Wednesday, August 31, 2022

Suy Niện Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Tâm ban đầu

 Tâm ban đầu


Mỗi sáng sớm khi sương còn mù mịt trên sông, chiếc thuyền con của lão già đã là đà rẽ nước, hướng về bờ – lúc thì bờ đông, lúc thì bờ tây, nơi những ngôi nhà tranh và những chiếc ghe nhỏ tụ tập. Mái chèo khua nhè nhẹ như thể sợ động giấc ngủ của thế nhân.
Chẳng ai biết chắc lão có gia đình, nhà cửa ở đâu hay không. Nhưng người ta có thể đoán chiếc thuyền con ấy chính là nhà của lão, vì lão phơi thuốc, xắc thuốc, nấu thuốc ngay trên đó. Trên thuyền không còn ai khác. Ban đêm, thuyền của lão neo ở đâu không ai biết, nhưng sáng sớm thì thấy lù lù xuất hiện trên sông hoặc nơi bờ cát. Lão già đến và đi, một mình. Mỗi ngày xách cái túi nhỏ rời thuyền, thường là đi hái thuốc trên núi, ven rừng, bờ suối, có khi vào làng chữa bệnh cho bá tánh rồi ghé chợ mua vài thứ lĩnh kĩnh.
Lão sống trên chiếc thuyền, trôi giạt hoặc tấp ở đâu đó bất định, nhưng khi cần gặp lão thì cũng không khó. Người ta chỉ việc đứng bên sông, gọi lớn “ông già ơi, ông già ơi!” thì trước sau gì cũng sẽ thấy lão xuất hiện. Không ai biết tên lão, có hỏi lão cũng chỉ cười mà lặng thinh, nên cứ gọi lão là “ông già.” Những bệnh lặt vặt thời tiết, tai nạn cấp cứu… thì trong làng đã có các thầy thuốc bậc trung, bậc hạ, không thiếu. Chỉ các bệnh nan y mà những lang y của làng không chữa nổi, người ta mới rước lão già ấy vào làng, hoặc chịu khó đem bệnh nhân ra bờ sông, đưa lên thuyền của lão để được chữa trị. Mà đã đến tay lão thì bệnh gì cũng khỏi. Cho nên, dù lão chưa bao giờ xưng là y sĩ, bác sĩ, cũng chưa có một bảng hiệu hay giấy chứng nhận, bằng hành nghề, giấy giới thiệu, bảng tuyên dương… nào cả, thiên hạ vẫn mặc nhiên gọi lão một cách tôn kính là “thần y.” Sự xưng tụng ấy không đến tai lão, hoặc có đến nhưng lão bỏ ngoài tai. Tôn hiệu ấy là để nói với nhau khi vắng mặt lão, chứ khi trực tiếp gặp lão, người ta vẫn cứ gọi hai chữ thân mật, gần gũi: “ông già.”
Một hôm có chàng trai trẻ lặn lội từ xa, những mấy ngày đường, đến bên sông, chờ đợi thuyền của lão tấp vào bờ, liền xin được làm học trò của lão. Lão vẫn còn ngồi trên thuyền, im lặng không nói gì, chỉ tiếp tục lui hui nơi bếp lò với một món thuốc nào đó. Chàng tuổi trẻ quỳ sụp dưới đất, tỏ vẻ khẩn khoản, mong cầu. Một chặp, lão già mới nói, tay không ngưng làm việc:
“Ta chưa hề nhận học trò.”
“Con từ làng xa tìm đến thầy, mong thầy phá lệ nhận con, vì nếu thầy không truyền dạy, mai sau nghề của thầy sẽ thất truyền.”
Lão già cười nhạt:
“Con tưởng rằng tay nghề của ta chỉ ở nơi những rễ cây, lá thuốc này hay sao?”
Chàng thanh niên hơi lúng túng, rồi lại nhanh miệng nói:
“Dạ, dạ.. dĩ nhiên không phải chỉ nơi lá thuốc, mà thầy còn châm cứu, bấm huyệt, hướng dẫn thể dục, vận động… con từng nghe như vậy.”
Lão già im lặng. Một lúc, lão vừa chế một loại thuốc vào một cái lọ nhỏ, vừa hỏi:
“Vì mục đích nào mà con muốn học thuốc?”
Chàng thanh niên mừng rỡ, trả lời ngay:
“Dạ, vì lòng hiếu với mẹ, muốn học nghề thuốc để chữa trị bệnh nan y của mẹ.”
Lão già ngưng một lúc lâu, rồi nói, giọng lạnh nhạt:
“Thế à! Bệnh thế nào mà gọi là nan y?”
“Thưa, từ ngày cha của con bệnh nặng, qua đời, mẹ con không ngủ được nữa. Mà chứng bệnh ấy, cũng là chứng bệnh mà cha con mắc phải suốt nhiều năm trước khi mất. Con nghĩ nếu con không học ngành y để chữa bệnh cho mẹ, e có ngày…”
“Không sao đâu,” lão già nói. “Con muốn học gì thì cứ học, bệnh của mẹ con không liên quan gì.”
“Thưa, ý của thầy là thế nào? Dù con có học y dược cũng không chữa trị được cho mẹ hay sao? Thầy chấp nhận con làm học trò rồi, phải không thưa thầy?”
“Không. Ta đã nói ta không nhận học trò.”
“Vậy… thầy nói bệnh của mẹ con không liên quan là ý thế nào, con không hiểu. Có phải là chính thầy cũng không chữa được?”
Lão già xua tay, nói:
“Ý ta là mẹ của con không sao, sẽ còn ở đời nhiều năm nữa chờ đợi chính tay con chữa. Còn việc con học ngành Y… ta cho là không thích hợp. Dù ta có dạy, con cũng không thể là một y sĩ giỏi.”
Chàng thanh niên sửng sốt, trố mắt nhìn lão già một lúc; rồi cúi đầu nhìn đăm đăm dưới đất, sắc diện thay đổi từ đỏ ửng sang tím ngắt… Một hồi lâu, chàng im lặng đứng dậy, từ từ quay đi. Lão già nhìn theo, lắc đầu.

* * *

Quyết tâm học ngành thuốc cho kỳ được để chữa trị cho mẹ, và cũng để chứng minh cho lão “thần y” thấy rằng lão đã sai, chàng thanh niên tìm đến nhiều vị danh y khác để cầu học. Với trí thông minh chỉ trên trung bình nhưng nhờ chịu khó, và biết tranh thủ nhân tâm, chàng đã lần lượt chiếm được sự tin yêu của nhiều vị y sư với từng chuyên khoa khác nhau; đến nỗi hầu như các y sư đều tận lực dành thời gian và tâm huyết để truyền hết sở học và kinh nghiệm của họ cho chàng.
Mười năm sau, chàng thanh niên trở thành một danh y chữa bá bệnh, mở phòng mạch thật lớn ở thành phố. Không những chữa bệnh, danh y này còn biết cóp nhặt và pha trộn các môn thiền vận động, chú tâm nơi hơi thở và các động tác của thân như thái cực quyền, du-già (yoga), khí công, dưỡng sinh, võ thuật… để lập nên một môn phái gọi là Thiền Y, với châm ngôn “Tự trì, tự trị.” Lý thuyết và sự thực hành của Thiền Y không có gì mới lạ, vì chỉ là sự vay mượn rồi chế biến từ các môn Thiền, Võ và Y đã có sẵn từ ngàn xưa; nhưng hậu ý của Thiền Y là đánh bạt đi tất cả những thiền sư và y sư khác, bằng chủ trương mọi người đều có thể tự hành trì, tự chữa trị, mà không cần thiền sư hay y sư (tự trì, tự trị). Đã có một số môn sinh đến học môn Thiền Y này, với hy vọng tiến đến trình độ “vô sư” – nghĩa là có thể tự độ, tự trị. Nhưng mánh khoé của môn chủ Thiền Y mà đám môn sinh không thể nào biết được, đó là kéo họ ra khỏi vòng ảnh hưởng của các thiền sư và y sư khác, qui tụ về dưới sự dẫn dắt của mình để họ được “tự trì tự trị” mà kỳ thực, suốt cả đời họ vẫn không thể tự độ hay tự trị, vẫn không thể ra khỏi vòng ảnh hưởng của Thiền Y.
Ngoài khả năng chữa bệnh và môn thể dục tổng hợp Thiền – Y, môn chủ còn được các môn sinh ca tụng lòng hiếu thảo, tôn kính gọi “sư phụ” bằng một mỹ danh khác là “Hiếu Y,” tức một y sĩ nổi tiếng vì lòng hiếu, đã dành hết tâm chí và thời gian học ngành Y chỉ vì muốn chữa trị cho mẹ.
Sau mười năm cặm cụi học Y, rồi mười năm nỗ lực tạo danh tiếng, ảnh hưởng của Hiếu Y vẫn còn rất hạn chế, chưa đúng với ý nguyện. Môn sinh theo học vẫn còn lác đác, mà trong số đó cũng chẳng ai xuất sắc; phòng mạch chữa bệnh treo bảng to lớn, mà bệnh nhân cũng xấp xỉ ngang bằng với các y sĩ chung quanh; chưa có gì gọi là nổi trội. Môn sinh của Hiếu Y còn tìm cách mời những thiền sư và y sĩ khác đến nghe môn chủ thuyết giáo, diễn đạt về Thiền Y, mục đích là mượn sự có mặt của các thiền sư và y sĩ kia mà nâng cao uy tín của Hiếu Y. Nhưng rồi những lọc lừa ấy cũng không qua mặt nổi các thiền sư và y sĩ thực thụ. Đâu vẫn hoàn đó, vì thực chất kiến giải và trình độ của Hiếu Y chỉ là sự vay mượn, cóp nhặt.
Thực ra, điều mà Hiếu Y mong mỏi là danh vọng phải hết sức lẫy lừng để cho tiếng đồn có thể lan đến chiếc thuyền của lão thần y trên sông. Nỗi căm giận và lòng tự ái năm xưa, mỗi khi nhớ lại, Hiếu Y vẫn thấy trong lòng sôi lên sùng sục.
Ngày ấy, phòng mạch vắng khách, môn sinh rủ nhau đi dự tiệc vui chơi ở nhà bằng hữu, Hiếu Y cảm thấy nỗi cô đơn trống vắng như bao trùm cả cuộc đời. Khi môn sinh và bệnh nhân quây quần chung quanh, Hiếu Y có cảm giác mình là trung tâm vũ trụ, được mọi người ngước nhìn và lắng nghe với lòng ngưỡng mộ; nhưng khi họ rời khỏi, chàng là con số không, chẳng là gì cả.
Tại sao, tại sao ta chẳng là gì, chẳng thể nào là y sĩ giỏi… như lời lão thần y nói năm xưa! Không thể kềm lòng được nữa, Hiếu Y lặng lẽ lên đường, tìm đến con sông ngày ấy, nơi cách xa phòng mạch của chàng đến mấy trăm dặm.
Lúc ấy là lúc thuận tiện cho Hiếu Y gặp lão già, vì thuyền đang neo bên sông. Lão già vừa xắc những rễ lá đã phơi khô, vừa canh lửa sắc thuốc trong cái siêu nhỏ. Hiếu Y xin được lên thuyền, ngồi nơi mũi thuyền, nhìn chăm chăm vào lão già, nói giọng ngạo nghễ:
“Ông nói tôi không thể là y sĩ giỏi. Bây giờ tôi là danh y, là hiếu y, khắp thiên hạ ai cũng biết.”
Lão già ngưng một chốc, rồi tiếp tục làm thuốc. Hồi lâu, lão nói, giọng rất đỗi từ bi:
“Đã hai mươi năm qua rồi, những gì ta dạy con năm ấy, con vẫn chưa lãnh hội được sao, thật đáng tiếc!”
Hiếu Y đứng bật dậy, nổi sung nói:
“Ông chưa dạy tôi điều gì, tôi chưa học ông cái gì cả! Tất cả thành tựu của tôi là do tôi, do sức và trí của chính tôi! Tôi đến đây hôm nay là để nói ông biết điều ấy, rằng tôi đã thành công, đã là một danh y, không những thế, còn là một hiếu y!”
Nói rồi, Hiếu Y dợm quay đi, tính rời thuyền, thì lão già cười bật lên một tràng. Hiếu Y dừng chân, quay lại chờ đợi xem lão muốn nói gì. Lão thần y vừa cười, vừa nói:
“Nổi tiếng chưa hẳn là giỏi. Ta đã nói rồi, con không thể nào là một lương y, một y sĩ giỏi.”
Hiếu Y đỏ bừng sắc mặt, giận căm, nói không ra lời; nghiến hai hàm răng, hai nắm tay xiết lại, như thể muốn giết lão thần y cho bõ ghét. Nhưng rồi Hiếu Y cũng tự chế, cố gắng nuốt hận, nhảy phóc lên bờ, bỏ đi. Lão già từ thuyền con nhìn theo, lắc đầu.
Mười năm sau, Hiếu Y trở lại bờ sông. Bây giờ chàng đã là y sĩ trên năm mươi tuổi, trong khi lão thần y đã chín mươi ngoài. Thất thểu, dè dặt, bước lên thuyền, thấy lão già đang chăm chú vê những viên thuốc tễ, Hiếu Y quỳ sụp xuống lòng thuyền, khóc òa, khóc thảm thiết. Lão già ngừng làm việc, rửa tay, lau tay, im lặng một lúc, lão nói, giọng đầy thương yêu:
“Thoắt cái đã ba mươi năm qua rồi. Chuyện gì đã xảy ra cho con?”
Hiếu Y lại khóc rống lên, vô cùng thảm não. Phải một lúc lâu mới hết nức nở, Hiếu Y bắt đầu kể lể:
“Năm đó rời khỏi đây, con trở về thành phố để tiếp tục chữa bệnh thì không may đưa lầm thuốc làm chết một người; phòng mạch bị niêm phong không cho hoạt động, nhà cửa phải bán đi để đền bồi nhân mạng, phần con phải đi tù 9 năm. Ra khỏi tù, trắng tay, vợ con đi đâu mất biệt tìm không ra. Chỉ còn mẹ già sống nương nơi nhà một môn sinh thân tín. Tất cả những gì con gầy dựng nên đều mất hết, mất tất cả. Suốt nhiều ngày qua, con như kẻ khùng điên, đầu óc mơ hồ, mang mang, dường như không còn ý thức hay suy nghĩ một điều gì. Nỗi đau khổ, khốn đốn cùng tột đã đẩy con đến một trạng thái thật trống rỗng, trống rỗng… Cho đến mấy hôm trước, sau một giấc ngủ dài trong mệt mỏi, con thức dậy thì chợt nhớ đến thầy, nhớ đến những gì thầy dạy con năm xưa… Thưa thầy, xin hãy dạy con, cho con biết con phải làm sao? Tại sao con không thể là lương y, là y sĩ giỏi?”
Lão già im lặng, pha trà, đưa tay ra dấu mời Hiếu Y. Gió mơn man lùa nhẹ trên mặt sông rộng. Một đàn cá trồi lên mặt nước, chép chép miệng, gợn những vòng sóng nhỏ gần nơi chiếc thuyền có hai lão già ngồi im. Lá vàng lác đác rụng xuống bờ sông. Mặt nước yên tĩnh, in dấu từng cụm mây trắng cuồn cuộn giữa bầu trời xanh ngát.
“Thiền không thể thất niệm; Y không thể thất đức,” lão già nói.
Hiếu Y im lặng, cúi đầu, chờ đợi nghe tiếp.
“Con là người dạy Thiền, phối hợp Thiền vào Y thuật thì không thể nào có sự thất niệm đưa đến nhầm lẫn, sơ xuất trong trị liệu,” lão già nghiêm khắc nói.
“Dạ, con biết, con biết lỗi,” Hiếu Y ngoan ngoãn đáp.
“Về chuyện thất đức trong ngành Y, ta không nói con có mưu ý gì trong việc thủ lợi qua chữa trị. Ta chỉ muốn nói rằng, cái đức của y sĩ là ở lòng thương, ở niềm xót xa đối với người khổ bệnh. Thiếu cái đức này, không thể nào là lương y, là y sĩ giỏi; mà chỉ là một kẻ biết dùng y thuật.”
Lão già ngưng, châm thêm nước sôi vào bình trà nhỏ. Không gian thật yên tĩnh. Chỉ nghe gió nhẹ đưa qua đám lau sậy bên bờ, tạo nên những tiếng xào xạc nho nhỏ, êm dịu. Lão già tiếp:
“Năm ấy lần đầu gặp ta, con đã vội vàng tỏ ý muốn được kế thừa y nghiệp; ta hỏi con vì mục đích gì mà học y, con trả lời là học để chữa bệnh cho mẹ,” lão già thở dài, tiếp “cả lý tưởng lẫn mục đích đều đã chệch, đã sai ngay từ ban đầu. Lý tưởng và mục đích của kẻ học Y là tìm ra phương thuật hay diệu dược để chữa trị tất cả bệnh hoạn của thế gian; vì lòng thương đối với kẻ bệnh khổ mà dấn thân vào con đường chữa trị, cho thuốc; không vì sự nghiệp hay y nghiệp nào khác, cũng không vì cá nhân ai mà nguyện làm y sĩ. Con vì mẹ mà muốn học y dược, tốt, chí hiếu! Nhưng không đủ. Đức của y sĩ phải bao trùm cả bá tánh thiên hạ, không phải vì cha, mẹ, anh chị em, thể diện gia tộc, cũng không phải để làm rạng rỡ cái tông môn, tông đường nào hết. Cũng thế, một thiền sư, đặt chân trên đạo lộ giải thoát là để cứu mình, cứu người ra khỏi biển khổ vô tận của thế gian, không phải vì sự nghiệp của ông Phật, ông Tổ nào khác.”
Hiếu Y nghe đến đó, giật mình, bừng tỉnh, sụp lạy lão già ngay nơi lòng thuyền. Giọng chàng rưng rưng xúc động, lòng như mở ra cả một khung trời bát ngát vô biên:
“Thưa thầy, con đã hiểu, con đã hiểu.”
Lão già đưa tay nâng Hiếu Y dậy, vỗ về, khích lệ:
“Con có thể bắt đầu dấn thân từ hôm nay, như một lương y, một y sĩ giỏi. Con sẽ vượt hơn ta rất xa. Những gì ta không làm được, con sẽ làm được. Ta, một chiếc thuyền nan trôi giạt bờ này bờ kia, chỉ có thể cứu chữa cho vài người hữu duyên; nhưng con, khổ bệnh cùng khắp nhân gian đang chờ đợi thiện thủ diệu dược của con.”
Hiếu Y ôm lấy chân lão già, không nói nên lời, lòng tràn ngập hạnh phúc và niềm tri ân. Một lúc, Hiếu Y đứng dậy, dợm bước, nhưng sực nhớ ra điều gì, đứng lại, rụt rè nói:
“Thưa thầy, con còn một điều che giấu thầy, xin cho con được thổ lộ.”
“Không cần. Ta biết rồi. Mẹ con vẫn chưa hết bệnh. Con sẽ trị được cho bà ấy bằng chính cái tâm ban sơ của con. Một khi tâm con đã chuyển, tất cả mọi diệu thuật sẽ theo đó mà được vận dụng một cách thiện xảo. Ta không còn điều gì để truyền dạy cho con. Con đã có tất cả. Hãy lên đường.”
Khi Hiếu Y ra đi, lão già từ chiếc thuyền con, nhìn theo, mỉm cười. Lão lặng lẽ thu xếp mọi thứ trên thuyền, rồi ngồi xếp bằng, bắt đầu đi vào đại định.
Kể từ lúc ấy, cái tên Hiếu Y không còn nghe đến trên đời; nhưng đâu đó trên khắp các làng mạc, phố thị, ven biển, rừng sâu, sông dài và sa mạc bỏng cháy, xuất hiện một lương y tuyệt vời.

Vĩnh Hảo
Bài sưu tầm trên Net

Cổ Học Tinh Hoa - Lo Vui

 Lo vui


Thầy Tử Lộ hỏi Khổng Tử rằng:

- Người quân tử cũng lo sợ ư?

Khổng Tử nói:

- Người quân tử chỉ cốt suy nghĩ định liệu công việc của mình, lúc chưa làm được vui rằng mình đã có ý định làm, lúc đã làm được lại vui rằng mình có trí làm được việc. Thế cho nên người quân tử có cái vui thú suốt đời, không có cái lo sợ một ngày nào cả.

- Kẻ tiểu nhân thì không thế, lúc chưa làm được việc thì lo sợ rằng không được. Lúc đã làm được việc thì lo sợ nhỡ hỏng mất. Thế cho nên kẻ tiểu nhân có cái lo sợ suốt đời, không có cái vui thú nào cả.

Thuyết Uyển

Lời bàn:

Đã muốn làm nên việc, tất phải để tâm nghĩ vào đấy, nhưng nghĩ mà cứ theo thiên lý, chớ không có chút tư tâm nào, việc hỏng hay việc nên cũng không bợn đến lòng. Cho nên người quân tử không hề sợ bao giờ, bao giờ cũng bận việc mà cũng thản nhiên như không vậy. Kẻ  tiểu nhân thì trái lại, làm việc gì cũng chỉ cốt cầu tự tư, tự lợi, cho nên dù được, dù hỏng, trong bụng lúc nào cũng áy náy không sao quên được, nghĩa là chưa được, thì lo sợ rằng chưa được, đã được lại lo sợ rằng nhỡ hỏng mất chăng.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Quà tặng do lời lăng mạ


Thưở đó có một nhà võ sư. Mặc dù ông đã già, ông vẫn có thể đánh bại bất cứ người nào thách ông. Sự nổi danh của ông lan truyền xa và rộng lớn khắp nước rất nhiều học trò kéo đến học dưới sự chỉ dạy của ông.

Một ngày nó có một người võ sĩ trẻ tuổi không được ai biết tới đã đến làng. Anh ta quả quyết sẽ là người đầu tiên đánh bại vị võ sư này. Song song với sức mạnh của anh, anh có khả năng nhạy bén để nhận ra, và khai thác bất cứ tình trạng yếu kém nào của đối phương. Anh ta chờ cho đối phương của mình ra tay trước, do vậy mà anh phát hiện nhược điểm, và sau đó sẽ đánh một cú với sức mạnh tàn khốc và chớp nhoáng. Không ai có thể chịu nổi ngay khi vừa bắt đầu trận đấu. Những người học trò của vị võ sư lo lắng khuyên mà ông bất chấp, vị võ sư vui vẻ nhận lời thách thức của người võ sĩ trẻ tuổi.

Khi hai người đối diện trong trận đấu, người võ sĩ trẻ bắt đầu thốt ra những lời lăng mạ vị võ sư. Anh đã văng ra những lời thô bỉ và nhổ vào mặt vị võ sư. Trong nhiều giờ anh ta đã dùng lời nói công kích thậm tệ vị võ sư với những lời chửi rủa và lăng mạ. Nhưng vị võ sư chỉ đứng đó không hành động gì và yên lặng. Cuối cùng, người võ sĩ trẻ mệt lử. Biết rằng anh ta đã thất bại, anh cảm thấy xấu hổ.

Làm thất vọng vì vị võ sư đã không đánh người đàn ông trẻ xấc láo, những người học trò tụ chung quanh vị sư phụ và hỏi ông rằng. "Làm thế nào mà Thầy có thể chịu đựng sự sỉ nhục như vậy? Như thế nào mà Thầy có thể làm cho hắn bỏ đi?"

"Nếu một người tới cho các con món quà và các con không nhận nó," Vị Thầy trả lời, "vậy thì món quà đó thuộc về ai?"

Truyện cười trong ngày

 Làm khó


Hai tên trộm đang hì hục mở một cái két sắt trong nhà băng. Thấy lâu, một thằng hỏi:

– Tại sao mày lại dùng chân để mở?

– Làm thế này lâu hơn vài phút nhưng sẽ khiến cho bọn chuyên gia về dấu tay phải phát điên lên đấy!

Tuesday, August 30, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Đừng để hối tiếc

 ĐỪNG ĐỂ HỐI TIẾC


Tuần trước tôi đã làm một việc mà 20 học trò già đầu của tôi khó lòng tha thứ,tôi cho họ bài tập về nhà.Với những đứa trẻ, nhiệm vụ tôi giao có lẽ chẵng khó khăn là mấy, chỉ là " thố lộ tình cảm của bạn với ngườI mà bạn thương yêu nhất nhưng chưa bao giờ hoặc đã lâu bạn chưa bày tỏ tình cảm".Tuy nhiên, quá nữa học trò của tôi là những người đàn ông trên 35 tuổi, nên bài tập về nhà tôi giao có thể sẽ quá sức với một số người.

Biết vậy, vào đầu giờ học tôi chỉ hỏi thử trong lớp có ai muốn kể lại chuyện mình đã làm điều đó như thế nào ? Tôi đoan chắc rằng cánh tay đầu tiên giơ lên sẽ là một phụ nữ. Nhưng không, một anh chàng to như con gấu không nói không rằng lúng túng xô bàn ghế ầm ầm đứng dậy. và đây là câu chuyện của người đàn ông nọ: " nói thật lúc cô ra bài tôi giận lắm,người ngoài lấy quyền gì ra lệnh cho tôi làm hay không làm những việc riêng tư ? nhưng dọc đường về nhà, lương tâm không để cho tôi yên.Cô biết đấy, thế là cô nói trúng phóc. Tôi biết người mà tôi phảI nói lời yêu thương là ai. năm năm trước, cha con tôi giận nhau vì một chuyện không đâu.Chúng tôi chỉ gặp nhau một lần vào dịp năm mới khi cả nhà tụ họp, nhưng vẫn lãng tránh nhau.Có việc gì cần, tôi và cha đều nhắn qua mẹ tôi, Bà đã vài lần tìm cách giảng hoà nhưng máu " gà trống" cứng đầu vẫn không dịu xuống."

 Trước khi đánh xe vào cổng,tôi quyết định sẽ đến gặp cha và nói với ông rằng tôi rất yêu ông. Nghĩ được thế, người tôi tự dưng nhẹ nhõm như quẳng được cục đá đè nặng trên ngực tôi suốt 5 năm nay.Còn ngái ngủ vì bị tôi đánh thức,nhưng khi nghe tôi thông báo quyết định dàn hoà với cha, vợ tôi nhảy lên ôm hôn tôi.Chúng tôi ngồi bên nhau,cùng uống café và nói chuyện đến gần sáng mới nhắm mắt.

 Mặc dù trãi qua một đêm hầu như không ngủ,nhưng sáng hôm sau tôi rất phấn chấn.Tôi đến sở làm việc và chỉ trong hai tiếng đồng hồ, tôi đã thu xếp xong lượng công việc mà những bửa khác tôi phải bỏ ra cả ngày mới xong.Buổi trưa, tôi gọi điện cho Cha. Đáp lại câu hỏi của tôi rằng tối nay liệu tôi có thể tới chổ ông để nói với ông một việc " quan trọng " hay không ?, cha tôi đáp lại nhát gừng : " có việc gì ?". Tôi phải giải thích một hồi và cam đoan là không mất nhiều thời giờ của ông, cha tôi mới chịu gật đầu. 

Trước giờ ăn tối, tôi bấm chuông nhà cha mẹ,lòng những thầm mong người mỡ cửa không phải là mẹ tôi như thường lệ.Nếu là bà, chắc tôi sẽ không cầm lòng nỗi và những lời dành cho Cha sẽ lại tuôn ra hết.May thay, Cha tôi đứng sau cánh cửa vừa mỡ ra. Dường như sợ rằng cha tôi ( hoặc cả chính tôi nữa) có thể đổi ý, tôi dấn lên một bước đứng chắn giữa cửa. " cha,  con đến chỉ để nói…" Tới đây bổng nhiên giọng tôi nghẹn lại,  có cái gì đó dâng lên giửa cổ họng đau nhói : ". . để nói rằng con yêu Cha vô cùng,,.." tôi hít một hơi thật mạnh và nói nốt câu. " Ta cũng vậy con trai ạ…" Cha tôi run run đáp. Những nếp nhăn nơi khoé mắt ông không còn hằn nếp, đôi lông mày rậm giao nhau giửa trán giản qua hai bên. Mắt cha con tôi nhìn xoáy sâu vào nhau,tay nắm chặt tay, mẹ tôi rấm rứt khóc( phụ nữ là thế đấy,vui cũng khóc, buồn cũng khóc). 

Nhưng đấy chưa phải là điều quan trọng nhất tôi muốn nói với các bạn. Hai ngày sau cuộc gặp,cha tôi đột ngột qua đời vì một cơn đột quỵ tim. Nếu tôi không nói ra tình cảm của tôi,cha con tôi kẽ đi người ở đều cảm thấy đau khổ.Vậy nên, như các bạn thấy đấy :'chớ nên chần chờ trước những việc cần làm,nếu không một ngày kia bạn sẽ phải hối tiếc".

Cổ Học Tinh Hoa - Người con có hiếu

 NGƯỜI CON CÓ HIẾU

Thầy Tử Lộ vào hầu đức Khổng Tử, nói rằng: -“Đội nặng đi đường xa thì tiện đâu nghỉ đấy, không đợi chọn chỗ, rồi mới nghỉ. Nhà nghèo, cha mẹ già, thì con làm nên thế nào, hay thế ấy, không đợi có quyền cao, chức trọng, mới chịu làm. Ngày trước Do này, lúc song thân còn, cơm thường đưa dưa muối, dường xa trăm dặm, phải đội gạo về nuôi song thân. Lúc song thân mất, làm quan ở nước Sở, xe ngựa hàng trăm, lương bổng hàng vạn, ăn những miếng ngon, mặc những của tốt, mỗi khi nhớ đến song thân, lại muốn dưa muối, đội gạo để nuôi người như trước thì không sao được nữa! Cha mẹ già như bóng qua cửa sổ. Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, con muốn nuôi, mà cha mẹ không còn sống.

Đức Khổng Tử nói: “Do, nhà ngươi phụng sự song thân rất là phải. Lúc người còn thì hết lòng phụng dưỡng, lúc người mất, thì hết lòng thương tiếc.”

Gia Ngữ 
GIẢI NGHĨA
Tử Lộ: Người thời Xuân Thu, học trò đức Khổng Tử, tính hiếu thảo, hùng dũng có tài chính sự.

Bóng qua cửa sổ: Bóng đây là bóng mặt trời, ý nói thời giờ chóng qua cũng như câu ngựa phi qua khe cửa.
LỜI BÀN
Khi cha mẹ còn, hết lòng nuôi nấng, khi cha mẹ mất, hết lòng thương nhớ, đó thực là cái đạo hiếu của con đối với cha mẹ. Làm trái lại hẳn như thế là bất hiếu, mang một cái tội rất to! Làm trái lại một nửa như thế, “nghĩa là lúc cha mẹ còn, thì thờ ơ chểnh mảng, lúc cha mẹ mất thì nấu một mâm cao cỗ đầy, làm văn tế ruồi”, như thế cũng là bất hiếu, cho nên người con có hiếu, còn cha mẹ ngày nào, nên mừng ngày ấy, kíp ăn ở cho trọn đạo, chớ để đến lúc cha mẹ mất rồi, có hối lại cũng không sao được. Vì rằng làm con mà được còn có cha mẹ để báo đáp là một việc sung sướng ở đời, mà cũng là có duyên có phúc nữa.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Ngón tay vàng.


Một ngày nọ, một trong 8 vị thần bất tử, Lu Dongbin du hành xuống miền Saha World để giúp những người có hoàn cảnh thực sự khó khăn. Trên đường đi thần gặp một thanh niên trẻ tuổi đang ngồi khóc thảm não bên lề đường. Thần đến gần thanh niên trẻ và hỏi “Này anh , taị sao anh khóc? Anh gặp chuyện gì khó khăn phải không?”

“Mẹ con đang lâm bệnh rất nặng và cha con mất đã lâu. Con không có tiền đưa mẹ đến lương y.Con muốn đi làm nhưng không ai chăm sóc mẹ trong lúc con vắng nhà.”

Vị thần rất xúc động bởi tính trung thực của thanh niên trẻ vì vậy vị thần quyết định làm phép giúp anh ta . Vị thần chỉ ngón tay vào viên gạch bên đường, tức thì viên gạch biến ngay thành vàng, vị thần đưa viên gạch vàng cho anh thanh niên trẻ. Vị thần rất ngạc nhiên khi anh thanh niên từ chôí nhận viên gạch vàng.

Vị thần rất cảm động, bởi vì thanh niên trẻ có lẽ là một Phật tử sùng đạo, từ bỏ sự giàu sang “Taị sao anh không nhận miếng vàng? Nó có thể giúp cho gia đình anh sống một thời gian daì.”

Anh thanh niên trẻ đáp rằng “Nếu con nhận cục vàng , không sớm thì muộn con sẽ tiêu hết. Vì thế con không muốn nhận. Con muốn ngón tay của thần, vì con có thể dùng nó để biến tất cả đồ vật thành vàng và con sẽ trở thành người giàu có nhậ́t traí đất này”

Trong khi lắng nghe, vị thần thở dài ngao ngán thói tham lam của con người, vị thần liền biến miếng vàng trở lại thành hòn gạch như cũ và quay trở về trời

Chú thích1: 8 vị thần bất tử: Trong truyện dân gian về tôn giáo của Trung Hoa, 8 vị thần bất tử là những người trở thành thần thánh hay cô tiên theo truyền thuyết của Đạo Lão. Cac vị thần bất tử khác với các vị thần ở chỗ ít khi có trách nhiệm đến những việc trên thế gian . Vi thần như thần sấm thì chiụ trách nhiệm về một mặt nào đó của cuộc sống trên trái ̣đất.

Chú thích 2: Saha world: Theo nghiã đen, dục giới.

Đó là thế giới tồn tại của vật chất và quỹ giữ, Hay thế giới thật sự của chúng ta, những con người đang sống

Truyện cười trong ngày

 Khó giải thích


Trời mưa to nhưng khi đi lấy ô thì tôi thấy trong năm cái ở nhà chả còn cái nào dùng được. Tôi quyết định mang tất cả năm cái ô đến hiệu chữa ô.

Thế rồi tôi ôm năm cái ô đến hiệu chữa ô và nói với họ rằng tôi sẽ đến lấy ô trên đường về nhà vào buổi chiều. Khi tôi đi ăn chiều, trời vẫn mưa nặng hạt. Tôi đến một cửa hàng ăn gần đấy, ngồi xuống bên bàn được ít phút thì một phụ nữ trẻ bước vào ngồi ngay cùng bàn với tôi. Tôi là người ăn xong đầu tiên và khi đứng dậy tôi đãng trí cầm chiếc ô của chị ấy rồi bước về phía cửa. Chị ta gọi tôi lại và nhắc nhở rằng tôi đã cầm nhầm cái ô của chị ta. Tôi trả ô lại và xin lỗi rối rít.

Đến tối, tôi đến lấy ô, mua một tờ báo, rồi lên tầu điện. Chị ta cũng ở trên tầu điện. Chị ta nhìn tôi nói:

– Ông hôm nay được một mẻ lớn phải không?

Monday, August 29, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Nhảy múa dưới cơn mưa

 Nhảy múa dưới cơn mưa


Lúc đó khoảng 8.30 sáng, phòng cấp cứu rất bận rộn. Một ông cụ khoảng trên 80 tuổi bước vào phòng và yêu cầu được cắt chỉ khâu ở ngón tay cái. Ông cụ nói, ông rất vội vì ông có một cuộc hẹn vào lúc 9 giờ. Tôi bắt mạch, đo huyết áp cho ông cụ xong, tôi bảo ông ngôi chờ vì tôi biết phải hơn một tiếng đồng hồ nữa mới có người đến cắt chỉ khâu cho ông. Tôi thấy ông nôn nóng nhìn đồng hồ nên tôi quyết định sẽ đích thân khám vết thương ở ngón tay cái của ông cụ. Vì lúc đó tôi cũng không bận với một bịnh nhân nào khác cả.

Khi khám tôi nhận thấy vết thương đã lành tốt vì vậy tôi đi lấy dụng cụ để tháo chỉ khâu ra và bôi thuốc vào vết thương cho ông cụ. Trong khi săn sóc vết thương cho ông cụ, tôi hỏi ông là, ông vội như vậy chắc là ông có môt cuộc hẹn với một bác sĩ khác sáng hôm nay phải không. Ông nói không phải vậy nhưng ông cần phải đi đến nhà dưỡng lão để ăn điểm tâm với bà cụ vợ của ông ở đó. Tôi hỏi thăm sức khỏe của bà cụ thì ông cho biết là bà đã ở viện dưỡng lão một thời gian khá lâu rồi và bà bị bịnh Alzheimer (bịnh mất trí nhớ ở người lớn tuổi). Khi nói chuyện tôi có hỏi ông cụ là liệu bà cụ có buồn không nếu ông đến trễ một chút. Ông cụ nói bà ấy không còn biết ông là ai nữa và đã 5 năm nay rồi bà không còn nhận ra ông nữa.

Tôi ngạc nhiên quá và hỏi ông cụ, "và Bác vẫn đến ăn sáng với Bác gái mỗi buổi sáng mặc dù Bác gái không còn biết Bác là ai nữa?"

Ông cụ mĩm cười, vỗ nhẹ vào tay tôi rồi nói:

"Bà ấy không còn biết tôi nữa, nhưng tôi vẫn còn biết bà ấy là ai."

Khi ông cụ bước ra khỏi phòng, tôi thầm nghĩ, "Ước gì đời mình có được một tình yêu như thế!"
Tình yêu thật sự không phải là tình yêu thân xác, cũng không phải là tình yêu lãng mạn. Tình yêu thật sự là sự chấp nhận tất cả những gì đang có, đã từng có, và sẽ có hoặc không. Người hạnh phúc nhất không nhất thiết là người có được những điều tốt đẹp nhất, mà là người biết chấp nhận và sống một cách tốt đẹp nhất với những gì mà mình có được. "Cuộc sống không phải là làm sao để chịu đựng cho qua cơn bão, mà là làm sao để biết nhảy múa dưới cơn mưa"

Cổ Học Tinh Hoa - Dung người được báo

 Dung người được báo


Vua Trang Vương nước Sở cho các quan uống rượu. Trời đã tối, đang lúc rượu say, đèn nến bỗng bị gió tắt cả. Trong lúc ấy, có một viên quan thừa cơ kéo áo cung nữ. người cung nữ nắm lấy, giật đứt giải mũ, rồi tâu với vua rằng:

- Có kẻ kéo áo ghẹo thiếp. Thiếp giật được giải mũ. Xin cho thắp đèn ngay để khám xem ai đứt giải mũ thì chính là kẻ ghẹo thiếp...

Vua gạt đi nói:

- Thôi! Không làm gì! Cho người ta uống rượu, để người ta say, quên cả lễ phép, lại nỡ nào vì câu chuyện đàn bà mà làm sỉ nhục người ta!. Rồi lập tức ra lệnh rằng:

- Ai uống rượu với quả nhân(1) hôm nay mà không say đến dứt đứt giải mũ là chưa được vui.

Các quan theo lệnh, đều dứt giải rmũ cả. Nên suốt tiệc hôm ấy được vui vầy ổn thoả.

Hai năm sau, nước Sở đánh nhau với nước Tấn. Đánh luôn năm trận mà trận nào cũng thấy một viên quan võ liều sống, liều chết xông ra trước mà đánh rất hăng, làm cho quân Tấn phải lùi. Vì thế mà quân Sở được. Trang Vương lấy làm lạ cho đòi viên quan ấy hỏi:

- Quả nhân đãi nhà ngươi cũng như mọi người khác, cớ sao nhà ngươi lại hết lòng giúp quả nhân khác người như vậy?

Viên quan thưa rằng:

- Thần rắp tâm muốn đem tính mệnh để hiến nhà vua đã lâu. Mãi đến bây giờ mới gặp dịp báo đền nghĩa xưa, thực là may cho thần lắm... Thần là Tưởng Hùng, chính là người trước bị dứt giải mũ mà nhà vua không nỡ làm tội đấy...

Đào Ngột (Sở Sử)

Lời bàn:

Ông vua không làm tội người công thần ghẹo cung nữ thực là có độ lượng, bao dung được lỗi của người. Người ghẹo cung nữ không quên cái ơn đã chịu, tìm cách để báo đáp, thực là có nghĩa, tỏ được cái bụng trung thành với người gia ơn. Có vua ấy tất có tôi ấy, vua tôi như thế thì nước đời nào mất được.

------------------------------

(1) Quả nhân: tiếng vua tự xưng với thần hạ và lấy ý khiêm tốn là người ít đức. 

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Hối cải thực sự


Ryokan tận hiến cả đời mình để tu học Thiền. Ngày nọ thiền sư nghe là người cháu trai đang tiêu tiền cho một cô ca kỹ. Vì người cháu đã thay thế Ryokan để quản lý tài sản gia đình và gia tài này đang có nguy cơ bị tiêu tán, người nhà phải nhờ Ryoken nhúng tay vào.

Ryokan phải đi một quãng đường rất xa để thăm người cháu thiền sư đã nhiều năm không gặp. Người cháu có vẻ rất vui được gặp lại chú và mời chú ở lại qua đêm.

Cả đêm Ryokan ngồi thiền định. Vào lúc ra đi buổi sáng, thiền sư nói với người cháu: “Chú chắc là già rồi, tay chú run lắm. Cháu có thể giúp chú buộc giây giày của chú được không?”

Người cháu hăng hái giúp. “Cám ơn cháu,” Ryokan kết thúc, “cháu thấy không, người ta mỗi ngày mỗi già và yếu đi. Hãy tự chăm sóc cháu tử tế.” Rồi Ryokan ra đi, chẳng hề nói một lời đến các phàn nàn của người nhà. Nhưng, từ buổi sáng hôm đó, sự hoang phí của người cháu chấm dứt.

Truyện cười trong ngày

 Không có kẻ thù


Giảng xong bài kinh về lòng vị tha, sư thày hỏi, ai trong số các phật tử sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù. Tất cả mọi người đều đưa tay lên trừ một ông lão ngồi bên dưới.

- Chẳng lẽ cụ không thể tha thứ cho kẻ thù của mình ư?

- Tôi không có kẻ thù.

- Thật là đức độ. Thế cụ bao nhiêu tuổi rồi?

- 90 tuổi.

- Cụ hãy cho mọi người biết bí quyết sống đến 90 tuổi, mà không có một kẻ thù nào.

- Ông lão cao giọng nói: Chỉ có một cách là phải tiêu diệt hết lũ chúng nó mà thôi!

Sunday, August 28, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Câu chuyện về người nông dân chăn cừu và anh thợ săn

 Câu chuyện về người nông dân chăn cừu và anh thợ săn


Cuộc sống rất nhiều lúc phải đối mặt với những mâu thuẫn, những sự lựa chọn khó khăn giữa được mất trong đời. Nếu cứ cương quyết tiến lên để giành lấy phần hơn có thể ta sẽ bị mất hơn là được đấy…

Không phải sự chọn lựa nào cũng đơn giản hay dễ chịu, nhất là những chọn lựa trong các mối quan hệ, bạn bè. Đa phần mỗi khi ta cần quyết định nên hay không nên tiến tới một mối quan hệ bạn bè với ai đó, việc đầu tiên ta nghĩ sẽ là “mình được những gì từ mối quan hệ đó?”.
Và tất nhiên như người xưa thường nói, nếu người ta đến với nhau vì điều gì thì trước sau người ta cũng xa nhau vì điều đó. Hãy thử xem câu chuyện dưới đây và cùng chiêm nghiệm về tình bạn cùng những được- mất trong đời nhé!

Một người nông dân và một người thợ săn là hàng xóm của nhau. Người thợ săn nuôi một đàn chó rất dữ tợn và khó bảo, chúng thường nhảy qua hàng rào và rượt đuổi đàn cừu của người nông dân. Người nông dân bảo người hàng xóm rằng hãy trông nom đàn chó cẩn thận, nhưng xem ra những lời nói đó đã bị bỏ ngoài tai.
Một ngày nọ, đàn chó của người thợ săn lại nhảy qua hàng rào, chúng đuổi cắn đàn cừu và làm nhiều con trong đàn bị thương nặng.

Lúc này, người nông dân không thể chịu đựng thêm nữa. Anh ta bèn lên phủ báo quan. Vị quan chăm chú lắng nghe đầu đuôi câu chuyện rồi nói:

“Ta có thể phạt người thợ săn và bắt anh ta xích hoặc nhốt đàn chó lại. Nhưng anh sẽ mất đi một người bạn và có thêm một kẻ thù. Anh muốn điều gì: Một người bạn hay một kẻ thù làm hàng xóm của mình?”

Người nông dân trả lời rằng anh muốn có một người bạn hơn. Vị quan nghe vậy bèn phán:

“Được, vậy ta sẽ chỉ cho anh cách để vừa bảo vệ đàn cừu, vừa giữ được một người bạn”.
Về nhà, người nông dân liền làm theo những gì vị quan đã dạy. Anh ta bắt 3 con cừu khỏe nhất của mình đem tặng cho 3 cậu con trai nhỏ của người hàng xóm. Đám trẻ rất vui, suốt ngày cứ quấn quýt chơi với 3 con cừu.

Để bảo vệ những con vật giờ đây đã trở thành thú cưng mới của lũ trẻ, người thợ săn đã làm một cái cũi để nhốt đàn chó lại. Từ đó trở đi, đàn chó không bao giờ có cơ hội quấy rầy đàn cừu của người nông dân nữa.

Cảm kích trước sự hào phóng của người nông dân với các con của mình, người thợ săn thường mang chiến lợi phẩm anh ta săn được sang cho người nông dân. Người nông dân đáp lại bằng thực phẩm và phô-mai do mình làm ra. Và chỉ trong một thời gian ngắn, 2 người hàng xóm đã trở thành bạn tốt của nhau.

Khi bỏ qua lòng thù hận, người nông dân rõ ràng là được nhiều hơn mất. Anh ta được đàn cừu khỏe mạnh, được sự yêu thương của những đứa trẻ, được một tình bạn láng giềng và những “tối lửa tắt đèn có nhau”.

Nhưng nếu khăng khăng với những kiện tụng ban đầu, hẳn anh sẽ không có được những điều anh đang sở hữu. Điều duy nhất anh ta có lúc đó, chính là lòng thù hận, và sự cô độc. Và chẳng ai muốn điều đó tồn tại trong cuộc đời mình cả. Chắc chắn là như vậy!

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Không Xa Cõi Phật


Một sinh viên đại học đến thăm Gasan và hỏi: "Có bao giờ ngài đọc Thánh kinh không?

"Không, hãy đọc cho ta nghe," Gasan bảo.

Người sinh viên mở cuốn Thánh kinh và đọc một đoạn ở phần Thánh Ma-thi-ơ (Matthew): "Còn về đồ mặc, sao các ngươi lo lắng làm chi? Hãy gẫm xem hoa huệ ngoài đồng lớn lên thế nào: chẳng lao khổ, chẳng kéo chỉ, nhưng ta nói cùng các ngươi, dẫu Sa-lô-môn vinh hiển cả thể, cũng không mặc được bằng một trong những hoa ấy... Vậy nên, chớ lo lắng chi về ngày mai, vì ngày mai sẽ tự lo lắng cho ngày mai."

Gasan bảo: "Ai đã nói được những lời đó, ta cho là kẽ giác ngộ."

Người sinh viên đọc tiếp: "Hãy xin, sẽ cho, hãy tìm, sẽ gặp; hãy gỏ, sẽ mở cho. Vì hai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gỏ thì được mở cho."

Gasan nhận xét: "Thật tuyệt. Ai nói điều ấy không xa cõi Phật là bao."

Lời Dạy Dè Xẻn

Một bác sĩ trẻ ở Ðông kinh tên là Kusuda gặp một người bạn đang học thiền. Anh bác sĩ trẻ hỏi thiền là gì.

"Tôi không thể nói được," người bạn trả lời, "nhưng có một điều chắc chắn là nếu anh ngộ được thiền thì anh không còn sợ chết nữa."

"Ðược," Kusuda nói. "Tôi sẽ thử xem. Vậy tìm thiền sư ở đâu?"

"Ðến thầy Nan-in," người bạn bảo.

Thế là Kusuda tìm đến Nan-in, mang theo con dao bén để xem thiền sư có thực không sợ chết.

Khi Nan-in trông thấy Kusuda, ngài lên tiếng: "Chào ông bạn. Khỏe không? Chúng ta đã lâu không gặp!"

Kusuda sửng sốt, bảo: "Chúng ta không từng biết nhau mà."

"Ồ! đúng thế," Nan-in trả lời "Tôi nhầm ông với một vị bác sĩ khác thường đến đây học thiền." Với sự khởi đầu như vậy, Kusuda mất cơ hội thử thách vị thiền sư, anh ngập ngừng hỏi xem nếu anh ta có thể học thiền được không?

Nan-in bảo "Thiền chẳng khó. Nếu ông là thầy thuốc, hãy chửa trị bệnh nhân với từ tâm. Ðó là Thiền.

Kusuda trở lại viếng Nan-in ba lần và mỗi lần đều được dạy cùng một câu. "Một người thầy thuốc chớ nên phí thì giờ ở đây. Hãy trở về chăm sóc bệnh nhân.ẽ

Kusuda vẫn chưa hiểu tại sao lối dạy như vậy có thể giúp cho người học đạo không sợ chết. Ðến lần thứ tư anh phàn nàn: "Bạn tôi bảo tôi rằng khi học thiền người ta không còn sợ chết nữa. Mỗi lần tôi đến đây ngài đều bảo tôi phải về chăm sóc bệnh nhân. Việc đó thì tôi rành lắm rồi. Nếu thiền chỉ có vậy thì tôi sẽ không đến thăm ngài nữa."

Nan-in mĩm cười và vỗ vai người bác sĩ. "Tôi đã quá khắc khe với ông. Ðể tôi cho ông một công án."

Ngài dạy Kusuda quán tưởng về KHÔNG của Joshu (Triệu Châu), bài đốn ngộ đầu tiên trong cuốn Vô Môn Quan.

Hai năm liền, Kusuda quán tưởng đến công án KHÔNG. Khá lâu anh tưởng chừng đãõ ngộ được chân tâm, nhưng thiền sư vẫn bảo: "Ông chưa đạt đến.ẽ

Kusuda tiếp tục quán chiếu thêm một năm rưỡi nữa. Tâm bắt đầu định. Các vấn nạn được giải tỏa. KHÔNG trở thành chân lý. Anh ta chăm sóc bệnh nhân tốt hơn, mà chính anh cũng chẳng hề biết đến, anh đã không còn bận tâm đến sự sống và chết nữa. Từ đó mỗi khi anh đến thăm Nan-in, vị sư già chỉ mĩm cười.  

Cổ Học Tinh Hoa - Rửa tai

 Rửa tai


Có cả thiên hạ mà cố nhường cho người là lạ. Người nhường thiên hạ cho, mà không nhận cũng là lạ. Nghe thấy câu chuyện nhường thiên hạ cho là chuyện bẩn, phải đi rửa tai lại lạ hơn. Không để cho trâu uống cái nước đã rửa tai ấy, sợ bẩn miệng trâu lại càng lạ nữa.

Đời thượng cổ có ông Hứa Do(1) là một người sống ẩn dật ở trong chằm Bái Trạch(2).

Vua Nghiêu nghe tiếng là người giỏi, mời ra xin nhường cả thiên hạ. Hứa Do từ chối, lui về ẩn tại núi Trung Nhạc phía Nam sông Dĩnh Thuỷ.

Sau, vua Nghiêu lại tìm đến, cố mời Hứa Do ra làm tổng trưởng cả chín châu(3). Hứa Do thấy vậy, không muốn nghe chuyện nữa, ra bờ sông Dĩnh Thuỷ rửa tai. Ngay lúc bấy giờ, Sào Phủ(4) đang dắt trâu xuống bờ sông, gặp Hứa Do hỏi:

-          Vì việc gì mà bác phải rửa tai như vậy?

Hứa Do thuật chuyện, Sào Phủ liền gò cổ trâu lại mà nói rằng:

-          Ta toan cho trâu uống nước đây, lại e bẩn cả miệng trâu.

Nói đến đoạn dắt trâu lên quãng sông trên cho trâu uống nước.

Cao Sĩ Truyện(5)

Lời bàn:

 Có cả thiên hạ mà cố nhường cho người là lạ. Người nhường thiên hạ cho, mà không nhận cũng là lạ. Nghe thấy câu chuyện nhường thiên hạ cho là chuyện bẩn, phải đi rửa tai lại lạ hơn. Không để cho trâu uống cái nước đã rửa tai ấy, sợ bẩn miệng trâu lại càng lạ nữa.

Ôi! đọc bài này, tưởng như Hứa Do với Sài Phủ là hai người, nếu chẳng ngông cuồng, thì cũng gàn dở. Nhưng vì Hứa do và Sào Phủ hiểu thấu danh lợi nó hãm hại người ta dễ làm cho mất hết liêm sỉ, cho nên hai ông không muốn để cái làm vui sướng, thì cũng là những bậc cao sĩ thờ một cái chủ nghĩa cao quý vậy. Chả bù cho những phường tham danh, trục lợi thường say mê danh lợi, thậm chí đến chết vẫn chưa tỉnh cho!

 ----------------------------------

(1) Hứa Do: bậc cao sĩ đời thượng cổ

(2) Bái Trạch: chỗ có cây mọc tùm lum gọi là bái, chỗ nước đọng nhiều gọi là trạch

(3) Chín châu: đời thượng cổ nước Tàu chia ra làm chín khu để cai trị (Duyên, Ký, Thanh, Từ, Dự, Kinh, Dương, Ung, Lương)

(4) Sào Phủ: bậc cao sĩ đời thượng cổ, không ưa thế lợi, ẩn ở trong núi, lấy cây làm tổ nằm ở trên cho nên gọi là Sào Phủ (sào nghĩa là tổ)

(5) Cao Sĩ Truyện: sách của Hoàng Phủ Mật đời nhà Tấn soạn kể chuyện những bậc cao sĩ ẩn dật đời xưa bên Tàu.

-------------------------------
Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống
KHÔNG GÌ HIỆN HỮU 


Yamaoka Tesshu, khi còn là một thiền sinh trẻ, đi thăm viếng hết thiền sư này đến thiền sư nọ. Ông đến thăm Dokuon ở Shokoku.

Muốn tỏ lộ sự chứng ngộ của mình, ông nói: "Tâm, Phật, và chúng sinh, tất cả, không hề hiện hữu. Bản chất thực sự của mọi hiện tướng là không. Không có thực chứng, không có si mê, không có hiền triết, không có phàm tục. Không có ban phát và không có gì để thụ nhận."

Dokuon, đang yên lặng hút thuốc, không nói gì. Bỗng nhiên ông đập mạnh vào Yamaoka bằng cái ống điếu trúc của ông. Chuyện đó làm cho chàng trẻ tuổi rất giận dữ.

"Nếu không có gì hiện hữu," Dokuon hỏi, "vậy cơn giận này từ đâu đến?"

Truyện cười trong ngày

 Chó treo mèo đậy


- Mợ: Con ở nhà trông mâm cơm. Nhớ là chó treo mèo đậy đấy. Mợ phải đi đàng này một lát.
Một lát sau…
- Mợ: Thế nào xong chưa con?
- Quỷnh: Dạ xong rồi ạ! Mợ bảo chó treo mèo đậy nên con treo con chó và con đậy mèo mẹ ạ!

Saturday, August 27, 2022

Suy Niệm Trong Ngày


 

Truyện ngắn - Ba người thầy

 Ba người thầy


Hasan, một nhà hiền triết Hồi giáo sắp qua đời, có người hỏi ông: “Thưa Hasan, ai là thầy của ngài?” Hasan đáp: “Những người thầy của ta nhiều vô kể. Nếu điểm lại tên tuổi của các vị ấy hẳn sẽ mất hàng tháng, hàng năm, và như thế lại quá trễ vì thời gian của ta còn rất ít. Nhưng ta có thể kể về ba người thầy đặc biệt của ta.
Người đầu tiên là một tên trộm. Có một lần ta đi lạc trong sa mạc, khi ta tìm đến được một khu làng thì trời đã rất khuya, mọi nhà đều đi ngủ cả. Nhưng cuối cùng ta cũng tìm thấy một người, ông ta đang khoét vách một căn nhà trong làng. Ta hỏi ông ta xem có thể tá túc ở đâu, ông ta trả lời: “Khuya thế này thật khó tìm chỗ nghỉ chân, ông có thể đến ở chỗ tôi nếu ông không ngại ở chung với tên trộm”.

Người đàn ông ấy thật tuyệt vời. Ta đã nán lại đấy hẳn một tháng! Cứ mỗi đêm ông ta lại bảo: “Tôi đi làm đây. Ông ở nhà và cầu nguyện cho tôi nhé!”. Mỗi khi ông ta trở về ta đều hỏi: “Có trộm được gì không?”, và ông ta đều đáp: “Hôm nay thì chưa, nhưng ngày mai tôi sẽ cố, có thể lắm chứ”. Ta chưa bao giờ thấy ông ta trong tình trạng tuyệt vọng, ông ta luôn hạnh phúc.

Có lần ta đã suy ngẫm và trầm ngâm trong nhiều năm để rồi không ngộ ra được một chân lý nào. Ta đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng, đến nỗi ta nghĩ mình phải chấm dứt tất cả những điều vô nghĩa này. Ngay sau đấy ta chợt nhớ đến tên trộm, kẻ hàng đêm vẫn quả quyết: “Ngày mai tôi sẽ làm được, có thể lắm chứ!”

Người thầy thông thái thứ hai là một con chó. Khi ta ra bờ sông uống nước, có một con chó xuất hiện. Nó cũng khát nước. Nhưng khi nhìn xuống dòng sông, nó thấy cái bóng của mình nhưng lại tưởng là một con chó khác. Hoảng sợ, nó tru lên và bỏ chạy. Nhưng rồi khát quá nó bèn quay trở lại. Cuối cùng, mặc nỗi sợ hãi trong lòng, nó nhảy xuống sông và cái bóng biến mất. Ta hiểu đây là một thông điệp đã được gởi đến cho ta: con người phải biết chiến thắng nỗi sợ hãi trong lòng bằng hành động.
Người thầy cuối cùng là một đứa bé. Ta đến một thành phố nọ và thấy một đứa bé trên tay cầm một cây nến đang cháy đặt trong đền thờ. Ta hỏi đứa bé: “Con tự thắp sáng cây nến này phải không?”. Đứa bé đáp: “Thưa phải”. Đoạn ta hỏi: “Lúc nãy nến chưa được thắp, nhưng chỉ một thoáng sau đã cháy sáng. Vậy con có biết ánh sáng từ đâu đến không?” Đứa bé cười to, thổi phụt ngọn nến và nói: “Ngài thấy đấy ánh sáng đã biến mất, vậy ngài bảo ánh sáng đã đi đâu?”

Cái tôi ngạo nghễ của ta hoàn toàn sụp đổ, pho kiến thức kim cổ của ta cũng sụp đổ theo. Lúc ấy ta nghiệm ra sự dốt nát của bản thân. Và từ đó ta “ném” đi tất cả những tự hào về kiến thức của mình.

Có thể nói ta không có một ai là thầy, nhưng điều này không có nghĩa ta không phải là một học trò. Ta xem vạn vật là thầy. Tinh thần học hỏi của ta luôn rộng mở. Ta học hỏi từ tất cả mọi vật, từ cành cây ngọn cỏ đến đám mây trên trời kia. Ta không có một người thầy vì ta có hàng triệu triệu người thầy mà ta đã học được mỗi khi có thể. Điều thiết yếu trong cuộc sống là luôn làm một học trò. Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là có khả năng học hỏi, luôn sẵn sàng học để biết chấp nhận ý nghĩa của vạn vật. Người thầy là người thông qua đó ta bắt đầu học cách học hỏi.

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 BÀI HỌC TỪ RYOKAN.


Một vị thiền sư tên là Ryokan. Một ngày nọ, Ryokan nghe gia đình ông phàn nàn rằng người cháu của ông đã sài phí tiền một cách phung phí. Ryokan đến thăm người chúa của ông, người mà ông đã nhiều năm rồi không thấy.

Người cháu của ông mời ông ở lại nghỉ một đêm. Suốt đêm dài Ryokan ngồi thiền định. Ngày hôm sau trong lúc ông sửa soạn rời, ông yêu cầu người cháu, "Ta đã chắc hẳn là trở lên già, tay của ta run rảy như vậy. Con giúp ta thắt sợi giây của đôi dép bằng rơm của ta không?

Người cháu đã giúp ông ta.

Ryokan đáp lại, "Cám ơn cháu. Ngày lại ngày con người già đi và yếu đuối đi. Hãy săn sóc tốt cho bản thân của cháu."

Rồi Ryokan cáo biệt, không đề cập một lời về sự phung phí hay sự phàn nàn của gia đình. Nhưng từ ngày đó, người cháu của ông thực sự cải thiện, và ngừng không sài tiền phung phí và ngừng chơi bời lãng phí cuộc sống của hắn.

Cổ Học Tinh Hoa - Cổ Học Tinh Hoa

 Không quên cái cũ


Đức Khổng Tử ra chơi ngoài đồng, thấy một người đàn bà đứng khóc nỉ non ở chỗ bờ đầm. Đức Khổng Tử lấy làm lạ, bảo học trò hỏi vì cớ gì mà khóc.

Người đàn bà nói: "Độ trước tôi cắt cỏ thi, tôi đánh mất cái trâm cài đầu bằng cỏ thi, cho nên tôi khóc."

- Đức Khổng Tử hỏi: Đi cắt cỏ thi, mà mất cái trâm bằng cỏ, thì việc gì mà phải khóc?

- Người đàn bà nói: Không phải vì tôi đánh mất cái trâm cỏ thi mà tôi khóc; tôi sở dĩ khóc, là tôi thương tiếc một vật cũ, dùng đã lâu, mà ngày nay không sao thấy được nữa.

Lời Bàn:

- Cái gì đã là của mình, mình có bụng yêu, mà lỡ khi mất, thì về sau dù có được cái khác giống như thế, hay hơn thế, mình cũng không thể sao yêu cho bằng. Thường, lại chỉ vì thấy cái mới mà hồi nhớ đến cái cũ, sinh ra chạnh lòng, nên câu ta thán, có khi ngậm ngùi thương khóc nỉ non. Tại sao vậy? Tại đối với mình, cái của mất không chỉ có giá của mà thôi, lại hình như còn có một phần tâm hồn mình hay tâm hồn người để lại cho mình ngụ ở trong nữa. Sự cảm động đầu tiên bao giờ cũng là sự cảm động hay nhất, bền nhất. Ôi! Cáo chết ba năm quay đầu về núi, con người ta, dù cho lông bông xiêu bạt đến thế nào, còn có chút tâm tình cũng không sao quên được gốc tích xứ sở mình. "Hồ mã tê bắc phong, Việt điểu sào nam chi". Con ngựa rợ Hồ (phía bắc nước Tàu) thấy gió bắc còn cất tiếng kêu, con chim đất Việt (phía nam nước Tàu) chọn cành nam mới chịu làm tổ, huống chi là người mà lại quên được nguồn gốc ư.

Chú thích:

Khổng Tử Tập Ngữ: sách chép những lời nói, những truyện về đức Khổng Tử. - Khổng Tử tên là Khưu, tên tự là Trọng Ni, người nước Lỗ, thời Xuân Thu nhà Chu, học về Lễ, Nhạc, Văn chương đời cỗ, đi nhiều nước chư hầu không được dụng bỏ về làm kinh Xuân Thu, san định các kinh Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc và dạy học trò được ba nghìn người, có bảy mươi hai người giỏi. Nước Tàu xưng làm Tổ đạo Nho.

Truyện cười trong ngày

 Ai sợ vợ nhất?


Sư cụ ngồi đàm đạo với mấy người khách, có người hỏi:

- Trong đám ta đây ai là người sợ vợ nhất?

Chưa ai dám đáp thì sư cụ đã nhận ngay:

- Kể sợ thì tôi đây sợ nhất!

Mọi người lấy làm lạ mới hỏi:

- Sư cụ có vợ đâu mà sợ?

- Tôi sợ đến nỗi không dám lấy vợ.