Wednesday, March 26, 2014

Chuyện Xưa Tích Cũ - CON RANH, CON LỘN


CON RANH, CON LỘN
Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình

Mãi đến nay, nhiều bà mẹ khi nổi giận đã không tiếc lời mắng nhiếc con cái trong nhà: -Mày là con ranh, con lộn! 

Hoặc là: -Đồ con ranh, con sát! 

Đúng ra phải nói đứa bé bất hiếu ấy là con của mẹ ranh Càn Sát, chữ nho gọi là Càn Sát quỷ mầu. Tục truyền rằng năm đó ở tỉnh Hà Đông (miền Bắc) có thằng bé chăn trâu vừa siêng năng, vừa khôn ngoan. Nó thường nói với cha ruột: -Mẹ con mất rồi, con nhớ ông ngoại bà ngoại. Hễ tối sau khi lùa trâu vô chuồng, xin cha cho phép con qua bên ấy. 

Người cha thuận cho đứa bé qua làng kế cận mà ngủ ở nhà bà ngoại. Thằng bé đi vắng nhà, sáng trở về lo chăn trâu. Chú của thằng bé thấy vậy thường lên tiếng ngăn cản: -Trời mưa gió, cháu bé vượt qua cánh đồng, rủi mang bệnh hoạn thì tội nghiệp, đó là chưa nói đến tai nạn rắn rít dọc đường. Để tôi qua nói với bà ngoại nó, cho nó ngủ bên nầy, thỉnh thoảng hãy tới thăm. 

Người chú đến gặp bà ngoại thằng bé, chừng nghe hỏi thì bà trả lời sửng sốt: -Mấy tháng rồi, nó đâu có tới đây thăm tôi. Hay là nó chơi hoang với chúng bạn? 

Người chú sinh nghi vì thằng bé hơn mười tuổi quá hiền lành ấy chẳng lẽ mê say tửu sắc. Chiều hôm sau, khi thằng bé lên đường, người chú bèn nom theo phía sau. Nó không hay biết, đi thật nhanh đến cây da cổ thụ ở giữa cánh đồng. Trời tối hẳn, nhờ vậy mà người chú ẩn núp kín đáo ở mô đất, gần gốc cây. 

Từ trên ngọn cây da, một giọng đàn bà gọi the thé: -Con ơi! Mẹ đây nè! Sao về trễ vậy? 

Rồi người đàn bà ấy từ ngọn cây nhảy xuống đất gọn gàng, hàng chục đứa bé nhảy theo, đeo trên vai, sau lưng. Trong lòng mụ ta, một đứa bé đang bú. 

Người chú hiểu mụ nọ là ma quái bèn lắng tai để ý nghe đứa cháu trả lời: -Con buồn quá, sớm muộn gì chủ nhà cũng hay biết, mấy tháng rồi, con vắng mặt lúc ban đêm nên họ nghi ngờ. Mẹ nên dẫn con đi xứ khác. 

Mụ nọ trả lời: -Căn phần chưa mãn, hai ba năm nữa mới dứt được. Con nên chịu cực mà chăn trâu. Tuy vắng mẹ nhưng ai dám ám hại con. Mẹ khuyên con điều này: nếu chủ nhà dọn cá chép hoặc là con ba ba thì đừng ăn mà nguy hại, mẹ con mình khó gặp mặt nhau. 

Mụ nọ và thằng bé ngồi gần nhau, mói nhỏ tiếng nên người chú không nghe rõ. Nhưng cần gì! Tất cả bí mật đều bị tiết lộ rồi, người chú chạy nhanh về nhà, không nói lời nào cho cha đứa bé hay biết. 

Hôm sau, người chú mua cá chép và ba ba, bằm hai thứ đó bỏ vào nồi mà nấu. Đến bữa ăn người chú mời mọc nhưng thằng bé vẫn trả lời một mực: -Cháu no rồi. 

Người chú đến gần, dùng tay đè xuống rồi cạy miệng, đổ thịt ba ba và cá chép vào miệng đứa cháu. Nó kêu la, kháng cự. Để trừ khử, người chú hất cả thức ăn lên đầu nó, trét lên đầu. 

Chiều tối, thằng bé vội vã chạy ra ngoài đồng vắng, đến gần gốc cây da. Khi chạy theo để ngóng kết quả, người chú giật mình, vì mụ già trên ngọn cây quát to: -Đồ bất hiếu. Ta đã dặn đừng ăn những món cấm kỵ đó, mi cãi lời thì còn cách nào cứu vớt được nữa. 

Thằng bé òa lên khóc: -Xin mẹ thương con mà tha thứ cho. Họ dùng võ lực để lấn hiếp, con yếu đuối … 

Mụ già cứ chửi mắng. Người chú nổi giận, cầm cục đất mà nạt: -Mụ kia! Đừng hòng tới lui xóm này mà quấy rầy dân chúng. Xem này! 

Cục đất ném tới, mụ già và lũ trẻ con biến mất. Rồi không bỏ mất cơ hội, ông về nhà lấy xương cá chép và cái mai con ba ba đem đến gốc cây, ném bừa bãi xung quanh. 

Thằng bé về nhà, nằm yên trong mùng. Với thái độ kiêu hãnh, người chú ngồi trong nhà, đốt đèn lên mà uống rượu. Đúng như sự dự đoán, đâu vào khoảng canh tư, mụ già nọ đến trước sân để van nài: -Ông đem xương cá chép với mai ba ba mà bỏ nơi khác. Tôi không nơi nương tựa, nếu ông đuổi thì tôi rời khỏi cây da, đi lang thang phá tất cả xóm này. Tôi không hại ông nữa đâu. 

Người chú ra gốc cây, lượm mấy món cấm kỵ nọ đem quăng xuống dòng sông gần đó. 

Thằng bé tiếp tục chăn trâu, không lén đi ra ngoài gốc da như trước. Nó lớn khôn, học hành biết đọc, biết viết, nếu ai nhắc chuyện mụ già thì nó trố mắt, không nhớ điều gì cả. 

Mụ ấy được gọi là mẹ ranh Càn Sát.

No comments:

Post a Comment