Wednesday, February 26, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Tích lũy cái gì mang đến sự an lạc ?

Hỏi: Tích lũy cái gì mang đến sự an lạc". 

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Tuệ Siêu: Nếu tất cả chúng ta đều hiểu được giá trị của điều thiện thì chắc chắn sẽ hoan hỷ, an trú trong điều thiện.

Khi nói đến điều thiện, chúng ta đừng nghĩ rằng việc thực hành theo thiện pháp chỉ là một hình thức sinh hoạt của tôn giáo mà nên biết rằng giá trị thật sự của điều thiện là một chân lý hiển nhiên trong đời sống hàng ngày của mỗi chúng sanh. Nếu tất cả chúng sanh đều làm việc thiện, khởi lên tâm thiện, an trú trong pháp thiện thì chúng sanh sẽ được an lạc, hạnh phúc.

Nói đến điều thiện – điều phước thì chúng ta phải biết rằng chúng ta làm việc thiện thể hiện qua thân bằng hành động, qua miệng bằng lời nói, qua tư tưởng bằng suy nghĩ và thân nghiệp thiện, miệng nghiệp thiện, ý nghiệp thiện do tiến trình của dòng tư tưởng của tâm đổng lực thiện và khi khởi lên tâm đổng lực thiện thì bao giờ tâm sở phối hợp với tâm thiện cũng là những tâm tốt đẹp, sơ phát. Bởi vậy, một người an trú trong việc thiện, dù quả nghiệp thiện chưa phát sanh kịp thời nhưng do tính chất tốt đẹp đó tương ứng với tâm thiện sẽ trợ cho thân tâm được an lạc bằng cách là thường cận y duyên

Nói như vậy không có nghĩa là khi làm điều thiện chính nhờ môi trường thiện pháp này làm phát sanh những thiện pháp khác. Vì quen sống tâm thiện thì dễ dàng tới với những tâm thiện khác. Nếu những tâm thiện, pháp thiện này thường xuyên có mặt, thường xuyên sanh khởi trong lộ trình tư tưởng của chúng sanh thì chúng sanh đó sống niềm an lạc.

Quả dị thục của pháp thiện bao giờ cũng là quả tốt đẹp cho chúng ta được hạnh phúc, sung sướng hân hoan trong đời sau. Tuy nhiên, có một vấn đề ta nên hiểu là đối với một người khi làm nhiều thiện phước cũng có khi người đó gặp những cảnh bất hạnh, cảnh phiền muộn, sự không như ý, thì điều này là do nghiệp.

Trong những loại nghiệp, nghiệp thiện hoặc nghiệp ác trổ quả theo thời kỳ: có hiện báo nghiệp, có sanh báo nghiệp và có hậu báo nghiệp. Hiện báo nghiệp là nghiệp chúng ta đang làm trong kiếp này và sanh quả cũng trong kiếp này, một người làm phước trong kiếp này có thể trong bảy ngày sẽ phát sanh lên được quả phước y như ý nguyện, đó là trường hợp hiện báo nghiệp.

Sanh báo nghiệp là thiện nghiệp tạo được trong đời sống này và phải đợi đến khi ta mạng chung và sanh ở cảnh giới khác thì nghiệp này mới sanh lên quả dị thục. Cũng có những trường hợp hậu báo nghiệp là nghiệp ta tạo kiếp này và sau đó vì lý do gì mà đời kế tiếp không trổ quả được mãi cho đến đời thứ ba trở đi mới trổ quả dị thục thiện nghiệp hay báo nghiệp. Một người sống trong thiện pháp, làm việc thiện trong hiện tại nhưng vẫn gặp chuyện chẳng lành, tai ương là do hậu báo ác nghiệp trong quá khứ đến thời kỳ trổ quả bởi vì công lực của ác nghiệp quá khứ mạnh hơn thiện nghiệp ngay trong hiện tại và lấn lướt nên trổ quả xấu trong kiếp sống hiện tại, vậy ta đừng nghĩ là thiện ác không có quả báo và không có công bằng. Cho nên những người thường nói rằng tại sao tôi ăn hiền ở lành, tôi làm những điều phước báu những điều công đức nhưng vẫn gặp phải những tai ương thì trong trường hợp đó chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng thiện ác không có quả báo công bằng, mà là rất công bằng bởi vì trong quá khứ chúng ta đã tạo nghiệp ác quá mạnh còn ngay trong hiện tại thì chúng ta tạo việc thiện lơ là hay chưa đúng mức, chúng ta làm việc này với trạng thái tâm lý không đúng mức chưa đạt đến mức để khiến cho trổ quả trong hiện tại. Trước mắt chúng ta thấy những người vẫn sống trong hiền thiện mà gặp phải cảnh không tốt đẹp

Đời sống chúng ta cũng vậy, đừng nghĩ rằng thường xuyên làm phước thiện là đã xây dựng được hàng rào che chắn không rơi vào cạm bẫy, tai hoạ. Những kẻ phàm phu như chúng ta, sống trong cuộc đời có thiện ác lẫn lộn thì không thể cân lựợng được trọng lực của thiện và ác quá khứ thế nào nên hiện tại ta không an trú trong thiện pháp và quả bất thiện phát ra là vậy. Tuy nhiên, cũng đừng vì điều đó mà ta bỏ quên thiện pháp.

Trong đời sống hàng ngày của chúng ta khi an trú trong thiện pháp sẽ được an lạc, sẽ được hoan hỷ bởi vì với tư tưởng an lành sẽ giúp cho có đời sống an lành. Nói cụ thể hiện tại các chứng bệnh như trầm uất, cao huyết áp, đau đầu, stress, bệnh tim, gan, bộ máy tiêu hoá, các vị bác sĩ, các nhà khoa học cho biết phần lớn ảnh hưởng do tâm lý của bệnh nhân khi người ấy lo âu, suy nghĩ nhiều có thể làm rối loạn có thể gây bịnh tim mạnh, trầm cảm, cao áp huyết v.v...

Tất cả những sự lo âu, nghĩ ngợi, buồn bực, sự bất mãn đều là trạng thái tâm bất thiện. Khi chúng ta sống trong thiện pháp thì tư tưởng sẽ nhẹ nhàng, và chính do tư tưởng nhẹ nhàng thoải mái vô tư như vậy cho nên điều hoà được sắc tâm. 

Một người an trú trong thiện pháp suốt ngày và đêm người này cảm thấy nhẹ nhàng, cảm thấy hưng phấn, cảm thấy cuộc đời không có gì là khổ ải cả, nếu như người này an trú trong thiện, nếu họ quán xét về sự khổ thì họ chỉ thấy sự khổ trọng đại như là khổ sanh, khổ già, khổ bệnh và khổ chết, họ thấy sự khổ đó, chứ còn sự phiền muộn trong đời sống hàng ngày thì không có. Một sự lợi ích khác nữa là khi chúng ta an trú trong các việc thiện chúng ta làm, chúng ta đã có được một môi trường thuận lợi để cho thiệp pháp phát sanh lên, cho thiện quả trong quá khứ phát sanh lên.

No comments:

Post a Comment