Thursday, February 13, 2014

Phật Học Vấn Đạo - Chúng ta phải làm sao ở trong sinh hoạt chùa chiền mà một người Phật tử nghèo, ít tiền họ đi chùa không có mặc cảm?

Hỏi: Chúng ta phải làm sao ở trong sinh hoạt chùa chiền mà một người Phật tử nghèo, ít tiền họ đi chùa không có mặc cảm?  

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 7-2-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TTGiác Đẳng:  Phải nói rằng, hơn bao giờ hết tất cả chúng ta sống trong một thời đại ảnh hưởng của đồng tiền và ảnh hưởng của những người giàu có, và các ngôi chùa được xây dựng rất nhiều. Và có lẽ chúng ta phải thường xuyên nhắc đi nhắc lại là chúng ta dễ dàng có khuynh hướng bị ảnh hưởng điều đó, lâu lâu chúng ta ngồi trước một bàn ăn dọn ra rất thịnh soạn và thỉnh thoảng chúng ta ngồi trước một bàn ăn do những người Phật tử rất nghèo cúng dường thì chúng ta sẽ thấy hai cảm giác rất khác biệt. 

Ở đây, chúng tôi muốn nói lại cách sống truyền thống thời xưa Đức Phật Ngài truyền dạy là đi khất thực. 

Phải nhìn nhận rằng thức ăn được nấu mang đến chùa hay trong buổi lễ trai Tăng thì thông thường chỉ có những người Phật tử khá giả hay có điều kiện tương đối mới làm được. Bây giờ, nhiều khi có những câu chuyện chúng tôi nghe rất là buồn, ví dụ như người ta có thói quen làm trai Tăng thì phải cúng tiền, có nhiều Phật tử mang thức ăn đến Chư Tăng thì được nhưng cúng tiền thì hơi nặng đối với họ, đôi khi họ không có khả năng họ không dám cúng. 

Chúng ta phải cố gắng để nhìn lại ngày xưa Đức Thế Tôn Ngài dạy cho đời sống một vị tu sĩ khất thực tức là đi vào trong làng với chiếc bình bát trên tay và những người trong làng cúng dường vào trong đó có những vật rất là ngon có những thứ rất là dở có những thứ rất là tốt đẹp có những thứ rất là bình thường. 

Nhưng mà rồi, chúng ta hiểu được Đức Phật Ngài dạy tất cả những thực phẩm phát sanh do đức tin đều đáng được qúi. 

Như vậy, giữa sinh hoạt khất thực và sinh hoạt của thực phẩm trong tu viện chúng ta cũng phải cẩn thận. Dù sao đi nữa thì đời sống khất thực khiến cho các vị tu sĩ không xa rời quần chúng, khiến cho những vị tu sĩ chấp nhận cúng dường với tâm tư không đòi hỏi không kỳ vọng, và chính như vậy là Phật Giáo không rời bỏ thế gian. Nhiều khi chúng ta hay cổ võ Phật Giáo nhập thế, Phật Giáo đi vào cuộc đời nhưng trên thực tế thì sinh hoạt của chùa chiền càng lúc càng xa quần chúng Phật tử. 

Câu hỏi chúng ta lập đi lập lại là làm sao ở trong sinh hoạt chùa chiền những người Phật tử nghèo những người Phật tử ít tiền họ đi chùa không mặc cảm.

Có một vài lần chúng tôi nghe ở trong chùa những người Phật tử đi chùa hay thường rủ nhau để có sinh hoạt một nhóm trai tăng, làm phước ví dụ như ngày sinh nhật của HT thì nhiều người tổ chức khi tổ chức mỗi người hùn một phần, thí dụ bữa đó chuẩn bị thức ăn rồi tịnh tài cúng dường. Thì cũng có những người Phật tử khác đi chùa nhưng thật sự họ không có tiền để họ góp phần vào những buổi lễ họ cảm thấy rằng họ là người đứng ngoài lề và lâu ngày họ buồn họ không đi chùa nữa. Điều này chúng ta đi chùa phải rất cẩn thận, làm thế nào đó một ngôi chùa chẳng những dành cho những người có tiền và cho những người nghèo không có tiền cũng có thể đi chùa được. 

Đôi khi, ở trong những tôn giáo khác họ hay rủ rê hay mời, một người sắp chết họ cũng ráng đến để rửa tội hay là một người già sống trong một căn hộ (apartment) nào đó họ cũng đến để tìm cách truyền đạo. Còn Phật Giáo của chúng ta thì ngay cả người Phật tử phát tâm đi chùa nhưng họ nghèo nhiều lúc họ cũng bị gạt ra ngoài lề. Đó là điều đáng buồn, cái đáng buồn của chúng ta ở chỗ là chúng ta không thấy sự quan trọng ở trong một mái chùa hay trong một đạo tràng hay trong một nơi sinh hoạt mà khả dĩ có thể mở rộng ra cho mọi người, mang Phật Pháp đến tất cả mọi người. Nếu thời Đức Phật còn tại thế Đức Phật Ngài chỉ đem Phật Pháp đến cho những người có tiềm lực giàu có về tiền bạc hay có thế lực mà bỏ rơi quần chúng những quần chúng nghèo khổ thì Đạo Phật đã không có đến ngày nay. 

Cái khổ của chúng ta bây giờ là phải nhận rằng chúng ta muốn phát triển và do sự phát triển đó thì chúng ta phải nghĩ đến làm sao dành thì giờ nhiều để thuyết phục những người có tiền những người có thứ này có thứ kia. Nhưng chuyện đó lâu ngày thì chúng ta rơi vào tình trạng là trọng giàu khinh nghèo và chùa chiền không còn là một nơi của tất cả đại chúng Phật tử. 

Do vậy, chúng ta nói chung là, đời sống ngày xưa Đức Phật dạy một vị tu sĩ đi khất thực vẫn là một đời sống tốt đẹp nhất để tạo nên một điều mà chúng ta gọi là đạo Phật đi vào cuộc đời. Đó là ý kiến của chúng tôi, chúng tôi nghĩ như vậy.

Và bây giờ chúng ta còn có một vài kiểu sống rất trưởng giả tức là mình phải có một cách dưỡng sinh thế này dưỡng sinh thế kia. Chúng tôi đồng ý là chuyện ăn uống giữ cho sức khỏe thì cũng tốt nhưng nó ở chừng mực nào đó thôi. Chúng tôi phải thú thật với qúi Phật tử là khi chúng tôi sống trong một hội chúng Chư Tăng ni mà lúc nào ăn uống cũng kén chọn cũng khó khăn cho những người Phật tử cúng dường khó khăn cho những người Phật tử mang đến thì thật sự là rất  buồn, tại vì với tinh thần của người con Phật  Đức Phật Ngài đã dạy cuộc sống của người xuất gia không nên là gánh nặng của người cư sĩ và tuyệt đối cũng không nên làm tổn thương cho những người cư sĩ. Do vậy ở mức độ tương đối nào đó nên hoan hỉ. 

Ở tại các quốc gia Phật Giáo nhiều khi nó có một vài thứ người Phật tử Việt Nam chúng ta không để ý, khi đi đến thì chê nhưng mình không học được của người ta. 

Ví dụ như có một lần chúng tôi đưa qúi Phật tử đến thăm một ngôi chùa Miên ở thành phố San Diego California, khi về thì những người Phật tử nói rằng người Miên không biết cách tổ chức. Tại vì sao như vậy? là vì họ mang thực phẩm đựng trong những cái cà mên rồi khi Chư Tăng ngồi thì họ mang những cái cà mên đựng thực phẩm đặt ở phía trước cúng dường, rồi Chư Tăng gắp mỗi thứ một chút. 

Thì Phật tử Việt Nam thấy điều đó thứ nhất là thức ăn nguội và thứ hai để có vẻ ngổn ngang để trước mặt Chư Tăng, các vị nói rằng bên mình người Việt Nam mình thì làm đẹp hơn sạch hơn, mình nấu một bữa ăn đàng hoàng bày lên bàn sạch sẽ lịch sự thỉnh Chư Tăng vào trai tăng chứ không giống như người Miên.

 Nhưng chúng tôi cũng nhắc qúi Phật tử rằng làm như vậy cũng có cái hay và cũng có cái dở. Ví dụ, thực phẩm mà nấu ăn rất là chuẩn bị tươm tất đẹp đẽ thì chỉ có ban trai soạn hay là một đại thí chủ nào đó làm, nhưng với những người Cambochia những người Miến Điện người Tích Lan họ mang thực phẩm trong những đồ đựng thực phẩm nhỏ để trước mặt Chư Tăng nhất là các vị Thiền Sư các vị trưởng lão chỉ múc một muỗm mà họ hoan hỉ, sau khi xong họ mang ra ngoài cho đại chúng cùng dùng. Thì như vậy ai cũng làm được. Có những người Tích Lan đi chùa họ mang theo một cà mên trong đó chỉ có những thực phẩm để cúng dường trai Tăng, đựng trong 5 ngăn cà mên họ đến trước mặt Chư Tăng và khi Chư Tăng ngồi nơi bàn có đĩa lớn trước mặt thì trên tay họ cầm những cái cà mên thực phẩm họ hỏi Chư Tăng là họ có thể đặt một muỗm vào bên trong đĩa của Ajahan được không, Chư Tăng gật đầu thì họ múc một muốm như vậy đặt vào trong đĩa của Chư Tăng. Thì thật ra cách ăn đó không  ngon vì nó pha lẫn nhiều thứ nhưng đó là thức ăn của niềm tin của tấm lòng của qúi Phật tử. Qúi Phật tử thử đi chùa và mang một món ăn nào đó như là mì xào rồi qúi vị múc mỗi một vị Chư Tăng cúng dường một muỗm thì thật sự qúi vị hoan hỉ. 

Thành ra, chúng ta phải có cách nào đó để xây dựng sinh hoạt của ngôi chùa, chúng tôi hiểu rằng thật ra không có dễ dàng, không có cái gì hoàn hảo hết, có những thứ nó đẹp về mặt nội dung thì kém về hình thức, có những thứ kém về hình thức nhưng đẹp về nội dung nhưng điểm chính là chúng ta phải tự nhắc đi nhắc lại rằng Phật Giáo là một tôn giáo của quần chúng của tất cả mọi tầng lớp nghèo có giàu có thượng lưu trung lưu có, có những người bần cùng cũng có. Không nên tổ chức đạo Phật như là một tôn giáo của người giàu có mà tất cả những người nghèo đi chùa đều nên có vị trí xứng đáng với lòng tin của họ ở tại chùa. 

Và chúng tôi rất là sợ rằng một ngày nào đó khi chùa chiền giàu có và các vị Tăng sĩ có điều kiện để tự lập riêng thì lúc bấy giờ chúng ta xa rời quần chúng. Hễ Phật Giáo mà xa rời quần chúng Phật Giáo sẽ mất. Sở dĩ mà ngày xưa qúi Ngài có thể đưa Phật Pháp từ thành thị đến thôn quê là tại vì mỗi buổi sáng các Ngài đi khất thực, đi khất thực cho dù người ta có thức ăn ngon hay bình thường họ có được họ đều cúng dường Chư Tăng. Ngày hôm nay vẫn còn như vậy, chúng tôi rất thích những hình ảnh những em học sinh nhỏ thay vì tiền bánh cha mẹ cho ăn trong trường ngày hôm đó thì các em mua một phần để cúng dường để bát Chư Tăng, một em nhỏ mà cũng có thể cúng dường thực phẩm vào bình bát được nó khác với chuyện mình tổ chức lễ trai tăng lớn ở chùa nhưng ai cũng làm được và do vậy về phương tiện sống của người con Phật của những người tu Phật là chúng ta nên hiểu rõ bối cảnh như thế nào. Ngay cả khi chúng ta vào trong trường thiền, ở tại các quốc gia Phật Giáo tại các trường thiền người ta không bắt mình đóng tiền cho dù có đóng tiền đi nữa thì thật sự là cũng không làm giàu làm có gì cho trường thiền mà là do niềm tin của những người đến làm công quả và khi chúng ta vào hành thiền cho dù bữa đó là bữa ngon hay dở thì chúng ta luôn thọ thực thì chúng ta cũng cầu nguyện là tất cả những phước báu tu tập được chia đến những người công quả cúng dường có thực phẩm ngày hôm nay. 

Thì thật ra một ít cái tác ý khởi lên trong lòng mình như vậy tác ý là mình đem mình xin được chia tất cả những phước mình tu tập đến cho những người đàn tín những người phát tâm sẽ cúng dường am thất cúng dường thực phẩm cho các vị thiền sinh thì cái tấm lòng đó cũng nói lên rằng chúng ta biết thọ thực theo lời Đức Phật dạy và biết trân trọng với những sự phát tâm của tín thí và sự trân trọng đó giúp cho chúng ta rất là nhiều ở trong đời sống tu tập./.

No comments:

Post a Comment