gì ở trỏng mà nhức nhối hành hạ quá vậy? 

Biết anh nọ gan dạ, ông Địa sợ anh bửa thiệt. Nếu vậy, cái kim cô của bà Cửu Thiên Huyền Nữ phải đứt, uổng bửu bối nọ quá, phải bồi thường. Ông bèn thâu cái kim cô về miễu. 

Từ đó, anh nọ không còn đau bụng nhức đầu gì nữa. Xóm giềng cũng bớt tin dị đoan cúng vái lặt vặt, hao tài tốn của vô lý như trước.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Cuộc Sống

DỨT BỎ THẾ TÌNH MÊ HOẶC

 Đông Sơn [Lương Giới] là con trai yêu quí của mẹ sư. Anh sư đã mất, người em trai thì nghèo, cha cũng đã qua đời. Nhưng khi thích cửa không, sư liền từ giả mẹ già, thề không ngộ Đạo không trở về quê gặp lại người thân. Sư ra đi với quyết tâm như thế.

Cuối cùng, Động Sơn đã hoàn tất thành công việc tham học. Mẹ sư, vì xa con, không ai trợ giúp, ngày nào cũng tìm sư; cuối cùng gặp một ông tăng hành cước. Khi nghe con trai đang ở đâu, bà muốn đi gặp con, nhưng Động Sơn từ chối--sư đóng cửa không cho bà vào bởi vì sư không muốn gặp bà. Vì vậy, cuối cùng bà đã chết vì buồn rầu bên ngoài phòng con.

Sau khi mẹ chết, Động Sơn ra lấy cơm bà mang theo trộn với cháo buổi sáng của chúng tăng làm vật dâng cúng trong tang lễ. Trước đó đã lâu, mẹ sư đã hiện đến nói với sư trong một giấc mộng, “Bởi vì con kiên tâm không gặp mẹ, tình cảm mê hoặc ràng buộc đã chấm dứt tại chỗ này; nhờ hạnh lực, mẹ đã được sinh ở cõi trời tự tại.”

 (Truyền Quang Lục)

Cổ Học Tinh Hoa - Cáo mượn oai hổ

Cáo mượn oai hổ

Bài này cũng như bài ngụ ngôn “Lừa đội lốt sư tử” cốt ý nói những kẻ thần hạ mượn quyền thế người trên để hống hách, doạ nạt người ta...

Vua Tuyên Vương làm vua nước Sở. Chiêu Hề Tuất chỉ là một người bầy tôi vua Tuyên Vương. Thế mà ai nghe thấy nói Chiêu Hề Tuất cũng phải kinh sợ. Vua lấy làm lạ, một hôm hỏi quần thần là vì cớ làm sao. Không ai trả lời nổi. Chỉ có Giang Nhất biết được thưa rằng:

“Con hổ hay bắt các giống thú để ăn thịt. Một hôm bắt được con cáo. Cáo bảo: Liệu đó! Chớ có động chạm đến ta mà chết ngay bây giờ. Ta là Trời sai xuống, cầm quyền coi hết cả bách thú. Người mà ăn thịt ta là người trái mệnh trời, hại đến thân ngay lập tức... Không tin thử để ta đi trước, ngươi theo hầu sau, xem có con thú nào trông thấy ta mà lại không sợ hãi tìm đường trốn cho mau không!”. Hổ cho cáo là nói thật, bèn theo cáo đi. Quả nhiên bách thú trông thấy đều sợ mà chạy cả. Hổ vẫn không biết rằng bách thú sợ mình mà chạy, cứ tưởng là sợ cáo. Nay nhà vua nước mạnh, quân nhiều mà vua giao cả quyền thế cho Chiêu Hề Tuất, người phương Bắc sợ Hề Tuất, nhưng kỳ thực là sợ vua cũng như bách thú sợ hổ vậy”.

Chiến Quốc Sách

Lời bàn:

Bài này cũng như bài ngụ ngôn “Lừa đội lốt sư tử” cốt ý nói những kẻ thần hạ mượn quyền thế người trên để hống hách, doạ nạt người ta. Nhưng nếu người ta không biết, thì người ta còn sợ, chứ khi “hổ mà thèm cỏ, lừa mà thò tai” thì chẳng những người ta đem lòng khinh bỉ, mà người ta còn làm cho đê nhục để cho bõ ghét.

Chuyện cười trong ngày

Ảo tưởng sức mạnh

Cả tổ kiến quyết định tấn công một chú voi. Voi khẽ lắc mình là cả bầy kiến rơi xuống đất.

Chỉ còn một con lọt lại trong tai voi. Những con kiến dưới đất vừa chạy tán loạn vừa hét lên:

- Giữ chặt lấy nó! Bóp cổ nó đi!

Saturday, August 22, 2015

Ngày 22-8-2015 - Suy Niệm Trong Ngày

Chuyện ngắn - Bài học cho tình bạn

Bài học cho tình bạn

Ở ngôi làng kia có một chú bé tuổi độ mười sáu . Chú là một chú bé thông minh, tốt bụng, có những suy nghĩ khá sâu sắc so với lứa tuổi của chú. Thế nhưng, chú lại thiếu lòng tin và hay buồn rầu, chú luôn cảm thấy mình thiếu bạn…

Một ngày kia, như thường lệ, chú lại cảm thấy buồn chán và không có chuyện gì làm, chú lang thang một mình dọc theo bờ biển, lẩm bẩm tự than với mình:

– Chán quá đi…Ta buồn chẳng hiểu vì sao ta buồn? Chẳng có ai hiểu ta! Chẳng có ai làm bạn với ta và thật sự coi ta là bạn…!!!
Vô tình chú giẫm phải vật gì đó dưới chân. Cuối xuống xem, chú thấy đó là một con sò nhỏ có lớp vỏ rất đẹp với nhiều màu sắc. Chú thờ ơ bỏ nó vào túi dự định đem về nhà chơi và định đi tiếp. Thình lình, con sò bỗng cất tiếng nói:

– Bạn ơi… Hãy thả tôi về với biển… Hãy giúp tôi trở về với nơi sinh ra mình… Có thể tôi không có gì để tặng lại bạn, nhưng tôi sẽ cho bạn một lời khuyên…!!!

Cậu bé vừa ngạc nhiên, vừa sợ hãi, lại vừa thích thú. Nhìn con sò, cậu nói:

– Được thôi, ta sẽ thả bạn về với biển, nhưng… hãy cho ta một lời khuyện trước đi… Ta đang buồn chán vì không có bạn bè đây!

Con sò cất tiếng trả lời bằng một giọng nói chậm rãi, nhẹ nhàng:

– Bạn hãy nhìn những hạt cát dưới chân bạn và nắm một nắm cát đầy đi. Bạn biết không, nắm cát trong lòng bàn tay của bạn cũng giống như bạn bè của bạn vậy. Những hạt cát quá xa lòng bàn tay bạn sẽ theo kẻ hở giữa những ngón tay bạn mà rơi ra ngoài. Nếu bạn càng siết chặt bàn tay thì chúng càng rơi ra nhiều hơn. Chỉ có những hạt cát nằm giữa lòng bàn tay bạn, được giữ chặt trong đó mới còn lại mà thôi. Đó chính là những người bạn thân thiết mà chúng ta thật sự cần, những người bạn này sẽ ở lại với ta dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Nhưng, bạn thấy đó, những hạt cát này rất ít và dễ dàng rơi ra nếu ta không biết giữ gìn. Hãy đem chúng về và ngâm trong những vỉ màu đẹp nhất. Hãy giữ gìn và nâng niu chúng bằng tình cảm của mình. Chúng sẽ ở bên cạnh bạn và không rời xa đâu. Tôi chỉ có thể khuyên bạn như vậy thôi…

Chú bé im lặng, thả con sò về lại với lòng biển xanh bao la mà không nói lời nào…Chú còn mải suy nghĩ về những điều con sò nhỏ nói..

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

TỔ PHẬT LỪA NGƯỜI
 Long Nha dạy chúng, nói:
- Người tham học phải thấu đạt Phật Tổ mới được. Hòa thượng Tân Phong [Động Sơn Lương Giới] nói, “Nếu thấy lời dạy của Phật Tổ như thấy oan gia, thì mới đáng gọi là tham học. Nếu chẳng thấu được, tức bị Tổ Phật lừa.”
Lúc ấy có một ông tăng hỏi:
- Phật Tổ có ý lừa người chăng?
Long Nha nói:
- Nói tôi nghe, sông hồ có ý ngăn ngại ngườichăng?
Lại nói tiếp:
- Sông hồ không có ý ngăn ngại người, chỉ vì người qua chẳng được, thành ra sông hồ ngăn ngại người. Ông không thể nói sông hồ không ngăn ngại người. Tổ Phật không có ý lừa người, chỉ vì người chẳng thấu được, thành ra Tổ Phật lừa người. Lại nữa, ông không thể nói Tổ Phật chẳng lừa người. Nếu ai thấu được Tổ Phật, thì mới qua được Tổ Phật. Phải thấu đạt ý Tổ Phật, mới cùng với người xưa hướng thượng đồng nhau. Nếu ông chưa thấu qua được, dù có học Tổ học Phật ngàn kiếp, cũng không mong gì đạt được.
Ông tăng lại hỏi:
- Làm sao khỏi bị Tổ Phật lừa?
Long Nha đáp:
- Phải tự ngộ đi.
 (Bích Nham Lục)