Sunday, March 23, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Người trí biết tự rèn luyện bản thân

Hỏi: Người trí biết tự rèn luyện bản thân

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Đạo Phật nhấn mạnh giá trị của sự rèn luyện bản thân. Cho dù người ta lý luận cách nào đi nữa thì sự rèn luyện bản thân mang một giá trị không thể phủ nhận trong đời sống của chúng ta.

Mỗi người sống trong thế gian này, vì nghề nghiệp, vì theo đuổi mục đích của mình, mình có thể gia công để rèn luyện một cái gì đó, thì một người có trí, một người hiểu được cuộc sống người đó sẽ tự nhiếp phục, tự thuần hoá nội tâm của mình. 

Khi nói đến văn minh của loài người tức là một xã hội có những con người được giáo dục. Và một người giáo dục là một người đuợc rèn luyện uốn nắn. Đây là một điểm đôi lúc khó nhận thấy trong Đạo Phật. Đặc biệt là Thiền Tông. Ở Việt Nam, có nhiều người khi đọc sách thiền của Nhật Bản, họ quan niệm rằng thiền có nghĩa là phá tất cả những luật mà người xuất gia phải tuân thủ. Thiền có nghĩa là phóng khoáng, có nghĩa là không cố chấp. Nhưng chúng ta đến Nhật Bản, đến thăm các trường thiền thì ngay cả thiền Zen của Nhật Bản thì công phu đào luyện vẫn là một điểm mà tất cả thiền viện nhắm vào. 

Nói một cách khác, không có một trường hợp nào ở trong những pháp môn tu tập của Đạo Phật, mà pháp môn đó chủ trương buông thả, không tự rèn luyện lấy bản thân. Trong rất nhiều đoạn kinh, Đức Phật đưa ra ví dụ, một con ngựa không được huấn luyện thì chỉ là một con ngựa hoang, mà một con ngựa hoang thì không có giá trị gì. Một người sống trong cuộc đời này, gọi là một người văn minh, là một người có trình độ tâm linh, thì người đó ít nhất phải có khả năng tự rèn luyện chính mình và sự rèn luyện này nói trong Đạo Phật chính là sự tu dưỡng nội tâm. Sự tu dưỡng nội tâm cho phép tâm tư của chúng ta được thuần hoá. Được thuần hoá ở đây tức là chúng ta có thể đến, đi, có thể suy tư, có thể hướng tâm ở trong một thế hợp tình hợp lý, tương đối có một khả năng tự chủ chứ không sống thuần với bản năng.

Nếu chúng ta đọc tất cả những điều trong kinh Phật đề cập thì Đức Phật luôn luôn nhấn mạnh một điểm là con người cần hấp thụ một nền giáo dục. Nói một cách gần gũi nhất đó là con người cần có chủ tâm rèn luyện chính mình. 

Đạo Phật quan niệm rằng đời sống nội tâm của con người là một kho báu, một sức sống và sức sống này rất kỳ diệu. Kỳ diệu đến nỗi qua đó chúng ta có thể có được nhiều lợi lạc nếu chúng ta biết chỗ để hướng tâm tư của mình. Có một buổi sáng, như buổi sáng hôm nay là buổi sáng thứ bảy ở tại Hoa Kỳ và là một chiều thứ bảy ở một nơi nào khác như ở tại Việt Nam, ở trong giờ phút này chúng ta đang hướng tâm, đang suy nghĩ một việc gì đó, thì sự hướng tâm này định đoạt rất nhiều về trạng thái tâm ở trong ngày về cuộc sống của mình sẽ sống ra sao. 

Nếu chúng ta đọc một bài kinh “Đế Thích Sở Vấn” , ở trong bài kinh này, Đức Phật có đề cập đến một trạng thái gọi là tâm hành. Tâm hành ở đây chính là tầm và tứ. Tầm tứ tức là khuynh hướng hướng tâm, một lúc nào đó, tâm của chúng ta chỉ ưa chuộng âm nhạc, một lúc nào đó tâm của chúng ta chỉ ưa thích chuyện thế sự, một lúc nào đó tâm của chúng ta chỉ ưa thích Phật Pháp. Cái khuynh hướng đến của nội tâm, cái hướng đó Đạo Phật gọi là tâm hành.

Tại sao gọi là tâm hành, tại sao gọi là tầm tứ? Đức Phật đề cập đến hơi thở thì Ngài gọi hơi thở là thân hành. Bởi vì qua hơi thở con người có những hoạt động cụ thể của thân. Vị nào mà quen tập yoga hay quen tập thiền hơi thở thì chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy rằng, những con vật hay người nào mà hơi thở ngắn, chúng ta sinh hoạt một cách khác, mà hơi thở dài thì sinh hoạt một cách khác. Cho dù hơi thở chỉ là một làn hơi đi ra đi vào, nhưng mà qua hơi thở đó nó cho chúng ta một cách sinh hoạt đặc biệt của thân. Do đó hơi thở gọi là thân hành. Và qua hơi thở, chúng ta cũng biết nhiều về thân của mình. 

Nhưng đối với tâm thì sự tầm tứ, tức sự hướng tâm, sự dán tâm của chúng ta vào một cái gì đó, nó gọi là tâm hành, tức là một phần chủ đạo của đời sống. Tầm và tứ của tâm hay tâm hành rất khó để nhận thức trong đời sống. Nó chỉ được nhận thức khi nào chúng ta tự hỏi rằng hiện tại bây giờ trong giờ phút này cái gì là cái ưu tiên số một của mình. Cái ưu tiên đó phải chăng là chúng ta đang hướng tâm để tìm một cái gì mình muốn. Chúng ta đang hướng tâm để làm sao tìm vào một cảnh giới nào đó cho chúng ta vừa ý thoả thích. Sự hướng tâm này nói lên chí hướng, nói lên nguyện vọng, nói lên hoài bão, nói lên ưu tiên của đời sống mà qua đó cuộc sống được thể hiện. 

Nội tâm của chúng ta sẽ trở nên hoang dại, nếu chúng ta không có một lập tâm là mình sẽ đặt để, sẽ rèn luyện tâm trí mình ra sao. Nếu có một buổi sáng mà chúng ta thức dậy không có một việc gì khả dĩ để làm, cho dù việc đó là dọn dẹp nhà cửa, thắp nhang bàn Phật hay bất cứ việc gì mà chúng ta thấy rằng lợi ích thì chúng ta thấy tâm hoang vu. Tâm hoang vu trôi dạt về nhiều phương hướng khác nhau. Chúng ta không biết là nó sẽ trở thành ra thứ gì. Do vậy, Đức Phật dạy rằng bậc trí biết tự rèn mình.

Ngài Hộ Tông khi còn là cư sĩ, Ngài viết một bài  “Thường tự hoá” Thường tự hoá tức là một người trí là người biết thường tự giáo hoá lấy bản thân của mình. Cuộc sống là một cuộc phiêu lưu không ngừng. ở trong cuộc phiêu lưu đó chỉ có hai thái độ; Một là thái độ mình biết chuẩn bị hành trang hợp tình hợp lý cho mình. Thứ hai là chúng ta cứ buông tay để đi theo dòng đời, cuộc đời đưa chúng ta đến đâu thì chúng ta sẽ đi về đó. 

Chúng tôi nhớ ngày xưa có đọc một bài thơ của Xuân Diệu. Bài thơ này diễn tả trong một cái thế khác hơn là chúng ta nói tại đây. Nhưng nó gợi cho chúng ta một ý rất là quan trọng. “ Thượng Đế hỡi con cuối đầu trả lại. Linh hồn con là một kiếp đi hoang. Sầu đã chín xin Ngài thôi hãy hái. Con sẽ đi dầu địa ngục hoặc thiên đàng.” Khi chúng ta nói, “con sẽ đi dầu địa ngục hoặc thiên đàng” cái đó nói lên, khi tâm của chúng ta đã buông rồi thì nó có thể trôi dạt vào bất cứ bến bờ nào. Và khi đã gọi là trôi dạt thì chúng ta không còn một cách gì tự chủ ở đời sống. 

Và điều này điều Đạo Phật dạy rằng, có những người bước đi mà bước đi để trôi dạt, bước đi để đi vào trong cuộc vô định. Bởi tự họ không tìm ra một hướng khả dĩ nào cho cuộc hành trình của họ. Vì vậy, người ta cố gắng hiểu một cách khác đi tinh thần của Đạo Phật, ở một cách giải nào đó để cho thấy rằng, cái cao diệu của Đạo Phật là nói đến một sự tự tại, không có uốn nắn, không có tôi luyện, không có rèn mình. Nhưng trên thực tế, tất cả các Pháp mà Đức Phật dạy cho chúng ta đều có mục đích rất rõ ràng, đó là cải thiện đời sống tâm linh của mình, rèn luyện tự thân của mình. Và kết quả của sự rèn luyện đó là chúng ta đạt được sự tự chủ. Không những thế mà chúng ta còn có thể làm những gì mà mình mong mỏi.




No comments:

Post a Comment