Wednesday, August 12, 2015

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

ĐẠI SỰ


Nga Sơn Từ Trác (1727-1797) đã hành cước khi sư mới mười sáu tuổi. Khi vào Thiền viện, trong thời gian chín mươi ngày tu tập kịch liệt sư đã tỉnh ngộ. Sau đó, sư hành cước viếng hết sư này đến sư khác, tham học với hơn ba mươi Thiền sư. Không một Thiền sư nào có thể làm gì sư được, vì thế sư trở về với bổn sư là Nguyệt Thuyền Thiền Huệ (1702-1781).

Nguyệt Thiền thừa nhận sự nắm vững Thiền của Nga Sơn trẻ tuổi, lúc đó Nga Sơn cũng tin rằng mình nắm được Thiền.

Bấy giờ, Nga Sơn bất chợt đi ngang qua Thiền viện của Bạch Ẩn đôi lần, nhưng sư không muốn gặp bậc thầy danh tiếng này.

Nhưng một hôm sư chợt nghĩ, “Trong các sư trên khắp đất này, không một ai có thể chỉ cho mình điều gì. Bạch Ẩn là người duy nhất có những phương pháp mà ta không biết.”

Ý nghĩ này đã khơi nơi sư dậy lòng mong muốn gặp Bạch Ẩn. Sư nói với Nguyệt Thuyền ý mình. Nguyệt Thiền nói, “Tại sao ông cần phải gặp Bạch Ẩn? Nga Sơn lại nghĩ Nguyệt Thuyền đúng nên ở lại.”

Một năm nữa trôi qua, khi Nga Sơn bất ngờ nghe Bạch Ẩn được mời đến thuyết pháp về Bích Nham Lục ở thủ đô Edo. Bấy giờ sư nghĩ, “Bao lâu ta chưa gặp vị lão sư ấy, ta chưa thực sự là bậc đại trượng phu.”

Dù cho Nguyệt Thuyền cố giữ sư lại, bấy giờ Nga Sơn đã quyết tâm đi. Sư hành cước thẳng đến Edo để gặp đại sư Bạch Ẩn.

Khi Nga Sơn trình kiến giải của mình, Bạch Ẩn hét to, “Đồ lừa gạt, hơi thở thối tha, ở đâu đến đây lừa ta?” Và sư ném Nga Sơn ra ngoài.

Nga Sơn không bỏ cuộc. Sau khi bị ném ra ngoài ba lần, sư vẫn nghĩ mình đạt chân ngộ và Bạch Ẩn cố hạ sư vì có mục đích.

Một đêm nọ, khi loạt bài thuyết pháp gần chấm dứt, Nga Sơn suy nghĩ, “Quả thật Bạch Ẩn là bậc thầy vĩ đại nhất trên đất này. Tại sao ông ta lại phản đối người ta một cách độc đoán? Ắt phải có yếu chỉ.”

Bấy giờ Nga Sơn đến xin lỗi Bạch Ẩn vì thô xuất, và xin chỉ dạy. Bạch Ẩn nói, “Ông chưa trưởng thành. Suốt đời ông sẽ mang Thiền cái da bụng chạy quanh. Dù ông nói có trôi chảy, đó cũng chẳng cho ông năng lực gì khi ông đến bờ sanh tử. Nếu ông muốn cuộc sống hằng ngày của ông thực sự thỏa mãn, ông phải nghe tiếng vỗ một bàn tay.”

Sau này Nga Sơn nói với môn đệ, “Tôi mất ngót hai chục năm hành cước khắp xứ, tham học với hơn ba chục Thiền sư. Tôi đã quá sắc bén nên không ai hợp với tôi. Cuối cùng, tôi chạy đâm đầu vào lão Bạch Ẩn và đã bị đá ra ba lần, thấy ra năng lực thông thường của tôi vô dụng tại điểm ấy. Rồi tôi trở thành kẻ chân thành theo đạo.

Vào lúc đó, trên thế gian này ai là kẻ có thể đánh tôi được ngoại trừ Bạch Ẩn? Tôi không đánh giá đạo hạnh vĩ đại hay hơi thở danh vọng của sư. Tôi không đánh giá nhận thức siêu việt hay nội kiến thông suốt của sư qua các công án phức tạp của cổ nhân. Tôi không đánh giá sự giảng giải lưu loát và sự phơi bày gan dạ của sư. Tôi không đánh giá số người theo sư. Tôi chỉ đánh giá sự kiện trong khi tất cả các Thiền sư khác không thể làm gì tôi được. Bằng phương tiện đo lường thô bạo, Bạch Ẩn đã đưa tôi vào ngõ cụt, cuối cùng khiến tôi có thể hoàn thành Đại Sự.

Hiển nhiên, việc này chẳng dễ chút nào. Tôi theo Bạch Ẩn chỉ được bốn năm, khi sư trở nên già đến nỗi đôi khi sư quá mệt mỏi cho việc tham vấn. Kết quả, tôi đã đến Đông Lĩnh để học giáo lý tối thượng thừa. Nếu không có Đông Lĩnh ở đó, tôi không thể kiện toàn chi tiết cuối cùng.”

 (Giai Thoại Thiền)

No comments:

Post a Comment