Tuesday, May 20, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Thế nào là thân cận bạn lành?

Hỏi: Thế nào là thân cận bạn lành?

(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 12-5-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Đề tài thân cận bạn lành là đề tài rất quen thuộc. Nhưng đề tài này có rất nhiều điểm để chúng ta suy niệm. 

Ở trên đời này, một người bạn tốt không nhất thiết là một người bạn chúng ta thích. Có đôi khi người bạn tốt về phương diện này nhưng lại không đáp ứng nhu cầu của chúng ta về phương diện khác. Do vậy chúng ta có rất nhiều câu hỏi được đặt ra: 

Thế nào là người bạn lành ? 

Trong số bạn lành, ai là người chúng ta nên thân cận và sự thân cận đến mức độ nào mà giữa chúng ta và những người bạn có thể ở mức độ tương đối vừa phải hợp tình hợp lý?

Sau hết là chúng ta làm sao để có thể thân cận với bạn lành nhưng không tạo thành một sự lệ thuộc? 

Nói chung là, đối với đời sống người tu tập thì thân cận thiện hữu là một điều rất cần thiết nhưng không đơn giản là chúng ta biết thân cận bạn lành mà bên cạnh đó còn có nhiều câu hỏi khác chúng ta cần phải đặt ra.
Hôm nay chúng ta dành thì giờ để suy nghiệm về một Phật ngôn mà có lẽ chúng ta đã được nghe nhiều lần đó đây ở trong những bộ kinh khác. Nhưng riêng đặc biệt trong bài kinh này Đức Phật Ngài tập trú vào lời dạy đó là một người tu tập phải thấy việc thân cận với thiện hữu là một ở trong những nền tảng cho sự tu tập và cho đời sống của mình. 

Tất cả chúng ta đều thấy được dễ dàng là mình chịu ảnh hưởng những người chung quanh. Thật ra phần đông không thấy được điểm này, chúng ta sống do sự đưa đẩy do sự tình cờ mình sanh ra trong một gia đình đây là cha, đây là mẹ, mình không có lựa chọn, rồi lớn lên một chút đi vào lớp học bạn bè cùng lớp chúng ta cũng không có sự lựa chọn, một tiếng sét ái tình nào đó khiến cho người ta chọn lấy một người bạn đời, chúng ta cũng không có sự lựa chọn nhiều mà có thể lựa chọn ngắn mặc dầu ai cũng nghĩ người bạn đời là mình lựa chọn tại vì người đó quan trọng nhất. Nhưng cũng phải nói nó nằm ở chỗ người ta thường nói một cách thông tục là hên xui. 

Nếu ngẫm lại cho kỹ, những người sống chung quanh mỗi chúng ta đó là do sự đưa đẩy của tình cờ ít khi là sự lựa chọn cẩn thận của chính bản thân mình. Trước khi nói về khả năng lựa chọn chúng ta hãy nói về một điều, khoảng cách gần gủi của chúng ta với một người nào đó mà ngày hôm nay người ta thường gọi là cự ly thì khoảng cách đó vốn có ảnh hưởng rất lớn đối với chúng ta. Một người thân nhưng ở xa thì đúng nghĩa câu người ta thường nói "Xa mặt cách lòng". Nhưng một người không thân, họ ở gần thì hoặc ít hoặc nhiều những giá trị của họ ảnh hưởng chúng ta.

Chúng tôi có nghe một vị thiền sư nói chuyện là vị này chưa bao giờ có ưa thích gì về uống trà nhưng rồi trong một lần đi dạy thiền thì vị đó đem theo người thị giả và người thị giả này rất thích uống trà và tới cuối chuyến đi đó thì vị thiền sư nhận ra rằng Ngài đã bắt đầu để ý đến tách trà, trà, nước sôi và những gì cần pha. Thật ra, đó là một thí dụ nhỏ. Những người chung quanh chúng ta cho chúng ta những ảnh hưởng đôi lúc rất bất ngờ về sở thích của họ, về tính tình của họ, về lối sống của họ, nó có sự ảnh hưởng qua lại, chúng ta ảnh hưởng thế giới chung quanh và thế giới chung quanh ảnh hưởng chúng ta. Có một điểm chắc chắn là trong sự ảnh hưởng đó người gần ảnh hưởng nhiều hơn người xa, và thậm chí người ta còn nói rằng "xa mặt thì cách lòng". Khi nói xa mặt cách lòng thì điều tốt là khi chúng ta gần nhau thì chúng ta lại chịu ảnh hưởng nhau rất nhiều. 

Nếu chúng ta đọc lại ở trong sách xưa thì chúng ta thấy rằng ở quá khứ xa xưa những bậc hiền trí có nhiều sự lựa chọn hơn chúng ta ngày nay. Ví dụ như khi chúng tôi đang nói chuyện với qúi vị đây, chúng tôi sống trong một ngôi chùa và không dễ dàng để chúng tôi rời bỏ ngôi chùa đi vào trong rừng sâu hay đi một nơi nào đó mà không có bận tâm tại vì có quá nhiều sự ràng buột. 

Ngày xưa các bậc thiện trí, nếu các ngài sống đời sống trong gia đình, sống đời sống trong triều đình, sống đời sống ở trong một cục diện xã hội nào đó các Ngài cảm thấy những người chung quanh là những người không đáng cho mình thân cận, không đáng cho mình tiếp xúc thì vị đó sẽ bỏ đi. 

"Nếu không gặp bạn đồng hành hiền minh chân chánh hiểu rành lối đi, như vua bỏ nước phong suy như voi rừng thẳm thà đi một mình, nếu mai gặp bạn đồng hành hiền minh chân chánh hiểu rành lối đi, tinh tường thắng phục gian nguy hãy nên hoan hỉ kết duyên bạn lành"

"Nếu không gặp bạn đồng hành,- hiền mình chân chánh hiểu rành lối đi, như vua bỏ nước phong suy như voi rừng thẳm thà đi một mình". Hình ảnh đó không phải dễ. Chúng ta ngày hôm nay vì hoàn cảnh của xã hội, vì sự thiếu nghị lực của bản thân và vì những cột trói dây mơ dễ má  do đó chúng ta không có thái độ dứt khoát. 

Nhưng có một chuyện chắc chắn, nếu chúng ta không ý thức được rằng những người chung quanh quả thật ảnh hưởng mình nhiều thì chúng ta phải coi chừng đó là cái nhìn rất chủ quan. Đừng nói đó là người lớn, người nhỏ cũng vậy, đừng nói đó là một người có địa vị quan trọng, người có địa vị không quan trọng cũng ảnh hưởng chúng ta, cái cự ly ngắn, cái khoảng cách giữa mình và người khác nó tương đối tạo nên sự tiếp xúc, thì ngôn ngữ của người đó, cái suy nghĩ của người đó, lối sống của người đó, cái khuynh hướng người đó ảnh hưởng đến mình, tại vì sao vậy? Tại vì con người luôn luôn là tái khám phá, con người luôn luôn là mô phỏng là bắt chước. Chúng tôi lấy một ví dụ là trào lưu ảnh hưởng chúng ta, máy móc ảnh hưởng chúng ta, nếu qúi vị có cái điện thoại cầm tay sài qúi vị cảm thấy vừa ý, nhưng mọi người chung quanh họ nói rằng bây giờ có cái mới hơn tốt hơn mạnh hơn, dần dà điều đó cũng làm chúng ta xét lại. Thời trang cũng vậy, tại sao người ta mặc quần áo thay đổi theo mùa theo thời, bởi vì ảnh hưởng quan niệm chung quanh, cái này mới là đúng điệu, cái này mới là đúng mốt, cái này mới đúng thời trang điều đó ảnh hưởng đến con người. Cuộc sống mà để độc lập hoàn toàn, để có thể độc lập ý trí, để có thể không tiêm nhiễm những người chung quanh thì phải nhận rằng cuộc sống phải vượt thoát. Hầu hết chúng ta chịu ảnh hưởng từ những người chung quanh rất nhiều.

Và rồi, một điểm khác chúng ta nói đến ở đây, đó là bây giờ chúng ta đồng ý là sự thân cận ảnh hưởng với chúng ta nhiều thì chúng ta cũng phải đồng ý một điều là tìm những người bạn để chúng ta thân cận.

 Chữ "bạn" ở đây được hiểu rất rộng, có thể là cha mình mẹ mình, vợ chồng, anh chị em, bạn đồng xứ, bạn đồng nghiệp, bạn đồng sở, nói chung là những người chung quanh chúng ta ảnh hưởng đến chúng ta. 

Thì trong số đó chúng ta phải có ý thức được là sự tương quan như thế nào mang tính mật thiết và sự tương quan như thế nào mang tánh cách chừng mực.

 Giống như anh em trong nhà, chúng ta có 5 hay 7 anh em thì trong số anh em đó có những người đặc biệt chúng ta thích, đặc biệt chúng ta thường chia sẻ, bây giờ người ta dùng chữ kết với một người nào đó, nhưng đại khái là ở trong số những người thân chung quanh chúng ta có người nào đó là người chúng ta thường cảm thấy mở lòng ra, chúng ta thường cảm thấy là muốn chia sẻ việc này việc kia, muốn tâm sự và thậm chí qua sự tâm sự đó chúng ta hỏi ý kiến. 

Thì thường thường cái gì giúp chúng ta làm như vậy. Người nào chịu khó lắng tai nghe chúng ta nhiều thì chúng ta thường nói chuyện, người nào thường vuốt ve tự ái của chúng ta, nói cách khác là làm cho chúng ta thoải mãn tự ái thì chúng ta thích thân cận, người nào dành cho chúng ta một cảm giác mình là người quan trọng thì chúng ta thích thân cận. Và không may những câu chuyện đó không phải là câu chuyện tốt mặc dầu chúng ta thường ưa chuộng như vậy.

 Thí dụ, có những người khéo lắng nghe, ai nói gì thì họ cũng chăm chú lắng nghe nhưng đó chỉ là một nghệ thuật đắc nhân tâm và ngoài sự lắng nghe đó họ không giúp cho chúng ta được cái gì hết, họ chỉ lắng nghe và họ là cái lỗ tai để chúng ta rót vào trong đó những tâm sự vui buồn và chúng ta cảm thấy rằng mình thương người đó mình mến người đó mình thân người đó tại vì người đó chịu nghe mình. Nhưng không hẳn một người chịu nghe mình mà có người đó có thể giúp cho mình nhiều mặc dầu trên phương diện căng thẳng nội tâm bị stress nhiều quá thì có người lắng nghe là một người rất tốt. Nhất là những người đó không nói đi, không nói lại, không đem chuyện chỗ này nói chuyện chỗ kia, là người có thể tín cẩn. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng một người lắng nghe chúng ta không nhất thiết là người mang lại cho chúng ta cái giải pháp. Và có nhiều người lắng nghe chúng ta đôi khi họ lại làm cho tình trạng chúng ta càng ngày càng tệ thêm tại vì những tâm sự miên man nó cứ đổ tuông ra quá nhiều mà trong lúc đó không ai nói về một giải pháp.

Một điểm khác là, có những người làm cho chúng ta cảm thấy quan trọng. Ở đây, chúng ta không dùng đến chữ rất nặng nề, đó là xu nịnh, nhưng chúng ta phải nói rằng có những người  họ có những lời khen có cánh, họ có những lời nói đãi bôi, đôi khi mình cảm thấy rằng chuyện đó là giả dối nhưng mình vẫn muốn nghe. Con người ai cũng có thị dục huyễn ngã, tức là quan trọng về cái tôi cái ta. Có những người bạn họ chỉ dùng những lời đẹp nhất những lời êm ái nhất những lời nghe lọt tai nhất để ca tụng mình thì tự nhiên mình có cảm tình với người đó muốn thân cận với người đó nhưng không nhất thiết là người đó mang lại cho chúng ta lợi ích gì.

Và thưa qúi vị, chúng ta cũng thích rất thích thân cận với những người có cùng sở thích với như là người thích nhậu nhẹt thích bạn nhậu nhẹt, người thích máy móc thích bạn thích máy móc, người thích thơ văn thì thích bạn biết thơ văn. Sự đồng cảm làm cho con người đến gần nhau. Nhưng chúng tôi nhớ có một học giả là cụ Nguyễn Lê có viết một câu: "không có điều gì phù phiếm cho bằng người ta lấy nhau vì tình yêu văn nghệ". Nếu người ta vì yêu văn nghệ, nếu người ta vì yêu nghệ thuật mà lấy nhau thì chưa hẳn là hạnh phúc. Và chúng ta cũng có thể nói rằng không có gì phù phiếm cho bằng bởi vì có cùng sở thích thành ra người ta thân cận nhau. Có những sở thích rất là tầm thường thí dụ như hai người cùng thích coi đá banh, hai người cùng thích nhảy đầm trở thành bạn thân, cái thân đó thật sự không dẫn chúng ta đi về đâu hết.

 Về điểm này thì nói đến một thứ trí trong đạo Phật gọi là trạch pháp, trạch pháp tức là trí tuệ phân biệt giúp chúng ta hiểu được là bản thân của mình có những ưu điểm gì nên phát triển thêm và có những khuyết điểm gì chúng ta nên bổ khuyết. 

Nói về khuyết điểm ở trong kinh Phật đề cập đến 5 trạng thái đó là tham dục, sân hận, hôn trầm thụy miên, hoài nghi và phóng dật. 

- Tham dục nghĩa là con người chúng ta ham hố nhiều quá, chúng ta nặng cái gì đó cứ lao đầu vào đó ham muốn nhiều quá. 

- Sân hận có nghĩa là con người chúng ta hay phẫn nộ hay bực tức hay khó chịu hay bất mãn hay chỉ trích. 

- Hôn thụy ở đây tức là uể oải, dã dượt buồn ngủ thụ động là người ham ăn ham ngủ, ở đây chúng ta nói người ham ngủ tức là thường thường sống ở trong sự dật dừ.

- Hoài nghi là con người lúc nào cũng phân vân cũng lưỡng lự lúc nào cũng nhìn cuộc đời bằng sự ngờ vực. 
- Phóng dật ở đây tức là sự giao động, sự lăng xăng, không yên không thể lắng đọng được.

Thì 5 trạng thái tham dục, sân hận, hôn thùy, hoài nghi phóng dật là 5 khuyết điểm chúng ta thường có. 

Năm ưu điểm một hành giả có thể có được chúng ta phải phát triển đó là:

- Niềm Tin là, thí dụ như một người làm phước, không phải là vì người khác ép mình làm phước mà do mình làm phước vì mình tin vào mình rất nên làm phước. Chúng tôi lấy ví dụ ở tại các quốc gia Phật giáo một học sinh sắp đi thi họ cũng làm phước để bát cho Chư Tăng, hay  một người có việc gì lo lắng thì họ cũng làm phước thì đó là họ biểu lộ niềm tin.

- Tấn Lực, là sự siêng năng, một sự nỗ lực cố gắng. Có những người đời này sống bằng nghị lực, có những người không có nghị lực. Người có nghị lực thì họ thấy rằng mình có thể làm điều này mình có thể làm điều kia. Nhưng người không có nghị lực họ làm cái gì cũng nản, nhìn cái gì cũng thấy khó. Qúi vị để ý thấy rằng một người rất giỏi dọn dẹp, họ nhìn thấy nhà bếp dơ họ bắt tay vào dọn dẹp chứ không nói như chúng ta là nhiều đồ dơ quá làm sao dọn. Nhưng người có nghị lực thì khác. Nghị lực là nhìn thấy cái đó cần dọn thì bắt đầu từ cái gì đó rồi dần dần cũng dọn hết. Một người không có nghị lực nhìn thấy một vấn đề khó khăn thì quay mặt chạy trốn thì người đó quả thật là có vấn đề. Chúng ta phải từng bước một để cải thiện, chúng ta làm được, cái đó gọi là có nghị lực hay là có Tấn Lực.

- Niệm lực, là khả năng tỉnh táo khả năng biết cái gì mình đang làm, khi chúng ta nói chuyện thì chúng ta không nói lạc đề, khi chúng ta đi đường chúng ta biết đường đi lối về, khi chúng ta làm việc gì đó thì để tâm trọn vẹn trong việc đó không làm nơi này nghĩ nơi khác. Chúng ta gọi là có Niệm Lực.

- Định lực, là khả năng tập trú, và Định Lực tạo cho chúng ta sự bền bỉ, sự kiên trì, mình có thể làm được việc đó, tiếp tục làm việc đó, và tiếp tục làm việc đó,  gọi là Định Lực. Một người mà lúc nào cũng lăn xăn, việc nào cũng không xong, làm việc này lở dở buông chạy qua việc khác, làm việc khác buông chạy qua việc khác nữa thì sự lăn xăn đó là thiếu Định Lực.

- Tuệ Lực, là khả năng hiểu, khả năng quán triệt, khả năng nhìn xuyên xúc nhân quả của vấn đề, đây là nguyên nhân, đây là hậu quả, đây là khổ, đây là nhân sanh khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường đưa đến sự diệt khổ. Chúng ta gọi là Tuệ Lực.

Thì bây giờ, khi chúng ta nhận thức trong đời sống có 5 nhược điểm và 5 ưu điểm. Trong kinh dạy rằng nếu chúng ta muốn bớt đi những nhược điểm thì chúng ta tránh những người bạn nặng về những nhược điểm đó. Lấy ví dụ, nhược điểm của chúng ta là sân hận, chúng ta hay sân hay phẫn nộ, bây giờ người bạn, dầu người bạn đó là bạn tri kỷ là bạn tốt người tánh cũng nóng nảy cũng sân hận như mình thì hai người là lấy lửa đốt cho nhau, thì sự việc là như vậy. Lấy lửa đốt cho nhau có nghĩa là mình đang nổi cơn sân giận phừng phừng về việc gì đó mà lẽ ra người kia tìm cách làm nguội mình thì người này lại đổ dầu vào lửa. Chúng tôi nhớ rằng chúng tôi có quen với một cặp vợ chồng trung niên, và mỗi lần bà vợ có chuyện bất mãn với ai đó và chửi người đó thì ông chồng nhảy vào cũng chửi người đó cũng hung hăng với người đó, mà không phải là một lần mà nhiều lần như vậy thì khi chúng tôi thấy hình ảnh đó thì chúng tôi thấy rõ ràng là không biết ông chồng có thương người vợ điều gì nhưng rõ ràng là ông chồng đổ dầu vào lửa, bà vợ bất mãn người đó một nhưng ông chồng nói ra nói vô rồi bà vợ bất mãn tới hai ba thì thưa qúi vị đó thật sự không phải là sự thân cận tốt. 

Sự thân cận mà giúp cho chúng ta giảm thiểu nhược điểm của chúng ta là như vầy; mình là người có nhiều sự ham hố tham lam ham muốn cái gì đó mình gần một người ít có tâm tham thì người ít tâm tham đó họ là cái thắng điều chỉnh chúng ta. Chúng tôi nhớ là hồi chúng tôi mới về gặp Ngài Hoà Thượng Hộ Giác, chúng tôi có những cái tính như là nói nhanh, ăn nhanh, đi nhanh và làm việc gì cũng nhanh, thì chúng tôi ở với Ngài vài ba tháng thì Ngài có nhắc chúng tôi, Ngài nói mình nói nhanh có thể người ta nghe không rõ, mình ăn nhanh chưa chắc là mình ăn ngon và Ngài khuyên chúng tôi nên điều chỉnh cho chậm lại, thì về sau này chúng tôi mới thấy rằng những sự nhắc nhở của Ngài như vậy giúp cho chúng tôi nhiều. 

Thì như vậy, điều đó có nghĩa là nếu mình có một nhược điểm mà có người khác thấy được nhược điểm đó và chỉ cho chúng ta nhược điểm đó và giúp cho chúng ta điều chỉnh nhược điểm đó thì đó là tốt hơn là mình có nhược điểm mà mình đi tìm người khác có nhược điểm giống như vậy và người đó với mình kéo nhau xuống hố hết. 

Đức Phật Ngài dạy: nếu gặp người trí chỉ lỗi cho mình thì giống như là người chi kho báu mình nên thân cận với người đó. Nếu có một người nào đó họ chỉ cho mình kho báu, chỗ đó có kho vàng, chỗ đó có trầm hương, chỗ đó có vật qúi này nọ. Thì quả thật là nếu bậc trí chỉ cho mình thấy rằng bạn có nhược điểm như vậy nên điều chỉnh lại thì điều đó Đức Phật gọi là giống như người đó chỉ cho mình kho báu, mình nên hoan hỉ. 

Vì vậy khi mình nói đến chuyện thân cận bạn lành thì 

- Thứ nhất,  mình phải thấy rõ cái gì là nhược điểm, cái gì là ưu điểm, và nhược điểm nào cần được điều chỉnh, được loại bỏ, được giảm thiểu và ưu điểm nào cần được tăng trưởng. 

Con người chúng ta có điểm rất lạ là mình không thích bổ túc cái mà mình thiếu, nếu mình không thích bổ túc cái mình thiếu thì mình có vấn đề.

 Lấy ví dụ, những người hay lý luận hay học hỏi thì người đó có trí tuệ. Nhưng có nhiều người có trí tuệ mà không có đức tin thì cần gần những người có đức tin. Để chi vậy? Để mình có thêm thiện pháp.

 Chúng tôi thấy có một số vị có khuynh hướng như vầy là họ thích ngồi Thiền thích học Phật Pháp thì lại chê những người nấu ăn nấu bếp là những bà già trầu là những người đi chùa chỉ làm công quả. 

Nhưng chúng ta không thấy một điều là nếu chúng ta thích học Phật Pháp thích ngồi Thiền thì có thể là chúng ta thiên về Tuệ, chúng ta thiên về Niệm về Định nhưng đối với chúng ta là thiếu đức tin. 

Còn những người đi chùa làm công quả họ hy sinh thì họ có được đức tin và không chừng cái đức tin của họ bổ túc cho mình, mình cũng nên học hỏi.

Những bậc Thầy của chúng tôi như Ngài Tịnh Sự chẳng hạn, nói về trí tuệ thì Ngài là chủ về trí tuệ nhưng điều đó không có nghĩa là Ngài bỏ những phần đức tin, đời sống của Ngài, Ngài nhắc là nên tạo chùa tứ phương tăng rồi nên bố thí nên trì giới, Ngài nhấn mạnh về điểm đó, thì điều đó chúng tôi có thể tìm thấy ở Ngài một điều là Ngài muốn quân bình về đức tin. Thì qúi vị nhớ là chiếc xe chạy không phải chỉ có cái bánh hay cái hộp số hay là máy xe mà chiếc xe vận hành được là do nguyên một tổng thể gồm tất cả các cơ phận hợp lại.

 Đức Phật nhắc chúng ta rằng Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ đều cần được phát triển, cần được quân bình. Chúng ta có Niềm Tin rồi có NghịLlực, rồi chúng ta có sự Tỉnh Thức có Tập Trung rồi có Trí Tuệ có sự sáng suốt. Nhưng những điểm đó cũng đòi hỏi cái này nó đòi hỏi cái khác chứ không phải chỉ có một cái mà thôi. Do vậy một người khéo là người biết ai phải nên thân cận. Có một Phật tử ở chùa, cô này học không có nhiều và rất hoan hỉ làm phước nhưng về sau này chúng tôi khám phá ra cô có tính rất tốt đó là cô rất chịu khó nghe pháp. Có một vài lần cô  nghe pháp rồi cô về cô hỏi lại thì thật sự trong lòng chúng tôi rất hoan hỉ một điểm là một người sống với đức tin thường làm phước làm công quả mà chịu khó nghe pháp như vậy đó là cách bổ túc.

 Ở tại Mỹ có một hệ thống trường học, chúng tôi hy vọng một ngày nào đó hệ thống đó sẽ được đem về quê hương của chúng ta đó là Community College là Đại Học Cộng Đồng, trường học này bổ túc cho chúng ta những điểm thiếu. Thí dụ như người Việt Nam mới qua Mỹ có trình độ về toán về khoa học nhưng chúng ta thiếu về Anh ngữ thì vào trường đó họ dạy tiếng Anh bắt đầu từ đầu. Có những người họ  rất giỏi về nhân văn nhưng họ rất yếu kém về toán thì vào đó học bổ túc về toán. Họ không phải chỉ dạy bổ túc cho chúng ta biết sơ đẳng mà thậm chí giúp cho chúng ta thi vào đại học được. Thì sự bổ túc như vậy làm đẹp cuộc sống.
 Ở đây, chúng ta phải biết cân phân đây là ưu điểm, đây là khuyết điểm. Khi nói đến ưu điểm và khuyết điểm thì chúng ta cũng hiểu là ưu điểm thì cũng phải có quân bình về Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ, cả 5 đều cần được quân bình. Mình có cái này là tốt nhưng xem mình có cần thêm cái khác hay không. Và nói đến nhược điểm thì chúng ta nói rằng tham dục, sân hận, hôn thùy, hoài nghi, phóng dật chúng ta xem chúng ta nặng về cái nào và dựa trên điều đó chúng ta phải biết được người bạn nào thích hợp cho chính mình.

Trong Thanh Tịnh Đạo, chương thứ hai nói về Định, ở trong đó có nói 5 triền cái là 5 pháp ngăn ngại. Chúng ta thấy rõ là:
Nếu chúng ta muốn giảm thiểu tham dục thì chúng ta nên thân cận với bạn ít tham.
 Nếu chúng ta muốn giảm sân hận thì nên thân cận với bạn ít sân. 
Nếu chúng ta muốn giảm hôn thùy thì chúng ta nên thân cận với bạn tinh tấn ít có hôn thùy. 
Nếu chúng ta muốn giảm sự hoài nghi thì chúng ta nên thân cận với bạn ít hoài nghi. 
Nếu chúng ta muốn giảm thiểu sự phóng dật thì nên gần bạn ít phóng dật.
Và ngược lại, nếu chúng ta thiếu đức tin thì nên thân cận với bạn nhiều đức tin. 
Nếu chúng ta muốn có nhiều nghị lực  thì chúng ta phải thân cận với bạn nhiều nghị lực.

Ở đây, vấn đề mình biết bổ túc. Như bây giờ tại Mỹ họ có chương trình rất hay. Mình đi vào trong cuộc đời này làm việc không phải mình chỉ phô diễn chỉ phát huy sở trường của mình nhưng nếu mình có những cái yếu kém gì đó thì họ có những chương trình học bổ túc, thì sự giáo dục đó giúp cho chúng ta bổ túc những cái chúng ta yếu kém, như bổ túc văn hóa hay bổ túc kỹ năng hay là bổ túc cái gì đó, sự bổ túc đó giúp cho chúng ta khả dĩ quân bình giống như cái ghế 4 chân. Qúi vị tưởng tượng có một cái ghế mà chân cao chân thấp thì nó gập ghềnh chông chênh nó không có bằng phẳng không có vững vàng. 

Thì bây giờ, khi chúng ta tìm và thân cận với bạn lành ở trong khuynh hướng như vậy thì chúng ta cũng phải ý thức được một điểm là bạn lành thì khó kiếm mà bạn ác hay là bạn xấu thì nhiều. Có câu : "Thường những người đến không tốt những người tốt không đến". Những người thật sự tốt, họ bận rộn, những người tốt thì đa phần là họ ít có thời gian chạy ra ngoài lăn xăng.

 Chúng tôi có nghe và có chứng kiến một số trường hợp đôi lúc nó ở tình trạng báo động nhưng mà rồi chúng ta có rất ít khả năng làm chuyện gì để thay đổi, nó chỉ là sự cảnh báo thôi. Đó là ngày nay chúng tôi nghe những câu chuyện ở Việt Nam hay là ở Mỹ nhưng nhiều là ở VN. Có một số các vị xuất gia một số các vị tăng ni có tính la cà nhà Phật tử, tại vì sự la cà đó như là lân la đến nhà Phật tử để làm thân lâu rồi để tạo ra sợi giây liên hệ, giây liên hệ đó để nhờ giúp đỡ việc này giúp đỡ việc khác và những người Phật tử đa số họ thích những vị tăng mà hay  la cà như vậy. Tại vì sao? Tại vì họ cảm thấy là những vị đó gần gủi  là mình quan trọng, cảm thấy mình dễ đến gần với những vị đó. Nhưng thưa, nó tạo ra nhiều phức tạp. 

Qúi vị cứ tưởng tượng một vị tu sĩ không có tu tập không có phục vụ mà cứ có thì giờ rảnh rang để đến nhà Phật tử từ sáng đến chiều, từ ngày này qua ngày khác thì không sớm thì muộn nó cũng có vấn đề phức tạp. Nhưng Phật tử thì không ý thức những chuyện đó. Ở tại các quốc gia Phật giáo thì người ta ý thức chuyện đó, những nhà sư như vậy người ta không hoan hỉ nhưng người VN thì lại thích những nhà Sư như vậy thì không trách chi chúng ta tạo nên những trường hợp phức tạp ở trong cộng đồng Phật giáo. 

Qúi vị nhớ một điều, một người làm cho mình thích một người mang lại sự thoải mái cho mình không nhất thiết là người đó là một người bạn tốt. Con người của chúng ta ngày hôm nay nhân danh rất nhiều thứ nhu cầu: như là mình cô đơn quá, mình cần có người nói chuyện, như là mình muốn có ai để thố lộ tâm sự, mình cần có người lắng nghe nhưng mà những thứ đó không tạo ra người bạn tốt. 

Bạn tốt đôi khi như tìm ngọc ở trong đá, chúng ta phải đi tìm một cách gian khổ và tiếp tục tìm cho đến ngày nào đó thật sự mình tìm một người mà mình hiểu rằng đây là người mình có thể nương nhờ được. Chuyện đó không có dễ. 

Đời sống càng ngày khiến người ta sống hai mặt và chúng ta rất khó biết được ai là người có bản lãnh thật sự, ai là người có nghị lực thật sự, ai là người có sự hiểu biết thật sự. 

Và chúng ta không hiểu một điều còn tệ hơn nữa là chúng ta dựa trên cái nhìn rất giới hạn của mình để đánh giá tất cả. Một người không giỏi về hột xoàn kim cương mà đánh giá hột xoàn kim cương thì rất là nguy hiểm. Một người không biết thế nào là thiện thế nào là bất thiện mà đánh giá thế nào là bạn tốt thế nào là bạn xấu thì rất là nguy hiểm. Tại vì sao? Tại vì chúng ta thật sự không hiểu. Chúng tôi nghe những người VN nói chuyện, đôi khi các vị chưa hành thiền một ngày mà đi sang Miến Điện nghe người này đồn người kia đồn rồi đánh giá vị thiền sư này thế này vị thiền sư kia thế kia, thật ra không có đơn giản chút nào.

 Khi chúng tôi ở miền quê chúng tôi nhớ có những người rất giỏi để nhận diện trái cây, người ta có thể búng vào trái dừa và khi họ búng vào trái dừa thì họ có thể biết được là đó là dừa mới đóng cháo, hay dừa nạo hay dừa cứng cại hay dừa khô, muốn biết dừa khô thì dễ, nhưng dừa vừa đóng cháo hay dừa nạo hay dừa cứng cại thì phải quen lắm búng mới nghe, có những người họ rất giỏi về điểm này, rất giỏi. Nhưng để tìm người giỏi đó không phải là dễ. Chúng tôi thấy có nhiều người thấy người ta búng mình cũng búng nhưng người ta búng người ta nhận ra đây là trái dừa nước ngon nước ngọt có cháo có thể ăn được, có những người họ búng mà họ làm cũng trật như thường. 

Có những người họ ghiền coi bói, thấy ai coi bói họ cũng nhờ coi. Chúng tôi phải nói rằng một trăm ông thầy bói thì hoạ hoằn lắm mới có một người tương đối có trình độ về tử vi, đa phần chỉ là lợi khẩu mà thôi, họ có cái miệng dẻo nói vậy thôi chứ thật sự không giỏi về bói nhưng họ nói làm cho người khác tin thì điều đó cho chúng ta thấy rằng sự hiểu biết khả năng lựa chọn sự đánh giá của chúng ta rất là hạn chế. Khi chúng ta nói rằng ai là người mình nên thân cận, ai là người không nên thân cận nhưng chúng ta nên hiểu là tìm được một người bạn lành, tìm được một người chúng ta có thể nương tựa được, tìm được một người mà họ thật sự có chân tài, tìm một người thật sự có đức độ thì như tìm ngọc ở trong đá. Chúng ta phải tự nhắc mình về điểm đó.

Đạt đến mức độ tinh tế để mà nhận diện đúng mức không phải ai cũng nhận diện được điều đó, đa phần chúng ta rất là hời hợt.

Điểm sau cùng chúng tôi muốn nói, ở trong Trung Bộ Kinh Đức Phật có dạy nếu chúng ta ở gần một người nào mà thấy rằng do mình ở gần người đó bất thiện pháp sanh khởi thì nên bỏ nên rời xa nơi đó càng sớm càng tốt, kể cả lúc nửa đêm cũng bỏ đi. Nhưng nếu chúng ta ở gần một người nào mà chúng ta thấy rằng thiện pháp tăng trưởng dầu người đó có la rày có trách móc dầu người đó có khiển trách chúng ta đi nữa thì chúng ta cũng nên cố gắng ở lại. 

Ông bà chúng ta nói "Ngọt mật chết ruồi, thuốc đắng đã tật". Những người nói tốt cho chúng ta những người thật sự lợi ích cho chúng ta thường là những người không có mưu đồ, những người đó không vuốt ve lòng tự ái chúng ta, những người đó không xu nịnh chúng ta thì chúng ta lại không thích. Chúng ta thích  những người nào làm cho chúng ta thoải mãn tự ái, làm cho chúng ta cảm thấy là mình quan trọng, ở gần những người đó thường là những người đó không giúp cho chúng ta được nhiều lắm. 

Do vậy Đức Phật dạy: dù ở gần một vị thầy khó nhưng mình được tiến bộ thì mình cũng nên. Nhưng nếu một người mình cảm thấy rất vui rất thoải mái khi ở gần mà chúng ta lui sụp thì chúng ta không nên. Đây là vấn đề sự lựa chọn khôn ngoan của chúng ta trong đời sống. Có những lần chúng tôi đi Á Châu ở đó có những phiên chợ đêm, người ta bán đủ thứ thượng vàng hạ cám và khi họ bán như vậy thi có những người bán hàng rất giỏi. Những người bán hàng rất giỏi không có nghĩa là mặt hàng họ bán là tốt, có những người họ rất chân chất lời chào hàng không khéo nhưng không nhất thiết là cái họ bán là dở. Nếu chúng ta chỉ muốn nghe lời ngon tiếng ngọt thì chúng ta đi chợ trời chỉ có mà chết, bởi vì chúng ta dễ bị dụ dỗ. 

Một người đi giữa chợ đời, còn cực hơn là chúng ta đi tìm một món đồ có giá trị ở trong một phiên chợ đêm. Nhưng phiên chợ đêm trời đã tối ở chung quanh có bao nhiêu người mà đồ chợ trời thì thật ra khó tìm một món nếu như nó thật sự là tốt. Nhưng điều đó vẫn còn dễ hơn là tìm một người bạn tốt ở giữa cuộc đời này. 
Dù muốn dù không đi nữa thì chúng ta phải nhìn nhận rằng những người gần chúng ta ảnh hưởng chúng ta rất nhiều, nhiều đến đỗi chúng ta không ngờ được. Chúng tôi nhớ là ngày xưa khi Sư Giác Nguyên sang Houston, Sư Giác Nguyên ở chùa một thời gian rất ngắn mà chúng tôi nghe nhiều người đã bắt đầu thay đổi giọng nói, khi họ nói chuyện họ hay nói "má nhìn không ra" cái thành ngữ "má nhìn không ra" trước kia ở trong chùa chúng tôi không nghe ai nói, chỉ khi Sư Giác Nguyên nói trong thời gian ở trong chùa thì người ta bắt đầu sài cái đó nhiều. Thì ở đây chúng ta dễ dàng nhận thấy cái ảnh hưởng của người khác.

 Đối với cuộc sống của chúng ta, chúng ta nên ý thức và chính vì cái ý thức đó làm cho chúng ta phải cân nhắc hơn bao giờ hết khi chúng ta thường qua lại, thường tiếp xúc, thường trao đổi với một người nào đó. Câu nói: "tri âm khó tìm" nhưng chúng ta phải nói rằng ở đây không phải vấn đề tri âm không một người bạn tốt rất là khó tìm, khi tìm được cũng khó được thân cận, khi thân cận cũng rất là khó để chúng ta chấp nhận sự xây dựng của người đó. Và ai là người vượt qua cửa ải đó thì người đó sẽ có thành tựu lớn ./.

No comments:

Post a Comment