Saturday, February 15, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Sự nguy hại của đời sống phóng túng

Hỏi: Sự nguy hại của đời sống phóng túng

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TTGiác Đẳng: Trong đời sống chúng ta cố gắng nghe Phật Pháp, cố gắng nghe cảnh khổ lụy của trầm luân sanh tử, cố gắng đối diện với kinh điển, đối diện với Thầy Tổ, sống trong một đạo tràng chúng ta có cố gắng, nhưng sự cố gắng này chỉ là một sự vận dụng tối đa cái mà chúng ta gọi là ráng, cái mà chúng ta gọi là cố làm.

Và trong cái ráng, cái cố làm đó chúng ta thấy rằng cuộc tu là một gánh nặng, thấy rằng những gì mình đang làm, nó vốn là một điều gần như bắt buột, mặc dầu chúng ta tự nguyện để bắt buột chính mình, nhưng nó là một sự bắt buột và cũng là lý do một vị Tỳ kheo không thể đạt đến quả vị giác ngộ được.

Một vị Tỳ kheo chưa thấy được cái hay, chưa thấy được cái đẹp, chưa thấy được giá trị thật sự, và nếu khi chúng ta thấy được giá trị thật sự của nó rồi, thì chúng ta có thể hoan hỷ, rất hoan hỷ để làm một việc mà trước kia mình không bao giờ hoan hỷ hết.

Có nhiều người  từ Việt Nam đi sang Hoa Kỳ, hay đến các nước kỹ nghệ, những người này nói một tâm sụ rằng; qua đây thấy bên này làm việc nhiều quá, bên này làm việc nặng nề quá. Chúng tôi cũng phải nhận rằng như vậy. Có những lần chúng tôi về các nước Á Châu, như Indonesia, như Thái Lan, Ấn Độ, thấy con người ở các nước Á Châu nhàn nhã hơn nhiều, người ta thích la cà vào những hàng quán, ngồi uống cà phê , hoặc ngồi nhậu nhẹt. Cảnh tượng đó có rất ít tại các quốc gia kỹ nghệ, đa số người bên đây đều đi làm. Có những gia đình vợ chồng con cái già trẻ bé lớn đều đi làm, và có những người họ đi làm không phải một việc mà hai việc, mà mỗi lần đi làm như vậy họ thức dậy thật sớm, có thể là 4 , 5 giờ sáng để chuẩn bị xe cộ, ăn sáng vội vàng rồi đến sở làm.

Nhưng chúng tôi cũng đã có thời gian dài sống với những chế độ, những chế độ đó ca ngợi sự lao động, nhưng con người ở đó thì rất lười lao động, rất lười làm việc. Trong khi ở bên này không ai ca ngợi lao động là vinh quanh hết, nhưng người ta vẫn phấn đấu, vẫn thích làm, bởi vì cái động lực bên này nó khác hẳn. Và cái động lực đó là trong cái làm họ có phần thưởng, họ tìm thấy được kết quả, và khi họ làm không ai bắt họ làm, họ cảm thấy rằng có được việc làm là thích thú, vì được làm họ thích thú, do vậy họ ráng làm, họ cố gắng làm với tất cả khả năng của mình. Điều này giống như điều người xưa nói rằng: "dầu cho việc có hay đi nữa, nhưng mình bị bắt buột phải làm, không bằng mình muốn mà làm, mình muốn mình làm, không bằng mình hoan hỷ mà làm".

Cái hoan hỷ đó là điều rất quan trọng. Vì vậy đối với phần đông chúng ta, chúng ta chỉ xem lời dạy của Đức Phật, xem cái giá trị của đạo đức, của luân lý, của lẽ phải, đó là những thứ bổn phận, có đôi khi nó là cái gì làm chĩu nặng đôi vai của mình, mình không tìm thấy ở đó một sự ưa thích hoan hỷ thích thú, và chúng ta không tìm thấy một động lực khiến chúng ta có thể làm được việc đó.

Khổng Tử suốt cuộc đời học hoài không biết mệt, dạy hoài cũng không biết mệt, đó cũng là một cách nói lên sự nỗ lực. Trong chúng ta đều ý thức rõ ràng rằng, đi vào cuộc tu cũng như trong cuộc đời luôn luôn như lội ngược dòng nước. Khi chúng ta lội ngược dòng nước, chỉ cần lơi tay, chỉ cần một chút lơ đễnh là chúng ta có thể bị cuốn ngược về phía sau. Một người lội ngược dòng nước không bao giờ dám lơ là, không bao giờ dám chễnh mãn đối với nỗ lực của chính mình. 

Cũng tương tự như vậy ở trong cuộc sống này, chỉ một chút mà chúng ta buông thùa, một chút mà chúng ta phóng túng và một chút mà chúng ta buông tay, thì có thể là làm hỏng cả công trình.

Vô số Chư Phật ở trong quá khứ đã hoàn thành đạo nghiệp giác ngộ của Ngài, và đối với chúng ta thì chúng ta nghĩ rằng có lẽ chúng ta đã đến ngưỡng cửa giải thoát, chúng ta không có chuyện gì phải lo lắng. Nhưng không có chuyện gì để bảo đảm rằng chúng ta sẽ không luân hồi nhiều kiếp nữa trong sự trôi dạt của cuộc đời, cái sự trôi dạt của trầm luân sanh tử quả thật là chúng ta không biết được. Dĩ nhiên là trong cuộc tu thì ai cũng có niềm tin, nhưng một phút sơ xảy, những gì xảy đến để làm cho đời sống của chúng ta khác đi, để làm cho đời sống của chúng ta cuốn hút về một phương trời vô định, chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra ở trong đời sống này. Chúng ta cũng thường nghe người ta nói rằng, có thể một người rất là hiền lương mà trở thành kẻ sát nhân, có thể một người đang theo đuổi một hoài bão bình sinh to lớn của mình, rồi buông tay bỏ cuộc, chuyện đó không phải là hiếm thấy ở trong cuộc đời, nó có vô số, tại vì ở một phút nào đó, chúng ta không nhận ra sự nguy hại của đời sống phóng túng.

Đời nhà Lý có một vị Thiền Sư làm bài thơ ở trong đó có câu được dịch là: " Ngàn mây, ngàn nước, ngàn trăng hiện, mấy dặm không buông, mấy dặm đường". Trong hành trình dài của chúng ta ở đâu có nước thì ở đó có ánh trăng, trăng hiện ra trong từng hồ nước, ngay cả trong thau nước nhỏ đặt ở trước mặt, trăng cũng hiện trong đó, dĩ nhiên đó không phải là trăng thật. Nhưng mặc dầu trăng ở trong thau nước, trăng ở trên mặt hồ hay trăng ở dưới dòng sông thì tất cả điều đó cũng cho chúng ta thấy đó là quê hương, đó là ánh trăng quen thuộc, đó là vầng trăng vốn có mặt từ thưở chúng ta vừa được chào đời và biết bắt đầu thưởng thức vẻ đẹp của trăng, "ngàn mây, ngàn nước, ngàn trăng hiện, mấy dặm không buông mấy dặm đường".

Đối với chúng ta là một người tu tập, thì thiên nhiên hay những ấn tượng bên ngoài có thể là một gợi ý, mà những gợi ý đó đôi lúc phải mở rộng cánh cửa để chúng ta chiêm nghiệm. Có nhiều người họ bị ràng buột bởi nhiều điều rất tầm thường ở trong cuộc sống, có những người bị ràng buột bởi bản năng to lớn hơn, ví dụ như chúng ta nói thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ v.v...đó là những thứ thằng thúc lớn, thì dù lớn dù nhỏ, nó là những sợi dây cột trói, và ở trong sợ dây cột trói đó khi một vị Tỳ kheo đã tìm thấy được niềm hoan hỷ thật sự với đời sống nỗ lực, vị này đã tìm thấy được sự sợ hãi, thấy được sự nguy hiễm, và vị này thấy sợ hãi trong đời sống buông thả, thì lúc đó vị Tỳ kheo có thể tiến tới như lửa hừng thiêu đốt những kiết sử lớn nhỏ.

Đối với chúng ta trong đời sống này, thường thường chúng ta tu tập rất đặt nặng về kinh điển, đặt nặng về lý thuyết, nhưng với những gì chúng ta tìm được trong kinh Phật thì Đức Phật dạy chúng ta nên chắc chiu kinh nghiệm cá nhân của mình, những kinh nghiệm đó nếu chúng ta chiêm nghiệm đúng chỗ nó sẽ giúp cho chúng ta đi một bước xa trong cuộc tu. Như một lần Đức Phật Ngài dạy trong Tăng Chi Bộ Kinh Đức Phật Ngài dạy giống như một hạt thóc, nếu đặt cho đúng chỗ thì nó sẽ cắt đứt ngón tay của mình, quí vị thỉnh thoảng thấy trang giấy của mình mà nó có thể cắt được ngón tay, không phải chỉ có con dao mới cắt được ngón tay của mình, mà giấy đặt đúng chỗ nó cũng cắt được ngón tay của mình.

Thì cũng tương tự như vậy, nếu chúng ta khéo tác ý, nếu chúng có thể nhìn sự thật ở góc cạnh gọi là sáng sủa nhất, nhìn ở góc cạnh chân thật nhất và lợi lạc nhất, thì cái nhìn đó có thể là cái nhìn xuyên xúc, và cái nhìn đó có thể thay đổi toàn bộ cuộc sống của mình

No comments:

Post a Comment