Wednesday, April 30, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Tại sao mạn lại liên hệ tới "tham" và khổ đau?

Hỏi: Trong câu Phật ngôn:  "Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri không liễu tri Mạn, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, thời không có thể diệt được khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri liễu tri Mạn, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau", tại sao mạn lại liên hệ tới "tham" và khổ đau? - TT Tuệ Siêu

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 9-4-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Tuệ Siêu: Khi Đức Thế Tôn Ngài dạy rằng: " ai không thắng tri không liễu tri Mạn, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, thời không có thể diệt được khổ đau. Ngược lại, ai thắng tri liễu tri Mạn, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau".

Sự liên hệ giữa mạn và tham trong A Tỳ Đàm (Vi Diệu Pháp) ghi nhận tham có hai trường hợp  là Tham Hợp Tà Kiến và Tham Ly Tà Kiến.

Tham Hợp Tà Kiến , tà kiến luôn luôn tương ưng với tâm tham cho nên đến đạo quả Tu Đà Hườn diệt trừ được tà kiến có nghĩa diệt trừ được nửa phần tham ái, bởi vì 8 tâm tham trong đó có 4 tâm tham tương ưng tà kiến nên phải diệt được tà kiến thì diệt trừ được phân nửa tâm tham.

Tham Ly Tà Kiến, nếu Mạn có sanh khởi thì Mạn sanh khởi trong tâm Tham Ly Tà. Ở đây, khi bậc hữu học Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, ba bậc Thánh hữu học ấy chưa diệt trừ được Mạn nên tham ly tà vẫn còn. Trong khi, bậc Thánh quả Vô Học tức là bậc A La Hán thắng tri liễu tri được Mạn tức là đã đoạn trừ được Mạn rồi thì lúc bấy giờ Tham Ly Tà không có thì như vậy có nghĩa là 8 tâm tham đã được đoạn trừ.

Cũng ví dụ như nhánh lá, lá nương theo cành theo nhánh, nếu chặt nhánh thì lúc đó lá không còn tươi tốt nữa, lá sẽ héo khô sẽ chết đi. Ngã Mạn nương theo tâm tham, do đó nếu đã liễu tri thắng tri được Mạn thì tâm Tham đó không còn.

Sở dĩ chúng tôi nói lúc ban đầu nói về Tham liên hệ Tà Kiến, phải nói trước là để cho quí vị hiểu rằng Tham Tà Kiến thuộc hạ phần kiết sử và đã được thánh đạo Tu Đà Hườn đoạn trừ nên khi đạt đến thánh đạo A La Hán thì lúc đó đoạn trừ Ngã Mạn có nghĩa là đoạn trừ hết tâm tham. Bởi vì 4 tâm Tham Hợp Tà Kiến đã được đoạn trừ xong từ lúc còn hữu học. Bây giờ phần còn lại chỉ là 4 tâm Tham Ly Tà. Nếu như đoạn trừ Ngã Mạn thì có nghĩa là chứng quả A La Hán.

Còn chúng ta nói cách khác: Trong 5 thượng phần kiết sử uddhambhāgiya-samyojana là sắc ái, vô sắc ái, mạn, phóng dật và vô minh thì chúng ta nói rằng nếu trong 5 thượng phần kiết sử đó hễ đoạn trừ tận gốc có nghĩa là đã thắng tri liễu tri được một trong 5 thượng phần kiết sử đó thì cũng có nghĩa là vị ấy đã đạt đến trạng thái tâm ly tham trạng thái tâm dứt bỏ.

Chúng ta dùng từ dứt bỏ ở đây nó nhẹ quá đúng ra chữ pajahathāti đoạn tận hay là đoạn trừ. Chúng ta gọi là đoạn trừ, thì lúc đó là diệt được sự khổ đau.

Bây giờ có người học Vi Diệu Pháp họ nói rằng; trường hợp Mạn tương ưng với tâm Tham Ly Tà nó bất định, nghĩa là có trường hợp Tham Ly Tà không có Ngã Mạn như vậy thì sao? Nếu như đoạn trừ Mạn rồi thắng tri liễu tri Mạn rồi thì liệu có thể ly tham hoàn toàn để có thể đoạn diệt khổ đau hay không?

 Thì ở đây, chúng ta nói như vậy cũng có lý chứ không phải là không có lý. Nhưng có điều chúng ta nên nhớ 5 thượng phần kiết sử là; sắc ái, vô sắc ái, mạn, phóng dật, và vô minh hễ đoạn tận được một kiết sử nào trong 5 kiết sử đó thì có nghĩa là toàn bộ những thượng phần kiết sử đều được kết thúc, trở thành một vị A Lá Hán sẽ không có trường hợp một người đoạn trừ khát ái đoạn tận sắc ái mà còn lại là vô sắc ái - không thể có.

Chúng ta đọc trong bộ Yamaka - bộ Song Đối, bộ thứ 6 của tạng Vi Diệu Pháp thì chúng ta sẽ thấy cách lập luận này: Ai đang diệt trừ ái sắc thì người đó cũng đang diệt trừ ái vô sắc cũng đang diệt trừ mạn, đang diệt trừ phóng dật, đang diệt trừ vô minh, phải chăng? thì chúng ta nói phải rồi.

Như vậy có nghĩa là ai đoạn trừ Mạn thì người đó cũng có nghĩa là trừ ái sắc, ái vô sắc. Dựa theo đây thì chúng ta sẽ thấy bảo đảm rằng khi thắng tri liễu tri Mạn thì lúc đó tâm ly tham, hễ tâm ly tham thì đạt đến sự diệt tận khổ đau - virājayaṃ pajahaṃ bhabbo dukkhakkhayāyā.  Điều đó chắc chắn là như vậy.

Nói trên phương diện chi pháp như thế. Bây giờ chúng ta nói trên phương diện ý nghĩa.

 Vì sao khi một người liễu tri thắng tri được Mạn thời tâm người ấy sẽ Ly Tham đoạn trừ và diệt tận khổ đau. Tại sao vậy?

 Ở đây, nói đến 9 pháp mạn  (Māna)::
1. Hơn ỷ hơn (Seyyassa seyyo' hamasmī' ti māno).
2. Hơn ỷ bằng (Seyyassa s-diso' hamasmī' ti māno).
3. Hơn ỷ thua (Seyyassa hīno' hamasmī' ti māno).

4. Bằng ỷ hơn (Sadisassa seyyo' hamasmī' ti māno).
5. Bằng ỷ bằng (Sadisassa sadiso' hamasmī' ti māno).
6. Bằng ỷ thua (Sadisassa hīno' hamasmī' ti māno).

7. Thua ỷ hơn (Hīnassa seyyo' hamasmī' ti māno).
8. Thua ỷ bằng (Hīnassa sadiso' hamasmī' ti māno).
9. Thua ỷ thua (Hīnassa hīno' hamasmī' ti māno).

Như vậy, chúng ta có 9 pháp mạn, không thể nào một kẻ phàm phu có thể vượt qua được 9 cách đó. Chớ nghĩ rằng chỉ khi nào mình có sự cống cao hống hách mình coi thiên hạ tầm thường không bằng mình, chúng ta cho rằng như vậy mới là Ngã Mạn Kiêu Mạn còn những cách khác thì chúng ta không cho là Kiêu Mạn.

Thật sự, một người thua ỷ thua tức là họ thấp kém họ ỷ họ thấp kém đó cũng là sự kiêu mạn. Một kẻ hàn sĩ tự cho mình là thấp thỏi không xứng đáng để ngồi ngang với vị vua dầu cho vị vua cố tình mời đi nữa, nhưng vị hàn sĩ đó nói rằng "thân phận của chúng tôi của một tiện nhân thì không thể nào có thể đàm luận hay là ngồi chung với vua được". Nói như thế cũng là một ý Kiêu Mạn. Bởi vậy ở đây người ta mới có câu nói "một lần khiêm tốn bốn lần tự cao".

Thành ra, khi diệt trừ Mạn là diệt trừ cả 9 cách Kiêu Mạn này thì lúc đó không còn tham tiềm ẩn tức là trạng thái tâm ly tham.

Đây là ý nghĩa chúng tôi xin được chia xẻ./.

No comments:

Post a Comment