Monday, February 24, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Trong kinh thường đề cập tới quả phúc của một người tu tập (như trì giới) là "tiếng lành đồn xa".

Hỏi: Trong kinh thường đề cập tới quả phúc của một người tu tập (như trì giới) là "tiếng lành đồn xa".  Điều đó có thật sự đáng hoan hỷ với người tu tập?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 15-1-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TT Pháp Tân: Có hai loại phước: phước hữu lậu và phước vô lậu hay còn gọi là công đức hữu lậu và công đức vô lậu. Mục đích của Đạo Phật tu tập là để đạt đến sự giải thoát cứu cánh  phạm hạnh

 Và ở đây chúng ta thấy rằng, một vị hành giả tu tập trong cả trọn đời của mình hoặc là từ nhiều kiếp mình tu tập thì vị hành giả không ngừng bổ túc ba la mật, không ngừng nghỉ tạo các công đức thiện sự khi có được sự tinh tấn có được chí nguyện có được nhiều yếu tố phụ thuộc khác để vị ấy có thể thành tựu con đường phạm hạnh thì phải đòi hỏi cái vị đó trải qua nhiều công phu tu tập, nhiều pháp độ ba la mật được thực hành một cách trọn vẹn được vun bồi các thiện nghiệp trong đó bao gồm cả phước hữu lậu cũng như là phước vô lậu.

Chúng ta nói về một người giữ giới tốt đẹp thì có được 5 quả báu: thu hoặch được tài sản, tiếng lành đồn xa, dạn dĩ trước hội chúng, tâm được yên tịnh hoặc là sau khi lâm chung sanh vào cảnh giới an vui. 

Thì trong 5 quả báu có một điều là một vị giữ giới thì sẽ được tiếng lành đồn xa. 

Ở đây, giữ giới cũng có nhiều mức độ nhiếu cấp độ, bậc thượng, bậc trung rồi bậc hạ. Một vị tu tập trong đời sống phạm hạnh thì mục đích tu tập không phải chỉ thành tựu ở giới. Trong bài kinh "Lõi Cây" Đức Phật Ngài  có ví dụ là một người đi tìm lõi cây thì không phải là người đó chỉ thấy được vỏ cây, hay là giác cây ngoài, giác cây trong thì người đó thoả mãn  hay tự mãn với  điều mình có được, cũng như Đức Phật Ngài dạy không phải trì giới được tốt đẹp được mọi người ca ngợi  khen tặng rồi mình dừng lại ở tại đó, mà mục đích của người đi tìm lõi cây là tìm làm sao cho ra được lõi cây tức là đạt được cái cứu cánh của phạm hạnh, tức là thành tựu Giới Định và Tuệ. 

Và muốn tuệ có định thì vị đó phải thành tựu về giới. Nhưng giới không phải là mục đích cuối cùng mặc dù công phu của vị đó đạt thành tựu về giới là chúng ta thấy không phải là dễ dàng.

Một người thành tựu về giới thì có Tứ thanh tịnh giới:
 1) Biệt biệt giải thoát thu thúc giới.
2) Lục căn thu thúc giới.
3) Chánh mạng thu thúc giới .
4) Quán tưởng thọ vật dụng giới.

Thì vị đó thành tựu về giới nhưng khi thành tựu về giới vị đó không phải là thỏa mãn hay là tự mãn với những thành quả mình đã làm được cho nên người khác mà khen tặng thì chuyện đó là chuyện mà tất nhiên giống như câu người xưa họ nói: "Hữu xạ tự nhiên hương". Người giữ giới được được tốt đẹp hay tu hành tốt đẹp thì tự nhiên là tiếng lành đồn xa. Trong kinh Pháp Cú Đức Phật Ngài dạy: mùi hương của các loài hoa mùi hương bay ngát khắp phương nhưng cũng chỉ có giới hạn, nó chỉ tỏa ra một không gian nhất định nào đó thôi chứ không thể bay hết cả tứ phương không thể bay lên cõi trời. Nhưng, một người giữ giới trong sạch được trời người đều khen tặng hương đó bay tỏa khắp cõi trời cõi người ở đâu cũng có thể nghe dầu là vị đó ở thâm sơn cùng cốc, ở một nơi thâm sâu lắm không ai bước tới nhưng vị đó do giữ giới trong sạch tiếng thơm bay đồn vang bay lên cõi trời. Nhưng mục đích của vị đó không phải chỉ thành tựu ở giới  mà thành tựu ở định và thành tựu ở tuệ.

Mục đích của đời sống tu tập là đạt được cứu cánh phạm hạnh. Tu tập làm sao để loại bỏ phiền não. Thì căn nguyên của phiền não chính cội rễ đưa đến luân hồi. Nhưng, người tu tập thì làm sao tu để Giới và Định được tốt đẹp được thành tựu thì vị đó mới có thể cắt đứt được phiền não, thành tựu cứu cánh phạm hạnh.

Chúng ta thấy rằng khi nói đến 5 quả báu của người giữ giới trong đó có quả báu là được tiếng lành đồn xa. Các vị hiền triết, các vị thánh tăng thì thành tựu được giới ,còn đối với những người phàm tăng thì đã và đang làm cho mình được thanh tịnh thành tựu về giới, thì như vậy, con đường phạm hạnh không phải là dừng lại ở chỗ nào đó, hay là được người ta khen không phải vì vậy mà mình dừng lại, người ta chê cũng không phải vì vậy mà vị đó buồn, khen chê là việc của cuộc đời. 

Trong đời sống phạm hạnh là để làm sao đạt được thành tựu con đường phạm hạnh tức là nhờ tu tập Giới trong sạch, Định được viên mãn, Tuệ được viên mãn thì vị đó mới có thể thành tựu được cứu cánh phạm hạnh. Cho nên ở đây, với tiếng lành đồn xa giống như câu "hữu xạ tự nhiên hương" vị ấy không phải dừng lại ở chỗ đó mà ở chỗ là đi tìm lõi cây không phải tìm vỏ cây ở bên ngoài cũng không phải là tìm nhánh lá ở bên ngoài không phải là tìm cái giác ở bên ngoài, mà mục đích của vị đó là tìm lõi cây thành tựu được quả giải thoát trong tương lai mà một vị tu tập theo Đạo Phật muốn đạt được ./.

No comments:

Post a Comment