Wednesday, February 19, 2014

Nếu phát triển sự tập trung bằng một số sở thích như làm vườn, viết thư pháp ... có giúp ích cho sự tu tập chăng?

Hỏi:Nếu phát triển sự tập trung bằng một số sở thích như làm vườn, viết thư pháp ... có giúp ích cho sự tu tập chăng?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 15-1-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Tuệ Siêu: Mặc dù, việc một vị tu sĩ khi chú tâm vào việc gì đó thì cũng được xem như là một sự cột tâm không cho trôi dạt. Nhìn thoáng qua, chúng ta tưởng chừng như điều đó cũng lợi ích như thiền định, nhưng thật ra thì điều này cũng chưa phải là một sự  tu tập tối thượng. 

Sở dĩ chúng tôi nói như vậy. Ở đây, chúng tôi giả dụ như tập trú vào công việc săm soi cây kiểng chẳng hạn, điều đó không phải là không có phóng dật. Bởi vì khi săm soi kiểng nếu nói về việc thì việc này không tệ hại bằng việc chúng ta chạy theo danh lợi. 

Nhưng sự tập trú này không đem lại lợi ích như là thiền định trong Phật Pháp phải vừa có  Chánh Niệm vừa  có Tỉnh Giác. Chánh Niệm  và Tỉnh Giác nằm trên cơ sở tâm định, ở đây ba thuộc tính Chánh Định, Chánh Niệm và Tỉnh Giác này gắng liền với nhau. Bởi vì tịnh tâm sở thuộc về sở hữu thuộc về tâm sở biến hành, biến hành tâm, rồi hễ là tâm thiện, tâm có chánh niệm thì niệm đó cũng là biến hành tịnh hảo. Rồi khi có tỉnh giác là có tưởng trí tuệ có tâm sở biến hành, ba điều này định, niệm và tuệ đi chung với nhau thì mới có lợi ích.

 Lợi ích như thế nào? Là sự tập trung tư tưởng như vậy nhờ có trí tuệ tỉnh giác mới nhận ra được chân tướng hay là bản thể của pháp hữu vi là Vô Thường, Khổ và Vô Ngã, như vậy mới đoạn trừ được phiền não. Còn nếu như chỉ tập trú vào công việc như công việc trồng kiểng chẳng hạn thì chỉ giới hạn trong một khuôn khổ là không bị danh lợi chi phối nhưng vẫn có sự đắm nhiễm ở trong đó, khi nghe có cây kiểng thấy đẹp thì say mê thì trong trường hợp đó có tánh đắm nhiễm.

Lý do thứ hai, chúng tôi nói ở đây là việc tập trung bằng những sở thích làm việc này việc kia là không cần thiết để hổ trợ cho việc tu tập. Bởi vì khi tập trú vào công việc như vậy thì có những loại tùy phiền não mình không đoạn trừ được, bởi vì không có tác ý đoạn trừ cho nên không đoạn trừ được, mà không đoạn trừ phiền não được thì lúc bấy giờ nội tâm cũng trở nên cấu uế chứ không có thanh tịnh được. Bởi vì không có tuệ quán trong công việc cho nên không có tẩy sạch được phiền não như Đức Phật Ngài đã trả lời cho dạ xoa Alavaka khi dạ xoa Alavaka  hỏi Đức Phật rằng: "làm sao được thanh tịnh"  thì Đức Phật lời: "Nhờ trí tuệ mà được thanh tịnh". Cho nên ở đây vấn đề thứ hai về việc tập trú này không giúp ích cho sự  tu tập để giác ngộ đạo quả.

Lý do thứ ba, đã gọi là sở thích thì sở thích đó được nuôi dưỡng bởi dục tham và như vậy khi  có được một sở thích như thế cũng không phải là một phương pháp để tu tập hoàn chỉnh. Cho nên việc tập trung vào một sở thích điều đó chúng ta nói một cách thông thoáng thì chúng ta nói có thể dùng tạm được trong một vài trường hợp dĩ độc trị độc. Thí dụ như khi lợi đắc và cung kính đến và vị hành giả cảm thấy rằng nhất thời khó có thể kềm chế được tâm tham, tâm tham bị cuốn theo lợi đắc thì vị hành giả vị tỳ kheo tu tập nghĩ đến cách là làm sao để mình quên đi cái lợi đắc cung kính đó bằng cách tập cho mình tập trung vào sở thích như làm vườn hay viết thư pháp hoặc làm thơ chẳng hạn, điều này cũng như là một phương pháp để cấp cứu hay sơ cứu cho một chứng bịnh. Như vậy thôi. Nhưng sau đó đừng để tâm nhiễm đắm say mê bởi vì những phận sự sa môn còn nhiều chuyện phải làm khác nếu như chỉ tập trung vào sở thích đó và bị chi phối như vậy thì không phát triển được Định và Tuệ. Cho nên ở đây nếu có chăng là chúng ta chỉ dùng tạm để chúng ta tạm quên lãng cái kia.

Ở đây, trường hợp này cũng có khi Đức Phật Ngài sử dụng  trong các đệ tử như trường hợp Đức Phật Ngài nhiếp phục tỳ khưu Nanda. Tỳ khưu Nanda nguyên là em cùng cha khác mẹ với Đức Phật. Trong ngày Thái tử Nanda làm lễ thành hôn thì ở trong hoàng cung có thỉnh Đức Phật về để chứng minh và mọi người cúng dường nghe pháp. Khi ra về Đức Thế Tôn đã trao bình bát cho Thái tử Nanda ôm bình bát đi theo Ngài và khi Thái tử ôm bình bát đi theo Đức Phật thì ở trên lầu Công chúa  Janapada Kalyani đã nhìn xuống và nói những lời ngọt ngào âu yếm bảo Thái tử hãy trở về thì lúc đó Thái tử Nanda tâm bị nhiễm đắm nhưng vì kính trọng Đức Phật cho nên ôm bát đi theo định đến cổng thành Đức Thế Tôn sẽ thu bát lại nhưng mà ra đến cổng thành Đức Thế Tôn vẫn yên lặng bước đi Nanda phải đi theo chân Đức Phật cho đến vườn ngự uyển là nơi Ngài tạm lưu ngụ,  và khi đó Đức Phật Ngài khuyên Nanda nên đi xuất gia. Vì Đức Thế Tôn Ngài biết được Nanda có duyên lành kiếp này là kiếp chót chứng Alahan quả nên Đức Phật Ngài khuyên đi xuất gia. Sau khi xuất gia xong thì Nanda không thể nào yên tâm tu tập được bởi bận lòng với hình bóng của vị hôn thê vừa mới cưới nên Nanda chán nản muốn bỏ cuộc tu lúc đó Đức Thế Tôn Ngài muốn trị bịnh này Ngài đã đưa Nanda đi tham quan ở trên cõi trời Đao Lợi và cho Nanda thấy được sự kiều diễm xinh đẹp của những nàng tiên nữ, lúc đó Nanda đã so sánh sắc đẹp của những nàng tiên nữ này với Công chúa Janapada Kalyani   thì Đức Phật Ngài hứa rằng: "nếu ngươi chịu tinh tấn nỗ lực tu tập thì sau khi  mệnh chung cũng sẽ được sanh về cõi trời có cả ngàn tiên nữ như vậy hầu hạ." Nanda nghe như vậy mới có sự hoan hỉ phấn khởi trong việc tu tập nhưng rồi trong sự nỗ lực lúc ban đầu nhằm để có được các tiên nữ, Nanda đã làm đối tượng cho chư Tỳ kheo Tăng các vị Tỳ kheo thường hay gọi Nanda là người tu tập để được sanh về cõi trời làm chồng của các tiên nữ. Chọc ghẹo như thế Nanda cảm thấy hổ thẹn nên đã gát lại ý tưởng mong mỏi sanh về cõi trời và nỗ lực chuyên tâm hành sa môn pháp và chẳng mấy chốc chứng quả Alahan. Khi đã chứng quả Alahan rồi thì Tỳ kheo Nanda đã đến xin với Đức Phật rút lại lời hứa lúc trước Đức Phật bảo rằng: "khi ngươi thành tựu được quả vị đoạn lậu giải thoát thì lời hứa của Như Lai không còn giá trị nữa". 

Trong Pháp Cú Kinh mô tả thuật lại câu chuyện này rất chi tiết, ở đây chúng tôi muốn nhắc điểm này để cho chúng ta thấy rằng là có những trường hợp để đạt đến mục đích cao hơn thì Đức Phật Ngài cũng phải dùng phương tiện gợi cho người này họ hướng tâm làm sao để say mê cái sở thích khác để mà quên đi phiền não hiện tại để phá đi cái phiền não hiện tại đắm nhiễm ở cõi người v.v... rồi sau đó những việc khác xảy ra tuần tự và cuối cùng thì vị đó đã khắc phục được nhược điểm của mình và chứng đạo quả. 

Thì trong trường hợp này chúng tôi muốn nói rằng nếu khi chúng ta mới xuất gia vào trong Phật Pháp có quá nhiều sự phiền não có thể làm tâm bay nhảy đi các cảnh trần ở bên ngoài như sắc đẹp tiếng hay mùi thơm vị ngon xúc lạc. Vì vậy nếu vị này có bản lĩnh thì vị này nghĩ rằng tạm thời hãy chấp nhận một sở thích mà sở thích đó có thể cột tâm lại và không phan duyên trần cảnh bên ngoài rồi sau đó mới bắt đầu tính tiếp thì vị này nghĩ vậy và trông vào sở thích như là làm vườn hoặc là viết thư pháp hay làm thơ chẳng hạn rồi sau khi định tâm rồi nghĩa là không có thiết tha với ngoại cảnh danh lợi. Thì ở đây, trên phương diện này chúng ta thấy rằng cũng có lợi điểm giúp ích cho sự tu tập nhưng đừng quá chi phối vào công việc đó mà bỏ quên những phận sự của mình là phận sự pháp học và pháp hành. Nếu như vậy thì cũng như khi chúng ta bị bịnh có những cơn đau khởi lên bây giờ để vượt qua coon cơn đau đớn đó người ta phải tiêm vào bịnh nhân những mũi thuốc có chất á phiện để làm giảm cơn đau nhưng đó chỉ là nhất thời để làm cho bịnh nhân bớt sự đau đớn, điều này không có nghĩa là thuốc trị dứt bịnh mà chỉ là tạm thời ngăn chặn việc đau đớn thôi rồi người thầy thuốc họ phải biết cách để khống chế những cơn nghiện do loại thuốc có chất á phiện. Nhiều lúc có nhiều vấn đề giống như sự tu tập của chúng ta vậy cho nên nếu một người Phật tử chúng ta biết cách tu tập biết hành động thì thấy như vậy nhưng không phải là như vậy thấy chúng ta vẫn có những sở thích nhưng lấy những sở thích đó để cưu mang những đam mê nguy hiểm khác và cái sở thích này phải sớm từ bỏ để làm những phận sự tu tập nó tốt đẹp hơn hoàn thiện hơn ./.

No comments:

Post a Comment