Thursday, May 15, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Trong lúc tu tập trong khóa thiền, chúng ta thanh tịnh hay phiền não cũng là đề tài để hành thiền.

 Hỏi: Trong lúc tu tập trong khóa thiền, chúng ta thanh tịnh hay phiền não cũng là đề tài để hành thiền.

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamm ngày 28-4-2014 Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng:  Một nguyên tắc khi hành thiền là cho dù trong lúc đang tu tập ở trong các khóa thiền chúng ta thanh tịnh hay phiền não điều đó không phải là vấn đề. Thanh tịnh cũng là đối tượng của Chánh Niệm, phiền não cũng là đối tượng của Chánh Niệm. Nếu một người nói rằng mình không thể hành thiền được tại  vì mình ngồi thiền tâm mình tán loạn, mình không thể hành thiền được tại vì mình đang ham muốn, mình không thể hành thiền được tại vì tâm mình sân hận. Cái gọi là "không thể hành thiền" như vậy thì người đó chưa hiểu thế nào là Chánh Niệm.

 Đối với Chánh Niệm, không phải là vì mình có thiện pháp hay không có thiện pháp kia, có phiền não hay không có phiền não mà chúng ta vin đó là một lý do để không hành thiền. Chúng tôi có lấy một ví dụ để qúi vị thấy rằng nếu chúng tôi làm trụ trì một ngôi chùa khi gặp trở ngại phiền phức ở trong ngôi chùa, chúng tôi lên bạch với Hoà Thượng: "Bạch Hoà Thượng, con sẽ không làm trụ trì chùa tại vì có những phiền phức". Như vậy thì thật sự chúng tôi chưa hiểu công việc làm trụ trì, làm trụ trì không phải là mình ngồi đó ở trong điều kiện tốt đẹp nhất để làm trụ trì được thoải mái mà làm trụ trì có nghĩa là mình có trách nhiệm điều hành một ngôi chùa ở trong lúc bình thường cũng như trong lúc hữu sự như một vị tướng một vị vua là phải có khả năng an dân trị quốc ở trong thời bình cũng như trong thời chiến.

 Một hành giả thì dù tâm đang thanh tịnh hay tâm phiền não với tham dục, sân hận, hôn trầm, thụy miên, hoài nghi phóng dật thì tất cả điều đó đều là đối tượng của Chánh Niệm đối tượng của Thiền Quán, quan trọng là mình biết nó có mặt, đây là tham, đây là sân, và biết tham sân sanh khởi, biết tham sân đoạn diệt, biết tham sân đang tồn tại. 

Chúng ta không có một trạng thái sợ, một trạng thái gọi nản lòng, mà chúng ta chỉ duy nhất làm một việc đó là tập nhìn đưa những pháp đó vào trong Chánh Niệm. Kể cả một ngày chúng ta rất uể oải mệt mỏi thì dùng cái uể oải mệt mỏi đó để làm đề mục của Chánh Niệm. 

Cái hay của thiền quán khác với những pháp tu khác là một vị hành thiền quán thì bất kể trạng thái tâm như thế nào thì trạng thái tâm đó đều được đem vào trong tầm nhìn của Chánh Niệm. Như vậy, chúng ta khả dĩ có thể vượt qua thái độ khó chịu hay có lý do để không tu tập Chánh Niệm./.

No comments:

Post a Comment