Saturday, April 19, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Câu Phật Ngôn: “ Sau khi Như Lai viên tịch Pháp và Luật sẽ là thầy của các con ” nên được hiểu thế nào?

Hỏi: Câu Phật Ngôn: “ Sau khi Như Lai viên tịch Pháp và Luật sẽ là thầy của các con ” nên được hiểu thế nào?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma, ngày 21-11-2013 Tín Hạnh chuyển biên) 

TT Tuệ Siêu: Khi Đức Thế Tôn sắp viên tịch Niết Bàn, Tôn giả Ānanda bạch hỏi Ngài : “ Sau khi Như Lai viên tịch thì Tăng chúng sẽ không còn bậc đạo sư nữa”. Lúc đó, Đức Phật dạy rằng : “Yo vo Ānanda mayā dhammo ca vinaya ca desito paññatto so vo mam' accayena satthā”- “ Này Ānanda, Pháp và Luật nào mà Như Lai đã thuyết giảng về chế định, chính Pháp và Luật ấy là bậc đạo sư của các ngươi sau khi ta diệt độ”.

Danh từ “satthā”, tức là chỉ cho bậc đạo sư, đúng nghĩa chữ “satthā” là sasatī 'ti có nghĩa là thuyết giáo. Ở đây từ ngữ dùng cho Pháp và Luật này, chữ “satthā” là để chỉ cho Đức Phật mà thôi. Tức là bậc đạo sư của giáo pháp này, nên trong Mười ân đức Phật có từ “ Satthādevamanussānaṃ” là Thiên Nhân Sư. Đạo sư là vị thầy trong giáo pháp, nhưng ở trong Pháp và Luật của Đức Phật dùng từ “ Thầy ” có nhiều từ, mà mỗi một từ phải sử dụng đúng chỗ. Ví dụ chúng ta xuất gia có Thầy tế độ (upajjhāya), Thầy nương tựa (nissayācariya), hay là Thầy dạy pháp (dhammācariya). Chữ “Ācariya” là chữ “garu” được chỉ các vị thầy còn nằm trong giáo pháp này là chúng ta phải học hỏi nơi các vị đó giảng dạy.

Cho nên câu : “ Sau khi Như Lai viên tịch Pháp và Luật sẽ là thầy của các con ”. Mặc dù Đức Thế Tôn đã viên tịch , đừng nghĩ rằng đấng Thiên Nhân Sư không còn nữa, mà phải hiểu rằng chính Pháp Và Luật đó đã thay mặt cho Đức Thế Tôn là bậc Đạo sư của chúng ta.

Về các vị Thầy trao truyền giới pháp cho các vị tỳ kheo, sadi (upajjhāya) hay Thầy dạy cho học hỏi phật ngôn, pháp luật (dhammācariya), hoặc là Thầy cho nương tựa chỉ bảo vị tỳ kheo hằng ngày (nissāyācariya). Những vị Thầy đó không phải là bậc “satthā”, nhưng mà chúng ta không nên xem thường. Cũng như ngay khi Đức Thế Tôn còn tại thế, tất cả các vị tỳ kheo, tỳ kheo ni, sa di, cận sự nam, cận sự nữ thì họ nương tựa họ quy y Đức Phật, quy y bậc đạo sư, bậc Satthādevamanussānaṃ.

Mặc dầu vậy nhưng mỗi một vị nam tử khi xuất gia vào trong giáo pháp này, mỗi vị đều có các vị thầy như đệ tử Ngài Xá Lợi Phất, đệ tử Ngài Mục Kiều Liên, đệ tử Ngài Ānanda, đệ tử Ngài Mahā Kassappa chẳng hạn. Các vị Tôn giả Mahā Kassappa, Sariputta hay Moggallāna là vị thầy “ upajjhāya” hay “ācariya” của họ, nhưng họ tôn kính Đức Phật như là bậc “satthā” là bậc đạo sư.

Khi Đức Thế Tôn còn hiện tiền hay sau khi Ngài viên tịch cũng vậy thì chúng ta vẫn có mặt ngoài các vị thầy tế độ , thầy yết ma hay thầy giáo thọ ngoài các vị đó ra thì bậc đạo sư mà chúng ta tu tập trong giáo pháp này là bậc đạo sư chính là Pháp và Luật, mặc dù Đức Thế Tôn đã viên tịch

Như vậy, ở đây chúng ta thấy rõ ràng vấn đề: “ Sau khi Như Lai viên tịch Pháp và Luật sẽ là thầy của các con ”. Câu này nên hiểu rằng chính Pháp và Luật do chính Ngài thuyết giảng, thay mặt Đức Thế Tôn là bậc đạo sư trong giáo pháp này cho chúng ta, chớ câu này không có nghĩa là Đức Thế Tôn dạy là lấy Pháp và Luật làm thầy rồi chúng ta bỏ qua không trân trọng hay không nghe lời các vị thầy tế độ và thầy giáo thọ không phải như vậy. Bởi vì khi Đức Thế Tôn còn tại thế, ngoài việc chúng ta kính trọng bậc đạo sư là Đức Thế Tôn thì vị tỳ kheo phải y chỉ, phải nương tựa nơi vị thầy tế độ hay vị thầy giáo thọ của mình. Đây là ý nghĩa chúng ta phải hiểu xuyên qua câu phật ngôn mà Đức Thế Tôn đã dạy./.

No comments:

Post a Comment