Tuesday, March 18, 2014

Phật Học Vấn Đạo -Năm sự quân bình của các căn ; tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.

Hỏi: Năm sự quân bình của các căn ; tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.

(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Có một lần trong một trường thiền, một vị Thiền Sư Ngài có dạy chúng tôi một ít về A Tỳ Đàm ở trong chương trình học, lúc chúng tôi nghe pháp thì trong giờ trình pháp có một vị Tăng giảng A Tỳ Đàm theo lời yêu cầu của vị Thiền Sư. Ngày hôm sau một vị Tăng đặt lên câu hỏi rằng tại sao trong trường thiền lại có thêm môn A Tỳ Đàm? Thì Ngài Thiền Sư có lưu ý một điểm "Các anh phải quân bình". Một người tu tập thiền nhiều khi nghĩ rằng phải đi trong im lặng, và trong sự im lặng đó đôi lúc thiếu mà các vị không để ý, như vì thiếu lắng nghe, thiếu nghe pháp và thiếu sự suy tư, thiếu những gợi ý nên chi nó lại làm cho mất quân bình. Mà nếu một vị nào lúc hành thiền mà đọc sách nhiều quá, hay nghe pháp nhiều quá, thảo luận nhiều quá thì cũng là một chướng ngại. Nói chung là những thứ đó phải vừa phải.

Ngày xưa thì chúng tôi cũng quan niệm rằng khi người ta hành thiền thì không nên làm gì khác như là tụng kinh, cứ bỏ qua một bên không làm gì hết, khi hành thiền thì thấy không cần phải lưu tâm một số các việc như quét dọn liêu cốc, nhưng khi ở trong nhà thiền các vị Thiền Sư lưu ý rằng những điều đó có chỗ hữu dụng của nó, để cho có niềm tin vào tam bảo, để củng cố niềm tin của chúng ta được tăng trưởng, và hoặc là trong buổi tụng kinh mà tôn tượng Đức Phật ngồi trong trang nghiêm và Thiền Sư cùng Chư Tăng ngồi đó tụng bài kinh xưng tán Đức Phật, nhất là vào buổi sáng thì chúng tôi vĩnh viễn không thể quên được cảnh đó, cảnh mà buổi sáng tất cả Chư Tăng lên tụng kinh và chúng tôi nhớ ở bên trường thiền thì người ta có tụng kinh sám hối, thành kính đảnh lễ dưới chân Đức Phật , cả hàng mấy trăm người lạy xuống thì cảnh mà các vị qùi dưới chân tượng Phật để tụng xin sám hối nó là ý niệm rất mạnh. 

- Cũng tương tựa như vậy, tinh tấn nghĩa là mình chịu khó siêng năng. Ở trong các trường thiền đặc điểm là cácg trường thiền của Miến Điện hay một vài trường thiền khác ở Mỹ, thì chúng tôi thấy một số qúi vị đã khuyến khích các thiền sinh khi vào xin hành thiền thì cứ đóng tiền rồi hành thiền thôi, nhưng ở một số các trường thiền khác thì chúng tôi cũng thấy họ có một cách cũng hay đó là mỗi buổi sáng sau khi tụng kinh và trước khi Chư Tăng đi khuất thực thì tất cả Chư Tăng đều được phân chia việc làm, vị nào quét dọn tăng xá, vị nào gánh nước cho trong phòng Sư Cả, rồi vị nào chuẩn bị củi lửa để Chư Tăng nhuộm y v.v... thì có khoảng chừng một người chắp tác, việc chắp tác đó thì theo các vị Thiền Sư giúp cho chúng ta tinh tấn làm các công việc. Nhiều khi ngồi thiền lâu và chỉ ngồi không làm gì thì các căn sẽ bị mất quân bình, vì thế công việc được Chư Tăng chỉ định làm gì đó một cách rõ ràng, điều đó có lợi là dạy cho hành giả rất nhiều, và công việc đó không thái quá, ví dụ như mình được giao cho quét sân chùa hay là giao cho lau sàn thiền, v.v...... thì mình chỉ biết công việc đó tập trung vào làm. Các vị thiền sư có kinh nghiệm lâu năm qúi vị thấy rằng công việc đó không có hại cho sự hành thiền mà trái lại còn tăng trưởng sự tinh tấn. tăng trưởng nghị lực. Nên nhớ, năng lực mình không sài thì không sanh khởi được, năng lực nhiều mà chúng ta xử dụng nó thì nó mới phát triển được, như là sức khỏe nếu chúng ta ngồi hoài chúng ta không dùng sức nó yếu đi, chuyện dùng sức nhiều quá thì không nên dùng sức một cách bừa bãi, nhưng vận động tay chân một cách vừa phải thì tăng trưởng sức khỏe.

- Quân bình của niệm, thì rất tế nhị khi hành giả áp dụng trong đời sống. Sự quân bình của niệm không nên hiểu chỉ đơn giản là ngồi mấy giờ đồng hồ tập trung vào hơi thở hay là tập trung vào đề mục mình niệm, đất, nước, lửa, gió. Chánh niệm trong đời sống hàng ngày hành giả áp dụng giống một người hiểu được cách để bảo dưỡng, điều gì cần phải lưu tâm. Chúng tôi lấy ví dụ. thỉnh thoảng có những Phật tử đến chùa có con nhỏ, chúng tôi hỏi qúi vị đó rằng có con nhỏ chắc là bận rộn vì phải để ý chăm sóc con, thì vị đó trả lời rằng dù rất bận rộn trong cuộc sống nhưng vẫn phải có chút thì giờ để ý đến con cái ngay cả trong giờ ngủ, dĩ nhiên là lúc ngủ khi con nhỏ khóc mình cũng phải ngồi dậy. Thì đối với hành giả bảo dưỡng chánh niệm của mình ngoài giờ ngồi thiền thì trong lúc nói chuyện, trong lúc ăn uống, trong lúc làm việc hoặc giả là có sinh hoạt gì đó thì cũng tìm cách này hay cách khác để bảo dưỡng khả năng sống với chính mình chánh niệm chứ không có bận rộn quá rồi đánh mất đi. Ví dụ như một người tu thiền khi gặp người bạn thân lâu ngày không gặp lại, hay có chuyện gì thú vị về thế giới chiến tranh chỗ này chỗ kia bàn, chúng ta gọi là phiếm luận, khi nói chuyện phiếm như vậy một vài giờ thì làm tổn giảm đi rất nhiều chánh niệm, khi đang để tâm vào đề tài phiếm luận tức là vị đó không có bảo dưỡng chánh niệm của mình. Thì yếu tố của Niệm ở đây được hiểu như là một người bắt đầu tu tập thì dĩ nhiên người đó phải ăn uống, phải đi khuất thực hay phải đại tiện, tiểu tiện, phải tắm phải giặt cho mình, hoặc giả ngay cả làm việc nhưng ở trong giờ phút đó thì cũng phải bảo dưỡng chánh niệm của mình tức là làm sao cho Định Lực nó được có, khi nói đến quan niệm sống tức là khi chúng ta có quân bình trong mọi nỗ lực thì có nghĩa là sự trung thành, định lực có nghĩa là trung thành với đề mục đó, trung thành với đề tài đó. 

-  Chúng ta lấy ví dụ Định Lực như là kính hội tụ gom ánh sáng mặt trời mọc, nhưng định lực đó cũng được ví dụ như mình làm chuyện gì đó mà mình rất là kiên tâm bám sát lấy nó không để cho gì khác chi phối đè lên đề mục này, như hành giả tu tập đề mục hơi thở thì hành giả phải đạt đến mức độ lâu ngày luôn luôn tha thiết với hơi thở, hơi thở ra hơi thở vào, những lúc chờ đợi, những lúc rảnh rỗi không làm chuyện gì thì mình cảm thấy tha thiết với hơi thở, khi nào qúi vị thấy rằng say mê với đề mục gì đó, thì tự nhiên trong sự say mê đó tạo ra một cái rất đặc biệt dù là mình có những chi phối lôi kéo khác nhưng chúng ta cũng trở về với đề mục mà đã mình đang say mê, tại vì sao vậy? khi đó cho phép chúng ta trở về lại với cái gì cần phải trở về. 

Cũng có một cách ví dụ về Định Lực về say mê, người ta thí dụ như một con ngựa hay một con bò một con vật không thuần người ta cần cột nó vào trong một cái trụ và rồi cột nó lâu ngày thì nó thuần thục, thì tương tựa như vậy tâm của chúng ta cần cột một chỗ, cái cột đó ban đầu nó là một sự cố gắng nhưng dần dà thì hành giả thật sự an lạc để tìm về chốn bình an, chốn bình an là cái gì mà mình tha thiết cái gì mà đắc tâm nhất với nó, cái đó là khả năng của tuệ lực. Và tất nhiên sự quân bình của định lực nói lên chuyện mình vừa học vừa khám phá vừa nhận thức, vừa hiểu biết, những cái đó đôi lúc người ta nói rằng; ngay cả tình bạn lâu năm sống chung với nhau lâu năm mà không có sự sáng tạo thì tình bạn đó cũng không có mệt mỏi vì nó trở thành bổn phận, thí dụ mình thân thiết với ai hay mình làm công việc gì đó mang tánh cách thủ thuật mà mình không có sáng tạo thì lâu ngày công việc nó cùn đi nó hoá nhàm. 

- Thì sự sáng tạo ở trong Tuệ Lực ở trong hành thiền của hành giả đó là sự khám phá hiểu biết khi mình hành thiền lâu ngày mình tập trung vào đề mục thì mình không phải chỉ là một sự một trạng thái tuệ lực đứng lại một chỗ mà trái lại ở trong sự tu tập đó có tinh tấn có tiến bộ, bên cạnh sự tiến bộ đó thì chúng ta có sự hiểu biết, cái hiểu biết của tuệ nó là khả năng khám phá như chúng ta gọi là khả năng nhận thức, sự nhận biết do kinh nghiệm sự thành thạo. Ngay cả một người làm việc tay chân họ làm lâu ngày thuần thục thì họ có đạt đến cái khả năng mà chúng ta gọi là cái khéo, cái khéo đó là trong thủ pháp của họ, cái thủ thuật hay là trong cách làm tuy rằng nó cũng giống như người khác nhưng nó khéo hơn những người khác, là do người đó làm trong sự ưa thích và cảm thấy chấn phấn, còn nếu mình làm trong sự không ưa thích, không có sự chấn phấn thì không có nhận biết, không có thấy rõ thì lâu ngày thứ đó nó trở thành ngõ cụt bế tắc đi. 

Chúng tôi có một lần nghe một người làm việc ở trong trại gà, họ nói là khả năng lựa trứng mà có phân biệt hai hay ba loại trứng, ban đầu người không có kinh nghiệm thì họ phải nhìn phải cân nhắc, nhưng lưạ lâu ngày thì thành tinh tế đến độ khéo, làm rất nhanh rất chính xác ít có khi sai trật, họ đạt đến mức độ khéo, cái khéo đó là chúng ta có thể nói khả năng sung mãn của tuệ. Chúng tôi thấy rằng thí du như quí vị thích đọc sách mà đi vào tiệm sách chúng ta cầm quyển sách lên đọc vài ba trang sơ sơ, nhìn tựa nhìn tác giả là có thể nhận định sách hay hay la dở, nếu như có người níu áo chúng ta hỏi rằng mình lựa cuốn sách làm sao biết cuốn nào là hay dở, thì chúng tôi phải nói rằng chúng ta có cái bảo đảm, dĩ nhiên là mình phải có khiếu và phải có cái khéo, cái khéo đó chính là căn bản của Tuệ.

Nói tóm lại là năm sự quân bình của các căn tức là quân bình tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn, tương đối là rất là tình khiết được tìm thấy trong sinh hoạt hàng ngày. Ý chúng tôi muốn nói rằng sau những giờ hành thiền, thì cuộc sống hằng ngày nó là sự thể hiện làm sao để cho trưởng dưỡng các căn đó, các căn đó không có cái gì thiếu hay là không có cái nào quá căng. 

Ví dụ như có người rất thích đọc kinh sách, thích nghe pháp, ngày nào cũng say sưa nghe pháp, muốn đọc những sách nói về thiền chẳng hạn thì có khi nó hơi quá nó không có lợi cho sự thực hành.

Và nếu có người hỏi rằng; là làm sao để biết được quân bình?  

Biết quân bình các căn  không phải qua kinh sách qua các vị thiền sư hướng dẫn, nhưng khi chúng ta làm thì chúng ta mới biết làm sao để quân bình. Giống như cha mẹ dạy con cái sống ở trên đời phải biết ngó trước ngó sau, phải biết tôn trọng người này tôn trọng người kia nhưng không thể nào đơn cử ra từng trường hợp được. Khi đã được gợi ý như vậy rồi bản thân của chúng ta trong cuộc đời sống va chạm đời dạy mình qua thất bại thì chúng ta mới tìm ra được cái gì là vừa phải, lúc nào là lúc nên nói, lúc nào là lúc không nên nói, thì những cái đó là tướng thủ thuật cái gì nên làm cái gì không nên làm tất cả đều do khả năng nhận thức của mình. 
Do vậy sự quân bình của các căn được xem như là một điểm mà rất ư là quan trọng đối với hành giả.

No comments:

Post a Comment