Friday, June 30, 2023

Suy Niệm Trong Ngày


 

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Trung Gian


Một khách hành hương hỏi một đệ tử:
- Tại sao bạn cần tới Minh Sư?
Đệ tử trả lời:
- Để được sưởi ấm như nước cần tới một cái ấm để làm trung gian giữa nó với lửa.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Trong nghĩa khinh tài

 TRỌNG NGHĨA KHINH TÀI


Ông Phạm Trọng Yêm, người nhà Tống, làm quan đến Tể tướng mà vẫn nghèo suốt đời. Tính ông trọng nghĩa, khinh tài, thích làm việc bố thí nhất là đối với người trong họ, lại càng hận lắm. Ông để dành lương bổng, mua được một thửa đất làm nghĩa trang để cứu người nghèo trong họ. Phàm việc tang tóc, cưới xin của chúng, ông đều lo liệu giúp đỡ cho hết.

Con ông là Thuần Nhân, đức tính cũng như ông. Lúc ông làm quan ở Khai phong, để dành được năm trăm thùng thóc, sai Thuần Nhân đem về quê. Thuần Nhân đi đến Đan Dương, gặp người bạn cũ của cha là Trạch Man Khanh, nhà đã cùng quẫn, chẳng may lại gặp ba cái tang một lúc. Thuần Nhân giúp cho cả năm trăm thùng thóc. Hai con gái Man Khanh nhớn tuổi mà chưa gả bán gây dựng, không chỗ nương dựa. Thuần Nhân cho nốt cả cái thuyền.

Đến lúc về nhà, cha hỏi:   - Con đi có gặp ai không?

- Thuần Nhân thưa: Con đến Đan Dương có gặp Thạch Man Khanh nhà nghèo khổ, lại một lúc liền ba cái tang, hai con gái nhớn không có gì để gây dựng, con có thiện tiện cho cả năm trăm thùng thóc mà còn chưa đủ.

- Ông bảo: Thế sao con không cho nốt cả cái thuyền.

- Thuần Nhân thưa: Con cũng đã cho cả cái thuyền rồi.

Ông khen phải. Rồi nói: Có như thế mới đáng là con ta.

PHẠM TRỌNG YÊM TRUYỆN

GIẢI NGHĨA

- Phạm Trọng Yêm: bực danh thần đời nhà Tống, có chí to, gánh vác việc đời, lo thì trước khi thiên hạ lo, vui thi sau khi thiên hạ vui.

- Trọng nghĩa: lấy điều phải làm trọng mà hết sức làm.

- Khinh tài: cho của cải là thường không để cho của lấn được nghĩa.

- Bố thí: đem của của mình ra cứu giúp cho kẻ khổ sở.

- Nghĩa trang: khu ruộng đặt ra để lấy hoa lợi giúp cho những người nghèo trong họ.

- Thiện tiện: tự ý cứ làm không hỏi, không xin phép ai cả.

LỜI BÀN

- Làm quan đến bực tể tướng mà nhà vẫn nghèo, thế là thanh liêm đáng khen. Để dành được đồng nào, lại đem bố thí cho kẻ nghèo khổ, thế là nhân đức đáng khen hơn nữa.

- Có năm trăm hộc thóc cho cả, thế là thương người đáng khen. Còn chiếc thuyền mình đi cũng cho nốt, thế là quên mình đáng khen hơn nữa.

- Rõ ràng cha nào, con ấy, hai cha con ông Phạm Trọng Yêm thật là có lòng nhân ái, hiểu thấu cái nghĩa cứu kẻ khốn cùng, giúp người tai nạn là việc vui lòng nhất ở đời.

Thursday, June 29, 2023

Suy Niệm Trong Ngày


 

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Mù Quáng


- Con có thể trở thành đệ tử của thầy không?
- Anh chỉ là một học trò vì cặp mắt anh đang đóng lại. Ngày nào anh mở được đôi mắt, anh sẽ thấy không có gì để học hỏi với thầy hay với bất cứ ai.
- Như vậy Minh Sư để làm gì?
- Để cho anh thấy rằng không cần phải có Minh Sư.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Người vợ hiền minh

 NGƯỜI VỢ HIỀN MINH


Vợ Nhạc Dương Tử là một bực hiền minh. Dương Tử một hôm đi đường, bắt được lọ vàng người ta đánh rơi, mừng rỡ đem về đưa cho vợ.

Vợ nói: Thiếp trộm nghe người chí sĩ không uống nước "Đạo toàn", người liêm khiết không nhận của ăn “Ta lai”. Chàng nay nhặt của rơi đường đem về cầu lợi, để ô uế phẩm hạnh, thử nghĩ có nên không?

Dương Tử nghe nói, thẹn quá, liền đem lọ vàng bắt được bỏ ra ngoài đồng. Rồi đi xa, tìm thầy để học.

Đi học mới được một năm, Dương Tử về chơi nhà. Vợ quì xuống trước mặt, hỏi rằng:

- Chàng có việc gì mà về nhà?

- Dương Tử nói:

Ta đi lâu nhớ nhà thì về, chẳng có việc gì cả.

Vợ cầm con dao đến chỗ khung cửi nói rằng:

- Lụa đang dệt đây là phải làm tự lúc nuôi tằm, ươm tơ cho đến lúc mắc lên được khung cửi. Nếu đánh đứt một sợi mà đứt mãi, thì đứt đến hàng tấc, đứt hàng tấc mà đứt mãi, thì đứt đến hàng thước, hàng trượng, hàng cả tấm. Nên bây giờ mà thiếp chặt đoạn đang dệt đây, thì bao nhiêu công phu ngày giờ từ trước đến nay đều mất hết cả. Chàng đi học là để trở lên một bực người giỏi, nếu đang học mà bỏ về, thì khác gì tấm lụa đang dệt đây mà chặt đi vậy.

Dương Tử thây nói, cảm động lắm, đi học luôn bảy năm đến tốt nghiệp mời về.

Vợ ở nhà chăm chỉ làm ăn trong bấy nhiêu năm, vừa nuôi nấng mẹ chồng, vừa nuôi cho chồng ăn học.

Nhạc Dương Tử nhờ có người vợ hiền như thế mà sau được quí hiển.

"HẬU HÁN THƯ

NHẠC DƯƠNG TỬ TRUYỆN"

GIẢI NGHĨA

- Hiền minh: có tài, có nết sáng suốt công việc.

- Chí sĩ: người có khí tiết.

- Đạo toàn: tên một cái suối ở huyện Tứ Thuỷ, tỉnh Sơn Đông. Đạo toàn nghĩa đen là cái suối ăn trộm, tên nghe đáng ghét, cho nên khát cũng không muốn uống nước ấy.

- Ta lai: thương rằng cùng khổ đói khát mà gọi lại cho ăn, và có ý khinh bĩ.

- Ô uế: nhem nhuốc bẩn thỉu.

- Tốt nghiệp: làm xong một nghề nghiệp gì.

- Quí hiển: sang trọng vẻ vang.

LỜI BÀN

Cứ theo nhẽ thường, cái gì nên làm thế nào, thì người đàn ông đáng phải biết tự chủ chương lấy, không cần đợi người đàn bà giáo hoá rồi mới chịu cải tâm, cải tính. Tuy vậy lắm khi phải có sự thích khích mềm mại ở ngoài vào, thì mới dễ khiến người ta phấn chấn lên mà cố sức làm cho nên việc.

Như vợ Dương Tử đây thật là khéo biết dạy chồng làm cho chồng thành ra được người có khí lại có chí và sau quý hiển được. Đúng với những câu tục ngữ cổ “Khôn vì vợ“, “Sang vì vợ” lắm.


Wednesday, June 28, 2023

Suy Niệm Trong Ngày


 

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Làm Đệ Tử


Một khách hành hương muốn trở thành đệ tử. Minh Sư nói với ông:
- Bạn có thể sống với tôi, nhưng bạn đừng trở thành người theo tôi.
- Như vậy, con sẽ theo ai?
- Không theo ai hết. Ngày nào bạn theo một ai đó thì bạn hết theo Chân Lý.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Tu tại gia

 TU TẠI GIA


Dương Phủ, lúc nhỏ nhà nghèo, nhưng hết sức cày cấy để phụng dưỡng song thân.

Một hôm, ông nghe bên đất Thục có ông Vô Tế đại sĩ, ông bèn nói với song thân xin từ biệt ít lâu về đến hầu bực Vô Tế.

Đi được nửa đường, ông gặp một vị lão tăng bảo ông rằng:

Được gặp bực Vô Tế chẳng bằng được gặp Phật.

- Ông hỏi: Phật ở đâu?

- Lão Tăng nói: Nhà ngươi cứ quay giở về gặp người nào mặc cái áo sắc như thế này, đi đôi dép kiểu như thế này, thì chính là Phật đấy.

Dương Phủ nghe nhời quay về, đi đường chẳng gặp ai như thế cả. Khi ông tới nhà, đêm khuya giời tôi, ông gõ cửa, mẹ ông nghe tiếng mừng quá, tức thì vội vàng khoác chăn, đi dép ngược ra, mở cửa cho ông. Bấy giờ ông trông ra, thì y như hình dáng Phật, lão tăng đã nói chuyện cho nghe.

Từ đấy, ông biết cha mẹ trong nhà tức là Phật, chẳng phải cầu kỳ đi mộ Phật đâu xa nữa.

LÝ NGUYÊN ĐƯƠNG

GIẢI NGHĨA

- Dương Phủ: người đời nhà Minh đỗ tiến sĩ làm ngự sử có tiếng là một ông quan thanh và liêm.

- Phụng dưỡng: hết lòng kính mến hầu nuôi cha mẹ.

- Song thân: Hai đứng thân, hai cha mẹ.

- Thục: tên đất ở vào tỉnh Tứ Xuyên bây giờ.

- Vô Tế đại sĩ: một nhà tu hành đắc đạo vô cùng.

- Từ biệt: từ giã xin đi xa vắng mặt.

- Lão tăng: người tu đạo Phật đã nhiều tuổi.

- Cầu kỳ: tìm một cách cao xa khác thường để làm cho lạ mắt, lạ tai thiên hạ.

LỜI BÀN

Bài này cốt dạy ta về chữ ‘Hiếu' ví cha mẹ như Phật, con phải phụng thờ cha mẹ như phụng thờ Phật vậy. Phật là một vì sáng lập nên được một tôn giáo, thiên hạ thành kính thờ phụng rất phải. Nhưng cha mẹ là người sinh thành ra thân mình, thì há mình lại không nên thờ phụng cho thành kính hay sao! Phật xa, cha mẹ gần, con cái hãy nên một niềm thành kính mà thờ phụng lấy mẹ cha trước.

Thứ nhất thì tu tại gia,

Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa

Tu đâu bằng tu tại gia,

Thờ cha, kính mẹ, mới là chân tu.

Nghĩa những câu phong dao cổ ấy thực là đúng với nghĩa trong bài này.


Tuesday, June 27, 2023

Suy Niệm Trong Ngày


 

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Triết Lý


Trước khi xin làm đệ tử, vị khách muốn Minh Sư giúp mình một vài điều để được yên lòng.
- Thầy có thể dạy con về mục đích của sự sống?
- Thầy không thể.
- Hay ít ra, thầy có thể dạy con về ý nghĩa cuộc đời chứ?
- Thầy không thể.
- Thầy có thể cắt nghĩa cho con bản chất sự chết và sự sống ở đời sau không?
- Thầy không thể.
Vị khách ra về, thất vọng và không hài lòng.
Đệ tử chán nản vì Minh Sư đã để lộ sự kém cỏi của mình.
Bằng một giọng dịu dàng, Minh-Sư giải thích như sau:
- Tìm hiểu bản chất và ý nghĩa cuộc sống để làm gì, nếu các con không bao giờ biết nhận và hưởng cuộc sống? Thầy mong muốn các con nên thưởng thức mẩu bánh của mình hơn là nói dông nói dài về cái bánh ấy.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Mẹ khôn, con giỏi

 MẸ KHÔN, CON GIỎI


Vương Lăng, người đất Bái, là người hào trưởng trong chuyện.

Cao Tổ nhà Hán, lúc còn hàn vi, quí Vương Lăng như anh. Khi Cao Tổ khởi bình đáp dẹp, Vương Lăng có vài nghìn quân, đem đi phụ theo Cao Tổ.

Hạng Vũ thấy thế, bắt mẹ Vương Lăng giam ở trong quân. Sứ giả của Lăng đến, Hạng Vũ bách mẹ Lăng phải dụ Lăng về với mình.

Bà mẹ Lăng, lúc tiễn sứ giả ra một mình, khóc mà bảo rằng:

Ngươi nên vì thiếp già này nhắn bảo hộ Lăng một câu: "Cứ hết lòng mà theo thời Hán Vương, chớ vì có thiếp già đây mà sinh ra nhị tâm nhé".

Nói đoạn, bà cầm gươm tự đâm chết cốt ý để khuyến khích Vương Lãng giữ cho bền lòng.

“HÁN SỬ”

GlẢI NGHĨA

- Hào trưởng: người tài giỏi hơn người mà làm đản anh cả một nơi nào.

- Cao tổ: tức là Bái Công, vua đầu nhà Tây Hán, phá nhà Tần, giết nhà Sở mà có thiên hạ.

- Hàn vi: lúc hèn hạ chưa có thế lực.

- Phụ: sáp vào, theo vào.

- Hạng Vũ: tức là Hạng Tịch khoẻ mạnh và tài khí hơn người, tranh thiên hạ với Bái Công, sau thua chết ở Cai Hạ.

- Sứ giả: kẻ người ta sai đi để thay mặt nói hay làm việc gì.

- Bách: bắt phải.

- Dụ: khuyên bảo dỗ dành.

- Hán Vương: vua đất Hán, tức là Hán Cao Tổ.

- Nhị tâm: không thật lòng, đi với người này mà lòng vẫn còn nghĩ đến người kia.

LỜI BÀN

Đang lúc thiên hạ loạn lạc, quần hùng nổi lên, dù người có mắt tinh đời cũng chưa dễ đoán được sau này ai là vua, ai là giặc.

Như Bái Công và Hạng Vũ đây, đôi bên bấy giờ đang tranh đấu. Bái Công cứ thua luôn, Hạng Vũ cứ được luôn, lại càng khó biết sự thống nhất về tay ai hơn nữa. Thế mà khen thay, bà mẹ Vương Lăng biết con qui phục Bái Công là phải, trước thì liều thân để khuyên con, sau thì thí thân để vững lòng con, thực là một bực đàn bà khôn ngoan, sáng suốt hiếm có vậy. Cho nên người đời trước có câu khen rằng: “Mẫu hề hà trí, tử hề hà trung, nhất môn mẫu tử, vạn cổ anh phong” nghĩa là mẹ sao mà khôn như thế, con sao mà trung như thế, một nhà mẹ con tiếng thơm muôn đời, thật là đáng vậy.

Monday, June 26, 2023

Suy Niệm Trong Ngày


 

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Chuyển Hóa


Một đệ tử không ngừng than phiền mọi người chung quanh.
Minh Sư bảo:
- Nếu con muốn được yên tĩnh, con phải thay đổi chính con chứ không phải người khác, vì rất dễ tự bảo vệ đôi chân bằng đôi giày ngủ hơn trùm tấm thảm lên toàn thể mặt đất.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Nghĩa công nặng hơn tình riêng

 NGHĨA CÔNG NẶNG HƠN TÌNH RIÊNG


Quân nước Tề sang đánh nước Lỗ. Khi đến chỗ giáp giới, trông thấy người đàn bà một tay bồng một đứa bé, một tay dắt đứa nữa. Người đàn bà thấy quân kéo tới, vội vàng bỏ đứa bé đang bồng trên tay xuống mà bồng đứa bé đang dắt, rồi chạy trốn vào trong núi. Đứa bé kia chạy theo khóc, người đàn bà cứ đi, không ngoảnh lại.

Một viên tướng nước Tề cho bắt đến hỏi:

Đứa trẻ nàng bế chạy là con ai? còn đứa trẻ nàng bỏ liều lại là con ai?

- Người đàn bà thưa: Đứa tôi bế là con anh cả tôi; đứa tôi bỏ lại là con tôi. Tôi thấy quân lính kéo đến, sức tôi không thể bảo toàn được cả hai đứa, cho nên tôi đành phải bỏ con tôi lại.

Viên tướng nước Tề nói: Con với mẹ kể tình thân yêu thì đau xót lắm. Nay bỏ con mình lại mà chạy lấy con anh là cớ làm sao?

- Người đàn bà nói: Con tôi là "tình riêng” con anh tôi là "nghĩa công". Con đẻ tuy đau xót thật, nhưng đối với việc nghĩa thì tính làm sao. Cho nên tôi đành bỏ liều con tôi mà làm việc “nghĩa. Tôi không thể nào chịu tiếng “vô nghĩa" mà vác mặt sống ở nước tôi được.

Viên tướng nước Tề dừng quân lại, sai người tâu vói vua Tề rằng:

"Nước Lỗ chưa thể đánh được. Quân ta mới đến chỗ cương giới, đã thấy con mụ đàn bà xó rừng còn biết làm điều "Nghĩa" chẳng chịu đem "Tình riêng" mà hại "Nghĩa công" huống chi là những bực quan lại, sĩ phu ở trong nước. Xin kéo quân về".

Vua cho là phải.

Sạu vua Lỗ biết chuyện này, thưởng người đàn bà một trăm tấm lụa và phong cho hai chữ “Nghĩa cô”

"LƯU HƯƠNG LIỆT NỮ TRUYỆN"

GIẢI NGHĨA

- Tề: một nước thời Xuân Thu ở vào hạt tỉnh Sơn Đông bây giờ.

- Lỗ: tên một nước thời Xuân Thu ở vào phủ Duyện Châu cho đến Bì Tứ tỉnh Sơn Đông.

- Giáp giới: chỗ hai xứ, hai nước giáp nhau.

- Bảo toàn: giữ cho trọn vẹn.

- Nghĩa công: việc lành, việc phải mà đối với cả mọi người ta nên làm hay phải làm.

- Tình riêng: lòng thật thương yêu quí mến để xử riêng với một người nào.

- Nghĩa cô: người đàn bà có nghĩa.

LỜI BÀN

Tình với nghĩa cùng là quí, không quyết hẳn được bên nào nặng hơn bên nào. Cho nên ta phải cân nhắc cho cẩn thận: tình nặng hơn nghĩa, thì ta giữ tình: nghĩa nặng hơn tình, thì ta trọng nghĩa.

Như người đàn bà nói trong truyện đây là so cái “tình riêng” đối với "nghĩa công", thì không còn phải do dự gì nữa. Thế nào là tình riêng? - Là cái lòng yêu riêng của một mình mình. - Thế nào là nghĩa công? - Là cái việc phải đối với nhà, với nước, với thiên hạ. Tình riêng cứ kể cũng là nặng, nhưng so với nghĩa công thì nghĩa công còn nặng gấp mấy người. Nghĩa công đã nặng, thì đến cái thân là của yêu nhất của mình ở đời mình còn có thể bỏ đi để mà giữ nghĩa, huống chi là những việc ngoại thân. Người đàn bà đây hiểu thấu nhẽ ấy, nên mới đành bỏ con yêu của mình để giữ lấy con yêu của anh. Khi mình giữ được con cho anh, thế là giữ được nòi giống để nối dõi ông cha nhà chồng, mà thân mình còn sống, thì lo gì không con, nên cố giữ toàn cái nghĩa đối với anh rứt là phải. Đành đem nghĩa để cắt tình, chẳng nệ vì tình mà hãm hại nghĩa, ăn ở như vậy, thật là một cách biết xử cảnh biến ai cũng phải phục, phải khen vậy.

Sunday, June 25, 2023

Suy Niệm Trong Ngày


 

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Mơ Mộng


- Chừng nào con tỉnh thức?
Minh Sư trả lời:
- Khi con thấy được.
- Thấy được gì?
- Thấy cây cối, bông hoa và trăng sao.
- Nhưng con thấy những thứ nầy mỗi ngày.
- Không, những gì con thấy thực sự chỉ là mảnh giấy lộn, vì con không sống trong thực tại mà sống trong lời nói và tư tưởng của con.
Cẩn trọng, Minh Sư dịu dàng nói thêm:
- Khổ nỗi, con sống như mảnh giấy lộn và sẽ chết như mảnh giấy lộn thôi.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Vì nghĩa nên tình

 VÌ NGHĨA NÊN TÌNH


Một người thiếu nữ họ Trương ở nhà chồng tại Tô thành về nhà thăm cha mẹ đẻ. Có tên thị tì, mang hộp đồ nữ trang theo hầu, chẳng may giữa đường đánh rơi, lâu lâu mới biết, giở lại tìm, thì thấy có người ăn mày đang ngồi giữ hộp ấy. Tên thị tì hoảng hốt nói, thì người ăn mày liền trao giả và nói rằng:

- Tôi đã cùng khổ đến thế này mà lại còn cuỗm thêm những của vô cố, thì mong khá sao được.

Tên thị tì mùng lắm, lây một chiếc thoa ra tạ. Người ăn mày cười và nói:

- Bao nhiêu của chẳng lấy, lại lấy một chiếc thoa ư!

- Tên thị tì nói: Tôi mà đánh mất cái hộp đồ nữ trang này, thì đến chết mất. May mà người được, người giả lại cho, thế là người cho tôi của, lại cứu cho tôi sống vậy. Dù người không mong báo, tôi cũng không dám quên ơn. Nhà tôi ở ngõ... từ nay về sau, sớm trưa tôi xin đợi người đến cửa, xẻ phần cơm của tôi để người ăn.

- Nhưng cô ở trong nhà, tôi làm thế nào mà thấy được?

- Trước cửa nhà tôi, có cây trúc cao, người cứ rung cây, là tôi khắc biết.

Người ăn mày sau cứ làm như nhời.

Tên thị tì cũng cứ cho ăn mãi.

Lâu người nhà biết, mách chủ. Chủ ngờ có ngoại tình đem ra tra hỏi, tên thị tì phải thú thật.

Người chủ thấy vậy, bèn gọi người ăn mày đến nhà nuôi, rồi gả tên thị tì cho.

Sau hai người thành một đôi vợ chồng khá.

“TÌNH SỬ”

GIẢI NGHĨA

- Thiếu nữ: cô con gái trẻ tuổi.

- Thị tì: con hầu.

- Hoảng hốt: vội vàng, hãi hùng, trông không đích thật.

- Vô cố: không có cớ gì, lẽ gì.

LỜI BÀN

Của không đáng lấy thì một mẩy cũng không lấy, anh ăn mày này liêm thật; cái số không giàu thì con mắt tráo trưng cũng vô ích, anh ăn mày đạt thật. Hoài! Hạng ăn mày này mà có duyên may, mà gặp dịp tốt, thì thật là con người có ích cho xã hội lắm.

Giả sử anh ăn mày này mà lại có cái bụng “ăn mày” như những hạng người đời nay quá xu hướng về vật chất, thì biết đâu vợ chồng nhà kia không vì hộp nữ trang mà đến bỏ nhau, tớ thầy nhà kia, không vi hộp nữ trang mà đến có mạng, cả chình anh ăn mày kia không vì được hộp nữ trang mà đeo thêm muôn nghìn tội ác vào thân.

Cũng khổ mà thích làm ơn, tôi tớ mà biết giả nghĩa sau thành vợ chồng, tuy là tình duyên, nhưng tình này cũng bởi ơn nghĩa kia mà ra, đáng khen, đáng quí thật.


Saturday, June 24, 2023

Suy Niệm Trong Ngày


 

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Số Phận


Một bà than vãn về số phận của mình, Minh Sư bảo:
- Chính bà làm nên số phận của bà.
- Nhưng chắc chắn không phải tôi chịu trách nhiệm việc tôi sinh ra làm đàn bà?
- Sinh ra làm đàn bà không phải là số phận. Đó là định mệnh. Vấn đề chỉ là: chấp nhận là đàn bà hay chấp nhận những gì do đàn bà tạo ra .

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Chết vi lễ nghĩa hay vì tình

 CHẾT VÌ LỄ NGHĨA HAY VÌ TÌNH


Ngủ Tử Tư gặp phải nạn vua Sở giết cha, giết anh, chạy trốn sang nước Ngô, định tìm cách báo thù. Giữa đường bị ốm và hết lương, phải ăn mày mà ăn. Tình cờ gặp một cô con gái đang đập sợi ở bờ sông Lại Thuỷ, bên cạnh có giỏ cơm.

Tử Tư đến gần nói: Thưa cô, cô sẵn cơm đây, cô có làm phúc cho tôi được một bữa không?

- Cô con gái đáp: Tôi ở một mình với mẹ, năm nay ba mươi tuổi, chưa có chồng, ông đứng lui ra, cơm tôi, tôi ăn không thể cho được.

- Tử Tư nói: Thưa cô, cô rủ lòng thương cho kẻ cùng đồ này ít cơm, thì có ngại gì tai tiếng.

Cô con gái biết Tử Tư không phải là người thường, bèn mở giỏ cơm cho với cả tương, dưa nữa. Tử Tư ăn no, cô con gái bảo:

- Quân tử đi xa, sao không ăn thêm cho rõ no nữa? Tử Tư ăn xong lúc đứng lên đi, bảo cô con gái rằng:

- Cô che đậy giỏ cơm, bầu nước này đi chớ để cho lộ chuyện.

Cô con gái thở dài, nói rằng:

- Than ôi! Thiếp một mình ở với mẹ năm nay ba mươi tuổi một lòng trinh bạch, không có tai tiếng gì. Nay đưa cơm cho trượng phu ăn, qua vượt cả lễ nghĩa. Thiếp lấy làm khổ tâm lắm.

Tử Tư đi được mấy bước, ngoảnh lại trông, thì cô con gái đã đâm đầu xuống sông rồi.

TÌNH SỬ

GIẢI NGHĨA

- Ngũ Tử Tư: tên là Viên, người nước Sở thời Xuân Thu vì cha anh báo thù mà giết được vua Sở.

- Lại thuỷ: tên sông ở vào huyện Lật Dương (Giang Tô ngày nay).

- Cùng đồ: cảnh khốn khổ cùng quẫn quá.

- Trinh bạch: trinh là chính chuyên, không thất tiết; bạch là trong sạch.

- Trượng phu: Tiếng để gọi người con gái, tài giai.

LỜI BÀN

Một người cùng đồ đang đói mà gặp một người có cơm cho ăn mà người ấy lại là một cô con gái có nhan sắc, một cô con gái đã đứng tuổi, chưa chồng, mà cứu được một người dạng bộ trông rõ ra một đứng trượng phu không phải kẻ tầm thường, cái cảnh ngộ của đôi bên tuy là tình cờ gặp gỡ, nhưng biết đâu mà giai anh hùng, gái thuyền quyên lại không bỗng nhưng sinh ra lòng quyến luyến, yêu thương nhau. Mối tình nó thưởng khiến ra như thế. Nhưng chàng ăn xong chàng đi, thiếp ở lại chỉ còn một mình, chàng lại dặn thiếp đừng để lộ chuyện, chắc chàng đang tính đại sự, thiếp đâu lại dám để hại chàng. Vả chăng thiếp là con gái mà đã chuyện trò với giai, lại cho giai ăn cơm của mình, vượt qua cả lễ nghĩa, đường kia nỗi nọ thật là khó tính. Chi cho bằng thiếp liều mình thiếp, vứa được trọn tình với chàng, lại vừa giữ được nghĩa với đời chẳng là đôi đường vẹn đôi rư! Ôi! Tình như thế cũng là tình, mật cái tình để thơm muôn thuở ai mà chẳng phải kính phục.

Friday, June 23, 2023

Suy Niệm Trong Ngày


 

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Tôn Kính


Đối với những đệ tử tỏ ra quá kính trọng mình, Minh Sư bảo:
- Ánh sáng phản chiếu trên tường. Thế thì tại sao phải sùng bái bức tường? Đúng hơn nên chú ý vào ánh sáng.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Treo kiếm trên mộ

 TREO KIẾM TRÊN MỘ


Duyên Lăng Quí Tử sang sứ nước Tấn có đeo thanh bảo kiếm qua chơi với vua nước Từ.

Vua nước Từ ngắm thanh kiếm ra dáng thích, muốn xin mà không nói ra.

Duyên Lãng Quí Tử, vì còn phải đi sứ thượng quốc, tuy chưa dưng vua Từ được thanh kiếm ấy, nhưng trong tâm đã định cho.

Khi sang sứ Tấn xong, về qua Từ, thì vua Từ đã mất, đành tháo thanh kiếm đưa cho tự quân. Các người theo hầu ngăn lại, nói:

Thanh kiếm ấy là của báu của nước Ngô, không phải là thứ để tặng được.

Duyên Lăng Quí Tử nói:

- Không phải là ta tặng. Độ trước ta lại đây, vua Từ xem kiếm của ta, tuy chẳng nói ra, mà như dáng muốn lấy. Ta vì còn phải đi sứ thượng quốc, chưa dưng được. Tuy vậy tâm đã định cho. Nay vua Từ chết mà ta chẳng hiến thanh kiếm, thì ta tự dôi tâm ta. Tiếc kiếm mà dối tâm, người liêmll không chịu làm. - Nói xong, bèn tháo thanh kiếm đưa cho Tự quân.

- Tự quân nói: Tiên quân không có dặn lại việc ấy, tôi không dám nhận kiếm.

Quí Tử bèn đeo thanh kiếm vào cái cây ởmộ vua Từ rồi đi.

Người nước Từ ai cũng khen Duyên Lãng Quí Tử rằng không quên người thân cố, đem thanh gươm báu treo vào cây trên mộ.

TÂN TỰ

GIẢI NGHĨA

- Tấn: nước nhớn thời Xuân Thu ở vào địa phận tỉnh Sơn Tây ngày nay.

- Bảo kiếm: thanh gươm quí báu.

- Từ: tức là quận Đông Hải ngày nay.

- Thượng quốc: tiếng gọi tên một nước to mạnh hơn mà mình phụ thuộc vào.

- Tự quân: vua mới lên ngôi.

- Liêm: phân minh, thẳng thắn.

- Tiên quân: tiếng để gọi vua cha đã mất.

- Thân cố: Thân bằng cố cựu.

LỜI BÀN

Lúc vua Từ có ý muốn lấy thanh kiếm thì Quí Tử không tự ý đưa được, vì công việc phải làm còn chưa xong. Đến lúc Quí Tử có thể tặng thanh kiếm được, thì vua Từ lại không sao nhận được nữa, vì đã thác mất rồi. Giá phải người tầm thường, xử vào cái địa vị Quí Tử, thì tuy trong bụng có điều hối hận, nhưng cũng tiếc thanh kiếm mà đem về nước. Nhưng Quí Tử vốn là người trong tâm đã nghĩ làm sao, thì phải làm cho kỳ được như thế mới nghe, cứ đem thanh kiếm treo tại mộ vua Từ. Người ta tuy khuất, nhưng lòng mình vẫn còn, mà mình không muốn rối lòng mình, thực là liêm lắm vậy. Chẳng bù với những kẻ đã tự mình dối mình lại đi dối cả thiên hạ, chẳng những mới có ý nghĩa đã có hẳn nhời hứa đinh nính mà rồi nuốt ngay nhời đi được. 

Thursday, June 22, 2023

Suy Niệm Trong Ngày


 

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Tự Nhiên


Ngày kia, Minh Sư hỏi đệ tử:
- Điều nào quan trọng hơn: minh triết hay hành động?
Các đệ tử đều nhất trí trả lời:
- Đương nhiên là hành động. Minh triết để làm gì nếu không được thể hiện bằng hành động?
Minh Sư hỏi lại:
- Làm thế nào hành động có thể phát sinh từ trái tim không tỉnh thức?

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Đức uống rượu

 ĐỨC UỐNG RƯỢU


Có một tiên sinh Đại nhân lấy giời đất làm một buổi, lấy muôn năm làm một chốc, lấy mặt giời, mặt giăng làm cửa, làm ngõ, lấy cả thiên hạ làm sân, làm đường; đi, không thấy vết xe, ở, không có nhà cửa, giời tức là màn, đất tức là chiếu, ý muốn thế nào thì thế. Lúc ở, thì nâng chén, cầm bầu, lúc đi, thì vác chai, sách nậm, lúc nào cũng chỉ có việc rượu chè, không còn biết đến gì nữa.

Có một công tử và một vị quan sang nghe tiếng tiên sinh như thế, bèn đến tận nơi, xắn tay, vén áo, người thì trừng mắt, nghiến răng, người thì trần lễ, thuyết pháp, những giọng thị phi đâu bây giờ ầm ỹ xôn xao như đàn ong vậy.

Lúc đó tiên sinh mới ôm vò rượu, ghé vào thùng rượu, tọp cả chén rượu, phồng mồm những rượu, vểnh bộ râu lên, ngồi giạng hai chân, gối đầu vào men, lăn lưng vào bã, không nghĩ, không lo, hớn hở vui thú, ngất ngưởng say sưa, thoáng rồi lại tỉnh. Lắng tai, cũng không nghe thấy tiếng sấm sét, nhìn kỹ, cũng không trông thây hình Thái sơn; nực, rét thiết đến thân, cũng không biết; lợi dục cảm đến tình, cũng không hay; cúi xuống trông vạn vật rối rít ở trước mắt khác nào, như bèo nổi bồng bềnh trên sông Giang; sông Hán.

Hai vị kia đứng cạnh, tiên sinh bây giờ xem cũng như con tò vò, con sâu róm mà thôi vậy.

LƯU SINH

GIẢI NGHĨA

- Tiên sinh Đại nhân: nghĩa thẳng là ông Thầy bực kẻ cả. Đây Lưu Linh dùng bốn chữ ấy để chỉ chính mình

- Công tử: con quan hay con vua chư hầu.

- Trần lễ: bày tỏ lễ độ.

- Thuyết pháp: giảng giải điều hay nhẽ dở cho người ta nghe. Chữ nhà Phật hay dùng.

- Thị phi: nghị luận, khen chê.

- Thái sơn: núi to và cao nhất ở tỉnh Sơn Đông bên Tàu.

- Thiết: thấu đến

- Lợi dục: tiền của và lòng ham muốn.

- Vạn vật: muôn vật ở trong giời đất.

- Sông Giang: con sông rứt to ở bên Tàu hạ lưu tức là sông Giương Tử Giang.

- Sông Hán: tức là sông Hán Thuỷ phát nguyên ở Thiểm Tây và chảy vào sông Giang.

- Lưu Linh: Tên tự là Bá Luân là người phóng dật, làm quan đời nhà Tấn đến chức Kiến uy tướng quân.

LỜI BÀN

Nói đến say rượu, thì ai cũng phải nhắc Lưu Linh, mà Lưu Linh sở dĩ còn lưu danh lại cho ta biết, là nhờ bài “Tửu đức tụng“ ta dịch trên này.

Uống rượu say được như tiên sinh là hiếm có. Say mà đến lấy giời làm màn, lấy đất làm chiếu, trút sạch được hết lợi, dục, quên bỏ được hết việc đời, kẻ sang giàu, người quyền thế trông chỉ còn như con sâu róm, con tò vò, thì quả là một cái say thú vị, làng say vị tất đã ai mà hưởng được. Nên tưởng những kẻ chưa tới được cảnh say, chưa biết cái thú say như thế là gì, cũng chẳng nên nghị luận trần thuyết đến cái say, cười người say chưa thấy đâu, lại phải người say cười lại. Còn những hạng người say đến nỗi làm càn, làm bậy, phạm vào những điều thương luân, bại lý mà vin Lưu Linh thì lại là tội nhân của Lưu Linh chớ không phải đồ đệ của Lưu Linh vậy.

Wednesday, June 21, 2023

Suy Niệm Trong Ngày


 

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Đồng Tính


- Làm sao có thể tìm ra sự hợp nhất với Thượng đế?
- Con càng khổ công tìm kiếm bao nhiêu thì khoảng cách giữa con và Thượng đế sẽ càng xa.
- Vậy phải làm thế nào?
- Trước tiên phải hiểu: Khoảng cách này không có thật.
- Điều này có nghĩa: Thượng đế và con chỉ là một?
- Không một cũng không hai.
- Làm sao có thể như thế được?
- Mặt trời và ánh sáng. Biển cả và sóng. Người hát và bài hát không là một cũng không phải hai.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Làng say

 LÀNG SAY


Ngày trước, ta thường đến một làng kia, vừa bước chân vào, thì chuếnh choáng, nghiêng ngả, mờ mịt, lu bù trông giời như thấp, trông đất như cao, mặt giời, mặt giăng như không có ánh sáng. Mắt ta mờ, tai ta ù, tâm thần ta mê hoặc, thân thể ta mệt nhọc. Ta mới hỏi người rằng: Đây là làng gì? - Người nói: Đây là nơi vui say, sẵn của ngon bùi, tha hồ phóng phiếm. Tục truyền là "Làng Say".

Than ôi! Đây gọi là làng say? cổ nhân nói dối ta thật. Ta thường than cho lũ Lưu Linh, Nguyễn Tịch, đương lúc trong nước lục trầm, bốn phương rối loạn, mà những tay giỏi giang, sinh ra chán đời, dông dài, liều lĩnh, thất thểu rủ nhau vào làng say. Cứ như ý riêng ta, thì trong làng say, không có cái gì là vui cả...

Hoặc có kẻ nói: Đến đây cho nguôi những sự lo nghĩ. Ôi! Cái lo nghĩ mà còn có cách nguôi được, thì không phải là lo nghĩ. Nếu quả nhiên có điều gì đáng lo, thì bất tất phải tìm cách giải. Huống chi làng say này không có thể giải được lo. Vậy thì người vào làng say đều là người vô lo, vô lự cả.

Than ôi! Tự đời Lưu Linh, Nguyễn Tịch đến bây giờ, khắp cả thiên hạ đâu cũng có làng say. Làng say càng đông, thì thiên hạ càng vắng. Mờ mịt, say sưa, ẻo lả, yếu đuối ai đã vào làng say, không biết lối mà ra. Gián hoặc có người vào làng say mà không mê, thì lại phải những kẻ đã mê hoặc bại hoại chê bai, nói cười, mai mỉa thế mới thật là lũ say ở làng say.

ĐÀI DANH THẾ

GIẢI NGHĨA

- Làng say: nói những người say rượu tụ họp chè chén với nhau.

- Phóng phiếm: câu nói, việc làm không giữ gìn, kiểm thúc gì cả.

- Tục truyền: thói quen xưa nay kể lại như vậy.

- Cổ nhân: người sinh trước ta mà đã qua đời rồi.

- Lưu Linh, Nguyễn Tịch: hai người đời nhà Tấn, tính phóng đạt hay rượu mà không thiết gì đến việc đời.

- Lục trầm: đắm đuối ở trên cạn.

- Vô lo vô lự: không để tâm chí lo liệu việc gì, cứ nhưng nhưng như không.

- Gián hoặc: một đôi khi cũng có.

- Mê hoặc: tâm thần rối loạn không biết đích xác việc gì.

- Bại loạn: hư hỏng rối loạn.

- Đái Danh Thế: Người đời Khang Hi nhà Thanh đỗ Tiến sĩ, tài danh nổi tiếng, chuyên riêng về sử học, về sau bị nhà Thanh làm tội vì ông làm Sử có ý tôn nhà Minh.

LỜI BÀN

Làng say tức là chỉ tụi người hay rượu. Mà ai đã bước chân vào làng say cũng cho là gặp nơi vui thú cả. Thường lại viện những nhẽ này, nhẽ khác, tưởng như là chánh đáng, nhất là cái nhẽ đỡ lo, đỡ nghĩ. Ôi! nhưng đã gọi là việc đáng lo, đáng nghĩ, thì tưởng càng phải nên tỉnh để mà lo nghĩ cho phân minh sáng suốt, chớ say thì lo sao cho được. Cái say chính là cái làm cho bạ hoại hết công việc. Việc to tày giời đến lúc say cũng còn bỏ, huống còn mong sao cho làm việc nữa. 

Tuesday, June 20, 2023

Suy Niệm Trong Ngày


 

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Thực Tế


Một người mê cờ bạc, ngày kia nói với Minh Sư:
- Hôm qua người ta bắt gặp con chơi cờ bạc gian lận nên những người chung sòng đã cho con một trận nên thân và họ đã liệng con qua cửa sổ. Thầy thấy con phải làm gì đây?
Minh Sư nhìn thẳng vào mắt anh ta rồi nói:
- Nếu tôi ở vào trường hợp của anh, từ rày về sau, tôi sẽ chơi bài ở tầng trệt.
Các đệ tử giật mình, hỏi:
- Sao thầy không khuyên anh ta đừng chơi bài nữa?
Minh Sư trả lời ngắn gọn:
- Bởi vì thầy biết có khuyên như thế cũng chỉ bằng thừa mà thôi.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Viếng người đi làm quan

 VIẾNG NGƯỜI ĐI LÀM QUAN


Tôn Thúc Ngao được làm quan lệnh roãn nước Sở. Cả nước, quan, dân đều lại mừng.

Sau cùng có một ông lão già mặc áo vải, đội mũ trắng, đến viếng.

Tôn Thúc Ngao thấy thế, ăn mặc chỉnh tề ra yết kiến, thưa với ông lão rằng:

"Vua chúng tôi không biết tôi là người bất tài, quá tin mà cho làm quan để tôi làm lụy cho lại, cho dân. Ai ai cũng đến mừng, một mình lão đến viếng, chắc có ý kiến gì đấy chăng."

Ông lão nói:

- Có. Thân đã sang mà khinh người thì dân không chuộng; chức đã cao mà chuyên quyền, thì vua sinh ghét; lộc đã hậu mà không tri túc, thì gặp phải tai vạ.

Tôn Thúc Ngao vừa vái, vừa nói:

- Xin kính vâng nhời. Và nài ông lão dạy thêm cho mấy câu nữa.

Ông lão bảo:

"Chức đã cao, ý càng phải khiêm cung; quan đã to, tâm càng phải tế nhị; lộc đã hậu, càng phải cẩn thận, chớ có lấy sằng, lấy bậy. Ông giữ được ba điều ấy là đủ trị dân vậy".

THUYẾT UYỂN

GIẢI NGHĨA

- Tôn Thúc Ngao: quan tướng giỏi nước Sở, thời Xuân Thu, ông là một nhà cai trị rất có giá, dân trong nước nhờ có ông mà được bình trị.

- Lệnh roãn: chức quan cầm quyền chính trong nước.

- Yết kiến: đem mình đến ra mắt ai.

- Lại: người làm việc quan, giúp việc các quan trên,

- Ý kiến: ý nghĩ kiến thức.

- Chuyên quyền: một mình mình giữ lấy cả quyền.

- Tri túc: tự cho thế là vừa đủ không có lòng tham muốn hơn nữa.

- Khiêm cung: khiêm nhường cung kính.

- Tế nhị: tinh tế cẩn thận không có nông nổi sơ suất.

LỜI BÀN

Đầy mà không để ràn rụa là cách giữ được giàu bền. Cao mà không dám ngông nghênh là cách giữ được sang mãi. Ở đời nhiều người bần tiện biết tu đức mà được giàu sang; ít người giàu sang biết tu đức để được lâu dài hưởng thụ. Sao vậy? Vì xử cảnh giàu sang dễ sinh ra kiêu xa, phóng đãng mà đã kiêu xa, phóng đãng là cái hoạn nạn tai vạ nằm sẵn, ở đấy rồi. Cho nên nhời ông lão dặn Tôn Thúc Ngao đây thực là có giá vậy. Chả những người làm quan nên tuân theo, ai may mà được xử vào cảnh thịnh vượng, cũng nên nhớ câu khuyên răn ấy.

Monday, June 19, 2023

Suy Niệm Trong Ngày


 

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Hạnh Phúc


- Con rất cần đến sự giúp đỡ của thầy, nếu không, con sẽ quẫn trí luôn. Chúng con ở trong một căn phòng độc nhất, gồm có vợ chồng, con cái, và dâu rể! Do đó chúng con luôn bị căng thẳng, la hét cãi cọ nhau om sòm. Căn nhà thật là chốn địa ngục.
Minh Sư đáp một cách trịnh trọng:
- Con có hứa sẽ thực hiện bất cứ những gì thầy nói không?
- Con xin thề là sẽ làm bất cứ điều gì thầy dạy bảo.
- Được rồi. Con có bao nhiêu gia súc?
- Một con bò cái, một con dê và sáu con gà.
- Con hãy đem hết các con vật đó vào trong căn phòng của con. Rồi con hãy trở lại sau một tuần lễ.
Đệ tử rụng rời tay chân. Nhưng vẫn tuân thủ vì đã hứa với thầy, nên mang tất cả những con thú vào gian phòng nhỏ. Một tuần sau đúng hẹn anh ta đến gặp thầy với vẻ mặt thật buồn:
- Con không thể chịu nổi nữa! Nào là nhơ uế! Hôi hám! Ồn ào! Tất cả chúng con sắp sửa hóa điên mất!
Minh Sư truyền dạy:
- Con hãy trở về và đem hết súc vật ra ngoài.
Đệ tử chạy một mạch về nhà. Và hôm sau, anh ta trở lại, ánh mắt rực sáng niềm vui:
- Đời đẹp làm sao! Những con thú đã ra ngoài. Căn phòng giờ như vườn địa đàng.Yên tĩnh làm sao! Sạch sẽ làm sao! Và khoảng khoát làm sao!

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Tiễn người đi làm quan

 TIỄN NGƯỜI ĐI LÀM QUAN


Tiết Tồn Nghĩa người Hà Đông sắp đi làm quan. Ông Liễu Tôn Nguyên làm tiệc tiễn hành ở bờ sông, rót chén rượu mời Tôn Nghĩa mà nói rằng:

"Phàm ra làm quan ở hạt nào, phải biết chức phận của mình là người làm việc cho dân, chớ không phải khiến dân làm việc cho mình. Dân ở trong hạt đã chịu nộp thuế để lấy tiền thuê quan giữ sự công bình cho dân, mà nay, ngán thay, thiên hạ ra làm quan, tiền thuế của dân thì biết lấy cả, còn công việc của dân, thì trễ biếng, thường khi lại dựng làm ăn trộm của dân nữa.

Giả sử ta đây thuê một người làm việc trong nhà, nó đã lấy tiền thuê mà lười không làm việc, lại còn ăn cắp đồ thập vật trong nhà, thì tất ta phải giận mà trách phạt nó và đuổi nó đi. Bây giờ kẻ làm quan như thế nhiều, mà dân không dám nổi giận trách phạt và đuổi đi là tại làm sao? Chỉ tại thế lực khác không làm được mà thôi. Nhưng thế lực dù khác mà lý vẫn là một. Nên kẻ làm quan, nếu còn biết công lý, thì ai mà không chịu giữ gìn cố làm thế nào cho đáng đồng tiền thuê của dân?

Này Tồn Nghĩa, ngươi trước đã làm quan huyện ở Linh Lăng hai năm ngày ngày dậy sớm đêm đêm suy nghĩ, chính sự siêng năng, xử kiện công bằng, thu thế phải chăng, già trẻ không ai đem lòng thù ghét, ngươi thật là biết sợ và giữ gìn lắm, cho nên ngươi lấy tiền thuê của dân rất là đáng vậy.

Ta đây chức nhỏ không được dự vào việc bàn bạc xét công cho kẻ đi làm quan, để thăng trưởng, trách giáng. Ta chỉ biết ngươi đi làm quan, nên thưởng tiệc rượu này lấy nhời trân trọng để tiễn hành".

LIỄU TÔN NGUYÊN

GIẢI NGHĨA

- Hà đông: khu đất ở về phía đông sông Hoàng Hà, trong tỉnh Sơn Tây bên Tàu.

- Liễu Tôn Nguyên: người Hà Đông đời nhà Đường, linh lợi, tài giỏi, đỗ Tiến sĩ, làm chức Thứ sử, văn thơ có tiếng ở nước Tàu.

- Tiễn hành: tiễn người ta lúc người ta sắp đi xa.

- Thập vật: những đồ thường dùng.

- Thế lực: có quyền có sức làm được việc.

- Linh lăng: tức là phủ Vĩnh Châu, tỉnh Hồ Nam ngày nay.

- Trách giáng: quở phạt và hạ chức xuống.

LỜI BÀN

Bài của Liễu Tôn Nguyên, đây thực là hợp với cái ý tưởng tối tân đời sau. Quan nay không phải như quan xưa là cha mẹ sinh dưỡng được dân, nhưng chỉ là kẻ làm công, lấy tiền thuê của dân mà thôi. Ôi! Từ cái bực làm cha mẹ người ta đến cái bực làm kẻ thuê mướn của người ta xa cách nhau như thế nào! Tuy vậy, xét kỹ đến nơi, thì thực hai ý tưởng thực không có trái nhau. Tiếng “phụ mẫu“ là tiếng dân dùng để ca tụng quan là phải, thì tiếng "công bộc“ là tiếng quan tự dùng để nhớ chức phận mình cũng phải. Cái chức vụ của người làm quan, như Liễu Tôn Nguyên nói đây, chỉ cốt làm sao giữ cho được công lý thì thôi. Mà khi đã giữ được công lý thì ai mà không kính quan, trọng quan, tôn quan lên làm dân chì phụ mẫu.

Sunday, June 18, 2023

Suy Niệm Trong Ngày




 

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Cải Thiện


Một thanh niên phung phí hết gia tài đã thừa hưởng. Như những gì thường xảy ra trong cảnh ngộ này, anh bị tất cả bạn bè ruồng bỏ. Thất vọng, anh tìm tới Minh Sư và nói:
- Con không còn bạn bè và tiền bạc. Như thế điều gì sẽ xảy ra cho con?
- Đừng lo lắng. Một ngày nào đó tất cả sẽ tốt đẹp.
Chàng thanh niên lóe lên một tia hy vọng trong ánh mắt:
- Con sẽ giàu có trở lại?
- Không. Nhưng anh sẽ quen với cuộc sống nghèo và đơn độc.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Liêm sỉ

 LIÊM, SỈ


Liêm, sỉ là tính rất hay của loài người, vì người mà không liêm thì cái gì cũng lấy, không sỉ thì việc gì cũng làm. Người mà đến thế là người vứt đi, không khác gì giống vật. Nhất những bậc đứng chủ chương việc nhà, việc nước mà vô liêm, sỉ thì nhà phải suy bại, nước phải nguy vong.

Nghĩ cho kỹ, thì sỉ cần hơn liêm: người không liêm làm những việc bất nghĩa, căn nguyên cũng ở vô sỉ mà ra.

Đức Khổng nói: "Hành kỷ hữu sĩ" nghĩa là giữ mình biết làm xằng là xấu hổ. Thầy Mạnh nói: Nhân bất khả vô sỉ nghĩa là người ta không biết xấu hổ thì không được.

Than ôi! thế mà ngày nay, nhân tình phản trắc, phong tục suy đổi, người ta quên cả liêm, sỉ, không kể chi người thường, thậm chí đến bọn sĩ phu cũng chan chan như thế cả. Ôi! Nếu gọi là sự xấu hổ chung cho cả nước, cũng không phải là nói ngoa.

Tuy vậy, mùa đông rét mướt, tùng, bách vẫn xanh, mưa gió tối tăm, gà sống vẫn gáy. Đời tuy hôn mê, vẫn có người tỉnh.

Ông Nhan Chi Suy làm sách "Gia huấn" có thuật câu chuyện rằng:

Một viên quan nói với ông: "Tôi có đứa con 17 tuổi học đã thông. Tôi cho nó học tiếng nước Tiên Ti, tập gảy đàn tì bà, nhớn lên theo hầu đám công khanh, thì thế nào rồi cũng được sung sướng”.

Nhan Chi Suy nghe nói, nín nặng không giả nhời. Sau về nhà bảo con cháu rằng:

"Người này dạy con lạ thay. Như ta, nếu học cách ấy, dù cho được phú quí đến đâu, ta cũng không mong cho các con vậy".

Những kẻ quân bỏ hết cả liêm, sỉ, chỉ biết chăm chăm nịnh đời, xem câu chuyện này, nghĩ chẳng đáng thẹn lắm ru!

VÔ DANH

GIẢI NGHĨA

- Liêm: tính phân minh ngay thẳng, không lấy của bất nghĩa

- Sĩ: hổ thẹn, tự mình lấy làm khó chịu trong lòng.

- Chủ chương: cai quản trông nom kẻ dưới, để cho người ta theo.

- Suy bại: suy là kém dần, bại là hỏng nát.

- Nguy vong: nguy là không được yên, vong là mất.

- Bất nghĩa: không hợp nhẽ phải.

- Căn nguyên: căn là dễ, nguyên là nguồn, nói tự đó mà sinh ra.

- Phong tục: phong là việc người trên làm để cảm hoá người dưới. Tục là thói quen của người ta đua nhau mà lâu ngày đã thành nếp.

- Thậm chí: quá tệ đến cả.

- Sĩ phu: người có học thức, có quan chức, người tai mắt trong nước.

- Hôn mê: hôn là tối tăm, mê là không tỉnh.

- Gia huấn: nhời dạy bảo con em trong nhà.

- Nhan Chí Suy: nhà văn tự giỏi có tiếng thời Nam, Bắc triều.

- Tiên Ti: ten một nước cũ, tức là một bộ phận Nội Mông cổ bây giờ. Về đời Tấn, Tiên Ti vào chiếm nước Tàu, đặt tên nước là nước Nguy, tức là Bắc triều.

- Công khanh: hai chức quan to.

- Nịnh đời: tự thân đê tiện để ton hót đời.

LỜI BÀN

Bài này thực đã như một tiếng than cho đời mà ngán cho người. Than ôi! Người đời nay có phải tinh là người “vô liêm sỉ", "bất tri sỉ' cả không? Nếu quả vậy thì ta ngậm ngùi than thở rứt là phải. Vì hai cái "liêm“, “sỉ” thực đã như hai cái cốt nền của Đạo Đức. Ở đời còn liêm sỉ thì hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa còn được, chớ liêm sĩ đã mất, nhất là sỉ, thì còn gì là luân thường đạo lý, và mong cậy vào đâu nữa. Con người mà đã đến vô sỉ thì tuy mặc áo, đội mũ mà như con chim, con muông còn cái gì là kiêng nể mà không dám làm?

Saturday, June 17, 2023

Suy Niệm Trong Ngày


 

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Ảo Tưởng


- Làm sao để đạt tới sự Sống Vĩnh Cửu?
- Sự Sống Vĩnh Cửu chính là bây giờ đây. Con hãy trở về với hiện tại.
- Nhưng con đang sống trong hiện tại bây giờ đây, không phải sao?
- Không phải đâu.
- Tại sao?
- Vì con không buông bỏ quá khứ.
- Tại sao con phải buông bỏ quá khứ? Không phải tất cả những gì thuộc về quá khứ đều xấu cả.
- Ta buông bỏ quá khứ, không phải vì quá khứ xấu xa, nhưng vì quá khứ đã chết rồi.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Gõ nhịp mà hát

 GÕ DỊP MÀ HÁT


Vợ Trang Tử chết. Huệ Tư đến viếng, thấy Trang Tử đang ngồi duỗi xoạc hai chân, tay gõ dịp vào bồn nước mà hát.

Huệ Tử bảo: "Mình đã ăn ở với người ta, có con với người ta. Bây giờ người ta già, người ta chết, mình đã không khóc thì cũng là đủ, lại còn ngồi gõ bồn mà hát, chẳng là quá lắm ư!

- Trang Tử nói: Không phải thế. Lúc vợ tôi mới chết tôi cũng lấy làm thương tiếc lắm. Nhưng xét cho cùng, thì vốn là không có gì cả, chẳng những không có gì mà vốn lại không có hình, chẳng những không có hình mà vốn lại không có khí, cái người ấy chẳng qua là tạp chất biến mà hoá ra có khi, khí biến mà hoá ra có hình, hình biến mà hoá ra có sinh, có sinh lại biến ra có tử, cuộc sống khác nào như xuân, hạ, thu, đông, bốn mùa cứ tuần hoàn đi lại không? Vả lại người ta chết là giở về với tạo hoá, cũng như người ra ngoài mà về nhà, thế mà ta cứ còn theo đuổi nghêu ngoa khóc lóc, thì chính ta chẳng hoá ra không biết mệnh giời ư? Cho nên ta không khóc mà lại còn hát nữa".

TRANG TỬ

GIẢI NGHĨA

- Trang Tử: tên là Chu, người thời Chiến quốc học rộng và cao, theo tôn chỉ Lão Tử, có làm sách, phần nhiều là ngụ ngôn.

- Huệ Tử: tức là Huệ Thi, người thời Chiến quốc có tài khéo nói là bạn thân của Trang Tử.

- Bồn: chậu nước rửa xác cho người chết.

- Cũng đã là đủ: ý nói cũng đã là người biết, người đạt rồi.

LỜI BÀN

Vợ chết đáng là một mối đau đớn to, chồng nào mà cầm lòng không thương, không xót, không tiếc, không sụt sùi giọt ngắn, giọt dài cho đậu. Thường tình như thế. Nên Huệ Tử trách Trang Tử là chỉ vì nhẽ thường tình vậy.

Còn Trang Tử đáp thế, là lại lấy một cái nhẽ cao xa, siêu việt hẳn ra ngoài thường tình. Ta không rõ cái thuyết của Trang Tử cho người ta vốn tự chỗ không, do khí, do hình mà sinh ra để đợi lại giở về chỗ không có đúng với khoa cách trí chăng, nhưng khi ta thấy người qua mất, ta cũng có thể nói được rằng: người ta sống thực không biết tự đâu mà đến, rồi chết cũng không biết rằng là đi đâu? Ôi! Nếu coi cái sống chết như thế thì cái chết có còn khiến cho ta đáng thương tiếc, khóc lóc làm trò đàn bà nữa hay không?

Friday, June 16, 2023

Suy Niệm Trong Ngày


 

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Hài Hòa


Trái với lẽ thường, Minh Sư ít tôn trọng những giới luật và truyền thống. Trong cuộc tranh cải của một đệ tử và cô con gái về việc chọn lựa người chồng tương lai. Người cha muốn con gái phải theo những qui luật tôn giáo của mình. Minh Sư theo lập trường của người con gái. Đệ tử ngạc nhiên vì sao một người thánh thiện như Minh Sư mà hành động như thế, Minh Sư nói:
- Con phải hiểu rằng cuộc sống giống như âm nhạc, nghĩa là được hình thành bằng bản năng và cảm nhận hơn là bằng những luật lệ.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Bảy cô vợ lẽ

 BẢY CÔ VỢ LẼ


Ông Phật Ấn là bạn thân của ông Tô Đông Pha khi trò truyện hai ông thường đùa bỡn chớt nhả.

Đông Pha có bảy người thiếp.

Một hôm, Phật Ấn đùa bảo Đông Pha rằng: "Sao mà bác lấy nhiều thiếp thế? Bác có chịu bằng lòng tặng tôi được cô thiếp thứ bảy không?

- Đông Pha cười nói: Sao lại không được?

Rồi Đông Pha về nhà đem chuyện nói với người thiếp.

Người thiếp thưa: Đó là câu chuyên nói đùa nhau chứ gì.

- Đông Pha nói: Ta đã hứa rằng cho, thì không nên sai nhời. Bây giờ nàng cứ đi xem ra thế nào.

- Chập tối, Đông Pha cho xe người thiếp đến.

Phật Ấn đón người thiếp cho vào nằm trong buồng rồi bỏ màn xuống. Trước buồng đã đặt sẵn bảy cái hoả lò, cái nào cũng đày than đỏ rực. Ông bước qua từng cái một, bước qua hết một lượt, rồi lại bước lại, cứ thế suốt đêm. Đến sáng ông cho xe người thiếp về giả.

Người thiếp về, kể lại đầu đuôi câu truyện Đông Pha chợt nghĩ ra nói rằng:

"Bảy cái hoả lò lửa là chỉ vào bảy người thiếp của ta, giống như bảy cái hang lửa. Ông làm ra như thế, là ông có ý bảo ông đã vượt ra được ngoài sắc dục, còn ta thì lại xa ngã đắm đuối vào đấy. Ông này có ý muốn làm cho ta tỉnh ngộ chăng".

DỤC HẢI TỪ HÀNG

GIẢI NGHĨA

- Phật Ấn: tên một vị sư có tài hùng biện đời nhà Tống.

- Tô Đông Pha: tức là Tô Thức, người đời nhà Tống có tiếng giỏi về văn chương thi hoạ.

- Sắc dục: Sự say đắm đàn bà và con gái.

- Tỉnh ngộ: đang mê muội mà tỉnh biết ngay như trước là dở.

LỜI BÀN

Đông Pha là một bực tài học phong lưu, Phật Ấn là một nhà tu hành đắc đạo. Người phong lưu thì chỉ cốt đời cho sướng là thoả lòng, nhà tu hành thì lại chỉ cốt trí cho cao là mãn nguyện. Cứ thường tình mà nói, thì ai là người chẳng thích phong lưu. Nhưng có biết đâu, phong lưu lắm thì thị dục nhiều, mà bao nhiêu thị dục thường hại cho người ta hết cả. Xưa nay ai kể cho xiết được những kẻ vì thị dục, mà mất hết cả tính thiêng liêng màu nhiệm, mà hỏng hết cả phẩm giá, thanh danh. Trong các món thị dục, thì sắc dục như có phần tệ nhất. Dâm là cái tội ở đầu cả muôn tội, cái bả hồng nhan đã làm cho bao nhiêu người tài hoa phải khốn đốn.


Phật Ấn đây thật có ý thương, có lòng yêu Đông Pha lắm. Chơi với anh em mà bày trò ra như thế để khuyên anh em, cũng là một cách thuyết pháp bằng việc làm mà cảm hoá được người ta sâu xa vậy.

Thursday, June 15, 2023

Suy Niệm Trong Ngày


 

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Chiều Sâu


Minh Sư nói với một nhà buôn:
- Cũng như con cá phải chết ở trên đất khô, bạn cũng phải chết như vậy khi bạn vướng mắc thế sự. Con cá phải trở về với nước, bạn cũng phải trở về với sự cô tịch.
Nhà buôn quặn ruột:
- Thế tôi phải bỏ việc kinh doanh để vào tu viện sao?
- Không. Ồ không! Bạn cứ duy trì doanh nghiệp và hãy đi vào nội tâm của bạn.

Cổ Học Tinh Hoa - Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân - Ác ngầm

 ÁC NGẦM


Vua Ngụy đem một người con gái đẹp dâng vua Kinh. Vua Kinh lấy làm thích và yêu lắm.


Phu nhân là Trịnh Tụ biết thế, chính mình cũng yêu mến người con gái, có khi lại yêu mến hơn vua. Người con gái ấy muốn ăn mặc, chơi bời gì, phu nhân cũng đều sắm sửa cho đủ cả.


Vua khen: Phu nhân biết ta yêu mến tân nhân, mà đem lòng yêu mến tân nhân quá ta, thật có khác nào như người con có hiếu thờ cha mẹ, người bầy tôi trung thờ vua vậy.

Phu nhân đã chắc bụng, vua không ngờ mình là người ghen, nhân dịp mới bảo tân nhân rằng:


- Vua yêu mến nhà ngươi lắm, nhưng chỉ ghét cái mũi ngươi. Giá tự nay, hễ ngươi trông thấy vua, ngươi cứ che lấy cái mũi đi, thì vua yêu mến được mãi đấy.

Tân nhân theo nhời, từ đó mỗi khi trông thấy vua, là che ngay mũi lại.

Vua thấy thế, bảo với phu nhân rằng:

Tân nhân trông thấy ta mà cứ che mũi là ý làm sao?

- Phu nhân trước thưa: Tôi không được rõ.

Đợi vua cưỡng hỏi nữa, mới thưa rằng:

Tôi nghe đâu như tân nhân có nói hơi vua khí nặng nó lấy làm khó chịu.

- Vua phát giận bảo: À nếu thế thì xẻo mũi nó đi.

Vua vừa nói đoạn, thì một viên quan hầu cầm dao ra xẻo ngay mũi tân nhân. Vì phu nhân đã dặn một viên quan hầu đứng chực sẵn đấy trước, hễ thấy vua phán gì, là làm ngay lập tức.

HÀN PHI TỬ

GIẢI NGHĨA

- Ngụy: tên một nước về thời Chiến quốc ở về phía bắc tỉnh Hà Nam và phía Tây Nam tỉnh Sơn Tây ngày nay.

- Kinh: tức là nước Sở thời Chiến quốc ở về Hồ Nam, Hồ Bắc ngày nay.

- Phu nhân: tiếng để gọi vợ vua các nước chư hầu.

- Người ta còn dụng tiếng ấy để gọi vợ các quan.

- Tân nhân: người vợ mới lấy về.

- Cưỡng: cố ý bắt phải.

LỜI BÀN

Phàm người đời cái gì đáng ghét mà lại yêu, cái gì muốn tranh mà lại nhường, làm trái hắn thường tình, đều là những người dụng tâm một cách nham hiểm cả. Sự yêu ấy chính là cái giết ngầm, sự nhường ấy chính là cái cướp sạch, đáng thương cho những kẻ ngu mê nông nổi thật dạ tin người để đến nỗi mắc vào lưới cạm!

Trong truyện này người con gái thì khờ dại, vua Kinh thì quá tin. Hai người có hai cái tật như thế, thì tránh sao cho khỏi sự dụng tâm độc ác của phu nhân. Than ôi! Người đang xinh đẹp mà bị cắt mất mũi, bụng đang yêu mến mà để hỏng mất của yêu, ghê gớm thay cho cái lòng nham hiểm, cái mưu thâm độc của Trịnh Tụ.


Wednesday, June 14, 2023

Suy Niệm Trong Ngày


 

Tri Kiến Giác Ngộ - Minh Triết Trong Đời Sống

 Tỉnh Thức


- Có điều gì con có thể làm để được tỉnh thức?
- Không có điều gì, cũng như con không thể làm cho mặt trời mọc ban sáng được.
-Vậy thì những bài tập tâm linh mà thầy truyền dạy, dùng để làm gì?
- Để chắc chắn con không còn ngủ mê khi mặt trời bắt đầu mọc.