Thursday, March 20, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Sự thân thiết giữa người xuất gia và các cư sĩ có những lợi và bất lợi thế nào trong sự tu tập?

Hỏi. Sự thân thiết giữa người xuất gia và các cư sĩ có những lợi và bất lợi thế nào trong sự tu tập? 

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 18-2-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

ĐĐ Pháp Tín: Nói về đời sống của người xuất gia thân thiết với người cư sĩ. Nếu chúng ta không thân cận với những người cư sĩ thì họ không học pháp được và thứ hai là họ không có cơ hội tạo phước. 

Nhưng mình thân cận với người cư sĩ thì cũng có điều bất lợi. Thí dụ như chúng ta thân cận nhiều quá thì mất thời gian của chúng ta và của người cư sĩ. Có nhiều khi thân cận quá chúng ta đòi hỏi cái này cái kia v.v... thì cũng làm cho người cư sĩ bị nản. 

Thành ra đường này cũng khổ đường kia cũng mệt. Vậy thì bây giờ chúng ta phải làm như thế nào?

 Trong kinh Đức Phật đã giảng rất nhiều. Có nghĩa là chúng ta không qúa thân cận, hoặc là chúng ta phải đi  con đường trung đạo, không quá hững hờ với họ chúng ta cũng không quá thân cận. Những gì trách nhiệm hay phận sự của người cư sĩ thì chúng ta để người cư sĩ làm, những điều gì thuộc về trách nhiệm của một vị tu sĩ thì vị đó sẽ thực hiện bổn phận hay phận sự của mình.

Thời xưa, khi trưởng giả Cấp Cô Độc hay bà Visahkha, mỗi ngày những vị này đến chùa đến tịnh xá, hoặc Chư Tăng cũng đến nhà những vị này để thuyếp pháp hoặc trai tăng nhiều lần. Trong kinh kể lại, mỗi ngày  trưởng giả Cấp Cô Độc cúng dường 500 vị tỳ khưu, mỗi ngày bà tín nữ Visakha cúng dường 500 vị tỳ khưu. Vào buổi chiều thì những vị trưởng giả này đi vào trong tịnh xá nơi Đức Phật ngự để nghe thuyết giảng pháp.

Vậy thì từ đó, chúng ta rút ra một kinh nghiệm là phận sự của ai thì người đó hành theo. Thí dụ như mình đi bát hoặc có những khi người cư sĩ thỉnh thì mình đến để thọ trai để thuyết pháp thì mình cứ làm theo việc đó. 

Trong kinh Pháp Cú có nói một tích chuyện: có một tín nữ đến thỉnh Chư Tăng về nhà để làm lễ trai tăng. Vi đại đức có nhiệm vụ sắp xếp những vị sư đi đến nhà thí chủ để thọ thực đã chỉ ra một vị tỳ khưu đến nhà vị cư sĩ để dự trai tăng. Khi vị tỳ khưu này đi đến nhà của người tín nữ thì bà ta đã nhắc ghế mời ngồi rồi lấy nước và giẻ lau để vị tỳ khưu này rửa chân lau chân, sau đó đã dâng phần dầu để vị này thoa chân rồi sau đó cúng dường trai tăng rồi vị tỳ kheo chúc phúc. Sau đó mỗi người trở về trú xứ của mình. Nhưng chiều đến vị tỳ khưu này lại đến nhà bà thí chủ đó để mượn cây cuốc, thì bà ta dùng cái chân để hất cái cuốc ra ngoài cho vị tỳ khưu mượn. 

Thì ở đây, chúng tôi kể tích chuyện này chúng tôi muốn nói điều liên quan ở đây: Có nhiều lúc chúng ta không có biết cách hoặc là chúng ta cái gì cũng nhờ người cư sĩ hoài thì đến một lúc nào đó người ta sẽ xem thường mình, vậy thì mình muốn không bị như vậy thì chúng ta phải hành theo đúng cái giá trị của mình. Những người cư sĩ cũng vậy. Khi nào người ta có sự phát tâm như ở trong bài kinh, những người cư sĩ phát tâm người ta nói với mình như là mình cần vật dụng gì đó hãy nói cho người ta biết thì người ta sẽ phát tâm cúng dường, nếu mà được nói trước như vậy thì khi chúng ta cần chúng ta đi đến để chúng ta khất thực hoặc là chúng ta nhận lấy những tặng phẩm đó, thì điều đó sẽ thích hợp. Còn nếu người cư sĩ lúc người ta cần mình dạy học hoặc là thuyết giảng thì lúc đó chúng ta sẽ có sự nhiệt tâm có nghĩa là mình hết mình trong sự dạy người ta học v.v...

Thì sự thân cận như vậy sẽ tạo được cái uy tín hoặc mình sẽ tạo được niềm tin cho người cư sĩ và lợi cả hai bên . Còn lúc nào không cần thiết chúng ta không nên đến nhà của người đó để nghe để ngóng hoặc là để chờ để đợi cái gì đó v.v... thì sự thân cận này sẽ làm nguy hại chẳng những mà đến bản thân của vị đó mà nó sẽ ảnh hưởng đến một cộng đồng tu tập hoặc là một tăng đoàn. Những điều đó nó sẽ làm thoái hóa giữa niềm tin của Chư Tăng và người cư sĩ Phật tử.

Qua câu thảo luận này, chúng tôi muốn nói rằng nếu chúng ta không thân thiết với người cư sĩ thì sẽ có nhiều bất lợi cho cả hai bên còn nếu chúng ta thân cận thái quá thì sẽ làm cho niềm tin của người chưa có nó không sanh khởi mà người có niềm tin rồi thì sẽ bị tổn giảm. Chúng ta nên đi theo con đường trung đạo, khi nào người cư sĩ thỉnh mình để bát hoặc làm chuyện chi đó mà thích hợp với đời sống của người tu sĩ thì chúng ta sẽ hết mình còn khi nào người ta không cần đến thì chúng ta không có sự thân cận mà vô ích phí thời gian, nếu chúng ta giữ được như vậy thì chúng ta sẽ tạo được niềm tin của người chưa có niềm tin sẽ sanh khởi, còn người đã có niềm tin rồi thì niềm tin càng ngày càng tăng trưởng ./.

No comments:

Post a Comment