Saturday, December 24, 2016

Chuyện ngắn - Nai Chúa Cây Đa

Nai chúa Cây Đa
Chánh Hạnh dịch thuật

Vào thưở xa xưa, tại một khu rừng gần thành Benares ở phía bắc Ấn Độ, một chú nai thật tuyệt vời, thật đẹp ra đời. Mặc dù thân hình chú nai to lớn nhưng nai mẹ sinh chú ra rất dễ dàng. Mắt nai mở to, sáng như châu báu lấp lánh. Miệng nai đỏ như những trái dâu rừng tươi tốt. Móng nai đen bóng như than. Nhung nai óng ánh bạc. Màu lông nai mượt mà ánh vàng bình minh mùa hè rực rỡ. Khi Nai trưởng thành, 500 con nai tụ họp thành bầy sống quây quần với nhau, và chú Nai được tôn vinh là Nai chúa Cây đa.
Vào thời ấy, không xa nơi này bao nhiêu, một chú nai khác cũng ra đời, cũng với màu lông vàng rực rỡ. Lúc này, chú Nai cũng khôn lớn và cũng đứng đầu một bầy nai 500 con, được gọi là Nai Cành.
Đức vua trị vì Benares lúc bấy giờ rất đỗi ưa thích ăn thịt nai. Ngài thường xuyên săn bắt và giết hại nai rừng. Mỗi lần đi săn, Đức vua chọn một địa điểm khác nhau và bắt dân làng phục dịch. Họ phải đình chỉ tất cả những công việc đang làm, dù là công việc cầy cấy hay công việc gặt hái để lo phục dịch cho đoàn săn bắn của nhà vua.
Dân làng rất phiền hà vì sự đình trệ công việc như vậy. Thu hoạch vụ mùa cũng như các lợi tức khác kém đi. Do vậy họ họp lại với nhau và quyết định dựng một khu vườn Nai thật rộng lớn cho nhà vua. Như thế nhà vua có thể tự săn bắn, không cần sự phục dịch của dân làng nữa.
Vườn Nai được lập thành. Họ làm những ao, suối cho nai uống nước, trồng những cây cho quả và cỏ xanh cho nai ăn. Khi mọi việc đã xong, dân làng mở cửa và chia nhau đi vào rừng.Họ bao vây toàn bộ hai bầy nai, Nai Cây đa và Nai Cành. Sau đó dân làng dùng gậy gộc, vũ khí và gây náo động ầm ỉ khu rừng , họ lùa hai bầy nai vào vườn, và đóng cửa lại. Sau khi mọi việc đã ổn thoả, dân làng đến tâu với Đức vua, “Tâu Hoàng thượng, huê lợi mùa màng và các nguồn lợi tức khác của chúng thần đã bị giảm sút, khi chúng thần phải ngừng lại để phục dịch cho các cuộc săn bắn. Nay chúng thần đã tạo dựng một vườn Nai thật tuyệt cho bệ hạ, lại rất an toàn. Bệ hạ có thể tự mình săn bắn lúc nào Bệ hạ muốn. Bệ hạ có thể săn bắn thoả thích và thưởng thức các món ăn bằng thịt nai mà không cần sự trợ giúp của chúng thần.”
Đức vua đến tham quan vườn Nai. Đức vua rất hài lòng khi nhìn thấy bầy nai thật là đông đúc. Trong lúc quan sát bầy nai, trong tầm mất nhà vua trông thấy hai con nai cực đẹp, cực lộng lẫy với bộ gạc trưởng thành mạnh mẽ. Sững sờ với vẻ đẹp lạ thường của hai Nai, đức vua ban ơn miễn chết cho riêng hai Nai này. Nhà vua truyền lệnh mọi người phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hai Nai. Không ai được làm hại hoặc giết chúng.
Thế rồi, mỗi ngày nhà vua đều đến săn bắn và lấy thịt. Đôi khi, nhà vua bận việc thì người đầu bếp triều đình sẽ làm việc này. Thịt Nai được xẻ ra và nấu thành món ăn.
Mỗi khi bầy nai trông thấy cung tên, chúng hoảng sợ, run rẩy chạy trốn tìm sự sống. Chúng hoảng loạn, dẫm đạp gây thương tích cho nhau, nhiều con bị thượng nặng vô cùng đau đớn.
Một hôm, Nai chúa Cây Đa tập họp bầy nai đến. Nai chúa cũng cho mời Nai Cành, cả hai bầy họp bàn với nhau. Nai chúa Cây Đa nói chuyện trước cả đàn, “Trước sau gì không ai trong chúng ta thoát được cái chết, chúng ta cần phải hạn chế làm bị thương, làm cho đau đớn lẫn nhau. Bởi vì Đức vua chỉ muốn có thịt nai dung cho bữa ăn, nên chi mỗi ngày chúng ta tự lựa chọn với nhau để luân phiên lên thớt. Một ngày là nai bên bầy của tôi. Một ngày là nai bên bầy của Nai Cành, như vậy nạn nhân chỉ có một mà thôi.”
Nai Cành gật đầu đồng ý. Kể từ hôm đó, khi tới phiên của nai nào thì nai đó ngoan ngoãn nộp mạng, kê đầu lên thớt, không lời than van. Người đầu bếp đến mỗi ngày, dễ dàng làm thịt nai sửa soạn thức ăn cho nhà vua.
Ngày nọ, tới phiên của một nai đang mang thai bên bầy của Nai Cành. Lo cho nai con đang còn trong bụng không được sanh ra đời nếu như mình bị giết. Nai mẹ đến gặp Nai Cành và nói, “Thưa nai chúa, tôi đang mang thai. Xin ngài ban ơn cho tôi được sống đến ngày sanh nở. Sau khi sinh xong sẽ xin nộp mạng. Như vậy chỉ có một mạng bị hại thay vì cả hai.
Nai Cành trả lời, “Không được, không được, ta không thể sửa đổi luật lệ ngang xương như vậy, còn ai sẽ thế mạng cho ngươi đây. Chuyện thai nghén là chuyện của riêng ngươi, đứa bé là trách nhiệm của ngươi. Hãy để ta yên.”
Không được Nai Cành chấp thuận. Nai mẹ tội nghiệp đến cầu cứu Nai chúa Cây đa, và nói rõ hoàn cảnh của mình. Nai chúa Cây đa trả lời nhẹ nhàng, “Hãy an tâm, ta sẽ thay đổi luật lệ và kiếm người thay thế cho nàng”.
Nói xong Nai chúa Cây đa đi đến kê đầu lên thớt của người đao phủ. Đến đây người kể chuyện hầu như không tìm được từ ngữ để nói lên sự yên lặng kinh khủng bao trùm vườn Nai.
Không bao lâu người đầu bếp của vua đến làm thịt nai. Nhưng khi thấy đây là một trong hai Nai đẹp mà nhà vua ra lệnh không được giết. Ông đến gặp nhà vua xứ Benares để tấu trình.
Nhà vua ngạc nhiên vô cùng, vội vàng đến vườn Nai. Nhà vua nói với Nai vàng rực rỡ, đang kê đầu trên thớt, “ Này chúa của bầy nai. Phải chăng ta đã hứa là không sát hại ngươi? Vì cớ gì mà ngươi lại chịu chung số phận như những nai khác?”
Chúa nai Cây Đa trả lời, “Ôi, Vua của loài người. Hôm nay đến phiên nộp mạng của một nai cái đang mang thai, chưa đủ tháng đủ ngày để sinh nở. Nai mẹ cầu cứu xin tôi tìm phương cứu giúp, để bảo toàn cho nai mẹ và bào thai. Tôi có thể không giúp, nhưng khi đặt mình trong hoàn cảnh đó, thấy nai mẹ thật đau thương. Tôi có thể không giúp, nhưng nước mắt ứa ra khi nghĩ đến nai con sẽ không có cơ hội ngắm được vầng thái dương, thưởng thức hương vị hạt sương mai. Còn nữa, làm sao tôi có thể áp đặt một nai khác, đang yên lòng vì không phải tới phiên mình hôm nay, vào chỗ chết. Vì thế, tâu đức vua, tôi tự nguyện thế mạng cho hai mẹ con nai. Chắc chắn rằng không còn lý do nào khác.”
Vua xứ Benares lòng tràn ngập cảm xúc. Nhà vua hung dũng như vậy, cũng không sao được những giọt nước mắt đang lăn dài trên má. Ngài nói, “Ôi, vị chúa tể, vua của loài nai. Ngay cả trong giữa loài người, Ta chưa hề thấy bất kỳ ai như bạn. Với lòng đại từ như vậy, bạn chia sẻ nổi đau của mọi nai. Với tâm xả rộng lớn như vậy, bạn dâng cuộc sống cho mọi nai. Với tâm bi rộng lớn, bạn trải rộng tình thương đến mọi nai. Nai chúa ơi, hãy đứng dậy đi” “Ta ra chiếu chỉ, bạn không bao giờ bị sát hại bởi ta hay bất kỳ một thần dân nào của ta. Và cũng như vậy đối với hai mẹ con nai kia.”
Vẫn đê đầu trên thớt, Nai chúa nói, “Chỉ có chúng tôi thoát thôi ư? Còn những nai khác trong vườn thì sao? Tâu bệ hạ. Những bạn bè, bà con thân thuộc của chúng tôi?” Nhà vua nói, “ Nai chúa ơi, ta không thể từ chối bạn, ta ban chiếu chỉ bảo đảm sự sống và thả tự do tất cả nai trong vườn.”
“ Còn những nai ở ngoài khu vườn, chúng sẽ bị giết hay sao?” Nai chúa hỏi. “Ồ không nai chúa ơi, ta tha hết cho tất cả nai trong vương quốc của ta”.
Vẫn để đầu trên thớt, Nai chúa cầu xin, “ Loài Nai nay được an toàn, nhưng còn những loài thú bốn chân?” “ Nai chúa, từ đây chúng sẽ được an toàn trên dất của ta” “ Còn những loài chim ? Tất cả đều muốn sống”
“Vâng, nai chúa , các loài chim cũng được an toàn, thoát khỏi tay săn bắn loài người” “ Vậy còn những loài cá dưới nước?” “Ngay cả các loài cá cũng được tự do sống, nai chúa à.” Nói như vậy xong, nhà vua ban chiếu chỉ cấm săn bắn và sát hại tất cả sinh vật trong đất nước của mình.
Sau khi cầu xin sự sống cho muôn loài, Nai chúa mới đứng dậy.
Ngoài lòng từ và lòng biết ơn sâu sắc, Nai chúa Cây đa, bậc Giác ngộ sẽ thành, đã chỉ dạy cho vua xứ Benares. Ngài còn khuyên bảo nhà vua thực hành giữ gìn năm giới , làm cho tâm thanh tịnh. Ngài thuyết giảng cho nhà vua, “ Sẽ đem lại lợi lạc cho Ngài, nếu Ngài từ bỏ theo năm điều ác hạnh
sau đây :
_ Sát sanh, thể hiện không có từ tâm.
_ Lấy của không cho, thể hiện không rộng lượng, xả tài.
_ Tà dâm, thể hiện không có bi tâm.
_Nói hai lưỡi, nói lời đâm thọc, thể hiện sự không trung thực.
_ Uống rượu và chất say, điều này dẫn chúng sanh đoạ vào một trong bốn đường ác đạo.
Ngài cũng khuyên nhà vua năng làm các việc lành, sẽ đưa chúng sanh đến các cõi an vui trong ngày vị lai. Nai chúa Cây đa cùng cả hai bầy nai quay trở về rừng.
Nói về nai mẹ có thai, bây giờ đã nhập bầy với Nai chúa Cây đa, đến lúc đủ ngày đủ tháng, sinh được một chú nai xinh đẹp như hoa sen dâng cúng trời đất. Khi chú nai đã lớn, chú bắt đầu chơi với những con nai bên bầy của Nai Cành. Nai mẹ thấy vậy nói, “Thà sống một ngày với người có từ tâm, còn hơn sống trăm năm với kẻ tầm thường. Sau đó chú nai sống yên vui bên bầy của Nai chúa Cây đa.
Duy có những người không được an vui, đó là những nông dân và dân làng trong vương quốc. Vì rằng lệnh vua tha cho muôn loài, bầy nai không còn sợ hãi khi đến ăn hoa màu của nhà nông. Chúng còn đến phá những vườn rau trong làng và ngay cả trong kinh thành nữa.
Dân chúng trình tấu lên nhà vua sự việc, và xin lệnh nhà vua giết ít nhất vài con để cảnh cáo chúng. Nhà vua không chấp thuận nói, “Chính ta đã hứa với Nai chúa Cây đa là tha chết cho muôn loài. Ta sẽ từ bỏ ngôi vua nếu như thất hứa với nai chúa. Không ai được làm hai bầy nai.
Chuyện này đến tai Nai chúa Cây đa, Nai chúa nói với toàn bầy, “ Các bạn không được phép ăn hoa màu của loài người.” Sau đó Nai chúa gửi thông báo đến mọi người. Thay vì làm hàng rào, mọi người hãy cột những chùm lá chung quanh cánh đồng. Từ đó người Ấn độ đánh dấu cánh đồng của mình bằng cách cột những chùm lá, để ngăn ngừa bầy nai quậy phá.
Nai chúa Cây đa và nhà vua xứ Benares sống với thần dân của mình rất yên bình. Sau khi thân hoại mạng chung, họ được sanh về những cảnh giới như ý.
Bài học luân lý: Dầu được thể hiện ở bất cứ đâu, tâm từ bao giờ cũng biểu hiện cho sự cao cả

No comments:

Post a Comment