Friday, June 20, 2014

Chuyện Xưa Tích Cũ - CÁI CHUÔNG, CÁI TRỐNG, CÁI MÕ

CÁI CHUÔNG, CÁI TRỐNG, CÁI MÕ

Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình


Lời tục có câu: “Cứu vật, vật trả ơn, cứu nhân, nhân trả oán.”và nhắc lại câu chuyện sau này: -Anh chàng nho sĩ nọ lo sôi kinh nấu sử, chờ khi ra kinh đô ứng thí. Hằng ngày chàng cầu nguyện Phật, trời phù hộ, lo làm việc phước đức. Lúc đi dạo, chàng gặp lũ trẻ chăn trâu đang bắt được một con lươn to lớn. Nho sĩ nói: -Tụi bay bắt làm chi vậy? Thả ra đi. 

Lũ trẻ nói: -Bắt để nướng ăn chơi. 

Chàng nho sĩ nhìn con lươn, thấy nó chảy nước mắt như muốn khóc, chàng nài nỉ mấy đứa bé mua con lươn lại. Đem đến mé sông, chàng thả con lươn mà nói: Cứu vật, vật trả ân, cứu nhân, nhân trả oán. Ta cứu mi, phóng sanh mi. Vậy thì mi phải đền ơn giúp ta chiếm lấy bảng vàng. 

Năm sau, chàng ra đất kinh ứng thì, lòng dạ khấp khởi mừng thầm, tin rằng thế nào cũng thi đậu. Dè đâu chàng thi rớt, buồn tình quảy khăn gói về quê mà an phận học tài thi mạng. 

Đến mé sông nọ, chàng gặp bọn lính đứng canh phòng cẩn mật nơi bến đò. Hỏi thì lính trả lời nguy hiểm lắm! Dưới bến đò có con mãng xà thường nổi lên nhận chìm ghe xuồng. Ai muốn qua sông thì phải chờ tụi tôi hộ tống mới bình yên được. 

Chàng nho sĩ hỏi: -Chừng nào mới hộ tống. 

Bọn lính khuyên chàng chờ khi đò đầy chừng vài chục người. Nóng lòng, chàng muốn ra giữa sông để tìm con mãng xà nọ mà tra hỏi; chắn chắn rằng nó là con lươn hồi năm trước chàng đã phóng sanh. Chàng năn nỉ. Bọn lính cho phép chàng qua trước một mình. 

Đến giữa sông, sóng gió ầm ầm. Con mãng xà hiện lên, phun nước hả miệng chờ mồi. Chàng nho sĩ chỉ vào mặt nó hét: -Mi không nhớ sao? Ta đã cứu mi, không nỡ để mấy đứa chăn trâu ăn thịt mi …

Con mãng xà nói: -Thây kệ, ta ăn thịt mi lập tức. 

Chàng nho sĩ nói: -Mi nói vậy có tội lắm. Cứu vật, vật trả ơn, cứu nhân, nhân trả oán. Trả oán như vậy đó hả? 

Con mãng xà cãi lại: “Cứu vật, vật trả oán.” Túng cùng chàng nho sĩ thách đố con mãng xà nọ đi với mình để hỏi những người dọc đường coi câu nói ai là đúng. Chàng nói: -Mi với ta gặp nhau ba người đầu tiên thì cứ hỏi. Nếu họ nói rằng đúng thì mi có tội. Bằng không thì ta chịu tội. 

Bước lên bờ, họ gặp phải một con trâu già đang ăn cỏ. Chàng nho sĩ phân trần. Con trâu đáp: -Cứu vật, vật trả oán, như vậy mới đúng. 

Tức thì con mãng xà rống lên, toan ăn thịt chàng nho sĩ. Chàng nho sĩ khuyên nó hãy chờ vì còn phải hỏi thêm hai người nữa. 

Chập sau, họ gặp một con cá chẽm. Con cá chẽm nói: -Xưa nay, cứu vật thì vật trả oán, không bao giờ vật trả ơn. Con mãng xà nói đúng! 

Bị thua lần thứ nhì, chàng nho sĩ vô cùng đau xót trong lòng. Tuy nhiên, chàng vững lòng tin tưởng nơi trời Phật. 

Đức Thế Tôn muốn cứu chàng nên hiện ra làm một ông lão râu tóc bạc phơ, chống gậy đi lại. 

Con mãng xà nói với nho sĩ: -Người thứ ba đã đến. Nếu phen này mi thua nữa thì ta có quyền ăn thịt mi. 

Ông lão nọ – tức đức Thế Tôn – bèn mời nho sĩ, con mãng xà, con cá chẽm và con trâu vào một ngôi chùa gần đó mà phân xử cho rõ đầu đuôi. 

Ông lão nói: -Nho sĩ này nói đúng. Tụi bây toa rập nhau để ám hại người lành. Từ rày về sau, con mãng xà này trở thành cái giá để treo chuông, con trâu này phải lột da bịt trống, con cá chẽm phải trở thành cái mõ. Khi tụng kinh, lễ Phật, các sư sãi có quyền hành tội các ngươi, dộng chuông, gióng trống, gõ mõ để nhắc nhở cho muôn loài về sự ăn ở ngay thẳng.

No comments:

Post a Comment