Tuesday, May 17, 2016

Điển Hay Tích Lạ - Giảo thố tam quật

Giảo thố tam quật

"Giảo thố tam quật" nghĩa là "con thỏ khôn có ba ngách hang". Ý nói: thỏ có ba ngách hang để tránh cho khỏi bị chết; cũng như con người phải có trí mưu tự tồn.
Câu này là do Phùng Huyên bày kế cho Mạnh Thường Quân.
Sách cổ văn có chép:
Phùng Huyên người nước Tề, đời Chiến Quốc (470-221 trước D.L.) làm thực khách ở cửa Mạnh Thường Quân là Tướng quốc nước Tề. Một hôm, Mạnh Thường Quân đưa sổ bộ ra hỏi các thực khách xem có người nào biết về việc kế toán, nhờ qua đất Tiết, là phong ấp của Thường Quân, để thu các mối nợ, thì xin ký tên vào sổ. Phùng Huyên nhận sổ ký tên. Thường Quân lấy làm lạ hỏi tên họ người ký là ai? Kẻ tả hữu đáp:
- Đó là người thường ca câu "trường hiệp quy lai".
"Trường hiệp" là cán gươm dài, "quy lai" là đi về. Nguyên trước khi ấy, họ Phùng có ba lần ca. Lần thứ nhất là:
"Ở đây không có cá, nên mang gươm dài đi về".
Lần thứ hai ca:
"Ở đây không có xe, nên mang gươm dài đi về".
Lần thứ ba ca:
"Ở đây không có nhà cho cha mẹ ở, nên mang gươm dài đi về".
Họ Mạnh cười, ân hận lỗi mình đã bạc đãi họ Phùng, nên cho người mời Phùng đến tạ:
- Văn này chìm đắm trong công việc quốc gia rất mỏi mệt, lòng lo rối loạn mà tính lại ngu đần, không rảnh gặp mặt, xin tạ tội cùng tiên sinh. Tiên sinh đã không lấy làm hổ thẹn, nay lại có ý muốn vì tôi đi thu nợ ở đất Tiết chăng?
Phùng thưa:
- Huyên nguyện đi.
Khi ra đi, họ Phùng hỏi: thu nợ xong rồi có cần mua vật gì? Mạnh bảo: xem trong nhà còn thiếu vật gì thì cứ mua về.
Phùng Huyên đến đất Tiết, cho người thuộc lại mời tất cả những người thiếu nợ đến đông đủ, rồi truyền rằng Mạnh Tướng quốc ra lịnh xóa bỏ tất cả số nợ. Và, để cho mọi người tin tưởng, Phùng đem đốt hết những văn khế nợ. Dân đất Tiết vui mừng, tung hô vạn tuế.
Khi họ Phùng trở về, Thường Quân lấy làm lạ cho là đòi nợ cách gì mà mau chóng thế, mới hỏi:
- Thu nợ xong phải không?
- Thu xong cả.
- Có mua gì về không?
- Khi đi, Tướng công có bảo: nên mua những vật gì trong nhà còn thiếu. Tôi trộm nghĩ trong bụng Tướng công chất chứa những đồ trân bảo, ngoài chuồng nuôi đầy chó ngựa, nhà sau la liệt những mỹ nhân, vậy vật mà Tướng công còn thiếu, chưa có là điều Nghĩa, nên tôi trộm lịnh mua điều Nghĩa đem về.
Thường Quân ngạc nhiên hỏi:
- Mua điều nghĩa thế nào?
Họ Phùng đáp:
- Tướng công nguyên trước được phong cho thực ấp ở đất Tiết là đất nhỏ mọn, mà không lo vỗ về thương yêu dân, lại còn mưu toan làm lợi. Vì vậy, tôi trộm lịnh xóa cho tất cả các con nợ, nhân đó thiêu hủy cả văn khế, được dân chúng vui mừng tung hô vạn tuế. Ấy là tôi vì Tướng công mua được điều nghĩa vậy.
Thường Quân nghe nói không bằng lòng, nhưng phải bỏ qua.
Một năm sau, vua Tề không dùng Mạnh làm Tướng quốc nữa, phải về đất Tiết ở. Bấy giờ bá tính đất Tiết, trai gái già trẻ đua nhau đến đón rước giữa đường, hoan hô nhiệt liệt. Khi ấy, Mạnh quay lại Phùng Huyên mà bảo rằng:
- Tiên sinh vì Văn này mua điều nghĩa, ngày nay Văn mới trông thấy.
Phùng thưa:
- "Con thỏ khôn có ba cái ngách hang mới khỏi chết", nay Tướng công mới có một ngách hang, chưa được dựa gối nằm yên, tôi xin vì Tướng công đào thêm hai ngách nữa.
Mạnh nghe nói, liền ban 50 cỗ xe và 50 cân vàng để họ Phùng hoạt động. Họ Phùng liền tây du nước Lương, bảo vua Huệ Vương nước Lương rằng:
- Được người hiền thì nước mạnh, bỏ người hiền thì nước yếu. Nước Tề nay bỏ Mạnh Thường Quân, nếu Lương dùng làm tướng thì Mạnh Thường Quân sẽ đem những việc khả dĩ làm lợi cho Tề được mà làm lợi cho Lương. Như vậy, Lương sẽ hùng mạnh mà Tề nguy mất.
Lương Huệ Vương bằng lòng khiến sứ giả dem 1000 cân vàng và 100 cỗ xe qua mời Thường Quân. Giữa lúc ấy, Phùng lại sang Tề, vào yết kiến Tề Mân Vương bảo:
- Được người hiền thì nước mạnh, bỏ người hiền thì nước yếu. Nay Tề bỏ Mạnh Thường Quân, nếu nước Lương hay một nước nào khác dùng làm tướng thì Mạnh Thường Quân sẽ đem những việc khả dĩ làm lợi được cho Tề mà làm lợi cho nước khác. Như vậy, nước khác sẽ hùng mạnh. Huống chi Mạnh trước kia ở Tề, những việc bí mật của Tề, Mạnh đều hiểu biết, như vậy dù muốn dù không Mạnh cũng dựa theo đó mà làm nguy Tề.
Mân Vương ngoài miệng tuy khen phải nhưng lòng còn do dự. Bỗng có quân báo nước Lương đương cho xe ngựa đi rước Mạnh Thường Quân về làm Tướng quốc, nên lập tức sai quan Thái Phó đem 1000 cân vàng và văn xa tứ mã (xe có vẽ vời và gác 4 ngựa) cùng một bảo kiếm, một phong thư đến xin lỗi Thường Quân và xin mời về làm tướng như cũ.
Sau khi vua Tề tái dụng Thường Quân, Phùng Huyên lại khuyên Mạnh nên thỉnh cầu cho đủ những đồ tế khí của tiên vương và xin lập nhà tôn miếu ở đất Tiết. Vì Mạnh vốn là dòng dõi của vua Uy Vương nước Tề, xong lập tôn miếu ở đất Tiết để thờ tiên vương làm căn bản vững vàng, sau này nước Tề chẳng những không dám đoạt đất Tiết, mà phải cứu trợ một khi đất Tiết bị nước khác xâm lăng.
Vua Tề không hiểu được mẹo của Phùng Huyên nên bằng lòng cho Mạnh thiết lập tôn miếu ở đất Tiết. Khi ấy họ Phùng bảo Mạnh:
- Ngày nay ba ngách hang đã đào xong, Tướng công có thể dựa gối cao mà nằm được yên vậy.
Mạnh Thường Quân làm Tướng quốc hơn vài mươi năm, không xảy ra chút mảy tai họa gì là nhờ mưu kế "Giảo thố tam quật" của Phùng Huyên.
"Ba ngách hang" của Phùng Huyên là: mua nghĩa, lập kế cho vua Tề tái dụng làm tướng, lập tôn miếu ở đất Tiết.
Thành ngữ "Giảo thố tam quật" chỉ con người cần phải có trí mưu để tạo nhiều điều kiện, nhiều phương tiện mới tự tồn được.

No comments:

Post a Comment