Tuesday, April 29, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Mạn cần được liễu tri.

Hỏi: Mạn cần được liễu tri.

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 9-4-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TTGiác Đẳng: Dĩ nhiên là khi chúng ta bàn về Ngã Mạn, thì nó mang tánh rất rốt ráo chứ không  phải chúng ta nói đời sống hàng ngày. Nhưng, chúng ta biết một giáo lý căn bản Đức Phật Ngài dạy trong đời sống đó là hễ bất cứ pháp nào chúng ta có cái nhìn đây là "Tôi" , "đây là của Tôi", "đây là tự ngã của tôi" thì chúng ta khổ. Đây là một điều rất khó tiêu hóa trong đời sống tu tập của chúng ta. Bởi vì, hầu hết những nỗ lực  của chúng ta đều dựa lên trên một số giá trị của đời sống. Và do những giá trị này thì mình thấy rằng mình được hạnh phúc. Thí dụ như mình tha thiết với một học vị, mình tha thiết với một địa vị nào đó, mình tha thiết như vậy rồi mình thủ đắc cái gì đó thì những điều đó làm cho chúng ta vui làm cho chúng ta hãnh diện. Tuy nhiên, trong cái vui và cái hãnh diện đó thì thật sự chúng ta phải có một cái hiểu biết. Cái hiểu biết ở đây Đức Phật Ngài dùng chữ "Liễu Tri" là chúng ta phải thấy được rằng cái đó nó cũng cho chúng ta vui và nó cũng cho chúng ta khổ, chuyện đương nhiên là như vậy. 

Như trường hợp Đức Phật Ngài dạy trong kinh: 

- "Này chư Tỳ Kheo, nếu có người lấy những lá vàng rơi ở trong sân chùa Kỳ Viên đem đổ xuống hố sâu hay là đốt đi thì các Thầy có buồn không? 

Thì các Thầy nói là:

 - "Dạ, không buồn".

Các Thầy không nghĩ những chiếc là đó là của mình hay liên hệ đến tự ngã của mình, thì Đức Phật Ngài dạy là chúng ta phải quán các Pháp.

Cách đây vài năm chúng tôi có quen với một gia đình người Phật tử, người Phật tử này sang định cư bên Mỹ tạo lập sự nghiệp và sống một thời gian dài con cái đỗ đạt ra trường, vợ chồng có nhà cửa vững chắc và tương đối mọi việc rất tốt đẹp. Các vị nghĩ rằng cuộc sống như vậy là êm ái. Cho đến một ngày, người Phật tử này nhận được một thông báo từ bên Việt Nam ai đó nói rằng ba má khi mất có để lại một phần tài sản cho người chồng của gia đình này và người đó cần về để làm thủ tục để lãnh tài sản đó. Thì khi người Phật tử này nhận được tin thì được xem là bất ngờ giống như là mình có của ở trên trời rớt xuống. Người này tự nhiên có gia tài của cha mẹ để lại với thời giá lúc đó là 1, 2 trăm ngàn. 

Thì khi vị này về Việt Nam, rồi bẳng đi một thời gian 5, 6 tháng chúng tôi không gặp, sau đó chúng tôi gặp lại vị này lên chùa lạy Phật và kể chúng tôi nghe một chuyện. Khi nghe xong chúng tôi rất hoan hỉ và cảm kích mặc dầu người đó không biết rằng chúng tôi hết sức là vui khi được nghe câu chuyện của vị đó.

 Anh kể câu chuyện anh về Việt Nam rồi đi làm thủ tục để nhận lãnh miếng đất đó và lúc bấy giờ ở trên một phần đất đó có người anh họ đang ở và người anh họ làm khó người này rất là nhiều, rồi chính quyền địa phương cũng làm khó rất nhiều. Đại khái là chuyện gia tài để lại nhưng mà lấy miếng đất đó thì phải trải qua rất nhiều khó khăn nhiều chuyện khổ và phiền não.

 Thì anh này sống bên Mỹ thời gian dài không hề vấp váp phải chuyện liên quan đến pháp luật phiền phức như vậy. Và anh nói rằng đó là khoản thời gian chừng 3 tháng anh như sống như trong địa ngục, sống chung quanh ngay cả những người thân cũng trở mặt giống như giành giựt nhau. 

Có một buổi sáng anh thức dạy và anh cảm thấy phiền nên anh đọc một quyển sách bản dịch của Ngài Mahasi và ở trong đó thì Ngài có giảng về một vài pháp thì anh mới nói với chúng tôi: Anh suy nghĩ; mình sống bên Mỹ và mình không có miếng đất đó, mình không được biết là mình có tài sản, mình không được biết rằng thế này thế kia thì những điều đó nó giống như nó chẳng làm phiền gì mình hết, nhưng bây giờ bỗng dưng nó xuất hiện trong cuộc sống của mình và nó gây cho mình bao nhiêu cái phiền não.

 Anh nhớ lại trạng thái tâm an lạc trước kia và tâm phiền não lúc bấy giờ thì anh cảm thấy rằng đúng là lời của Đức Phật dạy: không biết là miếng đất đó anh giành giựt rồi anh được cái gì nhưng bây giờ anh cảm thấy rất là phiền não. 

Sau đó anh quyết định không giành giựt và anh cũng không lấy chuyện đó làm phiền não, anh ra gặp luật sư và anh nói rằng lo được thì lo, lo không được thì thôi, và anh cũng không muốn vì chuyện đó mà đi đến chỗ kiện tụng rồi trở mặt với gia đình quyến thuộc và anh cũng nói thẳng với tất cả mọi người là ở bên Mỹ anh cũng có ăn cũng có mặc, anh không tha thiết với việc đó và nếu ở trong gia đình chịu khó sắp xếp việc đó cho tốt đẹp thì ngưng ngay tất cả chuyện này chuyện kia rồi anh bỏ chuyện đó, nghĩa là họ chia nhau cái gì đó thì họ chia tốt thôi. 

Thì sau đó chuyện xảy ra chúng tôi được biết sự nhượng bộ của anh dẫn đến sự nhượng bộ của một số người khác và cuối cùng thì anh không được hưởng trọn miếng đất đó nhưng anh cũng lấy được hơn phân nửa số tiền, và với phân nửa số tiền đó anh cũng làm một số việc ở VN chứ anh không mang tiền về Mỹ.

 Nhưng anh nói với chúng tôi rằng điều anh cảm thấy hạnh phúc nhất khi anh trải qua chuyện đó là anh đọc một đoạn Ngài Mahasi Sayadaw giảng kinh Vô Ngã Tướng có câu:  nên quán cái này không phải là ta, không phải là của ta, không phải tự ngã của ta", thì  anh thấy rằng Phật Pháp nhiệm màu. Anh nói với chúng tôi rằng chỉ có một buổi sáng anh đọc tự nhiên cõi lòng thênh thang cảm thấy như gánh nặng được trút xuống bởi vì không hiểu tại sao mà mình chưa có phiền não chưa bị gì hết rồi bây giờ mình được cái đó rồi mình nghĩ cái đó là của mình rồi mình bực bội vì cái của mình v.v... rồi mình khổ khổ đến mức độ mà anh nói rằng chưa bao giờ trong cuộc sống mấy chục năm bên Mỹ mà anh cảm thấy nó phiền đến mức độ như vậy và khi  anh đọc được câu đó trong người tỉnh ra. 

Và thưa qúi vị, dĩ nhiên là một người bên ngoài có thể nghĩ rằng thái độ nhượng bộ của anh hay  bỏ qua của anh không phải là sự khôn ngoan hay nó không phải là một chứng tỏ anh có bản lãnh, mà chuyện đó đối với anh cũng không thành vấn đề mà anh chỉ có một điều là anh thấy được cách suy nghĩ của anh làm cõi lòng anh thênh thang. Và khi anh đi từ phi trường về nhà, sau khi tắm thay đồ xong thì điều đầu tiên là anh muốn lên chùa lạy Phật và anh muốn chia sẻ với chúng tôi một ít về suy nghĩ trong thời gian đó. 

Chúng tôi rất vui rất cảm kích là trong cuộc sống mình rõ ràng có một điều đó là có rất nhiều trường hợp mình không có thấy mình cứ nghĩ  "à! mình được cái đó, mình có đó"  nhưng mà cái đó nó phù du lắm nó là hư danh nó là hư lợi nó chỉ là một thứ hư ảo mà thôi. Nhưng người ta nghĩ chuyện đó quan trọng và do mình nghĩ chuyện đó quan trọng không đúng chỗ mình khổ.

Thật ra, chúng ta thường bám víu với ý nghĩ là "đây là tôi", "đây là của tôi", "đây là tự ngã của tôi" mình nghĩ nó là hạnh phúc nhưng thực sự cái nhìn "đây là tôi", "đây là của tôi", "đây là tự ngã của tôi" nó làm cho mình khổ nhiều hơn là hạnh phúc. Nó nên là một câu thần chú, nó nên là một câu mà mình thường nhắc đi nhắc lại trong đời sống khi nào mình gặp cảnh khổ thì mình nhớ lời Đức Phật dạy rằng: Nếu cái đó là của mình thì mình có thể bảo nó như thế này đừng như thế kia, nhưng bởi vì mình không thể bảo nó như thế này đừng như thế kia thì mình nên nhận thức bằng chánh trí rằng đây không phải là "ta"  không phải là "của ta", không phải là "tự ngã của ta". 

Bài học này thật ra khó tiêu hóa. Dĩ nhiên là,  như buổi sáng hôm nay chúng ta không có vấn đề gì thì chúng ta nghe chỉ có nghe thôi nhưng với anh Phật tử về mấy tháng ở VN sau khi vật lộn với những người trong gia đình với chính quyền với luật pháp rồi bao nhiêu phiền não thì điều đó là một phương lương dược nhiệm mầu, nó mầu nhiệm lắm. Có nhiều chuyện mà khổ trong đời sống tự nhiên nó đến với chúng ta. 

Ví dụ, hồi nhỏ chúng tôi cũng nghe Sư Trưởng nói một chuyện là mình không có vật qúi thì mình không khổ nhưng bỗng nhiên ai cho mình một cây viết hay cái gì tốt quá và do nó tốt quá tự nhiên mình đi đâu cũng phải giữ cẩn thận không để bị mất cây viết đó, làm thế này thế kia, rồi lúc đó mình chiêm nghiệm rằng; "à! lúc mình chưa có thì mình thảnh thơi bây giờ mình có thì mình khổ". 

Giáo lý Vô Ngã, là giáo lý làm thế nào để chúng ta bớt đi kiêu mạn trong đời sống hay liên quan đến ngã tính ngã chấp trong đời sống, việc đó rất là khó tiêu hóa. 

Với một người tu tập, một lúc nào đó chúng ta ngồi thiền những cảm thọ như khổ lạc hay phi khổ phi lạc bất khổ bất lạc mà nó hiện lên, thí dụ như mình buồn mình nói đây là thọ ưu thì không nói chi nhưng mình nói là tôi đang buồn thì bắt đầu lớn chuyện. Khi có "cái tôi đang buồn" hay là "họ làm cho tôi buồn" thì lớn chuyện. Tại vì mình thấy cảm thọ đó là của mình và cảm thọ đó trở thành một điều mà mình phải phản ứng, mình phải thế này thế kia. Thì thay vào đó ở trong cái nhìn của chánh niệm mình thấy rằng "thọ ưu sanh khởi thọ ưu diệt, nó đến nó đi" thì mình cứ nhìn như vậy thì mình không cảm thấy khổ trong đời sống,

Một vị trụ trì một ngôi chùa nói với chúng tôi một chuyện mà chúng tôi cũng phải ngồi lắng tai nghe, vị đó nói rằng: ở trong đời làm trụ trì khổ nhất là những người Phật tử họ đi chùa với mình rồi mình bỏ công ra hướng dẫn họ tu tập rồi ngày nào đó tự nhiên có một vị thầy nào đó ở xa về giảng đạo họ đi nghe pháp. Thì vị trụ trì này nghe Phật tử của mình đi nghe thầy khác giảng pháp thì buồn, nghe vị đó qua sinh hoạt ở ngôi chùa khác thì cảm thấy trong lòng rất là đau. Thì lúc đó chúng tôi suy nghĩ: "thật ra, trong đời sống mình có nhiều người họ có nhiều cái khổ, thí dụ như mình thấy là bây giờ giả xử như chúng ta là những người có thân nhân đi trên chiếc máy bay MH370 bị mất tích thì những người có thân nhân mất tích họ khổ thì cái khổ đó lớn hơn chuyện gì khác, chuyện vị trụ trì có ngôi chùa đệ tử đi qua chùa khác thấy khổ nhưng đâu khổ bao nhiêu so với một người có người thân trên máy bay. 

Thật ra, bịnh của chúng ta khổ là do bịnh là không có chuyện khổ lớn thì chúng ta chuốc lấy khổ nhỏ, mà không có chuyện khổ nhỏ thì chúng ta chuốc chuyện nhỏ hơn, khi chưa có chúng ta lại muốn cho có, muốn có rồi khổ vì cái có. Thì luôn luôn là đời sống của chúng ta tự tạo tự chuốc cho mình cái khổ. 

Do vậy, yếu tính của Phật Pháp là không phải Đức Phật Ngài muốn cho chúng ta bị hạ, bị phải nhẫn nhục, phải bị hạ mình xuống phải thế này thế kia. Nhưng, Đức Phật Ngài chỉ cho chúng ta thấy rằng cái nhìn như vậy cái cách suy nghĩ như vậy làm cho chúng ta khổ.

 Một ngày nào đó  chúng ta ngồi đọc lại kinh Vô Ngã Tướng thì chúng ta thấy rằng đó là những lời kinh rất là đẹp. Thí dụ như Đức Phật Ngài mở đầu Ngài nói rằng:

- Này Chư Tỳ Kheo, sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn không phải là của ta, nếu các uẩn ấy thật là của ta thì người đời có thể nói rằng xin cho các uẩn như thế này hoặc đừng như thế kia." 

Và Ngài nói rằng: "Bởi vì các uẩn ấy không phải là của ta do vậy mình không thể biểu nó như thế này đừng như thế kia" 

Và Ngài lại dạy tiếp đoạn khác:

- Này các Tỳ Kheo, sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn là thường hay vô thường." 

Chư Tỳ Kheo: 

- Bạch Đức Thế Tôn, là vô thường"

- Cái gì vô thường cái đó khổ hay vui ?

- Bạch ĐứcThế Tôn, cái gì vô thường là khổ"

- Cái gì vô thường là khổ mình có nên nhận rằng đó là ta đó là của ta đó là tự ngã của ta chăng?"

- Bạch ĐứcThế Tôn chẳng nên"

Những câu đó rất giản dị, giản dị đến mức độ như chuyện mình đói ăn khát uống vậy, nhưng mà mình nghiệm lời kinh rất là đẹp. Rồi Đức Phật dạy rằng:

- Do vậy này Chư Tỳ Kheo, đối với sắc uẩn, thọ uẩn, hành uẩn, thức uẩn nào dù trong quá khứ, hiện tại, vị lai, bên trong, bên ngoài, thô thiển, vi tế, hạ liệt, thù thắng, gần hoặc xa thì các uẩn ấy chỉ là uẩn thôi, các con nên nhận thức chân lý ấy bằng thực tướng theo chánh kiến như vậy, đó chẳng phải là ta, chẳng phải là của ta, đó chẳng phải là tự ngã của ta"

Những lời kinh đó là những lời kinh rất đẹp với đời sống của chúng ta hàng ngày với nhận thức. 

Khi mà mình mới đi vào kinh Phật đôi khi mình cảm thấy rằng Đức Phật Ngài bắt mình dẹp lòng tự ái hay Phật Pháp dạy mình phải thiệt thòi cái này thiệt thòi cái kia. Nhưng thật sự, chúng ta không nhìn thấy rằng chính cái nhận thức sai lạc của chúng ta nó làm cho chúng ta có ảo tưởng về cuộc sống, thí dụ cái đó không phải là của mình mà mình nói là của mình thì mình khổ. 

Người Phật tử đến chùa thì vào thắp nhang lạy Phật xong đi ra. Nhưng nếu chúng tôi là trụ trì chúng tôi nói rằng những người Phật tử này của mình thì thật sự chúng tôi khổ. Làm sao Phật tử của mình được. Phật tử thì họ có nhà riêng có cuộc sống riêng khi họ cần họ đến chùa khi không cần họ không đến chùa. Nhưng tự nhiên họ đến chùa lạy Phật an lạc mình sống an lạc bây giờ mình nghĩ họ là Phật tử của mình là đệ tử của mình họ phải đi chùa mình họ phải trung thành với mình thì mình khổ. Con người của chúng ta nhiều khi chúng ta khổ vì nhận thức sai lầm.

Và phải nhận  ở đây,  khi Đức Phật dạy rằng: "Này các Tỳ Kheo, các con nên nhận thức phần chánh kiến như thực tướng như vầy; đó không phải của ta, không phải là ta, không phải tự ngã của ta" thì câu đó lớn lắm câu đó chúng ta phải chiêm nghiệm và đọc đi đọc lại trong đời sống. Và nếu chúng ta có thể buông được, chúng ta có thể nhả được, chúng ta có thể không bị kẹt trong đó nhiều thì chúng ta sẽ sống thanh thản và phải nói sống thanh thản. 

Ngài Rahula Ngài có viết trong quyền "Con Đường Thoát Khổ"  What the Buddha taught - là những gì Đức Phật dạy thì Ngài dạy rằng một ở trong những điều khó tu nhất của Phật Pháp đó là giáo lý Vô Ngã. Con người chúng ta ai cũng tin cái ngã tính, ai cũng tin rằng cái này là "ta" là "của ta" cho chúng ta thăng hoa cuộc sống, cho chúng ta thấy rằng mình giàu có, cho thấy rằng mình là ai, mình quan trọng như thế nào. Nhưng khi mình học về giáo lý Vô Ngã thì mình hiểu rằng niềm hãnh diện đó, niềm tự hào đó, niềm vui đó cho mình vui một mà nó cho mình khổ tới mười. 

Chúng ta ngồi chúng ta nghiệm điều đó thì chúng ta có thể bớt được những cay đắng của cuộc sống. Ban đầu thì mình nghĩ nó khó tiêu hóa nhưng mình nhìn từ từ thì mình sẽ quen và lâu ngày thì chúng ta nhớ rằng, nói cho cùng thì tất cả những điều chúng ta lo lắng thì nó chỉ là một chiếc lá vàng rơi ở trong sân chùa. Thì qúi vị thấy là ở trong sân chùa đã là vô chủ rồi những chiếc lá vàng rơi mùa thu rơi xuống thì chúng ta chỉ mong quét đổ nó đi chứ mình không phải nặng lòng là nó phải thế này nó phải thế kia.

Chúng tôi kỳ rồi đi sang một vùng ở miền bắc Thái Lan tthấy một bức tranh vẽ 4 chiếc lá vàng rơi, chúng tôi rất thích thỉnh bức tranh đó thì một vị đi chung với chúng tôi nói rằng tranh này đâu có giá trị gì, nó chỉ bình thường đâu có gì đặc biệt,  nó chỉ là 4 chiếc lá rơi thôi. Chúng tôi cũng cười không nói gì nhưng chúng tôi thích đem về  treo trong phòng vì chúng tôi nhớ lại câu Đức Phật dạy:

- "Nếu những chiếc lá vàng rơi ở trong sân chùa Kỳ Viên người ta đem đổ xuống hố hay người ta đốt các thầy có phiền khổ không?" 

- Bạch Đức Thế Tôn, dạ không, là bởi vì chúng con nghĩ nó không phải là của mình". 

Bài học đó là bài học rất là lợi lạc cho đời sống và mong rằng mỗi chúng ta trong đời sống tu tập có nhiều cái khổ và tìm thấy được những phương linh dược nhiệm màu. Và chúng tôi rất thích hình ảnh của anh Phật tử suốt ba tháng đi về VN để tìm cách giành lại phần tài sản thừa kế của mình với bao nhiêu khổ đau rồi tới một buổi sáng nhờ đọc được những giòng chữ mà Ngài Mahashi nhắc rằng:"nó chỉ là lá vàng rơi trong sân chùa" và anh trở về với tâm trạng rất là thảnh thơi rất nhẹ nhàng thì biết đâu có những giờ phút chúng ta lại rất vui rất thoải mái khi chúng ta nhìn những chiếc lá vàng và chúng ta thấy rằng ở đó có bài học rất lớn từ Phật Pháp bài học rất lớn cho cuộc sống ./.

No comments:

Post a Comment