Wednesday, October 23, 2013

Phật Học Vấn Đạo - Ba nghiệp lành của người cư sĩ là gì ?

Hỏi: Ba nghiệp lành của người cư sĩ là gì ?

(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Đức Phật  dạy về ba nghiệp lành. Ba nghiệp lành mới nghe thì dường như chúng ta không thấy rằng việc đó không phải xa lạ gì với chúng ta trong đời sống hàng ngày:

1) Một người có thể nói thật ở trong hoàn cảnh rất khó nói và chỉ nói thật thôi.
2) Một người sống hạnh nhẫn nại, nhẫn nại ở đây không phải là dời non lấp biển, nhẫn nại ở đây là thay vì việc đó chúng ta phẫn nộ, nhưng chúng ta dằn lòng và cố gắng làm tròn bổn phận của mình.
3) Một người có thể bố thí, có thể cho,có thể ban tặng, dù sự ban tặng đó rất nhỏ nhoi trong sự khả năng nghèo khó của mình.

Nhưng cả ba điều đó là điều có kết quả rất to lớn, kết quả to lớn này không phải là sự khen thưởng của Ðức Phật, không phải vì Ðức Phật cố ý khuyến khích chúng ta, mà kết quả to lớn này là kết quả tự nhiên của nghiệp. Và qua sự so sánh của Ðức Phật thì chúng ta học được bài học rất thú vị, bài học đó là thiện pháp, là những điều tốt lành có thể thể hiện trong đời sống này, mà không phải mang một nhãn hiệu của tôn giáo hoặc giả sự cổ võ rầm rộ nào mà nó có thể đến từ một trạng thái, trạng thái đó rất riêng tư và thậm trí có đôi khi tự mình mới hiểu được chính mình, không ai có thể hiểu được chuyện đó. Nhưng lại có một phần thưởng rất lớn, và chính về điểm này là một Phật tử tin vào lý nhân quả nghiệp báo. Một người Phật tử tin ở lời dạy của Ðức Phật, chúng ta không thể có nhận định hời hợt về những gì được tìm thấy ở trong đạo tâm, ở trong thiện trí mà chúng ta có thể tìm thấy ở những người chung quanh mình, hay hoặc giả ở chính mình.

- Nói thật ở trong hoàn cảnh rất khó nói và chỉ nói thật thôi.

Không có thời đại nào mà chúng ta bị ảnh hưởng đến sự quảng cáo như thời đại này, và khi nói đến quảng cáo người ta thường bị chi phối và bị lôi cuốn bởi những khuôn mặt lớn, bởi những con người nổi danh, trong lúc đó thì càng ngày người ta càng bị cuốn hút vào cái gì màu mè, cái gì hoa mỹ, cái gì mà khua chuông đánh trống. Ví dụ như để quảng cáo một thức uống như là Pesi chẳng hạn, thì người ta phải thuê nhũng người nổi tiếng chẳng hạn như danh ca Michael Jackson, những người đó đem tên tuổi của họ, đem tiếng tăm của họ khiến chúng ta cảm thấy thích thú nên chúng ta uống.

Và ngược lại văn hóa của Ðạo Phật thì rất lạ, không quảng cáo rầm rộ như vậy, và văn hóa này cho chúng ta thấy được rằng chúng ta trong cuộc sống hàng ngày thể hiện được rất nhiều thiện sự, và những thiện sự này có kết quả lớn nhưng nó lại là những thiện sự hết sức âm thầm, âm thầm đến đỗi chúng ta không thể được cảm nhận bởi những người ở chung quanh mình. Chữ gọi là thiện trí nó không phải là danh từ chuyên môn của Phật học, trong Phật Pháp thì chúng ta gọi là đạo tâm, hay tâm trong sạch hay là tâm thiện. Nhưng chữ thiện trí nó lại rất hay, chúng có thể dùng ở tại đây, giả sử như một việc thiện sự nào đó rất khó làm nhưng một người đã cố gắng làm và thái độ cố gắng đó chúng ta ghi nhận đó là một thiện trí .

Một người khổ đến gặp chúng ta, chúng ta không làm nhiều được cho người đó, nhưng chúng ta có thể chia sẻ cái gì mà mình chia sẻ được, kể cả một ít cơm bánh mình đang có mà mình chia sẻ được, cái đó là một thiện trí rất lớn.

Chúng ta có thể đứng lên và nói với mọi người rằng:

- Tôi cũng là một con người, tôi cần một sự bình đẳng, và ở trong một xả hội hôm nay, không ai phải chiều lụy ai hết và nếu tôi bị xúc phạm tôi sẻ phản ứng ngay lập tức chứ không có từ nan một điều gì.

Chúng ta có thể nói như vậy và hoàn toàn chuyện đó hợp tình hợp lý, nhưng nếu chúng ta có thể kham nhẫn, một sự kham nhẫn tuy là không có ai biết nhiều nhưng mà sự kham nhẫn đó, sự im lặng hoặc giả là trả lời một cách từ tốn, nó nói lên một thiện trí , và thiện trí này là một trong những điểm son, một trong những cái đẹp, là một trong những nhân lành mà Ðức Phật Ngài nhắc đến.

Ðức Phật, Ngài không phải là người định đặt ra nguồn máy của thế gian này, mà trong cái nhìn của vị giác ngộ Ngài đã chỉ cho chúng ta thấy được cái nhân cái quả, và nhân quả đó không thể nói được việc thiện nào lớn việc thiện nào nhỏ được. Nó tương tự như có một vài lần khi chúng tôi còn thơ ấu đi ra ngoài ruộng với ông ngoại, và ông ngọai chúng tôi chỉ vài loại cỏ dại ở bên đường, ông ngọai chúng tôi nói rằng loại cỏ này thấy nó nhiều và tuy là nó nhỏ như vậy nhưng đừng coi thường, nó có thể cầm máu được, lúc bị đứt tay có nó thì tốt lắm. Hay một vài thứ cỏ khác ông ngoại chúng tôi đã nói rằng có đôi khi người ta bị bón có thể đem nó về luột ăn thì sẽ trị hết bón, mặc dù người khác coi nó rất là tầm thường.

Một người mà biết về thuốc thì ngay cả trên cánh đồng hoang dại với những loài rau cỏ bị người đời không để ý đến, nhưng không phải vì nó là cây đại thụ mới đáng cho chúng ta chú ý, không phải là vì nó là loài hoa mang đầy hương sắc mới làm cho chúng ta tán thưởng , và với một con người biết và con người có mắt thì chỉ một thứ cỏ dại rất tầm thường, nhưng nếu nó có tánh dược lợi ích cho sức khoẻ thì loại cỏ đó cũng đáng được trân trọng. Thì tương tự như vậy với Ðức Phật là một vị Giác Ngộ, Ngài thấy và Ngài biết được rằng trong cuộc sống hàng ngày, con người không phải triệu phú mới có thể xây chùa đúc tượng, mới có thể làm việc thiện được, cũng không phải chúng ta làm công việc dời non lắp biển mới là đáng nói, và cũng không phải chỉ có những chuyện mà nhân thế cho là to tát mới là chiếc xe đưa chúng ta đến những cõi an lạc.

Quan niệm về thiện nghiệp ở trong Ðạo Phật là quan niệm rất rộng, không phải một người phải là tín đồ Phật Giáo hay là tín đồ của một đạo giáo nào khác mới có khả năng làm chuyện tốt lành, làm chuyện phước đức, cái gọi là tốt trong cuộc đời này chúng ta có thể tìm thấy trong nhiều nơi, “ Hoa khai bất tận bần gia địa, tiết chứng lai thời viên mãn khai”, hoa nở thì không lựa đất nhà nghèo, nhà giàu, ở nơi nào đúng mùa, đúng tiết, đúng điều kiện thì hoa nở, đó là một cái nhìn về đạo, là một cái nhìn về chữ thiện, là một cái nhìn tốt lành không mang màu sắc hay mang nhãn hiệu của tôn giáo.

Rất tiếc ngày hôm nay chúng ta tin Phật, dĩ nhiên là đa phần Phật tử vẫn còn thừa hưởng một cái gia tài rất khóang đạt của Ðức Phật, nhưng bên cạnh đó một con số không nhỏ những người Phật tử đã nhìn Ðức Phật càng lúc càng hạn hẹp đi, trong cái nhìn đó chúng ta lại phủ nhận đi cái giá trị của những cái đẹp khác ở cuộc sống từ những người họ không cùng tông phái với mình, họ không cùng đạo với mình, họ không cùng nhãn hiệu với mình, và nếu chúng ta không nhìn thấy cái đẹp cái hay ở trong những con người đó, thì có chắc gì chúng ta nhìn thấy cái đẹp cái hay của những người ở chung quanh mình, một người có mắt phải là một người có trí mới cảm nhận được cái đẹp đó. Chúng tôi nhớ là đã có rất nhiều lần những ngừơi Phật tử ở xa về thành phố Houston, chúng tôi đưa đi thăm viếng những ngôi chùa và rồi chúng tôi học được rất nhiều trong những chuyến đi này. Có khi đến ngôi chùa rất đẹp, họ không cảm nhận được cái đẹp của ngôi chùa đó, dù là hòn non bộ rất nghệ thuật hay một vườn thiền rất ý vị, hoặc giả mái chùa rất nên thơ rất VN, mà chúng ta nghe những lời phê bình, hoặc giả có những ngôi chùa nào đó người ta chỉ phê bình chỗ đậu xe, người ta chỉ phê bình các phòng khách, người ta không tìm thấy được cái đẹp của một ngôi chùa.

Có thể nói rằng tất cả những nơi chúng ta đi qua thì ít nhiều gì chúng ta cũng cảm nhận được cái đẹp ở nơi đó, có những người chúng ta giao tiếp, những người đó có thể thích hay không thích đối với chúng ta, thì thưa quí vị chúng ta cũng bắt gặp được ít nhiều thiện trí của những người đó, nếu chúng ta không thấy, hoặc không chịu thấy, hoặc không muốn thấy là bởi vì chúng ta quá nặng thành kiến hoặc giả là chúng ta không học được như Ðức Phật, chúng ta không thấy được như Ðức Phật là tìm thấy cái đẹp giữa cuộc đời này.

Chúng ta sống cuộc sống hàng ngày với một vài thói quen. Một lần, có một Phật tử họ xin được cùng đi với chúng tôi từ miền Nam lên miền bắc lúc đó chúng tôi đi để gặp Ngài Tangpula Sayadaw, Ngài là bổn sư đã trao truyền Tỳ Kheo giới cho chúng tôi, thì vị Phật tử đó là người lạ, chúng tôi thấy Phật tử đó xin cùng đi thì cũng nhận cho cùng đi, nhưng phải nói rằng chúng tôi nhận cho đi rất miễn cưỡng. Miễn cưỡng là bởi vì Phật tử đó có mặt ở trên xe mình xuốt 8 tiếng đồng hồ như vậy là điểm không có thoải mái. Sau đó chúng tôi nói chuyện riêng với vị Trưởng Lão ở trong chùa, Ngài là vị Thiền Sư nhưng là bán thế xuất gia, Ngài là một vị chúng tôi hết sức kính trọng, Ngài ôn tồn nói :

- Mình đừng có nghĩ thoải mái hay không thoải mái, nếu trên đường đi mà mình nói đạo, mình có thể giải thích Phật Pháp cho người đó thì cũng có lợi ích, chứ nếu ai cũng nghĩ tới thỏai mái như vậy thì chúng ta sẽ bỏ quên đi rất nhiều.

Lời dạy của Ngài tuy ngắn, nhưng lời dạy đó là sự khuyến khích hơn là la rày, chúng tôi có cảm nhận ở đó là với một vị có thiện trí. 

Chúng tôi có gặp nhiều người ở trong cuộc đời này, có những con người sanh ra họ không quen nói dối, trong trường hợp nào họ nói sự thật mà tạo ra sự phiền phức thì họ cảm thấy hết sức khó khăn, tuy nhiên họ vẫn phải nói thật dù họ phải trả giá cho sự nói thật đó.

Chúng ta thường hay cổ võ về tu nên ráng niệm Phật, chúng ta cổ võ tu phải ráng làm thiện, nhưng sự cổ võ đó đôi lúc chúng ta quên đi những thiện pháp trong đời sống, khi làm nó không phải đơn giản mà chúng ta phải bỏ ra rất nhiều thiện trí, như trường hợp này "nói sự thật", can đảm lên mà nói đó là một thiện trí rất là lớn. Chúng tôi nghĩ rằng không phải dài dòng hoa mỹ để nói tại sao một người nói lên sự thật là người đó có nhiều thiện trí.

- Bây giờ chúng ta lại nói đến vấn đề thứ hai. Sống hạnh nhẫn nại

Trường hợp người ta làm mình giận, họ xúc phạm đến mình, đáng lẽ mình nổi cạu, đáng lẽ mình phiền toái, nhưng mình dằn lòng được, mình tiếp tục có mặt ở trong cuộc đời này với tất cả thiện trí của mình, mình có mặt ở trong cuộc đời này với tất cả sự kham nhẫn của mình, thì sự chịu đựng đó là một thiện trí lớn và thiện trí này cũng là cái nguyên nhân dẫn đến sanh thiên giới.

Ðức Phật không phải vì muốn phủ dụ chúng ta hay Ngài muốn làm đẹp lòng chúng ta mà Ngài nói như vậy, chúng ta nhớ trong trường hợp này Ðức Phật Ngài chỉ nói dựa lên trên câu chuyện Tôn Giả Mục Kiền Liên đã thuật lại, và dựa lên trên những gì đã thuật lại, Ngài xác nhận rằng những người biết kềm sự phẫn nộ của mình, biết kềm sự tức giận của mình, đáng lẽ trong trường hợp mà mình phải mạt sát, mình phải phản ứng mạnh mẽ mạ lỵ người khác, nhưng không, chúng ta nuốt bồ hòn, chúng ta ngậm mật đắng đem tất cả cái chua cay vào trong lòng của mình và để tiếp tục cuộc sống này, để tiếp tục sống mà không gây thêm phiền lụy, không đổ dầu vào lửa, không gây bao nhiêu phiền phức cho người khác 

Nếu lời nói của mình đang nói, mà lời nói đó tạo thêm nghiệp não cho cuộc đời , tạo nên sự nóng nảy cho người khác, hay tạo ra sự bực bội cho người khác , thì chúng ta bằng tất cả thiện trí của mình sẽ im lặng, dù sự im lặng đó dễ chịu hay là khó chịu, thì với Ðức Phật đó là một thiện trí và thiện trí này ở trong phương diện nghiệp báo là một nhân để sanh vào thiên giới.

- Pháp thứ ba được đề cập ở tại đây.  Bố thí

Mình tuy nghèo, tuy khả năng hạn chế nhưng biết cho thì vẫn đẹp, nó vẫn quí và cũng là phước sanh thiên giới , có nhiều người họ cảm thấy xấu hổ là khi mình làm chuyện gì nó phải lớn chuyện mới làm. 
Chúng tôi có nghe nhiều Phật tử nói rằng :

- “ Tụi con mà trúng số thì tụi con sẽ giúp cho Thầy điều này điều khác , tụi con mà trúng số thì tụi con sẽ giúp cho chùa, tụi con mà trúng số thì tụi con sẽ làm việc từ thiện xã hội .

Thì một người mà nói như vậy, chúng tôi cũng ghi nhận tấm lòng, nếu ở trong cuộc đời này mà có người nói như vậy là đã có tình lắm rồi. Chúng ta không chê trách những người đó, nhưng không phải mình trúng số thì mình mới có thể làm lên việc thiện, không phải đợi đến lúc đó thì chúng ta mới có thể làm, mới thể hiện được, Ngài Ajahn Chah Ngài thường nói rằng: "Một người thở được thì có thể tu thiền được", và dựa trên tinh thần đó thì chúng ta cũng có thể nói là: Ai trong cuộc đời này cũng chia sẻ được,cũng có thể ban tặng được, cũng có thể dành cho người khác cái thiện trí của mình được, dù rằng một bữa cơm mà mình đang ăn. Đó là một hình ảnh rất là đẹp.

Chúng tôi nhớ hoài khi chúng tôi sống ở Việt Nam, đất nước của chúng ta không giàu có, nhưng mà phải nhận ra rằng có những cái nhìn mà ngày xưa người ta sống hết sức là thuần khẩu. Ví dụ như khách đến nhà trong lúc chúng ta đang ăn cơm, thì thêm một đôi đủa một cái chén, nếu trong nhà 5 người thêm một đôi đũa một cái chén nữa cho 6 người ăn thì cũng không ai nói phiền hà gì, đó là cái đẹp của văn hóa. Chúng tôi còn nhớ đến sự việc là có một buổi tiếp tân ở Washington DC, ở trong buổi tiếp tân đó đã được đặc trước 34 phần ăn cho Chư Tăng và Phật tử, rồi sau đó có phái đoàn đến, phái đoàn này chỉ có 3 người thôi, nhưng mà nhà ăn đó đã từ chối không nhận vào là bởi vì họ chỉ chuẩn bị có 34 phần ăn do đó 3 vị đó được gửi đến một nơi khác, mà ban tổ chức phải xắp sếp cho 3 vị đó ăn trong khách sạn. Chúng tôi hiểu rằng cách làm việc nguyên tắc đó là cách làm việc có lề lối ở trên đất Mỹ này, nhưng khi nhìn thấy 3 vi đó được gửi đến một nơi khác, thì chúng tôi nghĩ nếu mà ở Việt Nam thì dễ quá, 34 phần ăn đây chỉ thêm 3 đôi đũa 3 cái chén cho 3 người ăn nữa, thì đó không phải là chuyện lớn . Nhưng ở nơi đây đã nói đến cái gì bình đẳng rõ ràng, cái gì ở đâu nó ra đó, do vậy đôi lúc người ta không có cho được nữa.

Văn hóa của chúng ta có những cái rất đẹp, và đẹp nhứt có thể nói rằng những gì mà mình có ở trong cuôc đời này để chia sẻ cho người khác, có nhiều lắm, kể cả thì giờ, kể cả sự có mặt của mình, và kể cả lời nói rất có ích của mình. Người Phật tử so với tôn giáo khác thì chúng ta nói nhiều đến tinh thần tự giác, nhưng đa số Phật tử thì lại không chịu khó để đem Phật Pháp phổ biến cho người khác, chúng ta hà tiện lời nói, chúng ta rất là tiếc kiệm Phật Pháp, ít khi chúng ta đem Phật Pháp nói cho người khác, dường như năm thuở mười thì chúng ta mới chịu khó mở miệng, còn phần lớn chỉ cười hoặc giả là im lặng, thì sự chia sẻ Phật Pháp cũng là sự chia sẻ, nó cũng là sự ban tặng và chúng ta càng cố gắng chia sẻ thì đó cũng là thiện trí lớn, và thiện trí đó vẫn thường được Ðức Phật tán thán, cái gì chúng ta có cho dù ít đến đâu, nhưng hễ có thì vẫn có thể chia sẻ được, ở trong đời này chúng tôi tin rằng ai cũng có thể chia sẻ được.

Trong một thời đại mà con người vốn có nhiều nhưng khả năng để cho ra rất ít và thiện trí lại ít hơn, chúng ta định đặt ra những điều kiện cho nó to lớn, và những điều kiện to lớn này nó đã trở thành hàng rào khiến cho chúng ta không thể thể hiện được thiện pháp. Với một người có trí và một người hiểu đạo thì thiện pháp có thể được làm, có thể thực hiện ở trong một điều kiện như là chúng ta thở, như là chúng ta cười, như là chúng ta nói, như là chúng ta ăn. Chúng ta ăn cơm uống nước không phải là chuyện to lớn lắm, như là chúng ta thở và lúc nào chúng ta cũng thở được .

Thì trong ba pháp này, chúng ta có thể nhận ra được rằng tất cả đều là thiện trí, một con người mà biết cho, mặc dù khả năng hết sức hạn hữu của mình, một con người biết dằn lòng xuống không nổi cơn thịnh nộ không giận hờn cho dù đó là điều đáng giận, đáng buồn, một con người biết can đảm nói sự thật, cả ba thứ đều là thiện trí, và trong ba thiện trí này nó đều giúp cho chúng ta khơi dạy cái nguồn thiện tâm của mình hết .
Chúng tôi nhớ ở trong Thánh kinh của Ấn Ðộ có một câu nói, nói ra thì giống như là một câu nói đạo đức, nhưng trên thực tế thì nó là một bài học lớn, ý nhị cho mỗi chúng ta,

Đoạn Thánh kinh nói rằng:

-- Ở trong cuộc đời này cái khó khăn, cái khó là đối với một số người là trở ngại, nhưng mà đối với một số người khác là một cơ hội. Nếu không có cái khó khăn, nếu không có cái khó làm, thì lấy ở đâu mà chúng ta nói là thiện trí, lấy ở đâu mà chúng ta nói rằng có cố gắng, lấy ở đâu mà chúng ta nói rằng ở đó có một cái gì đẹp. Cái đẹp là chỗ khó khăn, khó làm.

Do vậy, lời dạy này của Ðức Phật tuy rằng rất ngắn và những lời dạy này, những người Phật tử nói rằng. “một người nói sự thật, một người biết nhẫn nại nhẫn nhục không nổi giận, một con người biết tìm khả năng bố thí , những việc đó không phải những pháp cao siêu vi diệu, và không có gì để chúng ta quan tâm”. Nhưng trên thực tế thì chúng ta phải hiểu được lý lẽ cùng tận mà Ðức Phật dạy cho chúng ta là thiện trí, để tìm thấy được ở trong cái gì rất là mảy may nhỏ bé của cuộc đời, và không chừng trong cái mảy may nhỏ bé đó chúng ta có thể gặt hái được nhiều kết quả to lớn, và kết quả to lớn kể cả con đường sanh về thiên giới như Ðức Phật Ngài đã dạy cho tất cả chúng ta.

Nên chi một con người thật sự hiểu đạo thì không cần phải nên non, không cần phải đi hành hương sang đất Phật, và không cần phải đào xâu trong kinh điển. Ngay cả ở trong giây phút này chúng ta không thích làm việc đó, chúng ta không muốn gần người đó, chúng ta cảm thấy không có thỏai mái để nói như vậy, nhưng bằng tất cả sự hiểu biết, bằng tất cả thiện trí của mình, mình ráng một chút, mình chịu đựng một chút, và mình hy sinh một chút, cái một chút đó không phải là mình phí công, cái một chút đó không phải là không đáng kể, một người Phật tử hiểu đạo thì thấy rằng cái một chút đỉnh không đáng quan tâm đó lại là nhân duyên lành lớn, và ở đó nói như ông bà chúng ta là có thể huân tập được âm đức của mình, và có thể tạo được cái thiện căn của mình, tại sao chúng ta phải đặt vấn đề quá lớn để chúng ta không làm được, trong khi những cái rất nhỏ mà mình có thể làm được mà không chịu làm.

No comments:

Post a Comment