Friday, February 28, 2014

chúng ta có thể sống có thủy có chung với những gì mà mình đang theo đuổi

Hỏi: chúng ta có thể sống có thủy có chung với những gì mà mình đang theo đuổi.

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Câu chuyện tiền thân Đức Phật, trong đời quá khứ xa xưa có một con vẹt, và con vẹt này sống ở trên một ngọn cây, và cây sung này bị mưa gió bão bùng làm cho trốc gốc, bị tàn phá hư hại rất nặng. Nhưng con vẹt không vì đó mà bỏ cây sung ra đi, và con vẹt vẫn ở đó sống với cây sung như từ bao giờ. Tấm lòng thủy chung với cây sung đó, bởi vì con vẹt thấy rằng trong lúc cây sung xinh đẹp vẫn cho nó có bóng mát, cho nó thức ăn, cho một nơi tạm trú, bây giờ cây sung không còn như ngày xưa nữa, nhưng những giá trị cố hữu, những giá trị gì mà cây sung đã ban cho con vẹt này vẫn không thay đổi, cái đẹp ở bên ngoài, những cái tơi tả của nhánh lá sau một cơn giông không có nghĩa vì vậy mà khiến cho con vẹt rời bỏ cây sung đó ra đi.

Chúng ta nghe câu chuyện này, nghe bằng cảm giác nào cũng được, suy nghĩ như thế nào cũng được, tuy nhiên, ở đây có một gợi ý một điều chúng ta phải suy nghĩ rằng;  khi một người đã nhìn thấy được giá trị nội tại rồi, thì ở đâu cũng giống nhau hết;  "Trong trời đất nơi nào không quán trọ, tâm tư vô danh lai khứ cũng vô danh". Thì thấy trong lòng người mà đã tìm được giá trị cho chính mình, dù ở trong rừng sâu hay thị thành, ở nơi thâm sơn cùng cốc hay ở chốn phồn hoa đô hội, sự việc này cũng chỉ là ngoại cảnh chứ không nhất thiết ảnh hưởng khi mà một người đã tìm thấy được giá trị, và giá trị này Đức Phật Ngài nói rất rõ, giá trị mà vị Tỳ kheo này đã ưa thích trong sự tinh cần và thấy được sợ hãi cuộc sống phóng dật.

Chúng tôi không biết rằng nghe câu chuyện về con vẹt sống ở dưới cây sung, sau một cơn bão cây sung đã bị tơi tả trước những ngọn cuồng phong, đã bị nằm bẹp xuống trốc gốc, nhưng vẫn cho con vẹt một nơi dung thân, con vẹt không bỏ nơi đó đi, không hiểu quí vị nghe câu chuyện đó, quí vị có thấy một chút gì rung động trong lòng không. Nhưng phải nói rằng khi chúng tôi đọc câu chuyện đó, chúng tôi cũng cảm nhận ở đó có một cái gì rất đẹp.

Thật ra ở trong thế giới loài vật, thỉnh thoảng có những con vật rất lạ, ví dụ như con voi từ nhỏ lớn lên suốt cả hơn 50 năm tuổi thọ, con voi nếu không có tai nạn nào khác thì nó luôn luôn sống ở trong bầy, trong bầy đó có cha, có mẹ, cũng có thể là thế hệ trước nữa có 5, 7 con, quần tụ một bầy như vậy, không bao giờ đi hoang bên ngoài. Và chúng tôi biết rằng có một loại hạc, khi chúng tôi về thăm Hắc Long Giang ở bên Trung Quốc, người ta nói những loại hạc này rất đặc biệt, tuổi thọ cũng trên dưới 50 năm, và khi những con hạc này lớn lên, con trống và con mái nó đã sống chung với nhau suốt cuộc đời như vậy, cho dù con trống có chết đi thì con mái dần dà sẽ chết theo hay nó sẽ sống cô lẻ một mình chứ không có bước sang thuyền khác.

Ở trong cảnh giới của loài vật thỉnh thoảng những nhà nghiên cứu về sinh vật học, cho chúng ta biết những bí mật, những bí mật này khiến chúng ta liên tưởng đến câu chuyện ở trong Túc Sanh truyện, và chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng những câu chuyện nói về những con vật nó trung thành với một nơi ở, hay có những con chó bị thất lạc nhiều tháng vẫn cố gắng để tìm về ngôi nhà của mình, là những chuyện hoàn toàn thật sự xảy ra trong kiếp sống chúng ta được biết ngày hôm nay.

Tuy vậy cái đẹp của câu chuyện là con vẹt đó có thể bay đi tìm đến một khung trời hoa mộng, có thể tìm đến những cây sung tàng cao bóng mát, cảnh trí đẹp đẽ hơn là cây sung đã bị trốc gốc, nhưng bởi vì con vẹt đó đã ý thức rằng đây là cây sung mà mình đã sống, và cái gì cây sung cho mình vẫn là giá trị trước sau như một, đây cũng là nơi nương thân, và thật sự nó không nở bỏ cây sung mà đi. Chúng ta thấy hình ảnh đó đẹp quá, nó đẹp như là một bài thơ, nó đẹp như một câu chuyện ngụ ngôn, và chúng tôi tin rằng nếu chúng ta có thể đem những câu chuyện đó trở thành một đề tài, trở thành một công án để chiêm nghiệm trong đời sống của chúng ta, thì mình hiểu rằng ngày hôm nay cuộc sống quả là thay đổi rất nhiều.

Ngày xưa Khổng Tử có nói một điều là một người làm nông giỏi, không vì mất mùa mà vị này bỏ các công việc đồng áng sinh kế của mình, một người đi buôn thạo nghề cũng không vì một vài lần lỗi lã mà bỏ nghề, và một người quân tử hiểu đạo thì cho dù có sự thăng trầm trong đời sống cũng không bỏ đạo. Cái thủy chung đối với đạo nó là một cái gì rất khó, nhưng nếu chúng ta đã giữ được nó, thì chúng ta sẽ tìm thấy ở đó có phần thưởng rất lớn.

Chúng tôi nhớ rằng những tháng ngày đầu khi sang trại tỵ nạn, chúng tôi có gặp một số người họ tuyên truyền " nếu mình sống ở trại tỵ nạn, mình bỏ Đạo Phật để theo đạo Thiên Chúa giáo, thì những người bảo trợ ở bên Mỹ, bên Âu Châu họ sẽ bảo trợ mình nhanh chóng hơn". Điều này hoàn toàn sai, và có một số người sang đây, họ được nhà thờ bảo trợ, và những Mục Sư và những hội viên trong nhà thờ cũng muốn họ đổi đạo, nhưng chúng tôi gặp rất nhiều người, họ nhất định khư khư không bỏ đạo, và những khi nghe những câu chuyện như vậy, chúng tôi rất thích thú để nghe những kinh nghiệm họ giữ đạo như thế nào, họ đã tìm như thế nào để một mực thủy chung với một niềm tin. Chúng tôi không nói rằng những vị đó là những vị Tu Đà Hườn, không nói rằng những vị đó thành tựu được niềm tin bất thối, những vị đó có thể là những người rất bình thường, nhưng khi các vị đó đã cảm nhận được ở Phật, ở Pháp, ở Tăng một cái gì đó mà các vị không bỏ được, thì những vị này quả thật giống như trường hợp mà Đức Phật Ngài đã dạy ở trong kinh điển: " Một vị Tỳ kheo đã tìm thấy được giá trị chân thật ở trong lòng mình, không vì hoàn cảnh ở bên ngoài, mà làm cho mình thay đổi đi cuộc sống".

Cuộc sống thay đổi không ngừng, trong cái thay đổi không ngừng đó, chúng ta làm cái gì đó mà chúng ta có thể giữ lại được cái gốc của mình, giữ được bản chất của mình, khiến chúng ta không bị thai hóa, khiến chúng ta không bị biến dạng đi, khiến chúng ta không bị mất cội nguồn của mình. Những người cầu đạo giải thoái, chúng tôi luôn luôn tin rằng, chúng ta sẽ phải tìm thấy một giá trị chân thật, mà qua đó chúng ta có thể sống có thủy có chung với những gì mà mình đang theo đuổi.

No comments:

Post a Comment