Friday, February 28, 2014

Chuyện Xưa Tích Cũ - TRUYỆN CÔNG CHÚA LIỄU HẠNH

TRUYỆN CÔNG CHÚA LIỄU HẠNH

Tác giả: Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình


Vào đời Hậu Lê ở làng Vân Cát, huyện Vu Bản, tỉnh Nam Định có nhà họ Lê, tự là Thái Công, bà vợ gần ngày sanh nở, lại rủi mắc bệnh suy nhược, nằm một chỗ và ăn toàn trái cây.

Ngày nọ, có một đạo sĩ từ xa tới xin ra mắt và chữa bệnh cho phu nhân nhà họ Lê. Trước bàn thờ, đạo sĩ đọc mấy câu rồi liệng chiếc búa ngọc xuống đất. Lê phu nhân vùng ngã ra bất tỉnh rồi thấy mình được đưa lên Thiên đình. Tại đây, Lê phu nhân được dự vào một bữa đại yến, và thấy công chúa Quỳnh Hoa lỡ tay làm rớt chén ngọc, bị Ngọc Hoàng bắt tội đày xuống dương trần.

Đến lúc Lê phu nhân tỉnh lại, mới chợt hay vừa hạ sanh được một gái. Phu nhân rất lấy làm sung sướng đặt tên con là Giáng Tiên.

Lớn lên Giáng Tiên tập làm văn thơ, đánh đàn, thổi sáo, soạn nhiều bài hát rất hay. Năm mười tám tuổi, Giáng Tiên kết duyên với Đào Lang, con nuôi của vị quan trí sĩ cùng làng.

Ba năm sau, vào ngày mùng ba tháng ba, Giáng Tiên đột ngột lìa bỏ cõi trần, trở về thượng giới. Song Ngọc Hoàng thấy nàng chưa hết hạn bị đày, liền bắt nàng trở xuống thế gian. Lần này, nàng xuất hiện dưới lốt một vị nữ nhân, có hai thế nữ là Quế Nương và Thị Nương theo hầu.

Vị thần này ngự tại Phố Cát (Thanh Hóa) được mọi người xưng tôn là bà Chúa Liễu tức công chúa Liễu Hạnh. Công chúa thường hiện ra ban phước cho dân làng, cả một vùng truy phong nàng làm Thượng đẳng phúc thần.

Vào cuối đời Lê, có một vị lão quan, ngày nọ nằm mộng thấy công chúa Liễu Hạnh đi giữa hai ngàn thế nữ mang đến cho ông một chiếu sắc của Ngọc Hoàng. Rồi ông thấy công chúa Liễu Hạnh bước lên xe mây có cờ xí rợp trời.

Khi ông tỉnh lại, ông nghĩ rằng công chúa Liễu Hạnh đã đến lúc hết hạn ở cõi trần.

Sau lúc công chúa Liễu Hạnh về trời, dân gian hãy còn sùng bái, lập đền thờ trọng thể ở Phủ Giầy (Nam Định) và ở Đền Sòng (Thanh Hóa). Tại Hà Nội, có đền Sùng Sơn, đường hàng Bột thờ công chúa tục gọi là bà Chúa Liễu.

No comments:

Post a Comment