Sunday, April 20, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Phải chăng, bất cứ hình thức nào so sánh mình với người khác dù so sánh mình bằng, mình hơn, mình thua, đều là ngã mạn? (TTGiác Đẳng giảng bố túc thêm)

Hỏi: Phải chăng, bất cứ hình thức nào so sánh mình với người khác dù so sánh mình bằng, mình hơn, mình thua, đều là ngã mạn? (TTGiác Đẳng giảng bố túc thêm)

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 1-4-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Chúng ta có định nghĩa rất đơn giản là bất cứ hình thức nào mà so sánh mình với người khác dù là mình so sánh mình bằng người khác, so sánh mình hơn người khác hay so sánh mình thua người khác đều là ngã mạn. 

Thật ra, định nghĩa đó không đủ theo trong Vi Diệu Pháp. Về điểm này thì chúng tôi phải nói rằng có một điềm tuy rằng rất nhỏ nhưng Ngài Tịnh Sự Ngài phải vận dụng nhiều năm. Chúng tôi từng sống với Ngài lúc chúng tôi học tại trường Đại Học Vạn Hạnh chúng tôi sống với Ngài ba năm thì chúng tôi biết rằng Ngài phải suy nghĩ rất nhiều mới ra chữ này và chữ đó rất là tâm đắc với Ngài, nhưng rất tiếc là những đệ tử về sau này lại không để ý chuyện đó. 

Trong câu dịch của Ngài Tịnh Sự, là thật ra nguyên văn chữ mạn có nghĩa là một trạng thái tự tôn cái bản ngã của mình từ vị thế là hơn, bằng, hoặc kém và từ cái quan niệm hơn và bằng, kém, Ngài Tịnh Sự Ngài dịch chữ rất lạ ít có người biết, đó là: hơn ỷ hơn, hơn ỷ bằng, hơn ỷ thua. 

Qúi vị để ý chữ "ỷ", bằng ỷ bằng, bằng ỷ hơn, bằng ỷ thua. Rồi thua ỷ hơn, thua ỷ bằng, thua ỷ thua. Chữ ỷ là chữ ... 

Chúng tôi lấy ví dụ như, bây giờ mình làm trụ trì người khác làm trụ trì nhưng chùa người khác thì có sinh hoạt chùa mình không có sinh hoạt thì ai nói đến mình thì trả lời: 

"Ừa tôi như vậy đó, ai không chịu thì thôi". 

Cái câu "ai chịu thì chịu không chịu thì thôi" ở trong đó có chữ "ỷ" có tánh cách "ỷ". Cái "ỷ" đó mới gọi là đi với tâm tham. Còn chữ "ỷ" nó không có trạng thái "ỷ lại" thì nó không có đi với tâm tham.

Còn trạng thái tự ti mặc cảm, lúc nào cũng cảm thấy mình yếu đuối thấp kém tuy rằng nó có so sánh nhưng nó không có trạng thái ỷ trong đó thì trạng thái tự ti mặc cảm là tâm sân hay là sự ganh tị, tức là mình so sánh mình với người khác nó là một trạng thái sân chứ nó không có tính là mạn. Mạn phải đi với tâm tham tức là mạn luôn luôn có chữ ỷ ở trong đó. 

Có điều này rất là lạ, con người khi mình đã có tánh kiêu mạn thì mình ở vị thế nào mình cũng kiêu mạn được , mình ở vị thế cao hơn người cũng kiêu mạn, bằng hay hơn người cũng kiêu mạn, hay thấp hơn người cũng kiêu mạn. 

Chúng tôi lấy ví dụ, có người nào đó họ cũng đi học với mình nhưng họ làm văn thơ không giỏi bằng mình thì mình nói "ồ anh đó chị đó thấy học vậy chứ làm thơ hay viết văn thua xa tôi". Thì câu nói đó là câu nói mạn với cách là mình ỷ mình hơn người khác.

Hay câu: "tôi thấy vậy chứ tôi không thua gì anh đó đâu, tôi thấy vậy chứ tôi không kém chị đó đâu" thì  câu nói đó gọi là mình ỷ bằng.

Hay là nói rằng "ồ tôi chỉ thua người đó một chút thôi", nếu mình đem một nhân vật nào đó mà tâm trí nói bất quá thì tại họ sanh trong gia đình đại gia họ giàu có chứ mình không sanh trong gia đình đại gia thì mình sống nghèo vậy thôi, cách nói này Ngài Tịnh Sự gọi là "ỷ lại". 

Ỷ là một trạng thái mình tôn bản ngã của mình cho dù mình ở cái vị thế như vậy. 

Thật ra thì ở trong chữ "mạn" không đơn giản là so sánh, có nhiều vị nghĩ rằng hễ so sánh là ngã mạn, không phải vậy, chúng tôi nói là ganh tị cũng là sự so sánh,  tự ti mặc cảm nó cũng là sự so sánh, nhưng mà cái tự ti mặc cảm hay ganh tị nó không tính là ngã mạn được nó phải có trạng thái đi với tâm tham tức là nói theo Ngài Tịnh Sự là "ỷ lại" thì mới được xem là mạn 

No comments:

Post a Comment